Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:23:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thân Trọng Một - Con người huyền thoại  (Đọc 7871 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #80 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:58:22 pm »

• LỜI KỂ CỦA THẢO NGUYÊN:

Thủ trường Thân vẫn không rời mắt khỏi hai thằng đào ngũ. Có đêm trong ánh lửa chập chờn, ông hỏi tôi:

- Này Thảo Nguyên, tao đố mi biết làm răng để hai đứa đào ngũ không bao giờ ăn cắp gạo của chúng mình nữa.

Tôi đáp:

- Làm cho chúng không đói nữa thì chúng hết ăn cắp ạ.

Ông vỗ đùi:

- Thằng giỏi. Đúng mày là lính của lão Thân này thật. Nó no cho nó gạo nó cũng không thèm lấy nữa. Vậy thì như ri, chỗ gạo mất cắp bữa nọ chú cháu mình nhận cho sáu ngày ăn. Hôm nay là ngày thứ năm, chắc chúng hết gạo rồi. Cháu mang sang cho chúng một bao khác.

- Mấy thằng ấy đủ tội để đưa chúng ra tòa án binh rồi, răng chú nuông chiều chúng ghê rứa?

- Mi nói sai rồi. Khi mô mi đẻ ra được đứa con, nuôi chúng mười chín hai mươi năm quần quật mi mới hiểu được lòng ta bây chừ con ạ. Có lẽ lúc ni chỉ có hai người bằng lòng với ta thôi. Ấy là hai bà mẹ của hai đứa ấy. Đứa con trai út của ta năm ni hai mươi hai tuổi, nó đang trong B2. Cứ nhắc tới nó lần mô là mẹ nó khóc lần ấy, làm ta nẫu cả lòng. Nhưng nỡ lòng nào buộc chúng quanh quẩn suốt ngày bên gấu váy mình. Thôi, gạo ta xin rồi đó. Cháu mang qua cho chúng nó đi. Cái thằng mặt chữ điền hôm ni đã bỏ gậy, khoác súng đi được, ta mừng lắm.

Ông chợt hỏi:

- Thảo Nguyên. Con biết không?

- Vâng, thưa chú, con hiểu.

Cho đến ngày cuối cùng đi theo đường binh trạm Bắc Nam, ngày mai rẽ đường về Huế, chiều ấy ông bảo tôi lấy hết thịt hộp, bột trứng, thịt bò khô ra:

- Hôm nay chúng ta có khách.

Tôi mở hết năng lực bếp núc của mình nấu một bữa ăn hết ý với những thực phẩm có trong tay, cùng với hai gô cơm đầy đội nắp.

Ngắt lá chuối rừng làm mâm, bẻ cọng lá nón làm đũa. Tất cả bày ra thịnh soạn:

- Răng khách chưa tới hả chú?

- Đó. Khách của chúng ta đó - ông chỉ sang hai cậu lính đào ngũ - Cháu qua mời chúng sang đây.

Hai đứa run như hai tên tù binh. Nhìn thấy mâm cơm thật chúng mới yên lòng.

Thủ trưởng Thân xòe rộng hai cánh tay, niềm nở mời chúng.

- Bác cháu ta đã đi với nhau một đoạn đường dài. Sáng mai bác rẽ về quê rồi. Mời hai cháu qua chúng ta làm một bữa liên hoan chia tay. Nào, ngồi xuống đi, kẻo nguội hết.

Bữa cơm thật vui. Cơm xong, uống nước trà, tận lúc hai đứa chào ông già để về chỗ ngủ của mình, thủ trưởng Thân mới nói:

- Này, vậy chứ, ăn hết gạo rồi, còn cái bao mô phải đem trả cho bác chứ!

Hai cậu lính đào ngũ nhìn nhau, mặt tái mét. Ở cái phút buộc tội ấy, chúng không quanh co, mà nói rất chân tình:

- Dạ... Dạ... Dạ... cái bao ấy chúng cháu vùi dưới đống lá rừng góc binh trạm rồi ạ.

Ông Thân cười:

- Thôi được, cứ coi đó là kỷ niệm sâu sắc của bác cháu ta trên đường rừng ni nhé.

Một đêm trôi qua bình yên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #81 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 06:59:15 pm »

Sáng hôm sau tôi với ông Thân vừa thức dậy, đã thấy hai cậu lính đào ngũ đứng bên đầu võng của mình.

- Thưa bác, cho cháu hỏi câu này ạ.

- Bác sẵn sàng nghe đây.

- Bác là thủ trưởng công trường 5 ạ?

- Ừ. Nhưng?

- Bộ đội 439 ăn cắp túi thuốc và thực phẩm của trung đoàn trưởng. Trung đoàn trưởng không tìm trị kẻ ăn cắp, mà khóc: “Ta để lính đói, làm sằng, ấy là tội tại ta”. Có phải trung đoàn trưởng ấy là bác không ạ?

- Ừ. Bác đó.

- Có trung đoàn trưởng đi qua gặp tổ trực heo hút. Ông hỏi: “Cần gì”. Chúng chỉ cái radio của ông: “Chúng cháu ở đây buồn lắm, chỉ thèm cái đài”. Ông cởi ngay chiếc radio đang đeo nơi vai: “thì cho chúng mày đây. Được không?”. Phải trung đoàn trưởng ấy là bác không ạ.

- Ừ. Bác đó.

- Một tổ chốt trên cao điểm 815. Trung đoàn trưởng đi thị sát. Gặp chúng, không rời vị trí, nhưng cả ba đứa đều sắp chết. Chúng đói. Ông xuống suối lấy nước pha sữa cho chúng suốt ba ngày, gọi quân lên thay, rồi đưa chúng về phẫu bồi dưỡng. Trung đoàn trưởng ấy có phải là bác không?

- Ừ. Bác đó. Nhưng?

- Nếu đúng thế, chúng cháu biết bác từ lâu. Ngay trên đường hành quân vào B, mọi người đều kể chuyện về bác. Nay gặp bác xin cho chúng cháu được làm lính bác.

- Lính bác toàn loại đàn ông khinh tất cả mọi sự hèn hạ. Bác cũng chúa ghét sự hèn hạ.

- Chúng cháu chỉ hơi hèn một tí thế thôi ạ.

Ông gật đầu. Chúng chạy về lán xếp gùi qua. Cơm xong bốn chú cháu băng về đồng bằng.

Rồi Khôi và Hiệp là bạn rất thân của tôi sau này. Ông Thân có đôi mắt nhìn đời khiếp thật. Quả nhiên Hiệp và Khôi đều khá cả. Khôi hy sinh trong trận đánh tan tác cả binh đoàn địch đang tề chỉnh quân ngũ rút lui khỏi Quảng Trị. “A lô. Bắn ngay. Tấp cập vào xé nát bọn chúng đi. Phải làm cho ngay từ trong ý thức chúng đã tan hoang rồi”. “Nhưng đồng chí đang ở tọa độ đó. Nguy hiểm lắm”. “Đừng lo cho tôi, kia, chúng đang cụm lại kìa. Bắn đi”. Đoạn đường bị pháo cấp tập, lính bỏ xe chạy tán loạn. Đúng là ong vỡ tổ. Sau này địch gọi điểm thất trận ấy là “Đại lộ kinh hoàng”. Còn Hiệp, sau trở thành anh hùng đánh mìn trên đèo Hải Vân.

• LỜI NGƯỜI CHÉP TRUYỆN:

Tôi viết hai bài thơ mini tặng Hiệp và Khôi.

Bài I: “Con chim nào chẳng khát vọng cây cao
Để có chỗ đậu chân cất tiếng hót”


Bài II: “Chết chẳng có gì đáng sợ
Chỉ sợ không có minh quân”.


Hai chữ cuối không mới. Sau này sẽ sửa. Trước mắt câu ấy nói được đúng ý tôi.

Tôi trao hai bài thơ cho Hiệp. Hiệp nói:

- Cảm ơn anh. Em sẽ đốt hai bài thơ này trên mộ Khôi. Chắc nó sẽ cười mãn nguyện, vì rất bằng lòng về hai bài thơ này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #82 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 07:00:34 pm »

MỘT BÍ MẬT CỦA CON SỐ 1

DƯƠNG CÔNG LẦU kể

Không một người lính thành đội Huế nào không được nghe chuyện về Thành đội trưởng của mình, rằng: ông không biết chữ, nên mọi công văn giấy tờ khi phải ký, ông chỉ ký bằng con số 1 to tướng.

Tuy vậy cũng không một ai nghi ngại tài chỉ huy quân sự của ông. Tôi nhớ một hôm nhận được cú điện khẩn cấp từ cơ sở báo lên: có 50 xe quân sự của lính Ngụy bắt đầu hành quân từ Huế lên chi viện cho A Lưới. Đọc xong bức điện mật ấy, cứ cầm tờ điện, ông chắp hai tay sau đít đi đi lại lại trong địa đạo. Tôi biết đó là giây phút tính toán căng thẳng nhất của ông. Chợt ông vung mạnh hai cánh tay lên trời:

- Đánh!

Vậy là ông đã quyết xong một phương án tác chiến. Lập tức ông gọi điện thoại cho tiểu đoàn đặc công Chị Thừa Hai. Ông nói với tiểu đoàn trưởng:

- Tập trung một đại đội với 15 cây B40, đánh đoàn xe quân sự ngụy đang hành quân trên đường 12.

Tiểu đoàn trưởng hỏi:

- Xin thủ trưởng cho biết giờ tập kết, địa điểm tập kết và giờ nổ súng.

- Một giờ đồng hồ nữa phải có mặt bên bờ suối N, nơi có cây vả cổ thụ.

Tiểu đoàn trưởng nói:

- Từ hậu cứ chúng tôi đến đó một giờ đồng hồ làm sao đi kịp.

Thành đội trưởng kiên quyết:

- Tôi tính rồi. Các anh phải chạy. Đó là mệnh lệnh.

Hạ lệnh xong, từ chỗ chúng tôi ở, Thân Trọng Một kéo chú công vụ đi, cả hai cùng chạy. Anh vừa dừng chân vừa thở gấp ở gốc cây vả cổ thụ thì đại đội hỏa lực của tiểu đoàn 2 cũng vừa đến nơi. Anh nhìn đồng hồ, cho lính nghỉ 10 phút, bắt đầu vào trận. Từ chỗ gốc cây vả, tiến lên phía trước chừng 200 mét nữa, là cách đường 12 chừng 50 mét. Các anh vừa nằm yên chỗ thì tiếng xe ô tô vọng tới. Chỉ 10 phút sau đoàn xe cam nhông 50 chiếc có xe tăng dẫn đầu hùng hổ lướt trên đường.

Thân Trọng Một trực tiếp chỉ huy, anh hô:

- Bắn xe tăng dẫn đầu, bắn cam nhông sau cùng.

Xe đầu và xe cuối bốc cháy, cả đoàn xe không còn lối đi. Tiến không được, lùi không xong. Lúc ấy cả 15 khẩu B40 và mấy chục khẩu AK đồng loạt nhả đạn, hỏa lực mạnh của ta áp đảo hoàn toàn binh lực địch. Chúng nhảy xuống xe, chạy nháo nhác, đạn AK từng loạt lướt theo, hạ gục từng tên.

- Xung phong! Thân Trọng Một dõng dạc hô.

Cả đại đội bật khỏi ổ phục lách xông lên. Đạn lửa bắn vào các thùng xăng. Trên đoạn đường dài hai ba trăm mét lửa cháy ngút trời. Đạn từ trên các xe nổ tan xác từng chiếc xe một.

Chỉ 15 phút sau đại đội hỏa lực của tiểu đoàn 2 đã rút vào rừng an toàn. Lúc F105 từ đồng bằng lên thả bom, bộ đội ta đã về vị trí hậu cứ an toàn.

Tiểu đoàn trưởng nói:

- Tôi sợ không thực hiện được quyết định của thủ trưởng. Đoạn đường hành quân quá dài. Tôi phải thúc lính mở tốc lực.

Thân Trọng Một cười:

- Tau đã tính rồi.

Ông nói tiếp:

- Bất cứ lúc nào bỏ lỡ thời cơ là có tội. Nhất là trong chiến tranh, tác chiến phải tính từng phút.

Chúng tôi thường nói với nhau, vào trận mạc Thân Trọng Một tính toán như thần. Có thời giờ thì anh tính toán chi ly. Khi gấp rút, anh quyết rồi vừa hành quân vừa tính toán. Mọi bài toán của anh đều rất sít sao. Hình như thiên bẩm cho anh có tài quân sự, chứ anh có qua một trường lớp chính quy nào đâu. “Năng lực của tau là từ kinh nghiệm, cho nên tụi bây phải biết luôn luôn rút kinh nghiệm làm bài học của mình”. Những lúc rỗi rãi, ông thường tâm sự với chúng tôi như vậy. Cụm từ “Chiến tranh nhân dân”, cứ lấy anh làm khuôn mẫu minh chứng không có sai sót chút nào. Với anh, bắt đầu từ khát vọng tự do, độc lập mà đứng dậy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #83 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 07:01:19 pm »

Ở cùng trong cơ quan tham mưu thành đội, nên gặp anh không khó khăn gì. Những lúc vui vẻ, tôi hỏi anh:

- Anh không được học hành mấy, cho nên toàn lấy số 1 làm chữ kí.

Anh cười:

- Vậy là bọn bay dốt lắm, chẳng biết tí gì về cái tình đời.

Anh kể: nhà anh nghèo. Chỉ anh Vũ, là thứ ba nhưng anh là con trai lớn nên được học khá đàng hoàng, cả chữ Nho và chữ quốc ngữ. Anh Vũ có thể bắt mạch cắt thuốc được. Còn mấy anh em sau, toàn loại cổ cày vai bừa. Tuy nhiên sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, anh tập kết ra Bắc có được học hành và nhà nước cho anh qua Ấn Độ học được hai nghề: nghề cá và nghề muối.

Anh nói:

- Khi mô có dịp, tau sẽ kể cho bọn bay nghe tại răng tau lại thích kí con số 1.

Chiến dịch Mậu Thân bùng nổ, cả thành đội chúng tôi dốc hết sức đánh vào thành phố Huế. Có thể gọi đó là những ngày hội của chiến tranh đánh Mỹ. Đánh giặc như chẻ tre. Nổ súng đâu thắng đó. Chỉ trong mấy ngày ta đè bẹp hoàn toàn lực lượng địch, làm chủ khu tam giác phía Nam sông Hương, các tổ chức chính quyền phường, xã được thành lập.

Chiến trận tạm yên, ban chỉ huy thành đội rút về đóng ở chùa Từ Đàm. Một sớm, anh Một vẫy tôi với chủ liên lạc đi. Anh dẫn tôi về nhà anh ở thôn Dương Xuân. Tôi biết, khuôn viên này sau khi ông bà thân sinh của anh bị địch giết hại, chúng đã cho xe ủi về cày nát vườn tược này. Cây cối mọc tùm lum.

Thân Trọng Một đi thơ thẩn trong khuôn viên nhà mình. Không có đường lối. Bước đến đâu, anh vạch lá tìm đường. Hình như lối anh đang đi kia, là đi theo dấu tích cũ trong ký ức. Cứ trông mắt anh lúc ấy, đủ thấy anh đang sống bằng quá khứ của mình trong khuôn viên này.

Anh chỉ một chỗ đất bên cạnh chân anh:

- Chỗ ni, xưa ông nội tao trồng mấy cây hồng. Có lần nhìn quả hồng chín, ngó quanh không thấy ai ở nhà, tau trèo lên hái trộm. Không ngờ ông thân tau bắt được, đánh cho một bữa quắn đít, nhớ đời.

Chỗ ni... chỗ ni... thước đất nào với ông cũng đầy kỷ niệm. Ông nói:

- Nhờ những kỷ niệm đó mà tau nên người.

Thơ thẩn trong vườn nhà chừng vài tiếng, ông dẫn chúng tôi theo đường xóm rợp bóng mát, tới một ngôi nhà tranh ba gian cách khu vườn nhà ông chừng bốn năm trăm mét. Vừa bước chân vào cổng, hai cô con gái chừng hơn 10 tuổi từ trong nhà lao ra, hai đứa cầm hai tay ông, đi hai bên tíu tít. Chúng hỏi:

- Cậu ơi, răng chừ cậu mới về.

Ông đáp:

- Cậu mắc việc cách mạng.

Một đứa níu ông xuống, nói nhỏ:

- Mẹ con lúc mô cũng tự hỏi một mình: không biết cậu mi có khỏe không?

Ông cười:

- Các con có thấy cậu khỏe không?

Chúng rờ tay, rờ lưng, rờ vai ông xem có dấu tích cuộc chiến nào quệt phải.

- Vậy mà mẹ con cứ lo.

Ông nói:

- Cả chục lần cậu thấy viên đạn xanh lè lao vào phía ngực cậu. Nhưng cách ngực vài gang tay chúng liền rẽ ngang à.

- Cậu có hòn ngọc trong người hả cậu. Con nghe người ta nói ai có được hòn ngọc trong người thì nó đỡ đạn giúp, đạn tới gần, nó hất ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #84 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 07:02:21 pm »

Chúng tôi theo ông vào trong ngôi nhà tranh. Trong nhà có một chị gái chừng bốn chục tuổi. Chị đang đứng trước gương sửa lại mái tóc, quay lưng về phía chúng tôi. Chị là mẹ của hai đứa bé gái chạy ra đón chúng tôi ngoài cổng:

- Mẹ ơi, cậu Một về.

Hai đứa gọi toáng lên tưởng mẹ chúng không biết. Chị quay lại, hai má rậng đỏ, cặp mắt sáng long lanh. Trông chị thanh mảnh, gọn chắc, hai vai vẫn rất tròn. Chắc thời mười tám đôi mươi chị xinh gái lắm. Những nét thanh xuân, tươi tắn còn hằn in hình rất rõ trên gương mặt chị. Quay mặt lại, thấy anh Một, chị đứng sững giây lát. Đợi anh đến gần, chị mới hỏi giọng mềm và ấm:

- Anh vẫn mạnh khỏe như xưa!

Anh Một cười rạng rỡ, khác với giọng đanh chắc thường ngày ở ban tham mưu. Bây giờ, trước một cô thôn nữ, giọng anh vui vẻ và câu nói cũng thật láu lỉnh trẻ trung như thời hai lăm, ba mươi vậy:

- Vẫn mạnh giỏi và vẫn nhớ đường về ngày xưa.

Chị trách yêu:

- Tưởng lạc đường rồi chớ.

Hai đứa trẻ cầm hai tay ông dẫn tới chiếc bàn dài đặt ở gian bên. Trên đỉnh bàn là một mâm cơm đậy lồng bàn cẩn thận. Hai chiếc ghế dài đặt hai bên.

Một đứa trẻ nói:

- Ngày mô, từ bữa nổ súng ở Huế đến chừ, mẹ con cũng nấu một mâm cơm chờ cậu. Bần nấu canh tôm nì, cá bống kho tộ nì, cà với mướp đắng xắt miếng chấm ruốc nì... mẹ con bảo đó là các thứ cậu mi thích ăn. Ngày mô cũng như ngày nấy, đợi tới chiều cậu không về mẹ con mới cho chúng con ăn. Mẹ nói: mẹ biết răng cậu mi cũng về.

Thân Trọng Một hỏi:

- Lỡ cậu không về thi răng?

- Con cũng nói với mẹ con rứa. Mẹ nói, nếu cậu không về mẹ sẽ cho cậu ba roi vào đít.

Cả lũ chúng tôi cười vui vẻ. Ồng Một hỏi:

- Roi mô cho cậu coi với?

Chị chủ nhà nguýt ông:

- Roi em đang cất trong buồng đó.

Vừa nói chị vừa mời chúng tôi ngồi, vừa mở lồng bàn mâm cơm. Đúng vẫn canh bần nấu tôm, cá bống kho tộ, cà và mướp đắng cắt lát để bên chén mắm ruốc. Tôi thầm nghĩ chắc hai người này thương nhau lắm, thuộc tính nhau lắm nên mới nhớ và chăm sóc nhau ân tình đến nhường này. Ngần ấy, anh không về bị ba roi là đáng rồi.

Chị ngồi đầu nồi bới cơm cho chúng tôi. Anh Một nói:

- Mình cũng ăn đi chứ?

Chị đáp:

- Được nhìn anh ăn là em no rồi.

Hai đứa gái nhỏ ngồi hai bên anh Một, chúng cùng ăn với ông. Chị chủ nhà không hề ăn. Chốc chốc lại ngắm nhìn anh Một. Đôi mắt không giấu nổi niềm vui thiết tha. Anh Một ăn ngon lành, như chưa bao giờ anh được ăn một bữa hợp khẩu vị như vậy. Anh đặt bát, chị nói:

- Nể em, ăn một chén cho em nữa đi.

Không đừng được, anh Một phải đưa chén, bốn mắt họ gặp nhau đầy tình tứ. Chúng tôi vui lên và cũng thèm có được không khí đầm ấm ấy.

Ăn xong, chị dọn dẹp, đem khăn mặt ướt lên tận nơi cho anh lau miệng, lau tay, ân cần như một người vợ thương chồng đi xa lâu ngày trở về.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #85 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 07:03:12 pm »

Điều bất ngờ nhất là, cơm xong, lũ trẻ méc anh:

- Cậu ơi, mẹ con có may áo cho cậu đó.

Chị mắng yêu con:

- Không đợi bọn bay phải hớt mồ.

Nói vậy, song chị mở cửa chiếc tủ đôi. Một bên xếp đồ, một bên treo quần áo. Chị lấy trong mắc áo ra ba tấm áo sơ mi đều màu xanh da trời mùa thu. Màu xanh ấy mà in xuống mặt biến thì nước biển dâng lên một màu xanh biếc diệu kỳ.

Chị cởi tấm áo lính cho anh rồi lần lượt mặc vào cho anh ba tấm áo. Tấm nào cũng vừa như in. Anh kéo vạt áo, so ống tay, xem vai khen:

- Vừa quá.

Chị tủm tỉm:

- Em vẫn nhớ số đo của anh mà.

Điều không thể không chú ý, là trên ngực trái mỗi tấm áo đều có một con thuyền mỏng mảnh với lá buồm như cánh chim. Màu áo ấy, cánh buồm trắng ấy như một con thuyền đang lướt nhẹ trên mặt biển biếc.

Chị giải thích với chúng tôi:

- Anh Một của các em trời sinh ra cái số lênh đênh giang hồ sông nước như cánh buồm ri không khác chi cả.

Nhìn cánh buồm, tôi ngờ ngợ một điều gì. Anh Một kéo tôi lại, chỉ vào con thuyền trên ngực áo, nói:

- Mi đã thấy chưa? Tau là cánh buồm giang hồ đây. Mi hãy nhìn kỹ xem cánh buồm với con thuyền mảnh mai này giống cái chi nào?

Không đợi tôi trả lời, anh nói tiếp:

- Giống con số 1.

Bày giờ thì tôi đã nhìn ra con số 1 hoàn toàn.

Anh nói:

- Chữ ký của tau mà mi hay thắc mắc đó. Con số 1 ấy là kỷ niệm của những cánh buồm ni đây.

Thật không thể ngờ thủ trưởng có nước da đen đủi giống như một ông nông dân chất phác kia mà lại là một người lãng mạn ngần ấy. Chả trách có nhà thơ đã nói rằng: “Chỉ có tình yêu là bao giờ cũng trẻ trung”. Xóa sạch đi hình dáng của con người chỉ lấy bốn con mắt kia nhìn nhau thiết tha, đố ai đoán ra được tuổi của họ. Nó trẻ trung, sôi nổi và quấn quýt biết bao.

Chị chủ nhà lấy thêm trong tủ ra một chiếc áo trắng bong, cùng cỡ ấy, cũng thêm trên ngực con thuyền một buồm, đưa cho anh thấy, mà không cho anh.

- Chiến tranh không thích màu áo trắng, cho nên em chỉ may cho anh những chiếc áo màu xanh. Còn chiếc áo trắng này em giữ, bao giờ hết chiến tranh, anh về, em sẽ mặc cho anh liền.

Chị treo lại chiếc áo trắng vào trong tủ, gấp ba chiếc áo xanh, cẩn thận đặt mỗi chiếc áo trong một túi ni lông trong suốt, rồi rất tự nhiên mở gùi của anh ra, trân trọng xếp ba chiếc áo xanh vào trong đó, như việc làm của những người vợ sắp sửa cho chồng chuẩn bị đi xa.

Mấy lần anh Một nhìn đồng hồ, nhưng rồi anh không thể nào đứng dậy nổi. Nhưng rồi hồi kết cuộc vẫn cứ phải đến. Chị rưng rưng nước mắt nghẹn lời chia tay anh. Chị cứ đứng đó, hai tay giữ hai đứa con nhìn theo mãi chúng tôi cho tới khi cây lá lối xóm che khuất. Anh Một hôn má hai đứa trẻ để chia tay và từ lúc đó đi mãi xa anh chẳng nói nổi một lời.

Ra khỏi làng Dương Xuân một quãng khá xa, tôi mới phá vỡ không khí im lặng nặng nề ấy:

- Chị ấy là người yêu cũ của anh.

Anh đáp:

- Ừ. Mối tình của thuở ban đầu. Nhưng ông trời không se cho. Đó là người đàn bà cực tốt trong đời tau. Tau không ước chi hơn. Vì vậy tau hận ông trời quá.

Tôi nói:

- Nhưng trái tim chị ấy vẫn mãi mãi thuộc về anh.

Anh cúi đầu, mải miết đi, không trả lời, coi như không hề nghe thấy câu hỏi của tôi.

Vũng Tàu 24-8-2002
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #86 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2020, 07:03:50 pm »

LỜI CUỐI SÁCH

Anh hùng Lực lượng vũ trang Thân Trọng Một là một trong những tấm gương sáng thể hiện rất rõ TƯ TƯỞNG CHIẾN TRANH NHÂN DÂN của Đảng ta ở Thừa Thiên Huế.

Từ một thanh niên nông thôn chưa biết chữ, nhưng khao khát độc lập, tự do, đã đứng vào đội ngũ bộ đội Cụ Hồ, và đã từng bước trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Những huyền thoại cuộc đời ông được nhân dân Thừa Thiên Huế yêu mến và ngưỡng vọng.

Tôi đã cố gắng ghi lại những gì được nghe, được thấy về ông. Tuy vậy, còn đây đó rải rác nhiều chuyện chưa được vinh dự gặp, hiện nó đang còn nằm trong ký ức ngưỡng vọng của nhân dân.

Với ý muốn hoàn chỉnh tập hồi ký này, tôi tha thiết đề nghị bạn đọc, và nhân dân Thừa Thiên Huế, ai còn biết những huyền thoại về ông mà chưa được gợi ý trong sách này, xin:

- Hãy viết lại và gửi về cho chúng tôi.

- Gọi chúng tôi về, kể lại để chúng tôi biên soạn đầy đủ theo lời kể.

- Giới thiệu những nhân chứng để chúng tôi tìm gặp.

Địa chỉ của tôi là:

Nguyễn Quang Hà
Hội VHNT Thừa Thiên Huế


Xin chân thành cảm ơn và đợi chờ.

Tác giả
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM