Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:27:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler  (Đọc 7392 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:54:34 am »

     
        Nhưng chiếc phóng pháo cơ đã không cất cánh dược. Các bánh xe của nó trơn trợt trong đất bùn lầy lội. Hai mươi phút hạn định cho công tác, bây giờ giống như một trò đùa bi thảm. Sau bao nhiều toan tính vô hiệu – đã gần một giờ trôi qua, kể từ khi đáp xuống – viên phi công đề nghị đem các thùng đồ xuống và cho giấu lại lần nữa, đoạn đốt chiếc Dakota đi.

        Nhưng các người Ba Lan không nản chí, họ chạy đến ngôi làng gần nhất và trở lại với cuốc, xẻng và cuốc nhọn. Họ đào các mương rãnh hơi dốc trước các bánh xe của phi cơ, rồi đặt vào đấy các mảnh ván và rơm. Độ nửa giờ sau, chiếc Dakota rít lên, lấy tốc độ và rời khỏi mặt đất, trong khi toán người kháng chiến biến dạng trong khu rừng. Một chứng nhân được mục kích viết: “Các người Đức, ở rất gần đấy, phải chăng vì các cuộc hành quân mệt nhọc, đã quá mỏi mòn, để không còn lo ngại đến cái gì sẽ xảy ra. Hoặc là họ không thể liều lĩnh để công khái chống lại vũ khí bí mật… Họ đã không tỏ vẻ gì sinh động trong các cuộc hành quân. Nhờ vậy mà một vũ khí quân sự, có tầm thước ở hàng đầu đã lọt vào tay địch, ngay trước mặt họ!”

        Chiếc Dakota, về tới Brindisi, không gặp một trở lực nào. Từ đó, Kocjan, các đồ hình và các bộ phận rời của hỏa tiễn được đưa thẳng về Anh quốc. Người Ba Lan này là chuyên viên kỹ thuật duy nhất của trại Đồng Minh, chưa bao giờ thấy và nghiên cứu chiếc hỏa tiễn có tầm xa và còn nguyên vẹn của Đức. Ông lại bị chất vấn ngày đêm trong một tuần lễ tại Farnborough. Người ta đề nghị ông ở lại Anh quốc, nhưng ông phải trở về xứ của ông: vì ở đó, ông còn nhiều việc phải làm. Thủ tướng Anh W. Churchill có viết về ông: “Ông A. Kocjan, con người dũng cảm ấy đã trở về Ba Lan. Sau đó, ông bị bọn Gestapo bắt được và bị hành quyết tại Varsovie ngày 13 tháng 8 năm 1944.”

        Các tin tức do Kocjan đem lại, thêm vào cái gì mà người ta tìm được khi quan sát các mảnh vỡ “Spécimen de Kalmar”, cho phép các vị chỉ huy Đồng Minh biết “đích xác cái gì mong đợi” ở “Big-Ben” như Churchill đã nói, Big-Ben bây giờ là danh từ mà Sở Tình báo Anh dùng để chỉ hỏa tiễn có tầm hoạt động xa đó.

        Kế hoạch Big-Ben, một kế hoạch tối mật có nhiệm vụ phân tích và kiến tạo lại các phi đạn thu lấy được, được đặt dưới quyền điều khiển của Sir Alwyn Crow, chuyên viên về ngành hỏa tiễn. Nhưng toán công tác với ông không phải gồm toàn người Anh – Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến Big–Ben và các đại diện cơ quan kỹ thuật quân đội Mỹ bị lôi cuốn đến Farnborough. Một trong các người này là Thiếu tá Thomas Dixon, được văn phòng pháo đội Hải quân Mỹ phái đến Anh quốc. Ông thấy “rất giản dị” để làm sáng tỏ bí mật của Big-Ben: Chúng ta đã có những yếu tố của “Ogive”, máy “bơm-tuốc-bin” (turbo-pompes) và phòng đốt. Từ các dữ kiện đó, chúng ta thực hiện một cuộc nghiên cứu khoa học, nhằm xác định đặc điểm của hỏa tiễn về vấn đề phóng lực, phản lực và tầm bắn. Trong vòng 15 ngày, chúng ta có thể nắm được tất cả những điều rõ rệt trong tay.

        Tiếp theo đó, Von Braun cũng thú nhận là: “Sở Tình báo Anh đã làm một công tác đáng để ý, khi tạo lập lại rất đúng chiếc V2 và các cấu thành của nó.” Nhưng, cái mẩu tái tạo kia lại là nguồn lo lắng đáng ngại. Big-Ben biểu trưng như một vũ khí vô tiền khoáng hậu trong lịch sử chiến tranh, thứ vũ khí có cái gì làm cho chúng ta phải rùng mình rởn gáy. Cân nặng khoảng 12 tấn, dài 14 thước với đường kính 1 thước 50, “Ogive” mang gần 1 tấn siêu chất nổ, và có tầm hoạt động tối đa là 340 cây số, điều này có nghĩa là chiếc hỏa tiễn xuất phát từ vùng bờ biển Pháp hay Hà Lan, có thể rơi một cách dễ dàng vào chỗ tập trung dân chúng ở Luân Đôn. Trái với tất cả những gì người ta đã tưởng, việc điều khiển hỏa tiễn chắc chắn không phải bằng vô tuyến mà do một con quay hồi chuyển bên trong, không thể nào làm sai lệch được. V2 còn là một vũ khí siêu âm, không phải như trường hợp của V1; nói khác đi, người ta sẽ vừa không thấy nó, vừa không nghe nó, và cũng không thể nào ngăn chặn nó được như trường hợp của V1. Dr. Jones, chủ tịch ngành tin tức khoa học của Bộ Không quân Anh, thông báo cho Thủ tướng Churchill rằng họ “có thể đã có khoảng một ngàn hỏa tiễn thuộc loại này!”

        Tất cả sự kiện trên không đem lại lạc quan mấy, nhưng dù vậy, từ các viễn ảnh ghê gớm kia, người ta đã không tìm ra được một căn cứ cố định nào mà theo như người ta tưởng, là rất cần thiết cho việc phóng một hỏa tiễn có tầm vóc như vậy. Và ngay như nếu các giàn phóng ấy có thực, quân đội Đồng Minh cũng đã trên đà đẩy lui quân Đức về bên kia đường giới định mệnh 340 cây số, tầm hoạt động của V2. Sauk hi đã tạo ra cho bao nhiêu lo âu và trả giá bằng bao nhiêu cố gắng, rất có thể có là Big-Ben sẽ không bao giờ hoạt động, ít nhất cũng có nghĩ như vậy.

        Tuy nhiên, các nhà phân tích lạc quan nhất đã nhượng quyền cho một người duy nhất, có thể nói thật đúng khi nào chiếc “hỏa tiễn Hitler” sẽ được phóng vào Anh quốc: chính Adoft Hitler vậy.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:34:13 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:57:51 am »

      
        
6 - V2 TẤN CÔNG


        Ngày 20 tháng 7 năm 1944, Hitler vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc vì một quả bom nổ chậm mà Đại tá Bá tước Von Stauffenberg đã đặt phía dưới bàn hội của ông ở tổng hành dinh thuộc Đông Phổ. Nhiều sĩ quan cao cấp đã nhúng tay vào vụ mưu sát này. Thế nên sự bất tín nhiệm của ông đối với hàng tướng lãnh từ trước, nay đổi thành căm hờn và khinh bỉ.

        Himmler và bọn S.S. trung thành của ông ta bây giờ trở nên lực lượng thống trị toàn cõi Đức Quốc Xã. Thái độ của Hitler đối với tướng lãnh gây ra nhiều hậu quả. Một trong những hậu quả ấy đã giúp Himmler dẹp được chướng ngại từ lâu cản trở ông ta trên đường thực hiện giấc mộng. Chiếm lấy A4. Định mệnh trớ trêu đã muốn rằng, nếu “hỏa tiễn của Hitler” không hoàn tất trước ngày 7 thì lỗi đó trước hết do Hitler gây ra, vì chính ông đã làm chậm trễ sự tiến hành của nó. Cơ quan tình báo Đồng Minh chỉ biết được sự trớ trêu này sau khi chiến tranh đã chấm dứt.

        Nhưng, lúc bấy giờ Fuhrer bắt buộc V2 phải được sử dụng liền, càng sớm càng tốt. Ông đang la lối đòi xóa tên Luân Đôn trên bản đồ thế giới. Còn Himmler thì vội vàng bắt tay hành động để thực hiện ước nguyện của ông ta.

        Ngày 1 tháng 8 năm 1944 Himmler đề cử Hans Kammler chức vụ ủy viên đặc biệt của chương trình A4. Trước đây, ông này chỉ làm giám đốc phân bộ kiến trúc và chỉ chịu trách nhiệm về những việc xây cất trong khuôn khổ chương trình A4 mà thôi. Bây giờ thì ông ta nắm trọn cả quyền hành, trong bất cứ giai đoạn nào, từ lúc nghiên cứu cho đến lúc phóng A4 đi. Người ta đã đọc được câu này trong sắc lệnh có chữ ký của Himmler: “Lệnh của tôi và chỉ thị của ông ấy phải được tuân hành.”

        Thế là cuộc tranh đấu của tướng Dornberger nhằm mục đích duy trì sự kiểm soát chương trình, mà ông đã khởi công từ năm 1930, để phục vụ quân đội đã phải chấm dứt. Việc đề cử Kammler, người hiểu biết một cách hết sức hời hợt về vấn đề hỏa tiễn, đối với ông thật là một đòn tàn nhẫn. Ông cảm thấy nản chí vô cùng. Chưa đầy một tháng trước đây Kammler có nói với ông rằng: ông đáng bị đưa ra tòa án quân sự vì tội phung phí tiền của và nhân công để thực hiện điều mơ tưởng hão huyền như hỏa tiễn tầm xa. Để diễn tả tâm trạng khi ông hay tin tên S.S. này được cử làm ủy viên chương trình, ông viết: “Tôi có cái cảm tưởng của một người đã để bao nhiêu năm dài say mê chế tạo được một cây đàn quý báu, đó là một tác phẩm chỉ còn lên dây nữa thì hoàn tất. Người ấy buộc lòng phải thất vọng theo theo cảnh mặt tên tiều phu thô lỗ, không biết tí gì về âm nhạc, đang chặt đứt đàn của mình rồi liệng bỏ như một khúc củi sần sùi.”

        Tướng S.S. Kammler đã gần năm mươi tuổi. Tóc đã hoa râm, đôi mắt sắc sảo, soi mói, lúc nào cũng láo liên. Dornberger đã nói: Ông ta giống như “một loại người hùng của thời Phục Hưng, một loại người sống phiêu bạt giang hồ… với cáu mũi quặp lại như mỏ ó, với cái miệng độc địa, môi dưới trề ra, lúc nào cũng bĩu môi ngờ vực. Chính cái miệng này đã biểu lộ được bản tính của hắn ta: tàn bạo, tự phụ, khinh khỉnh và kiêu hãnh…”

        Lần đầu tiên trông thấy hắn, Dornberger thấy hắn có vẻ “đứng đắn, lịch sự và quyến rũ”. Nhưng đến lần thứ hai thì Dornberger nghĩ khác. Cũng như Von Braun, ông cho rằng đó là một con người có nghị lực nhưng xu thời, và không đủ khả năng cần thiết để điều khiển chương trình hỏa tiễn. Chỉ trong một ngày, Dornberger nhận được 123 chỉ thị qua máy viễn ấn. Trong số đó có hằng chục cái nội dung mâu thuẫn nhau và hầu hết đều vô nghĩa, vô dụng về phương tiện kỹ thuật. Chán nản, ông đã định xin từ chức, nhưng Von Braun và Steinhoff thuyết phục ông ở lại và ông đành ở lại với tư cách “sĩ quan tham mưu ngành kỹ thuật” của Kammler. Dornberger đã tỏ ra hết sức tự chủ và đệ trình lên vị ủy viên đặc biệt những đề nghị một cách khéo léo đến nỗi vị này tưởng chừng đó là những ý tưởng do mình đưa ra. Thế nên Dornberger vẫn còn đủ phương tiện làm việc để hoàn thành A4 và để dùng gấp trong việc chống quân thù.

        Trong suốt tuần lễ cuối tháng 8 năm 1944, Hans Kammler đi thanh tra những công xưởng trung ương (Mittlwerke) đặt trong làng Niedersachwerfen, cách Nordhausen 4,5 cây số. Muốn đến xưởng đó, ông phải đi bằng đường ngầm. Hai đường hầm song song, mỗi đường dài non một cây số, đã được đào sâu trong sườn núi Harz rặng núi cực Bắc nước Đức. Bốn mươi bảy đường hầm phụ dùng để chế tạo các bộ phận rời, cắt ngang đường hầm chính là nơi thực hiện công việc ráp nối và chuyển đi. Cái mê cung đó được rọi sáng nhờ những ngọn đèn gắn lên nóc hầm hình vòng cung và được thông hơi bằng những ống kính loại lớn chứa không khí đã được điều hòa ở nhiệt độ cố định.

Hỏa tiễn V2 trên nền phóng.
Viên kỹ thuật gia đứng bên cạnh cho ta một ý niệm về tầm vóc của chiếc hỏa tiễn.
Hỏa tiễn V2 vừa được phóng đi.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười, 2020, 02:29:22 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 07:01:37 am »

  
        Những đường sắt dẫn sâu vào trong các đường hầm này. Xưởng ngầm này chia ra làm hai khu vực. Một khu thì tập trung những động cơ của Junker, còn khu kia dành cho V1 và V2. Đứng bên ngoài người ta không thể nghi ngờ điều gì cả. Ở Mittelwerke người ta làm việc hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ, và mỗi tuần thì làm bảy ngày. Vì những xưởng ngầm này “thực sự chịu đựng nổi bom”, nên các phi cơ Đồng Minh không bao giờ cố tấn công thẳng vào chúng.

        Hans Kammler và bọn S.S. là lãnh chúa của giang san bóng tối này. Các chuyên viên từ Peenemunde, từ các trường đại học và từ các kỹ nghệ tự quy tự về để điều hành sản xuất với sự giúp sức của khoảng 3.000 kỹ thuật gia Đức. Người Đức không phải làm những công tác chuyển vận, Kammler đã dùng 6.000 nô dịch để làm công việc ấy. Những người này được tuyển từ những trại tập trung ở Nordhausen. Ở Dora và ở cả Buchenwald, cách đó hơn 60 cây số. Kammler ghi rằng: chỉ trong tháng 8 đã thực hiện được 265 hỏa tiễn tầm xa, điều này chứng tỏ đã hơn 1.000 hỏa tiễn được sản xuất từ khi bắt đầu việc chế tạo đến giờ. Dornberger và Von Braun đã khuyến cáo hắn ta là những hỏa tiễn này còn nhiều khiếm khuyết và cần phải được điều chỉnh lại trước khi có thể dùng được trên giàn phóng. Nhưng hắn ta đã bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên của hai chuyên gia viên lỗi lạc về hỏa tiễn: A4 phải được sử dụng tức khắc. Hắn ra lệnh phải chuẩn bị sẵn sang để gởi hỏa tiễn ra mặt trận miền Tây. Xong rồi hắn đáp máy bay tới Bruxelles để thông báo quyết định của hắn với vị Tham mưu trưởng của Quân đoàn thứ XV.

        Cuối tháng 8, những binh sĩ phụ trách tác xạ được phát mỗi người một cuốn sách mỏng có ghi chú chữ “tối mật”. Đó là cuốn cẩm nang kỹ thuật tựa đề “A-4 Fibel” (sơ bộ về A4). Những tác giả của nó đã cố hết sức để viết lời chỉ dẫn cho thật rõ ràng, dưới hình thức câu văn ngắn, lời khuyến cáo vắn tắt và những đoạn thơ linh động. Tất cả đều được tô điểm bằng những hình vẽ các cô gái cực kỳ duyên dáng trong bộ đồ tắm hay trong những bộ y phục hở hang, có khi là quang cảnh những cánh đồng phủ tuyết của nước Đức. Chương đầu có cái giọng:

        TẤT CẢ NGHE ĐÂY!

        Bạn đọc thân mến, đây là cuốn sách vỡ lòng mới A4.
        Vấn đề khô khan này được trình bày một cách giản dị.
        Vậy nó sẽ trở thành một phần của xương máu các bạn.
        Tuy nhiên, các bạn hãy luôn luôn nhớ một điều:

        TẤT CẢ TÀI LIỆU VỀ A4 NÀY ĐỀU TỐI MẬT.

        HÃY NHỚ LẤY!

        … Trên hành tinh mà bạn đang sống,
        Vào thời đại của hỏa tiễn vô tuyến điều khiển này,
        Một phi thuyền không gian vũ trụ
        Giấc mơ ngàn đời của con người
        Sẽ quyến rũ chúng ta một ngày kia trong thế kỷ này.
        Nhưng bây giờ bạn phải làm chủ được một vũ khí chưa ai biết đến.
        Vì nó được sắp trong loại tối mật.
        Nó tên là, trong hai tiếng thôi, hỏa tiễn A4…
        Người nào tiết lộ về nó là phạm tội phản bội.
        Người ấy làm hại cho bản thân mình và cho Quốc gia.
        Trước hết, bạn hãy nhớ
        Không tham dự vào bất cứ một cuộc tranh luận nào.
        Nếu một người lạ, tên do thám hay tên lưu manh hỏi bạn
        Bạn sẽ trả lời với vẻ mặt khù khờ:
        Tôi không biết gì cả.

        BẠN LÀ THÀNH PHẦN CỦA TIỀU ĐOÀN HỎA TIỄN TẦM XA.

        Bạn sắp tham dự vào việc phóng A4. Bạn sẽ làm việc với một phi đạn bay cao và nhanh hơn bất cứ một phi đạn nào từ trước đến giờ. Hiệu năng của A4 vượt trên hiệu năng của bất cứ một hỏa tiễn bay, một quả bom nào đang có hiện nay…

        NHANH HƠN ÂM THANH…

        Từ lúc phóng đến điểm rơi chỉ có năm phút.

        Nhưng, trong vòng năm phút này, tất cả đều phải điều hành một cách hoàn hảo. Mỗi thành phần của A4 đều phải được kiểm xét tỉ mỉ và điều chỉnh trước khi được phóng đi để bắn cho trúng đích.

        Một chi tiết nhỏ nhặt có thể gây ra trở ngại tác xạ…

        BẠN HÃY NHỚ:

        Mỗi quả bắn hụt sẽ giúp quân thù và làm hại chúng ta, vì chúng ta mất đi một tài liệu quý báu. Điều này làm cho đời sống của bạn và đồng bào bạn bị đe dọa.

        TÂM NIỆM:

        A4 sẽ trở lại hại bạn nếu bạn không học tập thấu đáo cẩm nang này. Khi bạn đã thấm nhuần điều trên, mỗi quả nhắm đúng sẽ làm hại được quân thù.


        Bài trên đã được những nhân vật của các pháp đội đang ẩn núp trong rừng rậm ở Haagsche Bosch nghiên cứu một cách tỉ mỉ. Rừng Haagsche Bosch thì lại ở ngay ngoại biên thành phố La Haye, vậy nó chỉ cách Luân Đôn không đầy ba trăm cây số. Đó là vào khỏng đầu tháng 9 năm 1944.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 11:21:35 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 11:33:41 am »

        
*

*       *

        Tình hình quân sự của nước Đức bắt đầu trở nên tuyệt vọng. Ở Ý, La Mã đã thất thủ, Ba Lê đã được giải phóng và quân Đồng Minh đang đuổi họ ra khỏi phía Bắc nước Pháp, một phần lớn nước Bỉ và Lục Xâm Bảo. Đồng Minh đang tiến lần đến sông Rhin. Những đoàn oanh tạc cơ hùng hậu trút hàng ngàn tấn bom tàn phá thành phố và trung tâm kỹ nghệ khắp toàn cõi nước Đức.

        Ở mặt trận phía Đông, quân Nga đã phát động cuộc tấn công mùa hè. Lực lượng của họ như chiếc hủ lô nặng nề đã đè bẹp địch quân ở Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi và hiện đang từ từ tiến về biên thùy Hung Gia Lợi, rồi tới Vienne. Hồng quân đã tràn ngập Ba Lan; họ đang dừng bước trước thủ đô Varsovie và lượng kháng chiến Ba Lan đã bắt đầu giao chiến trong thủ đô câm lặng của họ.

        Bây giờ, Hitler chỉ là một ông già không hơn không kém. Quả bom mưu sát ông ngày 20 tháng 7 đã làm hư màng nhĩ của ông, tật điếc lác càng khiến ông thêm dễ cáu giận. Ông lại đau ruột và bị chứng nhức đầu thường xuyên hành hạ. Giọng nói của ông yếu ớt, da thì vàng mét và tay thì run run mỗi khi cử động.

        Tuy nhiên, Fuhrer vẫn cầm cự được. Ông giữ việc Tổng kiểm soát toàn thể chiến lược. Tình trạng càng ngày càng bất lợi, thì Hitler càng nói nhiều hơn về những loại vũ khí mới mà các nhà khoa học Đức đang thai nghén. Nhờ những khí giới mới này, cục diện chiến tranh cải thiện một cách bất ngờ và ngoạn mục. Những tân tiềm thủy đĩnh chạy bằng thôi lực điện sẽ càn quét trên những đại dương và những phi cơ đạn lực sẽ tảo thanh khắp không trung, những vũ khí loại V sẽ thay đổi tất cả vào giờ thứ 11. Ngày 14 tháng 6, Hitler đến thị sát mặt trận ở Normandie, ông đã quả quyết với các tướng lãnh rằng bom bay sẽ là một “vũ khí quyết định chống lại Anh quốc và nước này bắt buộc phải xin hòa.”

        Nhưng vũ khí bom bay chưa quyết định được cuộc chiến này. Những cuộc pháo kích bằng V1 đã đạt được mục tiêu một cách tối đa vào tháng 7, tháng 8, sau đó giảm dần vì những vị trí phóng ở dọc theo bờ biển Pháp lần lượt rơi vào tay Đồng Minh cả. Nỗi lo sợ một cuộc tấn công qui mô bằng “hỏa tiễn Hitler” bắt đầu giảm nhẹ dần. Không kể ở Hà Lan, khắp nơi quân Đức đều bị đẩy lui quá khỏi cái lằn mức đặc biệt 300 cây số. Quan sát từ trên không, các phi cơ thám thính cũng không còn tìm thấy những căn cứ phóng hỏa tiễn ở Hà Lan nữa. Đối với những người biết được có sự bí mật từ lúc Sandys bắt đầu cuộc điều tra, thì cái mối hiểm họa đã làm cho họ quên ăn mất ngủ, bây giờ coi như chuyện đã qua rồi. Ngày 1 tháng 9, trong công tác phòng thủ thụ động, người Anh đã dẹp bỏ đi cách điều hành của những biện pháp đề phòng mà họ phải áp dụng trong trường hợp bị tấn công  bằng hỏa tiễn. Ngày 6 tháng 9 các vị tham mưu trưởng quân lực Anh kết luận rằng “sắp hết nguy hiểm”, và đồng ý ngưng oanh tạc theo kế hoạch Crossbow trên những lộ tiếp vận và những kho dự trữ dành cho hỏa tiễn. Ngày 7 tháng 9 với tư cách chủ tịch ủy ban tranh đấu chống lại bom bay, Ducan Sandys đã mở một buổi họp báo ở Luân Đôn. Trong dịp này, lần đầu tiên ông đã cho công chúng biết một cách vắn tắt về sự hiện hiện của V2, loại vũ khí từ  bấy giờ đã trở thành kẻ chiến bại.

        Sandys tuyên bố: “Luân Đôn đã anh dũng chịu đựng những cuộc tấn công tàn khốc. Nhưng nếu không nhờ sự cẩn mật của cơ quan tình báo của chúng ta, không nhờ những nỗ lực không ngừng của không lực Anh-Mỹ, không nhờ sự hiện hữu của công cuộc phòng thủ, thì nỗi khổ nhọc của Luân Đôn càng ác liệt hơn nữa.”

        Sandys không đả động gì đến hỏa tiễn V2 cho mãi đến khi có một phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề đó, lúc buổi họp sắp chấm dứt: “Tôi hơi ngần ngại khi nói về V2. Chúng ta cũng có biết một vài điều về nó. Theo tôi nghĩ, trong vài ngày sắp tới đây, báo chí sẽ có dịp biết được ngay trên chính nước Pháp những điều mà ngày hôm nay chúng ta không biết.”

        Nhưng lúc mới mở đầu buổi thuyết trình, Sandys đã mạnh miệng tiên đoán: “Trừ những cú bất ngờ vào giờ chót, cuộc chiến ở Luân Đôn, đã chấm dứt.”

        Ngay hôm sau, sau ngày 8 tháng 9 năm 1944, vào lúc 18h43 mà dân cư ở Chiswick, ngoại ô Luân Đôn, vừa đi làm về, hoặc đã ngồi vào bàn ăn, thì bỗng có một âm thanh vang lên làm họ hoảng hốt. “Tiếng ào ào rít lên giống như tiếng sấm gầm”, nhưng không phải tiếng sấm. Ngay sau tiếng động là một vật thể nặng vút nhanh trong không khí. Hai mươi mái nhà sụp đổ, ba người chết, mười người khác bị thương. Mười sáu giây liền đó, vụ nổ thứ hai lại xảy ra ở Parndon Wood, gần Epping vài căn nhà cây bị tàn phá, ngoài ra không có thiệt hại nào khác nữa.

«... Trong nay mai, các vũ khi bí mật sẽ lâm chiến, địch quân sẽ bị đốt thành tro bụi...»
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 06:59:58 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 11:41:09 am »

 
        Các nhân chứng vụ nổ đều lấy làm ngạc nhiên. Không ai thấy hay nghe tiếng phi cơ oanh tạc Đức hoặc tiếng V1 cày xới trên không trung. Toán chuyên viên khoa học ùa đến Chiswick và Epping tức khắc, và họ cũng hiểu ngay rằng chính nó, cái làm đảo ngược tình thế đã đến: mặt trận Luân Đôn chưa kết thúc. Một trong hai vũ khí tối tân khủng khiếp đã đến, sau cùng, thì “loại thứ hai, chắc chắn đó là bom nguyên tử” đã bắt đầu lao vào cuộc chiến. Chỉ cần nghe lời khai của những nhân chứng, các chuyên viên điều tra cũng có thể xác định được mối nghi ngờ của họ. Họ hiểu rằng V2 đã đi nhanh hơn âm thanh: đầu tiên người ta nghe tiếng nổ, rồi hỏa tiễn mới đến, đó là “một vật thể nặng nề bay vút qua không trung”.

        Quần chúng im lặng trước  hai vụ nổ ở Chiswick và Epping. Còn chính quyền thì tránh né, không tuyên bố chính thức về vấn đề V2 trong suốt hai tháng để đo lường hậu quả của hỏa tiễn đối với quần chúng về phương diện tinh thần. Trong thời gian hai tháng ấy có đến 200 hỏa tiễn ly kỳ đã rơi xuống miền Nam nước Anh, nhất là ở vùng đô thị Luân Đôn.

        Như người ta biết trước, không có cách nào chặn đứng được chiếc hỏa tiễn V2 đang bay. Luân Đôn  còn phải tỏ ra kiên nhẫn chịu đựng nữa nếu quân Đồng Minh chưa đẩy lui được lực lượng người Đức qua khỏi tầm tác xạ của A4. Và thành phố đầu tiên trên thế giới đang bị pháo kích bằng hỏa tiễn có hướng dẫn, đã biết cầm cự đợi chờ.

        Điều lạ nữa là cuộc pháo kích vũ bão vào mùa đông năm 1940-1941 và hỏa tiễn V1 dường như có vẻ ác liệt hơn. Đối với V1 người ta thấy nó, người ta nghe được tiếng rào rào của nó như tiếng một loại tàu điện bay. Bỗng tiếng động cơ tắt hẳn, người ta biết ngay nó sắp rơi xuống. Tiếng rầm rầm của phóng pháo cơ Luftware cộng với tiếng rào rào của hỏa tiễn V1 tạo nên một âm thành báo hiệu có thể làm đứt dây thần kinh người ta.

        Nhưng đối với V2 thì không còn những phút hồi hộp, khổ sở đợi chờ đó nữa. Người ta đang sống êm đềm trong nhà, đang đọc báo Times hay đang âu yếm vợ con; người ta đang mua bán trong những tiệm buôn đồ sợ hay đang nhâm nhi một ly bia trong quán rượu nên thơ, thình lình không có gì báo trước – trái đất rung chuyển và lòng đất mở rộng ra. Người nào còn sống sót sau vụ nổ không bao giờ quên được âm thành kỳ dị lúc V2 chạm tới mục tiêu. Ban đầu, nó giống như tiếng vút của ngọn roi, có thể là sức ép của không khí do hỏa tiễn siêu thanh tạo nên âm thanh đó như muốn xé rách lá nhĩ của bạn, nó rít lên một tích tắc trước khi đầu đạn nổ bùng lên với làn chớp trắng. Kế đó là tiéng tưởng đổ rầm rầm, rồi tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng, rồi cuối cùng V2 xuất hiện: nó rú lên và tắt lịm từ từ.

        Tuy nhiên, đó là một tính chất rất trừu tượng. Người ta nhìn nhận ngay rằng cái chết chỉ là một vấn đề may rủi. Chết đi hay sống sót, già hay trẻ, cam đảm hay hèn nhát, bà nội trợ tầm thường hay ví tổng trưởng quyền uy, thì số phận cũng như nhau, không khác nhau chút nào cả. Người ta đã không làm gì được, thì lo sợ cũng không có ích lợi gì? Phản ứng của dân chúng dường như buông xuôi hoàn toàn tùy theo định mệnh.

        Cường độ pháo kích của V2 tăng dần. (Trong vòng 15 ngày, tính đến ngày 14 tháng 11, đã có đến 63 vụ nổ), chính quyền chỉ dùng biện pháp đối phó khả dĩ vậy  thôi. Người ta nỗ lực tối đa để làm giảm bớt áp lực đang đè nặng lên thành phố Luân Đôn, bằng cách gia tăng việc khám phá những giàn phóng và hủy diệt chúng. Người ta nhận thấy ngay phần lớn hỏa tiễn được phóng đi từ Haagsche Bosch, một công viên lớn ở thủ đô La Haye. Tuy nhiên, những cuộc tấn công trinh sát và oanh tác của Đồng Minh không ngăn chặn được hoạt động của V2, chúng vẫn tiếp tục được phóng lên trời xanh.

        Đồng Minh thất bại vì một lý do thật giản dị: những cuộc không sát đã không dò ra được một căn cứ phóng cố định nào. Đồng Minh thì tin chắc rằng quân địch phải dùng loại căn cứ như vậy, nhưng người Đức không hề dùng đến chúng. Tướng Dornberger đã đắc thắng: ông đã giành lại được ưu thế nhờ dùng sàn bắn di động. Người ta có thể mang V2 đến bất cứ nơi nào vì chúng được đặt trên các chiếc Meillerwagen (xe rờ mọt dài có gắn bánh). Sau đó, đặt nó lên bốn tay cánh một cách nhanh chóng, rồi đổ nhiêu liệu vào và khai hỏa. Các nhóm lưu động tìm vị trí, bất cứ nơi nào mà họ chọn tang cây rậm rạp ở Haagsche Bosch, xong việc họ biến mất. Vài quả V2 đã bị bắn phá trong khi được chuyển đến Hà Lan, nhưng theo Von Braun: sẽ không có một sàn bắn di động nào bị thiệt hại gì cả.

Hỏa tiễn V2 trên giàn phóng (trên)
Hỏa tiễn V2 vừa được đưa ra khỏi kho chứa được ngụy trang cẩn thận (dưới)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười, 2020, 02:32:33 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 06:58:23 pm »


        Von Braun và Dornberger đã hữu lý khi xác định rằng A4 chưa hoàn tất trên phương diện sản xuất hàng loạt, cũng như trên phương diện sử dụng tác chiến. Hai nhà bác học Hà Lan, Dr. Kooy và Pr. Uytenbogaar đã quan sát những hỏa tiễn được phóng lên phía trên thành phố La Haye. Họ thông báo với cơ quan tình báo Đồng Minh rằng gần tám mươi phần trăm vụ phóng đã không thành công. Một số hỏa tiễn đã rớt ngay dưới chân giàn phóng và các hỏa pháo viên chết liền tại chỗ. Một số khác cứng đầu ương ngạnh không chịu cất bước ra đi, một số khác nữa thì lại chìm xuống dòng Bắc Hải.

        Các vị chỉ huy Anh-Mỹ biết rằng V2 là một kỳ công rực rỡ về kỹ thuật. Nhưng may mắn thay nó đã góp mặt quá trễ và số lượng của nó cũng quá ít, nên nó đã không thay đổi được kết quả cuộc chiến.

        Mặc dù những cuộc oanh tạc dữ dội ở La Haye và ở các căn cứ nghi ngờ dọc theo bờ biển Hà Lan, người ta ghi nhận rằng vẫn có sự tăng gia đều đặn những “rắc rối”. Một sử gia chính thức của cơ quan R.A.F. về sau có viết “đó là chữ dùng một cách dè dặt để chỉ sự tiêu hủy bất thần và ác liệt về nhà cửa cũng như dân cư.” Tuy nhiên một sự kiện khác bùng nổ và chứng tỏ: sau cùng khi V2 xuất hiện thì trái phi đạn đầu tiên được hướng dẫn đó – nói theo ngôn ngữ nhà binh – chỉ là một sự đại bại, mặc dầu nó đã gây ra biết bao nhiêu là lo âu, khổ sở.

        Quân lực Đồng Minh đã bắn phá những phương tiện giao thông giữa Nordhausen và Hà Lan đã xâm chiếm những xưởng chế tạo nhiên liệu của hỏa tiễn. Sau cùng, họ đuổi nốt bọn hỏa pháo viên lưu động ra khỏi đất Hà Lan. Ngày 27 tháng 3 năm 1945, một quả V2  đã rơi ở Orpington, thuộc quận Kent: đó là một vụ “rắc rối” cuối cùng. Khi chiếc kềm khổng lồ đã khép lại trên nước Đức, thì người ta quên hẳn V2. Hay, nếu có nhớ lại, thì cũng như nhớ một câu thần chú ngắn và hãi hùng ở cuối trang sách Đệ nhị thế chiến. Theo sự nhận xét bên ngoài thì đến ngày 27 tháng 3, huyền sử V2 đã chấm dứt ở Kent.

        Tuy nhiên, ở Anh, ở Hiệp chủng quốc, và ở Liên Bang Sô Viết, có một nhóm kỹ thuật gia và chuyên viên vẫn không tin V2 chỉ là một hiện tượng phù du hay một sự thất bại rực rỡ. Những người này ý thức rằng nó đã làm thay đổi tính chất của chiến tranh, nhất là những cuộc chiến trong tương lai. Họ cũng biết rằng quốc gia họ chưa có hỏa tiễn nào khả dĩ đối địch được với V2 về khả năng, về tầm sát hại và về kỹ sảo.

        Họ khẩn khhoản với chính quyền khả kính của họ phải để cơ quan tình báo lăn xả vào Đức quốc chiến bại để giành cho được các chuyên viên Đức và các tài liệu liên quan đến V2. Bây giờ, không còn là mối đe dọa, là cái đích của sự truy tầm loại vũ khí bí mật, V2 trở nên đối tượng của một cuộc chinh phục khác. Trong cuộc chạy đua này, người Anh đã chia được một phần lời rõ ràng. Người Mỹ đã tham gia vào kế hoạch Crossbow và Big-Ben, nên cũng theo bén gót người Anh. Về phần người Nga, họ bị bạn Đồng Minh bỏ họ một đoạn khá xa.

        Tuy nhiên, có tình báo Nga đã chứng tỏ rằng chính họ cũng đang ở trên đường tìm kiếm một chiến lợi phẩm. Chiến lợi phẩm này có thể đưa họ đến chỗ phát triển loại phi đạn tác xạ xuyên lục địa và giúp họ thực hiện việc khám phá không gian. Trước đây, vào khoảng tháng 7 năm 1944, họ đã cho nhảy dù xuống khu vực gần Peenemunde một toán tù nhân người Đức giả. Họ được trang bị đầy đủ tiền bạc, giấy tờ giả và máy phát thanh với làn sóng ngắn. Trung úy Brandt đã điều khiển vụ này. Ông thông báo tất cả những gì có lợi cho quốc gia ông. Sau lần thông tin thứ bẩy việc làm của ông bị cơ quan Funk Abwehr (trung tâm kiểm thích) phát giác, ông bị bắt và xử tử. Tháng 8 năm 1944, Hồng quân đã chiếm đóng pháo xạ trường ở Blizna. Ngày 3 tháng 9 năm 1944, người Nga đã cho phép một toán chuyên viên hỏa tiễn Anh và Mỹ đến quan sát căn cứ ở Ba Lan. Nhưng căn cứ này đã triệt thoái và di sản tất cả rồi, nên các điều tra viên không tim thấy một chi tiết gì quan trọng. Mùa đông sắp đến, nhưng cơ quan tình báo Nga vẫn không ngã lòng, và họ cũng bất chấp cả sự chậm trễ thường xuyên của họ sau bạn Đồng Minh. Họ có lý do để nghĩ rằng: họ sẽ bắt kịp bước tiến của người Tây phương và sau rốt Liên Bang Sô Viết sẽ chiếm được V2.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 08:05:21 pm »

        
7 - GIỜ QUYẾT ĐỊNH

        Tháng giêng năm 1945, Hồng quân đã mở cuộc tấn công rầm rộ nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến đến giờ. 180 sư đoàn ồ ạt tấn công ở Đông Phổ và Ba Lan. Vị tân Tham mưu trưởng quân đội Đức là tướng thiết giáp Heinz Guderian đã ghi: “Từ ngày 27 tháng giêng, làn sóng Hồng quân hùng  hổ tràn ngập chúng tôi như một cơn đại họa.” Cùng ngày đó, đợt sóng ngầm lại bủa vây Đông Phổ chỉ còn 150 cây số nữa thì đến Bá Linh. Và cũng còn cách Peenemunde có 150 cây số.

        Từ mùa xuân năm 1943, Werhner Von Braun đã biết rằng Đức không thể nào thắng trận được và hỏa tiễn V2 sẽ không phải là “vũ khí nhiệm màu” có khả năng xoay ngược được tình hình quân sự. Một cộng sự viên của ông có nhắc lại lời nói đượm tính chất “thực tế” mà ông đã trình bày trong văn phòng ở Peenemunde giữa đám kỹ sư đầy nhiệt thành: “Đừng quên là chúng ta chỉ mới ở vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phi hành bằng hỏa tiễn. Dường như điều này đã chứng minh một lần nữa về một sự kiện đáng buồn: thường thường những tiến bộ khoa học quan trọng và đổi mới chỉ thành công khi chúng được áp dụng trên địa hạt quân sự trước.”

        Thật sự thì V2 không phải là một Wunderwaffe (vũ khí nhiệm mầu) như Goebbels đã tuyên bố. Đến ngày 27 tháng giêng năm 1945, Von Braun thây rằng chẳng những nước Đức hoàn toàn thất trận, mà còn không làm sao ngăn được làn sóng đỏ đang cuồn cuộn chảy về Peenemunde. Bây giờ thì kể như ván đã đóng thuyền rồi, không còn thay đổi gì được nữa. Người xướng ngôn viên đài phát thanh Đức vừa loan báo với một giọng đầy tin tưởng rằng: tiền tuyến đã ổn định… Nhưng ông ta chưa dứt câu thì đài đã bị chiếm và quân Nga phát thanh ngay trên luồng sóng điện ấy: “Tuyên truyền! Láo toét! Hôm nay Hồng quân đã thực hiện được cuộc xâm nhập ở…”

        Từng đoàn người chạy nạn, sự sợ hãi kinh hoàng còn in trên nét mặt, đang tìm đường băng qua Poméraine để đến miền Tây. Những cụ già hì hục còng lưng đẩy chiếc xe bù ệch nặng trĩu chất đầy sản nghiệp của cả đời cụ. Những thiếu phụ trẻ mệt lả vì đói khát đang lội bì bõm trong vũng tuyết, lưng đai con nhỏ cũng đang mê man thiêm thiếp vì lạnh cóng. Khi Von Braun một mình đi lang thang trên những con đường đầy hố bom ở Peenemunde, ông chợt thấy những kỹ sư đang tập sử dụng súng và lưỡi lê. Căn cứ thí nghiệm này phải được phòng vệ, mặc dù nó không quan trọng về chiến lược cũng như chiến thuật. Sự phòng thủ yếu ớt ở đây sẽ đem lại được gì, hay rốt lại trung tâm hỏa tiễn này cũng đến bị tiêu hủy mà thôi. Nhìn dưới một khía cạnh khác, nếu Peenemunde không được phòng thủ thì nó sẽ rụng như một trái chín muồi và người Nga sẽ chiếm được A4. Người Nga sẽ chiếm tất cả, từ những tài liệu kỹ thuật, giàn thí nghiệm, phòng nghiên cứu… cho đến năm ngàn kỹ thuật thượng thặng. Những người này am tường một ngành kỹ thuật chuyên biệt, hoàn toàn tối tân chưa quốc gia nào sánh kịp. Như vậy, chỉ trong một cú, người Nga sẽ chiếm trọn được một sự tiến bộ về hỏa tiễn, điều khiển vô địch trên thế giới. Sau này, nếu họ quyết định tận lực sử dụng hỏa tiễn không vì mục tiêu quân sự, thì họ sẽ là người đứng đầu trong cuộc chạy đua chinh phục không gian.

        Đây là một vấn đề tiến thoái lưỡng nan mà Von Braun tin rằng ông sẽ tìm được giải pháp. Là một người mới 32 tuổi, nhưng một khi ông ta đã quyết định về Peenemunde, thì ông ta sẽ làm thay đổi tất cả. Từ khi Himmler để cử Hans Kammler làm ủy viên đặc biệt vào tháng tám, thì Dornberger cũng nhận được một chức vụ mới ở Bộ Vũ trang. Tại Bá Linh, ông cầm đầu một nhóm chuyên viên phụ trách việc thực hiện những vũ khí dùng để “bẻ gãy ưu thế không trung của địch”. Còn Von Braun chỉ là một dân chính, ông không có quyền phát biểu sáng kiến cho quân đội hay cho lực lượng S.S.. Ở Peenemunde, ông chỉ có thể tìm biện pháp duy nhất để bảo vệ căn cứ: đó là di tản tất cả chuyên viên ưu tú và vật liệu tối cần thiết.

        Sau cuộc oanh kích ngày 17 tháng 8 năm 1943, căn cứ thí nghiệm của quân đội ở Peenemunde đã đổi tên và trở thành Heimat Artill Park (bãi pháo binh quốc nội, viết tắt là H.A.P.) Sau đó vào khoảng mùa hè năm 1944, chính quyền lại đổi H.A.P. thành một cơ sở dân chính, lấy tên là E.W. Elektromechanische Werke (sở điện cơ học) với hy vọng đánh lừa Sở Tình báo địch và gia tăng hiệu năng của E.W. Chủ nhân công ty điện lực tư lớn nhất là Paul Storch được đề cử làm tổng giám đốc E.W. Nói về ông này, Dornberger đã dùng chữ bóng bẩy:  đó là người “lạ mặt với công việc của chúng ta”. Tuy nhiên, Storch cũng có khả năng và khôn khéo. Ông ta cũng tự biết kiến thức của mình trên lĩnh vực hỏa tiễn rất giới hạn. Sau khi Dornberger bị đẩy đi xa vì nhân cách cao quý của ông không thích hợp với bọn S.S., thì Storch để Von Braun tùy nghi điều động ở trung tâm. Nhưng, dù sao thì Von Braun cũng không thẻ nào ngăn chặn Kammler và bọn S.S. lộng quyền ở Peenemunde. Ngay khi đã đối diện với một tình trạng không lối thoát như thế này, bọn họ cũng không hề có ý định di tản căn cứ đi. Hơn nữa, nhiều vị kỹ sư ở E.W khi công khai tuyên bố: dời bỏ căn cứ là một việc cần thiết, đã bị bắt, bị xử tử. Thi thể của họ bị treo lên cây ở những con đường đông đúc nhất, với bảng yết thị: “Tôi quá hèn nhát không bảo vệ quê hương”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 08:09:40 pm »

   
        Mãi đến ngày 31 tháng giêng năm 1945, trời lạnh như cắt và từ xa dội lại tiếng đại bác đì đùng của quân Nga, Von Braun nhận được công điện của Kammler. Lúc ấy Kammler đang ở Nordhausen và ra chỉ thị: Tất cả nhân viên E.W. đều phải rời khỏi Peenemunde và triệt thoái về Nordhausen để tiếp tục công việc ở tỏng xưởng ngầm. Tất cả đều nhằm mục đích tập trung chương trình trang bị trọng yếu về trung tâm nước Đức, để tránh việc rơi vào tay Đồng Minh.

        Thế mà, cũng trong ngày ấy, Von Braun lại nhận được một lệnh khác do vị Tư lệnh Quân đoàn bảo vệ Poméranie đưa xuống, Usedom cũng nằm trong vùng này, dưới quyền kiểm soát của ông ta. Ông ta quyết định: tất cả kỹ sư cơ quan E.W. phải tập hợp lại thành một toán nhân dân vũ trang và phải ở lại tại chỗ để bảo vệ Usedom chống Sô Viết.

        Đối với Von Braun thì hai cái chỉ thị trái ngược nhau ấy tượng trưng một cách trung thực cho tình trạng lạ lùng của nước Đức đang phân tán bấy giờ. Không thể thi hành lệnh thứ nhất, cũng như không thể theo chỉ thị thứ nhì được. Trong tình trạng hỗn độn này thật khó mà biết đích thực chính quyền thuộc về ai. Nhiều cộng sự viên đã nói với ông là một cuộc di tản rầm rộ về miền Tây như vậy chắc chắn sẽ thất bại, giải pháp khôn ngoan nhất là bất động, không đi đâu cả. Họ lý luận rằng người Nga chưa có hỏa tiễn tầm xa, vậy chắc chắn họ sẽ ưu đãi chuyên viên Đức, nếu những người này còn sống sót sau trận Usedom.

        Von Braun cũng đã bàn tính tương lai của E.W. với vài vị phụ tá thân tín của ông. Những người này đều muốn rằng cả hỏa tiễn lẫn cá nhân họ đều không phải rơi vào tay Sô Viết. Braun quyết định ngay: phải theo lệnh của Kammler. Điều quan trọng thứ nhất là ngăn chặn không cho người Nga chiếm được E.W., điều thứ hai là phải đi đến con đường của liên minh Anh-Mỹ.

        Bây giờ phải thực hiện việc di chuyển năm ngàn người, kể cả đàn bà, trẻ con trên một lộ trình dài 375 cây số. Ban ngày, tất cả đường lộ, đường sắt nào còn dùng được đều bị phi cơ Đồng Minh kềm tỏa, sẵn sàng rỉa hàng loạt đạn đại liên xuống. Tuy vậy, ở E.W., người ta bắt đầu bỏ vô thùng những vật dụng cần thiết và lập danh sách những người phải tản cư. Khoảng một trăm chiếc xe vận tải và hai chuyến xe lửa được lệnh chạy ban đêm, khởi hành về Nam trong một đoàn công voa riêng biệt. Tất cả những gì có ích lợi cho khoa học, gồm những tài liệu thiết yếu đều được đưa đi.

        Chuyến xe lửa đầu tiên trở 500 kỹ thuật gia và gia đình rời Peenemunde ngày 17 tháng 2 năm 1945. Von Braun đáp máy bay đến Nordhausen để xem xét cơ sở mới dành cho E.W. Xong rồi, ông lại trở về Peenemunde để hộ tống chuyến công voa đầu tiên đi bằng đường bộ. Chuyến này bị cản lại ở Eberswadle, nằm giữa Peenemunde và Bá Linh. Viên sĩ quan phụ trách ở đó bảo với Von Braun rằng: vùng này cấm lưu thông dân sự. Thật là một giây phút hồi hộp. Khi vị chỉ huy hỏi ý bộ tham mưu quân đoàn thì ở đấy trả lời là: họ đã ra lệnh cho kỹ sư của E.W. phải lập thành toán nhân dân vũ trang và phải ở lại Peenemunde. Như vậy là đoàn xe phải lộn trở lại.

        Đây là lần đầu tiên và cũng lần cuối cùng Von Braun thầm nhủ rằng chính Himmler đã có ý độc chiếm chương trình hỏa tiễn. Ông đã thận trọng không đưa ra những sự vụ lệnh cũng như giấy thông hành để chứng tỏ sự liên hệ giữa E.W. và Reichsfuhrer. Hơn nữa, trên xe, trên toa và trên những thùng hàng đều có dán nhãn VZBV, là một cái nhãn hiệu vừa bí mật, vừa khôi hài nên người ngoài không thể đoán gì được.

        Viên sĩ quan từ chối không chịu giở cây cản lên. “hai bên gườm gườm nhìn nhau” (theo lời Von Braun). Von Braun buộc lòng phải nói với hắn ta: VZBV có nghĩa là Vorhaben zur besonderen Verwendung (dự án thiết bị đặc biệt). Đây là công tác tối mật do chính Himmler đã ra lệnh. Vì giọng nói của Von Braun đầy tin tưởng và vì ở chế độ Đức Quốc xã vào khoảng tháng 2 năm 1945, ít có ai dám đi ngược lại ý muốn của Himmler và bọn S.S. nên cuối cùng vị chỉ huy ở Ebesswalde cho phép đoàn công voa tiếp tục lên đường.

        Vào khoảng giữa tháng 3, khi mà Swinemunde nằm cách Peenemunde 35 cây số đã lọt vào tay quân Nga, thì cuộc di tản đã hoàn tất. Các chuyên viên và gia đình tạm cư trong những làng mạc rải rác chung quanh Nordhausen, nhất là ở Bleicherode, một trung tâm kỹ nghệ dệt. Tướng Dornberger và bộ tham mưu của ông rời Bá Linh để về Bad Sacha, một nơi nghỉ mát ở đồng quê.

        Một cuộc di cư quan trọng như vậy không thể nào qua mắt được cơ quan Tình báo Đồng Minh. Cơ quan Tình báo Sô Viết có tất cả lý do để tin rằng họ sẽ thành công trong việc bắt được chuyên viên về hỏa tiễn của Đức. Họ biết ngay những người nào vừa rời khỏi Peenemunde và đang cư trú ở đâu. Đơn vị của Thiếu tá Vivilov tràn ngập Peenemunde ngày 5 tháng 3: người Nga không tìm thấy được những gì đáng kể. Nhóm chuyên viên theo chân quân đội nhận xét rằng ở Peenemunde không còn tài liệu hay đồ án căn bản gì cả. Những phòng thí nghiệm hay giàn phóng đã thoát nạn trong cuộc oanh kích của phi cơ Anh-Mỹ, cũng bị lực lượng nhân dân vũ trang tiêu hủy từng phần trước khi rút lui. Theo Vivilov, sự tàn phá ở trung tâm hỏa tiễn vĩ đại lên đến 75 phần trăm.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 08:15:31 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 08:13:02 pm »


        Tuy nhiên, sau khi lục soát kỹ lưỡng căn cứ điêu tàn này, nngười Nga cũng ước lượng được những hoạt động trước đây ở Peenemunde và thành lập một danh sách đầy đủ tên những kỹ thuật gia chính yếu vừa rời bỏ trung tâm đi. Tình báo Nga đã không tìm được Dornberger, hay Von Braun, Steinhoff, hay bất cứ một chuyên viên lỗi lạc nào. Họ cũng không chiếm được một kho quan trọng chứa đầy vũ khí V2 nguyên vẹn, hay một vài văn kiện nào. Nhưng quyết tâm của họ vẫn không lay chuyển. Họ cũng biết rằng quân Mỹ đang đặt chân lên núi Thuringe và hình như sắp chiếm Nordhausen và Bleicherode, nghĩa là đang thắng lợi hơn họ. Mặc dầu, biết rằng quân Mỹ đã chiếm được nhiều ưu thế địa hình, nhưng người Nga và Anh vẫn không bỏ cuộc.

        Ở Nordhausen-Bleicherode, Von Braun vẫn miệt mài trong việc nghiên cứu lý thuyết, vì theo ông bất cứ lúc nào có thể thì ông cũng  cố hết sức để kiện toàn nghệ thuật của hỏa tiễn. Ông vẫn biết rằng sự sụp đổ của Đức Quốc xã chỉ còn là vấn đề thời gian và tiếp tục nghiên cứu về V2 hay những vũ khí khác dùng để ngăn chặn sự sụp đổ ấy thì chỉ là một trò hề bi thảm. Những pháo xạ trường được dựng lên ở Lehesten và Leutenberg. Cuộc nghiên cứu vẫn được theo đuổi ở dưới hầm sâu thuộc Nordhausen, trong những khám đường bỏ hoang trong những nhà xe lụp xụp, hay trong những lâu đài trống trải… nghĩa là trong bất cứ nơi nào có được cái mái che kín đáo.

        Von Braun nhận thấy rằng cần phải có một phòng thí nghiệm mới hoạt động được. Ông liền đi lục lạo khắp nơi trong vùng quê để tìm, sau rốt ông lục lạo khắp nơi trong vùng quê đi tìm, sau rốt ông khám phá được gần sông Léna một cái pháo đài vĩ đại thuộc Leuchtenberg. Pháo đài này sửa sang lại có thể trở thành một phòng thí nghiệm lý tưởng của ông. Ông liền quyết định về Bá Linh để trình bày cặn kẽ vấn đề.

        Ông rời Bleicherode vào hai giờ sáng ngày 16 tháng 3 bằng xe riêng. Vào giờ này thì có thể thoát được sự kiểm soát của phi cơ Đồng Minh lúc nào cũng sẵn sàng khạc đạn xuống bất cứ vật gì động đậy trên đường. Sau khi qua khỏi Naumburg, xe bắt đầu chạy vào xa lộ và lao thẳng về Bá Linh. Đèn pha chỉ để cầm chừng cho vừa đủ thấy mà thôi. Từ hai tháng qua dường như không lúc nào được ngủ nên Von Braun thiu thiu ngủ.

        Ông chợt giật mình vì một cảm giác là lạ. Sau này ông nhớ lại, thì trong một phút ông tưởng ông đang ngồi trong chiếc máy bay không động cơ planeur mà ông thường dùng trước chiến tranh. Chiếc xe Hannomag-Storm đã lạc tay lái. Người tài xế dân sự trẻ tuổi của ông cũng quá mỏi mệt, nên ngủ gục. Xe không người điều khiển chạy xịa qua một bên, rồi đâm đầu vào đường ray xe lửa ở phía dưới. Von Braun cố hết sức dùng vai đẩy mạnh cửa xe ra. Ông đem được người tài xế bất tỉnh ra khỏi xe trước khi máy xe phát nổ. Bây giờ, ông mới cảm thấy đau buốt nơi tay trái. Cánh tay ông nằm bất động trên đầu gối, rồi ông thiếp đi.

        Vào giờ này, xa lộ vắng hoe, hai người có thể ra máu đến chết. Nhưng may mắn là có một chiếc xe khác chạy đến. Trước khi đi, Braun có hẹn với Hannes Luehrsen là kiến trúc sư chính ở E.W. và Bernhard Tessman, người phụ trách điều chỉnh dụng cụ thí nghiệm. Hai người này cũng phải có mặt tại Bộ để giúp Braun trình bày, bảo vệ lập trường của mình, và lãnh dự chi cần thiết để biến pháo đài Leuchtenberg thành phòng thí nghiệm. Hai người chạy sau Von Braun, nên đã chứng kiến tận mắt tai nạn. Họ dừng lại, sau khi săn sóc cần thiết mấy vết thương, họ liền chạy đi tìm xe cấp cứu. Mãi bốn giờ sau xe cấp cứu mới đến được.

        Tên tài xế bị một vết nứt ở sọ, nhưng anh ta đã thoát nguy. Còn tay Von Braun bị thương hai chỗ, xương vai bị vỡ phải băng bột. Mặt ông cũng đầy thương tích nhưng nặng nhất là vết thương hả miệng phía trên môi phải khâu lại. Bây giờ cái sẹo vẫn còn và tay trái cảu ông cũng hơi có tật.

        Vì nóng lòng thực hiện phòng thí nghiệm nên Braun phải hết lời giãi bày mới bước được ra khỏi nhà thương ngày 21 tháng 3. Ngực và vai trái của ông hãy còn băng bột to sù. Ông ở trong một ngôi nhà rộng lớn, tiện nghi của một kỹ nghệ gia ở Bleicherode. Ngày 23 tháng 3, ông tổ chức một bữa tiệc sinh nhật thứ 33 của ông. Khách khứa gồm có Dornberger với có vợ trẻ của ông ta, và nhiều cộng sự viên đã hợp tác với ông lúc mới bắt đầu cuộc thí nghiệm năm 1930. Tất cả đều cố gắng tỏ ra vui vẻ và gạt vấn đề chiến tranh qua một bên, nhưng niềm vui của họ thật gượng gạo. Ai cũng biết rằng lực lượng Nga đang tràn ngập Đông Đức, họ đang tiến về sông Elbe, còn lực lượng của Anh-Mỹ thì sắp vượt qua sông Rhin và dồn vào miền Trung nước Đức để sát nhập với Hồng quân. Tất cả đều hiểu rằng nhiều nhất là hai tháng nữa, họ phải dấu thánh giá trên những cuộc nghiên cứu hỏa tiễn cho quốc gia họ. Chiến tranh sắp chấm dứt. Hầu như không có người nào hiện diện hôm đó dám  hy vọng rằng mình sẽ có được cái may mắn tiếp tục công việc trong tương lai, chắc chắn là ảm đạm tối đen.

        Dĩ nhiên họ không biết rằng tương lai của họ đang được một số người đặc biệt chiếu cố. Đó là những chuyên viên của ba lực lượng Đồng Minh mạnh nhất. Tình báo đặc biệt của Anh-Mỹ đã ghi tên họ trên một danh sách tối mật và họ đã trở thành những “mục tiêu” quan trọng. Theo Thiếu tá Robert Staver của Quân đội Mỹ, một trong những người đã lập nên danh sách đó thì: “Khi khai thác họ chúng ta sẽ thu được những tài liệu có ích về phương diện chiến lược. Chúng sẽ có một giá trị rất lớn trong những mục tiêu hành quân của Đồng Minh, hoặc là chúng sẽ tạo nên một mối đe dọa trầm trọng. Cho nên Đồng Minh phải tìm được ngay những chuyên viên Đức trước hoặc sau ngày đình chiến. Người ta gọi danh sách ấy là gì? Danh sách đen”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2020, 08:23:28 pm »


PHẦN 2

CHIẾN DỊCH “OVERCAST”


8 - DANH SÁCH ĐEN

        Sáu tuần lễ trước ngày sinh nhật của Von Braun, Robert Staver, 28 tuổi là sĩ quan pháo binh của quân đội Mỹ, đã tới Luân Đôn. Ngay lúc ông đến trình diện với thượng cấp là vị trưởng phòng Quân vụ Calvin Corey, tại văn phòng số 27 Grosvenor Square, thì một tiếng nổ kinh hồn làm tung ngã cả hai người.

        Staver choàng dậy, tiến lại cửa sổ và thấy “một bựng khói bay tỏa trong không khí ngay tại chỗ V2 nổ”. Các mảnh lửa tung xuống Grosvenor Square. Ông cho rằng chiếc phi đạn đã nổ quá sớm, trước khi bay thẳng tại tòa nhà.

        Đây không phải lần đầu duy nhất mà ông ta đối diện với V2. Vì sau đó, có lần ông ngụ tại khách sạn gần Marble Arch, và một chiều nọ. Ông bị quăng từ đường rơi xuống đất, do một tiếng nổ ầm kinh khiếp: một chiếc V2 rơi ở Hyde Park, đúng ngay tại phía sau Marble Arch, gây cho 62 người chết.

        Vài lần sau nữa, trong lần đi công tác bằng xe vận tải với người kỹ sư dân chính Mỹ, Ed. Hull, đến cơ sở hàng không Farnborough, lại một chiếc V2 rớt ngay kho gởi hàng nằm bên bờ lộ, cách ông khoảng gần 1 cây số. Cả hai người nhanh chân nhảy xuống núp vào một hỗ trũng. Có hàng trăm máy phi cơ Rolls-Merlin còn mới nguyên, bị phá hủy, với 15 người thợ bị chết.

        Staver có những lý do đặc biệt để lưu tâm đến hiệu năng của V2. Ông được gửi đến Âu châu để điều tra tất cả những gì liên quan đến hỏa tiễn và phi đạn vô tuyến điều khiển của Đức, đã được ghi trong bản “”danh sách đen”. Ông ta phải dự phần vào cuộc săn tìm các bí mật khoa học Đức, một cuộc đua tìm vĩ đại được mở màn giữa các nước Đồng Minh, khi thấy có dấu hiệu cuộc chiến sắp chấm dứt.

        Các động cơ thúc đẩy cuộc đua tìm kho tàng khoa học, hiển nhiên còn sự dòm ngó của cả các kỹ thuật gia và các nhà chuyên môn nữa: người Đức đã thất bại trong lĩnh vực tìm kiếm về nguyên tử, nhưng họ đã thành công trong việc hoàn thành một số lớn các loại vũ khí mới,  mà về phương diện tiến bộ, đã vượt xa các loại của các đại cường Đồng Minh hiện có. Nhưng tầu ngầm điện, máy bay phản lực, và hỏa tiễn tầm xa chỉ còn là các chiến lợi phẩm dành cho kẻ thắng lợi.

        Và đây là sứ mạng Alsos, một kế hoạch đầu tiên được tổ chức thật qui mô chưa từng thấy trong lịch sử của ngành tình báo khoa học và các mục tiêu của nó được ưu tiên hơn hết mọi loại khác, trong đó có V2. Kế hoạch Alsos đã khám phá được sự bất lực của Đức, trong việc thực hiện bom nguyên tử - Bây giờ thì những lo âu rất thực tế trong lĩnh vực này không còn nữa, ngành tình báo khoa học lại quay sang các trọng điểm khác.

        Và V2 bây giờ là một trong các mục tiêu chính yếu, với bao nhiêu công cuộc tìm kiếm được tổ chức do nhiều cơ quan khác nhau của Quân lực Mỹ. Từ khi chấm dứt chiến tranh, vẫn hãy còn có một sự hiểu lầm là người ta có cảm tưởng rằng cuộc săn tìm về các tiến bộ kỹ thuật kia, là một cố gắng duy nhất được khép phối trí với danh hiệu là kế hoạch Paperclip (móc kẹp). Thật ra, vào mùa xuân năm 1945, khi mới bắt đầu, thì chiến dịch này chưa có danh xưng, nói một cách giản dị là có những toán đại diện quân đội trong ngành Không và Hải quân Mỹ đến nước Đức để nghiên cứu và khám phá những gì mà họ có thể thực hiện được. Các toán này thường hay va chạm nhau cũng như đã đua giành với các nhóm đồng nghiệp người Anh và người Nga. Phải đợi đến tháng 7 năm 1945, công tác riêng biệt này mới được chính thức hóa dưới danh hiệu là Overcast (tối tăm). (Và đến ngày 13 tháng 3 năm 1946, khi mà các tiết lậu đã phơi bày thì danh xưng của kế hoạch này được gọi là Paperchip).

        Giữa những người Mỹ tham dự công tác Overcast có một người được nổi tiếng nhờ những giá trị đặc biệt mà ông ta đã biểu hiện được từ lúc mới sơ khởi về vấn đề V2: người đó là Đại tá Gervais William Trichel, xuất thân trường Võ bị West Point, tốt nghiệp viện kỹ thuật Massachuselt (M.I.T) và có bằng tiến sĩ kỹ sư điện tại đại học California; vào tháng 9 năm 1943 ông được bổ làm chỉ huy trưởng văn phòng nghiên cứu hỏa tiễn, một cơ sở được thiết lập mới mẻ của Quân đội.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM