Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:13:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler  (Đọc 7372 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2020, 11:24:21 am »

   
        Dornberger muốn điều tra coi với lý do nào người ta đã bắt họ. Nhưng tướng Buhle chỉ đáp với ông rằng: chính thống chế Keitel sẽ cho ông biết vào sáng mai. Ông đã thức trắng đêm để chờ trời sáng. 9h ông đã trình diện Keitel. Vị này tuyên bố: tội trạng của các cộng sự viên của ông rất nặng. Chính đầu óc của họ là đầu dây mối nhợ tất cả. Dornberger kêu lên rằng: Ông xin đảm bảo họ trên chính sinh mạng của ông. Vị Tổng tham mưu trưởng gay gắt đáp:

        - Ông có biết các “ bạn đồng nghiệp thân cận của ông” tuyên bố công khai ở Zinnowizt rằng không bao giờ họ có ý tạo chiếc hỏa tiễn thành một loại vũ khí chiến lược, rằng họ không làm cho sự phát triển vũ khí này mà chỉ hành động dưới sự kềm tỏa của ông, hầu có được một số vốn để thực hiện các cuộc thí nghiệm riêng cho chính họ, và chứng nghiệm lại các lý thuyết của họ? Rằng, ngay từ khi bắt đầu, mục tiêu duy nhất của họ là cuộc du hành trong không gian?

        Dornberger bẻ lại:

        - Dù vậy, tôi vẫn xin chịu trách nhiệm về họ. Ngay chính tôi cũng thường lặp đi lặp lại, khi việc chứng minh được thực hiện ở Peenemunde là A4 chỉ là bước đầu trong kỷ nguyên tân kỹ thuật học mà thôi. Đó là kỷ nguyên của hỏa tiễn. Bao nhiêu lần rồi tôi đã không nói rằng lịch sử của loại người đã đi đên một khúc quanh sao? Chúng tôi mở đường cho các cuộc thám hiểm không gian. Chúng tôi đã chứng tỏ việc thám hiểm này sẽ thực hiện được. Nếu mấy người kia là những kẻ phá hoại vì đã cùng chủ trương như tôi, thì tôi cũng phải bị bắt như họ.

        Keitel trả lời:

        - Phá hoại, phủ hoại nằm trong sự kiện cái tư tưởng thầm kín của họ hướng về các cuộc du hành trong không gian. Vì vậy nên họ đã không đem tất cả cố gắng và khả năng để biến A4 thành một vũ khí chiến tranh.

        - Lời buộc tội xuất phát từ đâu? Keitel không biết tí nào về điều này. - Dornberger nói tiếp - Việc bắt bớ trên là tai biến cho toàn bộ chương trình. Nhất là người ta đã dự liệu các hỏa tiễn phải được sử dụng ngay, trong khi chúng tôi hãy còn chưa điều chỉnh được những khó khăn. Đây thật là một hiểu lầm tai hại, hay là một sự lầm lạc lớn lao.

        Keitel nhún vai:

        - Tôi không làm gì được. Có Himmler đàng sau! Thật vậy, Reichsfuhrer S.S đã quyết định theo kiểu riêng ai không bắt chước được.

        Dornberger đã khẩn khoản với con người được coi là đại diện quyền lực của quân đội. bên bộ tham mưu của Fuhrer để vận động các cộng sự viên của ông ta được thả ra:

        - Thưa Thống chế, tôi chính thức lên tiếng với Ngài rằng nếu các việc bắt bớ kia vẫn được duy trì thì nó sẽ gây khó khăn cho việc hoàn tất những công trình hiện tại và làm chậm chễ việc thực hiện hỏa tiễn..

        Để giữ vững chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực của mình, Keitel đã có một nguyên tắc để hành động. Ấy là né tránh tất cả những cuộc xung đột với S.S và không đệ trình những vấn đề bất lợi với Fuhrer. Vì vậy ông bảo với Dornberger, hãy tự chứng minh là mình hữu lý. Ông nói:

        - Tôi không thể thả họ ra nếu không có sự đồng ý của Himmler. Không nên để họ nghi ngờ, dù là một tí thôi, rằng tôi kém nhiệt thành hơn họ và bọn mật vụ trong loại công việc này. Ông cũng hiểu là tôi đang ở tình trạng thế nào rồi. Người ta đang canh chừng tôi. Người ta chỉ chờ tôi lộ một chút sơ hở mà thôi. Nếu tôi phải ra đi, giới sĩ quan sẽ mất liên lạc với Fuhrer, mất cơ hội cuối cùng để gây vài ảnh hưởng. Bây giờ, chỉ còn lại công việc của bọn an ninh và Himmler.

        Biết rằng Keitel sẽ không làm được việc gì, Dornberger quyết định một sáng kiến mà vào năm 1944 ít ai dám tình nguyện làm: ông yêu cầu Keitel sắp xếp cho ông được hội kiến với Himmler. Thống chế điện thoại về Bá Linh. Lát sau, ông nhận được trả lời của người tùy viên của Himmler: Reichsfuhrer S.S từ chối gặp Dornberger. Tuy nhiên, Dornberger có thể biện hộ với tướng S.S là Kaltenbrunner, chỉ huy trưởng ngành An ninh.

        Trước khi tiễn Dornberger ra về, Keitel đã yêu cầu vị khách hãy coi buổi nói chuyện hôm nay như một cuộc tâm tình thân mật mà thôi. Giận run người, Dornberger bước ra về.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:30:20 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2020, 11:03:36 pm »

        
*

*        *

        Đến tháng 3 năm 1944 các Cơ quan Tình báo Anh cũng chưa thể cung cấp cho Thủ tướng Churchill và Ủy ban Crossbow các điều xác nhận về hỏa tiễn có tầm hoạt động xa của Đức. Và không có một tin tức nào cho phép tiên đoán là sẽ đến bao giờ hỏa tiễn mới được sử dụng. Chỉ sau cuộc chiến, người ta mới biết rằng, trong giờ quyết định đưa hỏa tiễn đến xạ trường, thì viên giám đốc kỹ thuật (Von Braun) của Trung tâm thí nghiệm quân đội ở Peenemunde lại không có mặt để điều hành cho A4.

        Ngày 13 tháng 3 năm 1944, lúc 3h sáng, 3 nhân viên mật vụ (Gestapo) đã đến gõ cửa ngôi biệt thự bằng gỗ mà Von Braun dùng làm nơi trú ngụ ở Peenemunde. Họ yêu cầu ông sửa soạn và theo họ về Sở cảnh sát ở Stettin. Vị kỹ sư phản đổi mãnh liệt: chắc chắn đây là một sự lầm lẫn…Lịch sự nhưng quả quyết, những người lính này không cần lời cãi lý: họ đã được lệnh và không thể lầm lẫn được, họ phải đưa ông về Stettin, với lý do là để bảo vệ cho ông.

        Trong thời gian lưu ngục, Von Braun không bị đe dọa, cũng không hề bị ngược đãi. Nhưng người ta không giải thích cho ông về việc “bảo vệ” này. Ông nói: tôi đã trải qua 2 tuần lễ hay ho, trong ngục thất S.S ở Stettin, không giới quyền nào cho tôi được giải thích tối thiểu về việc bắt giữ tôi.

        Cuối cùng, một ngày nọ, những người lính cảnh vệ tới tìm ông trong nhà giam tối lạnh, và dẫn đến một gian phòng nhỏ, mà ông cứ là phòng luận tội của tòa án. Nhưng ở đây không có quan tòa, không có luật sư, không có cả công chúng. Các quan tòa - nếu đấy là các vị quan tòa – mặc, không phải áo dài của Pháp quan, mà là đồng phục S.S. Các người này kết tội Von Braun đã nói rằng ông không có ý định tạo hỏa tiễn A4 thành một thứ vũ khí, rằng ông chỉ nghĩ đến cuộc du hành trong không gian, rằng ông phàn nàn việc sử dụng hỏa tiễn vào mục đích quân sự. Von Braun nói: “Đấy là một thái độ trí thức khá phổ biến ở Peenemunde. Thế nên nếu họ không có bằng cớ phạm tội nào khác đổ lên tôi, thì tôi đã yên lặng một cách tương đối. Nhưng đằng này họ đã đi quá xa: họ cho rằng tôi có chiếc phi cơ, sẵn sàng để mang tôi đến Anh quốc với số tài liệu quan trọng về hỏa tiễn. Đây là yếu tố chính để buộc tội mà tôi gặp khó khăn để chứng tỏ sự  sai lạc của lời cáo buộc vì tôi có thói quen tự lái chiếc phi cơ vận tải của Chính phủ, dùng để xê dịch trong xứ”.

        Trong bản án này, chỉ có một cái gì không đúng sự thật, mà Von Braun, vị kỹ sư quen làm việc trong những điều kiện cụ thể cảm thấy sợ hãi và bối rối. Nếu bọn S.S thật sự quyết tình muốn hạ ông bởi các lý do mà ông quên khuấy đi, thì ông sẽ chứng tỏ sự vô tội của ông như thế nào?

        Sau đó là một tình cờ lạ lùng hơn hết trong sự trùng hợp của cuộc xét xử này: Tướng Dornberger bước vào phòng, tiến vào viên chức S.S đang chủ tọa phiên xử và trình lên hắn ta “một hồ sơ có vẻ chính thức”. Khi vừa đọc qua tài liệu, thì lệnh phóng thích tôi được ban ra và tôi cùng về với Dornberger.

        Việc phóng thích bất ngờ này là kết quả 2 tuần cố gắng của Dornberger. Trước hết ông đến văn phòng S.S ở Bá Linh (nơi đây người ta báo cho ông biết có một hồ sơ dày cộp, đầy ắp những bằng cớ, liên quan đến cả chính ông nữa). Sau đó ông đến Sở phản gián của quân đội để rồi đem lại được sự tự do cho Von Braun, Riedel và Grottrup. Dornberger can thiệp: “Tôi xin thề mà khai rằng, các tội nhân rất cần thiết cho sự thực hiện chương trình A4, và họ phải được tự do trong 3 tháng…”.

        Nhưng, việc thắng lợi của Dornberger không có nghĩa là bọn S.S từ bỏ các mục tiêu của họ. Vào thời kỳ này, Himmler (chúa trùm S.S) không đủ mạnh để loại bỏ trọn vẹn quân đội ra khỏi chương trình A4. Nhưng cơ hội sẽ đến, khi nào họ có thể hành động được. Vào tháng 3 năm 1944, có phải luôn luôn là Himmler bị bắt buộc phải trông cậy vào các thủ thuật mà ông quen dùng và thường được thành công. Sau khi Von Braun đã từ chối sự khuyến dụ của bọn S.S, Himmler đã chuẩn bị một hồ sơ, giáng lên đầu vị  Giám đốc kỹ thuật của Trung tâm Peenemunde, hầu chứng minh rằng, Von Braun đã tính sai trong quyết định từ chối.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:30:37 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2020, 11:06:04 pm »

 
        Nhưng, thật rõ ràng là khó tìm cách buộc tội một con người như Von Braun: bản chất trong sạch của ông đã là tất cả chứng cứ. Hơn nữa trong quá khứ ông không dính dáng gì đến chính trị. Các tên mật thám nhà nghề của Gestapo được gửi tới Peenemunde đã hoài công, cho đến một ngày có một viên chức, một nữ nha sĩ nghe được những lời mỉa mai của vị kỹ sư ở Zinnowitz. Trích nguyên văn của lời này, nghe như lời của một kẻ phản nghịch – việc ra hầu của Von Braun trước tòa án S.S không phải chuyện để xác định điều vô tội hay phạm tội của ông: mục đích của họ là để thị uy Von Braun, hầu làm cho ông chấp nhận đem tài năng mình phục vụ cho S.S. Cuộc mưu toan đã thất bại, nhất là nhờ có sự can thiệp tích cực của Dornberger. Nhưng sự kiện trên đã đem lại 3 hậu quả tai hại như sau: tạo một bầu không khí sợ hãi cho những người dân chính đang phục vụ chương trình A4, gây oán hận của Von Braun với bọn Quốc Xã và tất cả các người mật vụ, và sau hết làm chậm trễ việc đem hỏa tiễn A4 lên xạ trường thí nghiệm.

        Sở tình báo Anh, hiển nhiên không hay biết gì về các ganh đua rối loạn và phức tạp đã bủa giăng quanh khí giới bí mật của Đức.Họ chỉ biết qua các phúc trình đều đặn của lực lượng kháng chiến Ba Lan là người Đức rất chuyên chú vào các cuộc thí nghiệm ở miền Nam Ba Lan khi các phúc trình này được chuyển từ Blizna về Benson, căn cứ của đơn vị nghiên cứu tài liệu không ảnh cách Blizna 1500km thì nơi này lại ở ngoài tầm hoạt động của phi cơ trình sát. Nhưng, vào tháng 4, không có trường hợp nào hơn là: Sở Tình báo Nga (P.R.U) đã đặt cơ sở ở San Severo, Ý Đại Lợi. Và các điều kiện thời tiết cũng khá thuận lợi.

        Ngày 5 tháng 4 năm 1944 – Von Braun đã trở về với chức vụ của ông – có một chiếc Mosquito cất cánh từ San Severo và chụp hình các vùng khả nghi ở Blizna: các bức ảnh không khám phá được gì ngoài một khoảng rừng thưa rộng lớn và một chỗ che kín dày đặc. Ngày 5 tháng 5, tin tức mới và bức ảnh chụp cũng tương tự như trước nhưng trong lần này, các nhà chuyên môn về giải thích không ảnh khám phá có một sự bất thường: một vật và chỉ một vật thôi. Đấy là chiếc hỏa tiễn, không ngụy trang ở nơi nào cả giống như các hỏa tiễn ở Peenemunde. Bây giờ đã cận đến ngày J, các vị chỉ huy Đồng Minh mới có được bằng chứng là người Đức vẫn tiếp tục phát triển vũ khí bí mật của họ. Trong suốt tháng 5, các giàn phóng được xem như của hỏa tiễn và bom bay bị tấn công dữ dội trong khuôn khổ của kế hoạch Crossbow, mà vị thống chế không quân, Sir Roderic Hill có thể nói rằng phần lớn các giàn phóng trên “đã bị vô hiệu hóa”. Nhưng ít nhất cũng có một việc đáng ngại: mặc dầu tất cả những cố gắng của các hoa tiêu trinh sát, tât cả những hy sinh và mạng sống của lực lượng kháng chiến Pháp và Ba Lan để cung cấp cho người Anh các tin tức về tân vũ khí và các căn cứ phóng hỏa tiễn, “chưa có một người nào, trong hàng ngũ Đồng Minh, dù ở cấp bậc nào biết rõ được (đến cuối mùa xuân năm 1944) việc mà các vũ khí mới của Đức có khả năng làm được”. Không một người nào hết, kể cả con người chịu trách nhiệm nặng nề khi ra lệnh cho các lực lượng kết hợp vượt biển Manche qua tấn công quân Đức: Dwight Eisenhower.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:30:55 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:29:19 am »

      
        
4 - V1 XUẤT HIỆN!


        Ngày 4 tháng 6 năm 1944, tướng Eisenhower tiến vào phòng hợp tại thư viện Southwick House. Bây giờ là chin giờ rưỡi sáng. Đi theo ông có cả một toán cố vấn và các chuyên môn, nhưng chính ông và chỉ một mình ông là có toàn quyền quyết định mà thôi.

        Trong một phiên hop trước, các tiên đoán thời tiết – mây thấp, gió vần vũ, biển động – đã bắt buộc phải hoãn kế hoạch xâm nhập, 24 tiếng đồng hồ. Giờ đây, vị sĩ quan về khí tượng lại thông báo cho ông biết, thời tiết đang biến chuyển. Đại úy Stagg, không dám quyết chắc nhưng ông ta hy vọng sẽ có cái may là thời tiết sẽ tốt đẹp, và trời sẽ quang đãng suốt buổi sáng ngày thứ ba, 6 tháng 6 năm 1944.

        Tiếp theo, Eisenhower hỏi ý kiến của mười hai vị sĩ quan cao cấp, nhưng đã không đạt được một sự thống nhất toàn thể. Tướng Montgomery, người sẽ chỉ huy lực lượng trên bộ, tỏ ra không đồng ý một cuộc đột kích tức khắc. Thống chế Không quân Tedder, tư lệnh phó tối cao và Thống chế Không quân Leigh Mallory, Tư lệnh không lực Đồng minh, lại bi quan. Căn cứ vào các điều kiện hiện hữu, họ cho rằng cuộc hành quân có vẻ “phiêu lưu”.

        Đồng ý là quyết định tối hậu hoàn toàn tùy thuộc Ensenhower. Vị Tham mưu trường của ông, tướng Bedell Smith, rất ái ngại khi nhìn vị chủ soái trong đơn thế và cô lập, sẽ phải lấy một quyết định quá căng thẳng như vậy, một quyết định chỉ riêng cá nhân ông sẽ phải chịu trách nhiệm về sự thành bại này.

        Eisenhower xem lại hằng ngàn lẻ một chi tiết liên hệ có thể đưa vào chung cuộc. Đặc biệt có hai vấn đề đã làm cho ông lo âu, mà chỉ các cộng sự viên than cận của ông mới biết được.

        Vào cuối tháng 3 (do các điều khẩn khoản của tướng Leslie Groves, giám đốc chương trình Manhattan) tướng George Marshall đã phải đi ngay về bên Bộ Tư lệnh tối cao một Thiếu tá tên Peterson, để ông này tường trình lên Eisenhower là các nhà bác học Anh-Mỹ đang cho hoàn thành một trái bom kỳ dị, thuộc loại hạch tâm. Nhưng ông ta lại thêm, cũng có thể là người Đức có đủ khả năng, để tự họ sản xuất trước đôi chút, bom nguyên tử của họ. Theo Groves, thì sự bất ngờ đáng ngại này hãy còn xa xôi, điều mà ông muốn vị Tư lệnh tối cao phải được báo trước là: địch quân rất có thể sẽ dung loại bom nổ thường, có chứa chất phóng xạ và sẽ có thể dựng lên một loại rào cản phóng xạ trên đường tiến quân xâm nhập của chúng ta.

        Vấn đề thứ hai lại càng đáng lo hơn, vì nó cụ thể hơn, Eisenhower không phải chẳng biết gì về sự đe dọa của các cuộc bay lượn vũ khí bí mật của Đức. Ông đã theo dõi các cuộc không kích trong khuôn khổ kế hoạch Crorssbow (chiếc nỏ thời cổ) vào các giàn phóng hỏa tiễn, và các căn cứ tiếp vận liên hệ. Đến tháng tư, ông đồng ý dành cho kế hoạch Crossbow, quyền ưu tiên tuyệt đối về tất cả các công tác không trợ khác. Ông biết rằng Bộ tham Anh-Mỹ có nhiệm vụ về chiến dịch Overlord (mật danh cả cuộc đổ bộ) đã suy tính một giả thuyết, với một sự nghiêm trọng, có thể làm cho quý bạn sửng sốt, là bỏ đi các hải cảng, có thể bị  hủy hoại ở miền Nam nước Anh, và cho di chuyển căn cứ xâm nhập về Hull, Glasgow hoặc Liverpool. Sau khi nghiên cứu tất cả các tin tức sẵn có, liên quan đến vũ khí bí mật, vị “chủ nhân” kế hoạch Overlord, cuối cùng đã buồn bã dặn dò: “Tiếp tục như định trước và hãy để nó đến.”

        Nhưng mặc dù tất cả những cố gắng của các cơ quan tình báo, đã tận tình bất kể sự, để đem lại cho ông các dữ kiện chắc chắn. Eisenhower lại vẫn luôn không biết một cách chính xác việc gì “sẽ xảy ra”: Để bù lại, cái gì ông biết được, chính là miền Nam nước Anh hiện đang là một căn cứ quân sự vĩ đại. Hai triệu người đang chờ đợi, chun chúc dưới các “lều vải” dồn đống trong các trại binh, và trong các lều gỗ “Nissen” quá đông người. Vô số lô vật liệu và đồ quân nhu, đạn được vận chuyển về trên các con đường gồ ghề, hoặc bằng đường xe lửa, đưa về khu tập trung, một hạm đội được bỏ  neo trong các hải cảng Plymouth, Portland và Southampton. Thật là chưa bao giờ lại có một kho binh khí kết hợp được như vậy. Còn có mục tiêu nào cám dỗ hơn cho pháo binh Đức, đặt dài theo bờ biển Pháp.

        Có thể nào có sự trùng hợp, xảy ra một cuộc sử dụng bất ngờ của vũ khí mật Đức và ngày J? Eisenhower cũng “không thể tưởng tượng ra được”. Nhưng nếu căn cứ vào thời tiết bình thường mà “bật đèn xanh” thì thật là một hành động “phiêu lưu”. Hoãn ngày J lại vài tuần lễ, cả đến nhiều tháng cũng không phải là ít “phiêu lưu”. Các vũ khí bí mật, có thể hãy còn chưa sẵn sàng (mặc dù người ta không thể quyết chắc điều đó), nhưng Eisenhower không thể chấp nhận “sự có thể có” việc các vũ khí này được hoàn thành trong một tương lai rất gần, và sẽ đem lại những hậu quả thảm khốc cho các chỗ tập trung quân và vật liệu này.

Bom bay V1 vừa được phóng đi đang trên đường tiến đến Luân Đôn (Anh quốc)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười, 2020, 02:26:55 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:33:46 am »

       
        Vũ khí bí mật, chất phóng xạ, điều kiện thời tiết. Eisenhower cứ quanh đi quẩn lại tất cả các điều nan giải ấy trong đầu ông, đồng thời với hàng trăm vấn đề quân lệnh cụ thể mà ông phải suy xét cho thực tế. Và tất cả sự kiện trên chỉ qui về mỗi một vấn đề đơn giản: còn bao lâu nữa, kế hoạch còn bị gác lại?

        D. Eisenhower quyết định: “Đúng rồi, phải đến đó”. Một phiên họp mới được triệu tập rất sớm ngay sáng hôm sau, để làm một khảo sát chót về tiên đoán thời tiết, nhưng ngay bây giờ, lệnh phải được cấp tốc chuyển đến hải đội: cuộc đổ bộ bắt đầu. Eisenhower rời khỏi Southwick House với đoàn tùy tùng các tướng lãnh. Rốt cuộc, ông đã phải cần 45 giây để lấy quyết định, khởi thế một cuộc xung kích Hải – Không vĩ đại nhất lịch sử.

        Sáng hôm sau, ngày 5 tháng 6 vào lúc 3 giờ30, vị Tư lệnh tối cáo rời khỏi toa xe dung làm nơi trú ngụ và sang đi bằng xe vận tải trên con đường lầy lội khoảng 1.500 thước, trong mưa bão ngập tràn, để trở lại Southwick House. Nơi đây, người ta cho ông biết là mặc dù cơn bão tố hãy còn quấy động, các nhà khí tượng luôn nghĩ rằng trời sẽ quang đãng ngày 6 tháng 6, và sự yên tĩnh có thể kéo dài được 36 tiếng hồng hồ, nhưng các chuyên viên khí tượng không dám liều lĩnh làm một cuộc phỏng đoán dài hạn. Eisenhower nghĩ ngợi thật lâu, đoạn ông truyền cho chuyển về các vị tham mưu trưởng hỗ hợp, mật lệnh như sau: “Chim bói cá thêm 5, sau hết và thật sự y chuẩn”.

        Và ngày 6 tháng 6, trong lớp sương mù dày đặc buổi bình minh, quân đội Đồng Minh đổ bộ lên các bãi ở Normandie, Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword. Lục quân Đức (Wehrmacht) và lực lượng S.S. chiến đấu (Waffen S.S. – Tưởng cũng cần nên phân biệt sơ qua về hai loại S.S. để khỏi bị hiểu lầm: thoạt đầu S.S. chữ tắt của Schutzstaffel, là lực lượng cảnh sát của Đảng Quốc Xã, mặc đồng phục màu đen. Sau đó, vì nhu cầu quân đội, một số S.S. này cùng nhiều người tình nguyện khác lập đoàn Waffen S.S., tức S.S. chiến đấu mang sắc phục màu vàng, chiến đấu bên cạnh các đơn vị lục quân, nhưng có phần trội hơn, vì họ được tuyển lựa và huấn luyện thật kỹ, để trở thành những toán xung phong gan lì trong các trận đánh… Còn S.S. cảnh bị vẫn mặc đồng đen và được gọi là Allgemeine S.S) đã đến đó bằng tất cả sự kinh ngạc và chống trả hết sức quyết liệt và đẫm máu. Khi đêm xuống, các người của bên này hay bên kia quân trại,  nếu như họ còn chút gì rảnh rỗi, đã thấm thía rằng họ vừa trải qua một ngày lịch sử: báo trước Đức Quốc xã đã đến hồi mạt vận. Nhưng cũng chính là ngày lịch sử cho một lý do khác – và điều này, chưa ai biết ra sao.

        Ấy là ngày J vừa rồi! Thật vậy, sẽ còn có thể xảy ra nhiều cuộc xung kích Hải-Không khác trong các cuộc chiến tranh giới hạn tương lai. Nhưng người ta sẽ không bao giờ tham dự được một cuộc đổ bộ vĩ đại như cuộc đổ bộ ngày 6 tháng 6 năm 1944, vì từ rày về sau, không có một cuộc chiến quan trọng nào còn tùy thuộc vào các chiến binh và vũ khí cổ điển nữa. Trong 15 tháng tiếp theo ngày J, hai vũ khí mới và kinh khiếp đã nhập cuộc: hỏa tiễn có tầm hoạt động xa và bom nguyên tử. Đối đầu với hai loại này, có lẽ tất cả các binh đội đã thư hùng từ khởi thủy đến nay, nếu được kết hợp lại, thì rồi cũng sẽ bất lực như Thống soái Đức Rommel (Tư lệnh binh đoàn B tại mặt trận Tây Âu châu, đối địch với quân đổ bộ Đồng Minh), đã bại trận trên chiến trường đẫm máu ở Normandie.

        Điều này, không một ai trong đám quân lonhs đã từng tham dự vào các trận đánh ở các túi lửa “Falaise” và tiến quân trên các vùng Carentan, Isigny, Saint Louis và Caen, có thể biết được như vậy cũng như người ta không thể biết được rằng các chuyên viên về chiến tranh hóa học đã đổ bộ theo chân họ, máy dò tìm và đo chất phóng xạ Geiger cầm trong tay – Không có một vết tích của chất phóng xạ nào gia dĩ bị khám phá – Và các toán đột kích không thể biết nhiều hơn nữa là dựa trên diểm nào mà các vị chỉ huy của họ đã trấn an họ khi bảo rằng đối phương không sử dụng vũ khí bí mật để phản công.

        Ngày 12 tháng 6, quân của Eisenhower củng cố lại các đầu cầu trận tuyến của họ, tạo thành một hình cung sâu rộng từ 12 đến 18 cây số, và lấy đà tiến cho một mũi dùi rộng lớn. Scaphadnrier danh từ mấu chốt báo sự xuất hiện của vũ khí bí mật đầu tiên, vẫn không được nghe nói, hay đề cập đến sự vắng bóng của các vũ khí ấy trong thời gian đổ bộ, tạo nên một sự trớ trêu cho các cố vấn khoa học. Họ cho rằng, từ khi bắt đầu có cuộc điều tra của Sandys, tất cả các công tác đó chỉ là một cuộc đánh lừa, một trò gian trá thô lậu rất thịnh hành ở Đức, cốt để gieo sự hoang mang cho phe Đồng Minh.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:31:56 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:37:07 am »

         
        Nay, chính ngày 12 tháng 6 này, vào lúc 21 giờ, tướng Jodel, trưởng phòng hành quân của Bộ Tham mưu cao cấp quân lực Đức, gởi một mật lệnh cho Đại tá Wachtel, liên đội trưởng liên đội pháp binh phòng không thứ 155, đóng ở phía Bắc nước Pháp: bắt đầu công tác “Rumpelkammer”, mật danh chỉ sự khai hỏa của vũ khí V, mặc dầu các loại này còn nhiều khiếm khuyết kỹ thuật.

        Vào lúc hơn 4 giờ sáng, một quan sát viên của Royal Observer Corps (Đơn vị quan sát Hoàng gia Anh) ở Kent nghe tiếng kêu rít, và thấy một phi cơ tí bay trên đầu hắn ta, và để lại đằng sau một làn khói màu cam. Hắn ta  hét lên: “Diver!” (ám chỉ V1). Nhưng đã muộn, các máy bay săn tuần hoặc đại bác phòng không, không thể kịp thời ngăn chặn vật lạ kia, đang tiếp tục cuộc hành trình, tạo ra một thứ âm thanh giống như “tiếng hú của chiếc xe Ford kiểu T, đang leo lên dốc đồi”. “Vật lạ” rơi xuống Swanscombe vào lúc 4 giờ 18 phút. Rất may là không một ai bị thương. Trong giờ tiếp theo, 3 chiếc khác của loại phi đạn kỳ dị này đã đến Cuckfield, Platt và Bethnal Green gây cho 6 người chết, và 9 người bị thương ở địa điểm sau cùng: V1, bom bay đã đến, và đến trước V2, chiếc hỏa tiễn có tầm hoạt động xa. (Về vấn đề này, có rất nhiều lý do khá rắc rối, nhưng hai lý do chính được nói đến như sau: một mặt cuộc đột kích ngày 17 tháng 8 năm 1943, không gây tổn hại đến cơ sở của Không quân Đức ở Peênmunde và V1 đã được hoàn thành; mặt khác, V2 là một vũ khí khoa học vô cùng rắc rối mà việc kiện toàn đặt ra vô số vấn đề kỹ thuật gai góc).

        Trong số 11 chiếc bom bay mà Đại tá Wachtel cho phóng đi -  giàn phóng được che giấu gần một nông trại ở Pas de Calais – chỉ có 4 trái rơi vào Anh Quốc. Hiệu lực tàn phá có giới hạn, nhưng đây chỉ mới là cuộc tấn công mở màn của vũ khí V, và hiển nhiên, đây không còn là chuyện đùa, như các cố vấn khoa học đã lầm tưởng. Văn phòng Bộ Chiến tranh Anh nhóm họp và có cả những phiên họp ở Hoa Thịnh Đốn nữa để cứu xét tìm phương sách đối phó mối đe dọa hiện nay, đang trở thành là vấn đề thời sự sôi bỏng, và có tầm quan trọng chính yếu.

        Luôn trong ba ngày không thấy Đại tá Watchel cho biểu dương V1 nữa. Nhưng, một chương mới về kỹ thuật quân sự được mở ra vào giữa trưa ngày 15 tháng 6: trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ, 244 chiếc V1 được phóng đi, kết quả có 144 vượt biển Manche, và 77 chiếc đã rớt vào thành phố Luân Đôn – Mỗi trái V1 mang một tấn chất nổ. Số nạn nhân nhiều vô số và các thiệt hai vật cũng đáng kể. Tình trạng thật bi đát. Nhưng lại còn có một sự kiện cũng không kém phần bi đát là các phi cơ không người lái (V1)  không phải được phóng đi từ các hầm rộng lớn bằng “bê tông” và “cốt sắt” mà phi cơ Anh-Mỹ đã sai lầm bắn phá trong khuôn khổ kế hoạch Crossbow. Người Đức đã thiết lập kịp thời các vị trí tác xạ biến cải, nhỏ hơn và ngụy trang rất khéo, khó mà dò tìm ra được.

        Ngày 16 tháng 6 ngay giờ đầu, khi W.Churchill triệu tập văn phòng Bộ Chiến tranh trong một phiên họp toàn bộ, thì các hỏa tiễn V1 tiếp tục trút như mưa xuống Luân Đôn. Một trong các quyết định khôi hài nhất cảu chiến tranh được chọn lấy trong phiên họp này: các biện pháp chặn đứng loại bom bay, đã được nghiên cứu từ lâu, nay được cho đem áo dụng tức khắc. Nhưng, mục tiêu chính vẫn là chiến trường ở Pháp mà người ta phải đạt cho kỳ được. Anh Quốc đành phải đưa lưng chịu. Tuy nhiên, người ta sẽ đòi hỏi ở tướng Eisenhower, phải làm tất cả cái gì thuộc thẩm quyền để tiêu diệt các vị trí phóng V1 đã được sửa đổi mới.

        Eisenhower cho rằng hành động ngay, không để mất thời giờ. Cũng ngày hôm ấy, ông gởi cho viên phụ ta của ông là Thống chế Không quân Tedder, một bản văn như sau:

        “Để cho các nguyện vọng mà tôi đã trình bày ở hội nghị buổi sáng nay, được hoàn toàn sáng tỏ và chính thức, các mục tiêu Crossbow sẽ được ưu tiên tuyệt đối trên tất cả, trừ việc gì có liên quan đến các lệnh trực tiếp và khẩn cấp của chiến trường. Ưu tiên này sẽ luôn có giá trị cho đến khi nào mà chúng ta chắc chắn rằng vấn đề đã được giải quyết một cách hẳn hoi.”

        Trong hiện tại, đang có hai mặt trận rất khốc liệt: trên bộ là “chiến trường ở Pháp” và trên không có “trận giác bom bay” – Mặt trận thứ nhất tỏ ra nhiều thuận lợi hơn mặt trận thứ hai. Cứ theo các đoàn quân, mở đường máu tiến vào Normandie, Eisenhower cảm thấy việc kết thúc chiến tranh đã gần kề, trước các binh đội quả cảm nhưng háo sát mà ông có trước mặt. Tuy nhiên, điều lạc quan của các vị chỉ huy Đồng Minh, chỉ ở mức độ vừa phải, trước nhịp độ oanh kích gia tăng của V1 – Ngày 3 tháng 7 năm 1944, 161 quả bom lại tung nổ trong khu vực Luân Đôn, trong vòng 24 giờ. Và không ai biét được sự việc sẽ ra sao nếu loại V2 được đem sử dụng, vì theo như người ta bảo, thì sự hủy diệt của nó thật thập phần ghê gớm.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:32:11 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:40:38 am »

     
        Có mỗi một điều chắc chắn là nếu vũ khí V được áp dụng trước ngày J, thì vấn đề mở ra mặt trận thứ hai, có thể sẽ phải đặt lại. Và người chịu trách nhiệm lớn lao trong công tác Overlord (kế hoạch đổ bộ) là tướng Sir Frederick Morgan sau này có ghi: “Chúng ta sẽ không lầm mấy khi bảo rằng, nếu tất cả cơ xưởng của vũ khí bí mật Đức được tận dụng, thì bắt buộc chúng ta sẽ phải thay đổi chiến lược.” Eisenhower lại càng rõ ràng hơn: “Nếu người Đức đã thành công trong việc kiện toàn vũ khí mới và sử dụng chúng 6 tháng sớm hơn, cuộc đổ bộ châu Âu sẽ vô cùng khó khăn hoặc là không thể có được. Tôi đoán chắc rằng nếu họ đã dùng các vũ khí đó trong 6 tháng và đặc biệt là nếu các mục tiêu chính của họ là vùng tập trung quân Portsmouth Southampton, thì công tác Overlord sẽ phải hủy bỏ.”

        Tuy nhiên trong suốt mùa hè 1944, quân Đồng Minh tiến từ từ vào đất Pháp. Họ cũng đã bắt đầu thắng cuộc chiến “bom bay”. Các lực lượng trên bộ tiến chiếm các vị trí tác xạ V1, còn lực lượng Không quân có nhiệm vụ bảo vệ nước Anh, và tính sổ các hỏa tiễn.

        Chiếc V1 di chuyển với một tốc độ khoảng 600 cây số/giờ, vậy nó đi chậm hơn âm thanh – Người ta có thể nghe nó đến gần, có thể thấy được bằng mắt trần và dò tìm ra được trên màn rada – các phi cơ “Spilfire 14” và “Tempest” có thể ngăn chặn được bom bay, hạ được nó khi đang bay, hoặc bắn vào cánh làm cho nó mất thăng bằng và rơi xuống trước khi đến các vùng đông dân cư ở Luân Đôn. Nhưng chúng lại là các mục tiêu khó chạm tới, đối với đại bác phòng không. Tuy vậy, chính các xạ thủ cho  biết là đã hủy diệt được một số khá lớn.

        Các máy bay không người lái đã tác hại ghê gớm, nhưng Luân Đôn được sống sót. Vì V1 đến quá trễ nên sẽ không cầm thắng được cuộc chiến. Vậy người Đức chỉ còn có V2 để đương đầu với cuộc tiến quân thắng lợi của Đồng Minh. Người ta không nghe nói về hỏa tiễn có tầm xa, mà sự đe dọa của nó được xem như khẩn bách hơn sự đe dọa của bom bay, và người ta chỉ còn nghi ngờ là chúng sẽ được sử dụng. Sở tình báo đã tiết lộ rằng V2 được sản xuất hàng loạt và họ còn biết ở đâu nữa. Và lần này nữa, chính nhờ quan sát từ trên không, mà người ta có được các tin tức đó.

        Đó là loại hỏa tiễn dài, rất to, có 4 chóp cánh hình dáng rất đặc biệt. Vì quá to  lớn, nên rất khó che giấu. Nó phải được di chuyển từ cơ xưởng sản xuất đến căn cứ phòng bằng đường bộ hoặc đường xe lửa. Nhờ các giải thích bằng hình ảnh người ta phát giác ra nơi phát xuất của hàng trăm vũ khí đó. Nó chỉ có thể ở vùng Nordhausen trong quần sơn Harz mà thôi.

        Kế hoạch oanh tạc vùng phức tạp Nordhausen bị hủy bỏ, khi người ta nhận rằng, các nhà máy chế tạo được đặt ngầm trong núi. Nhưng người ta để ý thấy có một sự phục hồi sinh hoạt ở Peenemunde, trung tâm nghiên cứu và thí nghiệm đầu não của V2, mà các cơ sở thiết trí nếu được ngụy trang thì cũng ở lộ thiên. Không đoàn thứ 8 của Không lực Mỹ đã thả xuống Peenemunde 2.000 tấn bom chia làm 3 đợt oanh kích trong các ngày 18 tháng 7, 2 tháng 8 và 25 tháng 8 năm 1944. Tuy nhiên, các hỏa tiễn vẫn được tiếp tục sản xuất theo một nhịp độ gia tốc ở Nordhausen. Và các cuộc phóng thi nghiệm được tiếp nối hoặc ở Peenemunde hoặc ở Blizna.

        Về phía Đồng Minh, mặc dù đã  hết sức cố gắng, các vị chỉ huy luôn bị đặt trước các vấn đề nan giải, và họ không biết phải làm sao để khắc phục được các trở ngại có tầm vóc này, hầu tiến đến con đường chiến thắng. Riêng các cơ quan tình báo, họ đã làm việc rất  hiệu quả như dò được các căn cứ thí nghiệm ở Blizna, ở Peenemunde và cơ xưởng sản xuất ở Nordhausen, định chỗ được các lộ trình dùng di chuyển hỏa tiễn đến giàn phóng, quy định được vị trí các nhà máy sản xuất chất “Dưỡng khí lỏng” dùng làm nhiên liệu đốt, xác định được hình trạng của hỏa tiễn và tiềm năng lý thuyết của nó, từ quan sát ở dưới đất, đến chụp hình bằng phi cơ. Nhưng họ chưa thành công trong việc đặt tay vào, trên một trong các loại vũ khí này, để làm một phân tích kỹ thuật về nó. Loại V1 hiện giờ cón biết được số lượng, nhưng loại V2, loại mà người ta chưa hiểu rõ thế nào là nguyên lý, và tiềm thế phả hủy của nó, luôn vẫn còn là loại vũ khí bí mật.

        Bây giờ đây, hiện đang là mùa hè 1944, sau một năm cố gắng vô hiệu, với các phương pháp gián điệp cổ điển luôn thất bại về V2, Sở Tình báo Anh sẽ tuần tự vén lên màn bí mật.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:32:39 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:44:12 am »

  
        
5 - HỎA TIỄN LÀM THAY ĐỔI TRẬN CHIẾN

        Đức Quốc Xã bị thời giờ thúc bách, và người ta không thể tự quyền làm ngưng trệ sự hoạt động của Peenemunde. Các biện pháp ngụy trang và an minh luôn được áp dụng một cách triệt để. Nhưng các cuộc thí nghiệm lại được tiếp tục một cách công nhiên. Ngày 13 tháng 6 năm 1944 (J + 7), một vũ khí thuộc loại đặc biệt được đặt vào giàn phóng P.7.

        Đây là một loại khác được nghiên cứu: chiếc hỏa tiễn phòng không đầu tiên được điều khiển bằng vô tuyến, có mật danh là Wasserfall (Thác lớn). Nó có một hệ thống kiểm soát vô tuyến và được hướng dẫn đến mục tiêu do một chuyên viên điều hành ở dưới đất. Hệ thống hướng dẫn của Wasserfall đã sẵn sàng để thí nghiệm chuyến bay. Tuy nhiên, hỏa tiễn “mang đi” không phải là chiếc Wasserfall và người ta quyết định dùng chiếc A4 như “vecteur”.

        Chiếc A4 không được điều khiển bằng vô tuyến nhưng người ta có thể cung cấp cho nó một bộ phận hướng dẫn Wasserfall để trắc nghiệm thử. 175 kilo rượu cồn và dưỡng khí lỏng được đốt cháy, và chiếc A4 biến cải được phóng đi từ giàn phóng P.7. Chiếc hỏa tiễn băng lướt vào khung trời xanh, điều hành một cách hoàn hảo theo mệnh lệnh được truyền từ dưới đất. Người ta đoán là nó sẽ rơi ở  ngoài  khơi, các túi màu xanh sẽ đánh dấu chỗ rơi xuống của hỏa tiễn, và các toán xác định chỗ sẽ ghi vị trí rơi.

        Nhưng, viên kỹ sư điều khiển cuộc thí nghiệm đầu tiên này, thình lình bị lạc chiếc phi đạn: khi ông ở cách 6000 “bộ” (thước Anh), thì có một lớp mây dày đặc che khuất nó đi. Hoảng hốt, vị chuyên viên kỹ thuật cho đầu chiếc phi đạn hướng lên phía Bắc, trên vùng biển Baltique, để nó không đi về phía Nam và khỏi rơi xuống một thành phố nào đó ở ven biển nước Đức. Ngoài chi tiết trên, cuộc thí nghiệm đã hiển nhiên là có kết quả. Tuy nhiên, các toán xác định, ngồi trên các chiến “phụ hạm” đang lướt biển. Không dò được các túi màu xanh trên mặt trùng dương.

        W. Von Braun cần phải biết đúng chỗ rơi của mỗi trái đạn bắn ra. Ông cảm thấy chán nản khi người ta bảo với ông rằng chiếc hỏa tiễn đã “bị tác khỏi lộ trình ấn định của nó, nhưng chắc đã rơi ở phía Bắc biển Baltique.” Ông cho lệnh phân bộ “điều khiển và kiểm soat” thực hiện một cuộc kiểm điểm thật sâu rộng, 24 giờ sau, các cơ sở liên hệ cho ông biết chiếc hỏa tiễn có thể đã rơi xuống miền Nam, nước Thụy Điển.

        Tướng Dornberger lúc ấy ở Blizna. Chính nơi đây ông được điện thoại từ “Sào huyệt chó sói” Tổng hành dinh của Fuhrer ở Đông Phổ (miền Đông nước Đức): vừa mới đây có cuộc phóng thí nghiệm nào ở Peenemunde không? Sauk hi dò hỏi trên trạm thí nghiệm, Dornberger trả lời rằng ở đó không có phóng A4 (V2) cũng không có cả Fi-103 (V2). Việc trả lời này đương như không làm hài lòng Tổng hành dinh: theo ở đấy cho biét, thì có một vật giống A4, đã nổ khi đang bay trên vùng trời Thụy Điển và các mảnh vỡ đã rơi xuống gần thành phố Kalmar (Thụy Điển). Chính phủ này đã “la hoảng như giống chồn hôi” và phản kháng thẳng với Fuhrer.

        Dornberger lại điện thoại về Peenemunde và lần này, ông được cho biết về cuộc thí nghiệm vừa rồi, có cả ý kiến của Von Braun. Ông này cho rằng chiếc hỏa tiễn có thể đã bay đến Thủy Điển. Khi tướng Dornberger tường trình về câu chuyện này, Tổng hành dinh của Hitler muốn biết có thể nào các mảnh vỡ của A4 ráp tạo lại được không? Và có cho biết được các chỉ dẫn về nguyên tắc điều hành của vũ khí không? Ông phải trả lời là “có”. Nhưng khi người đối thoại hỏi tiếp ông có thể nào việc liên lạc của hỏa tiễn cho phép bọn Đồng Minh quấy rối các xung lực vô tuyến điện không? Ông nói “không”. “Tôi tin chắc việc làm của tôi, mà tôi có thể quyết chắc hơn nữa, là hệ thống điều khiển của Wasserfall, sẽ là một “trái dẻ” (noix) mà Sở Tình báo địch rất khó làm “bể” được, và họ chỉ rút từ nó hiển nhiên là những kết luận sai lầm.”

        Dornberger bị triệu ngay về “Sào huyệt chó sói”, để “bị khiển trách và biết được cơn thịnh nộ của Hitler”. Nhưng rốt cuộc, khi ông về trình diện, thì người ta bảo rằng Fuhrer không có gì để tiếp ông. Dornberger về sau có ghi: “Ngài tuyên bô rằng Thụy Điển biết rõ là chúng ta có thể oanh tác họ từ Đức quốc. Việc này rất hay, vì sẽ thúc giục họ liên minh với chúng ta.”

        Nhưng người Thụy Điển lại không phản ứng như vậy, chính phủ họ không tỏ dấu hiệu gì về sự liên minh: họ dứt khoát từ chối việc giao hoàn lại cho tòa Đại sứ Đức ở Stockholm, các mảnh vỡ của hỏa tiễn, bất chấp sự khẩn khoản của tòa này. Vì người Đức biết rõ rằng, trái với điều mà người ngoài cuộc có thể tưởng, vật thất lạc sẽ bị khám phá: thật vậy, khi các hỏa tiễn  nổ ở trên cao độ, như trường hợp vừa xảy ra, các mảnh vỡ rơi chậm lại bởi sức cản của không khí, và sự đè bẹp của nó xuống đất không làm cho nó hư hại bao nhiêu.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 11:09:02 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:48:18 am »

     
        Các viên chức Anh ở Thụy Điển, liền khi ấy, đã biết cái gì ở nơi “Spécimen de Kalmar” (mẩu mảnh vỡ hỏa tiên rơi ở Kalmar). Và khi cơ quan tình báo Anh thương thảo ở Thụy Điển về “vật” mà họ đã dò tìm từ tháng 4 năm 1943 thì người Thụy Điển lại “không nói không”.

        Và Trung tá Keith Allen đã được phép đến Thụy Điển bằng một vận tải cơ nhẹ C47, không vũ trang của Mỹ. Có những thùng to lớn, không mang dấu hiệu được chất lên phi cơ C47 đó. Trong chuyến về, khi ra khỏi không phận Thụy Điển, Allen được một đoàn săn giặc hùng hậu yểm trợ và hộ tống về nước Anh. Nơi đay các thùng được mở ra; như các nhà khảo cổ kiến tapọ lại đền đài Hy Lạp, khỏi từ các mảnh cột và đường viền, các nhà bác học Đồng Minh, lần đầu tiên phối ráp lại và phân tích một trong các loại vũ khí mật của Đức.

        Tuy vậy, có một chi tiết đã đưa các nhà bác học Anh-Mỹ đến những “kết luận sai lầm”; đó là điều họ tìm thấy trong các mảnh hỏa tiễn rơi ở Kalmar, có một hệ thống hướng dẫn, điều khiển bằng vô tuyến. Họ giả thuyết rằng tất cả V2 đều có gắn loại “phụ trợ” đó. Từ đó, họ suy diễn rằng, có thể làm cho các phi đạn bị xoay lệch được mục tiêu, bằng quấy rối các xung lực vô tuyến. Về sau, người ta nhận thấy quan niệm như vậy là một suy đoán sai lạc. Dù vậy, “Spécimen de Kalmar” cũng đã đem lại nhiều điều khá quan trọng mà cũng khá bối rối, nên các nhà bác học yêu cầu sở Tình báo cung cấp cho họ một trái hỏa tiễn khác, với tình trạng càng khả quan hơn càng hay. Thật khó mà mong có một sự “tình cờ Kalmar” thứ hai. Tuy nhiên I.S. (Sở tình báo Anh) vẫn thỏa mãn được đòi hỏi trên của họ.

        Mặc dầu các cuộc thực hiện của A4 sắp được kiện toàn, một số lớn loại này đã nổ giữa trời, cách mục tiêu khoảng 3 hoặc 4 cây số. Dornberger yêu cầu Von Braun đến Ba Lan và “đặt cơ sở đúng vào trung tâm khu vực chỗ đạn rơi”.

        Kỹ thuật này, nhằm quy định một cách chính xác các khuyết điểm kỹ thuật của A4, không mấy gì nguy hiểm cho lắm. Chính Von Braun đã nói: “Dornberger phán đoán rằng cái tròng của mục tiêu sẽ chắc chắn là điểm an toàn mẫu”. Nhưng tình thế đã thay đổi hẳn. Một ngày nọ, Von Braun, đang đứng giữa cánh đồng bằng phẳng, canh chừng chiếc thời kế, được đặt trên một ngọn tháp, chỉ còn xa 300 cây số, khi chiếc hỏa tiễn được phòng từ Blizna bay đến. Khi chiếc thời kế chỉ lúc chiếc phi đạn tiến lại gần, thì Von Braun xoay người lại và rất đỗi “hãi hùng”, thấy chiếc phi đạn bay thẳng về phía ông. Von Braun nói: “Tôi chỉ vừa đủ thời giờ để rạp mình xuống đất. Một tiếng nổ chát chúa, làm tôi bị hất lên cao và văng vào một cái hố bên cạnh. May thay, tôi được bình an. Chỗ A4 rơi, chỉ cách tôi khoảng 300 thước và đây là một sư kỳ diệu: khi mà tiếng nổ của “Ogive” (chứa gần một tấn siêu chất nổ) không làm cho tôi bị nhừ như cháo.”

        Thí nghiệm A4 thây đạt kết quả thật rõ ràng. Nhưng có điều là không phải chỉ riêng có Von Braun và nhóm cộng sự viên của ông, quan sát tại đây, sự cải thiện này, mà nhóm kháng chiến Ba Lan cũng có mặt tại đó. Từ khi họ để ý đến các thiết trí của xạ trường ở Blizna, họ đã theo dõi và thông báo cho Tình báo Anh những gì đã xảy ra trong khu vực này.

        Những người Ba Lan kháng chiến đã gởi các phúc trình khá quan trọng về cho I.S. Điều đáng chú ý là hỏa tiễn V1 cũng được thí nghiệm ở Blizna, nhưng cho đến bây giờ, họ vẫn không làm sao thỏa mãn đòi hỏi của I.S. bắt lấy một hỏa tiễn có tầm hoạt động xa, bắt cóc một chuyên viên Đức, hoặc là tìm những phần, mảnh của phi đạn rơi lạc. Nhóm kháng chiến Ba Lan thiếu vũ khí và thiếu cả điều kiện để di động. Số người khỏe mạnh trốn thoát từ các trại giam rất ít, và họ được đưa vào tổ chức có mật danh là “Burza” (Bão tố), một mặt trận du kích được thành lập bởi chính phủ lưu vong, lúc mà Hồng quân tiến sát lại biên thùy xứ họ.

        Tuy nhiên, các toán du kích vẫn đi lùng chung quanh khu vực bị tác xạ, và thường dò hỏi các người dân quê trong vùng. Và, mỗi lần có một hỏa tiễn rơi xuống đất, nhóm kháng chiên đều được thông báo. Nhưng, các chi đội cơ giới Đức lại đến gom tất cả các mảnh vỡ, rồi lại đi, chỉ để lại đằng sau họ các miệng lỗ trống không. Và như vậy, đã trong nhiều tháng, người kháng chiến Ba Lan (không có đủ hỏa lực, cũng không có quân số cần thiết để khai chiến) cảm thấy thất vọng, vì các chiến lợi phẩm rất hấp dẫn đều bị gom đi mất.

        Rồi nay, vào một buổi chiều, có một A4 bay lạc, rơi cạnh bờ con rạch “Bug”, gần làng Sarnaki, thuộc khu vực Varsovie. “Ogive” bị tịt ngòi. Có một đơn vị Đức lo đi tìm, để thu hồi chiếc phi đạn hỏng, nhưng trước họ, toàn tuần phòng Ba Lan lại qua đúng tại chỗ đó. Toán du kích này nhận thấy chiếc hỏa tiễn còn nguyên vẹn, nhưng họ lại không có phương tiện cũng như không đủ thì giờ để thu đoạt chiếc hỏa tiễn này. Đấy là lúc bi đát nhất của cuộc săn tìm, đã khởi từ tháng 4 năm 1944.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:33:19 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2020, 06:53:05 am »

       
        Nhưng một người trong bọn họ có sáng kiến: 20 du kích, băng chặt các bắp thịt của họ lại, họ đã thành công trong việc lăn trái đạn xuống con rạch. Tuy nhiên, nước trong vắt, và chiếc A4 hãy còn nhìn thấy được. May thay, không xa đó mấy có đàn bò đang lặng lẽ ăn cỏ trên cánh đồng. Các người kháng chiến đuổi bầy bò tới con rạch Bug. Năm phút sau, bọn người Đức tới nơi. Họ chỉ thấy bầy bò đang lội bì bõm trên con rạch – con rạch trở nên lầy lội và đục ngầu. Bọn họ bỏ đi chỗ khác tìm chiếc hỏa tiễn bay lạc.

        Khi đêm xuống, các người Ba Lan kháng chiến lại xuất hiện với các dụng cụ, ba chiếc vận tải cũ kỹ, cùng một toán kỹ sư. Chiếc hỏa tiễn được đem lên bờ sông và được tháo tung ra dưới ánh sáng của các ngọn đuốc, che khuất sau mấy tấm chăn. “Ogive” đặt ra một vấn đề tế nhị: nó chứa khoảng một tấn “amatol” một siêu chất nổ. Điều này không ngăn cản được các người kháng chiến tiếp tục công tác, dẫu biết rằng chỉ một chút sai lầm nhỏ, có thể gây nên đại họa. Trước buổi bình minh, các chiếc xe vận tải lên đường, với các thùng hàng quý giá.

        Sở Tình báo Anh, được thông báo có một hỏa tiễn có tầm xa của Đức, đã lọt được vào tay người kháng chiến Ba Lan. Chiếc hỏa tiễn này hoàn toàn ở trạng thái tốt. “Phải được chuyển về Anh bằng mọi giá”, Sở Tình báo Anh phúc đáp. Trong lúc cuộc chiến còn đang hung hãn, phải đem ra khỏi vùng Ba Lan bị chiếm một hỏa tiễn nặng 12 tấn, dài 14 thước vừa đưa đến một cơ sở hàng không ở Farnborough (Anh), là một thách đố ghê gớm, vượt qua khả năng của toàn người Ba Lan. Nhưng Luân Đôn cho họ biết, đã có một giải pháp được nghiên cứu.

        Sở Tình báo Anh trình một kế hoạch phải được tiến hành như sau, với điều kiện là việc phối hợp hành động phải thật hoàn hảo: căn cứ Không quân R.A.F. tại Brindisi, ở cách Ba Lan khoảng 900 cây số, lực lượng R.A.F. phải cho xuống tại một sân đáp cải dạng của Ba Lan, một phóng pháo cơ không vũ trang để chở quân du kích và vật liệu. Trong vòng mười phút, phi cơ đáp xuống, chuyển các thùng hàng và trở về Brindisi, tuyệt đối phải vượt qua cặp mắt của lực lượng phi tuần Luftwaffe của Đức. Chính tại miếng đất nhỏ này, có mật danh là Motyl (Bươm bướm) được chọn làm chỗ đáp. Luân Đôn cho toán Ba Lan biết rằng vô tuyến là công tác sẽ không được kéo dài quá 20 phút: quá thời hạn này, bọn Đức sẽ chắc chắn đoán được có một điều gì bất thường đã xảy ra và họ sẽ tới “Motyl” ngay.

        “Đồng ý”, toán Ba Loan trả lời. Nhưng họ hỏi kỹ lại, là loại phóng pháo cơ nào sẽ có khả năng để chở được một hỏa tiễn nặng 12 tấn. Luân Đôn trấn an họ: không cần phải chở nguyên chiecé hỏa tiễn, cái gì mà người ta cần đến, chính là các thành tố căn bản, kèm theo các đồ hình (bức vẽ) của nó. Trong suốt ba tuần lễ làm việc, một kỹ sư và một thợ vẽ máy bay (M. Kocjan), cả hai đều là các phần tử của quân kháng chiến, lo vẽ các đồ hình, còn các thợ máy chọn lựa và cho vào thùng các bộ phận mà họ cho là thiết yếu.

        Sáng ngày 25 tháng 7 năm 1944, nhóm kháng chiến được thông báo bằng vô tuyến rằng việc bốc hàng đem đi sẽ được thực hiện vào lúc ban đêm. Dưới cơn mưa tầm tã, toán người Ba Lan chỏ các thùng về gần “Motyl”. Tại đây, lo việc an ninh và bảo vệ, có 400 quân du kích, được trang bị bằng vũ khí thô lậu và súng “các bin” đang bố trí rải rác trong khu rừng, quanh khoảng đất này. Một phân đội yểm trở của Luftwaffe, gồm hơn 400 người Đức, đóng cách đó khoảng một cây số rưỡi, và một trung đội kỵ binh Đức trú đóng tại một làng, cách khoảng hơn 3 cây số.

        Lúc 16 giờ 30, đám mưa đã tạnh và toán người Ba Lan hết sức ngạc nhiên thấy một phi cơ săn tuần Đức đáp trên phi đạo đầy bùn và ngập nước mà họ tưởng đã bỏ hoang. 5 phút sau, lại một chiếc khác đáp xuống đó, đúng ngay vào lúc mà họ được mật tin bằng vô tuyến là chiếc Dakota của R.A.F. đã rời Brindisi. Các phi cơ Đức hãy còn ở đó, cho đến lúc hoàng hôn, chúng rời khỏi nơi đây, cũng đột ngột như chúng đã đến. Thoát nợ, các người Ba Lan yên tâm, kết luận rằng, đấy chỉ là một cuộc thao dượt thông thường.

        Đêm ấy, một đêm tốt trời mùa hạ, trời lặng trang. Sự yên tĩnh chỉ bị cắt đứt do các tiếng nổ rền từ phương xa của pháo binh Nga: đấy là cuộc tấn công tháng 7. Đến nửa đêm, toàn người rình đợi, nhận được tiếng gầm thét của động cơ. Họ tiến lại khu đất, đốt đuốc để dựng là cọc tiêu và đặt các chiếc đèn cháy đỏ, theo hình mũi tên chỉ hướng gió cho phi công. Chiếc Dakota đảo qua ba vòng, rồi đáp xuống. Kocjan nhảy lên phi cơ với 55 kilo đồ tháo rời, và các họa đồ. Trong vòng mười phút, tất cả đều được xếp đặt xong. Các động cơ còn đề máy, gầm rú theo điệu “crescendo” (cao lên dần).
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2020, 10:33:48 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM