Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:51:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler  (Đọc 7501 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 08:28:59 pm »


        Những báo cáo mà Đại tá Trichel nhận được về tác dụng của V2, khi chúng được sử dụng vào tháng 9 năm 1944, cho phép ông kết luật rằng, người Mỹ, Anh và Nga đã chậm trễ hơn người Đức ít nhất là 20 năm trong địa hạt hỏa tiễn. Và bây giờ đây sự bại trận của Đức Quốc xã là một việc hiển nhiên. Trichel cho rằng đây là cơ hội duy nhất đưa đến, mà ông phải nắm lấy thật nhanh: nếu các hỏa tiễn V2 còn nguyên vẹn, các tài liệu kỹ thuật, những đồ án, và các biên bản thẩm vấn những người đã thực hiện chiếc hỏa tiễn có tầm xa đầu tiên… được đặt dưới quyền sử dụng của ông ta, thì công tác của ông sẽ có thể thay được công trình của người Đức, cái mà người ta cho là sẽ tiết kiệm được hằng triệu đô la và khoảng 20 năm nghiên cứu tìm tòi.

        Đại tá Trichel hành động theo hai chiều hướng. Một mặt, vào năm 1944, ông thương thảo một khế ước với Công ty “General Electric” gọi là chương trình Hermès với các điều khoản của nó là: công ty G.E. sẽ nghiên cứu về các phi đạn điều khiển có tầm xa, nhằm lợi ích cho quân đội. Một pháo xạ trường được thiết lập ở White Sands, trong sa mạc “Tân Mễ Tây Cơ”. Trichel cho rằng, sẽ rất hữu ích để các kỹ sư của chương trình Hermès có thể nghiên cứu hoặc phóng một vài chiếc V2 tại đó. Tháng 3 năm 1945, ông có yêu cầu Đại tá Toftoy, hiện hoạt động tại Ba Lê, lo chuyển về Mỹ các loại khí giới mới của Đức, hãy tìm cho ông khoảng 100 chiếc V2, ở tình trạng sử dụng được, và cho chuyển gấp về Mỹ.

        Mặt khác, vào tháng 2, Đại tá Trichel đã phái gấp Thiếu tá Staver đến Luân Đôn, với nhiệm vụ điều khiển các “công tác phát hiện và công việc thẩm vấn các chuyên viên Đức về phi đạn vô tuyến điều khiển, và lo việc chuyển về Mỹ tất cả tài liệu liên quan đến V2”. Staver có bằng kỹ sư với 3 năm kinh nghiệm trong ngành hỏa tiễn. Ông làm việc cho “tiểu ban tình báo hỗn hợp Anh-Mỹ về các mục tiêu khoa học” được gọi tắt là “C.I.O.S” (CIOS được thành lập vào mùa hè 1944 do bộ Tham mưu hỗn hợp Anh-Mỹ tổ chức để khai thác một cách có hệ thống các mục tiêu khoa học của Đức). Các sĩ quan Anh-Mỹ được biệt phái đến tổ chức này để cộng tác với các nhà khoa học dân chính. Họ phải cùng hợp chung các tin tức của hai bên về vũ khí Đức, để có thể áp dụng được cho tương lai. Nhóm đại diện Mỹ ở tổ chức CIOS gồm hầu hết toàn là các sĩ quan ngành Quân cụ. Ngoài văn phòng hỏa tiễn của Staver, còn có những khác nữa hoạt động cho loại vũ khi này, có nhiệm vụ chuyên biệt như sau: đạn dược, chất nổ, đại pháo, hóa học và luyện kim. Sứ mệnh của Staver thật là nặng nề. Trước hết, ông ta phải thiết lập bảng kê khai của hàng trăm thiết bị rải rác từ vùng biển Baltique đến biên thùy xứ Thụy Sĩ, nơi người Đức hoạt động về máy phản lực và vũ khí vô tuyến điều khiển. Đoạn, ông lập bảng phân loại của hàng ngàn kỹ thuật gia được sử dụng cho việc nghiên cứu trên. Ở điểm thứ ba nữa là đặt cho mỗi căn cứ và mỗi danh xưng, một hệ suất, căn cứ vào mức độ quan trọng của chúng. Rồi ông khởi thảo 2 danh sách: danh sách đen gồm các mục tiêu chính yếu và danh sách xám dành cho  các mục tiêu phụ thuộc. Ông ta đã phải bỏ ra hai tháng trời làm việc, với 12 giờ mỗi ngày và suốt tuần không có ngày chủ nhật để lập ra các danh sách ấy. Tuy nhiên, ông sẽ không thực hiện được gì, nếu không có sự cộng tác của người Anh, một trường hợp mà sau này Staver mới thấy rõ là có cả một sự mỉa mai cho người Anh, khi ba cường quốc đối chọi nhau trong việc giành độc chiếm về V2, và khi người Anh rốt lại, bị ở sau đuôi cuộc tranh tài.

        Theo Staver, các chuyên gia Anh đã cung cấp cho ông hết 90% tin tức của họ. Họ còn thông báo cả những tin tức mà họ thu lượm được một cách bí mật ở Peenemunde cũng như cả một kế hoạch chi tiết với nhiều tấm không ảnh làm điểm tựa, cho biết rằng vùng Nordhausen là trung tâm chính yếu sản xuất V2, và là nơi trú ngụ của các chuyên gia Đức về hỏa tiễn.

        Người Anh không phải chỉ cho Staver trọn vẹn các tài liệu của họ về Peenemunde và Nordhausen, mà họ còn cho ông hơn thế nữa, là việc phát hiện ra những người có trách nhiệm thuộc hàng cao cấp trong công cuộc tìm tòi khoa học. Ngay đến lúc quân của các Đồng Minh vượt cả vào biên giới Đức, tên các người khai sáng vũ khí V vẫn hãy còn là bí mật. Nhưng điều bí mật kia, bây giờ đã trở nên là bí mật của Polichinelle, tức không còn gì bí mật nữa. Trong số hàng trăm ngàn tù binh, người ta tìm thấy một số người đã được sử dụng trong ngành vũ khí mới, và có thể tra vấn họ được. Người ta đã tìm được những tài liệu cho thấy nơi các vị trí phóng còn bỏ lại ở Pháp và Hà Lan, trong các cơ xưởng chiếm cứ được, dùng vào việc cung cấp nhiên liệu và dụng cụ cho Nordhausen và Peenemunde, nhưng việc thu lượm đầy đủ nahats là danh sách Osenberg.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 08:36:58 pm »


        Osenberg, là giáo sư ngành cơ giới ở Đại học đường Hanorve, là đảng viên Quốc xã rất cuồng tín và còn là đoàn viên của lực lượng S.S., được thống chế Goering, bổ làm trưởng phòng kế hoạch hóa của Hội đồng Khảo cứu quốc gia Đức. Với ý thức truyền thống Nhật Nhĩ Man (Đức), ông đã thảo một đồ biểu cơ cấu toàn vẹn của các dự án khoa học chiên tranh gồm cả tên của các nhà bác học và kỹ sư được sung dụng cho từng dự án với khoảng độ 15.000 người. Hơn thế nữa, cơ quan mật vụ Gestapo cũng đã điều tra kỹ về lòng trung tín của những người này, gồm cả ghi chú các đặc điểm cá nhân của họ; như là người nào nghiện rượu, người nào đánh vợ, người nào sưu tập các loại dâm thư, người nào đồng tính luyến ái, người nào có tình nhân, người nào đã du thuyết hay hội thảo ở Mỹ, Anh trước thời chiến tranh… Danh sách này rất tối ư hữu ích cho Osenberg để kiểm soát giới khoa học Đức và nói rõ hơn, ông là trùm chúa của giới này.

        Ngày 7 tháng 3 năm 1945, Sư đoàn 3 Thiếp giáp Mỹ tiến vào Cologne. Thành phố Bonn, ở cách về phía Bắc khoảng 20 cây số sẽ bị chiếm 2 ngày sau đó. Cũng vào lúc ấy, các trường Đại học được lệnh phải tiêu hủy tất cả các văn kiện liên quan đến công cuộc tìm tòi thuộc loại chiến lược. Khi các chiến xạ Mỹ tiến lại gần thì người ta đã đốt các hồ sơ mật hoặc xé và vung từng mảnh trong các phòng việc. Nhưng có một việc xảy ra người y tá Ba Lan đã phát hiện được từ các mảnh giấy vụn nằm trong chậu nước mà máy tống nước đã bị hư, có bảng kê tên, và hắn ta giao lại cho một nhân viên tình báo Anh. Sau khi phân tích thật rõ ràng là danh sách Osenberg, gồm tên và chức vụ của các thành phần nhân viên Đức phụ trách về hỏa tiễn.

        Sở Tình báo Anh lục lạo cả hồ sơ của Gestapo, nhưng người Đức đã tiêu hủy phần lớn, trước khi rút lui. Tuy nhiên, trong lúc di tản gấp rút, một số tài liệu hãy còn nguyên vẹn và lọt vào tay phe Đồng Minh.

        Chính nhờ loại chứng tích này mà Thiếu tá Staver có thể lập được danh sách đen, và ở phần tiêu đề danh sách này, ông ghi mục IV 110(b), chỉ danh của CIOS ở Nordhausen, và tên của nhà bác học W.F.Von Braun.

        Lập danh sách đen là một việc, đạt được mục tiêu lại là một việc khác, mặc đầu đã có một hệ thống được lập ra cho mục đích này: một đơn vị đặc biệt, lực lượng T, gồm các chiến sĩ có kiến thức về kỹ thuật và ngôn ngữ khác nhau, theo chân các đoàn quân, hầu chiếm lĩnh và giữ lấy tất cả các đối tượng khả dĩ ích lợi cho công việc khai thác tin tức. Sang giai đoạn kế, thì có các toán kỹ thuật là đội tiền quân hỗ hợp C.A.F.T, sẽ đánh giá sự quan trọng của các mục tiêu đề đập đến. Trường hợp không đạt được kết quả, toán C.A.F.T sẽ yêu cầu các chuyên viên dân chính Mỹ đến làm công việc điều tra tận gốc.

        Đến tháng 3 năm 1945, Đại tá Trichel đã gởi đến Luân Đôn một toán chuyên viên của công ty “General Electric”, thuộc chương trình Hermés. Thiếu tá Staver sẽ cho các người này hoạt động ngay về các mục tiêu V2, khởi từ danh sách đen, kế đến các báo cáo của lực lượng T, rồi toán C.A.F.T. Nhưng cho đến giờ này, ông cũng chưa biết phải làm sao để đi đến chỗ hoàn tất phần còn lại của sứ mệnh, nghĩa là làm thế nào để người Mỹ trọn quyền sử dụng các tài liệu kỹ thuật liên quan đến V2. Ông thường nghĩ, chỉ riêng người Mỹ thôi, các tài liệu này sẽ thỏa mãn được ước vọng của Đại tá Trichel vì ông này hy vọng tiến sớm được 20 năm nghiên cứu, ngay cả việc không có sự công bố của chuyên viên tác giả các tài liệu. Nhưng người Đức có thể đã thiêu hủy hoặc cất giấu các hồ sơ ấy rồi.

        Nhưng dù sao đi nữa, người ta cũng không thể làm gì được khi mà cái phức tạp Nordhausen-Bleicherode chưa chiếm giữ được. G.2, nhóm tình báo quân đội Mỹ, có cái luật sắt thép: họ cấm các điều tra viên kỹ thuật vào trong các vùng giao tranh, khi tất cả các cuộc chống trả chưa chấm dứt. Còn với các nhà chỉ huy quân sự Mỹ, các cuộc tìm kiếm khoa học chỉ là vấn đề phụ thuộc: mục đích chính của họ là nghiền nát cho được các lực lượng Đức và không có sự gì được phép làm trở ngại cho các cuộc hành quân, và họ từ chối nhận lãnh trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các nhà khoa học dân chính Mỹ.

        Tuy rằng Staver đang phải hành động thật gấp rút, ông ta cũng không lấy làm khó chịu về sự cấm ngăn như nói trên. Ông không phải không biết là người Anh và Nga cũng cùng đang theo đuổi các mục tiêu như ông, và ông cũng hiểu rằng ai là kẻ đầu tiên tiến vào Nordhausen và Bleicherode, sẽ là người thằng cuộc. Nhưng ông tin tưởng sẽ không phải là người Anh – và cũng ít hy vọng cho người Nga - sẽ hưởng được trái phi đạn điều khiển có tầm xa đầu tiên, để bảo đảm cho việc dễ dàng đi bước trước trong việc nghiên cứu về hỏa tiễn sau thời chiến. Sự đề quyết của ông càng vững tin hơn khi ngày 1 tháng 4 năm 1945, ông hay tin các phân đội tiền phong của Đạo quân thứ I Mỹ đã chiếm Paderborn và đang chuản bị tiến về hướng sông Elbe. Và Nordhausen với Bleicherode, cách Paderborn 145 cây số, hiện đang nằm trên trục tiến quân của sư đoàn Lucky Spearhead tức Sư đoàn 3 thiết giáp Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 08:41:23 pm »


       
9 - KHO TÀNG CHÔN GIẤU


        Ngày 1 tháng 4 năm 11945, nhằm ngày chủ nhật lễ Phục sinh, ở Bleicherode, Von Braun hay tin các chiến xa Mỹ đã đến Muhlhausen, cách 20 cây số về phía Nam. Đây chỉ là một tin đồn giả tạo, nhưng viên kỹ sư thì không biết như vậy. Tuy nhiên, ông cũng hiểu được ngày tàn của cuộc chiến đã thấy rõ. Chính Hitler, cũng ý thức được điều này. Hiện giờ, vị lãnh tụ Đảng Quốc xã chỉ còn là một kẻ tầm thường, một con bệnh run cơn, vì lâm độc do nhiều chất thuốc của bác sĩ Morell, vị y sĩ riêng của ông. Ông đã phí mất thời giờ để trút sự phẫn nộ lên các vị tướng lãnh, sau cuộc mưu sát hụt. Cho rằng dân tộc Đức đã không biết vươn mình trước thách đố của lịch sử và hậu quả là phải bị diệt vong, nên ngày 19 tháng 3, ông đã ra lệnh cho lực lượng S.S. và Quân đội phá hủy tất cả cái gì gọi là có giá trị dưới mắt kẻ thù, gồm cả các phòng thí nghiệm nghiên cứu và hồ sơ kỹ thuật.

        Albert Speer, Tổng trưởng Bộ Vũ trang và phát triển chiến tranh, đã cố gắng giãi bày, nhưng Hitler lại xung thiên kêu thét: “Nếu thua trận, thì còn gì là quốc gia. Tốt hơn hết là hủy diệt tất cả, cả chúng ta nữa, vì nước ta trở nên yếu kém và tương lai sẽ tùy thuộc vào kẻ mạnh, vào các nước phương Tây. Vả chăng, những ai còn sống sót sẽ chỉ là những kẻ hèn kém, vì các người dũng liệt đã bị giết cả rồi!”

        Hay tin chỉ thị “tiêu thổ” này, Von Braun có cảm giác rằng Speer sẽ không mong gì ngăn cản được bọn S.S. thi hành lệnh – ông biết không ai có thể cản được họ san bằng các thiết trí ở Nordhausen và Bleicherode, nhưng ông có rằng các cơ sở này không quan trọng bằng các bộ óc của nhóm Peenemunde bằng các tấn tài liệu với các tinh hoa của nó, một công trình của các chuyên gia: có ít lắm cũng 65.000 kiểu hình vẽ để chế tạo hỏa tiễn A4 đầu tiên. Vấn đề không phải là việc Đức Quốc xã hay lực lượng S.S. hay Fuhrer chưa bị hủy diệt, vì cả ba đã thuộc về quá khứ, mà vấn đề chính là hỏa tiễn và tài liệu kỹ thuật, chính chúng phải thuộc về tương lai. Do đó, Von Braun quyết định không tuân lệnh Hitler để bảo toàn các dự án của V2, đã tạo nên kho tài liệu khoa học duy nhất trên thế giới. Dornberger cũng đồng ý kiến như vậy và cả hai người không giấu giếm để liều lĩnh tỏ ra các nỗi ưu tư trầm trọng bên cạnh đám S.S.

        Tiếng đồn cho biết có sự xuất hiện của thiết giáp Mỹ ở Muhlhausen, là động cơ thúc đẩy Von Braun phải hành động gấp. Ông cho mời Dieter Huzel và Bernhard Tessman đến. D. Huzel là kỹ sư điện, bị động viên như một tên lính thường hồi năm 1942, ông ta được sử dụng như là tài xế xe vận tải ở mặt trận Nga. Về sau, ông được thuyên chuyển đến Peenemunde và dù chưa bao giờ giữ một vai trò nổi bật nào, ông ta được làm tùy viên cho Von Braun. Còn Tessman, một cộng sự viên có kinh nghiệm, có trách nhiệm về các giàn phóng ở Peenemunde.

        Von Braun giao cho 2 người này một nhiệm vụ hết sức đặc biệt lẫn khó khăn: gom tất cả các tài liệu kỹ thuật căn bản của V2 ở Nordhausen, Bleicherode và các vùng phụ cận, chở tất cả trong các xe vận tải và cất giấu chúng vào một nơi nào đó. Von Braun chỉ xác định với Huzel: “Điều tốt hơn hết tất nhiên là chỉ tìm giấu nơi nào đó, như là cái mỏ ẩn khuất hay một cái hang. Ngoài điều này, tôi không còn ý kiến gì rõ rệt. Chúng ta không nên làm mất thì giờ nữa.”

        Cũng ngay hôm chủ nhật lễ Phục Sinh ấy, Hans Kammler cũng hay tin vào lúc xế chiều quân Mỹ đã đến gần Nordhausen và Bleicherode. Tướng Kammler không những là ủy viên đặc biệt của chương trình hỏa tiễn V, mà ông ta còn là đặc ủy của dự án, có mục đích “phá vỡ sự khống chế không gian” và cũng là tổng ủy viên của chương trình máy bay phản lực. Vì không còn vấn đề phóng phi đạn V, nên Kammler đã dồn mọi nỗ lực vào những cố gắng khác, nhưng bất kể các cố gắng đầy nhiệt tình của ông ta, không phận Đức vẫn bị oanh tạc cơ Đồng Minh khuấy động dữ dội.

        Tướng Dornberger có ghi: “Đêm như ngày, Kammler bươn chải khắp nơi, từ một giờ sáng, đã có các phiên họp ở nào nào đó trong dãy núi cổ Harz, hoặc là, chúng tôi gặp ông ta vào lúc nửa đêm trên xa lộ và sau một câu chuyện chớp nhoáng, ai về đường nấy để lo công việc. Chúng tôi đang là con mồi của một căng thẳng thần kinh khủng khiếp. Phần vì bực tức, phần lại làm việc quá mức, chúng tôi không còn lo ngại để giữ lời gì nữa”. Khi Kammler muốn đi đâu, ông ta bắn một tràng tiểu liên để đánh thức các sĩ quan cận vệ của ông đang thiu thỉu ngủ. Ông ta bảo: “Tụi nó không cần ngủ! Tôi cũng vậy, tôi không thể ngủ được!”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2020, 11:56:46 am »

   
        Xảy ra một câu chuyện bất ngờ giữa Kammler và tên hầu cận của ông ta, Thiếu ta S.S. Stack, khiến Dornberger hiểu được rằng, tâm trạng của viên đặc ủy đã thay đổi: ông ta không chỉ là con người dễ bị kích động, mà còn là con người đang tuyệt vọng nữa. Theo Dornberger, Kammler đã ra lệnh cho Stack luôn ở cách phía sau ông ta khoảng 10 thước, khẩu tiểu lên cầm tay: nếu tình thế đến không còn lối thoát, viên Thiếu ta cận vệ được lệnh hạ ông bằng một loạt đằng sau ót.

        Đây không phải vô cớ mà Kammler sợ cuộc tiến quân của Mỹ vì đích thân ông ta đã sử dụng nhân công hai trại tập trung cho chương trình hỏa tiễn V. Ông có hai trại nằm trong vùng Nordhausen, một ngay ở tại Nordhausen, còn trại thứ hai ở Dora, cách vài cây số về phía Nam. Lúc cơ xưởng ngầm hoạt động đều đặn, thì có khoảng 22.000 tù nhân được sử dụng tại trung tâm sản xuất (Mittelwerke). Vào thời kỳ đó, bọn người này tương đối còn được đối xử tử tế, nhưng các điều kiện sống đã tệ hại dần từ hai tháng nay: đáng chú ý là ở Nordhausen, có hàng ngàn tù chính trị và những thành phần bị khai trừ khác đã không còn dịp để làm công việc sản xuất nữa. Vậy khi người Mỹ đến giải thoát các trại tập trung ở Dora và Nordhausen, tất nhiên họ sẽ xử tội người có trách nhiệm về các sự dã man mà họ khám phá ra được. Và người đó chính là Kammler vậy, ông ta biết rõ thân phận mình. Tuyệt vọng vì lý do vừa nói, nên ông ta cho lệnh bọn S.S. rút ra khỏi hai căn trại đó, hạ thủ và chọn tất cả các tù nhân không thể chuyển đi nơi khác được.

        Tuy vậy, Kammler không phải không còn chút hy vọng nào! Ông ta luôn vẫn là người ăn nói rất tài tình và khôn ngoan, chính nhờ cái tài thiên phú đó mà ông có thể chiếm được ngôi vị của một ủy viên đặc biệt, mặc dù ông ta thiếu hẳn hiểu biết về kỹ thuật. Ông không có ý để cho người Mỹ bắt và giữ, vì ông ta tính sẽ rời khỏi Nordhausen khi kẻ thù vào được đến đây. Nhưng thật ra, ông đã nghĩ đến một quỷ kế và quyết đem thi hành vào ngày 1 tháng 4 năm 1945.

        Năm trăm chuyên viên xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn trong số khoảng 5.000 kỹ thuật gia hỏa tiễn đang trú ngụ với gia đình họ tại vùng Nordhausen. 500 người này sẽ được gởi đến một nơi cách xa chừng 600 cây số, trong vùng núi “Aples bavaroises”. Theo bảo vệ, có một đoàn hộ tống hùng hậu của lực lượng an ninh S.D. (tức một bộ phận của S.S). Kammler sẽ sử dụng họ như là các con tin: ông ta sẽ thương lượng với người Mỹ  hoặc với bất cứ một đại cường nào, để chuộc mạng ông ta bằng sự trao đổi lấy toán chuyên viên đầu tiên của Đức về ngành hỏa tiễn. Nếu các toan tính này không đạt được, các chuyên gia sẽ bị hy sinh, để các bộ óc khoa học không bị lọt vào tay đối phương, cho kẻ thù của Đức Quốc xã sử dụng.

        Kammler báo cho Von Braun biết là ông ta sẽ lên đường với 500 cộng sự viên chính yếu của ông bằng chiếc tàu hỏa đặc biệt của ông ta, để ẩn náu trong vùng “resduit alpin”, một phòng tuyến cuối cùng của quân Đức. Ông ta định rằng Fuhrer và tất cả các sư đoàn S.S. cũng đang trực chỉ về nơi đó, để chỉnh đốn lại cho một lần phản công sau chót và cũng sẽ là cuộc tấn công của chiến thắng. Các cuộc nghiên cứu về hỏa tiễn sẽ được tiếp tục trong trại lính cũ Oderammergan. Các chuyên viên kỹ thuật sẽ đặt dưới sự bảo vệ của một phân đội đặc biệt S.D. Người ta phải lên đường lập tức. Vì thời giờ cấp bách, các gia đình và vật liệu phải để lại tất cả.

        Von Braun biết rằng Kammler rất khôn ngoan khi nghĩ đến vùng “resduit alpin” và ông nghi rằng nếu viên đặc ủy muốn các chuyên gia quan trọng này tề tựu lại dưới sự kiểm soát của S.S. ấy là vì ông ta có mưu tính gì thâm độc trong đầu. Nhưng phản kháng bằng cách biểu lộ tâm trạng hiện tại, sẽ không lợi ích gì, vì Kammler luôn vẫn cao tay trên quyền thế của ông ta, ngay như nếu thế lực này bị tiêu ma đi nữa, ông ta vẫn có thể hỏi tội tất cả những ai không chịu cúi đầu vâng lệnh của ông ta. Thế nên Von Braun nghĩ tốt hơn hết là nên tuân phục: từ hai cái dở nên chọn cái nào ít dở nhất. Nếu không có phương tiện, người ta vẫn có thể thực hiện được vài cuộc nghiên cứu nơi vùng “resduit alpin” này. Và thật giống như Kammler, Von Braun nuôi các hoạnh định tương lai: một kế hoạch, mở đường cho một cuộc bành trướng vĩ đại về hỏa tiễn, sau cuộc sụp đổ của Đức Quốc xã, và sau cuộc chiến. Viên kỹ sư tin rằng trong núi “baravois”, ông sẽ có thể tìm dịp thoát khỏi sự “bảo vệ” của bọn S.D. và bước vào hành động. Còn Dornberger mặc dù không còn làm việc trong khuôn khổ của chương trình hỏa tiễn, chính ông cũng đã định trốn thoát về một làng của dãy núi Aples, gần những nơi có người của toán kỳ cựu Peenemunde trú ngụ. Không tin được ở Kammler và bọn S.S. nên ông theo toán quân của quân đội Đức (Wehrmacht).

        Danh sách 500 nhà khoa học và kỹ sư được lập ngay chiều ngày 2 tháng 4 năm 1945. Họ từ giã gia đình và lên đường bằng chiếc Vergeltungs-Express, chiếc xe lửa “tốc hành báo phục”, cũng là tên đặt khá mỉa mai cho chiếc tàu hỏa đặc biết của Kammler: với chiếc đầu máy tối tân, kéo theo 12 toa có giường ngủ và 1 toa làm “restaurant”, được cung cấp thật dồi dào các món ăn lựa chọn và rượu ngon, vì vị ủy viên đặc biệt Kammler là người rất sành ăn và điệu uống. Ông ta sử dụng chiếc tàu hỏa này xuyên Âu châu, từ Peenemunde đến Nordhausen, từ La Haye đến Bá Linh và Blizna, hay bất cứ nơi nào có căn cứ V2. Từ khi các giàn phóng ở Blizna bị giải tỏa, chiếc V.Express cho nằm ụ, để dùng làm nơi trú ngụ của Kammler, các tùng viên của ông ta cùng một số kỹ thuật gia lỗi lạc. Nó thật là tiện nghi khác hẳn với lều cây, sàn gỗ dùng cho lính ở, được dựng lên quanh các trung tâm thí nghiệm.

        Chuyến xe chở 500 chuyên viên dân chính và ở kề bên có 100 vệ binh S.D. vũ trang, đã lên đường nhắm hướng về núi Alpes trực chỉ. Tuy nhiên, Von Braun không đi trong chuyến xe này, vì lớp băng bột của ông bao quanh ngực và tay, nên ông được phép lên đường bằng xe du lịch. Vừa thẳng hướng Munich, ông vừa tự hỏi điều mà tương lai sẽ riêng dành được những gì! Nhất là ông thắc mắc không hiểu Huzel và Tessman có hoàn cảnh được công tác cất giấu các tài liệu V2 hay không!
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười, 2020, 01:25:23 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2020, 01:29:45 pm »

       
*

*      *

        Buổi sáng hôm ấy, trời mưa, nhằm ngày thứ 3 tháng 4 năm 1945, có một chiếc vận tải đặc biệt do một người lính mặc đồng phục lái, đang quanh quất bò dọc con lộ nhỏ ngoằn ngoèo trên quần sơn Harz. Dieter Huzel ngồi cạnh bên tài xế, còn B. Tessman theo với 7 người lính khác chia nhau ngồi trên 3 chiếc xe chuyên chở, trọng tải 3 tấn, hiệu Opel. Có hai chiếc trong đoàn xe này có mang móc hậu. Trong xe được chứa đầy tài liệu V2 mà Huzel cho là: “rất thiết yếu cho công việc theo đuổi của chúng ta”.

        Tất cả các văn kiện nào không quan trọng đều bị đốt cả. Từ sáng sớm, Huzel và Tessman đã để hết thì giờ vào việc coi sóc cho vô thùng và chuyên chở các tài liệu mấu chốt: 14 tấn giấy tài liệu! Để dễ nhận biết sau này, các số hiệu được đóng trên hông các thùng, bằng khuôn chữ.

        Huzel được cử làm trưởng đoàn xe, nhưng ông lại không biết vị trí nào sẽ được chọn làm nơi cất giấu tài liệu. Lúc rời Nordhausen, Von Braun có trao cho một giấy thông hành đặc biệt, xác nhận rõ sứ mệnh về hồ sơ mật và yêu cầu sự giúp đỡ rộng rãi của các giới chức thẩm quyền địa phương. Nhưng Von Braun còn thêm: “mọi sáng kiến đều tùy thuộc ở bạn”.

        Huzel định đến Claustral, cách đấy chừng 45 cây số, để hỏi thăm trụ sở Quản trị khu hầm mỏ, xem có cái hang lớn nào hoặc đường hầm nào bỏ hoang ở trung vùng. Núi đồi quần sơn Harz có một vẻ đẹp hoang sơ và buồn ngấm. Đấy là một dãy liên tiếp các đường khe, dốc núi, có những khu rừng rậm, có các thôn con bên sườn núi cheo leo, lơ lửn mấy ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Một số các địa phương này là các phố thị nghỉ mát, một số khác, từ nhiều thế kỷ qua, đã là các địa điểm khai thác mỏ đồng, chì, bạc và sắt. Ba chiếc vận tải chở nặng, chạy chầm chậm. Đã nhiều lượt họ phải chui trốn dưới tàng cây, để ẩn thoát các phi cơ săn giặc của địch. Đến giữa trưa, họ tới một xóm nhỏ nằm trên một thung lũng eo hẹp, cách Claustral chừng 7 cây số. Ở đây có vẻ thuận tiện để trốn phi cơ giặc. Huzel một mình đến sở hầm mỏ. Tại đây, người ta bảo với ông rằng, không có nơi nào trong vùng này có thể thỏa mãn cho ông được. Ông đang cần một đường hầm bằng phẳng có thiết bị một đường sắt, nhưng tất cả các khu mỏ lân cận chỉ có mỗi một cái giếng hầm thẳng đứng. Hơn nữa, cái mỏ này hiện đang khai thác, làm sao công việc thoát khỏi cặp mắt của hàng trăm thợ mỏ làm công việc ở đó. Một trong các kỹ sư hầm mỏ khuyên ông đến phân cuộc Goslar cách đấy khoảng 25 cây số, có thể sẽ gặp may mắn hơn. Huzel vừa lo ngại cho các xe vận tải đang chờ đợi, vừa lo chạy gấp đến Goslar. Và lần này nữa, người ta lại trả lời với ông là ở đây không có gì để giúp ông được: tất cả các khu mỏ đá nhét đầy tài liệu của chính phủ được mang đến từ Bá Linh. Vì nóng lòng nên giận dữ, ông thét lên: “Tôi có ở đây với số tài liệu quan trọng nhất của nước Đức hiện có, mà tôi cũng không thể tìm được một chỗ nào để cất sao!” Ngay lúc đương còn giận, ông bước ra cửa thì người đối thoại vừa rồi gọi ông lại: ông ta vừa nghĩ đến một khu mỏ cổ hoang ở làng Dornten, cách đây chừng 15 cây số trên dãy núi ngang của quần sơn Harz về phía Bắc. Tuy nhiên, nơi đó có thể rất thuận lợi cho khách.

        Hai người này gấp rút chạy nhanh đến Dornten. Trước mặt họ, có cái tháp của một giếng hầm thẳng đứng, được dựng lên đúng vào lằn ranh của một xóm nhỏ, nhưng xa hơn chút nữa, họ thấy được ngõ vào của một khu mỏ bằng phẳng, được mở ra ngang sườn đồi, hơi lài dốc. Việc khai thác đã ngưng hoạt động từ lâu, vì khoáng chất ở đây chứa thành phần chất sắt rất kém, khó có thể sinh lợi khá được. Thế nên không mấy ai chịu sống ở đây, ngoài một đôi vợ chồng già, làm gác dan khu mỏ này; đó là gia đình Bebelung.

        Khi Huzel trình bày với ông ta rằng ông muốn được gởi vào kho các tài liệu quân sự rất bí mật và thật quan trọng. Nebelung được toàn quyền quyết liệu. Tuy nhiên, viên kỹ sư không đả động gì đến việc nói rõ cho ông biết các tài liệu ấy là tượng trưng cho tất cả vốn liếng hiểu biết hiện nay trong lãnh vực phi đạn điều khiển xuyên lục địa. Cả người đại diện các khu mỏ đang cùng đi với ông cũng không hay biết gì cả. Người gác dan già trao cho các vị khách loại quần áo làm việc, nón, đèn của thợ mỏ và dẫn họ tới khu mỏ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2020, 04:12:05 pm »

 
        Ba người đi sâu vào đường hầm cái, được phân nhánh bằng nhiều đường hầm phụ. Khi bọn họ vào được vài trăm thước dọc theo con đường sắt trong hầm, Nebelung dừng lại và chĩa thẳng chiếc đèn soi vào một con đường hầm phụ, ông ta nói: “Ở cuối nhánh đường hầm này có một gian phòng trống và khô ráo, trước kia dùng làm kho chứa chất nổ”. Vào được khoảng 100 thước, bộ ba đến trước chiếc cửa sắt thật nặng nề. Người gác mở cửa: gian phòng cao khoảng 3 trước 50. Huzel cho rằng gian hầm này “rất thích hợp”. Nhưng còn một vấn đề: với sự trợ giúp của Tessman và 7 người lính, làm sao để đem được 14 tấn thùng hồ sơ đến cửa vào đường hầm, trước khi quân Mỹ đến đây, khi bọn địch chỉ còn cách 45 cây số và đang tiến rất nhanh chóng lại gần?

        Nebelung cho ý kiến: có mấy cái toa chở đất và một đầu máy xe lửa điện. Đã nhiều năm rồi, chúng không được sử dụng, nhưng có thể sạc điện trong lúc ban đêm để sáng ngày hôm sau, có thể cho chạy được. Huzel đồng ý ngay đề nghị này – không có sự lựa chọn. Đoạn, ông vội vã trở lại thung lũng hẹp, nơi đang chờ đợi 3 chiếc xe vận tải. Đến nơi, ông tạm yên tâm khi thấy bọn họ vẫn còn ở đó. B. Tessman và ông sửa soạn lên đường. Các xe vận tải đến một hầm đá hoang phế, cách Dornten độ 8 cây số. Từ vị trí này, các xe, từng chiếc một, lại gần khu mỏ vào chập tối.

        Tuy nhiên, Huzel không muốn các người lính biết đúng nơi chôn giấu, vì họ có thể sau đó bị người Mỹ bắt và phát giác với kẻ địch, nơi chôn giấu tài liệu của ông. Thế nên, ông quyết định tự lái chiếc xe thứ nhất và Tessmann cùng đi với ông. Còn toán lính sẽ bị đóng kín ở phía sau xe. Khi chiếc xe thứ nhất xuống hàng xong, ông trở lại hầm đá, tự lái chiếc thứ hai, và công việc tuần tự được tiến hành như trước.

        Trong suốt đêm ngày 4 tháng 4 năm 1945 và thêm một phần buổi sáng đẹp trời ngày 5, người ta đã xuống hàng từ các chiếc xe vận tải, cho đem các thùng tài liệu lên các toa chở đất. Các toa này được đưa đến cửa vào đường hầm phụ. Và nơi đây cả 9 người, mồ hôi ướt đẫm và phải vất vả lắm mới đem được các thùng hồ sơ đến kho chứa chất nổ trước kia. Huzel nói: “Chúng tôi đã làm việc gần đến 11 giờ sáng. Thật là mệt dừ. Các thùng thì quá nặng, mà đường hầm lại chật hẹp và dốc lên.”

        Khi chiếc thùng cuối cùng đặt vào vị trí – gian phòng nhỏ đã gần đây – ông nghĩ: “sứ mệnh đã hoàn thành”. Giờ bỗng nhiên, tôi mới cảm thấy mỏi mệt, nhìn quanh tôi, sự mệt lả của chính tôi đã phản ánh được nét dáng của các người khác. Các bạn tôi, kẻ ngồi xổm dưới đất, người đứng thẳng, lưng đều tựa vào tường, tay đặt lên đùi, mồ hôi chảy giọt và hoàn toàn rũ liệt.

        Chín người kiệt sức này rời khỏi chiếc hầm để lo tắm và ăn lót dạ. Nebelung nhận lo việc bắn cốt mìn để lấp gian hầm này lại. Và trong đêm 5 tháng 4 năm 1945, Huzel, Tessmann và các người lính đã rời khỏi nơi đây để đến một làng kế cận. Sáng hôm sau, Huzel còn trở lại khu mỏ Dornten. Ông thấy rằng, việc bắn cốt mìn “chưa được hoàn bị lắm. Các tảng đá rơi từ nóc đường hầm đã chắn cản lối đi, nhưng người ta vẫn có thể trèo lên dễ dàng để đến tận nơi cất giấu”. Ông khẩn khoản yêu cầu Nebelung thực hiện một cuộc ném tạc đạc lần nữa.

        Sau khi ông đi rồi, người gác dan lo nhiệm vụ được giao phó. Lần này, tôi vào gian phòng đã bị lấp kín hoàn toàn. Các tài liệu bây giờ đã trở thành một kho tàng bị chôn lấp. Đối với tất cả những ai còn xa lạ với loại hỏa tiễn có tầm xa, thì khu mỏ Dornten chỉ là nơi ẩn tàng 14 tấn tài liệu kỹ thuật. Nhưng đối với các người khác, thì các tài liệu này biểu trưng cho 13 năm tìm tòi độc nhất trên thế giới, các đồ án của một thứ vũ khí mà công việc thực hiện đã đòi hỏi nước Đức một sự phí tổn tương đương với từ 2 đến 3 tỷ đồng quan.

        Ngày thứ bảy, nhằm 7-4-1945, Huzel và Tessmann lên đường về. Ngay lúc ấy thì đạo quân thứ 9 của Mỹ cũng vừa đến vùng Dornten. Hai người về đến Bleicherode. Chỉ có họ biết được địa điểm chôn giấu của kho tàng, còn các người lính theo giúp họ, vẫn bị nhốt kín đàng sau xe vận tải từ lúc đi cũng như đến lúc bận về. Còn Nebelung và các người ở Goslar biết rõ các tài liệu được gởi vào kho hàng trong khu mỏ đó, nhưng họ hoàn toàn không biết tính chất của loại tài liệu này. Huzel và Tessmann không chần chờ lâu ở Bleicherode. Điều mà ngày 1 tháng 4 năm 1945 người ta cho là một tin đồn giả tạo, nay đã thành sự thật: quân Mỹ đã tới rồi. Ngày 9 tháng 4, Tessman lên đường đến núi Alpes để tìm lại Von Braun và 500 chuyên viên qui tụ trong vùng “réduit alpin” dưới sự canh chừng của bọn an ninh S.D. Huzel rồi cũng sẽ đến đó sau khi tạt ghé vào Bá Linh để thăm vị hôn thê đang ở đấy.

        Ngày 10 tháng 4 năm 1945. Tất cả hoạt động ở Mittelwerke đã đình hẳn. 4.500 kỹ thuật gia còn ở lại, trở về nhà họ ở rải rác trong các làng quanh Nordhausen. Các thiết giáp xa Mỹ đã tới Esspechenrode, chỉ còn cách cơ xưởng ngầm khoảng 10 cây số. 
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười, 2020, 04:25:30 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2020, 07:09:04 pm »


10 - NORDHAUSEN THẤT THỦ

        Ngày 10-4-1945, các đơn vị tiền phong tức các toán Task Force của sư đoàn 3 thiết giáp Mỹ, đã tới Espchenrode. Và Nordhausen chỉ là một thành phố nhỏ, sẽ bị chiếm giữ vì nó nằm trên trục tiến quân của quân đội Mỹ đến sông Elbe, nơi quân Mỹ phải tiếp giáp với Hồng quân Sô Viết.

        Sư đoàn 3 thiết giáp là thành phần của đoàn quân đổ bộ Normandie. Nó đã xuyên qua đất Pháp và ngày 25 tháng 3, sư đoàn này đã thiết lập một vùng đầu cầu tại Remagen. Buổi chiều ngày 30 tháng 3, trong khi vùng La Ruhr đang trên đà bị công hãm, thì vị tư lệnh của sư đoàn Lucky Spearhead là tướng Maurice Rose bị tử thương sau cuộc đụng độ dữ dội với chiến xa Tigre và Panther của Đức!

        Giận dữ vì chủ tướng bị sát hại, sư đoàn này hùng hổ xông quân đi trước và đến ngày 9 tháng 4 đã vượt qua sông Weser cách Nordhausen 70 cây số. Nhưng không có một ai trong các người lính của đoàn quân chiến xa, cũng không ai trong toán lính lục quân của sư đoàn 104 bộ binh, có biệt danh là sư đoàn Timberwolf, đang trợ lực cho sư đoàn 3 thiết kỵ, được nghe nói đến tên W. Von Braun hay tên W. Dornberger cũng không nghe nói đến cơ xưởng chế tạo đặt ngầm của Mitlel Werke chắc hẳn là người ta có nghe biết đến hỏa tiễn V2, nhưng đến tháng 4 năm 1945, thì V2 gần như chỉ còn trong ký ức - đây là các tiếng nổ ly kỳ đã tàn phá các thủ phủ Luân Đôn (Anh) và Bruxelles (Bỉ) trong kỳ mùa Thu và Đông vừa qua. Bởi lý do thiếu hiệu lực chính xác của loại vũ khí hoạt động tầm xa của nó, V2 không được sử dụng trên các chiến trận và lính Mỹ (GI) chỉ lo ngại về loại chiến xa "Tigre", mìn và đại bác 88 nhiều hơn vì hiệu quả về sát hại của chúng.

        Không một chuyên viên tình báo khoa học nào, cũng không có nhà bác học dân sự nào được theo các toán tiền phong Task Force của sư đoàn 3 thiết giáp đang tiến về Espchenrode, và Nordhausen, khi mà bất cứ nơi nào Lucky Spearhead giẫm chân đến, sư đoàn này đều nhanh chóng làm chủ tình hình. Sở dĩ có sự kiện trên là vì các gián điệp khoa học chỉ làm vướng bận cuộc điều binh, gây trở ngại cho công việc thiết yếu của các nhà chỉ huy quân sự là tiêu diệt cho được các lực lượng Đức và sớm chấm dứt cuộc chiến. Quân Anh và Nga, họ cũng vậy, đều không muốn các viên điều tra kỹ thuật ở trong vùng giao tranh. Ngày 10 tháng 4, đơn vị tiền phong Task Force của Đại tá Welborn đã chạm phải một sự kháng cự vừa bất ngờ, vừa đẫm máu trong làng Espchenrode: 6 đại đội ưu tú có đặt cán bộ sĩ quan cuồng tín s.s. bên trong, được Kammler gởi đến để làm chậm lại cuộc tiến quân của Mỹ, đã phải bị thanh toán bởi đoàn thiết giáp, các p.47 Thunderbolt và lực lượng bộ binh, trong các trận đánh thật ác liệt khi phải chiếm từng ngôi nhà. Trận chiến kéo dài trong 4 giờ.

        Sáng sớm hôm sau, đơn vị B của Tướng Truman Boudinot tiến vào Nordhausen. Nơi đây, chỉ gặp một sự kháng cự cầm chừng. Hai cánh quân tiền phong của Task Force, cánh xung kích mạn Bắc của Đại tá Welborn, và cánh phía Nam của Trung tá Lovelady, đã gặp lại nhau gần cùng lúc tại trung tâm thành phố, đang bị đổ nát trong khói bụi mịt mờ. Lucky Spearhead được lệnh đợi sư đoàn 104 bộ binh đến thay, rồi mới tiếp tục tiến quân về phía Đông. Đối với người của sư đoàn 3 thiết giáp, Nordhausen rồi chỉ là một câu chuyện đã qua.

        Song, Đại tá Welborn được cơ quan thám báo cho biết trước rằng ông "phải đề phòng có một sự gì hơi bất thường trong khu vực Nordhausen". Tướng Boudinol và Trung tá Lovelady cũng nhận được một sự lưu ý như vậy. Cả ba ông này đều để ý đến tính cách có chút gì bí hiểm của nguồn tin trên; và đã từng là những chiến binh già giặn, họ biết qua sự kinh nghiệm - một kinh nghiệm được trả rất đắt giá - là đã bao lần, các sở tình báo và bộ tham mưu thường hay bị lầm, nên họ không thể bị chi phối vào sự quan trọng hóa ấy.

        Nhưng, lần này, chỉ trong vòng 20 phút, trước cảnh đổ nát của thành phố Nordhausen, họ cho nhận thấy sở tình báo, nếu đã sai, có lẽ vì nguồn tin bị hiểu theo nghĩa quá gia giảm. Điều mà toán quân B khám phá ra được không phải chỉ là "một cái gì có chút bất thường" như tin đã được lưu ý, mà nó còn là cái gì đã làm cho ngay cả tướng Truman Boudinot phải phát rét", trong khi lính GI (Mỹ) của sư đoàn 8 thiết giáp đã từng xem vị tướng này còn lỳ lợm hơn cả danh tướng thiết giáp Patton.

        Boudinot được dẫn đến một trại tập trung ở Nordhausen để chứng kiến hằng trăm xác chết nằm trơ dưới đất, hoặc sắp lớp trong các liều gỗ "phân nửa trần truồng, miệng há hốc nằm trên bùn, trong cỏ hoặc chất chồng như các khúc củi nằm trong các góc lều hay dưới cầu thang".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2020, 07:15:47 pm »


        Một mùi nồng nặc xác chết tỏa tràn trong không khí. Còn một số "sinh vật" hãy còn sống với "da bọc xương", rách rưới, khấp khểnh tiến lại gần, đưa tay quờ quạng. Ở trại tập trung Nordhausen, có đến hàng ngàn "sinh vật loại người không ra người" như vậy, bên khoảng độ năm ngàn cơ thể đang ở "thời kỳ bị phân rữa ít nhiều".

        Tướng Boudinot chưa bao giờ chứng kiến phải một cảnh tượng ghê khiếp như vậy, và cũng sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng rất thương tâm này! Ông không có ý định trù trừ ở lại Nordhausen, nhưng trước buổi hoàng hôn, ông lại bị rơi vào một cái gì "quái dị" hơn nữa. Cách 4 cây số về phía Tây Bắc của thành phố Niedersachswerfen, Đại tá Welborn và Trung tá Lovelady gặp những hình nhân da boc xương, khoác chiếc áo choàng sọc rằn, nói với họ bằng những ngôn từ không hiểu được. Các thông ngôn dịch lại mấy điều của họ nói là các bộ xương đói rách lang thang này muốn cho người Mỹ biết "có cái gì ly kỳ... quan trọng... ở trong lòng núi...". Hai sĩ quan Mỹ thuận để cho họ đưa tới cửa miệng một đường hầm rộng lớn. Nơi đây, có đường ray chạy sâu vào lòng nui. Các ông này thấy một số các vật dài, sắc nhọn, có gắn 4 tai cánh và được đặt trên sàn phẳng của các chiếc xe vận tải. Họ bèn thông báo tức khắc bằng vô tuyến cho sĩ quan tình báo của đơn vị là Thiếu tá William Castille biết. Khi ông này đến nơi, cả ba đi sâu vào trong đường hầm. Họ biết ngay là họ đang ở trong cơ xưởng ngầm, nơi đã chế tạo loại vũ khí V.

        Castille có cảm tưởng như đang lạc vào "hang động của vị phù thủy nào". Hai đường hầm song song, dài khoảng gần 2 cây số, được đào sâu trong núi đá. Các bộ phận của V1 và V2 được chất thành những lớp lang đều đặn. Những đường hầm phụ nằm ngang được trang bị các dụng cụ và máy móc điều chỉnh. Điện thoại, quạt máy, và đèn điện ở đây hoạt động không ngừng. Cả một cơ sở ngầm vĩ đại và rất phức tạp hãy còn nguyên vẹn. Theo vẻ bề ngoài của nó, thì có lẽ các chuyên viên, và những người có nhiệm vụ bảo vệ đã rút đi, để lại nguyên vẹn cơ sở này. Castille thông báo ngay sự khám phá đặc biệt này cho tổng hành dinh Sở Tình báo quân đội, đặt bản doanh tại Ba Lê, và các người ở đây đến phiên họ, cũng báo cho các toán chuyên môn của ngành Quân cụ, hiện đang đặc biệt quan tâm đến vũ khí V.

        Ngoài ra, Castille, Welborn và Lovelady còn bắt gặp một nơi mới nữa cũng rất khốc liệt: trại tập trung Dora. Mỗi sáng sớm từ 4 giờ, các tù nhân ở Nordhausen lên đường đến cơ xưởng ngầm, nhưng Dora thì ở tại khu vực của cơ sở. Hằng hà tù nhân đã bị điên điên khùng khùng, vì đói khát, đã đón mừng các người Mỹ với một nỗi vui cuồng loạn. Năm người trong bọn họ muốn công kênh Trung úy Gontard, nhưng họ lại yếu đến độ không đưa nỗi người Mỹ này lên vai họ. Các toán quân y cấp tốc điều động đến Dora. Hàng ngàn kẻ đáng thương kia được khẩn cấp chở đến nhà thương bằng cáng hay xe hồng thập tự. Còn xe ủi đất của công binh, đào các hố khổng lồ để chôn hàng trăm xác chết. Sự hiện diện của người Mỹ ở đây đây đã tạo nên một hỗn loạn và bọn S.S. trong khi lo bôn tẩu, không còn kịp thi hành các chỉ thị của Kammler nhằm tiêu hủy tất cả các chứng tích tàn bạo của trại tập trung.

        Ngày hôm sau, 12 tháng 4 năm 45, khi có sư đoàn 04 bộ binh đến thay, sư đoàn 3 thiết rời Nordhausen và tiếp tục cuộc hành trình về phía Đông, theo hướng Sangerhausen và Saale. Các hình ảnh gợi lại những gì đã chứng kiến trong hai trại tập trung của tử thần, làm cho lính thiết kỵ của sư đoàn 3, càng trở nên giận dữ, trong những trận đánh sau cùng của cuộc chiến.

        Đại tá Trichel, chỉ huy trưởng phân bộ hỏa tiễn của Ngũ Giác Đài, từ tháng 3, đã yêu cầu Đại tá Toftoy trưởng ban tin tức kỹ thuật của ngành Quân cụ ở Ba Lê, cho gởi về White Sands, 100 hỏa tiễn V2. Toftoy đã đoán trước rằng Mittelwerke sẽ nằm trong tay của sư đoàn Timberwolf, nhưng cho đến giờ này, ông cũng chưa tìm được dù chỉ một chiếc V2 thôi, ở tình trạng sử dụng được, vì quân Đức đã phóng tất cả các hỏa tiễn của họ, theo nhu cầu cung ứng cho trường bắn. Từ nay về sau, người Mỹ và chỉ có họ thôi, là sở hữu chủ của tất cả các cơ xưởng hỏa tiễn này.

        Đem các V2 ra khỏi nước Đức đầy hỗn loạn này, nơi cuộc chiến còn đang tiếp diễn, nơi đường sá bị tắt nghẽn cả lối đi, và các đường xe lửa bị phá hủy vì bị oanh tạc, để đưa chúng đến Anvers (hải cảng xứ Bỉ) là cả một sự khó khăn vô kể. Tuy nhiên, vì người Mỹ đã kiểm soát Mittelwerke và tất cả các vùng phụ cận nên Đại tá Toftoy không còn lý do để bảo rằng công tác không thể thực hiện được. Ông lo hoạch định cho chuyển các hỏa tiễn V2 và dành ưu tiên một cho cuộc di tản này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2020, 07:23:22 pm »

        
        Và bây giờ thì Thiếu tá Staver có thể đi vào hành động. Ngày 20-4, ông đến bản doanh của ngành Quân cụ ở Ba Lê, và có ý muốn Nordhausen nếu điều kiện cho phép. Đợi cho vùng Nordhausen được giải tỏa là ông sẽ gởi gấp các kỹ sư dân sự của chương trình Hermès đến tất cả các khu vực đã dứt hẳn sự kháng cự của địch.

        Sở Tình báo Anh đã đưa đến cho ông một bản văn như sau:

        Cios số: - 4/1491
        Ưu tiên: - 01
        Vị trí: - ở khoảng mười cây số về phía Tây-Nam Garmisch - Partenkirchen (Tyrol).
        Hoạt động: - nghiên cứu và thực hiện loại hỏa tiễn và phi đạn điều khiển.
        Nhân sự: - Giáo sư tiến sĩ Wernher Freiherr Von Braun
        - Giám đốc Riedel
        - Tiến sĩ Demant (hoặc Demanz)
        - Kỹ sư trưởng Ludewig (xem nơi số 4/ 95 cho những tên của các vị khác)


        Chú thích: - Phúc trình đáng tin cậy, báo cho biết phần lớn cơ sở nghiên cứu ở Peenemunde (4/95) được mang đến nơi này. Cơ xưởng ngầm được đào sâu trong núi.

        Staver đã đề tên ông Von Braun ngay trên đầu bảng danh sách đen và ông nhăn mặt tiếc rẻ khi hay tin viên Giám đốc kỹ thuật của chương V2 và một số cộng sự viên ưu tú của ông này đã cùng đến Bavière. Nhưng, dù có cuộc di chuyển đột ngột của nhóm người tối ư quan trọng kia, Nordhausen vẫn luôn luôn là mục tiêu căn bản của vị Thiếu tá này. Ông cho rằng hẳn phải có một số lớn các chuyên viên còn ở lại và tất nhiên nhiều tài liệu sẽ cũng được để lại. Vùng "Alpes bavaroises" rồi đến lúc cũng sẽ bị chiếm bởi quân Mỹ, nhưng Staver có lý để tin rằng muốn chiếm được vùng ấy, cũng phải bị mất nhiều tháng nữa.

        Thật vậy, các vị chỉ huy quân sự Mỹ, cho các lời tuyên bố lặp đi lặp lại của Hitler và các chức quyền cao cấp của Đức Quốc Xã là thật, khi họ quả quyết là đã chuẩn bị một cuộc sửa soạn cho cuộc kháng chiến ở tại nút Bavière. Chính Tướng Eisenhower, ngày 11-3-45, đã nhận được một phúc trình mật cho rằng quân Đức đã thiết lập trong núi Alpes, một vị trí kháng cự cuối cùng "mà tính chất của địa thế thực rất khó vào được", và tiếp theo bản phúc trình thì chính nơi đây, được bảo vệ nhờ lợi thế của thiên nhiên và vũ khí bí mật rất có hiệu lực, chưa từng được sáng chế bao giờ, các sức mạnh đã từng dẫn dắt nước Đức cho tới giờ này, sẽ được hồi sinh để chuẩn bị khôi phục lại nước Đức. Cũng chính nơi đây, các chiến cụ sẽ được chế tạo trong các cơ xưởng an toàn trước bom đạn, còn đồ tiếp tế và trang bị sẽ tồn trữ trong các hang ngầm rộng lớn và các phân đội lính trẻ được đặc biệt chọn lựa ra, sẽ tập luyện theo lối du kích để tạo một đội quân bí mật, có nhiệm vụ giải phóng nước Đức thoát khỏi các lực lượng chiếm đóng.

        Tướng Bedell Smith, tham mưu trưởng của Eisenhower, suy tính kỹ càng về một "trận chiến kéo dài", sẽ làm hao nhiều nhân mạng, để chiếm lấy tuyến thủ cuối cùng của Đức.

        Căn cứ vào các viễn tượng trên, Staver hết hy vọng quân đội Mỹ kỳ này tiến được vào vùng mà nơi ấy các chuyên viên hỏa tiễn Đức đang làm việc. Và ngay cả khi quân đội Mỹ bao vây được vùng này đi nữa, thì các chuyên viên kia ắt sẽ liệu cho một cuộc lui trốn lý tưởng từ các thành lũy thiên nhiên rất kiên cố, vì dãy Alpes "austro - bavaroises" là một tiếp hợp các rừng rậm, đầy ổ chim ưng, với nhiều mũi đất cao sừng sững, có tuyết băng phủ mờ. Và trò chơi trốn kiếm nơi đây sẽ kéo dài đến vô tận. Thế nên Staver quyết định đến Nordhausen, nơi đây có lực lượng T của đoàn quân thứ nhất đang trấn giữ. Chờ ngày kia, khi phòng tuyến Alpes thất thủ, chừng ấy ông sẽ tiếp tục cuộc truy tìm ở Bavière.

        Sự gấp rút của Thiếu tá Staver rất chính đáng vì các cơ quan tình báo Anh và Nga cũng đang theo cùng nhịp bước như ông, nhưng có điều là từ rày về sau, họ thật khó có thể thắng lướt được người Mỹ. Dù vậy, Staver lại còn phải đương đầu với một nguy cơ cũng khá trầm trọng, đến từ các cơ quan riêng biệt của quân đội Mỹ. Các toán kỹ thuật của Hải quân và Không quân Mỹ đang tranh giành hoạt động và có thể tước cả công khó của cơ Sở Tình báo Quân cụ. Nắm cho được trong tay loại V2 là mục tiêu số 1 của tất cả các đối thủ hiện giờ.

        Toán cố vấn và khoa học của quân lực, một cơ quan tối mật, do tướng Arnold lập ra và điều khiển bởi giáo sư Theodore Von Karman, đã thu thập được vô số tin tức về các tiến bộ khoa học sau cùng của Đức, trong lãnh vực khí động học. Khi tướng Knerr, phó tổng giám đốc cơ quan chiến lược không lực Mỹ (U.S.S.T.A.F.) ở Âu châu, hiểu rõ tầm quan trọng các khám phá của Karman và toán cộng sự của ông ta, thì vào tháng 3-1945, ông viết cho tướng Spaatz, chỉ huy cơ sở USSTAF: "Việc chiếm giữ các cơ sở khoa học và kỹ nghệ Đức cho biết là chúng ta đã có một chậm trễ đáng ngại trong số các lãnh vực tìm tòi. Nếu chúng ta không nắm ngay cơ hội, để đoạt lấy các vật liệu kia và các bộ óc đã khai sáng ra chúng, và để theo đuổi tiếp các công trình này, thì chúng ta sẽ còn bị trễ nải nhiều năm, đó là lúc chúng ta sẽ phải nghiên cứu lại các chứng nghiệm đã được khai thác rồi".

------------------
        1. Nguyên văn trong sách. Có lẽ Cios sốchỉ số ? - Giangtvx
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2020, 07:37:38 pm »


        Khi Robert Lowett, phụ tá Bộ Chiến tranh, đặc trách ngành Không quân, vào đầu tháng 4-1945, đến thị sát các khu chiến ở Âu châu, tướng Knerr có nài nỉ ông giúp lưu ý bên cạnh Bộ Chiến tranh, thế nào để người ta không tra vấn các nhà khoa học Đức bị bắt giữ, và cho mang họ về Mỹ, để họ có thê tiếp tục công trình nghiên cứu của họ ở bên đó. Ông còn đề nghị thêm là nếu cho các nhà khoa học này được di tản với cả gia đình của họ, "không những vì lý do trấn an tinh thần, khi họ thấy gia đình được an toàn", mà còn ngăn cản được người Nga sử dụng các sinh vật quý giá này như các con tin.

        Các lời khuyến cáo trên không được cứu xét ngay nhưng cũng đã gây được một hậu quả trong việc sưu tầm tin tức. Bộ Chiến tranh khởi xét việc có thể nào chấp nhận được một công tác chưa bao giờ có trong lịch sử Mỹ quốc là cho du nhập đông đảo các nhà bác học tù nhân Đức vào nước Mỹ. Kinh nghiệm của họ sẽ rất hữu ích trong cuộc chiến với người Nhật hiện đang còn tiếp diễn lâu dài sau cuộc chiến thắng ở Âu châu. Vả lại, cuộc du nhập này còn cấm ngăn được Nga Sô thừa hưởng các thu hoạch khoa học của người Đức.

        Các điều tra viên, như Thiếu tá Staver, hiển nhiên không thể biết được kế hoạch trên đang được tiến hành ở Hoa Thịnh Đốn, và bọn họ tiếp tục hành sự cho đến cuối tháng 6.

        Bộ Chiến tranh biết người Nga đã dấn thân vào cuộc chiến theo đúng nghĩa của nó, để quyết tâm thực hiện các chương trình dài hạn. Năm 1945 Liên Bang Sô Viết - mặc dù nước này đã lấy được bí mật về bom nguyên tử của Đồng Minh họ, chưa có những hỏa tiễn to lớn, không cả máy bay phản lực, cũng không có tiềm thủy đĩnh thôi lực điện. Vậy mà người Đức đã có hỏa tiễn, có máy phản lực, có tàu ngầm điện: thật rõ ràng là cơ quan tình báo Sô Viết đã cố gắng chiếm cho được các phát minh trên cũng như nhiều khám phá khác nữa.

        Thật vậy, một ủy ban đặc biệt, do Malenkov điều khiển, được lập ra vào cuối năm 1944. Dưới sự bảo trợ của Hội đồng các ủy viên Nhân dân. ủy ban này gồm các đại diện của viện Dụng cụ hàng không (VIAM, của Trung ương Học viện Khí động học và Thủy động học (TSAGI), của viện nghiên cứu Khoa học về trang bị hàng không (NISO) và các kỹ sư thuộc các ủy hội khác, gồm luôn cả những đặc quyền, để có danh sách về nhân sự và các cơ sở thiết trí, họ phải bám theo chân binh đội Hồng quân và điệp viên đang hoạt động tại Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Tiệp Khắc, Áo và Đức. Đến tháng 2-1945, tại hội nghị Yalta, Staline đã đòi một bồi khoản tương đương với khoảng mười tỷ đô la, và các nhóm trên có quyền thu các món nợ.

        Vì người Mỹ đã chiếm được cao nguyên Harz, nơi có liên quan ít nhất là với hỏa tiễn có tầm xa của Đức và các người đã sáng chế ra chúng, nên người Nga sẽ bị vỡ mộng như trước kia họ đã thất vọng ở Blizna và ở Peenemunde. Tất nhiên, Thiếu tá Staver cũng không biết một cách đích xác các ý định của Nga Sô như thế nào, nhưng ông tin rằng người Nga sẽ không chịu thua một cách quá dễ dàng về V2, ngay như nếu chính người Mỹ đã phỗng tay trên. Ông lại còn ngại cả sự ganh đua của người Anh. Thế nên, ông phải cấp bách đến Nordhausen để hoàn thành công tác mà Đại tá Trichel đã giao phó.

        Nhờ người Anh đã cho biết là Von Braun và các cộng sự viên quan trọng đã rút về núi Alpes, nên vị Thiếu tá này, trước khi đi, còn để lại một mật văn, cốt ý để giúp tiến sĩ Richard Porter, trưởng toán kỹ sư dân chính của chương trình Hermès, tiện việc theo dõi.

        Porter, 32 tuổi, sinh ở Salina, thuộc tiểu bang Kansas. Khi công ty General Electric chọn ông để điều khiển chương trình Hermès, ông được xem như là một trong các nhà bác học trẻ sáng chói nhất của Mỹ. Ông đã từng lãnh trách nhiệm hoàn thành hệ thống điều khiển xạ kích điện tử của oanh tạc cơ B.29. Trong khi chờ lúc có thể đảm trách công việc nghiên cứu khoa học về V2 Porter và các cộng sự viên lo nghiên cứu về các mục tiêu khác của phi đạn vô tuyến điều khiển, trong khu vực của Mỹ.

        Staver tin rằng Porter, đang ở bên đại học Heidellberg. Ông muốn là đến khi nào Porter trở lại Ba Lê, ông này sẽ hiểu được là có một số lớn các chuyên viên hỏa tiễn Đức hiện đang ở tại Bavière. Nếu quân Mỹ thành công chiếm giữ được "phòng tuyến cuối cùng của Đức" nhanh hơn người ta mong đợi, thì Porter sẽ được chỉ thị bỏ tất cả các cuộc điều tra khác trong khuôn khổ của danh sách đen và bằng mọi cách, với thời hạn nhanh nhất, tìm cho được Von Braun và các cộng sự viên của nhà bác học này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM