Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:56:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ  (Đọc 4618 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:08:31 am »

*
*   *

Khoảng năm 1938, rộ lên phong trào thanh niên, trí thức bỏ khu trắng của Tưởng Giới Thạch lên Diên An.

Hồ Diệc Lan, con ông Hồ Học Lãm, học xong trung học, vào công tác ở một công ty nuôi tằm. Cùng một số đồng chí khác, Lan vận động công nhân đấu tranh đòi tăng lương. Sau đó, cùng một số công nhân bỏ việc. Lúc đó tôi và Hồ Diệc Lan vừa kết hôn được vài tháng - Lan thôi việc là để hợp pháp việc đi học ở trường Thiểm Cơ của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mở ở khu căn cứ Thiểm Cam Ninh. Cùng đi đợt đó có anh Cao Hồng Lĩnh.

Ở khu căn cứ hai năm, sinh hoạt quá thiếu thốn, gian khổ, sức khỏe giảm sút, Lan mắc bệnh lao phổi. Khoảng năm 1940 sau khi học xong, tổ chức có ý định đưa về Hà Nội hoạt động, làm một trong những đầu mối liên lạc của ta, nhưng bệnh đã phát triển nặng, Lan phải ở lại Trung Quốc chữa bệnh. Sau đó Lan qua đời, chưa qua một kỳ sinh nở...

Chiến tranh xâm lược của đế quốc Nhật đã đẩy Trung Quốc vào nguy cơ mất nước. Tưởng Giới Thạch chỉ đánh Nhật bằng mồm. Còn Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng quân Trung Hoa lúc này thì đánh bằng súng đạn thực sự. Là một cán bộ cao cấp, tôi được nghe phổ biến chỉ thị tối mật của Tưởng ủy viên trưởng. Tưởng vẫn coi Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bát lộ quân là kẻ thù số một, tranh thủ mọi cơ hội, bằng mọi biện pháp để tiêu hao, tiêu diệt. Giữa chừng, tôi nhận được lệnh thuyên chuyển về làm hiệu trưởng một trường huấn luyện đào tạo lái xe tăng, thiết giáp, xe vận tải và thợ sửa chữa các loại xe đó. Tôi coi đây là một cơ hội rất tốt đi sâu vào các binh chủng kỹ thuật, chuyên môn, nên say sưa học lái xe tăng, thiết giáp, các loại xe vận tải, nắm chắc nguyên lý cấu tạo, vận hành của nó. Tiếng đồn “Ngài hiệu trưởng” ngày đêm lăn lộn trên thao trường với binh lính khiến tôi càng thêm được cảm tình của đại bộ phận học viên và sĩ quan. Tôi muốn qua số anh em thợ sửa chữa và số học viên từ nhiều vùng khác nhau tới mà hy vọng bắt được liên lạc với cơ sở của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong số học viên kỹ thuật, có khá đông là Hoa kiều mới từ In-đô-nê-xi-a trở về Trung Quốc, xung phong vào quân đội Quốc dân đảng. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: Liệu học xong, họ được đi đánh Nhật, hay lại bị xua đi đánh cộng sản đây?

Giữa khóa, nhà trường tổ chức một đợt hành quân dã ngoại trên một đoạn đường dài từ Hồ Nam tới Quý Châu. Xe cộ rầm rập chạy trên đường. Một hôm, từ sớm tinh mơ, tôi và một số sĩ quan giảng dạy đứng trên mô đất cao duyệt lại tình huống diễn tập trong ngày, nhìn thấy có nhiều xe ô tô hòm kính sang trọng chạy về Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu. Lại cuộc đón rước phiền hà nào đây - tôi nghĩ vậy, nhưng vẫn ra lệnh cho đoàn xe hành tiến. Xe tăng, xe thiết giáp rầm rầm lăn xích trên đường. Gặp đoạn đường xấu, đoàn xe ùn lại, nghềnh ngàng. Vừa lúc đó đoàn xe ô tô sang trọng bon bon đi tới, vướng vào đội hình của chúng tôi. Một viên sĩ quan tùy tùng từ phía dưới hầm hầm chạy lên:

- Đại tá hiệu trưởng xuống gặp ngay Tưởng ủy viên trưởng.

À ra thế! Tôi nghĩ thầm, rồi thản nhiên bước đi. Những khuôn mặt phì nộn từ trong các xe hòm kính bị ùn lại nhăn nhăn, nhó nhó như muốn trút mọi bực dọc vào tôi. Tôi đàng hoàng bước tới chiếc xe hòm kính màu đen bóng lộn đỗ ở quãng giữa đoàn xe. Tưởng Giới Thạch xo ro trong bộ quân phục thống chế, đưa mắt nhìn tôi từ đầu tới chân. Y hơi gầy. Nghe nói y là nghiện thuốc phiện nặng nhưng do dùng nhiều sâm nhung nên cũng không đến nỗi nào.

- Không biết có ta đi qua đây hả?

- Báo cáo (đảng lẽ ra tôi phải báo cáo ủy viên trưởng) tôi không được thông báo gì cả.

- Tập cái gì?

- Báo cáo, tập hành quân đánh Nhật - Tôi dằn giọng vào hai tiếng đánh Nhật.

Trong lúc đó, người sĩ quan phụ tá của tôi đã điều chỉnh xong đội hình, lấy lối cho đoàn xe hòm đi. Tưởng Giới Thạch gườm gườm nhìn tôi. Viên sĩ quan hậu cần đóng sầm cửa xe. Xe lăn bánh rồi mất hút. Xong buổi tập, vừa về tới doanh trại, tôi đã nhận được điện thoại của thiếu tướng trực tiếp chỉ huy:

- Tôi vừa bị Trung Hoa đệ nhất kiệt (tức Tưởng Giới Thạch) xạc cho một trận đấy. Nếu được biết trước tôi sẽ ra lệnh hoãn tập.

- Báo cáo tướng quân, đoàn xe của ủy viên trưởng chỉ phải dừng lại chưa đầy mười lăm phút...

- Thôi được.

Bắt được mật thư của tổ chức ta ở Quảng Tây do ông Hồ Học Lãm chuyển tới, tôi xin nghỉ phép, đi ngay. Trên con đường về phương Nam. nhích dần tới biên giới Tổ quốc, tôi sống trong niềm vui thật sự. Tôi đã được gặp những đồng chí của mình: Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lĩnh, Hoàng Đình Rong và một vài đồng chí khác. Tôi càng phấn khởi khi được biết đồng chí Lý Thụy tức Nguyễn Ái Quốc vốn bặt tin tức từ lâu có địa chỉ liên lạc: Đồng chí Vương, biện sự xứ Bát lộ quân tại Trùng Khánh.   

Qua giới thiệu của anh Phùng Chí Kiên, tôi gặp người đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động bí mật ở mấy tỉnh miền Nam Trung Quốc bí danh là Lôi Chấn.

- Chúng tôi tìm đồng chí như thể tìm chim - Lôi Chấn nói. Còn tôi - tôi đáp: như hạn hán mong được mưa rào. Hai người cộng sản của hai dân tộc vừa làm việc vừa hàn huyên bên cạnh đống than hồng lò sưởi cho đến khuya...

Lần này theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi xin chuyển lên Hoa Bắc, công tác tại Binh đoàn vận tải số 1. So với miền Hoa Nam, Hoa Trung thì Hoa Bắc lúc đó là mặt trận sôi động, có phần ác liệt hơn. Vì ở đây cả đế quốc Nhật và bè lũ Tưởng Giới Thạch đều chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bát lộ quân. Binh đoàn vận tải số 1 chạy trên các tuyến đường phía Bắc. Về đây, tôi bắt liên lạc được với đồng chí Lục Quần, đại diện của Đảng bạn ở tỉnh Sơn Tây. Chúng tôi hiện giờ rất cần đến súng đạn - Lục Quần nói. Chỉ một giờ sau, với trí nhớ của mình, tôi đã trao cho người của Đảng bạn một bản sơ đồ vẽ tay đánh dấu vị trí bằng tọa độ hẳn hoi những kho vũ khí, quân dụng, quân nhu (kho chính, kho trung chuyển) của Quốc dân đảng ở hai tỉnh Sơn Tây, Hà Nam và một phần tỉnh Thiểm Tây - Các đồng chí nếu có cơ sở quần chúng tốt ở các vùng kể trên thì có thể dùng một đội võ trang tập kích bất ngờ là có thể lấy được rất nhiều vũ khí - Tôi góp ý kiến với Lục Quần.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:09:00 am »

Binh đoàn vận tải số 1 còn có nhiệm vụ tiếp tế hậu cần cho các đơn vị Quốc dân đảng ở Quân khu Tây Bắc thuộc các tỉnh Cam Túc và Tân Cương. Đường vận chuyển rất gieo neo, hiểm trở. Đèo cao dốc đứng, phải qua nhiều sào huyệt của từng toán thổ phỉ hung dữ nổi tiếng từ nhiều năm nay. Thời bình, không một đoàn xe vận tải dân sự hay quân sự nào qua đây mà không bị chặn đánh, cướp bóc hay nộp tiền mãi lộ. Từ khi có chiến tranh, nhất thiết các đoàn xe tải đều phải có xe vũ trang đi hộ tống. Quân Quốc dân đảng cũng như Bát lộ quân đều ra sức tiễu phỉ, nhưng vẫn không sao dẹp yên được. Bọn thổ phỉ như yêu tinh bị chém đầu này mọc đầu khác. Chiến tranh mở rộng, chúng càng quấy nhiễu, cả khu đỏ lẫn khu trắng. Tiểu đoàn vận tải số 106 của binh đoàn vận tải số 1 mà tôi vừa đến là một đơn vị có thành tích, dày dạn kinh nghiệm. Nhưng tìm hiểu kỹ thì nó cũng là một tổ chức buôn lậu, áp phe lớn các mặt hàng vàng bạc, thuốc phiện, hàng cao cấp, hạ cấp... móc nối từ những tên chóp bu trong quân đội, chính quyền cho tới cấp cơ sở.

Trong số 8 đại đội trưởng của tiểu đoàn, mỗi người một tính một nết, một cách xoay sở, vun vén cá nhân nặng nhẹ, ma mãnh khác nhau. Có anh “vua bảo mạng”, dọc đường bị thổ phỉ chặn đánh là bỏ hàng hóa lại, chạy thoát thân. Tướng chạy tất nhiên là lính cũng bỏ chạy, chiến đấu làm gì, chết thiệt thân. Có anh ngổ ngáo, sau khi đánh lui thổ phỉ đem một phần hàng hóa vũ khí đạn dược bán lại cho bọn gian thương, địa chủ lãnh chúa địa phương. Ấy thế mà mọi thứ biên lai giấy tờ nơi xuất, nơi nhận đều rất đầy đủ nghiêm chỉnh Có trường hợp tẩy xóa nhưng làm rất khéo. Có cả những loại giấy tờ giả mạo nữa. Còn báo cáo về những sự cố mất mát ở dọc đường thì đủ mọi lý do, viện đủ bằng chứng và nhân chứng để gỡ tội. Tôi cũng bị hố với họ vài lần đầu. Sau có kinh nghiệm, tôi chỉ nhìn sắc thái nét mặt từng anh là đoán ra được. Có anh, tôi phải dùng đòn cân não đánh phủ đầu, nhưng cái chính mà tôi rút ra được là dựa vào số anh em binh sĩ tốt trong từng đơn vị. Thường tôi áp dụng hình thức giơ cao đánh khẽ, nghiêm khắc răn đe họ lần sau phải lập công chuộc tội, nếu không sẽ lập tòa án binh xét xử theo quân lệnh. Tôi lại không dính dáng gì đến việc áp phe kiếm chác của họ nên lời cảnh cáo của tôi rất có hiệu nghiệm. Tuy vậy để che mắt mọi người kể cả xấu tốt, đôi lúc tôi cũng nhận vài vật biếu xén có tính chất hối lộ của bọn họ, nói là để tặng người yêu.

Theo yêu cầu của tôi, Đảng. Cộng sản Trung Quốc gửi tới tiểu đoàn tôi vài sĩ quan, hạ sĩ quan (bỏ tiền ra mua chức sĩ quan) và một số binh sĩ (tân binh nhập ngũ). Những người này hoàn toàn không biết tôi là ai. Trong số 8 đại đội trưởng, có đại đội trưởng đại đội 3 Dương Tử Kiếm và đại đội trưởng đại đội 7 Trương Quang Minh là tiến bộ hơn cả. Họ thường tỏ vẻ bất bình với chủ trương “bất đề kháng” của Tưởng Giới Thạch và tán thành chủ trương Quốc - Cộng hợp tác trong Mặt trận dân tộc thống nhất kháng Nhật do Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra. Hai anh cũng xoay sở kiếm chác, nhưng còn chút liêm sỉ, giữ gìn nhân cách. Đối với hai anh này đôi lúc tôi tỏ vẻ thông cảm...

Tính ra chưa đầy 6 tháng, tôi đã bố trí được ba lần tiếp tế trên ba chục tấn súng đạn, dụng cụ quân sự, thuốc men cho Bát lộ quân. Một lần, cần giao cho Bát lộ quân hai chục tấn phương tiện thông tin gồm đủ cả máy điện thoại, tổng đài, dây điện và máy thông tin vô tuyến điện, tôi ủy nhiệm cho Dương Tử Kiếm, Trương Quang Minh đi làm. Có người của quân khu đóng giả sĩ quan Quốc dân đảng đến đúng địa điểm đã hẹn để nhận. Tuy vậy không phải lần nào cũng trót lọt. Có lần đến điểm hẹn, tôi cho đoàn xe dừng lại rồi phóng ô tô con lên trước đợi tín hiệu liên lạc, mãi chẳng thấy gì, lại phải cho lệnh đi tiếp. Cũng có lần thổ phỉ lại nhanh chân hơn người của mình, phải nổ súng đánh tan bọn chúng.

Tuy vậy, tôi vẫn phải hết sức cảnh giác đề phòng. Bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch có thể đã đánh hơi thấy việc làm của tôi. Cũng may là ở địa đầu Hoa Bắc này vừa rất xa Trung ương (Trùng Khánh) mà quân Nhật lại rất đông, mạnh, không phải là nơi làm ăn béo bở đối với bọn quan chức sâu mọt Quốc dân đảng, nên bọn chúng cũng ít lần mò lên đây. Nếu buộc phải lên kiểm tra xem xét thì chúng cũng chỉ làm quấy quá cho xong việc. Có lần, tôi đang chỉ huy đoàn xe tiếp tế trên đường thì có đoàn kiểm tra đột xuất đến, bắt dừng lại để kiểm tra, vặn vẹo điều này điều nọ. Cấp trên cũng lui tới sở chỉ huy của tôi luôn. Tôi càng phải thận trọng, biến báo trong suy nghĩ, nói năng và hành động.

Thời gian này thỉnh thoảng tôi cũng nhận được thư của ông Hồ Học Lãm ở Trùng Khánh và thư của anh Mạnh Văn Liễu gửi tới. Qua thư của anh Liễu cũng như thư gia đình kèm theo những tiếng lóng, tín hiệu, ký hiệu mật, tôi đoán biết các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hoàng Văn Noọn và chị Minh Khai đã về tới nơi, đem ánh sáng của đường lối Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII để bổ khuyết cho đường lối của Đại hội Ma Cao của Đảng ta cho phù hợp với nghị quyết của Đại hội Quốc tế cộng sản, và đề ra những chủ trương thích hợp với tình thế mới.

Tôi đọc thư, lòng vui như hội, cứ ngỡ là mình đang ở Bến Thủy, Vinh đón bố tôi từ trong nhà tù bước ra, vợ chồng con cái gặp nhau, hoặc đang ở Hà Nội, Sài Gòn công tác bên cạnh các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...

Lúc này ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương: Quốc - Cộng hợp tác trong Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật từ cuối năm 1937, nhưng thực ra thì cả hai bên đều án binh bất động, cùng chơi con bài “tọa sơn quan hổ đấu”. Hổ Cộng sản đấu với hổ Nhật Bản cho tới lúc cả hai bên cùng mệt nhoài, sứt đầu mẻ trán, đến lúc đó, hổ Quốc dân đảng mới nhập cuộc, giành phần béo bở nhất... Tuy nhiên, lúc này mọi suy nghĩ của tôi đều phải tập trung vào việc tính toán để hạ quyết tâm làm một cú lớn, trao cho bạn một mặt hàng quý hiếm phần lớn là khí tài phương tiện quan trắc đo đạc và thông tin bộ đàm v.v... Chuyến đi này rất xa, gần tới địa phận miền Tân Cương hẻo lánh. Tôi dẫn đầu đoàn xe cùng với đại đội của Dương Tử Kiếm rồi Trương Quang Minh. Tôi dự tính sẽ trao hàng vào lúc xế chiều. Trên đường đi ba lần gặp thổ phỉ, phải chiến đấu mở đường. Hôm sau mới gặp người ra đón. Trao đổi đúng mật hiệu liên lạc.

Việc trao hàng đã được tiến hành rất nhanh chóng thuận lợi, đủ giấy tờ “hợp pháp”. Đoàn xe lập tức quay về. Tôi được khẩn khoản mời ở lại một lát để thủ trưởng quân khu gặp. Nhưng còn bụng dạ nào mà ngồi rốn lại “hiếu hỉ” với nhau được nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:11:11 am »

VI

TRỞ VỀ BÊN NGƯỜI

Ngọn lửa chiến tranh quy mô thế giới đã bùng cháy ở trung tâm châu Âu. Bằng chính sách phản động của mình, hai tên đế quốc già nua Anh và Pháp đã nhượng bộ, nhằm khuyến khích phát-xít Đức và Ý chĩa mũi nhọn về phía Liên Xô. Sau khi thôn tính nước Áo, chiếm miền Suy-đét của Tiệp Khắc, quân đội phát-xít đã tiến công đánh chiếm một nửa nước Ba Lan. Anh và Pháp buộc phải tuyên chiến ngoài miệng với phát-xít Đức. Tại châu Á, trong nội bộ bọn quân phiệt Nhật Bản, phe Bắc tiến sau cuộc đọ sức với Hồng quân Liên Xô và quân đội nhân dân Mông Cổ bị thất bại ở dãy đồi Trương Cao Phong, đã phải lùi một bước. Phe Nam tiến thắng thế, đánh chiếm hầu hết các tỉnh ven biển của Trung Quốc và ráo riết chuẩn bị mở rộng chiến tranh, quy mô lớn trong khu vực Á châu. Báo chí công khai ở Trung Quốc và tin tức trong nội bộ quân đội lúc đó nói nhiều đến hai con đường vận chuyển vũ khí, trang bị cho Tưởng Giới Thạch là con đường từ cảng Hải Phong theo đường sắt đến tỉnh Vân Nam và con đường từ nước Diến Điện (nay là Miến Điện) vào nội địa Trung Quốc. Tôi vừa biên thư cho ông Hồ Học Lãm vừa đưa đơn lên bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng yêu cầu được thuyên chuyển về các đoàn xe ô tô vận tải chuyên chở vũ khí từ Vân Nam đi các nơi. Nhưng không được. Mãi tới lúc quân đội phát-xít Đức ào ạt tiến vào đất Pháp tôi mới nhận được thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - lúc đó lấy bí danh là Vương - do đồng chí Mạnh Văn Liễu - (tức Phùng Chí Kiên) chuyển tới, chỉ thị cho tôi rời bỏ quân đội Quốc dân đảng, tìm mọi cách về Quế Lâm (thủ phủ Quảng Tây) nhận nhiệm vụ mới. Quảng Tây ở sát biên giới của Tổ quốc, về đó có nghĩa là sắp đến ngày được về nước. Thế là sắp toại nguyện sau hơn mười năm mong đợi trông chờ. Mặt khác, đã đến lúc tôi cũng cần phải đi thoát khỏi nơi bọn đặc vụ Quốc dân đảng đang theo dõi. Vì thế, lòng mừng vui, bổi rối xen lẫn thật là khó tả.

Dương Tử Kiếm lúc này đã được cất nhắc lên làm cấp phó của đơn vị, chuẩn bị cho tôi một chuyến xe riêng chu đáo. Khi ra đi, anh nói với tôi:

- Tôi biết Đại hiệu (cách gọi một đại tá trong các sĩ quan Quốc dân đảng) ra đi lần này, không về với chúng tôi đâu.

Tôi thản nhiên đáp lại là việc thay đổi công tác là lẽ thường trong quân đội.

- Ở đây - Dương Tử Kiếm nói tiếp - có người biết việc Đại hiệu giao dịch với phía bên kia (ý nói Bát lộ quân).

Tôi nhìn thẳng vào Dương Tử Kiếm:

- Căn cứ vào đâu mà ông nói như vậy?

Dương Tử Kiếm rút trong túi áo ra tập giấy mỏng đưa cho tôi và nói tiếp.

- Thượng cấp cũng biết, nhưng...

Tôi lướt qua tập giấy. Đó là những bản lưu các mật điện tố giác tôi gửi lên trung tướng tư lệnh binh đoàn vận tải số 1 mà tôi đang công tác tại đó.

- Nhưng - Dương Tử Kiếm nói tiếp - Tôi được biết là tướng quân giữ thái độ trung lập.

- Sao lại trung lập?

- Nhiều lần đọc điện xong tướng quân chẳng nói gì. Mãi sau mới nói: Họ (ý nói Bát lộ quân) cũng là người Trung Quốc. Cho họ ít súng để họ đánh Nhật, chẳng sao cả.

Lúc tôi lên xe, chỉ có một mình Dương Tử Kiếm tiễn chân.

- Chúc Lê Đại hiệu thượng lộ bình an. Lê Đại hiệu cứ yên tâm. Lúc nào thượng cấp hỏi đến, tôi sẽ báo cáo là không rõ Đại hiệu đi đâu, chưa thấy về.

- Cảm tạ tấm lòng của Dương Trung hiệu (cách gọi Dương Tử Kiếm, lúc đó là trung tá). Xin tạm biệt. Mong có ngày gặp lại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:11:42 am »

Để tránh sự theo dõi, truy lùng của bọn đặc vụ, tôi phải tránh những con đường trục lớn từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam dài năm - sáu nghìn ki-lô-mét, lần theo những con đường vòng trên rẻo cao thuộc các tỉnh Hà Bắc, Thái Nguyên, Sơn Tây, Thiểm Bắc, Tứ Xuyên, Quý Châu để về Quảng Tây. Chiếc xe ô tô tải mà Dương Tử Kiếm bố trí đưa đi, sau một ngày đường, tôi liền cho xe quay lại. Người lái xe không khỏi ngạc nhiên vì đã được lệnh lĩnh đủ xăng dầu cho một chuyến đi xa hàng tháng trời. Ngày thường, người lái xe này vẫn có nhiều thiện cảm với tôi.

- Tôi biết Đại hiệu không phải dòng dõi người Hán. Anh lái xe nói, giọng rầu rầu - Đại hiệu là người ở phương Nam không chịu ở lâu trên phương Bắc này mà. Xin Đại hiệu cho tôi đi theo. Cùng trời cuối đất, tôi cũng xin đi...

Nhưng rồi chúng tôi vẫn phải chia tay nhau.

Cuộc hành trình trên nửa vạn cây số này được tiếp tục bằng mọi phương tiện: đi xe ô tô tư nhân, nhờ xe vận tải quân sự, xe bò, xe ngựa hoặc đi bộ tắt qua núi rừng. Qua nhiều vùng trắng, nhiều khu đỏ, nhiều vùng không có chính quyền trắng hay đỏ mà là “vương quốc” của thổ phỉ từ bao đời. Qua khu trắng, tôi dùng giấy công lệnh đặc biệt có chữ ký của Tưởng Giới Thạch và dấu son đỏ chót. Qua các khu đỏ tôi đã được đồng chí Lục Quần chuẩn bị cho một số giấy tờ cần thiết. Nhưng có lần qua một vùng đỏ thuộc huyện Vĩnh Lạc tỉnh Sơn Tây, bị mấy chiến sĩ du kích khám thấy trong gói hành lý có giấy tờ của Quốc dân đảng và phù hiệu, cấp hiệu đại tá tôi vẫn mang theo phòng khi cần đi nhờ xe ô tô vận tải quân sự của Tưởng Giới Thạch, tôi liền bị trói giật cánh khuỷu giải đến một đơn vị Bát lộ quân. Và ngươi ta đem tôi đi xử bắn cùng với một số người khác gọi là Hán gian.

- Trước khi bắn, cho tôi nói vài lời - Tôi khẩn khoản và kiên trì nói.

- Nói cái gì, đồ phản quốc.

- Thì cứ cho phép tôi nói một câu đã.

Cuối cùng, tôi được phép nói. Và sau khi nghe được mối quan hệ giữa tôi và đồng chí Lục Quần, kèm theo các giấy tờ có bút tích đồng chí, người cán bộ chỉ huy đơn vị Bát lộ quân tạm tha tội chết cho tôi. Và cho giải tôi lên cơ quan cấp trên. Sau một tuần bị giam, qua nhiều cấp xét hỏi thẩm vấn kỹ, tôi được gặp một đồng chí bí danh là đồng chí Châu. Thì ra đồng chí Châu là người của quân khu Tây ký sát, biết những việc tôi đã làm, nhờ đó tôi được trả tự do.

Trên đường đi tiếp, tôi bị ốm và khi lần mò được tới thành phố Tây An xinh đẹp và cổ kính thì sức lực trong người tôi hầu như bị kiệt. Tây An cách đây ba bốn năm xảy ra sự kiện: Trương Học Lương bắt cóc Tưởng Giới Thạch trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc lúc đó chờ đợi một sự trả thù của những người cộng sản. Ngược lại, những người cộng sản đã thuyết phục Trương Học Lương tha cho Tưởng Giới Thạch, buộc hắn phải hợp tác với những người cộng sản cùng đánh Nhật. Chủ trương này đã lấy lại uy tín cho Đảng Cộng sản Trung Quốc rất nhiều. Trong lúc ốm đau, tưởng như không tiếp tục cuộc hành trình được nữa thì tôi gặp một người bạn học cũ ở trường Hoàng Phố lúc đó là trung tướng Tăng Trọng Cơ. Trong mối quan hệ giữa người và người ở xã hội Trung Quốc thì mối quan hệ đồng hương, đồng họ, đồng khóa là quan trọng lắm. Sau khi nhận ra nhau, trung tướng mời tôi về bộ tư lệnh của mình, thuốc men chạy chữa chu đáo. Mười ngày sau, sức khỏe được phục hồi, trung tướng thu xếp cho tôi một chỗ trên máy bay quân sự đi Trùng Khánh.

Trùng Khánh, thủ đô kháng chiến của Tưởng Giới Thạch đến năm 1940 đã được xây dựng thêm, hình thành các khu hành chính, khu ngoại giao, khu quân sự...

Ấn tượng ban đầu của tôi là sự hoạt động khẩn trương nhộn nhịp vừa nổi vừa chìm của các cơ quan đại diện ngoại giao, quân sự, tình báo, gián điệp, kinh tế, thương mại của các nước đế quốc Mỹ, Anh và Pháp. Bọn Pháp có mặt ở đây để làm gì? Không ngoài mục đích để “cạy thày cạy thợ” bám chặt lấy các nước thuộc địa ở Đông Dương và vài nơi khác ở châu Á, Ấn Độ Dương. Đó là những tòa nhà đường hoàng chững chạc của tòa đại sứ Liên Xô, là trụ sở Biện sự xứ của Bát lộ quân. Hồi đó Trùng Khánh đã bắt đầu nếm mùi bom Nhật. Còi báo động hú vang rền rĩ. Lại diễn ra cảnh tượng như ở các nơi khác là trên trời từng đàn máy bay Nhật đến ném bom, dưới đất đông đặc những người dân thường nhốn nhác, chen chúc nhau xuống hầm trú ẩn, hoặc tỏa ra những bãi đất trống, phó thác số mệnh cho sự may rủi. Lố nhố những bộ mặt đầu cơ chiến tranh để làm giàu, bọn buôn quan buôn chức, bọn gián điệp, Hán gian đủ loại. Đến Biện sự xứ Bát lộ quân, tôi được biết cách đây không lâu, đồng chí Vương có ghé qua nơi này. Trong những ngày chờ đợi lấy vé xe ô tô đi Quý Dương, tình cờ tôi gặp lại người đại đội trưởng đại đội học sinh quan Hoàng Phố, lúc này đeo quân hàm thiếu tướng. Thiếu tướng mời tôi vào hiệu ăn Quần Anh, niềm nở đãi một bữa cơm thịnh soạn. Mười bảy năm trong quân đội Quốc dân đảng, lần đầu tiên tôi gặp trường hợp cấp trên chiêu đãi cấp dưới, do đó tôi cảnh giác đề phòng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:12:12 am »

- Anh là một nhà cách mạng Quốc gia An Nam chính thống. Tôi biết anh từ lâu - Thiếu tướng vừa nói vừa thăm dò - Đã có cơ hội thuận lợi nhất để trở về quý quốc, anh thấy thế nào?

- Cám ơn tấm lòng tốt của ngài trước sau đối với tôi.

Thiếu tướng mỉm cười, khẽ gật đầu:

- Anh có muốn lên gặp Tưởng ủy viên trưởng không? Tôi có thể giúp anh việc đó.

- Xin đa tạ ngài. Tôi thấy chẳng có việc gì cần phải lên gặp Tưởng ủy viên trưởng.

Thiếu tướng tiếp tục gọi thêm rượu và món ăn. Qua những câu nói úp mở của người đối thoại tôi nắm ngay được tình hình: Trước tình hình Pháp thua trận ở châu Âu, bọn quân phiệt Nhật Bản sớm muộn sẽ nhảy vào Việt Nam và Ai Lao, Cao Miên.

- Tưởng ủy viên trưởng tuân theo lời di huấn của Tôn Tổng lý rất mực quan tâm tới các tiểu quốc láng giềng trong đó có An Nam quốc - Thiếu tướng nửa tỉnh nửa say tiếp tục lải nhải: Tưởng ủy viên trưởng nhất định không chịu cho bọn giặc lùn (Nhật Bản) nhảy vào An Nam quốc, uy hiếp phần lãnh thổ phía nam Trung Quốc.

Cứ theo những nguồn tin như thế thì rõ là mười phần chắc chín là Quốc dân đảng Trung Quốc đang gấp rút vạch kế hoạch cho quân đội vào Việt Nam trước khi quân Nhật đến. Thảo nào, nhận ra mình là người Việt Nam là chúng vồ vập lấy, để làm tay sai dẫn đường, làm bù nhìn cho chứng. Đất nước có thể biến thành bãi chiến trường giữa mấy bọn kẻ cướp Tàu, Nhật, Tây. Đã có tay sai của Tàu nhất định cũng phải có tay sai của Nhật. Anh em trong nhà lại bị đẩy đi chém giết nhau. Tôi ngồi nghe mà tím ruột nhưng vẫn cố nén, cốt để moi thêm được ở hắn ta một vài điều cần thiết khác nữa. Dường như thấy mình đã quá lời để lộ ra chân tướng, tên cò mồi này giả ề à sang chuyện tào lao khác...

Chờ đợi gần chục ngày, tôi mới lấy được một vé xe đi Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu. Hồi mới đến Trùng Khánh hỏi thăm tôi được biết là ông Hồ Học Lãm lâm bệnh nặng đã phải đi điều trị. Tôi tới bệnh viện thì được biết là ông đã chuyển về bệnh viện Quế Lâm. Một hôm, đang chầu chực ở bến xe Quý Dương tôi rẽ vào hiệu sách Trường Xuân, tìm đến chồng báo chí cũ, tôi choáng người trong giây lát, rồi định thần đọc đi đọc lại các dòng chữ cho hay là quân đội Nhật đã tiến vào Lạng Sơn và Đồng Đăng ngày 22 tháng 9 năm 1940. Bài báo cay cú không ngớt lời chửi rủa bọn quân phiệt Nhật Bản xâm lược (!). Giở đọc tiếp những số báo sau: “... Nhân dân Việt Nam phất cờ khởi nghĩa ở các vùng phụ cận Lạng Sơn chống Nhật, chống Pháp...”, tôi hồi hộp lục tìm mẩu tin tiếp theo trong chồng báo. Nhưng ngoài mẩu tin đó ra, không còn gì nữa. Kinh nghiệm và nhận thức giúp tôi suy đoán là nó bị xẹp xuống nhiều hơn là phát triển. Trả tiền xong mấy tờ báo, tôi vội ra bến xe để về Quế Lâm, lòng dạ bồn chồn khó tả.

Ông Hồ Học Lãm bị liệt một nửa người từ một năm nay, phải nghỉ việc ở bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng. Thấy tôi, nét vui mừng hiện lên trên khuôn mặt võ vàng của ông. Với cái nhìn thân thương, tư lự ông kéo tôi lại gần giường, nói chậm chậm:

- Anh đã về. Mọi việc tạm ổn nhưng tai họa còn lớn lắm. Anh có mặt lúc này, rất kịp thời.

Lúc đó là tháng 10 năm 1940. Nhưng theo lời ông cho biết vài tháng trước, ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra cuộc chạy đua giành giật miếng mồi Đông Dương giữa hai con chó sói Nhật Bản và Quốc dân đảng Trung Hoa. Để phục vụ ý đồ xâm chiếm Đông Dương, bọn Nhật Bản đã dựng lên một đội “phục quốc quân” dọn đường cho chúng đánh vào Lạng Sơn, Đồng Đăng. Đến khi bắt tay được với Pháp, chúng liền bỏ rơi số anh em này mặc cho Pháp trả thù hèn hạ. Còn bọn Tưởng chuẩn bị cho Hoa quân nhập Việt bằng cách sử dụng những phần tử tha hóa trong Việt Nam Quang phục Hội trước đây như Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, nhằm thu hút lừa gạt mọi người, nhất là số thanh niên yêu nước của ta vừa chạy sang Trung Quốc để tránh đợt khủng bố dữ dội gần đây của bọn thống trị Pháp. Chúng cũng rất muốn lợi dụng những người cách mạng Việt Nam đã hoạt động lâu ở Trung Quốc, nhưng lại cũng rất sợ họ là cộng sản hoặc nghe theo cộng sản. Riêng với ông Hồ Học Lãm thì cả Quốc dân đảng lẫn bọn Trương Bội Công đều rất muốn lợi dụng uy tín của ông vào mục đích đen tối của chúng. Biết rõ dã tâm của chúng, từ khi còn nằm ở bệnh viện Quý Dương ông đã kịp thời thông báo cho các đồng chí của ta biết để có biện pháp ngăn chặn. Sau đó, ông xin chuyển về bệnh viện Quế Lâm cho được gần biên giới của ta hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:13:07 am »

*
*   *

Về gần Tổ quốc, tôi có điều kiện được biết rõ hơn về ngọn lửa Bắc Sơn. Nó vừa bùng lên được một sớm, một chiều đã bị quân thù dập tắt. Máu và nước mắt của đồng bào, đồng chí ta lại nhuộm đỏ cả rừng xanh. Vấn đề ở đây là tinh thần yêu nước, căm thù giặc thì có thừa nhưng vũ khí thì rất thiếu, cán bộ chỉ huy và lực lượng tham gia khởi nghĩa chưa được huấn luyện bao nhiêu. Ngoài ra còn nhiều vấn đề quan trọng khác như thời cơ, phương thức, khi tiến, khi lui của phong trào, vấn đề cục bộ và toàn cục v.v... Nhớ lại bối cảnh lịch sử ra đời của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, tôi nghĩ là nếu cục diện chiến tranh ở châu Âu và châu Á phát triển thành cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì cũng là một thời cơ có lợi cho cách mạng Đông Dương phát triển để giành lại độc lập, tự do. Có phải vì thế mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về gần biên giới để lãnh đạo phong trào cách mạng nước nhà. Theo lời ông Hồ Học Lãm thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc về đã và đang tập hợp nhiều cán bộ cách mạng hoạt động lâu năm ở ngoài nước và trong nước thành một bộ tham mưu của cách mạng. Như thế, sớm muộn tôi sẽ được gặp. Và chắc chắn sẽ được trao cho đảm đương một nhiệm vụ quân sự, như đồng chí đã từng giao cho tôi cách đây trên mười năm. Tôi đã sẵn sàng chuẩn bị và lần điểm lại những kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa của Đảng cộng sản Trung Quốc ở Quảng Châu, Vũ Hán, Nam Xương... đến những việc tôi đã làm trên chục năm qua, phòng khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc hỏi đến.

Đầu tháng 10 năm 1938, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa rời Mát-xcơ-va đi về phương đông, tìm đường về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vì các tỉnh ven biển Trung Quốc đã bị quân Nhật chiếm đóng nên đến Nô-vô-xi-bếc-xcơ, hành trình của Người chuyển xuống phía Nam, vượt biên giới Xô-Trung vào Tân Cương. Từ Tân Cương Người đi Lan Châu. Tại Lan Châu, Nguyễn Ái Quốc được một cán bộ cao cấp trong quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc đón vào chuẩn bị cho Người một chứng minh thư quốc tịch Trung Quốc với tên là Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá. Và từ Lan Châu theo đường dây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người đến Tây An.

Từ Tây An, Người đi Diên An, rồi lại trở về Tây An. Sau đó Người mới từ Tây An đi Quảng Tây. Đầu năm 1940. Người đặt chân đến Quế Lâm (Quảng Tây).

Thời gian đó, cách mạng Việt Nam và Đông Dương cực kỳ khó khăn. Bọn thống trị Pháp ở Đông Dương lợi dụng tình thế chiến tranh Pháp - Đức ở châu Âu, tiến hành một đợt khủng bố rất gắt gao, tàn khốc ở khắp mọi nơi. Đảng Cộng sản Đông Dương phải rút vào hoạt động bí mật, hầu hết các cơ sở bị tan vỡ. Nhiều đồng chí lãnh đạo, nhiều đảng viên và quần chúng trong tổ chức bị bắt. Việc chắp nối liên lạc ở trong nước đã rất khó, việc liên lạc với các cơ sở đảng ở nước ngoài (Trung Quốc, Thái Lan) càng khó khăn hơn nhiều. Đồng chi Nguyễn Ái Quốc đã về tới Quế Lâm, lại phải đi ngược cao nguyên Vân Quý đến Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam và đã bắt được liên lạc với các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh, Đặng Văn Cáp v.v... và đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp vừa được Trung ương ở trong nước cử ra nước ngoài, ở Côn Minh ít lâu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí khác đã quyết định về nước bằng con đường Cao Bằng nên đã chuyển từ Côn Minh về Tĩnh Tây Như vậy là sau nhiều năm bôn ba hoạt động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác, giờ đây đồng chí Nguyễn Ái Quốc mới đặt chân được tới gần biên giới địa đầu Tổ quốc, cùng với một nhóm cán bộ ở ngoài nước có thể đếm được trên đầu ngón tay. Con số thật quá ít ỏi nếu so với cả một thế hệ học trò do đồng chí trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo từ những năm hai mươi.

Rồi một buổi chiều ở Tĩnh Tây, tôi được gặp lại đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Thoạt nhìn, đó là một ông già, người gầy, dong dỏng cao, mặc bộ quần áo chàm, đầu vấn khăn, râu cằm đen hình búp măng, dáng đi nhanh nhẹn, từ trên đỉnh dốc đang bước tới. Nhận ra được vầng trán cao, nhất là cặp mắt rất sáng của ông, tôi chỉ “ơ... ơ...” lên được vài tiếng, chạy vội đến nắm chặt lấy tay, rồi lặng người đi rất lâu. Đồng chí Lý Thụy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Vương đây rồi! Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao. Ngày đó, so với tưởng tượng của tôi sau những năm xa cách, Bác của chúng ta già đi nhanh quá!

- Chú đã về được đến đây - Bác nói giọng run run.

Lát sau, Bác dẫn tôi đến một vạt cỏ xanh. Cả hai cùng ngồi xuốhg, mặt ngoảnh về phương Nam. Tĩnh Tây là một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, giáp giới với hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn của ta. Đồi núi trùng điệp nhấp nhô trải dài xa tít tắp.

Tôi được ở với Bác ít ngày, vừa để lấy lại sức sau một chuyến đi dài ngày, vừa để báo cáo tường tận lại với Bác mọi việc tôi đã làm trong thời gian qua.

Bác ngồi chăm chú nghe, không ngắt lời tôi lần nào, thỉnh thoảng Bác nhắc tôi nói gọn hơn, rõ hơn. Khi tôi báo cáo đến phần hoạt động trong bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng, cùng với ông Hồ Học Lãm thu thập tin tức, lấy được toàn bộ các kế hoạch tuyệt mật của Tưởng Giới Thạch năm lần tiến công vào khu Xô-viết trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc v.v... Bác nói:

- Ông Hồ Học Lãm là một nhà chí sĩ giàu lòng yêu nước, cùng thời với cụ Phan Sào Nam. Chúng ta không thể quên công lao của ông. Còn chú, làm được như vậy là tốt, rất tốt. Lúc mới trao nhiệm vụ cho chú tôi cân nhắc mãi. Vì chú chưa hề được qua một lớp huấn luyện nào, lại đơn thương độc mã hoạt động giữa sào huyệt của địch. Nhưng tôi tin là chú làm được. Qua vài lần theo dõi báo cáo thấy chú làm tốt, tôi rất yên tâm, hiện nay Đảng bạn yêu cầu chú ở lại cộng tác lâu dài với họ.

- Thưa đồng chí - Tôi nói - trong lúc làm, không bao giờ tôi có ý nghĩ là mình làm ơn cho bạn, hoặc có đi có lại giữa hai bên. Mà luôn nghĩ là làm cho bạn tức là làm cho ta, nên dồn tất cả tâm lực để hoàn thành cho thật tốt. Lúc đầu có bỡ ngỡ thật, sau quen dần, có thêm kinh nghiệm. Chỉ tiếc là hồi ở bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng, nó đã gọi tôi đi thi và tôi đỗ vào trường quân báo. Sau có lẽ bọn đặc vụ vẫn nghi ngờ nên chúng lờ đi. Trước đó, có lần nó bảo đi khám sức khỏe, sát hạch vào trường đào tạo phi công, tôi đã trúng tuyển nhưng rồi cũng chẳng thấy nó gọi đi.

Cho đến nay nhớ lại những buổi trưa mùa đông, ngồi ngoài nắng báo cáo với Bác, hoặc những lúc đêm khuya cùng đắp tấm chăn chiên với Bác, tôi chợt thấy lòng dạ lâng lâng, cứ ngỡ là đang được nằm cạnh người cha đẻ thân thương của mình ở quê nhà... Bác là người cha tinh thần đã và đang dẫn dắt tôi đi trọn đời với cách mạng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:14:18 am »

Hôm ấy, tôi đã báo cáo với Bác xong những việc sau cùng kể từ khi rồi bỏ quân đội Quốc dân đảng đi từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam tìm đường về biên giới. Bác chăm chú nghe với vẻ tin yêu, cảm thông sâu sắc.

- Chú đã đi nhiều, làm nhiều nhưng từ trước đến nay chủ yếu là làm cho bạn. Còn từ bây giờ mới là làm cho dân cho nước. Thế chú muốn nhận công tác gì nào?

- Thưa Bác, tùy cách mạng phân công. Việc gì tự xét thấy khả năng làm được, tôi xin hứa là sẽ làm hết sức mình.

- Trong số anh em ta ở đây - Bác cười rồi nói tiếp - Chú là bậc “phú hào” về khả năng quân sự đấy. Chú sẽ nhận một công tác quân sự. Chú đã chuẩn bị được những gì rồi? Bác hẹn tôi hôm sau làm việc tiếp.

Cả đêm đó tôi chìm trong suy tư trằn trọc. “... Thời cơ đang đến với chúng ta...”, tôi nhớ đinh ninh nhận định đó của Bác, nhân một buổi Bác phân tích cho nghe về cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra ở châu Âu và châu Á. Bác khẳng định là Đức, Ý, Nhật nhất định sẽ bị thua. Liên Xô nhất định sẽ chiến thắng vẻ vang. Nếu chiến tranh mang bao tai họa cho các dân tộc thì ngược lại cũng tạo cơ hội cho các dân tộc nhất là các dân tộc thuộc địa vùng dậy đấu tranh giành độc lập tự do, dân chủ. Sắp tới đây nếu được Bác giao nhiệm vụ liệu tôi phải làm gì để nhanh chóng tổ chức được lực lượng đứng dậy cầm súng đánh cả Pháp lẫn Nhật giành lại quyền sống? Nhưng đánh bằng cách nào, vũ khí lấy ở đâu, tổ chức lực lượng ra sao, đội ngũ cán bộ chỉ huy đào tạo thế nào? Liệu có thể như tôi đã làm là gài người của ta vào hàng ngũ đối phương để tổ chức cho từng trung đội hay đại đội binh lính chạy sang hàng ngũ cách mạng được không? Hoặc như Đảng bạn đã làm là tuyên truyền giác ngộ từng cá nhân người tiểu đoàn trưởng hay trung đoàn trưởng của Quốc dân đảng đi theo cách mạng tức là được cả một tiểu đoàn hay trung đoàn quân vũ khí đầy đủ bổ sung vào đội ngũ của mình, về súng đạn, có phải như tôi đã bí mật tổ chức chuyển giao hàng chục, hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược từ phía Quốc dân đảng tới tay Bát lộ quân? Rồi tôi cũng tự giải đáp được: Hoàn cảnh Việt Nam khác rất nhiều so với hoàn cảnh Trung Quốc. Ta không thể làm như bạn đã làm. Tôi đã sống và hoạt động ngót mười tám năm ở Trung Quốc. Bên ngoài là một sĩ quan cao cấp của Quốc dân đảng, nhưng bề trong lại làm việc cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Đồng thời, tôi lại là một người cách mạng Việt Nam, người học trò nhỏ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn có nhiệm vụ đối với quốc gia dân tộc. Tôi đã dành gần như toàn bộ thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu, đối chiếu những việc làm của cả hai bên Quốc - Cộng. Từ nhiệm vụ chính trị quyết định nhiệm vụ quân sự hay ngược lại mọi việc đều dùng quân sự để giải quyết? Tôi đã ở trong quân đội Quốc dân Đảng nên hiểu rất rõ bản chất phản cách mạng, phản nhân dân của đội quân ấy. Những năm cuối thập kỷ hai và đầu thập kỷ ba ở Trung Quốc đã diễn ra năm lần vây quét và chống vây quét của cả hai bên, dẫn đến cuộc Vạn lý trường chinh của các chiến sĩ cách mạng Trung Quốc. Tôi có nhiều dịp đi sâu vào các khu đỏ, căn cứ của cách mạng. Đâu đâu cũng lặp lại hiện tượng là sau khi Hồng quân đã rút đi thì tất cả những người dân, đặc biệt là thanh niên đều phải bỏ trốn hết lên rừng, hoặc phiêu bạt hẳn đi một nơi khác. Nếu không quân lính Tưởng Giới Thạch đến thì họ sẽ bị chúng giết sạch sành sanh. Trách nhiệm của những người cách mạng trước sinh mệnh của đông đảo quần chúng nặng nề biết chừng nào? Từ tháng 7 năm 1937, quân phiệt Nhật Bản đã mở rộng chiến tranh trên lục địa Trung Quốc, đánh chiếm nhiều nơi. Vận mệnh của hàng trăm triệu nhân dân Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đảng cộng sản Trung Quốc đề ra chủ trương Quốc - Cộng hợp tác chống Nhật trong Mặt trận dân tộc thống nhất và phát động chiến tranh du kích ở khắp nơi. Nghe nói ở các khu đỏ, nông dân đã được chia ruộng đất, được tổ chức vào Nông hội... ở các vùng của Tưởng Giới Thạch và vùng Nhật kiểm soát, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, công nhân, dân nghèo thành thị ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tưởng Giới Thạch cũng hô hào đánh Nhật đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng thực ra chúng đánh Nhật thì ít, đánh lại cộng sản thì nhiều. Tất cả những điều tai nghe mắt thấy ấy khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều...

Những suy nghĩ đó tôi đều trình bày hết với Bác. Và cũng như những lần trước, Bác vẫn ngồi chăm chú nghe từ đầu đến cuối. Thỉnh thoảng Bác đặt câu hỏi để tôi trả lời. Chẳng hạn, chú ở trong vùng Quốc dân đảng, chú đã thấy nhân dân Trung Quốc được hướng dẫn chuẩn bị ra sao trước khi đi vào cuộc kháng chiến chống Nhật, hoặc thái độ của các tầng lớp xã hội đối với kháng chiến ra sao, chú có nhận xét gì không?...

Bằng những câu hỏi cụ thể, Bác đi vào vấn đề cần nêu một cách rất tự nhiên, dễ hiểu. Tôi như bừng tỉnh trước những vấn đề rất lớn của cách mạng mà không sao tự giải đáp được. Thì ra những điều Bác nói với tôi hôm đó vẫn là những điều cơ bản mà Bác đã giảng giải cho tôi và Trương Văn Lĩnh lúc mới gặp Bác ở Quảng Châu vào cuối năm 1924 đầu năm 1925: “... Cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một, hai người...”. “Cách mạng thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả các giai cấp áp bức mình...”. “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi...”. “...Cách mạng thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công...”.

Bác nói tiếp:

- Nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị. Nói chính trị - quân sự đi đôi thì dễ, nhưng làm thì khó, sai một ly đi một dặm.

Về tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng sau này của ta, Bác nhấn mạnh đến bản chất của nó phải là bản chất của giai cấp vô sản, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ta. Phải đi từ bước thấp đến bước cao. Bác cười, nhìn tôi nói:

- Chú quen có sẵn từng trung đoàn, sư đoàn người ta trao cho chỉ huy, giờ chú phải tự đi chọn từng người một, huấn luyện cho họ thành chiến sĩ du kích, rồi đào tạo họ thành cán bộ, tung họ đi huấn luyện người khác. Cứ như thế mà nhân lên.

Nhận thấy tôi băn khoăn về vấn đề vũ khí, Bác giảng giải:

- Ta không sợ thiếu súng, chỉ sợ thiếu người cầm súng thôi.

Bác vạch ra những bước đi sắp tới:

- Chúng ta trở về Tổ quốc, việc trước tiên là phải có chỗ đứng chân. Lúc đầu là một điểm nhỏ sau mở rộng thành điểm to, rồi thành căn cứ. Chỗ đứng chân phải vững chắc. Vững chắc nhất là lòng dân.

Càng ngồi nghe Bác giảng giải tôi càng hiểu rõ những điều Bác dạy bảo hoàn toàn khác hẳn những điều mà tôi đã chiêm nghiệm được sau nhiều năm hoạt động ở Trung Quốc theo dõi những việc làm của bạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:14:48 am »

*
*   *

Việc đầu tiên của tôi là được đồng chí Nguyễn Ái Quốc phân công cùng một số đồng chí đi về hướng Đông Nam dọc theo biên giới từ Tĩnh Tây về đến Long Châu, chuẩn bị cơ sở, tìm đường về Thất Khê - Lạng Sơn nhằm liên lạc với lực lượng cách mạng ở trong nước. Trong lúc đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh... và số bốn mươi ba cán bộ ta chạy sang Trung Quốc trở về Cao Bằng, đặt đại bản doanh tại hang Pắc Bó.

Vào những ngày đầu tháng 5 năm 1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Pắc Bó. Có thể nói sau hội nghị hợp nhất Đảng ở Hồng Công ngày 3 tháng 2 năm 1930, cuộc hội nghị của Trung ương lần này là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc trên con đường đi tới độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài, đây là lần đầu tiên đồng chí được họp ở trong nước với các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương Đảng. Phải mất tới nửa năm từ lúc triệu tập, chuẩn bị cho đến lúc họp. Đại biểu tham dự gồm mười bốn đồng chí trong cả nước. Tốn bao công sức, các đồng chí đại biểu Nam Kỳ, Trung Kỳ mới ra được tới ngoài Bắc. Con đường đi lên Pắc Bó của các đại biểu thật là gian nan đầy trắc trở. Đi bên cạnh những họng súng, những đội tuần tra lùng bắt của địch. Đường dây liên lạc trong nước chưa thông, phải đi đường vòng sang đất Trung Quốc. Rồi lại vòng về Việt Nam. Tôi nhạy cảm ngay với những khó khăn rất to lớn mà cách mạng gặp phải.

Trên đường về Cao Bằng, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tôi gặp các anh Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh ở Hạ Đông, Tĩnh Tây, Trung Quốc và không khỏi ngạc nhiên, mừng rỡ khi thấy các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lăn lộn với phong trào ở trong nước, giữa nanh vuốt của Pháp, Nhật đều còn rất trẻ và đầy nhựa sống.

Dưới sự chủ tọa của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Thu Sơn), Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Hai căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai và Cao Bằng được duy trì, củng cố và phát triển thành hai trung tâm của công cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa tại Việt Bắc. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương gồm chín đồng chí. Hội nghị đã nhất trí suy tôn đồng chí Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ tối cao của Đảng. Đồng chí Trường Chinh đảm đương trọng trách Tổng bí thư theo quyết định của Hội nghị. Đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng được cử về cùng với một số đồng chí khác mở rộng khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai và chỉ huy đội du kích Bắc Sơn. Cao Bằng được chọn làm căn cứ địa đầu tiên của cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo mở đường tiến xuống phía Nam bắt liên lạc với phong trào toàn quốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:15:36 am »

*
*   *

Lúc này phát-xít Đức ồ ạt tiến công vào đất nước quê hương của Cách mạng tháng Mười. Hồng quân phải tạm thời rút lui trên hầu hết các mặt trận. Báo chí Đức huênh hoang tuyên bố sẽ đánh bại nước Nga trong vòng mười tuần lễ. Nhiều đồng chí tỏ vẻ lo ngai Nhưng trước sau, đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn khẳng định là Liên Xô sẽ thắng, phát-xít Đức sẽ bại. Từ tình hình ở châu Âu, đồng chí nhận định là chiến tranh lớn sớm muộn sẽ nổ ra ở châu Á - Thái Bình Dương. Đồng chí còn chỉ ra rằng trong chiến tranh thế giới 1914-1918 đã ra đời một Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết thì sau cuộc chiến tranh thế giới lần này chắc chắn sẽ ra đời nhiều nước độc lập, dân chủ, xã hội chủ nghĩa khác. Và đây là một thời cơ tốt nhất cho nhân dân ta phát triển lực lượng cách mạng, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Theo ý của Bác (từ Hội nghị Trung ương lần thứ tám các đồng chí Trung ương bắt đầu gọi đồng chí Nguyễn Ái Quốc là Bác), các đội tự vệ chiến đấu, lựa chọn trong lực lượng tự vệ những đồng chí trung kiên hăng hái nhất, đã được tổ chức.

Tôi được giao nhiệm vụ cùng với một số đồng chí khác mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên ở trong nước nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự cho phong trao cách mạng đang phát triển ở khắp các nơi. Bác xem xet rất tỉ mỉ chương trình, kế hoạch thời gian và đối tượng huấn luyện, cắt bỏ tất cả những chỗ không thích hợp. Hàng ngày, Bác đến theo dõi, kiểm tra lớp học, động viên học viên, giáo viên, học và dạy tốt hơn nữa.

Mấy khóa huấn luyện từ năm đến bảy ngày đều đạt kết quả tốt. Các học viên tốt nghiệp trở về địa phương làm nòng cốt phát triển phong trào học tập quân sự, xây dựng thêm nhiều đội tự vệ chiến đấu.

Một lần khác, Bác nói với tôi:

- Vũ trang khởi nghĩa cần rất nhiều cán bộ quân sự. Chú cứ chuẩn bị trước đi, nay mai căn cứ địa được mở rộng, lực lượng cách mạng phát triển, ta sẽ mở lớp cao hơn.

Bọn Pháp, Nhật đánh hơi thấy hoạt động vũ trang của ta đã nhen nhóm, liền tiến hành nhiều cuộc hành quân khủng bố, đàn áp ở vùng Bắc Sơn - Vũ Nhai và ở Hòa An, Nguyên Bình, Cao Bằng. Nhiều cán bộ ta đã lăn lộn với dân bản, dùng nhiều hình thức đấu tranh thích hợp, hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại về người và của, bảo vệ được cán bộ của Đảng.

Đã đến lúc cần phải thành lập một đội du kích tập trung làm nòng cốt để bảo vệ và phát triển phong trào, Bác cho gọi tôi đến và giao nhiệm vụ:

- Trước chú quen chỉ huy hàng nghìn người bây giờ chú thử chỉ huy chục người xem khác nhau ở chỗ nào?...

Những lời Bác ân cần dạy bảo khi tôi mới về Pắc Bó, trong đêm khuya khoắt cùng nằm một ổ lá rừng lại vang lên: Tuyệt đại bộ phận nhân dân ta, ai mà không căm ghét Pháp và Nhật. Chỉ cần có cán bộ đến tuyên truyền vận động, khơi lên lòng yêu nước, căm thù giặc của họ, tổ chức họ vào các hội cứu quốc, hoặc vào các đội tự vệ rồi tự vệ chiến đấu. Ở tự vệ, họ đã được trau dồi ý thức phục vụ nhân dân nên khi được chọn vào các đội vũ trang tập trung, ý thức đó càng sâu sắc thêm... Từ bó đũa ta chọn cột cờ, bồi dưỡng thành cán bộ. Cán bộ phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Cán bộ phải giác ngộ chính trị, giỏi quân sự để giáo dục rèn luyện được chiến sĩ. Một buổi khác, Bác lại nói: Cán bộ phải hết lòng thương yêu chiến sĩ. Chiến sĩ ăn rồi cán bộ mới được ăn. Chiến sĩ chưa đi ngủ, cán bộ chưa được ngủ...

Tôi được giao nhiệm vụ làm chính trị viên, phụ trách về mặt Đảng trong đội vũ trang tập trung này. Anh Lê Quảng Ba phụ trách đội trưởng. Nhằm xây dựng nền nếp cho các lực lượng vũ trang cách mạng sau này, tự tay Bác biên soạn Mười điều kỷ luật và tài liệu Chiến thuật cơ bản của du kích để toàn đội học tập.

Biết chúng tôi băn khoăn nhiều về vấn đề vũ khí, Bác vạch ra hai nguồn tìm kiếm vũ khí. Một là từ trong tay giặc, hai là ở trong nhân dân. Nhân dân sẽ bằng mọi cách tự tạo ra vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang con em của mình. Nhưng đến một lúc nào đó thì nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho ta lại từ trong tay giặc. Bác đề ra khẩu hiệu: lấy súng giặc để giết giặc. Mỗi viên đạn là một quân thù.

Một lần, nhân chúng tôi thảo luận với nhau về các vấn đề quân sự, Bác tham gia ý kiến:

- Ở ta có người học quân sự của Tàu, lại có người học của Tây. Nhưng không được quên là chúng ta còn có nền quân sự truyền thống quý giá của ông cha. Cái nào hay, tốt, phù hợp với ta thì ta nghiên cứu áp dụng.

Bác điểm lại các cuộc chiến tranh giữ nước của các triều Lý. Trần, Hồ...; các cuộc khởi nghĩa vũ trang tiến tới chiến tranh giải phóng dân tộc của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung..., vạch ra những nguyên nhân thắng lợi cũng như thất bại. Bác nhắc lại câu nói của Hồ Nguyên Trừng: “Không sợ địch, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Trong nhiều đêm. Bác nói đến từng bước phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, rút ra được những bài học như vấn đề xây dựng căn cứ địa lúc đầu ở Lam Sơn. Vấn đề mở rộng địa bàn đánh chiếm Nghệ An, tích lũy thêm lực lượng, mở rộng thanh thế. Từ đó tiến quân ra Bắc Hà, bao vây Đông Quan diệt viện binh của Liễu Thăng, đánh thành Xương Giang, giải phóng hoàn toàn đất nước. Nói đến đâu, Bác đối chiếu ngay vào tình hình của cách mạng hiện nay. Ở gần Bác, như nhiều đồng chí khác, tôi ngày càng sáng tỏ, thấm sâu thêm những điều cơ bản của đường lối quân sự của Đảng ta mà Bác là một nhà kiến trúc sư vĩ đại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:16:58 am »

*
*   *

Vào những ngày tháng cuối của năm 1941, chiến tranh đã bùng nổ ở châu Á - Thái Bình Dương giữa quân phiệt Nhật và các nước đế quốc Anh, Mỹ, Hà Lan...

Lịch sử đã trao cho Đảng ta và Bác trách nhiệm trọng đại đối với vận mệnh của toàn dân tộc.

Kể từ ngày Bác về nước, tiếp đến Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp ở Pắc Bó, đến cuối năm 1941 căn cứ địa Cao Bằng đã được xây dựng củng cố như một vị trí đầu cầu có tầm quan trọng rất lớn đến quá trình phát triển của tình hình.

Bước vào năm 1942, Bác đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể nhằm củng cố và mở rộng hơn nữa vị trí đầu cầu này. Bác giao trách nhiệm cho anh Võ Nguyên Giáp có tôi cộng tác phối hợp với Tỉnh ủy Cao Bằng phụ trách Ban xung phong Nam tiến đánh thông xuống các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, nối liền với căn cứ cách mạng cắm sâu vào đất địch, từ đó bắt liên lạc với Trung ương và phong trào cách mạng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Con đường Nam tiến như sợi chỉ đỏ vắt qua các triền núi cheo leo và những cánh đồng bậc thang cạnh các bản của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mèo... Con đường được tạo nên bằng công tác tuyên truyền vận động giác ngộ tổ chức từng người, từng gia đình vào các hội cứu quốc, tiến tới toàn bản, toàn tổng rồi toàn châu. Con đường của lòng tin tưởng tuyệt đối, của tình thương yêu không hạn độ của đồng bào đối với cách mạng, với cán bộ của Đảng. Con đường mà kẻ địch khủng bố, đàn áp ác liệt đến tột độ cũng không xóa bỏ nổi.

Từ Kim Mã qua Gia Bằng, Cẩm Lý rồi Nà Dá,... anh Văn (bí danh của anh Võ Nguyên Giáp) mở thông đường ở vùng thấp, còn tôi trên vùng cao. Từng thời gian chúng tôi thay nhau về báo cáo với Bác.

Con đường Nam tiến từ Nguyên Bình đã vươn qua Ngân Sơn, Chợ Rã, nối liền với Đại Từ, Chợ Chu... và rẽ ngoặt sang Đình Cả, La Hiên... Trong thời gian này, tôi nhớ một kỷ niệm là: Một lần, theo sự giới thiệu của anh Võ Nguyên Giáp, tôi cùng đi với anh Đồng Minh (dân tộc Mán) lên hoạt động tại một bản của đồng bào Mán trắng trên triền núi Phia Boóc. Tôi tới nhà cụ Khóa, cả nhà thấy cán bộ đến đều tay bắt mặt mừng như đã quen biết nhau từ lâu. Rồi cả bản đến để được nhìn mặt cán bộ. Tôi vừa quét dọn chuồng trại vừa nói chuyện với mọi người, cắt tóc rồi tắm rửa cho các cháu nhỏ, cho lợn cho gà ăn, ban đêm bên cạnh nồi cám lợn là lúc tôi rỉ rả khêu gợi những nỗi khổ cực của đồng bào, duyên cớ bởi vì ai? Riêng cụ Khóa, người già nhất bản tỏ vẻ lạnh nhạt. Anh Khóa con trai cụ thường phải nói đỡ: “Người già khó tính mà”. Nhưng chỉ ít ngày sau, cụ Khóa trỏ nên vồn vã, cởi mở. Cụ rót chén rượu mời tôi uống chung, rồi nói: “Tao thấy cán bộ đến không đòi thịt, đòi rượu, đòi gái như thằng quan châu. Người Mán ăn cái gì cán bộ ăn cái ấy. Bảo cán bộ ngồi chỗ nào, cán bộ ngồi chỗ ấy. Đêm cán bộ không nằm chỗ cao hơn người già, không đạp chân vào giá bàn thờ. Cán bộ chưa biết hết tiếng nói (tiếng Mán) nhưng cán bộ tốt lắm, tốt lắm”.

Sau này mỗi lần nhớ tới chuyến đi này tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về niềm khát vọng rất mãnh liệt về sự bình đẳng dân tộc của các dân tộc ít người. Lần đó, cụ Khóa đã hô hào tất cả mọi người trong bản từ già, trẻ, nam, nữ đều gia nhập các Hội cứu quốc, anh Khóa là đầu mối dẫn tôi sang các bản khác dọc theo triền núi. Lớp học quân sự cho tự vệ cũng được mở ngay tại rừng sau nhà cụ Khóa.

Chính trong thời gian này, ông Hồ Học Lãm đã qua đời tại Quế Lâm. Tôi nhận được tin này rất muộn. Song, mỗi lần nhớ tới ông tôi không khỏi thương cảm một nhà chí sĩ cách mạng đã rời Tổ quốc ra đi cùng với cụ Phan Bội Châu mưu cầu nghiệp lớn, nhưng suốt đời ngậm đắng nuốt cay. Có lẽ điều an ủi duy nhất của ông là về cuối đời đã nhìn thấy một ngôi sao để mà ngóng trông cho vận nước. Ngôi sao đó là tên tuổi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Mộ của ông đặt trên một sườn đồi, dưới một hàng cây trúc quân tử, mặt ngoảnh về phương Nam hướng về Tổ quốc.

Tuy khuất bóng ông, căn nhà vẫn là nơi lui tới của nhiều người cách mạng Việt Nam, của kiều bào ta và của những người cách mạng Trung Quốc thực lòng ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM