Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:52:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gã sĩ quan mang số hiệu 180234  (Đọc 3994 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 01:38:54 pm »


        - Tên sách : Gã sĩ quan mang số hiệu 180234

        - Tác giả : Phạm Dũng

        - Năm xuất bản : 2008

        - Số hóa : Giangtvx
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2020, 09:29:46 pm »


        Sỹ quan trong quân đội có hai loại: loại có số hiệu và loại không có số hiệu. Có số hiệu có thể phấn đấu tới hàm cấp tướng, lương bổng cao ngất ngưởng, còn không có số hiệu, cấp bậc chỉ đến úy là chấm hết.

        Đối với gã, con đường công danh rất rạng rỡ: lý lịch miễn góp y, đào tạo sỹ quan chính quy. Học xong hắn tốt nghiệp loại ưu, phong quân hàm chuẩn úy mang số hiệu 180234. Số hiệu này cực đẹp, cứ cộng tổng tận cùng các số với nhau đều cho kết quả là 9. Mây 9 tầng, rồng 9 khúc, voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao.

        Đường công danh của gã chắc sẽ là cao vút! Nhưng cao đến đâu, chỉ có gã mới hiểu và suy ngẫm!.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2020, 05:39:22 pm »


Phần I

KÝ ỨC XƯA

        Dòng họ Phạm nhà tôi có cụ Như Bình làm quan Thái Bảo thuộc Triều đình nhà Lê, con trai cụ là Như Chính được phong phẩm hàm Quận Công. Khi hai ông mất linh cữu đưa về quê nhà an táng và xây lăng mộ thờ. Đến đời thứ 8, cụ Danh Văn (còn gọi là cụ giáo, thầy đồ Nho) làm tới chức Tổng giáo. Cụ có hai con trai nhưng đến cháu nội là cụ Đồ Huỳnh mới theo nghiệp giáo học. Cụ Quản Sứ là con thứ hai Cụ Đồ Huỳnh, chính là ông tổ gia hệ nhà tôi. Thời đó nhà tôi ở ngoài trại (bìa làng) vườn tược, đất đai rất rộng, chủ yếu trồng chè, mít, bưởi, hồng, xoan và cây chay zó. Bờ rào trồng những bụi duối lá nhỏ thô ráp, gỗ rất chắc và những khóm tre già mọc chen chúc đầy gai.

        Dân đất trại cần cù, kiên nhẫn và giàu lòng can đảm. Ông nội tôi là con cả cụ Quản Sứ, sinh được năm anh em: bố tôi, hai chú và hai cô. Nhà nghèo đông miệng ăn nên các cô chú cũng không được, học hành chu đáo. Mẹ tôi kể lại: Nạn đói năm 1945 ở quê tôi thật khủng khiếp. Dọc đường, chợ, bờ ao, bụi cây... chỗ nào cũng thấy xác người chết. Những con người da bọc xương, đen đúa lần mò, dắt díu nhau đi xin ăn, bới từng đống rác tìm kiếm thức ăn. Tối đến chui vào mảnh chăn, mảnh chiếu gặp đâu ngủ đấy cho qua ngày, sáng ra lả đi mãi mãi không bao giờ tỉnh lại để nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Ông nội và bố tôi ra đi cũng trong cảnh thương tâm như vậy! Có điều khi nhắm mắt còn được nằm trên vòng tay thương tiếc của người thân trong nhà.

        Năm đói 1945 vùng quê tôi chịu hậu quả nặng nề nhất. Hồi đó phát xít Nhật bắt dân làng phá lúa trồng đay, hàng triệu người lâm vào cảnh đói, lũ lượt ra đi rời bỏ quê hương kiếm ăn nơi khác, người Thái Bình sang Nam Định, người vùng xuôi lên vùng ngược. Đến khi chết người nhà vẫn không biết tin tức! Khi có hạt thóc để ăn nhiều người cũng lăn ra chết do ăn no bị bội thực. Hơn ba triệu dân lành của vựa lúa đồng bằng sông Hồng đã vĩnh viễn ra đi như vậy, trong đó có ông nội và bố tôi. Đói... đói đến nỗi không còn gì để ăn, họ đào các gốc cây chuối luộc ăn, kéo nhau ra bờ mương, bờ ruộng đẽo nhặt từng cọng rau tàu bay, rau má về ăn qua bữa. Tóm lại bất kể thứ gì có thể ăn được con người đều để mắt tới nhằm tìm ra sự sống!.

        Bước sang tháng ba thời kỳ giáp hạt nặng nề. Ông tôi, bố tôi rất lo cho mười miệng ăn trong nhà. Cô chú đang tuổi ăn, tuổi lớn, mẹ tôi nuôi ba chị em. Chị tôi lên bốn, anh tôi hai tuổi hơn, còn tôi bé xíu mới sáu bảy tháng. Cái đói và sự túng quẫn dẫn đến cái chết ông nội tôi! Sáng hôm ấy, ông dậy như mọi ngày, trong bụng lép kẹp vì đói. Ông ra vườn hái một nắm búp chè tươi nhai ngon lành và uống một gáo nước mưa. Ông thong thả vào buồng lấy bộ quần áo the mới, đội chiếc khăn xếp sang chỗ anh em tôi nằm, hôn vào má từng đứa cháu rồi ông lặng lẽ đi ra. Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi, ông chỉ dặn cố nuôi ba đứa cháu của ông và ông lên giường nằm. Khi mọi người vây quanh thì đôi mắt ông không còn nhắm lại được nữa, bọt trắng từ miệng ông trào ra. Ông tôi mất hôm ấy là ngày 26 tháng 3 năm Ất Dậu! Bao nhiêu gánh nặng đè lên vai bố tôi, vừa lo mai táng ông cụ, vừa lo tám, chín miệng ăn hàng ngày. Mẹ tôi làm thêm bánh khúc, bún riêu cua mang ra ga Phổ sở bán cho khách đi tàu, được chút lãi là mua gạo về nấu cháo cho cả nhà. Món bún riêu của mẹ tôi là đắt khách nhất, mỗi nồi riêu tiêu tốn hai giỏ của do bố tôi kiếm hàng đêm. Tối nào cũng vậy, mẹ tôi là người ngủ muộn nhất. Tắm giặt cho con cái xong, chuẩn bị sẵn hàng để sáng dậy sớm nấu cho kịp phiên chợ, cũng không quên phần cho bố tôi một chiếc bánh khúc. Bà vào nằm cạnh ba chị em chờ bố tôi đi bắt cua về. Khi nghe tiếng động ngoài sân, mẹ tôi dậy đổ cua ra chậu phân loại to nhỏ để sáng mai làm hàng. Những con cua béo vàng, lạo xạo lấp lánh dưới ánh trăng như tâm sự cùng bà. Sau khi rửa chân tay, ăn chiếc bánh là bố tôi lăn ra ngủ. Lúc đó trời cũng gần về sáng!

        Vào thời điểm thóc cao, gạo kém khách đi lại rất ít. Một nồi bún riêu cua nhiều hôm chỉ bán được một nửa. Ế hàng, mẹ tôi van nài mấy người bạn ăn giúp để lấy vốn. Nhiều người ăn xong cũng không có tiền trả dù chỉ lấy nửa tiền.

        Cuộc sống ngày càng khó khăn, túng quẫn. Bà tôi, mẹ tôi vay mượn khắp nơi để cứu đói từng ngày. Nửa tháng sau khi ông nội tôi mất, bố tôi đổ bệnh và qua đời ở tuổi 36, đó là ngày 16 tháng 4 Ất Dậu.

        Vừa thương chồng, thương con lại lo cho mẹ già và các em, mẹ tôi tần tảo chạy xuôi chạy ngược buôn bán, vay mượn nhằm vượt qua những ngày đói kém và đau thương. Các cô, các chú, tập trung giúp chị nuôi cháu. Việc gia đình đặt lên đôi vai gầy nhỏ bé của mẹ tôi ở tuổi ba mươi. Tiếp theo là những chuỗi ngày lẻ bóng ngậm ngùi nuôi ba đứa con nhỏ thơ dại!.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2020, 08:23:09 pm »


*

*      *

        Đầu năm 1954, quân Pháp sắp thua ở Điện Biên Phủ, vùng quê tôi chỉ còn rất ít quân địch. Chúng đi lại trên các xe bọc thép dọc Đường 10 từ Núi Gôi đi Cầu Chuối ra Nam Định. Thỉnh thoảng lại xả súng bắn bừa bãi để thị uy. Nhà cửa của dân chúng đốt sạch, cây cối phát quang tạo thành vành đai trắng dọc quốc lộ. Không còn nơi ở. Mẹ tôi đưa cả nhà chạy tản cư tới làng Báng cách đó chừng ba, bốn cây số.

        Khi ấy, tôi và anh tôi đã là những thiếu niên nhanh nhẹn giúp mẹ nhiều việc. Hàng ngày, chúng tôi len lỏi vào những thửa ruộng hoang, cỏ nặn, cỏ lác mọc lút đầu để tìm trứng vịt trời, le le, bắt cua, cá và tuốt những bông lúa còn sót lại. Nhiều hôm nhớ nhà hai anh em quên cả nguy hiểm rủ nhau về nhà cũ lấy rau quả và dụng cụ còn sót lại cho mẹ tôi.

        Một buổi chiều cô tôi cùng hai anh em lấy được nhiều thứ nồi niêu, mâm bát cho vào quang gánh đưa lên khu tản cư thì cô tôi nghe thấy tiếng súng bắn từ Núi Gôi. Lo sợ bọn địch đi càn mấy cô cháu giục nhau đi nhanh. Tới gần làng Cao Phường, bọn địch từ bốt Cầu Chuối nhìn qua ống nhòm thấy có người đang chạy, chúng nổ súng, đạn vung vãi xung quanh nhưng rất may không trúng ai. Khi đã an toàn, cô tôi xem lại quang gánh phát hiện hai chiếc nồi đồng bị đạn xuyên thủng!

*

*      *

        Cuối năm 1954, quê tôi hoàn toàn giải phóng. Mẹ con bồng bế nhau cùng đoàn người tản cư trở về. Niềm vui thật khó tả trên khuôn mặt mọi người. Sướng nhất là đứng ở nhà tôi nhìn lên Núi Gôi, Núi Lê, Núi Ngăm, Núi Hổ, Cầu Chuối... Thấy rõ những lô cốt của địch đen xì, im lìm gờn gợn như những bóng ma. Nhà tôi giặc phá chẳng còn gì. Chiếc bể nước cũng biến thành cộng sự vỏ đạn vương vãi khắp nơi. Chiếc cối đá dùng để giã cua vỡ làm hai mảnh. Sân hè ngày xưa ông nội tôi lát bằng gạch bản, bị cày xới ngổn ngang, cỏ may, cỏ gianh mọc khắp nơi, hoa cỏ bám trắng cả quần áo cứ ngồi gỡ cả ngày không hết!

        Buổi trưa, vùng quê thật yên tĩnh. Nắng hè oi bức, mặt đất bốc lên mùi cỏ héo dịu ngọt. Từ những lùm tre tiếng chim cu gáy giọng kim, giọng thổ gù gáy âm vang, huyền bí. Dứa lại phát triển khắp nơi làm tổ cho các loài chồn, cáo, rái cá và chuột... mặt ao chật cứng bèo tây, tôm cá nhiều vô kể.

        Từ nhà tôi xuống chợ mỗi khi đi qua cái ao và bụi tre nhà bà Bái tôi thấy cứ rờn rợn. Người ta đồn rằng gốc tre ấy có con ma đầu lốc, hôm nào trở trời có sấm chớp nếu qua đó là nhìn thấy một chiếc sọ người lăn ở dưới ao lên bờ và biến mất vào vườn cỏ gianh...

        Tối hôm ấy rì tôi nhắn: cậu tôi là công nhân cầu đường gửi cho tôi một đôi giày vải nhờ chú Liên người Làng Ba mang hộ. Tôi mừng quá! Phải lấy ngay bây giờ ư? Nhưng qua bờ ao nhà bà Bái!? Nhìn trời chưa tối hẳn, tôi quyết định chạy thật nhanh qua bờ ao, mấy khóm tre, vườn cỏ gianh... đến nhà chú Liên chừng 500 mét. Chú đưa cho tôi đôi giày ba ta còn thơm mùi cao su bảo tôi đi thử. Đẹp quá, vừa quá, tôi mừng quýnh chào chú và cứ để cả giày chạy về. Trời tối hẳn lại có hạt mưa và ánh chớp từ xa. Tôi chạy như bay trên mặt đất, mắt đảo nhanh hai bên đường. Qua bờ ao và bụi tre bà Bái, tôi lấy can đảm cất tiếng hát ú ớ như người bị ngọng.

        Qua ánh chớp sáng lòe bỗng tôi nhìn thấy một vật to tròn như chiếc nồi đất đang bò rất nhanh lên vườn. Tóc tôi dựng đứng, người lạnh toát như muốn quỵ xuống. Ánh sáng tia chớp khiến tôi nhìn rõ con vật vừa ở ao lên có bốn chân và cái cổ dài ngoẵng. Định thầm nhìn lại phát hiện ra con ba ba khá to! Sáng dậy tôi chạy tìm vết tích con vật tối qua và bới được năm sau quả trứng ba ba đẻ trên cạn. Tôi kể chuyện cho cả nhà nghe, mọi người trầm trồ khâm phục cậu bé lên 10.

        Vùng quê mới giải phóng đâu đâu cũng bận rộn, xây dựng nhà cửa, phá hoang trồng cấy để có lương thực. Sự sống đang hồi sinh khắp mọi nơi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2020, 06:05:44 am »

         
*

*       *

        Sang năm 1956 nguy cơ đói lại xuất hiện, ruộng đất mới khai hoang chưa trồng cấy được nhiều. Kinh tế từng nhà suy kiệt, chính quyền mới chưa đủ khả năng cứu đói cho dân. Chị em chúng tôi lại bị cái đói giằng xé. Rất may chúng tôi đã lớn, chị tôi đi ở cho người trên Hà Nội, hai anh em ở nhà cùng mẹ mò cua bắt ốc sống qua ngày.

        Cải cách ruộng đất, nhà tôi quy thành phần bần nông. Anh em tôi được đi học. Anh tôi học dân lập ở tận Gôi, tôi học quốc lập trường nhà. Cả hai, sáng đi học, chiều về khiêng nước ăn đổ vào bể, đi cuốc hoặc đập đất làm ải giúp mẹ. Kinh tế eo hẹp lắm! Ruộng đất nhiều nhưng chỉ cấy được một vụ. Sang tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch là nước ngập trắng cả một vùng ruộng lớn, đi lại chủ yếu bằng thuyền. Sau này có hệ thống thủy lợi nên lụt không còn, ruộng cấy một vụ chuyển sang hai vụ hoặc trồng rau màu vụ ba. Vào tháng mười thu hoạch lúa mùa, mẹ tôi cấp tốc hong phơi vài mẻ lúa để xay giã cúng cơm mới đầu mùa. Hôm ấy anh em chúng tôi được bữa no nê. Đồ cúng thật đơn giản, đĩa thịt lợn rang mặn, xu hào xào, bát canh bún nấu cua có thêm những cọng rau rút. Cơm xới ra bát thơm phức, mỡ màng, hạt cơm dẻo không gẫy vỡ, để nguội chan với nước cáy, nước tương thật là tuyệt.

        Ngôi nhà ở và hai gian bếp được làm trên nền cũ. Tường đất mái gianh hoặc lợp rạ nên mùa hè rất mát, mùa đông ấm. Ba gian nhà trên một gian làm buồng để thóc gạo, đồ dùng, gian giữa nơi thờ cúng, gian bên chỗ ngủ kê chiếc giường tre cũ kỹ. Bếp đun thấp tè, tường đất nứt nẻ có thể cho cả bàn tay chui qua. Mái bếp lợp lá mía, gian cạnh bếp là chuồng lợn. Muốn giàu thì nuôi cá, muốn khá thì nuôi heo. Những con heo nhà tôi nuôi quá khổ! Thức ăn là bèo tây băm trộn với cám gạo cho có mùi thơm. Chúng ăn cả ngày không hết. Cả chuồng chỉ có một con heo bé bằng bắp chân, nuôi sáu bảy tháng mới được vài chục ký. Về sau chị tôi đi ở có tiền đưa về, mẹ tôi chuyển sang nuôi lợn nái. Vết thương chăn lợn nái còn để lại ống chân trái tôi một vết sẹo dài 2 cm rộng l cm. Lợn đẻ rất dữ, cứ cho ăn là lồng lên bảo vệ con. Buổi trưa đi học về thấy nhà vắng tanh, lợn đói kêu la thảm thiết. Tôi vần chiếc máng sành to nặng đã vỡ một góc ra trộn cám với bèo cho chúng ăn. Học sinh lớp ba bé nhỏ, yếu ớt học về chưa ăn gì lại bị con heo mẹ khủng bố nên lóng ngóng tuột tay rơi chiếc máng sành vào ống chân. Tôi vứt đó chạy vào nhà lấy thuốc lào cầm máu, rất may không bị nhiễm trùng uốn ván. Mấy tháng sau liền sẹo!

        Hai anh em chúng tôi đều chịu khó học tập. Anh tôi học giỏi và rất quý tôi. Tôi lấn tới là anh nhường ngay. Hàng ngày, làm gì anh em cũng có nhau: khiêng nước, đập đất, cuốc vườn, đi câu, mò bắt tôm cá, thậm chí đi vệ sinh cũng đi... hai.

        Một hôm chỉ vì trò chơi vớ vẩn mà chúng tôi đốt mất ngôi nhà thân yêu của mình. Buổi trưa, hai anh em nấu cơm. Mùa hanh khô rơm rạ cháy rất nhanh. Tôi ngồi sát tường phát hiện qua khe nứt có một chú dế mèn cứ thập thò như trêu tức. Sẵn chiếc que kều bằng gỗ đang cháy tôi luồn qua tường nứt đốt râu chú dế. Gặp nóng chú dễ chạy ngược lên chỗ rộng, chẳng may ngọn lửa que kều bám vào phần lá mía mái bếp cháy lên nhanh chóng. Bên trong, chúng tôi vẫn không biết hiểm họa sắp xảy ra, mãi đến khi ngọn lửa bùng lên mới hốt hoảng chạy ra bể múc nước vẩy lên đám cháy. Trong nháy mắt, bếp bị thiêu trụi, ngọn lửa loang loáng bén lên ba gian nhà ở. Lúc này mẹ tôi cùng mọi người ở ngoài đồng chạy về thì mọi chuyện đã rồi. Công lao mấy mẹ con sau những năm giải phóng biến thành tro bụi. Tất cả làm lại đầu!

*

*      *

        Thế là anh tôi trúng tuyến vào Trường sư phạm Nam Định. Học xong sẽ làm thầy giáo. Nhiều hôm nhớ anh tôi đi bộ đến tận trường Lê Hồng Phong ngồi chờ ở cổng để gặp anh. Anh đưa tôi đi ăn cơm tập thể, leo lên tầng 2 chiếc giường cá nhân xem sách vở của anh. Khi về, tôi cứ nao nao tự hào về người anh của mình!

        Năm 1962, chính quyền ngụy Sài Gòn chia rẽ lục dục. Tới năm 1963 Ngô Đình Diệm bị ám sát chết trong một cuộc đảo chính. Tình hình miền Nam hết sức phức tạp. Nguy cơ quân Mỹ nhảy vào can thiệp và chiến tranh có thể xảy ra.

        Ở miền Bắc, thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ. Năm đó tôi mới 16-17 tuổi, cái tuổi không còn trẻ con nhưng chưa hoàn toàn người lớn. Học lớp 7A (cấp II) làm lớp phó, phụ trách văn thể, là học sinh giỏi văn nhất trường. Mấy cô bạn gái lớn nhanh như thổi đã biết đưa mắt nhìn con trai, luôn ríu rít bên thầy chủ nhiệm (chưa có vợ), khi biết tôi sắp đi thi học sinh giỏi văn của tỉnh liền bảo nhau chặn đường trêu chọc!.

        Tầm gần trưa tôi đi học về chợt phát hiện trong nhà có người lạ nằm trên giường, chiếc quần ka ki vàng, áo cộc tay màu hạt dẻ, đôi dép da nâu. Ngoài hiên, một chiếc xe đạp nam cũ kỹ, chắn bùn bánh trước cong vẹo. Nhìn xe, tôi đoán của thầy giáo chủ nhiệm! Chiếc xe này thường để ở bờ rào nhà trường. Còn người nằm ngủ là thầy Lưu Kông Sa, chẳng hiểu thầy mệt hay thầy đói bụng.

        Tôi vừa mừng vừa lo, chưa biết việc gì sẽ xảy ra. Tôi cứ vo gạo nấu cơm để thầy cùng ăn. Cơm chín, tôi vào mời thầy. Món ăn chỉ có cà muối, trứng chưng mặn, canh rau đay nấu với mắm tôm. Tuy vậy, thầy trò ăn ngon miệng. Thầy nhìn tôi như khuyến khích: - Chiều nay thầy trò mình đi Nam Định để sáng mai dự thi môn văn của tỉnh - Em cố gắng!

        Tôi chỉ kịp nhắn lại mẹ tôi đang làm thuê ở làng An Lễ rồi lên xe thầy chở đi.

        Hôm sau ngủ dậy thầy đưa tôi sang nhà ăn tập thể của Ty Giáo dục. Nhà ăn đã đông người, tôi xuýt xoa vì lần đầu tiên được ăn phở thịt lợn sao mà ngon thế. Sang phòng thi, các thí sinh tuyển chọn từ cấp huyện lên tề tựu đông đủ. Ngồi sau tôi là một bạn bị liệt cả hai tay mà chỉ viết bằng chân. Sau này chuyển ngành làm phóng viên báo chí, tôi mới biết đó là Nguyễn Ngọc Ký, hơn tôi hai tuổi, học sinh giỏi văn huyện Hải Hậu. Người có nhiều bài đăng trên báo Thiếu niên tiền phong. Qua kỳ thi đó, Nguyễn Ngọc Ký học tiếp cấp 3 và thi đỗ đại học Sư phạm Văn. Anh cũng đứng tên một số đầu sách. Tuy đôi tay bị liệt, nhưng cuộc sống của anh gặp may mắn và thành đạt.

        Đầu tháng 4 năm 1963 mười đứa con trai ở lớp (trong đó có tôi) được nhà trường mời lên phòng giám hiệu nhận quyết định nhập ngũ. Cả lớp 7A có 25 nam thì gần nửa lên đường, không khí trong trường lắng xuống, buồn tẻ. Những dòng lưu niệm ghi gấp gáp, những cuộc hẹn hò thầm kín, những cái nhìn vội vã... Tất cả nhớ thương, bịn rịn đều dành cho ngày chia tay, ngày mà ô tô đơn vị về tận trường đón chúng tôi.

        Bút nghiên tạm xếp lại! Chúng tôi trở thành chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2020, 10:01:29 pm »


Phần II

CỔNG HẬU - LỐI RA PHÍA TRƯỚC

        Đó là trận địa pháo cao xạ 100 ly, tầm trung, có 7 khẩu pháo đặt trong công sự, nòng dài, đen trũi đầy uy lực chấn ải trên cánh đồng thôn cổng Hậu, phía tây bắc thành phố Nam Định. Từ đây, đời lính của tôi bắt đầu!

        Bắt đầu ngủ dậy đúng hiệu còi, ăn cơm ngô, đi đều, nghiêm, nghỉ dưới nắng hè oi bức. Bắt đầu gác đêm. Tập hành quân khẩn cấp. Nhiều đêm chúng tôi để nguyên cả giày mà ngủ phòng khi báo động có mặt kịp thời...

        Sau ba tháng huấn luyện, tôi được đại đội trưởng Phi Yến biên chế vào Trung đội chỉ huy làm lính trinh sát. Nhiệm vụ hàng ngày dùng kính quang học có bội số lớn để quan sát máy bay địch báo cho chỉ huy. Vào thời điểm này, không quân Mỹ luôn sử dụng máy bay U2 để do thám Miền Bắc, chúng bay ở độ cao 20 km, phun khói trắng thành vệt dài. Chiếc U2 như cái thìa nhôm vun vút trên cao ngoài tầm hỏa lực súng phòng không, nên cuộc báo động chiến đấu chỉ để luyện tập. Lính trinh sát bám chặt mục tiêu miệng hô lớn: góc phương vị,..., góc tà,... cự ly... Cả trận địa nhất cử, nhất động theo lệnh của đại đội trưởng. Tiểu đội tôi được đại đội biểu dương liên tục về tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Tuần nào, tháng nào tôi đều được bầu là chiến sỹ ưu tú. Từ lính binh nhì, được phong binh nhất, rồi hạ sỹ phụ trách tiểu đội về được kết nạp và Đảng.

        Ngày 5 tháng 8 nãm 1964 sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã khởi đầu cho cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ đánh miền Bắc. Tôi được Trung đoàn 250 cử đi học hai năm đào tạo sỹ quan tại trường sỹ quan phòng không. Ra trường, về làm trung đội trưởng đại đội pháo cao xạ 75 ly, liên tục cơ đồng chiến đấu bảo vệ Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng... Từ quân hàm chuẩn úy - số hiệu sỹ quan 180234, hai năm sau khi ra trường, tôi lên thiếu úy, tương đương chức đại đội.

        Tháng 5 năm 1967 đơn vị đang chiến đấu bảo vệ cầu Phú Lương tôi nhận được bức điện không rõ người gửi báo tin: "Mỹ ném bom, nhà cháy". Ruột gan tôi cứ như lửa đốt, chẳng biết mẹ tôi, anh chị và các cháu ra sao? Khi tôi về mới thấy mức độ tàn phá ác liệt của bom Mỹ ở mảnh đất này: 11 người chết, cháy 5 ngôi nhà. Rất may nhà tôi không ai việc gì! Lại thêm lần nữa nhà cháy, hai lần giặc đốt, một lần anh em chúng tôi!

        Không quân Mỹ ném bom Miền Bắc ngày càng ác liệt. Đơn vị được lệnh tăng cường cho tuyến lửa khu 4, vừa di chuyển vừa chiến đấu bảo vệ cầu đường, bảo vệ giao thông vận chuyển vũ khí đạn dược vào chiến trường. Theo tinh thần đợt chỉnh huấn chính trị, chúng tôi sẽ tiến sâu hơn vào phía trong!

        Đoàn xe xích kéo sáu khẩu pháo 57 ly rời khỏi sân ga Vinh hối hả qua phà Bến Thủy trước khi trời sáng. Bắt đầu vào mùa mưa bầu trời âm u phủ kín mây chì mọng nước. Thời tiết này các loại xe được phép chạy ban ngày... Tới địa phận TH rẽ sang tuyến đường 15A vắt qua những quả đồi đất đỏ có nhiều ngầm đá đầy ứ nước.

        Tới vị trí tập kết các khẩu đội nhanh chóng triển khai chiến đấu. Mấy hôm nay địch thường xuyên đánh tuyến đường này. Ban ngày chúng bay thấp qua trận địa, tiếng động cơ gầm rú vang dội cả núi rừng. Ban đêm những chiếc C130 thắp đèn hai bên cánh tìm bắn các đoàn xe qua đường 15, vượt cổng trời. Đây là loại máy bay trang bị súng đại liên bắn bằng tia hồng ngoại. Mỗi khi phát hiện được xe nó nghiêng cánh bắn rất chính xác: Xin thùng! xin thùng! (xin thùng xe) là chiếc xe mất thùng, bùng cháy!

        Trận địa vẫn ém quân chờ lệnh nổ súng!

        Lại hành quân vào phía trong!

        Trăng cuối tháng treo trên đỉnh núi đỏ quạch. Đoàn xe xích kéo pháo qua khỏi dốc thì một cành cây xanh vứt giữa đường. Chiếc xe Zin đi đầu chở Trung đội chỉ huy và đại đội phó Phạm Văn Hoan chuyển hướng sang đường khác; các xe sau lầm lũi bám theo. Sau những ngày mưa, rừng núi như dịu lại, ánh trăng bằng bạc lúc mờ lúc tỏ. Gió núi se lạnh. Đường càng vào sâu càng khó đi. Chiếc xe đi đầu dừng lại. Đoàn xe nối nhau chờ đợi. Tắc đường ư? Hay có bom nổ chậm? Phía trước có tiếng nói: - Đi nhầm vào cầu cáp - ô tô phải vượt ngầm mới sang được! Tôi như mất thăng bằng ra hiệu phía sau dừng xe. Chiếc Zin đã chớm mố cầu, bộ đội nhảy xuống đứng lố nhố. Bên kia cầu có ánh đèn phin loang loáng chạy sang. Tới gần tôi nhận ra một cô gái trẻ, mặt ngái ngủ tóc rối tung, cúc áo cài chưa hết.

        - Đồng chí ơi! Cầu này xe xích có qua dược không?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2020, 11:24:34 pm »


        Cô ta không trả lời mà chạy ngược lên phía đoàn ra hiệu lùi lại. Những chiếc xe xích bám đầy bùn đất kéo những khẩu pháo nặng nề phủ bạt kín mít dừng hẳn. Tôi hỏi lại, một câu trả lời cộc lốc:

        - Xe xích không qua được, cầu sắp đứt rồi!

        Nói xong cô ta đi luôn sang bên kia cầu!

        Tôi bàng hoàng chưa biết xử lý ra sao? Không thể để xe pháo đỗ lâu trên đoạn đường nguy hiểm này. Ban chỉ huy tỏa ra các hướng tìm đường quay xe. May sao có một đoạn đường khá rộng xếp đá dự phòng gần mố cầu, bộ đội khẩn trương chuyển đá ra chỗ khác. Những chiếc xe xích cua tròn quay đầu xe, chuyển hướng. Đến xe cuối cùng thì đã khuya. Tới ngầm Khe Tang nước réo ầm ầm. Dưới ngầm một đoạn, chiếc xe Gat chẳng rõ của đơn vị nào đi chệch cọc tiêu đâm xuống chỗ nước sâu nằm im lìm.

        Tôi cùng đại đội trưởng Chanh hối hả đi kiểm tra trước khi vượt ngầm. Cả đoạn sông mờ ảo sương đêm, nước thượng nguồn đổ về lớn hơn mọi ngày. Trung úy Trần Thụy - sỹ quan tham mưu Trung đoàn ở cuối đoàn xe chạy lên tìm đường vượt ngầm. Quần dài xắn cao, đội chiếc mũ sắt lụp sụp, tay gậy, tay đèn pin Thụy lội ra xa để xác định cọc tiêu. Nước chảy xiết, bỗng Thụy trượt chân, loạng choạng ngã theo dòng nước. Chúng tôi hết hồn gọi Thụy, ánh đèn pin trên tay cậu ta vẫn sáng và trôi xa dần:

        - Thụy ơi! tìm chỗ nông mà bơi vào bờ. Tiếng gào thét của tôi chỉ thấy tiếng núi hai bên bờ vọng lại. Thụy ơi... ơi...ơi! Bỗng ánh đèn pin tắt ngấm rồi lại sáng, ánh đèn dọi ngược lên như cầu cứu... Làm thế nào bây giờ? Cổ tôi nghẹn lại khi nghĩ đến dòng nước độc ác kia sẽ cuốn cậu ta đi xa, nâng lên đập xuống vào những phiên đá ngầm như mèo vờn chuột. Mắt tôi căng ra nhìn dòng nước mù mịt, chảy ầm ầm, miệng gọi không thành tiếng, có ánh đèn chiếu lên tôi mừng quá! Thụy đã thoát khỏi dòng nước tìm được chỗ nông đang vào bờ.

        Phía trên dòng nước xuất hiện một bó đuốc sáng rực lao xuống hạ lưu. Tới gần nhìn rõ hai người ngồi trên mảng, một đứng lái, người ngồi sau cầm đuốc - tôi bấm đèn báo hiệu. Chiếc mảng lái sang một bên rồi lại lao đi phăng phăng. Đó là mảng chở đầy hàng của đội thanh niên xung phong.

        Thụy đã sang bên kia bờ vẫy ánh đèn ra hiệu. Thụy trực tiếp chỉ huy dẫn đoàn xe pháo vượt ngầm. Những bánh xích sắt rít lên ken két, sầm sầm lao về phía trước, bụi tung lên mù mịt.

        Mưa dai dẳng suốt ngày. Cây rừng như ngủ dưới mưa, thỉnh thoảng rùng mình trút nước rào rào. Cuộc họp cán bộ quân chính của Trung đoàn ở hội trường ven suối cách Thác Cóc không xa - Đó là căn nhà lợp lá, bốn phía không cửa, ghế ngồi là những thanh gỗ ghép lại. Ở chiến trường thế là tươm lắm rồi! Nhiệm vụ Trung đoàn sắp tới hết sức quan trọng, đòi hỏi công tác chính trị tư tưởng phải làm tốt để bộ đội thông suốt trước khi vào chiến dịch.

        Họp xong đã quá trưa, chúng tôi tìm đường về binh trạm, bất ngờ gặp Hoài Ninh - cô y tá xinh đẹp của Trạm xá Sư đoàn. Cô ta mặc chiếc áo bộ đội có đính quân hiệu ngành quân y, trên đầu lại bịt một chiếc khăn vàng mỏng hất ra sau, một mớ tóc xòa ra che lấp vầng trán hơi gồ. Nhìn người con gái ăn mặc ngộ nghĩnh nửa quân, nửa dân ấy chưa nhận ra ai. Đôi mắt đầy lòng đen của cô gái trẻ mở to nhìn tôi chằm chằm như một cô giáo thử trí nhớ cậu học trò. Hai núm má khẽ động đậy. Bỗng giữa hai vành môi tái xám đang bậm lại nở rộ ra một nụ cười làm lộ hàm răng cửa rất thưa. Nụ cười làm tôi nhớ ra:

        - Hoài Ninh hả?

        - Sao anh chóng quên thế!

        - O đi đâu ?

        - Em đi lĩnh thuốc

        - Thật phúc tổ, không gặp o thì chúng tôi tìm bình trạm đã chết.

        Cô ta cười rung mớ tóc xõa. Tôi hỏi:

        - Hoài Ninh ạ!

        - Gì anh!

        - Sau chiến dịch này anh chị cho chúng tôi hút thuốc lá đi thôi - Cái cậu y sỹ ấy.

        - Mua lấy mà hút, tôi không bao giờ có thuốc lá cho các anh hút đâu!.

        Mấy chúng tôi cười vui vẻ cùng rảo bước về binh trạm. Chiến dịch này sư đoàn tăng cường cả nữ y tá, bác sỹ cho trận đánh sắp tới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2020, 08:07:55 am »


*

*       *

        Mấy hôm nay địch tập trung đánh Phà LT. Chúng thả nhiều bom phát quang, bom nổ chậm xuống hai đầu bến, xuống dòng sông. Lực lượng công binh, thanh niên xung phong làm việc cả ngày đêm vẫn không kịp thông xe. Từng đoàn xe nối nhau xếp hàng chờ lệnh.

        Ở đây, từ sáng sớm đến tối mịt máy bay RF4 gầm rít lùng sục trên đầu. Hàng đàn F105, F4H thay nhau ném bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm... xuống dọc tuyến đường. Dứt loạt bom, mọi hoạt động lại trở nên bình thường. Cánh lái xe sửa lại ngụy trang, sẵn sàng tay lái, giục còi inh ỏi. Đội thanh niên xung phong hối hả vác cuốc xẻng xuống đường. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười đùa ầm ĩ, cứ như không có một nguy hiểm nào đang rình rập trên đầu.

        Tất cả cho vượt sông đêm nay an toàn.

        Chiếc xe xích cuối cùng tăng tốc rời khỏi bến. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đoàn xe pháo lại tiếp tục hành quân. Rừng tiếp rừng, núi tiếp núi, từng đợt gió rừng thổi qua các thung lũng, xoắn xuýt xô đẩy cây hai bên đường nghiêng ngả như gặp bão. Suốt chặng đường dài không một bóng người. Từ đây vào là vùng giữa ta và địch giao tranh quyết liệt. Hàng ngày, ngoài các loại bom máy bay ném xuống, Hạm đội Mỹ từ biển còn bắn pháo cực nhanh, pháo bày, pháo chơm đến bất kể lúc nào...

        Mật điện của Trung đoàn cho biết bọn biệt kích, thám báo giả danh bộ đội giải phóng trà trộn để thăm dò và bất ngờ tấn công ta. Do vậy phải hết sức cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu!

        Bảy giờ sáng, tôi cùng Nguyễn Công Thanh trợ lý kỹ thuật Trung đoàn xuống khẩu đội 4 kiểm tra pháo. Hai anh em nai nịt gọn gàng, vai đeo túi vải, bi đông nước, mặt nạ phòng độc, súng ngắn, dao găm, tiểu liên AK... rời khỏi hầm chỉ huy. Đột nhiên đại đội trưởng Chanh gọi giật lại:

        - Tối qua khẩu đội 2 chúng nó xả thịt một con voi rừng. Lính tráng có vẻ hả hê lắm! Ông phải xuống kiểm tra!

        - Hì! hì... ông nói vui chứ bắn chết voi lại không nghe tiếng súng!
Tôi không tin liền gọi điện cho khẩu đội trưởng Vũ Tiến Kỳ hỏi lại. Từ đầu giây bên kia cậu ta nói liến thoắng:

        - Báo cáo chính trị viên, khẩu đội 2 có thịt một con voi rừng. Hiện tại thịt còn nhiều lắm! Chúng tôi đã gọi các khẩu đội, cả đội thanh niên xung phong đến lấy về cho đơn vị ăn tươi!

        Tôi lặng đi! Cố giữ bình tĩnh!

        Tôi bảo Thanh xin người cùng xuống khẩu đội 4, còn tôi gọi Nghênh đi theo. Nghênh rất dũng cảm và nhiệt tình.

        Chừng hơn nửa giờ đi bộ, chúng tôi tới khẩu đội 2. Trong công sự các chiến sỹ có mặt đầy đủ, ngụy trang tốt, sẩn sàng chiến đấu cao. Xuống lán hậu cần mới thấy trận đồ thịt voi đêm qua còn ngổn ngang bên bờ suối!

        Một con voi bị thương nặng lần theo ven suối đến lán hậu cần khẩu đội 2 thì quỵ xuống, tắt thở. Bộ phận nuôi quân bàn nhau xẻ thịt cải thiện đời sống cho bộ đội. Con voi được làm thịt từ ba giờ sáng! Lượng thịt khá nhiều. Thịt voi trắng bệch, thớ thịt thô dễ xé rời từng sợi. Thịt thái mỏng tẩm với xì dầu khô, mì chính, xào lên ăn cũng ngon. Tuy vậy, tôi vẫn day dứt câu hỏi:

        - Tại sao khẩu đội 2 thịt voi không báo cáo Trung đội, đại đội? Nếu không phải voi rừng mà voi bản thì giải quyết ra sao?

        Trên dải Trường Sơn bạt ngàn này, voi rừng thiếu gì. Bom đạn bất ngờ làm nó tử nạn cũng là chuyện thường tình...

        Có điều cần chấn chỉnh ý thức kỷ luật cho anh em mình!

        Tôi báo cáo sự việc "Khẩu đội voi" lên trực ban chính trị Trung đoàn ngay hôm đó.

        Những cuộc hành quân liên tiếp, những trận đánh quyết liệt. Câu chuyện con voi làm tôi lãng quên dần. Nhưng về sau này, Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị phải vào cuộc giải quyết việc bà con dân tộc Lào bắt đền bộ đội Việt giết voi bản ăn thịt.

        "Khẩu đội voi" là tiền đề ngăn cản con đường thăng tiến của tôi mãi về sau này. Âu cũng là kỷ niệm hiếm có trong cuộc đời người chiến binh!

        Nhiều trận đánh quyết liệt lại diễn ra!

        Năm giờ chiều, tên lửa ta bí mật phóng lên tiêu diệt tại chỗ hai chiếc F4H, bắt sống giặc lái. Địch không ngờ Việt Cộng đưa tên lửa tiến gần vào đất Quảng Trị.

        Nhiệm vụ bảo vệ an toàn trận địa tên lửa được đặt lên hàng đầu. Các đơn vị pháo cao xạ bố trí dày đặc vòng trong, vòng ngoài. Pháo 57 ly khi bắn khói và lửa đầu nòng thoát ra rất mạnh, địch dễ phát hiện nên được bố trí gần với pháo 37 ly, 14,5 ly, 12,7 ly tạo nên các tầng hỏa lực lợi hại!

        Mặt trời khuất sau những quả đồi. Địch vẫn tập trung tìm kiếm trận địa tên lửa. Lát sau, bóng đêm tràn đến rất nhanh, bầu trời chỉ còn một màu đen thăm thẳm.

        Theo phương án tác chiến, các đại đội lại khẩn trương di chuyển trận địa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2020, 10:35:20 pm »


        Mờ sáng, mọi công việc chuẩn bị chiến đấu đã xong, các khẩu đội tiếp tục ngụy trang pháo và xóa những vết xe xích kéo pháo vào trận địa. Tôi cùng đại đội trưởng Chanh đi kiểm tra lần cuối chuẩn bị cho trận đánh. Trời sáng rõ bầu trời Quảng Trị trong vắt. Nắng và cái nóng khủng khiếp sắp bắt đầu. Tôi đứng trên hầm chỉ huy động viên bộ đội, nhắc nhở các khẩu đội sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm giữ vững vùng giải phóng. Xa xa phía Cam Lộ và Quốc lộ 1A những máy bay trinh sát 0V-10 và RF4 bắt đầu xuất hiện, mấy phút sau chúng đã réo trên đầu nghiêng ngó tìm trận địa. Những chiếc "vỉ ruồi" uốn éo lên cao xuống thấp gầm rú như lũ quỷ đói lùng sục khắp nơi. Nắng và nóng đã làm héo dần lá ngụy trang và bọn RF4 đã phát hiện ra trận địa. 8 giờ 15 phút được lệnh nổ súng. Những loạt đạn đầu tiên căng và chính xác đã đẩy chúng lên cao. Chúng vòng ra xa tránh đạn rồi lợi dụng hướng mặt trời xuống thấp sát trận địa. Bụp! một quả đạn khói từ trên máy bay bắn xuống cạnh khẩu đội 6. Khói trắng từ dưới mặt đất đùn lên. Lập tức hai pháo thủ Ngọc và Tha dũng cảm dập tắt. Mất tín hiệu chỉ điểm, chúng liền chúc xuống bắn tiếp. Quả pháo khói nổ ngay khẩu đội 5, một quả sát hầm chỉ huy, đụn khói trắng bốc lên nhanh chóng. Pháo thủ Mau và Sơn, chiến sĩ trinh sát quyết nhảy ra khỏi công sự lấy đất và giẻ lau pháo dập tắt. Biết gặp đối thủ chẳng vừa hai chiếc RF4 lượn vòng quanh trận dịa và gọi tốp khác kéo đến. Lúc này hàng đàn máy bay Mỹ bâu đến trận địa, gầm rú trên đầu, tiếng súng của các khẩu đội bắn lên quyết liệt. Một loạt bom nổ gần, đất đá tung lên mù mịt. Các tốp khác liên tiếp bổ nhào cắt bom nhưng đều bị các cỡ đạn cao xạ của Trung đoàn bắn lên đánh bật chúng ra xa. Phát hiện ra thủ đoạn chiếu tia Laze thả bom của hai chiếc F4, pháo ta lại nổ súng quyết liệt, khẩu đội 14,51y do Trung đội phó Đáp chỉ huy bảo vệ trận địa tung lên những đường đạn lợi hại khiến chúng phải nâng độ cao bay ra xa. Từ phía biển một tốp hai chiếc bất ngờ lao vào cắt bom. Những quả bom đen trũi giống những chiếc thuyền chòng chành trên không rồi vỡ đôi hất xuống mặt đất hàng loạt bom bi nổ rền vang cả một vùng. Trận đánh ngày càng quyết liệt. Tôi và đại đội trưởng hội ý chớp nhoáng, động viên bộ đội quyết tâm giữ vững ý chí chiến đấu đến cùng!

        Mười một giờ năm phút, máy bay địch lại kéo đến đông hơn. Những quả bơm bi, bom xăng, bom phát quang thi nhau thả xuống hòng xóa sổ trận địa. Cả một vùng trùm lên lửa và khói. Tôi đang theo dõi các khẩu đội bắn lên thì một ánh chớp sáng lòe, một quả bom nổ gần công sự, sức ép hất tôi ngã xuống thổn thức. Tôi vùng dậy đứng lên quan sát trận địa, khói bom đặc sệt cuộn lên khét lẹt. Phát hiện khẩu đội 5 nòng pháo vẫn vươn cao mà phía dưới không động tĩnh gì. Biết khẩu đội 5 gặp nguy hiểm, tôi chạy lao xuống, khẩu đội trưởng Nguyễn Thế Hiệp hy sinh tại chỗ, trên tay còn cầm lá cờ chỉ huy, chiếc mũ sắt thủng một mảng ở phía sau, máu ướt đẫm vai. Nậy, pháo thủ số 1 bị thương gẫy nát bàn chân, mấy pháo thủ khác ngất đi. Giây phút bàng hoàng làm tôi nghẹn lại căm uất quân giặc trời man rợ. Nguyễn Thế Hiệp và anh em thương binh được nhanh chóng chuyển xuống hầm dưới chân đồi để cấp cứu. Sau khi tỉnh lại, Nậy nói với tôi: Lúc em thấy nó bổ nhào cắt bom, em cố điều chỉnh chính xác bắn lên để tiêu diệt nó và hy vọng đạn bay lên sẽ làm cho những quả bom nổ trên không! Nhưng loạt đạn tiếp theo thì em ngất đi. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, trẻ măng của Nậy đen sạm khói bom toát lên vẻ tự tin làm tôi cảm động và phấn chấn lạ thường.

        Buổi trưa, bầu trời như lắng lại, yên tĩnh. Những tốp máy bay địch đã di chuyển ra biển. Anh em thương binh được cấp tốc chuyển ra tuyến sau. Lúc này trời nắng gay gắt và từng đợt gió Lào nóng như thiêu đốt tiếp tay cho giặc lửa đang lan nhanh vào trận địa. Toàn đơn vị tập trung mọi sức lực, phương tiện để dập lửa, cứu pháo, cứu đạn. Cỏ gianh cháy ngày càng dữ dội, ngọn lửa loang loáng, tàn lửa bốc lên cao nổ lép bép. Toàn trận địa khẩn trương chiến đấu với lửa và tiếp tục ngụy trang thì bất ngờ hai chiếc F4 lao đến cắt bom. Những quả bom bi mẹ nổ bùm bụp trên không tung ra hàng loạt bom bi con xòe cánh xé không khí khoan sâu xuống lòng đất nổ rầm rầm. Có tiếng hô lớn ở phía bụi cây cách trận địa không xa. Binh nhất Hoàng Đức Sản pháo thủ số 5 hy sinh nằm gục trên đống lá ngụy trang, máu rỉ ra ở ngực. Một số chiến sỹ bị thương được cấp cứu kịp thời. Mười sáu giờ, công việc dập lửa cứu pháo chuyển thương binh tạm ổn.

        Mặt trời khuất dần phía biển, cái nóng cũng dịu xuống. Tôi cùng Chải - Chính trị viên phó đại đội vào nơi cất giấu liệt sỹ chuẩn bị tối nay chuyển ra tuyến sau.

        Đồng đội nằm đó thanh thản lạ thường.

        Chúng tôi thầm hứa sẽ trả thù cho Hiệp và Sản. Tôi thương Nguyễn Thế Hiệp, người nhiều tuổi nhất đơn vị, quê ở Phú Thị - Gia Lâm, khi vào chiến trường thì vợ sinh con thứ ba, gia đình khó khăn nhưng Hiệp gác lại để tập trung cho chiến dịch.

        Tôi thương Hoàng Đức Sản - là lớp sinh viên mới nhập ngũ được 6 tháng, người con trai Lập Thạch sâu nặng tình nghĩa đã ngã xuống trước khi mảnh đất Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.

        Đêm nay trời đầy sao! Những giọt nước mắt của chúng tôi trào ra vĩnh biệt đồng đội rồi lại chảy vào trong. Chúng tôi xốc lại ba lô sẵn sàng xe pháo lần theo tiếng súng đi vào những trận đánh mới ở phía trước đang chờ đợi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2020, 11:14:04 pm »

       
Phần 3

THAY LỜI KẾT

        Tôi bồi hồi súc động lặng đi nhìn mẹ tôi đang lật đật từ hàng xóm chạy về. Cháu Thơm hai tuổi cứ ôm lấy cổ bà ngơ ngác. Tóc mẹ rối tung, mắt mẹ nhòe đi rưng rưng nhìn tôi như muốn khóc. Đứa con trai đi xa lâu nay mẹ thường mong ngóng đã đột ngột trở về với mẹ, nhìn nó chững chạc trong bộ quân phục sỹ quan mang hàm Thiếu úy, binh chủng cao xạ. Mấy đứa em mừng quá lăng xăng chạy khắp nhà. Chúng vây quanh tôi vuốt ve ngắm nghía như người ở ngoài hành tinh trở về. Cái Quyên chóng lớn như thổi cười không ra tiếng: - Anh mà em cứ tưởng là ai!

        Tôi xúc động nhìn mẹ đã già đi nhiều, các em tôi đứa nào cũng vui như tết chạy sang hàng xóm báo tin tôi về. Gian nhà chật kín người, rám ran tiếng cười nói. Mẹ tôi như trẻ lại luôn tay bổ cau, têm trầu mời mọi người. Câu chuyện cứ đượm mãi với người đi xa lâu ngày trở về!

        Mẹ tôi ốm gần nửa tháng do không có tin tức gì về tôi. Mẹ trao cháu Thơm cho em Quyên, vấn lại tóc và mẹ đi chợ mua thức ăn. Tôi ngăn mẹ vì mẹ đang ốm và thực ra con là bộ đội chẳng câu nệ gì trong việc ăn uống. Mẹ mắng yêu tôi và cụ cứ đi!

        Chiều hôm ấy, tôi ngồi xem mẹ làm cơm, mẹ vuốt lên mái tóc tôi và thơm vào má đứa con trai út. Mẹ lo lắng đủ điều, dặn dò hỏi han cặn kẽ như tôi còn bé lắm. Mẹ thở dài nói đến chuyện vợ con của tôi. Tôi mỉm cười trêu cụ: Đến ngày thống nhất thế nào con cũng có vợ... Biết chẳng thuyết phục được con trai mẹ đem chuyện hàng xóm ra kể, nào mấy anh, mấy chị cùng trang lứa đều có con bế, con bồng. Chuyện chăn nuôi của mẹ. Mẹ để dành hai con gà to nhất đợi ngày tôi về sẽ thịt. Một hôm kẻ trộm bắt mất của cụ một con, còn một con đêm nào cũng đem nhốt vào trong nhà, thật tội nghiệp!

        Mẹ ơi! Bao nhiêu nỗi khổ, nỗi buồn trên đời này mẹ gánh hết. Mẹ góa bụa cô đơn từ khi còn quá trẻ! Mẹ vượt lên tất cả mọi khó khăn, vất vả, ngậm ngùi nuôi chúng con khôn lớn!

        Biển cả luôn đưa sóng vào bờ!

        Mỗi ngày mẹ thức dậy lại đưa đến tình thương cho chúng con. Mẹ luôn tay làm việc, suy tư, chắt chiu, chịu mọi hy sinh để cho chúng con những gì tốt nhất!

        Cuộc đời mẹ tôi giống như người con dâu cụ Danh Văn (ông Tổ nhà tôi) đời thứ 9 khi chồng mất bà còn rất trẻ. Bà thủ tiết thờ chồng nuôi con khôn lớn.

        Bà được triều đình nhà Nguyễn phong bốn chữ vàng "Trinh tiết khả phong" thưởng 20 lạng bạc và một áo gấm.

        Triều đình phong kiến không còn để mẹ tôi được phong thưởng. Nhưng mẹ ơi! Những gì mẹ có hôm nay là con, là cháu, là chắt đầy chật cả nhà, quây quần bên mẹ, đầy ắp tiếng cười.

        Mùa xuân đang đến trong mắt mẹ!

        Chúng con mãi mãi ghi công mẹ!

Quê hương, tháng 7 năm 2008        

HẾT
Logged

Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM