Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:21:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thân Trọng Một - Con người huyền thoại  (Đọc 7874 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:54:58 am »

Không sai một phút, trung đội tuần tra đi từ đồn Nam Giao lên. Tôi xem đồng hồ: 7 giờ 40 phút. Giờ giấc quân đội nghiêm thật. Chúng đi hàng một nghiêng nghiêng ngó ngó. Chẳng có động tĩnh. Chỉ có tiếng chim loách choách trên cành thông cao vút và tiếng gió lào xào. Trông lũ lính nghênh ngang, ngon mắt quá. Nhưng chúng tôi không được lệnh đánh bọn đi lên, mà đánh bọn đi về kia. Bọn đi lên êm re, sẽ tạo cho bọn đi về chủ quan hơn, như vậy càng tăng thêm yếu tố bất ngờ.

Đúng 10 giờ, bọn lính đi tuần từ trên Tuần về qua. Trời đất ấy, cây cối ấy, không gian nên thơ quá. Đất ở vòng cung Độn Bạc thoai thoải, cỏ xanh mịn màng như mời mọc. Tên trung đội trưởng đi sau hô “Nghỉ!”. Không đến nỗi mệt, mà chân tay chúng trông rã rời. Đứa mô cũng tìm cho mình một vạt cỏ xanh mịn nhất. Đứa thì gác súng lên gốc thông, đứa lấy súng làm gối nằm ngửa nhìn trời, có đứa vất ngay xuống cỏ, rút bình nước ngửa cổ uống.

Bất chợt khẩu súng trung liên chiến lợi phẩm đặt trên cao khạc đạn quét một vòng suốt chiều dài trung đội lính ngụy đang ngả ngớn. Tiếng trung liên đồng thời cũng là lệnh xung phong. Đạn đầu nòng dẫn đường cho lưỡi lê và gậy dang vót nhọn theo độ tà âm lao xuống. Bọn lính ngụy chưa đủ thời gian giật mình đã ăn đạn hay bị lê đâm, gậy dang chọc thủng ruột. Một số đứa kịp vơ súng chạy như bị ma đuổi. Những đứa chết nằm sóng soài, những đứa bị thương kêu la tuyệt vọng.

Không đầy 15 phút sau, chúng tôi làm chủ trận địa, thu chiến lợi phẩm một cách êm ru. “Rút!”. Tiếng Thân Trọng Một như tiếng chuông lệnh, theo anh, 45 phút sau chúng tôi đã tập kết không thiếu một người ở lăng Thiệu Trị. Từ lăng Thiệu Trị, chúng tôi vượt núi về phía Chín Hầm, đến đây thì hoàn toàn vô sự rồi, cứ thế chúng tôi thủng thẳng về hậu cứ của mình.

Tối ấy cơ sở báo cho chúng tôi biết mãi 2 giờ chiều, tức là sau gần 4 giờ đồng hồ, lính từ Tuần về, từ Nam Giao mới lên thu dọn chiến trường.

Họp anh em thông báo chiến thắng, Thân Trọng Một nhận xét:

- Thằng địch phản ứng quá chậm.

Tôi nói:

- Có lẽ nó sợ mình phục kích diệt viện anh ạ.

Anh Một gật đầu:

- Nhận xét của chú Bảy rất đúng. Kế hoạch rút quân an toàn của chúng ta ngoài dự đoán của địch. Chiến tranh, hai bên cứ nghi ngại, dò tìm nhau, anh nào nhanh chân ra đòn quyết định thì thắng. Tuy vậy, không bao giờ chúng ta được phép chủ quan.

Hôm về Dương Xuân Hạ, anh Châu chỉ huy du kích xã gặp anh Một:

- Nghe nói các anh vừa thắng trận Độn Bạc đậm lắm. Anh chi viện cho du kích xã mình mấy khẩu súng đi anh.

Anh Một cười thủng thẳng:

- Các chú phải tự lấy súng của địch trang bị cho mình chứ, ai lại đi xin.

Anh Châu nói:

- Khó quá anh ạ.

- Để tau bày cho - Anh Một hỏi anh Châu - Trong địa phận xã mình có bọn địch nào lởn vởn không?

- Không anh ạ.

- Mi nghĩ kĩ lại coi.

Lát sau anh Châu như chợt nghĩ ra:

- Chỉ có một tiểu đội lính ngụy ngày ngày chúng đi tuần tra đường tàu, từ ga đến đầu cầu Bạch Thổ rồi quay về, đoạn đường chưa đầy hai cây số.

- Để tau coi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:55:36 am »

Anh Một đòi anh Châu dẫn đi quan sát địa hình. Nhìn tiểu đội ngụy đi tuần giống như đội quân thất trận. Vì việc chúng làm chúng coi đó không phải việc của nhà binh, một việc làm bắt buộc, chán ngoét. Song trên vai đứa nào cũng có một cây súng. Đó mới chính là điều Thân Trọng Một cần.

Anh Châu băn khoăn:

- Anh thấy đoạn đường này, một đầu là ga, một đầu là nhà máy nước Giã Viên. Ta nổ súng e không chạy kịp, chúng đã ập tới bắt rồi.

Nhớ trận Độn Bạc, anh Một nói:

- Chúng ứng chiến chậm như rùa ấy mà. Rồi. Mi sẽ thấy tau nói cấm có sai.

Ngay chiều ấy chú du kích Nguyễn Văn Sinh mới 19 tuổi, dẫn một con trâu ra ăn cỏ bên lề đường sắt. Để mặc trâu liếm từng ngọn cỏ, còn Sinh ngồi trên đầu tấm tà vẹt, như sự vô tình, chốc chốc cậu lại cầm một hòn đá lót đường sắt ném xuống bờ sông. Chẳng mấy chốc chỗ ấy đã thành một hốc đá rỗng. Sinh vơ cỏ nhét đầy lỗ hổng ấy, rồi lấy đá đắp lên trên.

Cùng lúc Nguyễn Văn Sinh moi hốc đá, trong làng Dương Xuân anh Một tặng cho anh Châu một quả mìn, một cuộn dây điện thoại dài và cử một chiến sĩ của anh làm chuyên viên đánh mìn cho anh Châu. Bàn mọi kế hoạch xong, anh Một dặn:

- Cứ vậy, cứ vậy nghe.

Đêm ấy, chiến sĩ của anh Một giúp anh Châu ra đánh chỗ Sinh moi đá, vất chỗ cỏ tấp vào đi, đặt mìn vào đó, kéo dây mìn tới chỗ mai phục, rồi kiểm tra lại khâu ngụy trang cho thật đàng hoàng.

Sáng, tổ du kích của anh Châu hồi hộp lắm. Thời gian như kéo dài ra vô tận, mãi rồi tiểu đội lính ngụy đi tuần xuất hiện. Châu nhắc đồng đội:

- Bình tĩnh nghe các em.

Tiểu đội lính ngụy tha thẩn đi như mọi ngày. Trông chúng vừa ngái ngủ, vừa đói bụng. Thời gian như ủng hộ chúng, không gây một tiếng động nào đáng nghi ngại. Đoạn đường gần hai cây số, bai đầu là hai chốt có lính, càng làm chúng yên tâm và đãng trí. Chúng khoác súng trên vai chứ không có động tác lăm lăm cầm súng trên tay ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Chúng đến chỗ quả mìn. Chân run run, người chiến sĩ “cố vấn” anh Một để lại, cầm đầu dây điện thoại giật mạnh, quả mìn nổ. Cả tiểu đội ngụy như đám bèo trên mặt ao bị một hòn đá lớn ném xuống.

Anh Châu hô du kích xung phong. Họ phóng tới, cướp súng của những tên lính ngụy chết rồi chạy vào làng Lịch Đợi, về Dương Xuân.

Trận ấy quân anh Châu cướp được 6 khẩu súng. Giá bình tĩnh hơn, có thể có thêm súng. Vì sau đó dân cho biết tiểu đội lính ngụy ấy chết tới 8 thằng. Anh Châu chép miệng tiếc mãi.

Những khẩu súng đầu tiên trang bị cho du kích Dương Xuân là như vậy.

Vừa vận động nhân dân cho con em nhập ngũ, vừa đánh giặc lấy súng trang bị cho mình. Bộ đội tự phát của anh Thân Trọng Một ngày một đông. Một trung đội rồi một đại đội.

Tiếng tăm Thân Trọng Một đã vang dậy từ những trận đánh thần kỳ, đến khi đã đủ quân một đại đội, ủy ban hành chính kháng chiến huyện Hương Thủy mới công nhận đại đội của anh là một đơn vị vũ trang của huyện. Các đại đội huyện dần dần bổ sung, quân và rồi hình thành tiểu đoàn bộ đội địa phương Thừa Thiên Huế, do anh Nguyễn Chi làm tiểu đoàn trưởng. Anh Một làm tiểu đoàn phó.

Hai người thân nhau hơn anh em ruột. Và vì vậy lực lượng vũ trang ngày một trưởng thành.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2020, 06:02:18 am »

THỜI MANH NHA

Anh TỐNG HOÀNG NGUYÊN kể

Lớp thanh niên bây giờ không thể hiểu nổi lớp thanh niên chúng tôi thời ấy háo hức được cầm súng như thế nào. Cái khát vọng của người nô lệ thành người tự do lạ lắm. Chứng tỏ mình là người tự do ngay lập tức, ấy là lúc mình được cầm một khẩu súng trong tay. Vì thế khi bộ đội về đóng trong làng, đám thanh niên cứ bám lấy. Đứa nào cũng lăm le được sờ tay vào khẩu súng, được các anh bộ đội dạy đặt báng súng vào vai và lấy đường ngắm cơ bản từ khe chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi, tới vật chuẩn mà đầu súng hướng tới.

Thanh niên chúng tôi lúc ấy đứa nào cũng mong mình đến tuổi 18 để đi bộ đội, hoặc ít nhất cũng được thoát ly. Nghĩa hai chữ thoát ly thời chúng tôi là được tham gia bất cứ việc gì cho cách mạng. Song hầu như đứa nào cũng mong được nhập ngũ hơn. Bây giờ thanh niên nhập ngũ được phát đủ thứ: ba lô, giày mũ, áo quần, dây lưng lớn, dây lưng nhỏ. Mặc quần áo được phát vào là oách ngay. Một chú lính mới tí tởn, dậm giày cồm cộp khoe với mọi người. Thời chúng tôi đi bộ đội mặc áo quần thường dùng ở nhà. Những đứa nghèo vẫn áo vá, quần nâu. Và mỗi ngày vẫn ba bữa cơm nhà. Tập tành, huấn luyện, gác xách trong đội hình quân ngũ. Nhưng đến bữa ăn, cha mẹ vẫn không quên một suất cơm cho con mình. Thương con vất vả; nấu thêm cho con ăn no để tập tành. Vậy mà chẳng có một ai nghĩ đến chuyện đào ngũ.

Các cụm từ “bộ đội từ nhân dân mà ra” đúng từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, không hề sai một chút nào. Một thời gian sau áo quần rách lại chạy về xin cha mẹ. Tôi nhớ bấy giờ vào mùa mưa. Lính ông Một không trụ ở đồng bằng được phải lên núi dựng lán ở. Số quần áo lành lặn được tập trung lại làm gia tài chung. Anh nào về cơ sở công tác mới được mặc quần áo để tiếp xúc với đồng bào. Anh nào ở nhà thì quần cộc. Dĩ nhiên lương thực, thực phẩm thì dân cho ăn rồi.

Trong tình trạng cái mặc gay go thế, bỗng có một chiếc máy bay Đa-cô-ta, một loại máy bay vận tải của Pháp bay từ phía trong ra Huế. Mùa mưa cho nên trời - mây mù mịt. Chiếc Đa-cô-ta không nhận ra đường đâm đầu vào núi Rẫm. Chiếc máy bay đổ, nhưng không cháy. Hàng vận tải trong máy bay vẫn còn nguyên vẹn. Chuyện xảy ra đã nửa thế kỷ, vả lại tôi không phải người lên kiểm tra máy bay đổ, nên không biết máy bay chở những hàng gì. Chỉ biết trên chiếc máy bay ấy có vải.

Lúc máy bay đi, tiểu đoàn của Thân Trọng Một đang đóng ở Phú Lộc. Ông cho lấy toàn bộ số vải ấy may cho mỗi người một bộ quần áo mới. Lính ta xênh xang lăm. Tôi nhớ, không phải may kiểu tây mà may kiểu ta, quần áo rộng thùng thình, loại áo có hai túi to ở hai vạt. Bây giờ về nông thôn thỉnh thoảng vẫn gặp các cụ già may loại áo quần này mặc cho thoáng mát. May áo quần tây lúc ấy phải lên Huế. Huế cũng chỉ có mấy hiệu may được đồ tây thôi. Lính làm sao vào Huế được, nên may đồ ta hết.

Tin chiếc Đa-cô-ta đổ ở Rẫm đến tai cấp trên. Chả hiểu đến bằng cách nào. Tôi đoán chắc là do hệ thống báo cáo từ dưới lên. Lại nghe Thân Trọng Một lấy vải may áo quần nữa. Làm như vậy là vi phạm luật chiến lợi phẩm. Đúng ra là khi thu chiến lợi phẩm phải gửi hết lên trên để trên căn cứ vào tình hình thực tế rồi mới phân phối cho đều.

Cấp trên gửi công văn về cho Thân Trọng Một đòi ông phải báo cáo về toàn bộ chiến lợi phẩm thu được.

Thân Trọng Một bấy giờ đã rất nổi tiếng về đánh giặc, đồng thời cũng nổi tiếng ngang tàng. Nhận được công văn hỏi, Thân Trọng Một lấy một tờ giấy trắng viết số 1 rõ to rồi vòng số 1 ấy trong một vòng tròn khép kín. Xong ông gấp lại, gửi lên cấp trên. Đó là công văn trả lời của Thân Trọng Một.

Công văn gửi lên, cấp trên mở ra, lẽ ra phải có lời trình bày, diễn giải đàng hoàng về chiến lợi phẩm thu được, đằng này chỉ có một số 1 trong vòng tròn rõ to. Trên đành cho người về tìm Thân Trọng Một hỏi:

- Sao đồng chí không giải trình cho cấp trên rõ về chiến lợi phẩm?

Thân Trọng Một trả lời:

- Thì tôi trả lời đầy đủ cả rồi đó.

Phái viên hỏi tiếp:

- Vậy cái số 1 với vòng tròn ấy nghĩa là gì.

Thân Trọng Một cười:

- Nghĩa là Thân Trọng Một không lấy chi cả.

Ông Một kéo hai vạt áo của mình ra trình trước mặt phái viên.

- Đây, đồng chí coi mình vẫn mặc áo quần cũ. Mình có chi dùng cho mình một sợi vải mới mô không?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2020, 06:03:05 am »

Phái viên nói:

- Là đồng chí phải báo cáo về chiến lợi phẩm lấy được ở chiếc máy bay đổ ở Rẫm.

Thân Trọng Một thản nhiên:

- Lính thì chúng tôi vào dân vận động cho con em họ nhập ngũ. Quần áo lính thì cha mẹ chúng trang bị cho chúng. Chúng đói thì xin cha mẹ cho ăn. Thực chất chính quyền đã nuôi họ được một ngày nào chưa? Chưa chi cả, đúng không? Lính chưa có súng thì họ chặt ống dang, vạt nhọn làm vũ khí. Từ ống dang vạt nhọn ấy, họ cướp súng giặc trang bị cho mình. Lính tôi hết quần áo mặc, tôi báo cáo lên cấp trên xin áo quần cho họ, cả nửa năm rồi chưa thấy các anh gửi cho họ lấy một bộ. Nay họ chiếm được ít vải chiến lợi phẩm, họ may mặc tự trang bị cho mình. Làm chi mà các anh cứ nhắng lên.

Phái viên đuối lý, nhưng vẫn tỏ ra quyền hành:

- Là quân đội, các anh phải chấp hành điều lệnh.

Thân Trọng Một vặn lại:

- Lính tôi không có áo quần, xin các anh một điều lệnh cho chúng tôi ở lỗ tồng ngồng đi về nông thôn phát động quần chúng tham gia cách mạng. Không phải nhiều lời, anh cứ nói với cấp trên rằng: Một không lấy chi, là đủ.

Phái viên đành lủi thủi ra về.

Nghe nói vụ ấy cấp trên làm căng lắm. Định nhân đó kỷ luật Thân Trọng Một. Nhưng suy đi tính lại, Thân Trọng Một có lấy chút chiến lợi phẩm nào trang bị cho cá nhân mình đâu. Việc làm của ông cũng vì mục đích cách mạng cả. Chẳng lẽ bây giờ lột hết áo quần của lính gửi lên cấp trên sao. Vả lại Thân Trọng Một đánh giặc nổi tiếng thế, bây giờ thay ông, liệu một người nào khác có dạy được lính như ông? Có đánh giặc giỏi như ông?

Thân Trọng Một không đếm xỉa gì tới tội lỗi của mình trong vụ lấy vải may áo quần cho lính, ông chỉ loay hoay lo làm sao đủ vũ khí, chỉ có đủ vũ khí mới tính được những chiến thắng lớn lao. Bỗng tiếng tàu hỏa xình xịch từ phía Đà Nẵng chạy qua. ông hỏi người lính cận vệ:

- Tàu chi mà chạy nặng nề rứa hề?

- Dạ nghe nói nó chở hàng và cả vũ khí nữa.

Hai chữ “vũ khí” làm mắt Thân Trọng Một sáng lên. Trong óc ông chỉ nghĩ xung quanh một điều: làm thế nào đánh được đoàn tàu này để lấy vũ khí.

Có người bạn vốn là lính hỏa xa bày cách cho Thân Trọng Một:

- Ông có muốn đoàn tàu đang đi, bỗng dưng dừng lại không?

- Làm cách chi?

- Lấy dầu luyn đổ trên đường ray một quãng dài chừng 300 mét, dầu luyn trơn, trượt bánh, bánh quay tít tại chỗ, tàu không chạy được nữa.

Thân Trọng Một suy nghĩ phương sách ấy. Dầu đổ toe toét không thể qua mắt được người công nhân kiểm tu. Vả lại, nếu không bị một cú xốc bất ngờ, bọn lính gác trên tàu sẽ còn đầy đủ sức chiến đấu, khó lòng đánh nhanh, diệt gọn được. Thân Trọng Một xuống Hải Vân, lần theo đường sắt từ ga Lăng Cô lên ga Truồi. Chỉ có đoạn này tàu chạy qua vùng núi non hiểm trở của dãy Trường Sơn tràn xuống biển, dễ phục kích và khi giải quyết trận địa xong, thuận lợi cho việc rút lui an toàn.

Ông hỏi đám lính cùng đi:

- Có cách chi làm cho tàu đổ không?

Một người lính trả lời:

- Việc của người công nhân kiểm tu là kiểm soát và tu sửa những con ốc vít giữa đường ray và tà vẹt. Nếu những con ốc ấy bị lỏng, tàu chạy, độ rung của nó cộng với trọng tải nặng khi chạy qua sẽ làm bật đường ray khỏi quy trình song song, tàu sẽ trật bánh đổ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2020, 06:03:47 am »

Thân Trọng Một nhìn những con ốc vít chặt đường ray với tà vẹt. Ông bỗng bật ra trong óc một kế hoạch:

- Ta sẽ làm những con ốc vít giả, chúng không chịu đựng được sức nặng của con tàu, sẽ vỡ ra và tàu sẽ đổ.

Kế hoạch ấy được triển khai ngay, ông cho tháo một con ốc vít trên đường tàu về làm mẫu, lính của ông cứ mẫu ấy làm ốc vít giả bằng khoai. Hai điều khó: một là làm sao có được đúng màu sắt rỉ, thứ hai nữa, khi vặn vào vít làm sao cứng lại, như thật.

Ông bàn với lính dùng ngay rỉ sắt để nhuộm màu và khi vặn ốc vít thật ra, thay ốc vít giả vào phải có một loại nhựa gắn kết, trông như thật. Có vậy mới đánh lừa được người công nhân kiếm tu.

Nghề của người công nhân kiểm tu là phải phát hiện ra những ốc vít lỏng, dùng Kờ-lê ống vặn chặt lại. Nếu phát hiện ra hoặc nghi ngờ, họ đặt kờ-lê vào vặn, ốc vít bằng khoai của ta sẽ vỡ ngay. Vậy phải làm thế nào cho người kiểm tu không còn hồn vía nào nghĩ tới việc kiểm tra tu sửa của mình, đi cho có lệ, tàu đổ mặc nó. Chỉ có cách ấy mới tránh khỏi con mắt chuyên môn đầy kinh nghiệm của họ.

Việc thay ốc giả không còn phức tạp lắm nữa. Khó khăn nhất lại là làm thế nào thay đổi được tinh thần của người công nhân kiểm tu

Quan sát kỹ, Thân Trọng Một quyết định sẽ đánh tàu ở Hói Mít. Đó là đoạn đường sắt chạy vòng cung bên bờ đầm An Cư. Một bên là núi cao, một bên là đầm nước. Đường sắt chạy qua đây giống hệt con đường độc đạo, không thể có chi viện từ hai phía, chúng chỉ có thế điều quân từ ga Lăng Cô tới hay từ phía Mũi Né huyện Phú Lộc vào. Thời gian chúng đưa được quân đến Hói Mít, đủ để ta cao chạy xa bay, về tận hậu cứ rồi.

Hói Mít thuộc cung đoạn kiểm tu từ ga Liên Chiểu tới ga Truồi. Đoạn đường thay ốc vít giả chỉ dài chừng 100 mét. Làm sao người công nhân kiểm tu đến đoạn này sơ ý, bỏ qua, giống như một sự tình cờ.

Để có được sự hoảng loạn tinh thần ấy của người lính kiểm tu, Thân Trọng Một đã nghĩ ra một kế: khủng bố tinh thần của họ. Đường sắt Liên Chiểu - Lăng Cô chạy dưới chân núi đèo Hải Vân - Răng Cưa. Ông cho du kích mai phục, từ hai ngày trước đã bắn dọa, song rất chát chúa, đủ làm hồn vía họ lên mây, chỉ mong thoát qua chặng đường nguy hiểm.

Lo tính toán đến sinh mệnh, người công nhân kiểm tu đã bị mắc lừa. Anh nhìn vào đường sắt thì ít, mà để tai để mắt vào cây rừng dọc đường nhằm phát hiện ra những hoài nghi nhiều hơn. Và khi nghe tiếng súng nổ xa, họ chỉ còn việc cắm đầu đi cho thoát thân.

Trinh sát của Thân Trọng Một không bỏ sót một trạng thái tâm lý nào của người công nhân kiểm tu. Thấy hoàn cảnh đã chín muồi, điều kiện đã cho phép, Thân Trọng Một quyết định thời điểm đánh tàu chở hàng ở Hói Mít.

Đúng như dự định, ông cho lính thay ốc vít giả vào thời gian trước đêm về sáng. Chính bản thân ông cầm đèn pin soi vào từng ốc vít kiểm tra. Xong xuôi, ông cho quân mai phục trên lưng chừng núi ở hai điểm cách nhau chừng hai trăm mét. Khi tàu đến điểm mai phục, thứ nhất, ông cho nổ súng, chỉ cốt nhằm cho tàu tăng tốc. Tàu nâng tốc độ sẽ làm cho độ rung đường sắt nhiều hơn. Điểm đặt ốc vít giả là điểm mai phục mang tính quyết định chiến lược. Hỏa lực mạnh hơn, quyết liệt hơn, khi đoàn tàu đã đổ, súng nhằm vào toa chở lính canh gác, tiêu diệt hết sinh lực này, đồng thời lính ta tràn từ trên xuống đánh giáp lá cà, diệt nốt những tên sống sót rồi phá toa hàng, lấy vũ khí.

Mọi kế hoạch đã được tính toán, mọi sắp đặt đã xong xuôi. Các tay súng từ sáng sớm đã sẵn sàng trong ổ phục kích, chỉ còn đợi lệnh nổ súng. Thân Trọng Một trực tiếp trận phục kích khó khăn và đầy mưu trí này. Tính ông lâu nay là vậy. Những trận đánh khó khăn phức tạp nhất, ông không thể giao cho ai. Vì trong diễn biến, chỉ cần một sự cố xẩy ra không có trong kịch bản, liệu người thừa hành của ông có đủ thông minh để đưa tới thắng lợi hoàn toàn.

Vào trận đánh là thiên biến, vạn hóa, phải có những ứng xử kịp thời, chỉ có vậy mới tiết kiệm được tối đa máu xương binh lính của mình. Đặc biệt những trận đánh mang tính quyết liệt, phải nắm chắc chiến thắng trong tay, không bao giờ Thân Trọng Một vắng mặt.

Kia rồi, ba người công nhân kiểm tu đã đi ra khỏi ga Lăng Cô. Thường họ chỉ đi hai người. Mấy hôm nay do ta quấy rối dọc đường sắt, hôm nay họ tăng cường lực lượng để họ yên lòng hơn. Song vùng Hói Mít là vùng rất hiểm trở. Một người đi giữa hai đường ray song song, hai người đi hai bên lề đường. Đôi mắt họ phân công nhau, khi nhìn vào đường ray, khi nhìn ra xung quanh. Một tiếng súng nổ không xa đâu đó bên sườn núi, họ giật mình bước đi mau hơn. Rồi tiếng thú rừng hú gọi nhau, họ ngó nhìn thấy cây rừng không động tĩnh gì. Một tiếng mìn nổ phía đường số 1 bên kia đầm An Cư, một chiếc xe nhà binh tan xác, khói đen bốc cao ngút.

Những tác động xung quanh ấy đẩy ba người công nhân kiểm tu qua Hói Mít như ma ám. Thân Trọng Một thở phào. Nửa tiếng sau, chuyến tàu hàng từ Đà Nẵng ra. Đúng điểm phục kích, ông Một hạ lệnh nổ súng và chỉ hơn một phút sau, điểm phục kích số 2 phát hỏa. Đoàn tàu đang chạy bỗng đổ kềnh, tiếng hú hét vang dội, bộ đội từ trên núi nhất tề xung phong, giáp lá cà, phá khóa toa, vai mỗi người ba bốn khẩu súng chạy lên núi cao.

Trận đánh diễn ra không đầy hai chục phút. Địch chưa chi viện tới, ta đã rút lui an toàn.

Trận thắng ở Hói Mít đã xóa mờ ám ảnh của vụ chiến lợi phẩm chiếc Đa-cô-ta đổ ở núi Rẫm. Không ai khác, Thân Trọng Một đã gỡ tội cho chính mình như thế.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2020, 06:05:13 am »

ĐÒN THÙ DỘI XUỐNG GIA ĐÌNH THÂN TRỌNG MỘT

Anh THÂN TRỌNG SÁU kể

Vào chiến trận, ở Huế, Thân Trọng Một đã trở thành một người nổi tiếng. Bọn lính ngụy chỉ cần nghe đến tên Thân Trọng Một đã hồn xiêu phách lạc. Bữa lính đồn Sư Lỗ ra tắm bên bờ sông, chúng dựng súng chụm vào nhau, có một tên đứng trên canh gác. Nhìn thấy súng, du kích Hương Thủy thèm quá. Không biết cách nào đoạt được. Ba anh du kích ba cây mã tấu xông ra, hét lớn “lính ông Một đây!”. Tên lính gác trên bờ không kịp bắn trả, vất súng, nhảy xuống sông cùng đồng bọn bơi sang bờ bên kia. Du kích ta chi việc lượm súng mang về.

Gia đình tôi không phải chỉ anh Một mới trở thành Vệ quốc đoàn, mà cả anh Vũ, tôi và chú Bảy đều nhập ngũ hết. Cha tôi không hề ngăn cản một ai, cho các con thỏa chí mình.

Điều đó cũng có lý thôi. Vì bản thân ông cũng đã là một Đảng viên. Chi bộ làng Dương Xuân đầu tiên có 3 người, cha tôi làm bí thư. Hai người đảng viên kia, một là anh Vũ tôi, hai là chị Khánh (sau này này chị Khánh là vợ thiếu tướng Lê Tự Đồng).

Để hợp pháp việc hoạt động phong trào cách mạng và dễ tập hợp quần chúng, cha tôi cùng các đồng chí bạn hữu gồm 12 người sáng lập ra Hội Âm Hồn của làng Dương Xuân. Lấy cớ là nghèo đói, giặc giã biết bao người dân làng chết bơ vơ đầu đường xó chợ không cửa không nhà, hồn họ lang thang không nơi nương tựa. Vì vậy Hội Âm Hồn phải xây một cái miếu cho những hồn lang thang có chốn đi về. Để nâng cao lòng yêu nước, Hội lấy ngày 23-5 (âm lịch) làm ngày húy kị, cúng bái. Tinh thần ấy được dân làng Dương Xuân đồng tình, miếu Âm Hồn được xây. Qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, cho đến nay miếu vẫn khang trang. Và nơi đó vẫn là hội quán tâm linh cho tới tận bây giờ.

Cha tôi làm chi, mẹ tôi không hề ngăn cản bao giờ. Trái lại, ủng hộ chăm lo hết lòng. Vì vậy khi chồng tham gia hoạt động cách mạng, các con đi bộ đội, nghiễm nhiên mẹ tôi trở thành cơ sở tận tụy của cách mạng. Gia đình tôi thành chốn đi về của các đồng chí, đồng đội của cha con chúng tôi.

Bọn địch không biết được tung tích hoạt động cách mạng của cha mẹ tôi. Chỉ riêng với 4 anh em con trai trong nhà nhập ngũ hết và Thân Trọng Một trở nên nổi tiếng như thế, đủ để địch ngắm vào gia đình tôi, như một đối tượng nguy hiểm.

Chúng hy vọng, sẽ có lúc Thân Trọng Một phải về gia đình. Vì vậy, không ngày đêm nào chúng không cho quân mai phục quanh nhà. Cha tôi phải nhắn lên cho chúng tôi rằng: Không nên về nhà lúc này nguy hiểm lắm. Mai phục mãi không bắt được anh Một, chúng sinh chán nản, phục bữa đực bữa cái vòng xiết chặt gia đình tôi có nới lỏng ra.

Vào một đêm tối trời, làng Dương Xuân không có bóng địch mai phục. Hôm ấy cha tôi đi vắng, ở nhà chỉ có mẹ tôi với mẹ con chị Vũ. Quá nửa đêm ban Thường vụ huyện ủy huyện Hương Thủy hẹn nhau về tụ họp ở nhà tôi. Những cuộc họp đột xuất của các anh là chuyện thường. Vì chiến tranh binh đao bao nhiêu là chuyện đột xuất, mỗi ủy viên thường vụ lại nằm ở một địa bàn bám sát quần chúng để lãnh đạo phong trào, nên mỗi khi có sự cố, gặp nhau để trao đổi là chuyện tất nhiên. Gia đình tôi là gia đình cách mạng, là cơ sở tin cậy của Thường vụ, điều đó đúng thôi. Được gặp các đồng chí của chồng, của con, mẹ tôi vốn là người hiền thục, nên bà rất mừng.

Trong nhà thường vụ họp, ngoài sân, ngoài đường có lính gác bảo vệ. Mẹ tôi quen hết mọi sự, chỉ nhớ là phải lo bữa cơm cho các anh để các anh có sức làm việc. Bếp lửa đêm ấy của mẹ cháy rừng rực. Gà có sẵn trong chuồng, mẹ thịt, làm cơm cho các anh. Bốn giờ sáng, các anh chia nhau về cơ sở của mình.

Không ngờ dù vắng mặt, bọn địch vẫn cài điệp ngầm. Chúng được báo cáo khá cụ thể cuộc tụ họp đêm trước ở nhà tôi, dù chẳng biết nội dung cuộc họp. Chúng chỉ biết quanh bàn trong nhà một nhóm người chụm đầu vào nhau thì thầm. Có lính gác trong sân, có lính gác ngoài đường. Chắc là một cuộc họp quan trọng. Dù không thấy mặt anh Một, chúng vẫn đoán là có anh về.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2020, 06:06:04 am »

Mới sáng sớm bọn địch đã ập tới. Nhìn chậu bát, soong nồi mẹ chưa kịp rửa, chúng hỏi mẹ:

- Thân Trọng Một dẫn quân về hả?

Mẹ đáp:

- Không.

Chúng hỏi:

- Vậy thì ai?

Mẹ đáp:

- Tôi không biết ai?

Tên chỉ huy tay cầm súng lục, một tay nắm cổ áo mẹ:

- Nhà bà nuôi Cộng sản, răng không biết chúng là đứa mô? Mụ tưởng nói láo với tui được hả?

Mẹ đáp:

- Tui không biết ai Cộng sản, không biết ai Quốc gia. Tui chỉ biết chúng như những đứa con tui. Đói thì cho ăn, khát thì cho uống. Trong đám lính của ông đây, chúng chẳng đã từng ăn cơm uống nước nhà tui đó à? Lần nào chúng về, có hoa quả chi trong vườn, tui cũng lấy ra cho chúng ăn. Đúng không? Bọn bay không nói cho mẹ một lời được à?

Đuối lý, chúng liền trói mẹ dẫn ngay về đồn Nam Giao. Nghe nói chúng đánh đập tra khảo mẹ dữ lắm. Họ chỉ nói thế, không kể một chi tiết cụ thể nào. Chỉ biết, trong một cuộc đấm đá, khi chúng dừng tay thì mẹ tôi đã chết rồi.

Chúng không trả mẹ về gia đình, mà kéo xác ra chôn không hòm không chiếu trên bãi đất cạnh đồn. Chúng cũng không hề báo cho gia đình tôi biết rằng mẹ tôi đã chết. Chúng im lặng hoàn toàn, coi đây như một vụ mất tích hay chuyển trại mà chúng không hề có trách nhiệm. Cũng có ý sợ, nếu nói chúng đánh mẹ tôi chết sẽ bị chúng tôi trả thù, sợ Thân Trọng Một đem quân về làm cỏ chúng.

Mãi sau này chúng tôi phải nhờ một thầy chiêm tinh gọi hồn mẹ tôi về, chỉ chỗ mẹ nằm. Chúng tôi tổ chức cải táng cho mẹ, đưa mẹ về nghĩa trang của gia đình. Khi đào lên, đúng là không có ván, có hòm, không có chiếu có chăn. Điều đáng chú ý trong dấu tích còn sót lại là xương hai ngón tay cái và hai ngón chân cái của mẹ đang bị sợi dây điện màu đen trói chặt. Rõ ràng bà chết trong tư thế của một người đang bị tra tấn dã man. Nếu bà khai, chắc chắn chúng không trói mẹ tàn nhẫn như trói những chính trị phạm như thế. Chắc là mẹ cứng cỏi, không khai, còn vạch mặt gian ác của chúng nữa nên chúng đã trói bà, đánh bà một cách hèn hạ.

Điều anh em chúng tôi thật không ngờ là bà là một người vợ, một người mẹ hiền dịu như vậy mà trước kẻ thù mẹ đã sống như một chiến sĩ cách mạng kiên cường. Quả thật, càng nghĩ chúng tôi càng tự hào về người mẹ của mình.

Cha tôi đi công chuyện, một ngày sau mới về, tới nhà ông mới biết bà đã bị bắt. Ông bàng hoàng đau đớn rã rời. Ông không hề tìm cách thông báo cho chúng tôi, ông sợ chúng tôi buồn, thối chí. Ông âm thầm chịu đựng nỗi đau này một mình.

Song cũng không buồn được lâu, chỉ vài ngày sau bọn lính trên đồn Nam Giao về bắt ông. Tên chỉ huy hỏi ông, giọng đầy hăm dọa:

- Thân Trọng Một ở đâu?

Ông thản nhiên đáp:

- Tui không biết.

- Con ông theo Cộng sản làm giặc, phản bội lại Quốc gia. Muốn được Quốc gia khoan hồng, ông hãy đi gọi con ông về đầu thú. Nếu không đừng trách chúng tôi không nói trước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2020, 06:07:02 am »

Cha đáp:

- Nhà tui neo đơn, tui cũng muốn nó về đỡ đần. Các ông có quân, có súng trong tay. Các ông có tình báo, biết chỗ nó ở, nhờ các ông gọi giúp tui với.

Tên chỉ huy hét:

- Bướng hả. Hãy cho nó biết thế nào là chống lại chính quyền Quốc gia.

Được lệnh, bọn tay chân lao vào đánh ông tới tấp. Ông ngã vật xuống, cắn răng chịu đòn. Đánh mỏi tay chúng trói ông đưa về giam ở đồn Nam Giao.

Không biết chúng đã hành hạ ông ở đồn như thế nào, vài chục ngày sau chúng thả ông về, ông gầy gò, tiều tụy chỉ là một cái xác không hồn, tả tơi như bụi chuối sau trận bão cuồng nộ.

Chỉ mấy ngày sau khi ra tù, cha tôi mất.

Gia đình, làng xóm vừa chôn cất cho ông xong thì bọn lính Tây, lính ngụy ở đồn Nam Giao về chặt hết cây vườn trong khuôn viên nhà tôi. Chưa hết, chặt cây xong, chúng cho máy cày máy ủi về, cày ủi tung tóe lật lên từng mét đất. Tên chỉ huy gọi dân làng Dương Xuân tới, hắn chỉ đám đất bị cày ủi nói:

- Cho thằng Một không còn một chỗ đi về.

Nó nói với dân làng:

- Hãy cứ nhìn tấm gương Thân Trọng Một mà coi, đứa nào theo Cách mạng, phản lại Quốc gia cứ lấy tấm gương đó mà tự soi mình.

Chúng coi gia đình tôi là một gia đình phản động.

Hai chị gái tôi đã đi lấy chồng. Bây giờ nhà bị phá tan hoang, đất nhà bị cày ủi. Cha mẹ tôi đã mất. Mấy mẹ con chị Vũ phải bồng bế nhau đi ở nơi khác. Ít lâu sau anh Vũ tôi hi sinh ở đồn Sư Lỗ. Được tin này chúng tôi rất buồn. Anh Một, chú Bảy và tôi vẫn trong quân ngũ. Lao vào nơi đầu tên mũi đạn hiểm nguy, không biết số phận sẽ ra răng. Song rất may là đứng trước hoàn cảnh ấy, không một ai tỏ ra thối chí.

Người đáng thương nhất trong gia đình tôi lại là vợ anh Một, chị Phan Thị Cháu. Từ khi anh nổi tiếng trong chiến đấu, người bị bọn địch săn đuổi đầu tiên là chị. Bởi chúng biết một quy luật đời sống rất rõ ràng, bỏ chi thì bỏ, song là người Việt Nam thì không thể bỏ vợ con mình. Chúng hy vọng bám chặt chị, không nhanh thì chậm, sớm muộn cũng lần ra dấu tích Thân Trọng Một. Không diệt xong Thân Trọng Một thì chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Vì thế chúng bám chị rất chặt.

Gặp chị ở nhà, tên đồn trưởng Nam Giao hỏi:

- Một đâu?

Chị đáp:

- Anh ấy đi mô, tui không biết.

Hắn không cần giấu giếm sự đe dọa của mình:

- Đêm nào chồng chị về hãy nói tôi nhắn với hắn rằng: Châu chấu không đá nổi xe đâu. Về nhà sống trong phép nước có vợ đẹp con khôn hơn là đi làm một tên thảo khấu à.

Gặp chị ngang đường, hắn hỏi:

- Đêm qua Một có về chứ?

Chị đáp:

- Anh ấy không về.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2020, 06:08:20 am »

Hắn nói:

- Lính chủ lực Việt Minh còn bị đánh đuổi chạy re lên rừng. Sá chi mấy thằng lính địa phương lẹt đẹt. Chị không khéo khuyên chồng e sống một đời góa bụa mất.

Chị nói:

- Tui là vợ, tui chỉ biết một niềm theo chồng nuôi con. Còn anh Một làm chi là việc của anh nớ.

Khi anh Một đi Sài Gòn, anh chị đã có cháu Hồng. Anh về Huế tham gia chiến đấu giữ nước, được gần vợ, anh chị có thêm cháu Lạc nữa. Ở nhà không yên chị hai tay bồng bế hai cháu về lánh nạn dưới quê ngoại ở Phú Vang. Tưởng náu mình được yên thân, không ngờ chúng thấy vắng bóng chị ở Dương Xuân, chúng lần mò về tận quê ngoại tìm chị. Thấy chị rồi, chúng bám riết. Chị lại tay xách nách mang tìm đến ông bà ngoại của chị tá túc. Bữa ra đường, gặp mấy tên lính đồn Nam Giao, chúng nhe răng cười chị:

- Chị tưởng thoát được tay chúng tôi hả? Thân phận chị là con cá nằm trên thớt, con chuột trong miệng mèo. Chúng tôi cho sống thì chị được sống, bắt chết thì chị phải chết. Chị ngẫm xem, có chồng theo Cộng sản có gì sung sướng hơn đâu?

Công việc chính lúc này của chị là nuôi con. Kiếm miếng ăn cho mình đã khó, huống chỉ mỗi nách một con thơ. Ông bà nội của chúng còn sống thì chẳng phải nói, chị sẵn sàng vất hai đứa ở nhà rồi đi theo chồng. Làm chi nơi chiến khu cũng được, miễn là tránh được miệng hùm nanh cá.

Càng suy nghĩ, càng quyết sống, chị càng thấy ngột ngạt. Bước đường cùng, gặp một người đàn ông yêu thương chị, bằng lòng sẽ lo toan cho hai cháu Hồng, Lạc. Thấy không có cách nào khác, chị đành bước đi bước nữa để được yên thân nuôi con.

Chị đánh tiếng, tin lên cho anh, biết chuyện anh thở dài:

- Đành vậy.

Mấy năm sau, hoạt động ở địa bàn Phú Lộc, anh Một gặp chị Đầm là cán bộ phụ nữ xã, chị chấp nhận hoàn cảnh của anh, đồng ý lấy anh. Anh Một cũng đã bước đi bước nữa như vậy.

Song là anh em, đôi khi có trò chuyện với nhau, tôi biết trong lòng anh Một không bao giờ phai mờ hình ảnh chị Phan Thị Cháu, người vợ đầu của anh. Không bao giờ tôi nghe anh trách cứ chị một lời. Hoàn cảnh của chị khó khăn, anh lo nuôi cả cháu Hồng và cháu Lạc một cách chu đáo và có trách nhiệm hoàn toàn.

Nhất là sau khi miền Nam giải phóng, về lại Huế, anh chủ động đi tìm thăm và an ủi chị. Khi chị đau ốm, anh thuốc thang, lo lắng cho chị như tư cách một người chồng tới tận khi chị mất. Đã đành cái tình vợ chồng trong anh chị không còn, nhưng cái nghĩa trong anh chị vẫn nặng lòng. Không gì bằng một gia đình sống có trước, có sau. Không phải chỉ cho mình mà là cho các con. Như các cụ nói: để phúc cho các con vậy.

Nhìn lại một chặng đường dài, để có được độc lập? tự do, thống nhất, dấn thân vào cách mạng, gia đình tôi cũng chịu nhiều mất mát. Cha mẹ tôi chết vì tù tội. Vợ chồng anh Vũ dở dang. Vợ chồng anh Một mỗi người đi một đường. Sau này anh Thân Trọng Một được nhà nước tặng danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang và truy tặng bằng tổ quốc ghi công cho cha và mẹ tôi. Đó thật là một vinh dự cho gia đình. Cũng như để có được độc lập tự do của đất nước, vinh dự ấy đã phải đổi bằng xương máu của chính mình.

Thời ở bộ đội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đơn vị tôi, trong một cuộc nói chuyện, thủ tướng căn dặn, đại ý: Thanh niên hãy đừng đòi hỏi tổ quốc đã làm cho mình cái gì, mà phải tự hỏi mình đã làm được gì cho tổ quốc. Đó là một câu thật hay, lúc nào cũng mới. Được hiến dâng cho tổ quốc, dẫu ít hay nhiều cũng là niềm vinh quang của mỗi gia đình.

Anh hùng Thân Trọng Một, đó là 5 chữ vàng của gia đình tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2020, 06:33:07 am »

NHỮNG CHUYỆN NHƯ KHÔNG CÓ THẬT TRONG ĐỜI

Anh THÂN TRỌNG BẢY kể

Sau mỗi trận đánh có tiếng tăm, thanh niên trai tráng xin nhập ngũ ngày một đông. Từ một tiểu đội lên trung đội rồi đại đội. Suốt mùa khô vẫy vùng dưới đồng bằng. Tôi nhớ năm ấy vào mùa mưa, mưa rất dai. Hầm hố ngập nước hết. Hầm hố đã ngập thì không có chỗ ẩn giấu và nếu địch càn thì không có công sự để chiến đấu. Trước tình hình ấy, anh Một quyết định rút quân lên cửa rừng.

Trong đêm hành quân lui tuyến sau, anh gọi tôi:

- Chú chọn mấy người về làng bắt cha con thằng Hoạt, thằng Đức lên rừng cho tôi.

Tôi nói:

- Họ có phải là gia đình phản động mô mà bắt.

Anh Một nói:

- Không bắt thì họ không đi mô. Lên rừng chúng ta phải làm lán trại để ở, sau đó phải phát nương làm rẫy trồng rau, trồng sắn đề phòng những lúc lương thực khó khăn. Nhà Hoạt, nhà Đức là hai cái lò rèn nổi tiếng, chúng đã từng vác lò lên rừng làm rìu làm rựa cho đồng bào dân tộc, chúng quen việc lán trại ta không nhờ vào chúng thì nhờ vào ai. Xong xuôi, ta lại thả cho họ về.

Ngay đêm ấy, tôi dẫn một tổ về “bắt” cha con Đức và cha con Hoạt, đưa ngay lên địa điểm đại đội dự định hạ trại. Anh Một cũng đã đưa lính lên đó. Họ đang quanh quẩn chưa biết bắt tay vào việc chi. Đúng thôi, vì họ lớn lên từ đồng ruộng, đã có bao giờ đặt chân lên rừng.

Tôi dẫn cha con Hoạt, Đức tới gặp anh Một. Vừa thấy anh, ông Hoạt đã quỳ xuống van xin.

- Xin ông tha chết cho cha con chúng tôi.

Anh Một nói:

- Chúng tôi không bắt các anh, mà mời các anh lên, nhờ các anh mấy việc. Một là các anh dạy cho lính chúng tôi biết dựng lều trại. Hai là nhờ các anh rèn giúp một ít rìu rựa để chúng tôi phát rẫy làm nương.

Ông Hoạt cười:

- Rứa mà chúng tôi cứ tưởng...

Anh Một vỗ vai ông:

- Tưởng... vậy là cha con anh đã chính thức tham gia đánh Pháp, cùng toàn dân kháng chiến rồi đó.

Cha con ông Hoạt, ông Đức bắt tay vào việc ngay, chỉ trong vòng năm ngày, tất cả các tiểu đội đã có lán trại ở. Mái thấp lợp tranh, trong lán chỉ có một cái sạp nứa rộng bằng cả bề mặt khung lán. Lính tha hồ lăn. Chỗ ở ổn định, hai cặp ống thụt bắt đầu phì lửa rèn dao, rựa, cuốc. Trong vòng một tháng, chúng tôi chia nhau đi nhặt mảnh bom, xin sắt thép về đánh được một đống dụng cụ lao động cầm tay.

Anh Một gọi cha con ông Hoạt, ông Đức lại:

- Mọi việc đã xong. Thay mặt đại đội, tôi cảm ơn hai anh và hai cháu. Cũng cho tôi xin lỗi là đã bắt các anh một cách đường đột. Đừng giận nghe.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM