Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:22:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thân Trọng Một - Con người huyền thoại  (Đọc 7867 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:31:14 am »

Thành đội trưởng giải thích rất đơn giản:

- Nhân dân các dân tộc Ka Tu, Tà Ôi đang còn ở lại với chiến khu, chúng ta thì không lo chi chúng ta không tồn tại.

Chúng tôi hiểu và bảo nhau: “Nếu cần, chúng ta sẽ ăn củ rừng, ăn lá rừng như đồng bào để bám trụ. Họ sống được thì chúng ta cũng sống được. Cách mạng Thừa Thiên cần đến chúng ta, là cần lúc này đây. Chúng ta không thể phản bội nhân dân của mình”. Một ai đó giận dữ nói: “Nếu lúc nầy bắt được thằng Quản Thế Lĩnh, tau sẽ băm nó ra thành cám, phải đề nghị thành đội cho chúng ta bắt bằng được nó lên đây”.

Không lúc nào hờn căm kẻ phản bội bằng lúc này.

Để bộ đội yên tâm bám trụ, thành đội trưởng bằng lòng cho bộ đội được săn bắt thú rừng để tăng cường lương thực, thực phẩm cho các đơn vị.

Cơ quan tham mưu thành lập một tổ đi đánh cá. Tổ này gồm mấy tay lặn lội giỏi như rái cá, đó là Phúc. Lầu, Chuẩn, Cách. Họ được phát bộc phá, tìm những chỗ suối, nhánh sông sẵn cá, đánh mìn, vớt cá lên, xông khô. Khi nào mỗi người được một gùi cá khô đầy chừng 30 cân thì mang về cơ quan.

Tôi nhớ có lần Lầu, Khúc đánh cá ở sông Mụ Nú, được nắng, họ phơi trên các hòn đá lớn lổng chổng bên bờ sông Mụ Nú. Gần tối, họ ra lượm vào, đưa vào dân xông. Lúc ra gần đến nơi, Lầu và Khúc chợt thấy một con cọp đang lượm từng con cá một ăn. Sợ quá hai người trèo tót lên cây ngồi, đẩy đạn lên nòng sẵn sàng bắn trả nếu con cọp ấy đuổi theo. Song, hình nó không phát hiện ra, nên khi đã no bụng, nó đủng đỉnh vào rừng. Lúc ấy Lầu và Khúc mới dám ra lượm cá. Song cả đêm ấy cả lũ nơm nớp không ngủ, phân canh gác đàng hoàng.

Ở cơ quan, Thành đội trưởng cho điều một tổ “hùm xám đường 14” của A Lơn về đi săn. Những con dôộc họ bắn về, buộc tay nó trên xà nhà, hai chân nó thõng xuống sát đất. Lúc làm lông xong, đổ bên suối, con dôộc trắng hếu, trông khá giống người. Dôộc nấu với củ móng trâu ăn cũng ngon.

Nhưng vui nhất và rất ngon là những ngày bắn được voi, có thịt voi nướng.

Tôi nhớ hôm bắn được con voi ở Khe Vịt, không chỉ thành đội bộ đi lấy thịt, mà các đơn vị chiến đấu cũng cho người tới. Dao găm hoàn toàn bất lực, cắt da voi, cắt thịt tốt nhất là có cái liềm thật sắc. Cắt thịt voi bằng liềm, như cưa. Mấy người chui lọt vào bụng con voi cưa thịt nó, vất từng tảng thịt ra. Ai đầy gùi thì về ngay, chẳng ai thiết tập trung làm gì.

Ngày có thịt voi, bếp tham mưu thật vui. Các ban cử thêm người thái thịt. Cả tạ thịt mới đầy cái chảo quân dụng. Anh Hoàng Minh Đăng cầm cái xẻng khá to. Chúng tôi chìa soong ra, anh xúc cho đầy soong. Còn dặn:

- Ban nào chưa no, đem soong xuống lấy tiếp.

Nói vậy chứ, các ban đi lấy thịt voi, đều giữ riêng cho mình một tảng thịt to. Con voi hàng mấy tấn thịt, ai lấy bao nhiêu cứ việc. Chả ai so bì gì. Ăn thịt nhà bếp đã hết, đã no, chúng tôi về thái thịt riêng của mình, ướp muối rồi ngồi quanh bếp lửa. Mỗi anh có một cái xiên nhọn. Xiên mấy miếng thịt tự nướng, tự ăn, chán thì thôi, bõ cho những ngày ăn rau tàu bay, ăn hạt sót. Được cái thịt voi rất hiền, ăn mấy cũng không một ai bị đau bụng.

Dở nhất trong con voi là lá gan của nó. Gan voi to bằng cái thúng. Ăn rất nhạt, hầu như không có hương vị gì. Có người bảo nó giống như đất sét vậy.

Ngon nhất ở con voi là cái vòi và 4 cái đệm nơi bắp chân voi. Ngọt thịt và thật béo như thịt lợn vậy. Hết nạc vạc đến xương. Hết thịt, chúng tôi lấy da voi ninh. Ninh cả đêm, da nó ninh kỹ dày cả nửa gang, thái nhỏ ra, trộn với muối, ớt, cọng rau môn thịt cũng ăn no được.

Chúng tôi tìm mọi cách, làm mọi cách để bám trụ. Chị Thừa Một, Chị Thừa Hai vẫn điều nghiên đánh Ly Hy, Tân Ba... để chứng tỏ thành đội Huế còn đây. Sau mỗi trận đánh ấy chúng trả đũa bằng bom đạn tơi bời.

Trời vẫn tiếp tục mưa. Đường đồng bằng vẫn tắc. Thành đội trưởng quyết định chuyến cơ quan lên Khe Xương Voi. Ở đó lên đường tuyến gần hơn. Trong tình hình này phải bám đường tuyến mà sống vậy. Khi nào mở được đồng bằng sẽ lại tiếp tục ép sát thành phố.

Cơ quan tham mưu chúng tôi lại khăn gói chuyển sâu vào Khe Xương Voi, gần Mụ Nú.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:33:50 am »

MỘT MÙA MƯA NGHIỆT NGÃ

Những cánh rừng bị chất độc hóa học, lá rụng hết. Không phải do gió bứt ra, hay già rụng xuống. Lá bị chất độc không khô, mà bầm nát, rồi thối mủn. Đi qua các cánh rừng này, dậy lên mùi thối thum thủm.

Lá rụng. Cây cứ thế chết khô. Đứng xa nhìn những rừng xanh nguyên thủy xưa, bây giờ mênh mông màu xám úa của vỏ cây chết. Chỉ một thời gian sau, gặp những trận gió mạnh, cây đổ ngã hàng loạt, rầm rầm. Dưới đất, chỉ có loài cây lá nón là vẫn xanh tốt như xưa, không hề bị chất độc hóa học tàn phá.

Địa điểm đóng quân ở Khe Xương Voi không được lâu, phần vì đám rừng xanh này luôn luôn bị nhòm ngó. Suốt ngày máy bay cánh vuông nghiêng ngả, thóc mách. Chỗ nào nghi ngờ, chúng bắn xuống đó một quả đạn chỉ điểm. Đạn chạm xuống đất, nổ tung, bốc lên trời một dám khói kéo dây từ mặt đất lên. Được chỉ điểm, lũ máy bay F105 từ đồng bằng được gọi lên bắn phá, bỏ bom.

Những đám rừng màu nâu xám lan đến gần. Phần vì chỗ đóng quân cách đường trục chiến khu không xa chỉ vài trăm mét, đù có ngụy trang cũng rất dễ bị lộ. Trên đường trục chiến khu, người đi lại suốt ngày: những nhóm cán bộ chiến sĩ đi công tác, từng tốp dân công gánh thương binh từ phía đồng bằng lên, rồi cả những cuộc chuyển quân. Nhóm thám báo mới đây bị diệt một cách vô tang chứng càng làm địch chú ý.

Trước tình hình ấy, thành đội trưởng Thân Trọng Một quyết định lui quân thêm một bước. Chỗ mới đến, anh em gọi là A-te. Vì nó rất gần điểm cao A-te nhọn hoắt cao vọt hẳn lên, hơn tất cả những mỏm núi xung quanh.

Một con suối chảy giữa hai sườn đồi tầng tầng lớp lớp rừng cây nguyên thủy. Rất kín đáo. Cả ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần tụ hội lại hai bên dòng suối ấy. Ở A-te tuy cách Khe Xương Voi không xa, nhưng có địa thế quân sự, cũng rất thuận lợi con đường vận chuyển lương thực. Từ A-te, qua dốc ông Già, lên Dòng, đến một thung lũng bằng phẳng, có tên là Sàng. Đi hết thung lũng này là đến đường tuyến tức đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc Trường Sơn. Vũ khí, quân trang quân dụng và cả lương thực để từng kho dọc đường tuyến này. Từ A-te lên đến đường tuyến chỉ mất có hai ngày. Đoạn đường này nguy hiểm nhất là thung lũng Sàng. Không có cây to, toàn cỏ tranh. Máy bay trực thăng, máy bay trinh sát ve vè nhòm ngó suốt ngày. Vì vậy phải tính toán thời vượt qua bãi tráng này an toàn.

Đường thứ hai là từ A-te đi Khe Nước Rỉ, từ Khe Nước Rí lên sông A Rí. Bên kia sông A Rí thuộc địa phận xã Hương Hữu của huyện Nam Đông. Không phải Hương Hữu bản địa, mà là Hương Hữu tản cư lên đây. Đi hết xã Hương Hữu lên Ư Ràng là đất của Lào. Đóng quân ở A-te tiến, lui đều thuận lợi.

Đào hầm, dựng nhà ở A-te chưa được bao lâu đã lại thấy bà già cánh vuông bay vè vè trên đầu. Thành đội trưởng ra lệnh ngụy trang doanh trại. Lối từ đường trục rẽ vào, phải ngụy trang thật kín. Đường trong doanh trại không để lộ dấu vết. Nhất là đường từ nhà các ban, phòng xuống suối lấy nước phải ngụy trang kỹ. Vì thằng địch cũng hiểu rằng Việt cộng ở chiến khu thiếu gì thì thiếu song không thể thiếu nước, phải bám vào các suối mà sống. Vì vậy chúng cho máy bay u-u-ti-ti luồn lỏi vào các khe núi, bay thật thấp, thấp hơn cả ngọn cây cao để tìm dấu vết nơi ăn chốn ở của Việt cộng. Có đơn vị thiếu cảnh giác, chúng đã phát hiện ra, gọi từng bầy trực thăng lên bắn phá tan tác. Cả chiến khu bây giờ thực hiện khẩu hiệu: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không nghe” một cách triệt để.

Ông Thân Trọng Một gọi trưởng ban 5 Hoàng Minh Đăng lên hỏi:

- Tình hình lương thực ra răng?

Hoàng Minh Đăng đáp:

- Ở đồng bằng thằng địch đang tiến hành chủ trương: “Tát ao bắt cá”, “bôi lem”, “ngăn chặn” để tách quần chúng ta khỏi cách mạng. Vì vậy lương thực từ đồng bằng lên rất khó. Hầu như không trông mong chi. Đội kinh tế của hậu cần vẫn bám hành lang, nhưng chưa phát huy được tác dụng. Chỗ chúng ta ở đấy gần đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng đang mùa mưa, xe cộ đi lại rất khó khăn, các kho dự trữ đã vơi, không được bổ sung đều.

Ông Một hỏi:

 - Lính ta chừ mỗi ngày được ăn ra răng?

Hoàng Minh Đăng đáp:

- Mỗi ngày một lon rưỡi. Song khó khăn nhất là chưa có lương thực dự trữ.

- Kế hoạch của anh, của ban Năm?

- Tăng cường tự túc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:36:11 am »

So với những ngày ở Tà Rầu Tà Vò đời sống ở đây có khó hơn. Song chưa được nửa cân gạo một ngày, sức ăn của lính chiến, toàn thanh niên đang sức vóc, ăn mấy cũng không biết no, quả thật là điều nan giải. Bếp ăn tăng cường vào rừng lấy môn vót, môn thục, tai nai, đoác độn lót thêm vào. Tổ đánh cá Dương Công Lầu, Lê Văn Chiến, Khuê được phát thêm thuốc nổ TNT loại hai lạng một bánh để đánh cá, xông khô. Nhóm săn bắn từ trung đội A Lơn cũng được tiếp tục hoạt động.

Nhiệm vụ của thành đội bây giờ là phải bảo toàn lực lượng, đợi miền Bắc bổ sung quân và nhất là chờ thời cơ mới có thể hoạt động được. Địch tăng cường thọc sâu vào núi rừng miền Tây A Lưới đã bị hai đòn chí mạng: Cô-ca-va và Đồi Thịt Băm. Ba chữ Đồi Thịt Băm đã gợi lên thất bại thê thảm trên núi rừng của Mỹ Ngụy. Song lúc này chúng đang còn sức. Lính chủ lực của ta đối mặt với chúng được, còn ở địa phương như Thừa Thiên Huế bám trụ chắc, không bị tiêu hao lực lượng đã là một thắng lợi rồi. Lúc khó khăn ấy, lính chúng tôi bảo nhau: “Chỉ riêng việc ăn môn vót bám trụ suốt từ sau Mậu Thân đến giờ, mọi người lính chúng ta đã xứng đáng là một anh hùng rồi”. Lính chúng ta đi công tác miền Tây lấy hết áo đến quần đổi sắn của đồng bào để tồn tại. Có khi lấy cả võng để đổi lấy một con gà. Đó là những bữa đại tiệc. Bí quá, có chiến sĩ đã lấy đạn AK đổi sắn. Một viên đạn đổi được ba củ sắn. Đói làm liều, bị kiểm điểm: dọa đưa ra tòa án binh, từ đó không ai dám đổi đạn lấy sắn nữa.

Đồng bào dân tộc cũng rất đói. Hầu như đời sống chính của họ là sắn. Khổ nhất là đói muối. Có cụ già miền núi chìa tay ra nói với chúng tôi: “Các con cho bố một hạt muối để bố bồi dưỡng”. Trước cảnh ấy, chúng tôi đều rưng rưng nước mắt. Họ không tiếc gạo, tiếc ngô, tiếc sắn. Có gì cho bộ đội được là cho ngay. Để đồng bào thiếu muối là tội của chúng ta. Đã đành phải thông cảm với hoàn cảnh, nhưng những gì thiếu sót của ta, không thế ngoảnh mặt làm ngơ được.

Những ngày ở A-te trôi đi chậm chạp, có phần nặng nề nữa. Bỗng một buổi chiều cả cơ quan thành đội xôn xao cả lên. Đó là một buổi chiều máy bay trực thăng Mỹ từng đêm chở quân đổ xuống cao điểm A-te. Đổ quân xong chiều ấy, ngày hôm sau chúng chở bao cát lên đắp công sự, chở cả lô cốt lên củng cố hệ thống phòng ngự. Cuối cùng là những khẩu pháo treo lủng lẳng dưới bụng trực thăng thả xuống.

Ngồi chỗ nào trong cơ quan thành đội anh em cũng hỏi nhau: “Thằng Mỹ định làm gì đây?”. Chiếm một điểm cao để khống chế xung quanh đã đành. Song sau đó chúng sẽ tiếp tục làm gì?

Chỉ hai ngày sau âm mưu của chúng đã rõ: chúng bắt đầu đổ quân xuống tiến hành một trận càn khá quy mô. Lùa chúng ta ra khỏi giáp ranh, bây giờ tiếp tục hóng lên, đẩy chúng ta càng xa càng tốt. Đó là chiến thuật “ngăn chặn từ xa” của Mỹ Ngụy. Chúng rất sợ quân giải phóng áp sát vào thành phố.

Thành đội trưởng họp cơ quan tham mưu, ông nói:

- Mỹ Ngụy đang tập trung quân ra Trị Thiên. Theo báo cáo, cứ mười người dân thì có một lính ngụy. Bây giờ chưa phải lúc ta đối mặt với chúng. Bảo toàn lực lượng chờ thời cơ đó mới chính là công việc của chúng ta lúc ni. Vì vậy cơ quan ta phải lui về phía sau một bước nữa. Không một ai được nghĩ rằng chúng ta thua chạy. Lùi một bước để tiến hai bước, đó là lý luận quân sự. Không có chi sai cả.

Máy bay F105 bắt đầu thả bom thăm dò xung quanh. Lực lượng càn quét đầu tiên đổ xuống Mụ Nú. Cơ quan thành đội được lệnh rút lui.

Nhìn cảnh lui quân thật buồn. Mỗi người một ba lô quần áo, súng khoác vai, đạn thắt ngang lưng đã đành. Đây là một cơ quan hành chính của một đơn vị quân đội, nên phòng ban nào cũng đầy tài liệu. Toàn tài liệu mật, không thể để rơi vào tay địch. Phải chuyển đi tất cả. Tài liệu được chất đầy các thùng đạn đại liên. Thùng đạn của Mỹ bằng thép, rất chắc chắn nắp đậy có roăng cao su, rất kín, không sợ nước vào tài liệu đặt bên trong suốt mùa mưa không bị ẩm mốc. Chiến sĩ phòng ban nào cũng cồng kềnh những thùng đạn buộc chắc chắn trên đỉnh ba lô.

Đoàn quân nối đuôi nhau, hướng về phía Khe Nước Rỉ đi luôn trong rừng cây. Máy bay bà già vẫn lượn vè vè trên đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:37:08 am »

Tôi không được đi trong hàng ngũ rút lui ấy. Cơ quan cử một lực lượng nhỏ ở lại giữ doanh trại. Tất cả gồm có 7 người: 3 chiến sĩ trinh sát: Viết, Đỗng, Hiền. Viết lính Hà Bắc, Đỗng, Hiền lính Hà Nội. Bốn anh em ở cơ quan là: anh Đát, Phong - liên lạc của anh Đát, Bùi Bình Nhu, y sĩ. Nhu phải ở lại để lo cho anh em những việc bất trắc. Người cuối cùng là tôi. Anh Đát chỉ huy toàn bộ lực lượng mỏng mảnh ở lại. Anh vốn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 815 đánh vào Huế những ngày Mậu Thân. Sau chiến dịch anh được điều về làm tham mưu phó cơ quan tham mưu thành đội.

Anh Đát họp chúng tôi lại nói:

- Bảy anh em chúng ta ở đây, Thành đội trưởng chỉ giao cho chúng ta một nhiệm vụ: phải tuyệt đối giữ bí mật, an toàn hậu cứ. Còn chúng ta phải quyết tâm không để một ai thương vong. Chỉ một trong bảy người bị thương nằm một chỗ đã phiền phức tới sinh hoạt và sẽ ảnh hưởng không ít đến tác chiến.

Với bọn lính chúng tôi, đó là một mệnh lệnh. Không được bàn lùi, chỉ có cách bàn để tiến lên.

Anh Đát nói tiếp:

- Các đồng chí đừng ngại. Bên cạnh chúng ta có một lực lượng chiến hữu hùng mạnh, đó là núi rừng.

Ở đây, anh Đát là một sĩ quan chiến lược. Trong trận càn này địch tung ra hai trung đoàn. Chúng quyết tìm cho bằng được dấu tích thành đội Huế. Anh Đát dám dùng một lực lượng nhỏ để chống lại một âm mưu lớn. Anh thật là người ngoan cường.

Qua phân tích của anh Đát, ở đây, chúng tôi phải làm hai việc. Một là ngụy trang doanh trại, sao cho dù bọn lính Mỹ có cắt một lối đi thọc vào cũng khó biết rằng dưới chân chúng là doanh trại của một đơn vị quân đội. Hai là tổ trinh sát cùng với tổ lính của tham mưu phải bám chặt thắt lưng địch. Để nếu chúng có định đi vào khu vực doanh trại của mình thì phải đánh địch để “kéo” chúng ra.

Như vậy là nhiệm vụ của cả hai tổ đều rất nặng. Vừa không để lộ lực lượng của mình, vừa bám thắt lưng địch để tìm cách “điều khiển” hướng đi của chúng.

Chúng tôi bắt tay ngay vào việc ngụy trang. Đầu tiên là ngụy trang đường. Phải xóa toàn bộ đường mòn lâu nay anh em đi lại trong doanh trại. Rồi lấy mùn, rác, lá khô trong rừng phủ kín lên trên, giống y như chưa hề có một ai bước chân tới bao giờ.

Ngụy trang đường xong, chúng tôi ngụy trang nhà, kéo những cây dây leo đong đưa, lõng thõng trong rừng nguyên thủy, cột chặt vào mái. Phải nói rằng đây là một cuộc ngụy trang rất quy mô. Cả một doanh trại chứ không phải một hai mái nhà. Vậy mà chúng tôi làm được. Nhờ có cây rừng che khuất, nên chúng tôi tiến hành không cần mất nhiều sức mà cần sự khéo léo.

Trong ba ngày chúng tôi ngụy trang xong. Anh Đát tự khen: “Ra chúng mình thế mà giỏi thật”.

Địch bắt đầu triển khai thế trận càn. Tổ trinh sát được tung ra bám sát địch. Điều rất may cho chúng tôi là địch hoàn toàn mù về đối tượng của mình, ở 815 có kẻ đầu hàng địch mới biết chỗ của chúng ta. Chứ ở đây, chúng có một thông tin nào đâu. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không nghe” quả thật là chủ trương rất có tầm chiến lược. Mỹ Ngụy có tiếc gì súng đạn.

Một trong những khó khăn của chúng tôi vẫn là lương thực. Tiêu chuẩn mỗi ngày hai lon gạo, thấm vào đâu với mấy cái dạ dày tuổi trẻ. Một hôm tổ trinh sát của Viết bắn được con dôộc. Suốt đêm ấy chúng tôi hỳ hụi làm lông, chặt thịt. Tất cả cho vào soong hầm. Gần sáng thịt mới chín.

Anh Đát bảo:

- Gắng mà ăn lấy nột chút chất đạm đi. Có chất đạm, thêm sức mà chiến đấu.

Nhìn đầu dôộc đầy đủ tai, mũi, môi cằm, nhìn hai bàn tay đầy đủ năm ngón giống như từng bộ phận của con người, bọn trẻ chúng tôi ngại. “Để đấy mình ăn cho”, anh Đát bảo thế. Anh nhường thịt cho chúng tôi.

Nhìn anh Đất cắn từng miếng tai, miếng mũi, vặt từng ngón tay ra ăn, chúng tôi thay rờn rợn và vì thế lại càng quý anh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:37:51 am »

Một hôm đi trinh sát về, Viết bảo:

- Chúng mình có muối ăn rồi.

Mắt chúng tôi sáng lên. Anh mở ra một bọc ni lông, toàn đất trộn lẫn với muối. “Mình đi đến chỗ bọn lính Ngụy ngủ. Chúng ăn không hết đổ muối trên đất, mình lấy hai tay thu lại, đem về”. Viết kể lại như thế, chúng tôi lấy soong, đổ toàn bộ gói muối đất của Viết vào. Hứng đầy một soong nước, quấy cho muối tan ra hết, lọc lấy phần nước có muối ấy, đem chưng cất được đầy ba bình tông nước muối. Nếu cứ đun cho cạn, chúng tôi sẽ có muối hạt. Nhưng chả cần. Có nước muối, dễ ăn rau rừng hơn, thế là tốt rồi.

Mới mười ngày giữ hậu cứ, trông Đỗng và Hiền gầy hẳn đi. Hai chàng thanh niên thủ đô trong tiểu đoàn 439 vào tăng cường cho thành phố kết nghĩa. Hiền và Đỗng được bổ sung vào trinh sát. Đi bám địch cả ngày, sức trai hai chục tuổi, mỗi ngày hai lon gạo, không gầy sao được. Quả thật, trong tình hình này, chỉ một đứa trong chúng tôi bị thương sẽ lúng túng vất vả biết nhường nào.

Một đêm, rất khuya, Viết trằn trọc, không ngủ, tôi giục anh ngủ đi, Viết tâm sự.

- Ngày mai mình phải kiếm một ít lương thực, thực phẩm cho bọn trẻ chứ nhìn chúng xơ rơ, gầy tọp, thương quá.

Chả cứ Đỗng với Hiền, chúng tôi đây, vì thiếu ăn triền miên nên đều gầy cả. Tôi đặt hai đầu ngón tay giữa vào sống lưng, xoạc bàn tay vòng về phía trước, hai đầu ngón tay cái giáp nhau nơi rốn. Như vậy là đo bụng của chúng tôi chỉ được bốn mươi phân. Thời bình thì đây là một số đo lý tưởng.

Nghe Viết nói, tôi biết anh trăn trở, đang tính mưu tính kế. Phải là những người dấn thân vào cuộc sống chiến trường, có đầy kinh nghiệm và thêm vào đó một tiêu chuẩn tiên quyết là lòng dũng cảm thì mới tìm ra được một đáp số ngoạn mục.

Viết đã tìm được ra lương thực một cách tuyệt vời.

Anh dẫn Đỗng và Hiền tới sân bay dã chiến, bọn trực thăng thường mỗi ngày đến đây một lần để tiếp tế lương thực cho lính Mỹ. Sân bay dã chiến trên một ngọn đồi cao, Mỹ đã cho ném bom nát cây rừng trên đỉnh đồi, dọn sạch đi, làm chỗ đậu máy bay.

Viết đã nắm được quy luật. Đúng mười giờ sáng hàng ngày máy bay tới tiếp tế. Ba người ngụy trang nấp ở một địa điểm ngay sát mép sân bay. Trực thăng thả các thùng thức ăn xong, chúng vù bay đi luôn. Đúng cái lúc vắng vẻ và mất cảnh giác ấy, Viết, Hiền, Đỗng nhảy vào, mỗi anh vác một thùng thức ăn chạy như bay xuống đồi.

Bọn Mỹ từ phía chân đồi bên kia đi thủng thẳng lên sân bay lấy lương thực, không thấy cái hòm lương thực đâu cả. Chả lẽ các hòm ấy có cánh bay mất. Dẫu sao chúng cũng đoán ra đã bị hớt tay trên, nên chúng nổi sung lên bắn như vãi đạn vào các bụi cày nghi ngờ.

Cậy nắp thùng, Viết, Đóng, Hiền xếp được ba gùi lương thực, thực phẩm, không thiếu một thứ gì: hộp thịt ba lát, hộp bích quy, gỏi bảy món, thuốc lá và cả hộp trái cây nữa.

Đêm ấy trong doanh trại, chúng tôi được một bữa túy lúy. Anh Đát cẩn thận, không cho ăn no quá sợ bội thực. Ăn thịt, ăn bánh xong, mỗi người một hộp hoa quả, hút mấy điếu thuốc lá thơm liền.

Anh Đát khen Viết:

- Tổ trinh sát mưu trí và dũng cảm quá.

Viết đáp:

- Nghệ thuật từ bám thắt lưng địch mà có anh ạ.

Cả bay anh em chúng tôi cùng cười. Những ngày giữ doanh trại căng thẳng cả ngày, kiếm được một nụ cười thật khó.

Phải mất nửa tháng trận càn mới chấm dứt. Chúng tôi đã giữ được hậu cứ an toàn. Mừng quá, anh Đát bảo tôi lên binh trạm 52 báo cáo tất cả cho Thành đội trưởng nghe.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:39:04 am »

Tôi khoác ba lô đi. Qua Khe Nước Rỉ, gọi là Khe Nước Rỉ vì ở chỗ ấy từ trong một hốc đá, có một dòng nước nhỏ chảy ra. Bọn lính Ngụy cũng bám khe nước này làm một bãi ngủ. Ngổn ngang còn đó cọc lều, giấy bao gói, cả cơm thừa chúng đổ cả đống đang bốc mùi thiu. Chúng sợ ta tập kích nên các công sự cá nhân kề sát nhau đầy bãi ngủ.

Không có gì đáng dừng, tôi đi tiếp. Gặp nấm mộ chiến sĩ ta bên đường bị đào bới tung. Đầu lâu của] anh bị chúng lôi lên úp trên đỉnh một cây măng tre đang mọc. Cây măng vươn lên cao bao nhiêu đưa sọ người cao lên đến đây. Thật là một trò chơi man rợ. Tôi lấy dao găm chặt đổ cây măng, đưa sọ đồng đội mình trả lại ngôi mộ. Không có xẻng cuốc, chỉ có cây dao găm nên tôi không thể chôn sâu. Tôi lấy đá xung quanh xếp đầy trên mộ anh. Một nấm mộ vô danh không tên. Đó là chuyện thường dọc đường chiến tranh không có gì lạ. Người đi chôn đồng đội mình hôm nay, ngày mai người khác lại chôn anh. Những bí mật âm thầm xuống mộ, mãi mãi là những bí ẩn cho đời.

Tôi cắm cổ cố đi cho nhanh. Đến gần suối A Rí thì chợt thấy ngang đường một cảnh rất tang thương: Một người đàn ông bị lột trần truồng, trên người không một mảnh vải che thân. Không biết đấy là người dân hay bộ đội, không hiểu trong hoàn cảnh nào anh sa vào tay giặc và bị chúng hành hạ thú vật đến nhường này. Tôi nhìn quanh hy vọng kiếm được quần áo anh chúng vất quanh đấy để đoán xem người bị treo cổ lủng lẳng kia là ai. Nhưng tịnh không kiếm được một dấu vết nào.

Làm sao chôn được anh đây, lấy gì chôn anh đây? Tôi bất lực hoàn toàn. Cứ để nguyên cảnh ấy, tôi vượt A Rí, phía bên kia suối không bị càn, gặp bản người dân tộc Ka Tu đầu tiên, tôi kể chuyện ấy cho họ nghe, bản cử ngay một tổ sang lo chôn cất cho người bị bọn Ngụy hành hạ.

Từ đây tôi đi ngược lên Ka Chê, tìm thấy đường binh trạm. Đây là một nhánh đường mòn Hồ Chí Minh giáp biên giới Lào tách về hướng Thừa Thiên. Đường binh trạm nay còn tên, nhưng không còn người ở. Cả các nhà binh trạm cũng không còn. Chuyện quân sự dùng hay bỏ, chả có gì phải nghĩ tới. Đến binh trạm 59, mất đúng hai ngày. Tôi mắc võng ngang đường, trên một bãi khách ngủ. Tiếng vượn hú gọi nhau làm cho đêm Trường Sơn càng thăm thẳm, càng lạnh lùng. Không biết trong cánh rừng mênh mông này còn có ai ngủ ở chỗ nào không hay chỉ có một mình tôi.

Sáng dậy, tôi vượt dốc 53, tụt xuống đốc là một con sông. Một con sông lạ tôi chưa biết tên. Xuống sông, lật đá, bắt được đầy một hăng-gô ốc suối. Hái lá dang chua bên đường nấu cùng ốc suối cho khỏi tanh. Ăn hết một hăng-gô ốc, tôi lại tiếp tục lên đường. Đường binh trạm lúc này mới có người. Cả bộ đội, cả đồng bào dân tộc. Gặp người dù không hỏi nhau, cũng rất mừng và thấy lòng mình ấm hẳn lại.

Gặp một tốp bộ đội đi ngược chiều, tôi hỏi:

- Sắp tới binh trạm 52 chưa?

Một anh đáp:

- Đi đến tối thì tới nơi.

Thế là tôi lại cắm đầu đi miết. Đến trạm 52 chừng 5 giờ chiều tôi ngồi nghỉ lấy sức rồi rẽ trái vào nơi cơ quan tham mưu đang đóng. Rừng ở binh trạm 52 đúng là một cánh rừng nguyên thủy. Có những cây xù xì, thớ ngoằn ngoèo, chừng hơn một vòng tay người ôm. Tôi nhìn kỹ lá cây mới nhận ra đó là cây khuể. Ngày nhỏ, theo mẹ lên núi, mẹ tôi thường bẻ cây này về làm chổi. Gốc cây khuế nào to nhất chỉ bằng chiếc đũa là cùng. Huế gọi loại chổi này là chổi rành. Không thể tưởng tượng được những cây khuể ở đây lớn như vậy. Thế mới biết cánh rừng này già cỗi biết bao nhiêu.

Nghỉ một lát, rẽ trái vào chừng nửa tiếng đồng hồ thì tới chỗ cơ quan tham mưu đóng. Cơ quan không làm nhà thùng, mà tất cả ở trong ngôi nhà dài của một bản dân tộc cũ, không biết họ đi đâu.

Tôi đến thẳng ngôi nhà của Thành đội trưởng Thân Trọng Một. Thấy tôi xuất hiện đột ngột ở cửa, ông chạy ra, ôm chầm lấy:

- Răng, anh em mình ra răng? Hậu cứ mình ra răng?

Tôi lần lượt kề hết mọi chuyện cho ông nghe, ông khen: “Khá lắm”. Rồi ông cười rất vui:

- Thằng Mỹ răng mà tìm ra chỗ ở của thành đội chúng ta được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:40:20 am »

Ông hỏi tôi:

- Chừ muốn chi hề?

Tôi đáp:

- Tôi đói, muốn được ăn một bữa no.

Thành đội trưởng gọi anh Thắng quản lý bếp ăn của cơ quan lên, bảo cho tôi ăn một bữa no.

Cơm chín, anh Thắng gọi tôi xuống bếp.

Một “mâm” đã được dọn sẵn: một hăng gô hạt đậu, loại của Liên Xô nấu cời nắp, ba lon gạo. Cũng một hăng gô như vậy đầy lá sắn luộc, một chén nước muối ớt. Anh Thắng chỉ “mâm”cơm nói:

- Gắng ăn cho hết nghe.

Cơm chỉ có lá sắn luộc mà ngọt thỉu trong miệng. Tôi ăn ngon lành, chỉ một loáng đã hết sạch cả gô cơm và gô rau. Ăn xong ngần ấy mà bụng vẫn thấy thòm thèm.

Được bữa no, tôi tưởng lên đây gạo nước đàng hoàng. Hóa ra không. Sáng ngày hôm sau nhà bếp kêu toáng lên: Rổ sắn khô ngâm dưới suối cho bữa độn buổi sáng không còn một khúc. Hóa ra lính nhà ta đói quá. Trên đường đi qua đi lại nhà bếp mỗi người nhặt về dăm khúc nhỏ để nướng tại bếp nóng của mình. Ai cũng nghĩ mình lấy dăm miếng hề gì. Tưởng việc ăn trộm ấy chỉ có mỗi mình mình. Không ngờ một trăm người lấy thì còn đâu là rổ sắn. Nói thế để thấy rằng đời sống của lính thành đội đang còn rất thiếu thốn.

Có một chuyện cũng cần nói thêm ngoài lề để thấy gạo nước giai đoạn này còn khít khao lắm. Bấy giờ nhà văn Xuân Thiều, nhà văn quân đội vào chiến trường Huế lấy tư liệu sau này viết cuốn tiểu thuyết “Huế, mùa mai đỏ”, tôi cũng gặp anh ở đây. Anh cũng đói như chúng tôi. Anh là khách, thấy khách đói, tôi chẳng cầm lòng. Anh Châu trưởng ban quân lực thành đội bảo tôi:

- Ban mình còn có cái soong Liên Xô đây. Khi nào có gì “liên hoan” mình xuống bếp mượn soong cũng được. Sáng mai Hà đem soong vào bản đổi lấy một ít sắn tối mai ta đãi anh Xuân Thiều một bữa.

Một cái soong đẹp và quý thế mà chỉ đổi được lưng gùi sắn. Đêm ấy chúng tôi đốt một bếp lửa thật hồng, than rừng rực, mời anh Xuân Thiều tới. Bếp ấy, than ấy, sắn bóc ra, vừa nói chuyện vừa nướng sắn ăn. Sắn nướng kiểu ấy vàng rộm, thơm như bánh mỳ. Chỉ có vậy thôi, mà anh Xuân Thiều nói:

- Thật là một đêm hạnh phúc.

Cái hạnh phúc ở chiến trường sau Mậu Thân 1968 mới đơn sơ làm sao.

Đến hôm anh Xuân Thiều trở lại chiến khu Khu ủy Trị Thiên, thành đội cấp cho anh hai ngày ăn đường bốn lon gạo. Ông Thân Trọng Một chợt nghĩ, giả dụ có chuyện gì đó như sốt rét ngang đường, như gặp địch, gặp biệt kích phải dừng lại, lấy gì mà sống. Nghĩ thế, anh phải hội ý ban chỉ huy thành đội mới quyết định cấp thêm cho anh Xuân Thiều một lon gạo nữa là năm lon.

Cầm năm lon gạo, anh Xuân Thiều nghẹn ngào. Vốn xưa thời đánh Pháp anh đã chiến đấu ở Thừa Thiên, nay gặp cảnh này anh càng quý càng thấm thía mảnh đất đầy kỷ niệm với anh.

Chia tay anh Xuân Thiều xong, tôi hỏi Thành đội trưởng:

- Bao giờ chúng ta về lại A-te ạ?

Ông đáp:

- Tình hình này chúng ta phải chuyển vị trí thôi.

Ít lâu sau chúng tôi về dựng doanh trại mới ở đỉnh ngọn Tre Linh. Sau mấy trận càn quét lớn lên chiến khu, Mỹ Ngụy không hề gặp lại một cuộc chống cự ra trò nào. Chúng tưởng đã đẩy lùi được lính thành đội ra khỏi rừng núi phía Tây Thừa Thiên. Chúng hý hửng lắm.

Đặt chân đến Tre Linh, ông Thân Trọng Một tuyên bố:

- Phải cho bọn Mỹ Ngụy thấy rằng Thân Trọng Một đang còn ở Huế đây.

Lời tuyên bố của ông được thực hiện trận mở màn: tiểu đoàn đặc công Chị Thừa Hai đánh vào quận Phú Thứ, rồi tiếp tục vào Ly Hy, Am Cây Sen.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:41:04 am »

Thời gian này có một trận đánh rất thú vị là trận bắn pháo vào khu Tam giác Huế, tức là bắn vào mấy căn cứ Mỹ ở phía Nam Sông Hương. Công việc nặng nhọc nhất là làm sao chuyển được đạn về gần sát Huế, mạn Đình Môn để bắn cho chính xác.

Thành đội phải tổ chức lực lượng vác đạn từ kho trên Sàng về. Lúc này khắp nẻo đường rừng từ Dòng về qua Dốc Ông Già, qua Mụ Nú, qua dốc Công Sự nhan nhản biệt kích. Làm thế nào để đưa được đạn về. Thân Trọng Một đã quyết thì không có gì ngăn được. Một tiểu đội trinh sát đi trước mở đường. Nếu gặp biệt kích thì đánh. Hoặc nếu thấy không cần đánh thì kéo chúng ra khỏi đường hành quân của mình.

Súng ĐKZ do đại đội Nguyễn Văn Đệ chịu trách nhiệm khiêng về địa điểm tập kết.

Súng đạn đã đầy đủ. Giờ phát hỏa đã được lệnh. Đúng giờ pháo nổ giòn giã.

Kết quả trận đánh khỏi phải nói tớì. Có một chuyện vui này, khi đã bắn hết đạn, nòng pháo nóng bỏng. Không thể chờ nòng pháo nguội mới di chuyển. Mà phải di chuyển ngay. Vì mỗi lần ta bắn pháo vào thành Huế, dứt tiếng nổ địch phản pháo ngay.

Các bao gạo nhúng nước đã sẵn sàng. Chỉ việc quấn bao gạo vào nòng súng là khiêng đi. Song ngày ăn không đầy đủ. Cuộc nổ súng lại quá khẩn cấp, quyết liệt. Chiến sĩ mệt nhoài. Những động tác không được nhuần nhuyễn như những thời điểm khác.

Nguyễn Văn Đệ phải hạ lệnh:

- Hai. Ba. Ngày mai tổ sư thằng nào không cho bọn bay ăn một bữa lòi tói.

Chuyện tức cười, ngỗ ngược. Nhớ lại, thấy yêu quý những ngày gian lao quyết liệt ấy bao nhiêu. Nói vậy để thấy rằng dù cơ quan thành đội đã bắt đầu quay trở lại địa bàn của mình, Chị Thừa Một, Chị Thừa Hai, tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn bộ binh 810 và 815 đã bắt đầu triển khai theo lệnh tác chiến mới, nhưng những khó khăn cũng vẫn đang chồng chất trên đầu. Lương thực vẫn cứ đang nhức nhối.

Gian lao thì gian lao thật, song đó thật sự là những ngày yêu thương trong đời lính của tôi. Không thể nào mà quên được.

Do tình hình chiến trường, ba cơ quan thành đội Huế không trở lại A-te. Viết, Đỗng, Hiền trở về đại đội trinh sát, anh Đát và chúng tôi về hẳn cơ quan tham mưu. Không thể lui hơn được nữa, Thân Trọng Một dẫn quân từ binh trạm 52, đi suốt hai ngày không nghỉ, về hạ trại ở đỉnh núi Tre Linh.

Chúng tôi về Tre Linh được mấy tháng thì quân ta trên đường 9 bẻ gãy chiến dịch Lam Sơn 719 của địch. Trước toàn bộ anh chị em cơ quan tham mưu, Thành đội trưởng tuyên bố hùng hồn:

- Thưa các đồng chí, thời cơ đã lại đến với chúng ta rồi.

Thành đội bộ không ở Tre Linh nữa. Tiếp tục xuôi hai ngày đường về đóng ở Mang Chang. Mang Chang trước đây là một căn cứ chốt trụ, khống chế cả một vùng chiến khu của chúng ta. Sau chiến dịch Lam Sơn 719 bị bẻ gẫy, chúng bỏ chạy luôn.

Khi chúng tôi đặt chân lên đỉnh Mang Chang, những ụ pháo đang còn đó, các lô cốt phòng ngự và các đường hào dọc ngang nối các lô cốt, ụ súng với nhau đang còn đó. Quần áo, ba lô, mũ giày, đồ ăn, lon hộp... tất cả đang ngổn ngang phơi ra trong nắng. Thật đúng với nghĩa: một bãi chiến trường.

Dĩ nhiên chúng tôi không chiếm căn cứ Mang Chang của địch làm chỗ ở cho mình. Hậu cứ chúng đóng từ lưng chừng núi xuống mãi con suối chảy qua chân núi. Nơi ấy cây xanh trên đầu đang rất rậm rạp.

Từ Mang Chang về 815 chưa đầy nửa ngày đường. Như vậy là chúng tôi lại tiếp tục áp sát thành phố rồi.

Bóng dáng Mỹ Ngụy trên chiến khu chỉ còn những chiếc bà già thám thính, những trận pháo, trận bom quăng bừa bãi. Cùng lắm là bọn thám báo. Bị mấy đòn, chúng không còn hung hăng như xưa.

Rõ ràng địch bắt đầu co cụm lại ở đồng bằng. Bộ đội ngoài Bắc tiếp tục vào bổ sung quân cho Thừa Thiên Huế.

Đường trục xuyên dọc chiến khu rậm rịch đông dần. Bạn bè các đơn vị lại gặp nhau. Hầu như trên môi ai cũng nói một câu này:

- Thời cơ đang chờ chúng ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:44:51 pm »

ĐÁNH TÂN BA

NGÔ VĂN SÍNH kể

Đã là lính đặc công, ai cũng biết quyết định thắng hay bại, khâu quan trọng nhất là điều nghiên. Chúng tôi đã phải trả bằng máu khá đắt cho những cuộc điều nghiên không đến nơi đến chốn.

Lần thứ nhất ở Ly Hy, một cao điểm án ngữ phía rừng núi Nam Đông. Sau khi điều nghiên, ta triển khai tiến công theo ba mũi. Hai mũi hoàn thành nhiệm vụ, một mũi hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ vì một lý do: phía mũi không lên được vì địch mới thay một loại dây thép gai ở đó, kích cỡ lớn hơn, mà kìm cắt 5 ký của chúng ta không cắt được. Bộ đội lúng túng túm tụm ở đó, bị hỏa lực địch tập trung, quân ta hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn.

Lần thứ hai ở Am Cây Sen. Đây là một căn cứ khá rộng. Đánh đến đâu là phải tiêu diệt đến đó, không để địch ngóc đầu dậy. Cách đánh đó rất đơn giản. Khi triển khai đội hình tấn công, đội trưởng dẫn mũi xung kích lướt qua từng lô cốt địch, người thứ nhất ném pháo vào lỗ châu mai, người thứ hai, thứ ba... cứ thế ném tiếp. Không ngờ địch thay đổi chiến thuật, chúng dùng lưới mắt cáo chăng ngang lỗ châu mai. Thủ pháo của mình ném vào bị cản, văng bật ra, nổ ngay dưới chân chiến sĩ đặc công gây thương vong. Vì dây cháy chậm cắt quá ngắn, cốt không cho địch kịp trở tay, bây giờ lại sát thương chính mình.

Lần thứ ba ở căn cứ Tân Ba này. Địch bố phòng bằng cách củng cố lô cốt có thể chịu đựng được pháo rót từ trên xuống. Khi đặc công ta đánh vào, chúng chạy vào các hầm ngầm cố thủ rồi gọi chính pháo của chúng giã ngay trên nóc hầm. Bộ đội ta chạy trên mặt đất, bị đánh bất ngờ, không có chỗ ẩn nấp. Thương vong là tất nhiên.

Từ những kinh nghiệm phải trả giá ấy, chiến sĩ đi điều nghiên phải hết sức kỹ càng. Mỗi lần giản đơn là mỗi lần phải trả giá bằng máu. Khi đã biết cách bố phòng của địch, ta sẽ có cách chống trả không khó khăn gì.

Căn cứ Tân Ba đóng trên cao điểm phía tây huyện Hương Thủy. Tân Ba vừa là tiền đồn của sân bay quân sự Phú Bài, vừa khống chế cả một vành đai rộng từ Huế vòng qua Long Thọ, Điện Hòn Chén thuộc xã Hương Thọ, đến tận quận Nam Hòa. Ống nhòm chúng đặt trên Tân Ba như con mắt thần quan sát mọi động tĩnh cả một mảng phía tây tiếp giáp thành phố Huế. Và mỗi khi mở trận càn lên chiến khu của chúng ta, chúng thường dùng Tân Ba để đặt bộ chỉ huy chỉ đạo toàn bộ cuộc càn quét miền tây.

Đánh Tân Ba là đánh thẳng vào thế kìm kẹp trực tiếp của Mỹ Ngụy. Đã đành nó là một căn cứ ngăn chặn, đồng thời mỗi khi quan sát thấy một chi tiết khác thường phía tây nó gọi pháo Phú Bài, pháo La Sơn dập xuống tan tành ngay những ý đồ của đối phương.

Với tầm quan trọng ấy của Tân Ba, không phải chúng ta chỉ đánh một lần, mà một vài tháng phát hiện ra âm mưu gì của chúng, chúng ta lại dùng đặc công đánh Tan Ba để phá âm mưu của chúng ngay từ khi còn trứng nước.

Lần này nghe cơ sở báo lên: địch có kế hoạch càn quét miền Tây, thành đội trưởng Thân Trọng Một quyết định lại đánh Tân Ba một lần nữa.

Tiểu đoàn trưởng Trần Thọ trực tiếp chỉ huy mũi điều nghiên Tân Ba. Trong cuộc họp triển khai, tôi hỏi ông:

- Nghe cơ sở báo ở căn cứ Tân Ba, một căn cứ hỗn hợp Mỹ - Ngụy, có một con chó béc-giê khá to, ta phải bàn cách xử lý thế nào đây?

Trần Thọ chưa kịp trả lời, một ý kiến khác đề xuất:

- Đề nghị mang da hổ theo.

Loài chó rất sợ hổ, chỉ cần ngửi thấy mùi hổ đã cúp đuôi chạy dài. Lâu nay để bịt mõm những con chó hung hăng ở các căn cứ địch, bộ đội đặc công chỉ cần cài theo một miếng da hổ bằng nửa bàn tay là chó im re, không dám nhúc nhích.

Trần Thọ nói:

- Qua mấy lần điều nghiên tôi quan sát, chó địch ngửi thấy mùi hổ, không dám xông tới, mà chúng cụp đuôi quay lui, rút vào trong phòng rên ư ử vì sợ. Không biết phía địch chúng đã hiểu quy luật ấy chưa? Căn cứ Tân Ba cũng có một con béc-giê, lần này các đồng chí cứ để cho tôi xử lí.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 04:46:37 pm »

Trong lúc anh em bôi phẩm xanh khắp người để ngụy trang (màu phẩm xanh hòa vào bóng đêm rất nhuần và lỡ địch có bắn hỏa châu thì màu xanh ấy lại hợp với màu cỏ; không lộ sự phản sáng của màu da nên giữ được bí mật khá tuyệt đối. Lúc ấy mình chỉ cần nằm â không nhúc nhích, thằng địch không thể nào phát hiện ra được) thì anh Trần Thọ chuẩn bị chống lại con chó béc-giê. Cánh tay trái anh quấn ngoài bằng một lá thép không dây. Hàm chó béc-giê rất mạnh, có khi nó cắn gẫy cả xương cánh tay. Lá thép này tăng độ cứng cho cánh tay anh. Ngoài lá thép, anh quấn thêm một lớp dây cao su để khi con chó nhai, không gây ra tiếng động.

Đêm không trăng, ngàn sao trên trời nhấp nháy. Chúng tôi chọn hướng bất ngờ nhất tiền nhập vào căn cứ địch. Anh Trần Thọ bò trước. Đến rào dây thép gai, anh dùng một nạng gỗ nhỏ chống sợi dây thép gai thấp nhất của hàng rào, tạo thành một lối lòn qua dễ dàng. Người bò sau cùng rút nạng ấy ra, không để lại một dấu vết gì.

Bằng cách ấy chúng tôi chui qua 3 hàng rào của địch một cách dễ dàng. Hàng rào bùng nhùng trong cùng rất dễ gây tiếng động lan chuyền, nhưng nếu mình thận trọng nâng lên thật nhẹ nhàng thì không khó bằng dây thép gai chăng căng trên cột thép.

Nằm dừng lại quan sát căn cứ địch dưới đêm sao các lô cốt, ụ súng thiêm thiếp trong giấc ngủ đêm. Tít mãi phía cổng bên kia là bót gác. Một tên lính cầm súng đứng trong bót gác ấy.

Theo anh Thọ, chúng tôi bò nhích lên từng bước một. Con chó béc-giê thính mũi đã ngửi ra mùi lạ dù trước khi vượt rào, chúng tôi đã nằm lăn trên cỏ phơi sương cả tiếng đồng hồ cho nhạt hơi người đi, thế mà nó vẫn phát hiện ra, đúng là mũi của loài chó thật. Con chó phóng tới chỗ anh Thọ nằm. Anh giơ cánh tay trái lên, nó liền đớp ngay lấy cánh tay ấy. May có lá thép và có dây cao su quấn nên tay anh không hề bị thương.

Chỉ đợi dịp hai hàm răng con chó bọp vào, anh Thọ nhanh như cắt, vung cánh tay phải lên, đấm một quả vào gáy nó. Con chó không kêu được một tiếng, từ từ ngã quỵ xuống. Anh Thọ phải lấy tay gỡ hàm chó mới rút được cánh tay trái ra, hàm của nó thật cứng.

Anh Thọ dùng khăn tay của mình lau sạch hai hàm răng con chó, sợ để lại dấu vết gì thì dễ bị lộ, rồi anh ghé sát tai xuống ngực chó, tim con chó vẫn đập đều đều. Vậy là cú đấm của anh đúng liều lượng, khá thành công. Không quá tay để con chó chết. Nó mà chết, cuộc điều nghiên lộ tung tích là cái chắc. Song làm sao cho nó chỉ ngất nằm đó 40, 45 phút đủ thời gian cho các anh đi lướt qua được những chỗ cần phải xem xét kỹ càng. Để bảo đảm được yêu cầu đó, Trần Thọ bấm huyệt nữa vào gáy con chó, rồi anh nhẹ nhàng đặt nó nằm xuống và tiếp tục dẫn quân lướt tới.

Chỉ sau nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đã lướt qua kỹ càng, sờ đến tận tay từng lỗ châu mai, từng nắp hầm, từng sợi dây thép gai nơi mà chúng tôi dự định mở cửa vào cho các mũi tiến quân. Phải nắm chặt những yếu tố của từng mục tiêu mới thiết kế hoàn bị cho một trận đánh. Dùng bao nhiêu quân, tiến theo mấy mũi, chi hết bao nhiêu vũ khí... nghĩa là căn cứ địch phải nằm chắc trong tay mình, có vậy để khi về lên sa bàn mới đầy đủ, phân công trách nhiệm rõ ràng, nắm chắc thắng lợi trăm phần trăm.

Chừng ba giờ sáng, Trần Thọ dẫn chúng tôi lui quân. Bỗng một sự cố xảy ra hoàn toàn bất ngờ ngoài kịch bản của chúng tôi, đó là việc anh Trần Thọ húc đầu ngay vào một tên lính ngụy, không hiểu ban chiều nó ăn phải thức gì mà ban đêm đau bụng, bò ra hàng rào đi ị. Vừa lúc nó định kéo quần đứng dậy thì hai bên đụng nhau, thịt đụng vào thịt và ngay trước mắt, nên tên ngụy không thể lầm được. Nó hét toáng lên:

- Việt cộng! Việt cộng! Việt cộng!

Sợ quá, lưỡi nó thụt đi, giọng méo chệch, nhưng vẫn bật ra tiếng kêu hoảng hốt ấy.

Một sức mạnh thần kỳ đã đến với chúng tôi, giống như sự thần kỳ của chị Nguyễn Thị Tuyển bên bờ sông Mã. Chị chỉ nặng 45 cân. Song trong chiến đấu, bộ đội pháo binh gọi đạn. Trong cơn nước sôi lửa bỏng, chị Tuyển đã vác trên vai mình một hòm đạn nặng 90 cân. Ngoài sức tưởng tượng của con người. Nghe tin ấy cả nước thán phục. Có nhà báo nước ngoài đến yêu cầu chị làm lại động tác vác hòm đạn 90 cân để họ quay phim chụp ảnh; nhưng ở cái phút tĩnh tại ấy chị Tuyển không thể nào nâng nổi hòm đạn 90 cân kia. Chỉ có thể giải thích sức mạnh tiềm ẩn thần kỳ ấy chỉ bùng dậy trong tích tắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM