Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:03:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu ★★★  (Đọc 4374 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:17:40 pm »

Tên sách: Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu ★★★
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2009
Số hóa: macbupda


Tổ chức:
      đại tá KIỀU BÁCH TUẤN
Biên soạn:
      đại tá TRỊNH NGỌC NGHI


LỜI NÓI ĐẦU

Nghệ thuật quân sự Việt Nam là sự kế thừa truyền thống mấy ngàn năm đánh giặc giữ nước của cha ông, được tích lũy, bổ sung qua hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ của 30 năm chiến tranh giải phóng.

Trước những đội quân xâm lược có tiềm lực quân sự lớn quân đông, vũ khí hiện đại hơn gấp nhiều lần, quân và dân ta đã khéo léo vận dụng nhiều cách đánh khác nhau từ chính quy đến mật tập, cải trang, từ vây điểm, diệt viện đến vận động, đánh trong hành tiến. Từ những trận đánh sử dụng lực lượng hàng trung, sư đoàn binh chủng hợp thành với xe tăng, pháo lớn đến những trận đánh chỉ có một đội đặc công, một tổ du kích đều để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá góp thêm vào kho tàng kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của dân tộc. Mỗi trận thắng đều góp thêm một viên gạch để xây dựng nên nền Nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Vận dụng nghệ thuật quân sự vào từng trận chiến đấu, phát huy truyền thống “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin dám đánh và sẽ đánh thắng mọi kẻ thù.

Nhà xuất bản Quân đội giới thiệu tới bạn đọc cuốn “Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu ★★★”. Cuốn sách được biên soạn dựa trên các tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu của các đơn vị, địa phương trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước vừa qua.

Quá trình biên soạn, dù đã hết sức cố gắng nhưng chắc chắn không tránh khỏi có những thiếu sót. Rất mong bạn đọc đóng góp ý kiến, phê bình.


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tư, 2022, 11:24:59 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:19:10 pm »

TRẬN TẬP KÍCH CĂN CỨ 42 BIỂN HỒ CỦA TIỂU ĐOÀN 20 TRUNG ĐOÀN ĐẶC CÔNG 400
(ĐÊM 05, RẠNG NGÀY 6.5.1972)

Trận tập kích của Tiểu đoàn 20 (có các đại đội 56, 58, 62 và một trung đội cối 82mm) thuộc Trung đoàn 400 đặc công, Mặt trận Tây Nguyên vào sở chỉ huy trung đoàn 45, một tiểu đoàn pháo của quân đoàn 2 - quân khu 2 quân đội Sài Gòn, một đại đội dù, một đại đội biệt kích, thám báo, một đại đội bảo an tại căn cứ 42 Biển Hồ, ở bình độ 730, cách thị xã Plây Cu 10 ki-lô-mét về phía bắc, nay thuộc địa phận của nông trường chè Biển Hồ thành phố Plây Cu, tỉnh Gia Lai.

Lúc 11 giờ ngày 5 tháng 5, bộ phận cối 82mm đi kiềm chế căn cứ 41A hành quân chiếm lĩnh trận địa. 17 giờ, tiểu đoàn hành quân tiếp cận địch. 21 giờ, các tổ tiếp cận hàng rào ngoài cùng và bắt đầu mở cửa vào căn cứ theo kế hoạch.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 6, khi mũi 1 đang khắc phục hàng rào thứ bảy, một tên lính gác bất ngờ đi tới. Trước khả năng bị lộ, mũi 1 đã diệt tên lính gác và xung phong đánh vào trong cứ điểm.

Theo hiệp đồng, các mũi vượt hàng rào cuối cùng đánh chiếm các mục tiêu đã được phân công. Riêng mũi 2 phải dùng bộc phá để mở rào rồi mới phát triển vào khu A.

Sau 15 phút chiến đấu, mũi 1 đã đánh chiếm được một phần mục tiêu ở khu A. Khi phát triển vào sở chỉ huy thì vướng hàng rào phân khu không phát triển tiếp được. Địch phản ứng mạnh, làm một số chiến sĩ thương vong. Để nhanh chóng tiêu diệt sở chỉ huy địch, tiểu đoàn quyết định đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu. Sau hai lần đột phá, ta đánh vào trung tâm chỉ huy của địch, làm chủ khu sở chỉ huy, diệt và bắt nhiều địch.

Mũi 2, sau khi dùng bộc phá mở cửa, bộ đội nhanh chóng đánh chiếm khu A. Nhưng địch chống trả ác liệt, một số thương vong nên chỉ còn một tổ phát triển được vào cùng mũi 1 tiến công sở chỉ huy địch.

Ở mũi 3, sau 35 phút nổ súng, ta đã tiêu diệt được chỉ huy tiểu đoàn pháo và đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu được phân công, bắt liên lạc được với mũi 4 đang ở hướng bắc phát triển xuống.

Mũi 4, hiệp đồng chặt chẽ với mũi 3, nổ súng diệt các mục tiêu được phân công. Quá trình chiến đấu kho đạn địch nổ làm một số bị thương, lực lượng còn lại không phát triển được xuống phía nam bắt liên lạc với mũi 1 và 2. Tiểu đoàn lệnh cho mũi 4 lùng sục bắt tù binh và giải quyết thương vong.

Sau hơn một giờ chiến đấu, ta làm chủ căn cứ 42 Biển Hồ, loại khỏi vòng chiến đấu 400 tên địch, bắt 12 tù binh, phá huỷ bốn khẩu pháo 155mm, sáu khẩu 105mm, một khẩu cối 106,7mm, sáu khẩu đại liên, hai khẩu ĐKZ, hai xe bọc thép, 19 xe GMC, tám hầm đạn pháo, hai hầm ngầm, thu 25 súng các loại.

Trận đánh thắng lợi đã tiêu diệt một lực lượng quan trọng quân địch, góp phần đánh bại cuộc hành quân mở đường của chúng; cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Nam Kon Tum, Bắc Plây Cu phấn khởi tham gia giết giặc lập công.

TRẬN ĐÔNG LONG CỦA ĐẠI ĐỘI DÂN QUÂN TẬP TRUNG TỈNH NINH BÌNH
(12.5.1972)

Trận phục kích máy bay địch của đại đội dân quân tập trung tỉnh Ninh Bình được trang bị súng máy phòng không 12,7mm do đại đội trưởng Trần Văn Ký chỉ huy ở điểm cao Đông Long (nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị), nhằm góp phần cùng lực lượng vũ trang giữ vững vùng giải phóng trong chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972.

Thực hiện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 giao nhiệm vụ cho tỉnh đội Ninh Bình thành lập một đại đội dân quân tập trung, trang bị súng máy phòng không 12,7mm, khẩn trương huấn luyện, chi viện cho chiến trường Quảng Trị, chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng.

Sau một thời gian huấn luyện, đầu tháng 3 năm 1972, đại đội vượt sông Bến Hải, chiếm điểm cao Đông Long (nam sông Bến Hải). Ngày 10 tháng 5 năm 1972, đại đội chiếm sân bay Mai Lộc, trại biệt kích, Đồi Mít và đông bắc điểm cao 241 xây dựng trận địa sẵn sàng đánh máy bay địch.

Lúc 9 giờ 30 phút ngày 12 tháng 5 năm 1972, trên hướng 32 có ba chiếc F-4H bay vào, đại đội được lệnh nổ súng đánh địch. Khi máy bay địch nâng độ cao bổ nhào ném bom xuống khu Đồi Mít, từ trận địa 1 ở sân bay Mai Lộc, cả sáu khẩu 12,7mm đồng loạt nhả đạn vào mục tiêu, một chiếc F-4H trúng đạn bốc cháy, cố bay ra hướng số 3 rồi lao ra biển. Các chiếc còn lại vội vòng ra xa rồi chuồn thẳng.

Sau chiến công đầu, đại đội chuyển trận địa sang khu Đồi Bằng (điểm cao 20) tây nam điểm cao 241, ở đây, đại đội tiếp tục đánh địch đến trung tuần tháng 5 năm 1972 thì được lệnh hành quân ra miền Bắc.

Với chiến công bắn rơi một máy bay phản lực của địch, đại đội được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng 2.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:20:52 pm »

TRẬN ĐƯỜNG NGANG CỦA TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 64 SƯ ĐOÀN 320
(14.5.1972)

Trận tiến công địch phòng ngự trong công sự dã chiến của Trung đoàn 64 Sư đoàn 320, được tăng cường Tiểu đoàn bộ binh 3 Trung đoàn 48, một đại đội xe tăng, hai khẩu cối 120mm và sáu khẩu ĐKZ, quá trình chiến đấu được hoả lực cấp trên chi viện, đánh vào tiểu đoàn 22 và sở chỉ huy trung đoàn 44 địch ở Đường Ngang (nay thuộc xã Ngọc Bay và xã Vĩnh Quang thị xã Kon Tum), nhằm tiêu diệt địch, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng thị xã Kon Tum.

Lúc 12 giờ ngày 13 tháng 5, các đơn vị hoả lực bắt đầu vào chiếm lĩnh vị trí xây dựng trận địa. Cũng trong ngày 13, địch tăng cường đến Đường Ngang một tiểu đoàn. Nhưng do công tác nắm địch của ta không chắc nên khi bộ binh cơ động vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công mới phát hiện được địch tăng cường.

Xe tăng đến tuyến triển khai của Tiểu đoàn 7, nhưng không đến được tuyến của Tiểu đoàn 3. Theo hiệp đồng, hai xe tăng trên hướng chủ yếu vẫn tiến vào vị trí xuất phát xung phong.

Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14 tháng 5, pháo binh bắn chuẩn bị. 0 các hướng bộ binh đồng loạt mở cửa, sẵn sàng xung phong.

Đến 5 giờ, bộ binh có xe tăng dẫn đường xung phong vào trận địa địch. Trên cả hai hướng các tiểu đoàn 3 và 7, ngay trên đường tiếp cận vào mục tiêu, các xe tăng đã bị địch đánh hỏng, bị địch phản kích quyết liệt nhằm đánh bật ta trở ra.

Từ 6 giờ đến 9 giờ, pháo địch bắn phá mạnh, đường dây thông tin bị đứt, trung đoàn phải dùng vô tuyến liên lạc nên không nắm được tình hình cụ thể của các tiểu đoàn. 9 giờ 45, trung đoàn thông báo tình hình chiến sự cho các tiểu đoàn và lệnh phải giữ vững các khu vực đã chiếm.

Lúc 15 giờ 30 phút, pháo binh ngừng bắn, bộ binh đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu đã được phân công.

Trên hướng Tiểu đoàn 3, các đại đội 9 và 11 xung phong đánh vào khu nhà tôn, cây cụt và xưởng cưa, chiếm được một số mục tiêu, nhưng không phát triển được. Địch dùng hoả lực ngăn chặn quyết liệt, ta thương vong một số. Mũi đánh vào xưởng cưa đã vào được xưởng nhưng không có lực lượng tăng cường nên không chiếm được toàn bộ xưởng cưa. Trong khi đó lực lượng dự bị không được sử dụng.

Trên hướng Tiểu đoàn 7, do lực lượng không đủ mạnh nên chỉ chiếm được một vài điểm xung quanh khu chùa và trường học rồi dừng lại. Tiểu đoàn không nắm được tình hình nên không sử dụng lực lượng dự bị.

Đến 18 giờ, trung đoàn lệnh cho các tiểu đoàn phải giữ vững các mục tiêu đã chiếm được, củng cố công sự, xốc lại đội hình chờ lệnh tiếp tục tiến công.

Vào lúc 19 giờ, địch tăng cường lực lượng từ quận lỵ và Đồi Tròn lên ứng cứu đồng bọn ở Đường Ngang. Trung đoàn phải ra lệnh cho các lực lượng làm công sự, trận địa phòng ngự và Tiểu đoàn 8 bước vào chiến đấu.

Sau một ngày chiến đấu, quân ta đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 22, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 200 tên địch.

Tuy còn nhiều mặt hạn chế, nhưng trận đánh đã phá vỡ một mảng trong hệ thống phòng ngự của địch ở tây bắc thị xã Kon Tum, tạo điều kiện để ta tổ chức đánh thắng những trận tiếp theo.

TRẬN ĐỨC VINH CỦA TRUNG ĐOÀN 165 SƯ ĐOÀN 7
(20 - 29.5.1972)

Trận tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc bằng vây lấn của Trung đoàn 165, Sư đoàn bộ binh 7, được tăng cường Đại đội 12,8mm đánh vào tiểu đoàn 1, đại đội trinh sát trung đoàn bộ binh 15 sư đoàn 9 và tiểu đoàn 2 trung đoàn bộ binh 33, sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn tại các ấp Đức Vinh 1, Đức Vinh 2, xã Tân Khai, huyện An Lộc, tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước).

Từ 21 giờ 10 phút ngày 20 tháng 5 năm 1972, các đơn vị bắt đầu đào công sự, xây dựng trận địa vây lấn.

Phát hiện ta bao vây Đức Vinh, khoảng 11 giờ ngày 21 tháng 5, thiết đoàn 9 ở tây nam Đức Vinh cho một tiểu đoàn có 39 xe tiến ra khu vực phía bắc két nước, giải toả cho tiểu đoàn 1 trung đoàn 15. Đợi địch đến gần, các tiểu đoàn 4 và 5 nổ súng diệt một số xe và một số bộ binh địch, buộc chúng phải quay trở lại.

Các ngày sau đó, được hoả lực phi pháo chi viện, địch tiếp tục cho xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh nống ra, nhưng đều bị ta đánh bại. Ngày 24 tháng 5, sau khi dùng phi pháo đánh phá ác liệt vào trận địa vây lấn và dùng lực lượng thiết giáp của trung đoàn 33 thu dọn thương vong, địch cho các tiểu đoàn 15, 2 và đại đội trinh sát rút khỏi trận địa phía bắc.

Phát hiện triệu chứng địch rút lui, trung đoàn dùng hoả lực đánh cấp tập vào trận địa của chúng. 13 giờ 30 phút, Đại đội 3, Tiểu đoàn 4 xung phong đánh địch ở bìa rừng cao su, ngăn chặn không cho địch rút. 16 giờ 10 phút, phát hiện chúng di chuyển về hướng đông, Tiểu đoàn 5 được lệnh dùng hoả lực bắn chế áp vào trận địa địch, nâng dần đội hình lên để xung phong. 16 giờ 40 phút, Tiểu đoàn 5 bắt được liên lạc với Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 9 đánh từ hướng bắc xuống, các tiểu đoàn hiệp đồng với nhau đánh vào trung tâm và tiếp tục truy lùng địch. Trước sức mạnh tiến công của ta chúng hoảng loạn tháo chạy, trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn 5 truy kích, Tiểu đoàn 4 tiếp tục tiêu diệt địch trong trận địa.

18 giờ, Tiểu đoàn 6 bắt liên lạc được với Tiểu đoàn 4, ta làm chủ Đức Vinh 1.

Phát hiện địch ở Đức Vinh 1 chạy về Đức Vinh 2 cụm lại cùng với tiểu đoàn 2 trung đoàn 33 để tránh bị ta tiêu diệt, 22 giờ, trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6 lên vây lấn, tiến công tiêu diệt địch ở tây nam Đức Vinh 2, Tiểu đoàn 5 được tăng cường đại đội ĐKZ và đại đội công binh chốt chặn trên đường 13 (đoạn đông Đức Vinh) sẵn sàng đánh địch rút chạy.

Các ngày tiếp theo, quân ta vừa xây dựng trận địa vây lấn, vừa đánh địch ra giải toả. Từ 5 giờ ngày 28 tháng 5, được pháo binh cấp trên chi viện, trung đoàn sử dụng hoả lực diệt các hoả điểm của địch, đánh chiếm các công sự tiến duyên.

Bị tiến công mạnh địch tháo chạy về phía nam, bị Tiểu đoàn 6 tiêu diệt một số, bọn sống sót phải lộn lại trận địa.

Từ 19 giờ đến 19 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 5 tiếp tục đánh địch tháo chạy, Tiểu đoàn 4 truy quét địch còn lại trong trận địa. Từ 19 giờ 30 phút, các tiểu đoàn 5 và 6 nổ súng, truy kích địch rút chạy về hướng đông. Trận đánh diễn ra ác liệt, kéo dài đến 2 giờ ngày 29 tháng 5 mới kết thúc.

10 ngày liên tục bao vây, đánh lấn tiêu diệt địch, ta diệt 441, bắt 31 tên; bắn rơi 14 máy bay, bắn cháy bảy xe thiết giáp, thu 188 súng các loại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:22:10 pm »

TRẬN PHỤC KÍCH H’RENG CỦA ĐẠI ĐỘI 9 TIỂU ĐOÀN 3
(25.5.1972)

Trận vận động phục kích của Đại đội 9 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 24 vào một đại đội của tiểu đoàn 51 quân đội Sài Gòn trên đường 14, cách cầu H’reng khoảng 200 mét về phía bắc, nay thuộc xã Ia Khuol, huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai, nhằm tiêu diệt địch, bảo vệ chốt của tiểu đoàn.

7 giờ ngày 25 tháng 5, một đại đội bộ binh của tiểu đoàn 51 biệt động quân từ cầu H’reng tiến lên phía bắc và lọt vào khu vực có các tổ chiến đấu phía trước của chốt như dự kiến của tiểu đoàn. Có toán chỉ còn cách đội hình phục kích của tổ 1 và tổ 2 khoảng 25 đến 30m.

Giữa lúc địch mất cảnh giác, ta bất ngờ nổ súng diệt một số tên. Hiệp đồng với tổ chặn đầu, các mũi, các tổ vận động xung phong tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, dồn dập, cả đại đội địch hầu như tê liệt hoàn toàn. Không kịp chống cự, chúng hốt hoảng la hét và chạy sang đông đường 14. Chớp thời cơ, ta dùng cối 60mm bắn truy kích diệt thêm một số tên.

Sau 20 phút chiến đấu, ta tiêu diệt 30 tên địch, làm bị thương hàng chục tên khác. Bị đòn đau, địch tập trung hoả lực dày đặc bắn trùm lên vòng cung phục kích. Khi sương mù tan máy bay địch lao tới bắn phá trận địa. Từ phía đông địch tiến hành phản kích. Để bảo toàn lực lượng, đại đội cho bộ đội lùi về các chốt.

Trận đánh thắng lợi, góp phần bảo vệ vững chắc cụm chốt của Tiểu đoàn 3.

TRẬN KỲ TẬP CẨM AN CỦA ĐẠI ĐỘI 2 ĐẶC CÔNG
(25.5.1972)

Trận kỳ tập của Đại đội đặc công 2 thị đội Hội An được du kích và cơ sở của xã Cẩm An phối hợp vào lực lượng giữ đồn Cẩm An (12 tề. 24 bảo an), một vị trí quan trọng án ngữ phía đông quận lỵ Hiếu Nhơn (Quảng Nam) nhằm tiêu diệt địch, tạo điều kiện cho phong trào du kích của địa phương phát triển.

Trôn cơ sở nắm chắc quy luật hoạt động và mâu thuẫn giữa các sắc lính địch, đại đội sử dụng 10 người, có ba cơ sở hợp pháp, trang bị tiểu liên AR-15, lựu đạn M-26, cải trang mang sắc lính trung đoàn 51 quân đội Sài Gòn, được lực lượng hợp pháp dẫn đường, tập kích đồn địch ngay giữa ban ngày.

Lúc 7 giờ ngày 25 tháng 5, địch tăng cường một đại đội địa phương quân xuống cầu Phước Trạch, đồng thời tại trụ sở hội đồng xã Cẩm An địch tổ chức một cuộc họp đặc biệt. 13 giờ cùng ngày, địch đi càn rút về cầu Phước Trạch; 11 giờ xe từ tiểu khu Quảng Nam đến đón địch ở cầu Phước Trạch và một giờ sau cuộc họp ở hội đồng xã Cẩm An cũng giải tán.

Lợi dụng lúc lộn xộn, bộ phận cải trang lính nguỵ chia thành hai tổ tiến đến cổng gác và xông thẳng vào trong, nổ súng tiêu diệt địch. Cùng lúc, lực lượng bên ngoài đồng loạt nổ súng diệt lính gác, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. Cùng thời điểm này, tố tiến công vào trụ sở hội đồng xã Cẩm An cũng áp sát trụ sở, nghe tiếng súng nổ ở hướng chính, quân ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt các tên ác ôn. Ta đánh bất ngờ một số địch bị tiêu diệt, số sống sót nhảy xuống sông Cẩm Châu tháo chạy.

Diệt xong địch ở đồn Cẩm An, quân ta tiến về cầu Phước Trạch, nhưng khi đến gần, một tên địch nghi ngờ đã nổ súng trúng một đồng chí của ta. Biết địch đã phát hiện quân ta lập tức dùng tiểu liên, M-72 diệt địch trong lô cốt và một số tên bên ngoài, số địch còn lại vội nhảy xuống sông, chạy về thôn 6, Cẩm Thanh. Quân địch ở thôn 6 nghi là lực lượng ta, nên đã dùng đại liên bắn xuống sông làm một số tên chết.

Trận đánh kết thúc, toàn bộ hội đồng xã Cẩm An gồm chín tên, 15 tên bảo an, 14 tên nghĩa quân bị diệt. Ta thu một khẩu đại liên, ba khẩu M-79, 10 khẩu M-72, 20 súng AR-15 và nhiều tài liệu quan trọng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:23:04 pm »

TRẬN PHƯỚC HOÀ CỦA TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 13, PHÚ YÊN
(26.5.1972)

Trận vận động phục kích của Tiểu đoàn bộ binh 13 tỉnh Phú Yên được tăng cường một khẩu cối 82mm, một khẩu súng máy phòng không 12,7mm, do đồng chí Trần Văn Mười chỉ huy đánh vào đại đội biệt kích 964 quân đội Sài Gòn trên trục đường liên xã, đoạn từ khu vực Phước Hoà đến phía bắc chân núi Mộng Thiếp. Đại đội 1 làm nhiệm vụ chặn đầu, Đại đội 2 đánh chính diện và khoá đuôi, Đại đội 3 làm nhiệm vụ đối diện và bao vây đón lõng quân địch. Hoả lực cối và súng máy phòng không 12,7mm do tiểu đoàn nắm chi viện chung.

Lúc 15 giờ 30 phút ngày 26 tháng 5 năm 1972, Đại đội biệt kích 964 sau khi lùng sục đường hành quân về căn cứ Đồng Tre, lúc này chúng đang mệt mỏi, lại chủ quan vì đã nhiều lần không bị đánh. Khi địch đến thôn Phước Hoà, Đại đội 1 nhanh chóng vận động ra vị trí chiến đấu; nổ súng diệt toán đi đầu. Bị đánh bất ngờ, địch dạt ra hai bên đường; cùng lúc Đại đội 2 xuất kích khoá đuôi, chia thành nhiều mũi đánh vào đội hình địch làm chúng rối loạn, chống đỡ lúng túng, nhiều tên chết tại chỗ, số sống sót chạy ra phía tây đường, cụm lại, lợi dụng mương nước chống cự. Tiểu đoàn dùng cối 82mm bắn chế áp vào đội hình địch, Đại đội 3 từ phía sau hình thành hai mũi đánh vào đội hình co cụm của chúng.

Sau 35 phút chiến đấu, tiểu đoàn diệt gọn đại đội 964, 55 tên chết tại chỗ, bị thương 15 tên; bắt ba tên; thu toàn bộ vũ khí, trang bị của địch.

Trận đánh thắng lợi đã hạn chế địch càn quét ra vùng giải phóng, hỗ trợ cho phong trào cách mạng địa phương phát triển.

TRẬN VĂN KHÊ CỦA DÂN QUÂN, TỰ VỆ ĐỊA PHƯƠNG HÀ TÂY
(6.6.1972)

Trận phục kích của dân quân xã Văn Khê và tự vệ xí nghiệp dược phẩm Hà Tây, do đồng chí Phạm Văn Hải chỉ huy, được tự vệ của công ty Kiến thiết cơ bản Thuỷ lợi phối hợp đánh máy bay địch bay thấp vào đánh phá Hà Nội.

Ngay từ cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ vào miền Bắc lần thứ nhất, máy bay Mỹ đã nhiều lần đánh phá khu vực này. Ngày 14 tháng 5 năm 1967, tám máy bay Mỹ đã giội bom xuống thôn Văn Phúc (xã Văn Khê) làm chết 10 người, bị thương bảy người khác.

Thực hiện chỉ thị của trên, Đảng uỷ, Uỷ ban xã quyết định tổ chức lực lượng dân quân trực chiến. Lực lượng này được trang bị súng máy phòng không 12,7mm và một số súng trường K-44, cùng với lực lượng tự vệ xí nghiệp Dược phẩm và tự vệ công ty Kiến thiết cơ bản thủy lợi xây dựng trận địa phía đường số 6 và đường 22 sẵn sàng đánh địch.

Lúc 11 giờ 15 phút ngày 6 tháng 6 năm 1972, hai tốp máy bay địch vào ném bom xuống các mục tiêu, khẩu đội 12,7mm nổ súng nhưng không bắn trúng. 11 giờ 55 phút, địch tiếp tục vào đánh phá, từ các trận địa dân quân, tự vệ phối hợp chiến đấu chặt chẽ, bình tĩnh bám sát mục tiêu, nhả đạn đúng thời cơ vào chiếc máy bay địch đang bổ nhào. Một chiếc bị trúng đạn và rơi xuống vùng đất tỉnh Hoà Bình.

Chiến công bắn rơi một máy bay Mỹ của dân quân tự vệ Văn Khê đã để lại những kinh nghiệm quý về sử dụng lực lượng, về huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật đánh máy bay bảo vệ khu vực mục tiêu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:24:16 pm »

TRẬN TẬP KÍCH CĂN CỨ 41A CỦA TIỂU ĐOÀN 20 ĐẶC CÔNG TÂY NGUYÊN
(19.6 1972)

Trận tập kích của Tiểu đoàn 20 đặc công, bộ đội Tây Nguyên vào sở chỉ huy chiến đoàn 53, trận địa pháo binh địch tại căn cứ 41A, cách thị xã Plây Cu 20 ki-lô-mét về phía bắc, nay thuộc xã Ia Khool, huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai, nhằm tiêu diệt địch, hỗ trợ cho Trung đoàn 95 cắt đường 14 và đánh phá giao thông ở phía Nam thị xã Kon Tum.

Lúc 18 giờ 30 phút ngày 18 tháng 6, tiểu đoàn từ vị trí tập kết tiếp cận căn cứ. 2 giờ 40 phút ngày 19, tháng 6, các mũi 2 và 3 cắt xong hàng rào cuối cùng, nhưng các mũi 1 và 4 không tiếp cận được vì địch gác dày đặc trước khu vực mở cửa. Tiểu đoàn lệnh cho các mũi 2 và 3 luồn vào bên trong, áp sát mục tiêu. Các mũi 1 và 4 nắm chắc thời cơ để ém quân theo kế hoạch.

Đến 2 giờ 56 phút ngày 19, lính gác trên hướng mũi 1 phát hiện được ta. Mũi 1 buộc phải nổ súng làm hiệu lệnh tiến công. Tổ 1 xông lên đánh vào nhà số 10, 11, 28 nhưng đội hình phía cầu vẫn chưa vào được cứ điểm. Trong khi đó mũi 2 đã vượt hàng rào cuối cùng và ém được một tổ vào bên trong, hai tổ còn lại đến tiền duyên địch, mũi 3 ém được một tổ qua tiền duyên. Mũi 4, tổ đi đầu áp sát hàng rào cuối cùng.

Ở mũi 1, địch bắn chặn quyết liệt không cho ta phát triển. Ta dùng ba khẩu B-40 bắn vào sở chỉ huy và lô cốt số 5, các tổ nhanh chóng vượt qua hàng rào cuối cùng phát triển vào tung thâm. Sau khi đánh chiếm nhà số 10, 11, 28, tổ 1 tiếp tục chiếm các nhà số 29, 63, 62. Tổ 2 đánh vào nhà 61 và sở chỉ huy chiến đoàn 53, phát triển sang nhà 64 rồi chiếm giữ khu công sự pháo. Tổ 3 chiếm được nhà 71, khẩu pháo số 1, nhà 70, 75, 76, 74, 81 rồi dừng lại ở nhà 74 vì bị thương vong gần hết. Tổ 4 chiếm được các nhà 26, 8, 9, lô cốt số 4, diệt một xe thiết giáp nhưng phải trụ lại ở lô cốt số 4.

Mũi 2, sau năm phút nổ súng các tổ đã chiếm được các nhà số 1, 2, 3, 4; sở chỉ huy tiểu đoàn pháo rồi đánh chiếm các mục tiêu 79, 80, 82; một số khẩu pháo, các nhà số 1, 2, lô cốt số 3 ở tây bắc cứ điểm.

Mũi 3 ngay từ phút đầu, các tổ đã chiếm được các mục tiêu, phát triển vào bên trong, chiếm sở chỉ huy và tiểu đoàn thiết giáp 19,...

Mũi 4, ngay khi được lệnh tiến công đã vượt qua hàng rào cuối cùng vào bên trong, đánh chiếm một số mục tiêu nhưng các tổ đều gặp khó khăn do địch chống trả quyết liệt.

Sau 20 phút chiến đấu, ta cơ bản chiếm được một số mục tiêu nhưng vẫn chưa diệt được chỉ huy của địch, chúng tổ chức ngăn chặn, ta phát triển chậm. Trước tình hình đó, tiểu đoàn trưởng đưa mũi 5 vào chiến đấu, tiếp tục đánh chiếm sở chỉ huy chiến đoàn 53. Sau 30 phút, ta diệt được sở chỉ huy chiến đoàn 53. Mất liên lạc với chiến đoàn 53, địch dùng pháo bắn trùm lên căn cứ, tập trung nhiều ở khu vực bắc và đông bắc. Trong tình huống nhiều khó khăn, tiểu đoàn trưởng quyết định cho các mũi giải quyết thương binh, tử sĩ và lui quân.

Kết quả ta đã đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy chiến đoàn 53, tiêu diệt một tiểu đoàn pháo, một đại đội biệt kích, diệt 350, bắt 30 tên địch; phá bảy khẩu pháo 105mm, bốn khẩu pháo 155mm, hai khẩu cối 106,7mm, hai khẩu cối 81mm, bốn đại liên, một xe bọc thép, một xe GMC, thu nhiều vũ khí.

Trận đánh đã hỗ trợ đắc lực cho đơn vị bạn cắt đường 14 và đánh phá giao thông ở Nam thị xã Kon Tum.

TRẬN VÀM KINH CỦA TRUNG ĐỘI BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG CHÂU THÀNH
(19 - 20.6.1972)

Trận vận động tập kích của trung đội bộ đội địa phương huyện Châu Thành vào trung đội nghĩa quân của chính quyền Sài Gòn (gồm 25 quân, trang bị một đại liên, một M-79, còn lại là tiểu liên) giữ đồn Vàm Kinh thuộc xã An Phú Thuận, huyện Đức Tôn (nay là huyện Châu Thành), tỉnh Vĩnh Long, nhằm tiêu diệt địch, nhổ những đồn bốt nhỏ của địch.

Chập tối ngày 19, trung đội bí mật vượt qua các xóm ấp: Phú Hoà, Phú Hữu, Thuận Hoà hành quân về hướng bắc, sau đó quay lại triển khai ở Kinh Ông Sở. 23 giờ, trung đội triển khai xong và tiến hành khắc phục vật cản.

Lúc 0 giờ 30 phút ngày 20 tháng 6, các mũi luồn vào áp sát các mục tiêu được phân công.

Đúng 1 giờ, khi tiếng thủ pháo nổ ở lô cốt số 1, quân ta nhanh chóng đánh địch ở nhà lính, lô cốt số 2. Do mũi thứ yếu không phát triển được nên chỉ huy trận đánh phải đưa lực lượng dự bị vào phối hợp với hướng chủ yếu nhanh chóng phát triển diệt địch và đánh sang lô cốt số 3. Một số địch lợi dụng bờ tường chống cự quyết liệt, một tổ của ta nhanh chóng vòng bên sườn dùng lựu đạn và thủ pháo tiêu diệt.

1 giờ 30 phút, trận đánh kết thúc, 23 tên địch bị diệt, một tên bị bắt; ta thu 19 súng các loại và nhiều đạn dược.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:25:06 pm »

TRẬN CỒN ĐEN CỦA TRUNG ĐỘI SÚNG MÁY PHÒNG KHÔNG 12,7mm DÂN QUÂN XÃ KIM ĐÀI
(4.7.1972)

Trận cơ động phục kích của trung đội súng máy phòng không 12,7mm dân quân xã Kim Đài, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đánh máy bay Mỹ ở Cồn Đen - một “trận địa nổi” để săn máy bay địch.

Bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Hàng ngày nhiều tốp máy bay địch bay qua cửa sông Kim Đài để vào đất liền đánh lén.

Trung đội dân quân Kim Đài có 13 người, biên chế thành ba khẩu đội, được trang bị ba khẩu 12,7mm. Việc xây dựng một “trận địa nổi” cách đất liền 12 ki-lô-mét gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện vận chuyển súng đạn, người, nước ngọt, lương thực thực phẩm và phải vượt qua sự phong toả bằng thuỷ lôi, bom, mìn của Mỹ.

Đêm 2 tháng 7 năm 1972, trung đội súng máy cao xạ 12,7mm dân quân trực chiến đến bãi Cồn Đen khẩn trương triển khai trận địa, sẵn sàng đánh địch.

Lúc 9 giờ 45 phút ngày 4 tháng 7, một máy bay F-4H bay rất thấp cách khoảng 1.500 mét từ hướng Thanh Hoá lao thẳng vào trận địa. Ba khẩu 12,7mm đồng loạt nhả đạn, chiếc máy bay bốc cháy, đâm xuống biển cách trận địa khoảng 5 ki-lô-mét.

Bằng 31 viên đạn 12,7mm, trung đội dân quân Kim Đài đã tiêu diệt một máy bay F-4H của Mỹ, góp sức vào lưới lửa phòng không tầm thấp của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

TRẬN PHỤC KÍCH MÁY BAY MỸ CỦA DÂN QUÂN XÃ TRẦN PHÚ
(8.7.1972)

Trận phục kích đánh máy bay Mỹ của dân quân tự vệ xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây nhằm tiêu diệt máy bay Mỹ bảo vệ mục tiêu.

Từ khi Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, chúng đã nhiều lần cho máy bay ném bom, bắn tên lửa đánh phá sân bay Miếu Môn và doanh trại của các đơn vị quân đội trong khu vực, xã Trần Phú cũng luôn là một mục tiêu đánh phá của địch. Ngoài ra, mỗi lần máy bay địch vào đánh phá Hà Nội, chúng thường bay qua xã Trần Phú.

Nắm chắc quy luật hoạt động của địch, Đảng uỷ và Uỷ ban hành chính xã quyết định thành lập đơn vị dân quân tự vệ tập trung, trực chiến, phục kích bắn máy bay địch.

Căn cứ vào kế hoạch chiến đấu của huyện đội, xã Trần Phú quyết định tổ chức hai tiểu đội, bố trí hai trận địa ở khu vực núi Chùa và cánh đồng thôn Kỳ Viên.

Trận địa ở núi Chùa có chín người, trang bị hai khẩu đại liên, hai khẩu K-44, do xã đội phó Trần Xuân Đông chỉ huy.

Trận địa ở cánh đồng thôn Kỷ Viên có bảy người, trang bị một đại liên, một thượng liên, một súng trường K-44 do đại đội trường dân quân Trần Tu chỉ huy.

Ngoài ra, xã tổ chức một tổ năm người, trang bị bốn khẩu súng trường K-44, cùng các đơn vị dân quân xã Đồng Lạc, Hồng Phong, Mỹ Lương phục kích ở sân bay Miếu Môn. phối hợp đánh địch.

8 giờ ngày 8 tháng 7 năm 1972, máy bay trinh sát địch lượn nhiều vòng trên bầu trời xã Trần Phú. Lãnh đạo và Ban chỉ huy quân sự xã nhận định địch sẽ đánh phá Miếu Môn và doanh trại quân đội. Các trận địa được lệnh sẵn sàng đánh địch.

10 giờ 25 phút, từ hướng Hà Nội, một chiếc F-4 lao vào khu vực trận địa. Khi máy bay cách khoảng 800 mét ở độ cao khoảng 300 mét, hai khẩu đại liên ở núi Chùa nhả đạn, chiếc máy bay địch như khựng lại, rồi lao về hướng nam.

Cùng lúc đó, từ các trận địa, dân quân đồng loạt nổ súng, khẩu đại liên đặt trên đỉnh núi cao do Nguyễn Thị Đào chỉ huy củng xả đạn vào máy bay giặc. Chiếc F-4 tiếp tục chệnh choạng phụt một luồng khói đen, cố lết về núi Cái, núi Ong thuộc tỉnh Hoà Bình rồi lao xuống đất.

Với 23 viên đạn đại liên và súng trường K-44, dân quân tự vệ xã Trần Phú đã bắn rơi một chiếc F-4 của Mỹ. Chiến công dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ đã được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:26:11 pm »

TRẬN TẬP KÍCH PHÚ BÀI CỦA ĐẠI ĐỘI ĐẶC CÔNG 5 VÀ ĐẠI ĐỘI ĐẶC CÔNG 1
(8 -12.7.1972)

Trận tập kích của Đại đội đặc công 5 Tiểu đoàn 33 Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5) và Đại đội đặc công 1 Tiểu đoàn 1 Quân khu Trị-Thiên (B4) vào kho đạn của quân đội Sài Gòn ở căn cứ Phú Bài (Huế) nhằm phá huỷ phương tiện chiến tranh, chia lửa với quân và dân tỉnh Quảng Trị, bảo vệ vùng giải phóng, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị ở Thừa Thiên.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh mặt trận, Đại đội 5 chọn tám người, Đại đội 1 chọn bốn người, trang bị bộc phá khối, ngòi nổ hẹn giờ và súng tiểu liên; chia thành các tổ, bí mật đưa lực lượng luồn sâu, đặt lượng nổ đúng nơi hiểm yếu của kho, phá huỷ triệt để sáu kho đạn của địch.

Vào 22 giờ ngày 6 tháng 7 năm 1972, các bộ phận bắt đầu tiềm nhập, đến 24 giờ phát hiện vào sai hướng, thấy không đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ đánh trong đêm nên tổ quyết định ém lực lượng trong hàng rào địch để đêm 7 tháng 7 tiếp tục nhiệm vụ.

Lúc 17 giờ, ngày 7 tháng 7, tổ phân công một người lui ra ngoài hàng rào cảnh giới và đón những người đặt lượng nổ trở ra.

Đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, các chiến sĩ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, 21 giờ 30 phút, lợi dụng trời mưa to, các tổ tranh thủ tiếp cận vào vị trí đặt mìn. 23 giờ 30 phút, sau khi đặt lượng nổ vào các mục tiêu thì phát hiện còn một kho đạn cối 81mm, nhưng lượng nổ đã hết nên bộ đội phải xoá dấu vết ra khỏi hàng rào và nhanh chóng rút về hậu cứ.

Đến 2 giờ 40 phút ngày 8 tháng 7, một tiếng nổ lớn phát ra từ một kho đạn và nổ dây chuyền đến các kho đạn còn lại, kéo dài đến 10 giờ ngày 8 tiếng nổ mới thưa dần.

Tiếp đó, ngày 12 tháng 7, Đại đội 1 sử dụng bốn người, chia làm hai tổ, trang bị tám quả mìn nam châm, 11 khối bộc phá bí mật tiếp cận đặt bộc phá, gây nổ 11 kho đạn, trong đó có ba kho đạn pháo 105mm, 14 kho đạn pháo 175mm, hai kho chất nổ.

Hai trận tập kích liên tiếp, ta đã phá huỷ 26 kho đạn pháo 175mm, 155mm, 105mm, cối 81mm; hai kho chất nổ hỗn hợp, có trữ lượng 9.164 tấn đạn các loại, diệt bốn tên địch.

TRẬN CỐNG LÂN CỦA ĐẠI ĐỘI PHÁO PHÒNG KHÔNG 4
(12.7.1972)

Trận đánh máy bay Mỹ của Đại đội pháo phòng- không 4, nữ dân quân tập trung huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nhằm bảo vệ Cống Lân (xã Đông Lân), một công trình thuỷ lợi quan trọng, tiêu nước cho hơn 40.000 héc-ta lúa và hoa màu khi có lũ lụt ở bốn huyện phía nam tỉnh.

Để phá hoại sản xuất, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân, hạn chế sự chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, hàng ngày Mỹ dùng 4 đến 6 tốp, khi cao điểm 8 đến 12 tốp máy bay đánh phá ác liệt khu vực Cống Lân, chúng lợi dụng thời tiết xấu hoặc hướng mặt trời, dùng thủ đoạn bổ nhào để ném bom.

Đại đội 4 có 48 người, trang bị bốn khẩu pháo phòng không 37mm, biên chế thành hai trung đội, một tiểu đội chỉ huy, một tiểu đội phục vụ. Phối hợp chiến đấu với Đại đội 4 pháo phòng không của tỉnh, cùng bảo vệ Cống Lân.

Lúc 6 giờ 35 phút ngày 12 tháng 7 năm 1972, địch cho một chiếc F-4C vào trinh sát trận địa. 14 giờ 55 phút cùng ngày, địch sử dụng một tốp ba chiếc A-7 bay nghi binh, cách trận địa 4.500 mét. Trước hành động của địch, đại đội vẫn giữ bí mật, sẵn sàng chiến đấu cao. Quả nhiên sau năm phút, tốp A-7 theo đội hình hàng dọc bay thẳng vào trận địa. Cả đại đội được lệnh đánh chiếc đi đầu, nhưng đến cự ly 4.000 mét, chiếc thứ nhất và chiếc thứ hai quay vòng về hướng 2-12, riêng chiếc thứ ba đột nhiên nâng độ cao chiếm đỉnh bổ nhào. Lập tức đại đội trưởng hạ lệnh bắn chiếc thứ ba và lệnh cho trinh sát theo dõi chặt hai chiếc còn lại. Khi trắc thủ đo xa báo cự ly 5.000 mét, đại đội trưởng phất cờ kết hợp với hô “Bắn!”, chiếc A-7 trúng đạn, bốc cháy và lao xuống biển cách trận địa chừng 3.000 mét, hai chiếc còn lại vội quay ra biển.

Bằng 18 viên đạn, Đại đội pháo phòng không 4 nữ dân quân Tiền Hải đã bắn rơi một máy bay A-7. Đây là chiếc thứ hai bị đại đội bắn rơi trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch trên quê hương Tiền Hải anh hùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:26:41 pm »

TRẬN THỤY HẢI CỦA DÂN QUÂN HỢP TÁC XÃ ĐẠI THẮNG
(23.7.1972)

Trận đánh máy bay địch của dân quân xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong phong trào “tay lưới, tay súng” “tay trang, tay súng” quyết tâm bắn rơi máy bay Mỹ, bảo vệ xóm làng.

Đầu năm 1972, Mỹ tăng cường dùng không quân và hải quân đánh phá cầu, cống, đê, bến cảng, kho tàng và các mục tiêu quân sự của Thái Bình. Chúng thường từ biển Đông bay vào, chiếm độ cao, bổ nhào ném bom. Cũng có khi từ ngoài khơi bay thấp vào theo sông Diêm bất ngờ ném bom rồi tăng độ cao, vọt ra biển.

Đối phó với thủ đoạn đánh phá của địch, ngoài lực lượng pháo phòng không bảo vệ các mục tiêu quan trọng, một phong trào “tay trang, tay súng”, “tay lưới, tay súng” của dân quân tự vệ phát triển mạnh, trực chiến ngày đêm phục kích, đón bán máy bay địch bằng súng bộ binh.

Trung đội dân quân hợp tác xã muối Đại Thắng có 36 người do đồng chí Đào Ngọc Nghĩa chỉ huy. Trang bị 12 khẩu K-44, còn lại là CKC, được huấn luyện cách bắn máy bay phản lực bằng súng bộ binh khá thuần thục. Hàng ngày ra đồng muối vừa sản xuất vừa sẵn sàng đánh máy bay địch, cùng với các lực lượng phòng không bảo vệ cống Trà Linh và đê biển.

17 giờ 25 phút ngày 23 tháng 7, từ biển Đông có hai máy bay A-7 bay vào. Anh chị em đang làm muối buông tay xe, tay trang cầm súng lao vào công sự chiến đấu. Tiểu đội trưởng Lê Đức Nùng chỉ huy bảy tay súng ở trận địa phía nam.

Hai chiếc máy bay vẫn giữ độ cao bay một vòng quan sát mục tiêu, đến nửa vòng thứ hai, chiếc đi đầu bổ nhào ném bom. Cả tiểu đội nổ súng nhưng không trúng máy bay địch. Tận dụng lúc khói bom mù mịt, chiếc thứ hai bổ nhào xuống mục tiêu theo hướng của chiếc thứ nhất. Chớp thời cơ, cả tiểu đội nhằm thẳng máy bay địch nhả đạn. Khi chiếc A-7 lao xuống độ cao khoảng hơn 400 mét để cắt bom thì cả tám khẩu súng đồng loạt bắn. Chiếc máy bay bốc lửa, cắm đầu thẳng xuống đất.

Đây là một trận đánh có hiệu suất cao của dân quân Thái Bình, trong vòng vài phút tám khẩu súng trường đã bắn rơi tại chỗ một máy bay phản lực A-7 của Mỹ.

TRẬN ĐÁ HÀM CỦA TIÊU ĐOÀN 5 (THIẾU) VÀ ĐẠI ĐỘI 10
(23.7.1972)

Trận vây lấn của Tiểu đoàn 5 (thiếu Đại đội 6) và Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn bộ binh 9 Sư đoàn 711 Quân khu 5 đánh hai đại đội và một trung đội của tiểu đoàn 6 quân nguỵ Sài Gòn chốt giữ các điểm cao 218, 210, 148 của núi Đá Hàm nhằm phá thủ đoạn cơ động chốt giữ các điểm cao của quân nguỵ Sài Gòn.

Lúc 5 giờ ngày 23 tháng 7, các đơn vị hoàn thành công sự vây lấn. Theo hiệp đồng, sau 15 phút đơn vị bạn nổ súng, các phân đội cối 120mm, ĐKZ, B-40, B-41 bắn chế áp quân địch ở điểm cao 218. Bị đánh bất ngờ, hầu hết quân địch chui xuống hầm. Chớp thời cơ, Đại đội 7 từ phía đông chia thành ba mũi xung phong diệt địch. Mũi thọc sâu đánh thẳng vào bộ phận chỉ huy; một mũi vòng bên phải, một mũi vòng bên trái phát triển tiêu diệt địch; Đại đội 5 từ hướng tây bắc chia thành hai mũi đánh vào bộ phận chỉ huy của địch (phối hợp với Đại đội 7); một mũi vòng hướng bắc tạo thành thế bao vây quân địch. Sau 45 phút chiến đấu các đại đội 7, 5 làm chủ điểm cao 218. Tiếp đó, cối 120mm chuyển làn bắn vào điểm cao 210, địch hoang mang bỏ chạy, Đại đội 10 chớp thời cơ xung phong. 6 giờ 43 phút, Đại đội 10 làm chủ điểm cao 210. Tiếp đó, đại đội tổ chức hai mũi phát triển sang chi viện cho Trung đội 2 đang vây địch ở điểm cao 148. Địch co cụm chống cự, ta dùng hoả lực kiềm chế, chi viện cho các trung đội đồng loạt xung phong đánh chiếm điểm cao 148. Đại bộ phận quân địch bị diệt, số còn lại chạy về hướng tây bắc, ta làm chủ điểm cao 148.

Trận đánh kết thúc, ta diệt và làm bị thương 120 tên, bắt bốn tên, thu 13 súng các loại, làm chủ điểm cao Đá Hàm, khống chế địch ở căn cứ Cấm Dơi - Quế Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho đợt hoạt động mùa thu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 06:27:44 pm »

TRẬN ĐỒNG PHÈN CỦA TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 3
(15.8.1972)

Trận vận động phục kích của Trung đoàn bộ binh 3(1) Quân khu 8 đánh vào tiểu đoàn 2 trung đoàn 14 và tiểu đoàn 1 trung đoàn 15 sư đoàn 9 quân đội Sài Gòn hành quân giải toả tại Đồng Phèn (giáp ranh giữa hai xã Long Tiên và Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho), nhằm tiêu diệt địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

Lúc 19 giờ ngày 14 tháng 8, các đơn vị hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị công sự, sẵn sàng đánh địch.

Sáng 15 tháng 8, sau khi dùng phi pháo dọn đường, các tiểu đoàn 1, 2 chia làm hai cánh vượt rạch Đìa Đưng tiến vào trung tâm khu vực giữa sông Long Tiền và rạch Xẻo Lá.

Lúc 11 giờ 30 phút, hai cánh quân địch lọt hẳn vào trận địa, đầu đội hình cách bộ phận chặn đầu của ta chừng 25 mét. Đại đội trưởng Đại đội trinh sát 21 ra lệnh nổ súng. Bị đánh bất ngờ, hầu hết lực lượng đi trước bị diệt, số còn lại chạy tán loạn về phía sau. Chớp thời cơ, Đại đội 21 xung phong diệt địch, thu vũ khí. Cùng thời gian, hoả lực bắn thẳng của trung đoàn và các tiểu đoàn bắn chế áp vào đội hình địch. Lợi dụng kết quả của hoả lực, bộ đội từ các hướng cơ động lên tuyến xuất phát xung phong.

Đúng 11 giờ 35 phút, từ các hướng quân ta đồng loạt xung phong. Do các đại đội 1, 3 Tiểu đoàn 1 xung phong chậm nên một bộ phận lực lượng của tiểu đoàn 1 trung đoàn 15 địch kịp chiếm địa hình có lợi, kết hợp với lực lượng của tiểu đoàn 2 trung đoàn 14 co cụm thành hai cụm quân dựa vào nhau kháng cự và gọi pháo từ Cai Lậy bắn chặn xung quanh, không cho ta tiếp cận. Cuộc chiến đấu càng gay go quyết liệt khi địch dùng trực thăng vũ trang kết hợp với pháo 105mm ở Cai Lậy thay phiên nhau liên tục bắn phá ngăn chặn lực lượng ta trên cả hai hướng.

Đến 13 giờ 40 phút, hầu hết các đại đội của tiểu đoàn 1 và 3 đều hết đạn hoả lực phải yêu cầu bổ sung. Trung đoàn ra lệnh các đơn vị tổ chức lại lực lượng, tận dụng đạn thu được của địch để chiến đấu. Nhưng đạn chiến lợi phẩm phần lớn là đạn nhọn, một số đạn cối 61mm lại thiếu đồng bộ, do đó các đợt tiến công tiếp theo của các tiểu đoàn trên cả hai hướng đều không kết quả. Thương vong của các đơn vị mỗi lúc một cao và không còn đủ khả năng đột phá.

Vào lúc 15 giờ 55 phút, trung đoàn quyết định mỗi tiểu đoàn dùng một trung đội kiềm chế địch đế các đơn vị giải quyết thương binh, tử sĩ và lui quân.

Trận đánh kết thúc, 240 tên địch bị loại khỏi vòng chiến, 40 quân bị bắt. Ta thu gần 100 khẩu súng các loại (có bốn khẩu đại liên), sáu máy thông tin PRC-25, một máy PRC-9 và nhiều đạn dược.

TRẬN ĐIỂM CAO 1358 CỦA ĐẠI ĐỘI BỘ BINH 1 TIỂU ĐOÀN 7 TRUNG ĐOÀN 866
(19 - 28.8.1972)

Trận vận động tiến công kết hợp chốt của Đại đội bộ binh 1 Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 866 (thiếu Trung đội 3), trang bị cối 60mm, B-40, B-41 và tiểu liên; được tăng cường một khẩu cối 82mm, một khẩu ĐKZ 57mm đánh vào một tiểu đoàn của binh đoàn 22 (GM-22) quân nguỵ Lào ở điểm cao 1358 thuộc xã Phu Thông, phía tây Cánh Đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), nhằm ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt một phần lực lượng địch, tạo điều kiện để các lực lượng của ta chuẩn bị đánh bại các đợt tiến công lớn của địch.

Từ ngày 10 đến 18 tháng 8, đại đội vừa xây dựng trận địa chốt vừa sẵn sàng chiến đấu.

Lúc 9 giờ 30 phút ngày 19 tháng 8, địch dùng một đại đội tiến lên các mỏm 1, 2. Lực lượng của ta ở các vị trí tiền tiêu nổ súng đánh địch, diệt một số tên, số còn lại phải lùi ra. Từ 11 giờ, địch liên tục tổ chức nhiều đợt tiến công nhưng đều bị đánh bại. Tiếp đó, chúng dùng máy bay T-28 đánh phá và dùng bộ binh tiến công liên tục lên mỏm 2. Do ta bị thương vong nhiều nên địch chiếm được mỏm 2. 16 giờ đại đội tổ chức phản kích đẩy địch ra khỏi trận địa. Các ngày 20, 21, địch tổ chức nhiều đợt tiến công nhưng không thành. Ngày 22, địch dùng 30 máy bay lên thẳng đổ quân xuống bản Khổng, tổ chức tiến công lên điểm cao 1200, bị ta đánh bại, chúng phải dừng lại củng cố và ngừng tiến công lên chốt. Từ ngày 23 đến 26 tháng 8, địch tổ chức nhiều đợt đánh lên chốt và chiếm được mỏm 2. Ngày 27 tháng 8, địch tổ chức một mũi từ tây nam bí mật, bất ngờ đánh vào lực lượng ta ở mỏm 1. Lực lượng giữ chốt của ta chiến đấu dũng cảm đánh lui nhiều đợt tiến công của địch.

Sau 10 ngày đánh địch, nhờ vận dụng sáng tạo cách đánh, vừa kết hợp chốt giữ vừa vận động tiến công, quân ta đã diệt 30, làm bị thương bảy quân ngụy Lào; thu nhiều vũ khí, tạo điều kiện cho lực lượng phía sau làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu.


(1) Nguyên là Trung đoàn bộ binh 88 Sư đoàn 308 vào chiến trường miền Nam tháng 12 năm 1968. Sau một thời gian chiến đấu ở Tây Nguyên, tháng 2 năm 1970, đơn vị được bổ sung cho Quân khu 8 và đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 3.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM