Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:39:24 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thân Trọng Một - Con người huyền thoại  (Đọc 7988 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 05:55:34 pm »

Nhiều lúc tôi được ông coi tôi như trợ lý của ông vậy. Tôi không vui làm răng được.

Thủ trưởng vào họp trong tư lệnh quân khu, tôi ở ngoài trạm trực. Chủ nhiệm hậu cần quân khu gọi tôi vào, giao cho một thùng giấy nặng chừng 20 cân. Ông bảo:

- Biết dưới Thừa Thiên đời sống còn khó khăn lắm. Song không thể để ban chỉ huy thành đội quá thiếu thốn, giảm sức chiến đấu. Thủ trưởng quân khu tặng dưới đó một ít hàng quý, đồng chí cố gắng mang về.

Để xếp gọn vào gùi cho tiện mang vác, tôi mở thùng giấy ra, hàng trong đó đủ thứ: bột trứng, thịt bò khô, ruốc bông, ma-gi khô, lương khô đặc biệt loại 702, sữa bột... và cả một gói củ sâm. Dưới Thừa Thiên thì đây là một lô hàng “quý tộc”. Cũng phải. Thủ trưởng trăm công nghìn việc sống như chiến sĩ răng được. Tôi bụng bảo dạ cố gắng mang về đến nơi đến chốn, thủ trưởng chia cho ai đó là việc của thủ trưởng, còn bao nhiêu tôi cố gắng giữ gìn, phân phối để chăm lo sức khỏe cho ông.

Hôm về, quần áo, đồ dùng của ông, tôi xếp riêng vào một gùi bạt nhờ ông mang vì tôi còn phải gùi cả một lô hàng nặng. Ông đồng ý. Gùi của tôi chia làm hai khoang. Khoang dưới đề hàng quân khu cho. Khoang trên là quần áo đồ dùng của tôi, tôi gói vào một tấm ni lông riêng để tiện lấy ra lấy vào.

Thấy gùi của tôi vẫn to, ông hỏi:

- Chi mà dữ rứa?

Tôi đáp:

- Hàng hơi nhiều thủ trưởng ạ.

- Ừ, mình chẳng tham lam, nhưng dưới đó thiếu thốn quá. Lúc cần, có cái cho anh em chi dùng.

Chào các chiến sĩ ở lại, chúng tôi lên đường. Hai thầy trò leo ngược dốc 1800, tụt xuống sông A Sáp, thèo đường cũ trở về Thừa Thiên.

Hết ngày thứ hai về đến sông A Rí, tôi mắc võng cho thủ trưởng ngả lưng, còn mình lấy hai chiếc Hăng-gô ra, lo bữa tối. Một hăng-gô nấu cơm, một hăng-gô nấu canh. Chặt hai nhánh cây có nạng đóng cọc hai đầu, đặt một cành bắt qua hai nạng, treo hai hăng-gô ở giữa nổi lửa. Không mấy lúc cơm chín, tôi chặt một tàu lá chuối rừng làm mâm, hai thầy trò ăn bữa tối ngon lành.

Tôi mắc võng nối một đầu vào đầu dây võng của ông, ngủ gần thế để lỡ có việc gì, ông gọi cho tiện. Dưới một đầu võng của tôi, tôi đóng cọc làm dàn cao hơn mặt đất chừng hai ba chục phân làm chỗ đặt gùi: đó là cách giữ gìn khỏi ẩm, khỏi rắn rết gì đục khoét và lỡ có mưa thì gùi không bị ướt. Gùi hàng nên giữ gìn như vậy là rất có ý thức. Gói quần áo của tôi đặt bên, để lấy ra cất vô cho tiện.

Ngày hành quân phải mang vác, kể cả khẩu AK nặng 6, 7 cân luôn đeo trước ngực sẵn sàng chiến đấu, leo đèo lội suối suốt ngày, nên đêm nằm là ngủ ngay để lấy sức ngày mai đi tiếp. Tôi càng cần giữ sức để sáng hôm sau còn dậy sớm nấu bữa sáng cho thủ trưởng dùng.

Trước khi đặt mình nằm, tôi báo ông:

- Nêu có việc chi thì chú gọi cháu nghe.

Ông đáp:

- Việc của mi là cứ ngủ cho say. Đi cả ngày vất vả quá rồi, còn chi.

Tuổi của tôi đang ở độ ăn không biết no, ngủ không biết chán, nên đặt mình nằm, đôi mắt dễ dàng nhắm lại ngay. Song công việc bao giờ cũng nhắc nhủ tôi bừng tỉnh dậy thật đúng lúc, không cần thủ trưởng nhắc nhở chi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 05:56:08 pm »

Tôi bấm đèn pin, bao gạo còn khoác đầu võng, gói quần áo của tôi đang còn đó, gùi của thủ trưởng đặt trên đỉnh một hòn đá to cũng còn đó nghiêm chỉnh, chỉ duy nhất gùi hàng biến mô rồi. Tôi soi kỹ xung quanh, không hề thấy một vết chân thú rừng. Rõ ràng không phải do thú rừng lôi đi. Vậy gùi hàng biến đi đằng mô.

Buổi sáng không khí rừng rất lạnh mà người tôi đẫm mồ hôi. Thủ trưởng đang nằm im, không biết ông đã thức, nhắm mắt nằm hay ông đang còn ngủ. Công việc của tôi là nấu cơm buổi sáng, vẫn chỗ bếp hôm qua, tôi treo gô, nổi lửa. Cơm vừa chín, thủ trưởng cũng vừa dậy cầm khăn ra suối rửa mặt. Nhìn ông, tôi rùng mình, mình đã không thận trọng, không tỉnh táo, để mất cả gùi hàng. Chỗ ni là địa phận của tiểu đoàn 439 đang đóng quân. Lính 439 đang ở giai đoạn đói, tôi đoán không thể sai được chính lính của 439 đã ra lấy trộm gùi hàng đây. Chúng thật liều lĩnh, dám lấy trộm của Thành đội trưởng, thủ trưởng cao nhất của chúng. Ông mà nổi nóng lên, điên tiết lên, có đứa chết. Song đứa chết đầu tiên là tôi, chính tôi đã để mất gùi hàng. Tôi sợ, lúng túng không dám nhìn thẳng vào mắt ông.

Tôi chặt lá chuối, dọn cơm. Cơm canh đàng hoàng, bát đũa đàng hoàng. Ngồi vào mâm bỗng ông hỏi:

- Có chi mà lúng túng rứa Chiến?

Thật sự không thể giấu được ông. Ông là một người từng trải, tinh đời. Kẻ địch giảo quyệt ông còn đi guốc trong bụng chúng huống hồ một việc nhỏ bé này. Tôi đành nói với ông:

- Chú ơi, gùi hàng quân khu cho chú đêm hôm qua đã bị mất cắp hết rồi ạ.

Ông hỏi:

- Có phải chỗ ni là địa điểm đơn vị 439 đóng quân không?

Tôi đáp:

- Dạ.

Ông không nói chi. Tôi tiếp:

- Mình chỉ cần vào báo cho ban chỉ huy tiểu đoàn là tìm ra ngay thôi ạ. Chúng nó láo quá, dám ăn cắp của thủ trưởng.

Chợt ông úp mặt vào hai bàn tay, gục đầu xuống gối. Hai vai ông rung lên. Ông khóc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc. Khi ông ngửng lên, trên hai ông và trong lòng hai bàn tay đầy nước mắt.

Tôi nói:

- Để cháu vào báo cáo với ban chỉ huy tiểu đoàn.

Ông gạt đi:

- Tau thật là một thằng tướng tồi. Để lính đói. Có chi xứng đáng là đứa cầm quân nữa. Những đứa ăn cắp là chúng cảnh cáo tau đó. Tau chưa khi mô thấy mình bị hạ nhục như ri Chiến ạ.

Thay vì trừng trị những đứa ăn cắp, ông nhịn đói quay lại quân khu trình bầy thực tình, yêu cầu quân khu chi viện ngay lương thực cho tiểu đoàn 439.

Được việc, quay về, ông nói với tôi:

- Xứng đáng là lính thủ đô lắm. Chúng đã dạy cho tau một bài học nhớ đời.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 05:57:29 pm »

NẶNG TÌNH NẶNG NGHĨA

LÊ QUỐC CHIẾN kể

Sau khi anh Hiệp người Thanh Hóa, công vụ cũ của ông hy sinh, ban tham mưu chọn tôi thay vào chỗ Hiệp, tôi trở thành công vụ mới của ông. Tôi thanh niên trẻ, khỏe, nên đi mô, tôi mang hết đồ đạc cho ông, để ông chỉ chống một cái gậy và khoác chiếc túi tài liệu của riêng ông. Trong chiến đấu, ông là Thành đội trưởng nên hàng ngày phải giải quyết cả trăm việc, vả lại ông là người rất thích được chăm sóc, cho nên tôi biết việc của mình là phải chu đáo mọi việc. Giúp cho ông ngày ngày là ông lo thêm được ngần ấy công sức cho công việc của thành đội.

Mỗi lần đi công tác trên quân khu, thế nào ông cũng xin hậu cần mấy bánh thuốc lào. Thanh niên miền Bắc ở cơ quan thành đội, một phần không có tiền mua thuốc bao dưới đồng bằng, vả lại họ đã quen hút thuốc lào. Có được điếu thuốc lào Vĩnh Bảo là hút cả xái, hút đến tụt lỗ thì thôi. Hiểu tâm lý ấy, có thuốc, về đến cơ quan thành đội, đứng trước cửa phòng mình, ông gọi lớn:

- Ơ Lầu, ơ Ngọ, ơ Ninh, ơ Khuê... lên đánh Tú lơ khơ.

Anh em từ các ban lục đục kéo lên. Ông bày sẵn điếu đóm, máy lửa, đãi “đội hình Tú lơ khơ” của ông mỗi người mấy điếu liền rồi mới quây vòng tròn chia bài. Xong mỗi ván, ông lại véo cho mỗi người một điếu. Ông gọi tôi:

- Còn bột trứng không Chiến?

- Dạ còn.

- Mang một ít ra đây.

Bột trứng ở chiến trường là loại thực phẩm hảo hạng, chỉ giành cho các sĩ quan cao cấp dùng, ông Một thì không, ông chỉ mong có để đãi lính. Bột trứng không cần nấu nướng, để ra vài cái bát sắt, để giữa bàn Tú lơ khơ. mỗi người uốn cong mảnh giấy rộng bằng 2 xăng-ti-mét làm thìa, xúc ăn, vét đến hạt bột cuối cùng thì thôi. Nhìn đám lính ăn, ông tủm tỉm cười, như vừa làm được một điều thiện với họ.

Cuối cuộc bài, ông móc trong ba lô của ông hai gói lương khô loại 702, tức là loại lương kho ba thanh hảo hạng, bóc ra chia cho mỗi người một thanh, ăn trước khi chia tay. Ông đứng ở giữa cửa tiễn họ:

- Tối mai lại lên hút thuốc nghe.

Đợi họ về hết, tôi bảo ông:

- Lương khô, thực phẩm quân khu dành riêng cho chú. Chú phải giữ mà ăn cho có sức khỏe mà lãnh đạo...

Không đợi tôi nói hết câu, ông cắt ngang:

- Cha mẹ chúng nuôi chúng ngần ấy tuổi đầu, chưa trông mong chi được, phải đưa vào nơi bom đạn. Không biết sống chết lúc mô, phải tận mắt nhìn những ông bố bà mẹ khóc khi nghe con chết trận thì mới hiểu mình có thương chúng mấy cũng không ăn nhằm chi. Tau phải lừa chúng lên chơi Tú lơ khơ chúng mới lên, chứ gọi lên cho ăn lương khô, chắc chúng sẽ không lên. Bọn lính miền Bắc có lòng tự trọng lắm chứ không phải chúng khái tính mô. Ở với chúng phải hiểu chúng mới được.

Ông kể:

- Thiếu tướng Hồ Tú Nam trên quân khu, mỗi chuyến ra công tác Hà Nội, dù bận mấy, ông cũng cố dành thời gian để về thăm gia đình các công vụ, y tá của ông, thông tin đời sống của chúng trong chiến trường cho từng gia đình một. Đó là việc làm mà tau phải học tập, song chưa có điều kiện để làm được.

Tôi biết tấm lòng của ông nghĩ về những người lính như thế, cho nên các chiến sĩ trong thành đội ai cũng quý mến ông, một lòng một dạ với ông, làm nên sức mạnh của thành đội này đây.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 05:58:15 pm »

Tôi nhớ một chuyến đi công tác, trưa nghỉ tạm bên đường, tôi mắc võng cho ông Một ngả lưng rồi đi nấu nước pha trà cho ông. Ông nằm trên võng, nhìn thành đội phó Hường loay hoay tự mắc võng cho mình, ông bảo:

- Ông Hường ơi, thật là sướng mà không biết sướng.

Thành đội phó Hường là người cứng rắn trong tư duy, ông đáp:

- Tôi không thể bóc lột sức lao động công vụ như ông.

Ông Một đáp:

- Nó có thương tôi thì nó mới chăm sóc tôi chu đáo. Cứ nhìn điệu bộ ni đủ biết thằng công vụ của ông nó không thương ông rồi.

- Điều quan trọng là phải hoàn thành nhiệm vụ. Ông Hường không chịu thua.

Ông Một giọng chậm rãi, từ tốn:

- Tướng sĩ không một lòng thì đừng hòng hoàn thành nhiệm vụ. Ông hơi cực đoan đó.

Điều này chỉ riêng cánh cần vụ chúng tôi biết với nhau: Thắng - công vụ của ông Hường không quý ông bằng tôi quý ông Một. Cùng một ý nghĩ của ông Hường, Thắng cho rằng mình hoàn thành nhiệm vụ của một công vụ là được. Trong quan hệ ấy nó thiếu hẳn một cái tình người. Ông Một luôn luôn nâng niu cái tình, và lấy đó làm tiêu chuẩn hàng đầu đối với cấp dưới, đối với chiến sĩ của mình.

Tôi là người gần gũi ông nhất, cho nên hình như bao giờ ông cũng dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Điều tôi phấn khởi nhất là bao giờ ông cũng tỏ ra rất tin cậy tôi. Và nếu tôi có thiếu sót chi, ông nói ngay, một cách nhẹ nhàng cho tôi sửa chữa.

Kỷ niệm sâu nặng nhất của tôi đối với ông là chuyến đi đánh một căn cứ ở Bình Điền. Ông về tận tiểu đoàn đặc công của thành đội, bàn bạc với chỉ huy tiểu đoàn, trực tiếp cùng họ đánh Bình Điền. Không hiểu sao, đường chuyển quân của ta bị lộ, hay pháo địch bắn vu vơ, pháo bắn trùm lên đầu chúng tôi. Mùi thuốc đạn nồng nặc dọc đường, mảnh bay rạc rạc. Lúc nó bắn rát quá, ông Một nép ngay vào một mỏm đá bên lề đường. Chợt phát hiện ra một hốc đá, tôi kéo tay ông, ông cự tuyệt. Tôi dùng cả sức khỏe của mình để bảo vệ bằng được thủ trưởng, ông phải nghe. Quả nhiên lúc chui từ hốc đá ra, thấy chỗ ông nấp bên mỏm đá bị trúng một quả pháo, tung tóe. Ông chỉ vết đạn nổ, bảo tôi:

- Thằng Chiến đã cứu sống tao trong vụ ni.

Sau trận pháo, tiểu đoàn trưởng đặc công hỏi ông:

- Mình tiếp tục thực hiện kế hoạch chứ thủ trưởng?

Ông hỏi lại:

- Răng lại nghĩ rứa?

- Xét trận pháo vừa qua, hình như chúng ta bị lộ.

Ông quả quyết:

- Thằng Mỹ từng tuyên bố: nếu bắn một tấn đạn mà diệt được một Việt cộng thì cứ bắn. Vậy nếu đúng là bị lộ thì chúng ta thành cám rồi: Phát hiện ra chúng ta, chúng không tiếc đạn mô. Cứ đánh.

Trước giờ bộ đội đặc công xuất phát. Người nào người nấy đã cởi áo quần dài, bôi phẩm khắp người ngụy trang, bộc phá đeo quanh lưng, AK trên vai. Trong không khí xuất phát ấy, ông gọi riêng tôi ra một góc, nói:

- Chiến ơi, bắt đầu từ phút ni, tau nhận mi làm con nuôi. Nếu tau mần chi không xứng đáng là cha nuôi mi, thì tau không phải là Thân Trọng Một nữa.

Ông nói như một lời thề. Thấy ông quý tôi vậy, tôi gật đầu:

- Dạ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 05:58:54 pm »

Tôi nhớ một chuyến đi công tác, trưa nghỉ tạm bên đường, tôi mắc võng cho ông Một ngả lưng rồi đi nấu nước pha trà cho ông. Ông nằm trên võng, nhìn thành đội phó Hường loay hoay tự mắc võng cho mình, ông bảo:

- Ông Hường ơi, thật là sướng mà không biết sướng.

Thành đội phó Hường là người cứng rắn trong tư duy, ông đáp:

- Tôi không thể bóc lột sức lao động công vụ như ông.

Ông Một đáp:

- Nó có thương tôi thì nó mới chăm sóc tôi chu đáo. Cứ nhìn điệu bộ ni đủ biết thằng công vụ của ông nó không thương ông rồi.

- Điều quan trọng là phải hoàn thành nhiệm vụ. Ông Hường không chịu thua.

Ông Một giọng chậm rãi, từ tốn:

- Tướng sĩ không một lòng thì đừng hòng hoàn thành nhiệm vụ. Ông hơi cực đoan đó.

Điều này chỉ riêng cánh cần vụ chúng tôi biết với nhau: Thắng - công vụ của ông Hường không quý ông bằng tôi quý ông Một. Cùng một ý nghĩ của ông Hường, Thắng cho rằng mình hoàn thành nhiệm vụ của một công vụ là được. Trong quan hệ ấy nó thiếu hẳn một cái tình người. Ông Một luôn luôn nâng niu cái tình, và lấy đó làm tiêu chuẩn hàng đầu đối với cấp dưới, đối với chiến sĩ của mình.

Tôi là người gần gũi ông nhất, cho nên hình như bao giờ ông cũng dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Điều tôi phấn khởi nhất là bao giờ ông cũng tỏ ra rất tin cậy tôi. Và nếu tôi có thiếu sót chi, ông nói ngay, một cách nhẹ nhàng cho tôi sửa chữa.

Kỷ niệm sâu nặng nhất của tôi đối với ông là chuyến đi đánh một căn cứ ở Bình Điền. Ông về tận tiểu đoàn đặc công của thành đội, bàn bạc với chỉ huy tiểu đoàn, trực tiếp cùng họ đánh Bình Điền. Không hiểu sao, đường chuyển quân của ta bị lộ, hay pháo địch bắn vu vơ, pháo bắn trùm lên đầu chúng tôi. Mùi thuốc đạn nồng nặc dọc đường, mảnh bay rạc rạc. Lúc nó bắn rát quá, ông Một nép ngay vào một mỏm đá bên lề đường. Chợt phát hiện ra một hốc đá, tôi kéo tay ông, ông cự tuyệt. Tôi dùng cả sức khỏe của mình để bảo vệ bằng được thủ trưởng, ông phải nghe. Quả nhiên lúc chui từ hốc đá ra, thấy chỗ ông nấp bên mỏm đá bị trúng một quả pháo, tung tóe. Ông chỉ vết đạn nổ, bảo tôi:

- Thằng Chiến đã cứu sống tao trong vụ ni.

Sau trận pháo, tiểu đoàn trưởng đặc công hỏi ông:

- Mình tiếp tục thực hiện kế hoạch chứ thủ trưởng?

Ông hỏi lại:

- Răng lại nghĩ rứa?

- Xét trận pháo vừa qua, hình như chúng ta bị lộ.

Ông quả quyết:

- Thằng Mỹ từng tuyên bố: nếu bắn một tấn đạn mà diệt được một Việt cộng thì cứ bắn. Vậy nếu đúng là bị lộ thì chúng ta thành cám rồi: Phát hiện ra chúng ta, chúng không tiếc đạn mô. Cứ đánh.

Trước giờ bộ đội đặc công xuất phát. Người nào người nấy đã cởi áo quần dài, bôi phẩm khắp người ngụy trang, bộc phá đeo quanh lưng, AK trên vai. Trong không khí xuất phát ấy, ông gọi riêng tôi ra một góc, nói:

- Chiến ơi, bắt đầu từ phút ni, tau nhận mi làm con nuôi. Nếu tau mần chi không xứng đáng là cha nuôi mi, thì tau không phải là Thân Trọng Một nữa.

Ông nói như một lời thề. Thấy ông quý tôi vậy, tôi gật đầu:

- Dạ.

Hai cha con chúng tôi cùng là lính thành đội, cùng ở cơ quan tham mưu, ngày ngày gặp nhau, nhắc chuyện mẹ và các em ở nhà. Bây giờ mất ông. Tôi bỗng thấy trống trải lạ lùng. Nước mắt tôi lấp đầy trống trải ấy. Cả vạt đất này chỉ có nấm mộ cha tôi, không lẫn với ai được, song tôi vẫn ôm một hòn đá rất to đặt lên mộ cha đánh dấu thay cho những nén hương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:00:04 pm »

Cha tôi mất đúng những ngày khó khăn nhất của thành đội, không khí chiến tranh ấy không cho phép tôi thở than, nó cuốn tôi trong cái guồng cuồn cuộn. Khó khăn nhất vẫn là lương thực. Chiến dịch Mậu Thân, khẩu hiệu “Tổng tấn công” đã cho chúng tôi niềm tin rằng đây là cuộc chiến cuối cùng. Chúng tôi sẽ ở lại Huế cùng chiến công vang dội, không trở lại chiến khu nữa. Cho nên không chuẩn bị đầy đủ tư thế phải lui lại. Vì vậy lúc quay lại rừng chúng tôi bị hẫng hụt, hết gạo dự trữ. Cả thành đội chìm ngập trong cảnh đói thê thảm. Chị Thừa Một đói, Chị Thừa Hai đói, K4 đói, K10 đói. Thê thảm nhất là K439, tiểu đoàn kết nghĩa của Hà Nội gửi vào sau Mậu Thân.

Những tin tức đưa về hàng ngày dồn dập:

- Có hai chiến sĩ tiểu đoàn 439 chết đói trên đỉnh dốc Thanh niên.

- Một chiến sĩ đi gùi gạo trên đường tuyến “bốc hơi” được một thùng lương khô, ăn mấy bánh liền, uống nước, bột lương khô nở, căng bụng, chết vì bội thực.

- Có hai chiến sĩ chết đói trên đỉnh dốc Công sự, không biết của đơn vị nào...

- Đường tuyến (cách gọi của lính chỉ đường xe ô tô vận tải từ ngoài bắc vào) bị bom đạn phong tỏa dữ dội, gạo chưa thể vào kịp. Kho dự trữ rất xa. Mỗi người đi lấy gạo, mang được 20 cân. Về đến đơn vị coi như vét gùi.

- Đồng bằng chưa mở được. Thành đội đã huy động cả đại đội 12 ly 7 của Quảng Bình chi viện cho chiến trường Thừa Thiên Huế, vẫn không mở được hành lang, không mua được gạo cho chiến khu...

Mỗi tin của trưởng ban tác chiến báo cáo cho thủ trưởng là một đau lòng. Bên ban quân lực, anh Châu, anh Chức, anh Thành trên đường đi, đói quá, phải rẽ vào rừng lấy cọng cây môn thục, tước vỏ, chẻ nhỏ như chiếc tăm, cắt vụn ra, trộn muối ăn thay bữa.

Óng Một hết đi đi lại lại trong căn nhà thùng, lại nằm phịch xuống võng, lậm lừ, suốt ngày không nói không rằng. Không khí trong nhà nặng chịch, tôi cũng không dám nói với ông một lời.

Bỗng tin từ tiểu đoàn Chị Thừa Một đưa lên, trong lúc vào sâu trong rừng tìm rau ăn, họ phát hiện có một kho gạo dự trữ. Tìm hiểu kỹ càng ra, đó không phải là gạo của thành đội, mà là kho gạo dự trữ của Thành ủy. Trong suốt thời gian chiến dịch Mậu Thân, Thành ủy có tổ chức được một lực lượng dân công dưới đồng bằng chuyển gạo lên.

Có gạo ở tại chiến khu của mình, mừng lắm. Ông Một sai ông Bách trưởng ban hậu cần của thành đội sang thương lượng với ban kinh tế của thành ủy vay cho lính ăn rồi sẽ trả sau.

Ông Bách lập tức tự mình sang thương lượng. Nghe nói ông Bách vừa đưa ý kiến ấy ra, liền bị người của thành ủy chỉ trích.

- Anh hãy cho quân của mình xuống đồng bằng lấy gạo mà ăn, số gạo dự trữ nầy không thể cho các anh mượn được.

Ông Bách đã định cãi lại, muốn ra răng thì ra, may ông đã kiềm chế được.

Tin lính chết đói từng ngày đưa về. Cứu đói cho bộ đội lúc nầy còn quan trọng hơn cả đánh giặc. Không giữ được lính làm răng có lực lượng bám trụ chờ thời cơ tấn cộng về sau.

Tôi không ở cấp lãnh đạo cho nên không tường tận sự vụ ấy giữa thành đội và thành ủy xảy ra như răng, chỉ biết loáng thoáng rằng, trong tình hình hết sức khẩn cấp ấy, ông Thân Trọng Một đã quyết định lấy gạo ở kho dự trữ của thành ủy cho lính ăn. Nhờ có kho gạo ấy thành đội đã băng qua được những ngày đói kém gắt gao.

Điều tôi muốn nói là trong cơ chế chung chắc chắn ông Một sẽ hiểu những gì xảy ra sau đó. Tuy nhiên với góc độ một người lính, tôi thấy ông Một đã dám lấy địa vị một thành đội trưởng đổi lấy thân phận những người lính dưới quyền ông, trao cả sự sống trước bom đạn cho ông, đó là một nhân phẩm có cốt cách, có đạo lý của một người cầm quân.

Có thể gọi đó là một cơn sóng gió mà ông Một tính toán và quyết định phẩm giá của mình. Không nặng tình nặng nghĩa với đời, không coi quan hệ máu thịt giữa tướng với sĩ, không thể như thế được.

Tôi sống với ông mấy năm, chỉ kể ra đây đôi kỷ niệm, đủ thấy tôi quý mến, kính trọng ông nhường nào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:55:39 pm »

CHUYỆN NHẶT BÊN ĐƯỜNG

• LỜI KỂ CỦA HIỆP:

- Các cậu đứng đây gác cho mình. Lấy hũ mắm xong, mình ra liền.

Huynh là thằng lính hăng hái và xông xáo. Nó nói xong, đi ngay. Chưa đầy năm phút, một tiếng mìn nổ dựng tóc gáy. Tôi và Khôi lao tới. Huynh đang rẫy rụa trong vũng máu. Hai chân nó không cụt, nhưng nát nhừ. Chúng tôi quấn băng vào hai khối thịt bầy nhầy.

- Tao chết mất. Huynh nói tỉnh như sáo.

- Chết có số - Khôi an ủi nó - Cùng lắm chân cụt, thay chân gỗ là cùng. Qua chiến tranh sống được là quý lắm rồi.

Tôi cõng Huynh. Hai tay Huynh ôm chặt tôi. Khôi đỡ đít nó cho khỏi tuột. Tay Huynh lỏng dần, nó mệt. Máu thấm đỏ băng, chảy thành giọt. Đến bụi tre giữa đồng, Khôi đẵn đòn khiêng, tôi trải võng đặt Huynh nằm.

Hai đứa khiêng hai đầu. Ruộng cày mấp mô. Chân bước thấp bước cao. Loạng choạng. Chúng tôi thấm mệt. Song cố hết sức quyết đưa nó đến trạm phẫu tiền phương càng sớm càng tốt. Phút kinh hoàng, cái choáng đã qua. Huynh bắt đầu thấy đau. Cơn đau mỗi lúc một dữ dội. Nó khóc. Vừa khóc, vừa nói, nói trong tiếng khóc:

- Mẹ ơi, đau quá, con chết mất, mẹ ơi.

Khôi bảo:

- Đừng kêu, sợ có lính phục kích, nó nghe thấy thì chết cả lũ.

Huynh im được một lúc. Đau quá, nó rên. Rên mỗi lúc mỗi to:

- Đau không chịu được chúng mày ạ. Chắc tao chết mất. Tiếc đời quá. Tao mới hai mươi tuổi. Chưa được nắm bàn tay một đứa con gái nào. Ôi! Mẹ ơi! Đau quá! Đặt cáng xuống cho tao nghỉ một chút.

Chúng tôi đặt võng. Lấy mũ tai bèo quạt. Đỡ mệt, tôi quay lại gọi Huynh:

- Huynh ơi, mày thấy trong người thế nào?

Huynh không trả lời. Nó đã chết. Khôi òa khóc. Tôi cũng khóc theo. Ba đứa cùng quê. Chơi thân với nhau từ nhỏ. Bây giờ một đứa chết. Tôi có cảm giác mình đang ở trạng thái rơi. Rơi đến tận cùng.

Quấn võng cho Huynh. Bọc bên ngoài một tấm ni lông nữa. Lấy dây võng cột lại từng khúc. Đất cát pha nên đào huyệt nhanh. Mọi động tác của chúng tôi như máy. Không phải nhanh, mà vô hồn. Đặt Huynh xuống huyệt. Lấp đất lên. Châm ba điếu thuốc cắm giữa mộ làm hương. Còn mấy bao Ru bi trong túi dốc cả ra làm đồ cúng cho Huynh. Nó thích hút loại thuốc này.

Hai đứa ngồi mãi bên mộ như kẻ mất hồn. Mãi lúc sau, Khôi nói:

- Sau thằng Huynh, không biết đến lượt tao chết trước hay mày chết trước?

- Tao không muốn chết một cách hoài phí thế này. Tao cũng chưa được nắm tay một đứa con gái. Tao chết, chắc mẹ tao khóc dữ lắm.

- Nhà tao cũng chỉ có mỗi mình tao là con trai. Ba đứa em gái còn đang lít nhít. Này Hiệp, mày đồng ý thế này không, đừng về đại đội nữa, sống với thằng đại đội trưởng ấy, chúng mình không chết trước cũng chết sau thôi. Hai đứa chúng ta đào ngũ đi.

- Đi đâu bây giờ?

- Ngược đường. Ra Bắc. Bom đạn này chỉ có cách ấy mới sống.

Lẽ ra rẽ trái về đơn vị, chúng tôi rẽ phải ra đường tuyến. Chạm mặt với binh trạm đầu tiên, chúng tôi khựng lại. Sợ bị hỏi giấy tờ. Lộ, sẽ bị tóm cổ lôi về chặt, đốt, cốt, tỉa ở mãi rừng sâu, tẩy rửa đầu não xong, sẽ bị đẩy về đơn vị, đừng hòng thoát thân.

Không vào ngủ trong bãi khách binh trạm. Hai đứa vào rừng, mắc võng. Khôi bàn:

- Cứ sáng sáng, ta vòng qua binh trạm. Phục bên đường dây, có đoàn nào ngược đường, ta lách ra, nhập bọn. Tối đến trạm lại cứ tách ra ngủ rừng. Chỉ có cách ấy mới thoát.

Mỗi ngày nhập vào một đoàn mới như cái đuôi. Vẫn run. Len lét như rắn mùng năm. Một hôm nghe lỏm chuyện, tình cờ biết được hai cán bộ ra Quảng Bình lấy khí tài.

- Tao có cách hợp lý hóa rồi. Bí mật.

Nói thế, rồi Khôi rỉ tai tôi bàn kế hoạch. Đêm, chùng hai giờ sáng, đang giấc ngủ say của khách vãng lai. Chúng tôi mò vào bãi khách. Tìm đúng đối tượng. Thật may, cái xắc cốt của anh trưởng đoàn kia, dây vẫn vòng qua vai, xắc tài liệu tuột ra, lủng lẳng ngoài vòng. Tôi lấy con dao cạo râu, cắt hai nhát rất ngọt, đưa thẳng xắc vào rừng. Mở tung. Tìm được giấy giới thiệu đi đường. Ngày hôm sau chúng tôi vượt liền hai trạm để thoát khỏi vòng kiểm soát. Khôi thận trọng:

- Bí nhất mới dùng đến giấy này. Tao chỉ sợ khi phát hiện ra mất xắc, họ báo cho các binh trạm kiểm tra.

Tôi cũng phân vân:

- Giá chúng mình chỉ lấy giấy, đừng vất xắc đi, chắc đỡ lộ hơn.

- Chuyện đã lỡ rồi còn giá cái con khỉ. Đã liều thì liều luôn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:56:30 pm »

• LỜI KỂ CỦA THẢO NGUYÊN:

Tôi theo thủ trưởng Thân đi họp miền trong Tây Nguyên. Lúc quay ra, đi cùng đường với hai tay lính trẻ. Tôi lo mang vác cùi cõng phục vụ thủ trưởng, nên chẳng để ý gì. Nhưng với thủ trưởng Thân, không có cái gì qua mắt được ông.

Một hôm, tôi cặm cụi treo gô, đốt lửa nấu bữa cơm chiều cho hai thầy trò, ông treo võng kề bên, đung đưa vừa phơi tấm ngực trần đầy sẹo, vừa rít thuốc, chợt ông hỏi:

- Thảo Nguyên, mi có thấy hai thằng lính tê không? Tôi đáp:

- Họ đi cùng đường với chúng mình đã mấy ngày nay đó chú.

- Mi thấy chúng ra răng?

- Lúc chiều, cháu thấy chúng trình giấy ra Quảng Bình lấy khí tài để xin trạm cấp lương thực.

- Chúng lấy mô ra cái giấy ấy?

- Dạ, họ có thật đấy ạ.

- Mi có tin không?

- Tin ạ.

- Trời ơi, sao cái mắt mi kém rứa hả Thảo Nguyên. Tao cược với mi, trăm phần trăm hai đứa ấy đào ngũ.

- Đâu có, chú.

- Cứ nhìn cái mắt chúng vừa ngơ ngác vừa tránh né và cái cách chúng kiếm chỗ ở thu thu giấu giấu thế kia là biết liền.

- Để cháu báo cho binh trạm giữ chúng lại.

- Không được, tao cấm. Làm thế không phải cách của thằng lính. Nhớ chưa?

Bếp tắt, bốc khói. Tôi chẳng có thì giờ suy nghĩ đến hai thằng đào ngũ. Tôi còn phải bẻ ngọn lá đánh tan khói, cho chúng khỏi kéo thành ngọn trên trời cao. Ông Thân cũng quay lại đăm chiêu với điếu thuốc của mình. Cơm xong, dọn dẹp dàng hoàng, tôi mắc võng kề bên thủ trưởng. Đợi tôi ngả lưng xả hơi được mươi phút, ông nói:

- Thảo Nguyên. Mi có biết tại làm răng tao không cho mi đi báo binh trạm không?

- Chú thương chúng.

- Nói rứa cũng đúng nhưng chưa rõ. Tao trải binh lửa nhiều rồi nên tao biết. Đứa nào nó sợ bom đạn thì đừng có cho nó ra chiến trường. Tìm cho nó việc khác cho thích hợp. Chứ kéo chúng vào trận, chỉ để làm mồi cho gươm đao. Chúng đã hèn thì cứ để cho chúng đào ngũ. Đếm đầu lính để nhân lên sức mạnh của quân ngũ là sai. Lính tao, thằng mô hèn, tao cho về địa phương tất. Binh sĩ cốt ở tinh nhuệ. Một thắng ba, thắng năm mới là quân tốt.

Tôi đã nghe hai mí mắt nặng nặng, chợt ông lại nói bên tai, giọng trầm hẳn xuống:

- Hai đứa con cái nhà mô mà dễ thương rứa không biết. Hai má búng ra sữa, rứa mà đã phải cầm súng đi vào chiến tranh. Thật tội. Giá chúng là con ta, lỡ chúng chết, chắc là ta đau đớn lắm.

• LỜI KỂ CỦA HIỆP:

Dù có cái giấy trong tay, cái giấy rất hợp pháp, hợp lý, song đó là đồ nhổm nên chúng tôi vẫn chứ nơm nớp, sợ bị người ta phát hiện. Phương châm của chúng tôi là hạn chế đến trực tiếp với cán bộ các binh trạm. Dầu sao chúng tôi cũng đã có hai tội. Đào ngũ và ăn cắp giấy tờ của cán bộ trên đường đi công tác khẩn cấp, chuẩn bị khí tài cho những trận đánh đang chờ. Ngần ấy cùng đủ ra tòa án binh.

Nhìn thấy anh nào tỏ ra hiền lành, sởi lởi ở binh trạm, chúng tôi mới dám xin bổ sung thực phẩm. Chạm mặt người nghiêm nghị, nguyên tắc, đành bấm bụng rút lui. Vì vậy chúng tôi đói. Đói thường xuyên. Đánh hơi được đoạn đường nào gần bản người dân tộc, chúng tôi mò ra tận rẫy ăn cắp sắn.

Có một lần hú vía. Khôi suýt bỏ mạng. Đói nên ham. Nhổ sắn đầy gùi bạt. Trù tính chỗ sắn ấy hai đứa phải ăn được năm ngày. Khôi gù lưng gùi sắn đi trước, tồi đi sau xóa dấu vết. Qua cửa phụ bên góc rẫy, không ngờ trúng bẫy lò ho. Khôi vừa đạp chân vào khúc tre khô ngáng cửa, lập tức thanh tre to gần bằng chiếc đòn gánh, mũi sắc lẹm, lao vụt từ trong bụi tre ra, xuyên qua gùi sắn trên lung Khôi, mắc cứng ở đó.

Hú vía. Không gùi gùi sắn đi khom, chắc chắn bẫy lò ho xuyên qua ngực. Hốt hoảng, hai đứa bỏ cả gùi sắn chạy thoát thân. Cả hai đứa mặt tái mét, không còn hột máu. Từ đấy không dám ló mặt tới rẫy đồng bào nữa. Vẫn biết đó là bẫy thú. Nhưng nó đâu có tránh người. Nhất là những đứa lơ ngơ như chúng tôi. Bắt đầu thời kỳ đói triền miên. Mỗi ngày chỉ dám ăn một lon cầm hơi.

Một lon gạo, ba chén cơm, chia ba. Để ba bữa trong ngày, bữa nào cũng có chất bột. Chúng tôi lấp vào cho thiếu hụt kia bằng đủ thứ: môn thục, món vót, quả vả, chuối rừng, ốc suối... Dọc đường có gì nhặt nấy. Miễn nhét cho đầy dạ dày.

Gạo bị cạn dần. Mấy lần rẽ vào binh trạm định xin, nhưng gặp toàn binh trạm trưởng mặt sắt, phải quay lui.

Mất đúng hai ngày không có hạt gạo nào, ăn toàn rau rừng, bụng sôi rù rù. Đến nằm không ngủ được.

- Chỉ còn một cách thôi, Hiệp ạ - Khỏi nhổm người thì thẩm với tôi - Chiều nay tao thấy cha con ông già đi cùng đường với chúng mình vừa nhận gạo trong binh trạm, một bao tượng đấy. Bụng đói đầu gối phải bò. Các cụ dạy chí phải. Phải bò đi mà ăn cắp. Không ăn cắp, chúng mình chắc chắn sẽ bỏ xác giữa rừng. Tao thấy hai đầu gối run lắm rồi. Không có gạo hẳn ngày mai không đi nổi.

Qua Tây Nguyên, chúng tôi gặp bố con một ông lão. Ông già cao, to, da màu đồng hun, mặc bộ bà ba đen. Anh con mặc quần áo bộ đội, có đeo AK. Mặt ông già hiền khô. Không có vẻ gì bộ đội đã đành. Giống cặp bố con hơn một cán bộ dân chính. Điều còn phải đắn đo là cây AK anh con trai mang theo. Qua cách đối xử với nhau, không có vẻ gì cấp trên cấp dưới cả. Hai bữa sớm chiều, thế nào anh con trai cùng kiếm được hai tô canh rau rừng cho ông già. Có mấy miếng thịt hộp, ông già nhường cho cậu con trai. Rất lạ là đến binh trạm nào họ cũng được chào đón niềm nở. Họ không đói đã đành. Còn họ thương yêu nhau, khỏi phải chê. Cứ nhìn họ cười nói, chăm sóc, vỗ về nhau mà thèm.

Chúng tôi sắp sang ăn cắp của bố con người ấy đây. Tôi bò trước, Khôi bò sau. Nghệ thuật bò của chúng tôi khỏi nói. Đêm đen ủng hộ chúng tôi. Nằm chỉ cách hai vòng mắc song song ba mét. Một giọng thở sâu đều đều. Một giọng ngáy pho pho. Không một tiếng cựa trở mình. Đồ đạc của họ để rất hớ hênh. Bao gạo đầy căng vắt chéo trên gùi đồ. Chúng tôi tiền nhập cừ khôi, nâng cái bao gạo gọn nhẹ như nhấc một lông hồng.

Ngay đêm ấy chúng tôi tụt xuống suối, nấu một bữa ăn rõ no. Tỉnh cả người. Sáng sớm dậy từ canh tư, nấu một gô ăn sáng, một gô để bữa trưa. Chia đôi gạo mỗi đứa mang một nửa, còn cái bao tượng thì vùi xuống một đống lá khô giữa rừng. Thằng Khôi còn khôi hài:

- Không có cái bao làm nhân chứng, họ chả làm gì nổi mình.

Để tránh mọi sự rắc rối, hai chúng tôi lên đường ngay từ lúc mọi người xao xác gọi nhau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:57:04 pm »

• LỜI KỂ CỦA THẢO NGUYÊN:

- Thảo Nguyên, mi thấy hai thằng ranh đào ngũ không - Thủ trưởng Thân nói với tôi - Chúng sợ bị phát hiện nên cứ nương dựa vào chúng ta mà đi. Có ngày chúng đi trước như để dẫn lỗi. Có ngày chúng đi sau như để bọc hậu. Và đêm ngủ, bao giờ hai đứa cùng chọn phía trống, căng tăng mắc võng như để bảo vệ. Không phải ngẫu nhiên mô. Hai đứa có đầu óc quân sự lắm. Chúng càng không phải là những đứa kém cỏi.

Ỷ vào binh trạm, không phải lo địch, đường đi lối lui, tôi chú mục lo cho sức khỏe ông Thân đi đến nơi về đến chốn, ông già đã năm lăm tuổi đầu, bằng tuổi cha tôi, lẽ ra ở tuổi này đã được nghỉ ngơi, được sự đùm bọc chăm sóc của con cái, song vẫn phải lặn lội hòn tên mũi đạn trong chiến tranh, ông thương tôi như con và tôi cũng quý ông như cha. Nhìn thấy có được tô canh mỗi bữa ông mừng lắm. Tôi còn hơi sức đâu chú ý tới hai chàng đào ngũ nữa.

Một hôm ông bảo:

- Hai thằng đào ngũ nó đói Thảo Nguyên ạ. Bữa mới gặp, có gầy, nhưng chúng còn da thịt. Mấy bữa ni tao quan sát, tóc đứa nào cũng dựng đứng, mặt mày hốc hác. Chúng có chú ý cạo râu ria cho con người tỏ ra đàng hoàng, càng nhìn rõ da chúng vàng đi. Chiều nay một đứa mon men vào trạm, móc sẵn cái giấy đút trong túi ngực, chắc định xin ăn, gặp thằng trạm trưởng gắt lính ỏm tỏi, mặt hầm hầm, nó bỏ đi. Tao nhìn theo mà ái ngại.

Ông vừa nói nhận xét ấy với tôi, cách có đúng một ngày, đêm hôm sau chúng tôi mất cắp túi gạo. Rõ ràng tôi trước tôi còn lấy gạo nấu cơm. Trước khi đi ngủ, kiểm tra lần cuối cùng, bao gạo còn đặt trên đỉnh gùi bạt đàng hoàng cho khỏi bị ẩm.

Tìm gạo nấu bữa sáng không thấy, tôi chạy tìm quanh, bần thần, ông Thân hỏi:

- Mất cái chi hả?

- Dạ. Bao gạo vừa nhận của binh trạm chiều qua bỗng biến mô mất ạ.

- Xem hai thằng đào ngũ đã dậy chưa?

Tôi nhìn qua chỗ chúng căng tăng đêm trước:

- Chúng nhổ trại rồi ạ.

Ông im lặng một lúc, không nói gì, không la tôi thiếu cẩn thận. Không tỏ ra tức giận, chỉ có đôi mắt cứ đăm dăm:

- Hai thằng đào ngũ lấy gạo của chúng ta rồi.

- Cháu vào báo binh trạm bắt hai thằng đó lại ạ. Không thể nhẹ tay với bọn ăn cắp được.

Ông xua tay:

- Đừng. Làm rứa hỏng việc. Chú cháu mình lấy lương khô ra ăn. Chiều tới binh trạm Đa Ngao ta xin bao gạo khác.

Ăn lương khô xong, hai thầy trò lên đường. Vừa đi, ông vừa nhẩn nha nói:

- Thảo Nguyên ạ, nhìn mặt hai đứa, nhất là đôi mắt, chúng chẳng có vẻ gian manh một chút mô cả. Cũng không có vẻ hèn. Có vẻ sa cơ thì đúng hơn. Có lẽ các cụ nói phải: “Đói ăn vụng, túng làm càn”.

- Chú thì ai cũng thương - Tôi cãi - Giá như chúng cuỗm cả ba lô của chú, cả súng đạn, thì chú cháu mình cứ gọi trơ mắt ếch.

- Ấy đấy. Chú suy xét ở chỗ đó. Tại răng nó không lấy đồ đạc của ta, mà chỉ lấy gạo. Kẻ gian manh sẽ biết cái chi hơn cái chi. Chúng không phải loại ấy. Cho nên xét con người phải xem xét kỹ càng, không được hồ đồ. Đánh giá con người mà hồ đồ là giết nhau chứ không phải thương nhau.

Ông nói tiếp:

- Mà hình như hai đứa ấy, mỗi đứa chỉ có một bộ quần áo thì phải. Bởi lúc mô cũng thấy chúng áo cộc quần đùi. Áo quần có mới mẻ gì cho cam - Ông chợt thở dài - Ta lấy gạo trong kho. Chúng lấy gạo của ta. Âu cũng là cách chúng lấy gạo trong kho một cách gián tiếp. Phải không Thảo Nguyên. Băn khoăn làm chi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:57:42 pm »

• LỜI KỂ CỦA HIỆP:

Một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua không thấy cha con ông lão đồng hành để mắt hay khác ý gì với chúng tôi, có ý như không hề có chuyện mất mát gì cả. Đã thế, khi Khôi bị sốt rét quật, nuốt không được, cậu con trai còn đem qua mấy lon thịt hộp, cá hộp, chỉ vào Khôi:

- Ông già bảo thấy thằng này khật khừ, chống gậy đi không vững, đưa qua mấy hộp thịt cho nó bồi dưỡng.

Không phải chỉ có thịt, cả thuốc sốt rét, cả đường cho Khôi nữa. Khôi cảm động lắm. Khi anh trai về rồi, Khôi bảo:

- Có lẽ ông nghi đứa khác lấy trộm gạo chứ không phải tụi mình. Nếu không sao ông lại tốt với chúng mình thế.

Nghĩ vậy, chúng tôi lại dùng cha con ông già làm lá chắn cho cuộc chạy trốn của mình. Có ý làm ra vẻ là cảnh vệ của ông già, cùng một đoàn với ông.

Khôi sốt, khố hết nói. Cũng may nó sốt định kỳ. Cơn sốt gần như được ấn định vào thời gian từ bốn giờ chiều đến 7 giờ tối. Đó là đoạn chót của cung đường mỗi ngày. Dĩ nhiên tôi phải mang vác hết cho Khôi, kể cả khẩu súng AK và hai cơ số đạn.

- Tao đã nghe người bắt đầu ngây ngấy rồi.

- Có cần nghỉ một chút không?

- Ngồi rồi không đứng dậy được thì bỏ mẹ. Cứ đi ào đi. Lướt trên cái sốt mà đi.

Nghe cơn sốt bắt đầu hoành hành, Khôi giục:

- Đái cho tao một bát để tao uống. Người háo háo, thèm một cái gì đó.

Nó uống một hơi hết bát nước đái rồi chống gậy. Lọc cọc, gần như chạy gần. Cố hành xác mình cho quên hết. Vừa rét, vừa run, vừa chạy. Nhớ chiều ấy đến binh trạm lúc sáu giờ chiều, tôi mắc võng cho Khôi nằm. Nó đặt lưng xuống, hai hàm răng đập vào nhau, nó chửi:

- Tiên sư thằng Tờ mày làm ông khổ?

Cứ lúc nào mệt nhọc quá, bực bội quá, Khôi đều lôi thăng Tờ ra chửi. Tờ là thằng đại đội trưởng đại đội trinh sát của chúng tôi. Cả đại đội tôi đứa nào cũng ghét thăng Tờ. Chúng đặt vè: “Với cấp trên, Tờ như bún. Với o Bốn, như đường phèn. Với anh em, toàn mệnh lệnh”. O Bốn làm cấp dưỡng đại đội. Bốn đẹp. Tờ ve vãn muốn chiếm đoạt lắm. Chỉ nhờ khúm núm với cấp trên, Tờ mới có được địa vị này. Chứ Tờ chẳng có tài năng gì. Anh em không ai phục. Bất lực trong tình cảm, Tờ phải dùng mệnh lệnh quân sự để buộc anh em phải làm.

Ai đó đặt vè thật tài: “Miệng cười cợt, để làm quen. Da sạm đen, mắt đưa đẩy. Loại người ấy, vô hậu tiền”. Đúng Tờ một trăm phần trăm. Tôi không biết nội dung câu chuyện ra sao. Chỉ biết việc trung đội trưởng trung đội ba túm cổ áo Tờ tát cho một cái tát trời giáng, rồi khoác ba lô lên trung đoàn trưởng nhận kỷ luật và xin chuyển đi đơn vị khác. Chuyện ấy cả đại đội hả hê lắm.

Ngẫm lại, ngay cái chết của Huynh, cái chết đầy oan trái. Nếu không vì hũ mắm thính Tờ định biếu cho chính ủy (vì ông dân biển, nghiện mắm thính như người ta nghiện thuốc phiện), chắc đâu Huynh đã chết. Trinh sát đồn Thạch An xong xuôi đâu đấy rồi. Về thẳng, hẳn Huynh không thể dính mìn. Đằng này rẽ vào lấy hũ mắm. Thế là sinh chuyện.

Khi nhận nhiệm vụ trinh sát đồn Thạch An, tôi hỏi:

- Mình định đánh Thạch An sao đại đội trưởng?

Tờ trừng mắt bịt miệng tôi:

- Việc quân cơ không được bép xép.

Cho đến tận bây giờ, nhiều lần nghĩ lại, không hiểu Tờ cho đi trinh sát đồn Thạch An làm gì hay đó chỉ là một cái cớ để “nhân tiện” mua hũ mắm mang về cho đại đội trưởng thực hiện kế hoạch của mình.

Phải chăng cái chết của Huynh hé mở bức màn bí mật về những cái chết vu vơ khác, về những cuộc đào ngũ âm thầm trước đó trong đại đội chúng tôi.

Trong cơn sốt vật vã, Khôi chửi Tờ cũng có lý. Qua cơn sốt, tôi mở hộp thịt, pha nước đường đưa thuốc của cha con ông già đồng hành cho, dỗ nó cố ăn, cố uống lấy sức cho cuộc hành trình đường dài.

Khôi vừa nhai thịt như nhai rơm, vừa nói:

- Phải chi thủ trưởng của chúng mình là cái ông tướng gì ngoài khu Bốn bị lính ăn cắp hết cả bị thuốc men, thực phẩm ngồi khóc: “Ta để lính đói, ấy là lỗi tại ta” và đi qua trọng điểm, thấy tổ trực chiến âm thầm, đã tháo ngay cái radio trên vai mình tặng luôn chúng, thì đâu chúng ta đến nỗi như thế này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM