Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:30:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thân Trọng Một - Con người huyền thoại  (Đọc 7870 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2020, 04:25:40 pm »

Cả 815 không ồn ào, lặng lẽ vào cuộc, đợi lệnh chiến đấu. Trong địa đạo, Thành đội trưởng chắp hai tay sau lưng, đi đi, lại lại, đăm đăm. Ông đang lo mưu tính kế đương đầu với địch. Với chúng tôi, đã có thừa thời gian để tin vào sự chỉ huy sáng suốt của ông, nên biết bốn bề có địch mà không một ai nao núng.

Thấy địch khép chặt vòng vây, chỉ thiếu động tác chăng thép gai xung quanh biến ba cơ quan thành đội thành một cái ấp chiến lược. Chúng không có ý định chọc những mũi tiến công quyết định, dứt điểm, mà chúng dàn quân, nhích lên từng tấc một.

Thành đội trưởng nói với chúng tôi:

- Điệu này vòng vây của chúng sẽ siết lại như cái thòng lọng để bắt sống chúng ta đây - ông nhấn mạnh - Được, vỏ quýt dày thì đã có móng tay nhọn.

Bom bắt đầu dội xuống 815. 815 im lặng không trả lời, dù OV10 và trực thăng xoi mói rất thấp. Dùng bom đạn dẫn đường. Đợt tấn công thứ nhất gặp hỏa lực chống trả quyết liệt của ta, chúng phải lùi lại. Có lẽ chúng đang đánh để thăm dò. Không biết Quản Thế Lĩnh có khai báo gì về quân số không, mà chúng tấn công có vẻ dật dờ lắm. Chúng không thế ngờ được tương quan lực lượng hai bên khá chênh lệch. Địch: 3 trung đoàn liên quân Việt Mỹ. Ta: kể cả lính kinh tế, biệt động nữa, cũng chỉ 200 người.

Thân Trọng Một giải thích cho chúng tôi:

- Không phải chúng không biết lực lượng của ta. Chúng tăng cường quân số tối đa, coi chúng ta như cá nằm trên thớt. Chúng đang chơi trò mèo vờn chuột - Ông buột miệng - Đồ đểu!

Lập tức Thân Trọng Một cho một tổ trinh sát ra ngoài vòng vây điều trung đội đánh rừng đường 14 do A Lơn, một thanh niên người Ka Tu làm trung đội trưởng. Họ được mệnh danh là con hổ xám đường 14 về bảo vệ vòng ngoài cho thành đội.

Hết một đợt bom và phi pháo, Mỹ ngụy lại tổ chức tấn công. Song chúng lại bị đánh bật xuống. Suốt ngày thứ nhất chỉ có bom đạn lấn đất chứ bộ binh nhích lên chẳng đáng là bao.

Đêm B57 dội bom tọa độ xuống 815. Ta chi trả lời bằng những trận phòng thủ đối mặt với bộ binh. Phải nói rằng cây rừng ủng hộ chúng ta triệt để. Mỗi gốc cây là một lá chắn và là một ổ hỏa lực. Nói gì thì nói, đánh rừng núi làm sao chúng so được với ta.

Một công thức tác chiến của chúng cứ lặp đi lặp gọi chiêu hồi, bom, pháo, tấn công, lui quân, tổ chức bom pháo lại. Sang ngày thứ hai rừng 4 tầng nguyên thủy của 815 đã xác xơ. Có chỗ bị bom, cây đổ, rừng tráng cả một vạt rộng.

Phải nói mật độ bom pháo thật dữ dội. Nếu chúng ta không có nhà thùng, không có hầm chữ A vá các hầm hố cá nhân, cộng với cây rừng, không biết chúng ta sẽ tổn thương nhường nào.

Sang ngày thứ ba, địch cũng không tăng cường số lần tấn công. Chúng dùng bom pháo phá rừng và tiêu hao lực lượng của chúng ta là chính.

Chúng hy vọng vòng vây chặt như vậy, bom pháo như vậy, đã là người thì chẳng ai là người không sợ chết không chóng thì chầy lính Thân Trọng Một sẽ hoang mang, lực lượng kháng cự yếu dần, đến một lúc nào đó không thể chịu đựng nổi nữa sẽ phải kéo cờ trắng xin hàng. Vì tình thế vây hãm có khác gì con cá đã nằm trong lờ, cho sống đến lúc nào thì sống đến lúc ấy bắt chết lúc nào phải chết. Bắt sống thành đội trưởng Thân Trọng Một chỉ là ngày một ngày hai. Không hôm nay thì ngày mai.

Rừng thưa đi nhiều, nếu không nói sau ba ngày bom pháo, 815 đã tan hoang. Sức công phá của bom đạn dữ dội hơn. Nếu không có cả một hệ thống hầm hố kiên cố, chắc chắn không thể chịu nổi. Cho đến buổi chiều ngày thứ ba thì người đầu tiên và cũng là người duy nhất ở 815 hy sinh, đó là anh Ức, lính hậu cần. Anh chết giống như số mạng vậy. Sau mỗi đợt chống xung phong, địch phải rút lui và thế là bom. Nắm chắc quy luật ấy đánh phản kích xong, chúng tôi chui vào hầm cố thủ để tránh bom. Ức cũng chui vào hầm, tít bên trong. Nhưng cây AK của anh dựng ngoài cửa hầm. Bom nổ, một mảnh bom sát thủ bay tới, đập vào thân súng, chỗ ổ đạn. Mảnh bom không bay trực diện với điểm cắm, mà bay nghiêng, đụng sắt cứng tạt đi. Tuy vậy sức xuyên của nó còn rất mạnh, xuyên vào tim Ức. Anh chưa chết ngay, bạn bè đưa anh tới gian hầm nhà bếp khá rộng để quân y băng bó, chăm sóc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2020, 04:26:10 pm »

Trong gian hầm bếp, chị em cấp dưỡng đang chữa chạy cho Mận. Nhắc tới Mận phải nói điều này: có những chuyện tưởng không thể xảy ra, vậy mà nó vẫn cứ xuất hiện. Thế mới biết con người ta thật lạ lùng. Bom đạn nhường ấy, cái chết gần kề nhường ấy mà bỗng dưng Mận lên cơn, danh từ của khoa học 1à: Ếch-tơ-ri. Còn ngôn ngữ dân gian gọi bệnh ấy là điên vì tình, hay chính xác hơn đó là bệnh đàn bà nổi cơn điên vì thiếu đàn ông.

Các chị phải cởi áo Mận xoa xuýt đủ kiểu chừng nửa giờ sau Mận mới tỉnh dậy. Biết bệnh của mình, Mận xấu hổ đỏ mặt. Nhưng anh em đều thông cảm cả. Mọi người càng thương Mận hơn.

Đêm hôm đó Ức chết. Chúng tôi chôn anh ngay cạnh nhà bếp, chỗ đất bằng phẳng ngay bên suối.

Đến ngày thứ tư bom đạn dữ dội hơn. Vừa chia cho các tay súng mấy vắt cơm trong ngày thì bom đã ập xuống. Trong lúc mùi thuốc bom còn sặc sụa, máy bay chiêu hồi đã rè rè trên đầu: “Hỡi các cán binh Việt cộng, các bạn đã bị bao vây chặt. Vì đợi chờ thái độ các bạn nên mấy ngày nay bom đạn cầm chừng. Chứ nếu không hậu cứ của các bạn đã thành cám rồi. Các bạn không thể thoát được đâu. Hy vọng cuối cùng của các bạn là hãy kéo cờ trắng lên, chúng tôi sẽ đón các bạn về với chính phủ quốc gia”.

Tôi nhớ như in, thành đội trưởng Thân Trọng Một đứng trước cửa địa đạo của ông, chắp hai tay sau đít, ngửa mặt lên trời, nhìn theo chiếc máy bay chiêu hồi, ông văng tục: “Có chiêu hồi cái con c.”. Rồi ông vào địa đạo mở hộp thuốc lá hút liên hồi, rít hết này đến điếu khác. Tôi biết trong đầu ông rất căng thẳng.

Bom đạn của ngày thứ tư bằng cả lượng bom đạn của ba ngày trước đó cộng lại. Tôi không thể quên chiều ấy, chừng gần 4 giờ chiều, chính ủy vào địa đạo của thành đội trưởng và nói với ông: “Anh Một ơi, bom đạn ác liệt quá. Ở đây thì chết cả. Tôi đã chuẩn bị một tiểu đội trinh sát, chúng sẽ đưa tôi và anh vượt ra khỏi vòng vây một cách an toàn nhất. Hãy ra khỏi đây ngay không chết mất”.

Anh Một nhìn thẳng vào mắt chính ủy, giọng anh còn căng thẳng hơn ánh nhìn của đôi mắt ấy:

- Anh sợ chết thì anh cứ đi đi. Tôi ở lại đây cùng chết với lính của tui.

Chính ủy quay ra đi về phía nhà thùng của mình. Tôi không quan tâm tới ông nữa. Nghe câu trả lời ấy của thành đội trưởng chúng tôi vững lòng hơn. Người nào về công sự của người ấy chuẩn bị chiến đấu. Trong cái ngày thứ tư quyết liệt này, liên quân Mỹ Ngụy đánh ráo riết hơn, tập trung hỏa lực vào mấy mũi thật mạnh. Tính từ dưới chân trở lên, chúng đã chiếm được gần nửa quả núi rồi. Cái thòng lọng đang từ từ siết mạnh. Không nghi ngại gì nữa, cái ý đồ bắt sống các cơ quan chỉ huy của thành đội đã rõ ràng, đặc biệt là chúng quyết tâm bắt sống thành đội trưởng.

Ngay 8 giờ tối hôm ấy, chúng tỏi nhận được lệnh truyền tai nhau: “Chuẩn bị sẵn sàng mở đường máu rút ra ngoài vòng vây”. Quần áo, lương thực, tài liệu gói thật chặt trong ba lô. Cái soong úp lên ngoái ba lô cũng có những múi buộc kỹ càng. Anh Minh Đăng bắt tôi đeo ba lô, khoác súng vào vai nhảy tưng tưng xem có gì leng keng, lọc xọc không. Vậy thôi, tôi đủ biết chúng tôi chuẩn bị rút lui một cách bí mật.

Ban nào tập trung nhân lực tại nhà của ban mình. Các đơn vị lẻ ngồi hết trong địa đạo anh Một. Đợi trinh sát đi thực địa về, chúng tôi, người của ban nọ nối người của ban kia, cả ba cơ quan, có tới gần 200 người, rồng rắn ngậm tăm kéo nhau đi.

Thằng địch đã huênh hoang nói trên máy bay: “Một con chuột cũng không thoát ra khỏi”, nên chúng không có phương án cho kế hoạch ngăn chặn cuộc rút quân này. Thành đội trưởng đã chọn tình huống hết sức bất ngờ này để lọt ra ngoài vòng vây. Phải nói rằng chúng tôi nín thở để đi. Trinh sát dẫn đầu, khóa đuôi cũng là một tiểu đội trinh sát. Chúng tôi bò theo kiểu đặc công. Bò thật sự bằng hai tay, hai chân. Người đi trước lấy mười đầu ngón tay đặt xuống đất xòe nhẹ ra, gạt lá khô ra bốn bên, rồi nhón chân đặt đúng vào cái chỗ mười ngón tay đã dọn đường ấy. Người sau bám chặt người trước. Đợi người trước nâng năm đầu ngón chân lên thì bàn tay người sau tiếp nhận những xăng-ti-mét chiến thuật ấy rồi đặt năm đầu ngón chân của mình vào. Người trinh sát đi cuối cùng có nhiệm vụ xóa sạch dấu vết của cuộc hành quân vừa lướt qua. Phải hết sức thận trọng và có chuyên môn để sáng ngày hôm sau địch có đứng ngay trước đường đi của chúng tôi đêm nay cũng không nhận ra một dấu vết gì.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2020, 04:27:31 pm »

Không xa chỗ chúng tôi bò là Mỹ mai phục. Vì mũi chúng tôi ngửi rất rõ mùi khét tỏa ra nơi áo quần và đồ dùng của chúng. Vì vậy chúng tôi càng thận trọng. Thận trọng hơn cả bò vào căn cứ địch.

Đoạn đường từ địa đạo anh Một đến ngã ba trạm xá Nam, thường ngày chúng tôi đi có nửa giờ đồng hồ. Vậy mà đêm rút quân, cũng chính đoạn đường ấy chúng tôi đã phải đi từ 9 giờ đêm, tới 5 giờ sáng mới đến nơi. Nghĩa là thời gian mất gấp 16 lần. Ngần ấy thôi, đủ biết chúng tôi luồn qua nách địch kỳ công và nghệ thuật nhường nào.

Thấy lính quá mệt mỏi, đến ngã ba Trạm xá Nam, tức là đã vượt ra ngoài hàng rào người bao vây quanh 815 của địch, thành đội trưởng cho chúng tôi ngồi nghỉ tại chỗ 5 phút. Hết 5 phút, thủ trưởng phát lệnh lành quân tiếp, song không ai dậy được. Tất cả đang ngủ như chết.

Thương lính quá, ông gật đầu:

- Thôi, cho chúng nó ngủ thêm 10 phút nữa.

Ông căn dặn:

- Chỉ 10 phút thôi đó nghe. Đứa nào ngáy thì bịt mũi nó lại.

Đến phút thứ 10, chúng tôi phải dùng miếng võ bịt mũi từng người lại, không thở được, họ mới tỉnh ngủ. Rụp một cái đã đồng loạt đứng hết cả lên. Đúng là linh.

Thân Trọng Một gọi A Lơn tới, ông bảo:

- Anh đưa trung đội quay lại 815, dẫn quân ra các hướng. Dùng cách hoạt động của những con hổ xám đường 14, các anh chủ động tiến công, bắn tiêu hao và cố gắng càng bẻ gẫy được nhiều mũi tiến công địch càng tốt. Anh có hiểu vì sao không?

A Lơn đáp:

- Để chúng tưởng thành đội đang quyết tâm cố thủ không hề có cuộc lui quân này.

Thân Trọng Một khen:

- Mi làm thành đội trưởng được rồi đó.

Trung đội A Lơn lui quân trở lại 815 bằng cách luồn rừng của họ. Toàn bộ lính thành đội theo Thân Trọng Một tụt dốc xuống Khe Vịt.

Trời tháng 8 mà nắng vẫn dậy sớm. Mới 6 giờ rưỡi, nắng đã sáng ngời. Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, lính thành đội đã tụ đủ quân ở bên bờ ngã ba Khe Vịt. Xa xa vẫn nghe tiếng trực thăng phành phành. Đến đây. không thể đi tiếp được nữa. Lính mệt quá rồi. Thân Trọng Một cho cả đội hình dừng lại. Dù dưới tán rừng rậm vẫn nguy hiểm, ông bảo:

- Khi 815 thất thủ, chắc chúng cũng biết chúng ta đã lọt ra khỏi vòng vây đêm qua. Dĩ nhiên chúng ta chưa đi xa, máy bay của chúng sẽ quần đảo, lục soát Vì vậy ở đây chúng ta phải hết sức giữ bí mật. Có chi ăn nấy, không được nổi lửa, tránh khói. Không có chi ăn thì nhịn đói. Tuy vậy, dù mệt mấy mỗi người cũng phải đào cho mình một công sự cá nhân để đề phòng bất trắc.

Ông nhắc đi nhắc lại:

- Thà đổ mồ hôi nước mắt còn hơn đổ máu

Tự ông đi kiểm tra công sự từng người.

Mỗi đứa chúng tôi bám một gốc cây làm thế phòng ngự. Bảy giờ sáng đã lại nghe tiếng bom dội xuống 815. Chừng 8 giờ sáng chúng tôi nghe rất rõ tiếng AK chát chúa. Rõ ràng trung đội A Lơn đã nổ súng rồi. Phải là lính mới phân biệt được tiếng đạn AR15, AR16 và AK. AK nổ to hơn, vang hơn, quyết liệt hơn. AR15 rền như pháo tép.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2020, 04:28:11 pm »

Chúng tôi tin vào trung đội hổ xám đường 14. Toàn trung đội đều là người dân tộc Ka Tu. Họ sinh ở rừng, sống ở rừng, chân đất, song nhanh như sóc. Họ không chịu đào đất. Trận đánh nào cũng lấy gốc cây làm lá chắn, làm công sự của mình. Họ đã làm cho lính Mỹ Ngụy kinh hoàng trên đường 14, bây giờ họ đang làm lá chắn cho cuộc rút quân chiến thuật của thành đội bộ.

Một trung đội A Lơn, chọi với ba trung đoàn liên quân Việt Mỹ. Nhờ có núi rừng, họ cầm chân Mỹ Ngụy suốt từ 8 giờ sáng cho tới 12 giờ trưa chúng mới chiếm được 815. Chúng tập trung hết binh lực vào quả đấm quyết định ngày hôm nay. Hí hửng tưởng thế nào cũng bắt sống được Thân Trọng Một cùng toàn bộ sĩ quan Thành đội Huế. Kết cục chúng chiếm được một chỗ không người.

Bọn sĩ quan Mỹ Ngụy lồng lộn lên vì đã vồ hụt mồi. Không ngờ con mồi bự ấy đã vượt ra khỏi vòng vây của chúng. Con mồi ấy bây giờ đang ở đâu? Dĩ nhiên Thân Trọng Một cùng quân sĩ của ông đang nấp dưới tán một cánh rừng. Nhưng là cánh rừng nào?

Trên trời hàng đàn máy bay cánh vuông OV10, trực thăng đủ loại lồng lộn đảo khắp vùng trời, len lỏi theo dọc những con suối từ 815 chảy ra, chỉ mong phát hiện ra một dấu đất thì chúng không tiếc gì bom đạn để hủy diệt hoàn toàn. Chúng thừa sức làm điều ấy. Chúng đâu biết Thân Trọng Một chỉ ở cách chúng chừng một giờ đường bộ, đường chim bay càng gần. Trọng Một lấy bất ngờ làm thế tàng hình.

Ông nói:

- Đêm qua chúng ta không lọt ra được 815 thì hôm nay chúng ta trở thành cái giỏ cua của người nông dân đánh dậm.

Tôi hỏi:

- Sao anh tính ra được sự quyết toán chính xác ấy?

Ồng cười:

- Bởi vì tao là Thành đội trưởng.

Nói vậy là hết nói. Chiều, khi sương mù đã giăng mờ mờ trên mặt nước Khe Vịt, Thân Trọng Một lệnh cho quân nhổ neo. Tôi hỏi:

- Ta đến đâu bây giờ ạ?

- Đến Khe Cối Xay.

Chỗ này, xưa, lúc điều thêm quân giải phóng là kho thóc. Cán bộ, chiến sĩ đến nhận lương thực nhân lúa rồi tự xay giã cho mình. Từ đó có tên gọi.

Khe Cối Xay hoang vu lâu ngày bỗng trở thành bãi khách. Gốc cây nào cũng có căng tăng, võng mắc. Ba bếp lửa của ba cơ quan, dù đã nấu trong lò Hoàng Cầm, vẫn được dùng lá rừng che kỹ càng để đề phòng máy bay trinh sát ban đêm phát hiện ra ánh lửa. Tất nhiên Mỹ và Ngụy đang tung đủ loại kỹ thuật hiện đại đi tìm chúng tôi.

Các bếp vừa dọn cơm ra ăn thì nghe B57 thả bom ngoài Khe Vịt. Nghi ngờ cái tọa độ ấy, vậy là tính toán quân sự của chúng cũng rất giỏi. Ngoài Khe Vịt chỉ còn một tổ lính hậu cần đang dọn dẹp và ngụy trang nơi giấu quân. Không ngờ họ dính bom, chết mất hai người. Mấy ngày sau có việc đi qua khúc quẹo của Khe Vịt, tôi thấy hai nấm mộ mới đắp, chưa kịp mọc cỏ. Đêm ấy nếu Thân Trọng Một không tinh ý, để lính ngủ lại Khe Vịt, chắc hy sinh nhiều.

Đêm ở Khe Cối Xay bình yên. Nhưng Khe Cối Xay chỉ kín đáo cho một kho thóc, chứ không thể là nơi sinh sống của hai trăm con người. Ngủ đêm dậy, ngay sáng hôm sau Thành đội trưởng đã quyết định toàn bộ cơ quan di cư tới một vùng đất mới có cái tên nghe rất lạ lùng: Tà Rầu Tà Vò. Đó là một bản của người Ka Tu. Tôi cũng không có dịp tìm nguyên gốc của cái tên nghe giống như hai nhịp cồng chiêng vậy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2020, 04:29:31 pm »

Ở Tà Rầu Tà Vò nguồn lương thực của chúng tôi cạn kiệt. Những gì dự trữ được ở 815 bị mất hết rồi.

Thành đội phải cử người vào bản xin sắn. Họ cho. Dân đang đói, họ làm rẫy bí mật nên không cho cả rẫy được mà cho từng gùi. Từng gùi làm sao nuôi sống được hai trăm con người. Cái máu ma lanh của chúng tôi đến lúc này phải được huy động ra. Với đồng bào, gùi to cũng là gùi, gùi nhỏ cùng là gùi, giống như họ coi con gà mới đẻ cũng giống con gà mẹ. Đơn vị số 1 của họ là vậy. Đành ma lanh chứ biết sao. Chúng tôi cho đan một cái rọ tre thật to, chọn trong đơn vị một người khỏe nhất, vào rẫy lấy sắn cho đầy cái rọ “chiến lược” ấy rồi gùi ra. Với đồng bào dân tộc, miễn qua bờ rào rẫy là xong. Đưa được rọ sắn “chiến lược” ra khỏi rẫy, đã có cả chục người ngồi đợi bên ngoài. Lúc ấy mới chia sắn vào từng gùi mang về đơn vị.

Biết chuyện, Thân Trọng Một cười:

- Bọn bây đúng là lũ láu cá. Một gùi cũng là sắn đồng bào, mà mười gùi cũng là sắn đồng bào. Dân Ka Tu rất thủy chung với cách mạng. Họ thà ăn củ rừng chứ không để bộ đội cụ Hồ đói mô. Chỉ có điều cán bộ tuyên truyền của ta yếu quá. Chả lẽ cái gì cùng Thân Trọng Một, Thân Trọng Một.

Càng sống, càng thấy ông là người từng trải, ông không chỉ hiểu lính của mình, hiểu nhân dân đồng bằng mà hiểu cả người miền núi, đầy tâm lí

Ở Tà Rầu Tà Vò chưa ấm chỗ, mới ăn sắn của đồng bào được hai ngày thì bọn Mỹ Ngụy lại đã chơi chúng tôi một cú đo ván. Đó là vào một buổi sáng, chiếc C130 bay rì rì chậm chạp qua đỉnh Tà Rầu Tà Vò phun ra sau nó ít luồng bụi tưởng như 4 dải mây mờ vắt ngang qua nền trời. 4 dải mây mờ ấy loang rộng ra rồi phủ lên lá rừng. Anh em chúng tôi bị cay mũi, sặc sụa.

- Mỹ rải chất độc hóa học.

Chúng tôi lấy khăn mặt nhúng nước đắp lên mũi.

Chỉ một giờ đồng hồ sau chúng tôi thấy tất cả trên mặt lá rừng khu vực chúng tôi ở đọng những hạt lấm tấm trắng, giống như lá bị mốc.

Thân Trọng Một ra lệnh cho chúng tôi:

- Cầm rựa ra các rẫy sắn của đồng bào chặt hết các cây sắn, chặt tận gốc.

Chúng tôi làm theo. Thấy chúng tôi chặt, dân ra giữ lại, họ la ó:

- Bộ đội phá sắn của đồng bào.

Một già làng giữ chặt bàn tay tôi đang cầm rựa.

- Định giết đồng bào Ka Tu hả?

Tôi đáp:

- Đây là lệnh của Thân Trọng Một.

Nói tới Thân Trọng Một, già làng bỏ rơi cánh tay tôi:

- Một hả? Vậy cứ chặt.

Chưa biết đầu đuôi ra sao, song nói tới anh Một là họ tin ngay. Thế mới biết dân tin anh nhường nào. Già làng về bản, tới nhà Thân Trọng Một đang ở. Thấy già, anh nói:

- Cho dân chặt hết các cây sắn.

- Răng? Già làng hỏi lại.

- Ngày mai sẽ hiểu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2020, 04:30:16 pm »

Ngày mai, những rẫy không chặt cây, đào sắn lô cắt đôi củ ra, trong củ đã xuất hiện những thớ như màu đen giống như những sợi chỉ đen chạy thành tia trong củ sắn trắng bong. Ngày hôm sau nữa những củ sắn ấy đen hết, bắt đầu thối. Không thể nào ăn được nữa.

Thân Trọng Một cầm củ sắn nói với già làng:

- Chất độc hóa học Mỹ thấm từ lá cây xuống.

- À. Mình hiểu. Già đáp.

Những rẫy chặt cây thì cứu được củ. Song chúng tôi ở trong tầm loại thuốc khai quang ấy, rồi đây những bệnh tật gì sẽ xuất hiện. Mặc, sống cái đã, đánh Mỹ cái đã, chuyện đó tính sau.

Cái rẫy sắn bí mật của đồng bào hỏng rất nhiều. Cây bị hủy hoại rõ ràng nhất là cây chuối. Chỉ vài ngày sau, các cây chuối gẫy gục, chết hết. Lá rừng rụng đầy đất như một cái nệm êm. Vài ngày sau cái nệm xanh ấy đen lại, thối hoắc, đầy ô nhiễm.

Dân Ka Tu bắt đầu đói lại. Tiếp tục tính chuyện vào sâu trong rừng đào củ.

Già làng Tà Rầu Tả Vò đến gặp anh Một:

- Dân Tà Rầu Tà Vò họp rồi, quyết định chia cho lính ông Một một nửa số rẫy còn lại. Một nửa để dân dùng. Hết, đồng bào đã có rừng nuôi.

Thân Trọng Một đáp:

- Dân còn, bộ đội còn. Bộ đội còn, dân còn. Chúng tôi sẽ lên đường tuyến xin cả gạo cho dân và bộ đội,

Chưa mở đường lên Ka-nôn để lấy gạo được Thật khó khăn vô cùng. Mỹ Ngụy đang càn trên toàn diện chiến khu. Chúng tôi bị đói. Phải tính sao đây có cái gì cho vào bụng để còn sức mà chiến đấu. Đói thì người lính vẫn cứ phải tính đến ba bữa. Những ngày tiếp theo ở Tà Rầu Tà Vò, một ngày ba bữa của chúng tôi là thế này:

- Bữa sáng ăn hạt sót (hạt gắn) luộc.

- Bữa trưa cùng lúc chia hạt sót buổi sáng, nhà bếp phát cho mỗi người một vắt cơm đúng bằng nắm tay. Vắt cơm gói lá, cho vào túi, đeo trên thắt lưng. Ngày đó yên, không có địch, trưa được lấy ra ăn. Nếu có địch, tự mình phải tính ăn lúc nào hợp lý nhất để lấy sức mà chiến đấu.

- Bữa tối, nhà bếp phát cho mỗi người một hăng-gô rau tàu bay luộc với một gói muối. Nếu không pha nước vào muối, thêm một vài quả ớt mọi (ớt hạt tiêu) nữa cho dễ nuốt.

Tiêu chuẩn của Thành đội trưởng giống y xì tiêu chuẩn của chúng tôi. Ông ngồi ăn cùng anh em, kể chuyện tiếu lâm, cười ầm ĩ.

Những ngày đói ấy bắt đầu vào mùa mưa. Mưa như trút nước. Tất cả các dòng suối đều dềnh nước. Đi lại hết sức khó khăn. Khổ nhất là các đội kinh tế. Thấy lính đói, họ không cầm lòng được, phái tìm cách mở đường xuống đồng bằng để mua lương thực, thực phẩm. Song nước sông Hương lên quá to. Nước ấy không phải ai cũng qua được. Chết như chơi. Thân Trọng Một chưa cho họ đi: “Phải tính đã”.

Chả lẽ cứ chạy dài, không đánh địch. Phải đánh địch mới bám trụ được. Trời mưa có ít máy bay Nhưng thay vào đó là pháo hạm tiếp tục bắn vào. Pháo từ La Sơn, Phú Bài bắn lên. Dưới chân là nước. Đến bụng thì đói. Trên đầu thì pháo, rất cả những thứ đó đè nặng trên vai Thành đội trưởng, ông đang nát óc tính toán sao vượt qua tình trạng này. Trông ông gầy rộc đi, râu ria lởm chởm. Nước da ông vốn đã đen, càng đen hơn. Ngồi với đồng bào Ka Tu bên bếp lửa, ông trầm tư, không giống hùng khí của một Thành đội trưởng, mà giống một già làng. Chỉ khác cái ông mặc áo quần lính chứ không đóng khố cởi trần, không ngậm cái píp dài xả khói mịt mù trước mặt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2020, 04:30:47 pm »

Một hôm Đinh Như Khuê ở ban cơ yếu (bộ phận điện đài của thành đội) đem lên cho ông một bức điện khẩn. Ông ngồi bó gối, lim dim mắt, thường thì ông nhận điện, hối hả đọc ngay. Hôm nay ông có vẻ buồn, dáng không thiết gì nữa. Ông bảo Đinh Như Khuê:

- Đọc tao nghe.

Điện chỉ có mấy chữ, Khuê dọc.

“Ban chỉ huy trận càn lên chiến khu Thừa Thiên đóng ở Động Toàn”.

Chợt ông tỉnh như sáo, đập vào đùi đen đét.

Lập tức ông cho gọi trưởng ban tác chiến tới, rồi cho người chạy hỏa tốc điều tiểu đoàn trưởng hai tiểu đoàn đặc công lên Tà Rầu Tà Vò.

Một cuộc họp bí mật chúng tôi không được dự. Chắc là quan trọng, nên họp cả buổi chiều, lấn sang cả đêm. Khuya lắm các tiểu đoàn trưởng không ở lại, mà phải về đơn vị ngay.

Đúng ba ngày sau ông chống gậy đi. Hai tiểu đoàn đang chờ ông ở điểm hẹn. Chiều ấy họ báo cáo với ông phương án tác chiến. Nghe xong, ông gật đầu.

Tối ấy hai đại đội của Chị Thừa Một và Chị Thừa Hai đánh Độn Toàn. Địch không ngờ ta bị thua chạy dài thế mà còn đủ sức đánh vào bộ chỉ huy trận càn của chúng. Sáng ngày sau các đơn vị càn rừng lục đục rút về.

Trước ban tham mưu, anh Một rất vui:

- Ta đã đánh nát đầu rắn.

Cả chiến khu Thừa Thiên trở lại im lặng một cách lạ thường. Không bom, không pháo, không biệt kích. Đã đành thằng địch sẽ tính nước cờ khác, chúng không chịu bó tay. Tuy vậy chiến khu được những ngày bình yên.

Thành đội trưởng lệnh cho Chiến, y sĩ Bùi Đình Nhu và tôi đi cùng ông. Ông không nói đi đâu. Cứ theo dấu đường, tôi đoán chắc ông trở về lại hậu cứ 815 cũ. Đúng vậy. Dấu tích chiến tranh đầy dọc đường. Hai chữ chính xác miêu tả đúng 815 lúc tan hoang. Cực kỳ tan hoang. Không thể gọi đó là một cánh rừng được nữa. Tất cả các nhà thùng hầm chữ A bị mìn phá tan tành.

Đứng trước cửa địa đạo cũ nhìn về đồng bằng, ông nói:

- Chiến tranh có lúc thắng, lúc thua. Thằng Mỹ mạnh như rứa, song chúng có mần chi được chúng ta. Có đúng không, mấy đứa.

Ông nói tiếp:

- Tau xác định được cái tin chỉ huy trận càn của Mỹ Ngụy đóng ở Độn Toàn, tau mừng quá. Không nuốt chửng được cái Độn Toàn không phải là tau. kế hoạch chặt chẽ, hai thằng đặc công đánh quá đẹp.

Ông cười, chống gậy đứng đó. Hai bàn tay úp lên nhau, chồng trên đỉnh gậy. Mắt ông nhìn về đồng bằng xa xăm, miệng tủm tỉm. Trông ông như một pho tượng đầy lãng mạn.

Thân Trọng Một đó. Gian khổ, vất vả, kể cả thua trận, mất hậu cứ nữa, với ông chả mùi mẽ gì. “Thua keo này ta bày keo khác”, ông hay nói thế. Ở ông hai điều bao giờ cũng lồ lộ là tinh thần quả cảm và lòng thương người.

Sau cuộc thị sát ấy về, ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần chuyển về ở Khe Rùa. Gọi là Khe Rùa vì dọc con suối ấy rất nhiều rùa. Từ 815 lui lại phía sau một giờ đồng hồ là Khe Rùa rồi. Ở đây hướng về đồng bằng, 815 ở ngay trước mắt.

Nhìn 815 vẫn thấy nó thật uy nghi.

Tháng 8-1968 ở 815 quả là những ngày quyết liệt không bao giờ quên được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:28:00 am »

Ở KHE RÙA

Chiếm được 815, Mỹ Ngụy đặt mìn vào từng căn nhà thùng giật cho sụp đổ hết, xong chúng dùng mìn dây quấn quanh gốc những cây có bóng rợp lớn cho nổ. Chi trong một ngày, chúng đã làm cho 815 tan hoang như bị bom B52 chần đi chần lại nhiều lần.

Thành đội trưởng Thân Trọng Một trở lại 815 cùng chúng tôi, ông đi khảo sát các địa hình xung quanh, cuối cùng ông quyết định chuyển cơ quan về Khe Vàng.

Gọi là Khe Vàng, có lẽ vì hai bên bờ suối tràn trề những bãi cát nhỏ vàng rực. Nếu thời thanh bình, đứng trên bờ cát này thật nên thơ. Màu cát vàng làm cho dòng suối hoang vu trở nên ấm áp. Khe Vàng vốn là hậu cứ của một tiểu đoàn đặc công. Sẵn nhà thùng, sẵn hầm hố, nên chúng tôi chỉ gia công thêm tí chút là đã có chỗ ở tàm tạm.

Nếu đứng ngoài sông Hai Nhánh nhìn vào, thì Khe Vàng ở về phía tay phải 815. Ở đây cây cối còn um tùm. Đi về đồng bằng cũng rất thuận lợi. Vì tình hình lương thực từ ngoài đường tuyến (tuyến đường mòn Hồ Chí Minh) chưa đưa về được, chúng tôi vẫn phải bám lấy đồng bằng để có lương thực, thực phẩm.

Có lẽ những ngày ở Tà Rầu Tà Vò ẩm thấp, muỗi quá, nên về đến Khe Vàng tôi bị sốt rét dữ dội. Người run cầm cập, ngồi bên cạnh bếp lửa càng sốt cao. Đắp mấy chăn cũng không vừa. Rét từ bên trong ruột rét ra. Uống ký ninh không dứt, phải tiêm. Tiêm vào, bụng cồn cào, nôn cả mật xanh mật vàng. Xong mỗi trận nôn, người mệt nhừ. Lưỡi đắng ngắt. Chỉ có cháo nấu loãng là uống được.

Đêm đêm cơ quan tổ chức người về đồng bằng lấy gạo. Thực túc ư binh mà. Trong kế hoạch là phải có gạo dự trữ cho mùa mưa. Chập tối, từng đoàn người đi, sáng sớm, độ 5 giờ, cũng một đoàn ra sông Hai Nhánh, để đón hàng cho những người đi đồng bằng về. Chừng 7 giờ rưỡi, đoàn người đi mua lương thực về đến cơ quan.

Tôi sốt nên được nghỉ ở nhà.

Một hôm y tá vừa tiêm cho tôi xong, cô động viên tôi gắng ăn được một bát cháo, đắp lại chăn cho tôi nằm nghỉ, cô y tá mới ra khỏi cửa được chừng nửa giờ, bỗng một chùm bom nổ nhức óc. Rõ ràng bom nổ gần. Chỉ mấy phút sau, anh Hoàng Minh Đăng chạy vào hầm bảo tôi:

- Anh em đi lấy gạo về, đang tắm dưới suối thì trúng bom.

Anh thông báo một sự cố khủng khiếp:

- Chết 7 người. Anh Mậu trưởng ban Năm cũng hy sinh.

Từ phút ấy không khí cơ quan như rối tung lên. Khâm liệm cho các liệt sĩ, chọn địa điểm đào huyệt rồi chôn cất anh em. Ở các ban lo sửa chữa, củng cố lại hầm hố. Chiều cơ quan vẫn phải tổ chức đi đồng bằng.

Tôi vẫn sốt, không biết gì bên ngoài. Hai ngày sau anh Châu trưởng ban quân lực bảo tôi:

- Thủ trưởng quyết định di chuyển chỗ ở.

Tôi hỏi:

- Chỗ này bị lộ hả anh?

Anh Châu đáp:

- Quyết định của Thành đội trưởng thì phải đi. Mệnh sống của chúng ta ở trong tay ông, nên ông phải lo toan.

Không trù trừ, ngay chiều hôm ấy chúng tôi khăn gói lên đường. Đoàn người ra đi trong không khí khá nặng nề. Mọi người chỉ biết thi hành mệnh lệnh. Chúng tôi ngược ra phía đường ra sông Hai Nhánh rồi vượt dốc Thanh Niên đi về phía Khe Vịt. Đến Khe Rùa thì dừng lại. Lập tức triển khai căng tăng, đào hố cá nhân.

Thành đội trưởng quyết định:

- Chúng ta ở lại đây.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:28:57 am »

Chỉ ba ngày sau chúng tôi đã dựng xong lán trại, đào xong các hầm kiên cố. Khe Rùa nhiều rùa thật. Toàn loại rùa có mai màu vàng. Ngày nào chặt cây, cắt lá về dựng nhà chúng tôi cũng bắt được rùa. Nó nằm ngay dưới gốc các cây lá nón. Có rùa, tức là có thịt ăn, vậy cũng vui rồi. Chúng tôi làm thịt rùa thật đơn giản: bắc ba cục đá xếp bếp, lật ngửa rùa lên, đặt vào. Đốt lửa bên dưới. Rùa rãy rục một lúc thì chết. Chúng tôi lấy dao găm tách thịt rùa ra khỏi mai, cắt ra, cho vào nồi om với muối ớt và củ riềng rừng. Càng mặn, càng cay ăn càng ngon.

Bên này bờ suối là ban tham mưu đóng. Bên kia suối là ban chính trị. Đêm ngày thứ 5, kể từ lúc đặt chân, bống B57 lại “cả cái” vào khu vực ban tham mưu. Hết bom, chúng tôi gọi nhau í ới, tưởng bom chỉ phá đủ cây rừng. Không ngờ sáng hôm sau Thành đội trưởng gọi:

- Anh Đông trưởng ban pháo binh hy sinh rồi.

Chúng tôi chạy lên nhà của ban pháo binh phía đầu nguồn nước. Anh Đông chết, nằm co ro như đang ngủ. Thành đội trưởng đi kiểm tra phát hiện ra. Nhà ban pháo đang dựng dở. Chỉ có anh Đông ở nhà nên thi công chậm. Một mảnh bom găm vào người anh. Anh chết ngay, không kêu được một tiếng. Anh Thắng, Nhu, Lầu và tôi khâm liệm và chôn cất cho anh ngay gần nhà pháo binh. Mặc lại áo quần sạch cho anh. Quấn tấm tăng bên ngoài thay cho quan tài. Cái chết của người lính ở chiến trường thật đơn giản. Cơ quan tập trung làm lễ truy điệu, từ biệt anh, quân lực ghi tên anh vào danh sách liệt sĩ, thế là xong.

Chúng tôi lo sau loạt bom ấy lại phải di chuyển. Thành đội trưởng nói:

- Chúng đang dùng bom xăm chúng ta thôi. Chẳng có chi đáng sợ cả.

Sau thất thủ 815, mật độ bom, đạn pháo và biệt kích tăng nhiều. Mỹ Ngụy đang tìm mọi cách tìm dấu vết của thành đội Huế mà không ra. Cây rừng đã che chở cho chúng tôi.

Anh Mậu chết, anh Chương lên thay. Đi đồng bằng lấy gạo là nhiệm vụ hàng đầu. Song cũng hết sức nguy hiểm.Vì thằng địch cũng thừa biết, lính thành đội Huế không thể tách đồng bằng được. Để lấy được nhiều lương thực, đại đội 12 ly 7 của Quảng Bình chi viện cho Huế được tổ chức thành đại đội hành lang, chuyên một việc bám đồng bằng lấy gạo, họ hầu như quên những khẩu 12 ly 7 bắn máy bay của mình.

Có điệp báo nên một tổ của đại đội hành lang vào xóm ga Hương Thủy lấy gạo, đột ngột bị bao vây. Bọn địch định giữ chặt các lối xóm, không cho một ai thoát, nhưng tổ mua lương thực 12 ly 7 đã chiến đấu quyết liệt mở một đường máu. Tổ 12 người, chỉ ba người sống sót về được hậu cứ trên rừng xanh.

Bọn biệt kích tăng cường lùng sục các ngả đường rừng. Chỗ nào hoài nghi, chúng thả biệt kích xuống.

Tổ Nhu, Lầu, Khuê đi mua gạo ở đồng bằng, về sau cùng. Không ngờ dính ngay biệt kích. Không đuổi chúng bắn theo. Gùi gạo của Nhu trúng đạn. Nếu không có bao gạo, chắc Nhu chết. Anh thoát, nhưng gạo trong gùi theo lỗ đạn mở chảy ra bằng hết.

Nhu cười:

- May quá, gạo đi thay người. Mình sẵn sàng nhịn một tuần để tiết kiệm gạo.

Đồng đội bao giờ để anh đói. Bùi Bình Nhu là y sĩ của cơ quan tham mưu (sau giải phóng miền Nam về lại quê Hải Dương, học xong đại học y, anh về, được bầu làm giám đốc bệnh viện Hải Dương).

Đêm đêm B57 vẫn tiếp tục thả bom xăm các tọa độ hoài nghi để tìm lính thành đội. Khe Rùa không chịu thêm một loạt bom nào nữa. Thân Trọng Một hình như nắm chắc được quy luật của chúng, nên ông rất ung dung. Tuy vậy chúng tăng cường khống chế đường chiến khu của chúng ta bằng pháo. Pháo địch lúc này cũng rất nham hiểm, đủ cả: pháo khoan, pháo đào pháo chơm. Pháo chơm là loại pháo mới rất nguy hiểm. Đầu đạn rơi chạm đất, nổ ngay tức thì, văng mảnh ra bốn xung quanh rất nguy hiểm, song sợ nhất là nó nổ ngay trên ngọn cây, các mảnh chụp xuống đất thì như một cái nơm vậy. Chúng tôi rất ngán loại pháo này.

Có một lần chúng tôi dính pháo chơm. Hôm ấy anh Chương, trưởng ban Năm (ban quản lý kinh tế, hậu cần của cơ quan tham mưu) dẫn tôi, Lầu, Thủy và Phong (anh hùng Nguyễn Viết Phong, sau này cùng hy sinh trong một chuyến ở đồng bằng về). Đang tụt dốc xuống phía sông Hai Nhánh, bỗng nghe tiếng đề-pa (tiếng nổ đầu nòng của pháo) vọng lên từ phía Phú Bài, anh Chương hô:

- Nằm xuống!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:30:22 am »

Chúng tôi ai đâu chỉ kịp nằm xuống đó. Một quả pháo chơm nổ ngay gần đầu Lầu, mảnh tóe lên theo hình phẫu, nên Lầu không dính đạn, mà lửa tóe ra cháy một bên lông mày anh, rát cả một phía mặt. Anh Chương phải lấy lá rừng vò nát, xoa vào mặt cho Lầu để da khỏi phồng. Ngừng tiếng pháo, anh Chương hô đi chúng tôi mới đi được mấy bước lại nghe tiếng pháo nổ đầu nòng. Tất cả nằm xuống. Anh Chương tấp vào gốc cây tôi vừa ngồi. Quả pháo nổ xa hơn. Mùi thuốc đạn nồng nặc.

Anh Chương gọi:

- Các cậu ơi, tôi bị thương rồi.

Chúng tôi quay lại chỗ anh. Bàn tay trái anh ôm đầu để tự vệ, tự vệ theo bản năng, anh giơ ra trước mặt, ba ngón tay đứt chỉ lủng lẳng một tí da. Một mảnh pháo đã xẹt qua đó. Chúng tôi băng bàn tay cho anh. Anh nói:

- Sao mình thấy nhức chỗ đầu này.

Anh chỉ vào chỗ nhức, ở đó, một xí máu rỉ ra, như máu của một con muỗi. Nhìn kỹ, đúng là một mảnh rất nhỏ đã xuyên vào đầu anh ở chỗ ấy. Chỉ 5 phút sau, anh Chương bảo:

- Tôi mệt quá, cho tôi nằm một chút.

Chúng tôi đỡ anh nằm. Và, thế là anh nằm luôn. Không ngờ vết thương nhỏ mà ác quá. Chắc mảnh xuyên sâu vào óc. Chúng tôi bỏ cuộc đi đón gạo, chặt cây cáng khiêng anh vào trạm xá Nam cách đó không xa. Giao anh cho trạm xá, chúng tôi về báo cho cơ quan.

Vì vết thương nhỏ ấy, đêm đó anh Chương mất.

Cơ quan tham mưu cử anh Hoàng Minh Đăng, sĩ quan của ban quân lực lên thay anh Chương làm trưởng ban Năm. Anh Đăng vừa nhận chức được ít ngày thì xẩy ra vụ trực thăng trên sông Hai Nhánh.

Đêm trước mưa, nên anh em đi mua gạo ở đồng bằng về không kịp, nước sông Hương đột ngột lên nhanh. Phải đợi sáng mới tìm được phương án để vượt sông. Đoàn vượt sông sáng ấy khá đông. Mỗi người đều lấy tấm ni lông của mình bọc gùi gạo thật chặt làm phao bơi. Chọn một chỗ xuất phát sao cho có thế nhất, nghĩa là không bị nước cuốn và đáp vào bờ bên kia thuận lợi, lên xuống dễ dàng, kín đáo.

Không ngờ lúc anh em đang vượt sông thì máy bay trực thăng Mỹ chợt bay qua và chúng đã phát hiện ra cuộc vượt sông. Thế là không chậm một phút, chúng vòng ngay lại nhả đạn. Khẩu đại liên trên ba chiếc trực thăng không tiếc đạn. Chúng săn và bắn đến cùng.

Tốp mua hàng của cơ quan thành đội đã đi trước, vào được rừng không bị dính đạn. Các đơn vị chiến đấu không may, số người chết trên sông Hai Nhánh hôm ấy là 23 người. Nghe tiếng súng nổ, Thành đội trưởng như ngồi trên đống lửa. Ông chạy ra, chạy vào. gọi tham mưu trưởng lên hỏi. Mãi sau có tin, ông ngồi thừ một lúc rồi ôm mặt khóc. Những giọt nước mắt ấy là tiếng nấc khôn cùng của ông. Nhìn ông vậy, chúng tôi không dám an ủi. An ủi lúc này có khác gì chiếc khoan sắt khoan vào tim ông.

Ngay sau trận sông Hai Nhánh ấy, trời bắt đầu mưa. Mưa rất dữ. Đến nỗi Ban chính trị và ban tham mưu chỉ cách nhau một con suối nhỏ, nước giữa lòng chỉ quá đầu gối, vậy mà sau một ngày một đêm mưa hai bên hầu như không liên lạc được với nhau. Không ngờ trận mưa ấy dài thế. Suốt ngày giọt tranh chảy thành một dòng nước nhỏ nối mái tranh với đất. Dọc chiều dài mái tranh hàng ngàn sợi dây nước cứ chảy miên man như vậy 22 ngày mới dứt.

Đã đành không thể bơi qua sông Hương về đồng bằng. Đói. Các đơn vị đều đói.

Thành đội trưởng phải đi đến quyết định: “Các đơn vị cần phân loại lính làm hai loại: Loại 1 đủ sức chiến đấu thì ở lại bám trụ, loại 2 không đủ sức chiến đấu thì cho quay lui Mường Nòng, ngay sát đường tuyến, sẵn gạo, sẵn thuốc, bồi dưỡng một thời gian cho hồi sức, đợi thời cơ, khi nào thành đội trưởng có giấy gọi thì về để tiếp tục chiến đấu”.

Các đơn vị: tiểu đoàn pháo, Chị Thừa Một, Chị Thừa Hai, 810 và 804 đều chấp hành lệnh của thành đội một cách nghiêm túc. Gần một phần ba quân số phải quay lui tuyến sau. Tuy nhiên ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần thì ở lại nguyên quân số. Vì đó là lực lượng không thể thiếu được cho các đơn vị tác chiến.

Đó là một quyết định đúng đắn. Có như vậy tư tướng những người ở lại mới vững vàng và những người lui tuyến sau là “thê đội hai” chờ thời cơ sẽ đến. Ở lại thì túng miếng cơm manh áo với nhau, nhiều khi chuyện rất nhỏ mà lại thành chuyện lớn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM