Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:33:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến thắng đầy huyền thoại  (Đọc 6641 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 01 Tháng Chín, 2020, 11:11:25 am »

     
        - Tên sách : Cuộc chiến thắng đầy huyền thoại

        - Tác giả : Dương Hảo

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân

        - Số hóa : Giangtvx
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2020, 06:29:29 am »


       
LỜI GIỚI THIÊU

        Tác giả Dương Hảo, tên thường gọi trong quân ngũ là Hoàng Linh, sinh năm 1928, nguyên quán Nam Định. Ông là sĩ quan chuyên ngành tình báo quân sự, đã công tác trên 30 năm ở cơ quan nghiên cứu chiến lược - Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu địch ớ chiến trường miền Nam. Năm 1990, ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá.

        Dương Hảo đã viết và xuất bản nhiều đầu sách như Một chương bi thám; Chúng đông nhưng không mạnh... và đặc biệt là bộ tiểu thuyết tình báo đồ sộ gồm 6 tập: Biệt thự Bạch Dương; Tiệm Ánh sao đêm; Ánh sao đêm snack bar; Sóng ngầm; Rung chuyển; Không thể quên.

        Ông đã lấy tư liệu từ những người thật, việc thật để dựng lại những thời điểm, những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, khắc họa những thất bại nặng nề của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chế độ tay sai ngụy quyền Sài Gòn, thắng lợi vang dội của quân và dân Việt Nam với những số liệu, tư liệu chính xác trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.

        Nhân dịp kỷ niệm 54 năm chiến thắng Điện Biện Phủ (7/5/1954 - 7/5/2008), 33 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2008), Nhà xuất bản Công an nhân dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách tư liệu Cuộc chiến thắng đầy huyền thoại của tác giá Dương Hảo, xuyên suốt 2 chiến dịch lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc.

NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2020, 06:31:59 am »


ĐIỆN BIÊN PHỦ CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU

I. THAM VỌNG NGÔNG CUỒNG

        Ngay những tháng đầu xuân 1953, Cục 2 (Cục Quân báo) đã nhận được nhiều tin, chỉ dấu giới cầm quyền Pháp đang nhộn nhịp thăm dò, tìm người chỉ huy cuộc chiến Đông Dương để thay thế tướng Raoul Salan -  người mà báo chí Pháp lớn tiếng chỉ trích, chê trách: “Người thiếu năng lực, không biết sử dụng hiệu quả những công trình có ý nghĩa chiến lược của những người chỉ huy tiền nhiệm để lại như hệ thống tháp canh, đồn bốt bê-tông cốt sắt trên hệ thống sông Hồng, sồng Đáy(1) nhằm chia cắt đối phương, chia cắt đồng bằng Bắc bộ ra thành nhiều mảnh nhỏ giúp cho các cuộc hành binh “cất vó” để đến nay quân Vẹm (Việt Minh) ngày càng lớn mạnh không còn là những đơn vị nhỏ, lẻ mà đã thành những đại đoàn hùng mạnh.” Có báo còn giễu cợt gọi ông ta là “tướng thích dạo chơi hồ Gươm để ngắm bạn tâm giao Rùa Vàng...”

        Người mà dư luận để tâm theo dõi đã xuất hiện với tên tuổi ít người biết: tướng Henri Navarre. Ông ta cùng bậu sậu đã bay sang Sài Gòn tháng 5/1953 để khảo sát thực tế. Sau nhiều buổi làm việc với tướng Salan, nghe báo cáo của Bộ Tham mưu, ông ta cùng tùy tùng đã đến thẩm định trực tiếp một số khu phòng ngự trọng yếu rồi bay khảo sát nhiều vùng không tiện đường giao thông - Một nghiên cứu, tìm hiểu thực tế khá công phu, bài bản để hơn một tháng sau - ngày 3/7 trở lại Paris với một loạt phác thảo trong đầu.

        Navarre là vị Tổng chỉ huy thứ tám cầm đầu Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, kể từ khi gây hấn ở Nam bộ (9/1945) - mở chiến tranh xâm lược lần thứ hai - cuộc chiến tranh cũng đã kéo dài 8 năm làm nước Pháp vốn đã bị kiệt quệ sau nhiều năm phát-xít Đức chiếm đóng, nay càng suy sụp hơn. Gà trống Gaulois oai hùng biết mấy mỗi khi cất tiếng gáy là làm nhiều người kính nể thì nay chỉ là con gà sã cánh, què cẳng đi khập khiễng mất hết oai phong.

        Báo chí Pháp rầm rộ đưa tin, bình luận về vị tướng mới này. Mới 55 tuổi, ông ta đã trải qua nhiều cương vị chỉ huy: Tư lệnh thiết giáp, hoạt động nhiều năm ở ngành tình báo, phản gián; Tham mưu trưởng lục quân của quân Pháp ở khối Bắc Đại Tây dương... Một vị tướng năng nổ, xông xáo không chỉ giỏi chiến thuật, chiến dịch mà còn có tầm nhìn chiến lược nên rất thích hợp với yêu cầu của nước Pháp hiện nay là phải có nhưng sự kiện lớn, nôi bật để tạo nên những thay đổi cục diện chiến tranh đưa nước Pháp ra khỏi cảnh bế tắc hiện nay.

        Để tô đậm thêm tài “an bang, trị quốc" của vị tướng này, báo Time - một tờ báo được xếp loại là hàng đầu nước Mỹ - đã ca ngợi hết lời: “Navarre là người can đảm, kiên quyết và giầu tưởng tượng. Ông ta biết nghề nghiệp của ông ta, có bản lĩnh quân sự và chính trị hạng nhất... Ông ta đứng đầu một ê-kíp mới có vẻ xuất sắc."

        Bước vào mùa khô 1953 - 1954, lực lượng địch, ta trên chiến trường được phác thảo trên biểu đồ thống kê để cùng nhau cân nhắc đánh giá.

        Tồng quân số địch: 447.000 gồm 146.000 quân Âu Phi (chiếm 33%), còn lại là lính ngụy.

        Về ta chỉ có: 252.000 - như vậy riêng quân ngụy cũng nhiều hơn ta: 47.000, chưa kể lính Âu Phi vóc dáng to lớn, sức khỏe gấp đôi người Việt Nam.

        Tính theo đơn vị tiểu đoàn ta chỉ có 127 so với 267 tiểu đoàn địch. Địch nhiều hơn ta 2 lần chưa kể biên chế đơn vị địch thường từ 800 đến 1.000 người, còn ta chỉ có trên dưới 600 quân2.

        Trang bị của ta đã được cải thiện nhiều nhất là sau chiến dịch mở cửa biên giới 1950 thông với bạn nhưng về tổng thể lực lượng vũ trang, ta chỉ đơn thuần bộ binh yếu hơn địch. Hỏa lực yểm trợ cho bộ binh chiến đấu chỉ có số pháo lấy được của địch đếm được trên đầu ngón tay ngoại trừ 2 trung đoàn lựu pháo 105 bạn sẽ trang bị cho ta vào cuối năm 1953 và 1 trung đoàn pháo cao xạ phòng không 37 ly. Các binh, quân chủng khác địch khá dồi dào còn ta chỉ là con số không. Ta yếu hơn địch cả về số lượng lẫn trang bị. Đây là vấn đề hầu như trở thành quy luật trong chiến tranh chống xâm lược của nhân dân ta trong chiến tranh chống xâm lược Pháp hiện nay cũng như chống xâm lược Mỹ những năm 1960 của thế kỷ 20 mà còn thể hiện khá rõ trong tất cả các cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc dưới các triều đại phong kiến xa xưa. Từ thực tế trên đòi hỏi lãnh đạo quốc gia cần có đối sách chiến lược đúng đắn và biện pháp thích hợp để thắng thù. Đảng ta đã làm được những điều kỳ diệu trên, đã chuyển hóa từ quân đội uchân đất, mũ nan" thành các binh đoàn chủ lực khiến quân thù phải kính nể, đã dồn ép quân thù vào thế trận chiến tranh nhân dân, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta, luôn bị động, phân tán lực lượng ứng phó mọi bề. Ngày 2/8/1953, Navarre trở lại Việt Nam với chiếc cặp đầy ắp tài liệu cùng kế hoạch được soạn thảo công phu để bình định, giành thắng lợi, nếu không chí ít cũng tạo nên tình thế có lợi trong đàm phán để giải quyết chiến cuộc trong vòng 18 tháng đến 2 năm. Kế hoạch đầy tham vọng của Navarre có thể khái quát trên nhưng nét lớn:

        - Đẩy mạnh càn quét, đánh phá trong vùng kiểm soát để bình định, ổn định tình hình tạo điều kiện thuận lợi động viên, bắt lính với dự định tổ chức cho dược 80 tiểu đoàn trong năm 1953, làm đà cho việc tăng gấp đôi trong năm 1954 để có thể xây dựng lực lượng cơ động lên tới 27 binh đoàn cơ động chiến lược - một lực lượng mạnh đủ sức đè bẹp khối chủ lực đối phương.

        - Tập trung quân đủ mạnh để càn quét, chiếm đóng cho được 3 tỉnh đông dân, trù phủ vốn là vùng tự do của đối phương ở Trung bộ - nối liền với tuvến phòng thủ Tây Nguyên, hình thành tuyến chia đôi Việt Nam thành 2 mảnh Bắc - Nam.

        - Giữ thế phòng ngự chiến lược ở đồng bằng sông Hồng - nơi có nhiều đại đoàn quân chủ lực đối phương -  kết hợp tổ chức một số cuộc hành quân thọc sâu vào vùng đối phương để thăm dò, nghi binh. Nếu chủ lực Việt Minh chấp nhận giao chiến, có điều kiện thuận lợi sẽ tập trung bom đạn tiêu diệt, tiêu hao.

---------------
        1. Tướng De Lattre de Tassigni nhận chức Tổng chi huy ngày 6/12/1950 đã lập phòng tuyến bunker gồm 1.300 lô cốt với 113 cứ điểm bắt đầu từ Hòn Gai qua Vĩnh Phú - Sơn Tây - Hà Đông - Hà Nam - Ninh Bình. Giao cho 20 tiểu đoàn Ầu Phi chia ra canh giữ.

        2. Tài liệu của Ban Tổng kết chiến tranh - Bộ Tổng tham mưu.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2020, 08:55:07 pm »

        
II. SỤP ĐỔ MAU CHÓNG

        Đòn thử sức đầu tiên:

        Cục 2 được lệnh theo dõi, bám sát các hoạt động nhất là các chỉ đạo chuẩn bị chiên trườne của chúng.

        Những ngày cuối tháng 9 tin tức gửi về khá nhiều, nổi lên ở Bắc Quân khu 4 và vùng Nam Định... nói lên địch ráo riết chuẩn bị hành binh lớn ở vùng này.

        Phòng Nhì (Oème Bureau) - tổ chức mật vụ của Pháp - phái nhiều điệp viên kể cả gián điệp đôi (gián điệp địch được ta giáo dục, cải tạo nhận làm việc cho ta), nhân viên Sở liêm phóng Bắc bộ cũng lần mò ra nhưng nơi trên dò la tin tức... Đầu tháng 10/1953 xuất hiện nhiều lính Âu Phi. quân dù ở thị xã Nam Định, ở Hoàng Đan (Ý Yên - Nam Định), ở Ghềnh (Yên Mô - Ninh Bình). Máy bay địch quần đảo nhiều ở Bắc khu 4, tập trung nhiều ở Thanh Hóa, rải truyền đơn kêu gọi dân chúng về với quốc gia, gửi giấy thông hành để tiện qua đồn, bốt địch. Phát loa liên tục báo quân đội Liên hiệp sẽ mở hành binh lớn để nới rộng vùng kiểm soát quốc gia...

        Tất cả chỉ dấu trên được tổng hợp, báo cáo kịp thời giúp Bộ Tổng tham mưu sớm xác định: Có thể địch đánh lớn vùng giáp ranh khu 4 và khu 3, nhiều khả năng ở Bắc Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định với mục đích thăm dò, phá chuẩn bị hoạt động Đông Xuân của ta. Nếu có hoạt động sâu ở Thanh Hóa cũng chỉ là hoạt động nghi binh, chiến tranh tâm lý, hỗ trợ cho hướng chính của chúng. Cuộc hành binh chỉ mang tính biệt kích trong thời gian ngắn nên Bộ đã lệnh cho các đơn vị chủ lực tiếp tục thực hiện kế hoạch huấn luyện, đẩy mạnh phong trào luyện quân lập công, riêng Đại đoàn 320 phải sắp xếp lại đội hình, phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương tỉnh, huyện đề ra các phương án tác chiến thích hợp để cùng với du kích bám sát địch trên các trục đường mà địch có hành quân qua, nhất là các đường Kim Tân - Rịa (đường do quân Nhật làm dọc theo bìa rừng Cúc Phương để tiện cơ động lực lượng, tránh đi theo quốc lộ I dễ bị quân Đồng Minh phát hiện oanh tạc). Đường Rịa - thị trấn Nho Quan là những nơi rất thuận tiện tổ chức giấu quân, phục kích đánh địch.

        Ngày 15/10 địch đã huy động hơn 20 tiểu đoàn mở cuộc hành quân Hải Âu (Mouette) xuất phát từ Ghềnh chia làm 2 cánh:

        - Một do đại tá De Castrie - sau này được chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        - Một do đại tá Vanuxem - nguyên Tư lệnh biệt kích chỉ huy đánh ra vùng tự do Nam Thanh Hóa và Ninh Bình gần sát, đúng như ta dự kiến.

        Sau đó 1 ngày, địch hành quân đổ bộ lên bờ biển Thanh Hóa sau đó dùng biệt kích tiến sâu đến Khoa Trường cướp phá chớp nhoáng rồi rút quân. Cuộc hành binh chỉ diễn ra không đầy 2 ngày. Đài phát thanh cùng các phương tiện thông tin, báo chí của quân viễn chinh dồng loạt tuyên truyền rầm rộ, ca ngợi: “Đây là cuộc hành binh lớn nhất kể từ thời tướng Le Clec đến nay nhằm đánh sâu vào căn cứ đối phương - nơi có Đại đoàn 320 đóng để tìm diệt cho được phần lớn đơn vị từng được đối phương ca ngợi hết lời - đồng thời ngăn cản không cho 1 đại đoàn khác: Đại đoàn 304 thâm nhập đồng bằng quấy rối...”

        Cuộc hành binh Hải Âu mở rộng càn quét khá chậm chạp. Chúng luôn luôn bị du kích, bộ đội địa phương bám đánh liên tục, bị tiêu hao, tổn thất đáng kể. Cả 1 tuần lễ sau địch mới hợp điểm với nhau ở thị trấn Nho Quan - nơi đây chỉ còn “vườn không nhà trống”. Quân địch buộc phải chia nhau lùng sục vào làng, xóm gần đó đế tìm kiếm kho tàng. Chúng đã vấp phải mìn, lựu đạn gài, những phát súng bắn tỉa làm chúng vô cùng hoảng sợ, “mắt trước, mắt sau” vãi đạn như mưa rào ra xung quanh mong đẩy lùi, xua đối phương ra xa. Những ngày sau đó, 1 đại đội của Trung đoàn 48 đã phục kích diệt 7 xe tăng, xe bọc thép cùng hơn 200 địch khi chúng càn vào Trại Ngọc.

        Những ngày cuối tháng 10, địch lui quân về Bỉm Sơn có ý định chuẩn bị chấm dứt hành quân. Thấy rõ ý đồ địch, một tiểu đoàn cũng của Trung đoàn 48 đã nhận lệnh bám sát, tranh thủ địch có nhiều sơ hở, tổ chức tập kích đuổi đánh địch, phải tháo chạy vê Sông Cạn - Giốc Giang (trên dườns Kim Tân - Rịa). Đến Giốc Giang chúng gặp trận địa bố trí sẵn của 1 đại đội của Trung đoàn 64 chặn đánh. Cả tiểu đoàn địch bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh mặc dầu chúng đã điều quân tăng viện có xe tăng, máy bay yểm trợ hỏa lực.

        Cuộc hành quân đã phải kết thúc sau hơn 20 ngày đầy tốn kém về người và của.

        Sau này nhà báo Pierre Rocolle đã đánh giá, nhận xét cuộc hành quân trong cuốn “Vì sao Điện Biên Phủ'’ (Pourquoi Dien Bien Phu) xuất bản ở Paris năm 1968. Rocolle đã vạch rõ ưu tư, tâm trạng của Navarre sau cuộc hành quân: Tướng Navarre đã phải rút ra kết luận sau cuộc hành binh Mouette là: “Quân viễn chinh Pháp kém khả năng chiến đấu khi phải chiến đấu trên địa hình phức tạp và phải đương đầu với những trận “tao ngộ chiến”. Binh đoàn cơ động số 4 đã mất đứt 1 tiểu đoàn trong ngày 27/10.”

        Nhưng tướng Navarre cố bào chữa, lớn tiếng bênh vực, giảm nhẹ thất bại đầu tiên của ông ta trên chiến trường: "...Cuộc hành binh Hải Âu là đòn đánh đầu tiên trong những đòn tôi có ý định đánh vào đối phương. Trong cuộc hành binh đó, chúng ta đã đạt được mục đích lợi thời gian, buộc Bộ Tư lệnh Việt Minh phải xét lại kế hoạch tiến công của họ. Chúng ta đã nắm quyền chủ động và chúng ta muốn giữ quyền chủ động đó."

        Vị tướng được ca ngợi tài ba, năng động, xông xáo đã nói đúng nhưng là đúng theo tưởng tượng của ông ta.

        Thực tế kế hoạch Đông Xuân của ta, Bộ Tổng tham mưu đã soạn thảo, được Quân ủy thông qua và Bộ Chính trị chấp thuận - một kế hoạch toàn diện trên toàn chiến trường Đông Dương với sự tham gia của bạn Lào, với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt:

        - Nắm vững, triệt để phát huy thế chủ động, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp vùng địch tạm chiếm, phá thế kìm kẹp và kế hoạch dồn dân bắt lính của địch.

        - Chủ động mở các đợt tấn công vào chỗ yếu hoặc tương đối yếu của địch mà chúng không thể bỏ, buộc chúng phải tăng viện, tạo thời cơ diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đẩy chúng đã phân tán phải càng phân tán hơn lực lượng cơ động chiến lược. Cụ thể:

        + Hướng Tây Bắc nhằm vào địch ở thị xã Lai Châu.

        + Phá vỡ tuyến phòng thủ Bắc Tây Nguyên để hút kéo quân địch, không cho chúng rảnh tay tổ chức hành quân lấn chiếm 3 tỉnh tự do ở miền Trung - phá mưu đồ chia cắt Việt Nam thành 2 mảnh.

        + Diệt các khu phòng thù của địch ở Trung - Hạ Lào...
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2020, 09:24:36 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2020, 08:55:39 pm »

         
        Tan vỡ từng mảng:

        Cùng với chuyển quân lên Tây Bắc. các đơn vị nhận nhiệm vụ sang, Lào khẩn trương lên đường.

        Tiến sang Trung Hạ Lào ngoài các đơn vị bộ đội địa phương Khu 3 và 4 đã sang giúp bạn từ trước, lần này có thêm các đơn vị Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304 và 2 trung đoàn của Đại đoàn 325. Đây là chiến dịch hoạt động có quy mô tương đối lớn nên đã thỏa thuận với bạn thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch chung gồm các anh Trần Quý Hai - Tư lệnh Đại đoàn 325, anh Hoàng Sâm -  Tư lệnh Đại đoàn 304 tham gia chỉ huv mọi mặt.

        Chuyển quân lớn lại có hàng vạn dân công thồ gánh lương thực, đạn dược tấp nập từ các tỉnh Bắc khu 4 sang Lào, đã không qua con mắt luôn dòm ngó, theo dõi mọi động tĩnh của ta trên chiến trường xung yếu của dịch. Chúng đã phát hiện ra sự chuẩn bị của ta muốn dội lửa đạn xuống đầu chúng nên vội điều Binh đoàn cơ động 12 (GM12) từ đồng bằng Bắc bộ đến tăng cường cho Khăm Muộn, Savanakhét để chốt chặn các đường số 8, đường số 9 và đường 12 là những con đường sinh tử chạy từ Việt Nam sang. Địch phát hiện sớm, đưa thêm quân tăng viện cũng gây cho ta khó khăn khi nổ súng vì mất yếu tố bất ngờ. Nhưng ngay từ lúc này địch buộc phải phân tán lực lượng cơ động là điều ta mong đợi, có lợi cho ta.

        Tướng Bourgund - Tư lệnh vùng Trung bộ - vội sắp xếp bố trí quân hình thành 3 cụm tập trung binh lực lớn:

        - Cụm Banaphào - Nhomarát (trên đường 12) 2 tiểu đoàn Marốc, 1 tiểu đoàn quân Algéric và 1 tiểu đoàn pháo 105 ly.

        - Cụm Napê - Cămcút - Lạc Sao (trên đường Cool có Tiểu đoàn Tabor số 9 và một đại đội pháo 105 ly.

        - Cụm ở Nậm Theun có 1 tiểu đoàn cơ giới làm lực lượng dự bị.

        Bộ chỉ huy chiến dịch dự định đánh địch chia ra làm 2 đợt. Đợt 1 bắt đầu nổ súng từ ngày 23/12 tiêu diệt địch ở Banaphào - Mụ Giạ cùng phục kích diệt viện giữa đường từ Thàkhét - Banaphào. Kế hoạch tiếp theo, quân ta sẽ theo đường 12 tiến xuống giải phóng Khăm Muộn.

        - Một đơn vị đánh Napê - Lạc Sao - Căm Cớt, tiến theo đường 8 xuống đường 12.

        Cùng thời gian trên 1 bộ phận cỡ tiểu đoàn thọc sâu xuống Hạ Lào tạo dựng bàn đạp đứng chân cho lực lượng xuống sau.

        Một sự việc bất ngờ xảy ra, có lợi cho ta. Ta phải thay đổi lại kế hoạch.

        Ngày 20/12, Trần Văn Bình - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 dẫn cán bộ trong trung đoàn đi khảo sát thực địa, chọn địa thế tổ chức phục kích thì chạm trán 1 toán địch đang bì bõm lội qua suôi. Trận "tao ngộ chiến" nổ ra và cũns kết thúc nhanh chóng. Ta bắt được 1 đại úy và 4 lính Âu Phi. Qua khai thác được biết tiểu đoàn Algérie và 1 đại đội pháo mới kéo đến lập căn cứ ở cầu Khăm He cùng với BM số 2 đến đặt P.C (Sở chỉ huy) ở cầu Kha Ma trên đường 12.

        Thời cơ xuất hiện, trung đoàn điện xin Bộ chỉ huy cho chuyển từ phục kích sang tập kích tiêu diệt ngay địch trong lúc địch đứng chân chưa vững. Đề nghị được chấp thuận. Cán bộ trung đoàn phấn khởi náo nức hành quân, vừa đi vừa trao đổi kế hoạch tác chiến.

        Toán trinh sát cùng 1 đại đội đi trước mở đường, đơn vị xuống đến đèo Phuắc thì gặp địch đã chốt trên 1 quả đồi thấp ven đường. Đại đội tổ chức tấn công ngay và cho 1 bộ phận nhỏ đánh bọc phía sau. chặn đường rút chạy vào rừng.

        Địch ở Khăm He nghe tàn binh chạy về báo xuất hiện nhiều quân Việt Minh với súng to, súng nhỡ đang tiến về cứ điểm. Bọn chỉ huy hoảng sợ ra lệnh báo động, thúc quân sĩ đào công sự, dồn ra tuyến ngoài phòng ngự.

        Khoảng nửa đêm, trung đoàn mới có 1 bộ phận tiếp cận mục tiêu. Mặc dầu số quân còn ít, lại bôn tập đường dài đã thấm mệt nhưng tất cả đều quyết tâm xông lên đánh địch, thực hiện kế hoạch, các mũi thọc sâu, đột kích liên tục, đã vượt qua hỏa lực cản đường của địch, thực hành chiến thuật "hoa nở" xuất sắc. Các tổ thọc sâu chiếm các chốt chống cự địch ở trung tâm rồi đánh tỏa ra xung quanh, phối hợp với các mùi đánh từ ngoài vào tạo thế vây diệt rất hiệu quả... Chỉ sau gần nửa giờ chiến đấu, toàn bộ tiểu đoàn Algérie bị tiêu diệt. Ta thu được khá nhiều vũ khí đạn, quân trang quân dụng và cả 4 khẩu pháo 105 ly nguvên vẹn cùng hàng ngàn đạn pháo. Sau này số pháo, đạn đã giúp đánh Điện Biên rất hiệu quả, kịp thời trong lúc mặt trận đang gặp rất nhiều khó khăn về đạn, về pháo.

        Tảng sáng, 1 đại đội Âu Phi từ Banaphào lò dò xuống cứu viện đã lọt vào trận địa phục kích của ta nên dã bị diệt gọn. Thừa thắng đơn vị đã chuyển sang tấn công Khu Ma, cũng chỉ ít phút sau cả đơn vị đóng giữ nơi dây đã bị tiêu diệt, số lớn sống sót tản chạy vào rừng. Tàn binh chạy vào rừng sau nhiều ngày đói ăn, một số phải tìm đến bản làng trong vùng đầu hàng, xin ăn.

        Cuộc chiến dấu ở khu vực này được coi như thắng lợi trọn vẹn. Chỉ với thời gian nửa ngày, 1 đêm đã tiêu diệt, tan rã 2 tiểu đoàn địch. Quân địch đóng giữ ở đèo Mụ Giạ - Banaphào - khu phòng thủ then chốt của cả vùng Trung Lào - thấy tàn binh chạy về với những tin tức khủng khiếp về lực lượng, về vũ khí đối phương đã làm bọn chỉ huy cũng như binh sĩ hết sức hoang mang, run sợ. Tuy chưa thấy mặt, chỉ mới nghe tiếng súng nổ liên hồi ở xa chúng đã bảo nhau kéo chạy. Đơn vị chuẩn bị công đồn, hành quân đến nơi thấy địch bỏ chạy nên chuyển sang truy kích. Một cuộc rượt bắt khá sôi động làm náo động cả vùng rừng già vốn xưa nay vẫn là nơi yên tĩnh, bình yên.

        Trong các ngày 23 - 24/12 quân ta cùng bạn tấn công vào một loạt vị trí địch ở Lạc Sao - Căm Cớt, ở dọc theo đường 12. Các trận đánh diễn ra khá gọn, địch chống cự yếu ớt rồi đầu hàng hoặc bỏ chạy vào rừng. Ta tiến vào giải phóng Nhomarát - Thàkhét.

        Như vậy toàn bộ tỉnh Khăm Muộn với diện tích khoảng trên 40 nghìn kilômét vuông đã được giải phóng hoàn toàn cùng hàng chục vạn dân thoát khỏi kìm kẹp của địch. Thắng lợi ròn rã vượt xa tính toán của ta.

        Phòng tuyến Trung Lào tan vỡ làm Bộ chỉ huy địch vô cùng hoảng sợ, phải điều thêm quân cho những điểm còn lại ở Lào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2020, 08:58:42 pm »


        Cồng chiêng Tây Nguyên rung chuyển núi, rừng:

        Đứng trên cao nguyên hướng về Bắc, phía Đông là các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung, phía Tây nối giáp với Lào - Campuchia - một vị trí chiến lược lý tưởng cho mọi đạo quân xâm lược. Thực dân Pháp cũng như đế quốc Mỹ sau này đều đánh chiếm Tây Nguyên ngay từ ngày đầu xâm lược.

        Ở Tây Nguyên có nhiều sắc tộc ít người nên các thế lực phản động đều cố gắng tập hợp các dân tộc thiểu số vào tổ chức của chúng để hỗ trợ bộ máy thống trị trên miền rừng núi hiểm trở. Pháp đã lập ra tổ chức FULRO - Phong trào đoàn kết giải phóng các sắc tộc bị áp bức (Front Unifié Liberation Des Race Opprimees) phát triển khá rộng ở nhiều tỉnh. Với chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng đã khiến tổ chức phản động trên ngày càng bị thu hẹp, mất dần tác dụng bảo vệ các cứ điểm địch đóng giữ trên cao nguyên.

        Hệ thống phòng thủ Tây Nguyên gồm một loạt cứ điểm xây dựng kiên cố, ở phía Bắc lấy Kon Turn - Gia Lai làm trung tâm. Bắc Kon Turn có các cứ điểm Măng Bút - Măng Đen - Công Brây. Lui về phía Nam là căn cứ An Khê cùng loạt đồn xây dựng dọc theo đường 19 nối liền với Quy Nhơn - Bình Định, phía Tây chạy sang ngã ba biên giới.

        Trong kế hoạch Đông Xuân, Liên khu 5 được giao nhiệm vụ phải đập vỡ tuyến phòng thủ Tây Nguyên, diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch đồng thời cũng là đòn phá bỏ âm mưu đánh chiếm mấy tỉnh đồng bằng đông dân, giàu tài nguyên của Liên khu trong kế hoạch đầy tham vọng của Navarre.

        Bộ đội địa phương của Liên khu chỉ có 3 trung đoàn chủ lực cùng mấy tiểu đoàn độc lập đã hoàn thành nhiêm vu rất khó khăn trên.

        Đêm 26/1, bộ đội nổ súng mở đầu chiến dịch đã thu được kết quả rất phấn khởi. Chỉ hơn một tiếng đã tiêu diệt một loạt 4 vị trí trên đường 19 - An Khê. Trận đánh chớp nhoáng như tiếng sét bất ngờ giáng xuống đầu địch ở cả vùng. Địch hoang mang, giao động chưa hiểu tình hình, ý đồ của đối phương ra sao thì ngay đêm sau cứ điểm Măng Đen - Măng Bút - Công Brây đồng loạt bị tấn công dữ dội. Đặc công đã bí mật đột nhập, luồn sâu chiếm các vị trí quan trọng ở trung tâm cứ điểm rồi mới nổ súng phối hợp tấn công từ ngoài vào, tạo yếu tố bất ngờ khiến địch không kịp trở tay. Cứ điểm Măng Bút, Công Brây mỗi nơi quân đóng giữ 1 tiểu đoàn đã bị tiêu diệt gọn. Riêng Măng Đen, trận đánh phải kéo dài đến sáng mới kết thúc.

        Cứ điểm Măng Đen ở 2 quả đồi gần nhau giữa hình yên ngựa có sân bay nhỏ, công sự bê-tông cốt sắt kiên cố, hàng rào dây thép gai bao quanh dầy trên dưới 100 mét, dưới có hào sâu, lấp đất từng đoạn có thể di chuyển chiến đấu đánh trả đối phương rất hiệu quả nên trận chiến phải kéo đến hơn 6 tiếng mới kết thúc.

        Như vậy, chiến dịch Tây Nguyên chỉ diễn ra trong mấy ngày đã kết thúc thành công rực rỡ. Cả hệ thống phòng ngự của Pháp ở đây chao đảo, rung chuyển. Tiếng cồng Tây Nguyên đã rung lên đúng lúc, hòa nhịp với tiếng súng đánh địch ở các nơi xung yếu khác. Cồng, chiêng Tây Nguyên còn đang ngân vang, tiếng súng phối hợp ở Hạ Lào cùng bát đầu lên tiếng.

        Lực lượng địch ở đây khoảng 1.000 tên, bố trí làm 2 nơi cách xa nhau chừng 20 kilômét: Một ở Attôpơ - một ở Pui. Đêm 29/1, Tiểu đoàn 436 nổ súng, đánh Pui cũng chỉ hơn nửa giờ sau là hốt gọn cứ điểm. Địch ở Attôpơ tưởng chừng “đại quân Cộng sản" kéo về nên vội bỏ chạy về Pakxế. Tác động dây chuyền, quân ở Pakxế hoảng hốt vội phá bỏ kho tàng, vũ khí cùng nhau bỏ chạy về Saravang.

        Chiến dịch đánh địch ở Trung Lào, ở Tây Nguyên và Hạ Lào đã làm đảo lộn tình thế địch. Kế hoạch đầy tham vọng của Navarre mới thực thi được nửa năm đã trở thành bong bóng xà phòng, đổ sụp thảm bại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2020, 09:23:35 pm »

        
III. ĐỐI ĐẦU LỊCH SỬ

        Sớm ngày 20/11 sau nhiều giờ quân đảo ném bom, bắn phá dọn đường, quân Pháp đã nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên, 6 tiểu đoàn với trên 4.000 quân. Tuy bị lực lượng vũ trang địa phương đang tập luyện ở đây đánh trả nhưng thương vong thiệt hại không lớn.

        Cuộc hành binh lấy tên là "Con chuột biển" (Hải ly - Castor) do tướng Gille chỉ huy. Hơn 10 ngày sau quân Pháp đóng ở thị xã Lai Châu được lệnh rút về Điện Biên để tạo dựng cụm phòng ngự lớn, đông quân phòng giữ, nhưng số quân rút về đã bị tiêu diệt gần hết như ta đã biết.

        Dưới mắt những nhà chiến lược quân sự, Lai Châu luôn được coi là vùng chiến lược không chỉ ở Tây Bắc mà ở cả chiến trường Đông Dương. Vị thế Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây có nhiều đường chạy sang Lào xuôi cho đến miền Trung, Hạ Lào, liền kề với vùng đất Tây Nguyên Việt Nam, đi xa hơn có thể với tới Thái Lan - Miến Điện1.

        Xâm chiếm Việt Nam, sau khi ổn định được vùng đông dân ở đồng bằng, năm 1888 đại tá Ternot đưa quân lên chiếm Lai Châu và vùng Tây Bắc, móc với lang đạo Đèo Văn Trì lập ra Vương quốc tự trị Thái.

        Trong Thế chiến 2. Nhật đảo chính lật đổ Pháp, số quân Pháp chạy trốn đã qua đây sang Trung Quốc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Pháp đề nghị ta cho quân Pháp vào de thay thế Tàu Tưởng rồi sau đó chiếm luôn, phục hồi lại xứ Thái, đưa Đèo Văn Long lên cai trị.

        Ngày 7/12 đại tá De Castries được chỉ định chỉ huy Điện Biên thay tướng dù Gille. Những ngày tiếp sau căn cứ được mở rộng, tăng thêm quân trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh, lớn nhất Đông Dương từ trước đến nay. Chính vì vậy nên khi chỉ định De Castries, nhiều tướng lĩnh Pháp đã chất vấn Navarre: với vị trí lớn lao như vậy tại sao không cử một viên tướng cầm quân. Navarre khẳng định: “Tôi cũng như tướng Cogny không nhìn sao để giao nhiệm vụ". Qua phát biểu trên rõ ràng De Castries được đánh giá rất cao.

        Ông ta vốn dòng dõi hoàng tộc quyền quý. Cha, ông cùng nhiều người trong họ giữ chức vị cao, cấp tướng trong chính giới cao cấp Pháp.

        Tên đầy đủ của ông ta là: Charlies Eugeng Gabriel de la Croix De Castries, đã từng chiến đấu chống chiếm đóng của Đức trong Đại chiến Thế giới 2. Tuy chỉ mới là sĩ quan cấp úy đã cùng đồng đội cầm cự với cả tiểu đoàn Đức suốt mấy ngày đêm, chỉ chịu bị bắt làm tù binh khi đã bị thương, hết đạn. Dòng họ này có dinh thự lớn tọa lạc ở đường Varenné - Paris đã được nhà nước Pháp mua làm di tích lịch sử quốc gia. Tòa dinh thự trên đã được sửa sang với hàng rào, song sắt trên có chóp hình lưỡi giáo mạ vàng, trên tường gắn biển đồng to với hàng chữ Hotel De Castries (Dinh De Castries), liền gần đó là cung điện Matignon - nơi đặt trụ sở làm việc của Thủ tướng Pháp1.

        Còn Mỹ cũng không tiếc lời ca ngợi De Castries. Tờ báo New York Times số ra ngày 25/3/1954 đã viết: "... De Castries là vị anh hùng Đông Dương, là nhà quý tộc và người chiến binh hăng hái..."

        Cho đến cuối tháng 12/1953 căn cứ Điện Biên đã được củng cố vững chắc mọi mặt. Hiện Điện Biên có 12 tiểu đoàn, tổng quân số lên trên 12.000 quân. Hàng ngày có hàng trăm máy bay lên xuống chở quân, chở lương thực, súng đạn, nguyên vật liệu xây dựng công sự.

        Ngày 24/12 Navarre cùng tùy tùng bay lên Điện Biên để dự lễ Giáng sinh cùng binh sĩ. Sau khi đi thanh sát các cụm chiến đấu đã hết lời khen ngợi, rất hài lòng với những gì đã làm được ở đây.

Cogny, De Castries và Navarre họp bàn tại Điện Biên
-------------------------
       1. Myanmar

        2. Tướng De Castries được ta trao trả ở Việt Trì từ ngày 3/9/1954. Nghỉ hưu tháng 12/1954 sau khi từ chối được bổ nhiệm Tư lệnh một Sư đoàn đang tiến hành xâm lược ở Algerie. De Castries chết ngày 30/7/1991.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2020, 04:43:11 pm »


        Đài phát thanh, báo chí Pháp đưa tin, tường thuật rùm beng buổi lễ được coi rất long trọng với sự ưu ái của vị Tổng chỉ huy. Trong bài phát biểu, Navarre nhấn mạnh: “... Tình hình địa hình, những đặc điểm về khí hậu của lòng chảo Điện Biên Phủ làm cho nó trở thành một vị trí phòng ngự, một trong những sân bay tốt nhất Đông Nam Á. một cầu hàng không tuyệt hảo. Trận đánh có thể chúng ta tiếp nhận ở đây trong những điều kiện hết sức thuận lợi". Sau khi vạch những khó khăn của đối phương về di chuyển lực lượng, tiếp tế lương thực bằng chân chậm chạp trên những khoảng cách quá xa, quá dài không có đường giao thông... Ông ta khẳng định: "... Một chiến dịch khởi đầu trong những điều kiện như vậy chỉ có thể chuyển sang hướng có lợi cho ta. Khả năng tập trung nhanh chóng trên những điểm bị uy hiếp, ưu thế về lực lượng so với đối phương, sự góp phần về biệt kích, không quân nhất là những đơn vị nhảy dù chắc chắn mang lại cho chúng ta thắng lợi. Những điều kiện chiến thắng đã hội tụ đủ. Tôi tin chắc chắn những điều kiện chính trị cũng sắp tới.”

        Tướng Navarre đã nói đúng nhưng chưa đủ về những chỗ mạnh của quân phòng thủ trong điều kiện tính toán theo chủ quan của ông ta, ông ta không tính được đối phương đâu có để cho những chỗ mạnh của bên phòng thủ phát huy. Còn những khó khăn trở ngại của quân ta, ông ta có nêu lên nhưng còn quá ít. Ta đã phải vượt qua vô vàn khó khăn nếu chỉ tính sức người thì không sao có thể vượt qua được nhưng chính nhờ vào sự chỉ đạo đầy sáng tạo cùng với ý chí cách mạng kiên cường của mọi tầng lớp nhân dân mà mọi việc đều được vượt qua suôn sẻ, để lập nên chiến công lừng lẫy địa cầu.

        Ở đây cần kể thêm nội tình các tướng lĩnh Pháp trong quyết định chọn Điện Biên làm điểm đối đầu với ta.

        Khởi đầu tướng Cogny cũng đồng tình việc mở thêm điểm chiếm đóng ở Lai Châu nhưng sau lại là người tích cực phản đối nhất vì thấy rõ lực lượng cơ động của ông ta dùng làm dự trữ đối phó với tấn công của ta ở đồng bằng sớm muộn cũng bị Navarre cấu véo để tăng cường cho nơi đây, chưa kể sắp tới sẽ bị rút một số tiểu đoàn để mở hành quân chiếm các tỉnh đồng bằng miền Trung như trong kế hoạch của Tổng chỉ huy. Sĩ quan tham mưu dưới quyền hùa theo liên tiếp đưa kiến nghị với nhiều lý do để phản đối đưa quân lên vùng núi rừng có nhiều thuận lợi cho đối phương hoạt động.

        Đại tá Batiani - Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bắc bộ công khai phản bác: “Ở nước này (Việt Nam) không thể ngăn chặn một hướng đi. Đó chỉ là khái niệm ở châu Âu, không có giá trị ở đây”. Tướng Dechauw - Tư lệnh Không quân lại lưu ý tình hình thời tiết ở đây thất thường nhất là ở Tây Bắc trong những tháng mùa đông nên việc tiếp tế sẽ rất khó khăn..." Sự việc nổ ra tranh cãi trong một thời gian, kết quả cuối cùng mọi việc diễn ra theo ý Navarre1.

        Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị họp nghe Bí thư Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình diễn biến trên khắp các chiến trường đặc biệt quân địch ở Lai Châu cùng mưu đồ của chúng. Bộ Chính trị tán thành nhận định của Quân ủy và chấp nhận đề nghị, quyết định lấy Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến lược không chỉ trong Đông Xuân mà còn cho toàn bộ cuộc kháng chiến của dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ đã kéo dài hơn 8 năm.

        Quyết định lịch sử đã diễn ra đúng ngày 6/12/1953. Cùng với quyết định trên, Bộ Chính trị đã chỉ định Đảng ủy mặt trận gồm các anh: Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm cung cấp. Anh Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) làm Bí thư. Anh Đỗ Đức Kiên, nguyên Cục phó Cục Tác chiến cũng được chỉ định tham gia Đảng ủy mặt trận.

        Lúc này anh Văn Tiến Dũng cũng được điều về Bộ tổng tham mưu chuyên trách chỉ huy mọi mặt chiến trường đồng bằng Bắc bộ trong khi Bộ tổng tư lệnh dã ngoại đảm nhiệm chỉ huy chung cùng trọng điểm Điện Biên.

        Đến lúc này trận đối đầu lịch sử đã được cả 2 bên công khai thừa nhận. Thắng, bại chỉ còn tùy thuộc vào mưu trí, tài điều khiển chiến trận. Một cuộc đấu trí, đấu lực vô cùng quyết liệt giữa ta và địch đã băt đầu.

----------------------
        1. Cuốn Đông Dương hấp hối (Agonie de rindoching) của tướng Henri Navarre - Plow - 1958.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2020, 04:46:55 pm »


*

*      *

        Trước ngày lên đường đi chiến dịch, anh Văn đến chào Bác Hồ ở Tỉn Keo trong rừng vầu Khuổi Tát. Đồi Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguvên. Dưới chân đồi là cánh đồng Nà Nọn, có suối nước chảy quanh năm kể cả mùa khô. Ngược lên là thác Khuồi Tát, tiếp tục trèo lên cao đi một quãng xa sẽ đến đèo Gie gần chân núi Hồng, qua đó không xa là đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa - nơi ghi bao dấu ấn thời trước Cách mạng Tháng Tám.
       
        Đến nơi này với cảnh trí thiên nhiên thật đẹp, rất hợp ý Bác:

                                   Trên có núi,dưới có sông
                                   Có đất ta trồng, có bãi ta chơi.
                                   Thuận đường sang Bộ tổng
                                   Tiện lối tới Trung ương
                                   Nhà thường rào kín mái
                                   Gần dân không gần đường


        Có thể nói hầu hết thời gian kháng chiến chống Pháp, nơi đây được chọn làm ATK (an toàn khu), tập trung hầu hết cơ quan đầu não của Đảng, của Nhà nước và cũng là nơi Bác và Trung ương họp bàn, quyết định những vấn đề hệ trọng, quan hệ đến vận mệnh quốc gia, sống còn của đất nước.

        Hiện nay, nơi đây đã xây hàng rào bảo vệ, dựng bia có chân dung Bác trên đá hoa cương và ghi lại nhừng sự kiện lịch sử của Đảng, của nhân dân. Trên đồi Tỉn Keo còn cây dâm bụt Bác trồng năm xưa, nay đã cao lớn, cành lá, hoa che rợp cả nửa đồi.

        Đối với anh Văn thì Tỉn Keo còn ghi dấu ấn khởi đầu được Trung ương chính thức giao nhiệm vụ làm Tổng tư lệnh quân dội. Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm đại tướng cho dồng chí Võ Nguyên Giáp, trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình, các thiếu tướng Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng...

        Sau phiên họp Hội đồng Chính phủ, chiều ngày 28/5/1948 buổi lễ phong quân hàm đầu tiên của quân đội ta đã được tổ chức trọng thể. Buổi lễ giản dị, không quân hiệu, quân hàm nhưng thắm đậm tình cảm cách mạng, gây xúc động khó quên cho tất cả mọi người được may mẳn tham dự.

        Mọi người quây quần xung quanh Bác, uống nước chuyện trò rôm rả. Vẫn phong cách ung dung, thư thái, điếu thuốc kẹp giữa 2 ngón tay duỗi thẳng. Bác ra vế đối. yêu cầu mọi người cùng họa:

                                   Giáp phải giải Pháp

        Vế đối khó, mang nhiều ẩn ý sâu xa. Mọi người nhìn nhau loay hoay, lúng túng chưa biết chọn câu đối lại cho xứng. Anh Lê Văn Hiến (khi đó là Bộ trưởng Tài chính) lên tiếng:

                                   Hiến tài hái tiền

        Một câu họa lại thật hay, cũng chứa đựng nhiều ý, nói lái như vế đố, cũng vẫn mang đầy đủ ý. Mọi người trầm trồ, Bác khen, thưởng cho tác giá 3 quả cam.

        Những sự việc nho nhỏ trên nói lên tình cảm thân thiết ghi dấu ấn tình cảm cách mạng, tình đồng chí chỉ có thể có ở những người cùng chung chí hướng. Hình ảnh trên sẽ sống mãi với thời gian.

        Bác tiếp chuyện vui vẻ, hỏi thăm tình hình đã chuẩn bị được đến đâu rồi, còn khó khăn trở ngại gì... Anh Văn thưa lại với Bác tóm tắt những việc đã làm, nêu băn khoăn lo lắng của anh là ở xa khi có vấn đề quan trọng, cấp thiết khó xin ý của Bác, của Trung ương. Bác cho ý kiến: ‘Tổng tư lệnh ra trận - tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn rồi làm, thỉnh thị sau". Lúc chia tay Bác còn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh.”

        Anh Văn nhận thức đây là mệnh lệnh của Đảng. của đất nước phải chấp hành bằng được, anh thấy trách nhiệm vô cùng nặng nề.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình và nhận chỉ thị của Bác Hồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2020, 04:48:22 pm »

         
IV. KHÚC DẠO ĐẦU HÙNG TRÁNG

        Ngày 19/11/1953, hội nghị quân chính toàn quân khai mạc ở Định Hóa, Thái Nguyên. Tuy gọi là hội nghị toàn quân nhưng thực tế chỉ có cán bộ từ miền Trung, Tây Nguyên ra họp còn cán bộ ở xa không ra dự được.

        Chiến trường rộng, kéo dài từ Bắc vào Nam đi lại rất khó khăn, phải vượt qua nhiều vùng tạm chiếm của địch nên mất rất nhiều thời gian rải trên đường đi. Thời đó chỉ có đi bộ, địa phương nào “sang” lắm mới lo được cho cán bộ chiếc xe dạp để lăn bánh trên đường đất, đường mương máng gồ ghề đất, đá nên Bộ tổng tư lệnh rất hạn chế tổ chức họp đông như trên.

        Từ lâu mới có cuộc gặp mặt tương đối đông đủ như lúc này. Mọi người gặp nhau mừng vui khôn tả, kể cho nhau nghe những khó khăn vất vả đã trải qua, những tin vui thắng địch cùng với những chiến công của đồng bào, đồng chí. Anh em vui mừng với những kết quả đạt được, cùng đau xót những mất mát hy sinh của đồng đội, của nhân dân. Tối đến, ngoài những buổi họp chung, các lán đều đỏ đèn. Cán bộ chụm đầu nhau chuyện trò râm ran, tâm sự quanh chiếc đèn dầu đỏ quạch.
       
        Cuộc họp sang ngày thứ 2 thì nhận được điện báo: Pháp đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Một sự kiện mở đầu những trận đánh hết sức ác liệt trên chiến trường này và cũng là những trận then chốt góp phần kết thúc chiến tranh chống Pháp.

        Có thể địch phát hiện quân ta di chuyển lên Tây Bắc nên vội vã tăng cường lực lượng đối phó. Hành động trên không ngoài dự đoán khi Bộ chọn Tây Bắc là một trong nơi ta tập trung đánh địch. Bộ điện gấp cho Sư đoàn 316 đang trên đường hành quân và cho Bộ chỉ huy tiền phương do anh Hoàng Vãn Thái chỉ huy. Bức điện nêu, chỉ rõ: “Địch nhảy dù xuống Điện Biên là để che chở cho quân dịch ở Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy địch, đã bị động đối phó, phân tán lực lượng. Tình hình có lợi cho ta. Nắm cơ hội, tạo cơ hội tiêu diệt dịch. Đơn vị phải tổ chức thành các tiểu đoàn để hành quân cho nhanh..."

        Hội nghị vẫn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Anh Văn thay mặt Quân ủy đã báo cáo tổng quát tình hình, phân tích nêu bật mặt mạnh, yếu của ta và địch, chỉ rõ đường hướng phát triển đầy triển vọng sáng sủa của ta với những minh chứng cụ thể, khoa học biện chứng càng làm cho mọi người dự họp tin tưởng, phấn khởi và cũng nhận thức được khó khăn cần phải khắc phục, vượt qua.

        Trước lúc hội nghị bế mạc. Bác đến. Người khen ngợi mọi người đã tập trung thảo luận sôi nổi, có nhiều ý hay. nhất trí với phương hướng của Trung ương. Kết thúc bài nói. Bác nhấn mạnh: Phương châm chỉ đạo tác chiến hiện nay gói gọn trong 8 chữ: TÍCH CỰC - CHỦ ĐỘNG - CƠ ĐỘNG - LINH HOẠT và động viên các đại biểu vượt mọi khó khăn, gian khổ góp phần giành thắng lớn trong Đông Xuân.

        Trong những ngày họp, anh Văn tranh thủ gặp. làm việc với chỉ huy các chiến trường, nêu rõ nhiệm vụ cho từng nơi, từng đơn vị nên khi kết thúc hội nghị mọi việc cũng đã được gói gọn, sắp xếp suôn sẻ. Anh em chỉ còn hân hoan bắt tay nhau, chia tay, hẹn ngày gặp lại cùng mừng vui chiến thắng.

        Anh Hoàng Văn Thái ở bộ phận tiền phương nhận được điện của hậu cứ báo tin địch ở thị xã Lai Châu đang co chạy về Điện Biện nên vội triệu tập cán bộ Sư đoàn 316 về họp, giao nhiệm vụ đánh địch, truy quét địch đến cùng để bảo đảm an ninh cho hậu phương trực tiếp của chiến dịch nay mai nổ súng.

        Sau hơn 20 ngày hành quân, các trung đoàn của Sư đoàn 316 vẫn còn ở Tuần Giáo, bên này đèo Pha Đin.

        Trung đoàn 98 được phân công tách 1 tiểu đoàn vượt đi trước, vào giải phóng thị xã Lai Châu, để lại 1 tiểu đoàn ở ngay Tuần Giáo để đề phòng địch nhảy dù đánh vào sau đội hình của ta.

        Tiểu đoàn 439 - tiểu đoàn được giao nhiệm vụ tiếp quản Lai Châu được ô tô chuyển đến tận Nậm Mức (cách Lai Châu chừng 45 kilômét) thì phải chuyển sang chạy bộ vì đường xấu không đi được.

        Tối 10/12, đơn vị đến gần Pa Han (1 đồn nhỏ cách thị xã hơn 30 kilômét) phát hiện có nhiều quân lính địch bu bám xung quanh đồn, đông có cả ngàn tên. Chắc chấn dây là lũ tàn binh các nơi đổ về nên tiểu đoàn quyết định nổ súng tấn công ngay trong đêm. Địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. Đơn vị truy đuổi theo, đến gần Clavo đã thấy đồn binh địch dựng trên đèo - dốc đèo hết sức cheo leo, hiểm trở, chỉ cần 1 phân đội nhỏ đã có thể chống, cản dược cả trung đoàn đối phương. Cán bộ tiểu đoàn trao đổi để tìm cách vượt qua ít thương vong nhất. Anh em thấy nên lợi dụng tình hình quân địch đang run sợ, nên phát loa kêu gọi, kết hợp hù dọa có thể địch bỏ chạy. Đúng như dự đoán, đơn vị cho một số anh em công khai đi trên đường đèo, bắc loa kêu gọi đầu hàng. Không thấy địch bắn trả mà chỉ thấy số đông địch tản chạy ra sau đèo. Cán bộ yên tâm, hối thúc quân vượt nhanh đèo, đuổi theo địch. Thực tế địch ở đây vô cùng hoảng sợ, mất hết tinh thần nên đã có ý định rút chạy từ lâu nên khi thấy xuất hiện quân ta là chúng bỏ đồn chạy ngay.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM