Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:15:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thử lửa  (Đọc 7443 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2020, 05:11:37 pm »

   
ĐÔI ĐỀU VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

        Tôi thật sự vinh dự và cảm ơn tác giả cuốn  sách này cùng Thiếu tướng Nguyễn Quỳ, nguyên là Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự đã gợi ý tôi viết "Đôi điều về tác giả và tác phẩm".

        Đầu năm 2011, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Học viện, theo lời đề nghị của Học viện, tôi viết hồi ký, mặt khác tôi liên hệ qua điện thoại tới những cán bộ, giáo viên, học viên đã từng gắn bó với tôi nhiều năm ở Khoa Cơ điện mà tôi là Chủ nhiệm khoa..., động viên, khuyên khích anh em viết hồi ký. Tôi tin tưởng rằng những kỷ niệm sâu sắc của họ sẽ là những viên gạch quý giá, xây đắp truyền thông của Học viện.

        Trong số anh em mà tôi gửi gắm lòng tin có anh Nghiêm Sỹ Chúng, một học viên khoá 1 đào tạo mà ngay buổi gặp đầu tiên tôi đã có ấn tượng tốt. Đó là khoảng tháng 10 năm 1966, trong buổi họp mặt các học viên mới tựu trường, chúng tôi gồm anh Lê Văn Chiểu, lúc đó là Hiệu phó phân hiệu và tôi giới thiệu với học viên nhiệm vụ nhà trường và những nét chính về quá trình học tập đào tạo. Sau mấy ngày tiếp xúc với học viên, tôi đã ít nhiều nắm được tâm tư anh em, nói chung anh em phấn khởi nhưng cũng ít người thích học ngành vũ khí, một ngành học rất đặc trưng và rất quan trọng của Trường Đại học Kỹ thuật quân sự. Vì vậy, tôi có đặt câu hỏi "Ai tình nguyện học ngành vũ khí?". Trong khoảnh khắc im lặng, anh Chúng giơ tay và nói: "Thưa Thủ trưởng, tôi xin tình nguyện". Rất mừng trước thái độ của anh Chúng, tôi biểu dương tinh thần đó và tất nhiên, sau này tôi quan tâm đến thành viên này trong quá trình đào tạo. Đúng như dự đoán, anh Chúng là một học viên học giỏi và là một trong những người tích cực trong các hoạt động khác, cuối khoá đã tốt nghiệp loại "giỏi" và được giữ lại làm giáo viên. Sau một số năm công tác tại trường, anh được điều động về đơn vị và rất mừng là anh đã tỏ rõ bản lĩnh của mình, nên nhanh chóng được đề bạt từ cán bộ cơ sở, sau này là Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân khu 1 rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật với quân hàm Thiếu tướng. Khi khuyên khích anh viết hồi ký, tôi cũng chưa được biết tường tận về những thành tích cụ thể, mà chỉ biết cả quá trình anh là một người tiêu biểu trong hàng ngũ các cán bộ giỏi.

        Đến khi nhận được bản thảo hồi ký lần đầu, tôi thật mừng là anh đã được Ban Tuyên huấn Học viện chấm giải nhất. Tôi gọi điện chúc mừng anh và nói "Sẽ thật vô cùng tiếc nếu anh không viết hồi ký này" và động viên anh nên viết bổ sung thêm những dấu ấn của mình trong cả sự nghiệp. Kết quả tác phẩm của anh đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xét duyệt, in thành sách. Chúc mừng anh, tôi có nói: Anh xứng đáng là một vị tướng. Trong sự nghiệp của mình anh không có nhiều cơ may, nhưng anh đã có những thành công.

        Cuốn hồi ký không chỉ là một "viên gạch" mà là một viên ngọc quý tô điểm cho truyền thống của Học viện. Những hình ảnh được kể lại trong cuốn sách đã nói lên bản lĩnh, đạo đức của một thanh niên xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ đều thoát ly đi tham gia cứu nước, được nuôi dưỡng bởi một người mẹ miền Nam có lòng yêu nước điển hình cho xã hội Việt Nam thòi kỳ đó, và từ nhà trường ra chiến trường đã lớn lên, dũng cảm vượt qua những thử thách của chiến tranh,v.v. Vì vậy tôi nghĩ, cuốn sách không chỉ hữu ích với các học viện, các thành viên tình nguyện vào học các trường quân đội, mà cũng rất xứng đáng được xếp vào những tác phẩm, những hồi ký về cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại của dân tộc ta.

        Nó cũng không chỉ hữu ích trong việc giáo dục thanh niên các thế hệ sau mà còn hữu ích đối với những người lãnh đạo, những cán bộ, giáo viên làm công tác đào tạo trong quân đội cũng như ngoài nhà nước. Vói riêng tôi, một mặt tự hào là Học viện đã đào tạo được những cán bộ tốt, nhưng mặt khác cũng thấy có trách nhiệm nhìn nhận những thiếu sót mà tôi nghĩ là thiếu sót chung của ngành giáo dục nước ta hiện nay là chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành đã dẫn đến cho người học viên khi ra trường gặp những tình huống rất trớ trêu. Chương trình học còn quá nặng về học sách, học chữ. Trong khi ta luôn yêu cầu đào tạo "con người toàn diện" thì những điều kiện cụ thể trong sinh hoạt, rèn luyện, việc bố trí thời gian hợp lý, xen kẽ, kết hợp với những phương pháp đúng đắn, sát với thực tế cuộc sống đế rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật, bản lĩnh điều hành, chỉ huy và đặc biệt là tác phong quân sự đối với người học viên sĩ quan, tác phong công nghiệp đối với người kỹ sư dân dụng... lại còn rất chung chung.

        Với những ý nghĩ trên, tôi nghĩ cuốn sách này đáng được trân trọng và hy vọng mọi người sẽ có cùng những cảm nghĩ như thế.

Đại tá LÊ PHƯƠNG CẢO                        
Nguyên Phó Giám đốcHọc viện Kỹ thuật Quân sự        

MỤC LỤC

        -   Lời giới thiệu.
        -   Lời của tác giả.
        -   Từ nhà trường ra chiến trường.
        -   Khúc dạo đầu bi tráng.
        -   Những câu chuyện của sĩ quan mới ra trường.
        -   Trở lại nhà trường.
        -   Đôi điều về tác giả và tác phẩm.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM