Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:44:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Buôn Ma Thuột  (Đọc 7304 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2020, 07:13:28 am »

 
        Khi mẹ tôi mười bảy tuổi, bà tôi lại có mang. Ông bà đưa nhau đi lễ cầu ở đền Bảo Lộc, nơi thờ Đức thánh Trần - Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Tại đây, ông bà tôi làm lễ gửi bán đứa con sắp ra đời cho Người. Mấy tháng sau, cậu Lượng tôi ra đời. Lượng là tên mãi về sau mới có. Theo tục lệ duy tâm, ông bà tôi mang cậu bỏ chợ và nói với cụ Hương Nhất là người bà con đón về. Ông bà tôi gửi đến một người vú nuôi để chăm sóc cậu. Phấp phỏng lo sợ cái thời khắc oan nghiệt "5 tháng" kia, ông tôi chưa dám đặt tên cho con. Mọi người gọi cậu tôi là Cậu, mẹ tôi và người vú gọi thêm tiếng Em thành Em Cậu. Con cháu đằng nhà cụ Hương ghép thêm tiếng Chú tiếng Anh thành Em cậu chú anh. Qua bảy tháng, mười tháng rồi một năm, cậu tôi lớn lên thông minh, khỏe mạnh. Ông tôi đã hơi yên tâm và cái sự thiêng, kiêng đã bớt đi. Những người bề trên đã bắt đầu gọi cậu bằng cái tên thân mật, âu yếm: "Thằng - em - cậu - chú - anh!" Sau đó, ông tôi nghĩ đến việc đặt tên khai sinh cho cậu và đón cậu về: Ông tôi họ Lê. Các ông em của ông và các con đều mang họ Lê Văn, Lê Minh. Nhưng với cậu tôi, ông lấy chữ Quốc làm tên đệm. Cậu tôi mang cái tên Lê Quốc Lượng từ đấy. Nhờ cái đốt cậu đứng được, ông bà tôi có thêm hai cậu nữa và cũng lấy chữ Quốc làm tên đệm để đặt tên, đó là cậu Lê Quốc Đôn và Lê Quốc Đản. Ông tôi thường nhắc các cậu: "Các con là hậu duệ của người, hãy nhớ lấy điều đó!".

        Thế rồi, các cậu tôi lớn lên qua các trang sử và chuyện kể về những người anh hùng của quê hương đất nước. Dù sau này, trong khó khăn chung của đất nước, thiếu thốn đủ điều, cả ba cậu đều học giỏi và đều tốt nghiệp đại học. Riêng cậu Lượng, ngày ấy huyện Xuân Trường chưa có trường cấp III, cậu phải trọ học ở trường Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định. Tôi không sao quên được hình ảnh cậu và người bạn thân cùng làng, cùng lớp là Phạm Ngọc Hải (sau này là thuyền trưởng tàu Viễn dương) đêm đêm ngồi dưới cột điện góc phố cửa Đông học bài vì thiếu tiền dầu đèn. Cũng vì ăn uống kham khổ sinh thiếu chất, cậu tôi bị phù liệt, có thời gian dài phải dùng gậy lết đi từng bước. Mẹ tôi phải xay cám gạo để cậu ăn trong thời gian dài học ở Nam Định.

        Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, cậu gửi cho bố tôi một lá thư nói: "Tổ chức đặt ra cho em hai khả năng: Ở lại giảng dạy ở Trường đại học Bách Khoa hoặc sang giảng dạy ở Trường Sĩ quan Kỹ thuật? Em nghĩ đất nước đang có chiến tranh, vào Trường Sĩ quan Kỹ thuật sẽ thiết thực hơn phải không anh?". - Ỏ trường này một thời gian, cậu lại viết thư cho bố tôi: "Trên muốn điều động em vào đơn vị chiến đấu. Em đã hỏi ý kiến bố. Bố bảo: "Tổ quốc cần đâu thì con ở đấy, đó là cái lẽ của một người con yêu gia đình, yêu Tổ quốc. Thế là em sẽ đi theo con đường của anh, anh Bộ đội Cụ Hồ!".

        Và đây, một lần nữa cậu Lượng của tôi lại làm theo "cái lẽ" ấy!

        "Dẫu hôm trước vừa chôn cất đồng đội hy sinh bởi tên lửa Xrai bắn trúng đĩa ra đa, ngay hôm sau, hàng chục chiến sĩ đã đồng loạt tranh suất trắc thủ lên ngồi ngay ở đỉnh chóp ra đa để thực nghiệm đề tài "Điều khiển tên lửa bằng thiết bị quan sát quang học". Thiếu úy, kỹ sư Lê Quốc Lượng tốt nghiệp đại học Bách Khoa khóa 4, trợ lý kỹ thuật Trung đoàn 238 đã anh dũng hy sinh lúc thực hiện đề tài: tăng độ ổn định thiết bị điều khiển trong điều kiện tác chiến cơ động bằng kỹ thuật chuyển mạch... Chính nhờ những hy sinh như thế, những cải tiến kỹ thuật, đã đưa đến bước ngoặt... chấm dứt thời hội chứng "Tên lửa thối", đưa bộ đội tên lửa đến ngày thắng lợi hoàn toàn..." (Phóng sự điều tra "Ai đã cải tiến SAM 2 ở Việt Nam" của Ngọc Báu).

        Vâng, để đến thắng lợi hoàn toàn, bộ đội tên lửa đã thực hiện "Những giải pháp phải trả bằng máu và sinh mạng hàng trăm người lính và cán bộ khoa học kỹ thuật của quân chủng..." (Tri thức trẻ số 42). Và có phải không, cả cậu Nhật Tân, cậu Trị cũng ở trong số đó.

        Chúng tôi đang đi giữa những hàng mộ trắng. Ngôi mộ nào cũng có tấm bia đá khắc nổi hình bông sen hồng. Có nhiều tấm bia đề cùng ngày hy sinh của cậu tôi: Ngày 6 tháng 7 năm 1967, hoặc cùng tháng cùng năm ác liệt đó. Có phải họ là những đồng đội cùng đơn vị của cậu tôi? Nhưng có một điều chắc chắn: Tất cả đều là đồng đội của cậu!

        Ai đó đi bên tôi thì thầm: "Anh hùng Ngô Mây cũng nằm ở đây! Ở đây còn có cả hai ông Trung tướng!".

        Trước khi vào đây, hai anh trưởng, phó đoàn Tĩnh và Tể bảo tôi: "Mua nhiều hương vào để đoàn cùng thắp hương cho các liệt sĩ!". Dù mua đã nhiều mà chúng tôi vẫn không đủ thắp cho mỗi ngôi mộ một nén. Chỉ ở khu liệt sĩ quê Nam Định của tôi và khu Hải Phòng quê thứ hai của tôi thôi cũng đã không đủ.

        Mẹ tôi cứ sợ để cậu ở nơi xa xôi này sẽ "hương lạnh khói tàn". Nhưng không, bát hương trên mộ cậu tôi đầy ắp chân nhang từ trước đó.

        Cậu Đôn tôi đã cùng cả đoàn công tác xây dựng đường điện 500KV vào đây thắp hương cho cậu và các liệt sĩ. Khi đi đá giải, em Thiết tôi đã cùng cả đội bóng đá Quân khu 3 vào đây viếng. Thiết còn lấy một nắm đất và ít chân nhang về lập bát hương để mẹ tôi thờ cậu. Giờ đây, các đồng nghiệp của tôi lại đang nghiêng mình trước cậu. Anh Tú lái xe bảo tôi: "Chị yên tâm, mấy hôm nữa đưa đoàn của đài đi dự liên hoan truyền hình toàn quôc tại Huế tôi sẽ lại vào thắp hương cho cậu!".

        Thế đấy, dù xa cách về địa lý, nhưng tôi vẫn thấy cậu tôi gần gũi với mọi người biết nhường nào.

        Thôi, hãy để cậu nằm lại đây, đâu cũng là quê hương. Tôi sẽ nói với mẹ tôi như thế, kể cho mẹ tôi nghe tất cả để bà yên lòng.

        Sau phút giây xúc động không cầm được nước mắt, tôi đã thấy bình tâm trở lại. Tôi nghe văng vẳng đâu đây một bài hát: "Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi. Mây ngàn hoa bóng cây che...".

        Ông bà tôi sinh thành cậu. Đất nước quê hương cho cậu hồn sống. Nay cậu lại trỏ về với khí thiêng sông núi. Tôi linh cảm thấy đâu đây, trong mỗi ngọn cỏ nhành cây đều có bóng dáng cậu. Bất giác, tôi ngước nhìn bầu tròi bao la và tưởng tượng cậu tôi đang vãn du trên ấy. Và, thấy mây tụ, mây tan!

T. T. H.                       
Hải Phòng tháng 1 năm 1999       
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2020, 06:10:56 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:12:02 am »


       
ĐI BƯỚC NỮA

Hoàng Hải       

        Lâu lắm rồi, tôi lại mới nhận được thư của cô Vy -  Bùi Ngân Vy. Lá thư ngắn ngủi: "Kính mòi anh chị đến dự bữa cơm liên hoan gia đình nhân ngày chúng em về ở với nhau. Thế nào anh cũng phải đến, anh đại diện cho nhà gái mà. Chúng em mong. Địa điểm tại... ngày...".

        Xem xong thư tôi bất ngờ thực sự vì đã mười tám năm qua, biết bao lần gia đình, bạn bè, đồng đội thân thiết khuyên cô ấy "đi bước nữa", cô ấy nhất định cự tuyệt, thế mà bây giờ...?

        Năm 1969 thượng sĩ Nghiêm Xuân Ngọ thuộc đơn vị đường dây 559 vừa bị thương vừa bị sốt rét, được đưa ra "Bắc" điều trị tại một quân y viện tiền phương ở Nam Khu 4 cũ. Vết thương nhiễm trùng gần khỏi thì cơn sốt ác tính, hiểm nghèo lại xuất hiện, tưởng anh không qua khỏi. Cô y tá trẻ "phụ trách" hầm thương binh nhận ra Ngọ là người bạn đồng hương Hà Tây của mình. Nhiều đêm thức trắng chăm sóc thuốc thang cho Ngọ đến khi vết thương lành khỏi thì cũng là lúc tình yêu giữa hai người gắn bó sâu nặng với nhau.

        Năm 1970 tôi đại diện cho đơn vị về phía nhà trai, về địa phương tổ chức lễ thành hôn cho hai người: Vy và Ngọ. Năm 1971 đứa con gái đầu lòng của họ chào đời, cháu "thừa hưởng" đôi mắt tinh anh của bố và nhan sắc "văn công" của mẹ. Năm 1972 Nghiêm Xuân Ngọ hy sinh trong chiến dịch tiến công trên mặt trận Tây Nguyên tại Đắc Tô - Tân Cảnh.

        Lúc đầu là nỗi đau choáng váng, hẫng hụt, nhưng rồi tiếp theo hậu quả sự hy sinh của chồng là nỗi đau khủng khiếp về mọi mặt đối với người thiếu phụ trẻ, người chiến sĩ, người mẹ người con dâu trong một gia đình dòng họ.

        Cũng may tổ chức thấu hiểu hoàn cảnh của Vy, đã cho chị chuyển công tác về một quân y viện trong tỉnh nhà..

        Hình như cũng "linh cảm" bố chết hay sao mà con bé chưa đầy một năm tuổi cứ khóc suốt đêm này qua đêm khác. Cũng có khi nó khóc vì vú mẹ cạn sữa, vì sức mẹ đã khô kiệt bởi khóc chồng thương con và làm việc quá sức. Nhiều đêm thức trắng một mình, một bóng cô đơn, chiếc khăn tang trên đầu, không cầm lòng nhìn con khóc, mẹ òa khóc theo.

        Bên trong buồng, người mẹ chồng nằm ốm liệt giường từ khi biết tin con bà hy sinh. Âm thầm nuốt đau sau những ngày nghỉ làm lễ truy điệu cho chồng, Vy gắng gượng đi làm. Hàng ngày gửi con rồi đi làm ở bệnh viện, không kể thời gian giờ giấc, liên tục, căng thẳng với công việc vất vả, nặng nhọc của một cô y tá, thực tế là công việc của một hộ lý đối với thương bệnh binh ngày một nhiều từ các mặt trận dồn về.

        Sáu tháng sau khi chồng hy sinh thì mẹ chồng mất và một năm sau thì bố chồng qua đời. Khăn tang liên tiếp đổ lên đầu người thiếu phụ mới hai mươi tuổi đời. Chồng chị là người con trai độc nhất trong gia đình nên chị là người phải thay chồng gánh vác mọi công việc trong nhà. Nhờ địa phương, cơ quan đơn vị và bệnh viện giúp đỡ, chị đã lo toan tang lễ cho cha mẹ chồng chu tất: "Mồ yên mả đẹp".

        Gánh nặng nhiệm vụ cộng với khó khăn gia đình tưởng như sẽ quật ngã chị. Nhưng chị đã vượt qua được nhờ ở ý chí và nghị lực của chị, nhờ sự thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc của bà con cô bác, của bạn bè, của đồng đội và cơ quan đơn vị. Chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc, mẹ con chị lại theo bệnh viện đi sơ tán. Cháu bé đã gửi được nhà trẻ, chị quyết tâm phấn đấu đi học y tá trung cấp (tương đương y sĩ).

        Kết hợp làm công tác chuyên môn, chị còn tham gia đội văn nghệ của bệnh viện. Nhiều hôm chị đã hát theo yêu cầu của thương bệnh binh, hát để động viên, "ru ngủ" thương bệnh binh quên bớt đi nỗi đau đớn của vết thương. Chị quên mình, tận tụy chăm soc thương bệnh binh, có lúc kiên trì hàng buổi "dỗ dành" bón cơm cháo, thay băng, chữa trị vết thương cho thương bệnh binh. Tính tình dịu dàng, miệng nói lúc nào cũng như cười, giọng nói êm ái tâm tình của chị để lại cho thương bệnh binh những ấn tượng sâu sắc khó quên. Chị lấy ngay những gương dũng cảm chiến đấu hy sinh của đồng chí, đồng đội, của thương bệnh binh và ngay cả chuyện riêng của chị, hoàn cảnh của chị để động viên an ủi thương bệnh binh. Chị chân thành chia sẻ với họ những nỗi đau, những mất mát do chiến tranh, do số phận gặp phải, cùng họ củng cố niềm tin và tìm thấy thuận lợi ở phần còn lại. Cho nên những ai đã vào khoa của chị, buồng bệnh của chị sẽ khó quên được chị, khó quên hình ảnh người con gái nết na thùy mị, người chị hiền "Lương y như từ mẫu".

        Và có lẽ cũng chính từ "hình ảnh" khó quên ấy ở chị mà dẫn đến những điều khó xử cho chị sau này khi cùng lúc nhiều người "say mê", "ngưỡng mộ" chị, và có lẽ cũng vì vậy không ít những điều dư luận dị nghị, phỏng đoán không đúng về chị.

        Sau ba năm, theo phong tục gọi là mãn hạn tang chồng, thương chị, thấy chị còn trẻ, bạn bè, đồng chí, đồng đội và gia đình cả hai họ nội, ngoại đều khuyên chị "đi bước nữa". Thậm chí mấy ông chú, ông bác nhà chồng dám ngang nhiên bàn nhau và đã bán cả cơ ngơi nhà đất ớ quê, của hương hỏa do bố mẹ chồng để lại cho vợ chồng chị với lý do: "Lấy tiền để dành sau này nuôi cháu", vì khẳng định chị sẽ đi lấy chồng?

        Nhưng thật lạ, nhiều người đến với chị, chị đều từ chối. Không phải vì họ không tương xứng, không hợp. Nhiều cán bộ sĩ quan ở các quân binh chủng, nhiều thương bệnh binh và cán bộ trong viện đến với chị, cả những người ở cơ quan nhà nước ngoài quân đội cũng đến với chị. Có người quan tâm chăm sóc cháu bé với tình cảm thực sự như con đẻ của mình để chị vừa lòng đồng ý, có người kiên trì hẹn ước, chờ đợi để hy vọng rồi chị sẽ "nghĩ lại"! Thậm chí cả bác sĩ Phó viện trưởng (vợ chết) cùng bệnh viện với chị, có nhà cửa khang trang, có kinh tế đời sống đầy đủ, đặt "vấn đề" với chị, chị cũng xin được "thông cảm", với lý do chị còn phải "nuôi con" trưởng thành, phải phấn đấu về chuyên môn và chăm sóc mẹ già (mẹ chị). Thế là dư luận xầm xì: Người thì bảo là chị kiêu kỳ, kén chọn, người ác khẩu hơn thì rủa chị là "linh tinh" lắm rồi sẽ "chết già". Thực lòng chị bảo cũng có lúc người ta nói nhiều, chị cũng dao động bi quan, định "liều" phó mặc cho số phận, nhưng rồi nghĩ tới sự hy sinh của chồng, nghĩ tới con, chị lại bình tâm, dũng cảm chịu đựng, kiên trì theo suy nghĩ và quyết định của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:13:12 am »


       
*

        Thòi gian trôi qua, thấm thoát đã mười tám năm, bé Vân đã trở thành cô Vân. Theo bước chân của bố, Vân trở thành chiến sĩ; theo nghiệp của mẹ, Vân trở thành một nữ quân y. Có lẽ theo gương của mẹ, ngay từ nhỏ Vân đã chịu thương, chịu khó. Vân rất thương mẹ, sẵn sàng cùng mẹ chịu đựng khó khăn, tỏ ra là cô bé có nghị lực và ý chí tự lập rất sớm. Nhận biết được hoàn cảnh và thân phận của mình, Vân chăm chỉ học tập từ lớp một liên tục đến hết phổ thông trung học. vỏi lực học khá giỏi Vân có thể thi vào đại học, nhưng để nhanh chóng giúp đỡ mẹ, Vân lại thi vào trường Trung cấp Quân y. Nay Vân đã tốt nghiệp ra trường và đã có công tác ổn định.

        Cuộc sống hạnh phúc lại đến với Vân, mẹ lo xây dựng gia đình cho Vân, chồng Vân cũng là bác sĩ công tác cùng cơ quan đơn vị với Vân. Đám cưới của Vân mới được tổ chức mấy tháng trước đây thôi. Hôm ấy về dự đám cưới của cháu rất đông vui, ai cũng thương, cũng mừng cho cô Vy một mình nuôi dạy con gái trưởng thành. Nhưng hôm ấy không thấy cô ấy nói gì về việc cô đi lấy chồng nữa đâu? Thậm chí đã từ lâu có ai nghĩ đến chuyện cô ấy "đi bước nữa". Mười tám năm qua cô ấy kiên trì ở vậy nuôi con, không lẽ nay bước vào tuổi...? Hay là có chuyện gì khác quan trọng mà cô ấy phải viết thư như vậy để cho mình phải đến. Thôi thì đằng nào cũng phải đến tận nơi mới biết được là chuyện gì. Cứ thế tôi suy tính, ngập ngừng, vì ngại đi lắm, nhưng không đi thì lại không thể yên tâm được. Biết vậy, tôi mở tủ lấy ít tiền, thay bộ quần áo quân phục cho "nghiêm chỉnh" ra xe.

        Từ bến xe thị xã vào nhà cô Vy còn phải đến hai, ba cây số, hôm nay là ngày lễ Tết gì mà trên đường đông vui tấp nập thế này? cảm thấy thế nhưng rồi tôi nhận ra ngay cái nơi đã có câu ví "Gái Hà Nội, Bộ đội Sơn Tây" thì cứ gì lễ Tết, ngày nào mà chả tấp nập đông vui cánh lính nhà mình. Song tôi quan sát lại quả thật hôm nay người đi lại có đông đúc hơn, bởi hôm nay còn là ngày chủ nhật.

        Vừa đến cổng, lúc đầu trông thấy một người rất quen mà không nhận ra được vì anh ta mặc bộ com-plê mới thắt ca-ra-vát chỉnh tề, đầu chải ngược, bóng mượt. Nhưng khi anh ta lao vội lại ôm lấy tôi, thấy cái chân cà nhắc của anh ta thì tôi nhận ra ngay:

        - A... Lê Lương Nhàn... Nghe nói cậu nghỉ hưu cũng ở gần đây phải không?

        - Ôi... Em cứ ra vào đón "thủ trưởng" từ sáng đến giờ đấy!

        - Chứ có chuyện gì mà quan trọng thế?
       
        - Quan trọng chứ ạ, thủ trưởng là chủ buổi liên hoan hôm nay mà!

        - Chủ gì? Liên hoan gì? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

        - Thì thủ trưởng cứ vào nhà đã nào, chúng em xin thưa chuyện sau.

        Tôi chưa hết ngạc nhiên thì rón rén phía sau một cô gái bất ngờ ôm đầu bịt mắt tôi:

        - Đố bác biết ai đấy?

        - Cái Vân "Tồ" chứ ai, tiếng mày thì lẫn vào đâu được? - Tôi quay người lại, Vân ôm chặt hai cánh tay tôi vừa lắc vừa nói:

        - Ôi mừng quá, bác lên rồi... Vui quá... mẹ cháu mong bác từ hôm qua cơ, cứ sợ bác bận không lên. Rồi nó quay vào gọi to: - Mẹ ơi, mẹ bác Hiền đây này, bác Hiền lên rồi...

        Tôi phải bịt miệng nó lại, bảo khoan đã, hãy cho bác biết có chuyện gì đã nào? Nó nói một cách trịnh trọng:

        - Chuyện vô cùng quan trọng.

        - Quan trọng... quan trọng, quan trọng có bằng cái chuyện hồi cưới mày không?

        Nó cười, bá cổ tôi xuống, ghé sát vào tai như có vẻ nói thầm bí mật nhưng lại cố ý nói ngắt quãng, rành rõ từng tiếng một:

        - "Mẹ... cháu... lấy... chồng... bác... phải... làm... chủ... hôn".

        Nói xong nó cười rồi ù té chạy vào nhà và đi xuống bếp.

        Là vợ liệt sĩ nên địa phương ưu tiên cấp cho mảnh đất làm nhà khá rộng. Nhà có hiên, sân gạch và ít đất vườn trồng cây. Hôm nay, như cô Vy vừa nói với tôi chỉ có "làm cơm gia đình" để "tuyên bố hợp pháp". Bức tường hoa trước sân dựng độ hơn chục xe đạp, xe máy. Trong nhà và ngoài hiên bày gọn gần chục mâm cơm. Khi bà con gia đình, bạn bè hai bên đã ngồi vào mâm đông đủ, Lê Lương Nhàn mới trịnh trọng đứng dậy "tuyên bố":

        - Thưa các cụ, các ông, các bà, các bác, thưa các anh, các chị cùng các bạn quý mến. Được gia đình, hai họ đồng ý hôm nay tôi và Vy làm bữa cơm thân mật liên hoan để về chung sống với nhau. Tôi xin giới thiệu bác Hiền vừa là thủ trưởng cũ của chúng tôi, vừa là người nhà, hôm nay xin mời bác làm chủ buổi liên hoan chứng giám ngày vui của chúng tôi. Rất cảm động trước tấm thịnh tình của bà con, các anh các chị và các bạn, tôi không biết nói gì được, xin thành thật cám ơn, xin mọi người nâng cốc chung vui...". Tiếp theo vừa ăn vừa nói chuyện, Vy nói trước đây tôi là chủ hôn hồi cưới cô ấy với Ngọ, và cô ấy đã là nàng dâu của đơn vị thì nay tôi là "chủ hôn" buổi "lễ liên hoan" này cho Vy và Nhàn cũng là phải nhẽ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:13:30 am »

         
        Hai người đã nói vậy tôi biết từ chối sao được? Vả lại, ai lại đọc "diễn văn" trong bữa ăn, cho nên tôi cũng vừa ăn vừa nói chuyện như tâm tình, nói những điều tôi đã biết và đang cần biết, lý giải những điều "bí ẩn" về Vy và Nhàn mà mọi người chưa biết.

        Thì ra, tưởng là ai chứ Nhàn thì tôi biết quá đi chứ. Khi Nghiêm Xuân Ngọ hy sinh, Nhàn là cán bộ đại đội cấp trên trực tiếp của Ngọ. Hôm ấy, khi đơn vị đã đánh chiếm được cứ điểm lợi hại của địch thì tổ mũi nhọn đột phá của Ngọ được lệnh ở lại phá hủy hầm chỉ huy trung tâm cứ điểm của địch, để địch không chiếm lại dùng nó phản công ta, rồi rút ra sau. Khi pháo địch phản kích trùm lên cứ điểm thì Ngọ bị thương. Hai giờ sau, chờ pháo địch ngớt bắn, tổ Ngọ mới rút được về hậu cứ. Biết mình không sống được, Ngọ mới đưa tấm ảnh và địa chỉ của Vy rồi nói với Nhàn rằng: Bố mẹ Ngọ đã già yếu lại rất nghèo nên nếu Ngọ chết thì mẹ con Vy sẽ rất khó khăn. Ngọ muốn nhờ Nhàn, xin Nhàn hãy nhận lời, hãy quan tâm giúp đỡ mẹ con Vy nhất là bé Vân, sao cho cháu khỏe mạnh, khôn lớn trưởng thành thì Ngọ yên tâm ra đi... Nhàn đã hứa và Ngọ xúc động trào nước mắt, bàn tay Ngọ bóp chặt tay Nhàn cho tối khi nhắm mắt.

        Sau này chiến đấu và công tác Nhàn được bố nhiệm làm trung đoàn trưởng ở chính đơn vị mình. Trong chiến đấu chống Mỹ, cứu nước anh bị thương, trong chiến đấu ở biên giới Tây Nam, anh lại bị thương. Thế là gần đây anh về hưu với thân hình của một thương binh chỉ còn một mắt, một chân.

        Bị thương lần thứ nhất anh về viện điều trị vết thương và có điều kiện gặp Vy. Trao lại di vật của Ngọ cho Vy, anh kể cho Vy biết về Ngọ trong những ngày chiến đấu hy sinh ở chiến trường, và cùng Vy "cam kết" thực hiện lời di chúc của Ngọ. Anh nói anh còn bận chiến đấu, anh chỉ có thể gửi tiền về góp thêm với Vy để nuôi bé Vân ăn học. Cũng như mọi người đã biết về Vy, từ cảm mến đến yêu thương, anh cũng đã mạnh dạn "ngỏ lời" với Vy, nhưng cũng như mọi người, Vy không nhận lời!

        Bị thương lần thứ hai, anh về viện gặp Vy, tình cảm yêu thương đối với Vy qua thời gian thử thách càng thêm sâu nặng. Không những yêu thương mà anh càng mến phục khi biết Vy đã vượt lên số phận, khắc phục khó khăn, phấn đấu công tác và học thêm để trở thành người y tá trung cấp, đã tần tảo, vất vả, lo toan gia đình và nuôi con khôn lớn trướng thành. Nhưng lại cũng chính từ đó, anh thấy sẽ là nghịch lý nếu gắn bó cuộc đời của một người thương tật như anh hiện nay với Vy, sẽ là tàn nhẫn bất công nếu đặt thêm gánh nặng vào cuộc đời đã quá nhiều đau khổ của Vy. Nghĩ vậy, sau nhiều đêm trăn trở anh quyết định "chấm dứt" không nói với Vy về vấn đề yêu thương nhau nữa! Ngược lại, vốn là người nhạy cảm, Vy biết những tâm tư trăn trở đang giày vò anh, Vy lại càng thương anh nhiều hơn vì bây giờ ai sẽ là người chăm sóc giúp đỡ anh, khi anh đã hỏng một mắt, cụt một chân, khi bố mẹ anh đã mất, vợ anh không còn, con cái chưa có? Đến lượt Vy, tình cảm yêu thương đôi với anh đang được thức dậy, vì Vy biết khác với những người khác, Nhàn đến với Vy bằng cả tình cảm trong sáng, chân thành, yêu thương và tôn trong. Thế là Vy lại chủ động tìm "lối thoát" bằng cách ra điều kiện với anh: - "Khi nào cháu Vân trưởng thành, có công ăn việc làm, có gia đình riêng, chúng ta hãy bàn đến việc chung sống với nhau". Được lời như cởi tấm lòng. Anh bất ngờ và vui mừng chấp nhận. Hai người đã ngầm cam kết giữ bí mật đến cùng và họ đã thực hiện được cam kết ấy. Suốt mười tám năm qua cho đến lúc hai người đã về hưu, đã "trả" xong "nợ đòi".

       
*

        Buổi liên hoan kéo dài vì vui vẻ cũng có, vì lâu ngày mới gặp lại nhau cũng có. Trông thấy hai người thật hạnh phúc, ai cũng muốn chạm cốc chúc mừng. Rượu vào, lời ra, ai cũng muốn nói, muốn thổ lộ tâm tình nhân "buổi liên hoan", nhưng to tiếng hơn cả là hai ông anh, một người anh họ và người anh rể của Vy.

        Người anh họ nói:

        - "Tôi đã khuyên cô ấy từ ngày chú ấy mới hy sinh cơ, một là đi bước nữa, hai là không thì ở vậy nuôi con, mà đã đi là đi ngay, chứ đời người con gái có là bao..., chứ ai lại để mãi đến bây giờ, chứ... ư... ừ... mà thôi... ấy... muộn cũng còn hơn không... Nào... nâng cốc... mừng... mừng".

        Người anh rể như nhờ hơi men, mỗi câu nói một cái phẩy tay:

        - "Tôi cũng thấy có như vậy, ờ... tránh sao khỏi miệng đời dị nghị, rằng khi trẻ thì kiêu sa đến khi già mới hốt hoảng, ờ... khi trẻ còn "chịu" được, giờ có tuổi còn "hồi xuân"... Hừ... kệ họ... Họ có mồm, họ cứ nói! Thế làm như lời chú Ngọ dặn không đúng à? Không hay à? Ờ, mà đấy, bây giờ cháu Vân nó đã có gia thất, ai dám bảo là dì Vy giờ không cô đơn? Này chú Nhàn, chú kéo cái ống quần của chú lên tôi xem tý nào? Kéo lên, đấy, cái chân giả đấy chứ có phải chân thật đâu? Thế thì hai vị cựu chiến binh này chung sống với nhau thì đẹp quá đi chứ lị, hạnh phúc quá đi ấy chứ lị...".

        Còn tôi, bây giờ thì tôi đã rõ về sự "bất ngờ" đối với việc cô Vy "đi bước nữa". Song tôi lại nghĩ cô Vy chưa hẳn đã có ý định "đi bước nữa", vì từ đây, cô đã có thể sống an nhàn với người con gái, (cháu Vân rất muốn thế), với cháu ngoại tương lai, thậm chí cho dù có sống một mình, cô vẫn sống sung sướng cho bản thân hơn là lấy một người thương tật như Nhàn. Nhưng vì tình thương đồng chí, đồng đội, thương người bạn đã cùng "chia lửa" với chồng, đã từng chiến đấu hy sinh cả tuổi trẻ cuộc đời không tiếc máu xương cho độc lập tự do của đất nước, thương người đả cùng mình thực hiện "ý nguyện" cuối cùng của người chồng trước khi nhắm mắt để có được hạnh phúc cho con cái và gia đình Vy hôm nay, nên cô tự nguyện chấp nhận chung sống với người thương binh hỏng mắt, cụt chân ấy, chấp nhận "cuộc chiến" sau cuộc chiến, tiếp tục hy sinh gánh chịu những gian nan vất vả của cuộc sống khi tuổi đời đã gần đứng bóng, âu cũng là tiếp tục sống vì mọi người. Phải chăng, đó cũng là cách "Đền ơn đáp nghĩa" của cô.

H. H.       
"Số nhà 6N16 tổ 50H Khu tập thể gia đình quân đội Lăng Hoàng Cao Khải phường Trung Liệt - quận Đống Đa - Hà Nội.         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:16:18 am »


ĐOẠN VIẾT THÊM TRONG NHẬT KÝ

Phạm Văn Phung       

        Vào cuối tháng tám năm bảy mươi, trường Bách Khoa vui nhộn chuẩn bị một cuộc lên đường lớn. Không khí ấy, biểu hiện bằng những khẩu hiệu viết ở bảng tin, ở nét mặt những trai gái sinh viên, ở những cuộc gặp mặt vội vàng. Chắc giờ đây, có bao nhiêu ý nghĩ khác nhau! Xa nhau không biết bao giờ mới gặp lại, có trở lại mái trường ước mơ này không? Những đôi trai gái, trước đây yêu nhau thầm kín nay đã lộ ra, họ yêu nhau tha thiết quá chừng. Một cuộc chuẩn bị lên đường gấp, với tất cả sự cố gắng sẵn có.

        Tôi lên trường với thái độ đàng hoàng, ung dung, cũng chàng chuẩn bị gì, hay nói cách khác chẳng có gì mà chuẩn bị. Tư tưởng, thì có sẵn ở trong óc rồi, cũng không cần gì thêm! Không cần gặp ai và vì thế cũng chẳng hứa hẹn gì với ai cả.

        Một buổi sáng mưa lất phất, trời đất cũng như thấu hiếu nỗi chia ly. Sân bóng, nơi tập trung toàn trường, nơi biểu lộ rõ nét những tình cảm ở những giây phút sắp xa nhau...

        Bách Khoa hôm nay, vẫn sừng sững đứng đó, nhưng tôi tưởng nó xoay mình. Những ngôi nhà ở, dãy nhà A, B - hay khu đồ sộ ba, bốn tầng ở khu nhà mởi - khu c, cũng không đứng im, chứng kiến một lần tạm biệt.

        Nhà ăn đông hơn mọi ngày, riêng khu xưởng trường, khu thí nghiệm im lìm đứng nghỉ... Tôi vẫn để ý đến Vân và Minh là những người bạn mới quen, xem có mặt không để nói vài lòi an ủi, khỏi ân hận về sau... Nhưng đông quá, tìm sao nổi? Thê là không gặp được hai cô bạn mới quen nhau trong những ngày thực tập... Những người bạn gái ở lớp, ở tổ, hôm nay cứ loanh quanh, chạy hết chỗ này chỗ kia để tiễn chúng tôi, đôi mắt cô nào cũng đỏ hoe, mà rồi có nói được gì đâu, chỉ có "Thôi anh đi khoẻ mạnh", "Chào anh", "Tạm biệt anh nhé" và nhiều bạn đã có những giọt nước mắt lăn trên má. Có ai trong lúc này, mà không nghẹn ngào, khó nói. Hầu như bạn gái nào nước mắt cũng ướt những cặp mi; thực tình nhiều bạn nam cũng như vậy. Tình cảm sau ba năm học tập đã tô đậm của một chuyến đi.

        Lúc này, làm sao tôi không suy nghĩ, mà không chảy nước mắt được! Nhưng tôi cố nén nghẹn ngào... và thực tế cuộc đời đã thầm dạy tôi, không phải đến bây giờ tôi mới một lần chia tay, xa cách người thân; cuộc sống nghèo khổ, tự lập và nỗi mồ côi mẹ của một đứa con, đã làm cho tôi quen chia ly...

        Đoàn xe đưa chúng tôi đi, thế là xa Bách Khoa, từ ngày đó ngày 26 tháng 8 năm 1970.

        Những ngày chia ly, thường là những ngày mưa ư? Nếu không thì là những ngày hơi tối hơn mọi ngày. Tôi nghĩ thế, nhưng chắc không đúng hoàn toàn. Tuy vậy, cuộc đời đã nhiều lần tương tự.

        Trời cứ mưa, mỗi lúc một to... Chúng tôi đi vào Thanh Trì cách trường không xa, nhưng lại vòng vèo, mưa trơn, nên mãi chiều tôi mới tối nơi tập trung quân.

        Có thể có con đường gần hơn nhiều, nhưng cấp trên thử thách đôi chân của chúng tôi chăng? Vì quá mỏi, nên tôi thầm nghĩ như vậy.

        Cuộc đời người lính bắt đầu.

        Thế là "dùi mài kinh sử" đã ba năm, phải dừng lại. Cái ước mơ trở thành kỹ sư hoặc cao hơn nữa, mai sau có thể được trở về xây dựng Thành phố cảng cứ xâu xé trong tôi. Mình đã từ bỏ con đường này rồi ư? Không biết đến bao giờ trở lại. Đi! Nghĩa là thôi, hết ước mơ và tình cảm nữa.

        Nhưng rồi, tôi vẫn ấp ủ, nhũng mong sau này dù có năm đến mười năm đi nữa, khi trở về mình vẫn phải đi theo con đường mòn xưa, con đường mòn mà cha mẹ tôi đã nuôi dạy tôi từ bé tới lớn, hướng tôi vào đúng ước mơ chung của thời đại. Đến bây giờ tôi làm sao có thể quên công lao trời bể ấy. Tôi tốt nghiệp phổ thông năm 1967 và bước ngay vào ngưỡng cửa mới. Mẹ tôi lo cho tôi nhiều lắm, tình thương của người mẹ như nước trong nguồn tuôn chảy, sao có thể kể hết được. Tôi chia tay mẹ từ tháng 8 năm 1967, không ngờ đó là lần mẹ tôi vĩnh biệt đứa con yêu quý của mình. Mất mẹ, mất trăm nghìn thứ khác, tình cảm mẹ con có gì thay thế được và để đền đáp công ơn trời bể ấy, bằng mọi giá, tôi vẫn ước mơ đi theo con đường mòn ấy, con đường lấy sách vở kiến thức làm chìa khoá mở cuộc đời. Vì thế, trên mỗi đoạn đường hành quân, tôi vẫn mang theo vài cuốn sách hay, hoặc cuốn từ điển nhỏ, để luyện thêm cái ước mơ ấy.

        - Chú cứ cầm cái nón này đi, kẻo ướt hết!

        - Không, em không mang đi đâu, em đi trong mưa cho quen...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:16:38 am »


        Nhưng rồi theo đoàn quân ra đi trong mưa như xối nước. Thế là sống với dân được một tuần, chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Làm sao nói hết được tình cảm gắn bó của dân đối với chúng tôi. Nếu như trước đây, tôi đã có thời gian sống trong tình thương yêu của đồng bào dân tộc Việt Bắc, được đồng bào chăm lo đến từng thanh củi, chỗ nghỉ ngơi. Chỉ trước đây một năm thôi, chúng tôi được sống với đồng bào mạn Bắc Ninh - Bắc Giang, được họ dành cho những tình cảm quý mến trong những ngày sơ tán, thì lần này, tôi lại càng nghẹn ngào, xúc động... Tôi cùng hai anh bạn nữa được phân công ở nhờ nhà chị Tâm, chị có ba con và chồng đi chiến đấu xa. Cuộc sống của mẹ con chị so với dân làng khá chật vật, các cháu còn bé, mới đi học được vài năm, cháu bé nhất học lớp "chữ to" suốt ngày quanh quẩn với chúng tôi. Tôi mến các cháu, coi như các cháu của chính mình.

        Rồi một buổi tối, được lệnh chuẩn bị lên đường, chúng tôi chuẩn bị mọi thứ đầy đủ, nhưng vẫn chưa nói cho chị hay biết. Nhưng chị cũng đoán ra được. Tròi vẫn mưa, lúc đó là mười hai giờ đêm, mười lăm phút nữa chúng tôi sẽ đi. Trời như thử thách những người lính trẻ mới bước vào đòi.

        Là những tân binh "mới choang", chúng tôi chưa được cấp mũ, ni lông, chỉ có cái bọc nhỏ đựng những thứ lặt vặt và một bộ quần áo. Phải đi đầu trần trong mưa, quần áo bị ướt, nước thấm vào da, mặt. Chúng tôi vẫn phải đi, vì đây là mệnh lệnh rồi.

        Chị Tâm đưa cho chúng tôi nhũng thứ che tạm được cái đầu, chị bảo ban chúng tôi như những đứa em vậy. Tôi cũng được chị đưa cho cái nón: "Chú cứ cầm đi mà đội, đừng ngại".

        Nhưng tôi ái ngại, còn bao lần sau nữa, các anh khác cũng vậy, chị lại thương và giúp, mà chị thì nghèo... Rồi không chối được, tôi phải đội nón ra đi, mà trong lòng cảm động vô cùng.

        Từ đấy tôi giữ trong lòng một tình cảm sâu lắng, thầm nghĩ mình phải sống và chiến đấu để không phụ tấm lòng của chị.

        Khoảng năm giờ chiều một ngày cuối tháng 8 năm 1970, cuộc hành quân bằng đôi chân lại bắt đầu. Từ ga về đơn vị khá xa, để động viên chúng tôi, thỉnh thoảng trưởng đoàn lại cười nói:

        - Còn vài quăng dao nữa thôi.

        - Biết "quăng dao" của anh thế nào. Đi đã mỏi cả gối, mà vẫn chưa hết một "quăng dao " của anh.

        Tôi cười mệt nhọc, lẩm bẩm một mình.

        Với tôi đã nhiều lần đi bộ, nhưng đây là lần đầu tiên phải đi xa thế này, lại đi trong đêm tối, trong mưa, mệt nhoài. Song cái đầu vẫn phải hướng cái chân đi.

        Đây là Như Xuân - Thanh Hoá, rừng cây rậm rạp lá xanh um như cây mùa xuân vậy.

        Tròi càng tối, đường như dài thêm ra, khó đi nhanh. Rừng núi cứ kéo dài mãi, chỉ thấy mờ mờ, xa xa. Đã mười một giờ đêm, cái bản mường nhỏ này đã đi ngủ cả. Đêm tối như bưng, chỉ còn nghe tiếng chó sủa mỗi lúc một gần. Đã đến địa phận huyện Nông Cống.

        Căn nhà sàn nhỏ, một ngọn đèn hoa kỳ, vừa mới khơi lên. Cả nhà thức giấc. Dưới ánh đèn, hiện lên rõ căn nhà: Có bàn thờ nhỏ treo trên cao, mấy đứa cháu nhỏ nằm co quắp trên một cái chiếu ở góc nhà, bên trong là căn buồng kín. Dưới sàn nhà, mấy chú gà thức dậy, lục cục...

        Anh chủ nhà lấy nước mời chúng tôi...

        Đêm đã khuya, chúng tôi xin phép đi nghỉ ngay. Giấc ngủ ập đến, làm quên đi nỗi nhọc suốt một ngày hành quân. Cái đêm vất vả đầu tiên ở đời lính của tôi là như vậy đấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:17:07 am »


       
*

        Lại một ngày hành quân, di chuyển nơi đóng quân. Bây giờ là cuối thu nhưng trời vẫn còn nắng gay gắt. Lúa mùa xanh rờn đang chuẩn bị một mùa bội thu. Những thân dừa hơi lướt lưng còng xuống ao, nặng trĩu quả như đang bận bịu với nhũng đứa con thơ... Những cô gái Nông Cống chắc nịch, chân bước nhanh, trên vai những gánh củi nặng, đang hôi hả về làng. Còn chúng tôi người lính chiều nay chiếc ba lô nặng trĩu trên vai, lưng cũng hơi ngả như những thân dừa, những túi cóc ba lô căng phồng như những trái dừa nặng nước... Chiều đã muộn, mặt trời đã chuẩn bị giấu những tia lửa cuối cùng.

        Đoàn quân dừng lại, thôn Đạo Đức xã Công Liêm lại vui và ồn ào hẳn lên. Cả tiểu đoàn dồn lại cái thôn nhỏ bé này. Cái không bình thường đã thành bình thường. Nhiều gia đình ghi rõ những dòng chữ trên cánh cửa: "Một võng, hai giường", họ đã coi việc chăm sóc bộ đội như một việc bình thường. Bộ đội ở và đi... đã trở thành thường xuyên. Ai cũng hiểu việc làm bình dị này, nhưng ý nghĩa lại vô cùng lớn lao. Ngay đêm đó xúc cảm trước tình cảm của bà con cô bác, tôi đã viết một lá thư gửi về cho một bạn ở Hà Nội, thư kể lể dài dòng, nhưng có đoạn:

        "... Cuộc chiến đấu của toàn dân tộc thế là đã mười mấy năm trời. Những binh đoàn cứ lần lượt lên đường. Sức mạnh của cả hậu phương cứ dồn mạnh lên những cánh tay rắn chắc của người chiến sĩ. Cả hậu phương gửi gắm tất cả những gì thiêng liêng nhất đến đồng bào miền Nam qua từng cánh tay ấy.

        Hậu phương đang tiếp sức cho chúng tôi. Tất cả đang lo lắng cho chúng tôi, từng bước đi, từng chỗ nghỉ. Đến đâu cũng được chăm sóc chu đáo, cũng được truyền thêm sức mạnh thiên thần.

        Đất nước ta, đất nước của bốn nghìn năm lịch sử, đất nước của biết bao binh đoàn đã lên đường.

        Đất nước ta không rộng, không có thể là những trận địa rộng lớn như trong đại chiến thế giới thứ hai - nơi xung trận của mấy chục sư đoàn, với hàng ngàn xe tăng, đại bác, với hàng mấy triệu quân...

        Nhưng đất nước ta rất thuận lợi cho những cuộc hành quân. Cuộc hành quân chỉ có ở dân tộc ta.

        Từ những người hôm qua còn là nhũng thanh niên cầm cày, cầm cuốc là những anh công nhân sớm chiều cầm pan me đo từng chi tiết máy, còn là những chàng học sinh, sinh viên đang say với những trang vở mới, ước mơ cao xa. Nhưng hôm nay qua những "đoạn đường" hành quân dằng dặc ấy, họ đã trở thành nhũng chiến sĩ gang thép, đã được tôi luyện qua bao thủ thách gay go và ác liệt.

        Thê giói có lẽ không ở đâu có được cái hình thái riêng biệt của những binh đoàn hành quân đó... và trên mỗi đoạn đường, sức mạnh của từng binh đoàn, được tăng lên gấp bội...".

        Sáng hôm sau, tôi đọc lên cho mấy anh trong tiểu đội cùng nghe, mọi người cười ồ lên, cho là sáo rỗng quá...

        Thế rồi, bẵng đi... do sự bộn bề của những cuộc hành quân tiếp theo, lá thư tôi không gửi và được giữ lại cho đến mãi sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2020, 06:04:19 am »


       
*

        - Chú ơi, để cháu quét cho.

        Sơn vừa đi học về, mới đến đầu ngõ đã nói to để mọi người trong nhà đều nghe thấy

        - Thôi cháu về chuẩn bị ăn cơm đi, mẹ đang đợi đấy.

       Hán đang quét sân, ngẩng lên đáp nhẹ nhàng.

        Không khí cả gia đình nhỏ bé này mấy hôm nay cứ thế vui lên, mấy đứa nhỏ cứ quẩn quanh bên mấy chú bộ đội. Căn nhà thêm ba chúng tôi nữa là bảy.

        Chị Hà, mẹ của hai đứa bé, nay mới chừng ba mươi tuổi, chị có dáng người thon, nước da trắng, hơi xanh. Có lẽ chị vừa mới ốm dậy. Tôi đoán như vậy.

        Chị rất vui và có phần nào hiểu, thông cảm với chúng tôi, thương hoàn cảnh của từng đứa một, mà chị coi như em ruột của mình.

        Sông ở nhà chị, ngoài tôi ra còn có Sương và Hán, hai bạn tôi đã có người yêu và họ yêu nhau đã mấy năm rồi. Họ mang những lá thư cũ ra đọc cho tôi nghe, tôi hiểu tình cảm của họ khi phải xa cách nhau. Tôi thấy thương thương những cô gái có người yêu chuẩn bị đi B như Lanh và Diệp, người yêu của Hán và Sương.

        Vì chưa có người yêu, nên tôi đôi lúc có lợi thế để "giảng giải" về "tình yêu và trách nhiệm" cho Hán và Sương nghe.

        Tôi cứ nói theo cái lý của tôi: Nào là, tình yêu phải được luyện thêm theo từng bước đi, từng trận đánh, các anh phải để "những bông hoa nở đúng thời", nào là: Không nên ràng buộc họ với mình để làm khổ họ. Cái quý nhất của người lính là như vậy và v.v...

        Chị Hà cũng hiểu tôi, và coi tôi như chú em út, được quan tâm nhiều hơn.

        Dần dần chúng tôi cũng hiểu hoàn cảnh chị.

        Gia đình chị sống ở đây mới bảy năm, chỉ có một ngôi nhà gỗ đã cũ. Những cây cột đã mục chân, rui mè đã nát. Trước nhà là cái sân nhỏ, bề ngang độ vài ba bước, bề dọc khoảng chục bước. Đằng sau nhà, cái vườn nhỏ xinh xinh, những cây chuối xanh um nặng trĩu quả, một cây dừa cong cong in hình xuống mặt ao nhỏ. Một gian nhà bếp làm thêm ở đầu nhà, chật chội, một cái bể nhỏ ít khi đầy nước được xây ở gần cửa bếp. Chỉ có thế thôi, nhưng chị lúc nào cũng vui. Hai đứa con của chị ngoan ngoãn, chịu khó học hành.

        Anh Lâm, chồng chị đã thoát ly từ lúc hai mươi tuổi, công tác ở Ty Lâm nghiệp Thanh Hóa, mỗi tháng một, hai lần về nhà.

        Cuộc sống của chị, người mẹ trẻ sống hiền từ rất giản đơn cứ thế trôi đi.

        Chị hỏi chúng tôi về Hà Nội, bây giờ có gì đổi mới không, người đông và cảnh đẹp thêm nhiều các chú nhỉ?

        Chúng tôi ngỡ ra chị đã sống ở Hà Nội hay đã qua Hà Nội rồi...

        Rồi chị kể: Dạo ấy, chị ốm ở nhà đã gần một tháng, vì bệnh của chị khó chữa, nên phải ra Bạch Mai, ở đấy mất ba tháng. Hồi ấy, anh Lâm phải gửi cháu Sơn, Lan sang bà ngoại, còn anh phải đưa chị đi Hà Nội. Những ngày điều trị bệnh, nỗi nhớ con cứ dằn vặt chị mãi, nhiều đêm mất ngủ. Chị thương chúng nó cô đơn, còn học hành, bữa cơm bữa cháo. Mỗi khi nhắc đến chị, chắc chúng nó khóc nhiều!

        Chị kể tiếp: Các chú biết không, tôi đi rồi, có tin là hai cháu không về bà ngoại, mà cứ đòi ở nhà mình bằng được, nói là còn giữ nhà (dạo đó Sơn học lớp ba, Lan học lớp một). Tôi quá lo!

        Nhưng rồi cũng may, ngay hôm sau có đơn vị bộ đội đóng quân như ba chú bây giờ, hai cháu được sống với ba chú ấy ngay nhà mình. Tôi yên tâm và dần dần khỏi bệnh, ba tháng sau tôi xuất viện, những mong gặp các chú ấy để cảm ơn. Nhưng các chú ấy đã vào chiến trường, không biết bây giờ ở đâu?

        Chị cho tôi biết tên các anh, nhưng không có địa chỉ và rất mong chúng tôi tìm gặp hẹn ngày trở lại, giúp chị...

        Như vậy là suốt ba tháng các anh ấy đã giúp Sơn, Lan học tập, nấu nướng, sớm tối có nhau. Các cháu đều khoẻ mạnh và học giỏi. Cuộc sống bộ đội đã sớm tác động vào nội tâm của hai cháu. Các cháu vui, mến các anh lắm. Ngoài giờ học và làm việc ra, thấy các anh rỗi lúc nào là chúng dẫn các anh sang bà ngoại và những bà con quen thuộc thăm hỏi (Sơn nhiều lần tâm sự với tôi như vậy).

        Có lẽ chính vì thế, mà giờ đây các cháu rất quý chúng tôi coi như đã quen từ lâu.

        Tôi thầm cảm ơn các anh đi trước, đã xây dựng lòng tin với dân, để chúng tôi hôm nay được dân tin dân mến.

        Làm sao có thể nói hết sự tự hào, vinh dự của chúng tôi khi nghe chị kể. Cả ba chúng tôi đều hứa với chị, sẽ tìm giúp chị tin tức về ba anh bộ đội ngày ấy và báo cho chị sau...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2020, 06:04:59 am »


       
*

        Để giúp chị hàng ngày, chúng tôi phân công nhau đều đặn, mỗi người một ngày giúp chị. Nếu ai bận đột xuất, người khác phải thay. Công việc là quét nhà, quét sân, ngõ và gánh nước cho đầy bể nhỏ. Chỉ có thế nhanh chóng và trọn vẹn trong mươi phút, vì giếng nước gần, nhà và sân đều hẹp. Nhưng để tạo được thói quen cũng phải "rèn" vì có thể lãng quên hay có việc khác chen vào. Mọi việc có phân công, nên cái không quen sẽ quen rồi thành tự giác...

        Rồi từ đấy trở đi, khi sống với dân, chúng tôi đã coi những việc làm ấy là bình thường, nhưng là một trong những nguyên tắc không thể thiếu được...

        Một lần, chị hỏi về gia đình tôi, rồi về bản thân, đã "mến" ai chưa? Tôi ngập ngừng, chỉ đáp gọn lỏn:

        - Chưa, chị ạ.

        - Thật không?

        - Thật chứ lỵ! Tôi quả quyết.

        - Thế chị giới thiệu cho nhé.

        - Vâng, thế thì tốt quá! Và tôi hạ giọng:

        - Cô nào hả chị?

        Chị nói nhỏ và như để dò ý tôi:

        - Cô đến đây hôm trước đấy!

        - Buổi trưa phải không chị?

        - Ừ, cô ấy đấy.

        - Thế thì em biết rồi, biết rõ là khác...

        Người con gái ấy, có thân hình thon thon, hơi cao, có nước da trắng như chưa tiếp xúc nhiều với nắng gió, có đôi mắt sắc sảo, hay liếc mắt nhìn xung quanh, khuôn mặt trái xoan càng làm cho cô thêm xinh, hoạt bát và lanh lợi hơn.

        Ban đầu mới quen, có phần nào e thẹn, "con gái bao giờ chẳng thế", "rồi thì thành... cả". Tôi trộm nghĩ như vậy.

        Hôm sau, khi đi tập về đến đầu thôn, tôi gặp lại cô và cô chào chúng tôi có phần hơi ngượng, nhưng nghịch:

        - Để cháu mang ba lô cho chú ơi.

        Tôi nhìn lại, thấy tập sách vở trên tay, biết là cô đi học về và cố ý nói dài ra:

        - Này, đây! Cháu giúp chú nhé...

        Thế rồi cô chạy vụt vào cái ngõ gần đấy.

        Sau đấy mấy hôm, vào một buổi trưa, cô rón rén đến đầu ngõ gọi:

        - Chị Hà ơi.

        Không có tiếng đáp lại.

        - Chào anh ạ!

        - Sao lại anh! - Tôi nói lại.

        - Chú cơ mà...

        Hình như, cô đã biết cái mâu thuẫn trong câu chào của mình, mặt đỏ lên.

        - Con gái chóng thay đổi thật, chẳng trách đi xa một vài năm... Tôi dồn cô vào chỗ bí hơn.

        Nhưng rồi, như để làm "lành" với cô, tôi hỏi:

        - "O" gì ơi? Sao hôm nay mới sang chị Hà chơi, chị ấy mong lắm.

        - Em sang luôn, nhưng các anh đi tập suốt ngày.

        Thế là từ hôm ấy, cô quen dần tôi, hiểu tôi hơn và cũng từ ấy cô không gọi tôi là "chú" nữa.

        Người con gái tôi nói nhiều đó, chính là Lý, em gái chị. Về tôi, tôi không dám nghĩ nhiều về điều chị giúp đỡ tôi, chỉ muốn qua những câu chuyện ấy làm cho chị vui hơn, hiểu tôi hơn.

        Tôi hiểu, bản thân mình không nên bước vào đời một cách vội vàng... Hôm nay còn đang tập lăn lê, bò toài, còn thức đêm thức hôm, còn chập chờn trước giờ báo động... Nhưng ngày mai, có thể ở rừng núi Quảng Trị, sau đó có thể ở bãi lau Đồng Tháp hay ở ngõ hẻm Sài Gòn! Không sợ gian khổ hy sinh, rất tin và sức sống của mình; nhưng biết đâu trong một trận chiến đấu nào đó mình có thể hy sinh đế làm đau đớn cho người con gái sau bao năm mòn mỏi chò đợi! Nghĩ như vậy, nên tôi đâu có dám "dính líu" sâu xa về chuyện đó.

        Nhưng Lý, vẫn mỗi ngày một thân tôi hơn. Một, hai ngày lại sang nhà chị Hà một lần. Mỗi lần gặp tôi, thường mở đầu bằng câu hỏi "anh không đi đâu à?".

        - Ừ, không đi đâu cả... anh chờ Lý mãi...

        Đêm nay, trăng lên. Cái ánh trăng đầu tháng, mò mò ảo ảo, làng xóm đứng im, tĩnh mịch, mấy nhà ở giữa xóm còn đun nấu gì tỏa khói trắng tinh. Thỉnh thoảng có đôi chim đi ăn đêm vỗ cánh "phành phạch". Thôn xóm vẫn chưa đi ngủ.

        - Anh kể chuyện đi!

        - Chuyện gì bây giờ, chẳng có chuyện gì cả... hay là chuyện hành quân "một sao, tám gạch".

        - Cũng được.

        - Hay là chuyện quê anh?

        - Lý cứ gợi cho tôi những chuyện phải kể.

        - Ừ, thì kể.

        Thế rồi, tôi phải kể thật, kể một cách chân thành say sưa.

        ... Quê anh ở vùng ven biển, ở đó có sông nước, có đồng ruộng, có đồi, có núi... mang tiếng là ven biển, nhưng cũng có nhiều chè, nhiều sắn. Vào những buổi chiều, mấy năm trước anh thường lên đồi chè, đồi thông phóng tầm mắt ra biển... Đẹp lắm, Lý ạ.

        Từ đây, anh nhìn thấy thành phố, thấy cảng, thấy những con tàu đang tiến vào bờ. Từ đây, có thế nhìn ngược lên phía bắc, thấy nhà máy điện Uông Bí đang bốc khói, có thể thấy những dãy núi đá Tràng Kênh xanh xanh.

        Từ đây, còn nhìn rõ từng người trên con thuyền đang lướt trên dòng sông trước mặt. Xóm làng, con đường rợp bóng cây thì gần ngay sát chân đồi, đượm vẻ thanh bình... Vào buổi cuối chiều, những tà áo trắng, xanh đang nhộn nhịp đi về.

        Xa hơn một chút nữa, ở đó có bãi tắm đẹp, khách thường hay qua lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2020, 06:06:03 am »


        Nếu có dịp theo tàu ra một hòn đảo xa xa. ở đó có nhiều hải sản, cá tươi, muối trắng, cũng có dừa như quê em. Đây là một hòn đảo nhỏ quanh bể nước trắng... Chiều chiều ngồi trên một hòn đá mà thả mồi xuống biển thì tuyệt lắm... Còn một hòn đảo nữa xa hơn, có rừng xanh núi đá, có nhiều chim muông, thú hiếm... Cứ tối đến là nghe thấy tiếng chim kêu, vượn hú.

        ... À, còn thành phố thì giống như nhiều thành phố khác, có nhà cao, đường rộng, nhiều vườn hoa; cây cảnh. Nhưng ở đây êm dịu, khí hậu trong lành hơn, không ồn ào náo động. Thành phố có bờ biển dài, ở đó tàu bè đậu san sát, đêm đến đèn điện như sao sa in xuống dòng sông lấp lánh. Ở đấy còn có nhà máy xi măng ngày đêm tỏa khói, có các nhà máy đóng tàu, nhà máy cá hộp, nhà máy thuỷ tinh, sắt -  tráng men... cả một khoảng trời có những làn khói của các nhà máy...

        Quê hương anh bình dị như các miền đất khác, nó tự nhiên có cái gì đó phơi phới như một cô gái đang bước vào đời...

        Thê thôi, Lý ạ!

        - Đẹp thật, anh nhỉ! Không biết đến bao giờ em được đặt chân đến đấy?

        - Có mà trời biết!

        Tôi trả lời lấp lửng, khiến Lý càng suy nghĩ mung lung.

        Phải chăng Lý đang mường tượng về một thành phố xa xôi mà tôi vừa mới vẽ, hay lại nghĩ tản mạn về chính người đang vẽ nó?

        - Sao anh lại nói thế?

        Lý không bằng lòng về câu nói của tôi.

        - Thì rõ ràng, tất cả là do Lý quyết định thôi!

        Lý không nói nữa, cúi đầu như dỗi.

        Tôi hiểu lắm cái tâm trạng lúc ấy của Lý, muốn nói một câu gì để an ủi, nhưng không sao nói được.

        Sau khoảnh khắc ấy, nhớ những nét riêng biệt của thành phố, tôi lại thả tâm hồn theo dòng suy nghĩ tự nhiên...

        Mai đây, nhất định thành phố tôi yêu sẽ đẹp, đồ sộ hơn. Cảng sẽ mở rộng hơn, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ nhiều, nhiều tàu sẽ cập bên một lúc, nhà máy sẽ nhiều hơn, thành phố sẽ mở rộng đến tận Kiến An, Kiến Thụy, An Hải, trình độ công nhân và nông dân sẽ được nâng lên. Nhiều phương án xây dựng thành phố như được hiện lên trong tưởng tượng của tôi.

        Dường như Lý và tôi, giờ đây đang tập trung vào thành phố này, có thể hai đứa đang nghĩ về một tương lai mới mẻ sau mươi năm nữa, cũng có thể hai đứa nghĩ: mỗi đứa, mỗi khác... Biết đâu!

        Lý và tôi là như vậy. Cô gái mười bảy tuổi đời ngây thơ đã gây được cảm tình trong tôi.

        Và cuộc đời tôi từ đó đã mang hình bóng một người con gái đẹp như thế đi suốt cuộc đời.

        Hôm ấy, là một buổi tối đầu tháng 10 năm 1970 và cũng là lần cuối cùng tôi phải tạm biệt Lý, đi vào một chiến trường khác lạ, không biết bao giờ gặp lại.

        Tám năm sau...

        Sau vài lần ra Bắc, vào Nam do chuyển đơn vị và nhận nhiệm vụ mới, đến tháng 7 năm 1978 tôi được điều động vê Cục Kỹ thuật Hải quân, ngày ấy cán bộ nhân viên của Cục chủ yếu sống ở doanh trại số nhà 15 Lê Thánh Tôn, Quận l, thành phố Hồ Chí Minh.

        Cũng vô tình, vào một buổi tối cuối tháng tám năm ấy, nhân lúc xem lại đoạn nhật ký cũ, Tiến -  một anh bạn nằm cạnh giường tôi đang rỗi nhìn sang, hỏi bâng quơ:

        - Lại viết thư cho cô nào phải không?

        - Cũng có thể! Tôi trả lời tự tin và khoe luôn câu chuyện của tôi và Lý.

        Tiến không tin. Tôi đành phải cho Tiến xem đoạn nhật ký ấy. Thế là nhiều người biết chuyện.

        Bất ngờ hơn, tối hôm sau anh Tân là người đã ở nhà chị Hà trước chúng tôi ngày đó, là người cũng mới được điều về Cục đến bắt tay tôi và hỏi luôn về chị Hà ngày ấy. Tôi và anh Tân ôm nhau, mừng mừng tủi tủi, như hai anh em ruột gặp nhau... Tối hôm ấy là tối vui nhất đời tôi.

        Tôi và anh mời bạn bè "lai rai" tối khuya, để nhớ lại những kỷ niệm không quên ấy.

        ... Thời gian cứ trôi đi, đã hai tám năm...

        Anh Tân nay đã nghỉ hưu, hai người bạn của anh ngày đó sau đợt đi B đã không trở lại. Tôi đã viết thư về quê của Sơn để hỏi thăm gia đình. Được biết anh Lâm cũng đã nghỉ hưu, chị Hà mất năm 90, cháu Sơn và Lan đều tốt nghiệp đại học...

        Viết thêm đoạn nhật ký này; dù là muộn, nhưng tôi cảm thấy nhẹ người đi, vì đã làm xong một việc tưởng như không làm được (như đã hứa với chị Hà).

        Hơn thế nữa, như đã tìm ra kho báu của cuộc đời: đó là những người như anh Tân, như hai bộ đội nọ xung quanh ta vẫn còn, họ bình thường thôi, nhưng đáng quý, đáng yêu...

        Có thể còn đó nhưng ai cũng tìm họ ở mọi nơi để cảm ơn, trả nghĩa. Bất giác, tôi nghĩ tói những đồng đội không còn... Tự nhiên, lặng đi như tưởng nhớ... vô hồi.

P. V. P               
Tháng 2 năm 1998       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM