Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:47:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện kể về Trung tướng Nguyễn Bình  (Đọc 3936 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:32:50 am »

Tên sách: Chuyện kể về Trung tướng Nguyễn Bình
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 1994
Số hóa: macbupda


MẤY LỜI MỞ ĐẦU

Kính thưa bạn đọc!

Trung tướng Nguyễn Bình là người chỉ huy có tài, có đức. Anh sinh năm 1908, tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê ở làng An Phú, xã Tĩnh Tiến, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, tham gia các phong trào cứu nước từ năm mới mười sáu tuổi. Năm 1928, anh hai mươi tuổi, vào Quốc dân đảng do ông Nguyễn Thái Học lãnh đạo khi đảng này vẫn còn là một đảng tiến bộ. Năm 1930, anh bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Ớ trong nhà tù đế quốc, anh được các đảng viên cộng sản giác ngộ đi theo chủ nghĩa cộng sản. Vi sự thay đổi quan điểm tư tưởng như thế mà anh đã bị những người tù Quốc dân đảng móc mất một con mắt. Trong quyển Nhà tù Côn Đảo, Nhà xuất bản Sự thật, có đoạn viết: “Nguyễn Phương Thảo là người đã nghiêng hẳn về phía chủ nghĩa cộng sản”.

Năm 1943, phong trào cách mạng ở Hải Phòng bị địch khủng bố gắt gao, anh phải gây dựng cơ sở từ Bần Yên Nhân mở sang Kiến An, Hải Phòng dần dần chắp nối khắp vùng Đồ Sơn, An Lão, Hải An, Thủy Nguyên về Hải Phòng. Các cơ sở ấy lại chỉnh là các bạn tù và lính thợ, cả các viên chức, nhà giáo, thanh niên, học sinh, tiểu chủ, đồng thời có cà một số lính trong các đồn trại bảo an binh.

Tôi chỉ được công tác và chiến đấu với anh Nguyễn Bình trong thời gian ngắn nhưng anh đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp cả trong chiến đấu là tác phong công tác. Trận đánh đồn Bí Chợ là trận đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu của tôi song là trận tôi đã thấy rõ ngay tài năng, tính quyết đoán và lòng tin của anh đối anh em, tin ở thắng lợi mà anh đã nắm chắc. Chỉ có năm du kích với hai khẩu súng ngắn mà anh dám kiên quyết đi cùng tôi và anh Nguyễn Văn Mộc dẫn đường xông vào diệt một đại đội thanh niên vũ trang Đại Việt do tên quan hai Nhật chỉ huy, thu hàng trăm súng.

Anh được Xứ ủy phân công làm kinh tế lấy mua súng đạn chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Nhằm vào cái đích cuối cùng là phải có vũ khí, anh đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc rất thực tế là “lấy súng đạn địch trang bị cho ta” bằng nhiều trận đánh khác nhau kể cả bằng binh địch vận. Có hai trận đồng loạt tấn công: Trận thứ nhất tiêu diệt bốn đồn trong một ngày 8 tháng 6 năm 1945; trận thứ hai tiêu diệt hai đồn trong một đêm 30 tháng 6 năm 1945 và giải phóng thị tỉnh lỵ Quảng Yên ngày 20 tháng 7 năm 1945. Trước Cách mạng tháng Tám, trong thời kỳ còn bí mật mà tổ chức được những trận đánh như vậy thật là kỳ tài, tưởng như huyền thoại.

Cho nên anh em trong Chiến khu Đông Triều không ai coi anh là ủy viên kinh tế mà mọi người đều nhìn nhận ở anh vị chỉ huy quân sự của chiến khu. Và đều đi đến kết luận rằng, không có hai anh Trần Cung và anh Hải Thanh (hai tỉnh ủy viên tỉnh Hải Dương được Xứ ủy phái vào lập chiến khu ở vùng Đông Triều) thì không có Chiến khu Đông Triều, nhưng nếu không có anh Nguyễn Bình thì Chiến khu Đông Triều cũng không thể có những chiến công rực rỡ và phát triển nhanh chóng như vậy được.

Sau Cách mạng tháng Tám, anh được chỉ định làm khu trưởng Chiến khu Duyên Hải (Chiến khu 3). Công lao của anh trong bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong khu Duyên Hải cũng rất đặc biệt, đã đối phó kịp thời và hữu hiệu trước mọi tình thế khó khăn, khi Hòn Gai, mỏ than lớn nhất nước ta bị uy hiếp từ mọi phía, hết hải quân Pháp đến bọn Việt cách, thổ phỉ và cả quân Quốc dân đảng Trung Quốc.

Tài đức của anh đã được Bác Hồ biết sớm nên khi giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Bác đã gọi anh lên gặp và trực tiếp giao cho anh nhiệm vụ vào miền Nam thống nhất các lực lượng vũ trang của rất nhiều phe phái để tập trung sức lực đánh Pháp. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bác Hồ giao, được Bác phong trung tướng, giao phụ trách Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ! Anh là vị trung tướng đầu tiên của quân đội ta hồi đó.

Sau khi anh bị địch phục kích trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, bị hy sinh, Bác Hồ đã ra sắc lệnh truy tặng anh huân chương Quân công hạng nhất là huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta hồi bấy giờ.

Ở Nam Bộ, anh đã cùng tập thể lãnh đạo tập hợp được các lực lượng chiến đấu về một mối, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là trí thức tham gia cứu nước, đề ra được chủ trương chiến đấu đúng, tổ chức lực lượng chiến đấu thích hợp đạt hiệu suất ngày càng tốt hơn.

Chuyện về Trung tướng Nguyễn Bình có nhiều sự tích truyền tụng ly kỳ song rất phù hợp với bản lĩnh quyết đoán, táo bạo và tài trí của anh, như việc anh đột nhập vào Sài Gòn để tự điều tra tình hình địch, trong tài liệu
Lược sử chiến sĩ quyết tử do Thiếu tướng Trần Hải Phụng chỉ đạo biên soạn có viết “Tài xế riêng của luật sư Vĩnh đánh xe đưa đồng chí Nguyễn Bình đi những nơi theo đồng chí yêu cầu, có lần qua bốt Catina (bốt mật thám)”. Trong tập Sống mãi với đô thành, anh lái xe của luật sư Vĩnh kể rằng Khu trưởng Nguyễn Bình “ngồi cắt tóc chỉ cách chỗ trùm mật thám Bazin ở có mấy trăm thước, cùng một con đường với cái bốt được xem như là địa ngục trần gian”. Theo tạp chí Khoa học phổ thông, phụ san số 249, bác Thái Bảo (có thời gian làm thư ký cho Trung tướng Nguyễn Bình) kể là: “Có lần ông đi dọc đường Catina từ bốt mật thám kế nhà thờ Đức Bà đến khách sạn Majestic vào tiệm hớt tóc. Ông ngồi giữa hai sĩ quan Pháp và thấy chúng trao đổi với nhau: “Nghe nói tướng Nguyễn Bình đã vào Sài Gòn”.

Cũng theo tạp chí
Khoa học phổ thông trên Hoàng Thị Thanh, vợ trung tướng kể, lần Trung tướng Nguyễn Bình vào Sài Gòn chỉ đạo kế hoạch đánh phá sòng bạc Đại thế giới và Hội phiên, anh đã đóng vai nhà văn với bút danh Ngô Minh Sơn được Nguyễn Đình Chính trưởng ban công tác một bố trí ở trong một gia đình người Hoa, gọi là “một nơi yên tĩnh để sáng tác văn học”. Chẳng may bị lộ, địch đến vây khu vực. Phía sau nhà là ao, anh không thoát ra lối đó ngược lại, trong bộ quần áo người Hoa vẫn mặc để cải trang, anh bình thản khoác tay cô con gái chủ nhà đi thẳng ra cổng chính,vừa đi vừa bật lửa hút thuốc, còn mời hai tên lính lảng vảng ở đó mỗi đứa một điếu rồi ngang nhiên bước ra đường vẫy tắc-xi đi thoát.

Chị Thanh còn kể, lần cả hai anh chị cùng một số cán bộ bị bọn lính bốt thu hết giấy tờ cũng rất ly kỳ. Đang trên xe bị giải về Sài Gòn, đến chỗ Bằng Cầu cách Thủ Dầu Một sáu ki-lô-mét, chị Thanh giả vờ khát đòi xuống uống nước, chị biết nơi đây có bộ đội, hy vọng sẽ được cứu thoát. Thừa lúc địch sơ hở chỉ chú ý đến chị Thanh, Trung tướng Nguyễn Bình hô mọi người tháo chạy vào một làng gần đó. Bọn áp tải sợ trong làng có Việt Minh không dám đuổi theo. Chúng huy động lính vây làng Bằng Cầu; tướng Nguyễn Bình chạy vào buồng nhà dân, chợt thấy bộ quần áo của chủ nhà vá chằng vá đụp, lập tức anh thay hình đổi dạng thành người nông dân nghèo, đầu đội cái nón lá cũ kỹ, xách giỏ cầm cần câu đi thẳng ra ngõ trước mắt bọn địch.

Những chuyện như thế khá nhiều. Nhưng không biết có là sự thật hay không. Vì vậy viết về anh, tôi chỉ muốn ghi chép theo những kỷ niệm, những hồi ức sâu sắc nhất của mình đối với vị tướng mà tôi kính trọng như một người anh cả, và nhất là theo những cứ liệu, sự kiện mang tính lịch sử truyền thống của Quân khu 3 và thành phố Hồ Chí Minh, do những nhà xuất bản tin cậy ấn hành. Tôi chân thành cảm ơn các tác giả tập
Đại đội Ký Con, Sống mãi với đô thành, Chiến sĩ quyết tử, Nhà tù Côn Đảo, Người Bình Xuyên đã cho tôi những hiểu biết rất phong phú về Trung tướng Nguyễn Bình. Thêm nữa, tôi vô cùng biết ơn hai người bạn chiến đấu thân thiết của Trung tướng Nguyễn Bình là đồng chí Lê Phú, nguyên đại đội trưởng đầu tiên của đại đội Ký Con, người đã chỉ huy và chứng kiến các sự việc trên khi anh Nguyễn Bình ở miền Bắc và anh Hà Ngọc Tiếu, Trung tướng công an nhân dân là người bạn chiến đấu thần thiết của anh Nguyễn Bình ở trong Nam, đã đóng góp cho tôi nhiều ý kiến xác thực vô cùng quý báu.

Tôi ước mong tập
Chuyện kể về Trung tướng Nguyễn Bình ra mắt bạn đọc sẽ là một dịp để mọi người hiểu rõ thêm vì phẩm chất và chiến công của một vị tướng liệt sĩ đầu tiên của quân đội ta. Còn với tôi, đầy là tình cảm thiêng liêng của riêng tôi kính dâng lên hương hồn anh Nguyễn Bình.

Thiếu tướng BÙI SINH
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 12:24:17 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:39:18 am »

Phần một
ANH NGUYỄN BÌNH VÀ ĐẠI ĐỘI KÝ CON

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Ách thống trị ngót một trăm năm của thực dân Pháp ở Việt Nam chỉ trong có một đêm sụp đổ tan tành. Việc tưởng như thay trời đổi đất đã xảy ra ở mỏ than Uông Bí vào sáng ngày 10 tháng 3 năm 1945. Bọn Pháp chủ mỏ, kỹ sư, sếp, đồn trưởng, mới ngày hôm qua còn giữ quyền sống quyền chết ở cái vùng mỏ này, hôm nay đều trở thành tù binh của Nhật. Công nhân, cai ký, dân thị xã bàn tán xôn xao, nhưng nói chung ai nấy hình như đều mong có một sự thay đổi. Phải, cần có một sự thay đổi lắm rồi. Nạn đói kéo dài mãi. Người chết đói ngày càng nhiều, chôn không kịp. Thợ thuyền bị vắt đã kiệt sức, gầy guộc, xanh xao. Ai dám tin rằng mình và gia đình mình có thể qua khỏi nạn đói khủng khiếp giết chết hàng triệu người này. Người ta hy vọng có một sự thay đổi.

Và chỉ mấy ngày sau cái việc tưởng như thay trời đổi đất đó đã đưa đến cho công nhân Uông Bí một sự thay đổi. Mỏ than đóng cửa. Những câu “Việt Nam độc lập”, “Khối Đại Đông Á đoàn kết” mà phát xít Nhật ra. sức tuyên truyền, còn đương là những hình ảnh mơ hồ, thì việc mỏ than Uông Bí đóng cửa đem lại cho người ta một hình ảnh sâu sắc: lại chết đói.

Làm thế nào bây giờ! Đó là tiếng thở than của những bộ mặt lo âu, kèm theo những tiếng thở dài não ruột. Tôi cũng không biết tình hình sẽ giải quyết ra sao, vì ngay sau đó, tôi cũng như một số người khác, khăn gói trở về quê hương. Nhưng có điều tôi biết chắc chắn là hoàn cảnh nào giải quyết cũng mười phần khó khăn. Thần chết gõ cửa gấp hơn.

*
*   *

Tôi về Hải Phòng, nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Tuy nó là thành phố công nghiệp, nhưng tôi không tin rằng về đó có thể tìm được việc làm, mặc dầu tôi có nghề thợ điện.

Bố tôi làm thợ máy ở Hải Phòng tới hơn hai mươi năm, có nhiều kinh nghiệm chạy việc, nhưng chạy khắp nơi cũng không sao kiếm nổi một việc làm cho con.
 
Hồi đó phát xít Nhật kêu gọi “Việt Nam độc lập” dữ lắm. Chúng còn lập ra một tổ chức chính trị có tên là “Đại Việt quốc gia liên minh” gọi tắt là Đại Việt và xây dựng cho bọn này một lực lượng vũ trang gọi là “Thanh niên vũ trang Đại Việt”.

Nghe mấy tiếng “Việt Nam độc lập” bề ngoài có vẻ hấp dẫn nhưng lúc đó tôi cũng chưa hiểu được những mưu toan sâu xa, hiểm độc của chúng, chỉ biết là đi lính Đại Việt để có cơm ăn, thế thôi. Giữa thời buổi tìm việc làm ăn lương thiện hết sức khó khăn mà đi lính Đại Việt lại dễ, cho nên cũng đành phải xin vào lính Đại Việt thôi.

Con đường lẽ ra là như vậy. Nhưng khi đến chơi thăm Lê Phú, tôi lại nghe anh nói:

- Con đường đó đi không được đâu.

Hồi nhỏ, gia đình tôi và gia đình Phú ở chung một nhà. Khi thi cao đẳng tiểu học không đỗ, Phú ra mỏ than học việc, sau vì đời sống khó khăn, bỏ đi lính thủy Pháp. Ngày 9 tháng 3 năm 1945 cũng bị Nhật bắt làm tù binh, nhưng là lính thủy người Việt nên Phú được sử dụng trên pháo hạm Com-măng-đăng Buốc-đe (Commanđant Bourdais) của Pháp bị Nhật chiếm giữ khi đó đang đậu trên sông Tam Bạc phía Thượng Lý, Hải Phòng.

Chúng tôi là bạn thân từ nhỏ, lớn lên xa nhau, Phú khi ở Sài Gòn, khi ở Nguyên Bình, Cao Bằng nhưng vẫn trào đổi thư từ với tôi. Sau ngày 9 tháng 3. năm 1945 chúng tôi lại gặp nhau ở Hải Phòng. Khi đó Phú đã hoạt động Việt Minh, đang công tác trong đám thủy binh người Việt trên pháo hạm. Vì thế khi biết ý định của tôi, anh đã can ngăn.

Lê Phú giới thiệu tôi gặp hai người, anh Dương Chính và anh Nguyễn Bình, lúc bấy giờ đã là hai cán bộ Việt Minh phụ trách Chiến khu Đông Triều, đang công tác ở Hải Phòng. Qua những cuộc nói chuyện thân thiết, có một điều không quên được là các đồng chí đã khắc sâu vào lòng tôi hai tiếng “Việt Minh” với một cảm xúc vô cùng mạnh mẽ. Nhất là cái lần ở trên gác xép hiệu may Rô-be Tay-lo của anh Phạm Khang, một cơ sở của ta ở phố Cầu Đất, anh Nguyễn Bình tìm hiểu tôi rất kỹ, từ chuyện gia đình, bố mẹ làm gì, hồi nhỏ đi học ở đâu đến những ngày làm công nhân mỏ bị thất nghiệp rồi có ý định vào lính Đại Việt để kiếm sống, anh đã đem lại cho tôi một niềm phấn khởi với nhiệm vụ giao cho tôi là: tiếp tục thực hiện ý định xin vào lính Đại Việt với ý nghĩa cài người vào hàng ngũ địch để đánh địch.

Đi lính Đại Việt, con đường đó trước là do tôi định, nay là do cách mạng định. Do đó, mục đích, nội dung hoàn toàn khác hẳn. Trước là để kiếm cơm, nay là để đánh Nhật cứu nước. Trước không có nội dung gì, nay nội dung là điều tra địch, báo cáo tình hình, phát triển lực lượng trong lòng địch, chuẩn bị diệt địch. Con đường đi như thế là quyết định.

Khi mà trình độ giác ngộ được nâng cao một chút, quay nhìn lại lúc đứng ngã ba đường này mới thấy rùng mình. Nhưng càng nghĩ càng vô cùng biết ơn Đảng và phong trào cách mạng đã như một tảng đá nam châm thu hút mình vào con đường chính đại quang minh.

Tôi biết anh Nguyễn Bình bắt đầu từ đó.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:58:24 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:43:45 am »

*
*   *

Thực hiện chỉ thị của anh Nguyễn Bình, tôi xin vào lính Đại Việt ở Hải Phòng. Hải Phòng chỉ là nơi tuyển lính, còn sào huyệt quân sự của bọn Đại Việt là ở mỏ than Bí Chợ, Uông Bí.

Một ngày vào khoảng tháng 4 năm 1945, tốp lính mới hơn chục người, trong đó có tôi, được đưa từ Hải Phòng đến Bí Chợ, Uông Bí. Đồn đóng trên một quả đồi con, trong tòa nhà hai tầng của Bạch Thái Đào, chủ mỏ than Bí Chợ. Mỏ Bí Chợ đã đóng cửa từ lâu, xung quanh đồn toàn rừng núi hoang vu. Kể cả tốp lính mới tới này, lực lượng chúng có hai trung đội toàn người Việt và một tên quan hai Nhật trực tiếp chỉ huy. Vũ khí có hai trung liên Hốt-kít Pháp, hai tiểu liên Thôm-xơn Mỹ và hơn một trăm súng trường. Súng có nhiều vì chúng đang tiếp tục tuyển mộ thêm lính. Đồn này thuộc quyền chỉ huy của tên quan tư Nhật ở Hòn Gai. Hôm mới tới đồn, tôi cũng gặp tên quan tư tới kiểm tra, nó đến đồn này đã mấy hôm rồi. Kể ra chúng cũng tích cực xây dựng cái lực lượng vũ trang này, vì đó là toàn bộ vốn liếng quân sự đầu tiên của bọn Đại Việt, hay nói đúng hơn, mầm mống của ngụy quân dùng làm bia đỡ đạn cho Nhật.

Cuộc đời mới của tôi bắt đầu như vậy đó.

Ở đồn này, tôi cũng làm mọi việc như những người lính Đại Việt khác: tập quân sự, rào đồn, đào công sự, v.v... Nhưng mấy khẩu trung liên với băng dài 25 viên đạn, mấy khẩu tiểu liên với băng tròn 50 viên đạn, có sức hấp dẫn tôi rất mạnh. Tôi nghĩ rằng, với những súng đó, mình tôi quét một cái chúng cũng chết vài chục tên. Do đó, tuy chỉ được giữ súng trường, lợi dụng giờ học vũ khí, tôi học sử dụng thành thạo cả trung liên và tiểu liên.

Việc gì nhìn thấy là nghĩ. Đêm nghĩ, ngày nghĩ, nghĩ nhiều về đêm. Hết mưu này tới mẹo khác. Đêm, chúng ngủ say thế này, đưa anh em vào chịt các cửa buồng, cho mỗi buồng một quả lựu đạn, một băng liên thanh thì chúng chết không kịp ngáp. Ngày chúng đi tập, lúc nghỉ gác ba khẩu súng vào nhau, ta đến đánh thì chúng chỉ có bỏ súng mà chạy. Khi đi tập, chúng bỏ đồn trống, ta vào bắt mấy tên lính gác cướp đồn, đợi chúng đi tập lững thững về mà đánh thì chúng trở tay không kịp, v.v...

Không phải là đã được học gì về quân sự, cũng chả có tí kinh nghiệm quân sự nào, thế mà tới đồn mới độ một tháng tôi đã nghĩ ra có tới chục kế hoạch diệt đồn và căn bản là ba kế hoạch tôi nghĩ ở trên. Có điều là kế hoạch hơi thô sơ, nhưng cũng tương đối sát, vì đấy là kết quả quan sát hàng ngày và kết quả suy nghĩ của tôi.

Từ nhỏ tôi đi học văn hóa, thường đứng thứ 30, 35 trong 40 hoặc 60 học sinh. Học kỹ nghệ khi thi ra có mười bốn người đỗ về điện, tôi cũng đỗ nhưng chỉ đỗ cuối cùng trong số mười bốn người đó. Cuộc đời làm thợ ngày hai buổi đi về chỉ biết vào bếp nấu cơm, ngoài ra gần như không còn quan tâm đến điều gì khác. Như thế cũng có thể gọi tôi là một con người, nhưng một con người không có chí hướng, vì trong mọi việc làm hầu như không có một sức mạnh gì chi phối cả.

Bây giờ tôi đã bị một sức mạnh chi phối mãnh liệt, ngày ngày chi phối tôi, việc việc chi phối tôi. Làm thế nào tiêu diệt được địch, giành được chiến thắng! Suy nghĩ đó Đảng truyền cho tôi, biến tôi thành một con người thực sự: đứng thẳng được và có sức mạnh. Đấy, cái mà tôi muốn nói cuộc đời mới của tôi bắt đầu chính là ở chỗ đó. Và người thay mặt cho Đảng lúc ấy không phải ai khác mà là đồng chí Nguyễn Bình. Đó là con người có dáng cao lớn, hay mang kính râm, mặc quần áo nâu trông vẻ khắc khổ nhưng rất dễ gần.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:44:45 am »

*
*   *

Từ khi nắm tình hình trong đồn địch đã vững và đã có nhiều mưu kế diệt đồn, thì một việc làm cho tôi nóng lòng là làm thế nào liên lạc với chiến khu. Sau nghĩ chỉ có một cách nói dối là bố ốm, xin phép về thăm bố. Thấy Nguyễn Văn Mộc, trung đội trưởng trung đội của tôi, là người tốt với lính, tôi tìm tới anh xin phép. Anh ta hỏi:

- Quê anh ở đâu?

Tôi đáp:

- Ở Văn Đẩu, An Lão, Kiến An.

Anh ta hỏi luôn:

- Ở Văn Đẩu à? Thế có biết anh Trần Thành Ngọ không?

Trần Thành Ngọ là người làng tôi. Tôi biết tên nhưng không biết mặt. Biết tên vì làng tôi chỉ có hai người học trường kỹ nghệ là Ngọ và tôi. Không biết mặt vì hai người cùng ít ở quê nhà. Nhưng tôi cứ đáp:

- Tôi có biết anh Trần Thành Ngọ.

Anh ta tỏ vẻ vui mừng, nói:

- Được, tôi sẽ xin phép giúp anh, nhưng anh đưa giúp tôi một bức thư cho Ngọ.

Được phép, tôi về Hải Phòng. Định tới pháo hạm gặp Phú, nhưng vì nóng lòng báo cáo về chiến khu tôi tìm tới cơ sở liên lạc. Ở đây tôi viết báo cáo, vẽ sơ đồ, trình bày kế hoạch đánh. Về lực lượng sử dụng, tôi đề nghị hai mươi người, hai mươi súng ngắn và một xe cam nhông chở súng đạn chiến lợi phẩm. Thấy tôi đề nghị vậy, đồng chí phụ trách cơ sở liên lạc cười, nói đùa:

- Gì chứ, ở chiến khu thì tàu bay, xe tăng, ô tô cái gì cũng có!

Tôi nghe cứ tưởng thật, liền hỏi anh về ngày đánh và việc liên lạc từ nay về sau. Anh cho biết ngày đánh còn đợi báo cáo về chiến khu, còn việc liên lạc thì sau sẽ có người tới đồn trực tiếp gặp tôi. Rồi như chợt nhớ ra, anh nói:

- Này, Lê Phú đã lấy một khẩu đại liên trên pháo hạm và đưa hai thủy binh người Việt về chiến khu rồi đấy.

Tin đến bất ngờ làm tôi mừng quá:

- Phú về chiến khu rồi à? Tí nữa thì tôi tới tàu tìm cậu ấy. Lấy được một đại liên, đưa hai thủy binh về chiến khu? Thích quá nhỉ!

Anh cười nói tiếp:

- Chưa hết, về tới chiến khu, Phú lại chỉ huy một số anh em mặc giả Nhật tiêu diệt đồn Tràng Bạch. Tràng Bạch bây giờ thuộc về ta rồi.

Niềm vui chưa dứt, thì lại đến tin mừng này, tôi thích quá nắm tay anh, nói:

- Lại ăn mặc giả Nhật tiêu diệt đồn Tràng Bạch nữa, Tràng Bạch thuộc về ta rồi! Thật thích quá! Đề nghị anh báo cáo về chiến khu mau tới đánh đồn Bí Chợ đi nhé.

Tôi rời khỏi cơ sở, ra về. Trên đường phố Cầu Đất, Hải Phòng, vẫn người qua người lại, nhưng không biết đã có ai biết những tin thắng lợi đó chưa? Tôi muốn nói cho mọi người cùng biết.

Kế hoạch Lê Phú tháo súng trên pháo hạm mang về chiến khu và đánh đồn Tràng Bạch đều do anh Nguyễn Bình vạch ra và chỉ huy.

Hôm về chiến khu bàn kế hoạch đánh Bí Chợ, nghe Lê Phú kể lại, tôi đã thấy khâm phục anh và rất tin tưởng ở anh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:45:59 am »

*
*   *

Theo sự giới thiệu của anh Mộc, tôi đến nhà anh Trần Thành Ngọ.

- À, Bùi Sinh đấy à? Nghe tiếng mãi rồi, nay mới gặp mặt. Vào đây, vào đây, tới chơi hay có việc gì đấy?

Anh Ngọ niềm nở kéo tôi vào nhà sau khi nghe tôi tự giới thiệu. Sự vồn vã của anh Ngọ làm cho tôi phút đầu gặp mặt đã có cảm tình. Tôi vui vẻ đáp:

- Tôi tới đưa thư của anh Mộc cho anh, không có dịp này thì không biết bao giờ mới gặp nhau.

Ngọ xem thư Mộc xong, nghĩ một lát rồi nhìn tôi ôn tồn hỏi:

- Anh cũng ở chỗ Mộc à? Tại sao các ông lại đi cái lính này nhỉ?

Trong bụng tôi đã hơi có tí tự ái, nhưng trả lời cho qua chuyện:

- Không kiếm được việc gì cả.

Lần này, Ngọ nghĩ lâu hơn, rồi nói:

- Hôm nọ, tôi có gặp một người lạ mặt, nói tuột câu chuyện mà tôi nghe rất hay. Người ấy nói rằng...

Thế là Ngọ bắt đầu kể cái câu chuyện gọi là “của người lạ mặt” nói với Ngọ. Câu chuyện cũng giống như chuyện anh Dương Chính và anh Nguyễn Bình, những người đầu tiên đã khắc vào lòng tỏi hai tiếng Việt Minh. Sao ở thôn quê này cũng có người nói chuyện giống Dương Chính, Nguyễn Bình thế. Hình như đâu đâu cũng có những người như vậy.

Tôi lộ vẻ vui mừng, hân hoan nắm tay Ngọ, nói:

- Cũng đã có người nói chuyện như thế với tôi.

Ngọ cười hiền hậu, hỏi lại câu lúc nãy:

- Thế sao lại đi cái lính đó?

Lần này tôi không tự ái nữa, vui vẻ nói cho Ngọ biết công việc tôi làm. Niềm vui về những tin thắng lợi vừa qua bây giờ mới có dịp trút ra cho Ngọ cùng vui, đồng thời hỏi thăm Ngọ ngay về Mộc. Ngọ đập mạnh vào vai tôi, nắm chặt hai vai lay lay nói:

- Ừ, có thế chứ. Định tuyên truyền ông, lại bị ông tuyên truyền lại. Hay lắm! Những tin thắng lợi vừa nói là một sự động viên lớn cho mình. Còn về Mộc, chắc anh cần nó giúp phải không? Nó là bạn rất thân của tôi, nó coi tôi như anh ruột, nhưng không hiểu nó nghĩ thế nào mà lại đi cái lính đó. Tôi viết thư cho nó, anh mang về, chắc chắn nó sẽ nghe ra và sẽ giúp được anh nhiều việc. Nó vốn là thằng tốt, hăng hái đấy.

Chỉ trong có độ một tiếng đồng hồ gặp nhau mà chúng tôi tưởng hiểu nhau, thân nhau hơn anh em ruột. Tỏi bắt tay Ngọ ra về, Ngọ siết chặt tay tôi, nói:

- Chúc mau thành công nhé.

*
*   *

Trong công việc cách mạng giao cho, một khó khăn tưởng gần như không khắc phục được là tuyên truyền và tổ chức lực lượng trong đồn địch. Ngoài tiếng “Việt Minh đánh giặc cứu nước” và cảm xúc sâu sắc khi nghĩ tới những tiếng đó ra, tôi không còn biết ăn nói thế nào cho khỏi lộ bí mật mà lại thuyết phục được lòng người. Tuy nhiên tôi cũng đã làm cho ba người có cảm tình với mình. Gọi là cảm tình thì cũng quá, vì tôi đã hở hai tiếng Việt Minh cho họ biết bao giờ đâu mà bảo là cảm tình với Việt Minh được. Thật ra chỉ là những người tôi thấy tốt, làm quen và đã bắt thân thì đúng hơn. Nhưng sở dĩ tôi quen gọi là cảm tình là vì trong việc diệt đồn sau này, họ cũng góp một phần tác dụng.

Bức thư của Ngọ gửi cho Mộc đã giúp tôi khắc phục được khó khăn này. Sau khi xem thư Ngọ xong, Mộc tới tìm tôi, nói:

- Tôi đã xem thư anh Ngọ. Tôi đã suy nghĩ kỹ. Tôi biết con đường tôi đi là không đúng. Sau ngày 9 tháng 3 năm 1945 không có việc làm, thấy tuyển lính, tôi đi. Khi mới tới đồn này, chỉ có vài chục người. Thằng quan hai Nhật biết tiếng Pháp, thấy tôi nói tiếng Pháp được, nó dùng làm thông ngôn sau cho tôi làm trung đội trưởng cái trung đội mới này. Trước kia tôi đã nghe tiếng Việt Minh, rất hâm mộ, nhưng không biết tìm đâu ra. Anh Ngọ có nói là tìm anh nói chuyện...

Thấy thái độ chân thành của Mộc, tôi nói:

- Như vậy rất tốt. Trong công việc tôi làm cũng cần nhiều tới sự giúp đỡ của anh. Chúng ta cùng bàn bạc với nhau để mà làm.

Từ đó Mộc trở thành người “của ta” và có tác dụng tích cực trong việc diệt đồn sau này. Ách áp bức bóc lột tàn khốc dã man của Pháp - Nhật đã gây nên sự phẫn nộ sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã như một kho thuốc súng. Chỉ có Đảng cộng sản biết, do đó khi Đảng đem ngọn lửa cách mạng nhóm vào đâu, nơi đó bùng lên, cả ở thành thị lẫn nông thôn. Ngọn lửa cách mạng bén vào ai, người đó bừng bừng sôi nổi. Ngay trong ngụy quân của địch cũng dễ bị ngọn lửa cách mạng cuốn theo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:50:17 am »

*
*   *

Một ngày vào khoảng tháng 6 năm 1945 tôi đang ngồi lau súng trong đồn, một tên lính vào báo cho biết có em gái tới tìm. Tôi ngước mắt nhìn ngạc nhiên, V1 tôi không có em gái, nhưng chợt nghĩ ra, tôi đáp “thế à?” rồi làm bộ tự nhiên, lững thững đi ra. Cách cổng đồn mấy chục thước có một chị trẻ tuổi, xinh đẹp nhưng lạ mặt. Tôi đi thẳng về phía chị, vừa đi vừa nhìn chị vừa tủm tỉm cười, nghĩ: “Chắc là người của ta đến thôi”. Thấy tôi tới gần, chị hỏi khẽ: “Anh có phải là Bùi Văn Sinh không?”. Tôi đáp: “Tôi là Sinh đây”. Chị dắt tay tôi xuống dưới chân đồi nói:

- Tôi là Lê Bích, anh Bình cần anh về có việc. Vừa rồi, tôi đã nói với tên gác, tôi là em gái anh, vì bố ốm gần  chết, tôi xin phép cho anh về.

Tôi trở vào đồn tìm Mộc, nói cho Mộc rõ tôi có việc cần đi. Mộc đi tìm gặp tên quan hai Nhật xin phép cho tôi với lý do bố ốm gần chết, có em gái tới tìm. Tôi được nghỉ bảy ngày.

Trên đường về, Lê Bích hỏi tôi:

- Anh ở tổ chức nào nhỉ?

Tai tôi đã nghe rõ câu hỏi đó, nhưng không hiểu, hỏi lại:

- Chị hỏi gì cơ?

Lê Bích tưởng tôi nghe chưa rõ, hỏi lại:

- Anh ở tổ chức nào, thanh niên hay tự vệ?

Tiếng tổ chức đã không hiểu lại thêm tiếng thanh niên hay tự vệ, tôi cảm thấy ngượng nghịu, hai tai nóng bừng lên, lúng túng hỏi lại:

- Tổ chức thanh niên hay tự vệ là gì cơ?

Thấy tôi hỏi vậy, Bích tủm tỉm cười “à, à” rồi lảng sang chuyện khác.

Lê Bích đã hy sinh rồi. Tôi cũng chưa có dịp hỏi lại chị xem khi đó chị nghĩ gì về tôi. Có lẽ chị cho tôi là người khéo giữ nguyên tắc bí mật nên làm ra bộ ngớ ngẩn. Riêng tôi, mỗi khi nghĩ tới chuyện này, không khỏi buồn cười về cái sự ngây ngô của mình về chính trị trong những ngày đầu tham gia cách mạng và không khỏi không nhớ tới người bạn gái đầu tiên gặp trên con đường cách mạng.

Trời gần tối, Lê Bích dẫn tôi tới Cầu Giá, một chiếc cầu trên đường Hải Phòng, Uông Bí. Chúng tôi rẽ về phía bờ sông bên trái. Ở đó đã có một chiếc thuyền con và một người chở thuyền, chiếc thuyền này đã đưa Lê Bích từ Chiến khu Đông Triều tới, nay lại đưa chúng tôi về Chiến khu Đông Triều. Thuyền nhỏ, chúng tôi ngồi ở mũi thuyền nói chuyện. Tới khuya, tôi nhường Bích vào trong khoang nằm, còn tôi ngồi mũi thuyền hút thuốc lá, bụng thầm phục cô gái lần đầu tiên biết mặt biết tên nhưng gan dạ, có cách nói chuyện giống Dương Chính, Nguyễn Bình, Trần Thành Ngọ, dễ thu hút lòng người, nhưng trong câu chuyện có những tiếng mình nghe không hiểu gì cả.

Gần sáng, thuyền đưa chúng tôi tới Bác Mã, một địa điểm trong Chiến khu Đông Triều. Ở đây, tôi gặp đồng chí Nguyễn Bình, lại gặp được cả Lê Phú và nhiều đồng chí khác. Tôi mới xa anh Nguyễn Bình độ hai tháng trời mà nỗi vui mừng gặp lại tưởng như xa đã bao năm. Hạnh phúc biết bao khi chúng tôi được gặp nhau ở chiến khu trong không khí hào hùng lo việc cứu dân cứu nước này.

Kế hoạch đánh đồn Bí Chợ được bàn ở Chiến khu Đông Triều và do anh Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy. Lực lượng sử dụng là một tiểu đội, dùng lối đánh kỳ tập kết hợp với nội ứng. Tôi có nhiệm vụ đưa đội du kích bí mật chui qua rào vào đồn, chia nhau chịt các cửa buồng tiêu diệt địch. Để giữ bí mật toàn đội sẽ không mang theo súng trường mà chỉ có hai khẩu súng ngắn. Vì vậy tôi và Mộc có nhiệm vụ phải lấy được một số súng đạn của địch để trang bị tại trận cho đội du kích.

Đồn địch nằm gọn trong tòa nhà hai tầng gồm có tám căn buồng. Muốn diệt chúng, mỗi buồng ít ra cũng phải có hai người đủ vũ khí, cộng mười sáu người, mười sáu súng. Đó là dự kiến của tôi. Tôi nghĩ lực lượng đi đánh có mỗi tiểu đội như vậy là ít quá. Nhưng anh Nguyễn Bình giải thích đi đông dễ lộ bí mật. Hơn nứa dùng binh cốt ở tinh thông. Sau này càng nghĩ tôi càng thấy khâm phục tài cầm quân đánh giặc của anh, đã mang ít quân lại không mang súng.

Tôi có nhiệm vụ trở về đồn bàn kế hoạch cụ thể với Mộc, rồi lại tới ngay Quảng Yên gặp đồng chí Nguyễn Bình, quyết định kế hoạch lần cuối cùng.

Công việc bàn bạc với Mộc đã xong. Mộc nhất trí kế hoạch của chiến khu. Riêng Mộc đảm nhiệm cho cát vào hai khẩu trung liên và ăn cắp hai khẩu tiểu liên. Tôi sẽ lấy một súng trường của tôi và ba người nữa tôi gọi là cảm tình. Khi nào đội du kích tới đánh đồn, sẽ lấy ra trang bị cho anh em.

Bàn bạc xong, tôi vơ lấy vài cái quần áo rồi lại ra đi. Một tên lính Đại Việt hỏi soi mói:

- Mày vừa về sao lại đi ngay?

Tôi nói:

- Tao được nghỉ bảy ngày về thăm bố ốm, mới nghỉ có ba ngày! Nhân có việc qua Uông Bí, tao tạt vào lấy quần áo thay!

Cách nói dối cũng gượng gạo, nhưng không nghĩ ra cách gì hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:51:27 am »

Qua thị xã Uông Bí thì trời đã tối, người mệt nhoài vì mấy ngày thiếu ngủ, đầu óc thường xuyên căng thẳng. Tôi tìm thuê một chiếc xe kéo đi Quảng Yên, nhưng không một chiếc nào dám đi đêm trên con đường này. Đêm nay, các đồng chí đón mình ở chỗ đã hẹn, tới chậm giờ nào, các đồng chí mong giờ đó, lỡ ra thì lại mất liên lạc. Tôi vừa đi vừa chạy, chạy mệt lại đi, đi đỡ mệt lại chạy, chạy nhiều hơn đi, mong cho chóng tới thị xã Quảng Yên. Khoảng 12 giờ đêm, tới thị xã Quảng Yên, tìm tới góc phố đã hẹn thì gặp Lê Bích đứng đón từ tối ở đấy rồi. Lê Bích dẫn tôi đi một lát rồi tạt vào cái ngỗ con. Ở đấy, tôi gặp đồng chí Nguyễn Bình. Các đồng chí khác cũng vừa mới ở chiến khu tới đây chiều nay. Đồng chí Nguyễn Bình đã thống nhất các ý kiến trong kế hoạch đánh đồn Bí Chợ một cách chặt chẽ tỉ mỉ. Tôi thấy tin tưởng vô cùng.

Hai ngày sau, tôi từ Quảng Yên trở về đồn Bí Chợ. Kế hoạch như thế là đã quyết định xong. Đêm 30 tháng 6, đội du kích tới đánh đồn.

Độ mười giờ sáng, tôi về tới đồn. Anh em cảm tình cho biết mấy ngày nay, trong bọn lính có sự bàn tán xôn xao về tôi. Chúng nghi tôi là Việt Minh. Chúng nó bảo tôi mới tới đồn có độ hai tháng trời mà đi đi về về đã ba lần rồi. Người con gái hôm nọ tới đây trông không giống tôi, mà lại nói là em gái tôi. Chúng nó định chiều nay thằng quan hai Nhật ở Hải Phòng về là sẽ báo cho nó biết.

Nghe xong tôi làm ra vẻ bình thản nói:

- Chúng nó chỉ được cái nói láo. Cứ để chúng nó đi báo quan hai!

Nói vậy nhưng bụng đã hơi lo lo. Đêm nay đội du kích tới đánh đồn rồi, nếu để xảy ra chuyện gì thì hỏng cả. Tôi vội đi tìm Mộc, bàn cách đối phó. Không may tên quan hai Nhật đã phái Mộc về bộ tư lệnh tiểu đoàn Nhật ở Hòn Gai có việc mấy hôm nay rồi.

Tôi đang loay hoay nghĩ cách trả lời nếu nó hỏi tôi, thì độ một giờ chiều Mộc về. Mộc về lúc này, sao tôi thấy thân thiết và vui mừng đến thế. Chúng tôi bàn đi bàn lại không nghĩ ra cách gì để đối phó.

Độ một giờ sau, Mộc tới tìm tôi, nói:

- Sinh này, mình vừa ở chỗ tên quan tư Nhật ở Hòn Gai về. Chiều nay thằng quan hai Nhật về, mình nói dối nó là quan tư gọi nó về Hòn Gai có việc cần ngay. Thế nào nó cũng đi. Nhưng có chắc chắn đội du kích hôm nay tới đánh dồn không?

Tôi mừng rỡ đáp:

- Đêm   nay nhất định là đội du kích tới rồi. Chỉ cần thằng quan hai đi ngay để dư luận không kịp tới tai nó. Cứ qua đêm nay là được. Nhưng liệu nó có đi ngay cho không?

Mộc nói:

- Cứ nói quan tư có lệnh gọi thì thế nào nó cũng đi. Mình chỉ lo đêm nay đội du kích mà không tới, thì mai nó về, lôi thôi lắm đấy.

Tôi quả quyết:

- Thế nào cũng tới, cậu đừng lo. Cậu cứ thế mà làm.

Độ bốn năm giờ chiều tên quan hai Nhật về. Nó vừa ở chiếc ôtô con bước xuống, Mộc chạy tới nói với nó bằng tiếng Pháp:

- Việc ông giao cho tôi đi Hòn Gai đã làm xong. Quan tư có lệnh gọi ông tới Hòn Gai ngay hôm nay có việc cần.

Tôi ở trong hiên nhà nhòm ra. Tên quan hai chỉ kịp ra lệnh cho lính vác từ trên ô tô xuống những chiếc ba lô vải đỏ mới tinh và hàng chục tút thuốc lá mà nó mới lĩnh ở Hải Phòng về để phát cho lính rồi tất tưởi vào trong nhà thay quần áo, một lát lại lên xe ra đi. Tôi trút ra một tiếng thở dài, lòng nhẹ hẳn đi, rồi tới gần Mộc khẽ nói:

- Hay lắm. Việc cậu làm hay lắm. Chúng ta lại bàn kế hoạch cụ thể đêm nay.

Trời tối đã lâu rồi, tôi và Mộc ngồi trong vườn hoa trước cửa đồn nói chuyện. Chúng tôi nhắc lại những việc phải làm trong đêm nay, chỉ lo cho nhau những gì sơ suất. Sắp kẻng ngủ rồi còn gì. Mộc móc bao thuốc lá rút một điếu hút rồi đưa cả bao cho tôi, nói:

- Cậu cầm lấy mà hút, mình hút rát cả lưỡi rồi. Mình hồi hộp quá, Sinh ạ.

Tôi đáp:

- Ừ, mình cũng thế, hồi hộp quá, chỉ mong mau tới kẻng ngủ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:52:21 am »

Kẻng ngủ đã đánh. Nửa giờ sau, theo kế hoạch đã định, Mộc ra vọng gác kiểm tra gác, tôi đi ra khu vườn trước cửa, dỡ rào chui ra ngoài.

Trời không trăng không sao, tối như mực. Tôi không dám đi đường cái, cứ ven theo đồi mà đi.

Từ đồn ra chỗ đón đội du kích chỉ độ ba cây số mà sao tôi đi thấy lâu thế. Nhiều lúc cứ tưởng như mình đã đi lạc đường lại phải dừng lại xem phương hướng. Việc đi đường đối với tôi lúc này tưởng như quan trọng nhất đời tôi.

Tới chỗ hẹn, có tiếng hỏi: - Ai?

Tôi vừa đáp: - Tôi! Thì người đó bỏ chạy. Biết là người mình, tôi vừa chạy theo vừa gọi khẽ:

- Tôi đây, tôi đây. Đứng lại!

Nhưng càng đuổi càng gọi, người đó càng chạy miết, rồi mất hút. Tôi ngơ ngác chưa hiểu sự việc ra sao, quay về chỗ hẹn đứng một lúc thì đội du kích tới. Đồng chí Nguyễn Bình hỏi:

- Tôi có cho một người tới liên lạc trước, đã gặp chưa?
 
 
Tôi thuật lại câu chuyện vừa rồi, đồng chí lẩm bẩm:

- Cái thằng nhát quá.

Trời đã bắt đầu mưa. Mưa tháng sáu, nước đổ xuống như trút. Tôi đi trước dẫn đường, đồng chí Bình bám lưng tôi, Lê Phú bám lưng đồng chí Bình, cứ thế hơn chục người bám lưng nhau đi như trẻ con chơi rồng rắn. Cách đồn còn có năm trăm thước, tôi dừng lại dặn các đồng chí yên lặng, nhẹ nhàng. Lúc đó mới biết tốp du kích sáu người đi cuối do đồng chí Hoàng Sĩ Lễ dẫn đầu đã đi lạc mất rồi.

Tôi lo quá, mười hai người đã ít lại lạc mất một nửa. Bảo các đồng chí đứng đợi, tôi chạy ngược lại đi tìm. Trời vẫn tối đen, mưa vẫn nặng hạt. Cứ chạy một quãng tôi lại dán mặt xuống đất chổng mông lên trời nhìn về phía trước, hy vọng tìm ra những bóng người in lên nền trời đen sạm. Mỗi khi trước mặt tôi hiện ra những bóng đen, tôi mừng quá chạy lại, mồm tặc lưỡi gọi, tay sờ vào thì lại là những bụi cây thờ ơ lạnh nhạt.

Trời sắp sáng rồi còn gì. Tôi không chổng mông để tìm nữa, cũng không tặc lưỡi nữa. Vội quá rồi, tôi vừa chạy vừa gọi khẽ: “Có ai đấy không? Có ai đấy không?”. Chạy gần hết quáng đường đã đi qua rồi. “Có ai đấy không? Có ai đấy không?”. Quanh tôi chỉ là rừng núi đen ngòm và yên tĩnh. Mưa đá tạnh từ lúc nào rồi cũng không biết nữa.

Tôi như một con sóc, lao trở về phía đội du kích còn lại. Mặc trời tối, mặc bụi cây, mặc vấp ngã. Có lúc nhảy vào nằm gọn trong một bụi cây, lại lóp ngóp bò ra. Đồng chí Nguyễn Bình lệnh cho tôi đưa đội du kích vào đồn. Không có cách nào khác, còn sáu người cũng đánh. Tới hàng rào, để các đồng chí đứng ngoài, tôi chui vào vườn tìm Mộc. Mộc vẫn còn ngồi đợi tôi trong chiếc miếu con ở giữa khu vườn. Thấy tôi về, Mộc mừng lắm hỏi:

- Anh em tới chưa?

Tôi đáp:

- Tới rồi, vẫn yên tĩnh chứ? Việc cậu làm đã xong chưa?

Mộc nói:

- Vẫn yên tĩnh, đã cho cát vào hai khẩu trung liên. Đợi mãi không thấy cậu về, lo quá, cứ tưởng xảy ra chuyện gì bất trắc rồi.

Tôi trao đổi nhanh với Mộc:

- Đội du kích lạc mất một nửa rồi. Mình đi tìm mãi không thấy. Còn có sáu người. Bây giờ chia nhau mỗi người chịt một buồng. Mình với cậu và hai du kích chịt bốn buồng trên gác, còn các anh em khác chịt bốn buồng dưới nhà. Cậu vào lấy hai khẩu tiểu liên ra đi. Mình dẫn anh em vào đây rồi sẽ lấy bốn súng trường ra sau. Nhanh lên, nhưng khẽ chứ nhé.

Tôi ra ngoài, dẫn đội du kích chui vào trong miếu. Sau đó chạy vào lấy bốn khẩu súng trường và một bao đạn ra. Lê Phú giữ một tiểu liên, tôi giữ một tiểu liên. Đồng chí Bình và Mộc mỗi người một khẩu súng ngắn. Bốn khẩu súng trường chia cho bốn đồng chí khác. Bao đạn lấy ra chia cho bốn khẩu súng trường, mỗi khẩu được có hai ba viên. Phân phối vũ khí xong thì trời mờ mờ sáng. Tôi chỉ kịp chỉ cho đồng chí Nguyễn Bình và Lê Phú dẫn hai du kích đánh vào bốn gian ở tầng dưới, thì kẻng báo thức buổi sáng cũng vang lên. Đã đến giờ dậy rồi. Đánh hay rút? Chúng tôi không ai bảo ai đều nhìn vào đồng chí Nguyễn Bình.

- Đánh!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:55:09 am »

Đồng chí Nguyễn Bình khoát tay ra lệnh. Chúng tôi từ vườn chạy ập vào tòa nhà hai tầng. Tên gác cổng thấy động, quay vào trong đồn, nhìn thấy chúng tôi nhưng nó chưa kịp hiểu là chuyện gì, thì chúng tôi đã người lên gác, người dưới nhà, vừa bắn chỉ thiên vừa hét:

- Việt Minh đã đến! Việt Minh đã đến! Muốn sống nằm yên!

Một số tên nghe kẻng báo thức đã lóp ngóp bò dậy, một số tên đang nằm nán, nghe tiếng súng tiếng hét liền nằm im không nhúc nhích. Mùi thuốc súng khét lẹt trong tòa nhà hai tầng: Tiếng súng nổ trong nhà nghe ầm như tiếng đại bác. Một tên huấn luyện viên người Việt vùng dậy định lấy súng đối phó thì Mộc đã kịp thời nhảy tới, giằng lại súng quật ngã nó. Khuê, tên lính to khỏe, béo đen, vác khẩu súng trường chạy ra hiên ngơ ngác. Có lẽ đến lúc đó, hắn vẫn chưa hiểu là chuyện gì nữa. Biết Khuê là người tốt, tôi chĩa tiểu liên vào hắn, nói:

- Việt Minh đã đến, bỏ súng xuống.

Lúc đó Mộc cũng vừa quật ngã tên huấn luyện viên xong, chạy ra, thấy thế nhảy xổ tới chỗ Khuê, giằng lấy khẩu súng, hét lên:

- Bỏ súng ra - Rồi quay lại phía tôi nói: - Cậu hiền thế, nó bắn chết cậu thì sao? (sau Khuê đi theo ta, trở thành một chiến sĩ dũng cảm, đã hy sinh trong trận đánh đảo Cô Tô).

Cuộc chiến đấu kết thúc rất nhanh chóng. Chỉ độ năm phút sau, tất cả hai trung đội địch bị tám người của ta dồn gọn vào một căn buồng dưới nhà. Bọn chúng vẫn còn run sợ, mặt cắt không còn hột máu. Đồng chí Nguyễn Bình lệnh cho chúng ra sân tập hợp. Trời đã sáng rõ. Lúc này tôi mới để ý đến cách ăn mặc của đồng chí Nguyễn Bình, quần áo nâu, quần xắn móng lợn ống cao ống thấp, đầu trần, mắt đeo kính đen, chân đi đất, trông thật là một con người hình thường nhưng lại rất oai phong, đang đứng trước đám tù binh. Đồng chí rút ở thắt lưng ra một lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ chỉ to bằng một vuông vải, nhưng nó có sức truyền cảm làm tôi xúc động vô cùng, toàn thân như có một luồng điện chạy qua, mắt đăm đăm nhìn lá cờ không chớp. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy lá cờ đỏ sao vàng.

Đồng chí Nguyễn Bình, tay giơ cao lá cờ, ôn tồn giải thích cho đám tù binh:

- Nhật đảo chính Pháp, chỉ là chuyện hai con chó cắn nhau. Nước ta nô lệ vẫn hoàn toàn là nô lệ. Bọn Đại Việt và Quốc dân đảng phản động ôm chân phát xít Nhật, lợi dụng tiếng “Việt Nam độc lập” lừa dối anh em đi lính làm bia đỡ đạn cho Nhật. Chúng tôi những người Việt Minh, chủ trương đánh Nhật cứu nước. Các anh em đều là người Việt Nam, chỉ vì bị lừa dối đi lính cho chúng. Chúng tôi không giết hại anh em. Ai muốn theo chúng tôi thì đi, ai muốn về chúng tôi phát tiền lộ phí cho về, chỉ khuyên anh em một điều là từ nay về sau đừng đi lính cho giặc nữa.

Ánh hào quang của lá cờ đỏ sao vàng và lời lẽ ôn tồn của đồng chí Nguyễn Bình đã chiếu rọi vào lòng những con người bị lừa gạt này. Nét mặt họ dần dần tươi tỉnh.

Sau khi diệt xong đồn Bí Chợ, thu toàn bộ vũ khí, chúng tôi trở về chiến khu. Đám tù binh làm xong nhiệm vụ tải súng đạn chiến lợi phẩm tới một nơi đã định, được phát lộ phí về quê hương, một số đi theo ta.

Ngay hôm sau chúng tôi về tới chiến khu, một đội du kích mới được thành lập: Tiểu đội du kích Ký Con, Lê Phú làm tiểu đội trưởng, Nguyễn Văn Mộc làm tiểu đội phó, tôi làm đội viên súng máy. Cũng có thể nói, đội du kích Ký Con là em đội du kích Hoàng Văn Thụ, Phạm Hồng Thái, những đội du kích đã được xây dựng từ trước của Chiến khu Đông Triều.

Sự biến đổi của cuộc đời tôi, tôi luôn luôn và mãi mãi ghi tạc là nhờ Đảng ta, nhờ phong trào Việt Minh do Đảng lãnh đạo, nhưng sự vụt lớn lên nhanh chóng trong vòng ba tháng trời của tôi từ một người thợ điện thời nô lệ thành một chiến sĩ cách mạng thì tôi phải khẳng định là nhờ được sự gặp gỡ anh Nguyễn Bình.

Trước sau chỉ có ba lần gặp anh mà anh với trọng trách người chỉ huy một chiến khu, đã dám đưa năm du kích với hai súng ngắn, cùng tôi xông vào diệt đồn Bí Chợ có một đại đội địch, thì quả thật anh như người tay không xông vào hang hùm, diệt bầy cọp dữ.

Không nói gì đến lòng trung thành của tôi, điều này có thể dễ xét đoán, nhưng chỉ một sơ suất nào đó cũng đủ làm cho anh, đội du kích và tôi cùng anh Mộc sẽ gặp nguy hiểm khó tránh khỏi thất bại, hoặc tổn thất. Thực ra đã có sơ suất mà sơ suất lớn. Mười một du kích theo anh Bình và tôi đi đến gần đồn thì lạc mất một nửa, chỉ còn năm du kích do anh Lê Phú chỉ huy.

Vậy mà anh vẫn giữ vững quyết tâm hạ đồn Bí Chợ. Chỉ cần qua một trận đánh đó cũng đủ nói lên cái đức, cái tài, cái trí, cái dũng, cái nhân của anh Nguyễn Bình, ở đây điều đáng nói là đức tin cao độ của anh vào người mà mới qua vài lần gặp đã được anh coi như đồng chí của mình và tấm lòng nhân hậu của anh khi kẻ thù đã hạ súng đầu hàng, ai muốn theo cho theo, ai muốn về cho về.

Trường hợp này của tôi, nếu tôi gặp một người chỉ huy khác, chỉ cần một thoáng hoài nghi, một thoáng do dự khi các tình huống khó khăn ập đến thì trận đánh không thể thành công, và tôi sẽ như một mầm non cách mạng mới nhú đã bị thui chột lụi tàn, hoặc có lớn lên được thì cũng đầy gian nan còi cọc, cằn cỗi, chứ đâu có thể vụt lớn nhanh và tự khẳng định được mình bằng chiến thắng Bí Chợ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 07:57:05 am »

Đồng chí Nguyễn Bình khoát tay ra lệnh. Chúng tôi từ vườn chạy ập vào tòa nhà hai tầng. Tên gác cổng thấy động, quay vào trong đồn, nhìn thấy chúng tôi nhưng nó chưa kịp hiểu là chuyện gì, thì chúng tôi đã người lên gác, người dưới nhà, vừa bắn chỉ thiên vừa hét:

- Việt Minh đã đến! Việt Minh đã đến! Muốn sống nằm yên!

Một số tên nghe kẻng báo thức đã lóp ngóp bò dậy, một số tên đang nằm nán, nghe tiếng súng tiếng hét liền nằm im không nhúc nhích. Mùi thuốc súng khét lẹt trong tòa nhà hai tầng: Tiếng súng nổ trong nhà nghe ầm như tiếng đại bác. Một tên huấn luyện viên người Việt vùng dậy định lấy súng đối phó thì Mộc đã kịp thời nhảy tới, giằng lại súng quật ngã nó. Khuê, tên lính to khỏe, béo đen, vác khẩu súng trường chạy ra hiên ngơ ngác. Có lẽ đến lúc đó, hắn vẫn chưa hiểu là chuyện gì nữa. Biết Khuê là người tốt, tôi chĩa tiểu liên vào hắn, nói:

- Việt Minh đã đến, bỏ súng xuống.

Lúc đó Mộc cũng vừa quật ngã tên huấn luyện viên xong, chạy ra, thấy thế nhảy xổ tới chỗ Khuê, giằng lấy khẩu súng, hét lên:

- Bỏ súng ra - Rồi quay lại phía tôi nói: - Cậu hiền thế, nó bắn chết cậu thì sao? (sau Khuê đi theo ta, trở thành một chiến sĩ dũng cảm, đã hy sinh trong trận đánh đảo Cô Tô).

Cuộc chiến đấu kết thúc rất nhanh chóng. Chỉ độ năm phút sau, tất cả hai trung đội địch bị tám người của ta dồn gọn vào một căn buồng dưới nhà. Bọn chúng vẫn còn run sợ, mặt cắt không còn hột máu. Đồng chí Nguyễn Bình lệnh cho chúng ra sân tập hợp. Trời đã sáng rõ. Lúc này tôi mới để ý đến cách ăn mặc của đồng chí Nguyễn Bình, quần áo nâu, quần xắn móng lợn ống cao ống thấp, đầu trần, mắt đeo kính đen, chân đi đất, trông thật là một con người hình thường nhưng lại rất oai phong, đang đứng trước đám tù binh. Đồng chí rút ở thắt lưng ra một lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ chỉ to bằng một vuông vải, nhưng nó có sức truyền cảm làm tôi xúc động vô cùng, toàn thân như có một luồng điện chạy qua, mắt đăm đăm nhìn lá cờ không chớp. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy lá cờ đỏ sao vàng.

Đồng chí Nguyễn Bình, tay giơ cao lá cờ, ôn tồn giải thích cho đám tù binh:

- Nhật đảo chính Pháp, chỉ là chuyện hai con chó cắn nhau. Nước ta nô lệ vẫn hoàn toàn là nô lệ. Bọn Đại Việt và Quốc dân đảng phản động ôm chân phát xít Nhật, lợi dụng tiếng “Việt Nam độc lập” lừa dối anh em đi lính làm bia đỡ đạn cho Nhật. Chúng tôi những người Việt Minh, chủ trương đánh Nhật cứu nước. Các anh em đều là người Việt Nam, chỉ vì bị lừa dối đi lính cho chúng. Chúng tôi không giết hại anh em. Ai muốn theo chúng tôi thì đi, ai muốn về chúng tôi phát tiền lộ phí cho về, chỉ khuyên anh em một điều là từ nay về sau đừng đi lính cho giặc nữa.

Ánh hào quang của lá cờ đỏ sao vàng và lời lẽ ôn tồn của đồng chí Nguyễn Bình đã chiếu rọi vào lòng những con người bị lừa gạt này. Nét mặt họ dần dần tươi tỉnh.

Sau khi diệt xong đồn Bí Chợ, thu toàn bộ vũ khí, chúng tôi trở về chiến khu. Đám tù binh làm xong nhiệm vụ tải súng đạn chiến lợi phẩm tới một nơi đã định, được phát lộ phí về quê hương, một số đi theo ta.

Ngay hôm sau chúng tôi về tới chiến khu, một đội du kích mới được thành lập: Tiểu đội du kích Ký Con, Lê Phú làm tiểu đội trưởng, Nguyễn Văn Mộc làm tiểu đội phó, tôi làm đội viên súng máy. Cũng có thể nói, đội du kích Ký Con là em đội du kích Hoàng Văn Thụ, Phạm Hồng Thái, những đội du kích đã được xây dựng từ trước của Chiến khu Đông Triều.

Sự biến đổi của cuộc đời tôi, tôi luôn luôn và mãi mãi ghi tạc là nhờ Đảng ta, nhờ phong trào Việt Minh do Đảng lãnh đạo, nhưng sự vụt lớn lên nhanh chóng trong vòng ba tháng trời của tôi từ một người thợ điện thời nô lệ thành một chiến sĩ cách mạng thì tôi phải khẳng định là nhờ được sự gặp gỡ anh Nguyễn Bình.

Trước sau chỉ có ba lần gặp anh mà anh với trọng trách người chỉ huy một chiến khu, đã dám đưa năm du kích với hai súng ngắn, cùng tôi xông vào diệt đồn Bí Chợ có một đại đội địch, thì quả thật anh như người tay không xông vào hang hùm, diệt bầy cọp dữ.

Không nói gì đến lòng trung thành của tôi, điều này có thể dễ xét đoán, nhưng chỉ một sơ suất nào đó cũng đủ làm cho anh, đội du kích và tôi cùng anh Mộc sẽ gặp nguy hiểm khó tránh khỏi thất bại, hoặc tổn thất. Thực ra đã có sơ suất mà sơ suất lớn. Mười một du kích theo anh Bình và tôi đi đến gần đồn thì lạc mất một nửa, chỉ còn năm du kích do anh Lê Phú chỉ huy.

Vậy mà anh vẫn giữ vững quyết tâm hạ đồn Bí Chợ. Chỉ cần qua một trận đánh đó cũng đủ nói lên cái đức, cái tài, cái trí, cái dũng, cái nhân của anh Nguyễn Bình, ở đây điều đáng nói là đức tin cao độ của anh vào người mà mới qua vài lần gặp đã được anh coi như đồng chí của mình và tấm lòng nhân hậu của anh khi kẻ thù đã hạ súng đầu hàng, ai muốn theo cho theo, ai muốn về cho về.

Trường hợp này của tôi, nếu tôi gặp một người chỉ huy khác, chỉ cần một thoáng hoài nghi, một thoáng do dự khi các tình huống khó khăn ập đến thì trận đánh không thể thành công, và tôi sẽ như một mầm non cách mạng mới nhú đã bị thui chột lụi tàn, hoặc có lớn lên được thì cũng đầy gian nan còi cọc, cằn cỗi, chứ đâu có thể vụt lớn nhanh và tự khẳng định được mình bằng chiến thắng Bí Chợ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM