Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:35:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ  (Đọc 4614 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:31:32 am »

Tin ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đồng Minh kháng Nhật của Việt Nam sang Trung Quốc gặp chính phủ Quốc dân đảng bàn về việc phối hợp đánh Nhật, vô cớ bị bắt đã gây dư luận xôn xao căm phẫn ở nhiều huyện, tỉnh dọc biên giới Việt - Trung. Vì chưa biết tin ông Hồ Học Lãm đã mất, nhiều thư từ vẫn gửi tới ông, trong đó có thư của ông bà Tống Minh Phương ở Côn Minh, ông Hồ Ngọc Thành ở Long Châu... Bà Hồ Học Lãm chìm trong lo âu khắc khoải. Nhớ lại hồi còn nằm trên giường bệnh, ông thường nói với bà: Ông Nguyễn Ái Quốc đã về, hồi sinh cho dân tộc. Sau đó, nói chuyện với một vài đồng chí và thấy chồng bà nhắc lại đến đồng chí Vương với sự cung kính đặc biệt, như những lức nói đến ông Nguyễn Ái Quốc.

Qua những thư từ gửi về gia đình, bà Hồ Học Lãm viết nhiều đơn từ khiếu nại, minh oan cho ông Hồ Chí Minh. Trong các thư gửi đến các bạn thân thiết cũ của chồng ở Trùng Khánh hoặc gửi tới tướng Trương Phát Khuê, tư lệnh đệ tứ Quân khu: Trần Bảo Xương, chủ nhiệm chính trị; Nhan Tăng Vũ, sư đoàn trưởng sư đoàn Quốc dân đảng ở Quảng Tây.... bà Hồ Học Lãm đều nhận ông Hồ Chí Minh là người em họ gần với ông Hồ Học Lãm. Bà đề nghị phải trả tự do ngay cho ông Hồ Chí Minh. Bà cũng gửi một bản điều trần lên Tưởng Giới Thạch. Đồng thời, nhờ nhiều bạn hữu trong đó có trung úy Quốc dân đảng La Thành Phương tìm xem ông Hồ Chí Minh hiện bị giam giữ ở nhà lao nào, để bà tới thăm.

Ít ngày sau do sự giúp đỡ của bạn bè, bà Hồ Học Lãm và con gái là chị Hồ Mậu La được biết đích xác là ông Hồ Chí Minh vừa bị giải về nhà giam Liễu Châu. Hai mẹ con vội vã lên đường.

Nhà tù Liễu Châu vốn là trại giam cũ của tên lãnh chúa, nay được cải tạo mở rộng thêm để giam giữ nhiều người, nom vá víu, lổn nhổn, nặng nề, gai góc. Hôm bà tới thăm trời nồm khó thở, ướt láp nháp. Nhà tù Liễu Châu như một con quái vật khổng lồ chết rữa hôi hám ngột ngạt đến ghê rợn.

Lúc đầu, bọn cai ngục chỉ cho phép bà Hồ Học Lãm gửi quà. Đấu tranh mãi, nhất là được sự ủng hộ của nhiều người Trung Quốc lương thiện và có thế lực chúng buộc phải để mẹ con bà Hồ Học Lãm vào thăm. Nhưng chúng chỉ cho đứng ở bên này lối đi, nhìn mặt nhau qua một cánh cửa sổ nhỏ có song sắt.

Một tiếng rít rợn người của tấm cửa sắt vừa hé mở, qua vầng ánh sáng vàng vọt hai mẹ con bà Hồ Học Lãm thoáng nhìn thấy một bóng người khoan thai đi tới. Khuôn mặt và nửa người phía trên của ông Hồ Chí Minh hiện ra giữa khuôn cửa sổ, võ vàng, xanh nhớt, nhưng thần thái của ông, qua ánh mắt vẫn rực sáng, tự tin. Một nụ cười rất lạc quan nở trên môi.

Chị Hồ Mậu La nhận ngay ra được cặp mắt đó. Đồng chí Vương đây rồi! Cả hai mẹ con đều thổn thức nghẹn ngào hồi lâu.

Bọn Quốc dân đảng phần nào biết được ông Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, kẻ thù nguy hiểm số một nên chúng ra sức bưng bít mọi tin tức bằng cách liên tục giải ông từ nhà lao này sang nhà lao khác để mọi người khó theo dõi.

Được tổ chức ta phân công, dựa vào sự giúp đỡ của nhiều nhân sĩ tiến bộ Trung Quốc, chị Hồ Mậu La luôn luôn đưa tin ông Hồ Chí Minh hiện bị giam giữ ở nhà lao nào, ngày nào bị giải đến nhà lao nào, tình hình sức khỏe hiện ra sao... gây thành dư luận rộng rãi nhằm bảo vệ ông Hồ Chí Minh, chặn đứng âm mưu hãm hại của chúng đối với lãnh tụ của ta.

Năm tháng khắc nghiệt cứ trôi qua. Bao chuyển biến mới trên bình diện rộng của cuộc chiến tranh thế giới đã diễn ra trong lúc con thuyền cách mạng Việt Nam vắng sự chỉ đạo của Bác. Bọn phát-xít và quân phiệt Đức, Ý, Nhật đã bị đánh lùi ở tất cả các mặt trận và bị thiệt hại nặng nề. Tại Trung Quốc, dưới sức ép của đông đảo nhân dân, chính quyền Tưởng Giới Thạch buộc phải tuyên chiến với Nhật để đứng hẳn về phía Đồng minh chống phát-xít. Trong thế phản công đánh bại hoàn toàn quân phiệt Nhật, Bộ tư lệnh Đồng minh Châu Á - Thái Bình Dương đã đề ra một dự kiến cho quân đổ bộ lên bán đảo Đông Dương, chia cắt chiến lược thế trận của quân Nhật từ vùng Đông Bắc Á xuống vùng Đông Nam Á. Chính quyền phản động Tưởng Giới Thạch không thể không triệt để lợi dụng cơ hội này để thỏa mãn mưu đồ ấp ủ từ lâu là thôn tính Việt Nam và các nước Đông Dương. Kế hoạch cho Hoa quân nhập Việt lại được đề ra, ráo riết chuẩn bị tích cực hơn, thâm độc hơn. Song, so với âm mưu Hoa quân nhập Việt lần trước thì lần này tình thế đã thay đổi. Cách mạng Việt Nam và Đông Dương đã lớn mạnh. “Hoa quân” muốn “nhập Việt” không thể không bắt tay phối hợp hành động với các lực lượng đồng minh kháng Nhật ở Việt Nam và Đông Dương. Do những điều kể trên và phần quan trọng là sự phản đối liên tiếp của các đoàn thể cách mạng Việt Nam và một số chính giới Trung Quốc về việc giam giữ trái phép ông Hồ Chí Minh, tướng Trương Phát Khuê, kẻ trực tiếp thực hiện kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” đã phải chùn tay. Chúng đã phải để ông Hồ Chí Minh hưởng chế độ “tù chính trị”, sau đó giam lỏng, giám sát ông tại Tư lệnh bộ Đệ tứ Quân khu. Hai mẹ con bà Hồ Học Lãm vài lần đến thăm hỏi ông, khi về vừa mừng vừa lo. Mừng là vì hầu như tất cả Tư lệnh bộ, nhất là số sĩ quan trẻ đều rất cảm phục và quý mến ông Hồ Chí Minh. Họ thấy ở ông một sự uyên bác về mọi mặt, một nghị lực phi thường và rất dễ gần gũi. Ông nói chuyện thời sự hoặc viết báo phân tích tình hình rất sâu sắc và dễ hiểu. Nói hoặc viết, bài nào cũng toát lên tinh thần là hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc phải đoàn kết tương trợ lẫn nhau mới chiến thắng được quân phiệt Nhật. Những người có lương tri đều nhất trí đánh giá ông là một người Việt Nam rất yêu nước, luôn luôn nghĩ đến đất nước và dân tộc mình, đồng thời là người bạn chân thành của nhân dân Trung Quốc, luôn gắn bó lợi ích của hai dân tộc láng giềng với nhau. Thái độ của một số kẻ chóp bu ở Tư lệnh bộ, nhất là bọn đặc vụ Quốc dân đảng thì khác hẳn. Bề ngoài thì thưa gửi rất cung kính lễ độ nhưng bên trong thì ra sức bới lông tìm vết. Mùa rét như cắt ruột, thấy ông tập luyện rồi nhảy xuống dòng sông Liễu Giang vùng vẫy thỏa thuê, là chúng xem như đó là bằng chứng chứng tỏ rằng ông chính là Nguyễn Ái Quốc, vì sống lâu ở bên Nga nên thích nghi với cái rét rợn người. Chúng khéo bố trí để tướng Trương Phát Khuê vào một buổi sớm cực rét được nhìn thấy tận mắt “ông già phương Nam chịu rét giỏi hơn rất nhiều người phương Bắc”. Bà Hồ Học Lãm và người con gái rất phiền lòng khi thấy có nhiều người xấu trong các tổ chức gọi là “Việt Nam cách mệnh đồng minh hội” do chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc dựng lên làm tay sai cho chúng dẫn đường cho “Hoa quân nhập Việt” sau này, thường ton hót với chủ là ông Hồ Chí Minh là lãnh tụ cộng sản Việt Nam. Bản thân tướng Trương Phát Khuê và bộ hạ thân tín đều khét tiếng là những kẻ diệt cộng không ghê tay. Qua các con đường tình báo đặc vụ ở Hoa Nam, ở Trùng Khánh, Trương Phát Khuê cũng thừa biết ông Hồ nếu không phải là Nguyễn Ái Quốc thì cũng là một nhân vật cộng sản lỗi lạc, kẻ thù số một của họ. Nhưng Trương vẫn còn phân vân chưa dám hạ sát ông, phần vì sợ dư luận rộng rãi, phần vì đức độ, cốt cách của ông. Trước dư luận và ngay cả ở trong lao tù, nhất cử nhất động của ông đều vì công cuộc kháng Nhật đến thắng lợi. Thành ra, chúng cũng chưa tạo ra được bằng cớ nào để kết tội ông. Mặt khác, Trương còn mưu toan một nước cờ cao khác là làm sao ép được ông vào cái tổ chức Đồng minh hội, khoác cho tổ chức đó một cái nội dung mới, phục vụ cho việc “Hoa quân nhập Việt” dễ dàng thuận lợi hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:32:07 am »

Một hôm, từ chỗ giam ông Hồ Chí Minh, chị Hồ Mậu La dẫn về nhà một người bạn của bố. Bà Hồ Học Lãm lúc đầu không nhận ra người bạn tri kỷ mà hồi còn sống, chồng bà thường nhắc đến với bao nỗi xúc động sâu xa. Người bạn đó là Đinh Chương Dương. Thuở nhỏ Đinh Chương Dương là một chiến sĩ giao thông (liên lạc) cho thủ lĩnh nghĩa quân Đinh Công Tráng trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình ở quê nhà. Đến phong trào Đông Du, ông cùng với Hồ Học Lãm và một số đồng chí khác theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật: Hồ Học Lãm và các bạn ở lại học quân sự. Riêng Đinh Chương Dương theo chỉ thị của Phan Bội Châu trở về Việt Nam cùng với Lê Duy Điếm và một số đồng chí khác làm nhiệm vụ dẫn đường cho các chuyến đi Đông Du tiếp sau. Bị Chính phủ Nhật phản bội, phong trào Đông Du tan rã, Đinh Chương Dương lại đảm đương nhiệm vụ đưa đón thanh niên ta từ trong nước sang Quảng Châu, Trung Quốc tìm đến Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Khi tổ chức này về nước phát triển thành nhiều chi bộ ở các tỉnh, Đinh Chương Dương tham gia chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Thanh Hóa, tích cực hoạt động thành lập nhiều chi bộ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bị đế quốc Pháp bắt tù hai lần. Sau khi ra tù, Đinh Chương Dương lại tiếp tục hoạt động.

Tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây, Trung Quốc được thông báo về Hà Nội vào cuối năm 1943 đầu năm 1944. Cách mạng trong nước lúc đó đang gặp vô vàn khó khăn. Phong trào đang bị khủng bố đàn áp dữ dội. Cơ sở bị vỡ. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị bắt. Ở Hà Nội lúc đó chỉ còn một số rất ít cơ sở của Đảng. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng vừa thoát khỏi nhà tù đế quốc đang nương náu tại gia đình riêng của anh chị Vũ Đình, đảng viên ở phố Hàng Bạc - Hà Nội. Thấy sự cần thiết phải tổ chức một phái đoàn với danh nghĩa là tổ chức Đồng minh kháng Nhật ở Việt Nam và Đông Dương sang Quảng Tây gặp nhà đương cục Trung Quốc đòi trả lại tự do ngay cho ông Hồ Chí Minh để ông về lãnh đạo kháng Nhật, đồng chí Vũ Đình đã đi tìm gặp đồng chí Đinh Chương Dương bàn bạc cụ thể:

- Đã thế, tôi phải đi ngay lập tức, gặp Trương Phát Khuê - Đinh Chương Dương nói.

- Hình như anh không nói được tiếng Quan hỏa (tiếng phổ thông của Trung Quốc, chính quyền Tưởng Giới Thạch đang dùng làm tiếng nói chính thống trong mọi giao dịch giữa các dân tộc có tiếng nói khác nhau ở Trung Quốc).

- Tôi không nói được, sẽ bút đàm.

- Càng hay, nó càng tin anh chính cống từ trong nước ra.

Phái đoàn Đinh Chương Dương với danh nghĩa Đồng minh hội kháng Nhật của Việt Nam vượt biên giới sang Quảng Tây. Được sự giúp đỡ của nhiều nhân sĩ và những người cách mạng Trung Quốc, đoàn đã gặp Trương Phát Khuê.

Trong cuộc gặp ấy, trong lúc bút đàm, khi nói về mối bang giao giữa hai nước, Trương Phát Khuê hay dùng điển tích. Đinh Chương Dương cũng dẫn nhiều điển tích xa xưa và hai bên tỏ ra tâm đắc với nhau. Trong cuộc bút đàm này, khi nói đến việc ông Hồ Chí Minh, Đinh Chương Dương nhiều lần cho hắn biết đó là một yếu nhân trong tổ chức Đồng minh hội kháng Nhật - một tổ chức rất có uy tín ở trong nước, đang tập hợp được mọi tầng lớp sĩ - nông - công - thương để đánh Nhật, Pháp. Đinh Chương Dương cũng nói rõ lý do ông sang gặp Chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc để bàn việc hợp tác đánh Nhật và phản đối việc giam giữ ông Hồ Chí Minh, yêu cầu trả lại tự do cho ông.

Cách mạng càng lớn mạnh thì kẻ thù càng hung bạo. Năm 1943 và 1944, trên toàn quốc và riêng ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng ta phải đương đầu với nhiều đợt khủng bố triền miên cực kỳ man rợ của Pháp, Nhật. Bao thủ đoạn đàn áp chém giết, phỉnh phờ mua chuộc chia rẽ mà bọn thống trị Pháp, Nhật tích lũy được gần một trăm năm ở ba xứ Đông Dương, ở Cao Ly (Triều Tiên), Mãn Châu và Trung Quốc... đều được đem ra áp dụng. Lòng người dân, người cán bộ cách mạng quặn đau khi đứng ở trên cao nhìn xuống từng đám cháy lớn thiêu đốt làng bản cuồn cuộn đen ngòm cả một góc trời. Bóng bọn lính bị xua đi chém giết những người dân lành vàng cả cánh đồng. Lúa non, bắp mới cũng bị đốt cháy ra tro. Trâu, bò, lợn, gà chết thối rữa. Những người còn sống sót thì bị cào nhà phá vườn, chúng dồn về sống tập trung vào một chỗ. Mang một dúm gạo, một bắp ngô ra ngoài cũng bị gán cho là đi tiếp tế Việt Minh, bị xử bắn ngay tại chỗ.

Song giặc càng đàn áp bao nhiêu thì ngọn lửa cách mạng càng hừng hực nóng bỏng bấy nhiêu. Trước tình hình bị đàn áp khủng bố dữ dội có thể dẫn đến sự rã rời của khí thế cách mạng, tan vỡ hết cơ sở, liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng đã thông qua chủ trương khởi nghĩa.

May mắn thay, cuộc khởi nghĩa sắp bùng nổ thì Bác về tới Cao Bằng. Nghe báo cáo của liên tỉnh ủy xong. Bác phân tích tình hình toàn cục và chỉ thị đình chỉ khởi nghĩa, cứu được cho phong trào một tổn thất khó lường trước được. Tình thế cách mạng lúc này đã thay đổi nhiều. Bác phân tích thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa đến. Cần phải có cách giải quyết mới linh hoạt hơn, phù hợp với hoàn cảnh mới. Bác triệu tập cuộc họp với các cán bộ chủ chốt, đề ra việc thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với phương châm hoạt động là quân sự phải phục vụ chính trị tác chiến để gây ảnh hưởng cách mạng trong nhân dân nhằm mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang toàn dân. Bác trao nhiệm vụ trọng đại này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Do liên lạc khó khăn, tôi nhận được giấy triệu tập họp chậm. Mặc dù bị cơn sốt rét dữ dội hành hạ, tôi tranh thủ ngày đêm sớm về nơi Bác ở.

- Chú đã về đấy à, sao gầy yếu thế?

Đúng ra đó là câu tôi phải hỏi Bác. Tôi nghĩ vậy và không sao thốt nên lời. Tóc Bác bạc hơn nhiều. Răng rụng, thân hình sắt lại trong bộ quần áo chàm. Bác kéo tay tôi vào tấm ván vừa là chỗ Bác nằm vừa là chỗ ngồi để đánh máy chữ, rồi nói:

- Nhờ đồng chí, nhờ anh em, mình đã tai qua nạn khỏi. Ta lại cộng tác với nhau, làm việc hăng hơn nữa, nếu không thì không kịp được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:32:42 am »

Thời gian này được làm việc ở gần Bác, tôi thấy Bác luôn nhắc đến vấn đề thời cơ của cách mạng Việt Nam. Đó là ngày tận số của chủ nghĩa phát-xít Hít-le ở châu Âu, là việc tham chiến của Hồng quân Liên Xô giáng đòn quyết định vào sự sụp đổ hoàn toàn của quân phiệt Nhật Bản ở châu Á - Thái Bình Dương, là sớm muộn quân phiệt Nhật phải lật đổ thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương. Tôi phát biểu luôn với Bác là nếu Nhật đánh Pháp sẽ là cơ hội thuận tiện cho ta tước được nhiều vũ khí của cả giặc Pháp và giặc Nhật, và tôi mong ngày đó đến càng sớm càng hay.

Bác cười, nói vui:

- Chú lại mong “hành tai lạc họa” đấy à? Nhưng thôi. Lần này thì có lẽ phải chuẩn bị lấy súng đi thì vừa.

... Trước đây có một vài đồng chí gặp tôi nhắc lại lời tiên đoán của Bác viết trong cuốn sử Lịch sử nước ta diễn ca dùng để huấn luyện cán bộ từ hồi ở Pắc Bó trong đó có câu kết “Bốn lăm (45) cách mạng thành công” và hỏi tôi xem tôi ở gần Bác có được Bác dẫn giải cụ thể gì không? Tôi không thể nào trả lời rằng “có” hay “không” vì đã quá lâu ngày, mặc dù câu thơ ấy tôi có nhớ. Thế nhưng có điều tôi không quên được là một hôm Bác hỏi tôi đại ý là “sắp tới về Hà Nội chú thích nhận công tác gì?”. Lúc đó tôi hơi ngớ người ra, sau ngẫm nghĩ lại, mới thấy là từ trước năm 1940, Bác chưa hề hỏi tôi như thế bao giờ. Lúc đó tôi trả lời Bác đại ý là tôi có lòng tin tuyệt đối là cách mạng nhất định sẽ thành công, Trung ương Đảng và Bác nhất định sẽ về thủ đô, còn bản thân tôi chưa nghĩ đến việc, đó vì chưa biết là đến ngày đó mình còn sống hay chết?

- Cứ coi như vẫn mạnh giỏi đi - Bác nói tiếp.

- Thưa Bác, lúc này cách mạng còn phải hoạt động bất hợp pháp, bí mật, địa bàn chưa rộng lắm, nhiệm vụ tuy rất nguy hiểm khó khăn nhưng cũng không đến nỗi bề bộn phức tạp lắm, nên tôi tự thấy việc gì cũng có thể làm được. Tôi dẫn chứng thêm lời nói của Lê-nin là giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó khăn hơn nhiều, rồi nói tiếp: đến lúc đó thì mỗi cán bộ nên tự lựa sức mình làm được việc nào thì nhận việc đó. Mà đã nhận thì phải làm hết sức mình vì cách mạng. Còn ngược lại, không làm nổi hoặc cố vươn lên cũng không nổi mà cứ nhận thì chỉ gây tổn hại cho cách mạng.

Bác hỏi lại lần nữa nên tôi phải nói thật ý nghĩ của mình:

- Thưa Bác, về phần tôi thì tôi sẵn sàng làm theo sự phân công của cách mạng. Giả thử bảo tôi về công tác ở nông thôn tôi cũng rất sẵn sàng.

Bác cười vui:

- Lại thích vui thú điền viên rồi!...

Sau ngày 9 tháng 3 Nhật đảo chính Pháp, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng ta, nhiệm vụ chuẩn bị tổng khởi nghĩa phát triển mạnh mẽ khắp các nơi. Hôm được tin quân ta tiêu diệt bọn Nhật đóng ở Tam Đảo, chúng tôi phấn khởi hào hứng tưởng như thừa thắng xốc tới thẳng về miền xuôi ngay được. Đối với Bác, sự vui mừng chỉ thoảng qua. Bác nói:

- Tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước lúc này cũng chính là tích cực chuẩn bị cho toàn dân sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ chính quyền cách mạng. Vì bọn thực dân phản động Pháp nhất định sẽ quay trở lại đánh chiếm Đông Dương lần nữa.

Lời giáo huấn của Bác ngay lúc đó đã tác động mạnh đến chúng tôi, làm cho chúng tôi đỡ “lạc quan tếu”, đỡ đơn giản hóa đi nhiều.

Khi được tin quân đội Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương làm nhiệm vụ tước khí giới của quân Nhật bại trận đầu hàng, từ vĩ tuyến 16 trở lên, còn từ vĩ tuyến 16 trở vào sẽ do quân đội Anh, tôi cảm nhận thấy một tình thế cực kỳ nguy hiểm, rối ren phức tạp sẽ đến với vận mệnh của nước ta. Trên chục năm trong quân đội Tưởng Giới Thạch tôi còn lạ gì cái đội quân ô hợp, đói rách, thổ phỉ này kể cả quân lẫn tướng! Thảo nào chúng ráo riết chuẩn bị từ lâu kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” đến thế! Tôi cũng không lạ gì lòng lang dạ sói của bọn thực dân phản động Anh và Pháp... đối với các dân tộc thuộc địa ở châu Á qua nhiều lần chạm trán với chúng ở Thượng Hải, Nam Kinh... Càng nghĩ tôi càng thấy bồn chồn không yên. Một hôm, được về gặp Bác, đêm khuya làm việc xong, tôi mạnh dạn trình bày với Bác nỗi lo canh cánh bên lòng.

Bác chăm chú ngồi nghe, xong hỏi lại tôi:

- Giữa thằng Pháp và thằng Tưởng, thằng nào nguy hiểm hơn?

- Thưa Bác cả hai đều nguy hiểm, nhưng mỗi thằng nguy hiểm một cách khác nhau - Tôi trả lời.

- Cả hai đều là kẻ thù nguy hiểm cả - Bác nói - Nhưng một thằng ở xa, còn một thằng ở gần, ở sát nách ta. Theo chú, thù nào nguy hiểm hơn, đáng gờm hơn?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:33:10 am »

*
*   *

Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 được ký kết giữa ta và Pháp. Bằng việc hạ bút ký hiệp định. Bác đã gạt được 20 vạn quân Tưởng ra khỏi vòng chiến. Chỉ còn lại Pháp, Bác sẽ nói chuyện sau với chúng.

Vào một ngày cuối tháng 3 năm 1946, tôi đang công tác tại Quân khu 4 thì được điện của Chủ tịch nước gọi ra Hà Nội.

Dọc đường, bóng dáng bọn Tàu phù quần áo vàng hoen ố, những chiếc mũ bình thiên đội lệch trên đầu bọn sĩ quan Quốc dân đảng gợi lại trong tôi cả quãng thời gian cay đắng phải sống chung với chúng vì nhiệm vụ quốc tế mà hồi đó đồng chí Lý Thụy giao cho. Chiếc xe đưa tôi đến vùng ngoại ô Hà Nội. Lại đập vào mắt tôi những chiếc mũ nồi đỏ, mũ nồi xanh, mũ sắt sơn trắng của bọn lính Pháp vừa được phép vào một số tỉnh miền Bắc Việt Nam theo Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946. Hình ảnh những thằng Tây mặt đỏ như gà chọi đã hai lần đến đánh đập bắt trói cha tôi đi tù, như sống lại làm nhức nhối tâm can.

Xe dừng lại trước cửa Bắc Bộ phủ. Tôi bước vội lên các bậc thêm cao, hồi hộp như những lần được về gặp Bác trước đây. Bác ngừng tay đánh máy vừa đứng dậy vừa hỏi:

- Chú đi bộ hay đi xe về đây?

- Thưa Bác, tôi đi xe về cho nhanh - Tôi đáp, và nghĩ ngay đến buổi nói chuyện với Bác hồi đầu năm, kết thúc bằng câu nói vui của Bác: “Lại thích vui thú điền viên rồi!”.

Bác dẫn tôi về phía bàn tiếp khách.

Uống chén nước xong, Bác bắt đầu nói:

- Theo điều khoản phụ lục về quân sự của Hiệp định vừa ký, Chính phủ ta sẽ tổ chức một đội quân tiếp phòng cùng với quân Pháp thi hành Hiệp định, cần một thiếu tướng để chỉ huy, giao dịch với Pháp. Bác giao cho chú làm việc này.

Tôi suy nghĩ rồi nói:

- Tôi tự xét thấy chưa quen làm việc với bọn Pháp, ít am hiểu bọn chúng. Đề nghị Bác chọn một đồng chí khác có năng lực về mặt này thì hơn.

- Chú định thay mặt Ban Thường vụ Trung ương quyết định vấn đề cán bộ đấy à? Bác đã cân nhắc kỹ, việc này chú làm được, chú nhận đi.

Lúc tiễn tôi ra xe, Bác nói tiếp:

- Tướng Va-luy, Xa-lăng... và cả Xanh-tơ-ny nữa, lúc này đều có mặt ở Hà Nội. Mấy năm qua họ nằm ở Côn Minh, hoạt động ráo riết để nắm tình hình của ta. Nhiệm vụ của chú nặng nề đấy...

Thế là, tôi lại được Bác giao cho một nhiệm vụ quan trọng. Tôi không ngờ lại được làm tướng của quân đội ta. Sau này, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tôi còn được Đảng và Bác giao cho giữ nhiều trọng trách khác của Quân đội và của Nhà nước. Song tất cả đều đã được Bác dạy dỗ, chuẩn bị cho từ những năm tháng xa nhà, xa quê hương, xa Tổ quốc của thập kỷ 20 và 30 trong những năm “Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:42:35 am »



Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm sân bay Bạch Mai. Đồng chí Lê Thiết Hùng (người đứng bên trái) - Tổng chỉ huy Tiếp phòng quân và đồng chí Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội trong đoàn tháp tùng, bảo vệ của Bác (năm 1946).



Bác Hồ với các tướng lĩnh quân đội
Trong ảnh:
Hàng đầu, từ trái qua phải: Các đồng chí Tạ Xuân Thu, Lê Thiết Hùng, Văn Tiến Dũng, Bằng Giang.
Hàng sau: Các đồng chí Lê Hiến Mai, Hoàng Văn Thái, Trần Quý Hai, Quang Trung v.v...




Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Lê Thiết Hùng tại chiến khu Việt Bắc (năm 1948)



Đồng chí Lê Thiết Hùng (người đứng bên trái) và đồng chí Trần Văn Trà trong phái đoàn quân - dân - chính - đảng miền Nam lần đầu ra chiến khu Việt Bắc (ảnh chụp năm 1949)



Đồng chí Hoàng Văn Thái và đồng chí Lê Thiết Hùng (người đứng bên trái) - Ảnh chụp năm 1948)



Đồng chí Lê Thiết Hùng (người đứng bên trái) và "lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.



Đồng chí Lê Thiết Hùng (người đứng bên trái) và đồng chí Vương Thừa Vũ (ảnh chụp năm 1946).



Đồng chí Lê Thiết Hùng và mẹ, cùng vợ và con gái trước ngày lên đường sang làm Đại sứ tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (năm 1963)



Tang lễ đồng chí Lê Thiết Hùng
Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội đưa linh cữu đồng chí Lê Thiết Hùng về nơi an nghỉ cuối cùng (năm 1986).




Bàn thờ gia tộc họ Lê được lập ở Đông Thôn (Hưng Nguyên, Nghệ An), có ảnh đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Lê Thiết Hùng
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2020, 10:59:08 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM