Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:06:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ  (Đọc 4615 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:41:34 am »

V

TRÊN TRẬN TUYẾN THẦM LẶNG

Cho tới nay, có thêm điều kiện học hỏi, suy ngẫm, tôi càng thấm thía trong việc nhận thức về con đường đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học của các nhà hoạt động cách mạng, đầu thế kỷ này. Tôi cũng nghĩ nhiều tới ông Hồ Học Lãm, người mà cuộc đời có nhiều gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo. Ông là một gạch nối giữa Duy tân hội, Việt Nam Quang phục Hội của các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20 này, tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng cộng sản Đông Dương do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo.

Nhờ tài đức và luôn học hỏi cầu tiến bộ, ông Hồ Học Lãm đã tự tạo cho mình một chỗ đứng khá vững vàng suốt cuộc đời ông trong giới quân sự, chính trị, xã hội của Trung Hoa dân quốc thời Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch. Khi ông còn là sĩ quan cấp thấp, bất kỳ người Việt Nam nào đến tìm gặp ông mà nói là mới ở trong nước ra là ông hết lòng giúp đỡ. Lần đầu tiên, ba chúng tôi (anh Trương Văn Lĩnh, Lưu Quốc Long và tôi) đến Nam Kinh đã nhận được ở ông nhiệt tình đó. Lúc đó ông vẫn sống xa vợ con tại khu cư xá của sĩ quan cao cấp. Ông giới thiệu chúng tôi đến ăn ở tại một khách sạn trong thành phố. Người quản lý khách sạn niềm nở nói với chúng tôi:

- Khách của Hồ tiên sinh không lúc nào không có người trú ngụ tại đây. Hàng tháng, Hồ tiên sinh vẫn thanh toán rất sòng phẳng.

Về cuộc sống riêng, ông rất cần kiệm, giản dị. Vì phải cưu mang anh em hoạt động nên với tiền lương của một vị tướng quân Quốc dân đảng, chưa hết tháng đã hết tiền. Bà Hồ Học Lãm và hai người con gái sông ở Hàng Châu không trông chờ gì vào tiền lương của ông.

Tuy nhiên, để tránh sơ suất, ông rất thận trọng. Ví như việc đồng chí Lê Hồng Sơn tức Lê Tản Anh đến bảo lãnh cho số học sinh Việt Nam đang bị khủng bố, liền bị bọn mật vụ bắt giam. Hôm đó, ông đang ngồi chơi với mấy viên tướng Quốc dân đảng ở cư xá sĩ quan. Viên sĩ quan thường trực cư xá đến gặp ông, báo cáo là “có điện gửi tướng quân”. - Điện gì? Ông hỏi và bảo đọc nghe chung tất cả. Bức điện đó là của Lê Tản Anh gửi tới nhờ ông bảo lãnh cho. Thừa biết là ai rồi nhưng ông điềm nhiên nói: - Tôi không quen biết ai tên là Lê Tản Anh, nhưng người Việt Nam nào đã biết tôi, nhờ tôi bảo lãnh thì tôi xin bảo lãnh cho người đó - Mấy viên tướng Quốc dân đảng không nói thêm gì, có nghĩa là họ không phản đối. Ông ra hiệu cho người sĩ quan thường trực về thực hiện ý định của ông. Lê Hồng Sơn nhờ vậy mà thoát khỏi nhà giam của Tưởng Giới Thạch.

Về phần tôi, từ ngày có thư giới thiệu của đồng chí Hồ Tùng Mậu, được nhiều năm ở gần ông, tôi cũng biết là ông đã hết sức khôn khéo, che chắn việc có mặt của tôi trong nhà. Tôi tự nhận thấy mình có cái may hơn nhiều đồng chí khác. Đó là địa chỉ liên lạc công khai và thường xuyên của tôi ở gia đình ông bà Hồ Học Lãm (ngoài ra là các địa chỉ mật luôn luôn phải thay đổi). Nhờ đó mà trong nhiều năm, hoạt động đơn phương, đơn tuyến của tôi trong quân đội Tưởng Giới Thạch cũng không đến nỗi bị biệt tăm tin tức. Cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh vừa dội sang Trung Quốc thì may quá, tôi được gặp chị Nguyễn Thị Minh Khai và mấy đồng chí nữa vừa tới Nam Kinh. Chúng tôi gặp nhau mừng vui khôn xiết.

- Xô-viết Nghệ Tĩnh của ta không đơn thuần là một cuộc nổi dậy của bà con dân cày - Chị Minh Khai nói cực kỳ sôi nổi, cặp mắt to tròn rực sáng - Bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Năm năm Ba mươi, thợ nhà máy Diêm đình công. Bà con nông dân, mấy nghìn người kéo vào giữa thành phố Vinh biểu tình cùng với anh em công nhân Diêm, xe lửa Tràng Thi, cảng Bến Thủy, học sinh trường Cao Xuân Dục và bà con dân nghèo trong phố. Cò đỏ treo lên cột cao. Tây bắn chết người trước, người sau tiếp tục leo lên cắm cờ. Quần chúng không sợ, thét vang: Đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo khủng bố, đả đảo Nam triều phong kiến tay sai của đế quốc, ủng hộ Liên bang Xô-viết! Sau đó các nhà máy tiếp tục đình công. Học sinh các trường bãi khóa. Dân cày quanh vùng góp gạo, tiền ủng hộ công nhân kéo dài đình công đòi bọn chủ phải tăng lương, giảm giờ làm. Nông dân đòi ruộng đất, xóa nợ, bỏ thuế. Mạnh nhất là ở Hưng Nguyên. Thanh Chương, Nam Đàn. Hàng ngàn nông dân, giáo mác, cuốc thuổng tuần hành kéo đến phủ huyện, đốt nhà, đốt ấp bọn địa chủ. Học sinh trường huyện Thanh Chương hăng lắm, đập phá huyện lỵ. Hào lý nhiều nơi xanh mắt, bỏ trốn hoặc nộp sổ, nộp triện. Đảng viên ở đó lãnh đạo lập luôn chính quyền Xô-viết chia lại ruộng đất, bỏ thuế chợ, thuế rượu, thuế đò. Kéo dài đến tháng Chạp cuối năm. Rõ ràng là một liên minh công nông và các tầng lớp dân nghèo khác. Có Đảng lãnh đạo ở khắp các nơi.

- Còn binh lính? - Tôi hỏi.

- Binh lính bị bọn Pháp thúc ép đi đàn áp đoàn biểu tình, họ toàn bắn đi đâu cả. Sau chúng phải dùng lính Tây, lính Lê-dương nên có hy sinh, thiệt hại nhưng tinh thần của bà con, đồng chí ta rất kiên cường.

Bị cuốn hút theo lời kể, mấy lần tôi định hỏi xem chị có biết việc nổi dậy ở xã Hưng Thông, quê tôi ra sao? Bố, mẹ, anh chị em họ hàng của tôi thế nào? Nghe nói cơ quan đầu não của xã đóng ngay tại nhà tôi. Hình ảnh các cuộc mít tinh, biểu tình lập chính quyền Xô- viết xã, chia lại ruộng đất, trấn áp bọn cường hào ác bá, thằng Tây mặt ngựa đã bắt tù cha tôi... tất cả đều hiện lên trong đầu óc tôi như một cuốn phim dài.

Một lần khác, tôi gặp chị, được biết chị đã gặp đồng chí Lý Thụy và được đồng chí Lý Thụy giới thiệu vào làm ở văn phòng chi nhánh Đông phương Bộ của Quốc tế cộng sản. Chị lấy tên là Ả Duy. Tôi lại được chị thông báo cho một số tin tức. Chị nói tiếp về những sự việc tiếp sau cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh:

- Đồng chí Nguyễn Ái Quốc gặp cán bộ trong nước sang, sau khi thu thập tin tức đích xác, lập tức viết báo cáo dài gửi Quốc tế cộng sản, đề nghị Quốc tế cộng sản lên tiếng tố cáo, chặn bàn tay khủng bố của đế quốc Pháp đối với phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời để nghị Quốc tế cộng sản thừa nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ độc lập, thuộc Quốc tế cộng sản - Giọng chị Minh Khai càng sôi nổi - Quốc tế cộng sản làm to, chấn động cả dư luận Pháp. Tổ chức truy điệu các chiến sĩ Xô-viết Nghệ Tĩnh. Nhiều đại biểu các đảng cộng sản anh em lên phát biểu. Ban chấp hành Quốc tế cộng sản họp, biểu quyết nhất trí thừa nhận Đảng mình là một chi bộ độc lập, chỉ còn đợi Đại hội sắp tới thông qua. Ban chấp hành Quốc tế cộng sản trích ra bốn vạn đồng bạc Đông Dương cứu tế các nạn nhân của Xô-viết Nghệ Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang ở Hồng Công thì nhận được Nghị quyết thừa nhận đó. Đồng chí nhờ đồng chí Duy-Cru trong Ban chấp hành Thanh niên cộng sản quốc tế từ Hồng Công về Xanh-ga-po, ghé qua Sài Gòn báo tin cho Ban chấp hành Trung ương Đảng ta biết. Nghe nói đồng chí Duy-Cru là một đầu mối liên lạc giữa Ban chấp hành Quốc tế với đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Duy-Cru đặt cơ sở ở Xanh-ga-po. Đồng chí qua Sài Gòn, có gặp anh Trần Phú, Tổng bí thư Đảng ta để báo tin. Rồi đi Xanh-ga-po ngay. Bọn mật thám Pháp ở Đông Dương thấy một người Âu lạ mặt đóng vai phóng viên báo chí đến Nghệ Tĩnh, rồi vào Sài Gòn đi lại một vài nơi, chúng nghi, liền mật báo cho bọn mật thám Anh ở Xanh-ga-po biết. Đồng chí Duy-Cru vừa về tới Xanh-ga-po, chứng bắt giữ và khám xét luôn. Trong cuốn sổ tay của đổng chí, chúng thấy ghi một địa chỉ ở Hồng Công, nhà 186 phố Tam Lung. Bọn mật thám Anh liền ập đến và bắt được đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Lúc đầu bọn mật thám Anh cũng không biết người bị bắt là Nguyễn Ái Quốc. Sau khi biết, chúng mừng như bắt được vàng. Bọn Pháp từ toàn quyền, thống sứ, khâm sứ, đến chánh cò, chánh cẩm đều ve vãn bọn Anh, mong bọn này trao Nguyễn Ái Quốc cho chúng.

Tôi vội tiếp lời chị:

- Việc đồng chí Nguyễn Ái Quốc được luật sư Lô-dơ-bai cãi giúp cho, tôi xem báo đã rõ cả. Đồng chí thoát nạn, thật là đại hồng phúc cho dân ta.

Chị Minh Khai nhìn tôi, người đồng chí, đồng hương mang lon thiếu tá quân đội Quốc dân đảng và không nhịn được cười.

Chúng tôi ngồi trao đổi với nhau một số kinh nghiệm công tác và hẹn gặp lại lần sau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:42:21 am »

*
*   *

Ông Hồ Học Lãm ở Nhật Bản về sau tôi một thời gian. Chuyến đi này của ông rất tốt. Ông nói tiếng Nhật thành thạo lại có nhiều mối quan hệ cũ, nhờ đó ông đã thu thập được những nguồn tin chính xác về mưu đồ xâm lược Trung Quốc của bọn quân phiệt Nhật Bản. Trước mắt, những năm đầu của thập kỷ thứ ba, chúng chưa thể Nam tiến, đánh xuống miền Hoa Bắc hay Hoa Trung. Như vậy Tưởng Giới Thạch sẽ được rảnh tay tập trung lực lượng tiêu diệt Đảng Cộng sản Trung Quốc, dập tắt phong trào yêu nước của nhân dân Trung Hoa. Còn giữa Tưởng Giới Thạch với bọn quân phiệt cát cứ ở trong nước sẽ vẫn là nội chiến liên miên. “Nhân dân Trung Quốc còn khổ cực đến mức độ nào nữa?”. Tôi luôn luôn tự hỏi mình, ngày đêm trăn trở.

Một hôm, như thường lệ, sau bữa cơm chiều, cả gia đình ông Hồ Học Lãm ngồi quây quần nghe đài, uống nước. Ông Hồ Học Lãm bắt đầu nói với tôi:

- Việc đương cục Pháp tố cáo các anh là cộng sản, liên lạc giữa Hồng Công, Thượng Hải, Nam Kinh, treo giá với bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng bắt được anh là 500.000 tệ (tiền Trung Quốc), tôi đều đã biết. Hiện nay, trong bộ tổng tham mưu họ bàn cãi khả nhiều về anh, tất nhiên có cả tôi. Họ nói: Nếu nó là cộng sản thì nó đã đi Xô Liên rồi, hoặc ở với bọn đỏ trong khu Xô-viết, đời nào nó chịu ở với ta, cúc cung tận tụy làm việc cho ta đến như vậy. Ông còn cho biết đại ý là giữa bọn Pháp và bọn Tưởng chẳng ưa gì nhau. Việc bọn Pháp tố cáo tôi và treo giá đã làm cho nhiều sĩ quan trung cao cấp trong bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng nổi sung, tự ái: Đường đường một cơ quan tham mưu đầu não của Tưởng tổng tài, mắt mù hay sao mà để một tên cộng sản lọt vào được? - Ngay số tiền 500.000 tệ mà Pháp treo giá cũng thành chuyện đàm tiếu khôi hài.

Có một lý do nữa, ông Hồ Học Lãm khiêm tốn không muốn nói ra nhưng theo tôi lại là lý do chủ yếu đó là uy tín rất lớn của ông. Hầu hết các tường lĩnh trong bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng, kể cả Tưởng Giới Thạch, đều không hề tỏ ra nghi ngờ gì ông, nên họ cũng tin rằng tôi không thể là cộng sản hay cảm tình với cộng sản. Ông nói tiếp: - Họ nhận định tôi và anh đều là những người Việt Nam thức thời, ắt phải hiểu thấu đáo là Trung Quốc có hùng mạnh thì mới giúp Việt Nam phục quốc được.

Tuy vậy, bọn mật thám Pháp và mật vụ Quốc dân đảng vẫn tiếp tục theo dõi tôi. Một lần gặp lại anh bạn Triều Tiên quen biết cũ, được biết anh ta đang làm việc tại cơ quan tình báo của Tưởng Giới Thạch, chúng tôi chỉ gặp nhau ở ngoài đường, không hề đến nhà và hỏi địa chỉ của nhau. Anh ta nói nhỏ với tôi: Trước cửa nhà anh thường xuyên có người theo dõi đấy. Nói xong anh vượt nhanh lên phía trước. Tôi về nói lại với ông Hồ Học Lãm. Ông cười bảo với tôi là ông đã được tướng quân họ Trần cùng trong bộ tổng tham mưu cho biết rồi, cứ coi như không có gì xảy ra thì chúng mới không nghi. Trước đó, trong một vài trường hợp thông thường, tôi vẫn liên lạc với một vài đồng chí ta bằng thư từ. Bưu điện của Tưởng Giới Thạch có lệ là lá thư nào không có người nhận thì họ để riêng ra một nơi, ai cần đến đấy mà tìm nhận. Một hôm, một viên sĩ quan đồng cấp bảo tôi đến bưu điện để nhận thư còn lưu lại. Tôi đến tìm thấy mấy lá thư. Có lá đề tên Lê Quốc Vọng, có lá đề Lê Tân Dân. Tôi để ý thấy có người theo dõi. Nếu tôi cầm thư đề tên Lê Quốc Vọng tức tên tôi hồi học ở trường Hoàng Phố thì có thể bị chúng bắt ngay. Tôi chỉ nhận lá thư đề Lê Tân Dân rồi đàng hoàng ra về. Có lần chúng bố trí tôi đến làm việc với một cơ quan bên ngoài mà tôi đoán chắc là cơ quan mật vụ. Đang làm việc bình thường, bỗng nhiên nó hỏi tôi: - Anh có quen ai là Lê Quốc Vọng không? Vừa hỏi nó vừa nhìn xoáy vào mặt tôi. Tôi thản nhiên đáp: - Có quen biết sơ sơ nhưng nhiều năm chẳng hề gặp nó - Tên mật vụ cười, nói: - Nó đi Xô Liên rồi. Tôi trừng mắt nhìn nó rồi nói: - Ông biết, vậy còn hỏi tôi làm gì? Nó cười, xin lỗi xã giao với tôi.

Tôi về kể lại với ông Hồ Học Lãm. Ông ngồi nghe chăm chú, rồi nói như kết luận: - Bọn chúng thường là thế nên ta phải hết sức tỉnh táo. Có lần ông mỉm cười, tự tin: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị”.

Một hôm, đợi cả nhà đã đi ngủ, ông Hồ Học Lãm dẫn tôi vào buồng riêng, cho biết: theo lệnh Tưởng Giới Thạch, bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng bắt đầu triển khai một kế hoạch tiến công quy mô rất lớn vào khu Xô-viết trung ương ở Thụy Kim và các khu khác ở các tỉnh lân cận; làm cỏ, tiêu diệt sạch các đơn vị Hồng quân, đảng viên cộng sản và mọi cơ sở của cách mạng. Theo nhiều nguồn tin, thằng Nhật sắp đánh lớn, chiếm các tỉnh đông dân, nhiều của miền ven biển Hoa Bắc, Hoa Trung, vì vậy, Tưởng Giới Thạch buộc phải hành động trước để tránh hậu họa bị cộng sản và bọn lãnh chúa quân phiệt cát cứ đánh vỗ mặt, đánh sau lưng. Lần này lại có sự tiếp tay hỗ trợ của bọn đế quốc Anh, Pháp và cả Đức nữa. Bọn này vẫn thậm thụt ra vào bộ tổng tham mưu. Quyết liệt lắm đấy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:42:47 am »

Những ngày tiếp sau, cho tới đêm khuya, ông Hồ Học Lãm và tôi vẫn chong đèn ngồi rất lâu trên tấm bản đồ quân sự trải rộng. Có lần chúng tôi nhập vai Tưởng Giới Thạch, lên phương án tác chiến; hoặc ngược lại đứng về phía Hồng quân Trung Hoa đối phó. Có nhiều đêm chúng tôi tranh cãi khá sôi nổi về cách đánh của bên này, cách chống trả của bên kia. Mỗi người bảo vệ giả định của mình. Những tấm bản đồ quân sự của các tỉnh Giang Tô, Triết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến... chi chít những mũi tên xanh, đỏ, những ký hiệu sở chỉ huy, trận địa pháo mỗi ngày một đậm nét. Gần như hai chúng tôi đều thuộc lòng địa hình, địa vật xung quanh khu vực Thụy Kim với những tên làng, huyện, tên núi, sông, các đường ngang dọc, các điểm cao, bãi bằng...; thuộc lòng phiên hiệu các quân đoàn, sư đoàn Quốc dân đảng, tên tuổi, cá tính của từng tướng lĩnh chỉ huy các đơn vị dự kiến sắp được tung vào cuộc chiến nay mai. Về phía Hồng quân, chúng tôi cũng nắm chắc được tình hình mạnh yếu của từng đơn vị và các tổ chức cơ sở quần chúng tại các khu Xô-viết. Song tôi vẫn thấy lo lo mỗi khi nhớ lại từ cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu năm 1927 mà tôi trực tiếp tham gia đến kế hoạch “hội sư Vũ Hán, ẩm mã Trường Giang” đánh vào các thành phố của quân Tưởng. Những lần ấy, hễ đánh không xong, phải rút, thì quân đội Tưởng Giới Thạch lại đến tàn sát hàng chục vạn dân lành vô tội. Tôi luôn luôn day dứt; liệu lần này bạn có đứng vững và đập tan được cuộc tiến công lớn của bọn Tưởng hay không? Nhìn về phương Nam, Tổ quốc xa vời. Sau Xô-viết Nghệ Tĩnh, bao khó khăn gian khó đã đến với cách mạng nước ta, Đảng ta: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị bắt các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng, Lê Quảng Đạt, Lưu Quốc Long... lần lượt sa vào tay giặc Pháp. Hôm nghe tin Lưu Quốc Long, người đồng chí nối khố với tôi, nhảy từ trên gác ba xuống, hy sinh, tôi không sao cầm được nước mắt. Còn bao đồng chí khác nữa? Nhiều lúc, tôi muốn xé tan bộ quân phục sĩ quan Quốc dân đảng, liều mình tìm cách về nước ngay để quyết một phen sống mái với giặc. Nhưng nỗi đau gặm nhấm tim gan ấy vơi dần trong tôi trước những tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được đồng chí bạn bè cứu thoát, các đồng chí đảng viên cộng sản như Trần Phú, Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu,... trong nhà tù đế quốc vẫn hiên ngang khí tiết, tổ chức đấu tranh, tìm cách liên lạc với cơ sở đảng bên ngoài. Những cán bộ, đảng viên không bị bắt vẫn tiếp tục hoạt động, nuôi dưỡng tinh thần của quần chúng. Nhờ đó phong trào ở trong nước đã dần dần được phục hồi, tập hợp được các tầng lớp công nông, tiểu thương, tiểu chủ đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, dãn thợ bắt phu ở cả nông thôn lẫn thành thị.

Giữa chừng công việc, tôi lên Thượng Hải chủ động tìm đến người đại diện mới của Đảng cộng sản Trung Quốc mà tôi vừa được giới thiệu để thông báo, phối hợp, đối chiếu với các nguồn thông tin từ phía Đảng bạn thu thập được. Tưởng là ai, hóa ra một bạn đồng học ở trường Võ bị Hoàng Phố trước đây, lúc này mang tên là Toàn Phong. Gặp nhau chúng tôi nắm chặt tay nhau đến đau điếng. Ở Trung Quốc, tình đồng hương, đồng học, đồng khóa là thiêng liêng trong tiềm thức, tập quán dân tộc. Toàn Phong lớn hơn tôi vài tuổi. Hai người hồi học ở trường Hoàng Phố đã có nhiều ý hợp tâm đầu. Tôi không tiện hỏi nhưng cũng đoán Toàn Phong đang giữ một trọng trách nào đó trong Đảng bạn. Toàn Phong tha thiết đề nghị với tôi là tìm mọi cách lấy cho bằng được kế hoạch tiến công lần này của Tưởng Giới Thạch.

- Qua các nguồn tin - Tôi nói - Chúng nghiên cứu rất kỹ sự chỉ đạo tác chiến và cách đánh của Hồng quân để tìm ra một cách đánh có lợi nhất cho chúng.

- Đồng chí thử cho vài dẫn chứng?

- Rút kinh nghiệm các lần trước, đại quân của chúng tiến ào ạt vào địa khu của ta, thường không gặp chủ lực của Hồng quân, đến lúc quân của chúng mệt mỏi mới đánh, hoặc khi chúng lui quân thường mái bị truy kích, nên chúng thường bàn với nhau là làm sao không bị “bọn đỏ” cho vào bẫy.

- Đúng đấy - Toàn Phong đáp, giọng hào hứng - Kinh nghiệm trên hai chục năm tiến hành du kích chiến tranh của Đảng chúng tôi đã đúc kết lại thành những nguyên tắc chỉ đạo tác chiến cho Hồng quân và các lực lượng vũ trang khác trong toàn quốc.

Tôi kiên nhẫn ngồi nghe người đồng chí của Đảng bạn thuyết trình về những điều hay, điều lợi của những nguyên tắc đó.

- Trong quân sự còn vấn đề vận dụng linh hoạt - Tôi nói - Ngay như Nã Phá Luân (Na-pô-lê-ông), một nhà quân sự có tài cũng có nói đại ý là thực địa chi phối cả cách cầm quân. Trong Binh pháp Tôn Tử cũng nói nhiều đến thực tế chiến trường.

Toàn Phong ngắt lời tôi:

- Đúng là có vấn để vận dụng linh hoạt. Nhưng nguyên tắc thì bao giờ cũng là nguyên tắc. Nã Phá Luân dù sao cũng sinh trưởng trước chúng ta hơn một thế kỷ.

Trước khi từ biệt người bạn học cũ, giờ là người cộng tác chặt chẽ với mình, tôi kiên trì nhắc đi nhắc lại: Nó đánh lần này có nhiều cái khác đấy. Trên đường về tôi không khỏi bâng khuâng suy nghĩ. Toàn Phong mới ngày nào còn là học sinh quân, rất trí thức, mà nay đã khác nhiều rồi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:43:17 am »

*
*   *

Khoảng vài ba ngày ông Hồ Học Lãm lại cung cấp cho tôi một số chi tiết: - Bí mật lắm. Đích thân Tổng tham mưu trưởng điều hành công việc, thành lập một ban công tác đặc biệt, gọi là Biệt phái Ban. Tổng tham mưu trưởng duyệt danh sách từng người... Tôi cũng có trong danh sách Biệt phái Ban. Số người trong Ban rất hạn chế.

Việc ông Hồ Học Lãm được chỉ định là thành viên tham gia xây dựng kế hoạch tác chiến này là một điều rất thuận lợi cho công việc của tôi. Ông được phân công làm tổ trưởng tổ hậu cần bảo đảm cho gần hai chục quân đoàn, sư đoàn và nhiều đơn vị trọng pháo, súng cối, thiết xa và một vài phi đội máy bay cường kích thám thính, mới được bọn đế quốc Anh - Pháp - Đức viện trợ. Tất cả ước tính một triệu quân.

- Một triệu quân? Tôi thốt lên.

- Một triệu quân. Đúng đấy. Nhưng dự bị đội rất nhiều. Chưa biết rõ ý đồ sử dụng của họ ra sao.

Những ngày tiếp sau, ông Hồ Học Lãm đi làm về, nom rất phờ phạc, ăn uống sút hẳn đi. Ăn xong ông nằm chợp mắt một hồi lâu, có khi cả nhà sắp chuẩn bị đi ngủ ông mới ngồi vào bàn. Ổng nhớ lại và đọc cho tôi ghi những con số rất lớn dự trù về xăng dầu, đạn dược, thuốc nổ, phương tiện vận tải phục vụ, về vật liệu: xi măng, gỗ, đá, sắt thép... Con số về lương thực, thực phẩm càng ghê gớm hơn nữa. Theo ông thì chưa thấy một lần nào họ dự trù ghê gớm như lần này.

Suy nghĩ hồi lâu, ông ngủ luôn trên ghế. Tôi che bớt ánh sáng ngọn đèn canh giấc ngủ cho ông. Những con số năm chục vạn tấn, một triệu tấn, chục triệu tấn cứ như nhảy nhót trước mắt. Có đêm tôi thức trắng, trằn trọc nhưng sớm ra, lại mũ áo chỉnh tề đi làm. Có buổi trưa ông không về. Buổi chiều về nhà ăn cơm xong lại thấy ông đi. Có lúc ông đến cơ quan tiếp tục làm. Có lúc không thấy ông đến cơ quan nhưng đi đến gần nửa đêm mới về. Cả nhà đều biết ông đi là có việc rất cần. Mọi người đều nén lòng không hỏi ông điều gì, khỏi làm ông bị phân tán tư tưởng.

Một hôm, ông về với vẻ mặt tươi tỉnh. Sau bữa cơm chiêu, bỏ qua lệ nghe đài, uống nước, ông kéo tôi vào phòng riêng nói nhỏ:

- Đúng như tôi dự đoán từ lâu, chưa nói cho anh biết. Hôm nay họ vừa giới thiệu riêng với chúng tôi một đoàn võ quan Đức do viên tướng Xiếc-tơ (Seekt) cầm đầu sang làm cố vấn cho Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch đã làm việc xong với họ ở tư thất. Mấy ngày qua ho làm việc riêng với Tổng tham mưu trưởng và tổ lập đồ án tác chiến. Tổ hậu cần của tôi và tổ điều hành của Trần tướng quân cũng không được tham gia. Tuyệt đối bí mật - Ông dừng lại một lúc lâu mới nói tiếp: Lần này các cố vấn Đức cùng với họ thảo luận nghiên cứu kỹ rất kỹ mấy nguyên tắc chỉ đạo tác chiến của Hồng quân. Rút kinh nghiệm mấy lần trước, các cố vấn Đức bày cho Tưởng đánh theo kiểu trận địa chiến. Chiếm được đâu lập trận địa kiên cố đến đó, có hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh chi viện. Đồng thời thực hiện triệt để chính sách “tam quang” (đốt sạch, phá sạch, giết sạch). Cốt để phía bên kia (ý nói Hồng quân) phải húc đầu vào trận địa kiên cố, bị đại quân, đại pháo của họ nghiền nát. Nếu Hồng quân vẫn áp dụng cách đánh vừa du kích vừa vận động thì họ đã được những “vỏ áo giáp” che chở rồi.

Dựa vào nguồn tin chính xác của ông, tôi lập tức tìm cách truyền đạt lại kỹ càng cho Đảng bạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:03:28 am »

*
*   *

Tháng 10 năm 1933, cuộc đại tiến công quy mô chưa từng có của Tưởng Giới Thạch vào khu Xô-viết trung ương ở ranh giới hai tỉnh Phúc Kiến và Giang Tây bắt đầu. Đích thân Tưởng Giới Thạch và viên thượng tướng Xiêc-tơ (Seekt), cố vấn người Đức trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Phần lớn cơ quan bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng xoay quanh phục vụ. Chiến cuộc không ào ào như sóng dâng, lửa cháy mà thận trọng từng bước. Báo chí công khai, các bản tin mật cũng nói với một mức độ thận trọng vừa phải so với quy mô tầm vóc của nó. Cuộc chiến kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau. Giữa chừng, Tưởng Giới Thạch phải tạm ngừng tiến công do có sự nổi dậy của quân đoàn 19 của Thái Đình Khải ở Phúc Kiến chống lại Tưởng. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng quân đã bỏ lỡ cơ hội này.

Một năm trời ông Hồ Học Lãm bận túi bụi. Ông phải điều hành công tác hậu cần chiến dịch đòi hỏi ngày càng lớn “càng cấp bách theo quân lệnh”. Nhìn lại việc đánh trả của Hồng quân, nhiều lúc ông phát bực nói với tôi:

- Không hiểu làm sao lúng túng bị động đến thế? Nó đã thay đổi cách đánh rồi mà mình thì cứ khư khư đánh theo lối cũ. Anh hãy giải mã mật điện này rồi tìm cách chuyển ngay cho Hồng quân.

Thời gian này, tôi cũng bị xoay như chong chóng, hết đi lại về gặp các đầu mối liên lạc. Địa điểm gặp nhau từng lúc lại phải thay đổi, cả nhân mối cũng vậy. Sau Toàn Phong lại đến người khác.

Hồng quân theo nguyên tắc chỉ đạo tác chiến cũ, lúc đầu định nhử địch vào sâu mới đánh. Mặc dầu trước đó đã có nhiều ý kiến bàn luận nên chủ động đánh địch từ phía ngoài khu căn cứ. Giữa chừng mới thay đổi. Mở cuộc phản công lớn vào khu trắng (khu Quốc dân đảng) tức vào hậu phương chiến dịch của địch.

- Muộn quá rồi - Ông Hồ Học Lãm được tin, đập tay xuống bàn - Đánh vào khu trắng ở phía bắc Lệ Xuyên - Ông chỉ vào bản đồ - gặp phòng tuyến kiên cố của địch, không thành công. Định phá cái cầu Tự Khê trên tuyến vận chuyển huyết mạch của Bạch quân, cũng không được. Gay go đấy.

Những tin tức tiếp sau về hoạt động của Hồng quân cũng không làm cho mọi người phấn chấn lên chút nào. Hồng quân từ khu trắng ở vòng ngoài chuyển dịch vào tuyến giữa. Ở đâu cũng vấp phải tuyến chiến hào kiên cố của chúng.

Dần dà diễn biến chiến đấu giảm dần tốc độ và cường độ, có lợi cho Tưởng Giới Thạch. Ông Hồ Học Lãm chỉ còn một cách ngầm chi viện cho Hồng quân là trì hoãn hay làm chậm được giờ nào hay giờ ấy công tác tiếp tế hậu cần. Tôi đi gặp người của Đảng bạn cũng không còn nhiều nội dung để trao đổi thông tin nữa. Một sự lo lắng bao trùm.

Cho đến ngày được tin đích xác là toàn bộ các lực lượng vũ trang của Hồng quân và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải bỏ các khu căn cứ với hàng mấy chục triệu dân, tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh theo hướng lên Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc, từ bộ tổng tham mưu về, ông Hồ Học Lãm liền gieo mình xuống ghế, ngồi lặng hồi lâu. Tôi ngồi bên cạnh ông, như ngồi trên đống lửa.

- Lẽ ra thì đâu đến nỗi như thế này. Mất hết đất mất hết dân! Nói xong ông đứng dậy. chậm chậm đi vào phòng của mình, khép chặt cửa lại.

Chưa bao giờ tôi thấy trong lòng trống rỗng vô hạn như lúc đó.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:04:11 am »

*
*   *

Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồng quân Trung Hoa đã bỏ lại toàn bộ các khu căn cứ và hàng chục triệu dân ở mấy tỉnh phía Nam Trung Quốc để rút lui. Trạm liên lạc bí mật giữa Đảng bạn và tôi cũng không còn nữa. Tôi cảm thấy hẫng hẳn đi, chưa biết nên tiếp tục nhiệm vụ mà đồng chí Lý Thụy giao phó như thế nào.

Cùng thời gian này, đồng chí Hà Huy Tập, sau đó là đồng chí Lê Hồng Phong từ Liên Xô đã lần lượt về qua Trung Quốc. Được sự gợi ý của Quốc tế cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong với cương vị Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Quốc tế cộng sản đứng ra thành lập Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương tạm thời làm chức năng của một Ban chấp hành Trung ương, lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong thời gian chờ đợi Đại hội của Đảng họp bầu ra một Ban chấp hành Trung ương mới.

Đến nơi hẹn, tôi được gặp lại đồng chí Lê Hồng Phong, người chú trong gia đình, người đồng chí, người lãnh đạo cấp cao của tổ chức ta lúc đó. Mừng vui khôn tả. Kể từ ngày hai chú cháu bí mật rời quê hương ra đi, thấm thoắt đã trên mười năm. Tôi không còn là một thiếu niên 16. 17 nữa. Còn đồng chí Lê Hồng Phong nay cũng đã ở cương vị một trong những đồng chí lãnh đạo xuất sắc của giai cấp công nhân, của Đảng ta. Cả đêm hôm đó. chúng tôi ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự về quê hương đất nước, về phong trào cách mạng chung trên thế giới, về cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Qua chuyện trò. tôi cũng sáng ra được nhiều vấn đề. Đồng chí hỏi tôi về tình hình công việc trong hàng ngũ đối phương như thế nào? Tôi lưỡng lự, có nên nói rõ cho đồng chí biết không. Nhớ lại lời căn dặn của đồng chí Lý Thụy: “Chỉ có tôi với chú biết thôi” nên tôi phải nói lảng sang nhiều điều day dứt nội tâm, phần vì bị anh em bạn bè hiểu lầm, phần phải sống đơn phương giữa một bọn thù địch, hàng ngày phải nghe bọn chúng lăng mạ cộng sản, luôn mồm đe dọa tiêu diệt bọn đỏ khát máu... Dường như thông cảm, nhiều lần, Lê Hồng Phong bóp chặt tay tôi, tìm lời động viên khích lệ:

- Lúc đầu, tôi có dự kiến đưa anh vào Ban lãnh đạo hải ngoại, nhưng gặp anh mới rõ công việc của anh đã quá nặng nề phức tạp rồi.

Tôi vội ngắt lời đồng chí, vì không ghìm nén được:

- Cám ơn chú. May mà được chú hiểu cho công việc của cháu. Với công việc hiện tại, cháu tự thấy không thể kiêm nhiệm được việc gì. Chỉ mong làm tốt công việc đồng chí Lý Thụy giao cho. không để xảy ra sơ suất.

Sau lần gặp đó ít lâu, tôi được tin đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII. Trong số đại biểu có chị Nguyễn Thị Minh Khai.

Tháng 3 năm 1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất 1 của Đảng ta được tổ chức tại Ma Cao, Trung Quốc. Tôi 1 nhận được giấy triệu tập. Về đến nơi thì Đại hội đã bế mạc. Nhưng tôi được gặp đồng chí Tổng bí thư Hà Huy Tập và được nghe phổ biến Nghị quyết của Đại hội, lòng vui như được trở về với gia đình cộng sản Việt Nam, nhất là khi được tin đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn mạnh khỏe và cũng tham dự Đại hội VII của Quốc tế cộng sản.

Cũng trong thời gian này, tôi được đồng chí Mạnh Văn Liễu (Phùng Chí Kiên) thay mặt Ban lãnh đạo hải ngoại gặp tôi giao cho một nhiệm vụ đột xuất là theo dõi Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ - đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng cũ vừa từ Côn Minh (thủ phủ Vân Nam) lên Nam Kinh, xem họ có âm mưu gì thì phải kịp thời đấu tranh ngăn chặn. Anh nói giọng không vui: - Người mình với người mình trên đất nước người, cố gắng lôi kéo, phân hóa, cảm hóa họ, chí ít cũng vô hiệu hóa. Anh dặn tiếp: Việc này rất cần đến sự đồng tình nhất trí ủng hộ của ông Hồ Học Lãm.

Lâu nay, đã quen với công việc trong quân đội, mệnh lệnh là mệnh lệnh. Địch thủ phần lớn là bọn đặc vụ Quốc dân đảng, bọn mật thám Pháp, Anh, Nhật. Lần này, một dạng công tác khác nên cách làm cũng phải khác. Vừa lúc ông Hồ Học Lãm đưa cho tôi một lá thư của một người Việt Nam đến Nam Kinh bị bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch bắt giữ, nhờ ông Hồ Học Lãm bảo lãnh. Xem thư thì hóa ra là đồng chí Đông A, người của tổ chức ta phái đến cộng tác với tôi. Ngoài đồng chí Đông A, tổ chức còn phái thêm một vài đồng chí khác nữa.

Qua tìm hiểu, tôi càng rõ Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ... là một bọn đầu cơ chính trị, giả danh cách mạng. Chúng đã phản lại đường lối của Việt Nam Quốc dân đảng hồi còn các lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, hệt như Tưởng Giới Thạch đã phản lại đường lối Tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn.

Sau cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng tháng 2 năm 1930 bị thất bại, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và đồng bọn chạy trốn sang Côn Minh, làm những việc xằng bậy. Gần đây chúng bị tướng Long Vân, tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam trục xuất, bèn chạy lên Nam Kinh, định lôi kéo Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công... khôi phục lại Việt Nam Quốc dân đảng theo đường lối Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên. Và tất nhiên để cầu xin sự giúp đỡ của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Trong đội ngũ Quốc dân đảng Trung Hoa lúc đó, không thiếu gì kẻ đang ôm ấp một ý đồ thâm hiểm sau này đối với đất nước Việt Nam.

Trao đổi trong tổ công tác, tôi phát biểu là ta có mặt ở đây mà không làm, để nó làm xong trước, nhất định nó sẽ tố cáo tổ chức của ta với Quốc dân đảng, sẽ tai hại vô cùng. Bàn đi tính lại, tổ công tác nhất trí dùng hình thức lập một mặt trận lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh Hội có tôn chỉ, mục đích hoạt động là: chống đế quốc Pháp, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, lôi kéo chúng vào nhưng ta phải nắm quyền lãnh đạo. Tổ công tác phân công cho tôi về vận động ông Hồ Học Lãm, với uy tín chính trị của mình, sẽ làm Chủ tịch Mặt trận. Ông Hồ Học Lãm sẽ thuyết phục Nguyễn Hải Thần. Tôi trực tiếp đến gặp Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ. Số anh em khác sẽ đi vận động một số nhân sĩ Việt Nam, bà con Việt kiều và một số nhân sĩ Trung Quốc khác ủng hộ việc thành lập Mặt trận.

- Từ trước tôi đã nói với anh, việc gì có lợi cho dân cho nước là tôi làm, làm với hết sức mình - Ông Hồ Học Lãm vui vẻ nói với tôi như vậy. Và ông đi gặp Nguyễn Hải Thần ngay tức khắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:05:17 am »

*
*   *

Vũ Hồng Khanh khệ nệ từ trong buồng bước ra, mời tôi ngồi vào bộ tràng kỷ kê ở giữa nhà. Nhà này là của một người Trung Quốc. Trên tường chỗ nào cũng thấy có bàn thờ, dán giấy đỏ. Thờ quỷ thần, thờ ma xó. Vũ Hồng Khanh chẳng khác gì một anh Tàu nghiện, ngực đậm đậm, nước da nhờn nhợt vì nghiện hút. Từ trong góc nhà tối tối, mùi thuốc phiện thơm lừng. Nghiêm Kế Tổ chưa dứt nổi khỏi bàn đèn thuốc phiện nên ra sau. Với bộ quân phục sĩ quan thường dùng, không đeo phù hiệu, quân hàm, tôi trao đổi câu chuyện một cách chậm chạp, ý tứ. Đến khi hiểu được mục đích của tôi đến đây, Vũ Hồng Khanh chồm lên ngay:

- Không được. Không được. Chúng tôi với các ông mục đích, tôn chỉ khác hẳn nhau. Không thể đồng sàng đồng mộng được. Chúng tôi lúc nào cũng vậy: quốc gia trước, quốc tế sau. Ta nói chuyện đến đây là đủ.

Tôi cố nén bực dọc, nói:

- Các ông bảo quốc gia độc lập trước đã. Dân nước nghe các ông, hy sinh tất cả, đánh Tây giành lại độc lập. Độc lập rồi các ông có định nghĩ gì đến họ không? Liệu còn có những kẻ ngồi không ăn bám giàu nứt đố đổ vách, còn những người quần quật suốt năm vẫn bị bóc lột, bòn rút xớ xác không? Có còn những đặc quyền, đặc lợi cho một số ít kẻ bất tài, xu nịnh ăn trên ngồi trốc không? Người dân có được hưởng mọi quyền tự do dân chủ, no cơm ấm áo không? Hay vẫn bị khóa mồm khóa miệng, thằng còng làm cho thằng ngay ăn? Trăm thứ tội, nghìn nỗi bất công đổ xuống đầu người dân. Quốc gia độc lập như thế thì độc lập còn có ý nghĩa gì? Yêu cầu ông nói lại cho rõ nội dung quốc gia độc lập như các ông thường nói như thế nào?

Vũ Hồng Khanh ú ớ, nói nhăng nói cuội một lúc. Cuối cùng hắn đánh trống lảng, nói:

- Thôi ông anh đi, ta hãy nói đến việc đánh Tây giành lại độc lập trước đã.

- Ai đánh? Một dúm người ở đây đánh được hay sao?

- Tất nhiên một dúm người thì không thể làm được nhưng ta còn rất nhiều người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ ta.

Biết là hắn sắp sửa nói gì, tôi cố nén ngồi nghe. Quả nhiên hắn nói nhiều đến sự giúp đỡ của các “nhân sĩ cao cấp” trong Quốc dân đảng Trung Hoa. Hắn còn định ba hoa khoác lác nữa thì Nghiêm Kế Tổ từ buồng trong bước ra. Người hắn còn ám khói thuốc phiện. Vũ Hồng Khanh chỉ là một tên du côn, võ biền. Nhưng Nghiêm Kế Tổ rõ ràng là một con cáo già thâm hiểm. Hắn tỏ vẻ cung kính rạp lưng xuống khi bắt tay tôi. Hắn thét người nhà pha ấm chè ngon nhất và mang rượu Mai Quế Lộ ra. Một điều, hai điều hắn đều gọi tôi là tiên sinh: Tiên sinh dùng trà; Xin nâng cốc chúc sức khỏe của tiên sinh; Chúc sự hội ngộ hôm nay... Tôi thấy lợm giọng nhưng bên ngoài cũng tỏ ra sành sỏi lịch lãm như ai. Câu chuyện xoay quanh cái thú uống các thứ rượu ngon trên đời. Hắn dò hỏi cả mánh khóe áp phe lớn ở đây. Cả hai tên đều há to miệng lên nghe tôi nói về những điều mà chúng đang rất muốn biết - Nhưng tôi lại đây gặp các ông không phải vì những việc này mà muốn hai ông cho biết ý định của các ông sắp tới định làm gì ở đây? Người cầm đầu và thực lực có bao nhiêu, ở đâu, như thế nào? Tôi nhấn mạnh - Để chúng ta hiệp lực chung trong một mặt trận thống nhất đánh Pháp giành độc lập, hạnh phúc cho dân, cho nước.

Nghiêm Kế Tổ giọng vẫn ngọt xớt như mía lùi, nói còn phải xin chỉ thị của cấp trên và của các liên minh khác.

- Các ông định nói liên minh với ông Tú Đại Từ (tức Nguyễn Hải Thần, tôi dùng cách gọi Nguyễn Hải Thần của bọn chúng) phải không? Ông ta đã nhận lời với một vị nhân sĩ người Việt Nam ta rất có uy tín trong chính giới Trung Hoa, kể cả Tưởng ủy viên trưởng tham gia Mặt trận đó rồi. Còn các ông, các ông không thể quay về Côn Minh được đâu. Nhà đương cục Vân Nam đang ra lệnh truy lùng các ông. Mọi việc chúng tôi đều biết cả.

Vũ Hồng Khanh ỉu xìu như gà bị cắt tiết. Còn Nghiêm Kế Tổ lặng đi một lúc nhưng vẫn cố lên gân nói: Muốn sao, việc hợp tác với các ông chúng tôi còn phải bàn trong “Hội” đã. Sẽ sớm trả lời ông.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:06:10 am »

Tôi cố lấy giọng ôn tồn:

- Hợp tác với chúng tôi, các ông được lợi nhiều. Chúng ta là những người dân mất nước, sống ở nước ngoài chỉ có con đường thành thật hợp tác với nhau mới làm nên chuyện.

Thấy tôi đã dịu giọng, Nghiêm Kế Tổ lại giở giọng giả tỉnh, giả say nói:

- Tiên sinh đáo để lắm. Quốc gia hay cộng sản đấy?

Đến lượt tôi cũng nửa đùa nửa thật:

- Các ông định hóa tôi từ một sĩ quan của Tưởng ủy viên trưởng thành một người cộng sản? Hay lắm. Xin mời các ông cứ việc giữ ý nghĩ đó. Tôi dằn từng tiếng: Tôi sẵn sàng trở thành người cùng đứng với các ông trong một Mặt trận thống nhất, hoặc thành một đối thủ lợi hại của các ông. Các ông muốn đằng nào cũng được. Nhưng khôn ngoan thì chọn con đường hợp tác.

Ông Hồ Học Lãm đến gặp Nguyễn Hải Thần cũng đạt kết quả. Từ ngày cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt đưa về nước, Nguyễn Hải Thần tự phong cho mình là lãnh tụ Việt Nam quang phục Hội. Nhưng gặp những người như ông Hồ Học Lãm thì không dám ho he lấy nửa câu. Được ông Hồ Học Lãm đến nhà, Nguyễn Hải Thần tỏ ra rất phấn khởi. Rồi khi nghe ông Hồ Học Lãm nói về thành lập một Mặt trận, có cả ông Hồ Học Lãm tham gia, Nguyễn Hải Thần vì lợi ích riêng của bản thân liền đồng ý ngay.

Hôm tổ chức Đại hội thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội, có đông đủ đại biểu các tổ chức cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc, đại diện của Trung ương Quốc dân đảng Trung Hoa, của đương cục Trung Quốc, ông Hồ Học Lãm được bầu làm Chủ tịch Mặt trận. Tôi và Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ (hai tên này cũng buộc phải nhận tham gia) và một vài đồng chí khác của ta được bầu làm ủy viên Ban chấp hành. Về tài chính, đương cục Trung Quốc nhận mỗi tháng giúp vài trăm đồng. Mặt trận quyết định hàng tháng ra một tờ báo lấy tên là Việt Thanh.

Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng ta đánh giá cao việc này. Một công hai việc: vừa hợp pháp hóa được tổ chức cách mạng của ta đối với đương cục Trung Quốc và ngăn chặn được âm mưu phản cách mạng của bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ...

Do báo chí công khai ở Nam Kinh có đăng tin về việc này nên ở Mạc Tư Khoa, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nắm được. Và Quốc tế cộng sản cũng biết qua tin tức. Lúc đó là những năm 1935 - 1936. Trước nguy cơ chiến tranh thế giới lan rộng, Quốc tế cộng sản có chủ trương thành lập một mặt trận chống chiến tranh đế quốc bảo vệ hòa bình rộng rãi ở khắp các nước. Việt Nam đã tổ chức được một Mặt trận. Phải chăng theo phương hướng nói trên? Đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau khi đã được báo cáo đầy đủ liền chỉ thị cho Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng ta: Mặt trận là phải có cơ phong trào ở trong nước. Do đó Mặt trận không thể tồn tại và phát triển được ở ngoài nước.

Chấp hành chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Ban lãnh đạo hải ngoại, tôi về báo cáo lại với ông Hồ Học Lãm. Hai bác cháu đều nhất trí: không tuyên bố giải tán nó, nhưng cũng không hoạt động gì thêm nữa, cứ để nó đấy, sau này lúc nào cần sẽ dựng nó dậy.

Bị chặn đứng bàn tay phá hoại ở Nam Kinh, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và đồng bọn đã nhanh chóng tìm đường lén lút trốn về Vân Nam, còn một số anh em khác thì theo ta.

Anh Lê Hồng Phong từ Mạc Tư Khoa về tới Trung Quốc. Gặp anh Lê Hồng Phong lần này, tôi nắm thêm được tình hình nhiều mặt của thời cuộc: Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, việc hò hét chiến tranh chia lại thị trường thế giới của phát xít Đức. Trục Béc-lin - Rô-ma - Tô-ki-ô hình thành. Quân phiệt Nhật chuẩn bị mở rộng chiến tranh xâm lược lớn Trung Quốc. Cuộc đấu tranh của các đảng của giai cấp công nhân ở các nước châu Âu chống nguy cơ chiến tranh thế giới mới. Thắng lợi của Liên Xô trên mặt trận kinh tế, ngoại giao và củng cố quốc phòng. Mặt trận Bình dân giành thắng lợi ở Pháp và ảnh hưởng của nó tới phong trào cách mạng ở Đông Dương v.v...

- Lẽ ra lần trước tôi đã chuẩn bị về nước hoạt động - Anh Lê Hồng Phong nói - Nhưng vì có giấy triệu tập họp Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII nên không về được. Chị Minh Khai, anh Hoàng Văn Noọn còn ở lại học tiếp ở Đại học Phương Đông. Học xong cũng sẽ về cả, vì ở ta lúc này đang rất thiếu cán bộ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:06:45 am »

Với niềm phấn khởi, hào hứng, anh nói về tình hình chính trị ở nước Pháp: Tháng 2 năm 1934, Đảng cộng sản Pháp thành lập Mặt trận thống nhất của giai cấp công nhân, đẩy lùi đợt tiến công đầu tiên của các thế lực phát xít Đờ-la Rốc (De la Roque), tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ, bảo vệ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh. Thắng lợi của Đảng cộng sản Pháp gợi cho Đảng ta nhiều kinh nghiệm quý giá để đẩy phong trào lên khi thời cơ đến. Anh còn nói anh đã nghiên cứu rất kỹ, muốn tôi cùng về nước hoạt động với anh lần này.

Nghe Lê Hồng Phong nói, tôi tần ngần hồi lâu. Thấy vậy, anh liền hỏi một cách ý tứ:

- Hình như đồng chí Nguyễn Ái Quốc có giao cho anh nhiệm vụ gì đặc biệt ở đây thì phải?

Tôi đành nói ra một phần nhiệm vụ quốc tế mà đồng chí Lý Thụy đã giao cho tôi.

- Đồng chí Lý Thụy giao riêng việc này cho mình anh hay còn người nào khác nữa?

- Quả thật điều này tôi không được biết. Chắc chỉ một mình tôi thôi.

Anh Lê Hồng Phong nói tiếp: Nếu vậy, anh chưa thể về nước được. Hãy ở lại tiếp tục nhiệm vụ của đồng chí Lý Thụy đã trao. Ngừng giây lát, anh hỏi tôi còn liên lạc được với các đồng chí Trung Quốc không, sắp tới định làm gì?

Từ một năm nay, tôi chỉ được biết tin tức cuộc rút lui lên phía Tây Bắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng quân Trung Hoa qua các bản báo cáo gửi về bộ tổng tham mưu Tưởng Giới Thạch do ông Hồ Học Lãm nói lai. Gần đây, theo báo cáo tổng hợp cuối cùng thì “quân Cộng sản” đã tới Báo An và Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Cứ theo như báo cáo này thì “quân Cộng sản” đã mười phần chết chín, đợi ngày tan rã. Được tin này cả ông Hồ Học Lãm và tôi đều xót xa vô cùng. Tôi ra sức đi bắt nối liên lạc nhưng vô hiệu. Vì thế gần đây tôi đã quyết định xin về một binh đoàn vận tải cơ giới của Tưởng Giới Thạch để có điều kiện đi theo các đoàn xe hậu cần tiếp tế cho quân khu Thanh Hải của Tưởng. Tôi hy vọng rằng ở những vùng như Sơn Tây, Thiểm Tây có nhiều chỗ khu trắng và khu đỏ xen kẽ với nhau, đến đó sẽ tìm ra manh mối liên lạc.

Sau khi nghe tôi trình bày, đồng chí Lê Hồng Phong hoàn toàn tán thành.

Hôm đó, tôi ngồi nán lại bên anh rất lâu. Tình đồng chí, đồng hương, tình chú cháu trong nhà càng gắn bó hai chúng tôi nơi đất khách quê người. Hôm ấy, Lê Hồng Phong cho tôi biết thêm một chuyện riêng tư. Đó là chuyện đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu và làm chủ hôn ngày cưới của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai tại Mạc Tư Khoa, sau khi bế mạc Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII. Khi chia tay, tôi dặn:
 
- Chú về nước lần này có dịp ghé qua quê nhờ chú xem hộ thày mẹ và các em cháu ra sao. Nếu gặp được thày mẹ cháu, nhờ chú nói hộ cho là cháu vẫn bình an khỏe mạnh, làm đúng những điều thày mẹ cháu thường dạy bảo trước đây. Và cháu không làm một điều gì tổn hại đến thanh danh gia đình, làng nước.

Chúng tôi đưa tiễn nhau một đoạn đường dài hẹn gặp nhau trên mảnh đất thân thương của Tổ quốc. Tôi không ngờ buổi tạm biệt hôm đó lại là buổi vĩnh biệt người đồng chí, người chú của mình.

Hệt như ngày 18 tháng 9 năm 1931 khi cho phá chiếc cầu sắt xe lửa cách Phụng Thiên vài ki-lô-mét để lấy lý do đánh chiếm miền Đông Bắc (tức xứ Mãn Châu), ngày 27 tháng 7 năm 1937, đế quốc Nhật lại bịa ra vụ Lư cầu kiều để có có mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược quy mô tới miền Trung và miền Nam Trung Quốc. Lần trước, chỉ trong hai tháng, chúng đã chiếm được một triệu ki-lô-mét vuông với số dân trên ba chục triệu. Do chính sách đầu hàng của Tưởng Giới Thạch, quân phiệt Nhật càng lấn tới. Tháng 1 năm 1933, chúng ngang nhiên đánh chiếm Nội Mông, Nhiệt Hà, vượt qua Vạn lý trường thành, uy hiếp thủ đô Bắc Kinh và miền Bắc Trung Hoa. Lần này, cũng chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã đánh chiếm xong Thượng Hải, Nam Kinh, Từ Châu, Vũ Hán. Quan quân của Tưởng Giới Thạch bỏ đất, bỏ dân chạy tan tác. Nhân dân Trung Quốc ở các tỉnh lưu vực sông Dương Tử, một lần nữa, kể từ sau lần Nhật đánh Thượng Hải tháng 1 năm 1932, hầu như chẳng được chính quyền Tưởng Giới Thạch chuẩn bị cho chút gì trước khi nổ ra chiến tranh. Lai diễn ra cảnh chết chóc, tàn phá, cửa nhà li tán, mẹ lìa con vợ lìa chồng. Dòng người chạy loạn vô tổ chức chết như ngả rạ vì đói rét, bệnh tật, cướp bóc và bom đạn của máy bay Nhật. Tôi được nhìn tận mắt bao cảnh đau lòng xót xa, nên càng thấy rõ sự man rợ đến cùng cực của đội quân xâm lược đối với các dân tộc yếu kém hơn chúng về kỹ thuật quân sự. Ở Bạng Phụ, một vùng đông dân, bất ngờ bị giặc Nhật tràn đến, nhiều cảnh đàn áp, tàn sát dân lành vô tội đã diễn ra...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 08:07:09 am »

Sau khi mất Nam Kinh, chính quyền Tưởng Giới Thạch rời đô, về Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, ông Hồ Học Lãm buộc phải theo bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng về Trùng Khánh. Lúc đó tôi đang công tác tại Binh đoàn vận tải số 2 hoạt động ở miền Trung Trung Quốc. Cái tên Trùng Khánh gợi cho tôi câu chuyện Đường Tăng ngày xưa lặn lội lên tận Tây Trúc để học đạo mà dọc đường biết bao lần ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Trùng Khánh ngày nay không có đường xe lửa nối với các tỉnh miền đồng bằng, nên Binh đoàn vận tải số 2 với gần hai vạn (biên chế có bảy nghìn chiếc, còn trưng dụng xe của tư nhân trên một vạn chiếc), có nhiệm vụ trước mắt phục vụ cho việc dời đô của Tưởng Giới Thạch về Trùng Khánh, sau đó là bảo đảm việc tiếp tế hậu cần.

Tôi làm việc ở các cung trạm khúc giữa tại các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam và một phần Quý Châu, nên có nhiều dịp nắm được các điểm bố trí kho tàng quân sự, các nhà máy phục vụ quốc phòng của Tưởng Giới Thạch. Với lý do cần mở thêm một số cung, trạm dự bị khác, để đi sâu vào các “khu đỏ” - căn cứ cũ của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Bát lộ quân ở Thụy Kim, núi Tỉnh Cương và ở Hồ Nam, tôi có dịp quan sát và không khỏi ngạc nhiên khi thấy cả một vùng đất rộng bao la của các khu Xô-viết cũ, nay đã biến thành những khu vực hoang dã, điêu tàn. Rêu phong cỏ dại mọc bên những bức tường cũ. Vườn tược xác xơ. Ruộng bãi thành đồng cỏ dại. Từng đám xương người, xương súc vật; những cột nhà cháy khẳng khiu, mốc đen trong sương gió. Trong tiểu đoàn 2 (thuộc Binh đoàn vận tải số 2) do tôi chỉ huy, không thiếu những sĩ quan và hạ sĩ quan trước đã tham gia các cuộc vây quét của Tưởng Giới Thạch vào các khu căn cứ Xô-viết những năm 1930, 1934. Họ là những nhân chứng sống, sẵn sàng kể lại cho tôi nghe những giờ phút “yêng hùng” của họ khi tiến vào khu Xô-viết. Bắn giết, đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp... Bọn chúng tự tố giác lẫn nhau. Có tên, một buổi sáng trong cơn say, chém giết hàng chục mạng người. Có tên tự tay thiêu đốt cả một góc xóm. Bọn lính cướp đi từ cái quần phụ nữ đến đôi giày vải của trẻ em. Nghe bọn chúng kể tôi đau đớn, lặng thầm. Thì ra bản chất của quân đội Nhật Bản đế quốc và đội quân Quốc dân đảng phản động giống nhau như lột.

Một hôm, trong cuộc đi khảo sát tìm địa điểm đặt kho tàng bí mật, tôi đi sâu vào chân núi Tỉnh Cương, căn cứ cũ của Hồng quân Trung Hoa ở giáp hai tỉnh Giang Tây và Hồ Nam. Chiếc xe chỉ huy của tôi bị hỏng hóc dọc đường. Tôi có cớ lững thững đi bộ qua mấy quả đồi rộng. Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới có dịp tiếp xúc với vào một căn nhà nát hai gian, vách đất. Quang cảnh vườn tược từ tàu chuối, gốc ổi, cành cam đều gợi lại trong tôi hình ảnh quê hương đất nước. Bà chủ nhà nhìn thấy tôi trong bộ quân phục màu vàng nghệ bước tới khiếp đảm run cầm cập, mắt trước mắt sau tìm đường lẩn trốn. Tôi lên tiếng chào hỏi trước cho bà mẹ khốn khổ đó yên lòng. Trong nhà, ngoài cái phản ọp ẹp, mấy cái thúng trên quang treo, cái nồi con bắc trên bếp... chẳng có gì nữa. Chủ nhà vẫn lấm lét nhìn tôi, cúi gằm xuống khi phải trả lời những câu thăm hỏi của “quan lớn” đứng trước mặt. Nhưng rồi người mẹ đau khổ và từng trải đó đã sớm phát hiện ra ở tôi có cái gì đó không giống những sĩ quan bà đã gặp. Bà dịu giọng, rót bát nước loãng mời. Tôi uống liền một hơi và cảm ơn bà. Chiếc xe đã chữa xong, nhưng tôi quyết định nghỉ lại một đêm, hy vọng qua bà mẹ hiểu được thêm tình hình ở đây. Cả đêm tôi kiên trì ngồi nghe mẹ kể và hiểu ra rằng: sau cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, bà và người con trai theo du kích đỏ chạy về khu Xô-viết. Dừng chân ở Phú Điền gần sông Cống Dương, rồi lại lùi về Tiểu Bố, Hưng Quốc. Cuối cùng, định cư tại Tần Á gần Thụy Kim. Con bà tên là Lừu, hoạt động trong nông hội đỏ. Mấy lần Bạch quân (quân Tưởng Giới Thạch) tràn đến, mười phần chắc chết cả mười, nhưng đều thoát nạn. Lần cuối cùng, Bạch quân đem binh mã đến thì Bát lộ quân bí mật rút đi, bỏ lại cơ man nào là du kích, cán bộ ốm đau, thương binh què cụt. Dân chúng chẳng một ai được biết trước để đi theo, đành phó thác mặc trời... Trừ một số ít chạy thoát lên núi, trong đó có mẹ con chú Lừu, tất cả những người còn lại đều bị chúng giết sạch, kể cả ông già, phụ nữ, trẻ em, thương binh, bệnh binh. Gần một năm sau, dân ly tán mới dám mò về thôn trang cũ. Ít lâu sau một đơn vị du kích đến bà con mừng rỡ, vét từng đấu thóc giống ra ủng hộ. Có tin Bạch quân sắp tràn tới, họ lại vội vàng rút lui, bỏ mặc dân làng. Từ đó về sau, hết toán này đến toán khác chẳng hiểu là thổ phỉ hay du kích, hạch sách đủ mọi thứ. Bọn này đi, bọn kia lại đến, hăm dọa khủng bố dân làng, chẳng còn tin ai được nữa.

- Thế chú Lừu hiện ở đâu hở cụ?

Bà mẹ đau khổ lại kể: Lừu mồ côi cha từ thuở nhỏ, sống với mẹ rất hiếu hạnh. Ở Tần Á, Thụy Kim không yên, Lừu bàn với mẹ tìm đến vùng núi Tỉnh Cương với một gia đình quen thuộc. Hai mẹ con đến chỗ ở mới, vừa khai hoang được một vạt ruộng, dựng xong căn nhà thì bọn Bạch quân đến bắt lính. Nghe nói, Lừu trốn thoát, chạy lên Diên An.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM