Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:07:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ  (Đọc 4621 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:28:20 am »

Ngày tháng trôi qua, tìm hiểu về vấn đề này, tôi càng thấy rõ. Từ ngàn năm nay, người dân nghèo Trung Quốc sống ở nông thôn như một bầy nô lệ, rẻ hơn một con vật của bọn lãnh chúa. Hồi tôi về huyện Hải Lục Phong ở Quảng Đông hay qua một số vùng quê khác ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô..., tôi thường thấy một tên trưởng thôn cũng có từ một đến hai chục tay súng, sẵn sàng để đàn áp bắn giết người dân cày nghèo. Có nơi một tên xã trưởng có tới một đại đội vũ trang và một nhà tù. Cấp huyện ở đây thì không thể nói được. Uy quyền lớn vô cùng tận. Một tiểu đoàn súng trong tay. Nhà tù của chúng to không kém nhà tù ở Vinh, quê hương xứ Nghệ của tôi. Người tá điền Trung Quốc, cha truyền con nối sống trên mảnh đất cấy rẽ cho địa chủ. không thoát đi đâu được cả. Rồi thì chém giết liên miên. Tên lãnh chúa này đến tiêu diệt tên lãnh chúa khác. Cá lớn nuốt cá bé. Quân phiệt to diệt quân phiệt nhỏ. Người nô lệ không biết theo ai. Rủi mà theo người khác, khi tên chúa đất cũ quay về được thì chỉ có chết hoặc trốn biệt đi một nơi xa xôi nào đó, để tiếp tục làm thân nô lệ cho một tên chúa đất khác.

- Thảo nào họ dửng dưng với những người đến giải thoát cho họ, như trường hợp mình tiến vào Thanh Đảo (Sơn Đông) - Tôi suy nghĩ liên tưởng miên man - Đây là tình hình ở những khu trắng (khu của Tưởng Giới Thạch), những khu đất cũ (khu của các tên quân phiệt cát cứ lớn). Chắc chắn ở các khu đỏ hay khu Xô viết của Đảng cộng sản Trung Quốc tình hình chắc khác hẳn.

Tôi tin là như vậy và càng nhận thức rõ hơn nhiệm vụ của mình đang gánh vác.

Sau vụ “thanh Đảng” (1927) của Tưởng Giới Thạch, và nhất là sau các cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu, Nam Xương... bị thất bại vào năm 1928, cách mạng Trung Quốc bước vào giai đoạn thoái trào. Tổn thất thật to lớn. Hàng nghìn đảng viên ưu tú trong đó có cả hai vợ chồng đồng chí Trương Thái Lôi, Bành Bái... bị giết hại. Hàng vạn quần chúng bị tàn sát. Cơ sở cách mạng ở nông thôn, thành thị bị phá vỡ hàng loạt. Cộng sản vẫn là kẻ thù không đội trời chung của bè lũ Tưởng Giới Thạch. Phải tiêu diệt sạch. Tưởng Giới Thạch ngày đêm mong muốn như vậy. Song những năm 1928, 1929 và 1930, tình hình chưa cho phép y thực hiện cuồng vọng đó. Bọn quân phiệt cát cứ tráo trở như lật bàn tay. Hôm trước bắt tay với Tưởng, hôm sau phản lại ngay. Đầu năm 1928, thế lực của Tưởng mới vươn tới bờ nam sông Dương Tử. Tưởng vẫn cay cú với giai đoạn hai của cuộc Bắc phạt, nên y chỉ giành một phần nhỏ lực lượng hai lần tiến công vào các khu Xô viết ở vùng núi Tỉnh Cương (gần ranh giới hai tỉnh Hồ Nam và Giang Tây). Do bị tổn thất nặng nề từ năm trước (1927), Hồng quân Trung Hoa phải bỏ căn cứ Tỉnh Cương lui về xây dựng căn cứ Thụy Kim ở giáp giới hai tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến vào đầu năm 1929. Nhiều cơ sở bí mật trong đội ngũ công nhân tại Thượng Hải và các thành phố khác được khôi phục. Phong trào có đà phát triển. Ở Quảng Châu, do sự đấu tranh mạnh mẽ của anh em ta trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, của Việt kiều được nhân dân Trung Quốc ủng hộ, bọn Quốc dân đảng thống trị đã buộc phải trả lại tự do cho đồng chí Hồ Tùng Mậu và nhiều cán bộ Việt Nam khác sau một năm giam giữ trái phép.

Tôi rất đỗi mừng rỡ với nguồn tin trên. Tôi ao ước được gặp chú Hồ Tùng Mậu để biết thêm tình hình, nhiệm vụ. Mấy năm nay tôi được biết có thêm nhiều lớp thanh niên từ trong nước sang Quảng Châu, Thượng Hải, Hồng Công gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Học tập nghiên cứu “Đường Kách mệnh” xong, nhiều anh may mắn được trở ngay về nước hoạt động, đẩy mạnh phong trào. Một số anh khác đến khu căn cứ của Hồng quân Trung Hoa, vào du kích quân chống chính quyền Tưởng Giới Thạch.

Còn tôi, với công tác hiện giờ, nhớ lại lời căn dặn của đồng chí Lý Thụy, tôi phải giấu kỹ tên tuổi, quốc tịch của mình. Mỗi lần đoàn tàu dừng lại ở Thượng Hải, tôi thường đi dạo trên các đường phố lớn, nhỏ. Gặp một người nào đó mà tôi đoán là người Việt Nam (thường là tôi đoán rất đúng) thấy mừng vui vô hạn, lững thững bước theo người đó một lúc lâu. Cho đến khi chợt nhớ tới nguyên tắc hoạt động, phải bảo đảm bí mật cho những người cách mạng từ trong nước mới sang đây, tôi vội ngoắt đi một hướng khác. Bâng khuâng, tiếc nhớ, bồi hồi. Một hôm, làm việc xong, Lê Quảng Đạt vui vẻ hỏi tôi:

- Bữa trước, cơ sở báo cho tôi biết là có một đồng chí của ta từ trong nước mới sang bị một sĩ quan Quốc dân đảng bám sát, có phải là anh không?

Tôi xác nhận, cả hai cùng cười, về sau mới biết người cách mạng mới sang đó là đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Những người cách mạng Việt Nam ở Thượng Hải, nếu không thật cần thiết đều cố tránh đặt chân vào tô giới Pháp. Thường liên lạc gặp gỡ nhau ở tô giới Anh. Rất ít khi hẹn gặp nhau ở khu vực Quốc dân đảng kiểm soát vì thiếu hẳn trật tự, an ninh xã hội. Tuy biết vậy nhưng có nhiều buổi tôi vẫn lân la đến gần tô giới Pháp. Vì ở đây, có tới hàng vạn đồng bào ta đang sinh sống, làm đủ mọi việc, mọi nghề: giáo học, nhà nghiên cứu, thợ máy, thợ may, thợ da, cắt tóc, mở hiệu buôn... hoặc là lính khố xanh, khố đỏ, thủy thủ, cảnh sát... Vợ con, gia đình họ sang đây ở cũng nhiều. Xa nước, xa nhà đã năm năm tròn, tôi tha thiết muốn được nghe tiếng nói của quê hương, xứ sở. Da diết nhớ tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng bà ru cháu, những câu ngạn ngữ phương ngôn, những tiếng hát ví, hát lượn đò đưa, một tiếng đàn bầu, đàn nguyệt, một giọng ngâm kiều, một giọng hát cò lả... Có lần tôi theo sát mấy chàng lính thủy Việt Nam vào một hiệu ăn trong tô giới Anh. Tôi tìm một bàn cạnh bàn ăn của họ, lịm người đi nghe họ trò chuyện, giọng Huế, giọng Nam Kỳ (Nam Bộ), giọng Bắc. Giọng nói như chim hót, êm êm như gió thoảng. Khác hẳn với âm ngữ ngộ, ni, mà hàng ngày tôi phải nghe, phải nói. Sau họ tưởng tôi là một tên sĩ quan đặc vụ Quốc dân đảng cộng sự với mật thám Pháp đi rình mò họ. Họ nhìn tôi khinh bỉ rồi lặng lẽ rút lui. Những lúc đó tôi thấy buồn khôn tả...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:29:40 am »

*
*   *

Qua nhiều nguồn thông tin khác, tôi được biết phong trào cách mạng trong nước phát triển khá mạnh. Từ hạt giống Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên do đồng chí Lý Thụy ươm trồng ở Quảng Châu đã bắt rễ, lan rộng về nước thành nhiều chi bộ, kỳ bộ Thanh niên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc. Khí thế cách mạng rất mạnh mẽ. Nhiều nhóm, nhiều chi bộ cộng sản đã được tổ chức, lãnh đạo công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị đấu tranh quyết liệt.

Mùa hè ở Nam Kinh cũng có những ngày nóng nắng ngột ngạt. Tôi mặc quân phục chỉnh tề màu bắt nắng, giày mũ ngay ngắn, càng cảm thấy oi ngạt hơn. Hình như tôi vẫn còn lấn cấn với cái vỏ bề ngoài của một sĩ quan Quốc dân đảng. Còn bên trong, bồn chồn, oi nóng bởi không khí chính trị của Tổ quốc và của Đảng cộng sản bạn. Tôi bước những bước dài đến nhà ga xe lửa, lòng như lửa đốt. Hôm qua, tôi nhận được tin: hỏa tốc lên ngay Thượng Hải. Được gặp đồng chí Lý Thụy hay được về nước? Tới Thượng Hải, theo chỉ dẫn, tôi vào tô giới Anh, tìm đến địa điểm liên lạc đặt tại một đường phố nhỏ. Cửa mở thì đồng chí Lý Thụy đã ở ngay trước mặt tôi. Đồng chí mặc bộ quần áo ka-ki Ăng-lê màu vàng rêu đã bàng bạc, chân đi đôi giày vải. Căn phòng nhỏ, chỉ có chiếc giường cá nhân và bộ bàn ghế bằng gỗ gụ đã ngả màu nâu sẫm. Như thế là, kể từ trước khởi nghĩa Quảng Châu đến giờ đã gần hai năm. Trong hai năm đó, đồng chí đã lánh sang Xiêm (Thái Lan), đi Nga và nay đã lại có mặt ở đây. Tôi khựng lại như bị thôi miên, miệng lắp bắp: Đồng chí... Đồng chí...

- Nào, ta vào đây nói chuyện. - Đồng chí Lý Thụy cầm tay tôi dắt vào nhà, trìu mến, thân thương.

- Thế nào, chú đã quen với bộ quân phục mặc hàng ngày chưa?

- Thưa đồng chí, quen rồi ạ.

- Quen thật chưa, nhiệm vụ còn lâu dài đấy.

Tuy cố nén nhưng nét mặt của tôi vẫn xìu xuống. Đồng chí Lý Thụy cười, nói tiếp:

- Tổng bộ có ý định cử chú về nước hoạt động cùng với một số đồng chí khác nữa. Nhưng Đảng bạn lại tha thiết yêu cầu để chú ở lại giúp bạn. Qua đó càng thấy là chú làm việc tốt. Đảng bạn rất tín nhiệm. Chú đồng ý ở lại chứ?

- Thưa, vâng - Tôi khẽ đáp. Nét mặt đồng chí Lý Thụy lộ vẻ vui mừng, nhìn tôi chăm chú một lát rồi nói:

- Lần trước, không trực tiếp giao nhiệm vụ được cho chú, tôi phải gián tiếp qua chú Lê Quảng Đạt. Nhưng chú đã tiếp thu được đúng như ý của tôi. Hôm nay tôi nói rõ thêm nhiệm vụ của chú. Từ nay trở đi, chú làm mạnh hơn nữa công tác điều tra thu thập những điều cơ mật quốc gia của trung ương Quốc dân đảng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cả về quân sự lẫn chính trị. - Đồng chí Lý Thụy ngừng lời trong giây lát - Cụ thể là phải biết chúng đang có âm mưu gì đối với bạn: phản tuyên truyền, vu không, ly gián Đảng với quần chúng. Nguy hiểm nhất là cho mật vụ chui sâu vào tổ chức, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại từ trong phá ra. Cách mạng càng lớn mạnh, chúng càng tức tối lồng lộn. Rồi đây chắc chắn là chúng sẽ dùng quân sự tiến công vào các căn cứ địa, tiêu diệt cơ quan đầu não của Đảng cộng sản Trung Quốc, tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng. Chú cần theo dõi điều tra nắm thật chắc, kịp thời thông báo ngay cho bạn để có biện pháp đối phó tích cực. Đảng bạn yêu cầu như vậy. Tôi cũng thấy cần làm như vậy. Tốt nhất là lấy được những bản kế hoạch quân sự của chúng. Ông Hồ Học Lãm chắc có thế giúp chúng ta được nhiều đấy nhưng phải hết sức bí mật, giữ gìn cho ông tức là cho mình.

- Việc làm của một thám tử - Tôi thốt lêu, không giấu nổi vẻ băn khoăn lo lắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:30:04 am »

Đồng chí Lý Thụy suy nghĩ trong giây lát, nói:

- Tôi không muốn dùng danh từ đó để chỉ những người cách mạng như chú phải đảm đương những nhiệm vụ tương tự: thám tử Nhật, do thám Anh, mật vụ Tàu, mật thám Pháp... Các nước thực dân đế quốc lập ra các tổ chức do thám hoạt động ở trong nước nhằm chống phá phong trào cách mạng của quần chúng tại chính quốc và các nước thuộc địa, mưu sát truy lùng cán bộ. Ở ngoài nước, chúng có điểm thống nhất là hợp sức đánh phá phong trào cách mạng quốc tế, bắt bớ lãnh tụ. Giữa chúng với nhau thì xâu xé kịch liệt tranh giành quyền lợi. Không xong thì gây xung đột, gây chiến tranh như đại chiến thế giới 1914-1918. Gòn việc làm của chúng ta thì khác. Mục đích là để bảo vệ, phát triển cách mạng trong nước và thế giới, cho dân tộc mình và các dân tộc anh em, tố cáo ngăn chặn các cuộc chiến tranh lớn nhỏ do bọn chúng gây ra.

- Dạ.

Hai người đồng chí, hai thầy trò nắm chặt tay nhau. Đồng chí Lý Thụy tranh thủ truyền đạt lại cho tôi một số kinh nghiệm và phương thức hoạt động bí mật trong lòng địch, kể cả những nỗi day dứt khi bị mọi người xung quanh, cả bạn bè, đồng chí hiểu lầm về mình. Đồng chí cũng không quên nhắc tôi phải tuyệt đối giữ bí mật công tác, không nói hở ra cho một người nào biết.

“Tốt nhất là tự xác định mình hoàn toàn khác với bọn mật vụ, thám tử kia - Tôi tự nhủ với lòng mình - Mình là một người cách mạng, nếu có phải làm công tác của người tình báo thì cũng là tình báo cách mạng”.

Đồng chí Lý Thụy nhìn đồng hồ, đứng dậy chuyển sang ngồi vào chiếc ghế tựa đối diện với tôi.

- Hôm nay, tôi kết nạp đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam - Đồng chí đưa mắt nhìn quanh bốn bức tường nói tiếp - Không có điều kiện trang trí cờ, ảnh,... chỉ có riêng tôi và đồng chí ngồi với nhau thôi, như mấy lần trước.

Tôi nén xúc động dạt dào hồi lâu, bỗng bật lên thành tiếng:

- Thưa đồng chí, ta có Đảng rồi sao?

Đồng chí Lý Thụy suy tư, yên lặng trong chốc lát rồi nói:

- Có từ nhiều năm nay trong trái tim của tôi, của đồng chí và của nhiều đồng chí khác nữa. Nói rộng ra là của hai mươi triệu đồng bào ta đang khát khao độc lập, tự do, công bằng, hạnh phúc. Nhưng đến bây giờ chúng ta mới có điều kiện để tổ chức một Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hôm ấy, đồng chí Lý Thụy nói với tôi về một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, theo cách nói của Lê-nin. Nó hoàn toàn khác như ngày và đêm với các đảng phái tư sản ở các nước đế quốc, tư bản châu Âu, châu Mỹ. Đồng chí đề cập đến mục tiêu chiến đấu trước mắt và lâu dài của Đảng, trách nhiệm nặng nề của từng đảng viên, chi bộ... Đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng. Tôi bước đầu hình dung được là một đảng mà không được quần chúng tin cậy, ủng hộ thì khác nào như cá không có nước!

Câu chuyện giữa hai người đồng chí, hai thầy trò về Đảng và phong trào cách mạng hôm ấy thật là tâm đắc. Tôi trở nên mạnh dạn hơn:

- Thưa, phong trào trong nước lên như vậy, ta đã làm gì được chưa ạ?

Đồng chí Lý Thụy nhìn tôi chăm chú:

- Chú định nói gì đấy? Định vũ trang bạo động phải không? Chưa được đâu, chưa phải lúc, còn lâu đấy. Chú đã đọc lịch sử Công xã Pa-ri, chú lại trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, chú hiểu vì sao lại thất bại? Máu và nước mắt của nhân dân không phải là nước lã.

Tôi đã trở thành một đảng viên do Bác Hồ trực tiếp kết nạp tại một căn nhà nhỏ ở thành phố Thượng Hải chói chang tháng Tám năm 1929. Đó cũng là ngày tôi được nghe Bác giảng giải nhiều về chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ để làm cách mạng như thế nào. Sau này, ngày 3 tháng 2 năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tôi đã chính thức được đứng trong hàng ngũ tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:31:47 am »

*
*   *

Tủ sách của gia đình ông Hồ Học Lãm có hầu hết mọi cuốn sách mà tôi đang cần đọc. Những cuốn sách kinh điển của Mác - Ăng-ghen và Lê-nin đang bị cấm lưu hành (những sách mác-xít lúc đó ở Trung Quốc đều bị cấm lưu hành). Những cuốn sách quân sự của Ăng-ghen, của Tôn Tử, Ngô Khởi, của Clau-dơ-vít, của Na-pô-lê-ông... Những cuốn sách về danh nhân thế giới. Những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của các nhà văn lớn trên thế giới. Những cuốn lịch sử thế giới từ thời cổ đại La Mã, Hy Lạp... Tôi cũng lục tìm thấy những cuốn nói về những hoạt động do thám của các nước đế quốc Anh, Pháp, Đức. Mỹ... trước và trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cuốn sách đề cao lên tận mây xanh bọn do thám Nhật thuộc đảng Hắc Long trong cuộc chiến tranh Nhật - Nga những năm đầu thế kỷ 20, với các nhân vật như Phương Lan Cao Tường ghê gớm nhất “... Tưởng là yêu quái hay là thần tiên...”. Và một cuốn mô tả lại các cuộc chạm trán nảy lửa giữa nhà thám tử trứ danh của Trung Quốc Mao Trí với tên trùm thám tử Nhật Bản...

Ông Hồ Học Lãm dành riêng một tủ kính đựng những cuốn sách của dân tộc: Đại Việt sử ký toàn thư, Hoàng Lê nhất thống chí, Hưng Đạo Đại vương truyện… và những sách văn học Việt Nam: Kim Vân Kiều truyện, Nhị độ mai, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm...

Phần lớn các sách báo đều bằng chữ Trung Quốc, còn là chữ Pháp, Anh, một số ít bằng chữ quốc ngữ. Gia đình ông Hồ Học Lãm là một gia đình hiếu học. Ông, bà, hai cô con gái: Hồ Diệc Lan, Hồ Mậu La thường đọc sách đến khuya. Những ngày được nghỉ, tôi tự vạch cho mình một kế hoạch học tập. Ngoài những sách chính trị, quân sự có sự hấp dẫn đặc biệt đối với tôi, tôi còn có người trợ giáo đắc lực về quân sự là ông Hồ Học Lãm. Tôi say mê nghiên cứu những cuộc chiến tranh lớn từ thời cổ đại, cuộc chiến tranh một trăm năm giữa nước Anh và nước Pháp, nhất là các cuộc hành binh lớn của Na-pô-lê-ông trên đất Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan và diễn biến của cuộc tấn công vào Mạc-tư-khoa của Na-pô-lê-ông... Tôi cũng mải miết nghiên cứu các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ta từ thời các vua Hùng đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Tôi suy nghĩ trước những trang sử nói về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, những cuộc hành binh thần tốc của Nguyễn Huệ. Một hôm, tôi hỏi ông Hồ Học Lãm trong lúc đang cùng ông ngồi ở bàn đọc sách rằng nếu sau này ta muốn đánh Pháp giành độc lập thì về quân sự phải làm thế nào? Ông Hồ Học Lãm từ từ bỏ kính ra, chậm rãi nói: Sự nghiệp này rất lớn, lớn lắm, không thể ví như một chiến cuộc thứ tự việc này làm trước, việc kia làm sau, mà phải đồng hành, đồng tiến, ứng biến tùy cơ, nhưng... Nhưng theo tôi thì cái cốt lõi là phải có toàn dân tham gia hưởng ứng thì mới thành công được.

Chuyện trò trao đổi một hồi lâu, mỗi người trở về giường nằm của mình với những suy nghĩ trăn trở riêng tư.

Những ngày đi làm trên tàu, tiếp xúc với bộ mặt thật của xã hội Trung Quốc, tôi tự rút ra được kết luận là chế độ phong kiến, chiến tranh do phong kiến gây ra đã đem lại muôn vàn khổ đau cho dân lành. Đến chế độ tư bản đế quốc thì chẳng những nhân dân Trung Quốc mà cả nhân loại đã bị đẩy vào một biển khổ triền miên. Liệu đến bao giờ dân nước mình, dân Trung Quốc và cả nhân loại được sống trong cảnh thái bình, no ấm? Những băn khoăn như thế thường tôi cũng hay trao đổi cùng ông Hồ Học Lãm. Gia đình ông Hồ Học Lãm có thói quen là sau bữa cơm chiều, cả nhà quây quần nghe thời sự qua chiếc máy thu thanh và chuyện trò trao đổi một lúc. Nghe xong mỗi người mỗi việc. Sau khi nghe thời sự, ông Hồ Học Lãm thường bổ sung tin tức mật mà ông thu lượm được ở bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng cho tôi nghe. Qua đó tôi nắm được tình hình nội chiến ở Trung Quốc đang lan rộng ra rất ác liệt trêu gần một nửa nước Trung Quốc, giữa Tưởng Giới Thạch với Mã Chiếm Sơn, Phùng Ngọc Tường...

Số quân các bên tham chiến tung ra mặt trận lên tới hàng triệu. Ở miền Trung và Nam Trung Hoa, hàng chục vạn quân Quốc dân Đảng liên tục tiến công vào khu căn cứ Thụy Kim của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây.

- Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết - Tôi nói qua tiếng thở dài.

- Bọn họ (chỉ Tưởng Giới Thạch và mấy tên quân phiệt) rồi sẽ mặc cả với nhau xong thôi - ông Hồ Học Lãm nói - để Tưởng còn quay về phía nam thanh toán lần cuối cùng Đảng Cộng sản và các lực lượng của Hồng quân.

Tôi thấy tim đập mạnh, bật người lên, nói như để trấn an mình:

- Cháu tin là Đảng Cộng sản cũng nhân cơ hội này tạo cho mình một thế có lợi.

Ông Hồ Học Lãm gõ cặp kính sáng khỏi mắt gật đầu, nói thong thả:

- Đúng. Anh nói đúng đấy. Bọn tình báo, gián điệp Quốc dân Đảng đang cố đánh cắp những bản kế hoạch quân sự tối mật của Hồng quân. Tôi chỉ được nghe biết qua loa. Kế hoạch rất lớn và táo bạo lắm đấy.

Tôi ngồi nghe, chìm lắng trong suy tưởng. Kể từ ngày được đồng chí Lý Thụy giao nhiệm vụ, tôi đã nhiều lần định trao đổi với ông Hồ Học Lãm, nhưng cho đến nay vẫn phân vân, chưa dám nói với ông ý định của mình.

Nhớ lại cách đây ít lâu, theo gợi ý của tổ chức ta, tôi đã bố trí ông Hồ Học Lãm lên Thượng Hải. Sau khi trở về ông có nói với tôi là nếu cách mạng cần, ông sẵn sàng về nước tham gia chỉ huy quân sự. Hôm gặp đồng chí Lý Thụy, tôi có báo cáo nhiệt tình của ông Hồ Học Lãm và đặt vấn đề nên kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Lý Thụy nói:

- Ông Hồ Học Lãm cùng thời với các cụ Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân là những bậc lão thành cách mạng, hết lòng vì nước vì dân. Ông Hồ Học Lãm tuy chưa phải là một người cộng sản nhưng chúng ta cũng coi cụ như một người trong tổ chức của ta, ông sẽ giúp ích cho ta được rất nhiều đấy - Ngừng lời trong giây lát, đồng chí Lý Thụy nói tiếp - Theo ý của riêng tôi, cứ để ông Lãm như thế này, có lợi hơn, vì tất cả mọi người kể cả Tưởng Giới Thạch, Hà Ứng Khâm... đều tin ông Lãm không phải là cộng sản. Như thế ông dễ làm việc với bọn họ hơn.

Đồng chí Lý Thụy cho biết thêm về tình hình khó khăn của cách mạng Trung Quốc, về bọn Tưởng Giới Thạch đang chuẩn bị mọi mặt tiến công tiêu diệt Hồng quân. Tôi nảy ra ý quyết định trao đổi với Hồ Học Lâm làm thế nào lấy được những kế hoạch tiến công của Quốc dân đảng vào các khu Xô-viết, để giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiệm vụ đồng chí Lý Thụy giao cho tôi vẫn canh cánh bên lòng. Vì thế, một hôm đã khuya lúc chỉ còn lại hai bác cháu, tôi tự thấy cần mạnh dạn nêu ý kiến với ông. Ông nói, giọng trầm, đĩnh đạc:

- Thể xác hình hài của tôi lúc này là Hồ Học Lãm làm tại bộ tổng tham mưu Quốc dân Đảng, còn linh hồn và trái tim tôi thì luôn luôn thuộc về cách mạng. Việc lấy các kế hoạch này, khó khăn lắm đấy, lộ ra thì mất đầu như chơi. Nhưng đã quyết thì làm. Nhất định được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:34:35 am »

*
*   *

Từ mùa hè đến mùa thu năm 1930, Bộ chỉ huy tối cao Hồng quân vẫn thường nhận được những báo cáo mật từ cơ sở chuyển về: địch ra lệnh cấm chuyên chở thóc gạo xuôi theo sông Như Thủy và Công Giang... Bọn thám báo đã đột nhập, liên lạc được với bọn A, B (chống cộng) ở Đông Côn, Phủ Diên, Hậu Bị, Đông Thiên... Nhiều sĩ quan quê ở Phúc Kiến, Giang Tây đã được điều động về bộ tổng tham mưu... Các Sư đoàn của tướng Lưu Hòa Dĩnh, Trương Huy Tân, Đàm Đào Nguyên được bổ sung trang bị, quân số, chuyển dịch về phía Giang Tây... Tất cả đều do ông Hồ Học Lãm và tôi chong đèn gần như thâu đêm để tập hợp những dòng tin ấy.

Bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng tổ chức theo khuôn khổ của quân đội Đức do các cố vấn Đức trực tiếp chỉ đạo. Kỷ luật rất nghiêm ngặt. Sau giờ làm việc, mọi hồ sơ tài liệu đều được niêm phong gửi vào tủ sắt bảo mật. Cán bộ tuyệt đối không được đem theo một mẩu giấy nào về nhà. Người nào biết việc người nấy, tuyệt đối không được nói nội dung công tác của mình đang làm cho người khác biết. Khó khăn và tốn kém lắm, ông Hồ Học Lãm mới moi được trong số các sĩ quan cùng công tác trong bộ tổng tham mưu lúc này, lúc nọ một vài tin tức có liên quan. Nhiều lúc ông phải đi xuống các sư đoàn nghiên cứu, xác định lại. Ông phải nhập tâm những phần việc được trao cho ông soạn thảo và cả những việc của nhiều sĩ quan khác song song cùng làm. Về nhà ông đọc lại từng câu, từng chữ cho tôi ghi lại. Xong, đưa ông xem, sửa chữa, bổ sung những chi tiết chính xác ông vừa gạn lọc xong. Bản đồ quân sự lúc này cũng hiếm, lại không được đem về nhà nên ông phải phỏng theo những bản đồ đường sá, hành chính, vẽ lại cho cụ thể. Đến lượt tôi chuyển giao cho cơ sở của Đảng bạn, cũng phải nhập tâm thuộc lòng như người chủ sự, hướng dẫn lại bằng miệng cho cơ sở nhận, nắm thật vững nội dung, còn giấy tờ chỉ ghi rất vắn tắt, gạch đầu dòng từng đề mục.

Cuối cùng, toàn bộ bản kế hoạch tiến công khu Xô-viết trung ương của Đảng Cộng sản do Tưởng Giới Thạch phê chuẩn đã được ông Hồ Học Lãm và tôi lấy được, gửi tới tay đảng bạn. Phạm vi của cuộc tiến công là vùng tứ giác La Lâm, Nghi Hoàng, Lê Xuyên, Thụy Kim, tọa độ X, Y... Binh lực tham gia từ 10 đến l5 sư đoàn, ước khoảng ba mươi vạn quân. Chia làm nhiều đợt. Thời gian có thể bắt đầu vào những tháng đầu năm 1931.

Ngược lại, tôi được thông báo vắn tắt là Hồng quân cũng có kế hoạch đối phó lớn.

Giữa lúc hai bác cháu chúng tôi đang hồi hộp theo dõi hành động của đôi bên thì được tin đích xác là từ ngày 28 tháng 7, Hồng quân đã mở cuộc tiến công vào các thành phố lớn: Trường Sa, Nam Xương và Vũ Hán. Khẩu hiệu động viên là “Hội sư Vũ Hán, ẩm mã Trường Giang”(1).

- Có thể đây là một cuộc tiến công phá thế chuẩn bị - Ông Hồ Học Lãm nói - Đánh vào thành phố lớn, khó khăn lắm đấy. Liệu có đủ sức không?

Tôi sững sờ trong giây lát.

Những ngày sau tin tức của bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng vẫn do ông Hồ Học Lãm đưa về: Trường Sa, Hồng quân chiếm được mười ngày sau phải rút lui. Thành phố Nam Xương chỉ giữ được hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Còn Vũ Hán thì không vào được... Tuyệt nhiên không có nội công, ngoại kích ở ba thành phố này. Và cũng không có cuộc binh biến nào trong các đơn vị Quốc dân đảng...


(1) Hai cánh quân gặp nhau ở Vũ Hán, cho ngựa uống nước sông Trường Giang.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:36:02 am »

*
*   *

Một hôm, tôi đang làm việc trên tàu thì gặp viên đại tá, cục phó cục bảo vệ đường sắt. Hắn chìa ra cho tôi xem tờ báo hàng ngày phát hành ở Thượng Hải. Tờ báo đưa tin về phong trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh ở Việt Nam. Ít lâu nay tôi đã ngờ viên đại tá này là đặc vụ của Quốc dân đảng. Lão ta hay nói chính trị, có lúc chê bai Tưởng Giới Thạch, đôi lần ca tụng những người cộng sản Trung Quốc, lại hay nói đến Việt Nam. Bề ngoài, hắn thường tỏ ra lịch sự, hào phóng.

Tôi thản nhiên cầm lấy tờ báo đọc.

Thực ra tin về phong trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh tôi đã được Lưu Quốc Long cho biết trước rồi. Lưu Quốc Long lúc này đã được tổ chức cho thôi việc trên đoạn đường sắt Nam Kinh - Hán Khẩu, bổ sung vào tổ công tác của đồng chí Nguyễn Lương Bằng hoạt động bí mật ở Thượng Hải. Lúc mới nghe tin, tôi vung mạnh hai cánh tay phấn khởi nói: Khởi xướng từ Hưng Nguyên, huyện nhà mình đấy. Lưu Quốc Long cũng không kém phần vung vẩy: - Họp mít tinh ngay ở quê mình, mình có cớ xin về nước rồi.

Tin tức chỉ vẻn vẹn có thế, khiến tôi càng thêm bận tâm suy nghĩ. Nhiều lúc tôi tự trách là đă bị ám ảnh bởi các cuộc khởi nghĩa thất bại ở Trung Quốc nên có phần lo lắng hoài nghi thắng lợi của phong trào trong nước.
 
Tờ báo hôm đó cũng chẳng cung cấp cho thêm được điều gì. Còn viên đại tá cục phó thì vẫn ung dung ngồi trước mặt tôi thản nhiên hút thuốc. Tôi bắt gặp cặp mắt soi mói của lão ta đang ngầm chiếu vào tôi. Mình nghi nó là đặc vụ, thì nó cũng có thể nghi mình là cộng sản. cộng sản Việt Nam.

- Dân Việt Nam anh hùng lắm - viên đại tá nói - chân tay không đánh Pháp. Người Trung Quốc ta phải noi theo: Thương dân Nam Việt lắm - Lão ta ngừng lời, tự tay bật lửa châm vào điếu thuốc của tôi - Nhưng có một điều mà những lãnh tụ cách mạng Việt Nam quên mất là cách mạng Trung Quốc chưa thành công thì cách mạng Việt Nam sao mà thành được. Người đời đã nói: Trung Quốc là cái áo. Nam Việt là cái dài.

Tôi thản nhiên đáp lại:

- Thưa ngài đại tá, người đòi còn nói: áo đã rách, nhưng dải thì vẫn còn.

Ít lâu sau, hắn lại chạm trán với tôi trên toa xe giải khát. Hắn lôi bằng được tôi ngồi vào bàn, gọi rượu ra mời uống. Rồi hắn ra vẻ bề trên ân cần khuyên bảo cấp dưới:

- Lý lẽ của đại úy rành rọt lắm. Nên đề phòng nhiều người khác có thể nghĩ đại úy không phải là một người cộng sản thì cũng là một tên Hán gian lợi hại đấy.

- Thưa ngài đại tá, sinh thời Tôn Tổng lý (tức Tôn Dật Tiên) đỡ đầu cho Hội Đông Á đồng minh(1) ra đời, gồm người Trung Quốc, Việt Nam, Cao Ly (Triều Tiên), Ấn Độ, Phi Luật Tân nhằm giúp đỡ lẫn nhau chống bọn đế quốc. Năm 1912, Tưởng ủy viên trường (tức Tưởng Giới Thạch) cũng cho lập Hội Chấn Hoa Hưng Á Nhân dân các nước châu Á giúp đỡ lẫn nhau lúc này là rất cần thiết, rất hợp đạo lý. Riêng tôi, tôi rất ủng hộ, tán thành những việc làm kể trên của Tôn Tổng lý, của ủy viên trưởng, đâu phải là cộng sản, là Hán gian?

Thêm hai năm (1931-1932) sôi động và căng thẳng đối với tôi. Cuộc hành binh vây quét của Tưởng Giới Thạch vào khu Xô-viết trung ương dây dưa kéo dài trên nửa năm mới kết thúc. Lúc đầu với mười vạn quân, Tưởng định đánh một cú là xong. Nhưng đã phải kéo thành ba đợt. Đợt một từ tháng 12 năm 1930 đến tháng giêng năm 1931. Tưởng phải ngừng tiến công (do quân đội Nhật Bản tràn vào Hoa Bắc). Sáu tháng sau mới mở được đợt hai, lực lượng đông gấp đôi tức là hai mươi vạn. Đợt ba, vào tháng 7, ba mươi vạn quân do đích thân “Trung Hoa đệ nhất kiệt” (tức Tưởng Giới Thạch) chỉ huy. Lại thua liểng xiểng như đợt hai.

Bao lần trái tim của tôi bị thắt lại. Sau các tổn thất to lớn ở Trường Sa, Nam Xương, Vũ Hán, liệu Hồng quân đã hồi phục lại được sức lực chưa?

Tới ngày Tưởng phải chính thức ra lệnh lui quân, kết thúc đợt ba, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Cùng lúc trong bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng đã có tiếng xì xào là phải truy lùng nội phản.

Tưởng Giới Thạch cay cú quyết làm một cú nữa vào tháng 6 năm 1932. Như lần trước, toàn bộ bản kế hoạch tiến công vây quét lớn lần thứ hai này đều qua tay ông Hồ Học Lãm và tôi chuyển tới Bộ tư lệnh Hồng quân. Sau lần vây quét này, Tưởng nói: không thắng nhưng cũng không thua!

Trả giá cho hai lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế của mình, tôi đã bị bọn đặc vụ Quốc dân đảng đặt dấu hỏi nghi ngờ. Tôi đang lo đối phó thì tin từ trong nước dồn dập tới: bọn thực dân Pháp dìm phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh trong biển máu. Máy bay Pháp ném bom xuống Hưng Nguyên... Hàng xâu người bị bắt đi Côn Lôn, Lao Bảo... Phong trào tụt xuống. Tổng bí thư Trần Phú bị bắt. Thêm một tin tức làm tôi rụng rời: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc sa lưới mật thám Anh ở Hồng Công. Rồi đến tin chú Hồ Tùng Mậu bị thực dân Anh bắt ở Hồng Công, trao cho Pháp đem về Việt Nam...

Tôi vội vàng lên Thượng Hải tìm gặp tổ chức. Đồng chí Lê Quảng Đạt hẹn gặp tôi ngày hôm sau ở vườn hoa Hồng Khẩu tại tô giới Nhật. Đến giờ hẹn tôi tới, lại thoáng nhìn thấy bóng dáng tên đại tá đặc vụ quen thuộc nọ đi trong đám đông nên phải lánh vào một chỗ khuất. Đợi suốt buổi chiều không thấy đồng chí Lê Quảng Đạt đến. Tai biến rồi! - Nghĩ xong, tôi vội vàng đi nơi khác. Hai ngày sau trên tờ báo hàng ngày phát hành ở Thượng Hải, tôi đau đớn đọc các dòng chữ in trên một cột báo: Mấy nhà cách mạng Việt Nam bị đương cục Pháp bắt giữ... một người đã nhảy từ lầu gác ba xuống sân tự vẫn... Dò hỏi ra thì đó là các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lưu Quốc Long, Lê Quảng Đạt... Người nhảy từ gác ba xuống là Lưu Quốc Long. Cơ sở nhiều nơi hầu như bị phá vỡ cả.

Ban đêm, thành phố Thượng Hải vẫn ồn ào huyên náo tiếng xoa mạt chược, tiếng xóc đĩa, tiếng rao các loại chè cháo “xú dề” như xưa, nhưng lòng tôi cô đơn trống lạnh.


(1) Tên chính thức của Hội là: Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:36:48 am »

*
*   *

Chị Hồ Diệc Lan ra mở cửa đón tôi vào nhà. Năm ấy chị vừa tròn hai mươi tuổi. Tóc chấm vai, nét mặt thanh nhã, nếp nhà gia giáo. Khi không có việc gì ra phố, ở nhà bà mẹ và hai chị em Hồ Diệc Lan đều vận áo quần cắt may theo kiểu dân tộc.

- Đương cục Pháp vừa yêu cầu bộ tổng tham mưu ở đây giao anh cho bọn chúng. Chúng tố cáo anh là cộng sản Việt Nam phá hoại - Chị Hồ Diệc Lan nói.

- Không thấy bố tôi nói gì. Nhưng tôi biết chắc chắn là tất cả mọi người kể cả vị tướng lĩnh cao cấp nhất trong bộ tổng tham mưu đều tin bố tôi không bao giờ là cộng sản được.

Tôi đi đi lại lại trong căn phòng suy nghĩ mung lung:

- Để bảo vệ cho bác yên ổn công tác ở đây, tôi sẽ phải đi khỏi nơi này.

Vừa lúc ông Hồ Học Lâm bước vào, nhịp thở của ông hơi khò khè vì cơn hen xuyễn, triệu chứng của những ngày động não căng thẳng, hệt như những ngày hai bác cháu chúng tôi dò từng chữ.

- Anh định ba mươi sáu chước, chước “đào” là hơn đấy à? - Ông Hồ Học Lãm uống một ngụm nước chè nóng - Không phải đi đâu cả. Cứ ở đây. Đi bây giờ là hạ sách. Lạy ông, tôi ở bụi này!

Tôi phải nói rõ ý nghĩ của mình, đồng thời cũng là chỉ thị của tổ chức là phải hết sức bảo vệ, giữ gìn ông. Chừng nào ông còn được tín nhiệm công tác tại bộ tổng tham mưu Quốc dân Đảng thì cách mạng của cả hai dân tộc Việt - Trung có lợi chừng ấy. Nêu không có ông thì làm sao lấy được hai bản kế hoạch quân sự tối mật của Tưởng Giới Thạch gửi tới để Hồng quân biết trước mà đề phòng đối phó thắng lợi.

Ông Hồ Học Lãm ngắt lời tôi:

- Tôi và anh nên coi đây là một nghĩa vụ của mình. Anh cứ yên tâm. Tôi sẽ thu xếp mọi việc ổn thỏa. Tưởng Giới Thạch chưa chịu đâu. Nó còn tiếp tục đánh, đánh nhiều nữa đấy. Chúng ta còn phải khổ công hơn nữa.

Ông Hồ Học Lãm nói rõ cho tôi biết thêm là vì sao tất cả cán bộ từ tướng cao cấp trở xuống trong bộ tổng tham mưu Quốc dân Đảng lại một mực tin tưởng ở ông, phản đối yêu sách láo xược của bọn đương cục Pháp. Vì nội tình bộ tổng tham mưu cũng rối ren như tình hình xã hội Trung Quốc bên ngoài. Có phe đa số của Tưởng Giới Thạch, có cánh của Hà Ứng Khâm. Lại có một số tướng lĩnh ngầm ủng hộ Uông Tinh Vệ đầu hàng Nhật. Một số khác phản đối Tưởng Giới Thạch đòi thực hiện đúng di chúc của Tôn Trung Sơn... Với ông Hồ Học Lãm, tất cả các phe phái đều biết ông là một nhà cách mạng Việt Nam chân chính, được coi như trung lập không ngả theo phe cánh nào, nên đều tranh thủ ông tùy theo động cơ tốt xấu của họ. Ông cũng triệt để lợi dụng mâu thuẫn để thu thập nhiều tin tức có lợi cho cách mạng.

- Ở lâu với họ - Ông nói - Tôi hiểu tất cả, kể cả những việc làm bất chính, bất lương của họ.

Ông mỉm cười, cái cười chua chát về mặt trái của cuộc đời, rồi nói tiếp:

- Cũng may còn có một số người chân chính, biết tôn trọng nhân cách, phẩm giá con người. Ta không nên vơ đũa cả nắm. Ngồi vào bàn làm việc đây, nom rất oai phong, chễm chệ, nhưng tâm trí họ có để vào đây đâu. Mọi việc đều đùn xuống cho cấp dưới làm, rồi quát tháo, nạt nộ. Chỉ khổ cho các sĩ quan trợ tá trẻ. - Ông quay về phía tôi nói tiếp - Còn bọn đặc vụ mà anh hay nhắc đến, phần lớn bọn to đầu chúng nó thuộc về phe cánh của Tưởng Giới Thạch. Tha hồ hống hách lộng quyền, tiêu tiền như rác, biển thủ như ranh. Đứa nào đứa ấy mới làm vài năm đã giàu sụ. Có chuyến tàu hàng về cảng thì việc to bằng trời cũng bỏ đấy chạy vội đi nhận hàng, môi giới, áp phe cái đã...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:38:00 am »

IV

TẠM LÁNH SANG NHẬT BẢN

Bọn đặc vụ tuy hết sức tránh đụng chạm đến ông Hồ Học Lãm, nhưng vẫn không chịu buông tha người em thúc bá của ông (khi nhận tôi về ở trong nhà, ông giới thiệu tôi là người em con chú, con bác với ông). Tôi bị chúng theo dõi lúc đi tàu, lúc về nhà, khi ra phố.

Một hôm tôi vừa bước ra khỏi nhà ga Thượng Hải thì có người khẽ chạm vào gói hành lý của tôi. Nhìn kỹ, thì ra đó là anh bạn Triều Tiên họ Phác cùng khóa học trường Hoàng Phố với tôi. Hại người đã vài lần gặp nhau ở đường phố Nam Kinh và Thượng Hải. Cùng lờ nhau như không hề quen biết. Nhưng qua Trương Văn Lĩnh tôi được biết anh bạn Triều Tiên họ Phác ấy đang hoạt động trong một tổ chức tình báo chống bọn gián điệp Nhật Bản. Cùng hội, cùng thuyền, hiểu nhau cả.

Thấy vậy tôi rảo bước, chen lấn với đám đông hành khách để đuổi kịp anh bạn nọ.

- Cậu nên lánh đi chỗ khác thì hơn - Người bạn Triều Tiên nói nhỏ vào tai tôi rồi đi thẳng.

Tôi về thuật lại với ông Hồ Học Lãm.

- Đúng đấy, lúc này là lúc anh tạm lánh đi một thời gian. Một vị tướng quân họ Trần bạn thân với tôi vừa thu xếp cho tôi một việc phải sang Nhật Bản vài ba tháng. Tướng quân đồng ý cho cả anh cùng đi - ông Hồ Học Lãm ngừng lời, thăm dò thái độ của tôi - Đi sang đấy, việc tôi, tôi làm. Còn anh, nghỉ ngơi, tham quan một đất nước tư bản phương Đông xem sao. Cũng có lợi cho công tác của anh đấy.

Đặt chân lên các hòn đảo Phù Tang, tôi ý thức nhìn nhận con người và đất nước này theo chiều dài lịch sử của nó. Thủ đô Tô-ki-ô rộng lớn và rất hiện đại. Từng tuyến đường rộng thênh thang, dài tít tắp. Ban đêm rực sáng ánh đèn điện huỳnh quang. Nhìn những bộ áo quần ki-mô-nô trắng của các thiếu nữ dưới ánh đèn, người ta có cảm giác như nhìn một cái kim trên một chiếc đĩa bạc. Dọc hai bên đường, từng khu nhà kiến trúc đồ sộ, sân thượng đổ bê-tông, vuông vức sừng sững như những vách đá đánh đai dọc những con đường. Khu hoàng cung ba tầng, ẩn sâu trong một khu vườn rộng, gợi lại cho người ta những tòa lâu đài thâm nghiêm, kín cổng cao tường trong các câu chuyện cổ tích ngày xưa. Phương tiện giao thông rất nhiều và thuận tiện, xe cộ nối đuôi nhau lao vun vút như những dòng chảy xiết, tuy ngược chiều nhưng lại rất êm ả. Chỉ tới ngã năm, ngã sáu đầu đường, hoặc gặp các quảng trường lớn, khách đi bộ hay ngồi trên xe mới được vươn xa đôi chút tầm nhìn. Thành phố Tô-ki-ô được nhiều dòng sông nhỏ, nhiều con kênh nước chảy hiền hòa cắt ngang, cắt dọc thành từng khu riêng biệt. Những khu công nghiệp lớn, ống khói chọc trời. Khu công nhân nhà lợp ngói nâu xám xịt. Khu đại học nổi bật lên cái tháp gạch đỏ của một trường đại học. Khu thương mại giao dịch quốc tế với khách sạn lớn Hoàng cung nhiều tầng, với trụ sở của các hãng buôn lớn v.v... Người dân một nước công kỹ nghệ phát triển có tác phong khẩn trương vô cùng, tranh thủ thời gian từng giờ từng phút, nhưng không chen lấn, đụng độ.

Đoàn xe lửa từ cảng Thần Hổ đưa ông Hồ Học Lãm và tôi về Tô-ki-ô. Nhà ga rất lớn và hiện đại, có mái che, tuyết rơi lả tả. Thấy hai người lạ, vẻ bỡ ngỡ, một phụ nữ Nhật đã chủ động dẫn chúng tôi tới bến xe tắc-xi, dặn anh lái xe đưa về địa chỉ cần tìm ở một vùng ven thành phố. Xe dừng trước cổng. Ông Hồ Học Lãm bấm chuông. Một phụ nữ Nhật chạc ngoài ba mươi tuổi, phúc hậu hiền từ ra mở cửa, cung kính cúi đầu mời hai vị khách vào. Chủ nhân, một ông già trên sáu mươi, vận bộ ki-mô-nô, vẻ chậm chạp, bước ra tận hàng hiên đón. Thì ra, đây chính là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, từ khi sang tới đây mang tên là Nam Nhất Hùng, một nhân vật đã một thời tên tuổi gắn liền với Phan Bội Châu và các sĩ phu yêu nước trong phong trào Đông Du, một nhân chứng lịch sử về mưu đồ xâm lâng, làm bá chủ toàn châu Á và một phần thế giới của đế quốc Phù Tang từ đầu thế kỷ hai mươi này. Hồi đó, bọn cầm quyền Nhật Bản đã hạch sách cụ Phan Bội Châu đòi phải tìm bằng được một người Hoàng tộc đưa sang Nhật để tôn làm “minh chủ” cho việc “phục quốc An Nam”. Cụ Phan đành phải lặn lội về nước, mời Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sang. Nắm được lá bài “minh chủ An Nam” rồi, họ giấu biệt Kỳ Ngoại Hầu đi một nơi, không cho tiếp xúc với bất cứ một ai. Âm mưu thâm độc là họ là nuôi dưỡng ông thành một tay sai ngoan ngoãn để phục vụ ý đồ xâm chiếm Việt Nam của họ sau này như họ đã làm ở Đài Loan, ở Cao Ly (Triều Tiên) và gần đây nhất, họ bắt cóc ông Hăng-ri Phổ Nghi dựng lên làm vua bù nhìn “nước Mãn Châu”. Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cũng thấy rõ số phận mai sau của mình. Gần ba chục năm bọn cầm quyền Nhật Bản gần như giam lỏng ông trong một ngôi nhà vắng lạnh. Hàng tháng, họ chỉ cho ông vài trăm đồng tiền yên. Hàng ngày chị giúp việc sáng đến, chiều về, làm cơm cho ông ăn theo cách nấu ăn của người Nhật, hết thịt luộc lại thịt nướng hoặc tái nhúng nước sôi, hoặc ăn gỏi (cá).

Ở Nhật Bản, một nước công nghiệp, thịt gia cầm, gia súc bỏ hết đầu, chân, nội tạng. Nhiều hôm đi chợ, tôi chỉ cần khoảng một phần tư số tiền, mua về, thổi nấu thành những món ăn dân tộc: lòng lợn, chân giò ninh, thịt kho tàu, thịt áp chảo, giả ba ba, cá diêu, nem cua, chả nướng... Bữa cơm đậm đà hương vị quê hương. Ba người cùng ăn uống chuyện trò thân mật. Làm như vậy, một phần tôi cũng muốn để khơi gợi và thăm dò thái độ của Kỳ Ngoại Hầu với đất nước, giống nòi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:39:07 am »

Những buổi ông Hồ Học Lãm đi giải quyết nhiệm vụ đặc biệt của mình, Cường Để thường hay tâm sự với tôi. Ông ví thân phận của ông như nàng Kiều, trót bán mình cho mụ Tú Bà, rồi mắc lừa Sở Khanh. Những khi ấy ông thường khẽ ngâm hai câu Kiều: “Biết thân đến bước lạc loài. Nhị đào thà bẻ cho người tình chung...”

- Sao ngài không nghĩ đến chuyện tìm đường về nước? - Tôi hỏi Cường Để.

- Trốn thế nào được, cảnh tôi cá chậu chim lồng. Giả thử có về được lại rơi vào tay bọn cầm quyền Pháp mà thôi.

- Hay về Trung Quốc?

Nét đau khổ hằn lên khuôn mặt nề nề của ông, Kỳ Ngoại Hầu giải thích:

- Về Trung Quốc càng chết, ở bên đó chỗ nào chẳng có thám tử của đảng Hắc Long (một cơ quan gián điệp rất có thế lực ở Nhật Bản). Chúng sẽ điệu tôi về đây ngay lập tức. Nói chuyện xong ông tìm đưa cho tôi một cuốn sách và nói: Anh đọc đi sẽ rõ.

Đó là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu, in lại bằng chữ Nhật. Vài trang đầu có lời giới thiệu của một viên tướng người Nhật Bản. Đại ý là tướng này sang Việt Nam nằm 1883, nghĩa là chỉ sau một năm giặc Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai (1882) để nghiên cứu tình hình. Hắn được tiếp kiến Khâm sai Nguyễn Hữu Độ. Sau buổi tiếp kiến, viên tướng này ngỏ ý xin Khâm sai một cuốn lịch sử dân tộc Việt Nam để đem về Nhật. Phần cuối, tác giả lời giới thiệu đã nêu lên vài nhận xét qua chuyến đi thăm Việt Nam vừa qua. Đại ý là: hai nước Nhật Bản và Việt Nam đều ở châu Á, cùng chung một nền văn hóa Đông phương, hoàn cảnh địa lý, xã hội, dân số... có nhiều điểm gần giống nhau. Nhưng nước Việt Nam đã bị rơi vào ách đô hộ của một cường quốc tư bản phương Tây. Tác giả kêu gọi mọi công dân Nhật Bản phải biết lấy bài học của Việt Nam làm răn, phục vụ công cuộc canh tân để sớm đưa đất nước của Thiên Hoàng thành một quốc gia hùng mạnh ở châu Á và trên thế giới...

- Thì ra từ dạo ấy họ đã để ý đến nước ta - Tôi nói - Chắc bây giờ họ lại càng chú ý hơn.

- Anh nói đúng - Ông Cường Để ngắt lời - Sau Trung Quốc, họ nghiên cứu Việt Nam rất kỹ. Họ hiểu Việt Nam ta hơn cả chúng ta đấy. Anh có được nghe nói nhiều về ông Nguyễn Ái Quốc không? Tôi được biết là gần đây họ theo dõi hành trình của ông Nguyễn Ái Quốc rất chặt chẽ. Ông làm gì, ở đâu, đi đâu họ đều biết. Họ biết cả việc ông hợp nhất được ba phái thành một Đảng Cộng sản Việt Nam, cả việc ông bị cảnh sát Anh bắt ở Hồng Công năm nọ và thoát nạn như thế nào...

Thời gian lưu lại ở Nhật, tôi càng thấm thía lời dạy của đồng chí Lý Thụy: Cách mạng Việt Nam giờ đây là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới và khẩu hiệu hành động của Lê-nin: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc thuộc địa liên hiệp lại”. Tôi tranh thủ mọi thời gian để tìm hiểu về phong trào cách mạng, đảng cộng sản Nhật Bản cũng như nhân dân Nhật Bản.

Tôi tới các khu công nhân, khu những người lao động, tìm đến một số vùng nông thôn, tiếp giáp với thủ đô Tô-ki-ô. Giữa một biển người quay cuồng chuyển động mau lẹ như những chiếc bánh xe nhỏ trong một hệ thống khổng lồ tôi không gặp một ai ra dáng một người cách mạng. Có thể vì là người nước ngoài, ngôn ngữ không thông thạo. Nhưng ngược lại ở đâu tôi cũng gặp nếp sống có văn hóa, lịch sự của người dân Nhật Bản. Trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ. Ở nhà máy, nam cũng như nữ công nhân quần áo rách mướp, nhưng ra tới đường phố đều ăn mặc tinh tươm, không còn nhận ra họ được nữa. Công việc đồng áng ở đây phần lớn đã được làm bằng máy, khác xa với công việc đồng áng ở Việt Nam, nhưng đặc tính cần cù hai sương một nắng của nông dân thì thật giống nhau. Tính hiếu học cũng là một nét đáng quý của người dân Nhật. Anh lái xe ô-tô buýt trên tuyến đường Ghin-da chìa cho tôi xem ba bằng tốt nghiệp đại học của anh ta. Họ phải học chữ, học nghề mới tìm được việc làm. Ở một nước công kỹ nghệ phát triển, thất nghiệp là một tai họa lớn đối với từng người dân, từng gia đình. Tuy vậy tôi vẫn cho rằng một dân tộc hiếu học sẽ sớm vươn tới vầng hào quang của trí tuệ. Mà trí tuệ thì không cùng chung sống với dốt nát, làm bừa, làm ẩu. Các nhà cầm quyền ở đây cũng như ở các nước tư bản khác rất sợ làm ẩu. Hàng ngày tiếp xúc với một số tầng lớp nhân dân Nhật Bản, thuộc nhiều lứa tuổi, tôi nhận thấy bên trong cái vẻ khiêm tốn nhã nhặn của họ là một tinh thần dân tộc rất cao. Người Nhật chỉ thích nói đến chiến thắng, không thích nói đến chiến bại.

Ở đây rất ít người biết đến Việt Nam. Họ đều yên trí tôi là một người Trung Quốc hay Cao Ly. Thật đau đớn xót xa. Trong mấy nghìn năm lịch sử giữ nước và dựng nước, dân tộc Việt Nam ta đâu đến nỗi kém thông minh tài trí, kém cần cù, chịu thương chịu khó. Ấy vậy mà vì sao dân tộc ta khốn khổ đến thế? Tôi thét lên căm phẫn: cả một dân tộc đang phải trả giá rất đắt cho sự ích kỷ, ngu dốt, bảo thủ đến cực kỳ phản động của bọn vua quan nhà Nguyễn từ giữa thế kỷ trước, bằng chính sách bế quan tỏa cảng, ngoảnh mặt đi trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật bên ngoài.

Vua Nhật Minh Trị với công cuộc duy tân đất nước của mình từ năm 1868 đã đưa nước Nhật Bản tới địa vị một cường quốc ở châu Á và thế giới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 06:39:46 am »

Ở Nhật họ làm được, còn ở ta thì sao không làm được?

Bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, những thông tin về tiến bộ, phát minh khoa học kỹ thuật do sứ giả từ các nước phương Tây đem về, đều bị triều đình Tự Đức gạt bỏ đi hết. Vì sao?

Thế kỷ 17 và 18 ở ta kinh tế hàng hóa đã phát triển, đã manh nha mầm mống tiền tư bản chủ nghĩa. Sau cái chết của Quang Trung Nguyễn Huệ dẫn đến thắng lợi của Nguyễn Ánh với việc thiết lập triều đại Nguyễn Gia Long năm 1802 từng bước bám vào thực dân Pháp. Với chính sách cai trị hà khắc, bế quan tỏa cảng cả về kinh tế, xã hội, tư tưởng... Xung quanh Tự Đức toàn một lũ hủ nho, bảo thủ ngu dốt, tham tàn, ích kỷ, chúng đã bóp chết mọi mầm mống manh nha tiền tư bản chủ nghĩa ở nước ta. Trong lúc đó ở Nhật, mầm mống tiền tư bản này đã được phát triển thành một thế lực trong triều. Cuộc đấu tranh giữa cái bảo thủ lạc hậu với cái tiến bộ diễn ra gay gắt, đưa đến công cuộc duy tân đất nước của vua Minh Trị. Nhưng rồi nước Nhật hùng cường đó đã trở thành một đế quốc xâm lược cực kỳ hung hãn. Số phận của các dân tộc nhược tiểu châu Á trong đó có Việt Nam rồi sẽ ra sao? “Cách mạng Việt Nam từ nay có chủ nghĩa Mác - Lê-nin soi sáng dẫn đường”. Câu nói đó của đồng chí Lý Thụy đã tiếp cho tôi một sức mạnh vô biên, một lòng thi tuyệt đỉnh...

Ông Hồ Học Lãm sang Nhật lần này để thu thập một số tin tức tình báo về ý đồ mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc của bọn quân phiệt Nhật Bản. Qua lời ông thì trong giới quân phiệt Nhật lúc ấy chia thành hai phái: Phái Bắc tiến chủ trương tiến công Liên Xô giành lại phần đất ở châu Á của đất nước Cách mạng tháng Mười trước, rồi sẽ quay xuống phía nam đánh chiếm toàn bộ các nước châu Á. Phái Nam tiến chủ trương ngược lại: đánh chiếm các nước châu Á thuộc địa của các nước phương Tây trước rồi mới tiến đánh Liên Xô. Phái này đang thắng thế, ráo riết mở rộng đánh chiếm thêm nhiều miền rộng lớn đông dân, nhiều của ở Trung Quốc.

Có đặt chân đến đây, tôi mới thấy rõ rằng đồng chí Lý Thụy không theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật là vô cùng đúng đắn. Đồng chí sang thẳng bên Pháp, sang các nước châu Âu, thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên ở nước Pháp. Rồi về với đất nước Liên Xô, tìm đến Lê-nin vĩ đại để vạch ra con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam tiến bước.

Cảnh sát Nhật không thể chấp nhận có hai người Việt Nam đến ăn ở hàng tháng trời tại nhà Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Đối với ông Hồ Học Lãm thuộc thế hệ già họ còn nương nhẹ. Với tôi họ tìm mọi cách gây khó dễ phiền hà. Từ tuần thứ tư trở đi, luôn luôn có người đến nhà: cảnh sát mặc đồng phục, thám tử mặc thường phục. Thậm chí cảnh sát cứu hỏa đến thu thuế cũng lân la hỏi chuyện tôi:

- Anh là người An Nam? Anh sang đây có việc gì? Bao giờ anh trở về?

Một hôm ba người đang ngồi chuyện trò giải trí trong vườn bên cạnh ấm nước chè thì một người mặc thường phục bước vào. Người này theo giới thiệu của ông Cường Để, vẫn thường lui tới nhà. Người đó đem đến chai rượu Sa-kê, rót vào cốc rồi nâng lên chúc tình giao hảo giữa hai nước cùng nòi giống da vàng ở phương Đông, cùng một kẻ thù chung là bọn mũi lõ tóc quăn. Hắn vừa nói vừa làm điệu bộ, vuốt cái mũi (lõ), một bàn tay xòe năm ngón như lưỡi gươm chém “pập” vào cổ. Câu chuyện dẫn dắt thật miên man. Từ nước Nga, qua Đức, sang Pháp, sang Anh vòng tới nước Mỹ rồi lại về Trung Quốc, Nhật Bản... Nói đến nước Pháp, hắn úp hai bàn tay xòe ngang mặt, một bên thấp, một bên cao hơn hẳn: - Pháp là bên này (bên thấp) còn Nhật Bản là bên này (bên cao).

- Còn Hoa Kỳ? Tôi thản nhiên hỏi.

Hắn nheo mắt làm trò, đưa hai bàn tay lên gần ngang nhau. Bàn tay chỉ nước Nhật vẫn nhỉnh hơn một chút ít. Câu chuyện chuyển sang nước Anh. Hắn không xòe hai bàn tay để so sánh nữa. Nhưng lại kể một cuộc đối thoại giữa một người Nhật và một người Anh:

- Người Anh tự hào là mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước của họ. Còn người Nhật chúng tôi cũng rất tự hào là khắp quả địa cầu này, chỗ nào cũng nhìn thấy mặt trời mọc (mặt trời mọc ý nói là cờ của nước Nhật). Nói xong nó nhìn chăm chắm vào tôi.

- Ở nước chúng tôi - Tôi chậm rãi nói - các em bé chăn trâu, lên năm, lên sáu tuổi thường bảo nhau: sáng sớm mặt trời hiền còn muốn nhìn, nhưng chỉ một lát sau, mặt trời ác quá, không nhìn.

Thế là từ sau phút đó hắn hiện nguyên hình là một tên quân phiệt, giả uống rượu, vung gươm, thét lớn một câu ca rất thịnh hành hồi đầu thế kỷ của môn đồ võ sĩ đạo Nhật Bản sau cuộc chiến tranh Nga - Nhật:

... “Tuốt gươm gọi rượu lên lầu. Khí hùng nuốt cả năm châu mới là...”.

Trước tình hình trên ông Hồ Học Lãm bàn riêng với tôi, khuyên tôi nên trở về Trung Quốc trước.

Tôi thu xếp khăn gói trở về. Ông Cường Để ngạc nhiên hỏi:

- Tôi tưởng anh sang đây để đi Nga? Hiện nay con đường sang Nga qua Mãn Châu Lý không đi được nữa. Phải dùng con đường qua Nhật Bản đấy. Tôi đang định dò hỏi giúp anh. Anh về Trung Quốc rồi có định về nước không?

Tôi không trả lời thẳng vào câu hỏi đó, mà chỉ nhấn mạnh đến nguyện vọng tha thiết của tôi là được trở về góp phần cùng đồng bào chiến đấu giải phóng Tổ quốc, quê hương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM