Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:41:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thân Trọng Một - Con người huyền thoại  (Đọc 7869 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:47:25 pm »

Chúng tôi cũng ở hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Không có đủ thời gian cho phép chui qua hàng rào dây thép gai như lúc đi vào. Ba hàng rào dây thép gai cao một mét hai, chúng tôi lại không phải các vận động viên nhảy cao. Vậy mà chính lúc ấy sức mạnh thần kỳ đã đến với chúng tôi, cả 5 anh em nhảy phăn phắt qua cả ba hàng rào dây thép gai bao quanh căn cứ địch.

Khi chúng tôi đã ở ngoài hàng rào, hình như lúc ấy trong căn cứ địch mới tỉnh ngủ, chúng bắn ra như mưa, hỏa châu sáng rực trời. Chúng tôi nằm im cho khỏi lộ. Quanh hàng rào dây thép gai bên trong lính Mỹ Ngụy chạy rần rật. Tôi nghe rõ chúng hỏi nhau:

- Có phải mi mơ ngủ không đó?

Tiếng trả lời:

- Thiệt mà. Tao đang ngồi ị ở lỗ ni, tên Việt cộng đâm đầu vào tao mà.

- Vậy Việt cộng mô? Hàng rào ba lớp cao in ri, có đến cha tổ Việt cộng cũng không vượt ra nổi.

Một tiếng khác:

- Mi có chót nói láo thì cứ nhận đi. Đang đêm làm náo động cả căn cứ. Hãy coi chừng cái đầu mi. Ngài thiếu tá vốn là người không thích đùa, mi biết đó.

- Tau nói láo mần chi. Rõ ràng Việt cộng mà.

- Chỉ trừ khi mi nhảy qua được ba lớp hàng rào thì ngài thiếu tá mới tin mi nói thật.

- Tau nói láo mần chi.

- Vậy Việt cộng của mi là ma chắc. Chỉ có ma có cánh mới vượt nổi ba dãy hàng rào.

Ngoài hàng rào chúng tôi nghe rất rõ bọn lính cãi nhau chí chóe. Riêng bọn lính Mỹ xì xồ tiếng Anh với nhau thì chúng tôi chịu không biết chúng nói gì. Bỗng tiếng con chó béc-giê sủa ông ổng trong căn cứ, Trần Thọ bấm tôi, anh nhe răng cười. Rõ ràng con chó đã tỉnh dậy sau gần một giờ đồng hồ mê man bất tỉnh nhân sự. Giá nó cứ bất tỉnh nằm đó cho đến lúc bọn Mỹ Ngụy phát hiện ra thì chúng tin trăm phần trăm Việt cộng đã vào trong căn cứ thiệt, nó là nhân chứng cho cuộc điều nghiên trong căn cứ. Tôi khen mãi Trần Thọ về cách bấm huyệt hẹn giờ của ông. Tôi học không được. Lính đặc công đâu chỉ giỏi võ là đủ. Cần phải có tri thức toàn diện để thiên biến vạn hóa những trận đánh kỳ diệu của mình.

Súng lặng, hỏa châu tắt, Trần Thọ dẫn chúng tôi về hậu cứ phía trước đóng bên bờ sông Hai Nhánh thuộc thượng nguồn sông Hương. Thủ trưởng Thân Trọng Một đã có mặt ở đó chờ chúng tôi.

Vừa thấy Trần Thọ, ông hỏi ngay:

- Lộ rồi hả?

Trần Thọ kế đầu đuôi cho ông nghe, từ việc điểm huyệt con chó béc-giê tới việc gặp tên lính ngụy đau bung đi tiêu giữa đêm. Ông không hề trách mắng một lời về việc lộ tung tích cuộc điểu nghiên, ông cười rất độ lượng:

- Giỏi lắm.

Giong ông chậm rãi, điềm tĩnh.

- Trong mỗi con người chúng ta đều có một sức mạnh tiềm ẩn kỳ lạ. Chỉ có những người có ý chí, và ý chí ấy được kích lên tột đỉnh thì sự tiềm ẩn ấy mới xuất hiện như một cứu cánh, như thần bảo hộ của chính bản thân mình. Các cậu là những chàng trai có ý chí lắm. Đáng khen lắm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:47:56 pm »

Đã không bị chê, lại được khen, Trần Thọ cười tươi hết cỡ. Thành đội trưởng bỗng hỏi:

- Các cậu tính răng chừ?

Suy nghĩ hồi lâu, Trần Thọ đáp:

- Dẫu sao cuộc điều nghiên cũng bị lộ rồi, thủ trưởng ạ. Chúng sẽ tăng cường canh gác đề phòng và có thể chúng sẽ có những thay đổi trong bố phòng để chống lại đặc công của chúng ta. Cho nên tôi đề nghị hủy cuộc điều nghiên này. Chờ chúng bố phòng lại, ta sẽ đi điều nghiên lại để đánh chắc thắng sau.

Thân Trọng Một không nói gì. Ông trầm ngâm suy nghĩ. Trần Thọ nói:

- Vậy được không thủ trưởng?

Ông Một nắm chặt tay, quất xuống như một nhát chém quyết định, ông nói:

- Đêm mai tiểu đoàn đặc công 1 đánh Tân Ba.

Không đợi Trần Thọ trần tình thêm, ông bảo:

- Anh Thọ, anh về lên phương án tác chiến cho tiểu đoàn trên sa bàn, đêm mai phải nhổ cỏ bằng được cái Tân Ba cho tui.

Thủ trưởng đã quyết, đời lính chỉ có việc thi hành không được cãi. Dẫu đã thức trắng đêm, suốt ngày hôm sau Trần Thọ tập trung các đại đội, chia mũi tấn công, vạch hướng tiến công trên sa bàn. Và đêm hôm sau dẫn quân đi đánh.

Làm hậu thuẫn cho anh, Thân Trọng Một cùng đi. Ông dẫn theo một đại đội hỏa lực toàn hỏa tiễn cá nhân B40. Nếu tiểu đoàn Trần Thọ không hoàn thành xuất sắc trận đánh thì đại đội hỏa lực của ông cũng được đánh dập đầu căn cứ Tân Ba.

Đúng giờ xuất phát, ba mũi thọc sâu của Trần Thọ ra quân. Và đúng giờ G quy định, thủ pháo ta nổ giòn giã. Không đầy nửa tiếng đồng hồ đã làm chủ trận địa hoàn toàn. Đại đội hỏa lực đêm ấy “thất nghiệp” một cách vui vẻ.

Ngày hôm sau Thân Trọng Một cho tiểu đoàn đặc công 1 ăn mừng chiến thắng. Đó là một ngày vui tưng bừng không biết mệt.

Sau bữa ăn, ngồi nhâm nhi nước trà, Thân Trọng Một hỏi Trần Thọ:

- Anh có biết tại sao tôi quyết định tiểu đoàn 1 đánh Tân Ba gấp rút như vậy không?

Trần Thọ ngập ngừng.

Ông giục:

- Cứ nói, không sợ sai, coi đây như một bài vấn đáp sát hạch nâng bậc của thành đội ta.

Trần Thọ rụt rè thưa:

- Dạ. Thủ trưởng đã chơi một đòn tâm lý bất ngờ. Thằng địch biết cuộc điều nghiên của chúng ta đã bị lộ, chúng cho rằng đã bị lộ, Việt cộng không dại gì lao đầu vào một trận địa đã được bố phòng cẩn mật ít nhất phải một thời gian nữa Việt cộng mới nghe ngóng, tính toán kỹ lưỡng đã mới tấn công. Vì vậy chúng chủ quan, chưa vội bố phòng. Thủ trưởng đã cho đánh đúng vào đòn bất ngờ mang tính tâm lý ấy.

- Giỏi. Ông khen.

Bắt chặt tay Trần Thọ, ông cười hể hả:

- Tau rất mong các sĩ quan trong thành đội này đi guốc vào lòng tau như mi, Trần Thọ ạ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:50:19 pm »

ĐI MỞ TIỀN PHƯƠNG

NGUYỄN VĂN CẬN kể

Năm 1971, khi ba cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của Thành đội Huế đang đóng ở đỉnh núi Tre Linh thì Mỹ Ngụy mở chiến dịch Lam Sơn 719 hô hào “Lấp sông Bến Hải”. Chiến dịch ấy bị quân giải phóng đánh dập đầu ở Bản Đông (Lào), mũi tiến công bằng xe tăng của địch bị bẻ gẫy nát trên đường 9, chất đống hai bên cầu Cha-ki, thì Thành đội trưởng gọi chúng tôi họp ban tác chiến, ông nói:

- Công thức lính ngụy cộng vũ khí Mỹ đã thành mây khói trong chiến dịch Lam Sơn 719 của chúng.

Ông thông báo thêm:

- Ở trong Huế, để che đậy thất bại, chúng tập trung sĩ quan Ngụy ở rạp chiếu bóng Tân Tân trước cổng chợ Đông Ba trên đường Trần Hưng Đạo, đánh trống khua chiêng khuếch trương chiến thắng, đã bị nữ biệt động thành Huế Nguyễn Thị Lài đưa mìn vào tận trong rạp, cho nổ. Sĩ quan Ngụy chết cả đống. Chúng đang hoang mang tột độ.

Ông nói tiếp:

- Thời cơ sẽ đến với chúng ta. Để không bỏ lỡ thời cơ, tôi đề nghị cơ quan tham mưu hãy nhanh chóng lập hậu cứ tiền phương từng bước ta chuyển quân xuống đó, sẵn sàng phối hợp, mặt trận toàn miền.

Tham mưu trưởng thành đội cử tôi dẫn một nhóm sĩ quan vượt thượng nguồn sông Hương về phía Nam chọn địa điểm làm hậu cứ tiền phương.

Sau mấy ngày đi thực địa, chúng tôi chọn được vị trí rất thích hợp, đó là thôn Ka Đe, là hàng chục chóp núi đá vôi với nhiều hang động. Từ Ka Đe theo dòng Aro xuống Khe Tre, Khe Tre có đường ô tô nối với đường số 1 ở La Sơn. La Sơn thuộc địa phận huyện Phú Lộc, lên Huế chỉ hơn 20 cây số. Nếu chiến sự nổ ra, ta triển khai quân ở đoạn đường phía Nam Huế này, sẽ cô lập Huế hoàn toàn, lúc ấy tiêu diệt sinh lực địch như bắt cá trong nơm vậy. Rồi chọc thẳng một mũi vào Đà Nẵng sẽ phá tan kế hoạch phòng thủ Bắc miền Trung của Mỹ Ngụy.

Tôi lập đề án trình với Thành đội trưởng, ông gật đầu tán thành:

- Nếu xây dựng được hậu cứ ở Ka Đe, đồng bào dân tộc Ka Tu chạy loạn tan tác sẽ trở về quê hương làm ăn. Có dân chúng ta sẽ có đất. Từng bước mở rộng vùng giải phóng của mình.

Ông căn dặn:

- Nhiệm vụ mở tiền phương, có hai việc cụ thể. Một là chọn địa hình đẹp làm chỗ trú quân, hai là phải trồng thật nhiều sắn, có lương thực tại chỗ, không phụ thuộc vào gạo từ miền Bắc đưa vào bằng đường mòn Hồ Chí Minh. Có vậy ta mới thật trụ bám vững chắc được.

Cơ quan tham mưu cử một nhóm sĩ quan và hạ sĩ quan cốt cán làm tiền trạm về Ka Đe. Nhóm ấy tôi thượng úy trưởng ban thông tin làm nhóm trưởng. Các nhóm viên là Lầu, Ngọ, Hà, Chuẩn và Cách. Cách là người Ka Tu sẽ giúp chúng tôi quan hệ với nhân dân trong vùng.

Sáu anh em chúng tôi lên đường. Hành trang chúng tôi mang theo có súng đạn, dao, rựa, rìu và một ít hạt giống.

Sau chiến dịch Mậu Thân, Mỹ Ngụy định lùa chúng ta ra khỏi chiến khu bằng chiến dịch khai quang. Máy bay C130 phun thuốc khắp cánh rừng. Lá xanh rụng hết. Cây chết khô dần dần. Chúng tôi đi dưới những cánh rừng trụi lá ấy. Hai bên đường chỉ có cây lá nón, cây lá tơi chịu được thuốc khai quang, vẫn xanh tốt. Chốc chốc lại gặp một chùm quả tơi chín khô từng chùm. Chúng tôi bứt chia nhau ăn, lúc ấy có cảm giác như được ăn những quả nho khô vậy, dù quả tơi chỉ to bằng hạt đậu đen là cùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:51:08 pm »

Từ đỉnh Tre Linh, chúng tôi đi suốt hai ngày ròng rã, gặp một bản Ka Tu đầu tiên. Đó là bản Chòi. Gọi là bản, nhưng dân đã tản cư hết, chỉ có một gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con trai nhỏ chừng 6, 7 tuổi là ở lại. Người cha tên là Noan. Đứa con trai được đặt tên là A-i, tên của một loại chim rừng. Noan không làm nhà, cả gia đình sông trên sàn gỗ trong hốc đá bên cạnh thác nước nhỏ chảy ào ào cả ngày.

Tôi hỏi:

- Sao bản chỉ có một nhà Noan

Noan đáp:

- Thằng Mỹ ác quá, không chịu nổi bom đạn, họ phải chạy sâu vào rừng làm rẫy bí mật để sống rồi. Chưa làm được rẫy thì họ đào củ rừng mà sống.

Ngồi một lát, đợi tối trời, Noan mới dám đốt lửa bếp. Vì ban ngày, ở đâu có khói, tức là có dân ở. Trực thăng tới bắn cho bằng nát thì thôi. Vợ Noan bưng từ hốc trong ra một rổ quả luộc. Quả dáng giống quả sung, nhưng vỏ xanh như vỏ quả cau.

Tôi hỏi:

- Quả chi đó?

Vợ Noan đáp:

- Quả đoác.

Cây đoác như cây dừa. Nhưng quả thành buồng, giống cau. Những buồng đoác có hàng mấy trăm quả. Một loại quả hoang, rụng đầy rừng chẳng ai thèm nhặt. Vậy mà lúc đói này cũng thành lương thực. Luộc lên, lấy dao bổ đôi quả, trong có hạt đoác non giống cục bột lọc, bằng đầu ngón tay út. Ăn được thì ăn, vậy thôi, miễn là có cái cho vào bụng, chẳng biết có bổ béo gì không.

Nhìn chúng tôi ăn, Noan nói:

- Bộ đội có muối cho mình một ít để bồi dưỡng, không có muối cái chân đi run đầu gối tắm.

Lâu lấy nửa lon muối cho nhà Noan. Thằng con A-i như vồ lấy. Noan chia cho mỗi người một hạt, cầm hạt muối, thè lưỡi ra khe khẽ liếm. Chiến tranh là từ cái rất nhỏ như thế đấy.

Cứ theo dòng suối chảy ở nhà Noan, đi tiếp hai cây số nữa thì đến Ka Đe. Cả bản Ka Đe cũng chỉ có hai hộ. Họ không làm nhà ra ngoài tráng mà ở trong hang núi đá. Nhà chúng tôi đặt ba lô là nhà cu Kiết. Em Kiết là PLôốc. Cha Kiết, một ông già Ka Tu khỏe mạnh, đẹp lão. Da như đồng hun, ở trần cả ngày. Trên mình chỉ có mỗi cái khố với một cái píp thuốc trên môi suốt ngày phả khói mù mịt. Chúng tôi để hở tay chân, cổ, gáy là con dĩn và ruồi vàng đậu ngay vào đốt vừa nhức vừa ngứa, vậy mà cha Kiết phơi ngực, phơi lưng cả ngày, chúng đậu vào, bất lực lại bay đi. Thời gian và nắng gió rừng làm da ông chai lại. Chúng tôi gọi ông là A-ma. A-ma lấy rượu đoác ra đãi chúng tôi.

Tôi nói:

- Bộ đội chúng con thiếu gạo, phải về đây trồng thêm sắn. Ka Đe có chỗ đất nào tốt A-ma chỉ cho chúng con nhé.

A-ma trả lời:

- Làm nhà máy bay Mỹ bắn hết. Phải ở hang thôi. Còn đất rẫy thì tha hồ.

A-ma dẫn chúng tôi tới một cái hang đá. Hang ở ngay bên bờ suối A-ro, rộng như một căn nhà ba gian, sâu thăm thẳm tít vào bên trong. Chúng tôi bấm đèn pin vào mãi không cùng. A-ma bảo đó là đường nước chảy. Chúng tôi đốt lửa suốt đêm để nếu trong hang có rắn rết, nó sợ chạy hết về phía cửa hang đằng kia.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:51:49 pm »

Sáu anh em vào rừng chặt nứa về làm sạp. Chon chỗ đất cao trong hang làm bếp. Cửa hang cao chừng 5 mét, ngoài cửa có cả một khối đá to bằng ngôi nhà giống như bức bình phong che cho ngôi nhà của chúng tôi.

Chúng tôi ổn định chỗ ở xong, chọn được đất làm rẫy xong, Thành đội trưởng cho một tổ thông tin xuống để tiền phương dễ liên lạc với chỉ huy thành đội. Tổ thông tin đặt trên một hòn núi, họ làm hầm hố đàng hoàng. Phải ổn định sống, cho nên họ không thể ở trong hang như chúng tôi được. Không hiểu bên tổ thông tin có để lộ dấu tích gì không, bỗng một chiếc trực thăng cá lép đến lượn vòng, hầm hầm hè hè. Đúng nửa tiếng sau nó bắt đầu bắn đại liên. Bắn dai như bò đái. Chẳng thấy động tĩnh gì, thế là nó bay đi, mấy ngày sau không thấy quay lại nữa.

Tôi điện về báo cáo cho thành đội trưởng. Thân Trọng Một bình tĩnh trả lời:

- Việc bắn phá là của nó. Việc lập hậu cứ là của ta. Tình hình này chúng ta phải hướng về phía trước. Chú ý giữ bí mật, giữ kín ý đồ lập hậu cứ, nếu lộ, sẽ vỡ kế hoạch đấy.

Chúng tôi tiếp tục phát rẫy, trồng sắn. Hom sắn vào các rẫy cũ của đồng bào lấy, tha hồ. Thấy chúng tôi không sợ máy bay, lần lượt từng gia đình về theo.

Rất cảm động là tôi bất chợt gặp một gia đình người Ka Tu về Ka Đe. Người đàn ông lưng địu đứa bé trai độ hai tuổi, tay phải anh dắt một bé trai 7, 8 tuổi, tay trái cầm dây kéo theo một con chó vàng. Người vợ theo sau, gùi sau lưng có mấy củ hoài sơn lỏng chỏng và hai cây rựa cao vót trên miệng gùi, trên tay chị bồng một con gà mái. Tài sản của một gia đình Ka Tu thời chiến chỉ có vậy. Thế mà họ vẫn lẽo đẽo theo kháng chiến đến cùng.

Người chồng hỏi:

- Mình về được không bộ đội?

Tôi đáp:

- Về càng đông càng vui mà.

Anh nói:

- Rựa mình đùi lắm rồi. Bộ đội cho mình mượn rựa để phát rẫy với nghe.

Tôi trao ngay cây rựa cho anh:

- Mình tặng đồng bào đó.

- Thiệt không?

- Thiệt mà.

Anh cầm cây rựa như không tin đó là sự thật, anh rưng rưng nước mắt.

Chúng tôi tiếp tục phát rẫy. Ngay cạnh rẫy chúng tôi cũng đào hố cá nhân. Rẫy cứ phát và sắn cứ trồng. Cứ thấy chúng tôi mở thêm một rẫy, trực thăng lại lên bắn thêm một chiều.

Đợi lương thực tại chỗ, số gạo đem xuống chúng tôi phải ăn cầm chừng. Mỗi ngày mỗi người một lon. Đọt sắn, chuối rừng ở Ka Đe rất nhiều. Không sợ đói. Đoác ở đây cũng rất sẵn, nhưng A-ma không cho chặt, ông bảo cây đoác chịu được chất độc hóa học để cho kín rừng và khi nó già, có quả, lấy rượu đoác mà bồi dưỡng. Cây đoác già nào ông cũng khoét lỗ trên cuống buồng quả, đặt ở đó một ống lồ ô có vỏ cây chuồn làm men. Chúng tôi muốn uống rượu đoác, cứ ra đó mà lấy. Làng xóm trong chiến tranh sống gần gũi với nhau như một gia đình.

Chúng tôi đến Ka Đe để tạo thế cho cơ quan tiền phương sau này, giống như chúng tôi đi tiền trạm. Không còn phải lo công việc chiến đấu của người lính, nên chúng tôi rất rảnh rang. Ngày đi phát rẫy, trồng sắn. Đêm vào các hang đá thăm đồng bào. Thấy bộ đội về ở, đồng bào theo về ngày một đông. Cũng ở trong hang đá hết. Những hang nhỏ, một vài gia đình ở. Những hang rộng thì dăm gia đình ở. Mỗi gia đình một góc. Bếp lửa chất lên chỗ nào chỗ ấy có hơi ấm của một gia đình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:52:44 pm »

Đồng bào cũng đi phát rẫy. Chẳng mấy chốc thung lũng trước hang chúng tôi ở sắn đã lên xanh bạt ngàn. Thấy rẫy đầu tiên, máy bay lên bắn. Thấy rẫy thứ hai, thứ ba chúng lên bắn tiếp. Sau thấy bắn không ăn thua gì, rẫy một ngày một rộng nhiều thêm ra, chúng nhàm chán không thiết bắn nữa hay lúc này lực chúng đã cạn, sau chiến dịch Lam Sơn 719 thất bại, địch không đủ sức mở những trận càn lên miền tây nữa. Tuy vậy, những chiếc trực thăng đi bắn ở đâu đó về, còn một ít đạn, chúng về dốc nốt ở Ka Đe. Bom đạn đã thành thói quen, dân cũng bớt sợ.

Khắp vùng Ka Đe chỗ nào cũng có hầm trú ẩn, nghe tiếng máy bay, tất cả tự xuống hầm, thế là yên tâm.

Không biết chúng nghĩ gì cái hang chúng tôi ở, mà thỉnh thoảng lại đến trút đạn vào khối đá che cửa hang. Khối đá bị đạn vỡ toe toét. Nhưng chúng tôi sống bên trong vẫn bình yên vô sự.

Tổ thông tin cũng bị trực thăng rạt mấy lần, tuy họ ngụy trang nhà cửa hầm hố rất kín đáo, máy móc vẫn hoạt động đều.

Thành đội trưởng điện xuống khen:

- Các đồng chí đi tiền trạm đã tạo ra được một thế đứng chân ở tiền phương cho thành đội rồi.

Chúng tôi rất mừng vì hoàn thành nhiệm vụ và được thành đội trưởng tin cậy.

Anh Cận họp chúng tôi lại:

- Anh chị em ở hậu cứ vừa phải lo đời sống, vừa phải lo tác chiến, vất vả quá. Chúng ta ở đây rảnh rang hơn, có cách chi giúp đỡ được cho hậu cứ không? Tôi nghĩ vậy, nhưng chưa tìm được cách nào. Chúng ta thử cùng nhau suy nghĩ xem.

Con suối A-ro trước cửa hang chảy ra sông Nam Đông. Lầu và Chuẩn vác súng đi khảo sát. Sau cuộc “điều nghiên” trở về, Lầu nói:

- Ngoài sông Nam Đông nhiều cá lắm. Nếu đánh được cá, ta xông khô. Mỗi lần về cơ quan lấy gạo, ta chuyển vê cho cơ quan mấy gùi cá khô, chắc anh em ở nhà phấn khởi lắm.

Từ hôm đó, Lâu và Chuẩn được đặc cách lo thêm thực phẩm. Hai anh khoác gùi, đeo TNT đi. Vài ngày sau về là có mấy gùi cá đã xông tàm tạm. Cá về đến Ka Đe xông tiếp cho thật khô rồi chuyển về cơ quan.

Bể quen với tiền phương, cơ quan tham mưu lần lượt cử từng nhóm người về tham gia, sản xuất ở Ka Đe tham gia cải thiện đời sống.

Thú vị nhất ở Ka Đe là đi bắt dơi.

Hai anh em cu Kiết cu PLôốc rất thích rủ chúng tôi vào hang dơi. Hang dơi ở sâu trong rừng. Hang rất rộng. Tối dơi ríu rít bay ra từng đàn đi kiếm ăn. Sáng lại kéo nhau về hang. Tiếng dơi kêu chiu chít cả ngày. Chúng bám đầy trong vách hang.

Trong hang rất tối. Mùi phân dơi nồng nặc. Anh em cu Kiết, cu PLôôc bàn với chúng tôi bắt dơi lấy thịt. Chúng tôi đồng ý. Bản Ka Đe cứ mỗi nhà một người. Mỗi người một cây đuốc lớn. Cả mấy chục ngọn đuốc cháy rừng rực trong hang. Lửa cháy, cồng chiêng gõ inh ỏi. Bầy dơi bị khuấy động, hoảng hốt bay tán loạn.

Ở ngoài cửa hang dựng hai cây tre. Hai cây tre đã vặt hết lá, chỉ còn trơ cành. Mỗi cây tre hai người phụ trách cứ đu đưa trước cửa hang, đu đưa càng nhanh, càng mạnh, càng tốt.

Bị lửa và cồng chiêng gây náo loạn, dơi sợ, bay trong hang, rồi bay ra ngoài cửa. Ra cửa bị đụng vào cành tre, rách cánh. Cánh dơi rất mỏng bị đụng kiểu ấy cánh sẽ bị rách ngay. Rách cánh dơi không bay được nữa, rơi tại chỗ, bò lổm ngổm, chỉ việc túm cánh từng con vất vào bao gai.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:53:14 pm »

Có hôm chúng tôi bắt được cả chục bao gai dơi. Đem về chia nhau mỗi người một ít làm lương thực. Cả làng Ka Đe cùng ăn thịt dơi.

Dơi đem về chặt đầu, chặt cánh, lột da, là có ngay những cục thịt nạc. Đem thịt dơi bóp với muối ớt cho thấm, nướng chín trên than hồng, ăn ngon tuyệt vời, nhất là những ngày đói kém ấy. Để khỏi mùi hôi hôi của thịt dơi, lột da xong nhớ nhúng vào nước sôi, rửa cho kỹ, miếng thịt trở nên rất thơm.

Ai đi công tác tiền phương dịp này không thể quên được kỷ niệm nướng thịt dơi ăn, nghe radio báo tin chiến thắng.

Để tập hợp được dân, Thành đội trưởng cho người gùi muối từ đường tuyến về chia cho từng gia đình. Có lương thực, có muối, làng Ka Đe ổn định dần.

Cơ quan thành đội tăng cường lực lượng để củng cố hậu cứ tiền phương cho thật chắc chắn.

Ông Một bảo:

- Cứ nhìn cái làng Ka Đe, từ lúc dân sợ bom đạn chạy hết, bây giờ họ trở về, thấy cái rẫy xanh tốt Mỹ Ngụy phai bó tay. Đủ biết lực ta và địch đã thay đổi rồi.

Từ Tre Linh, thành đội chuyến xuống Mang Chang. Các đơn vị đặc công, bộ binh tìm cách áp sát thành phố. Đặc công ta tiếp tục đánh vào các căn cứ Phú Thứ, Ly Hy, Tân Ba. Tiểu đoàn pháo binh liên tiếp đưa đạn về tận Khe Cau, Đình Môn ngay sát lăng Gia Long bắn vào khu Tam giác phía Nam sông Hương.

Tiếng súng từ ngoài thành cổ Quảng Trị vọng vào càng làm nức lòng quân dân Thừa Thiên Huế.

Cuối năm 1972 ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần chuyển về đóng ở Ka Đe. Có một việc bất ngờ, doanh trại vừa ổn định xong, bỗng B52 ném đúng khu vực doanh trại đóng quân. Nhờ hầm hố chắc chắn nên chỉ có một anh Ninh đang từ bếp về ban dính bom hy sinh. Còn tất cả an toàn.

Có ý kiến cho là chỗ ở đã bị lộ. Phải coi lại nội bộ mình yêu cầu ban tham mưu xem xét liệu có phải chuyển chỗ không.

Thân Trọng Một rất tỉnh táo, ông nói:

- Hư hư thực thực là bí quyết của quân sự. Thời thế đã đến với chúng ta. Hoang mang lúc này là có tội. Hậu cứ Ka Đe là chỗ đứng của chúng ta bây giờ.

Quả nhiên sau đó không có loạt bom B52 hay loại bom nào ném xuống Ka Đe nữa.

Năm 1973 tình hình chiến trường thay đổi, cần phải thống nhất lại lực lượng quân sự của tỉnh, tạo ra những quả đấm cần thiết, tỉnh có quyết định thành đội lại sát nhập vào tỉnh đội. Và Ka Đe vẫn là mũi tiền phương của tỉnh đội, tiếp tục củng cố vững chắc để chờ đón thời cơ.

Tiền phương Ka Đe, càng suy nghĩ kỹ càng thấy đó là một quyết định sáng suốt, có tầm nhìn quân sự vững vàng.

Đến năm 1975, Buôn Mê Thuật vỡ, Plây Cu, Lộc Bổn tan hoang, mũi tiến công từ chiến khu Trị Thiên về đồng bằng làm địch hoảng loạn nhờ lực lượng ta triển khai cắt đứt đường rút lui của địch về phía Nam Huế, cắt đứt đèo Hải Vân. Hết đường chạy chúng xô nhau xuống cửa biển Thuận An, vất quân trang quân dụng, súng đạn, xe cộ, chen nhau nhảy lên tàu, bắn nhau, hất xác nhau xuống biển, nhảy lên tàu chạy ra ngoài biển. Đội ngũ địch rối loạn, tan tác. Hoàn toàn bó tay trước sức tấn công như bão táp của quân giải phóng. Góp một phần không nhỏ vào chiến dịch Hồ Chí Minh ở Bắc đèo Hải Vân.

Lùi một thời gian dài để tự nhìn lại, quả thật đi mở tiền phương ở phía Nam, lấy Ka Đe làm một mũi tấn công đón thời cơ là một quyết định đầy tư tưởng chiến lược. Càng nghĩ càng thấy tuyệt vời.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 05:52:26 pm »

MỘT NGÀY NHƯ MỌI NGÀY

LÊ QUỐC CHIẾN kể

Tôi là lính công vụ của ông, nên ông đi đến mô tôi cũng phải theo ông đến đó, hay gọi là được đi cùng ông đến đó cũng vậy.

Hôm tôi được ban cán bộ quyết định tôi về làm công vụ cho ông, anh Bích trưởng ban tuyên huấn gặp riêng tôi, dặn dò kỹ càng. Anh bảo:

- Làm công vụ không phải là làm đầy tớ cho thủ trưởng mà là giúp đỡ cho thủ trưởng được thảnh thơi đầu óc để lo toan việc chỉ huy đơn vị. Trước đây thằng Trung đi với ông, nó ham chơi lắm. Một bữa ông ngồi trước bản đồ tính toán trận đánh, lúc ông khát nước, sờ tới phích không còn một giọt, ông đập tan cái phích. Tìm thằng Trung, nó đang ngáy khò khò trên võng, ông đánh thức nó dậy, hô nghiêm, bắt nó đứng suốt buổi. Đến lúc nó sực nhớ công việc của mình, nó xin lỗi ông: “Em xin lỗi, cho em đi nấu nước cho thủ trưởng uống ạ” Ông bảo: “Mi định cho tau khô cổ đến chết hả?”. Đem được nước lên, ông khen: “Giỏi, biết thương tau vậy mới là thằng Trung chứ”. Em liệu mà lo toan cho ông.

Cùng đi với ông tôi càng thấy sau cái tính nóng nẩy của ông là cái tình thương người rất bao la. Hôm tôi theo ông lên quân khu họp, qua cây khế, vượt sông Mụ Nú, hai chú cháu dừng lại dưới chân dốc Ông Già ăn trưa. Chỗ này có con suối chảy qua rất đẹp, trước đây thường gặp một ông già ngồi câu cá và thế là thành tên. Vừa ăn xong, chưa kịp uống nước, chợt ngửi thấy mùi khói, ông giận dữ: “Có đứa mô định phá hậu cứ đó hả”. Không uống nước, ông bắt tôi đi ngay. Ngược suối chừng 100 mét, gặp một nhóm 4 chàng lính đang ngồi nấu cháo bên bờ suối, khói bay lững lờ. Ông hét lên:

- Chiến. My múc nước dội vào cái bếp kia cho tau. Bọn bay định gọi máy bay tới ném bom cho tan cái hậu cứ ni hả?

Thấy ông, mấy chàng lính chợt tỉnh, vội kéo mấy lẻ củi khói, dụi xuống đất, năn nỉ:

- Trên Ka-nôn, chúng em gặp thằng bạn hậu cần, cho được một nắm thịt bò khô. Về đây đói quá nấu cháo ăn thủ trưởng ạ. Tại thằng Nam hư ăn, nó cho nhiều nước quá, đun mãi không cạn, mà đổ bớt nước đi thì tiếc. Ít nhất cũng là nước có tí chút mùi thịt bò.

Nghĩ thương tình, ông quay hỏi tôi:

- Hình như mình còn một chút bánh lương khô hả Chiến?

- Dạ, còn một bánh. Tôi đáp.

- Lấy ra.

Tôi đưa bánh lương khô cho ông, ông đưa cho người lính vừa trần tình:

- Bóp vụn ra, cho vào nồi cháo, cháo sẽ đặc ngay, khỏi phải đổ đi xí nước thịt nào.

Chúng cảm ơn ông rối rít, giữ ông lại ăn cháo cho vui. Ông bảo:

- Bọn bay là ẩu lắm. Lần sau nấu nướng để khói tau biết được, đừng trách thằng này ác, nghe chưa?

Mấy người lính cố giữ ông lại, ông cười:

- Tưởng cho bọn bay bánh lương khô là tao chơi trò dính máu chia phần đó hả?

Nói rồi hai thầy trò lại tiếp tục lên đường, tốp lính nhìn theo chúng tôi lưu luyến. Chúng tôi vượt dốc Dòng qua bãi Sàng cỏ tranh mênh mông, vừa đi vừa ngó ngang ngó dọc đề phòng trực thăng đột kích vồ mồi. Qua Ka-nôn, vượt đường tuyến, gặp một khẩu đội 12 ly 7 đang trực chiến bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh. Thấy chúng tôi đến gần, cánh lính pháo rất hồ hởi, chúng chạy ra, cầm tay Thân Trọng Một:

- Bố ơi, bố vào thăm đơn vị chúng con đi. Vừa nói, chúng vừa dắt ông đến bên khẩu pháo, rối rít rót nước trà mời ông uống.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 05:53:46 pm »

Một người lính hỏi:

- Bố lên chiến khu có việc gì đấy hả bố?

Ông Một đen, gầy, cao to, trông dáng rất khắc khổ, giống một ông già cần lao hơn là một ông tướng cầm quân. Ông đáp:
 
- Bố có đứa con đi bộ đội trên đường tuyến, bố lên tìm thăm nó.

Cánh lính trẻ nhao nhao vỗ ngực mình:

- Bố ơi, con bố đây, phải không bố.

Một chàng lính nói:

- Chắc con bố chả đi lính phòng không đâu. Lính phòng không cô đơn, lạnh lùng lắm, toàn thép là thép, đụng vào đâu tê người đến đó.

Nói tới hai chữ “phòng không” chợt thành đội trưởng cười vui:

- Này lính phòng không, tau đố tụi bây biết binh chủng phòng không của chúng ta ra đời từ khi mô.

Bọn lính bỗng lặng đi. Có đứa nói từ chiến dịch Điện Biên Phủ, lính ta kéo pháo vào, kéo pháo ra, anh hùng pháo binh Phùng Văn Khầu nổi tiếng từ đó.

Ông cười:

- Bọn dốt ơi, không chịu học chi cả. Phòng không có từ thời cụ Nguyễn Du kia. Cụ đã chẳng tả rằng: “Phòng không lặng ngắt như tờ, bốn phương phẳng lặng rêu lờ mờ xanh” đó là chi.

Cả bọn lính cười rũ rượi:

- Bố tiếu lâm ghê ta.

Nói tới Truyện Kiều, một anh cao hứng đọc:

“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn…”

Ông Một khen:

- Thằng ni thuộc Kiều ghê - ông cười - Nầy, tau đố bây biết Nguyễn Du tả Kiều tè ở chỗ mô?

Cả đám lính lặng thinh nhìn nhau. Lát sau, lục hết mọi ngóc ngách của trí nhớ, thất vọng, chúng nói:

- Cái ấy thì chúng con chịu bố.

Thân Trọng Một cười vang:

- Học Kiều ra rứa mà cũng đòi học, này, bọn bay nghe này - ông đọc - “Sè sè nắm đất bên đường, dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Ông giải thích: rõ ràng xè xè là Kiều đái chứ chi, nước đái Kiều làm cho cỏ tái đi. Chẳng rầu rầu nửa vàng nửa xanh đó là chi nữa.

Một anh lính bước ra đứng trước mặt ông Một:

- Cho con xin vái bố ba vái.

Lính cả khẩu pháo cười vang rừng, ông Một nói:

- Xin cụ Nguyễn tha cho tội phạm thượng của chúng con, ấy là chúng con đùa vui, chứ không dám phạm tới chữ nghĩa của cụ mô ạ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 05:54:34 pm »

Ông quay sang cánh lính:

- Thôi cười đã rồi, vặn radio cho hát một vài bài xả nào.

Khẩu đội trưởng xịu mặt:

- Bố ơi, nào chúng con có ra-đi-ô, đi-iếc gì đâu. Đêm giữa rừng sâu, đến sao cũng không có đủ để đếm, buồn tình bọn con vỗ bụng hát theo với nhau cho vui thôi ạ.

Ông hỏi:

- Không có radio thiệt hả.

- Chúng con đâu dám nói dối bố.

Ông mở túi mình, lôi ra chiếc radio National của Nhật, loại 3 viên pin đại.

- Đây, bố tặng các con, mỗi khi nhớ bố, các con mở đài ra, là bố con ta được nói chuyện với nhau liền.

Niềm vui đến bất ngờ quá, khẩu đội trưởng thay mặt anh em ôm chầm lấy ông, cảm ơn rối rít. Anh nói:

- Bố cho chúng con địa chỉ. Ngày giải phóng Huế, nhất định chúng con sẽ vào Cố đô tìm bố.

Đến lúc này thì tôi phải nói:

- Anh em ơi, bố đây là Thân Trọng Một, Thành đội trưởng thành đội Huế của chúng tôi đó. Anh em cứ về Huế hỏi Thân Trọng Một thì ai cũng biết.

Cả lũ rưng rưng nước mắt cầm tay ông:

- Hóa ra chúng con được gặp Thân Trọng Một. Nghe tên bố mãi, nghe chuyện bố mãi. Chúng con phục cây dang vót nhọn của bố lắm. Trời tiếc quá, không có máy ảnh để chụp với bố một kiểu giữa chiến khu thiêng liêng này.

Cả khẩu đội viết tên, viết địa chỉ vào một tờ giấy trao cho ông:

- Nếu bố có điều kiện ra Hà Nội nhớ tìm đến chúng con bố nhé.

Thời gian không cho phép, nên chúng tôi đành chia tay nhau. Khi vượt sông A-Sáp, leo dốc 1800 tôi nói với ông:

- Thủ trưởng cho mất radio lấy chi mà nghe?

Ông đáp:

- Cha mẹ chúng nuôi con lớn bằng ngần ấy, chưa giúp được chi, đã cho chúng vào chiến trường, sống chết mong manh từng ngày. Đến máu xương của chúng chúng còn chẳng tiếc, mình tiếc cái radio răng được.

Ông nói rứa thì tôi chịu, hết cãi. Bao giờ ông cũng có cái lý của mình. Lý của ông rất đơn giản, bao giờ cũng vì mọi người, nghĩ đến mọi người mà quên mình.

Tối ấy chúng tôi leo lên đỉnh dốc 1800. Tôi nấu ăn, mắc võng cho ông nằm. Cũng trong giờ này mọi đêm ông mở radio chăm chú nghe bản tin quân đội. Hôm nay không có đài, ông ngủ ngay, thanh thản như không hề có chuyện chi xảy ra. Từ đó không bao giờ ông nhắc tới chiếc radio đã cho. Chỉ thỉnh thoảng giở tờ giấy ghi địa chỉ của anh em trong khẩu đội. Ông bảo:

- Có việc ra Hà Nội, nhất định tau sẽ đến thăm các gia đình ni. Nêu mi đi với tau, mi nhớ nhắc tau, đừng có quên đó nghe.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM