Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:14:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler  (Đọc 7504 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 10:07:30 am »


        Sau đó, nhiều biện pháp an ninh nghiêm nhặt đã được áp dụng. Ở White Sands, các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm vẫn được tiếp tục trong vòng bí mật. Dĩ nhiên là không có gì bí mật đối với một số ít người. Họ biết rất rõ về sự hiện diện của nhóm Von Braun ở Texas và về những gì mà nhóm chuyên viên hỏa tiễn giỏi nhất thế giới này có thể đem tới cho quê hương họ. Trước khi giải ngũ, Thiếu tá Staver đã đi một vòng thanh tra ở Fort Bliss. Trong bản báo cáo gởi về Ngũ Giác Đài, ông nhấn mạnh tới việc sử dụng năng lực của các chuyên viên ở Peenemunde. Theo ông, phải giao cho họ những công tác gì trọng đại hơn, tích cực hơn là việc "tham dự vào vài cuộc phóng V2 trong sa mạc ở Tân Mễ Tây Cơ".

        Chính Von Braun sau này cũng có ghi: "Thành thật mà nói, những năm đầu ở đây chúng tôi cảm thấy nản chí hết sức. Khi còn ở Peenemunde, chúng tôi được chiều đãi vô cùng. Vậy mà ở đây, họ tính từng xu, từng cắc. Chính quyền đang xúc tiến việc giải ngũ và mọi người đều mong rằng ngân sách quốc phòng được giảm xuống..."

        Điều mà Von Braun luôn luôn canh cánh bên lòng là không biết số phận của đồng nghiệp cũ của ông ở Peenemunde ra sao khi họ không được đưa sang Mỹ quốc. Ông vui mừng vô cùng khi hay tin tướng Dornberger không bị kết án như là một tội phạm chiến tranh. Người ta đã xử chìm xuồng vụ này. Tại sao? Theo đương sự, người ta không thể buộc tội ông đã dùng V2 để giết hại thường dân sau khi Đồng Minh, họ đã dùng hai hai quả bom nguyên tử tàn sát dân chúng ở Hiroshima và Nagasaki. Tuy không bị đem ra xử ở tòa án Nuremberg, nhưng ông cũng không được trả tự do ngay. Mãi đến tháng bảy, năm 1947, ông mới được phóng thích. Ông rời Anh quốc để trở về Đức, sống dưới sự kiểm soát của người Mỹ. Tuy nhiên, người Mỹ không hề yêu cầu ông trở lại hoạt động cùng với nhóm chuyên viên Peenemunde đang ở Texas. Đó là một vấn đề khá tế nhị. Họ không thể yên lòng khi để một cựu tướng lãnh Đức cầm đầu một toán kỹ sư dân chính đồng hương. Không được hợp tác cùng các bạn cũ, nhưng Dornberger được không lực Mỹ thu dụng với chức vụ cố vấn kỹ thuật. Ở căn cứ Wright thuộc tiểu bang Ohio về ngành hỏa tiễn vô tuyến điều khiển.

        Còn hàng ngàn kỹ thuật gia khác ở lại nước Đức trong vùng chiếm đóng của Sô viết, không biết phần lớn số phận ra sao?

        Vào khoảng thời gian mùa hè năm 1946, Tình báo Mỹ đúc kết được một vài tin tức. Những chuyên viên ở lại Đông Đức cũng không bị bắt sang Nga. Họ cũng vẫn phục vụ trong ngành cũ của họ ở Nordhausen và Bleicherode. Mặc dù người Nga dùng đủ mọi cách để che giấu, nhưng ai ai cũng biết họ đang xúc tiến một chương trình hỏa tiễn quan trọng.

        Ngày 24 tháng 6 năm 1946, Ngũ Giác Đài yêu cầu Thiếu tá Hamill hỏi Von Braun một vài điều liên quan đến những người ở lại: Theo Von Braun, thì khả năng của các chuyên viên hỏa tiễn đang ở vùng Sô Viết ra sao? Trong bao lâu họ có thể thực biện được chương trình dài hạn về các hỏa tiễn liên lục địa A9, 10 và A11?

        Trong bản báo cáo dài mười một trang, Hamill đã gởi về Bộ Chiến tranh những câu trả lời về các vấn đề đã làm G-2 lo lắng nhất:

        Những người có khả năng nhất của toán Peenemunde hiện đều ở nước Mỹ. Điều đó không thể nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, cũng còn có một số chuyên viên tài ba hiện đang phục vụ cho người Nga. Theo giáo sư Von Braun, hai người giỏi nhất là kỹ sư Helmut Grottrup và kỹ sư Martin. Theo những nguồn tin đáng tin cậy thì Grottrup đang cầm đầu chương trình phát triển vũ khí mới, còn Martin thì điều khiển chương trình chế tạo A4 ở Nordhausen.

        Trong việc phát triển các hỏa tiễn A9, A10 và A11, Grottrup được coi là một vị chỉ huy có tài và rất thông thạo. Nếu so với hoàn cảnh làm việc của nhóm chuyên viên đang ở Mỹ, thì hoàn cảnh của Grottrup thuận lợi hơn nhiều. Ở đây có sẵn bàn thử còn nguyên vẹn, có sẵn nhà máy sản xuất có thể hoạt động điều hòa do người điều khiển nhiều kinh nghiệm... Nhiều chuyên viên ở đây rất quen thuộc với những phần đại cương của các hỏa tiễn mới A9, A10 và A11. Giáo sư Von Braun đã tuyên bố với tôi: "Tôi không muốn giấu giếm những người đang ở Fort Bliss đây, tôi tin rằng với những nhân viên cũ ở Peenemunde, Grottrup sẽ dần dần thành lập được một toán chuyên viên có khả năng. Họ sẽ tiến hành và thành công trong những công trình nghiên cứu hỏa tiễn cho người Nga".

        Ý tưởng của Von Braun có giá trị như một lời cảnh cáo nghiêm trọng, nhưng chính quyền Mỹ lại không hành động thích hợp. Trước hết, họ không thể ngăn cản người Đức tiến hành việc nghiên cứu hỏa tiễn ở Đông Đức, mặc dù trong hiệp ước ký kết giữa bốn cường quốc đã cấm chỉ việc nghiên cứu cho những mục tiêu quân sự, nhất là trên lãnh thổ Đức. Hơn nữa, vào năm 1946, họ lại có khuynh hướng coi thường khả năng kỹ thuật của người Nga. Sau rốt, vì thấy người Nga không hề tìm cách đem chuyên viên Đức về nước họ, nên người Mỹ càng tin rằng những hoạt động của Nga ở Nordhausen và ở Bleicherode chỉ có tính cách ngắn hạn mà thôi.

        Cho đến tháng mười năm 1946, nhóm Von Braun không làm được việc gì khác hơn là thí nghiệm V2 ở White Sands. Trong khi đó, Helmut Grottrup và các cộng sự viên lại sinh hoạt trong một khung cảnh thật là quen thuộc. Người Nga không có kế hoạch Overcast. Đình chiến đã được mười sáu tháng rồi, không có một người nào, kể cả Grottrup và Tình báo Mỹ, có lý do để nghĩ rằng người Nga đang quyết định thực hiện kế hoạch Overcast của chính họ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 10:08:29 am »


17 - GIỜ TÀU CHUYỂN BÁNH

        Ngày 22 tháng 10 năm 1946, Helmut Grottrup và những phụ tá của ông đã trải qua một ngày thật vất vả. Họ phải họp suốt ngày với tướng Gaidoukov, vị Tổng kiểm soát viện Institut Rabe và các trung tâm Zentralwerke. Họ bàn luận và nghiên cứu thâm sâu những dự án trong tương lai về lãnh vực hỏa tiễn của Sô Viết. Trên lãnh vực này, Grottrup và các cộng sự viên của ông giữ vai trò chính yếu. Mãi đến chiều buổi họp mới chấm dứt. Họ đã mệt mỏi hết sức rồi, mà tướng Gaidoukov lại còn mời họ ở lại dự tiệc. Ai cũng muốn về nhà nghỉ ngơi, nhưng lại không dám từ chối. Toàn là cao lương, hảo tửu nên buổi tiệc kéo dài đến quá nửa đêm.

        Chờ đợi mỏi mòn không thấy chồng về, nên bà Grottrup đi ngủ trước. Khoảng ba giờ khuya bỗng chuông điện thoại reo vang làm bà giật mình tỉnh dậy.

        Không phải chồng bà gọi về mà tiếng của một người đàn bà đang hoảng hốt:

        - Họ có đưa bà qua Nga không, chính bà cũng bị đi nữa hả?

        - Đồ điên! Một hai giờ khuya mà đùa cợt gì kỳ vậy!

        Rồi bà bực tức cúp dây ngay. Nhưng điện thoại cứ tiếp tục reo vang: "Người ta đưa bà qua Nga! Lính sắp đến kìa!". Bà Grottrup bắt đầu tin rằng đây không phải là trò đùa và cái giọng nói sợ hãi kia có một ý nghĩa thật sự.

        Thình lình, bà Grottrup nghe tiếng xe đỗ trước cửa. Bà vội chạy lại cửa sổ và thấy nhiều xe cam nhông có hình sao đỏ nổi bật, đang vây quanh nhà bà. Những người lính có mang khí giới liền nhảy xuống đất. Họ vừa đấm cửa vừa nhấn chuông inh ỏi. Bà Grottrup vừa mở cửa ra thì họ ùa vào ngay. Dẫn đầu là một viên sĩ quan có vẻ mặt tươi tỉnh, anh nói với bà bằng một giọng giản dị nhưng đầy lễ độ: Bà phải đi Nga tức khắc với gia đình.

        Bà Irmgard Grottrup rủa thầm sao giờ phút này chồng bà lại vắng mặt. Bà liền xin phép đưực gọi ông đang ở lại dinh tướng Gaidoukov. Dĩ nhiên buổi tiệc chỉ là cái cớ để tập trung chuyên viên Đức lại một chỗ và để ngăn cản không cho họ biết những gì đang xảy ra tại nhà họ. Đến khi họ hay được thì mọi sự đã rồi. Tướng Gaidoukov thông báo với các thực khách của ông ta là "toàn thể ê kíp ở Nordhausen phải đi Nga", sau khi các vợ con chuyên viên đã nằm trong tay của Nga rồi.

        Vừa biết được ý định của Nga, thì Grottrup lại nghe vợ kêu điện thoại. Lúc đó đã bốn giờ sáng, ông trả lời: "Tôi không thể làm gì được đâu! Em đừng hỏi gì, đừng phản kháng gì nữa, vô ích! Tôi hoàn toàn bất lực. Chiều nay tôi có thể trở về, nhưng tôi chỉ có thể gặp lại em tại nhà ga mà thôi. Bây giờ, điều duy nhất em nên làm là cố giữ im lặng".

        Khi vào nhà Grottrup, những lính Nga đều mang theo những cái bao to và những cái thùng cây. Trong một giờ, họ dọn sạch cả nhà Grottrup. Chỉ chừa lại những mảnh sành, mảnh ly vỡ dưới đất mà thôi. Bà Grottrup bị đưa ra ga với hai đứa con nhỏ cùng chị vú của chúng. Trời rét buốt và nỗi sợ hãi của bà như chết điếng đi. Mãi đến khi nhìn thấy những bộ mặt lo âu dán sát sau khung kiếng của những toa xe lửa, bà mới hiểu ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2020, 10:09:30 am »

        
*

*     *

        Sau rốt, người Nga cũng tung kế hoạch Overcast của họ ra, nhưng kế hoạch của họ không có những điều khoản vụn vặt. Họ không chẻ sợi tóc làm tư, họ không đặt vấn đề về gia đình, về sở nguyện của chuyên viên coi họ có bằng lòng đi Liên Sô hay không. Họ cũng không cần kiểm chứng những quá trình chính trị của người Đức. Gần một năm nay, mật vụ của tướng I Von Serov đã âm thầm thiết lập danh sách những người Đức ở khu vực chiếm đóng của họ. Những người này sẽ có thể giúp họ bắt kịp trình độ khoa học của người Tây phương. Trong thời hạn là một đêm ngắn ngủi, họ chuyển tất cả gần năm ngàn chuyên viên Đức đang ở rải rác khắp miền Đông Đức lại một chỗ. Cộng thêm gia đình họ nữa là hai mươi ngàn người được dồn vào những toa xe lửa dài. Kế hoạch Overcast của Nga chỉ giản dị như thế thôi!

        Không kể Helmut Grottrup và hai trăm cộng sự viên của ông, đã rơi vào rọ của tướng Serov. Còn hàng ngàn chuyên viên hỏa tiễn khác ở trung tâm thí nghiệm Lehesten, ở các công xưởng Siemens, Telefunken, Lorenz và ở các cơ sở Walter de Prague đều cùng chung số phận. Nhưng mà cảnh sát Nga đã không chịu ngừng ở giới hạn đó. Họ còn ra tay ở các kỹ nghệ hàng không đã được tập trung hết tám mươi phần trăm về miền Silésie (để tránh các cuộc oanh tạc của không lực Anh-Mỹ trước kia). Đây cũng là một chiến lợi phẩm quý báu của họ. Hai ngàn chuyên viên về "thổi chuyển phản lực" ở các xưởng Junkers, Heinkel và Focke-Wulf cũng bị bắt nốt. Những chuyên viên về tiềm thủy đĩnh và những kỹ thuật gia đang làm việc trong các xưởng kiếng Zeiss và Iéna cũng không thoát khỏi kế hoạch Overcast của Nga. Tóm lại, tất cả người Đức có khả năng củng cố tiềm lực quân sự và kỹ nghệ cho Nga, đều bị bắt đưa ra nhà ga.

        Đoàn tàu của Grottrup chuyển bánh, hướng về phía Francfort-sur-Oder. Khoảng ba giờ chiều, nó vượt qua biên giới ở Brest-Litovs. Gia đình Helmut Grottrup được dành cho ba phòng. Trong một căn dùng làm văn phòng, Grottrup đang thảo một bức thư cực lực phản đối việc này. Về sau, Bộ trưởng Quân nhu trả lời ông một cách vắn tắt: Hòa ước Postdam đã cho phép Liên Sô phát vãng năm ngàn người Đức để tái thiết lại những gì mà quân đội Quốc Xã đã tàn phá ở Nga. Nếu Grottrup và các đồng nghiệp không muốn tham dự vào việc nghiên cứu hỏa tiễn hay các hoạt động về khoa học, họ có quyền xin phục vụ với Bộ trưởng Hầm mỏ, họ sẽ được đưa tới các mỏ ở núi Oural để làm việc ngay.

        Ngày 27 tháng 10, hai mươi bốn chuyến xe lửa tới Mạc Tư Khoa, dưới bầu trời đầy tuyết. Sau nhiều ngày tá túc trong mấy nhà kho xe lửa, phần đông bị đưa đi đến những vùng xa xôi khắp Liên Bang Sô Viết. Một nhóm chuyên viên hỏa tiễn bị chuyển đến Gorodomilia là một cù lao lớn nằm giữa một cái hồ cách Mạc Tư Khoa ba trăm cây số về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, Grottrup và các cộng sự viên chính thì lại được ở ngay thủ đô. Họ ở gần Datschen, là nơi cư trú của những tài tử màn bạc và nghệ sĩ sân khâu của Nga, kể cả người nữ vũ công danh tiếng Oulanova.

        Gia đình Grottrup được ở một ngôi nhà sáu phòng và có nhiều tôi tớ người Nga phục dịch. Những người giúp việc cho Grottrup lấy làm khoái chí khi thấy cái tủ lạnh và cái máy hút bụi của chủ họ.

        Một cơ xưởng, trước kia có lần đã phải di tản khi quân Đức tiến gần Mạc Tư Khoa, được sửa chữa lại để biến thành trung tâm nghiên cứu. Grottrup và các bạn nhận thấy người Nga làm việc một cách tắc trách vô cùng. Hơn nữa, họ còn hay tỏ ra tham lam, nên Grottrup không khỏi cảm thấy một chút khinh khi. Các bộ trưởng thì tranh chấp nhau nên luôn luôn làm việc một cách mâu thuẫn, cứ trống đánh xuôi thì kèn thổi ngược. Đốì với những dụng cụ chở từ Đức về thì họ sử dụng phí phạm hết sức. Bà Irmgard Grottrup đã ghi trong nhật ký: "Bởi vậy tôi không ngạc nhiên khi thấy Helmut buồn rầu nên uống rượu hoài".

        Grottrup tranh đấu để nhân viên của ông có được một cái gì tương tự như bản hợp đồng. Ông liền phản kháng với Bộ trưởng Kỹ nghệ là tướng Oustinov, ông nói:

        - Chúng tôi làm thế nào làm việc được khi chúng tôi không có trong tay một cái gì cả. Chúng tôi không có dụng cụ, không có vật liệu - không có cả bàn thử... Nhiều bàn thử và trang cụ chở từ Đức sang, đang gỉ sét và mục nát dưới tuyết cách đây vài cây số, không bao lâu nữa chúng sẽ trở thành sắt vụn.

        - Người ta không đem ông tới đây để nghe ông phàn nàn về những điều mà ông cho là thiếu tổ chức, ông Grottrup ạ.

        - Vậy tôi đến đây để làm gì? Tôi muốn biết lý do.

        - Ông chịu trách nhiệm về một toán chuyên viên hỏa tiễn và công việc của ông là chế tạo lại A4. Chương trình sẽ tiến hành như đã định.

        - Chừng nào chúng tôi có thể trở về Đức?

        Oustinov phá lên cười:

        - Khi nào ông có thể đặt hỏa tiễn lên quỹ đạo trái đất!

        Oustinov thì muốn như vậy, nhưng lại không chịu cải thiện những điều kiện làm việc cho nhóm người Đức. Tuy nhiên Grottrup và các đồng nghiệp của ông luôn luôn nghĩ đến việc tiến bộ của kỹ thuật hỏa tiễn chứ không nghĩ rằng mình phục vụ người Nga, nên lúc nào họ cũng tận tụy làm việc. Cũng như phần đông những người không có chính kiến, họ chỉ có một đam mê duy nhất là: hỏa tiễn.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2020, 04:55:04 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 04:54:00 am »


        Trong ý hướng đó, họ miệt mài trong việc kiến tạo và hoàn thiện V2. Chỉ có vợ các ông là thiệt thòi, các bà không ngớt than phiền cho số phận đắng cay của mình và trách các ông chồng chỉ biết có một vấn đề hỏa tiễn mà thôi. Bà Grottrup có viết: "Tôi thông cảm nỗi giận hờn và ghen ghét của các bà. Cho đến bây giờ, không mấy bà vượt qua được cuộc thử thách cam go trong đời sống bên cạnh ông chồng say mê công việc. Các ông này coi việc giải được một phương trình còn quan trọng hơn chiếc giường êm ái. Họ không cần biết có gì trong chiếc đĩa ăn của họ. Cũng như Von Braun, ông thích ăn cả vỏ khoai còn hơn là mất thì giờ để gọt vỏ.

        Các bà chỉ có thể trở thành mẹ hiền, vợ ngoan trong gia đình khi nào các bà hiểu được một người say mê, cuồng nhiệt như thế..."

        Ngày 26 tháng 8, năm 1947, bà Irmgard Grottrup phải đối diện với một vấn đề đáng ngại hơn những "câu chuyện ngồi lê đôi mách và ghen tuông bóng gió" mà các bà vợ chuyên viên thường to nhỏ với nhau trong hội quán của trung tâm. Một nhân viên Nga báo tin với bà là chồng bà đã đi khỏi Mạc Tư Khoa. Ông ta cũng không biết Grottrup đi đâu và chừng nào trở về.

        Bà Grottrup kiên nhẫn chờ đợi trong nửa tháng liền. Bà vẫn không nhận được tin chồng suốt thời gian ấy, nên bà đến gặp ngay viên giám đốc trung tâm. Đó là một người đàn ông vạm vỡ, tóc vàng hoe. Bà liền hỏi thẳng vấn đề bặt tin của chồng bà. Hắn ta đáp:

        - Có lẽ chồng bà không thích viết thư, chỉ có thế thôi! Có việc gì xảy ra không? Thực phẩm xấu chăng? Hay bà thiếu tiền tiêu?

        - Tôi chỉ đòi chồng tôi!

        - Ở nước Nga này thiếu gì đàn ông! Bà muốn đi nghỉ mát vài ngày không?

        - Tôi chỉ muốn một điều: chồng tôi trở về. Chừng nào ông ấy về?

        - Khi nào xong việc.

        Rồi ông ta đứng dậy để tỏ cho bà Grottrup biết buổi tiếp chuyện đã chấm dứt. Trong hai tháng liền, bà Grottrup không ngớt làm phiền chính quyền. Sau rốt, họ cho phép bà đến gặp Helmut. Một chiếc phi cơ chở bà đến Kazakhstan. Grottrup ở một nơi xa thành phố Stalingrad hai trăm cây số về phía Đông. Đây là một thành phố tạm thời, tạo bằng những chiếc lều và xe cam nhông, nằm giữa miền tuyết giá Tây Bá Lợi Á. Chỉ có Irmgard là người đàn bà độc nhất hiện diện chốn này. Xa hơn vài cây số là một đài phóng: chồng bà phải rời Mạc Tư Khoa để đến đây phóng hỏa tiễn. Cuộc thí nghiệm sắp diễn ra. Một toán thợ hàn ở Stalingrad đã ráp lại một bàn thử mang từ Đức về.

        Họ đã định sáng ngày 30 tháng 10 năm 1947 sẽ thực hiện công việc trọng đại ấy. Tối hôm trước, tất cả người Nga cũng như người Đức đều thao thức không ngủ được. Các sĩ quan cao cấp Nga và các nhà bác học lỗi lạc Đức đều có mặt ở pháo đài để quan sát. Phải mất hết hai giờ mới đổ xong nhiên liệu, Tất cả các đài định-chuẩn-điểm đều bật đèn xanh. Những bộ phận đều ăn khớp với nhau và tiếng đếm ngược bắt đầu. Bà Grottrup ghi: "Thần kinh căng thẳng đến độ tôi muốn thét lên một tiếng". Nhưng, năm phút trước giờ H, cái đà ngang chông đỡ hỏa tiễn lại lún xuống.

        Giọng đếm đứt quãng thình lình. Một cây trụ lại gãy sau khi một cây đinh tán sút ra. Người ta cấp tốc thay ngay những vật dụng đã hỏng. Người ta đặt cây đà lại chỗ cũ, và đặt hỏa tiễn lại đúng vị trí và tiếng đếm ngược lại bắt đầu.

        Cách giờ H một giây. Helmut Grottrup ra lệnh "Start Freie!" giống như công việc ngày xưa ở Peenemunde, tướng Dornberger đã lừng làm. Chiếc hỏa tiễn tầm xa đầu tiên của Liên Sô đã xuất hiện. Đó là chiếc hỏa tiễn cũ ở Nordhausen đã được chở về miền băng giá Kazakhstan này. Nó từ từ bay lên sau khi phun lại một đám bụi mịt mù. Rồi nó gia tăng tốc độ, bay vút lên và biến dạng trong khoảng trời xanh. Một chiếc phi cơ thám thính cũng cất cánh bay theo. Một giờ sau, nó báo tin về là V2 đã đạt được mục tiêu xa hơn 300 cây số. Vị giám đốc căn cứ chạy lại ôm chặt Grottrup trong đôi tay ông ta, trong khi các kỹ thuật gia và những người thợ Nga hò reo vui mừng. Những người Đức cũng mãn nguyện vì thành quả đó nhưng không tỏ ra hào hứng cuồng nhiệt như người Nga. Dường như đối với họ sự thành công này không có gì lạ cả.

        Vài người tự hỏi: có phải chăng nhiệm vụ của họ ở Sô Viết đã chấm dứt và từ bây giờ họ có thể trở về quê hương.

        Nhưng việc phóng được V2 không hề có nghĩa là nhóm chuyên viên Đức sắp được hồi hương. Trong khi cực kỳ hoan hỉ, người Nga lại tuvên bố với Grottrup: họ mong rằng V2 sẽ được cải tiến, tầm tác xạ của nó sẽ tăng thêm. Vậy cần phải thực hiện những cuộc thí nghiệm khác và những cuộc nghiên cứu mới nữa.

        Ba năm sau ngày những lính Nga đến nhà Grottrup, thì họ vẫn còn ở lại Liên Sô. Trong nhật ký đề ngày 22 tháng 10 năm 1949, bà Irmgard Grottrup ghi: "Mặc dù tướng Oustinov đã đích thân tới tận nhà chúng tôi để thăm viếng tỏ tình thân mật, nhưng cái vinh dự ấy không trấn áp được nỗi lo sợ mỗi khi họ gọi Helmut. Anh đã hỏi vị bộ trưởng này: "Chúng tôi còn phải ở lại Nga trong bao lâu nữa?". Ông ta đáp: "Cho đến khi các ông có thể trở về Bá Linh bằng hỏa tiễn". Tôi thật muốn lịm người đi khi nghe câu đáp khôi hài đó. Tôi còn biết làm sao hơn chấp nhận nghiêm chỉnh cái ngôn ngữ đầy bí hiểm đó".

        Cho mãi đến năm 1950, gia đình Grottrup mới được rời khỏi Liên Sô. Từ năm 1947, cơ quan C.I.A. đã biết hai trăm chuyên viên về hỏa tiễn và hàng ngàn chuyên viên các ngành khác có mặt tại Nga. về phần người Nga cũng vậy, Tình báo họ không phải không biết rằng Wemher Von Braun và những "đại chuyên viên" của Peenemunde đang ở Texas để thực hiện chương trình hỏa tiễn vô tuyến điều khiển. Có lẽ họ đã đọc ngày 3 tháng 2 năm 1946 bản thông cáo khẩn cấp của Bộ Chiến tranh về việc các nhà bác học Đức và Áo đang phục vụ tại Hoa Kỳ.

        Nhưng vào năm 1950 thì quần chúng Mỹ chẳng chú trọng đến các nhà bác học Đức, dẫu cho họ ở Mỹ hay Nga gì cũng vậy. Theo họ, kế hoạch Overcast và sự liên can với Nga chỉ là một màn cuối của trận thế chiến thứ hai. Vậy mà, bảy năm sau, trong cái "màn cuối" ấy lại có một trái bom nổ chậm nổ tung lên, âm thanh của nó vang dội khắp cả năm châu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 04:56:22 am »


PHẦN III

KẾT QUẢ GẶT HÁI


18 - HỎA TIỄN SATURNE

        Ngày 14 tháng 10 năm 1957, một toán các người chuyên môn về các vấn đề không gian, tham dự Hội nghi tại Hoa thịnh đốn trong khuôn khổ của "năm quốc tế địa cầu vật lý học", được mời dự một buổi tiệc do tòa Đại sứ Nga khoản đãi. Giữa bao nhiêu người tại đây có cả tiến sĩ Richard Porter của công ty General Electric, mà 12 năm trước đây, đã điều tra W. Von Braun tại Garmisch Parten Kirchen và tổ chức cuộc di tản về Mỹ, các kỹ tuật gia của Nordhausen. Từ đó, Porter đã tích cực lo về loại phi đạn vô tuyến điều khiển, ông hướng dẫn toán phụ trách cho phóng một vệ tinh Mỹ, nhân dịp "năm địa cầu vật lý học".

        Walter Sullivan phóng viên khoa học của tờ New York Times cũng là khách của tòa Đại sứ Nga. Đang buổi tối, bỗng nhiên có điện thoại gọi ông. Người chủ biên của ông đọc cho nghe một công hàm của Mạc tư Khoa vừa mới được tung ra. Sullivan chậm rãi gác điện thoại, tiến lại gần Porte và nói nhỏ:"Xong rồi".

        Hai người cho Dr. Loyd Berkner, người phụ trách chương trình của Mỹ về "năm địa cầu vật lý học", hay cái tin kỳ lạ phát xuất từ Mac Tư Khoa. Berkner yêu cầu mọi người giữ yên lặng rồi nói:"Tôi xin báo một tin. Tôi vừa hay được do đường dây của New York Times nói rằng một vệ tinh Nga đã được đưa vào quỹ đạo, trên một cao độ 900 cây số. Tôi chúc mừng dồng nghiệp Sô viết của chúng ta về thành tích này".

        Vệ tinh đó là một trái cầu bằng kim khí gần hai lần lớn hơn quả bóng rổ, tên gọi là Spoutnik I. Đấy là vật nhân tạo đầu tiên mà chiếc hỏa tiễn đã đưa vào quỹ đạo quanh trái đất. Ngày 3-11-1957, người Nga phóng chiếc Spoutnik II, một vệ tinh khá nặng,bên hông còn mang theo con chó cái Laika, một sinh vật đầu tiên được đưa vào quỹ đạo vòng quanh trái đất. Đấy là một thử thách to tát tại Mỹ, và thành tích của Nga đã là đầu đề của một sự chế giễu chua cay. Thí dụ như có một hình vẽ trình bày 2 chiếc Spoutniks gặp nhau trong không gian và chào nhau theo kiểu người Đức. Một tướng Mỹ, thuộc tổ chức O.T.A.N. đã kêu lên: "Chúng ta đã không tập hợp đông đủ người Đức cần thiết".

        Trong một cuộc họp báo, tổng thống Eisenhower đã giải thích với đồng bào của ông lý do về sự đi trước của Nga Sô:"Từ năm 1945, vào thời ấy người Nga đã bắt giữ tất cả những nhà khoa học Đức ở Peenemunde, và họ đã dồn hết mọi nỗ lực của họ vào chương trình phi đạn xạ thuật". Thật vậy, từ 1945, người Nga đã thực sự dồn mọi nỗ lực của họ vào chương trình phóng phi đạn, nhưng rõ ràng là họ không bắt giữ tất cả các nhà khoa học Peenemunde. Từ năm 1945, các phần tử tinh hoa nhất của bọn họ đã làm việc cho Mỹ. Tuy nhiên, người Nga cũng có đưa về Nga, một số chuyên viên Đức vào tháng 10 năm 1946, và người ta nghĩ rằng chính các chuyên viên này đã đem lại cho Nga sô sự thành công làm rung động cả mọi người.

        Thủ tướng Nga Nikita Khrouchtchev, đưa ra các vấn đề, trong bài diễn văn đọc tại Minsk ngày 22 tháng 1 năm 1958:"Đúng là có một toán nhỏ người Đức đã làm việc với chúng tôi. Khi hết hạn giao kèo, họ trở về nước Đức hoặc sắp được trở về ngay". Nhưng N.Khrouchtchev nhấn mạnh về sự kiện là các người Đức không liên hệ gì với các Spoutniks. Các vệ tinh này chỉ là thành quả riêng của khoa học Sô viết. Ông hô to với tiếng cười vang động:"Nếu người Đức đã giúp người Nga, tại sao người Đức lại không giúp người Mỹ? Hơn thế nữa, quân đội Mỹ đã chiếm được nhà phát minh ra chiếc V2, cho đem ông ta về Mỹ, nơi mà hiện giờ ông này đang chế tạo các hỏa tiễn!" (tiếp theo tiếng cười và vỗ tay hoan nghinh).

        Thật sự thì cái gì đã xảy ra? Khrouchtchev đã nói sự thật, và sự thật này còn khó chịu hơn cả chuyện vòng vo tam quốc, theo đó thì chính các nhà khoa học Đức đã hoàn thành các hỏa tiễn to lớn dùng để đưa các Spoutniks vào quỹ đạo – các hỏa tiễn rất có thể trang bị các đầu đạn nguyên tử và có khả năng đến bất cứ nơi nào tại Âu châu hoặc Mỹ châu.

        Người Nga đã khai thác nhóm các nhà khoa học Đức đúng theo kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng. Người Nga đã dùng họ theo lối "vắt chanh bỏ vỏ"và sau đó lại cho họ "ngồi chơi xơi nước". Kể từ tháng 3 năm 1951, các chuyên gia Đức thấy ước nguyện của họ đã đạt thành: được trở về quê hương. Một số vẫn ở tại Đông Đức, số khác qua Liên bang Tây Đức, nơi này họ bị tình báo Mỹ(C.I.A.) tra gạn đủ điều. Tình báo Nga không phải bận tâm nhiều để ngăn cản sự đào tẩu kia, vì họ biết rằng, người Mỹ sẽ không khai thác được gì ở các người đào thoát về cái gì liên quan đến thực trạng của nền kỹ thuật Nga sô, trong ngành hỏa tiễn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 04:59:34 am »


        Lấy ví dụ như trường hợp của Helmut Grottrup. Sau cuộc thí nghiệm thành công 1947, tại các vùng băng tuyết Kazakhstan thuộc miền Tây Bá Lợi Á, người ta đã rút dần trách nhiệm của ông và lương bổng cũng bị bớt dần. Tháng 12 năm 1950, ông bị rút lại các chức vụ điều khiển của nhóm chuyên viên Đức. Bà Irmgard Grottrup đã ghi trong nhật ký của bà ngày 3-3-1951 như sau: "Nhóm chuyên viên Đức chỉ còn là một giả tưởng…". Ngày 17 tháng 2 năm 1952, bà viết:" Đồng bào chúng tôi có một đời sống dễ chịu tại "Viện nghiên cứu Rabe"nhưng các kỹ sư Nga được biệt phái đến đó, có vẻ xem họ như các món đồ có tại viện bảo tàng…lương của Helmut bị bớt hơn 50% trở nên kém một cách lố bịch …"

        Ngày 15 tháng 11 năm 1953, Grottrup được báo tin, ông có thể cùng với gia đình trở về Đức quốc. Vai trò sau chót của ông ở Liên bang Sô viết không có chút gì liên hệ đến hỏa tiễn cả: ông phụ trách về máy tính điện tử và gia đình Grottrup đã trở về Đông Đức ngày 28 tháng 12 năm 1953. Từ đó, họ sang Liên Bang Tây Đức, nơi bây giờ họ đang sinh lập tại đấy. Sự thật, là người Nga trả tự do cho họ, bởi người Nga không còn cần đến các nhà khoa học ngoại quốc nữa.

        Tháng 10 năm 1946, giao kèo của các kỹ thuật gia Đức được kéo dài trong thời hạn 5 năm. Tháng 12 cùng năm này, gia đình họ khởi đến Fort Bliss. Năm 1948, sự canh chừng mà họ phải chịu, được giảm bớt, đồng thời các ràng buộc liên quan đến sự tự do đi lại của họ cũng được dễ dãi hơn. Lần lần người ta cho họ được quyền sử dụng các tài liệu mật và họ được quyền xin các chiếu khán lưu trú với tư cách ngoại kiều. Đó là bước đầu tiên đưa đến việc nhập tịch sau này của họ.

        Năm 1950, Sở Quân cụ, ở trong tình trạng bắt buộc phải có một trung tâm nghiên cứu thường trực, rộng lớn hơn cả trung tâm tại Fort Bliss để phát triển chương trình hỏa tiễn có tính cách quân sự. Phần lớn nhờ sự cố gắng của Đại tá Toftoy, nên cơ sở hỗn hợp của Huntsville ở Alabama được giao cho ông sử dụng. Đấy là cơ xưởng kỳ cựu Huntsville được dùng cho viện hóa học, và cơ xưởng kế cận Redstone, nơi chế tạo tạc đạn trong thời chiến. Von Braun và toán ông cùng đi chung với Trung tá Hamill đến Huntsville ngày 1-4-1950. Liền sau đó họ nhận được vai trò to tát đầu tiên: thực hiện hỏa tiễn Redstone, một phi đạn địa-địa với một tầm xa 300 cây số, cốt để sử dụng như yểm trợ hỏa lực trong các trận đánh dưới đất.

        Chiếc Redstone được phóng thành công ngày 20-8-1953 lại mũi Canaveral. Đấy là một vũ khí chiến lược, nhưng Von Braun, hiện giờ là giám đốc phân bộ hỏa tiễn vô tuyến điều khiển của phòng thí nghiệm các vũ khí của ngành Quân cụ, không bao giờ quên mơ ước cũ của ông: sử dụng sức thôi chuyển hỏa tiễn (sức đẩy tới bằng hỏa tiễn) để thám hiểm không gian.

        Tháng 9-1953, ông trình bày trước Quân đội và Hải quân, một dự trù đưa vào quỹ đạo một vệ tinh Mỹ bằng cách dùng một Redstone như là hỏa tiễn mang đi.

        Tháng 8-1954 Quân đội và Hải quân quyết định cùng phóng chung trong chương trình này, được gọi là chương trình Orbiter. Von Braun cùng toán ông chắc chắn rằng chiếc vệ tinh có thể sẽ thành công vào giữa năm 1956.

        Ngày 15-4-1955, Von Braun và phần lớn các cộng sự viên của ông được nhập tịch vào dân Mỹ. Cuộc lễ được tổ chức tại Hội trường của Đại học Huntsville. Giữa lúc đó, họ đã khởi thực hiện loại vũ khí xạ thuật có tầm trung bình, dùng cho lợi ích quân đội. Đó là chiếc Jupiter, có tầm hoạt động 2.400 cây số. Nhưng hy vọng của họ bị tiêu tan một cách cay nghiệt.

        Ngày 29-7-55 tòa Bạch ốc báo tin rằng Tổng thống Eisenhower đã chấp thuận việc phóng một vệ tinh khoa học Mỹ trong khuôn khổ của "năm thế giới địa cầu vật lý học", sẽ được mở ra vào tháng 7-1957. Nhưng lại không phải là một chiếc Redstone sẽ được đưa vào quỹ đạo: chiếc hỏa tiễn mang theo sẽ là một khí cụ hoàn toàn mới và không có tính cách quân sự, chiếc Vanguard, do Hải quân chế tạo, dưới sự điều khiển của Hàn Lâm Viện Khoa học Quốc gia. Ngày hôm sau, Liên Bang Sô Viết cho biết nước họ cũng đang suy tính cho phóng một vệ tinh trong "năm thế giới địa cầu vật lý học".

        Mặc dầu chương trình Orbiter bị bãi bỏ, Von Braun và Quân đội cũng không từ bỏ các mục tiêu thám hiểm không gian của họ.

        Tháng 5-1956, Quân đội đặt vấn đề là trong trường hợp chiếc Vanguard, chưa bao giờ được thực nghiệm, sẽ không điều hành được, thì người ta sẽ quay về dùng hỏa tiễn Jupiter. Bộ Quốc phòng đã bác bỏ đề nghị của họ. Tháng 11-1956, Braun và toán của ông bị thêm một ván đòn nữa. Bộ trưởng Quốc phòng Charles Wilson, công bố sắc lệnh, qui định các quyền hạn riêng cho 3 quân chủng liên quan đến chương trình của các loại hỏa tiễn khác nhau. Các phi đạn có tầm xa được giao cho Bộ Không lực. Quân đội phải bị giới hạn trong loại hỏa tiễn có tầm tối đa là 300 cây số. Điều này có nghĩa là toán của Von Braun hoạt động cho quân đội chỉ có thể chính thức lo về các hỏa tiễn không có khả năng thám hiểm không gian.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 05:00:00 am »


        Sau cuộc phóng 2 chiếc Spoutniks của Nga, cả thế giới chờ xem người Mỹ, hiện thua xa người Nga trong cuộc chạy đua về ngành không gian, có thành công đưa một vệ tinh vào quỹ đạo hay không? Ngày 6-12-1957, chiếc hỏa tiễn Vanguard đã sẵn sàng ở tại mũi Canaveral. Người ta cho khai hỏa, vừa lên cao được vài thước, chiếc Vanguard lại bị phát hỏa rơi xuống.

        Ngày 31-1-1958, lại một vấn đề mới ngược ngạo đã xảy ra. Lần này người ta đề cập đến một chiếc hỏa tiễn khác, lại là chiếc Jupiter C. Bộ Quốc phòng đã thay đổi quyết định của họ và cho phép Von Braun cùng cơ quan xạ thuật của quân đội lo việc thí nghiệm. Nơi kíp nổ của Jupiter C được đặt một vệ tinh Explorer I, do phòng thí nghiệm thôi chuyển phản lực (sự đẩy tới bằng phản lực) của Viện kỹ thuật California thực hiện - Lúc 22 giờ 48 phút, Jupiter khai hỏa do tiến sĩ Kurt Debus, cựu nhân viên phụ trách việc phóng hỏa tiễn ở Peenemunde. Lần thí nghiệm này, mọi việc tiến hành rất tốt đẹp. Tháng 3-1958, Von Braun và nhóm ông đưa Explorer III vào quỹ đạo và tháng 7, đến phiên Explorer IV. Quân đội còn gặt hái được nhiều kết quả khác nữa, nhưng mặc dù được sự ca tụng nồng nhiệt của quần chúng và sự quảng cáo mà chính ông là đề tài, Von Braun và nhóm ông vẫn rất thực tế, ông nói: Các Explorer nhỏ bé của chúng ta chỉ ganh đua với Spoutniks trong tư tưởng. Nhưng chúng không có sức nặng. Thật vậy, các chuyến bay sau này của các phi hành gia không gian Nga được xem ngoạn mục và tiến bộ hơn các nhà thám hiểm liên hành tinh Mỹ, chỉ được xác định trên sự kiện người Nga đã dẫn đầu về cái gì liên quan đến tỷ lệ của khối lượng.

        Tháng 7-1958, mục tiêu ưu tiên mà chính phủ Mỹ nhắm đến là phải bắt theo kịp Nga. Chương trình thám hiểm không gian được rút khỏi quân đội và giao lại cho một cơ sở mới thuộc dân chính, được tài trợ do một cơ quan rất thế lực gọi tắt là N.A.S.A. (National Aeronautics and Space Administration: Cơ quan quản trị hàng không và Không gian Quốc gia), toán Von Braun được sáp nhập vào tổ chức này ngày 1-7-1960. Một phần của cơ xưởng Redstone trở thành trung tâm không gian G.Mashall, mà vị giám đốc dân chính là Von Braun. Sau khi để công phu vào việc nghiên cứu vũ khí quân sự từ khi Dornberger mời ông cộng tác từ năm 1932, giờ đây Von Braun có thể phụ trách về hỏa tiễn không thuộc loại chiến lược. Một tập sách nhỏ đề cập đến các cố gắng mới của ông được phổ biến ngày 8-9-1960, nhân lễ khánh thành trung tâm Marshall (Ngoài các nhân vật khác hiện diện trong buổi lễ này còn có cả tổng thống Eisenhower, bà Marshall, Patterson, thống đốc Alabama, thị trưởng Huntsvill và tướng hồi hưu Holger Toftoy): Nhiệm vụ căn bản nhằm phát triển một vũ khí có hiệu quả và chắc chắn, đủ khả năng đưa vào quỹ đạo vòng quanh trái đất và phóng vào không gian một khối lượng nhiều tấn. Các "vectơ" mà hiện giờ người ta nghiên cứu trong chiều hướng đó là hỏa tiễn SATURNE mà một ngày kia, có thể đưa người lên mặt trăng, rồi trở về trái đất, hoặc thả các dụng cụ khoa học xuống hành tinh Mars hoặc Vénus.

        Ngỏ lời trước Quốc hội Mỹ ngày 25-5-1961, tổng thống Kennedy đưa ra một tầm kích mới cho chương trình không gian Mỹ:"Tôi tưởng rằng quốc gia phải đạt đến trong thời hạn 10 năm, cuộc đổ bộ người lên cung trăng và đưa họ bình an về trái đất". Đấy là chương trình Apollo.

        Apollo đòi hỏi sự hỗ trợ của hằng trăm cơ quan công và tư, của hàng trăm ngàn người tiêu biểu cho tất cả mọi ngành khoa học hiện đại. W.Von Braun và toán ông không còn là các kỹ thuật gia duy nhất về ngành không gian ở Mỹ như thời kỳ 1945 của Fort Bliss nữa. Tuy nhiên, sự thành công của chương trình Apollo tùy thuộc vào hỏa tiễn Saturne mà người ta thực hiện ở Huntsville, nhất là trong phạm vi liên quan đến việc đổ bộ người đầu tiên lên mặt trăng.

        Các thành quả đầu tiên của Nga là do sức mạnh vô biên của hỏa tiễn, có thể phóng các phi thuyền chứa đựng rộng lớn hơn các "ca-bin" của Mỹ, và có thể bay rất lâu trong không gian. Tuy nhiên, cho đến hè 1964, hỏa tiễn Nga không còn đủ lực cho lắm để đưa một phi thuyền có người ở lên cung trăng. Mục tiêu này đòi hỏi đến một hỏa tiễn khổng lồ hoàn toàn mới mẻ. Đấy là một quyết lệnh tất thiết cho người Nga cũng như đối với Mỹ. Và người Mỹ đã có hỏa tiễn ấy: Đó là chiếc Saturne vậy. Các thuyết về cải tiến của chiếc hỏa tiễn này sẽ có thể đưa lên 3.000 tấn, - tỉ như sức nặng của một tuần dương hạm hạng nhẹ.

        Trung tâm Marshall đã có các kinh phí và các bộ óc cần thiết để hoàn thành chiếc Saturne. Trung tâm này dùng đến 6.000 người mà tổng số lương bổng hàng năm lên đến 55 triệu Mỹ kim. Số nhân viên này chỉ gồm có 89 cựu nhân viên Peenemunde vì có nhiều nhà khoa học Đức được đưa đi Texas vào năm 1945, áp dụng theo chương trình Overcast, họ thích bãi ước giao kèo ràng buộc họ với chính phủ, để làm việc trong các hãng xưởng tư được trả thù lao cao hơn. Tuy nhiên, Von Braun cũng còn giữ được toán chuyên gia kỳ cựu nhất của hỏa tiễn thế giới, và nhóm này hiện là linh hồn của tổ chức vĩ đại Trung tâm Marshall.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 05:00:26 am »


        Năm 1964, có một vài khuynh hướng chống đối các dự án đưa người bằng mọi giá cho đáp xuống mặt trăng, vào năm 1970 và chống các phí tổn 40 triệu Mỹ kim – được dùng để thắng lướt người Nga. Một số đi đến chỗ chối bỏ sự tồn tại của cuộc đua về không gian.Tuy nhiên, sau chuyến bay của Voskod II (18-3-1965) mà đang khi bay, một phi hành gia lần đầu tiên ra khỏi phi thuyền để đi bộ trong không gian, một chuyên gia về các vấn đề không gian của Nga Vassili Seleznev, tuyên bố tại đài truyền hình Mạc Tư Khoa: "Mục tiêu của chúng ta bây giờ là mặt trăng và chúng ta hy vọng đến đó trong một tương lai gần đây".

        Von Braun và các cựu chuyên viên của Peenemunde không nghi ngờ gì về thuyết cải tiến của Saturne sẽ sẵn sàng cho đổ bộ các người Mỹ lên mặt trăng vào năm 1970. Các thí nghiệm đầu tiên diễn ra rất có kết quả. Ngày 29-1-1964, Saturne I được phóng lên, theo dấu lửa của nó trên mũi Kennedy và đưa vào quỹ đạo một vật nặng 10 tấn, một khối vệ tinh nặng nhất từ khi con người bước vào thời đại không gian. Nhà viết xã luận của tờ New York Times đã bình luận biến cố bằng các câu như sau:"Chuyến bay thành công của Saturne I vừa xảy ra hôm qua, đã mở một kỷ nguyên mới trong công cuộc thám hiểm không gian của Mỹ. Trong khoảng thời gian không đầy 6 năm, trọng lượng mà Mỹ có thể đưa vào quỹ đạo trong một lần duy nhất đã gấp lên gần khoảng một ngàn lần. Vật thể mà Saturne I đã đưa vào không gian là nặng hơn cả, mà không có một chiếc Spoutnik nào của Nga đã phóng, có thể sánh được vào thời gian này".

        Ngày 28-5 rồi 18-9-1964, một hỏa tiễn Saturne cho tách rời vào quỹ dạo, một mô thức của buồng nguyệt cầu Apollo, chế tạo bởi trung tâm Manned Spacecraff Center ở Houston. Ngày 16-2-1965, một chiếc Saturne khác cho đáp trong không gian một vệ tinh khổng lồ, Pesgase, có nhiệm vụ tác định các xác suất thống kê học của những xung chạm với các vân thạch. Giai đoạn to tát sắp tới, sẽ là việc thiết lập trên quỹ đạo vòng quanh trái đất, một buồng Apollo có chứa một phi hành đoàn gồm ba người cuộc thí nghiệm sẽ phải được thực hiện vào năm 1966 và sẽ được ghi trong chương trình chuẩn bị thực hiện cho chuyến du hành giữa trái đất – mặt trăng.

        Khi người ta nghe:ở ngoài đường phố Hunstville, trên cánh đồng bông vải hoặc trong các khu rừng lân cận, tiếng thét gào kinh hồn của Saturne tức là vào giờ phút các kỹ thuật gia đang thực hiện các thí nghiệm về tĩnh học, người ta không hề nghĩ rằng mặt trăng chỉ ở cách chúng ta có 400.000 cây số hay một cách cụ thể hơn: chỉ cách chúng ta có 60 giờ bay. Trung tâm thí nghiệm George Marshall là một nơi người ta rất bận rộn về tương lai, nên người ta phải luôn luôn nhớ về quá khứ. Thật vậy, ở Huntsville có 2 sự việc nhắc cho người ta nhớ đến sự khai sinh của Saturne, của hỏa tiễn vô tuyến điều khiển và của việc thám hiểm không gian. Trước hết là một thành ngữ do những người hay pha trò tung ra, họ đặt biệt danh căn cứ này là "Peenemunde du Sud". Kế đó, là Viện bảo tàng không gian, với một lối thiết trí kỳ lạ: người ta sắp hàng các mô hình của những công trình đủ loại của nhóm Von Braun giống như hình các mũi tên hướng về các vì sao. Ở hàng đầu dựng lên thủy tổ của các hỏa tiễn khổng lồ hiện nay của cả Nga lẫn Mỹ: Chiếc V2.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 05:01:19 am »

       
PHỤ LỤC

VÀI VẤN ĐỀ KẾ HOẠCH OVERCAST – PAPERCLIP

        Kế hoạch Overcast hay Paperclip là một kế hoạch bí mật do Bộ Chiến tranh thực hiện nhằm mục đích đem về Mỹ các nhà bác học, các kỹ sư Đức và Áo sau cuộc chiến.Dĩ nhiên đây không phải lần thứ nhất người Mỹ đã dùng các khoa học gia châu Âu. Thật vậy, họ đã bắt đầu du nhập các bộ óc phi thường ấy trước mùa hè 1945 khá lâu nhưng một cách không chính thức.

        Trong vòng ba mươi năm đầu thế kỷ, cái vốn khoa học của người Đức có thể coi là vô địch trên thế giới. Nhưng từ năm 1933, từ lúc Hitler lên cầm quyền thì cái vốn ấy bị tiêu xài hoang phí, nên rốt cuộc mất hẳn địa vị ưu đẳng của nó. Người ta ước lượng trong khoảng thời gian 1933 đến 1939, nước Đức đã mất đi phân nửa các nhà vật lý học và hai phần ba các nhà hóa học, vì lý do chính trị và vì chủ nghĩa tôn – chủng của Đức quốc xã. Một số đông các nhà bác học Đức di cư sang Mỹ, cũng giống như trường hợp của vài đồng nghiệp khác của họ ở Âu châu. Chỉ cần nhớ lại sự đóng góp của một người Đức là Albert Einstein, người Ý là Enrico Fermi, hai người Hung gia lợi là Leo Szilard và Edouard Teller vào chương trình nguyên tử của người Mỹ, thì hiểu được tầm quan trọng của sự cộng tác vô tư của người Đức trong công cuộc nghiên cứu ở Mỹ.

        Dầu vậy, Đức Quốc xã vẫn còn hưởng được một tiềm năng khoa học phi thường. Hitler và chính quyền Đức tuy coi thường khoa học thuần túy nhưng họ rất chú trọng đến việc áp dụng tức khắc của khoa học vào lãnh vực quân sự: Chẳng hạn như những phi cơ phản lực, những tân tiềm thủy đĩnh và những hỏa tiễn. Trên lãnh vực vũ khí cổ điển thì họ đã thua Đồng minh, nên muốn san bằng cách biệt đó họ đã chi tiêu một ngân khoảng khổng lồ vào việc phát triển các chiến cụ kể trên. Nhưng cho đến giờ mà sự bại vong đã hiển hiện trước mắt, cũng chưa có một vũ khí nào đạt tới giai đoạn tác dụng.

        Cho đến ngày nay thì lý do của việc thất bại ấy sáng tỏ như ban ngày. Trong những năm đầu của cuộc chiến, dưới con mắt của quan sát viên ngoại quốc thì chế độ Quốc xã có vẻ độc khối và hữu hiệu. Nhưng trong thực tế, nó là một thứ tạp văn quái gở, một bộ máy bất lực vì sự cạnh tranh giữa các Bộ trưởng đối lập với nhau, với các nhân viên trung gian, và với các "triết gia" chính trị; vì sự chống đối giữa cơ quan quân sự và cơ quan mật vụ. Tất cả những hành động tranh giành trên chỉ càng làm trở ngại cho các nhà bác học Đức Quốc xã mà thôi. Hơn nữa, các nhà bác học này dường như cũng không phải là đảng viên cuồng tín của Hitler. Dr. Samuel Goudsmit là chỉ huy trưởng kế hoạch Alsos có nhiệm vụ xác định tầm mức tiến bộ của chương trình nguyên tử của người Đức, ông có ghi:"Chúng tôi có thể đi đến kết luận rằng: nói chung, thì các nhà bác học Đức không ủng hộ sự nỗ lực chiến tranh của quốc gia họ. Mục tiêu chính của họ là dùng kinh phí do chính phủ đài thọ để thực hiện công cuộc nghiên cứu riêng của họ, nhưng họ làm như họ có ý định nghiên cứu để hỗ trợ cho chiến tranh vậy".

        Dầu cho thái độ của phần đông các nhà bác học Đức đối với chủ nghĩa Quốc xã ra sao đi nữa chính quyền Anh và Mỹ cũng hiểu rằng họ phải làm một cái gì sau khi chiến thắng để tìm cho được các nhà bác học Đức để thẩm vấn, vì họ là cả một kho tàng tài liệu quý báu. Còn một điều quan trọng hơn nữa là các chính quyền này phải ngăn cản, không để cho họ trở thành mầm mống làm tái sanh bọn quân phiệt Đức một cách bất ngờ. Sự xuất hiện của phi cơ phản lực, của bom nguyên tử và của hỏa tiễn tầm xa vô tuyến điều khiển biểu thị một cách rõ ràng rằng: tính chất của cuộc chiến từ rày về sau sẽ thay đổi. Bây giờ không phải những vị tướng lãnh và những lực lượng hải-lục quân cổ điển quyết định kết cục các trận chiến trong tương lai nữa, mà là các nhà bác học.

        Vào mùa thu năm 1944, khi sự sụp đổ của Đức Quốc Xã đã cận kề, thì chính quyền Anh và Mỹ cũng đã bắt đầu thành lập những kế hoạch để cai trị nước Đức sau cuộc chiến. Họ đã thảo luận và chấp thuận ban hành dự án Eclipse. Dự án này nối tiếp dự án Safehaven của Mỹ đã có từ trước, có nhiệm vụ đặc biệt kiểm soát những công dân Đức có khả năng đóng góp vào sự phục hồi chiến tranh bằng những hành động phá hoại ở nước ngoài, sau khi chiến tranh chấm dứt. Song song với việc nghiên cứu các hoạt động của người Đức trong địa hạt nguyên tử, kế hoạch Alsos còn phụ trách việc phân tích mối nguy cơ do sự hiện diện của một số các nhà bác học lỗi lạc Đức và những vấn đề liên quan đến việc giám sát họ, nhằm mục đích bảo vệ an ninh cho toàn thể thế giới.

        Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 1945, khi lực lượng Đức Quốc Xã đã bắt đầu tan rã, thì mọi việc cũng chưa quyết định xong. Đầu tháng năm 1945, SHAEF (Supreme Headquarter Allied Expeditionary Forces: bộ chỉ huy tối cao của lực lượng viễn chinh Đồng Minh) xin chỉ thị của Bộ Chiến tranh về thủ tục phải áp dụng để kiểm soát việc nghiên cứu khoa học của người Đức. điều tra viên của cả ba binh chủng đều bắt đầu hoạt động nhưng công tác của họ chỉ thực hiện tại chỗ. Lúc bấy giờ, nói chung họ không hề chủ trương đưa các nhà bác học Đức về Mỹ, họ chưa có "kế hoạch Paperclip". Họ chỉ có những toán người đại diện các binh chủng đang cố gắng qui tụ và điều tra nhà bác học Đức. Những toán này lại thường xuyên cạnh tranh với nhau, mặc dù cùng một mục đích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 05:02:08 am »


        Sau cùng, có vài vị sĩ quan Mỹ cho rằng việc thẩm vấn rời rạc các người Đức không thể nào khai thác trọn vẹn được kiến thức của họ. Hình như người đầu tiên đã khuyến khích gởi về Mỹ một số các nhà bác học Đức đã chọn lọc kỹ càng là tướng Hugh Knerr. Ông là phó tổng tư lệnh các cơ sở hành chính và quản trị thuộc lực lượng chiến lược không lực Mỹ ở Âu châu. Ông đã trình bày vấn đề này với vị phụ tá bộ trưởng đặc trách ngành Không quân là Robert Lovett khi ông này thị sát mặt trận Âu châu vào đầu tháng tư năm 1945. Knerr tin rằng các chuyên viên Đức có thể đóng góp vào việc phát triển các động cơ phản lực đang được thực hiện ở căn cứ Wright.

        Ngày 22 tháng 5, Ngũ Giác Đài nhận được một bức công điện (do Thiếu tá Staver thảo và Đại tá Holmes ký) đề nghị di tản về Mỹ khoảng một trăm chuyên viên hỏa tiễn của căn cứ Peenemunde. Vào thời gian đó, các ủy ban thuộc Bộ Chiến tranh và Bộ Nội vụ đã thiết lập xong nền tảng của một kế hoạch (chưa có tên) nhằm mục đích đưa các nhà bác học Đức về Mỹ. Trong thực tế thì đã có một nhóm nhỏ chuyên viên Đức đang ở Mỹ rồi. Tháng tư trước đó, phái bộ kỹ thuật của Hải quân Mỹ ở Âu châu đã có dịp điều tra giáo sư Herbert Wagner. Họ và phái bộ công xưởng Không quân Hensche đều cho rằng cuộc thí nghiệm về Hs 2T3 một hỏa tiễn không-không vô tuyến điều khiển của họ, đã chưa được khai thác đầy đủ ở Mỹ. Nên ngày 04 tháng 5, giám đốc tình báo Hải quân đã đòi phải đưa giáo sư Herbert Wagner về Mỹ tức khắc, mặc dầu chưa của một qui chế chính thức nào được ấn định về việc đó. Rồi ngày 19 tháng 5, Wagner và bốn cộng sự viên của ông được đưa về Hoa Thịnh Đốn cùng với hành trang quý báu là "kiến thức, kinh nghiệm và tài năng vô địch của họ". Sau bốn tuần lễ điều tra. Họ được cử về phòng thí nghiệm ở Sands Point để thực hiệu một hỏa tiễn của Hải quân gọi là Projet 77. Họ là năm người tiền phong đã dẫn đầu phong trào du nhập rầm rộ các nhà bác học Đức vào Hoa Kỳ.

        Đến ngày 21 tháng 5 năm 1945 thì người Mỹ đã qui định xong những chi tiết sơ khởi về kế hoạch Overcast. Ngày ấy, Thiếu tá Cranford, phụ trách việc điều tra của tình báo Không quân, đã gởi cho các sở trực thuộc một điệp văn như sau:

        ĐỀ TÀI: Những kỹ thuật gia dân chính Đức.

        1. Tham mưu phó G.2, WDGS Military Intelligence War Departement General Staff: (Tình báo quân đội, Tham mưu Bộ Chiến tranh) đặc trách về "người và chiến lợi phẩm" của MIS (Military Intelligence Service - Cơ quan tình báo quân đội) lo tổ chức và thực thi những công tác sau đây: tập trung, di chuyển về khu vực Mỹ, tạm cư, cung cấp thực phẩm, tài trợ lương bổng, bảo vệ an ninh và tất cả những vấn đề liên lạc khác.

        2. Khi bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và những cơ quan liên hệ khác đã minh định xong các chi tiết, thì nhân viên nói trên phải bắt đầu hoạt động. Khi được yêu cầu vị Tham mưu phó này sẽ thiếp lập và điều khiển một trung tâm thẩm vấn và khai thác để cho lực lượng Hải Lục Không quân và các lực lượng khác sử dụng. Vị này có thể được mời đến những địa điểm khác trong khu vực Mỹ kiểm soát để tham dự việc thẩm vấn bổ túc.

        3. Những người Đức được đề cập trên không thể bị đối xử như những tội phạm chiến tranh.

        Mãi đến ngày 19 tháng 7 năm 1945, ở các Bộ Nội Vụ, Tư pháp, Thương mãi, Lao động, ở sở nghiên cứu và phát triển khoa học và ở vài cơ quan chính quyền khác, người ta vẫn còn làm cái công việc phê chuẩn kế hoạch được gọi bằng mật danh Overcast.

        Overcast quả thật là một dự án ngắn hạn. Các cơ quan quân sự liên hệ đã gởi về tướng Clayton Bissell là Tham mưu phó cơ quan tình báo bên Bộ Chiến tranh "theo hệ thống quân giai, những danh sách chuyên viên hy vọng sẽ được khai thác ở Mỹ". Cơ quan G.2 sẽ phụ trách việc đưa họ đến và giao cho cơ quan nào yêu cầu. Lúc bấy giờ Bộ Chiến tranh và Bộ Hải quân đã ấn định một số lượng là 350 người. Hơn ba trăm chuyên viên Đức này sẽ được đề nghị ký một hợp đồng sáu tháng, thời hạn này có thể được tái tục. Sau một năm "khai thác" - đó là danh từ chính thức được dùng - G.2 có nhiệm vụ sẽ đưa họ trở về Đức. Lúc bây giờ người Mỹ chưa dự định đến việc đem gia đình chuyên viên Đức qua Mỹ.

        Mục đích chính thức của kế hoạch Overcast là sử dụng kinh nghiệm của một số chuyên viên về vũ khí mới nhằm mục đích "thâu ngắn chiến tranh với người Nhật". Vào tháng 7 năm 1945 rất ít người đang phụ trách việc chuẩn bị kế hoạch Overcast, được biết quốc gia họ đã có bom nguyên tử và sắp dùng nó để kết thúc nhanh chóng cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Nhật đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945. Lúc đó, người Mỹ đã chọn xong 350 "chuyên viên Overcast" và đang tìm biện pháp để đem họ về, mặc dầu cái lý do để đem họ về đã không còn nữa. Nhưng kế hoạch Overcast còn có hai mục tiêu khác nữa - những mục tiêu bán chính thức - mà người ta không bao giờ tuyên bố công khai ra. Dù không công bố, nhưng những người sáng tạo ra dự án ấy không thể không biết cặn kẽ: một phần, để tránh việc các nhà bác học Đức rơi vào tay người Nga; phần khác, để ngăn cản không cho họ trở thành then chốt của chế độ quân phiệt Đức tái sanh.

        Là một kế hoạch ngắn hạn, nên Overcast chỉ là dự án tổng quát của Bộ Chiến tranh. Nó không phải chỉ có một mục tiêu duy nhất là tập trung các chuyên viên hỏa tiễn Đức tại Fort Bliss. Mặc dầu sau này nhóm Fort Bliss trở thành nhóm chuyên viên quan trọng nhất ở Mỹ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM