Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:11:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Buôn Ma Thuột  (Đọc 7301 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2020, 06:07:31 am »


       
CHUYỆN KỂ VỀ MỘT NGƯỜI MẸ

Đào Minh Vân       

        Tôi và bà không có họ hàng máu mủ, nhưng khi bà khuất núi, trên bàn thờ của gia đình tôi, cùng ảnh của cha mẹ ruột tôi, có bức ảnh của bà.

        Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945, cha tôi là Hoàng Minh Đạo1 lúc đó là Trưởng phòng tình báo của Quân ủy hội (Bộ Tổng tham mưu ngày nay) nhận bà Nguyễn Thị Kíu, nhà ở 36 Lò Sũ làm chị, và ông Nguyễn Công Cầu là em bà Kíu làm anh. Bà Kíu và ông Cầu là chủ hai tiệm bánh kẹo Tùng Hiên, phố Hàng Đường (số 71, 79) rất nổi tiếng. Do tình cảm chị em kết nghĩa gia đình bà Kíu trở thành cơ sở đi lại, giúp đỡ tài chính, địa điểm liên lạc và gặp gỡ của cha tôi. Đầu năm 1948, mẹ tôi là Hoàng Minh Phụng, nhân viên phòng tình báo chết tại chiến khu Việt Bắc ở Đại Từ, Thái Nguyên lúc tôi mới hơn một tuổi.

        Cha tôi lại được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử biệt phái vào Nam Bộ củng cố ngành tình báo. Khi lên đường, cha tôi xét thấy tôi còn quá nhỏ đế lại chiến khu Đại Từ không tiện cho cơ quan, do đó, yêu cầu cô Nam (Nhân) là nhân viên phòng tình báo mang tôi về Hà Nội giao cho bà nuôi hộ. Sáu tháng sau, từ chiến khu Đại Từ theo đường giao liên, tôi về ở nhà bà vào khoảng giữa năm 1948. Từ đó tôi trở thành "con bà chủ". Tôi gọi bà là "mẹ Kíu" cùng sống với tôi còn có bốn đứa trẻ khác nữa: có Dũng con chú Hiệp (tình báo), Trang, Hùng (cha mẹ đều ở tình báo tên là Thìn (Hiền), Quảng (Minh Vân), Hải (con chú Lâm công an). Bà yêu thương năm đứa trẻ chúng tôi như con và chúng tôi cũng coi bà như mẹ đẻ của mình. Với ký ức tuổi thơ, tôi thấy nhà bà có nhiều người đến và đi, có khi ở lại một thời gian, sau này tôi mới biết có cả bác cả (tức ông Nguyễn Lương Bằng).

        Do một số điều kiện của lịch sử, tôi cũng bị nhiều người bắt qua, bắt lại song bà đều đi đến đòi tôi, mang tôi về chăm sóc theo tâm nguyện của cha tôi. Bà cho chúng tôi tình thương, cho ăn cho học, còn tôi thì học được ở bà nhiều điều cho tôi sau này như: tính chịu đựng, tự lực và không khuất phục, tôi học được ở bà một phần nào đó tính cách điều hành công việc kinh doanh. Trước năm 1954, thi thoảng bà đọc cho tôi nghe một đoạn thư của cha tôi (lá thư bằng giấy mỏng có khi màu hồng, trắng, xanh) mỗi lần đọc xong bà đều giấu đi và dặn tôi có ai hỏi con nhớ nói "cha lái xe taxi ở Sài Gòn". Suốt tuổi thơ, tôi chỉ khoe với các bạn hàng xóm cha lái xe taxi. Sau năm 1954, Hà Nội giải phóng, tôi và bà chờ cha tôi trở về nhưng không thấy. Bà lại đọc thư của cha tôi cho tôi nghe và lại dặn đi dặn lại, ai có hỏi con nhớ nói "cha con đi học Liên Xô", lúc này trong nhà có rất nhiều người đến và đi, tất cả đều là bộ đội. Má hai của tôi tên Hường tập kết ra Bắc, ở Tổng cục Chính trị, dẫn theo em trai tên Ngọc, theo thư cha tôi, tìm tôi, và tìm bà - chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi bao chuyện hàn huyên.

        Đến năm 1959, má Hường tôi lại cũng "đi học ở Liên Xô" về tiếp tục vào Nam hoạt động. Cuối năm 1964 bị địch bắt đầy ở Côn Đảo, cho đến năm 1973 được trao trả tù ở Bù Đốp, Lộc Ninh. Chú Hiệp, bố của Dũng trở về và đón Dũng về đơn vị. Ba của Hải, chú Lâm từ Côn Đảo về bà lại lo chữa bệnh và chỗ ở. Mẹ của Trang, Hùng tức cô Thìn (Hiền) từ nhà tù về bị bệnh điên, bà lo chữa chạy. Còn chú Vân (tác giả 3.000 câu thơ viết trong ngục Chín Hầm), một thời gian sau năm 1955, cũng lại lên đường "đi học Liên Xô" cho đến khi ra khỏi tù ngục Chín Hầm ở Huế.

        Chú ruột tôi tên Sơn, cô tôi tên Oanh (Hà) đều ở cơ quan tình báo, sau giải phóng 1954, cũng về nhà bà để hỏi tin cha tôi và tìm nhận cháu là tôi. Trong cầu chuyện tôi toàn nghe họ nói chuyện về cha cái Vân ở xa lắm. Liền sau đó, là cải tạo tư sản. Bà và cả bác Cầu bị quy là tư sản và bị tịch thu toàn bộ nhà xưởng, cửa hàng, nhà ở bị thu hẹp. Cuộc sống lúc đó rất khó khăn, bác Cầu bị đứt mạch máu não chết, có thế nói cuộc sống của bà đã thay đổi hẳn. Tôi nhớ lại, bà bị thất vọng, chán chường và khủng hoảng, căng thẳng, nhưng vẫn dặn tôi "nhớ nói cha con đi học Liên Xô". Thường những đêm đọc xong thư của cha tôi, bà ôm tôi vào lòng, thủ thỉ "chỉ khổ cho cha con nếu biết tin của mẹ là xót cho bà chị lắm..." hoặc "mẹ ao ước ngày gặp lại, ngày thông nhất đất nước để được minh oan..." rồi bà khóc một mình.

-------------------
        1. Đồng chí Hoàng Minh Đạo nguyên Trưởng phòng tình báo Quân ủy hội (1945), Trưởng ban quân báo Bộ tư lệnh Nam Bộ (1948-1955), Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (1955-1969). Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2020, 06:08:19 am »


        Khoảng cuối năm 1963, dì Hai Hạnh của tôi có chuyển cho bà một lá thư của cha tôi trong đó có một đoạn tôi còn nhớ "... Em vẫn mần ăn khá, sức khỏe không tốt lắm, gan to, lách to, song vẫn theo kịp công chuyện chung. Chuyện riêng thì vợ em Hường bị nạn lớn chưa tìm ra địa điểm ở đâu, cháu Thu đã lâu lắm em không có biết tin, cháu Hồng đang ở với người quen tại Nam Vang... Em cảm ơn chị rất nhiều về chuyện cháu Vân. Chuyện của chị, em được nghe rồi...". Tôi thấy bà đọc đi, đọc lại mãi lá thư đó tôi đứng trước bàn thờ lầm rầm "rõ khổ Đạo ơi! Cha một nơi, bốn con ở bốn nơi, vợ một nơi... Sao lại không gửi hai cháu Hồng, Thu ra cho ở với chị...".

        Vào cuối năm 1964, má Hường tôi bị đày đi tù Côn Đảo, khi hay tin bà ngồi lặng yên, chỉ uống nước trà liên tục, sau đó nói với tôi có một câu "khổ cho cha mẹ con quá" rồi bà im lặng; từ đấy chiều nào bà cũng đứng trước bàn thờ Phật cúng lạy cho cha mẹ tôi. Những năm sau, tinh thần bà có sáng sủa hơn. Vì nhiều chú bác từ miền Nam ra miền Bắc chữa bệnh ở K5A, K5B đến thăm bà và đem theo thư của cha tôi, đặc biệt có một số người trước đây đã từng hoạt động tình báo ở Hà Nội như ông Mười Hương, ông Hùng Tàu... cũng đến thăm bà. Theo đường của tổ chức cha tôi thông qua ông Năm H và ông Bảy Dự (tức Nguyễn Võ Danh - nguyên Bí thư Thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), đặc biệt là ông Bảy An (ở khu ủy Sài Gòn - Gia Định) bà đã được làm thủ tục hạ thành phần từ "tư sản" xuống tiểu thương. Chỉ tiếc rằng ngày bà được hạ thành phần thì bác Bảy An lên đường vào lại chiến trường Nam Bộ và trên đường đi bị bom B52 đánh rồi hy sinh. Khi báo tin, tôi nhớ mãi bà chỉ nói "Đạo ơi! Chị cảm ơn em" và bà đi cúng cho ông Bảy An ở chùa. Giữa năm 1970, tôi được dì Bảy Huệ cho hay tin cha tôi bị hy sinh mất xác tại Tây Ninh trên đường từ Khu ủy về họp Trung ương Cục miền Nam, còn má Hường vẫn ở ngoài Côn Đảo. Sau đó tôi xuống báo tin cho bà, bà la tôi "ăn nói dại mồm, dại miệng", khi tôi nói là dì Bảy Huệ (bà Ngô Thị Huệ vợ đồng chí Nguyễn Văn Linh) báo tin thì mặt bà chuyển màu xanh lét, bà lặng đi và ôm tôi khóc rồi bà nói: "Không, mẹ không tin cha Đạo con chết". Kể cả cho đến sau giải phóng 1975, khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, gặp má Hường và các em tôi Ngọc, Thu, Hồng,... Bà vẫn cứ nói riêng với tôi, bà hy vọng cha tôi bị thương nặng nằm ở đâu đó, và thế nào cũng có ngày trở về. Bà không còn sống được đến ngày tổ chức dự lễ cải táng cha tôi sau ba mươi năm ông hy sinh. Bà không được chứng kiến giây phút em nuôi bà (tức cha tôi), được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh.

        Nhân ngày 25 tháng 10 (tức ngày tình báo) tôi cầm bút viết lên những dòng này để tưởng nhớ tới vong linh hương hồn bà - Người với tất cả của cải và tấm lòng nhân hậu, trung kiên, nhẫn nại của mình đã nuôi tôi và nuôi con những người tình báo để họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

M.V                                                           
Con gái Anh hùng Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo, Năm Thu, Năm Đời)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2020, 06:09:32 am »


       
ĐẢNG VIÊN CHƯA LÀM LỄ KẾT NẠP

Lê Sĩ Hành       

        Trường tuyên giáo Trung ương II thành lập từ năm 1962 trên cơ sở hợp nhất ba trường: Tuyên huấn, Nguyễn Ái Quốc II và Đại học Nhân dân. Đối tượng chủ yếu của Trường là cán bộ trung cấp đang giữ cương vị lãnh đạo hoặc tham gia công tác tư tưởng của các cấp ủy Đảng. Thế nhưng, theo tinh thần các nghị quyết 11 và 12 của Trung ương Đảng xác định: "Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc" thì công tác chính trị tư tưởng đòi hỏi phải tăng cường để giáo dục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận rõ nhiệm vụ lịch sử vô cùng vẻ vang đó, xây dựng ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng tin "Có thể đánh bị bất cứ loại chiến tranh nào của đế quốc Mỹ". Mặt khác, để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Ban bí thư, Ban tuyên giáo và Ban thống nhất Trung ương chỉ thị cho Trường tuyên giáo Trung ương mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên huấn và báo chí cho cán bộ đi vào Nam công tác. Trong số 160 anh chị em được gọi về học có những đồng chí đã là cán bộ trung - cao cấp của Đảng, có những văn nghệ sĩ đã nổi tiếng như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lớp trưởng), nghệ sĩ tuồng Tư Bửu, nghệ sĩ biên đạo múa Thái Ly, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, v.v... Nhưng số anh chị em vào để thành lập các đoàn văn công giải phóng hoặc vào thì những lý do đặc biệt như vợ nhà văn Anh Đức... thì phần lớn chỉ là đoàn viên. Riêng số do quân đội gửi sang thì hầu hết là hạ sĩ quan và chiến sĩ, quá nửa chưa phải đảng viên. Chẳng những thế chúng tôi lại còn hoàn toàn mù tịt về nghiệp vụ. Song, chúng tôi luôn lấy câu "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua" để động viên nhau.

        Lớp báo chí gồm 75 người chính thức tách ra để học nghiệp vụ từ ngày 3 tháng 9 năm 1965 và kết thúc cùng ngày 10 tháng 3 năm 1966 với lớp tuyên huấn. Trước đó hai lớp đã học chung phần các nghị quyết Trung ương, đường lối chống Mỹ, cứu nước, đường lối chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân, đường lối Mặt trận và đối ngoại của Đảng...

        Về học tập thì hoàn toàn giống nhau. Những buổi học chính trị hoặc nghe các đồng chí lãnh đạo của Đảng và một số bí thư tỉnh ủy, thành ủy từ miền Nam ra nói chuyện thì cả hai lớp học chung ở hội trường lớn. Nhiều vấn đề chúng tôi chỉ được nghe mà không được ghi chép. Song rõ ràng có sự ưu tiên châm chước, nới lỏng nguyên tắc bí mật nên chúng tôi mới được biết cả những điều còn giấu kín về tiểu sử của một số vị trong Mặt trận dân tộc giải phóng, đang được cân nhắc sắp xếp vào Chính phủ Cách mạng lâm thời, như luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các ông Huỳnh Tấn Phát, I-bít A-lê-ô...

        Có thể nói chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, vừa học vừa tập quân sự, rèn luyện đeo gạch hành quân, nhưng với khí thế "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" của cán bộ và nhân viên nhà trường, chúng tôi đã được trang bị một "lưng vốn" kha khá và rất quý, cả chính trị lẫn nghiệp vụ.

        Tư tưởng - chính trị được xác định là yếu tố cơ bản, là điều kiện tiên quyết của những người làm công tác tuyên huấn và nhà báo, nên chúng tôi được học khá kỹ về Đảng, về đường lối chống Mỹ, cứu nước của Đảng và các vấn đề về mặt trận, nông dân và chiến tranh nhân dân... Trước khi học bài "Vấn đề nông dân" do đồng chí Huyền Nghĩa và bài "Nông dân Việt Nam và công nông liên minh" do đồng chí Trần Quang Huy giảng ngày 19 tháng 7 năm 1965, chúng tôi đã được nghe đồng chí Lê Duẩn nói về đặc điểm của nông dân miền Nam. Tôi nhớ mãi lời dặn của đồng chí Lê Duẩn đại ý: Dù là nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ hay cán bộ gì cũng không được khách sáo và tự ái khi tiếp xúc với nông dân miền Nam. Đồng chí nói: Biết rõ tôi là Bí thư Trung ương Cục nhưng bà con vẫn xưng tao và gọi bằng mày... mày muốn ăn tao bảo má mày nấu cho ăn... mày nghỉ đi tao canh chừng (gác) cho!...

        Tuy không được phân công vào đoàn Nam Bộ, nhưng những lời khuyên nhủ đó vẫn có ích đối với chúng tôi. Nó làm cho tôi thấy gần gũi, thân thương và kính trọng khi tiếp xúc, nói hoặc viết về đồng bào. Cũng như, trước khi nghe đồng chí Nguyễn Văn Vịnh và đồng chí Đào Duy Tùng giảng nghị quyết 12, chúng tôi đã được nghe đồng chí Tố Hữu nói chuyện về cuộc họp Trung ương để ra nghị quyết đó. Sau mỗi bài học lại thường được nghe các báo cáo ngoại khoá phụ trợ cho bài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2020, 05:39:19 am »


        Cũng bởi với tinh thần: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt" mà lớp học của chúng tôi được coi như một đứa con cưng. Có một bài học không nằm trong chương trình kế hoạch đã chứng tỏ lớp chúng tôi được ưu tiên đặc biệt và chúng tôi - những đoàn viên thanh niên và quần chúng đã được coi là những "đảng viên chưa làm lễ kết nạp" như lời động viên khích lệ của một đồng chí giảng viên, đó là bài nói chuyện của đồng chí Nguyễn Đức Thuận. Lúc này, đồng chí Nguyễn Đức Thuận mới từ nhà tù của Mỹ - ngụy chiến thắng trở về, còn đang được nghỉ ngơi điều dưỡng. Chiến công của đồng chí khiến cho bất cứ cơ quan, lớp học nào cũng muốn được dù chỉ trong chốc lát, trông thấy dung nhan và nghe đồng chí nói một vài lời nhưng Trung ương "giữ rất kỹ". Riêng lớp báo chí thuộc ngoại lệ vì chúng tôi có một may mắn "độc nhất vô nhị", đó là chị Nhu - vợ đồng chí Thuận, đang học với chúng tôi. Nhiều lần tôi thấy bác Đỗ Xuân Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp, vận động chị Nhu về mời anh đến nói chuyện cho Trường. Và thế là, được sự đồng ý của Trung ương, ngày 22 tháng 12 năm 1965, đồng chí Nguyễn Đức Thuận đã đến nói chuyện cho hai lớp chúng tôi suốt hai ngày; sau đó Trường tổ chức cho anh em thảo luận và liên hệ trong khoảng một tuần về nhân sinh quan của người cộng sản.

        Có người cho rằng: chính trị là những bài học khô khan, đau đầu và mau chán, nhưng với chúng tôi lúc đó thì những bài chính trị là một món ăn bổ dưỡng, là bảo bối cầm tay, như chất rượu nồng đặc biệt say sưa và hấp dẫn. Chẳng hiểu các thầy và các đồng chí trong Phòng tổ chức nhà trường giới thiệu nhũng gì với các địa phương mà khi chúng tôi đi thực tế xuống cơ sở, dù là đoàn viên vẫn được mời dự họp với các đảng bộ hoặc cấp ủy ở địa phương. Đến đâu chúng tôi cũng được mời nói chuyện hoặc "cho ý kiến". Thực ra ngoài cái vốn chính trị - mà có những điều chỉ phổ biến cho từ Bí thư Tỉnh ủy trở lên - chúng tôi còn được cung cấp rất kịp thời những vấn đề thời sự trong và ngoài nước. Và, trước lúc đi đã được nhà trường "bật đèn xanh" cho phép nói một số điều báo chí không phổ biến, nên thường được nghe những câu trầm trồ thán phục: Nhà báo trên Trung ương, cái gì cũng biết (!). Tuy đó là câu nói quá nhưng cũng có một phần sự thật. Châm ngôn cổ có câu: "Người quân tử ba ngày không đọc sách, trông vào gương thấy mình xấu xí, nói ra những lời nhạt nhẽo chẳng ai muốn nghe". Trong những ngày đầu cả nước chiến tranh thì vấn đề thời sự được mọi người hết sức quan tâm. Có lúc, có người còn khát khao hơn cả cơm ăn, nước uống. Đôi với chúng tôi, có hai người thường xuyên nói chuyện thời sự, cung cấp được nhiều tin sốt dẻo, và để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, là đồng chí Hoàng Tuấn và đồng chí Nguyễn Minh Vỹ. Với đầu óc còn rất "ngây thơ về chính trị" của tôi lúc đó, tôi cứ cảm giác như Trung ương không giấu chúng tôi một điểu gì. Từ việc đấu trí của các đoàn ngoại giao ta ở các hội nghị quốc tế đến việc xử trí linh hoạt, tài tình của Bác Hồ trước các đoàn khách nước ngoài và các nhà báo nước ngoài đến xin gặp Bác. Từ tình hình vùng giải phóng của ta đến sự bố trí binh lực địch. Thực sự, nhà trường muốn cho chúng tôi "biết địch biết ta" để tuyên truyền khỏi trật, nên chúng tôi được cung cấp cả tên các tướng lĩnh chỉ huy, tổng số quân và tên các sư đoàn, trung đoàn đóng ở mỗi vùng chiến thuật.

        Thế là sự mặc cảm, tự ti mình là đoàn viên thanh niên được học ở trường Đảng của chúng tôi dần tan biến hết. Vì vậy, cái khái niệm "Đảng viên chưa làm lễ kết nạp" dần trở thành tiềm thức trong tôi và chúng tôi đều rèn luyện và phấn đấu hết mình. Đoàn quân đội chúng tôi được miễn tập quân sự và luyện tập hành quân. Kế hoạch của trường là ban ngày học tập và nghỉ ngơi, tối mới tập hành quân mang gạch. Nhưng chúng tôi, dưới sự cầm đầu của nhà báo Lê Ái Mỹ, hễ có thời gian rỗi là lại tự giác xếp thành hàng tập chạy, hoặc đeo gạch đi quanh trường. Lúc đầu, chúng tôi vừa chạy, vừa hô, vừa hò hát, cốt để mấy cô văn công chú ý. Đầu têu chuyện này là anh Lê Ái Mỹ. Anh là đảng viên, phóng viên báo Lao Động, đã được cấp thẻ Nhà báo. Anh hơn chúng tôi khoảng ba, bốn tuổi, có vợ là chị Đinh Thị Kim Thư, Việt kiều Thái Lan về nước. Chị Thư đã ba lần được gặp Bác Hồ. Sau nghe đâu chị làm giám đốc xí nghiệp làm hàng xuất khẩu nổi tiếng ở Hà Nội. Chị chết vì bị bệnh ung thư, khi anh và chúng tôi đang ở chiến trường. Anh thường tâm sự: Anh rất tiếc là chưa để lại cho chị được một đứa con. Sau tổng công kích tết Mậu Thân, anh có gửi thư cho chúng tôi, phàn nàn báo Khu 5 đang thiếu người. Nhưng sau đó, anh cũng bỏ làng báo mà đi, để trở thành liệt sĩ Đinh Thành Lê và để lại cho tôi lòng tiếc thương khôn xiết về một người anh, người bạn đồng nghiệp mẫu mực, hiền lành, đặc biệt là vui tính.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2020, 05:39:55 am »


        Bao giờ cũng vậy, Lê Ái Mỹ thường chạy hàng đầu. Chạy dăm vòng thấm mệt, anh lại dẫn chúng tôi đi bộ, vừa đi anh vừa đánh trông bằng mồm, có lúc hứng chí lại bụm tay lên miệng làm loa, hét theo điệu kèn đồng, cho chúng tôi hát bài "Hành quân xa" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, về sau bị phê bình là làm ồn ào dễ lộ bí mật, nên chúng tôi chỉ âm thầm mà chạy: lúc qua cửa phòng của nữ văn công thì cố mà giậm chân thật đều, thật mạnh, xem các cô có ngó ra không. Tôi đã từng có thòi gian được cử về tổ chức học văn hóa cho Đoàn văn công Quân khu 3, nhưng vẫn không tìm được cách tiếp cận những "hạt giống đỏ" của Đoàn văn công giải phóng. Chúng tôi đã "sắt thép", không ngờ các cô còn "sắt thép" hơn. Nói vậy chứ lúc này anh chị nào chỉ hơi "léng phéng" hay "ướt át" một tý là đi đứt ngay cái "thòi cơ ngàn năm có một", nên ai cũng sợ. Có lần vào giữa trưa, một anh trong Đoàn quân đội chúng tôi, giặt áo bên cạnh một nữ diễn viên, không ngờ sinh chuyện. Số là, nhà tắm lúc này hoàn toàn vắng vẻ, chỉ có hai người bỗng cái giọng thanh thanh, nho nhỏ của cô lọt đến tai anh, và cũng chỉ vừa đủ để anh nghe được:

        - Yên tâm vững bước mà đi, hỡi người em yêu!

        Thế là anh vứt luôn quần áo lại đó, chạy về khoe với chúng tôi:

        - Yêu rồi, nó yêu tao rồi! Thật đấy! Nó đang giặt ngoài đó, không tin chúng mày ra mà xem!

        Câu chuyện đến hồi kết thúc thì ra chỉ là cô đang ôn lại bài hát "Ba đảm đang" các cô vừa tập, vô tình làm anh bị một phen kiểm điểm ra trò!

        Việc hành quân đeo gạch chỉ được thực hiện vào ban đêm. Mặc dù nhà trường luôn luôn nhắc nhở: cả đoạn đường hành quận và tập nặng đều phải tăng từ từ, nhưng chỉ vài ba đêm, chúng tôi lại có kỷ lục mới. Trong hành quân mang nặng, cánh bộ đội chúng tôi, với tinh thần "nhận khó khăn về mình" thường tự nguyện đi sau. Hành quân mà đi sau là cực nhất. Đoàn càng đông, đường càng khó, người đi sau càng cực. Có khi người đi đầu đến địa điểm, ngủ được một giấc, người đi cuối mới đến nơi. Ở đây chúng tôi chỉ hành quân theo các bờ mương, bờ ruộng và độ dài chỉ khoảng sáu, bảy kilômét nên sự chênh lệch không đáng là bao. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đi sau, vì còn phải thu dung mấy chị. Giá cứ có sức khỏe như chị Tú - Thông tấn xã Việt Nam, chị Mai - cán bộ miền Nam thì chẳng phải lo. Đằng này chị Nhu, vóc dáng tiểu thư, tuy đã có con gần bằng tuổi chúng tôi nhưng trông chị chỉ nhỏ nhắn như một cô thiếu nữ. Chị vào diện được miễn hành quân mang gạch, nhưng chị cố thuyết phục chúng tôi - những chú em bộ đội thân yêu của chị, giúp đỡ chị hành quân. Những ngày đầu, chúng tôi kèm cho chị đi theo đoàn. Gặp những rãnh nước, chúng tôi kéo chị vượt qua; đoạn nào khó đi, chúng tôi đứng lại chờ chị. Vậy mà về đến nhà chị vẫn tỏ ra mệt mỏi gấp mấy chúng tôi. Tưởng một vài lần đau bại đôi chân, chị sẽ nhụt chí, không đòi theo nữa. Nào ngờ từ chỗ đi một đêm nghỉ một đêm, chị tiến đến đòi đi liên tục.

        Sự tiến bộ trong hành quân vác nặng thấy rất rõ qua tình hình khối gạch của nhà trường ngày một vơi đi và nhũng chiếc ba lô căng phồng thêm mãi. Thấy anh em đã mang tói gần hai mươi viên gạch, chị Nhu cũng đòi mang. Chúng tôi sắm cho chị một chiếc ba lô bộ đội miền Bắc - kiểu ba lô đơn giản, chỉ là một mảnh vải có những dải buộc xung quanh, không may thành túi như ba lô con cóc - rồi lấy giấy và lá chuôi khô gói vào buộc lại cho chị mang. Thấy mềm và nhẹ, chị phát hiện ra, nên không chịu. Chúng tôi đành xếp một lượt bốn viên gạch và hướng dẫn chị mang. Hôm đó chị đi rất khí thế. Nào ngờ khi về chị bị tróc da vai và lưng, làm chúng tôi ân hận mãi.

        Mỗi buổi hành quân mang gạch về đều được bồi dưỡng cháo gà. Tiêu chuẩn mỗi người một con, nhưng phần lớn ăn không hết. Cháo thì để cả nồi to giữa nhà, ai ăn bao nhiêu cứ tự do lại múc. Tuy ngày ăn ba bữa theo tiêu chuẩn đặc táo đi B, quá trình đồng hóa đã quá bão hòa, nhưng hành quân gần đến nửa đêm mới về, ngửi thấy mùi cháo gà thơm phức, nhìn nồi cháo nóng nghi ngút bốc hơi, đặc biệt là trước thái độ niềm nở, đon đả, cố động viên, nài ép, chào mời của các chị, các bác cấp dưỡng trường Tuyên giáo Trung ương thì không ai có thể chối từ. Không đói cũng phải ăn. Riêng số bộ đội chúng tôi thì tắm rửa vội vàng rồi chui vào màn giả ngủ hoặc rủ nhau đi trốn. Thường thì chúng tôi chỉ trốn được các anh, bởi vì bảo mãi chẳng ăn, các anh cũng phải về ăn để còn đi ngủ. Nhưng các chị, đặc biệt là chị Nhu và chị Minh, biết chúng tôi rất muốn ăn nhưng vì tiêu chuẩn quân đội không cấp cho ăn bằng tiêu chuẩn do Ban thống nhất Trung ương cấp, nên chúng tôi chỉ được ăn bình thường, khá hơn ở đơn vị một chút, không có tiêu chuẩn hành quân về bồi dưỡng cháo gà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2020, 05:40:15 am »


        Đằng nào thì thừa cũng đổ đi, tội gì các em chịu đói; mà các em ăn cũng là vì chiến trường. Cứ xem các chị như "hậu phương tiếp tế cho tiền tuyến", "Ưu tiên lực lượng vũ trang"... Chị cứ ngồi đây, bao giờ các em chịu đi ăn, chị mới về ăn phần của chị!

        Không chỉ những buổi đêm đi tập về, mà cả những bữa ăn chính thức, trước khi ăn, các chị bàn nhau chuyển phần lớn thức ăn ở mâm của các chị cho chúng tôi, và cuối bữa, các chị thường đi đến các mâm, thấy gì còn nhiều lại kêu gọi các anh "chi viện cho bộ đội".

        Rèn luyện hành quân mang nặng kể cũng vất vả, nhưng chưa khó khăn bằng việc học tập nhà báo Bớc Sét bỏ thuốc lá để vào chiến trường. Tấm gương nhà báo người Úc đó cổ vũ chúng tôi rất nhiều, đã không phải chỉ một lần, ông đến nài nỉ Bác, xin được vào miền Nam Việt Nam tham gia chiến đấu như một chiến sĩ quân giải phóng và viết báo. Bác bảo, chiến trường ác liệt, khó khăn, không cung cấp được thuốc lá cho ông hút. Thế là ông bỏ hút thuốc. Tôi cũng tập bỏ thuốc theo ông. Song vốn sinh ra ở vùng quê Thanh Hóa, từ nhỏ đã quen rít thuốc lào, nên thuốc lá mỗi ngày tôi đốt hết một bao Trường Sơn hoặc Bông Lúa. Vì vậy, tôi đã từng dùng nhiều cách như ngậm kẹo, hút toàn thuốc Thăng Long đắt tiền để không có tiền mua, buộc phải chừa. Nhưng không chừa được! Thế mới biết, nếu chưa thật sự có bản lĩnh thì không dễ dàng từ bỏ được một thói quen. Phải nói để bạn đọc rõ thêm là thời đó hàng hoá rất khan hiếm. Chỉ những dịp lễ tết mới được phân phối mua bao thuốc và gói kẹo. Nhưng căng tin dành cho chúng tôi thì có đủ mọi thứ: Kẹo Hải Châu, thuốc lá từ Tam Đảo, Điện Biên bao thường và bao bạc, đến cả thuốc lá Thăng Long là loại chỉ dành riêng cho cán bộ cao cấp và xuất khẩu. Đã có chuyện giải thưởng văn nghệ là một chiếc bút máy Trường Sơn, có người đi từ Quảng Bình ra Hà Nội để nhận cây bút Trường Sơn mang về. Nhưng chúng tôi thì bút máy Hồng Hà nam và nữ muốn mua bao nhiêu cũng được. Về rèn luyện và giữ gìn sức khoẻ, có câu chuyện vui là vị bác sĩ phụ trách sức khoẻ của Trường khuyên chúng tôi:

        - Trường có xe riêng dành cho các đồng chí, ai cần gì ra phố, bảo xe chở đi. Thời cơ ngàn năm có một, các đồng chí phải hết sức giữ gìn sức khỏe đi bộ ra phố, chẳng may giẫm phải vỏ chuối trượt ngã trẹo chân, thế là phải ở lại!...

        Sau này hành quân, chúng tôi cứ trêu nhau:

        - Khéo giẫm phải vỏ chuối.

        Việc tập hành quân mang nặng là sự trang bị rất cần thiết để đủ sức vượt Trường Sơn tới chiến trường. Nhưng vẫn có người xem nhẹ, vì chủ quan tin vào sức khỏe. Đến tiết mục tập bắn súng và xử trí các tình huống trong chiến đấu mới thật sự thu hút và hấp dẫn mọi người. Chúng tôi được mời làm trợ giáo. Đôi với các anh, các chú tập tiết mục nằm ngắm bắn, chúng tôi sẵn sàng nằm xuống bên cạnh để làm mẫu; thậm chí với những người tư thế nằm không thoải mái, góc ngắm không chuẩn, chúng tôi còn bê ngang bụng đặt lại vị trí cho phù hợp. Anh em rất thích. Nhưng với các cô thì chúng tôi tránh rất xa. Chẳng ngờ, lúc kiểm tra bắn đạn thật, các cô lại bắn giỏi hơn nam giới. Chị Tú, Thông tấn xã Việt Nam bắn đạt ưu tú, ba viên đều trúng vòng mười. Ngày đồng chí Tố Hữu đến thăm, hỏi kết quả học quân sự, Trường báo cáo và nêu gương chị Tú. Đồng chí Tố Hữu chỉ hờ hững khen và còn nói: Bắn giỏi là tốt, nhưng nếu bắn chưa giỏi, một phát nó không chết thì ta bắn tiếp nó cũng phải chết; cốt là ở tinh thần. Như tôi (Tố Hữu) chưa hể bắn phát súng nào, nhưng không phải là không chiến đấu.

        Chúng tôi cũng xác định được vũ khí chủ yếu của chúng tôi là cây bút, chiếc máy ảnh; của các đồng chí văn công là nghệ thuật múa, hát... nên khi chuyển qua phần nghiệp vụ việc học cũng rất say sưa. Đồng chí Hoàng Tuấn - Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - đến giảng trực tiếp môn tin tức. Trước khi giảng về lý thuyết, đồng chí đều dành khoảng 15 phút để thực hành bằng cách nhận xét, đánh giá, phát hiện sai sót, thử biên tập lại những bản tin vắn, tin tường thuật, tin tổng hợp, tin bình,... về thời sự trong nước và ngoài nước. Đó là cách dạy linh hoạt, nhẹ nhàng mà thấm sâu, kết hợp nhuần nhuyễn cả lý thuyết và thực hành nghe không hề biết chán.

        Nhưng đây là kết luận theo tâm thái mới vào nghề lúc bấy giờ của chúng tôi. Không hiểu các thầy dạy viết tin khác thế nào và sau này khi học lên chương trình đại học báo chí tôi vẫn học viết tin, mà cả nhận thức lẫn thực hành đương nhiên hơn hẳn lần học trước. Thế nhưng cái giỏi của thầy Hoàng Tuấn là đã chinh phục được chúng tôi, đưa nhận thức của chúng tôi vào đúng luồng, để các thầy nhào nặn thành nhà báo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2020, 05:40:40 am »


        Như đã nói, chúng tôi toàn là những giáo viên văn sử đã viết hoặc thích viết cho các báo. Tôi còn nhớ bài đầu tiên tôi gửi cho báo Tiền phong của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là lúc tôi được giữ chức bí thư chi đoàn và được đưa vào diện cảm tình của Đảng năm 1961. Bài báo có nhan đề: "Chiếc huy hiệu Đoàn" đại ý ca ngợi chiếc huy hiệu Đoàn; đem so sánh chiếc huy hiệu Đoàn trên ngực đoàn viên với ngôi sao trên mũ người chiến sĩ - đã làm cho con người trở nên chững chạc, luôn ý thức đến vai trò vị trí của mình - lúc này tôi cũng vừa nhập ngũ; phê phán tình trạng nhiều đoàn viên không thích đeo huy hiệu. Bài báo càng trở nên hấp dẫn khi tôi "phịa" ra chuyện cô bạn gái đánh mất chiếc huy hiệu Đoàn, lo lắng, khóc sướt mướt và tôi đã phải ra công chế tác suốt mấy ngày: nào từ kiếm mảnh nhôm, đi mua cái dũa, đến việc tìm sơn... làm ra chiếc huy hiệu Đoàn giả giống in như thật để tặng người bạn gái.

        Thật thích thú khi tôi nhận được bức thư trao đổi viết tay của chị Lê Thị Túy, thay mặt tòa soạn báo Tiền phong gửi về. Lá thư chỉ trong một trang giấy nhỏ, đại ý:

        "Chúng tôi đã nhận được bài "Chiếc huy hiệu Đoàn" của bạn và bài báo đã làm cho chúng tôi tranh luận mãi. Không hiểu đây là bài báo hay truyện ngắn vì không thấy bạn nói rõ chi đoàn các bạn thuộc xã, huyện, tỉnh nào; ý kiến của Ban chấp hành đối với việc này ra sao...".

        Chị Túy đặt ra một loạt câu hỏi và bảo tôi viết gấp thư trả lời cho chị để có thể kịp đăng vào số tới, nhưng tôi "phịa" ra thì làm sao trả lời chị được nên đánh bài lờ! Sau này tôi còn bị một trường hợp nữa như vậy (cũng có thư tòa soạn gửi về và cũng đánh bài lờ) là bài: "Hai trường hợp sử dụng súng ngắn cần phê phán" gửi cho báo Quân đội. Tôi cũng "phịa" ra chuyện một sĩ quan về phép đem súng ngắn ra khoe, cho bạn bè bắn thử - lãng phí đạn! Và một sĩ quan gói súng nhét vào ba lô lúc giở ra hoen rỉ - không bảo quản. Đây là những bài học sơ khai làm cho tôi nhớ mãi.

        Thực tình lúc đó tôi chưa phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa báo và văn và sính đọc cũng như sính viết những bài báo có tính văn học như tùy bút, bút ký, phóng sự hay mẩu chuyện,... Khi nghe đồng chí Hoàng Tuấn nói: "Tin là thể tài cơ bản, chủ yếu của báo chí" thì tôi hơi thất vọng. Bởi lẽ tin thường là những bài ngắn, rất ngắn, có khi chỉ là một mẩu như chiếc bao diêm in lên báo thì ra mùi mẽ gì. Hay đúng như chú em họ của tôi đã nói:

        - Họ chỉ đào tạo anh thành thông tin viên thôi; chứ phóng viên tức là nhà báo, mà nhà báo thì họ ta không có đất; anh xem cả huyện mình có được nhà báo nào đâu!

        Nhưng khi học vào nghệ thuật "năm vê đúp" và "sức mạnh của tin thông tấn" với dẫn chứng tin "Người thanh niên bất khuất Nguyễn Văn Trỗi đã bị kẻ thù sát hại" do Thông tấn xã Việt Nam phát ngày 15 tháng 10 năm 1964, và chín phút hiên ngang trước pháp trường của anh mà các hãng tin AFP, AP, UPI không thể bịt được khí phách anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi đã làm cho nhân dân cả nước sôi sục lòng căm thù, kẻ thù phải kiêng nể. Cuối cùng chính tôi đã rút ra kết luận: Tin không đơn giản. Chức năng chủ yếu của báo chí là thông tin và tin có tác dụng hướng dẫn dư luận kịp thời, đáp ứng đúng nhu cầu bạn đọc vì tôi đã bị những tin thường, tin vắn (chưa kể đến tin tổng hợp hay bình luận) của thầy hấp dẫn đến mê hồn. Sau này khi đi theo "Đoàn Quân sự bốn bên" ở Đức Cơ, Gia Lai để đưa tin trao trả tù binh khu vực Đức Nghiệp tôi lại càng nhớ ơn thầy Hoàng Tuấn vì Tổng xã luôn điện vào thúc tôi phải đưa tin nhanh hơn hoặc bằng các hãng thông tấn phương Tây. Theo mô tip "năm vê đúp" học được, tôi soạn sẵn một cái sườn và sau đó chỉ việc điền thêm những từ thiết yếu vào chỗ trống cho bộ phận minh ngữ của Thông tấn xã đi theo đánh ngay ra Hà Nội.

        Qua phần tin, chương trình nhà trường chuyển tiếp sang phần học viết phóng sự. Học xong phần lý luận chung về viết phóng sự, liên tiếp trong hai ngày 3 và 4 tháng 11 năm 1965, chúng tôi được nghe nhà báo Xuân Thu và Chính Yên nói về "Kinh nghiệm viết phóng sự". Tiếp đó, ngày 6 tháng 11 năm 1965 lại được nghe đồng chí Bùi Hạnh Cẩn - Hội nhà báo Việt Nam - nói chuyện về cuộc thi tin và phóng sự.

        Theo "kinh nghiệm viết phóng sự" của nhà báo Xuân Thu thì: Phóng sự là đường lối chính sách kết hợp với thực tế có sự nhận định chủ quan của tác giả; Phóng sự ghi lại diễn biến của sự việc, có giá trị lịch sử. Vì vậy không thể ngồi một chỗ nghĩ ra bài phóng sự!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2020, 05:41:03 am »


        Phóng viên viết phóng sự thường phải độc lập, đi xa, cơ động linh hoạt: nay viết cái này, mai viết cái khác; nay ở nơi này, mai ở nơi khác; như con dao pha, viết về lĩnh vực nào cũng được. Muốn vậy cần phải có đủ năm vấn đế cốt tử:

        1- Vốn chính trị.

        2- Vốn sống thực tế.

        3- Sự say mê, yêu nghề, có nhiệt tình cách mạng.

        4- Phải có tính ranh hóm, nhạy thính, tháo vát, mưu mẹo. Phần này được đồng chí giải thích: Có nhiều nơi rất khó vào (bí mật thời chiến - tg); phải bám lấy những cơ hội tốt, tranh thủ mọi điều kiện, tự tạo ra thời cơ, lăn xả vào để lấy tài liệu. Đồng chí còn phê phán: Phóng viên mà hiền lành, chậm chạp, ít mánh khoé thì làm phóng sự kém kết quả. Nhất là phóng sự điểu tra. Đây đúng vào nhược điểm của tôi.

        5- Phải quần chúng hoá.

        Năm bài học kinh nghiệm này vẫn còn đúng cho đến tận ngày nay và chắc sẽ còn đúng mãi!

        Quá trình làm một bài phóng sự được nhà báo Xuân Thu chia ra làm ba phần. Hai phần đầu đồng chí coi là phần: "tạo bột" để phần ba: "gột nên hồ".

        Đi đến đâu và viết cái gì, ý định đó phải có trước khi thâm nhập thực tế tìm đối tượng đế "moi" tài liệu: Thường thì phóng viên được Ban biên tập gợi ý, giao nhiệm vụ, nhưng những bài viết theo kế hoạch, có "đơn đặt hàng" trước như vậy ít khi hay, mà phải do phóng viên động não tự tìm ra hoặc tình cờ bắt gặp, phát hiện ra vấn đề mới dễ thành công lớn trong bài viết.

        Dẫu là vấn đề được giao hay tự mình lựa chọn thì trước khi tiếp xúc khai thác tài liệu phóng viên cũng đều phải tìm hiểu và tưởng tượng sâu rộng về đối tượng mình sẽ gặp. Đồng chí trích lời Bô-rít Pô-lê-vôi: "Chỉ khi nào người viết có thể tưởng tượng được trước đối tượng định viết thì khi gặp lấy tài liệu mới phong phú!".

        Khi thâm nhập cơ sở lấy tài liệu, đồng chí khuyên nên gây cảm tình với quần chúng, gây cảm xúc cho mình đã, chớ vội vừa đến đã "bập vào" lấy tài liệu ngay.

        Khi tiến hành khai thác tài liệu thì: nên chọn nơi tập trung đông người như kho, chợ... nên tìm những đối tượng biết nhiều chuyện như phụ nữ, cụ già...

        Trong khi lấy tài liệu phải chú ý khai thác các tình tiết. Bản thân sự việc đã có nhiều tình tiết hay. Đừng chỉ nhìn một mặt, mà phải nhìn vào nhiều khía cạnh; có những tình tiết rất hay, liên quan đến vấn đề mình định viết nếu biết lật đi lật lại để hỏi. Kinh nghiệm này được tôi coi như nguyên tắc khai thác tài liệu khi viết về những tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường.

        Đương nhiên tình tiết càng hay, càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng mạnh và bài báo càng được nhiều bạn đọc quan tâm. Nhà báo Xuân Thu phân tích khá kỹ mới liên quan giữa tài liệu và chất lượng bài, nhưng sâu sắc nhất đối với tôi là phần phân tích câu của Bô-rít Pô-lê-vôi: "Người viết chỉ khi nào đem tài năng của mình lăn lộn, đi sâu vào thực tế, chịu khó, chịu khổ mới có tác phẩm tốt", cần phân biệt giữa phóng sự với văn nghệ. Tựu trung sự khác nhau cơ bản là: "Phóng sự có địa chỉ trong cuộc sống". Đồng chí còn dặn: "Viết về ai thì nên tìm biếu họ một tờ, chớ dại nghĩ rằng: Viết những người ở xa báo không đến được, nên cứ việc tự do thêm thắt".

        Về tật này Bô-rít Pô-lê-vôi có kể cho các nhà báo trẻ một bài học mà ông vấp phải sau hai mươi lăm năm làm báo của ông là đã tự gán cho nhân vật hói không có một sợi tóc một tình tiết: "dù vội đến đâu, trước lúc đi làm, ông đều soi gương chải đầu tóc thật cẩn thận". Khi viết về tình tiết ấy ông đã không lường đến tình huống vì hói mà nhân vật chính trong bài viết thường đội mũ. Và tác giả chỉ nhận ra bài học đau xót của mình khi bác công nhân già - nhân vật chính ấy - cho biết: "Sau khi đọc xong bài báo, bọn công nhân trẻ cứ chạy bám theo tôi yêu cầu chải đầu cho chúng xem". Thực là một bài học cười ra nước mắt. Đó cung chính là bài học với tôi trên cả chặng đường làm báo sau này.

        Báo chí không phải là văn nghệ, song chính đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói:

        - Người làm văn nghệ không cần biết làm báo, nhưng người làm báo phải biết làm văn nghệ.

        Phải biết vận dụng ngôn ngữ, xây dựng hình tượng, diễn đạt thật hùng hồn, hấp dẫn. Phấn đấu dùng chữ giỏi như các nhà báo phương Tây. Họ viết: "Việt cộng đã đưa chiến tranh du kích đến tận giường nằm cố vấn Mỹ", "chiến tranh lạnh", "chiến tranh bẩn thỉu"... Đồng chí Phạm Văn Đồng nói:

        - Chỉ riêng chữ "chiến tranh bẩn thỉu" ta cũng đã phải cảm ơn các đồng chí Pháp rồi! Chúng ta còn dùng nhiều chữ mòn, sáo lắm!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2020, 05:41:39 am »


        Một trong những người viết phóng sự hồi đó là nhà báo Chính Yên. Ông kể cho chúng tôi kinh nghiệm và công sức viết bài: "Thử thách lớn cuốỉ năm" vừa được giải Hội nhà báo. Đây là đề tài ông đã quen từ trước, bản thân sự việc nổi, hấp dẫn mạnh, nên ngay từ khi có ý định, ông đã có lòng tin và quyết tâm viết thành công. Ông cũng nói một câu đúng như phần lý luận chúng tôi vừa học:

        - Phải tìm hiểu sâu rộng về đối tượng để tăng thêm lòng yêu mến đối tượng, đặng giữ vững và tăng thêm cảm xúc của mình.

        Ông nói:

        - Trước khi đi lấy tài liệu, bao giờ tôi cũng đọc những tài liệu viết để gõ ra những điểm cụ thể, đỡ phải hỏi từ A, B, c dễ lạc hướng và làm mất thì giờ.

        Õng nhấn mạnh:

        - Đọc trước như vậy là đã tự gợi ý cho mình những nét cụ thể để đi lấy tài liệu cho dễ dàng và tập trung. Trước khi lấy tài liệu đã đặt chủ đề. Chủ đề đó được tiếp tục suy nghĩ, chi tiết hóa dần dần và ngày càng sáng rõ trong quá trình lấy tài liệu.

        Về mới quan hệ giữa các nguồn tài liệu: ghi, nghe và quan sát được, ông nói:

        - Khi mới vào nghề thường chú trọng phần quan sát, lấy suy nghĩ chủ quan của mình thay thế cho khách quan - phần nhiều đều có ý nghĩ: Mình viết phóng sự rất hay - nhưng thực tế những "phát kiến" chủ quan của mình đều là những cái người ta đã nói từ lâu, đã biết cả rồi. về sau nhìn lại mới thấy sai lầm, lại chuyển sang khuynh hướng "lạnh lùng" quan sát, để sự việc tự nói lên.

        Ông khuyên:

        - Khi quan sát phải lồng luôn sự suy nghĩ của mình vào. Như vậy khi viết giữa khách quan và chủ quan mới hòa quện vào nhau, không khô khan mà cũng không sống sượng. Phải khổ công quan sát. Chợt nghĩ một ý gì hay phải tiếp tục quan sát xem nó diễn biến cụ thể như nào. Ngay khi quan sát đã hình thành ngôn ngữ; những chữ đắt nhất đều hình thành trong quan sát. Phải quan sát rộng để tìm ra cái hay, cái mới; nhưng kinh nghiệm cho hay: phải đọc nhiều, đọc rộng, khi quan sát mới tìm ra nét mới.

        Như một người anh hết sức chân thành, nhà báo Chính Yên trao cho chúng tôi "thuật hỏi" của ông:

        - Phải chuẩn bị những câu hỏi cụ thể và chuẩn bị kỹ cho người được hỏi để họ khỏi lo, khỏi ngượng, làm sao để có thể tạo được cho họ thái độ bình tĩnh, cùng nhập cuộc với mình trong câu chuyện, đối thoại một cách thoải mái, thân tình,... về phần mình cũng phải chuẩn bị tư tưởng: có khi người ta giấu thành tích, thậm chí có trường hợp họ khinh thường mình, vẫn phải bám lấy để hỏi. Gặp trường hợp có những người "lớn" hơn mình đến hỏi rồi mình vẫn hỏi lại, vì mình có cách viết riêng của mình.

        Khi hỏi thì câu hỏi cần phải đặt theo "sợi chỉ đỏ", nhưng khi người ta trả lời làm lộ ra những ý hay mới thì phải bám lấy nó hỏi cho đến cùng. Có những người nói nghe rất chán, nhưng vẫn có lúc bật ra một ý làm sáng tất cả vấn đề nên vẫn phải chú ý lắng nghe.

        Tóm lại, việc lấy tài liệu bao giờ cũng phải đạt đến cụ thể nhất và chính xác nhất.

        Điều thích thú và thiết thực bổ ích nhất đối với tôi qua bài: "Nói chuyện về cuộc thi tin và phóng sự" của nhà báo Bùi Hạnh Cẩn là phần so sánh giữa tin và phóng sự. Đồng chí nói:

        - Phải có phương hướng định sẵn trước khi viết: Tin ra tin, phóng sự ra phóng sự.

        Rồi đồng chí giải thích:

        - Sự kiện là trung tâm của tin; Nhân vật là trung tâm của phóng sự. Mỗi một việc nên viết một tin, một tin không nên ôm đồm nhiều việc - vì làm như thế nó loãng tin ra. Phóng sự có thể bao gồm nhiều việc trong nhiều thời gian khác nhau. Phóng sự có thể đưa "cái tôi" vào, nếu thấy cần thiết; còn tin tuyệt đối không được đưa vào. Cả phóng sự và tin đều phải có địa chỉ trong cuộc sống, có lý lịch rành mạch, thậm chí lý lịch có khi phải "kể đến ba đời". Dù tin hay phóng sự đều phải có tính điển hình, cũng như tìm đỉnh cao nhất để cắm lá cờ lên đó cho người bốn phương đều trông thấy, nếu không, cắm vào gò đất thấp cờ vẫn bay, nhưng ít người để ý đến. Dù một cái tin ngắn hay một phóng sự dài đều phải có tác dụng chỉ đạo về mặt tư tưởng thì mới có tác dụng.

        Về nghệ thuật phải làm sao cho độc giả phấn chấn, vui mừng với cái tốt; căm hờn, uất hận với cái xấu, cái tiêu cực, sục sôi hành động khi đọc vào bài của mình.

        Cuối cùng đồng chí còn căn dặn:

        - Phóng sự phải chú trọng đến nguyên nhân, quá trình... để cho người đọc noi theo, bắt chước làm như thế và làm hơn thế. Phải có trách nhiệm với bạn đọc, đừng đưa cho bạn đọc "ăn bát cơm thiu". Nhà báo phải góp phần làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng phong phú và trong sáng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2020, 05:34:23 am »


        Hai thể tài chủ yếu của báo chí là tin và phóng sự vừa xong, chúng tôi chuẩn bị đi thực tập. Ngày 15 tháng 11 năm 1965, đồng chí Bùi Hồng Việt tổng kết chuyến đi thực tế vào khu IV của cán bộ, nhân viên nhà trường và qua đó đề ra yêu cầu đi thực tập cho lớp báo chúng tôi. Đồng chí nêu ra ba mục đích cần đạt được qua chuyến đi thực tập:

        - Bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng, nắm đường lối chính sách của Đảng vững hơn.

        - Rèn luyện tính tổ chức kỷ luật, tinh thần hữu ái giai cấp, ý chí quyết chiến quyết thắng, không sợ gian khổ hy sinh.

        - Tìm hiểu về nghề báo và tập viết báo.

        Ngày đi là 22 tháng 11 và ngày tập trung về Trường là ngày 17 tháng 12 năm 1965.

        Để "thêm vốn" và "có quà" cho chuyên đi thực tập, về tình hình thời sự quốc tế, chúng tôi được nghe: "Kết quả của Đoàn đại biểu Đảng ta đi thăm Pháp và Ru-ma-ni", "Tình hình In-đô-nê-xi-a đang diễn ra căng thẳng", "Vấn đề Á Phi", về tình hình trong nước và nghiệp vụ, chúng tôi được nghe thời sự hai miền và âm mưu mới của Mỹ đối với miền Bắc. Ngày 17 tháng 11, nghe đồng chí Nguyên Phô phổ biến kinh nghiệm đi thực tế. Ngày 18, nghe báo cáo nông nghiệp. Ngày 19, nghe đại tá Hoàng Minh Thi, Cục trưởng Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, nói về chiến tranh nhân dân. Ngày 20, trung tá Trần Minh Bắc, Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, nói kinh nghiệm và yêu cầu viết về chiến đấu.

        Đoàn quân đội chúng tôi không đi theo các chi học tập, mà trở về báo Quân đội để đi đến các trận địa. Tôi ở trong nhóm đi xuống cầu Lai Vu, Hải Dương. Ngày 25 tháng 11, trung tá Trần Minh Bắc họp với chúng tôi, giới thiệu đại úy Dân Hồng và thượng úy Phan Hiền (Hoàng Hà) trực tiếp dẫn chúng tôi đi thực tập. Ngày 26, chúng tôi đến cầu Lai Vu, xã Lai Khê, Hải Dương. Ớ đây có chủ trương xây dựng xã chiến đấu Lai Khê như Nam Ngạn, Hàm Rồng, Thanh Hóa. Trước đó, ngày 5 tháng 11 và 17 tháng 11 đã diễn ra hai trận chiến đấu bảo vệ cầu.

        Trận ngày 5 tháng 11 ta thắng lớn: Bắn rơi tại chỗ một máy bay, bắt sống tên đại úy phi công Mỹ. Ngày 17 tháng 11, bọn chúng vào 36 chiếc, chia làm hai tốp, vừa đánh cầu vừa đánh vào trận địa phòng không. Đây là một chiến thuật mới của địch. Trước đó chúng chỉ tập trung đánh mục tiêu định sẵn là cầu. Lần này chúng còn dùng thủ đoạn bổ nhào hai ba chiếc cùng một lúc, đánh từ hai ba hướng để phân tán hỏa lực ta. Ngay loạt bom đầu tiên, nó đã đánh trúng cầu và trận địa của đại đội 19. Đại đội trưởng đại đội 19 bị bom vùi, tự ngoi lên, tiếp tục chỉ huy, chính trị viên bị thương. Tiếp đó, chúng lại đánh trúng trận địa đại đội 18, đại đội trưởng hy sinh, chính trị viên bị thương nặng và hỏng một khẩu pháo. Theo đánh giá của tiểu đoàn thì tuy bị đánh vào trận địa nhưng tinh thần anh em vẫn vững vàng, trong chiến đấu nổi lên nhiều tấm gương xuất sắc. Song, các đồng chí không ngớt lòi ca ngợi tinh thần hiệp đồng chiến đấu và lòng dũng cảm của nhân dân các xã quanh cầu Lai Vu. Nhân dân vừa là lực lượng bổ sung pháo thủ, vừa làm nhiệm vụ cứu thương, tải thương.

        Sáng ngày 27, chúng tôi nghe báo cáo của tiểu đoàn, chiều ngày 27, xuống hai đại đội 18 và 19 để tìm hiểu một số gương chiến đấu. Ngày bám ở trận địa, tối về ngủ trong làng. Đến ngày 3 tháng 12, chúng tôi tập trung về họp nhận nhiệm vụ viết bài. Tôi đã trực tiếp gặp và lấy được khá nhiều tài liệu về đồng chí Dương Văn Luông, một tấm gương hiệp đồng chiến đấu của địa phương được anh em bộ đội hết lời ca ngợi. Để hiểu rõ thêm, ngày 8 tháng 12, chúng tôi đến gặp đồng chí Tấn, xã đội trương xã Cộng Hòa, hỏi về tình hình chung của xã. Thì ra, trước ngày diễn ra trận đánh, xã đã phân công cụ thể cho 40 đồng chí làm nhiệm vụ phối hợp chiến đấu với trận địa pháo 37mm. Anh em đã thực hành diễn tập: hai mươi người sẵn sàng thay thế pháo thủ, hai mươi người làm nhiệm vụ cứu chữa và cáng, tải thương. Xã còn giao cho các hợp tốc xã nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội. Khi nghe bộ đội bắt đầu nổ súng, thì trong xã cũng tiến hành đi gom gạo từng nhà, tập trung nồi để nấu cơm. Riêng xã cũng có 10 người thường trực chiến đấu, khi tác chiên thì được bổ sung thêm thành 28 xạ thủ. Trận địa của các đồng chí đó là những chiếc hầm cá nhân dọc đường 5. Trận ngày 5 tháng 11, do địch dùng chiến thuật cường kích, bay thấp gần sát ngọn cây đê tránh ra-đa của ta, nên trận địa dân quân lại nổ súng trước bộ đội. Qua hai trận chiến đấu, lực lượng dân quân xã Cộng Hòa có 38 đồng chí được khen thưởng; xã được ủy ban hành chính tỉnh và tỉnh đội khen. Tại đây chúng tôi lại biết thêm nhiều điển hình chiến đấu. Đó là những thang thuốc thực tế có tác dụng bổ dưỡng cho tinh thần dũng cảm của chúng tôi. Ngày 9 tháng 12, chúng tôi dự lễ mít tinh nghe: "Báo cáo thành tích chiến đấu của huyện Kim Thành.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM