Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:39:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sách trắng Quốc phòng Việt nam 2019  (Đọc 3628 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 26 Tháng Tám, 2020, 08:33:40 pm »

       
        - Tên sách : Sách trắng Quốc phòng Việt nam 2019

        - Tác giả : Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

        - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật

        - Năm xuát bản : 2019

        - Số hóa : Giangtvx
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2020, 06:09:26 pm »

 
LỜI MỞ ĐẦU

        Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn coi trọng giữ ổn định bên trong và hòa hiếu, hữu nghị với các quốc gia, dân tộc khác để xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng, toàn dân Việt Nam đồng lòng đứng lên đánh bại quân xâm lược, giữ vững núi sông, bò cõi, độc lập, tự do. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhân dân Việt Nam, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt, đã xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ nền hòa bình bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời, duy trì sức mạnh quốc phòng cần thiết, sẵn sàng đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược.

        Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang được đổi mới về tổ chức, trang bị, nghệ thuật quân sự; sức mạnh tổng hợp tiếp tục được tăng cường; khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng cao; thực sự là quân đội của nhân dân, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

        Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; môi trường chính trị, an ninh, kinh tế xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn mới, tác động nhanh, mạnh và bất ngờ, Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam gắn kết chặt chẽ hòa bình, lợi ích quốc gia ” dân tộc với hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giói. Đồng thòi với mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

        Tiếp sau sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009, Việt Nam công bố sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, nhằm tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ; nêu rõ những thách thức của quốc phòng Việt Nam và những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng, cơ chế lãnh đạo và quản lý quốc phòng; cơ cấu của Bộ Quốc phòng; tổ chức, phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ đất nước; đồng thời thể hiện sự minh bạch về chính sách cũng như khả năng quốc phòng của Việt Nam.

        Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 góp phần tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế; là tài liệu quan trọng để nâng cao sự hiểu biết về quốc phòng của đất nước cho công dân Việt Nam; góp phần làm cho mọi cơ quan, đơn vị và tổ chức xã hội hiểu rõ hơn quyền lợi và trách nhiệm của mình trong tham gia công cuộc củng cố quốc phòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nhân loại.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng                  
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam        

Đại tướng Ngô Xuân Lịch                  
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2020, 06:11:04 pm »



PHẦN THỨ NHẤT

BỐI CẢNH CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG

        1. BỐI CẢNH CHIẾN LƯỢC

        1.1. Thế giới và khu vực

        Trên thế giới, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng, đồng thời là mục đích của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, môi trường chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng và các thách thức an ninh phi truyền thống diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực với nhiều đặc điểm mới.

        Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Các nước, nhất là các nước lớn đều điều chỉnh chiến lược theo hướng đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Tình hình tập hợp lực lượng, liên kết, cạnh tranh lợi ích giữa các nước diễn ra phức tạp, vừa mang lại cơ hội, vừa đặt các nước khác, nhất là các nước vừa và nhỏ trước nhiều khó khăn, thách thức. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế.

        Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là các nước lớn ngày càng gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,,., có nhiều diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối mặt ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là khủng bố quốc tế, an ninh mạng và các hình thái chiến tranh mới.

        Kinh tế thế giới sẽ đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao ngày càng gay gắt. Sự bất ổn về tài chính, tiền tệ và nợ công tiếp tục gây ra những hiệu ứng bất lợi đối với nền kinh tế thế giới. Tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực đang có nhiều thay đổi. Hầu hết các nước trên thể giới đều cơ cấu lại nền kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều hình thức kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định kinh tế song phương, đa phương thế hệ mới.

        Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại đã làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh, Củng với các môi trường tác chiến trên bộ, trên không, trên biển, vũ trụ, không gian mạng đã trở thành môi trường thứ năm, với sự ra đời của chiến tranh mạng, tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và mỗi quốc gia.

        Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế - chính trị, chiến lược ngày càng quan trọng. Gần đây, châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến những thay đổi lớn vói xu thế đối thoại hòa bình, tác động tích cực đến sự ổn định và phát triển của khu vực. Một số nội dung mới, như: "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", sáng kiến "Vành đai, Con đường", "Chiến lược hành động hướng Đông",... thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn là nơi các nước lớn gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, cả truyền thống và phi truyền thống. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ sẽ diễn biến phức tạp hơn, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đe dọa sự ổn định, hòa bình và phát triển của khu vực; nguy cơ mất ổn định, chạy đua vũ trang gia tăng. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như: an ninh mạng, khủng bố, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, buôn lậu, ma túy, buôn người, di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển,... đang là những thách thức nghiêm trọng đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực.

        Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hợp tác toàn diện và ngày càng chặt chẽ dựa trên những nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, trong đó chú trọng đối thoại, đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, ASEAN là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh châu Á “ Thái Bình Dương, trong đó Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) là hai cơ chế hợp tác quan trọng và hiệu quả,

        ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; cam kết thực thi đầy đủ và hiệu quả toàn bộ nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng với Trung Quốc thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và đang tích cực xây dựng nội dung coc nhằm thể chế hóa cam kết của các bên đối với hòa bình, ổn định trên Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi để quản lý và hướng tới giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); không quân sự hóa, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2020, 06:13:22 pm »

   
        1.2. Việt Nam

        Việt Nam có vị trí địa - chiến lược quan trọng trong khu vực và trên thế giói, là cầu nối châu Á với Đông Nam Á; nằm trên các tuyến đường hàng hải quan trọng kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; là cửa ngõ giao thương với các nền kinh tế của khu vực và thế giới.

        Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, uy tín quốc tế được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, có nền kinh tế năng động; kinh tế vĩ mô ổn định, thể chế kinh tế thị trường định hương xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chính trị - xã hội ổn định, an sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện; dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng được tôn trọng; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố.

        Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; sức mạnh mọi mặt được nâng cao. Quân đội nhân dân được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lền hiện đại; Dân quân tự vệ được xây dựng theo hương vững mạnh, rộng khắp, cùng Quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần duy trì hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

        Việt Nam tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, coi đó là nhân tố quan trọng để tạo môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống  tiếp tục được củng cố, phát triển và mở rộng1; đã thiết lập quan hệ quốc phòng với nhiều nước và tổ chức quốc tế2.

        Việt Nam tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là đối tác có tầm quan trọng chiến lược; cụ thể hóa và đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào chiều sâu, thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa Việt Nam với các nước.

        Việt Nam tích cực tham gia vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, thực hiện tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và sẽ tiếp tục là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

        Việt Nam là thành viên có uy tín, trách nhiệm, phát huy vai trò tích cực tại các thể chế khu vực, đóng góp có hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, hợp tác và tự cường; không ngừng mở rộng, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Những thành tựu trên đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường  thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế3.

        Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực và hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, vật liệu nổ, chất độc hóa học nhằm giảm nhẹ nỗi đau cho các nạn nhân chiến tranh, góp phần bảo vệ môi trương, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tích cực tham gia các hoạt động huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, xử lý có hiệu quả các tình huống an ninh phi truyền thống.

        Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đàm phán với các nước láng giềng trong giải quyết bất đồng và những tồn tại liên quan đến việc phân định biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc phân giới, cắm mốc trên đất liền với các nước có chung đường biên giới; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.

        Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành việc phân định biên giới trên bộ và cắm mốc trên thực địa. Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý về biên giới đất liền, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, giao lưu văn hóa - xã hội,... ở khu vực biên giới. Đã ký kết Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Đây là cơ sở để tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường và an ninh trên biển.
-------------------
        1. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào, Campuchia.

        2 Đến năm 2019, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với trên 80 nước và tổ chức quốc tế; đặt Văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại Liên hợp quốc và 37 nước; 49 nước đặt Văn phòng Tùy viên Quốc phòng, Quân sự tại Việt Nam.

        3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.313.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2020, 06:14:08 pm »


        Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được xử lý hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển của hai nước. Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Hai bên cần tiếp tục đàm phán, hiệp thương tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giữ ổn định tình hình ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà cả hai nước đều là thành viên ký kết; nghiêm chỉnh thực hiện DOC, tiến tới xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc; tuân thủ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước; Việt Nam ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông; không có hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

        Việt Nam và Lào đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới; ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới và các văn kiện pháp lý liên quan đến xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới; mở rộng hợp tác thương mại, du lịch, thúc đây đầu tư, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh của mỗi nước.

        Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia, Bản Ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối vơi một số khu vực còn tồn đọng trên biên giới hai nước1. Hai nước cam kết tiếp tục nỗ lực xử lý các vấn đề còn tồn đọng, hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền; thực hiện nghiêm túc Hiệp định về vùng nước lịch sử ký năm 1982, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ chủ quyền của mỗi nước.

        Việt Nam đã đàm phán xác định ranh giới trên biển với một số nước ASEAN, mở ra khả năng hợp tác phát triển, bảo vệ môi trường và an ninh, an toàn trên biển.

        Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt vơi nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế đứng trước nguy cơ tụt hậu, chưa bền vững; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, trình độ khoa học - công nghệ và nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế. Chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh kinh tế, thương mại giữa các nước lớn; vai trò của các thế chế đa phương bị suy giảm, tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những vấn đề mói đối với sản xuất, thương mại và an sinh xã hội.

        Quốc phòng, an ninh đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Các thế lực thù địch câu kết với các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là phá hoại nền tảng chính trị, tự tưởng, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; âm mưu "phi chính trị hóa" Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng và Quân đội.

        Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của Việt Nam. Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, làm cho Biển Đông có thời điểm trở thành "điểm nóng", thậm chí có nguy cơ dẫn đến xung đột.
 
        Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông để tiến hành chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng chống phá cách mạng Việt Nam, Các hoạt động thu thập bí mật quốc gia, tình báo, gây nhiễu loạn thông tin và tấn công mạng đe dọa nghiêm trọng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã và đang tác động lớn đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

        Các vấn đề an ninh phi truyền thống như: khủng bố, buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, di cư bất hợp pháp, thảm họa môi trưcmg, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai,... cũng là những thách thức thường xuyên đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Tình trạng biến đổi dòng chảy ở các con sông xuyên biên giới do tác động của con ngươi gây bất lợi cho Việt Nam, tác động đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh môi trường và đời sống của hàng triệu người dân ở nhiều địa phương.

        Việt Nam vẫn đang phải chịu hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh trước đây. Còn nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hy sinh trong chiến tranh vẫn chưa xác định được thông tin. Chất độc da cam,điôxin đã để lại di chứng cho hàng triệu người dân Việt Nam, phá hủy hơn một nửa diện tích rừng tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều địa phương; hàng nghìn người dân Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những nguy hiểm do bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

------------------
       1. Tính đến tháng 10 năm 2019, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành phân giới được 1.045 km đường biên giới đất liền; đã xây dựng được 315 cột mốc chính; 1.511 cột mốc phụ; 221 cọc dấu; hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới hai nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2020, 06:16:14 pm »


        2. CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG

        2.1. Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam


        Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc là mưu lược, kế sách quốc gia nhằm xác định mục tiêu, quy tụ lực lượng và lựa chọn giải pháp có tính khả thi, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; là chiến lược tổng hợp quốc gia bao trùm, giữ vai trò chủ đạo, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định các chiến lược quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia, đối ngoại và các chiến lược chuyên ngành khác.

        Mục tiêu của Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

        Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc quán triệt các quan điểm: giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy nội lực bên trong là nhân tố quyết định, nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là  nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; xây dựng sức mạnh tổng hợp về chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế1.

        Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; mang tính hòa bình, tự vệ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn là nhân tố quyết định, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, trực tiếp là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân; xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.

        Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là bộ phận chủ đạo, cụ thể hóa Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc cả trong và ngoài lãnh thổ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

        Chiến lược Quân sự Việt Nam là nội dung nòng cốt của Chiến lược Quốc phòng, là nghệ thuật sử dụng sức mạnh quân sự nhà nước trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; chủ động ngăn chặn và đẩy lùi các hình thái chiến tranh của địch; tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, sẵn sàng đánh thắng trên các môi trường tác chiến, địa bàn, khu vực trọng điểm. Chiến lược Quân sự Việt Nam còn thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, ngoại giao; vừa chiến đấu, củng cố, phát triển lực lượng, vừa xây dựng, kiến thiết đất nước; tự lực, tự cường, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc với sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, đánh bại ý chí xâm lược của địch, kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi, khôi phục và xây dựng đất nước.

        Mục tiêu của Chiến lược Quân sự là giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; xây dựng lực lượng và thể trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng và thế trận an ninh nhân dân trong thời bình ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; huy động sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để đánh bại mọi hình thái chiến tranh nếu xảy ra.

--------------------
        1. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđh
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2020, 06:16:58 pm »


        2.2. Chính sách Quốc phòng Việt Nam

        Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dươi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

        Chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.

        Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng vói các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thệ, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

        Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.

        Việt Nam phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang; xây dụng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao; tổ chức tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, hiệu quả cao; cơ cấu tổ chức đồng bộ; điều chỉnh, mở rộng, phát triển lực lượng hợp lý, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ tác chiến. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, chất lượng cao, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, loại hình tổ chức kinh tế - xã hội.

        Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thòi tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc.

        Xuất phát từ chủ trương ủng hộ và tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và giải trừ quân bị, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của nước thành viên công ước, hiệp định, nghị định thư về cấm phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), các công ước quốc tế về giải trừ quân bị khác và đang tích cực xem xét, chuẩn bị điều kiện cần thiết để tham gia các công ước, điều ước quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Việt Nam hoan nghênh những sáng kiến nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

        Giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống là ưu tiên trong hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác, cả song phương và đa phương để phòng ngừa, đối phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2020, 09:49:25 am »

 
        2.3. Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng

        Thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước.

        Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm "Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả" nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy hợp tác là chính trên cơ sở kiên định chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ và lợi ích quốc gia - dân tộc.

        Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; giúp đỡ nước khác khi được yêu cầu bằng khả năng của mình, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển. Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào.

        Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Chính trị - An ninh đến năm 2025; tham gia xây dựng và triển khai các quy tắc, luật lệ của ASEAN; đề xuất sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực; tham gia và đóng góp định hình các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà Việt Nam là thành viên, trước hết là các cơ chế do, ASEAN giữ vai trò trung tâm như ADMM, ADMM+ và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

        Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc1; huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn; hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh; tích cực tham gia nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, Việt Nam xem xét tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh đa phương và cơ quan pháp lý quốc tế khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

        Hợp tác bảo vệ và giao lưu hữu nghị biên giới là một trong những ưu tiên đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Tăng cường hợp tác tuần tra chung, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia có chung đường biên giới trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, di cư, nhập cư bất hợp pháp; tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai ở khu vực biên giới. Việt Nam thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận đã ký với các nước; đồng thời, mở rộng việc thiết lập và duy trì đương dây nóng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng các nước; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với hải quân và lực lượng thực thi pháp luật trên biến của các nước nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với những thách thức an ninh chung. Việt Nam sẵn sàng đón tàu hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu biên phòng của các nước và các tổ chức quốc tế thăm xã giao, thăm thông thường; ghé đậu để sửa chữa, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật hoặc trú tránh thiên tai, thảm họa.

        Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung vào giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc da cam,điôxin; làm sạch vùng đất, vùng nước bị ô nhiễm chất độc hóa học và bom mìn; hợp tác cùng các bên giải quyết vấn đề những người còn mất tin, mất tích trong chiến tranh.

        Việt Nam sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh phù hợp với khả năng và lợi ích của mình, trong đó có các cơ chế quốc phòng, an ninh khu vực Ấn Độ Dương -  Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ việc mở rộng hợp tác giữa các cơ chế an ninh đa phương do ASEAN giữ vai trò trung tâm với các đối tác ngoài khu vực trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực của ASEAN.

-------------------
        1. Tính đến năm 2019, Việt Nam đã cử 37 lượt sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Xuđăng; đã tổ chức triển khai 2 bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1 và số 2 - mỗi bệnh viện gồm 63 quân nhân) tại Phái bộ Nam Xuđăng và đang tích cực chuẩn bị Đội công binh để triển khai tới phái bộ phù hợp theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2020, 09:50:15 am »


         2.4. Đấu tranh quốc phòng

        Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của tất cả các nước theo quy định của luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.

        Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ khi chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc bị xâm phạm.

        Việt Nam chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn vói thế trận an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong đấu tranh quốc phòng, cả phi vũ trang và vũ trang; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa; không để nước ngoài lợi dụng, thỏa hiệp với nhau hoặc với các thế lực thù địch làm phương hại đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc; xử trí linh hoạt, hiệu quả từng tình huống.

        Tích cực, chủ động ngăn ngừa và đây lùi nguy cơ chiến tranh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong thời bình của quốc phòng Việt Nam nhằm thực hiện Chiến lược Quốc phòng tối ưu là bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc mà không cần phải tiến hành chiến tranh. Công cuộc phòng thủ đất nước được thực hiện dựa trên tổng thể các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa - xã hội và quân sự theo một chiến lược thống nhất nhằm loại trừ các nhân tố dẫn đến xung đột vũ trang và chiến tranh, đồng thời chuẩn bị chu đáo mọi mặt, đồng bộ từ thời bình; sẵn sàng đánh thắng các hình thái chiến tranh xâm lược.

        Biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ biên giới là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ tính uy nghiêm, biểu tượng quốc gia ở biên giới, cửa khẩu; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng thủ vững chắc khu vực biên giới.

        Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; quyền chủ quyền đối vói vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình theo luật pháp quốc tế. Việt Nam tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, cùng với các nước ASEAN phấn đấu sớm đạt được coc vói Trung Quốc; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biên Đông.

        Việt Nam và Campuchia tiếp tục nỗ lực đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và trên biển trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, triệt để tuân thủ các cam kết, theo luật pháp và thông lệ quốc tế, phản đối các hành động can thiệp, kích động gây chia rẽ quan hệ hai nước. Trong khi biên giới trên biển chưa được phân định, Việt Nam thực hiện nghiêm chinh Hiệp định về vùng nước lịch sử năm 1982, tăng cường hợp tác quản lý, bảo vệ và gìn giữ an ninh trật tự khu vực biên giới, trên đất liền và trên biển.

        Là quốc gia biển, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến an ninh biển, bảo đảm cho vùng biển Việt Nam là vùng biển an toàn, thân thiện, được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ luật pháp quốc tế, hỗ trợ và bảo vệ các hoạt động tự do thương mại, hàng hải, hàng không quốc tế, lao động hòa bình trên biển.

        Việt Nam phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng, sử dụng; không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để ngăn chặn các hành động chống phá, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng.

        Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực nhằm đối phó với các thách thức an ninh chung. Phòng, chống, đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu là mục tiêu chiến lược quốc gia. Việt Nam có chính sách ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, giảm khí thải nhà kính và giảm bớt tác hại của hiện tượng nước biển dâng. Việt Nam ủng hộ các hoạt động của ủy hội sông Mê Công, ủng hộ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Công theo quy định của luật pháp quốc tế về các con sông đi qua nhiều nước.

        Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố, tài trợ và nuôi dưỡng khủng bố dưới mọi hình thức, đồng thời phản đối các hoạt động lợi dụng chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, mở rộng hợp tác nhằm ngăn ngừa các hoạt động khủng bố và các hoạt động hỗ trợ khủng bố dưới mọi hình thức, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Hiến pháp, pháp luật và điều kiện của Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2020, 09:51:31 am »

   
PHẦN THỨ HAI

XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

 
        Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường và từng bước hiện đại. Nền quốc phòng toàn dân bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học,... của Đảng, Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và sẵn sàng đánh thắng khi xảy ra chiến tranh; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân.

        1.XÂY DỰNG TIỀM LỰC QUỐC PHÒNG

        Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động được để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

        1.1. Xây dựng tiềm lực chính trị

        Tiềm lực chính trị là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong tố chất con người, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và trong hệ thống chính trị; là khả năng tiềm tàng về chính trị có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Xây dựng tiềm lực chính trị quyết định khả năng huy động các yếu tố khác của tiềm lực quốc phòng.

        Tiềm lực chính trị biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm, trách nhiệm của nhân dân và lực lượng vũ trang đối với nhiệm vụ quốc phòng của đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là kết quả của quá trình xây dựng lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.

        Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng "người trước, súng sau", lấy con người làm trung tâm, trọng tâm trong công tác quốc phòng, Việt Nam chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tinh thần yêu nước, thương dân, có tri thức, có ý thức và bản lĩnh chính trị vững vàng, tư tưởng cách mạng tiến công, kiên định, trung thành vói sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

        Xây dựng tiềm lực chính trị trước hết là xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; coi trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

        Xây dựng tiềm lực chính trị đòi hỏi phải bảo đảm toàn diện cả về nhận thức tư tưởng, tâm lý, tình cảm, niềm tin, thái độ trách nhiệm chính trị đối với Tổ quốc và nhân dân, giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành.

        Tiềm lực chính trị được xây dựng trong quá trình xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện chính sách tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các dân tộc; thông qua thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội; có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo; tạo sự phát triển bền vững để củng cố, nâng cao tiềm lực chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM