Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:30:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thân Trọng Một - Con người huyền thoại  (Đọc 7868 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:41:31 am »

Tên sách: Thân Trọng Một con người huyền thoại
Nhà xuất bản: Thuận Hóa
Năm xuất bản: 2003
Số hóa: macbupda





« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2020, 06:33:05 am gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:43:08 am »

CHÀNG TRAI LÀNG DƯƠNG XUÂN

Anh THÂN TRỌNG SÁU kể

Nghe các cụ kể lại, quê quán gốc gác gia đình tôi ở Bắc Giang hay Lạng Sơn chi đó. Chúng tôi đoán chắc là Bắc Giang, vì có một ông trong dòng họ làm tham mưu trưởng cho cụ Đề Thám trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chống Pháp. Kể có điều kiện đi tìm, chắc cũng ra. Vì các cụ bảo dòng họ nhà tôi có một cái nhà thờ cũng khá khang trang.

Cụ tổ dòng họ tôi vốn là họ Giáp. Chắc đời sống ở quê quán có nhiều bất trắc, hay có một trở ngại chi đó, một ông trong dòng họ Giáp dắt con cháu mình vào sinh cơ lập nghiệp ở Thừa Thiên. Mộ cụ khai canh hiện còn ở làng An Lỗ thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên. Chiến tranh liên miên, gia phả thất lạc, không nhớ rõ cụ khai canh đặt gánh dừng lại trên đất Thừa Thiên năm nào, và con cháu cụ ai là người có công với triều Nguyễn, công ấy là công chi, mà được vua phán cho một câu: “Nhà ngươi có công với vương triều, nên trẫm thêm cho dòng họ nhà ngươi một cái mũ, chuyển từ họ Giáp sang họ Thân. Họ chúng tôi ở Đàng Trong mang họ Thân từ đó”.

Đến đời ông nội tôi, đất chật, người đông, làm ăn vất vả, ông không ở An Lỗ, mà chuyển gia đình vào làng Dương Xuân Hạ thuộc tổng Dương Xuân huyện Hương Thủy. Nay là xã Dương Xuân, một xã ngoại thành, phía Tây thành phố Huế.

Cha tôi: Thân Trọng Du (tục là Thân Văn Nậy), mẹ tôi: Trương Thị Liệu. Ông bà sinh hạ được 6 người con. Hai chị cả, đến anh Vũ, anh Thoan, tôi và chú Bảy. Nhà tuy đông con, có sức lao động, nhưng dân ngụ cư không có đất đai, nên nghèo. Tôi nhớ, bữa ăn thường ngày của gia đình chỉ có sắn và rau. Năm thì mười họa bữa ăn có một quả trứng luộc, mẹ tôi thường nhắc: “Các con để cho cha mi một miếng”. Nhà 8 miệng ăn, có một quả trứng, mẹ tôi nhất định không ăn, chia nhau cho có nghĩa có tình. Được cái cha mẹ và các con rất thương yêu nhau, đùm bọc nhau.

Ăn đã rứa, ngủ cũng không phải có chăn màn chi mô, đêm đông, mấy anh em phải luồn chân vào bao bố, đến tận ngực, cũng không phải mỗi người được một bao bố riêng mà chung hai người một chiếc. Người nằm co, người nằm thẳng, lục đục, la nhau oai oái cả đêm. Nhắc lại chuyện cũ như mãi cái thời hồng hoang. Cháu chắt bây giờ có nghe, giống như chuyện cổ tích. Làm răng mà hiểu nổi. Đã đành là chuyện của nửa thế kỷ trước, nhưng với chúng tôi, nó mới như vừa xảy ra ngày qua ngày kia thôi. Thời gian như cánh câu qua cửa sổ là rứa.

Trong nhà chỉ anh Vũ tôi và chú Bảy là được đi học chút ít. Anh Vũ có học chữ Nho dở dang rồi chuyển sang học chữ Quốc ngữ. Anh thích nghề thuốc, học được ít chữ Nho làm vốn, anh bốc thuốc. Vả hy vọng đời sống sẽ mở mang ra.

Hai lao động nông nghiệp chính trong nhà là anh Thoan (anh Một, sẽ xin kể kỹ ở chuyện sau) và tôi. Sự thực mọi việc nặng như cày, cuốc, tát nước anh Thoan đều giành làm cả. Anh như hiểu phận mình, làm quần quật cả ngày, không hề phàn nàn, kêu ca so bì với một ai. Tuy thế, lòng yêu thương của anh trùm lên cả gia đình. Anh không để cha mẹ tôi phiền lòng hay rầy la bao giờ. Đối với các em, anh giống như một người anh cả. Tôi không thể quên, hôm đó chú Bảy học xong, nhảy vào đá bóng với bạn bè, chiều về, đói quá, thấy có nải chuối, chú bẻ ngay mấy quả ăn. Ai dè, đó là chuối cha tôi mua về để cúng ngày mồng một. Tai hại ở chỗ chuối chưa kịp cúng, đã ăn, coi như một hành vi xúc phạm tới ông bà, tổ tiên, thần Phật. Thấy nải chuối như thế, cha tôi nổi giận đùng đùng, bắt chú Bảy ra giữa sân, nằm sấp, dang thẳng tay chân. Ông chặt chiếc tay tre làm roi. Trận lôi đình ấy chắc chú Bảy không tránh được trận đòn nát đít.

Đúng lúc ấy, anh Thoan ở đâu về, khi roi vừa giơ lên, anh Thoan vội nằm úp lên người chú Bảy và xin cha hãy tha cho em Bảy. Cảm vì tình đùm bọc anh em ấy, ngọn roi trong tay cha tôi thõng xuống, miệng ông vẫn la chú Bảy:

- May có thằng Thoan, không mi nhừ đòn.

Tôi nói thế để thấy vị trí của anh Thoan như thế nào trong gia đình tôi.

Có lẽ chính vì vị trí ấy nên cha mẹ tôi bàn ngay tới việc lấy vợ cho anh Thoan đầu tiên. Cha mẹ vừa muốn có người đỡ đần cho anh. vừa muốn gây dựng vợ chồng anh là trụ cột trong gia dinh.

Bấy giờ ở ngã ba múi đường làng Dương Xuân. ra phố Nam Giao (đường Điện Biên Phủ bây giờ) có chị Phan Thị Cháu, người dưới miệt Phá Tam Giang thuộc huyện Phú Vang. Chị Cháu làm con nuôi nha ông Song. Danh chính ngôn thuận là con nuôi, nhưng thực tình là người ở. Cách gọi thân mật ấy chỉ là một cái cớ để bóc lột một cách ngọt ngào, thâm sâu hơn mà thôi.

Trong đám bạn gái bấy giờ, chị Cháu thon thả, xinh tươi và ngoan ngoãn, đảm đang nhất. Cha mẹ tôi trông vào đám ấy hỏi vợ cho anh Thoan. Nhà cách nhau không xa, hai người có biết nhau chút ít, anh Thoan cũng khá nổi trội trong đám bạn trai làng Dương Xuân, vì vậy khi đi dạm hỏi, nhà gái bằng lòng ngay.

Tôi nhớ trước đám cưới, cha tôi may áo dài, quần trắng, khăn xếp cho anh Thoan. Dạy anh từ cách mặc quần áo, cho tới việc đứng trước bàn thờ rồi cách vái lạy gia tiên. Vì trong đám cưới chi chi chú rể cũng phải đứng vái lạy trước bàn thờ gia tiên nhà vợ và rồi đứng trước bàn thờ gia tiên nhà mình khi rước dâu về, xin ông bà chấp nhận cho hai người thành gia thất. Việc cúng bái anh Thoan lúng túng lắm. Song phong tục thì không thể trốn tránh.

Nhà dù không rộng, sau đám cưới, cha mẹ tôi cũng cất cho anh chị một căn phòng riêng. Hai người sống hòa thuận. Chị Cháu tỏ ra là một nàng dâu hiền thảo và đặc biệt là chị rất quý anh, nem nép như nếp nhà, chị tự hào có một người chồng xốc vác, khỏe mạnh và yêu thương anh chị em trong nhà hình như vào bậc nhất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:44:37 am »

Khi chị Cháu có bầu, cũng là lúc anh Thoan 18 tuổi. Cái tuổi tỏ ra sự thấp hèn của người ngụ cư.

Từ đời ông nội tôi, đến đời cha tôi, và bây giờ là 6 anh chị em chúng tôi, gia đình tôi ở Dương Xuân ngần ấy năm chưa được là người chính quán, vẫn mang thân phận của kẻ ngụ cư.

Kẻ ngụ cư không có quyền ngẩng đầu so với người chính quán. Mỗi khi có việc làng, người chính quán cứ so thứ bậc chia nhau chiếu mà ngồi. Kẻ ngụ cư giống như đứa tôi đòi. Suốt từ sáng đến tối, hết quét đình đến gánh nước, thổi xôi... Các cụ gọi đến đâu, dạ đến đó, răm rắp. Thành ngữ: “Một miếng giữa làng hơn sàng xó bếp” là dấu ấn của một thời ma cũ bắt nạt ma mới ấy. Chứ phải đâu yên phận nghèo “Cây khô tưới nước cũng khô. Người nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo” là được.

Một tục lệ tỏ ra sự hèn kém của kẻ ngụ cư là: con gia đình ngụ cư, cứ đến tuổi 18 là phải đi ở cho nhà chức sắc trong làng đúng một năm trời. Không phải đi ở, làm việc quần quật suốt ngày được nhà chủ nuôi nấng đàng hoàng đâu. Ngược lại, đến bữa về ăn cơm nhà, xong đến trực ở nhà chức sắc, đợi sai khiến, bất kể từ việc nhỏ tới việc lớn, sai gì làm nấy, không được cãi một lời.

Năm anh Vũ tôi 18 tuổi, đã phải đi ở làm không công cho nhà Đảng Đạt suốt một năm trời. Năm anh Thoan 18 tuổi, đến lượt phải đi ở cho nhà Khám Chương. Khám là một chức sắc. Mà chức sắc ấy có chi cao sang cho cam: Ông Khám Chương chỉ có một việc là giữ mấy cái đồ thờ cúng cho làng. Mỗi khi có việc làng thì lau chùi mấy đồ thờ ấy rồi đưa ra đình.

Nhà Khám Chương cho người đến báo:

- Ông Thân Trọng Du ơi, ông có nhớ nhà ông năm ni có việc chi không?

Cha tôi mời người của ông Khám Chương vào nhà uống nước, kính cẩn đáp:

- Dạ nhớ.

Người kia hạch lại:

- Việc chi?

- Dạ, việc cho cháu Thoan năm nay đã 18 tuổi đến ở cho nhà cụ Khám ạ.

- Nhớ thì mần kẻo cụ trách.

Khách nợ về, anh Thoan nói với cha tôi:

- Thưa cha, con không chịu được bọn cường hào nớ. Được đàng chân chúng lân đàng đầu.

Cha nói:

- Luật vua còn thua lệ làng con à. Anh Vũ con đã phải đi ở cho người ta rồi.

- Con thì không. Anh Thoan đáp.

- Vậy con tính răng?

- Con trốn vô Nam, đợi thời.

Cha tôi biết chí anh cứng cỏi, không trách, cho anh tự làm theo ý mình. Ngay đêm ấy, vợ chồng anh thu xếp áo quần vào đẫy. Sáng hôm sau, khoác đẫy lên vai, anh chào cha mẹ, chào các em, vào Nam.

Ở Sài Gòn không quen biết ai, anh vào tận gia đình một người họ xa tận Rạch Giá. Cụ thể ra răng tôi không biết. Chỉ biết gia đình nớ đối với anh Thoan thờ ơ, không tỏ ra có tình, lại bực dọc, anh Thoan nhất quyết không ở, khăn gói lên đất Sài Gòn xa lạ. Không biết cách chi anh nhập được vào bọn đóng móng ngựa. Nghe nói thời ấy Sài Gòn nhiều ngựa, nhiều xe ngựa, làm ăn được. Đám đóng xe ngựa hầu hết là người thất nghiệp, từ xa tới, rất thông cảm hoàn cảnh của nhau, nên rất thương nhau. Có lẽ vì rứa anh Thoan được chấp nhận.

Vốn đóng xe ngựa không tốn kém. Chỉ cần một túi đồ. Gọi là túi đồ, song sự thực là một cái bị cói, một chiếc búa đinh, ít móng ngựa, ít đinh với lòng tận tụy, cẩn thận. Sự tận tụy, cẩn thận, năng nổ thì anh Thoan có thừa. Ở gia đình, anh chẳng là người xốc vác nhất đó. Những người có sức khỏe, có đôi tay khéo léo như anh, không làm việc ni thì làm việc khác.

Đám đóng móng ngựa ban ngày ra đứng đường, có con ngựa nào long móng thì đóng. Đêm không có nhà cửa, ra công viên, ghế đá ngủ. Làm được bao nhiêu chia nhau cùng sống qua ngày, đợi thời. Đám đàn ông dũng cảm làm nghề đóng móng ngựa không nhiều, chia nhau quận 1, quận 2... mà làm.

Tính anh Thoan phóng khoáng, rộng rãi, giàu lòng thương người luôn luôn bênh vực kẻ yếu. Anh không thu vén cho riêng mình, biết sống vì mọi người. Có một miếng cũng chia nhau. Có cùng ăn đói cùng chịu. Rất hợp với tính cách ngang tàng của những kẻ giang hồ. Tính cách ấy chẳng mấy lúc mà được đàn em tôn vinh làm đại ca. Họ gọi anh bằng cái tên thân mật: anh Năm Huế. Anh là thứ năm trong nhà mà. Nghe nói đã có lần Năm Huế dẫn đám đàn em qua Miên kiếm việc làm ăn nhưng không thành lại quay về Sài Gòn tiếp tục nghề đóng móng ngựa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:45:27 am »

Đóng móng ngựa kiếm sống được một năm thì rất may đất nước có chính biến: Nhật hất cẳng Pháp, phong trào Việt Minh nổi dậy như cồn. Rồi Cách mạng tháng Tám vang dội non sông. Đã một thế kỷ mất nước, hai chữ độc lập có sức lôi cuốn thế hệ trẻ chúng tôi lúc ấy một cách lạ kỳ. Năm Huế nói với bầy em:

- Nước độc lập rồi. Bọn cường hào bị lật đổ rồi. Tau phải về Huế tham gia cách mạng ở địa phương để giải phóng cho gia đình tau, giải phóng cho vợ con tau.

Tạm biệt Sài Gòn, anh Thoan về Huế, đúng lúc phong trào cách mạng ở Huế đang rầm rộ. Anh tham gia lính vệ quốc, vào trung đoàn 101, trung đoàn vũ trang đầu tiên của Huế khi cách mạng vừa thành công.

Anh Thoan thích vào lính chiến đấu. Không hiểu cớ chi họ lại chuyển anh sang lính vận tải. Phương tiện duy nhất của lính vận tải là mấy con ngựa cái. Nhìn cơ ngơi ấy anh Thoan buồn, song phải chấp hành tổ chức. Trong lòng anh vẫn cứ đinh ninh là phải tìm cách về lính chiến đấu mới hợp tính cách anh.

Nghe nói mấy con ngựa cái của đơn vị vận tải là ngựa chỉ làm việc duy nhất là đẻ ra những chú ngựa con trong Hoàng cung. Không có, phải dùng vậy thôi. Nhìn mấy con ngựa ậm ạch, anh Thoan buồn lắm. Bấy chừ lính Nhật đóng ở Huế đợi ngày giải phóng. Chúng có những con ngựa chiến khá mạnh, cao lớn, hùng dũng, anh Thoan trông thấy mà thèm. Anh thường ao ước: giá có được những con ngựa chiến ấy cho đơn vị vận tải của mình.

Một hôm mấy con ngựa cái nhảy cẫng lên, chểnh mảng công việc, roi mấy cũng không chịu phục tùng. Những người quen nuôi ngựa bảo anh: chúng động đực rồi. Chỉ có ngựa đực mới làm cho chúng chăm chỉ lại. Bất chợt lúc ấy mấy con ngựa đực của Nhật thả trên bãi cỏ bờ sông Hương trước trường Đồng Khánh (trường Hai Bà Trưng bây giờ) hý lên những tiếng hý dài. Họ bảo: “Tụi ngựa thính mũi lắm, chắc chúng ngửi thấy mùi ngựa cái động đực rồi. Trời cho loài vật những tính thiên bẩm như vậy mà”. Mắt anh Thoan sáng lên, một kế hoạch lờ mờ xuất hiện trong óc anh: bắt những con ngựa đực của Nhật.

Rất may, anh được phân công dắt ngựa cái đi ăn, như trời cho của. Anh Thoan nhảy ngay lên lưng ngựa, cho nó chạy nước kiệu ra khỏi Thành Nội, men đường bờ sông, qua cầu Trường Tiền, rẽ lên phía ga. Khi ngựa của anh đi qua trước cổng trường Đồng Khánh, anh lỏng dây cương cho ngựa thong thả bước. Có tiếng ngựa đực hí lên ở bãi trên bờ sông. Anh Thoan mừng lắm, chắc là kế hoạch thành công.

Một con ngựa đực tách khỏi bầy đang gặm cỏ. Nó phóng ngay tới chỗ anh Thoan đang cưỡi ngựa. Trước tình thế đáng mừng ấy, anh Thoan kéo căng dây cương con ngựa cái phóng đi. Song nó vẫn cố ý chờ con ngựa đực. Chỉ trong giây lát, con ngựa đực đuổi kịp.

Rứa là ngựa cái chạy trước, ngựa đực chạy theo sau. Hàng phố không ai biết, bỏ lơ. Cho ngựa chạy tới bến đò Long Thọ, anh Thoan xuống ngựa đồng thời nhanh chóng nắm lấy mũi con ngựa đực, kéo cả hai con xuống đò. Anh giục người lái đò nhanh chóng chở qua bên kia sông.

Lên bờ, anh Thoan tiếp tục lên ngựa của mình, cầm một đầu dây dắt con ngựa đực theo sau.

Về đến đơn vị, thấy có con ngựa đực, anh em đồng đội hỏi:

- Thoan kiếm mô ra con ngựa rứa?

Anh Thoan kể lại đầu đuôi, nhất là lũ ngựa đến thời động đực, ngựa cái lan tỏa ra một cái mùi rất hấp dẫn ngựa đực. Cái mũi ngựa đực rất tinh, nó phát hiện từ xa và rồi không có chi cưỡng nổi. Trời sinh đã rứa, nó bứt tất cả để chạy theo ngựa cái.

Một người hỏi:

- Thoan học được ở mô kinh nghiệm đó.

Anh đáp:

- Ngày mình làm thợ đóng móng ngựa ở Sài Gòn, nghe chuyện những anh nuôi ngựa chuyên nghiệp kế lại.

Mọi người tròn xoe mắt thán phục.

Bằng cách ấy, trong ba ngày anh Thoan lôi được ba con ngựa đực chính hiệu của Nhật. Có thể coi đó là những chiến công đầu tiên của anh Thoan từ khi đang được mang một danh hiệu vẻ vang đầy kiêu hãnh của thanh niên chúng tôi bấy giờ: Người vệ quốc quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:47:29 am »

TAY KHÔNG CƯỚP SÚNG GIẶC

Anh THÂN TRỌNG BẢY kể

Năm 1946 chiến sự Huế bùng nổ. Các trận đánh nổ ra khắp thành phố Huế. Lực lượng hai bên không cân sức. Phía ta người có đông hơn một chút, nhưng chỉ có tinh thần chiến đấu, giàu đức tính hi sinh, nhưng vũ khí lại hết sức thô sơ, thật khó lòng đương đầu được với một quân đội nhà nghề của Pháp, có đủ súng đạn và có cả lô cốt cố thủ.

Hai điểm đánh nhau quyết liệt ở Huế lúc bấy giờ là trường Bá Công và khách sạn Morin. Nhất là ở khách sạn Morin, nhà tầng, nhiều phòng ốc. Trước tình thế ấy, xuất hiện “trận đánh rơm ớt” thật sáng tạo: Đốt rơm và ớt xông khói vào khách sạn Morin để lính Pháp không chịu được khói rơm và hơi ớt cay. Chúng phải bật ra hầm cố thủ. Chỉ có cách đó mới diệt được lính Pháp.

Bên ta tổ chức đội quyết tử, nhiệm vụ của các đội viên là đốt rơm ớt trong nhà Morin. Bảy thanh niên làng Dương Xuân xin xung phong vào đội. quyết tử. Sau khi xem xét, tuyển được ba người, trong đó có Thân Trọng Một.

Trận rơm ớt không đem lại kết quả mỹ mãn. Ở trận rơm ớt ấy Thân Trọng Một bị thương.

Hồi kết cục của trận chiến ở Huế, mà ngôn ngữ lúc đó gọi là: “Vỡ mặt trận”. Pháp chiếm được Huế. Bộ đội ta phải bỏ Huế, chạy lên rừng lập chiến khu để thực hiện chiến lược: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Thân Trọng Một bị thương, không thể theo đơn vị lên rừng lập chiến khu được. Đồng đội gửi anh ở một nhà dân tại Bình Điền để chữa chạy.

Rất may vết thương của anh không hiểm, không nặng lắm, lại được dân chăm sóc thân tình nên không lâu sau vết thương của anh kín miệng, thành sẹo.

Khi vết thương đã lành, cũng là lúc đơn vị đã đi xa, không biết họ ở nơi mô mà tới. Vả lại cái máu ham chiến đấu ở Thân Trọng Một vẫn đang sôi sục. Con người hiếu động cần muốn đối mặt với kẻ thù. Với ý chí ấy, tinh thần ấy, Thân Trọng Một không tìm dấu chân đồng đội để đi theo, anh quay mặt về đồng bằng, đi tới.

Trở lại quê hương, Thân Trọng Một tập hợp bạn bè, thành lập một đơn vị chiến đấu riêng cho quê hương mình. Lần lượt người đầu tiên là chiến sĩ số Một, rồi số Hai, số Ba... Cứ theo thứ tự ấy, lấy tên số nhập ngũ làm tên của mình.

Thân Trọng Một vốn tên cha mẹ đặt cho là Thân Trọng Thoan. Anh là người đầu tiên, nên lấy tên Một. Cái tên Thân Trọng Một bắt đầu thành danh từ chuyện tập hợp quân huyền thoại ấy. Đặt tên đến số Mười thì hết số, bắt đầu từ người thứ mười một thì không gọi tên bằng số nữa, mà gọi thẳng tên khai sinh của từng chiến sĩ.

Lòng căm thù giặc có sẵn, khát vọng độc lập tự do của tuổi trẻ sau mấy chục năm nô lệ giặc Pháp từ khi cách mạng tháng Tám bùng nổ, đã thành mơ ước của thanh niên thời đó. Vì rứa chẳng mấy chốc Thân Trọng Một đã tập hợp được hai chục người.

Mới là hai chục người chứ chưa phải là hai chục cây súng, vì Thân Trọng Một lấy mô ra súng để trang bị cho lính của mình.

Mỗi lần họp, đồng đội đều hỏi anh: “Là lính thì phải có súng để chiến đấu chứ anh Một”. Những câu hỏi ấy tê buốt trong lòng anh. Một câu hỏi cứ bám riết anh cả trong giấc ngủ: “Lấy mô ra súng bây chừ!”. “Không có súng làm răng mà diệt giặc!”.

Dẫu là thời manh nha, nhưng lính của Thân Trọng Một đã thấp thoáng trong rừng. Nay xuất hiện ở chỗ ni, mai xuất hiện ở chỗ tê. Sự xuất hiện ấy không tránh khỏi con mắt tò mò của dân chúng. Dĩ nhiên không thoát khỏi con mắt của một số người xấu, muốn lập công với giặc, họ đã đi báo cho Pháp biết có một lực lượng du kích như thế họ đã gặp trong rừng.

Từ ấy mỗi tuần vài lần, một tiểu đội lính khố đỏ (tiền thân của lính Ngụy về sau) chúng được cử lên rừng sục sạo để tìm ra dấu vết đội du kích mới xuất hiện sau khi mặt trận Huế đã vỡ

Cậy sức mình, cậy thế Pháp, tiểu đội lính khố đỏ hay lang thang trong rừng. Bấy giờ bên kia sông Hai Nhánh, sâu vào trong rừng, có một lò nấu dầu tràm của một tư nhân. Cuộc chiến nổ ra, những người nấu dầu tràm đã kéo nhau hết về xuôi, nhưng cái bếp lò, cái nhà cũ với những đống lá tràm mà họ dùng để xếp vào nồi nấu lên lấy dầu đang còn đó. Xung quanh lò là những đống lá tràm khô chất từng đống như đống rơm, ngổn ngang.

Lính khố đỏ đi lang thang trong rừng gặp được chỗ lò nấu ni mừng lắm. Hầu như mỗi lần hành quân thanh tảo đến đây chúng đều dừng chân. Vừa để nghỉ chân cho khỏi mỏi, cũng có khi đưa cơm ra ăn.

Nghe dân đi rừng kể lại chuyện về tiểu đội lính khổ đỏ này, lòng đau đáu thèm súng của Thân Trọng Một nảy ra một tia hy vọng sáng chói.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:48:31 am »

Anh dè dặt nói với đồng đội:

- Chúng ta sẽ có súng.

Các chiến sĩ hỏi lại anh:

- Súng ở mô anh Một?

“Bí mật”, Thân Trọng Một ra hiệu cho mọi người im lặng:

- Súng ở Huế mang lên cho chúng ta.

Đó là khởi thủy trận đánh đầu tiên của lính Thân Trọng Một. Về sau này người ta gọi trận đánh ấy là trận Lò Dầu.

Thân Trọng Một cùng đồng đội quan sát kỹ quy luật đi tuần tiễu của tiểu đội lính khố đỏ. Thấy súng chúng khoác trên vai mà thèm.

Đúng quy luật, vào ngày ấy trong một tuần, lính khố đỏ lên rừng, Thân Trọng Một cho lính đi mai phục. Nói tới việc đi cướp súng giặc, lính của Thân Trọng Một ai cũng thèm đi. Trong số hai chục đồng đội của anh, có tới một phần ba đang bị sốt rét. Nhưng không một ai chịu ở nhà. Người đang sốt cũng đòi đi. Dĩ nhiên Thân Trọng Một không cho những người quá yếu tham chiến. Ai khỏe đi được, anh đều cho đi hết, để thêm nức lòng chiến sĩ.

Mỗi chiến sĩ Thân Trọng Một đều tự trang bị cho mình một cây mã tấu.

Mỗi người lính một cây mã tấu, chui vào một đống lá tràm khô. Người giấu mình sau ngụy trang cho người giấu mình trước. Thân Trọng Một ngụy trang cho người lính cuối cùng. Bản thân anh, anh không chui vào một đống lá tràm khô mô cả, mà ra cửa rừng đón tiểu đội lính khố đỏ.

Đúng như dự kiến, tiểu đội lính khố đỏ vào rừng. Thân Trọng Một thấy tim mình đập mạnh, không phải vì sợ hãi mà vì vui sướng. Lá rừng che chở cho anh. Thân Trọng Một vừa rút vừa theo dõi từng bước tiến quân của địch, giống như anh dần chúng đi theo ý đồ của anh vậy.

Đến địa điểm Lò Dầu, Thân Trọng Một chọn cho mình một chỗ nấp vừa kín đáo, vừa quan sát được mọi hành động của địch.

Đường xa, vừa phải cảnh giác trên đường đi, vừa súng đạn lính kỉnh, mệt. Đến Lò Dầu không thấy động tĩnh gì. Vẫn mái nhà lợp lá nón cũ kỷ, vẫn những đống lá tràm ngổn ngang. Xung quanh chỉ có tiếng gió và tiếng chim hót. Như về nhà mình, giống như rất nhiều lần đã qua đây, không ai bảo ai, chúng dựng súng vào gốc cây, vào vách nhà chọn cho mình một chỗ thoáng mát, ngắt mấy ngọn lá kê đít ngồi, cởi dây đạn vướng víu quanh lưng. Đứa nằm ngả lưng, đứa ngồi bó gối, lấy mũ làm quạt, kiếm chút gió tự tạo khi mồ hôi ướt lưng áo, đọng giọt trên mặt.

Đúng lúc chúng chưa kịp hoàn hồn, bỗng một tiếng hô “Xung phong!” vang rừng, lập tức từ các đống lá tràm khô những chiến sĩ vụt đứng dậy nhanh như sóc, múa mã tấu tít mù, cứ đầu, cứ vai, cứ lưng bọn lính khố đỏ mà giáng xuống.

Trận đánh bất ngờ quá, cả tiểu đội lính khố đỏ không kịp nổ một phát đạn, chúng chỉ kịp vơ khẩu súng, vơ dây lưng đạn cắm đầu chạy. Tinh thần hốt hoảng, tiếng chân rậm rịch vẫn đuổi theo sau. Đến tận bờ sông Hai Nhánh, tên tiểu đội trưởng mới nhớ tới việc thu quân, kiểm lại, nó hốt hoảng chỉ còn một nửa tiểu đội có mặt. Biết mất người nghĩa là phải bị kỷ luật nhà binh, song nó không dám quay lại. Cả nửa tiểu đội sống sót không một tên mô dám nghĩ tới việc quay tìm đồng đội của mình.

Không ham đuổi theo bọn lính khố đỏ, Thân Trọng Một thận trọng trong tác chiến, anh thu quân. Quân số không thiếu một người. Trong tay các chiến sĩ của mình đã có sáu khẩu súng với đầy đủ một cơ số đạn.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tám, 2020, 10:13:51 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:49:13 am »

Trên gương mặt võ vàng gầy guộc của những người chiến sĩ rạng rỡ nụ cười chiến thắng.

Dù chiến thắng, Thân Trọng Một vẫn tập hợp toàn bộ hai chục người lính kiểm điểm rút kinh nghiệm. Ai cũng thấy lợi thế rừng núi và thế đánh bất ngờ của du kích. Ai cũng nghĩ rằng, dù chỉ bằng tay không mình vẫn có thể tước được vũ khí của địch trang bị cho mình.

Thân Trọng Một nói:

- Các đồng chí có sợ không có vũ khí nữa không?

- Không sợ. Những tiếng xôn xao đáp lời anh.

- Chúng ta phải bắt kẻ thù cung cấp vũ khí cho ta để ta đánh lại chúng. Để làm được điều đó, điều cốt yếu của chúng ta là phải gan dạ và mưu trí.

Từ trận Lò Dầu, tất cả chiến sĩ của Thân Trọng Một chỉ có một ý nghĩ chung: Phải mưu trí để tay không cướp được súng giặc. Đội ngũ sẽ ngày một đông lên, tất nhiên, sẽ phải cướp thật nhiều súng của kẻ thù để trang bị cho mình.

Ngày tiếp ngày. Thân Trọng Một luôn nhận được ý kiến đề xuất của các chiến sĩ. Có một ý kiến làm anh rất quan tâm: “Bọn lính ở đồn cầu Hai hàng ngày đi tuần đường sắt từ Cầu Hai đến Mũi Né, có đánh được không?”.

Thân Trọng Một lặng lẽ cùng vài trinh sát thân cận nhất đi thực địa, xem xét tình hình. Quả đúng là, ngày mô cũng có một trung đội lính ngụy từ đồn cầu Hai đi kiểm tra đường sắt đến tận Mũi Né. Chúng vừa đi vừa hô: “Ta thấy rồi kia, hãy đứng lên, không ta bắn chết”. Làm uy lực cho câu nói ấy là một phát đạn bắn vu vơ, làm như chúng thấy mục tiêu thật. Kỳ thực chỉ là chúng dọa.

Khi đi chúng thận trọng, nhưng lúc về chúng rất chủ quan, vì thực sự lâu ni ngày mô chúng cũng đi tuần mà có thấy chi mô. Nhiều khi đi như đi làm rứa thôi. Sau mấy lần đi thực địa, Thân Trọng Một thấy đề xuất của chiến sĩ là có lý.

Điều hệ trọng đối với anh lúc ấy là chọn địa điểm và cách đánh. Quan sát kỹ đoạn đường sắt này, anh phát hiện ra một địa điểm có tên là Gò Sóng. Dân gọi đây là Khu Voi, chỗ đất doi ra phía bờ biển giống như cái mông của con voi vậy.

Đường sắt chạy qua Gò Sóng, chia doi đất này làm hai phần. Phần đất phía Tây cao hơn phần đất phía Đông chừng 50 phân. Rất thuận lợi mai phục cả hai phía. Thế bất ngờ ở trận này phải là bất ngờ độn thổ. Nghĩa là phải chôn quân dưới đất, bất ngờ hất tung nắp hầm, nhảy lên.

Thân Trọng Một quyết định đánh. Anh cho chiến sĩ bí mật đào hố cá nhân cả hai phía đường sắt. Đào trong đêm, đem đất đổ vào một chỗ bí mật. Cả hố cá nhân, cả đất đào lên đều được ngụy trang một cách cẩn thận. Để địch phát hiện ra dấu tích chuẩn bị cho một trận đánh độn thổ sẽ hoàn toàn thất bại. Có khi còn bị chúng tiêu diệt hoàn toàn.

Trận địa đã chuẩn bị xong. Địch không hề hay biết. Thân Trọng Một chọn một trung đội, toàn lính nhanh nhẹn, khỏe mạnh, dũng cảm. ông ra lệnh:

- Mỗi người vào rừng chặt một đoạn cây dang già, vót đầu thật nhọn, thật bén rồi hơ trên lửa cho mũi nhọn vừa sắc vừa cứng.

Cả trung đội bỗng hiểu ý ông. Vào một đêm tối trời, tạnh ráo, ông dẫn quân đi mai phục. Chiến sĩ xuống hố cá nhân hết, ông đi kiểm tra trận địa lần cuối cùng. Rồi Thân Trọng Một chọn một chỗ thích hợp nhất cho người chỉ huy.

Ngày hôm sau, trung đội lính ngụy ở đồn cầu Hai như thường nhật kéo nhau đi tuần, kiểm tra đường sắt. Chốc chốc chúng lại hô lên: “Ta thấy rồi kìa, hãy đứng lên ngay không ta bắn chết”. Rồi một vài phát súng lẹt đẹt nổ. Chúng đi lượt đi hoàn toàn yên hàn. Không một động tĩnh hoài nghi. Lúc quay về, chúng thủng thẳng đi, cười nói râm ran, không lăm lăm cầm súng trên tay nữa mà khoác súng trên vai.

Khi chúng đi qua Gò Sóng, bất ngờ Thân Trọng Một hô “Xung phong!”. Tức thì đồng loạt các chiến sĩ từ các hố cá nhân nhất loạt lật nắp hầm xông lên đánh giáp lá cà. Gậy vót nhọn chỉ cần một động tác quyết liệt: đâm thẳng vào bụng kẻ thù, không sợ đạn bắn vào nhau, nên cả hai phía đường sắt cùng xốc tới. Gậy đâm không cần rút ra, cứ để đó, cướp súng.

Những tên giặc bị giết chưa chết ngay, chúng kêu, đúng như con thú bị bẫy đâm xuyên qua bụng qua ngực vậy.

18 tên lính ngụy ngã gục tại chỗ. Số còn lại chạy không dám ngoái đầu lại.

Thân Trọng Một nhanh chóng rút quân vào rừng. Khi bọn lính ngụy được tổ chức quay lại Gò Sóng, thì trước mắt chúng là một cảnh tượng kinh hoàng: 18 tên lính ngụy đều bị gậy nhọn đâm xuyên qua ngực, qua bụng, nằm gục trên đống máu của mình. Cảnh tượng ấy gây cho chúng nỗi khiếp đảm rợn người.

Những trận đánh sau này, bắt được tù binh, chúng đều khai: “Nghe tin trận đánh ở Gò Sóng, một tên đại tá Pháp đang đi thị sát đồn Nam Giao đã thốt lên “Thân Trọng Một là một thằng đáng gờm, không thể coi thường được. Cứ nhìn cái gậy nhọn đầu của hắn thì sẽ hiểu”. Tên đại tá sợ bị đánh úp quá vội trở về đồn Quốc Học (Trường Quốc Học đã bị Pháp chiếm làm đồn).

Trận đánh bằng gậy nhọn đầu ở Gò Sóng lính ta gọi đó là trận Bạch Binh. Hai chữ Bạch Binh có thể hiểu là lính tay trắng. Lính tay không cướp súng giặc là vậy.

Và tiếng Thân Trọng Một nổi lên như cồn. Vào trận, lính ta chỉ cần hô: “Lính Thân Trọng Một đây!” là bọn Tây, bọn lính Ngụy đã hồn xiêu phách lạc, vội vã xin hàng để giữ mạng sống cho mình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:51:19 am »

MƯU TRÍ LẤY ÍT ĐỊCH NHIỀU

Anh THÂN TRỌNG BẢY kể

Trong mỗi cuộc họp đơn vị, anh Một thường nhắc nhở chúng tôi: Địch đông quân, nhiều vũ khí, ta phải dùng mưu mà đánh lại. Phải nhớ câu ca các cụ truyền lại dặn cháu con: “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Có thể lấy đó làm phương châm hành động của chúng tôi.

Trận Võ Xá là một trận Thân Trọng Một dùng mưu rất ngoạn mục. Nghe nhân dân Võ Xá kể lại rằng ngày mô cũng có một tiểu đội Ngụy đi tuần qua Võ Xá. Chúng rất quấy nhiễu. Khi thì, vào dân đòi ăn cháo gà, khi thì tự động hái quả trong vườn cây ăn, coi vườn nhà người ta như một cánh rừng hoang vậy.

Thân Trọng Một không quan liêu. Anh hứa với đồng bào sẽ về xem xét cụ thể. Dân kể vậy, anh biết dân đã ức lắm rồi, muốn đánh cho chúng một đòn chí mạng cho hết cái thói tham ăn, háu gái đi.

Một hôm anh về, chọn địa điểm dễ quan sát nhất, anh nấp trong nhà dân nhìn ra. Thời gian chúng đi qua trước mắt anh lúc ấy là 8 giờ sáng. Bỗng có một cô gái bưng cái thúng đi qua. Áo nâu non, yếm trắng, khăn đen đội đầu. Cô gặp bọn lính, chúng chòng ghẹo ngay:

- Có chi trong thúng mà đậy kín rứa em?

Bị chòng ghẹo, cô gái cố né người tránh:

- Em xin các cậu lính. Các cậu cho em đi kẻo lỡ việc mẹ chồng em la.

Giọng xin của cô tha thiết, khẩn khoản lắm. Chúng không cho, còn cười hô hố. Một đứa nắm chặt miệng thúng cô đang cắp trong nách. Một tên lăm le mở nắp xem bên trong có chi. Một tay cô gái đè lên cái mẹt đậy, giữ lại. Chúng vây tròn xung quanh, cô không thể nào bước đi được một tấc.

Một tên khen:

- Trời, vai em tròn trĩnh quá. Cho anh đặt tay lên một chút được không?

- Đừng mà anh, kẻo chồng em thấy thì... Cô một mực từ chối.

Lỗ mãng nhất là có một tên thừa cơ bóp bụ cô, cô kêu oai oái.

Ngồi trong nhà, Thân Trọng Một thấy hết, anh nhăn mặt nói:

- Được. Tau sẽ cho bọn bay biết lễ độ với cái làng Võ Xá ngay.

Đêm ấy anh cho họp đơn vị, kể lại hết chuyện mắt thấy tai nghe ở làng Võ Xá cho đồng đội nghe, để kích thích lòng thương dân bị kìm kẹp và căm thù bọn lính lộng hành. Xong anh tiến hành làm hai việc: Một là chọn một địa điểm ngay đầu làng, chỗ ấy khá thưa dân. Nhà dân gần nhất cũng cách cái ngã ba đầu làng ấy chừng 100 mét. Anh chôn một quả mìn ngay giữa ngã ba, ngụy trang hết sức cẩn thận, kéo dây đến chỗ mai phục. Hai là, anh chọn một cô du kích xinh nhất xã, anh gặp cô bàn riêng để giao nhiệm vụ, cô bằng lòng.

Sáng hôm sau, anh đã có mặt ở địa điểm của người chỉ huy đóng ngay trong làng Võ Xá. Anh nhìn đồng hồ, tiểu đội lính ngụy đã xuất hiện kia rồi. Anh đợi chúng đến cách ngã ba đặt mìn chừng 200 mét, anh ra lệnh cho cô du kích cũng đứng cách ngã ba hai trăm mét, cô gánh hai thúng hoa quả, đi ngược chiều lại bọn lính tuần.

Cô mặc chiếc áo gụ mới, màu thẫm của áo càng tôn thêm màu của chiếc yếm đào. Cô không đội khăn mà buông tóc thề sau gáy, mày dài, mắt đen, da trắng, trông cô càng hấp dẫn.

Cô gái gặp bọn lính ngay giữa ngã ba. Thói háu gái tham ăn của chúng bộc lộ ra ngay tức khắc. Mấy tên đứng giữa đường ngăn cô lại:

- Út ơi, út hãy dừng lại cho các anh mua ít trái cây nào. Các anh đang đói bụng đây. Út có thương các anh không nào?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:52:07 am »

Cô gái đặt gánh hoa quả, nũng nịu:

- May quá. Mới sớm ngày ra đã được bán mở hàng. Chắc ngày nay bé đắt hàng lắm. Các anh mua cho bé đi.

Một tên hỏi:

- Hàng út có những thứ chi?

Cô gái đáp:

- Đủ cả, mãng cầu, ổi, sa-pu-chê, thơm.

Mỗi tên lính ngụy cúi xuống, cầm một quả trên tay. Có tên cắn ngay một miếng ổi, khen:

- Ổi ngon như em vậy.

Cô gái giả động tác đòi lại đanh đá:

- Chưa trả tiền người ta đã ăn rồi. Người ta biết lấy chi bù lỗ.

Một tên cợt nhả:

- Cứ cho nó ăn, anh sẽ bù cho cái lỗ của em.

Một tên cúi xuống bưng quả mít tròn, căng mẩy, gai mít nở hết cỡ. Nó ngửi quả mít:

- Mùi mít thơm hay mùi mít ướt đây.

Cô gái giả lơ:

- Mãng cầu, ổi, sa-pu-chê, thơm là bé mua của hàng xóm. Còn quả mít ráo ni là trái trong vườn, của nhà, bé biếu không cho các anh đó.

Được ăn không phải trả tiền, chúng nhảy cẫng lên:

- Cho anh mượn dao anh bổ nào.

Cô gái làm như giật thột:

- Chết. Bé bỏ quên dao ở nhà rồi. Các anh đợi bé chút xíu, bé chạy vào nhà gần đây, mượn dao, bé bổ cho các anh ăn nghe.

Đôi mắt đen ấy, cái miệng cười xinh ấy nói chi mà chúng không nghe.

- Đi mau nghe út.

Bỏ bọn lính lại sau, cô gái chạy vụt đi.

Tên tiểu đội trưởng dằn mặt bọn đàn em:

- Của tau đó nghen. Không được đứa mô lớ xớ. Muốn lớ xớ hãy sờ lại cái cổ của mình.

Một tên nũng nịu:

- Anh Hai chia cho em chút xíu nghe anh Hai.

Cô gái vừa lọt vào nhà dân cách đó chứng 100 mét thì “ùng”, quả mít giữa ngã ba bùng nổ, lửa tóe đỏ lưng ngọn tre, khói đen cuồn cuộn.

Trong khói mìn, một nhóm bộ đội xông lên cướp súng giặc. Và rồi họ biến đi cũng nhanh như khi họ xuất hiện. Tan khói, ngã ba bày ra một thảm cảnh: 8 tên ngụy chết. 4 tên bị thương đang quằn quại kêu la, mất hết cả súng. Gánh hàng tung tóe. Hoa quả văng mỗi nơi một dúm. Riêng cô hàng gánh trái cây, biến đâu mất tăm dạng.

Dân làng Võ Xá hả hê. Bọn lính trên đồn Nam Giao về thu dọn xác chết, đưa những đứa bị thương về Huế. Chẳng có một nhân chứng nào. Chúng dọa dẫm dân Võ Xá mấy câu rồi vội vàng chuồn thẳng.

Ôm chiến lợi phẩm về xếp đông một chỗ, cậu nào cũng háy háy mắt thèm được Thân Trọng Một chia cho mình một khẩu. Họ đều nhất trí rằng:

- Đánh giặc không khó lắm. Chỉ khó là tìm được cái mưu chi cho đích đáng.

Ai cũng mong được Thân Trọng Một cho tham gia những trận đánh thần kỳ.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tám, 2020, 10:14:16 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2020, 07:53:27 am »

Mấy ngày sau Thân Trọng Một tổ chức cho anh em đánh trận Độn Bạc, một trận phức tạp và kỳ công hơn.

Độn Bạc là một gò núi thấp gần nhà máy nước Vạn Niên, ở giữa đoạn đường tuần tra của lính ngụy từ đồn Nam Giao đến đồn Tuần, cách nhau chừng chục cây số. Đây là tuyến đường quan trọng phía Tây thành phố Huế. Tuần là đồn binh án ngữ phía Tây, ngăn không cho bộ đội đi từ thượng nguồn sông Hương về. Nhằm tăng cường lực lượng phòng thủ phía Tây, địch cho thành lập quận Nam Hòa. Giống như một căn cứ tiền đồn, gây khó khăn cho chúng tôi không ít mỗi khi muốn tiếp cận thành phố.

Ngày mô chúng cũng đi thị giới đoạn đường Tuần - Nam Giao. Và mỗi tuần đổi quân trực chiến ở đồn Tuần một lần. Hình như chúng muốn bằng cách ấy để huấn luyện cho lính biết cách phòng thủ tiền, đồn thì phải.

Nắm được quy luật hành quân của lính ngụy, anh mừng lắm. Đứng trên đỉnh Độn Bạc coi đồng hồ, cứ đúng 7 giờ 40 phút, lính tuần tra qua Độn Bạc, lên Tuần và 10 giờ chúng lại từ Tuần qua Độn Bạc về Nam Giao.

Đường qua Độn Bạc là một lối cua hình vành khăn, ít bụi cây lúp xúp, chỉ có mấy cây thông cao vút lên lưng trời. Dốc phía Tây đường cao, đổ thấp xuống phía Đông, rất dễ đặt hỏa lực và khi xung phong, quân xốc tới rất có uy thế. Thân Trọng Một ngúc đầu:
 
- Trời cho ta thế phục kích hay.

Trong cuộc họp triển khai đánh trận Độn Bạc Thân Trọng Một đặt câu hỏi:

- Chúng ta đã đánh là phải chắc thắng, các anh xem ở trận Độn Bạc tới đây chúng ta đã có những thuận lợi và khó khăn chi? Nào hãy tính đi. Biết địch biết ta thì sẽ trăm trận trăm thắng.

Để anh em phát biểu hết, Thân Trọng Một quyết định một cách chắc nịch:

- Anh em nói đều đúng cả, nhưng không có hệ thống. Nghe tui tổng kết lại đây.

Anh nói tiếp:

- Chúng ta có ba thuận lợi. Một là lâu nay chúng đi lại, không có động tĩnh chi, chúng sinh chủ quan. Hai là tôi đã chọn được một điểm phục kích tuyệt vời. Thế xung phong lao xuống như những mũi tên. Ba là các chiến sĩ chúng ta rất mực dũng cảm. Đã ra quân là chiến thắng. Song có một khó khăn không thể không tính toán là Độn Bạc, chỗ chúng ta chọn để phục kích nằm ở giữa thế chân kiềng của ba đồn: Nam Giao, Tuần và Long Thọ. Nếu cả ba nơi ấy cùng xuất quân tiếp ứng, chúng ta sẽ bị bao vây từ ba phía. Muốn thoát khỏi được thế bao vây chân kiềng ấy, chỉ có một cách là đánh xong phải nhanh chóng vận động thoát ra khỏi khu vực kiềm tỏa ấy. Điều đó đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy. Ai có ý kiến chi khác nữa không? Không hả xin các đồng chí hãy chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để vào trận.

Trung đội chúng tôi được cử đi đánh Độn Bạc, anh em mừng lắm, giống như trúng số độc đắc. Vì trung đội mô tham chiến sẽ được ưu tiên chia súng thu được của địch. Mà chúng tôi thèm súng như đồng bào dân tộc thèm muối.

Đúng đêm xuất kích, chúng tôi về Dương Xuân ém quân. Lại đúng ngày dòng họ Nguyễn của làng vào chạp. Từ ngày “bộ đội ông Một” nổi lên, dân Dương Xuân rất tự hào, muốn có dịp được giúp đỡ. Thấy lính ông Một về làng, dòng họ Nguyễn hội ý, con heo dùng để tế nhà thờ họ ngày mai, họ chỉ giữ lại cái đầu heo cúng tượng trưng, còn tất cả con heo tặng cho trung đội của tôi trước khi làm nhiệm vụ. Số thật hên, đã được đi đánh giặc, lại được liên hoan một bữa phủ phê. Việc ấy giống như báo trước mọi may mắn của trận đánh sắp tới.

Thấy chúng tôi lục đục lên đường, cụ trưởng họ hỏi:

- Ngày mai định đi đánh mô đó?

Cái khí thế và sự chuẩn bị có giờ giấc của chúng tôi không thể che giấu được đôi mắt tò mò của dân chúng. Thân Trọng Một phải nói tránh đi:

- Dạ, chúng tôi hành quân về Châu Chữ.

Đoàn quân ngậm tăm đi trong đêm. Đến Độn Bạc còn rất sớm. Chúng tôi không đào đất giấu quân đánh độn thổ, mà địa hình ấy có những bụi cây lúp xúp, chúng tôi vận dụng vật che khuất để mai phục, mọi chỗ giấu đều hướng về địa điểm xung phong đạt hiệu quả nhất.

Thân Trọng Một cũng đã tìm được một chỗ làm chỉ huy sở cho mình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM