Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:18:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ  (Đọc 4625 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:20:44 am »

Tên sách: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ
Tác giả: Thiếu tướng Lê Thiết Hùng
(Nhà văn Siêu Hải thể hiện)
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2002
Số hóa: macbupda


« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 12:40:49 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:24:27 am »

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Đồng chí Lê Thiết Hùng tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, là thành viên của tổ chức yêu nước Tâm Tâm xã, được Bác Hồ giác ngộ, dìu dắt ngay từ những ngày đầu hoạt động. Bác đã trực tiếp kết nạp đồng chí vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Thanh niên cộng sản Đoàn, sau đó vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Thiết Hùng vào hoạt động trong quân đội Tưởng Giới Thạch. Những năm tháng khoác áo sĩ quan Quốc dân đảng, trước bao thử thách, cám dỗ đời thường và nếm trải bao gian nguy, tủi cực nhưng ánh sáng và niềm tin của Đảng, của Bác Hồ đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng chí Lê Thiết Hùng vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Năm 1941, theo chỉ thị của Bác, đồng chí trở về nước hoạt động cách mạng. Với bản lĩnh và ý chí kiên cường; với kiến thức, kinh nghiệm đấu tranh trên trận tuyến thầm lặng đã qua, đồng chí Lê Thiết Hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác bằng cả tâm huyết, tinh thần nỗ lực đã cùng các đồng chí của mình xây dựng phong trào Việt Minh, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Bắc ngày càng lớn mạnh.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Đồng chí Lê Thiết Hùng được chỉ định làm Khu trưởng Khu IV.

Năm 1946, Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 được ký kết giữa ta và Pháp. Đồng chí được giao nhiệm vụ làm Tổng chỉ huy Tiếp phòng quân và được phong quân hàm Thiếu tướng(1).

Đồng chí Lê Thiết Hùng là một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và liên tục đảm đương nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước: Tổng thanh tra đầu tiên của quân đội kiêm Cục trưởng Cục Quân huấn; Hiệu trưởng Trường bổ túc quân chính trung cấp và là Ủy viên Ban Quân sự Trung ương (1947 - 1950); Hiệu trưởng Trường Lục quân Việt Nam; Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Pháo binh kiêm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh (1954 - 1963); Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (1964 - 1970); Phó trưởng ban thường trực Ban CP48 và Phó trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1971 -1978)...

Đồng chí Lê Thiết Hùng đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Với tấm lòng kính yêu và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người Thầy, người Cha trong trái tim mình, đồng chí Lê Thiết Hùng đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng được sống gần gũi bên Bác Hồ cho nhà văn Siêu Hải ghi.

Sau khi đồng chí Lê Thiết Hùng mất, tập hồi ký đã được hoàn thành và Tạp chí Lịch sử quân sự đã đăng tải trong 6 số của năm 1986.

Lần này thể theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản cuốn hồi ký “Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ” của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (nhà văn Siêu Hải thể hiện).

Nhân cuốn sách được xuất bản, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các cán bộ Phòng Tư liệu - Thư viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, gia đình đồng chí Lê Thiết Hùng, đại tá - nhà văn Siêu Hải đã nhiệt tình giúp đỡ Nhà xuất bản trong việc chỉnh lý, bổ sung tư liệu cho bản thảo.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn hồi ký: “Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ”.


NHÀ XUẤT BẢN
                                                                                                                                                            
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


(1) Đồng chí Lê Thiết Hùng được phong hàm Thiếu tướng theo Nghị định số 185/SL ngày 24-9-1946 đo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đồng chí Võ Nguyên Giáp ký.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:28:01 am »

I

ĐẾN VỚI CÁCH MẠNG

Tháng 1 năm 1923.

Trời u ám. Rét kéo dài. Mạ chiêm ngoài đồng xác xơ run rẩy. Nhìn bồ thóc trong nhà đã gần cạn, ngó cây rơm gày guộc còn sót lại sau vụ gặt vừa qua, người dân xứ Nghệ lại rùng mình trước nạn đói sắp tới.

Tuy vậy, chiều hôm đó mẹ tôi cũng cố gạn mấy đấu gạo, thổi hai nồi cơm đầy. Một để ăn ngay. Một để nắm lại thành nhiều nắm, gói mo cau. Ngày mai (23-1-1923) hai anh Lê Doãn - tức Lê Hồng Phong, Phan Đài - tức Phạm Hồng Thái và tôi lên tàu “ra Hà Nội tìm việc làm”.

Cơm nước xong, gia đình tôi và hai anh quây quần ở gian giữa, trước bàn thờ gia tiên đang nghi ngút hương khói. Người pha chè, người hút thuốc. Ai ai cũng nén xúc động.

Còn tôi hết lên nhà lại xuống bếp nhìn cha, nhìn mẹ, nhìn các em. Tôi chỉ còn sống trong hơi ấm của những người thân thiết nhất nốt đêm nay. Ngày mai tôi đã lên đường. Lúc đó tôi không hề nghĩ rằng mình ra đi làm cách mạng, mà chỉ mong theo gót cha anh ra đi học tập để trở thành một người lính trong “Đội phục quốc quân”, trở về cầm súng đánh Tây, rửa cái nhục mất nước. Lúc đó tôi mới 16 tuổi, sức trai cường tráng nhưng tinh thần luôn u uất trong cảnh tù túng giữa xã hội cá chậu chim lồng.

Câu chuyện hàn huyên trở nên rôm rả từ khi có ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh ruột Bác Hồ) bước vào. Bọn thực dân Pháp hèn hạ trả thù gia đình Bác Hồ. Năm 1914, chúng bắt bà Nguyễn Thị Thanh, chị ruột Bác, tra tấn rất dã man rồi giam trong ngục tối sáu, bảy năm. Năm 1916, chúng lại bắt ông Nguyễn Sinh Khiêm. Gần đây chúng mới thả. Bị quản thúc ngặt nghèo, ông phải giả danh thầy địa lý để đi hoạt động. Như thành lệ, mỗi lần qua xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên quê tôi, ông Khiêm đều ghé vào. Ông có thói quen đến nhà bạn chỉ thích ngồi ngoài hè. Gia đình có nước, có rượu cũng mang ra hè. Được biết ngày mai, thêm một lớp con cháu xuất dương, ông vỗ đùi, cười “khà” sảng khoái, nhấp một ngụm rượu, rồi nói: Hậu sinh khả úy, khả úy!

Cả một quá khứ đau thương nhưng hào hùng với những tên người, tên núi, tên sông trong ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh như bừng dậy trong tôi: Đinh Văn Chất với phủ Nghĩa Hưng; Lê Ninh với Hà Tĩnh; Lê Doãn Nhạ, Nguyễn Xuân Ơn với thành phố Vinh và xã Đoài; Tống Duy Tân, Cao Điền với vùng tây nam Thanh Hóa; Đinh Công Tráng với trận Ba Đình... và đỉnh cao là Phan Đình Phùng, Cao Thắng với rừng Ngàn Tươi, núi Vụ Quang...

Giặc khủng bố điên cuồng. Lớp trước ngã xuống, lớp sau kế tục với những phong trào như Đông Du, Duy tân Hội, Việt Nam Quang phục Hội, mà tiêu biểu là Phan Bội Châu, bạn đồng tâm với cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ). Con đường xuất dương của các cụ là sang Thái Lan (lúc đó gọi là Xiêm), Trung Quốc rồi Nhật Bản để nhờ nước Nhật Bản “đồng văn, đồng chủng, phú cường” giúp Việt Nam đánh Pháp, giành độc lập. Nhiều học sinh Việt Nam được đưa sang Nhật học quân sự như các ông Nguyễn Thúc Canh, Lê Khiết, Nguyễn Diễn. Lương Ngọc Quyến, Trần Hữu Lực, Hoàng Trọng Mậu, Lương Thảo Đạt, Hồ Học Lãm, Võ Tùng...

Một số hiện đang ở Trung Quốc, làm võ quan cao cấp như Hồ Học Lãm, Võ Tùng... Nhưng qua câu chuyện của các bậc cha chú thì sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu không thành vì thằng Tây cũng như thằng Nhật, thằng Tầu đều “tham tàn, đểu cáng như nhau”. Lần đầu tiên tôi được nghe kể tường tận về trường hợp ra đi làm cách mạng của chú Nguyễn Sinh Côn(1), tức thầy giáo Nguyễn Tất Thành, em ruột ông Nguyễn Sinh Khiêm. Năm đó, theo lời ông Nguyễn Sinh Khiêm thì ông Giải San (Phan Bội Châu) muốn đưa Nguyễn Sinh Côn sang Nhật cùng với một số thanh niên khác. Trước mặt ông Đặng Thái Thân vừa thay mặt Hội, vừa như bậc cha chú. Nguyễn Sinh Côn trân trọng nói, đại ý: Cháu rất quý trọng tấm lòng yêu nước thương nòi của các bác. Nhưng con đường đi của các bác thì cháu không thể theo được. Cháu sẽ tìm con đường đi khác. Ít lâu sau, Nguyễn Sinh Côn sang Pháp, viết báo, lập hội chửi Tây ngay ở Thủ đô Pháp (mà bọn Tây không làm gì được).

Mảnh trăng non đã lặn. Trời đầy sao lấp lánh.

- Thưa bác - Phạm Hồng Thái hỏi - Bác có biết thầy giáo Nguyễn Tất Thành hiện ở đâu ạ?

- Hắn đi lung tung, trời mà biết. Sang Anh, sang Mỹ, qua châu Phi. Chưa biết chừng lúc này đã ở Trung Quốc cũng nên - Ông Khiêm trả lời.

Tôi chìm trong suy tưởng: Viết báo, lập hội chửi Tây có đến vạn năm chẳng suy suyển được cái lông chân của thằng Pháp. Nhưng cũng có cái thú là chửi nó mà nó không làm gì mình được. Tôi nhích sát lại gần các bậc cha chú. Riêng Phạm Hồng Thái, lúc nào cũng dận đôi giày da, vẫn đứng, vẻ tư lự, chốc chốc lại day day đế giày xuống đất.

Trước khi ra về. Ông Nguyễn Sinh Khiêm nắm chặt lấy tay từng người, lắc mạnh. Tôi trẻ nhất, ông lắc lâu hơn. Sau ông nói đủ nghe, giọng trầm trầm:

- Chú nhủ một câu, nhớ lấy: bậc anh hùng trượng phu đã một lần thượng mã thì chớ bao giờ xuống ngựa nếu nghiệp lớn chưa thành.

Đêm đó nằm cạnh bố, tôi thao thức trằn trọc mãi. Tiếng là sống với bố nhưng tôi nào được gần gũi là bao. Thời cụ Phan Đình Phùng, bố tôi chuyên lo về tài chính, thuốc chữa bệnh cho nghĩa quân. Tiếp đến phong trào Đông Du. Quang phục Hội, ngôi nhà tôi lại như một trạm đón tiếp. Mỗi khi bố tôi về lại dẫn theo vài ba người, ăn ở ít ngày, rồi đi. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều trút lên vai mẹ tôi - một người mẹ vô vàn mến thương, một mình nuôi sáu đứa con và chồng đi làm cách mạng - kể cả việc lo chu tất cho những đồng chí của chồng thường xuyên lui tới ăn ở trong nhà. Quanh năm ngày tháng, anh em chúng tôi thường chỉ có ngô khoai; cơm gạo nhường cho khách.


(1) Lê Thiết Hùng thường thân mật gọi những người nhiều tuổi hơn mình là chú.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:29:34 am »

Một hôm, bọn quan Tây dẫn lính về làng bắn súng ra oai, bắt bớ nhiều người. Bố tôi bị chúng trói giật cánh khuỷu, lôi ra chỗ tập trung. Thằng Tây mặt đỏ như gà chọi đánh ông bằng báng súng đến ngã gục. Chưa hả, nó còn nện giày đinh lên bụng, lên ngực ông. Tôi thét lên một tiếng định xông tới nhưng bị nhiều bà con giữ chặt lại. Ngày ấy, tuy tôi mới mười hai tuổi, nhưng vì là con lớn nhất trong nhà, nên tôi đã phải ra đồng cùng mẹ tôi làm quần quật suốt ngày. Có lần bà thủ thỉ nói với tôi:

- Bố con đã mấy lần khăn gói lên đường thi Hương, thi Hội. Nhưng mục đích chỉ là để bán bài thi cho người khác, lấy tiền để giúp cho anh em đoàn thể. Còn con bây giờ hãy gắng học giỏi để giúp ích cho đời.

- Bố không thích đi làm quan - Tôi nói - con thấy thế cũng phải. Nhưng giá bố cứ thi đỗ...

- Con nói lại, mẹ nghe?

- Đời nay, mọi người còn nhìn nhiều vào bằng nọ sắc kia. Như ông Giải San(1) đấy. Con nghe bố nói, ông bị Tây thù ghét. Nhưng vì ông là người có bằng cấp được xếp vào hàng sĩ phu, nổi tiếng học giỏi, đạo cao đức trọng nên ông hô hào đánh Pháp mọi người mới chịu nghe theo.

Mẹ dừng tay sàng gạo, nhìn tôi hồi lâu nói:

- Gia cảnh mỗi nhà một khác. Nhà ta, đời ông nội cũng thi đỗ, không ra làm quan, về nhà làm việc phúc đức giúp đỡ bà còn làng xã, khước từ lộc nọ, ân kia của triều đình. Vì vậy, mọi người đều kính nể. Đến đời bố con, hệt như ông nội. Cũng chẳng nhất phẩm, nhị phẩm chi cả mà chỉ thích làm một anh bạch đinh(2).

Tôi chợt nhớ lại chuyện ngày xưa mà mẹ tôi thường kể: ... Có một vị tướng rất giỏi, theo vua Lê Lợi đánh giặc từ khi nhà vua dấy nghiệp ở đất Lam Sơn. Sau ngày thắng lợi, Lê Lợi thưởng công cho các tướng sĩ. Tìm mãi, chẳng thấy vị tướng tài đâu. Hỏi ra, mới biết là vị tướng đó sau khi phò vua, cứu nước xong, đã lặng lẽ bỏ đi, không màng gì đến công danh, lợi lộc. Vua Lê Lợi nhớ ơn, tặng cho ông danh hiệu Lê Phán Quan...

Đã hết hạn ba năm tù, bố tôi trở về, trên mình đầy sẹo của những vết thương. Hận nước thù nhà lại càng nung nấu khiến ông quyết tâm chuẩn bị cho tôi xuất dương làm cách mạng sớm hơn dự định. Tôi còn nhớ rõ những buổi trò chuyện với bố tôi trước khi xa gia đình, dấn thân vào con đường mới của cuộc đời. Đó là một buổi chiều đầy cơn gió rít trên nóc nhà. Xa xa là tiếng sủa ông ổng của con chó lài của thằng quan Tây. Thằng này lấy vợ là người ở làng tôi. Vợ nó là một ả hư hỏng. Bố mẹ ả cam tâm sống nhục, dùng đồng tiền phi nghĩa, cất một ngôi nhà lớn giữa làng cho vợ chồng nó. Hồi đầu, mỗi lần thằng “mũi lõ” đi xe song mã về làng, bọn phú hào vận động bà con ra đón. Bị phỉ nhổ, chúng phải dụ dỗ trẻ em bằng kẹo, bánh mong bọn trẻ sẽ theo xe reo hò mỗi bận “quan” về. Lúc đó, tôi và các bạn chừng trên dưới 10 tuổi, chẳng những không ra đón quan mà còn “tặng” cho nó nhiều trận mưa đá. Chúng nó biết tôi là một trong những tay “đầu sỏ” mà không làm gì được. Từ đó; mỗi lần về nhà vợ, thằng Tây này phải đem theo con chó lài hung dữ phòng thân...

Trong đêm mưa gió hôm ấy, thấy tôi luôn trở mình, như hiểu lòng con, bố bảo tôi:

- Bố sinh đúng vào lúc nước mất, nhà tan. Đến lượt con thì quan Tây, quan ta đã đâu vào đấy cả rồi. Thế của chúng hiện vững như bàn thạch. Còn ta, bao ý đồ phục quốc đều liên tiếp thất bại. Máu chảy thành sông, xương phơi thành núi mà vận nước vẫn còn mịt mù... Hồi thằng quan Tây bắt bớ, nó muốn ghép bố vào tội tụ tập trong rừng, âm mưu nghịch loạn để hòng xử bố đi đày chung thân. Nhưng bố không chịu. Rốt cục chẳng có chứng cớ gì, chúng nó phải thả bố ra. Nhưng nó vẫn còn căm bố lắm - Dừng lời trong giây lát, ông nói tiếp - Của đáng tội, bọn hào lý chỉ điểm cho Tây bắt bố cũng chẳng phải là “oan” chút nào. Nhưng việc của bố, bố cứ làm.

Tôi nói với bố:

- Con đi xa chuyến ni, chắc chi có ngày gặp lại bố mẹ và các em con.

Bố tôi khẽ bước xuống đất, tìm điếu thuốc lào, đến bên bàn uống nước. Tôi cũng nhổm dậy ngồi bên thành giường nhìn bố.

- Nước đã mất thì chẳng cái gì còn - Bố tôi nói - kể cả ngai vàng bệ ngọc. Sau vua Hàm Nghi, vua Thành Thái chống Tây, bị bắt đi đày. Thằng toàn quyền Bô, trước khi giải nhà vua đi, còn cố dụ Ngài lần cuối. Hắn nói: chỉ cần nhà vua thuận ra lời tuyên cáo nhận là có lỗi với chính phủ bảo hộ thì nước Đại Pháp sẵn sàng trao trả ngai vàng. Ngài không thèm nhìn mặt hắn, hiên ngang bước đi... Kể đến đây, bố tôi khẽ buông tiếng thở dài, giục tôi ngủ để ngày mai đi sớm.


(1) Phan Bội Châu.
(2) Một người dân bình thường, không chức tước, hàm sắc gì.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:30:15 am »

*
*   *

Chuyến đi Thái Lan lần này (1923) của chúng tôi do ông Võ Trọng Ba, hội viên Quang phục Hội đưa đi. Đoàn có mười hai người: Lê Doãn (Lê Hồng Phong), Phan Đài (Phạm Hồng Thái), Trương Văn Lĩnh, Trần Bá Giao, anh Chắt... Dăm bảy người cùng quê Nghệ An, chúng tôi ít nhiều có quen biết nhau. Đây là đoàn ra đi đông nhất sau một thời gian việc đưa đón thanh niên ra nước ngoài của Quang phục Hội bị gián đoạn.

Từng người đi dạo ấy phân tán ra, tập trung ở Vinh, rồi chọn đúng ngày phiên chợ để dễ trà trộn với bà con đáp đò đêm xuôi về Hương Khê, theo đường bộ sang Lào. rồi Thái Lan. Ra đến đường cái lớn, bố tôi còn dặn dò: Con đi lập chí lần này gắng giữ lấy nền nếp, gia phong của dòng họ. Thấy việc nghĩa thì làm, việc phi nghĩa phải tránh xa. Bố mẹ nghèo chẳng có tiền bạc gì để lại cho con, chỉ để lại cho con cái đức làm người. Danh vọng tiền tài muôn nghìn rồi cũng hết. Nhưng cái đức thì vẫn còn. Đi đâu, ở đâu, con cố trau dồi thêm học vấn. Làm cách mạng mà dốt nát lại biếng nhác, không chịu học thì khó mà làm được, con ạ. Đến một quãng vắng bố tôi lại dặn: - Sang tới nơi, con cố tìm cho được ông Giải San. Nếu vì tuổi già, sức yếu hay một duyên có gì khác mà ông không đảm đương được sự nghiệp thì chắc chắn con cũng sẽ gặp minh chủ khác. Thời thế tạo anh hùng mà.

Để hai chú cháu có tiền ăn đường, bố mẹ tôi phải cầm một sào ruộng lấy mười đồng bạc. Ông trao cả cho Lê Hồng Phong là chú tôi.

Nhớ lại hôm bố tôi bị Tây bắt cùng với một số bà con trong làng, khi ông bị chúng giải đi giữa hai hàng lê sáng quắc, tôi lẽo đẽo theo sau cắn răng nuốt hận. Nhiều bạn nhỏ của tôi khóc thút thít, về nhà, mẹ tôi trách nhẹ:

- Con chả thương bố hay sao?

- Thưa mẹ, nếu khóc mà nó tha thì hãy khóc - Tôi đáp - Còn nó chả tha thì khóc làm gì!

Nhưng lần này chia tay với bố, nước mắt tôi chảy ròng ròng.

Bố xiết chặt tay tôi, động viên: Can đảm lên con!

Thuyền đã đầy. Chú Doãn đã xuống nhận chỗ. Bố tôi đặt tay lên vai tôi, nói tiếp: “Từ nay, bố đổi tên cho con là Lê Như Vọng. Vọng có nghĩa là hy vọng. Bố mẹ trông chờ ở con nhiều lắm. Con chớ phụ lòng”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:32:24 am »

*
*   *

Sau mấy tháng băng qua dải Trường Sơn bạt ngàn và miền núi Trung Lào, theo những vệt đường rừng hiểm hóc của những người buôn thuốc phiện lậu, đến đầu mùa hè năm 1923, đoàn chúng tôi mới đặt chân tới Thái Lan, một nước ở châu Á, trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, trở thành khu đệm giữa hai tên đế quốc xâm lược Pháp và Anh, nên tạm thời còn giữ được nền độc lập.

Được đi trên một đất nước độc lập, tự do, giữa ban ngày, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, không phải ngó trước, trông sau, lẩn tránh từng thằng mật thám, thằng quan Tây như khi còn đi trên mảnh đất của Tổ quốc và của nước bạn Lào sao mà sung sướng đến thế! Ngắm nhìn nông thôn đất Thái làng xóm đông vui, cây cối sum suê, ruộng đồng xanh tốt, những rặng cây thốt nốt trĩu quả làm tôi nhớ tới hình ảnh những hàng cau nơi quê nhà. Người dân Thái Lan hiền hậu, ưa làm điều lành, tránh điều ác. Lấy đạo Phật làm quốc đạo, đâu đâu cũng thấy những ngôi chùa vàng mái cong, những vị sư trẻ, già với tấm áo choàng vàng tươi đi đi lại lại. Cửa nhà chùa bao giờ cũng rộng mở sẵn sàng đón khách lỡ độ đường. Nhờ đó mà đoàn của chúng tôi đã được ăn no ngủ yên trong những ngày mới xa Tổ quốc. Chính quyền các địa phương ở Thái giúp đỡ nhiều cho Việt kiều làm ăn sinh sống. Việt kiều được sống quây quần thành từng thôn xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Sống xa Tổ quốc, mọi người càng thương nước, thương nòi, không bỏ qua cơ hội nhỏ nhặt nào để giúp đỡ cách mạng. Ông Châu Mỹ quê ở Can Lộc (Nghệ An) nguyên là một dân buôn thuốc phiện từ Lào và Thái Lan về, đã thành người dẫn đường rất bảo đảm cho nhiều đoàn cán bộ xuất dương. Ông Chước cũng quê ở Nghệ An. làm thợ nề, sang Thái Lan kiếm được đồng nào nuôi cán bộ đồng ấy... Còn biết bao người, bao việc làm âm thầm không tên của Việt kiều ta mà ngày ấy chúng tôi còn chưa biết hết. Nhưng ngày ấy, vì không có tàu xe, phải đi bộ trên những chặng đường dài từ bờ sông Mê Công đến các cơ sở của Hội ở Phi Chít, bản Đông nên chúng tôi đã có dịp gặp lại biết bao kiều bào ta phải bỏ nước ra đi sống trên đất Thái. Từ những lớp người xưa nhất, tránh sự trả thù hèn hạ của cha con Nguyễn Ánh đối với người dân xứ Nghệ luôn tích cực hưởng ứng phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đến thế hệ đầu tiên chống Pháp, quyết không chịu để giặc “Quan công sứ” trong tỉnh nhà. Những lớp người ra đi sau phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Kế đến lớp người của Duy tân Hội, phong trào Đông Du, Việt Nam Quang phục Hội. Có những người đã mãn chiều xế bóng, nặng lòng cố quốc tha hương như ông Cố Khôn, ông Ngô Quảng, là hai ông tướng võ của Phan Đình Phùng... Có những người tóc đã điểm sương nhưng vẫn ngày đêm trăn trở vì nghiệp lớn chưa thành như Đặng Tử Kính, Đặng Thúc Hứa, Võ Trọng Đài, Đặng Tử Mạc, Sáu Tùng, Bà Mọt... Mỗi lớp người có một nỗi đau riêng. Nỗi đau của hai võ tướng Ngô Quảng và Cố Khôn là nỗi đau của những người chí dũng có thừa, chỉ thua thằng Tây vì vũ khí và thiếu người chỉ huy lỗi lạc. Nỗi đau của các ông Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính... là nỗi đau của những người chứng kiến sự lật lọng xảo trá của chính phủ Nhật Bản đối với phong trào Đông Du mà do quá ngây thơ, cả tin nên thế hệ các ông, kể cả Phan Bội Châu, đã bị lợi dụng. Con thuyền đã đi chệch hướng quá xa. Chẳng nêu trách cứ vào một ai. Chỉ còn một cách là mọi người cùng chung lưng đấu cật với nhau tìm cho được một hướng đi đúng đắn cho con thuyền cách mạng Việt Nam lướt tới. Vị thuyền trưởng đó là ai bây giờ? Mọi người có nghe nói đến Nguyễn Ái Quốc. Nhưng cũng chưa ai được gặp Người. Tôi nhớ lại những lời bố tôi vẫn nói: Thời thế tạo anh hùng. Thời vận mới ắt phải xuất hiện minh chủ mới.

Chúng tôi dừng lại khá lâu ở Bản Đông. Phải làm để có cái ăn đã. Thế là chúng tôi ngày ngày cặm cụi trên đồng ruộng trại cày của Hội. Trông nom trại là o Đặng Thị Quỳnh Anh tức Mè Nho, người con gái Việt Nam đầu tiên xuất dương trong tổ chức Duy tân Hội. O sang Thái Lan từ năm 1904 đến nay đã tròn hai mươi năm. Nhiệm vụ của Hội trao cho o là trông nom việc trồng trọt, chăn nuôi để có thóc gạo, thực phẩm nuôi cán bộ qua lại đất Thái ngày một nhiều, có dư tiền lập quỹ mua súng đạn về đánh Pháp; đồng thời chăm sóc việc nuôi dạy con em của những lớp người cách mạng xuất dương và của bà con Việt kiều ở Thái Lan, để các cháu khỏi mất đi cốt cách và tâm hồn Việt Nam ở nơi đất khách quê người. Tôi rất cảm phục việc làm bền bỉ, kiên trì của o và của tất cả các vị cách mạng đàn anh khác. Nhưng như thế này thì đến bao giờ mới lấy lại được Nước? Tôi tự hỏi.

Khoảng đầu năm 1924, từ Trung Quốc có thư về, triệu tập số anh em mới sang ngay Quảng Châu. Tài chính của Hội, cộng với số tiền bán lứa lợn của o Quỳnh Anh chỉ đủ cho ba người đi trước: Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái và Lê Quảng Đạt. Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái đều tuấn tú khôi ngô, dáng vẻ “đặc” trí thức tỉnh thành, tuy rằng Phạm Hồng Thái có phần linh lợi hoạt bát và chải chuốt hơn. Hơn hai tháng trời leo đèo lội suối từ quê nhà sang Thái Lan, tôi thấy không lúc nào Phạm Hồng Thái chịu rời bỏ đôi giày da. Bây giờ anh lại tha đôi giày “vạn dặm” đó sang Quảng Châu. Nào có ai hay rằng ba anh mới đi được vài tháng thì tiếng bom Phạm Hồng Thái mưu giết tên toàn quyền Pháp Méc-lanh đã dội về Thái Lan, làm chấn động dư luận đất nước này. Kiều bào ta ở Thái Lan vừa tiếc thương, vừa tự hào về Phạm Hồng Thái. Đọc báo chí công khai, tiếng bom Sa Diện càng chấn động mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc. Và ngay sau đó đã dội về tới Việt Nam. Các anh Vương Thúc Oánh (con rể ông Phan Bội Châu), Mạnh Văn Liệu (Phùng Chí Kiên) vừa ở trong nước sang Thái Lan, phấn khởi cho chúng tôi biết tin thêm là: ngay ngày hôm đó (19-6-1924). bọn thực dân Pháp hốt hoảng đến cao độ, đã ra lệnh giới nghiêm trên toàn Đông Dương.

Riêng tôi đón nhận các nguồn tin tức kể trên với niềm phấn chấn tự hào đặc biệt. Đây là một việc làm “kinh thiên động địa” của Quang phục Hội, hay là một cái gì mới mẻ có liên quan đến vị minh chủ mới? Tôi nóng lòng chờ đợi đến lượt mình sang Trung Quốc. Ngày đó đã là cuối mùa thu năm 1924. Tài chính của Hội vẫn eo hẹp chỉ đủ cấp cho tôi và anh Trương Văn Lĩnh lên đường. Chặng đầu tiên, chúng tôi đáp xe lửa về Băng Cốc, thủ đô Thái Lan. Thành phố Băng Cốc tràn ngập Hoa kiều. Từng dãy phố, dãy nhà hai tầng hình hộp quét vôi trắng lóa, cửa sơn đen, treo những tấm biển quảng cáo to như những bức hoành phi, ghi vài dòng chữ Hán. Có chỗ viết cả tiếng Pháp, tiếng Anh. Qua đó tôi mới biết người Tàu ở đây làm đủ mọi việc. Từ những công ty xuất nhập khẩu lớn, các khách sạn, cao lâu, hiệu buôn, đến người bán rong các món lạc tàu phá xa (lạc rang...). Thế là thế nào nào? Tôi nghĩ, một nước độc lập mà thượng vàng hạ cám đều do người ngoại bang làm cả.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:35:34 am »

Ở bến tàu Băng Cốc, hầu như tất cả số anh em công nhân khuân vác cũng là người Tàu. Phần lớn họ không có gia đình, vợ con, ăn ở ngay trên vỉa hè các nhà kho. Có việc thì làm, hết việc lại chạy kiếm cái gì ăn. Tối tối, họ nằm ngả nghiêng vạ vật quanh các bàn đèn thuốc phiện. Những chiếc đèn dầu lạc vàng ệch le lói trên cái nền tối đen thăm thẳm của khu nhà kho. Ngay gần đấy là dãy tòa nhà lầu cao của những ông chủ Hoa kiều, đèn nến sáng choang, hắt ra ngoài trời đêm đủ các loại nhạc Tây, nhạc Tầu xềnh xang xế líu...

Hôm sau, chúng tôi xuống tàu biển sang Hồng Công rồi đáp ca nô về Quảng Châu. Không một ai hỏi thẻ thuế thân, giấy hộ chiếu xuất nhập cảnh. Lúc đó từ Thái Lan đi Hồng Công hay Hồng Công vào Trung Quốc không cần một thứ giấy tờ nào.

Trên đường đi tìm phương cứu nước, cụ Phan Bội Châu định dựa vào nước Nhật Bản duy tân để đánh Pháp thì bị chính phủ Nhật lật lọng trục xuất (1909); định dựa vào Trung Quốc thì bị chính phủ Trung Quốc bắt giam (1913-1915). Cách mạng tháng Mười Nga đối với cụ như “một luồng gió xuân thổi tới” giữa “khói độc mây mù”, như một “tia thái dương” rọi sáng giữa “trời khuya đất ngủ”. “Luồng gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội”. Lúc này cụ đang ở Hàng Châu (Trung Quốc) bắt đầu tiếp xúc với con đường cách mạng của chủ nghĩa xã hội khoa học, qua “tâm thư”. Song, phần đông những đồng chí tâm đắc với cụ từ phong trào Đông Du hoặc đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đất khách quê người, hoặc vì tuổi già sức yếu không hoạt động được nữa. Nhiều đồng chí phải lưu lạc tìm kế sinh nhai: dạy học, mở hiệu buôn, làm sĩ quan trong quân đội Tưởng Giới Thạch... Một số nhỏ như Nguyễn Hải Thần, Đinh Tế Dân, Trương Bội Công... dần dần đi vào con đường tội lỗi.

Cuối thập kỷ 20, trong Việt Nam Quang phục Hội ở Quảng Châu - Trung Quốc đã hình thành hai nhóm thuộc hai thế hệ già trẻ. Nhóm thứ nhất có Lê Giản Khanh, Lê Cần (tức Cố Tống), Vũ Hồng Anh, Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Huy... Nhóm thứ hai có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lâm Đức Thụ... và sau này được bổ sung thêm lớp người chúng tôi: Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Quảng Đạt, Trương Văn Lĩnh, rồi Vương Thúc Oánh, Hoàng Văn Ám... Thế hệ trẻ này ra đi làm cách mạng với những khái niệm mới: tự do, bình đẳng, dân chủ, dân quyền, lập hiến, dân sinh... Và nói chung là chúng tôi có nhiều sự bất đồng về chính kiến với lớp đàn anh đi trước... Trong lực lượng trẻ, xuất sắc hơn cả là Hồ Tùng Mậu. Sang Quảng Châu từ năm 1921, có nhiều điều kiện tìm hiểu Cách mạng tháng Mười, Hồ Tùng Mậu đã linh cảm thấy rằng con đường cứu nước, cứu dân phải là con đường cách mạng vô sản như người Nga đã làm.

Vì thế, Hồ Tùng Mậu đã tạm thời lập ra tổ chức Tâm tâm xã để giữ gìn cán bộ nòng cốt cho phong trào. Chúng tôi tới Quảng Châu được hai ngày, Hồ Tùng Mậu đã tìm đến. Vừa trông thấy tôi; ông reo lên:

- Tưởng ai, hóa ra cậu Nghiêm(1) con trai ông Lê Bá Thi.

- Còn chú, cháu nhớ ra rồi - Tôi trả lời. Trong tôi hiện ngay ra hình ảnh chú Mậu - một người tầm thước, vui tính, nói chuyện rất hóm hỉnh, biết nhiều trò chơi, trò quỷ thuật khiến chúng tôi rất thích gần. Gia đình chú Mậu đã ba, bốn đời đánh Pháp. Ông nội, cụ Hồ Bá Kiệt đánh Tây từ lúc chúng mới sang, đã bỏ mình. Bố đẻ, cụ Hồ Bá Ôn, tổng đốc Nam Định, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng bảo vệ thành Nam. Đến Hồ Tùng Mậu là thế hệ thứ ba của dòng họ này đứng lên đánh Pháp(2).

Cuộc tao ngộ nơi đất khách quê người làm cho ba chú cháu mừng vui khôn xiết. Lúc đó, tôi chưa biết Việt Nam ta đã có được lãnh tụ là Nguyễn Ái Quốc, vì ông chỉ xa xôi nói với chúng tôi:

- Hai anh sang đây lúc này là đúng thời vận đấy! Nói xong, ông dặn: Hai anh cứ ở đây. Mai sẽ có một đồng chí đến gặp.

Chúng tôi ở tại gia đình ông Lê Giản Khanh - một chiến sĩ yêu nước cùng thời Phan Bội Châu. Vợ ông là người Trung Quốc, quê ở Quảng Đông. Giờ đây ông Lê Giản Khanh đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách quê người. Hai trong ba người con trai của ông cũng đã và đang kế tục sự nghiệp của cha mình.

Quả nhiên hôm sau, trước mặt tôi là một đồng chí ngoài ba mươi tuổi, mặc áo ba-đờ-xuy màu tro đã sờn cổ, đầu đội mũ cát két bạc màu, chân đi đôi giày da cũ. Đồng chí đến đúng hẹn và tự xưng là Lý Thụy. Đồng chí Lý Thụy có một vẻ vừa phong trần dầy dạn, vừa ấm áp dễ gần. Với giọng nói miền Trung và đôi mắt rất sáng, với vẻ linh lợi, chân tình, đồng chí Lý Thụy đi vào câu chuyện với chúng tôi một cách rất tự nhiên, thoải mái. Tôi ngạc nhiên khi thấy đồng chí nắm rất chắc tình hình gia đình, tên cha, tên mẹ cùng tâm tư, hoài bão của cả hai chúng tôi chẳng khác nào bà con, cô bác lâu ngày gặp lại. Chuyện trò cởi mở một lát, đồng chí Lý Thụy đưa ra mấy tờ báo:

- Các anh có đọc được chữ Trung Quốc không?

Tôi lướt qua mấy dòng chữ to, trả lời:

- Thưa đồng chí, đọc được chữ, nhưng nghĩa chưa hiểu hết.

- Cố gắng đọc kỹ nhiều lần để tìm ra nghĩa. Hai anh phải giúp đỡ nhau, đọc hết các mục. Không hiểu thì hỏi nhau, vẫn chưa hiểu thì đánh dấu lại, lần sau tôi đến, đem ra hỏi.

Một tuần, gặp đồng chí Lý Thụy ba lần, chúng tôi càng bồn chồn. Lúc thì tưởng tượng đồng chí Lý Thụy giống Nguyễn Sinh Khiêm, lúc thì lại chẳng thấy giống chút nào.


(1) Tên của tôi hồi còn nhỏ ở quê.
(2) Sau này con trai Hồ Tùng Mậu là Hồ Mỹ Xuyên cũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:37:58 am »

II

TÔI ĐƯỢC BÁC HỒ ĐỔI TÊN

Giữa đợt học tập, Trương Văn Lĩnh và tôi xin phép đồng chí Lý Thụy đi viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái mà cả hai chúng tôi đều coi như người anh lớn của mình. Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương không gian trầm lắng. Xa xa dòng sông Châu ngậm ngùi, cắm bó nhang nghi ngút trước tấm bia đá lớn có ghi dòng chữ Hán: “Việt Nam chí sĩ Phạm Hồng Thái chi mộ”(1) lòng tôi đau xót khôn nguôi.

Sang Quảng Châu gặp các chú, các anh, tôi hỏi cặn kẽ về cái chết vẻ vang của Phạm Hồng Thái. Theo lời chỉ dẫn, tôi đến tận dòng con kênh đào chia ranh giới bên này là Quảng Châu, bên kia là tô giới Pháp - Sa Diện. Lòng kênh chỉ rộng chừng hơn chục sải. Thuyền bè san sát. Xa chút nữa là dòng sông Châu, theo kế hoạch thì Phạm Hồng Thái sẽ chạy về phía sông Châu. Có chiếc thuyền của Lê Hồng Phong đón sẵn ở chỗ hẹn. Bị bọn cảnh sát bịt chặt lối ra sông Châu, Phạm Hồng Thái buộc phải tìm đường thoát về phía kênh đào và đã hy sinh. Theo lời bà con Trung Quốc ở bờ con kênh kể lại, Phạm Hồng Thái hy sinh vì lẽ chạy được thoát ra đến bờ kênh thì đã rất mệt, lại vướng giày, tất, quần áo lượt là tề chỉnh... nên đã không gắng gượng bơi vào bờ được.

Tôi quyết tâm đi tìm hiểu ngọn nguồn. Nhưng ở cái thành phố người đông như kiến cỏ, dân nghèo chạy ăn từng bữa, tìm được ra nhân chứng không phải là việc dễ làm. Dọc con kênh, tôi đi đi lại lại, dò hỏi nhiều rồi mà vẫn chưa đâu vào đâu cả. Bỗng một hôm có tiếng người chạy theo tôi:

- Nị là người cách mạng An Nam? Nị đi tìm người vớt được xác liệt sĩ cách mạng An Nam chôn ở nghĩa trang phải không?

Trước mặt tôi là một em bé người Trung Quốc chạc mười tuổi, lanh lợi, dễ thương.

- Sao nị biết?

- Bữa nọ ngộ thấy chú thắp nhang, cúi đầu trước phần mộ - Vừa nói em bé vừa giơ tay chỉ về phía Hoàng Hoa Cương.

- Nị theo ngộ, theo ngộ... Em bước đi thoăn thoắt, dân tôi đi quanh co trong một xóm ngõ nghèo cách bờ kênh không xa.

Một bà mẹ Trung Quốc đang ngồi sàng gạo trước một căn lều lụp xụp, tối tăm ẩm thấp. Động tác sàng gạo hệt như mẹ tôi ở quê nhà. Em bé giới thiệu tôi với bà mẹ, người trực tiếp tham gia vào việc tìm kiếm thi hài Phạm Hồng Thái.

- Phải gặp bố con ông Trương mới rõ mà! - Bà mẹ nói sau khi đã nắm được đầu đuôi ý định của tôi.

Liền mấy buổi, mẹ Cắm - tên của bà - bỏ cả việc chợ dẫn tôi men theo con kênh ra sông Châu đi ngược dòng lên mãi, tìm con thuyền đánh cá của bố con ông Trương. Nhà mẹ rất nghèo. Đồ đạc chỉ có một cái chõng tre và manh chiếu rách. Gia cư tài sản tất cả gộp lại không bằng một bữa ăn sáng của một người giàu có. Hôm đầu tiên bước vào căn lều của mẹ. tôi sững sờ trước hai tấm bài vị bằng giấy hồng điều ghi ngày mất của Quách Cầm, Quách Cán, hai người con trai của mẹ, vừa mới chết cách đây ba năm, cùng tháng, cùng ngày. Gạn hỏi mãi, người mẹ mới nói rõ là các quan tướng đánh nhau, Cầm bị bắt đi theo ông tướng này, Cán bị bắt theo ông tướng kia. Hai anh em giết lộn nhau trong một trận quyết chiến ngay ở Hải Lục Phong (Quảng Đông). Cả hai người đều mất xác. Cả người kể lẫn người nghe đều khóc, ở thế gian này, bà mẹ Việt Nam, bà mẹ Trung Quốc,... tiếng nói có thể khác nhau nhưng những giọt nước mắt thì không một chút khác biệt.

Biết tôi là người cách mạng Việt Nam, mẹ Cắm quyết giúp tìm cho bằng được bố con người dân chài Trung Quốc họ Trương.

- Ngay sáng hôm đó, - Lời ông Trương – biết người đi giết tên toàn quyền Pháp là một nhà ái quốc “An Nam”, xóm chài chúng tôi bảo nhau đi tìm xác giúp, không lấy tiền, cả buổi sáng trời cứ sập sùi, lúc tạnh lúc mưa... Bờ bên ta (Quảng Châu) đông đặc, bờ bên nó (Sa Diện) dân cũng đổ ra xem. Nó cho cảnh sát đuổi, nhưng không được. Mãi mới mò thấy...

Tôi ngồi nghe cha con người dân chài Quảng Châu kể, mắt đỏ hoe, hiểu lõm bõm. Bà Lê Giảng Thanh hôm đó cùng đi phải phiên dịch giúp tôi:

- Đưa xác lên một trường học gần đấy. Đốt lửa, thắp hương trầm lên. Có các nhà chức trách đến khám nghiệm thi thể. Tuy bị ngâm nước cả đêm nhưng mặt mày vẫn tươi tắn, còn nguyên cả quần áo, giày, tất. Người này hào hoa phong nhã đấy. Đồ dùng đem theo chẳng có gì. Cởi đến cái áo lót trong cùng mới tìm thấy một phong bao, bọc năm sáu lần giấy, kín lắm. Dáng chừng khi xuống nước khỏi bị nhòe.

Kể đến đây người dân chài Trung Quốc dừng lại, từ từ lấy thuốc nhồi vào tẩu, châm lửa hút, rồi đưa mắt dượt theo làn khói thuốc đang lởn vởn trong khoang thuyền:

- Trong bao đựng một lá thư ghi vài dòng chữ Hán. Một người đọc to. Tôi nhớ đại ý là: “Việc này là việc của người Việt Nam với tên thực dân Pháp, không liên quan gì đến người Trung Quốc”.

Chi tiết cuối cùng này đã làm tuổi trẻ chiến đấu hy sinh của Phạm Hồng Thái đẹp trọn vẹn.


(1) Mộ chí sĩ Việt Nam Phạm Hồng Thái. Theo một nguồn tư liệu mới công bố thì mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trước đặt ở Nhị Vọng Cảng (Hoàng cảng). Sau này mới chuyển về nghĩa trang Hoàng Hoa Cương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:40:05 am »

Sau này tôi mới biết rõ thêm là khi tiếng bom nổ ở Sa Diện thì đồng chí Lý Thụy đang ở Mạc Tư Khoa, dự Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ V. Tuy không tán thành việc ám sát cá nhân, nhưng đồng chí Lý Thụy vẫn đánh giá cao khí phách anh hùng của Phạm Hồng Thái đối với phong trào cách mạng của dân ta. Vì lẽ nó đã nổ ra ở nước ngoài, ít nhiều mang tính chất quốc tế, thời đại. Hoàn toàn khác với tiếng súng kíp lẻ tẻ thời Cần Vương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,... mà bọn thực dân còn nỏ mồm gán cho là “giặc cỏ”. Về tới Quảng Châu, đồng chí Lý Thụy đã kính cẩn nghiêng mình trước phần mộ của Phạm Hồng Thái.

Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V khai mạc ngày 17 tháng 6 năm 1924. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội này đã đọc bản tham luận sâu sắc về vấn đề các dân tộc thuộc địa. Một ủy ban thường trực các nước thuộc địa thành lập. Nguyễn Ái Quốc được cử làm ủy viên. Nhiều nghị quyết mới về phong trào cách mạng thuộc địa được thông qua. Khẩu hiệu “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại” được nêu thành khẩu hiệu đấu tranh.

Sau đại hội, đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là ủy viên thường trực Bộ phương Đông trong Quốc tế cộng sản, được phái về góp phần chỉ đạo phát triển phong trào cách mạng ở các nước châu Á và Đông Nam Á. Ở đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi hành động đều vì cách mạng quốc tế và cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc tới Trung Quốc vào những tháng cuối năm 1924, lấy tên là Lý Thụy. Cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 tuy lật đổ được triều đình Mãn Thanh nhưng vẫn không giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Trung Quốc. Đất nước rộng bao la này vẫn ở tình trạng nửa thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Bọn quân phiệt bán nước câu kết chặt chẽ với chủ nghĩa đế quốc xưng hùng xưng bá ở từng địa phương, đẩy đất nước đến tình trạng chia năm xẻ bảy, xung đột liên miên. Cách mạng tháng Mười vĩ đại và ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều tầng lớp xã hội Trung Quốc. Năm 1924, hai nước Liên Xô - Trung Quốc đặt quan hệ ngoại giao. Liên Xô xóa bỏ hết mọi hiệp ước không bình đẳng mà chính phủ Sa hoàng đã cưỡng bức Trung Quốc phải thừa nhận. Do ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào “Ngũ tứ” bùng nổ ở Trung Quốc mở đầu cao trào cách mạng mang tính chất dân tộc dân chủ. Năm 1921, với sự giúp đỡ về lý luận của Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập. Mặt trận thống nhất phản đế phản phong hình thành trong tháng 1 năm 1924 đã tập hợp được các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu trí sản và một bộ phận của giai cấp tư sản dân tộc. Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương hợp tác với Quốc dân đảng nhằm thúc đẩy cao trào đấu tranh chống các thế lực đế quốc xâm lược và các tập đoàn phản động cát cứ. Từ năm 1917, Chính phủ Quốc dân đảng do bác sĩ Tôn Dật Tiên đứng đầu đã xây dựng tỉnh Quảng Đông thành căn cứ địa cách mạng. Với chính sách “liên Nga, dung Cộng”, Tôn Dật Tiên chính thức đề nghị với Chính phủ Liên Xô cử một đoàn cố vấn quân sự sang Trung Quốc giúp đỡ. Tháng 6 năm 1923, Chính phủ Liên Xô đã cử đồng chí Mi-khai-in Bô-rô-đin (đại diện của Quốc tế cộng sản ở miền Nam Trung Quốc lấy bí danh là Ga-lin sang làm cố vấn chính trị bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên và Ban chấp hành Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc. Đồng chí Va-xi-li Blu-khe làm cố vấn chính của Chính phủ Quảng Châu. Năm 1924, với sự giúp đỡ vũ khí, phương tiện của Liên Xô, một trường quân sự chính quy, mỗi khóa đào tạo gần bảy trăm sĩ quan đã được khai giảng ở Hoàng Phố, ngoại ô Quảng Châu. Các đồng chí Nau-mốp, Tai-rốp, Snây được cử làm cố vấn kiêm giảng viên chính trị tại trường quân sự này.

Đồng chí Lý Thụy về Quảng Châu đóng vai người phiên dịch cho đồng chí Bô-rô-đin.

Đối với cách mạng Việt Nam lúc đó, sự có mặt của đồng chí Lý Thụy ở Quảng Châu mang một ý nghĩa trọng đại: Như một con thuyền thiếu người chèo chống, lênh đênh ngoài khơi, không tìm ra phương hướng, đến nay, con thuyền đó đã có một người thuyền trưởng vững vàng tay lái hướng nó vượt qua nhiều thác ghềnh bão tố để đi tới đích.

Qua Hồ Tùng Mậu, đồng chí Lý Thụy xốc lại tất cả các lực lượng cách mạng hiện có ở Quảng Châu, lấy các đồng chí trẻ làm nòng cốt để tổ chức ra một đoàn thể cách mạng mới. Đó là Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Do phải giữ bí mật lực lượng, tài chính eo hẹp, điều kiện sinh sống, ăn ở, trình độ của anh em không đồng đều nên đồng chí Lý Thụy phải huấn luyện, dìu dắt đưa vào tổ chức từng người hoặc hai người một như trường hợp của hai anh em chúng tôi.

Đang lức học tập, tôi được tin bố tôi ở quê nhà bị giặc Pháp bắt tù lần nữa vì tội có con trốn ra nước ngoài theo cộng sản. Đang ăn, tôi buông rơi đũa lúc nào không biết. Bị giặc bắt lần này, bố tôi chắc chỉ có chết mà thôi. Chết trong nỗi niềm u uất. Bất giác tôi nhớ lại bài thơ Thuật hoài của Đặng Dung, một danh tướng thời Trần hết lòng phò vua, giúp nước nhưng sự nghiệp không thành:

... Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma…
(1).

Để khỏi ảnh hưởng đến các đồng chí xung quanh, ban ngày tôi cố ghìm nước mắt, ban đêm, một mình thao thức năm canh. Càng nghĩ đến bố mẹ, tôi càng xót thương da diết. Trong cơn đau vật vã, hình ảnh đồng chí Lý Thụy đã đến với tôi như một sức mạnh vô giá, an ủi động viên, bù đắp vào sự tổn thất của đời tôi. Tôi đã cảm thấy như cuộc đời mình sẽ gắn chặt với con người bình dị lớn lao đó. Hôm giảng bài phẩm chất người cách mạng (lúc đó còn gọi là tư cách người cách mạng), đồng chí Lý Thụy nhiều lần nhấn mạnh đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư (lúc đó gọi là vị công vong tư), trung thành tận tụy, suốt đời hy sinh phấn đấu vì mọi người. Có nhiều điểm giống như những lời khuyên bảo tận tình của ông bà, bố mẹ ở quê nhà. Tôi ngồi nghe thấm thía, rung động tới từng đường gân, thớ thịt. Từ đó trong trái tim tôi, Người mãi mãi là người Cha, là người Thày. Tôi tự nguyện suốt đời là người học trò nhỏ của Người.


(1) Tạm dịch là:
Thù trả chưa xong, đầu đã bạc.
Gươm thiêng dưới nguyệt mấy phen mài
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2020, 07:41:53 am »

*
*   *

Thời gian sau, đồng chí Lý Thụy đến ít hơn và chỉ gặp riêng từng người. Một hôm, đồng chí dẫn tôi đến một khu phố đông đúc của Quảng Châu. Có rất nhiều hiệu cao lâu, khách sạn và sòng bạc. Vừa tới đầu phố, mùi chim quay đã thơm lừng. Thế giới thường nói người Tàu sành ăn. Đúng ra là chỉ có người Tàu ở Quảng Đông. Dân Quảng Đông lấy cái ăn là chính, còn ở, mặc thì thế nào cũng xong. Lần đầu tiên tôi được đồng chí dẫn vào một hiệu ăn. Hiệu ăn khá lớn, bàn ghế la liệt cả trên gác, dưới nhà. Khách vào ăn uống nhộn nhịp ồn ào. Tiếng những người hầu bàn xang xang xế xế không sao trộn lẫn được. “Đồng chí Lý Thụy định cho mình thưởng thức món gì đặc biệt đây!”. Dè đâu, đồng chí chỉ gọi một ấm chè ướp sen, hương vị của quê nhà. Xong, hai thày trò đến một vườn hoa cùng ngồi trên một ghế đá.

- Hôm nay tôi giới thiệu anh vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, anh thấy thế nào?

Thật là bất ngờ. Tôi nghẹn ngào xúc động mãi mới nói nên lời.

- Việc này chỉ có tôi và anh biết, không được nói cho người thứ ba biết đấy.

- Thưa... thưa... với những người thân như chú Mậu, chú Doãn... có được không ạ?

- Không cần thiết phải nói.

Thời tiết ngả dần sang mùa hè. Khí hậu ở Quảng Đông gần giống như ở miền Bắc nước ta. Trời quang quẻ. Những lộc non bắt đầu vươn cao xanh tốt. Về nhà gặp Văn Lĩnh, mấy lần tôi suýt buột miệng nói ra. Ít ngày sau đến lượt Trương Văn Lĩnh đi phố với đồng chí Lý Thụy, về nhà Trương Văn Lĩnh chồm lên bá vai tôi lắc mạnh tưởng đến gãy xương. Từ đó hai chúng tôi ngầm hiểu nhau bằng những khóe mắt, nụ cười kín đáo.

Cũng như Văn Lĩnh, tôi đã hoàn toàn dứt được nỗi trăn trở về việc đi tìm minh chủ. Bằng tất cả trực quan của mình, chúng tôi đã nhận thấy đồng chí Lý Thụy là điểm tụ rực sáng của bao nguồn trí tuệ, tinh hoa của dân tộc mà lâu nay chúng tôi thắc thỏm trông chờ.

Được tin đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tức Lý Thụy ở Quảng Châu, cụ Phan Bội Châu lúc đó đang ở Hàng Châu vội biên thư về, ngỏ ý muốn gặp. Đồng chí Lý Thụy viết thư trả lời, xin cụ cho thư thả ít lâu. Thời gian này, đế quốc Pháp câu kết với các thế lực đế quốc phản động khác, đang tìm mọi cách lùng bắt cụ. Do đó từ nhiều năm nay, theo quy ước, mỗi lần định đi đâu cụ đều báo tin cho ông Hồ Học Lãm là người đồng chí tâm huyết của cụ đang là cán bộ cao cấp trong bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng, rất có uy tín trong giới chính trị, xã hội Trung Quốc. Những khi được báo tin, thường là ông Lãm đích thân dẫn cụ Phan đi, nhất là khi phải qua các tô giới của bọn đế quốc. Nhưng không hiểu sao lần này cụ Phan không báo gì cho ông Lãm. Chuyến đi của cụ lần này chỉ có Nguyễn Thượng Huyền ở gần cụ được biết. Y đã ngầm báo cho bọn đế quốc bắt cụ tại tô giới Anh ở Thượng Hải ngày 18 tháng 6 năm 1925.

Được tin sét đánh, tôi đi tìm gặp chú Hồ Tùng Mậu bày tỏ nỗi bất bình, căm phẫn đối với tên phản bội. Chú Mậu kiên nhẫn ngồi nghe, im lặng hồi lâu, rồi mới chậm rãi nói:

- Nếu được lập tòa, chú sẽ xử tội chết chém mấy thằng Ăng-lê và thằng Tây trước đã. Chúng rất cáo già trong việc làm hư hỏng con em các lãnh tụ. Vừa bôi nhọ được thanh danh, vừa làm được các vố lớn. Chúng ta không được coi thường.

- Chung quy vẫn tại mình - Tôi nói - Mình như cây tùng, cây bách thì nó làm gì được.

- Đúng! Muốn được như cây tùng, cây bách phải suốt đời bền gan luyện trí. Không vì tiền tài sắc đẹp, vì phú quý vinh hoa, vì những lời phỉnh nịnh ngon ngọt mà lóa mắt xiêu lòng - Giọng chú Mậu bỗng trầm trầm tha thiết - Bao gương tày liếp rành rành trước mắt chúng ta, bạc đầu làm cách mạng rồi, mà vẫn bị sa ngã đấy.

Việc bọn thống trị Pháp lén lút bắt cụ Phan Bội Châu đã làm dấy lên một phong trào đòi ân xá cho cụ rầm rộ khắp cả Bắc, Trung, Nam. Đây là cơ hội tốt cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc bí mật cử cán bộ, gửi nhiều tài liệu cách mạng về nước thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ. Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ra đời ở nhiều nơi trong nước. Nhiều tầng lớp thanh niên, trí thức bí mật sang Quảng Châu tìm gặp Nguyễn Ái Quốc: Lưu Quốc Long, Lê Duy Điếm, Quý Mộng Sơn, Đặng Cảnh Tân, Trần Phú, Phạm Trọng Bình, Phan Trọng Đạt, Nguyễn Ngọc Ba...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM