Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:53:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Buôn Ma Thuột  (Đọc 7264 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2020, 05:34:41 am »


        Trận đánh mở đầu cho đường 5 là trận ngày 5 tháng 11, ta thắng lớn: Bắn rơi máy bay tại chỗ, bắt sống được phi công, nhưng trận ngày 17, địch rút kinh nghiệm, thay đổi chiến thuật nên ta bị thiệt hại nặng. Hôm đó công nhân đang sửa cầu bị địch đánh trúng, hy sinh nhiều. Sự hy sinh của mấy chục công nhân đang sửa cầu, máu nhuộm đỏ dòng sông, không khỏi ảnh hưởng đến tư tưởng một số người. Mãi đến ngày 11 tháng 12 chúng tôi mới đến gặp đồng chí Thi, đội phó Đội cầu 2, nhưng ngay từ hôm mới đến tôi đã biết tin này. Vừa tói nơi, tôi đã thấy trung úy nhà văn, nhà viết kịch Hoài Giao, người quen cũ của tôi, hớt hải đến báo tin:

        - Có gì ăn mừng tao đi! Tao hút chết trận vừa rồi; anh em công nhân Đội cầu 2 bị thiệt hại nặng lắm, đang sửa cầu mà!

        Tôi sẵn sàng biếu anh Hoài Giao một bao thuốc lá Điện Biên và gói chè Ba Đình. Hai thứ này anh đều nghiện nên anh rất thích. Hồi ở cùng anh, chúng tôi chỉ dám hút thuốc lá Trường Sơn và uống chè lạng. Là nhà văn, trái tim anh nhạy cảm, nên anh quá xúc động trước những cảnh hy sinh, còn tôi đang rèn luyện để thành nhà báo, mà nhà báo là cán bộ chính trị, nên thường cứng rắn hoặc phải tỏ ra cứng rắn hơn!

        Tại cầu Lai Vu, chúng tôi được tham dự nhiều trận đánh. Trận đầu tiên, tôi cứ đứng lớ vớ bên ngoài, vì công sự lúc này anh em đang bận chiến đấu. Cũng có một số người phải chạy từ chỗ nọ đến chỗ kia và hầu hết anh em đều đứng. Sự háo hức của tuổi trẻ và trước bối cảnh chung như vậy khiến tôi không thấy sợ. Giặc ném mấy quả bom xuống sông. Một quả rơi bên kia cầu phía Hà Nội không gây thiệt hại gì. Trận sau tôi được đồng chí chính trị viên gọi vào hầm, nhưng tôi vẫn đứng không chịu nấp. Tôi nghĩ: Mình là nhà báo, đi tuyên truyền động viên, giáo dục anh em không sợ địch, với tinh thần "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" như anh Nguyễn Viết Xuân, mà mình lại cúi đầu, tỏ ra hèn nhát, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà báo. Tôi thật sự say mê và bình tĩnh theo dõi những chiếc máy bay địch bổ nhào, và thích thú nghe tiếng súng từ các trận địa của ta bắn lên nổ rất giòn. Bỗng tôi thấy liên tiếp có những cục lửa đỏ từ một khẩu 57mm bên kia cầu bắn lên. Đó là những viên đạn vạch đường, ban ngày vẫn trông rất rõ. Những cục lửa đỏ cứ lừ lừ bay lên. Trong khi đó, một chiếc máy bay đang bổ nhào từ hướng Hải Phòng về Hà Nội, không còn kịp thay đổi hướng. Tôi nghĩ thầm trong bụng: Trúng này! Trúng này! Quả nhiên, một cục lửa đâm trúng vào bụng chiếc máy bay. Một cột lửa bốc lên và chiếc máy bay cứ thế cắm đầu xuống đất.

        Nhà báo phải nói lên sự thật. Sự thật là chính mắt tôi nhìn thấy viên đạn của cao xạ 57mm, đỏ lừ như cục lửa, đâm trúng bụng chiếc máy bay làm nó bốc cháy và đâm đầu xuống đất. Đương nhiên, đang phấn khích, gặp ai tôi cũng say sưa mô tả lại cái giây phút hồi hộp và sung sướng đó. Tôi còn cảm thấy tự hào là chính mình đã được trông thấy đạn bắn trúng máy bay.

        Nào ngờ tôi bị gọi về Đoàn kiểm điểm. Tôi cố cãi: Đó là sự thật, chính xác 100%. Nhưng rồi tôi xỉu xuống như cái bánh đa nhúng nước, khi được giải thích: Nguyên tắc tính chân thật của báo chí không hoàn toàn đồng nghĩa với sự thật 100%. Có những sự thật nói ra không có lợi cho việc tuyên truyền, hoặc sẽ lộ bí mật cho địch biết thì không được nói. Đó là bài học sâu sắc và thấm thìa đầu tiên về nhà báo và nghề báo của tôi. Bất giác tôi nhớ đến anh thầy thuốc trong câu chuyện "Phúc thống phục nhân sâm" và cảm thấy mình còn phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện nhiều hơn nữa.

        Về ăn ở thì chúng tôi được gọi vào sống với dân xóm Lai Vu. Ban chỉ huy chẳng có gì, và cũng chắng có thòi gian tiếp đãi chúng tôi giữa lúc đơn vị đang bộn bề công việc. Trong khi đó, các đoàn dân chính đi theo quy trình hướng dẫn của nhà trường, về tỉnh nghe: Tỉnh ủy báo cáo tình hình chung, tỉnh đội báo cáo về chuyên đề quân sự, ủy ban báo cáo về tình hình kinh tế và nghe báo cáo về tờ báo địa phương, sau đó xuống xã, thì tương đối đàng hoàng - có thể nói là rất đàng hoàng. Đoàn đi Thanh Hóa về cứ ca ngợi mãi sự quan tâm săn sóc và ưu ái đặc biệt của đồng chí bí thư tỉnh ủy Ngô Thuyền. Mặc dù Thanh Hoá là một tỉnh nghèo, chiến tranh lại là nơi ác liệt, nhưng vì đoàn nhà báo "trên Trung ương" đến, nên được bố trí ăn ở còn "hơn cả Trung ương!". Không những anh em được tin theo tiêu chuẩn khách đặc biệt: 5 đồng /ngày/người, mà còn có cả những cô phục vụ và hướng dẫn. Phải nhớ rằng năm đồng lúc đó là cả một tháng lương binh nhì của chúng tôi! Tôi và các anh Đinh Ngãi, Nguyễn Đình Thảo là người Thanh Hoá nên chúng tôi cũng cảm thấy tự hào về lòng mến khách của quê hương. Nhưng anh em cứ đem cái cụm từ "nhà báo trên Trung ương" mà ai đó nói đùa hoặc diễn đạt sai ra trêu mãi, nên tôi cũng hơi tự ái. Về sau, có lần tôi và anh Vũ Thân được báo Quân đội nhân dân cử về đơn vị bảo vệ đập Bái Thượng, Thanh Hoá để viết bài, chúng tôi cũng được đồng chí Ngô Thuyền tiếp, tự tay đồng chí viết giấy giới thiệu và cử đồng chí Cứ, giám đốc Trường đảng tỉnh cho xe đưa chúng tôi đến nơi sơ tán của tỉnh đội ở Rừng Thông...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2020, 05:35:23 am »


        Sau chuyến đi thực tập, chúng tôi lại tiếp tục học nghiệp vụ thêm ba tháng nữa. Ngày 29 tháng 12 năm 1965, chúng tôi được nghe nữ đồng chí Ánh, bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Sài Gòn - Gia Định nói về tình hình văn nghệ - báo chí ở Sài Gòn - Gia Định. Do phụ thuộc vào điều kiện của giáo viên và khách mời, nên có những vấn đề hai lớp phải học chung. Vì vậy, chúng tôi học xen kẽ giữa chính trị, thời sự và nghiệp vụ. Song như người mới tập đi xe đạp, sự say mê thích thú của tôi lúc này chủ yếu dồn cho nghiệp vụ. Ngày 8 tháng 1 năm 1966, đồng chí Lê Dân, thư ký toà soạn, đến nói về "Hướng báo nhân dân". Ngay hôm sau đồng chí Trần Lâm, giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam lại đến nói về công tác biên tập của Đài. Cả hai bài đều có ý gợi mở vấn đề cho anh em chúng tôi viết sau đợt đi thực tế về. Ngày 11 tháng 1 nhà trường tổ chức cho chúng tôi học bài "Công tác biên tập". Sau đó còn thêm báo cáo thực tế của đồng chí Nguyễn Văn Chung, báo Hà Tây, về "Công tác biên tập một tờ báo địa phương". Báo cáo này, ngay lúc đó có một số đồng chí coi thường, nhưng sau đó nó lại trở nên thiết thực, vì gần như toàn bộ chúng tôi vào Nam đều làm báo địa phương. Có tờ "Quân giải phóng" và "Cờ giải phóng" tạm coi như Quân đội nhân dân 2 và Nhân dân 2 nhưng thực tế chủ yếu vẫn là nội bộ, vì lý do phát hành và ấn loát.

        Trên mặt trận bút chiến với địch, những bài bình luận, nhất là bình luận quân sự làm xôn xao dư luận, náo nức lòng người. Lúc đầu, chúng tôi coi bình luận là "đại bác bắn thẳng", người viết bình luận, ngoài việc phải giỏi về luận lý lô gíc, còn phải có "tầm cỡ" nữa, chứ "cái thớ" bọn tôi thì chỉ nên mài "lưỡi lê" để đánh giáp lá cà; thời gian có ít, học bình luận là thừa! Nhưng khi được biết: Bình luận thực tế cũng chỉ là một bài văn nghị luận và có nhiều loại bài bình luận trên báo: Xã luận, chuyên luận, bình luận thông thường thì mới thấy mình cần phải học. Đặc biệt khi đồng chí Quang Đạm (báo Nhân dân) mở đầu bài giảng "Công tác bình luận", ngày 26 tháng 1 năm 1966, nói rõ: "Bình luận là một công tác mà tất cả mọi người làm báo cần phải nắm, chúng tôi mới thật sự tự giác đứng vào vị trí: "Người làm báo là chiến sĩ tiền tiêu trên mặt trận tư tưởng" như lời Ka-li-nin. Sau này, khi mỗi chúng tôi được ném vào hoạt động ở một mảng của báo chí Cách mạng miền Nam thì những lý luận về "Viết bình luận trên báo" đã thật sự phát huy tác dụng, ở chiến trường, không những phải trực tiếp thường xuyên chống chiến tranh tâm lý của địch, mà mỗi chiến dịch, thậm chí trước và sau mỗi trận đánh, đều phải có những bài xã luận tuyên truyền hoặc hướng dẫn công tác.

        Cũng như các thể tài khác học xong phần "Viết bình luận" chúng tôi lại được thượng tá Nguyễn Đình Ước, Phó tổng biên tập báo Quân đội, nói về công tác bình luận của báo Quân đội - một tờ báo có những bài bình luận thật sự điển hình. Và, cũng qua bài nói chuyện của đồng chí Ước, chúng tôi mới biết rõ: Bọn địch theo dõi rất kỹ những bài bình luận của báo chí ta. Cụ thể như chỉ hai chữ "khăng khăng" và "khư khư" trong bài bình luận của báo Quân đội nói về sự ngoan cố của Mỹ - hôm trước dùng: "Mỹ vẫn khăng khăng...", hôm sau dùng: "Mỹ vẫn khư khư...", mà Mỹ nhận định là lập trường của Chính phủ Bắc Việt đã thay đổi, mềm dẻo hơn. Qua đó, chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm người cầm bút phải hết sức cẩn thận, cân nhắc kỹ từng chữ mỗi khi viết bài, nhất là những bài văn chính luận.

        Chuyên đề "Tiểu phẩm" do đồng chí Trần Minh Tước, bút danh Xích Điều, ủy viên thường trực Hội nhà báo Việt Nam, giảng dạy cũng là một chương hấp dẫn. Tôi nhớ mãi đồng chí nói như tâm sự: chính vì viết "Tiểu phẩm" mà có người gọi tôi là "Xích Đểu" và sau khi viết câu:

        - Lạ cho cái sóng khuynh thành.
        Mà sao quay tít theo vành ô tô.


        Đã làm cho có người mất vợ, tôi ân hận mãi. Vậy ra người phê bình rất cần phải có cái tâm. Đặc biệt phê bình trên báo cần xuất phát từ cái chung, nhằm mục đích "để sửa chữa”, tránh địch lợi dụng và bảo đảm đoàn kết tốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2020, 05:36:07 am »


        Trong nghiệp vụ, môn mà chúng tôi háo hức chờ mong là môn chụp ảnh. Có thể nói, người lính mới được phong sĩ quan, háo hức và vui thích được đeo khẩu súng ngắn thế nào thì cánh "nhà báo mới nhập nghề" chúng tôi mong được đeo chiếc máy ảnh như vậy. Ngày 15 tháng 1 năm 1966, đồng chí Hoàng Tư Trai giảng phần đầu về nhiếp ảnh. Sau đó nửa tháng, ngày 1 tháng 2, đồng chí mới giảng tiếp được phần "Quan điểm ảnh tân văn" và ngày 6 tháng 2 đồng chí Thọ (báo Nhân dân) mới nói về "tranh ảnh trên báo". Bởi lẽ sau khi được hướng dẫn sơ bộ về máy ảnh, cách lấy khuôn hình và bấm máy, là chúng tôi đua nhau để tập. Nhà trường thông cảm, và cũng có điều kiện, nên tung khá nhiều máy ảnh ra cho chúng tôi thực hành. Tôi thích nhất là loại máy ngắm có kính mờ, vì tấm ảnh hiện rõ trên màn hình, dễ chụp.

        Mỗi chúng tôi được phát một cuộn phim, ai muốn chụp thêm thì góp tiền để nhà trường mua hộ. Phim cuộn Owo của Đức là tốt nhất; nhưng cũng loại Owo đó mà mua phim thước về kiếm bô-bin (lõi cuộn phim) cuộn lấy thì rẻ hơn nhiều. Chụp xong có thể tự tráng phim, in ảnh hoặc nhờ Thông tấn xã Việt Nam làm hộ. Nói chung là chúng tôi không thiếu phim, nhưng thiếu đối tượng để chụp. Trong trường có một số nữ văn công, ngó bộ các cô cũng rất muốn ghi lại hình ảnh gửi tặng bạn bè và để lại cho gia đình, nhưng vì đã "cách ly nhau" từ trước, nên chẳng cô nào dám nói ra. Còn chúng tôi, phần vì cầm máy chưa vững, sợ chụp hỏng, chụp xấu sẽ bị các cô cười, phần cũng chẳng dại gì dây với các cô vì chúng tôi cứ hay ngâm đùa câu: "Tu là cõi phúc tình là dây oan" để hưởng ứng phong trào ba khoan do Trung ương Đoàn phát động (khoan yêu; đã yêu khoan cưới; đã cưới khoan có con). Thế nhưng cứ chụp cho nhau và chụp đi chụp lại mấy cảnh trong trường mãi cũng chán, nên sinh ra chụp trộm ảnh các cô gái xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, đi làm đồng qua cổng của Trường. Chúng tôi lên phim sẵn, núp phía trong tường, cho một anh đứng quan sát, hễ có đối tượng sắp đi qua là đánh động, người cầm máy chỉ việc ngắm qua lỗ hở của tường, thấy có bóng người đi qua là bấm máy.

        Sở dĩ có chuyện phải chụp ảnh trộm và đi hành quân đêm, vì chúng tôi không được ra khỏi trường. Lóp văn nghệ sĩ báo chí miền Nam lại đào tạo tại Trường Tuyên giáo Trung ương Hà Nội là chuyện bất bình thường, nên phải giữ hoàn toàn bí mật. Ngay cả việc liên lạc với gia đình và bạn bè, chúng tôi cũng không được báo địa chỉ thật, mà phải lấy địa chỉ cũ của Trường tại Đống Đa. Việc tuyển chọn người học lớp này, về lý lịch, được làm rất kỹ. Có thể chúng tôi mới được cung cấp một số điều thuộc về bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Chỉ cần có quan hệ quen biết hay họ hàng với người theo địch vào Nam hoặc ở nước ngoài mà không do Chính phủ ta cử đi, đều không được đi với lớp. Vậy mà vào Nam, lớp chúng tôi vẫn có một nhà văn phản bội. Có lẽ bọn địch đánh giá cao những tin tức thu được về lớp học của chúng tôi nên chúng đã đưa Trường vào một trong những mục tiêu cần hủy diệt ở Thủ đô Hà Nội.

        Buổi đầu, nghe nói về vị trí, tác dụng, chức năng và đặc điểm của ảnh báo chí, phân biệt ảnh tân văn và ảnh nghệ thuật, chúng tôi chỉ mới hiểu chàng màng, chủ yếu tập trung vào cách chụp. Vậy nên chức năng phụ của ảnh là "chứng kiện lưu lại sau này" lại được coi là chức năng chủ yếu. Giờ đây, được trang bị thêm những quan điểm về ảnh báo chí chúng tôi mới thấy rõ phóng viên nhiếp ảnh chẳng những phải biết khái quát vấn đề nội dung mà còn phải biết khái quát cả vấn đề hình tượng, mới chụp được một bức ảnh báo chí. Anh báo chí cũng có đầy đủ các chức năng của một tin bài trên báo. Đặc biệt khi được nghe "Kinh nghiệm sử dụng ảnh trên báo Nhân dân" của đồng chí Thọ, chúng tôi mới biết ảnh báo chí có nhiều thể loại. Có thể đưa tin, làm phóng sự và cả nghị luận bằng ảnh.

        Theo đồng chí Thọ thì có tới tám loại ảnh đăng được trên báo chí nhưng vì thời gian cấp tốc nên môn nhiếp ảnh báo chí mới chỉ giảng được phần cơ bản nhất. Ảnh là môn học cuối cùng trong chương trình nghiệp vụ của chúng tôi.

        Để ổn định tư tưởng học viên, đồng chí Đỗ Xuân Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp giải thích thêm:

        - Điều kiện không cho phép, chúng ta hãy tạm bằng lòng với một số kiến thức bước đầu; quá trình làm ta học thêm, học lẫn nhau và ta tự rút ra bài học. Khi điều kiện cho phép, mời các đồng chí trở về học theo chương trình đại học báo chí tại Trường.

        Lời căn dặn có vẻ tiên đoán của bác Mai đôi với tôi không ngờ lại thành sự thật. Năm 1975, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, tôi thi vào lớp đại học báo chí khóa II của Trường (1975-1979) và đã trúng tuyển. Khi lớp học tập trung khai giảng, tôi được phân công làm lốp trưởng lớp báo A.

L.S.H       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2020, 05:37:20 am »


       
BA LẺ MỘT

Bảo Ninh       

        Mặc dù là sự ngẫu nhiên nhưng mà có lẽ chẳng phải chuyện tình cờ. Bởi nếu không thì chúng tôi đã lướt về đến Nha Trang mới dừng chứ chẳng nghỉ vặt lại làm gì ở dọc đường. Và xe sẽ không đỗ đúng ngay trước của tiệm cà phê đầu thị trấn. Cũng sẽ không phải là bài hát ấy cất lên. Không nghe thấy bài hát ấy tôi đã không buồn bước chân vào tiệm. Tôi vào thì băng nhạc ngắt, nhưng rõ ràng là tôi đã vừa nghe một bản quân ca chứ tuyệt nhiên không phải là những cái thứ nỉ non nhão nhoẹt đặc sản của hầu hết các quán xá phố huyện trong thời buổi văn minh ướt át này.

        "Lêkima", tên tiệm như vậy, trên tấm biển gỗ sơ sài. Một nhà gác nhỏ hai tầng, mái ngói xạm màu rêu. Quầy cà phê ở tầng trệt, gian giữa, nhưng chỗ của khách ở ngoài vườn. Một ai đó lúi húi sau quầy, tôi lên tiếng chào, gọi một tách đen, và qua cửa sau đi xuống vườn.

        Gió chiểu lộng thổi, dào dạt sóng lá. Vườn rộng, xanh ngắt, vú sữa và lêkima. Bàn ghế bằng mây kê rải rác dưới vòm cây xum xuê, bên những lối đi rải sỏi. Giờ này các bàn đều bỏ trống, cả khu vườn chỉ một mình tôi với tiếng chim ríu rít trên cành. Đợi anh tài xế sửa xong xe chắc là còn lâu. Không chừng có thể làm được một giấc. Tôi thoải mái ngả người vào lưng ghế, nhắm mắt lại.

        - Dạ thưa, cà phê của ông.

        Tôi không nghe thấy bước chân đàn bà ấy. Rất khẽ chị ta đi tới thật nhẹ để khay cà phê lên mặt bàn và se sẽ cất tiếng. Trên chiếc khay gỗ bày một bộ đồ uống cà phê kiểu đã xưa, rất đẹp, đĩa và tách bằng gốm, men màu lam vân trắng, phin và thìa mạ bạc. Thoang thoảng, đầm đậm hương thơm đặc trưng của cà phê chè Buôn Ma Thuột.

        - Gia đình ta có khu vườn tuyệt quá - Tôi nói, bày tỏ sự hài lòng và nỗi khoan khoái.

        - Dạ, cám ơn ông - Người đàn bà nói nho nhỏ, giọng Nam êm như nhung, lễ phép mà dịu dàng - Xin mòi ông bữa sau lại ghé tiệm chúng tôi, dùng cà phê, ngoạn cảnh chiều.

        - Ồ vâng, dĩ nhiên. Nếu như còn có một dịp thứ nhì.

        - Thưa, thị trấn nầy, ông mới một lần đầu ngang qua?

        - Vâng. Cũng gần như là lần đầu. Lần trước đã lâu lắm rồi. Đã hai mươi năm. Vả lại, ngày đó, thời cuộc gấp gáp, chúng tôi tiến ào qua, chỉ được vài phút dừng chân chốc lát.

        Tôi có cảm giác là người đàn bà như chợt sững đi vì điều tôi vừa nói. Tôi nhìn chị. Có thể đoán rằng tuổi chị đã chừng bốn mươi, mặc dù chắc là chưa đến như vậy. Gương mặt gầy yếu, xanh xao, song vẫn còn giữ được nét đẹp phảng phất. Tôi ưa cặp mắt của chị, mở to, đượm buồn.

        Gặp ánh mắt của tôi, chị ngại ngùng nhìn tránh đi, và không nấn ná thêm nữa, lặng lẽ quay vào nhà. Tôi nhìn theo. Bỗng đâu một cảm giác phi lý nhen lên, choán lấy tôi. Chẳng cần lục lại trí nhớ, tôi biết chắc chắn là trước đây chưa từng bao giờ gặp chị ta, và chắc chắn là không hề quen ai có thoảng nét giống chị, thế nhưng lại cũng hoàn toàn chắc chắn như vậy tôi cảm nhận được ở chị một sự quen biết, thậm chí một tình thân mến, từ xưa. Tình thân ấy mang máng đâu đây trong buổi chiều nay giữa khu vườn này. Tôi lắng nghe và tôi nhìn xung quanh, nhìn lên cao. Bên ngoài các vòm lá, bầu tròi đã ngả hồng. Ngày đã tàn, thòi tiết vẫn đẹp, càng đẹp hơn trước. Những đám mây cao và thưa nhẹ nhàng lướt trôi, mỏng dần và tan ra. Trong vườn, những ngọn gió khi thì lặng đi lúc lại dậy lên như cao trào của một bản nhạc. Một chiếc lá vú sữa nửa màu xanh nửa màu nâu nhạt bứt khỏi cành rớt xuống bên tách cà phê đang nhè nhẹ toả hơi. Chiếc thìa bạc kêu lanh canh. Lòng tôi xao xuyến lạ thường. Bỏ dở tách cà phê, tôi đứng vội dậy, rời bàn. Nóng lòng tôi muôn ngắm lại một lần nữa kỹ hơn dung nhan thân thuộc của người đàn bà không quen.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2020, 05:37:49 am »


        Không có ai trong nhà khi tôi từ ngoài vườn đi vào. Tôi tới bên quầy. Trên mặt quầy để một máy quay băng, mấy trái xoài tượng, một cái bình xay sinh tố, các thẩu đường, những lọ cà phê và một hộp kính xếp đầy những gói thuốc lá. Ở trong góc tối phía sau quầy, trên tường treo một bức tranh. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại tôi thấy không phải tranh mà là một bức ảnh, được phóng to, lồng trong khung kính. Trong ảnh là hình một chiếc xe tăng. Và không phải M48. Vì khuất tôi không nhìn được rõ nhưng tôi vẫn nhận biết rõ ràng dáng vóc một chiếc T54 um tùm cành lá ngụy trang. Vòng ra sau quầy, tôi lần tìm công tắc, bật đèn lên. Anh điện bừng sáng và tim tôi như ngừng đập. Toàn, Trung và Chí, ba khuôn mặt ấy, ngay trước mắt tôi. Anh đen trắng, khi chụp hơi bị ngược sáng lại đã úa vàng vì năm tháng nên nom không được nét, song chẳng còn hồ nghi gì nữa, đúng là họ, và đúng là nó, xe 301. Đầu quấn băng, AK buông thõng trước ngực, Toàn ngồi trên nóc xe, ôm lấy nòng khẩu 12 ly 7, hai người kia bá vai nhau ngồi tựa vào sườn tháp pháo. Số xe khuất sau lưng họ, chỉ ngôi sao lộ ra. cả ba anh em đều còn rất trẻ, còn rất non nét mặt và dường như do vậy mà có vẻ kém ăn ảnh, nhân dạng phần nào mờ nhòa, tuy nhiên bởi đều đã vào ảnh với nụ cười nên cả ba gương mặt đều như tự bừng sáng. Xúc động, cổ nghẹn lại, tôi run khắp thân mình, hồi lâu không sao trấn tĩnh được.

        Nghe thấy tiếng guốc đi xuống cầu thang song tôi không rời mắt khỏi bức ảnh. Người đàn bà tới bên quầy. Ngoài cửa ánh chiểu đã tắt hẳn. Căn phòng im ắng. Từ cõi nào xa xăm vọng đến tiếng còi tàu hoả. Lát sau đoàn tàu rùng rùng băng qua cung đường gần thị trấn. Những hàng bánh sắt rền rền lăn trên ray. Mặt đất nhè nhẹ rung lên. Chiếc đồng hồ treo tường thong thả đô chuông. Tôi nhớ đến khúc quân ca nghe thấy lúc chiều khi vừa dừng xe. Thì ra...

        Lòng khắc khoải bao nhiêu là ý nghĩ và điều phỏng đoán, tôi chậm rãi xoay mình lại, đối diện với người đàn bà. Chị chống khuỷu tay lên quầy, áp mặt vào hai bàn tay. Một gương mặt thanh tú và khiêm nhường, một dung nhan dẫu đã lụi đi mà không hề tàn héo, đôi mắt hiền dịu, rất to, lặng nhìn tôi.

        - Chị biết không, thật kỳ lạ - Tôi nói, ngập ngừng - Chiếc xe tăng trong bức ảnh kia chính là chiếc xe tăng của tôi, ngày xưa.

        - Ơn tròi, - Chị thầm thì - Thế là cuối cùng các anh đã trở lại. Bởi vì anh đã đổi khác quá nhiều so với anh trong hình nên em không nhận liền ra anh. Nhưng anh à, bao năm qua, từ ngày đó đến giờ, em vẫn một lòng tin rằng nhất định các anh sẽ còn trở lại.

       
*

        Ngày đó, năm 75, buổi sáng cuối cùng của tháng Ba. Thị trấn bên bờ biển cho tôi chiều tối hôm qua còn nghẹn ứ một biển người vậy mà sáng ra đã hoàn toàn trống rỗng.

        Không ai ngờ thời cuộc lật nhanh đến thế. Vừa mói phong phanh tin thất thủ Buôn Ma Thuột, còn bán tín bán nghi, đã nghe mạn Khánh Dương tiếng đại bác rền vang. Người từ cao nguyên chạy xuống ban đầu thưa thớt, về sau kìn kìn. Người ta bảo rằng quân dù đã được điều về giữ đèo Ma Đơ Rắc, họ sẽ chặn đứng Việt Cộng và rồi sẽ tái chiếm Đắc Lắc chỉ trong ngày một ngày hai. Nhưng chỉ trong ngày một ngày hai vụ di tản chiến thuật đã trở thành cơn giãy chết vĩ đại. Thị trấn ngã ba nghẹn cứng hai luồng chạy loạn khổng lồ đổ ập về theo hai ngả, quốc lộ 1 và quốc lộ 21. Phố biển muôn thuở bình yên ngập chọn trong khói bụi và hoảng loạn. Mặt đường đen đặc người và xe. Xe đò và xe nhà binh, đồ đạc và chiến cụ, dân thường bỏ quê hương và lính tráng vỡ mặt trận, như lũ lụt tràn bờ, như tròi long đất lở. Gần cả tháng trời thị trấn triền miên trong quang cảnh tán loạn đầy thú vật của cuộc đại bại. Chen chúc, xô lấn, giày đạp, chà xéo, đánh nhau, giết nhau, cưỡng hiếp và cướp bóc. Đến cuối tháng thì đã thật sự những ngày tận thế. Phòng tuyến trên đèo tan võ. Các Thiên thần mũ đỏ còn sống sót ôm đầu máu tháo chạy. Có những toán đông nghìn nghịt súng ống còn trong tay mà không còn giày, không còn áo, trần thùi lụi như đàn đười ươi ồ ồ tràn qua trấn. Tất cả đều đã điên lên vì khiếp sợ. Chạy, chạy, và chạy. Muốn sống thì chạy đi. Mạnh ai nấy chạy. Giành đường mà chạy, dẫm lên nhau mà chạy. Tiền pháo hậu xung, đại bác quân Bắc Việt sẽ san bằng thị trấn. Chiến xa quân Bắc Việt sẽ cán nát tất cả. Và bộ binh Bắc Việt khi xung phong vào sẽ giết hết, sẽ giết hết, giết tuốt mo, giết không còn một mống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2020, 08:20:57 pm »

 
        Buổi trưa, phi cơ từ biển ào vào bổ nhào ngay trên đầu thị trấn trút bom xuống Dục Mỹ để cản bước địch quân. Nhưng trận chiến vẫn từng giờ một xích gần lại. Cửa kính rạn vỡ, vôi vữa rơi lả tả. Chập tối, đạn pháo hú vang, từng loạt, từng loạt nã vòng qua thị trấn rót xuống dọc mép biển. Nửa đêm tiêng nổ thưa dần và tinh mơ thì bặt hẳn. Hừng đông mong manh chuyển dần sang buổi ban mai và ở xa thắm ngoài khơi vừng dương đã nhô lên trên mặt biển. Trên bờ, ở ngôi nhà đầu thị trấn, ông chủ hiệu ảnh Lêkima và cô con gái của ông ngồi lặng im trong bóng tối. Bên ngoài, ánh mai hồng ngòi rạng, trong nhà tối như hũ nút. Cửa đóng then cài.

        Cả đêm hai cha con không chợp mắt, thao thức nghe sấm sét của quân đội cách mạng và nghe những hậu đội cuối cùng của quân Sài Gòn huỳnh huỵch tháo thân chạy qua trước cửa. Nỗi lo âu cồn cào, nhức nhối ruột gan. Hồi giữa tháng khi còn có thể ra đi người cha lại chùng chình nghe ngóng, tiếc nhà tiếc vườn, tiếc kê sinh nhai. Tới lúc không thể do dự thêm được nữa thì cũng là lúc cảnh tượng của cuộc tùy nghi di tản đã trở nên quá độ kinh hoàng. Cô con gái xin cha để cô được ở lại. Thà chết còn hơn là phải dấn thân vào một lộ trình đã an đến như vậy. Hai cha con náu mình trong nhà. Bọn lính cướp phá tan hoang hai bên hàng xóm nhưng may phúc làm sao chúng chưa xông vào hiệu ảnh. Chúng bắn tan tấm biển Phôtô Lêkima nhưng chưa bắn võ tường và chưa làm sập nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng hỗn mang kéo dài thêm nữa bọn kẻ cướp sẽ không bỏ qua ngôi nhà này. Nhưng mà nếu chúng biến đi thì tức là họ sẽ vào. Họ vào thì trời ơi, sẽ ra sao?

        Trời đã sáng hẳn. Hình như có tiếng vạn vật thức giấc. Ì ầm như sóng biển xô bờ. Nhưng mà chẳng phải tiếng sóng. Tiếng động mới mẻ xa xôi mơ hồ ấy không tắt mà cứ lớn dần lên và loang rộng ra. Rồi bỗng nhiên tất cả rung lên. Đất trời như rạn nứt.

        - Trời đất ơi, chiến xa! Tránh xa cửa, con ơi!

        Tiếng kêu khiếp đảm bị tiếng gầm của động cơ xe tăng nuốt đi. Chiếc thứ nhất rồi chiếc thứ hai, thứ ba... mũi đột phá xe tăng gần chục chiếc, T54 và K63, như một cơn lốc bằng thép xé mặt lộ lướt tới với thần tốc kinh hồn, là phẳng mọi chướng ngại trên đường, nhằm hướng nam truy kích. Nhà cửa rung giần giật. Cả thị trấn điếng hồn, choáng đi trong tiếng rít của xích thép hòa lẫn với hơi dầu xả phùn phụt, tiêng tháp pháo nghiên ken két. Mặt đường toé lửa, nứt ra, rền vang như gang võ.

        Thị trấn được giải phóng trong vòng không đầy năm phút đồng hồ. Đoàn xe tăng lao tới, tràn qua và mau chóng mất hút phía trời nam. Sấm vang chớp giật rồi tất cả lại trở về trong buổi sáng mai êm ả dưới bầu tròi trong xanh, cao vòi vọi miền duyên hải.

        - Nhưng mà hình như họ ngừng. Họ ngừng rồi! Hình như ngay trước nhà mình đấy, con ơi!

        Mà họ dừng lại thiệt, trời ạ! Chỉ một chiếc nhưng mà tắt máy dừng ngay trước thềm. Nghe huỵch huỵch tiếng chân từ trên xe nhảy xuống đất. Những giọng xứ Bắc, nói oang oang. Họ to tiếng quát nhau. Rồi lại nghe rộ lên tiếng cười. Rồi choang choang tiếng gõ tiếng đập. Tò mò, quên cả sợ, cô gái tới bên cửa sổ vén màn nhìn ra. Thình lình, chiếc tăng rú lên, phụt khói đen ngòm, rồi như bị sặc nó nấc lên và tắt ngóm. Lại ồn lên tiếng quát tháo, tiếng la lối bực bõ. Nắp xe mở ra đóng vào sầm sầm. Mấy phút sau xe khởi động lại. Cô gái bưng lấy tai. Nền nhà rung nẩy. Không khí khét nồng mùi khói ma dút. Khi cô bỏ tay ra thì tiếng gầm gào hung dữ đã ngừng bặt, thế nhưng cô lại nghe thấy tiếng những bước chân đi lên thềm. Cha cô mặt tái mét, vội vội vàng vàng bỏ trốn lên gác. Khiếp hãi cô đứng nép vào góc. Tiếng gõ cửa dẫu dè dặt vẫn chẳng khác nào súng bắn. Những giọng nói từ bên ngoài ngưỡng cửa vọng vào rõ mồn một.

        - Có ai đâu nào. Bác phó nháy nhà này hẳn là đã cao chạy xa bay.

        - Nhưng tớ bảo đảm là vừa nãy tớ thấy thoáng có người từ cửa sổ nhìn ra mà lỵ. Để tớ tông cửa vào xem nào. Hay đấy là một thằng dù?

        Sợ hết hồn nhưng không còn cách nào khác, cô gái đành khe khẽ thưa lên và đi nhanh tới bên cửa, mở khóa rồi nhấc then ra. "Xin kính chào quí ông", cô lý nhí. Hai ông ngoáo ộp đứng choán trước cửa tươi tỉnh cất tiếng chào đáp. Lần đầu trong đời cô gái tận mắt thấy Việt Cộng. Một người vóc dáng cao lớn, đầu húi cua, súng đeo trễ bên vai, tay xách một cái can nhựa, người kia gầy gò, nhỏ thó, đầu quấn băng, súng lăm lăm trong tay. Cửa mở, thấy cô anh ta vội chúc họng súng xuống. Bàn tay, gò má và bộ đồ trận của cả hai đều ám khói.
        Họ nói xe họ bị sự cố phải dừng sửa, giờ sửa xong rồi, nhưng vì đã cạn hết nước uống nên trước khi xuất kích còn phải vào làm phiền gia đình một chút, mong thông cảm. Họ gọi chị xưng chúng tôi, lễ phép, nhã nhặn, gần như khách sáo khiến cô gái trẻ vừa bối rối vừa phần nào cảm thấy an lòng. Cô mời họ vào. Cô bảo sau nhà có bể chứa nước mưa xin để tuỳ quí ông dùng, lấy bao nhiêu cũng được, tắm gội nữa, tha hồ. Nhưng họ nói chỉ xin nạp một can đủ dùng thôi, chứ tắm táp gì được, thời gian không có, vả chăng sạch sẽ mấy ngồi vào xe thì chỉ một lát là lại đen nhẻm. Những người lính này mặc dù súng ống lịch kịch, mặc dù bụi bặm và nhầu nhĩ, thế nhưng chẳng hề có cái vẻ lính tráng như cô vẫn thường thấy. Cô thấy họ rất lành. Không sục sạo, không ngó nghiêng, và không một mảy may lỗ mãng. Lấy đầy can nước rồi, tuy rất vội, họ không xồng xộc bỏ đi ngay mà tế nhị ngồi nán lại vài phút bên bàn, từ tốn nhấp tách trà cô mời, ân cần hỏi han, trò chuyện. Chỉ là theo phép lịch sự nhưng rất mực thân tình. Họ khen đám vườn của cô đẹp tuyệt, khen cơ ngơi của cô trang nhã, khen trà cô pha ngon, khen những bức ảnh mẫu bày trong tủ kính. Họ nói không lâu nữa đại quân sẽ trẩy qua, bộ binh, xe pháo nườm nượp, nhưng đừng có sợ hãi, cứ thoải mái, cứ mở cửa tiệm, giữ lấy nếp sinh hoạt bình thường như mọi ngày. Đà tiến của quân ta sẽ mau chóng giãn tầm phi pháo của địch ra xa thị trấn này. vả chăng, rất có thể chiến tranh sắp kết thúc. Không chừng ngay trong năm nay, thậm chí ngay trong mùa khô này cũng nên, biết đâu đấy, chúng tôi sẽ tiến thấu đuợc đến tận mũi Cà Mau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2020, 08:21:20 pm »


        - Hết được chiến tranh rồi sẽ sung sướng biết bao - Anh lính nhỏ người, đầu quấn băng, ngả người ra lưng ghế, khẽ thở dài - Không còn bọn Mỹ, không còn bọn nguy, không bom không pháo, đất nước thống nhất, hoà bình, dẫu chỉ được sống trọn một ngày như vậy thôi rồi chết, cũng đáng.

        - Nói gì thế cái cậu này! Cậu chỉ được độc cái tài nói gở thôi à? - Người kia nhăn mặt, khẽ gắt.

        - À là nói thế. Chứ chết sao được. Đã đến ngày khổ tận cam lai mà lại chết thì thật hoài. Phải gắng sống đế hưởng hồng phúc của thái bình chứ. Mai này, khi đã tàn trận mạc, tôi sẽ rời tay lái xe tăng chuyển ngành sang làm xế quốc doanh, vi vu dọc ngang cho đến già trên các ngả đường, ngắm Chủ nghĩa xã hội, ngắm đồng ruộng núi sông trời bể nước Nam cho đã bao năm ròng tút hút rừng sâu. Và nhất định năm nào tôi cũng sẽ qua đây, dừng thăm ngôi nhà này, thăm người quen hôm nay.

        Không hoàn toàn hiểu những điều họ nói, cô gái ngồi im, khép nép, thỉnh thoảng khe khẽ dạ thưa, mắt nhìn xuống. Tuy nhiên, cung cách hiền hoà dễ mến của hai người khách đã giúp làm vợi đi nỗi lo sợ. Tâm trạng căng thẳng chùng xuống, hầu như chẳng còn chút nào mới dè chừng và sự thủ thế. Thậm chí không còn lây một mảy may ác cảm. Tự cô cũng thầm lấy làm lạ vế sự nhẹ dạ của mình. Bao nhiêu những định kiến đã thấm sâu vào tâm trí, tương chừng bất biến, vậy mà cô đã dứt bỏ nhẹ nhàng như thể trút một tiếng thở phào. Chẳng những không hề là những tên cuồng sát, thấy nguời là giết, thấy nhà là đốt, hai người lính này cũng không giống những nhân vật rắn như đanh, lòng dạ gỗ đá, đầu óc cứng nhắc, mặt mày thì khắc nghiệt, cử chỉ thì thô bạo, miệng lưỡi thì cục cằn, phách lối được gọi là Việt Cộng mà cô vẫn hằng ngày nghe thấy trên đài phát thanh và đọc thấy trên sách báo. Tuyệt nhiên chẳng có vẻ gì là một cuộc tẩy não, họ nói năng nhẹ nhàng mà thân ái, vui vẻ nhưng đúng mực, giữ lễ xã giao chủ khách.

        Nhìn những vật dụng trong phòng, nhìn gói thuốc với hộp quẹt cha cô để trên bàn, cái gạt tàn đầy đầu mẩu, cái áo khoác đàn ông trên mắc áo, hẳn rằng hai người lính Việt Cộng thừa biết hiện trong nhà này không chỉ có mình cô, song họ chẳng hề căn vặn. Họ hỏi thăm song thân cô nhưng thấy cô ngập ngừng họ không gặng. Thật tình cô không sao hiểu nổi duyên do của nỗi ghê khiếp Cộng sản đã ám ảnh và chế ngự cuộc sống của cha cô cũng như của bao người khác nữa ở thị trấn này. Có cái gì thật vô lý và tức cười trong thái độ tột cùng hoảng hốt của cha cô khi nãy. Khiếp sợ đến nỗi bỏ cả con gái đấy để trốn chạy. Cô hình dung lúc này đây cha cô mặt mày xanh xám, náu mình trong một góc tối om trên gác, run cầm cập chờ tiếng chân Cộng sản sầm sầm bước lên cầu thang.

        Nhưng những người Cộng sản còn bận công chuyện của họ. Họ nhìn đồng hồ, thốt kêu lên, rồi vội vã đứng dậy, đeo súng lên vai, vội vội xin cáo từ và một lần nữa xin cám ơn sự giúp đỡ của gia đình. Họ bắt tay cô. Một người chỉ nắm nhẹ rồi buông ngay. Nhưng người kia giữ lại lâu hơn bàn tay nhỏ nhắn mểm dịu của cô trong bàn tay thô ráp của mình, lắc nhè nhẹ: Bọn anh là bộ đội chứ nào phải là quý ông. Mai này gặp lại nhau nhớ đừng gọi bọn anh như vậy nữa. Nhớ nhé. Bọn anh nhất định sẽ trở lại. Anh sẽ chẳng bao giờ quên nơi này, chẳng bao giờ quên buổi sáng hôm nay. Buổi sáng hôm nay, quê hương em giải phóng, em hãy nhìn xem, đất trời tươi đẹp biết bao. Còn anh thì anh coi hôm nay là ngày đầu tiên sau bao năm trời xa cách được trở về gặp lại quê hương. Quê anh ở bờ biển Quảng Ninh cho nên hễ cứ nơi nào bờ biển cũng đều là quê nhà. Vậy nên anh và em chúng mình là đồng hương duyên hải đấy.

        Hai người buông tay nhau. Người lính chạy ra xe, cô gái đi vội vào nhà rồi lật đật chạy ngay ra, trên tay cầm chiếc máy ảnh. Xe tăng đã nổ máy, gầm lên điếc óc, nhưng chưa lăn xích. Cô gái chạy xô tới trước đầu xe, huơ máy ảnh lên. Chiếc tăng dường như ngần ngừ do dự, động cơ vẫn rền rền song có vẻ dịu xuống. Nắp tháp pháo bật mở, lần lượt hai người từ lòng thép chui ra. Người thứ ba từ cửa buồng lái. Anh ta không tắt động cơ. Chiếc tăng rầm rầm nổ máy tại chỗ như hối thúc.

        Cô gái không ham nghề ảnh nên rất ít khi rờ đến máy và chưa bao giờ cô thay cha chụp hình cho một người khách nào. Cô nhỏ bé, yếu ớt và run rẩy trước khối thép đồ sộ đang hừng hực phả hơi nóng và rung lên giần giật. Phải bậm môi lại, gần như vận hết can đảm và lấy hết sức bình sinh cô mới bấm máy nổi. Không may, sáng hôm đó, cuộn phim trong chiếc Canon chỉ còn một kiểu. Bấm xong cái tách, hết phim. Sững sờ ngó chiếc máy, dường như mãi mới chợt hiểu, cô sực tỉnh, hớt hải kêu lên muốn át tiếng máy bảo bốn ông khách gắng chờ để cô vào nhà lấy máy khác chụp tiếp.

        Nhưng khi cô ôm chiếc Kodak chạy lao ra, xe tăng đã gầm lên, tốc bụi mù mịt, chồm mạnh tới và lập tức lao xộc đi như thể chạy trốn cô. Cô đứng khựng lại giữa lòng đường. Chiếc T54 nhỏ dần, mặt đường vẫn rung chuyển nhưng tiếng gầm của động cơ nghe không còn hung dữ nữa, và càng lùi xa chiếc tăng nom càng hiền đi, trông giống như một lùm cây xanh, rung reo trong gió và lấp lánh trong nắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2020, 08:22:57 pm »


       
*

        Những ngày giông tố qua mau, cuộc đời lật nhanh sang trang khác. Nuối tiếc kiếp xưa, nhiều kẻ quyết lòng trốn chạy khỏi quê hương, lên thuyền vượt biển, trong số họ có ông chủ hiệu ảnh. Cô con gái của ông một mình ở lại với ngôi nhà và vườn cây lêkima. Hiệu ảnh tuy còn đó, song không nhận chụp, chỉ mở thế để chờ trả ảnh cho khách cũ. Ngày lại ngày từng đoàn bộ đội trên đường hồi hương đã đi ngang thị trấn, thế nhưng chang ai dừng chân vào lấy ảnh. Nhiều năm trôi qua, khi mà ngay cả những người lính được giải ngũ sau chót cũng đã về đến quê nhà, bức ảnh chụp cỗ chiễn xa vẫn mãi mãi là một tấm hình vô chủ.

        Thời gian thấm thoắt như thoi đưa. Cô gái trẻ măng ngày ấy đã thành thiếu phụ, lập gia đình, có con. Đời sống gian nan khắc khổ kéo dài suốt mười mấy năm trời sau chiến tranh khiến chị mau già. Chồng chị đã sớm từ giã phố nghèo để tìm vào Nha Trang kiếm kê sinh nhai dễ dàng hơn. Các con chị lớn lên cũng lần hồi đi hết. Rất muốn theo chồng con nhưng chị lại không muốn rời bỏ thị trấn. Đành lại thui thủi một mình với ngôi nhà, chật vật sống tựa vào mảnh vườn. Trong nhà chẳng còn dấu tích nào nữa của hiệu ảnh, ngoại trừ tấm hình chụp chiếc chiến xa, chưa người tới nhận, ngày một úa vàng.

        Ngày lại ngày, năm này qua năm khác, ngôi nhà xưa cũ vẫn đấy, mòn mỏi bên rìa lộ, như âm thầm ngóng trông một điều gì đó, không biết là điều gì, rồi sẽ đến trong dòng thời gian đang đều đều trôi chảy ngược xuôi không cùng tận trên đường. Cuối cùng thì cái sự kiện mơ hồ được bền bỉ ngóng trông ấy dường như đã thực sự bước chân qua ngưỡng cửa. Một trong những chủ nhân của chiếc xe tăng đã nhận ra chiếc xe tăng của mình.

        Chỉ có điều, người đàn bà chủ tiệm cà phê đã lầm: Tôi không phải là một trong những người mà chị ngóng trông. Mặc dù là xạ thủ 12 ly 7 trên chính chiếc xe tăng trong ảnh, tôi không hề có mặt trong ảnh.

        Đã trót lọt qua những trận ác chiến trên đèo Ma Đo Rắc, đã an lành vượt qua Dục Mỹ, tôi lại để bị thương ở cây số cuối cùng của đường 21. Và ngu ngốc làm sao, lính xe tăng mà lại bị đốn bởi đạn súng trường. Chỉ độc một phát, bắn tù mù trong đêm tối, nhưng đúng lúc tôi đang nhoài nửa người khỏi cửa xe.

        Vết thương không nặng nhưng đủ để loại nhau ra khỏi vòng chiến trong hơn chục ngày trời. Nằm được mười ngày, tôi ôm vết thương tếch khỏi bệnh viện, nhặt một chiếc Jeép lùn nằm quăng bên vệ đường, lái hết tốc độ rượt theo vết xích xe tăng. Nhưng vào giai đoạn hành quân thần tốc ấy chậm một giờ là lỡ cả đời, huống hồ tụt hậu mất mười ngày như tôi. Đuổi theo vết xích của 301, tôi phóng ô tô qua Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, rẽ đường 11 lên đèo Ngoạn Mục, rồi qua Di Linh, Đức Trọng về Bảo Lộc, về Lộc Ninh, và ngoặt gấp sang đông nhằm hướng Sài Gòn. 30 tháng Tư vẫn theo vết xe tăng, tôi qua Lăng Cha Cả vào phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng 301 của tôi hình bóng đã mịt mù nơi đâu trong mưa rơi buổi chiểu ngày đại thắng.

        Tôi đã trở lại Lăng Cha cả, trở lại cầu Bông, trở về tận Phan Rang, địa danh của những trận tử chiến bằng xe tăng trên đường tiến đánh Sài Gòn. Nhưng trời đất bao la, mặc cho tôi bền bỉ theo đuổi, 301 vẫn mãi mãi xa khuất khỏi tầm mắt của tôi.

        Và như thê là đã hai chục năm trời rồi theo đuổi vô vọng cho tới buổi chiều hôm ấy. Chẳng phải sự tình cờ, mà là một sự run rủi tuyệt vời của định mệnh đã khiẽn tôi bước vào vườn cây lêkima bên bờ biển Khánh Hòa. Cuộc đời có hậu đã cho tôi, một số phận lẻ một, khi đã luống tuổi, lúc đã xế tà vẫn còn ruổi kịp đà tiến công vũ bão của thời thanh xuân để gặp lại được số phận chung bốn anh em.

        Chiều hôm ấy, trước bức ảnh xe tăng 301, người thiếu nữ năm xưa, vụt sông lại với buổi bình minh của đời mình, đã không cầm được nước mắt. Và tôi cũng vậy, sau hai chục năm trời, lệ chiến tranh lại tràn mi.

B. N       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2020, 08:24:20 pm »


ĐƯỜNG VÀO BUÔN MA THUỘT

Lê Hải Thiếu       

        Đầu tháng 2 năm 1975, tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 được lệnh bí mật rời khỏi hậu cứ của đơn vị ở Kon Tum, hành quân bằng xe ô tô theo đường mòn Hồ Chí Minh xuôi về phía Nam. Đoàn xe của tiểu đoàn 4 hòa vào dòng xe lớn, phủ kín bạt, tươi lá ngụy trang cuồn cuộn chạy về hướng chiến dịch.

        Ngồi trên xe, các chiến sĩ ta như thấy cả Tây Nguyên đang chuyển mình. Ai nấy đều xúc động mỗi khi xe chạy qua những cánh rừng quen thuộc - chiến trường xưa: Ngọc Tô Ba, Sa Thầy, Đức Vinh, Ia Đrăng... những địa danh gợi bao kỷ niệm với chiến công hào hùng đã đi vào lịch sử.

        Tạm biệt những người dân Kon Turn, tạm xa những nương sắn, nương ngô, xa những căn nhà xinh xắn do chính bàn tay mình làm ra trong lòng mỗi người không khỏi bồi hồi nhố lại những tháng ngày gian khổ cùng đồng bào ăn sắn, ăn măng trụ bám chiến trường. Nhớ bao đồng đội vĩnh viễn nằm lại trong những cánh rừng, ven suối vì sự nghiệp giải phóng Tây Nguyên, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

        Cùng với những đoàn xe ngày đêm hối hả ra mặt trận là các chiến sĩ công binh, anh chị em thanh niên xung phong tấp nập đào đất, chặt cây, mở đường thông tuyến cho xe qua. Từ các cụm kho chiến dịch, hàng trăm xe vận tải chở hàng theo những con đường quân sự làm gấp đi vê các hướng tiến công của các sư đoàn, trung đoàn. Lúc đầu xe ô tô chỉ chạy ban đêm, sau chạy lấn sáng lấn chiều, rồi chạy cả ngày lẫn đêm. Các chiến sĩ lái xe thiếu ngủ, căng thắng, nhưng vẫn vững tay lái vượt qua những đoạn đường đèo hiểm trở. Ở các tuyến sâu, các chiến sĩ vận tải tiểu liên AK khoác trước ngực, quần đùi, áo cộc hăm hở gùi, thồ đạn, gạo ra tận trận địa cho các đơn vị...

        Ngày 12 tháng 2 năm 1975, tiểu đoàn 4 cùng Trung đoàn 24 đã vào vị trí tập kết bên dòng sông Đắc Đam an toàn.

        Thực hiện kế hoạch tấn công Buôn Ma Thuật của Bộ chỉ huy chiến dịch là bỏ qua tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch đánh thẳng vào thị xã. Tiểu đoàn 4 đảm nhiệm mũi tiến công ở phía tây là mũi thọc sâu bằng binh chủng hợp thành đánh chiếm sư đoàn bộ sư đoàn 23 ngụy. Đây là một vinh dự lớn nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó khăn. Mục tiêu nằm sâu trong khu vực trung tâm phía nam thị xã Buôn Ma Thuật, có diện tích khoảng hai kilômét vuông, với nhiều phân khu, có nhà cửa, lô cốt, tháp canh dày đặc, phức tạp; có hệ thống công sự, vật cản kiên cố nhiều tầng. Tại đây địch có hơn một nghìn tên, trang bị các loại vũ khí hiện đại, lại có xe tăng, xe bọc thép bố trí sẵn. Do những điều kiện khách quan về địch địa hình, khả năng trinh sát nắm địch của ta có hạn nên trong quá trình chiến đấu là quá trình nắm địch, bổ sung phương án và tổ chức thực hành đánh địch.

        Tiểu đoàn 4 do tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh chỉ huy. Để tiến công bằng sức mạnh đột kích, cơ động, thọc sâu, tiểu đoàn được tăng cường hai đại đội xe tăng, thiết giáp gồm 16 chiếc T54 và K63 thuốc tiểu đoàn 3 Trung đoàn xe tăng 273, một tiểu đoàn phòng không 371y, hai khẩu ĐKZ 75 ly, hai khẩu 12,7 ly và một trung đội công binh, một trung đội trinh sát.

        Vào lúc 1 giờ 55 phút ngày 10 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 198 đặc công bất ngờ nổ súng vào kho Mai Hắc Đế, sân bay lên thẳng Ngã Sáu và sân bay Hòa Bình. Cùng lúc, các loại pháo chiến dịch của ta bắt đầu bắn phá vào sư đoàn bộ sư đoàn 23 ngụy và nhiều mục tiêu khác trong thị xã. Đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn 23 ngụy từ nhà riêng vội vã đến trung tâm chỉ huy rồi rúc vào hầm ngầm. Vũ Thế Quang gào trong máy bộ đàm ra lệnh cho Nguyễn Trọng Luật:

        - Anh cho quân chốt chặn các ngả đường vào thị xã, và cho một đại đội bộ binh cùng bốn xe bọc thép Ml13 ra chốt ở Ngã Sáu ngay!

        Ra lệnh xong cho Luật, Vũ Thế Quang gọi máy bay đến oanh tạc ngăn chặn đối phương. Quang còn điện xin Lê Trung Tường, tư lệnh sư đoàn 23 ngụy cho quân tiếp viện.

        Nguyễn Trong Luật, lập tức ra lệnh cho quân địa phương, ra các ngả đường dẫn vào thị xã. Nhưng cũng chẳng được là bao! Trừ bốn xe Ml13 là có mặt ở Ngã Sáu.

        Trong khi đó, Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2, tư lệnh quân khu 2 ngụy vẫn nhắc Vũ Thế Quang cố giữ thị xã trong vài ngày, vì cho rằng Cộng sản không đủ sức kéo dài cuộc chiến đấu mà chỉ đánh như hồi Tết Mậu Thân năm 1968.

        Trên hướng Tây, tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh bí mật cho các phân đội vào chiếm lĩnh trận địa. Theo các lộ tiêu chỉ đường, xe tăng, xe bọc thép chở quân của ta băng qua các lô chè, cà phê, vượt qua các ổ đề kháng vòng ngoài của địch, nhằm hướng cửa mở lao tới.

        Ngay từ sáng sớm, đại đội 2 tiểu đoàn 4 do đại đội trưởng Lê Xuân Chuyển chỉ huy đã dùng mìn bộc phá mở cửa.

        Xe tăng ta tiến vào cứa mở, nhưng khói bụi mịt mù làm chiến sĩ lái không nhìn rõ đường. Trước tình hình đó, Lê Xuân Chuyển lệnh cho trung đội trưởng Nguyễn Đức Lập:

        - Khói bụi che lấp đường tiến của xe tăng, đồng chí cho người cầm cờ đứng hai bên cửa mở làm lộ tiêu cho xe tăng ta tiến vào.

        Bất chấp nguy hiểm Nguyễn Đức Lập và Kiêu Hải Âu cầm cờ đứng hai bên cửa mở hướng dẫn cho xe tăng ta vượt lên.

        Lúc này tiểu đoàn Trương Quang Oánh, lệnh cho đại đội 1:

        - Đồng chí Thứ, cho bộ đội lên xe K63, rồi nhích dần đội hình lên phía trước.

        Sự xuất hiện bất ngờ, một lực lượng mạnh có xe tăng, xe bọc thép ở ngay sát cơ quan đầu não của địch khiến chúng vô cùng hoảng sợ.

        Địch cho máy bay oanh tạc dữ dội vào đội hình quân ta. Đại đội trương đại đội bộ binh Hoàng Xuân Thứ và đại đội trưởng đại đội 9 xe tăng Đoàn Sinh Hưởng bình tĩnh chỉ huy bộ đội dùng súng 12 ly 7 trên xe tăng đánh trả máy bay địch và tiếp tục cho bộ đội tiến công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2020, 08:25:02 pm »


        Lực lượng thọc sâu của tiểu đoàn 4 thọc qua khu gia binh rồi phát triển tiến công sang khu tuyến trên. Do lầm tưởng đây là sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy nên hai chiến sĩ Chinh va Nghĩa lao lên cắm cờ. Địch bắn cả hai trúng đạn hy sinh. Tại khu vực cột cờ khu truyền tin cuộc chiên đấu giữa các chiến sĩ đại đội 1 Tiểu đoàn 4 và quân địch diễn ra giằng co quyết liệt. Trung đội trưởng Bùi Đức Chín và chín chiến sĩ lần lượt ngã xuống.

        Tiểu đoàn trương Trương Quang Oánh ra khỏi xe bọc thép K63, chỉ huy bộ đội chiến đấu. Anh xông xáo lên trước đội hình tiểu đoàn chỉ thị mục tiêu cho súng cối 60 của ta bắn. Rồi anh ra lệnh cho đại đội 3 là lực lượng dự bị của tiểu đoàn bước vào chiến đấu. Trương Quang Oánh dẫn đầu đơn vị thọc sâu nhanh chóng đánh xuống phía nam vào khu vực vận tải và khu kỹ thuật. Tại đây, lực lượng thọc sâu của ta bị súng cối, súng M79 của địch bắn mạnh vào đội hình, vẫn không ngăn được bước tiến của quân ta. Một khẩu đại liên xuất hiện bất ngờ bắn xối xả về phía quân ta. Trương Quang Oánh trúng đạn ngã xuống, khi cuộc chiên đấu diễn ra vô cùng khẩn trương và ác liệt.

        Sau một đợt chiến đấu, đến 13 giờ 30 phút ngày 10 tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn làm chủ hoàn toàn khu gia binh, khu vận tải, khu truyền tin, nhưng tiểu đoàn 4 cũng bị tổn thất khá lớn: Sáu mươi cán bộ chiến sĩ thương vong, trong đó có tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Trung đoàn 24 ra lệnh cho tiểu đoàn 4 tạm dừng tiến công để củng cố và ổn định tổ chức.

        Trời tối dần, một lực lượng bộ binh có xe tăng địch yểm trợ từ tiểu khu Đắc Lắc mở đợt phản kích vào tiểu đoàn 4. Đại đội 1 nhanh chóng chia làm hai mũi cùng xe tăng đánh vào đội hình quân địch ở khu tiểu đoàn quân y và làm chủ khu vực này lúc 18 giờ.

        Trong đêm 10 tháng 3 năm 1975, bộ đội ta lợi dụng đèn dù và những đám cháy lớn, tranh thủ củng cố công sự và nhận thêm vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho cuộc tiến công ngày hôm sau. Ở phía sau chỉ huy, Trung đoàn 24, kịp thời điều động lực lượng tăng cường cho Tiểu đoàn 4 và tập trung lực lượng vận tải chuyển đạn bổ sung cho bộ binh và xe tăng ở mũi thọc sâu...

        Cũng trong ngày 10 tháng 3, trên các hướng tiến công của các đơn vị bạn vào thị xã Buôn Ma Thuật cũng diễn ra vô cùng ác liệt. Trung đoàn 95B, giành giật quyết liệt với địch và chiếm được Ngã Sáu, rồi phát triển vào tiểu khu Đắc Lắc. Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) phát triển dọc theo đường Phan Bội Châu. Ở phía nam, các chiến sĩ Trung đoàn 174 và 198 đặc công đánh địch ở khu kho Mai Hắc Đế, rồi tiến vào trong thị xã.

        Đối với tiểu đoàn 4 lúc này là tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy.

        5 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3 năm 1975, pháo chiến dịch của ta và hỏa lực của đơn vị dồn dập bắn vào sở chỉ huy địch, phá hỏng nhiều công sự, lô cốt, ụ súng. Đúng 6 giờ, Tiểu đoàn 4 được lệnh tiến công. Mỏ đầu, các chiến sĩ đại đội 2 liên tiếp đánh bốn giá mìn ĐH, tạo một cửa lớn xuyên qua bốn lớp rào kẽm gai thông từ khu quân y đến khu nhiên liệu. Một quả đạn ĐKZ của ta bắn trúng vào bồn xăng, lửa bùng lên che kín cửa mở. Đại đội trưởng Lê Xuân Chuyển hét lớn:

        - Đại đội vòng sang phía bắc đường!

        Khi đại đội 2, tiến lên phía bắc, gặp hàng rào. Lê Xuân Chuyển ra lệnh:

        - Đưa hai giá mìn ĐH lên đánh, mở cửa!

        Hai chiến sĩ đeo hai giá mìn ĐH lên đánh, hàng rào vẫn chưa hết. Một số chiến sĩ lao lên dùng bộc phá ống mở cửa. Thấy cửa mở chưa sạch, mặc cho địch bắn như vãi đạn, hai trung đội trưởng Lập và Nhung kéo rào thép gai cho xung kích luồn qua đánh vào bên trong.

        Đại đội 2 chia làm hai mũi đánh lướt qua các mục tiêu làm chủ khu vực liên đoàn 350. Phối hợp với đại đội 2, đại đội 1 cùng 3 xe tăng, thiết giáp đánh dọc theo trục đường chiến khu chiến tranh chính trị của địch. Đến đấy, anh em phát hiện ở phía bắc có biển đề "Bộ tham mưu", lập tức tiểu đoàn tập trung cả đại đội 1 và đại đội 2 va xe tăng, thiết giáp cùng đột pha. đánh chiếm Bộ tham mưu địch.

        Hỏa lực xe tăng và hỏa lực bộ binh ta bắn mãnh liệt vào các mục tiêu bên trong. Đại đội 1 đánh từ hướng nam lên, đại đội 2 từ hướng tây nam đánh lại. Hai chiếc Ml13 của địch liều mạng xông ra chặn trước cổng chính Bộ tham mưu, lập tức bị hai xe tăng của ta bắn cháy. Cuộc chiến đấu ở dây diễn ra quyết liệt, ta và địch giành giật nhau từng ụ súng, lô cốt, căn nhà. Bộ đội ta dùng lựu dạn, AK đánh gần, diệt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Lợi dụng lúc địch sơ hở đang tập trung chống đỡ mũi tiến công của đại đội 1 và đại đội 2, đại đội trưởng xe tăng Đoàn Sinh Hưởng dẫn đầu mở hướng tiến công về phía tây, đánh tràn qua cổng chính. Sau khi bắn sập một góc cổng chính, xe tăng ta húc đổ cổng sắt rồi dẫn dắt bộ binh đột phá vào trung tâm chỉ huy sư đoàn bộ sư đoàn 23 ngụy.

        Cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 4 đến lúc này tuy phát triển thuận lợi nhưng cũng vô cùng quyết liệt. Tổ cắm cờ của Tiểu đoàn 4 đã bốn lần chuyền nhau lá cờ. Người trước ngã xuống, người sau lại cầm cờ tiến lên. Cuối cùng, lá cờ quyết chiến quyết thắng thấm máu chiến sĩ Tiểu đoàn 4 được Nguyễn Văn Thắng, Phạm Văn Vỵ, Đoàn Duy Tộ thuộc đại đội 1 cắm lên nóc nhà sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy. Lúc đó là 10 giờ ngày 11 tháng 3 năm 1975.

        Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thọc sâu, tiêu diệt và làm chủ sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột, góp phần xúng đáng vào chiến công chung trong trận then chốt mở màn chiến dịch Tây Nguyên đại thắng.

L. H. T.       

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM