Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:16:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện kể về Trung tướng Nguyễn Bình  (Đọc 3935 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 08:00:40 am »

Ngay đêm 30 tháng 6 năm 1945, trong lúc anh Nguyễn Bình trực tiếp đi đánh Bí Chợ, thì anh cũng đã phái một đội du kích khác do anh Nguyễn Quý Đôn chỉ huy đánh chiếm đồn Nhật ở thị xã mỏ Uông Bí. Cùng một đêm đồng loạt tiến công hai trận đều thắng lớn.

Sau chiến thắng Bí Chợ về đến chiến khu, tôi mới biết Chiến khu Đông Triều được chính thức thành lập ngày 8 tháng 6 năm 1945, đó là một ngày đồng loạt tiến công hạ bốn đồn địch: đồn huyện Đông Triều, đồn huyện Chí Linh, đồn Tràng Bạch, đồn Mạo Khê và giải phóng hoàn toàn hai huyện Đông Triều, Chí Linh. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì đó là một kỳ tích, vừa đồng loạt tiến công một ngày bốn đồn, vừa đồng loạt chiến thắng. Mỗi chiến thắng có một cách đánh khác nhau gây cho địch những bất ngờ không tài nào ứng phó nổi.

Đồn Đông Triều ở ngay ngọn đồi huyện lỵ Đông Triều, có đội Hiền đồn trưởng theo Việt Minh. Trước ngày ta hạ đồn, đồn trưởng Hiền đã cho những cai và lính ác ôn đi phép. Vì vậy, ngày 8 tháng 6 năm 1945 anh Nguyễn Bình đưa một số du kích giương cao lá cờ đỏ sao vàng diễu qua phố huyện rồi lên đánh đồn, đồn trưởng Hiền đã sẵn sàng đưa quân ra hàng và nộp đồn.

Đồn Chí Linh thì anh Hải Thanh và anh Lê Hai vừa dùng áp lực võ trang của bọn phỉ tự xưng là Trung Việt du kích quân, vừa dùng uy thế Việt Minh kêu gọi đầu hàng. Lúc đầu địch chống cự với bọn phỉ, sau thấy Việt Minh kêu gọi hàng thì xin hàng. (Bọn phỉ này thực chất là phỉ, nhưng ta có thể một mặt hạn chế việc cướp bóc hại dân của chúng, một mặt khác có thể lợi dụng mặt tích cực của chúng là muốn đánh đồn địch cướp súng đạn, lương thực, tiền của. Như trong trận đánh đồn Chí Linh ta quy định cho chúng được lấy súng và lương thực của dồn, nhưng không được cướp của dân phố huyện Chí Linh).

Đồn Tràng Bạch thì anh Lê Phú đóng giả sĩ quan Nhật, anh Trần Cung đóng giả thông ngôn, đem quân đi tuần tra các đồn, bắt chỉ huy đồn mở cửa vào kiểm tra, rồi chiếm đồn, bắt sống toàn bộ.

Đồn Mạo Khê thì anh Nguyễn Văn Đài phụ trách Việt Minh ở đây huy động anh em công nhân mỏ than Mạo Khê biểu tình làm áp lực buộc chủ mỏ phải giao súng giao đồn cho công nhân.

Về đến chiến khu tôi mới được biết thêm một điều lạ lùng về anh Nguyễn Bình. Đúng ra anh là ủy viên kinh tế trong ban lãnh đạo chiến khu chứ không phải là ủy viên quân sự. Nhưng anh lại chỉ huy đánh giặc rất giỏi. Sau tìm hiểu tôi mới biết anh Nguyễn Bình vốn là cán bộ được Xứ ủy Bắc Kỳ phái về vùng Duyên Hải mua súng chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang. Vì vậy ban lãnh đạo chiến khu do các anh Trần Cung, Hải Thanh phụ trách phải phân công anh Nguyễn Bình làm ủy viên kinh tế để kiếm tiền mua súng cho Xứ ủy.

Nhưng anh Nguyễn Bình đã nhận sự phân công đó với một ý thức và phương sách độc đáo, nó rất thực tế và đã đem lại hiệu quả không ngờ. Anh cho rằng làm gì ra tiền mà mua súng cho đủ dùng. Phải lấy súng của địch trang bị cho ta.

Với quan điểm như vậy, anh tích cực dựa vào các cơ sở Việt Minh của các anh Trần Cung, Hải Thanh, Dương Chính, sư Tuệ, sư Lương, anh Bùi Đình Cầu, anh Nguyễn Văn Đài... đã gây dựng được ở các địa phương, để phát triển sâu vào binh lính địch và tìm cách lấy được rất nhiều súng địch bằng mọi cách, mang về chiến khu để từng bước xây dựng lực lượng nghĩa quân du kích Chiến khu Đông Triều.

Khởi đầu anh dựa vào cơ sở anh Lê Phú(1) để lấy một cách táo bạo hai khẩu đại liên Hốt-kít gắn trên chiến hạm Com-măng-đăng Buốc-đe. Lê Phú đã phát triển được hai thủy binh nữa vào Việt Minh là Hoàng Vinh và Hà Phượng Tiên. Theo chỉ thị và kế hoạch của anh Nguyễn Bình, các anh đã bí mật tháo gỡ hai khẩu đại liên Hốt-kít gắn trên chiến hạm, rồi chính anh Nguyễn Bình đã đưa thuyền đón cả người và súng về chiến khu Đông Triều. Khi đánh đồn Tràng Bạch, anh Lê Phú và anh Trần Cung đóng giả Nhật đã đem ngay khẩu đại liên Hốt-kít này đi để áp đảo tinh thần địch nên việc hạ đồn rất nhanh gọn.


(1) Đồng chí Lê Phú, đại đội trưởng đầu tiên của đại đội Ký Con đã viết trong bài “Nhớ ngày đi tìm Việt Minh gặp anh Dương Chính và Nguyễn Bình”
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 08:01:44 am »

Có trường hợp anh giao kế hoạch nhân mối trong đồn bảo an ở thị xã Kiến An, bí mật mở kho lấy bốn súng trường và đạn đưa qua tường cho anh cùng anh Dương Chính lấy chiếu bó lại, đèo xe đạp về Hải Phòng, sau đó chuyển lên chiến khu.

Có trường hợp nhân mối là cai đội, như cai Hà, thì anh tổ chức cho mang cả tiểu đội mười một người với đầy đủ súng đạn đi tập rồi về chiến khu luôn (anh Phan Mạnh Hà sau là tiểu đoàn trưởng của quân đội ta).

Còn chỗ nào không có nhân mối thì anh cho người của ta vào làm lính trong đồn rồi tổ chức diệt đồn. Như trường hợp của tôi ở đồn Bí Chợ.

Nói chung, anh Nguyễn Bình không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào có thể lấy súng địch, dù nguy hiểm khó khăn. Nhưng phương sách phổ biến nhất là anh tìm cách hạ các đồn địch, vì cách này lấy được nhiều súng, nhiều đạn, như đồng loạt tiến công bốn đồn ngày 8 tháng 6 năm 1945 là ngày thành lập chiến khu, đồng loạt tiến công hai đồn Bí Chợ, Uông Bí.

Vì quan điểm và cách làm đúng đắn, tích cực, lại có lòng dũng cảm gan dạ, sẵn sàng đến bất cứ nơi nào cần đến để vận động, tổ chức, tác chiến nên chỉ trong vòng ba tháng mà lực lượng vũ trang Chiến khu Đông Triều vùn vụt phát triển.

Hồi đó đương là cao trào cách mạng của Đảng, lòng dân hướng về phong trào Việt Minh do Đảng lãnh đạo, nên những mầm non cách mạng như tôi có rất nhiều trong học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân. Nhờ quan điểm và tác phong cách mạng đúng đắn, anh Nguyễn Bình đã làm cho những mầm non đó. có cơ hội phát triển theo từng khả năng, góp phần đắc lực vào việc phát triển và mở rộng Chiến khu Đông Triều rất nhanh chóng.

Vì vậy tuy về danh nghĩa anh là ủy viên kinh tế không phải là ủy viên quân sự, nhưng trong thâm tâm và trong thực tế hành động, anh em nghĩa quân Chiến khu Đông Triều đều coi anh là người chỉ huy quân sự cao nhất và tài giỏi nhất của chiến khu. Điều đó không có gì là quá đáng, đó là sự sắc phong của quần chúng nhân dân căn cứ vào thực tế hành động và kết quả hành động của anh đối với chiến khu.

Trong thời gian đầu thành lập chiến khu, quân Nhật ba lần đem quân càn quét vào các ngày 10, 15 và 16 tháng 6. Các anh cho quân rút lên chùa Ngọa Vân trên núi cao hiểm trở để chống càn. Do có phòng bị nên không bị tổn thất gì. Quân Nhật thấy quân phỉ ở Bắc Nồi, tưởng đó là đại bản doanh của Việt Minh, liền tổ chức tiến công đã gây thiệt hại nặng nề cho quân phỉ, trong đó có chánh tướng phỉ Lương Sâm bị tử trận.

Về chiến khu được ít lâu, chúng tôi được lệnh đi đánh tỉnh lỵ Quảng Yên. Những trận chiến thắng đồng loạt vang dội và liên tiếp của Chiến khu Đông Triều đã làm dao động tỉnh trưởng Quảng Yên Nguyễn Ngọc Thanh. Y ngỏ ý xin gặp anh Nguyễn Bình để giao nộp chính quyền tỉnh Quảng Yên cho chiến khu.

Ban lãnh đạo chiến khu, anh Trần Cung, anh Hài Thanh, anh Nguyên Bình họp bàn và quyết định huy động lực lượng đi đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên.

Từng đơn vị được phân công các mục tiêu phải đánh chiếm trong tỉnh lỵ, như đồn bảo an, dinh tỉnh trưởng, bưu điện, kho bạc... Ngoài ra có lực lượng bố trí chặn viện binh của Nhật từ Hải Phòng đến, từ Hòn Gai về.

Mười chín giờ ngày 20 tháng 7 năm 1945, quân ta tiến vào đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Tôi chỉ huy một tiểu đội Ký Con, theo lệnh anh Nguyễn Bình vào đánh chiếm dinh tỉnh trưởng. Đến nơi, tỉnh trưởng đã áo quần chỉnh tề giao quân, giao súng cho chúng tôi. Hướng đồn bảo an cũng có súng đì đẹt nổ một lúc rồi im. Thị xã tỉnh lỵ Quảng Yên chỉ trong thời gian ngắn đã thuộc về ta hoàn toàn. Ta thu được 500 khẩu súng và nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng.

Anh Lê Phú cũng chỉ huy một bộ phận đơn vị Ký Con đi phục kích đánh viện binh Nhật từ Hải Phòng sang. Thấy không có viện binh đến, anh cho quân tiến vào huyện ly Yên Hưng chiếm huyện lỵ và tước vũ khí đồn huyện.

Ngày 22 tháng 7 năm 1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở sân vận động Quảng Yên. Hàng nghìn người dân trong tỉnh lỵ và các xã lân cận giương cao cờ đỏ sao vàng hân hoan đến dự. Anh Nguyễn Bình đứng lên giải thích đường lối, chủ trương chính sách của Việt Minh và khuyên nhân dân yên ổn làm ăn, các công chức cứ ở nguyên công sở làm việc.

Ngay tối hôm sau, một tàu chiến Pháp đi qua bến thị xã Quảng Yên, bắn vớt vát mấy tràng trọng liên 12,7 nổ ầm ĩ, đạn lửa đan nhằng nhịt bầu trời thị xã Quảng Yên, một lúc rồi bỏ chạy.

Đánh chiếm thị xã tỉnh lỵ Quảng Yên là thành tích to lớn nhất, nổi bật nhất của Chiến khu Đông Triều. Đây là tỉnh lỵ duy nhất ở miền Bắc được giải phóng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 08:04:55 am »

*
*   *

Tình hình thế giới đã có những bước ngoặt quan trọng. Ngày 14 tháng 8 năm 1945 Nhật hoàng công bố đầu hàng Liên Xô và Đồng minh.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, anh Nguyễn Bình đi ca nô đến huyện Thủy Nguyên gặp ông Vũ Trọng Khánh, thị trưởng thành phố Hải Phòng. Cuộc gặp gỡ này do sư Lương phụ trách Việt Minh vùng này, thông qua tri phủ Thủy Nguyên Nguyễn Quang Tạo, bắt mối với ông Vũ Trọng Khánh, vì ông Vũ Trọng Khánh là người có cảm tình với Việt Minh. Trong cuộc gặp gỡ này, ông Vũ Trọng Khánh đề nghị anh Nguyễn Bình tìm cách hỗ trợ để ngăn không cho quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng, vì đã có hai tàu chiến Pháp, tàu Cờ-ray-xắc và tàu Phờ-rê-đun của tàn quân Pháp (sau ngày Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945) trốn sang Bắc Hải Trung Quốc, nay quay về đậu gần cảng Hải Phòng.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Thủ đô Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Nhưng Ban khởi nghĩa Hải Phòng chưa thành lập vì Thành ủy Hải Phòng nhiều lần bị khủng bố chưa khôi phục lại được. Ngày 20 tháng 8 năm 1945, Xứ ủy cử anh Vũ Quốc Uy cấp tốc xuống Hải Phòng tổ chức khởi nghĩa. Vì đường 5 bị lụt nặng nên đêm ngày 21 tháng 8 năm 1945 anh Vũ Quốc Uy mới họp được với các đồng chí Hải Phòng, quyết định ngày 23 tháng 8 năm 1945 khởi nghĩa. Đồng thời liên lạc với ông Vũ Trọng Khánh thị trưởng Hải Phòng, để ông Khánh thông báo cho Bộ tư lệnh Nhật ở Hải Phòng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Hải Phòng.

Lực lượng vũ trang Chiến khu Đông Triều chia làm hai cánh kéo về Hải Phòng, một cánh do anh Hải Thanh chỉ huy từ Đông Triều về theo đường 5, một cánh do anh Nguyễn Bình chỉ huy theo đường thủy từ Quảng Yên về đổ bộ lên.

Mười giờ ngày 23 tháng 8 năm 1945 một cuộc mít tinh khổng lồ được tổ chức ở Nhà hát lớn Hải Phòng. Anh Vũ Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật và công bố thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời Hải Phòng do anh Vũ Quốc Uy làm chủ tịch.

Sau đó là một cuộc tuần hành thị uy của hơn mười ngàn người, đi đầu là các lực lượng vũ trang. Anh Nguyễn Bình dẫn đầu đoàn biểu tình tay giơ cao thanh kiếm Nhật để đáp lại sự hoan hô nhiệt liệt của nhân dân Hải Phòng.

Con người vốn giản dị, quần nâu vải hôm nay được anh em kịp trang bị cho bộ ga-ba-đín ủng da, mũ kê-pi, tuy chắp vá song vẫn toát lẽn cốt cách “vị tướng” dẫn đầu đội quân cách mạng lần đầu tiên xuất hiện công khai trước nhân dân thành phố Hải Phòng cũng như nhân dân vùng Duyên Hải Bắc Bộ.

Trong suốt cuộc diễu hành kéo dài hàng mấy giờ liền, anh Nguyễn Bình luôn luôn nâng cao thanh kiếm tuốt trần, đốc kiếm ngang tầm mắt, mũi kiếm chọc thẳng lên trời để chào nhân dân thành phố. Khống biết sức mạnh nào đã giúp anh nâng kiếm nghiêm trang như vậy trong suốt cuộc diễu hành. Có lẽ đó là sức mạnh của tấm lòng anh hòa cùng niềm vui chung lớn lao của nhân dân thành phố Cảng vừa mới được độc lập tự do sau nhiều nãm dài sống trong vòng nô lệ tủi nhục của người dân mất nước.

Đi sau anh Nguyễn Bình là trung đội Ký Con quần áo đồng phục, mũ sắt, dép da, súng trường, bao đạn ngang lưng đầy đủ. Tôi đi đầu tiểu đội ngay sau anh Lê Phú và anh Nguyễn Bình, vai khoác khẩu Thôm-xơn băng tròn, lòng tràn đầy xúc động.

Những tiếng “Hoan hô Việt Minh! Hoan hô Việt Minh!” từ hai bên đường không lúc nào ngớt.

Tôi vô cùng sung sướng được đi trên những con đường quen thuộc thân thương của quê hương Hải Phòng với một tư thế hoàn toàn khác hẳn, tư thế người dân độc lập.

Khởi nghĩa Hải Phòng xong, Trung ương thành lập Ủy ban quân sự miền Duyên Hải, mà sau quen gọi tắt là Chiến khu Duyên Hải. Anh Nguyễn Bình được chỉ định làm chỉ huy trưởng và anh Lê Quang Hòa làm chính trị đặc phái viên. Đơn vị Ký Con tuyển thêm thanh niên Hải Phòng phát triển thành một đại đội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 08:06:04 am »

Sau Cách mạng tháng Tám, công việc các tỉnh trong Chiến khu Duyên Hải rất bề bộn mà chủ yếu và quan trọng hơn cả là nhiệm vụ giữ vững và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Bị uy hiếp gay gắt nhất lúc bấy giờ là chính quyền cách mạng ở thị xã mỏ Hòn Gai. Bởi vì một hải đội tàu chiến của Pháp hồi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945 đã bỏ chạy sang Bắc Hải, Trung Quốc nay lại quay về vùng biển Hạ Long, lăm le đổ bộ lên thị xã Hòn Gai; bọn Việt Cách đã công khai vào lập trụ sở ở thị xã Hòn Gai, công nhiên kéo cờ Việt Cách, chỉ chờ quân Tưởng Giới Thạch vào tước khí giới quân Nhật, là cướp lấy chính quyền; bọn thổ phỉ núp dưới mọi danh nghĩa kéo về, gặp ta thì gọi là “tồng chí”, nhưng luôn rình sơ hở là cướp của cải của nhân dân và còn hòng cướp chính quyền. Tình hình tựa ngàn cân treo sợi tóc.

Đại đội Hoàng Hoa Thám cùng các anh Đoàn Phụng, Nguyễn Chất và các chị Lê Thị Bích, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Ngọc Khanh được cử ra Hòn Gai hỗ trợ chính quyền địa phương, nhưng chưa đủ. Trước tình hình đó, anh Nguyễn Bình quyết định điều thêm đại đội Ký Con ra tăng cường cho Hòn Gai. Chiều ngày 5 tháng 9 năm 1945, đại đội Ký Con ra bến sông lên tàu di Hòn Gai. Anh Nguyễn Bình đã có mặt trước ở bến tàu dể kiểm tra và dặn dò đại đội những điều cần chú ý trong khi làm nhiệm vụ ở Hòn Gai. Anh còn nhắc nhở mọi người phải giữ gìn tốt trang bị vũ khí. Khi chúng tôi xuống tàu anh còn đứng trông theo mái, khi tàu rời bến, anh mới quay về.

Sáng sớm ngày 6 tháng 9 năm 1945, tàu đến Hòn Gai. Đại đội Ký Con chúng tôi vừa đổ bộ lên thị xã, được chính quyền cách mạng Hòn Gai mời vào khách sạn mỏ (Hotel des Mines) ăn lót dạ. Các thứ vừa dọn ra chưa kịp ăn, đã có tin báo một tàu chiến Pháp đang tiến vào bên Hòn Gai. Anh Lê Phú, đại đội trưởng ra lệnh cho đơn vị lập tức lên đường. Bộ phận xuống tàu Giao Chỉ và tàu Bạch Đằng vòng ra đón đánh địch từ phía sau. Còn anh cùng tiểu đội tôi mượn một chiếc ca nô chở khách của dân, đi thẳng đến tàu chiến Pháp. Đến gần mới thấy rõ đó là tàu Cờ-ray-xắc. Địch đã sẵn sàng với những tràng đạn trọng liên 12,7 vàng chóe, đầu đạn đủ màu.

Anh Lê Phú lệnh cho ca nô ta áp sát mạn tàu chiến địch, địch thấy thế đẩy ca nô ta ra xa. Ca nô ta lại phải quay vòng trở lại và áp sát mạn tàu địch lần thứ hai. Địch lại đẩy ra, ta cố giữ lại. Tôi chớp cơ hội bám vào lan can tàu địch nhảy vọt sang và hô to:

- Hô lê manh! (giơ tay lên!).

Địch thấy trong tay tôi có khẩu tiểu liên Mỹ Thôm-xơn băng tròn 50 viên, nên vội vã rời cò súng giơ tay, vì nòng các loại súng cỡ lớn cố định của địch lúc này đều quay ra ngoài phía tàu Bạch Đằng và Giao Chỉ, còn nòng khẩu tiểu liên linh hoạt của tôi lại đương nhằm vào lưng chúng. Gần như cùng lúc Lê Phú và một số anh em nhảy sang tiếp. Tôi hô như ra lệnh bằng tiếng Pháp: “Tất cả những người Âu sang tàu bên kia”. Vừa hô tôi vừa hất đầu sang phía ca nô của ta. Bọn lính Pháp rào rào nhảy sang, mặc cho tên đại úy thuyền trưởng Pháp hét lên: “Không, không”.

Cuối cùng chỉ còn một đại úy Pháp và một trung úy Mỹ cũng bắt buộc phải bước sang ca nô ta với bộ mặt thiểu não rất nực cười.

Chúng tôi đã hoàn toàn chiếm được chiếc tàu chiến cỡ nhỏ của địch, tàu Cờ-ray-xắc. Trên tàu có một tiểu pháo 37 ly, 2 trọng liên 12,7 ly, 3 đại liên Hốt-kít, 2 đại liên Bờ-rô-ninh Mỹ, nhiều trung liên, súng trường và 2 điện đài. Đồng thời chúng tôi lại giải thoát được cho đoàn thủy binh Việt Nam bị bọn Pháp nhốt dưới hầm tàu. Chả là chúng đề phòng nội loạn khi bị ta tấn công.

Anh Lê Hai xuống buồng thuyền trưởng và điện đài thấy có bức điện: “Sommes attaqués par remo rqueurs. Prévenir Frézoul au secours” (Chúng tôi bị những tàu kéo tấn công. Báo cho tàu Phờ-rê-đun đến cứu). Không biết bức điện này, chúng đã chuyển đi được chưa. Khi đọc quyển nhật ký của tàu, anh Lê Hai cũng phát hiện được là chiếc tàu này đã qua bến Quảng Yên sau ngày ta giải phóng Quảng Yên và chính nó đã bắn đạn lửa 12,7 ly lên thị xã Quảng Yên.

Được tin chúng tôi chiếm được tàu chiến địch, anh Nguyễn Bình ra thăm. Anh lệnh cho xưởng cơ khí mỏ than Hòn Gai gỡ tên tàu Cờ-ray-xắc và thay vào đó tên Ký Con bằng đồng thau sáng loáng gắn ở hai bên mũi tàu và đuôi tàu. Đó là niềm vinh dự của đại đội Ký Con, được lấy tên đại đội đặt tên cho chiếc tàu chiến đầu tiên của quân đội cách mạng ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 08:07:27 am »

Tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy tàu Ký Con, có một tiểu đội của đại đội Ký Con và đội thủy binh người Việt Nam vừa được giải phóng. Đội thủy binh này giúp chúng tôi rất đắc lực trong việc điều khiển thành thạo con tàu cũng như việc sử dụng các loại súng trên tàu.

Vài ngày sau, chúng tôi phát hiện tàu Ô-đa-xi-ơ đang lảng vảng ngoài khơi vịnh Hạ Long. Tôi lệnh cho tàu Ký Con nổ máy đuổi đánh. Tàu Ô-đa-xi-ơ vốn là một tàu buồm gắn hai máy tàu, tuy có trang bị súng ống điện đài nhưng nó vẫn không thể đọ được với tàu Ký Con kể cả về tốc độ và hỏa lực. Tôi nhắc anh em sẵn sàng chiến đấu. Thấy tàu Ký Con tới gần lại cắm cờ đỏ sao vàng, tàu Ô-đa-xi-ơ liền bỏ chạy. Tôi lệnh cho tàu Ký Con tăng tốc độ đuổi theo. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đuổi kịp tàu Ô-đa-xi-ơ. Hỏa lực tàu Ký Con thừa sức bắn chìm Ô-đa-xi-ơ. Có anh em đã đề nghị tôi như vậy. Nhưng tôi chủ trương bắt sống vì tin rằng chúng không dám chống cự. Quả nhiên, khi tàu Ký Con chỉ còn cách tàu Ô-đa-xi-ơ khoảng ba trăm mét, chúng tôi đã thấy cờ trắng bên tàu Ô-đa-xi-ơ vẫy rối rít xin đầu hàng. Áp sát được vào tàu Ô-đa-xi-ơ, tôi cùng một số anh em xách súng nhảy sang. Tất cả trên tàu chỉ có tám người gồm năm Pháp, hai Việt và một người Hoa.

Chúng tôi thu được khá nhiều đạn, lương thực, thực phẩm trong đó có nhiều thịt hộp Mỹ. Còn súng và điện đài, trước khi giương cờ trắng đầu hàng, bọn Pháp đã kịp ném xuống biển, chúng tôi chỉ vớt được mỗi khẩu ba-dô-ca Mỹ. Theo lời khai của tên thuyền trưởng thì y đã kịp đánh điện cấp báo lên cấp trên và đã nhận lệnh phải đánh đắm tàu phi tang, nhưng chưa kịp thi hành đã bị bắt.

Thế là chỉ trong bốn ngày, đại đội Ký Con chúng tôi đã đánh bắt được một nửa hải đội của tàn quân Pháp ở vùng Duyên Hải Bắc Bộ. Chúng có bốn chiếc: Cờ-ray-xắc, Phờ-rê-đun, Ô-đa-xi-ơ và Blu-boớc. Từ đó không thấy hai tàu còn lại của hải đội Pháp bén mảng tới vịnh Hạ Long nữa.

Anh Nguyễn Bình lại ra lệnh gỡ bỏ tên tàu Ô-đa-xi-ơ và thay vào đó tên Bùi Văn Sinh (tên đầy đủ của tôi) cũng bằng đồng thau sáng loáng. Tôi vô cùng cảm động, tự thấy công lao của mình còn nhỏ bé thôi, chưa xứng với sự tôn vinh như vậy. Nhưng tôi hiểu phong cách và tấm lòng của anh Nguyễn Bình. Anh không bao giờ bỏ sót công lao của cấp dưới mà luôn luôn khích lệ tưởng thưởng phát huy tinh thần không ngừng vươn lên phía trước.

*
*   *

Một hôm anh Lê Phú đến báo cho tôi biết, là có một phái đoàn Mỹ đến Hòn Gai đòi lại tàu Cờ-ray-xắc tức là tàu Ký Con. Họ nói đó là tàu của Đồng minh chứ không phải tàu của Pháp. Lãnh đạo của ta ở Hòn Gai cũng đồng ý trao trả lại cho phái đoàn Mỹ. Tôi cãi:

- Cờ-ray-xắc rõ ràng là tàu Pháp, không phải tàu của Đồng minh, vì trên tàu chỉ có một trung úy Mỹ còn toàn là người Pháp và người Việt. Thuyền trưởng là người Pháp. Tàu treo cờ Pháp. Nó xâm phạm hải phận ta thì ta phải bắt. Sao bây giờ lại gọi là tàu Đồng minh. Họ đánh lừa mình để đòi tàu cho Pháp mà thôi. Đề nghị anh cứ về báo cáo với lãnh đạo rằng ngoài khơi đang có hải phỉ hoạt động, tàu Ký Con đang đi tiễu phỉ.

Anh Lê Phú đồng ý, quay về. Tôi lệnh cho tàu Ký Con nổ máy ra khơi, tới đỗ sau một ngọn núi đảo trong vịnh Hạ Long, thả neo chờ động tĩnh. Đến chiều, tôi cho tàu quay về bến Hòn Gai. Tôi lặng lẽ lên bờ, thủng thẳng đi hỏi tình hình thì được biết phái đoàn Mỹ chờ mãi không thấy tàu Cờ-ray-xắc về, đã đưa tên trung úy Mỹ về Hà Nội. Từ đó cũng không thấy chúng đến đòi tàu lần nào nữa.

Quả nhiên, sau này tôi được biết chính phái đoàn Pháp ở Hà Nội đã nhờ Mỹ lấy danh nghĩa Đồng minh đòi tàu cho họ. Tôi nhớ là khi đánh bắt được tàu Cờ-ray-xắc, chúng tôi chỉ thấy một lá cờ Mỹ đang may dở còn thiếu khá nhiều sao. Hẳn là bọn tàn quân Pháp định núp dưới cờ Mỹ dể lọt vào vịnh Hạ Long. Khốn thay chưa may kịp cờ Mỹ, nên vẫn phải treo cờ Pháp. Thì ra đế quốc Mỹ đã cố kết với thực dân Pháp nhòm ngó Đông Dương ngay từ ngày đó.

May sao cấp trên rất sáng suốt đã không khiển trách việc không nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của tôi. Anh Nguyễn Bình cũng bảo: “Đồng minh gì? Ai còn lạ cái hải đội của Pháp bị Nhật đuổi chay tuốt sang Bắc Hải vừa nghe tin Nhật đầu hàng lập tức mò về định dây máu ăn phần”.

Thế là chúng tôi vẫn giữ được tàu Ký Con một cách êm thấm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2020, 06:51:58 am »

*
*   *

Vài hôm sau đại đội trưởng Lê Phú lại đến tàu Ký Con. Anh nói:

- Bọn lãnh đạo Việt Cách đã được đưa vào một cơ quan của ta. Vào để chờ gặp anh Nguyễn Bình tiến hành đàm phán gì đó. Anh Nguyễn Bình hoàn toàn không có ý định đàm phán với chúng. Bởi vì bọn này chẳng có ý đồ tốt gì đâu. Hiện chúng có khoảng một tiểu đoàn quân đang từ Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ về Hòn Gai, định dựa vào thế quân của tướng Lư Hán bên Tàu sắp sang giải giáp quân Nhật để chiếm đoạt chính quyền của ta ở Hòn Gai. Vì thế trước mắt, anh giao cho chúng ta có nhiệm vụ phải tước vũ khí của bọn chỉ huy Việt Cách này. Sau đó, anh sẽ thuyết phục chúng về đầu hàng Chính phủ. Cậu cho ngay một nửa tiểu đội lên bờ phối hợp làm nhiệm vụ.

Tất cả chúng tôi, súng cầm tay, đến thẳng nơi bọn lãnh đạo Việt Cách vây chặt cửa ra vào và các cửa sổ. Anh Lê Phú nhẹ nhàng ra lệnh cho chúng bỏ vũ khí. Bọn chúng tỏ ra lần chần chưa chịu. Tôi liền quát:

- Bỏ súng xuống!

Hẳn rằng chúng nhìn thấy khẩu tiểu liên Thôm-xơn băng tròn lăm lăm trong tay tôi sẵn sàng nhả đạn, lại nhìn thấy bộ mặt sát khí đằng đằng của tôi nên đứa nào đứa nấy vội vàng đặt vũ khí xuống bàn. Chúng tôi thu hết vũ khí lại. Sau đó anh Lê Phú ôn tồn nói:

- Chỉ huy trưởng Nguyễn Bình sẽ gặp và mời cơm các anh. Sau đó sẽ bàn bạc công việc tiếp theo.

Quả thật anh Nguyễn Bình đã tổ chức đãi cơm bọn này nhưng không phải để đàm phán mà để thuyết phục chúng về đầu hàng. Tình huống lúc đầu diễn ra không phải trôi chảy ngay. Bởi vì tiểu đoàn quân Việt Cách, chỗ dựa cho bọn chỉ huy vẫn đang tiến vào Hòn Gai bằng đường bộ và đường thủy. Anh Nguyễn Bình lệnh cho tôi trở về tàu Ký Con và đưa ngay tàu đi đón đánh cánh quân Việt Cách vào Hòn Gai bằng đường biển. Chạy tới phía bờ biển Cọc Năm thì tàu Ký Con gặp ba thuyền chở đầy quân Việt Cách. Chúng tôi định bắt sống cả bọn. Nhưng bọn chúng ranh ma rẽ vào vùng nước cạn khiến tàu Ký Con không thể đuổi áp sát được. Tôi lệnh cho pháo 37 ly cùng trọng liên, đại liên đồng loạt bắn. Bọn chúng nhốn nháo nhảy cả xuống biển đồng thời phất cờ trắng đầu hàng. Tôi ra lệnh ngừng bắn. Chúng biết rõ tàu chúng tôi không thể tiếp cận được nên lợi dụng thời gian ngừng bắn nhanh chóng cho thuyền lẩn vào dãy núi đá để tránh đạn.

Bọn lãnh đạo Việt Cách lập tức được thông báo về trận đánh này. Còn đám quân thất trận thì được thông báo về những người lãnh đạo của chúng đang tiếp nhận kế hoạch về với Chính phủ. Kết quả công việc thuyết phục của anh Nguyễn Bình đối với bọn chỉ huy đã làm cho cả tiểu đoàn này quy phục ta, theo lệnh anh xuống tàu của ta về Hải Phòng.

Dẹp xong quân Việt Cách, chỉ vài ngày sau, chúng tôi được tin quân phỉ đang tràn vào thị xã Hòn Gai cướp phá. Tôi được lệnh đưa tiểu đội Ký Con lên bờ để cùng với đại đội và đơn vị Đề Thám của anh Phan Mạnh Hà đi dẹp phỉ.

Tôi vác khẩu trung liên Pháp kiểu 24-29 cùng một nửa tiểu đội tiến vào đường phố thị xã thì chạm trán với một toán phỉ đang cầm súng đi lại nghênh ngang giữa phố. Chúng tôi vừa định nổ súng thì thấy từ phía bọn phỉ có tiếng nói lớn:

- Tồng chí, từng pắn, từng pắn, tang tàm phán (đồng chí, đừng bắn, đừng bắn, đang đàm phán).

Tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì, nhưng thấy thái độ ôn hòa của bọn phỉ, nên không ra lệnh bắn. Chúng tôi vẫn trong tư thế chiến đấu, tiến lên mặt đối mặt với bọn phỉ gần như có thể chạm tay nhau. Bỗng có tiếng người của ta từ trong phố hô lớn:

- Đàm phán thất bại, các đồng chí nổ súng.

Tôi vội hô bắn. Anh em ta chưa kịp nổ súng thì bọn phỉ chạy dạt ngay vào mấy nhà dân gần đó, đóng chặt cửa lại rồi từ trong nhà bắn ra qua những cánh cửa sổ. Bọn phỉ đã xử trí nhanh hơn ta. Trong khi hô bắn thì đồng thời tôi cũng bóp cò khẩu trung liên. Nhưng thật đáng tiếc, khẩu trung liên bị hóc đạn, không nổ. Tôi vội nói với anh Lê Hai đưa cho tôi băng đạn khác để thay nhưng đã quá chậm. Chỉ còn cách từ ngoài bắn vào trong nhà qua các cánh cửa. Hai bên bắn nhau một lúc thì anh Khuê, một chiến sĩ trong tiểu đội ném một quả lựu đạn phá tung được cửa ra vào của một căn nhà có nhiều súng của phỉ bắn ra. Anh em ta xông vào. Không còn thấy tăm hơi một tên phỉ nào, kể cả ở các nhà lân cận. Bọn chúng đã nhanh chóng trèo qua tường, ra phía sau nhà, lùi lên núi ngay cạnh phố. Không biết chúng bị thương vong thế nào, chỉ thấy một số vết máu và nhặt được hai khẩu súng kíp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2020, 06:52:40 am »

Bọn phỉ trong toàn thị xã bị các lực lượng của ta tiến đánh diệt một số và bắt sống sáu tên. Bọn còn lại chạy hết lên núi. Có thể coi đây là một thành tích khá, vì đánh phỉ không khó nhưng diệt và bắt sống được phỉ thì khó.

Sau trận đánh, các đồng chí lãnh đạo thị xã Hòn Gai mời nhân dân đến tập trung ở sân bóng rồi cho giải sáu tên phỉ bị bắt đến để hỏi ý kiến nhân dân xem nên xử trí thế nào. Nhân dân Hòn Gai đã bị thổ phỉ cướp phá, quấy nhiễu nhiều lần nên đều phẫn nộ, đồng thanh đòi xử bắn.

Sau trận này, bọn phỉ không dám quay trở lại thị xã Hòn Gai quấy nhiễu nữa.

Mọi hiểm họa đã dẹp xong, gánh nặng đè trĩu lên vai chính quyền cách mạng non trẻ Hòn Gai vừa trút được xuống, thì quân Tưởng kéo theo đường bộ cũng vừa đến Hòn Gai. Chúng theo lệnh Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, đã đi bộ từ biên giới Trung Quốc đến thị xã Hòn Gai. Chấp hành chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt - Hoa thân thiện, tránh xung đột với quân Tưởng, Ban lãnh đạo Hòn Gai đá chuẩn bị đón tiếp đội quân này một cách chu đáo. Nhưng chúng trắng trợn đòi quân ta phải rút hết khỏi thị xã Hòn Gai, để chúng toàn quyền sử dụng Hòn Gai đóng quân.

Trong khi các đại diện quân Tưởng và ban lãnh đạo Hòn Gai bàn bạc chưa ngã ngũ thì chúng vừa dàn quân chiếm các ngọn núi cao ngay sát thị xã Hòn Gai, vừa cho quân tràn vào thị xã. Quân ta ngăn lại bằng lý lẽ, bằng thanh chắn ngang đường và bằng sức người nhưng không ngăn nổi, mà còn bị chúng nổ súng một cách ngang ngược. Bộ đội ta buộc phải đánh trả. Cuộc xung đột giữa quân Tưởng và quân ta cứ thế diễn ra, cứ thế lan rộng, không còn cách gì ngăn chặn lại được nữa.

Địch ưu thế hơn ta do đã chiếm được các đỉnh núi cao cạnh thị xã, quân đông súng nhiều. Quân ta có đại đội Hoàng Hoa Thám do anh Phan Mạnh Hà làm đại đội trưởng đóng trên đồn cao, đại đội Ký Con đóng ở nhà chủ mỏ Méc-xếch gần khách sạn mỏ nhanh chóng rải quân xuống thị xã Hòn Gai, chiếm giữ các vị trí dọc thị xã chống cự lại. Cùng chiến đấu còn có đội tự vệ của thị xã Hòn Gai.

Mặc dù có sự chênh lệch về so sánh lực lượng và bất lợi về địa hình, quân ta vẫn chiến đấu rất ngoan cường, đánh đã mấy ngày mà quân địch không lọt vào được thị xã. Có lúc quân ta hết đạn và lựu đạn đã được các cháu thiếu niên, khi đem quà bánh lên bán cho chúng thì lặng lẽ tìm đến các xác địch nằm rải rác, móc lấy đạn và lựu đạn về tiếp tế cho chúng tôi.

Tàu Ký Con cũng kịp thời tham chiến, hỗ trợ các lực lượng chiến đấu trên bờ. Qua ống nhòm, chúng tôi phát hiện ra những ổ hỏa lực quan trọng của địch trên các mỏm núi và sườn núi cao khống chế toàn bộ thị xã Hòn Gai. Tàu Ký Con tập trung hỏa lực pháo 37 ly và hai khẩu trọng liên 12,7 ly bắn vào từng ổ hỏa lực địch.

Bị tàu Ký Con bắn mạnh, bọn địch trên núi phải di chuyển những ổ hỏa lực quan trọng sang sườn núi phía sau. Do đó hỏa lực trên núi của chúng không thể bắn trực tiếp xuống thị xã Hòn Gai được nữa. Và như vậy cũng có nghĩa là sức tiến công của quân địch từ trên núi cao xuống thị xã đã bị giảm đi nhiều. Nhưng chúng lại tập trung hỏa lực liên thanh bắn vào tàu Ký Con. Đạn lửa đỏ lừ bao quanh tàu, có những viên đập vào vỏ tàu gây nên những tiếng kêu chát chúa. Nhưng mọi người trên tàu vẫn bình tĩnh ở các vị trí chiến đấu, và tôi mũ sắt Nhật trên đầu, ống nhòm trước ngực, bình tĩnh đứng ở vị trí chỉ huy trên tàu, lệnh cho anh em bắn giữa những làn đạn địch, lệnh cho tàu khi tiến khi lui để tránh đạn.

Đến ngày xung đột thứ hai, anh Lê Phú lệnh cho tôi đưa một bộ phận lực lượng từ tàu lên bờ và trực tiếp chỉ huy trung đội dự bị để ứng phó với quân Tưởng đang tập trung lực lượng tiến công về phía khách sạn mỏ, nơi mà Ban chỉ đạo Hòn Gai dùng làm sở chỉ huy. Lúc đó, lực lượng địch từ đỉnh núi đang tiến về phía khách sạn mỏ mà lực lượng ta không biết đã rút đi đâu mất. Tôi đưa ngay trung đội dự bị tiến lên phía sau khách sạn, chiếm một ngọn đồi thấp và triển khai lực lượng chiến đấu ngăn chặn địch. Địch ở vị trí cao hơn chủ động tiến công, còn chúng tôi ở vị trí thấp lại đang bị động đối phó, nên ngay cuộc chạm súng đầu tiên, chúng tôi đã có mấy đồng chí bị thương. Nhưng anh em cũng nhanh chóng mỗi người tự tìm được một vị trí thuận lợi để đánh lại quân địch, chặn cuộc tiến công của chúng. Quân địch không tiến được nữa. Chúng dùng hỏa lực bắn như mưa vào trận địa của chúng tôi rồi rút lui để lại một bộ phận yểm trợ bắn mạnh về phía ta. Tôi cũng cho trung đội rút về khách sạn nghỉ ngơi và băng bó cho anh em bị thương. Riêng tôi vẫn nấp sau một tảng đá với khẩu tiểu liên Mỹ Thôm-xơn trong tay, yểm trợ trận địa, vì ngay sau tôi, cô y tá Trần Thị Tuyết vẫn đang băng bó cho một chiến sĩ bị thương rất nặng còn nằm đó. Chỉ đến khi cô y tá khóc nấc lên nói: “Anh ấy hy sinh rồi” tôi mới buồn rầu bảo cô y tá về khách sạn nói anh em lên khiêng về.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2020, 06:53:28 am »

Rút về đến khách sạn mỏ, chợt nghe thấy chuông điện thoại liên tiếp reo vang mà không có ai trả lời, tôi bèn chạy tới cầm ống nghe và nhận ra tiếng anh Nguyễn Bình từ Hải Phòng gọi ra. Anh Nguyễn Bình chỉ thị ngay cho tôi:

- Các đồng chí phải ngừng bắn ngay. Lệnh Chính phủ là phải ngừng bắn với quân Trung Hoa.

Tôi không phải là người lãnh đạo Hòn Gai, nhưng qua giọng nói gay gắt, anh Nguyễn Bình coi tôi cứ như người phải thi hành, phải chịu trách nhiệm. Có lẽ anh Nguyễn Bình gọi mãi mà không nói được với các đồng chí lãnh đạo Hòn Gai, nay vớ được tôi trên điện thoại, lại quen biết thân tình, nên trút bực tức lên tôi. Tuy vậy tôi cũng nói rõ cho anh Nguyễn Bình biết rằng tôi sẽ nói lại lệnh này với các đồng chí lãnh đạo Hòn Gai và nói lại với anh Nguyễn Bình một câu:

- Thưa anh! Nhưng là nó đánh ta trước chứ đâu phải ta đánh nó trước. Bây giờ, ta muốn ngừng bắn đâu có được, nó có chịu ngừng thì ta mới ngừng được chứ.

Anh Nguyễn Bình dằn giọng nói:

- Không được! Đây là lệnh của Chính phủ Trung ương. Dù thế nào cũng phải tìm mọi cách ngừng nổ súng. Bùi Sinh! Đồng chí phải có trách nhiệm truyền đạt mệnh lệnh này!

- Vâng, tôi đi ngay đây!

Ngày hôm sau, một tàu thủy chở phái đoàn ta và Trung Hoa đến Hòn Gai. Phái đoàn Trung Hoa đi kêu gọi quân Trung Hoa ngừng bắn. Phái đoàn ta do anh Quách Lĩnh dẫn đầu, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Hòn Gai xong, liền trực tiếp đi xuống phố Hòn Gai kêu gọi quân ta ngừng bắn. Các chiến sĩ ta đang ở trong các ổ chiến đấu tại các căn nhà gạch, không biết ai, chửi um lên:

- Thằng nào bảo ngừng bắn đấy, ông cho một phát bây giờ!

Anh Quách Lĩnh nổi cáu:

- Đây là phái đoàn Chính phủ, thằng nào nói bậy thế, gô cổ nó lại!

Cuộc đấu khẩu giữa những chiến sĩ đang say mùi thuốc súng với phái đoàn đang khẩn trương chấp hành lệnh Chính phủ kết thúc bằng một mệnh lệnh gay gắt của anh Quách Lĩnh:

- Rút hết quân về Bãi Cháy!

Chúng tôi rất hậm hực khi nghe lệnh này, nhưng vẫn phải chấp hành và đến lúc này thì hiểu vì sao anh Nguyễn Bình, qua máy điện thoại ở khách sạn mỏ, đã phải kiên quyết với tôi như vậy. Sau này, khi biết rõ sách lược phân hóa kẻ thù của Trung ương, tôi càng thấm thía về cú điện thoại của anh Nguyễn Bình và mệnh lệnh của anh Quách Lĩnh.

Sang Bãi Cháy được vài hôm, cả đại đội lại được lệnh chuyển về thị xã Quảng Yên. Tôi cũng được lệnh bàn giao lại tàu Ký Con cho một đơn vị bạn rồi cùng đi về Quảng Yên.

Đại đội Ký Con về tới Quảng Yên vào dịp Tết Trung thu. Anh Nguyễn Bình, Tư lệnh và anh Lê Quang Hòa, Chính ủy đã tới Quảng Yên thăm đại đội với khá nhiều quà của nhân dân Hải Phòng tặng bộ đội Ký Con. Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Yên và các đoàn thể cũng đã đến thăm đại đội.

Đây là Tết Trung thu độc lập đầu tiên đối với chúng tôi và cũng là Tết Trung thu cuối cùng kết thúc thời niên thiếu của nhiều đồng chí trong đại đội, cái thời mà người xưa thường nói “miệng còn hơi sữa”. Đây cũng là lần nghỉ ngơi đầu tiên của bộ đội Ký Con từ ngày thành lập cách đây vài tháng.

Sau sự việc đại đội trưởng Lê Phú không cho anh em ra chơi phố Quảng Yên đêm trung thu gây nên tình trạng quá khích trong anh em đòi thay đại đội trưởng, anh Nguyễn Bình và anh Lê Quang Hòa gọi anh Lê Phú và tôi về Hải Phòng báo cáo tình hình đại đội và cuối cùng thông báo quyết định cử anh Lê Sĩ Chu ở tỉnh bộ Việt Minh Quảng Yên sang làm chính trị viên đại đội Ký Con. Từ đó, đại đội Ký Con được sự lãnh đạo trực tiếp của một đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương. Anh Lê Sĩ Chu đã tạo ra được một lực lượng nòng cốt về chính trị trong đại đội Ký Con, xây dựng nên chi bộ đầu tiên của đại đội Ký Con.

Một lần, tôi được lệnh từ Quảng Yên về Hải Phòng. Khi đến bến đò Bính, tôi bị quân Tưởng gác ở đó giữ lại. Thời kỳ này chúng tôi chưa dùng chứng minh thư, nhưng mỗi người đều có một băng vải đỏ thêu chữ vàng, băng vải của tôi ghi rõ tôi là trung đội trưởng bằng chữ Hán. Nhưng bọn gác vẫn cứ bắt giữ, đưa vào trong căn lều của chúng ven bến đò, tước vũ khí của chúng tôi và bắt chúng tôi ngồi xuống đất dưới chân giường, trên đó có một tên đang nằm hút thuốc phiện.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2020, 06:54:16 am »

Quân Tưởng xúm xít đến xem bộ đồ trang bị của tôi mà chúng vừa tước đoạt. Đấy là một trong hai bộ trang bị của viên đại úy thuyền trưởng Pháp và viên trung úy Mỹ trên tàu Cờ-ray-xắc. Mỗi bộ gồm có một thắt lưng Mỹ bằng vải dày có nhiều lỗ để treo các trang bị, một khẩu súng côn ngựa bay với ổ đạn quay sáu viên mới tinh bóng nhoáng, một con dao găm Mỹ mà lưỡi dao mỏng và xanh biếc mới tinh, một bao đạn bằng vải đựng đầy đạn các-bin loại đạn dùng cho cả súng các-bin và loại súng côn này. Có thể nói đây là hai bộ đồ trang bị tốt nhất và đẹp nhất mà ít người có được trong thời kỳ đó.

Ngôn ngữ bất đồng, tôi chỉ có thể trả lời những câu hỏi của chúng mà tôi không hiểu gì cả, bằng cách chỉ vào miếng băng đỏ ghi chức vụ trên ngực mình và chỉ về phía Hải Phòng ra dấu hiệu chúng tôi là quân của Hải Phòng. Có lẽ chúng gọi điện thoại về bộ tư lệnh của chúng ở Hải Phòng và bộ tư lệnh của chúng gọi sang bộ tư lệnh của ta, nên vài tiếng sau, anh Nguyễn Bình cho người đến bến đò Bính nhận tôi về. Chúng để tôi về nhưng không trả lại bộ đồ trang bị. Tôi không chịu đi, chỉ vào thắt lưng mình và nói với đồng chí đến đón chúng tôi là chúng chưa trả súng lại. Đồng chí đến đón chúng tôi nói gì không rõ buộc chúng phải đem trả nhưng lại lấy mất con dao găm. Chúng tôi không muốn làm găng đành hậm hực ra về.

Về tới Hải Phòng, hôm sau anh Nguyễn Bình bảo tôi đi cùng anh ra Đồ Sơn có việc. Chúng tôi đi trên một xe du lịch nhỏ. Khi ở Đồ Sơn về, anh Nguyễn Bình chở theo trên xe một khẩu pháo 37 ly ngắn nòng. Về tới gần sở chỉ huy tức nhà băng Năm Sao Hải Phòng, chỉ còn cách có vài trăm mét, một bọn lính Tưởng ra chặn xe anh Nguyễn Bình lại. Mặc dù ngực anh Nguyễn Bình cũng có một băng đỏ thêu chữ “Tư lệnh miền Duyên Hải” nhưng chúng cũng đuổi cả anh Bình và tôi xuống xe để chiếm đoạt cả xe lẫn khẩu pháo 37 ly. Tôi nổi nóng định rút súng ngắn thì anh Nguyễn Bình ngăn lại và nói:

- Thôi, ta di bộ về.

Từ chỗ đó về sở chỉ huy chỉ còn vài trăm mét, nhưng là vài trăm mét nặng nề, uất hận của cả anh Bình và tôi, tôi biết chắc chắn là nỗi uất hận của anh Nguyễn Bình nhiều gấp trăm lần tôi. Vậy mà anh nén chịu được. Phải chăng chính thời gian đó, anh đã sớm nhận ra rằng bây giờ là lúc chuẩn bị thực lực cho chiến tranh chứ không phải để nổ ra chiến tranh.

Một hôm tôi và anh Lê Hai (anh Lê Hai lúc đó ở Quảng Yên về Hải Phòng) đi bảo vệ anh Nguyễn Bình từ Hải Phòng ra làm việc với bộ tư lệnh quân Tưởng ở Hòn Gai. Cùng đi có một cô phiên dịch tiếng Trung Hoa. Chúng tôi đi trên một chiếc ca nô của Pháp cũ tên là Tho-mas mà ta đã đổi tên là Tuấn Mã. Nội dung công việc và kết quả công việc của anh Nguyễn Bình không biết thế nào, nhưng khi về đến Hải Phòng thì tình hình ở nhà băng Năm Sao, nơi đóng sở chỉ huy của bộ tư lệnh Chiến khu miền Duyên Hải ta đang căng thẳng. Quân Tưởng đòi bộ tư lệnh ta phải rút khỏi nhà băng Năm Sao để chúng chiếm đóng. Bộ tư lệnh ta không chịu. Chúng cho quân đến bao vây nhà băng Năm Sao, buộc bộ tư lệnh ta phải rút. Cấp trên cũng chỉ thị nghiêm ngặt là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tránh xung đột với quân Tưởng, về việc chúng đòi đóng giữ nhà băng Năm Sao, cấp trên cũng chỉ thị “Trước mắt nó chiếm nhà băng Năm Sao nhưng lâu dài ta có thời gian chuẩn bị lực lượng để bảo vệ toàn cõi đất nước”. Anh Nguyễn Bình, mặt đỏ phừng rút kiếm chém vỡ tan tấm gương lớn trong nhà băng rồi ra lệnh rút.

Sự lộng hành, gây gổ của quân Tưởng nhân danh quân Đồng minh vào miền Bắc nước ta giải giáp quân Nhật là bản chất, là âm mưu thâm độc của chúng nhằm gây phức tạp mất ổn định cho chính quyền non trẻ của ta, để cho bọn Việt Cách, Việt Quốc tay sai của chúng thừa cơ mượn gió bẻ măng.

Hiểu sâu sắc được điều đó để tránh xung đột với chúng, thật không dễ chút nào. Trên đường về đại đội, tôi suy nghĩ rất nhiều và càng thấy khâm phục anh Nguyễn Bình.

Ít ngày sau đại đội Ký Con theo chỉ thị của anh Nguyễn Bình được điều ra đảo Cát Bà đóng giữ cửa ngõ đường biển vào Hải Phòng.

Một việc khó giải quyết là phải cho số chiến sĩ gái của đại đội về trước khi đại đội ra đảo Cát Bà. Chị em lại không chịu về, muốn tiếp tục cùng đại đội đi bất cứ đâu chứ không phải chỉ có ra đảo Cát Bà. Nhưng lệnh trên đã ra, chúng tôi phải chấp hành, khuyên chị em về mà lòng cũng đầy luyến tiếc. Không biết hiện nay các chị ở đâu?

Pháo đài đã bị quân Pháp, rồi quân Nhật phá hỏng. Chúng tôi đã khôi phục lại các khẩu trọng pháo 138 ly nòng dài bắn được đúng theo những tọa độ sơn sẵn trên từng ụ pháo khiến cho pháo đài thực sự có uy lực trong nhiệm vụ bảo vệ cửa biển vào cảng Hải Phòng.

Ở đây, chúng tôi cũng cho chữa lại cái máy phát điện của pháo đài rồi từ núi cao, làm tời hạ máy điện xuống doanh trại dưới chân núi, cho mắc dây chạy điện tới đơn vị, các cơ quan và cả nhân dân thị xã. Lần đầu tiên dân trên đảo có điện dùng.

Sau khi đại đội Ký Con ra đóng giữ Cát Bà được ít lâu thì anh Nguyễn Bình được lệnh vào Nam chỉ huy lực lượng vũ trang Nam Bộ chống giặc Pháp đang núp bóng quân Đồng minh gây hấn ở Sài Gòn và mở rộng chiến tranh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2020, 06:56:06 am »

Phần hai
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH

Ngày 23 tháng 10 năm 1945 anh Nguyễn Bình vào tới Thủ Dầu Một. Trước khi lên đường vào chiến trường Nam Bộ, anh đã về Thủ đô Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người trực tiếp động viên, giao nhiệm vụ. Sau hơn hai năm kể từ ngày đó thì có Sắc lệnh 115 ngày 12 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong cấp trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình. Tiếp theo, sau một năm hai tháng sáu ngày nữa, lại có Sắc lệnh số 18 cũng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 21 tháng 3 năm 1949 cử Trung tướng Nguyễn Bình làm tư lệnh Bộ tư lệnh Nam Bộ.

Sau này, tìm hiểu cặn kẽ từ các nguồn tư liệu, từ rất nhiều chuyện kể của các bạn bè, đồng đội, tôi càng thấy rõ công lao của đồng chí Nguyễn Bình trong những năm tháng chiến đấu ở Nam Bộ, thật đúng với niềm tin cậy của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ Bác nói “không ai xứng đáng hơn chú trong việc lãnh trọng trách này”.

Tôi muốn ghi tiếp chuyện về đồng chí Nguyễn Bình, một vị tướng mà tôi nghĩ rằng hình như con người này sinh ra là để dành cho những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp trên đất Nam Bộ, cần một người cầm quân tài ba dũng cảm dám đứng mũi chịu sào trước mọi biến cố phong ba.

Khi đồng chí Nguyễn Bình đặt chân tới đất Nam Bộ, tình hình ở đây cực kỳ phức tạp. Mặc dầu trước đó một tháng, cuộc họp liên tịch Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ tại một địa điểm trên đường Cây Mai dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giầu làm chủ tịch, đồng thời ban hành lệnh kháng chiến nhưng lực lượng kháng chiến đến lúc này vẫn chưa có một sự chỉ huy thống nhất. Lực lượng nào cũng muốn tỏ rõ quyết tâm chống Pháp, đáp lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Có lực lượng mạnh, có quy củ, có sự lãnh đạo đúng đắn của các đảng viên, chiến đấu vững vàng, kỷ luật nghiêm minh. Song lại có những đơn vị rất ô hợp. Có nơi chỉ là một tay anh chị trong đám giang hồ cũng tự động đứng lên kêu gọi thanh niên, tập hợp thành đội ngũ sắm vũ khí cát cứ một vùng ngăn chặn giặc Pháp nhưng lại tùy tiện thu thuế, quấy nhiễu nhân dân gây rối ren cho chính quyền địa phương. Nhất là các phe phái chính trị, tôn giáo càng phức tạp hơn, mạnh ai nấy đánh và cũng mạnh ai nấy chạy khi gặp thất bại, mặc dầu có những đơn vị đã nhân danh cái gọi là “đệ nhị”, “đệ tam”, “đệ tứ” sư đoàn nhưng chuyên cướp bóc dân, như bọn HT29 cũng vậy. Bình Xuyên là lực lượng rất mạnh nhưng lại cũng có phe này, phái kia, phe Ba Dương, phe Tám Mạnh, phe Bảy Viễn. Có phe đánh giặc gan cóc tía, biết giữ gìn kỷ luật trật tự trong quan hệ với nhân dân; có phái đánh giặc đã kém lại nhũng nhiễu dân lành. Lại có khi tranh giành quyền lợi địa vị, phe này bắt người và tước vũ khí của phe kia.

Trong khi đó, quân đội Pháp, được tướng Gra-xây, chỉ huy quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật cho phép, đã đưa một binh đoàn thiết giáp đổ bộ vào Sài Gòn, đưa lực lượng quân Pháp ở Sài Gòn kể cả kiều dân Pháp được trang bị vũ khí lên tới 11.000 tên. Trong khi đó 40.000 quân Nhật đáng lẽ phải bị giải giáp thì lại được quân Anh sử dụng vào công việc ngăn chặn các cuộc tiến công của quân đội Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Bình thấy rằng trước hết phải làm sao nắm được tình hình mà tốt nhất là tìm cách gặp gỡ từng đồng chí chỉ huy để tiến tới có một cuộc họp về quân sự thống nhất các lực lượng, đồng thời thống nhất các chủ trương và kế hoạch tác chiến.

Trong các cuộc gặp gỡ, có lẽ thú vị nhất là khi đồng chí Nguyễn Bình gặp đồng chí Trần Văn Trà. Hôm ấy đồng chí Nguyễn Bình đã mất hết giấy tờ, kể cả giấy giới thiệu của Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh do bị quân Nhật chặn bắt ở Bưng Cầu, đồng chí phải lập mẹo để chạy thoát lấy người. Đã tìm hiểu, biết đồng chí Trần Văn Trà khi đó phụ trách lực lượng giải phóng quân liên quân Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, lại biết đồng chí Trà người Quảng Ngãi vào Sài Gòn hoạt động rồi bị bắt đến ngày khởi nghĩa mới được giải thoát nên đồng chí Nguyễn Bình muốn tiếp xúc sớm ngày nào hay ngày ấy. Hôm tới đây, đồng chí Nguyễn Bình phải mặc giả trang như người Hoa cho an toàn, đến khi nhìn thấy đồng chí Trần Văn Trà quân phục tươm tất cũng băn khoăn. Nhưng khi nghe đồng chí Trà ôn tồn hỏi có phải đồng chí là phái viên của Bộ Tổng do Trung ương gửi vào giúp Nam Bộ thống nhất các lực lượng vũ trang không thì đồng chí Nguyễn Bình lại thấy yên tâm:

- Đúng! Tôi là Nguyễn Bình. Lẽ ra thì tôi phải xuất trình giấy giới thiệu của Bộ Tổng nhưng trong lúc đi đường, tôi bị bọn Nhật chặn xe tịch thu hết mọi thứ.

- Không sao! Tôi tin. Liên lạc đã báo cho biết cả rồi. Đồng chí phái viên (lúc đầu đồng chí Nguyễn Bình được giới thiệu là phái viên của Trung ương) đi đường đá mệt, hãy nghỉ ngơi tắm rửa cho khỏe. Cơm nước xong, ta sẽ bàn công việc.

Trong cuộc gặp gỡ bàn bạc hôm đó, hai người rất tâm đồng ý hợp. Những điều đồng chí Nguyễn Bình suy nghĩ cũng chính là những vấn đề đồng chí Trần Văn Trà rất muốn thực hiện, như là phải làm sao tập hợp được các lực lượng bộ đội địa phương lại, đặt dưới một sự chỉ huy chung và phải thống nhất các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Nguyễn Bình cũng thông báo cho đồng chí Trần Văn Trà biết ngày triệu tập Hội nghị quân sự Nam Bộ và rất mong đồng chí Trần Văn Trà tới dự,

- Phải tới chớ! - Đồng chí Trà hồ hởi đáp - Một cuộc họp lịch sử như vậy làm sao lại có thể vắng mặt được.

Ngày 22 tháng 11 năm 1945, đồng chí Nguyễn Bình mới triệu tập được Hội nghị quân sự Nam Bộ tại An Phú Xã. Ấy là sau khi đã gặp đồng chí Huỳnh Văn Nghệ cùng đi khảo sát căn cứ Tân Uyên, lại viết thư cho Dương Văn Dương và bộ đội Bình Xuyên... Hội nghị đâ quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành mười lăm chi đội Giải phóng quân. Các đại biểu rất nhớ câu nói của đồng chí phái viên Trung ương:

- Đừng bao giờ để bọn địch xé lẻ chúng ta ra mà diệt gọn từng đơn vị. Bài học bẻ đũa từng chiếc lẽ nào ta không biết. Muốn đánh thắng thằng Tây, chúng ta phải tập hợp thành một khối. Tôi đề nghị từ nay không gọi bộ đội là bộ đội ông A, ông B, mà ta gọi bộ đội chúng ta bằng cái tên chung là Giải phóng quân. Phiên hiệu thứ tự như sau: bộ đội tỉnh Thủ Dầu Một do anh Huỳnh Kim Trương chỉ huy là chi đội 1 Giải phóng quân; bộ đội Bình Xuyên do anh Lương Văn Trọng đại diện là chi đội 2 và 3 Giải phóng quân; bộ đội anh Huỳnh Văn Trí, Bà Quẹo là chi đội 4; bộ đội anh Phạm Hữu Đức, Tân An là chi đội 5; bộ đội anh Nguyễn Văn Dung, Gia Định là chi đội 6; bộ đội anh Nguyễn Thanh Bạch và anh Nguyễn Hoài Thanh (Tây Ninh) là chi đội 7, chi đội 8; bộ đội anh Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) Phú Thọ là chi đội 9; bộ đội anh Huỳnh Văn Nghệ (Biên Hòa) là chi đội 10; bộ đội anh Trịnh Khánh Vàng (Tây Ninh) là chi đội 11; bộ đội anh Tô Ký (Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa) là chi đội 12; bộ đội anh Mười Thìn (Tổng công đoàn) là chi đội 13; bộ đội anh Trần Văn Trà (Tân An) là chi đội 14; bộ đội anh Huỳnh Văn Một (Đức Hòa) là chi đội 15.

Qua cuộc họp này, đồng chí Nguyễn Bình rất mừng khi được tiếp xúc với đầy đủ các thành phần lãnh đạo ở hầu hết các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là gặp gỡ các vị chỉ huy đang nắm các lực lượng đóng rải rác khắp nưi trên chiến trường miền Đông, lại được nghe rất nhiều chuyện anh dũng bất khuất của người dân Nam Bộ kiên quyết chống giặc, thật đáng tự hào. Song đồng chí cũng phải nghe không ít chuyện vô kỷ luật của các tay giang hồ say máu đánh Tây nhưng nhiều khi lại rất vô chính trị. Ví như chuyện tàn sát người Pháp ở cư xá Xi-tê Ê-rô không phân biệt đàn bà trẻ con, trong đó có cả anh phi công Xô-tơ-rây đã giải ngũ tham gia cánh tả Đảng xã hội Pháp, ủng hộ chủ trương kháng chiến của ta. Xô-tơ-rây đã từng nói với đồng chí Huỳnh Văn Tiểng rằng: “nếu xảy ra chiến tranh, các anh cho tôi một khẩu súng, tôi sẽ ở bên cạnh các anh”.

Cuộc họp đã thống nhất các lực lượng vũ trang về một mối, đồng thời cũng định ra được những nguyên tắc chung về mặt tổ chức và rèn luyện kỷ luật. Đồng chí phái viên Trung ương được cử làm khu trưởng khu miền Đông Nam Bộ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM