Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:08:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 30 năm phục vụ và xây dựng của ngành Quân y QĐND Việt Nam (1945-1975)  (Đọc 5389 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2020, 02:15:39 pm »

3. Thành lập Quân y cục trong Bộ Quốc phòng. Hội nghị quân y lần thứ nhất về vấn đề tổ chúc. Thành lập quân y vụ các chiến khu. Thành lập Viện bào chế tiếp tế Trung ương. Thành lập Ty bào chế tiếp tế Quân y phân cục Trung Bộ. Lớp dược tá đầu tiên của quân đội. Quyết nghị án của Hội nghị quân sự Đảng toàn quốc ngày 19 tháng mười năm 1946 về quân y. Lệnh trưng tập lần hai. Mở Trường quân y đại học. Xuất bản báo Vui Sống.

Sau khi thành lập Chính phủ liên hiệp, Bộ Quốc phòng được chính thức thành lập. Ngày 16 tháng tư năm 1946, Bộ quốc phòng ra quyết định số 12/NĐ thành lập Quân y cục do bác sĩ Vũ Văn Cẩn làm Cục trưởng.

Ngày 16 tháng tư năm 1946 được coi là ngày chính thức thành lập ngành quân y và là ngày truyền thống của ngành quân y.

Để thích hợp với tổ chức quân đội, Hội nghị cán bộ quân y lần thứ nhất họp tại Hà Nội vào tháng sáu năm 1946, có đại diện của Bộ Tổng tham mưu dự đã thảo luận và thông qua về hệ thống tổ chức quân y.

Ở Bắc Bộ : các Quân y vụ khu 1, 2, 3 rồi 10, 11, được lần lượt thành lập.

Ở Trung Bộ : thành lập Quân y phân cục.

Ở Nam Bộ: tới cuối tháng chín 1946 mới chia thành 3 khu : 7, 8 và 9, mỗi khu tổ chức một phòng quân y, tính chất công tác của phòng quân y tương tự như quân y vụ.

Dưới sự chỉ đạo của quân y vụ, có tổ chức các ban quân y trung đoàn, ban quân y tiểu đoàn và ban quân y đại đội. Ở Nam Bộ lúc này chưa có ban quân y tiểu đoàn mà tổ chức ban quân y chi đội rồi đến ban quân y đại đội.

Các quân y vụ và các phòng quân y đều do một bác sĩ phụ trách, các ban quân y trung đoàn do bác sĩ hoặc y sĩ hoặc sinh viên y khoa phụ trách, các ban quân y tiểu đoàn, ban quân y đại đội do y tá hoặc cứu thương phụ trách.

Về tổ chức dược, ngoài Phòng bào chế tiếp tế ở Ba Thá, Cục quân y còn tổ chức thêm Viện bào chế tiếp tế Trung ương 1 để tiếp tế thuốc cho các bệnh viện và các quân y vụ. Thuốc và dụng cụ y tế lúc này đều do Bộ y tế cung cấp và tranh thủ thu thập ở một số nhà thương cũ của Pháp. Ngoài ra, ở Trung Bộ, tháng sáu năm 1946 cũng thành lập Ty bào chế tiếp tế của Quân y phân cục Trung Bộ  2. Ở Nam Bộ, do phải kháng chiến sớm nên công tác tiếp tế thuốc cũng vẫn dựa vào dân y. Lẻ tẻ một vài khu cũng có tổ chức phòng bào chế tiếp tế, phạm vi phuc vụ còn hạn chế.

Các cơ sở bào chế tiếp tế đầu tiên này bắt đầu hoạt động, vừa bào chế một số thuốc tiêm, bột, nước bằng những nguyên liệu có sẵn, vừa dự trữ, bảo quản, cấp phát thuốc cho một số bệnh viện và đơn vị bộ đội quanh vùng.

Đội ngũ cán bộ dược ban đầu còn rất ít, ngoài một số anh em dược sĩ, sinh viên dược khoa  3, dược tá cũ, số còn lại phần lớn là học sinh, nhân viên hồng thập tự vừa làm vừa học, mỗi phòng bào chế có khoảng trên dưới 10 người.

Tại Trung Bộ, tháng mười năm 1946 đã gấp rút đào tạo 12 dược tá cử đi phục vụ các đơn vị, đây cũng là lớp dược tá đầu tiên của quân đội.
Tại các trung đoàn, trừ một số đơn vị có cán bộ tòng quân, còn hầu hết đều chưa có dược tá, anh em y tá, cứu thương các đơn vị đều tự động kiêm nhiệm, lo liệu lấy thuốc và dụng cụ. Khả năng tiếp tế thuốc của Cục quân y còn hạn chế, nên nội dung công tác chuyên môn còn rất đơn giản.

Tháng sáu năm 1946, Quân y cục thành lập Quân y viện trung ương ở Hà Nội 4 để thu dung thương binh bệnh binh khu vực Hà Nội và để tiếp nhận thương binh, bệnh binh của các chiến khu gửi về, khả năng giải quyết kỹ thuật tuy có cao hơn cơ sở điều trị khác nhưng còn có hạn 5.

Quân y viện trung ương Hà Nội tổ chức một phòng bào chế, lúc đầu do một sinh viên dược khoa đảm nhiệm, sau được tăng cường một dược sĩ  6.

Để tăng cường chỉ đạo các tổ chức quân y, Quân y cục đã được củng cố một bước. Ngoài văn phòng đã thành lập Ban thanh tra  7, Ban nghiên cứu kế hoạch, và tổ chức thêm Phòng tuyển binh loại ngũ 8 .

Trong thời kỳ hình thành ngành quân y, do điều kiện thực tiễn của cách mạng lúc đó, đội ngũ cán bộ quân y ban đầu từ nhiều thành phần xã hội đã được thu hút đi theo cách mạng. Cạnh đội ngũ cán bộ trẻ, hăng hái nhiệt tình cách mạng, xuất thân từ các thành phần yêu nước, chúng ta cũng đã thu nhận và trọng dụng những trí thức cũ. Việc tổ chức ngành quân y thành một hệ thống dọc trong quân đội là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho anh em trí thức cũ có thể đi theo quân đội được. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức dọc đó cũng là một điều kiện thuận lợi cho những quan niệm và tư tưởng chuyên môn đơn thuần, chuyên môn tách rời với chính trị phát triển; việc lựa chọn, đào tạo cán bộ lúc này chưa chú trọng đến cán bộ xuất thân công nông, còn thiên về văn hóa, kỹ thuật, thiếu chặt chẽ về chính trị và tổ chức, nên đã đưa vào hàng ngũ cán bộ một số người không đủ tiêu chuẩn chính trị. Tình hình đó đã có những tác động xấu nhất định trong quá trình phát triển sau này của ngành.

Trong điều kiện mới xây dựng ngành, do trình độ giác ngộ chính trị còn non nớt và hạn chế nên trong công tác phục vụ, đã xuất hiện ở một số cán bộ tư tưởng chuyên môn đơn thuần, quan điểm phục vụ bộ đội, phục vụ thương binh, bệnh binh còn thiếu sót. Quyết nghị án của Hội nghị quân sự Đảng toàn quốc ngày 19 tháng mười năm 1946 phần nói về công tác “Vấn đề quân nhu, vũ khí, quân y” đã nói rõ:

- Định rõ sự quan hệ giữa bộ đội và ngành quân y,

- Phải đi tới sự đào tạo các bác sĩ chuyên môn trong bộ đội.

- Phải kiểm tra thuốc men do quân y phát cho bộ đội.

- Quy định thuốc quinin cho bộ đội ở những nơi nước độc.

- Can thiệp với các bác sĩ phụ trách không được cho binh sĩ giải ngũ.

Việc tổ chức ở cơ quan Quân y cục các ban thanh tra, ban nghiên cứu kế hoạch và phòng tuyển binh loại ngũ cũng nhằm một bước chấn chỉnh những thiếu sót và khắc phục những hạn chế của tình hình phục vụ lúc bấy giờ.

Trước sự phát triển của quân đội và yêu cầu xây dựng ngành trong thời kỳ hình thành, số cán bộ quân y tình nguyện và trưng tập lần thứ nhất không thể thỏa mãn được nhu cầu, Chính phủ đã ra lệnh trưng tập lần thứ hai vào tháng sáu năm 1946.

Bên cạnh việc trưng tập, Quân y cục gấp rút đào tạo cán bộ sơ cấp và tổ chức việc đào tạo cán bộ có trình độ đại học bằng việc mở Hệ quân y đại học, trong Trường đại học y dược khoa Hà Nội.

Trường quân y đại học được khai mạc ngày 21 tháng mười một năm 1946 tại Hà Nội. Hồ Chủ tịch và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tới dự lễ khai mạc.

Lúc này do thực dân Pháp gây hấn ở Hải Phòng và Lạng Sơn, tình hình rất khẩn trương, nên ngay sau khi khai mạc, hệ huấn luyện này phải chuẩn bị để phân tán.

Sau này cuộc chống Pháp, do điều kiện cụ thể, ta chỉ có thể tổ chức được Hệ sinh viên y dược khoa quân y trong Trường đại hoc y dược khoa tại Việt Bắc. 

Việc thành lập Trường quân y đại học lúc đó nói lên sự quan tâm của Hồ Chủ tịch và Chính phủ đối với việc đào tạo bác sĩ quân y cho bộ đội, nói lên tinh thần mạnh dạn khắc phục khó khăn và tinh thần tự lực của ngành.

Trong lời huấn thị tại lễ khai giảng Trường đại học quân y, Hồ Chủ tịch đã khuyên nhủ anh em sinh viên phải: “Hăng hái, hy sinh, bái ái, đoàn kết và kỷ luật”. Đó cũng là dạy ân tình của lãnh tụ đối với toàn ngành. Đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng kêu gọi “Phải chữa bệnh bằng thuốc nam, bằng thân ái, hy sinh, dũng cảm, kết hợp chuyên môn với giác ngộ, người thầy thuốc quân y sẽ là những chính trị viên đắc lực trong việc nâng đỡ bộ đội”.

Phát biểu trong lễ khai mạc, đồng chí Quân y Cục trưởng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải coi trọng học tập quân sự trong nội dung huấn luyện của nhà trường.

Với cán bộ được tăng cường thêm trong thời kỳ này, Cục quân y đã có điều kiện phát triển tổ chức và chi viện cho các chiến trường, đặc biệt là cho miền Nam Trung Bộ.

Cho tới cuối năm 1946, tổng số nhân viên quân y từ Nam Trung Bộ tới Bắc Bộ đã có 1.700 cứu thương, 800 y tá và dược tá, 63 bác sĩ, dược sĩ và y sĩ. Nhưng so với yêu cầu mới chỉ đạt 1/10 (theo báo cáo khai mạc Trường Quân y đại học tháng mười một năm 1946 của đồng chí Cục trưởng Cục quân y).

Vì thuốc và dụng cụ y dược trong thời kỳ này, ta hoàn toàn chưa sản xuất được. Nguồn thuốc của ta chủ yếu là do y tế nhân dân cung cấp, hoặc thu từ các bệnh viện cũ của Pháp (Nam Định thu được hàng 100 cuộn bông băng, Hội An thu được 200 tấn thuốc, lẻ tẻ các địa phương khác thu được một số thuốc chiến thương và thuốc chữa sốt rét...). Ngoài ra ta còn mua của các hàng thuốc tư nhân, cử cán bộ ra nước ngoài mua... Nhờ vậy, tình hình thuốc cung cấp cho bộ đội không đến nỗi quá căng thẳng. Tuy nhiên, do ý thức tiết kiệm còn kém, sử dụng lãng phí, giữ gìn không tốt nên đã xảy ra mất mát, hỏng vỡ nhiều. Đáng chú ý là ta chưa tạo được dự trữ cần thiết, nên khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã gặp không ít khó khăn.

Song song với việc chấn chỉnh tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ quân y ban đầu, chuẩn bị thuốc tại các khu, các trung đoàn đã tích cực xây dựng các cơ sở điều trị. Theo quy định, những cơ sở điều trị có 50 giường trở lên gọi là quân y viện, dưới 50 giường gọi là quân y xá, nhưng thực tế cũng chưa thực thống nhất ở mọi địa phương nhất là từ Nam Trung Bộ trở vào. Nội dung công tác cứu chữa cũng thay đổi tùy theo từng khu vực.

Ở các địa phương mà chiến sự chưa lan tới thì đối tượng chính là bệnh binh. Các quân y xá hoặc quân y viện thường bố trí ở các thị trấn, tiện đường giao thông vận chuyển. Cơ sở điều trị thường là các cơ sở cũ của Pháp, phương tiện và thuốc tương đối đủ, lại có sự giúp đỡ của nhân dân và ngành y tế nhân dân, do đó việc phục vụ thương binh, bệnh binh gặp nhiều thuận lợi.

Ở địa phương có chiến sự như ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và một số nơi ở Bắc Bộ như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai (trấn áp bọn phản cách mạng), Hải Ninh (tiễu trừ thổ phỉ), Lai Châu, (đánh Pháp)..., thì ngoài bệnh binh, các cơ sở điều trị đều phải tập trung lực lượng phục vụ thương binh. Đây là một công việc hết sức mới mẻ và rất khó khăn đối với cán bộ quân y lúc này. Trong chế độ cũ anh em chưa có kinh nghiệm cứu chữa vết thương chiến tranh, lại quen làm việc trong điều kiện có tiện nghi kỹ thuật, nay hoàn cảnh đã thay đổi hoàn toàn nên lúc đầu rất bỡ ngỡ và lúng túng. Nhưng với khí thế chiến thắng của cách mạng tháng Tám, với tinh thần phấn phởi tự hào của người trí thức vừa thoát khỏi cuộc đời nô lệ, nay được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, mọi người như thấy được tăng thêm nghị lực và sức sáng tạo, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nhiều bác sĩ, dược sĩ, y sĩ đã đưa hết khả năng, trí tuệ của mình phấn đấu không mệt mỏi, ngày đêm phục vụ tận tụy thương binh, bệnh binh. Nhiều anh chị em y tá cứu thương hồng thập tư, dược tá đã anh dũng đi theo phục vụ bộ đội chiến đấu, chiến đấu dùng cảm, hy sinh thân mình cứu chữa thương binh, tận tụy làm tất cả các công tác điều trị, hộ lý, nấu ăn, cáng thương. Những hình ảnh chiến đấu anh dũng của bộ đội, những hy sinh to lớn của nhân dân đã là những nguồn động viên mạnh mẽ đối với nhân viên quân y, tạo ra một không khí làm việc say sưa, quên mình đầy hứng thú. “Đồng chí”, “Chiến khu”, “Bác Hồ” là những tiếng gọi thiêng liêng, cao cả, đầy sức thuyết phục.

Đi đôi với công tác điều trị, Cục quân y cũng bắt đầu chú ý đến vấn đề truyền bá vệ sinh. Tháng sáu năm 1946, Cục quân y xuất bản số báo “Vui sống” đầu tiên tại Hà Nội.

Báo Vui sống được xuất bản và phát hành trong quân đội từ năm 1946 đến năm 1952, ra được 85 số. Lúc đầu, báo Vui sống là cơ quan truyền bá vệ sinh và y học của Quân y cục, đến số 78 thì trở thành cơ quan tuyên truyền và giáo dục chung của hai Cục quân y và Cục quân nhu.

Báo Vui sống phổ cập được một số vấn đề vệ sinh và y học thường thức, những năm đầu chưa có một đường hướng rõ ràng, chính xác nên nội dung còn tản mạn, chưa nhằm đúng đối tượng phục vụ là quân đội.




----------------------------------------------------------------
1. Do dược sĩ Hoàng Xuân Hà và dược sĩ Nguyễn Trọng Bính phụ trách.
2. Do dược sĩ Nguyễn Sĩ Dư phụ trách.
3. Số sinh viên dược khoa tòng quân đầu tiên có các đồng chí Hoàng Như Tố, Đặng Hanh Khôi, Phan Hữu Bào, Hoàng Bá Long, Đinh Ngọc Lâm...
4. Do bác sĩ Lê Văn Phụng phụ trách.
5. Tháng tư năm 1946, Quân y phân cục ở Huế mở rộng bệnh viện Mang Cá, có khả năng thu nhận gần 1000 thương binh, bệnh binh nhằm phục vụ cho yêu cầu của các mặt trận từ Nam Trung Bộ chuyển ra. Quân y viện Mang Cá sau khi cứu chữa, nếu cần thiết thì chuyển về Quân y viện Trung ương.
6. Do dược sĩ Huỳnh Quang Đại phụ trách.
7. Do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phụ trách.
8. Do bác sĩ Lê Văn Chánh phụ trách.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2020, 02:16:47 pm »

TÓM TẮT


Đặc điểm lớn nhất trong thời kỳ hình thành ngành quân y là: Cách mạng mới thành công, đoàn quân giải phóng được đổi thành các đơn vị Vệ quốc đoàn, đội quân thường trực của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phải nhanh chóng có ngay một tổ chức y tế bảo đảm cho đội quân thường trực đó. Sau nhiều năm nô lệ, lần đầu tiên giành được chính quyền, việc xây dựng ngành quân y là một việc hoàn toàn mới mẻ không có kinh nghiệm và không có cơ sở sẵn có.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng quân đội nói chung, chúng ta đã tuân theo đường lối xây dựng quân đội của Đảng mà từng bước xây dựng ngành quân y. Hai vấn đề lớn được đặt ra cho ngành quân y lúc này là : Nhanh chóng tạo ra một đội ngũ cán bộ quân y ban đầu và có ngay các tổ chức chữa bệnh cần thiết để cứu chữa thương binh, bệnh binh.

Thực hiện nguyên tắc xây dựng lưc lượng vũ trang trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị, chúng ta đã xây dựng đội ngũ cán bộ quân y ban đầu bằng cách thu hút những người có tinh thần giác ngộ cách mạng, tình nguyện tham gia quân đội, kêu gọi y sĩ, bác sĩ, sinh viên y khoa, dược khoa, dược tá, y tá... tòng quân huấn luyện một số thanh niên hăng hái vào học cứu thương, y tá..., làm nòng cốt cho việc phát triển tổ chức.

Chúng ta đã dựa vào sức dân, dựa vào sự đóng góp của nhân dân mà xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đầu tiên phục vụ cho việc cứu chữa lúc đó.

Tổ chức quân y đã được xây dựng trong những đơn vị quân đội, bộ đội phát triển đến đâu thì tổ chức quân y đến đó.

Ban y tế Vệ quốc đoàn Hà Nội, các ban y tế các chiến khu và các chi đội được thành lập là những tổ chức đầu tiên của ngành quân y. Tháng tư 1946, Quân y cục được thành lập, từ đó bắt đầu có một tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới, tuy còn đơn giản.

Các cơ sở đầu tiên cũng được xây dựng, tại các chiến khu đều thành lập các quân y viện, nhiều quân y viện lúc đầu là từ các bệnh viện của ngành y tế nhân dân tách ra, hoặc là kết hợp cả hai nhiệm vụ do quân y phụ trách. Các cơ sở chế thuốc và tiếp tế thuốc đầu tiên cũng được xây dựng. Chúng ta đã bắt đầu chú ý đến việc truyền bá vệ sinh.

Do đặc điểm của tình hình lúc này, ngành quân y được tổ chức thành một ngành dọc trong quân đội. Tổ chức này hoàn toàn dựa vào các lực lượng y tế cũ, tuy là phục vụ cho quân đội nhưng về tổ chức cũng như lề lối làm việc vẫn theo kiểu của ngành y tế cũ, thiếu tính chất cách mạng và tính chất quân sự.

Ngay những ngày đầu cách mạng, chúng ta đã được ngành y tế nhân dân kết hợp trên nhiều mặt: Tiếp tế thuốc, giúp đỡ phương tiện, cơ sở điều trị, cung cấp và đào tạo cán bộ, nhất là tại các vùng có chiến sự, các cơ sở và các cơ quan y tế đều tham gia phục vụ bộ đội tác chiến. Ngược lại, quân y cũng sẵn sàng điều trị nhân dân tùy theo khả năng của mình. Sự giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần đồng chí ngày càng phát triển, xây dựng nên truyền thống tốt đẹp, truyền thống “Kết hợp quân dân y”.

Tóm lại, sau hơn một năm xây dựng trong điều kiện vừa mới có chủ quyền, chúng ta đã hình thành được một hệ thống chưa toàn diện từ Bắc Bộ vào đến Nam Trung Bộ, đã tranh thủ sử dụng cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới, góp phần cùng ngành y tế nhân dân trong việc bảo đảm cứu chữa thương binh, bệnh binh ; về tổ chức chủ yếu là xây dựng các tổ chức điều trị, về đào tạo chủ yếu là đào tạo cán bộ sơ cấp. Chúng ta mới chú trọng đến công tác điều trị theo quan niệm cũ, chưa có nhận thức đúng về vai trò quần chúng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe quân đội, chưa quan niệm được vị trí của công tác phòng bệnh.

Do những điều kiện lịch sử nhất định hạn chế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ quân y ban đầu còn thiếu phương hướng xây dựng, nhất là không thực hiện được việc lựa chọn cốt cán cho ngành. Tổ chức ngành dọc mang tính chất y tế nhiều hơn tính chất quân đội, tuy trước mắt có phát huy tác dụng tập hợp được một số cán bộ y tế cũ phục vụ cho quân đội, nhưng cũng đã để lại một số kết quả không tốt cho những giai đoạn phát triển sau này.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2020, 03:52:04 pm »

PHẦN BA
THỜI KỲ PHỤC VỤ QUÂN ĐỘI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ CAN THIỆP MỸ.
THỜI KỲ XÂY DỰNG QUAN ĐIỂM LẬP TRƯỜNG CÁCH MẠNG, XÂY DỰNG HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUÂN Y  
VÀ CÁC MẶT CÔNG TÁC NGHIỆP VỤ (12-1946 — 07-1954)




CHƯƠNG BA
NGÀNH QUÂN Y PHỤC VỤ QUÂN ĐỘI CÙNG TOÀN DÂN ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC
ĐÁNH NHANH THẮNG NHANH CỦA GIẶC PHÁP
(12 -1946 — 12 -1947)



Thực dân xâm lược Pháp xé bỏ Hiệp định sơ bộ, gây xung đột cục bộ, xâm phạm lãnh thổ nước ta ở ba kỳ, tiếng súng kháng chiến đã nổ ở nhiều nơi.

Cả nước tấp nập chuẩn bị, không khí kháng chiến tràn ngập khắp nơi.

Hội nghị bất thường Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ngày 17 và 18 tháng mười hai năm 1946 đã quyết định phát động toàn dân đứng dậy kháng chiến và đề ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến.

Đêm 19 tháng mười hai năm 1946, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước bắt đầu.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch phát đi ngày 20 tháng mười hai năm 1946 là lời hịch cứu nước kết tinh truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, thể hiện tinh thần triệt để cách mạng của Đảng, nói lên ý chí đánh giặc cứu nước của nhân dân ta. Lời kêu gọi đã chỉ rõ chiến thắng giặc ngoại xâm là con đường tồn tại của dân tộc ta và toàn dân đánh giặc là phương pháp giành thắng lợi của nhân dân ta.

Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng ra ngày 22 tháng mười hai năm 1946 và tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh xuất bản sau đó đã đề ra và giải thích mục đích, tính chất của cuộc kháng chiến, chiến lược, chiến thuật quân sự và những chủ trương đường lối nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Thực tiễn lịch sử của gần 9 năm kháng chiến đã diễn ra về cơ bản đúng như Đảng ta dự kiến từ ngày nổ súng đầu tiên.

Trong 3 tháng đầu kháng chiến (12-1946 — 3-1947) dựa vào tinh thần yêu nước và sự giúp đỡ của nhân dân, Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ đã đánh địch ở các thành phố, dùng chiến thuật du kích, vây hãm quân địch tạo điều kiện cho cả nước bước vào kháng chiến.

Thực dân Pháp tập trung lưc lượng, lần lượt phá vây ở các đô thị và mở những mũi tiến công đánh rộng ra nông thôn Bình Trị Thiên, Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ. Đến tháng năm năm 1947 địch bị chặn lại trên khắp mọi hướng, lực lượng của ta được bảo toàn. Trong lúc địch đem quân đánh rộng ra miền Bắc, quân và dân Nam Bộ đã đẩy mạnh chiến tranh du kích tiếp tục tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Mùa hè 1947 địch được tiếp viện, ráo riết chuẩn bị một cuộc tiến công lấn lên Việt Bắc hòng kết thúc chiến tranh. Ta ra sức rút kinh nghiệm nửa năm kháng chiến, củng cố các đơn vị Vệ quốc đoàn, chấn chỉnh dân quân du kích, quyết phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc.
Thu đông 1947, địch mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc, quy mô tiến công bao gồm 8 tỉnh, hình thành thế bao vây lớn và những mũi nhảy dù thọc sâu vào hậu phương ta.

Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên của ta tại căn cứ địa rừng núi. Trong chiến dịch này ta đã dùng cách đánh du kích, đánh vận động, đánh bại cuộc tiến công chiến lược của hơn hai vạn quân viễn chinh Pháp.

Đây là cuộc chiến đấu của toàn dân, không phân biệt tiền phương và hậu phương. Dân quân, du kích thôn xã, bản, làng trực tiếp tham gia tác chiến. Đại đội độc lập bố trí trên các chiến trường địa phương quấy rối tiêu diệt từng bộ phận nhỏ của địch. Bộ đội chủ lực tập trung từng tiểu đoàn phụ trách từng khu vực tiêu diệt địch ở những vị trí lẻ tẻ, trong khi địch vận chuyển trên đường giao thông.

Đó là tình hình chung và hình thái quân sự của năm đầu toàn quốc kháng chiến.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2020, 03:57:02 pm »

1. Ngành quân y bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Tổ chức lại Quân y cục và Quân y vụ các chiến khu. Tổ chức cứu chữa thương binh, bệnh binh những ngày đầu kháng chiển toàn quốc. Phân quyền đào tạo cán bộ y tá, dược tá cho các quân y vụ. Thư Hồ Chủ tịch gửi các anh em thầy thuốc và chị em khán hộ cứu thương dịp tết Đinh Hợi 1947.

Cùng với quân dân cả nước, ngành quân y đã chuyển từ thời kỳ tương đối hòa bình sang thời kỳ chiến tranh cách mạng lâu dài. Cuộc kháng chiến trường kỳ đã đặt ra những yêu cầu mới mẻ và phức tạp cho ngành quân y.

Trước hết là phải xây dựng trong ngành lập trường kháng chiến lâu dài. Về mặt tổ chức phải chuyển biến và xây dựng một tổ chức phục vụ thời bình sang phục vụ thời chiến, từ thành thị chuyển về nông thôn, đồng bằng và rừng núi, phục vụ cho quân đội đánh du kích chuyển dần lên đánh du kích vận động. Tuy nhiên, những yêu cầu này không phải là ngay trong năm đầu của cuộc kháng chiến chúng ta đã nhận thức được đầy đủ.

Quân đội Pháp tiến công quân sự, chiếm các đô thị, các đường giao thông, khống chế các khu vực chiến lược và kinh tế quan trọng, bao vây biên giới, càn quét khu căn cứ nhằm tiêu diệt, tiêu hao lực lượng kháng chiến. Về ta lực lượng còn yếu, lúc đầu ta bao vây địch tại các thành phố, sau đó rút về nông thôn và rừng núi đánh địch.

Cuối tháng mười một năm 1946, Cục quân y để lại Hà Nội một bộ phận nhỏ để tiện liên lạc với các quân y vụ, còn phần lớn thì di chuyển lên Việt Bắc. Tại các tỉnh từ Khu 4 trở ra, mặc dù chiến sự chưa lan tới, các thành phố đã lần lượt thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nên nói chung sau ngày 19 tháng mười hai năm 1946, hầu hết cơ quan và bệnh viện quân y đã chuyển từ thành thị về thôn quê hoặc rừng núi. Hoàn cảnh này đã gây nhiều khó khăn cho việc phục vụ của quân y. Cơ quan và bệnh viện quân y mấy ngày trước đây còn đang đóng ở công sở hay bệnh viện cũ của Pháp, có tiện nghi cần thiết làm việc, phục vụ thương binh, bệnh binh, đến nay rời về nông thôn hoặc rừng núi, phân tán ở nhà dân hay đình chùa, điều kiện sinh hoạt và làm việc hoàn toàn thay đổi. Thuốc và dụng cụ đã tiêu hao nhiều trong phục vụ nay đã trở thành thiếu. Thiếu thốn ngày càng tăng do chiến sự ngày càng mở rộng, thương binh ngày càng một nhiều. Hơn nữa giao thông liên lạc lại bị gián đoạn, gây trở ngại cho việc phối hợp chỉ đạo công tác, chuyển vận thương binh, bệnh binh...

Những yêu cầu đầu tiên của cuộc kháng chiến cũng đòi hỏi mọi cán bộ và chiến sĩ quân y phải có một chuyển hướng căn bản về tư tưởng, về tác phong làm việc để có thể thích ứng được với hoàn cảnh kháng chiến. Trước tình hình đó, người cán bộ quân y lúc đầu cũng cảm thấy hết sức bỡ ngỡ và có phần hoang mang bối rối. Nhưng khi được Đảng và Chính phủ, cụ thể là các cấp bộ Đảng và chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích về đường lối phương châm của cuộc trường kỳ kháng chiến, lại được thực tiễn sinh động kháng chiến của quân và dân ta thôi thúc và thuyết phục nên anh em quân y lại càng có điều kiện hòa mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Anh em đã bắt đầu làm quen với khó khăn, gian khổ, phát huy trí sáng tạo và lòng yêu nước của mình để cứu chữa và bảo vệ thương binh.

Trước tình hình mới và những khó khăn mới, Quân y cục đã triệu tập Hội nghị Vụ trưởng vào cuối tháng mười hai năm 1946. Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy hội và trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu, hội nghị đã quyết định tổ chức quân y theo nguyên tắc :

- Đơn giản tổ chức trực thuộc Cục.

- Phát triển cơ quan, cơ sở thuộc các quân y vụ, có phân quyền rộng rãi, đặc biệt về huấn luyện và tiếp tế thuốc.

Để thực hiện chủ trương này về mặt tổ chức, cơ quan Quân y cục và một số bộ phận trực thuộc được sắp xếp và điều chỉnh lại :

- Giải tán Trường y tá Vệ quốc đoàn, giao trách nhiệm đào tạo y tá, cứu thương cho các quân y vụ.

- Giải tán Quân y viện Trung ương, sau khi Viện đã di chuyển về Vân Đình, Hà Đông.

- Bố trí các cơ sở sản xuất và tiếp tế thuốc theo khu vực: Ty bào chế tiếp tế Ba Thá chuyển lên Tuyên Quang (11-1946) rồi lên Bắc Cạn (4-1947) đổi thành Ty bào chế tiếp tế miền Bắc, chuyển tiếp tế cho Chiến khu I và Chiến khu XII ; Phòng bào chế tiếp tế Trung ương chia làm hai bộ phận: 1 bộ phận ở Phú Thọ tiếp tế cho Chiến khu X, 1 bộ phận ở Sơn Tây sau di chuyển về Hà Đông rồi lên Hòa Bình, đổi thành Ty bào chế tiếp tế miền Nam, làm nhiệm vụ tiếp tế cho Khu III và Khu II. Việc bố trí lại nhiệm vụ tiếp tế thuốc lúc này chủ yếu nhằm giải quyết những khó khăn về giao thông liên lạc dễ bị gián đoạn.

- Thành lập một số quân y vụ mới cho phù hợp với việc phân chia các chiến khu. Quân y vụ khu XII (ở Việt Bắc), Quân y vụ khu IV, Quân y vụ khu V, Quân y vụ khu VI (ở Trung Bộ sau khi giải tán Phân cục quân y Trung Bộ vào tháng ba năm 1947) được thành lập vào giữa năm, các Quân y vụ khu XIV, Quân y vụ khu Trung ương được thành lập vào cuối năm 1947. Tại Nam Bộ cũng thành lập Quân y vụ khu VII, Quân y vụ khu VIII, Quân y vụ khu IX. Như vậy đến hết năm 1947, các Quân y vụ đã được thành lập trong tất cả các chiến khu và từ Khu IV trở ra đã trở thành một hệ thống chỉ đạo tương đối thống nhất từ Cục qua quân y vụ đến các ban quân y trung đoàn. Từ miền Nam Trung Bộ trở vào đến Nam Bộ, do điều kiện liên lạc có khó khăn, nên các quân y vụ đã tự động điều khiển công việc của mình dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cơ quan Quân, Chính, Đảng địa phương. Việc phối hợp hoạt động quân y và dân y cũng bắt đầu được quy định. Tại mỗi khu đều thành lập một tổ quân dân y, tuy nhiên sự phối hợp hoạt động đó mới chỉ thể hiện ở Nam Bộ và một số nơi có chiến sự, dưới hình thức tiếp tế thuốc và giúp điều trị thương binh, bệnh binh.

Thực hiện chủ trương phân quyền rộng rãi cho các quân y vụ, để đáp ứng yêu cầu phát triển quân đội và đòi hỏi của tình hình chiến sự ngày một lan rộng, các quân y vụ, đã lần lượt tổ chức các lớp đào tạo y tá và dược tá, thời gian trung bình khoảng ba tháng. Đồng thời các ban quân y trung đoàn cũng tổ chức các lớp y tá và cứu thương (thời gian từ 1 - 3 tháng); nhờ đó, sau 1 thời gian ngắn, số lượng cán bộ sơ cấp đã tăng lên khá nhanh có thể cung cấp cho tất cả các đơn vị trong toàn quân.

Tuy nhiên, công tác huấn luyện lúc này cũng có nhiều thiếu sót : Nội dung chương trình còn dàn đều, chưa sát thực tế, chương trình và thời gian của các trường huấn luyện y tá còn chưa thống nhất (trừ Nam Bộ, cuối 1947, Sở y tế có triệu tập một hội nghị để thống nhất chương trình huấn luyện). Về tài liệu huấn luyện tuy đã có cố gắng biên soạn thành tiếng Việt và dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhưng do còn thiếu mạnh dạn, phần nào còn tư tưởng tự ty, nên trong giảng dạy còn dùng xen nhiều tiếng Pháp. Về tuyển sinh còn chú trọng nhiều đến văn hóa, người được chọn vào học phần lớn là học sinh trung học hoặc viên chức cũ, chưa chú trọng đến tiêu chuẩn thành phần các giai cấp lao động. Mặt khác chương trình huấn luyện hầu như thiếu hẳn phần chính trị, quân sự và tổ chức là những phần rất quan trọng đối với người cán bộ quân y. Tuy có những hạn chế và nhược điểm như vậy, nhưng lớp đào tạo y tá và dược tá tại các quân y vụ không những đã góp thêm được một số lượng cán hộ quân y ban đầu đáng kể, mà còn có cố gắng lớn trong việc giảng dạy bằng tiếng Việt, một việc làm đầy mới mẻ và khó khăn lúc này, đặc biệt là những lớp học ở Nam Bộ mở được, thực sự đã là kết quả đấu tranh thắng lợi trong nội bộ về chống tư tưởng tự ty dân tộc.

Những ngày đầu kháng chiến cả nước, tại các thành phố và đô thị lớn như Hà Nội, Huế, Nam Định, Đà Nẵng... ta bao vây tiến công địch, lượng thương binh còn ít, nhưng hai tháng sau, được viện binh tiếp sức, địch liên tiếp mở các cuộc phản công. Ta chủ trương rút ra khỏi các đô thi, bảo toàn chủ lực, cuộc chiến đấu diễn ra ngày một ác liệt, lượng thương binh ngày một tăng.

Trước tình hình đó, một số cơ sở điều trị của quân y vừa mới rút từ đô thị ra ngoại thành đã kịp thời tổ chức ngay việc cứu chữa thương binh, đồng thời lúc này có một số khá đông y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, sinh viên, y tá rút theo các cuộc chiến đấu trong nội thành cũng xin gia nhập các tổ chức quân y, hoặc được các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức vào các trạm cứu thương hoặc trạm giải phẫu như ở các mặt trận quanh Hà Nội.

Quan niệm tổ chức quân y mặt trận lúc này cũng hết sức đơn giản. Xung quanh các thành phố của ta bao vây hoặc sát ngay mặt trận chiến đấu, quân y tổ chức ra những trạm cấp cứu thương binh cách hỏa tuyến 2-3km, và ở mỗi khu vực có một trạm giải phẫu lớn do bác sĩ phụ trách để cấp cứu và mổ xẻ. Thương binh từ đó được chuyển về bệnh viện hậu phương lúc này thường triển khai ở nhà dân hoặc đình chùa trên đường giao thông lớn. Tất cả những tổ chức này lúc đầu không có liên lạc với nhau và thường thiếu sự chỉ huy thống nhất. Tổ chức quân y đối với bộ đội cũng có tính chất độc lập, quân y chưa biết cách tổ chức cấp cứu thương binh. Một chiến sĩ bị thương thường được đồng đội đưa ra ngoài để tìm đến một trạm cứu thương nào đó. Nếu bị thương nhẹ thì sau khi băng bó xong lại về đơn vị, nếu nặng thì chuyển về sau, tiện đâu về đó. Nhìn chung, tổ chức quân y quanh các mặt trận thể hiện rõ tính chất tĩnh tại và thiếu cơ động. Cán bộ quân y lúc này hoàn toàn thiếu ý thức quân sự cần thiết, thiếu cảnh giác và thiếu sẵn sàng chiến đấu, thiếu liên hệ chặt chẽ với quân chính... Vì vậy, khi ta chủ trương không bao vây các đô thị nữa và địch đánh rộng ra đã khiến cho các cơ sở điều trị cứu chữa của quân y có nhiều lúng túng và khó khăn, tuy di chuyển được cơ sở và thương binh nhưng phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên với lòng căm thù địch, với tinh thần tận tụy phục vụ, nhiều nhân viên quân y đã tỏ ra anh dũng trong cứu chữa, bảo vệ thương binh, bảo vệ cơ sở.

Tết Đinh Hợi, tết đầu tiên trong kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã tặng cam cho thương binh đồng thời Người cũng gửi thư khuyến khích nhân viên y tế:

Cùng các anh em thầy thuốc và chị em khán hộ cứu thương. Tôi được báo cáo rằng: “Các thày thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo”.

Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc. Tôi thay mặt anh em thương binh cám ơn các bạn và khuyên các bạn gắng sức.

Tôi gửi cho tất cả mọi người trong nhà thương lời chào thân ái và quyết thắng.

HỒ CHÍ MINH
Ngày 8 tháng giêng năm 1947


Thư của Hồ Chủ tịch đến với ngành y trong những ngày đầu kháng chiến là một niềm vinh dự lớn có sức cổ vũ thúc đẩy toàn ngành vươn lên phục vụ cuộc kháng chiến cứu quốc.

Qua 2-3 tháng sau, tình hình chiến sự dần dần ổn định, các mặt trận của ta được tổ chức lại và được giữ vững. Tổ chức quân y cũng dần dần được củng cố lại. Mỗi quân y vụ là một khu vực điều trị, có 1-2 bệnh viện làm trung tâm điều trị thương binh, bệnh binh cho đến khi khỏi trở về đơn vị. Tuy nhiên, việc vận chuyển thương binh, bệnh binh từ các đơn vị đến bệnh viện gặp nhiều khó khăn, có khi mất 3-4 ngày đường hoặc lâu hơn nữa nên đã có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng cứu chữa. Trước tình hình đó ở nhiều nơi, ban quân y trung đoàn và các quân y xá đã phải tự giải quyết lấy thương binh của đơn vị mình cho đến khi khỏi. Nhất là ở Nam Bộ, các dưỡng đường, các ban quân y chi đội, thậm chí ở các đại đội có cán bộ quân y nào có khả năng về phẫu thuật cũng phải tự giải quyết lấy thương binh, nhiệm vụ tuy nặng nề phức tạp, nhưng nhờ học tập tinh thần hy sinh dũng cảm của thương binh, nhờ phát huy tự lực tập thể, nên nhân viên quân y đã phấn đấu khắc phục khó khăn, quyết tâm bảo vệ tính mạng và phục hồi sức khỏe cho thương binh, bệnh binh. Để khắc phục tình trạng thiếu dụng cụ đã dùng tre nứa chế ra bô, bock, cặp, nẹp, bàn mổ... thiếu bông băng đã thu hồi bông băng dùng rồi, giặt đi, hấp lại để dùng lần khác hoặc dùng bẹ chuối thay băng. Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc đã dùng thuốc viên chế thành thuốc tiêm để có thể chữa cho nhiều người hoặc học hỏi kinh nghiệm nhân dân dùng thuốc nam chữa bệnh.

Sau năm tháng đầu của cuộc kháng chiến, ngày 21 tháng năm năm 1947, Hội nghị quân y lần thứ IV đã họp tại Việt Bắc để kiểm điểm công tác và đề ra công tác mới. Hội nghị đã được đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ quốc phòng đến thăm và đã chỉ thị nhiệm vụ. Đồng chí đã nhận xét: “Hoàn cảnh đã trở nên khó khăn hoặc thiếu thốn, mặc dù như vậy ngành y tế đã hết sức, hết lòng... tinh thần các nhân viên trong giới quân y đã tiến bộ rất nhiều. Sự hy sinh tận tụy của nhiều bác sĩ, y sĩ, y tá, cứu thương trước mặt trận, trong các bệnh viện để ra sức điều trị cho các chiến sĩ hay bảo tồn thuốc men, dụng cụ”, là một chứng cớ rõ rệt và đáng khen ngợi 1.

Đối với nhiệm vụ trước mắt của ngành quân y đồng chí đã vạch rõ :

1. Phải lo cho tất cà nhân viên quân y hiều rõ và yêu mến nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Nhiệm vụ ấy đối với cuộc kháng chiến, đối với nước nhà và bộ đội, thật không quan trọng kém nhiệm vụ của các chiến sĩ trực tiếp xông pha giết giặc. Chúng ta phải nhận định nhiệm vụ ấy không phải chỉ là nhiệm vụ của một nhà chuyên môn đối với người bệnh mà lại là nhiệm vụ của một người công dân có tài chuyên môn và giầu lòng yêu nước đối với những chiến sĩ vì tổ quốc mà hy sinh.

2. Phải đặc biệt chú ý đề phòng và điều trị bệnh sốt rét rừng bằng đủ mọi phương pháp.

3. Phải chú trọng đào tạo nhân viên quân y cho bộ đội.

4. Các cấp trên phải luôn luôn nhớ vấn đề đoàn kết, điều hòa với những cơ quan có liên hệ với chúng ta và vấn đề kỷ luật thưởng phạt để củng cố nội bộ.

5. Phải chuẩn bị về vật chất và về tinh thần để đối phó với những sự chuyển biến mới, với những điều kiện khó khăn hơn nữa.

Chấp hành chỉ thị của đồng chí Tổng chỉ huy, ngành quân y đã phấn đấu không mệt mỏi trong một thời kỳ rất dài để xây dựng ngày một toàn diện cả về chính tri, tư tưởng và tổ chức, không ngừng vươn lên phục vụ đắc lực thương binh, bệnh binh và bộ đội.




------------------------------------------------------------------
1. Trích diễn văn của đồng chí Bộ trưởng Bộ quốc phòng đọc tại Hội nghị quân y ngày 21 tháng 5 năm 1947, báo Vui Sống, 14, tháng 6-1947.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2020, 04:00:55 pm »

2. Thành lập Viện khảo cứu chế tạo dược phẩm : Bước đầu tự lực sản xuất thuốc, dụng cụ y tế. Hội nghị quân y lần thứ 5 với công tác bảo vệ sức khỏe. Ngành quân y sau năm thứ nhất cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bước vào cuộc kháng chiến, việc bảo đảm cung cấp thuốc cho bộ đội đã gặp nhiều khó khăn. Hội nghị liên bộ Quốc phòng - Y tế ngày 21 tháng giêng năm 1947 thành lập tổ chức quân dân y các khu để phân phối, điều động cán bộ, dụng cụ, thuốc phục vụ quân đội đã phát huy tác dụng tích cực cho ngành y tế nhân dân và y tế quân đội hiệp đồng giúp đỡ lẫn nhau, giải quyết được không ít khó khăn cho quân y về thuốc và về cán bộ. Tuy nhiên, lực lượng của ngành y tế nhân dân cũng có hạn, lượng dự trữ của quân đội lại quá ít so với nhu cầu ngày càng phát triển, nguồn mua hàng của thị trường vùng địch tạm chiếm cũng không ổn định; việc tự lực giải quyết nhu cầu thuốc cho quân đội đã trở thành cấp bách.

Do tình hình tác chiến đòi hỏi, hoàn cảnh chiến trường bị chia cắt, tại các chiến khu đều lần lượt tự tổ chức lấy việc tiếp tế thuốc cho quân đội.

Ở Bắc Bộ, tổ chức tiếp tế thuốc trong quân đội tương đối phát triển : Các phòng bào chế tiếp tế được lần lượt thành lập tại các Khu Trung ương, Khu I, Khu X, Khi XII, Chiến khu II, Chiến khu III, mỗi cơ sở có một dược sĩ hoặc một sinh viên dược phụ trách, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của quân y vụ khu.

Ở Trung Bộ, Viện bào chế tiếp tế Phân cục Trung Bộ ở mặt trận Huế, tại các Khu V, Khu VI, cũng lần lượt thành lập các phòng bào chế có sinh viên dược hoặc dược tá phụ trách.

Ở Nam Bộ, đầu năm 1947 hình thành phòng bào chế Khu VII, cuối năm 1947 có thêm phòng bào chế Sở quân dân y Nam Bộ.

Các cơ sở bào chế của các khu đã pha chế thuốc hoặc mua thêm thuốc, dụng cụ y dược, tuy nhiên lượng sản xuất và thu mua còn ít và thất thường, nên việc tiếp tế thuốc cho bộ đội không đều. Trọng tâm tiếp tế thuốc thời kỳ này là thuốc chữa sốt rét.

Chấp hành chủ trương tự lực cánh sinh của Đảng, tháng giêng năm 1947 đã thành lập Viện khảo cứu chế tạo dược phẩm, tại Việt Bắc. Đây là cơ sở sản xuất đầu tiên của ngành quân y, Viện có hai dược sĩ cao cấp, một số sinh viên dược khoa, dược tá và nhân viên chuyên môn khác, có nhiệm vụ vừa nghiên cứu vừa sản xuất. Nhiệm vụ cụ thể là : nghiên cứu các dược thảo có ở Việt Bắc, chú trọng dược liệu có khả năng chữa sốt rét và sản xuất một số dược chất cần thiết. Viện chia làm ba bộ phận : một bộ phận nghiên cứu sản xuất hóa chất đặt tại Vĩnh Phú, một bộ phận hóa chất lưu động và một phòng thí nghiệm cho Trường đại học dược khoa kiêm sản xuất tinh dầu.

Phương tiện làm việc của Viện rất thiếu, ngoài một số dụng cụ thủy tinh, hóa nghiệm thu được từ nhà thương Bạch Mai, Viện đã khắc phục khó khăn, tận dụng phương tiện thô sơ như chảo gang, cây ép dầu bằng gỗ của nhân dân, thùng phuy tôn... cải tiến thành dụng cụ sản xuất dược phẩm.

Kinh nghiệm sản xuất chưa có, với quyết tâm vừa học vừa làm, vừa cải tiến, Viện đã thu được những kết quả bước đầu:

- Dùng cây Thường sơn, loại dược thảo có nhiều ở Việt Bắc chế thành cao và bào chế được 13.000 viên “Dichroa” thí nghiệm để chữa sốt rét.

- Dùng cây chè đông, cây vả mọc nhiều ở vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, cất được tinh dầu.

- Dùng lạc, thầu dầu ép lấy dầu dùng cho pha chế.

- Nấu được cồn 90° bằng sắn, mía, làm được bông hút nước.

Ngoài ra, còn tổ chức thêm một bộ phận sửa chữa dụng cụ phẫu thuật (trực thuộc Viện khảo cứu) và một xưởng thủy tinh (trực thuộc Phòng bào chế quân y Trung ương).

Những kết quả sản xuất trên còn ở trình độ thô sơ thủ công, chưa đáp ứng được yêu cầu của quân đội, nhưng nó đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng, làm cơ sở vững chắc cho việc phát triển công tác sản xuất theo hướng tự lực cánh sinh sau này.

Tuy nhiên, việc sản xuất này mới chỉ là bước đầu. Tại các Viện bào chế các khu, ngoài việc lĩnh thuốc ở các cơ quan tiếp tế trung ương, chủ yếu vẫn là tự mua nguyên liệu và thuốc ở các vùng tạm chiếm.

Nhờ những cố gắng nhiều mặt này nên việc tiếp tế thuốc cho bộ đội đã duy trì được thường xuyên, mặc dù giao thông vận chuyển khó khăn và bị địch phong tỏa về kinh tế. Nhưng do việc mua sắm, cấp phát chưa có sự chỉ đạo thống nhất, chưa quy định thành chế độ, thiếu kiểm soát chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng lãng phí, tham ô, rối loạn thị trường.

Riêng ở miền Nam, tuy ngay từ đầu kháng chiến đã bị mất liên lạc với Cục quân y, nhưng được sự giúp đỡ của các cơ quan hành chính kháng chiến, của Sở y tế và của các quân khu địa phương, đã tổ chức thu mua thuốc ở vùng địch tạm chiếm, mặt khác đã bước đầu chú ý sử dụng thuốc Nam, nên đã khắc phục được một phần tình trạng thiếu thuốc.

Ngày 8 tháng chín năm 1947, Hội nghị quân y lần thứ 5 đã họp kiểm điểm kết quả phục vụ từ ngày toàn quốc kháng chiến và đề ra kế hoạch mới. Hội nghị đã định ra nhiệm vụ và tổ chức các cơ sơ quân dược, các viện giải phẫu. Đồng thời, hội nghị cũng đề ra những quyết nghị thực hiện truyền bá vệ sinh trong quân đội. Tháng mười năm 1947, Cục quân y ra chỉ thị ấn định nguyên tắc tổ chức về truyền bá vệ sinh tại mỗi khu, nhưng sau đó chiến dịch Việt Bắc xảy ra nên chưa triển khai được và phải chờ đến giữa năm 1948 mới có điều kiện thực hiện. Nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho quân đội lúc này cũng chưa được quan niệm rõ và đủ. Trọng tâm cố gắng của ngành quân y là phải tập trung vào giải quyết các yêu cầu cấp bách về cứu chữa thương binh, bệnh binh, sản xuất thuốc, đào tạo cán bộ... việc phòng bệnh bảo vệ sức khỏe chưa được quan tâm thích đáng. Tập san “Vui sống” trong hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến, dù cố gắng xuất bản được tương đối đều, được cán bộ và chiến sỉ ham đọc, nhưng nội dung chưa chuyển hướng kịp: Còn nặng về phản ảnh tập quán sinh hoạt của nhân dân hơn là của quân đội, hạn chế trong việc truyền bá và giới thiệu một số kiến thức vệ sinh, y, dược; việc tuyên truyền vận động quần chúng chưa được coi trọng đúng mức.

Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947 là chiến dịch phản công quy mô lớn lần đầu tiên của ta tại căn cứ địa rừng núi. Trong chiến dịch này, ta dùng cách đánh du kích, vận động đánh bại cuộc tiến công chiến lược của hơn hai vạn quân viễn chinh Pháp. Các Trung đoàn Vệ quốc quân các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Tuyên Quang cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy các quân khu I, X đã phân tán thành các đại đội độc lập, các tiểu đoàn tập trung, cùng dân quân du kích đánh địch ở từng huyện, từng khu vực.

Các cơ quan, cơ sở quân y đã chủ động phân tán lưc lượng, tạm rút vào các căn cứ an toàn, tránh sức mạnh ban đầu của địch, bảo đảm an toàn cho thương binh, bệnh binh và tài sản. Qua chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, ngành quân y đã thu được những kinh nghiệm ban đầu về bảo đảm quân y cho các đại đội độc lập, các tiểu đoàn tập trung đánh du kích và đánh vận động trên địa bàn căn cứ rừng núi.
Qua năm thử thách đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, ngành quân y bước đầu được rèn luyện về chính tri tư tưởng, về lập trường kháng chiến, biết phát huy tinh thần yêu nước lòng hy sinh tận tụy phục vụ, khắc phục khó khăn, chiu đựng gian khổ, xây dựng được tinh thần tự lực cánh sinh. Về tổ chức đã có một chuyển hướng kịp thời, cơ quan, cơ sở quân y các khu vực trên cả nước đã phát triển nhanh chóng, giải quyết được một phần quan trọng nhu cầu cán bộ sơ cấp. Đồng thời đã bắt đầu xây dựng được một cơ sở sản xuất thuốc và dụng cụ, tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt phương hướng tự cấp, tự túc sau này.

Bên cạnh những trưởng thành và cố gắng trên đây, ngành quân y đã bộc lộ những thiếu sót và hạn chế trong công tác phục vụ như : Tính chất tổ chức ngành dọc đã làm cho các tổ chức quân y thiếu sự liên hệ chặt chẽ với quân sự, tổ chức quân y chưa thực sự gắn bó với bộ đội, còn nặng nề, tĩnh tại tương tự như một tổ chức y tế nhân dân thời bình; trong công tác phục vụ mới chú ý nhiều đến điều trị, thiên về điều trị đơn thuần, công tác phòng bệnh vẫn chưa được coi trọng. Trong việc cứu chữa thương binh, tổ chức quân y chưa chủ động đi tìm thương binh để cấp cứu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2020, 04:04:16 pm »

CHƯƠNG BỐN
NGÀNH QUÂN Y PHỤC VỤ QUÂN ĐỘI PHÁT TRIỂN CHIẾN TRANH DU KÍCH
ĐẨY MẠNH VẬN ĐỘNG CHIẾN (1948 -1950)


Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947 đã đánh dấu một bước trưởng thành mới của quân đội ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới : giai đoạn đấu tranh giằng co quyết liệt giữa ta và địch.

Sau chiến thắng Việt Bắc của ta, địch buộc phải chuyển sang đánh kéo dài, với âm mưu dùng người Việt đánh người Việt. Chúng ra sức phong tỏa biên giới, tập trung lực lượng càn quét vùng tạm bị chiếm và lấn chiếm vùng tự do của ta, đánh phá cơ sở kháng chiến và lập tề ở từng thôn xóm, nhằm tạo nên thế bao vây uy hiếp vùng tự do của ta, chuẩn bị mở cuộc tiến công mới lên Việt Bắc.

Hội nghị Trung ương Đảng tháng giêng, tháng tư và tháng tám năm 1948 đã quyết định đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, phát động chiến tranh du kích rộng rãi, tiến hành những cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân ở vùng sau lưng địch, thường xuyên tiến công địch ở vùng tạm bị chiếm, tạo nên thế bao vây lại địch, đồng thời bộ đội chủ lực tiến lên đánh những trận vận động, tiêu diệt địch, hỗ trợ cho chiến tranh du kích, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, chuyển lực lượng ta từ yếu lên mạnh.

Chấp hành chủ trương phát động chiến tranh du kích của Trung ương Đảng, trong suốt năm 1948 và gần hết năm 1949, Vệ quốc đoàn đã đưa hai phần ba lực lượng phân tán thành những trung đội vũ trang tuyên truyền và những đại đội độc lập, tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm. Dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ địa phương, các đại đội độc lập đã gây dựng lại cơ sở kháng chiến, dìu dắt dân quân du kích, kết hợp tác chiến với vận động nhân dân, kết hợp tiêu hao, tiêu diệt địch với bảo vệ cơ sở quần chúng, phát động nhân dân vùng tạm chiếm đứng dậy đấu tranh với địch.

Cuối năm 1948, nhân dân vùng tạm bị chiếm đã tiến hành khởi nghĩa từng phần. Có các lực lượng vũ trang hỗ trợ, nhân dân đã nổi dậy diệt tề, trừ gian, đánh du kích, nhổ đồn bốt, lập làng chiến đấu, xây dựng các căn cứ du kích và khu du kích tạo nên thế chiến tranh cài răng lược rất bất lợi cho địch.

Dân quân du kích đã dần dần trưởng thành trong chiến đấu, các đội du kích tập trung ở huyện và ở tỉnh được thành lập làm nòng cốt cho chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ địa phương. Giữa năm 1949, các đại đội độc lập dần dần được rút về thành lập các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực.

Trong khi các trung đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập vào vùng tạm bị chiếm cùng nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích thì các tiểu đoàn tập trung cũng được xây dựng tiến lên đánh công kiên và đánh vận động. Từ giữa năm 1948, các chiến dịch nhỏ bắt đầu xuất hiện, trước hết ở Bắc Bộ, rồi đến Trung Bộ và Nam Bộ. Qua các chiến dịch đó ta tiêu diệt được một phần sinh lực địch, san phẳng và bức rút nhiều đồn bốt, thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch ở nhiều nơi.

Ngày 7 tháng tư năm 1947, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương. Với sắc lệnh này, các đội du kích tập trung được phát triển thành các trung đội, đại đội bộ đội địa phương huyện và các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh. Ngày 28 tháng tám năm 1949, Đại đoàn Quân tiên phong (308) là đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta ra đời, tiếp đó đến năm 1951 đã lần lượt thành lập các Đại đoàn 304, 312, 316, 320 và 351.

Đến đây, lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân ta đã phát triển thành ba thứ quân hoàn chỉnh với hàng triệu dân quân du kích và 20 vạn bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực.

Trước sự lớn mạnh của ta, trước tình hình quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến mạnh xuống giải phóng Hoa Nam, từ tháng bảy năm 1949, địch tập trung lực lượng, tăng cường bao vây phong tỏa biên giới, tăng cường càn quét bình định vùng sau lưng địch, mở những cuộc hành quân lấn chiếm vùng tự do của ta. Với những đội ứng chiến lớn và những cứ điểm lớn có công sự kiên cố, với những vành đai trắng và chính sách đốt sạch, giết sạch, cướp sạch, đến cuối năm 1949 địch đã mở rộng vùng chiếm đóng của chúng ra.

Trung ương Đảng ta đã đề ra chủ trương kiên quyết bám đất, bám dân, phân tán nhiều đơn vị thành đại đội độc lập tiến hành vũ trang tuyên truyền khôi phục củng cố và phát triển cơ sở quần chúng ở vùng sau lưng địch, hướng dẫn nhân dân đấu tranh kinh tế, chính trị từ thấp đến cao, khi đó mặc dù địch lập thêm nhiều đồn bốt, nhưng cơ sở chính trị của ta trong vùng tạm bị chiếm vẫn được giữ vững, chuẩn bị cho một cao trào chiến tranh du kích và một cuộc nổi dậy mới.

Đầu năm 1950, chiến tranh du kích đã được giữ vững và đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch, lực lượng vũ trang ta đang chuyển từ yếu lên mạnh, thế và lực của ta đã mạnh lên.

Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng họp đã đề ra chủ trương và biện pháp nhằm tranh thủ thời cơ giành một thắng lợi lớn về quân sự, đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Tháng sáu năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Sau gần bốn tháng chuẩn bị và tác chiến, ngày 9 tháng mười năm 1950 chiến dịch Biên giới đã thu được thắng lợi vang dội. Quân đội ta đã tiến bộ vượt bậc về nghệ thuật chiến dịch, thực hiện một chiến dịch đánh vận động tốt nhất trong kháng chiến, quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ thuộc về ta.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2020, 04:08:48 pm »

1. Thư Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị quân y lần thứ VI “Lương y kiêm từ mẫu”, Chấn chỉnh các tổ chức quân y: giải tán các quân y vụ, thành lập các phòng quân y đại đoàn, phòng quân y mặt trận, phòng quân y bộ đội địa phương, hệ quân y lưu động và hệ quân y tĩnh tại. Hội nghị y tá đại đội: Hội nghị học tập, hội nghị giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đầu tiên của ngành quân y. Cuộc vận động “Quân đội hóa ngành quân y”.

Ngày 15 tháng giêng năm 1948. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng đã đề ra chủ trương chuyển sang giai đoạn mới và chỉ ra các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế và quân sự. Hội nghị đã vạch rõ : “Chỉnh đốn quân nhu, quân y để cải thiện trang bị và cấp dưỡng cho bộ đội”.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới, ngành quân y đã từng bước chấn chỉnh lại tổ chức và tăng cường mọi mặt hoạt động.

Ngày tháng ba năm 1948, chấp hành chủ trương của Bộ, Cục quân y triệu tập Hội nghị quân y lần thứ VI (gồm các đại biểu từ Khu IV trở ra).

Hội nghị đã có vinh dự được Hồ Chủ tịch gửi thư động viên và giáo dục nhiệm vụ, chỉ thị công tác. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đến dự và hướng dẫn cho hội nghị về tình hình và nhiệm vụ mới.

Trong thư gửi Hội nghị quân y, Hồ Chủ tịch đã khen ngợi chiến sĩ quân y và vạch rõ nhiệm vụ và phương hướng nỗ lực cho toàn ngành. Người căn dặn: “Lương y kiêm từ mẫu” giáo dục tinh thần phục vụ, động viên thi đua yêu nước, quân y phải bám sát bộ đội mà phục vụ, phải ra sức chế thuốc và đào tạo nhân tài.

THƯ HỒ CHỦ TỊCH GỬI HỘI NGHỊ QUÂN Y

Nhân dịp này, tôi gửi lời thân ái hỏi thăm các đại biểu và nhờ các đại biểu chuyển lời hỏi thăm tất cả các nhân viên nam nữ trong quân y.
Từ ngày kháng chiến đến nay, quân y phát triển rất khá và các bác sĩ, khán hộ, cứu thương, ai cũng chịu khó, cố gắng. Đó là những điểm rất tốt.

Song quân y cũng như mọi việc khác, chúng ta đang mới mẻ, chúng ta còn nhiều khuyết điểm. Chúng ta phải cố gắng nữa, để tiến bộ hơn nữa.

Sau đây là những ý kiến của tôi về vấn đề quân y:

1. Người làm thầy thuổc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu.

Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện thiếu thốn, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những trường hợp như vậy, chúng ta nên lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Người ta có câu : “Lương y kiêm từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền.

2. Chúng ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Vì vậy, nhân tài chuyên môn nhất là nhân tài về môn y tế, chỉ sẽ thiếu chứ không thừa. Vì vậy, các ngành chuyên môn, nhất là ngành thuốc sẽ được đặc biệt xem trọng, lẽ tất nhiên ngành thuốc phải cố gắng làm thỏa mãn nhu cầu của đồng bào.

3. Bộ đội ta thì nhiều, mà nhân tài quân y thì còn thiếu. Vì vậy, ta phải có những cơ quan quân y lưu động. Cơ quan ấy thì khó nhọc hơn. Vậy tôi mong rằng : Hội nghị sẽ có kế hoạch để lập thành những cơ quan lưu động và anh em sẽ xung phong phụ trách những cơ quan đó. Cố nhiên những nhân viên trong cơ quan lưu động phải được đăc biệt săn sóc về mọi phương diện.

4. Nhân viên quân y ai cũng cố gắng, nhưng bộ đội vẫn còn ốm nhiều. Một mặt là vì thiếu thuốc. Một mặt khác là vì sự kiểm soát thuốc men chưa được chu đáo.

Vì vậy, Hội nghị cần phải chú ý thiết thực về việc đó. Và anh em quân y, từ cấp trên đến cấp dưới cần phải lấy việc đó làm trách nhiệm danh dự của mình.

5. Ngày nay, từ các Bộ trong Chính phủ cho đến bộ đội và nhân dân, đang mở cuộc vận động thi đua. Quân y cũng nên hăng hái tham gia cuộc thi đua ấy. Tôi thay mặt Chính phủ mà hứa rằng : Người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng.

Tôi mong rằng: Hội nghị sẽ định một chương trình thiết thực để sửa chữa những khuyết điểm và phát triển những ưu điểm của quân y, để làm cho quân y ngày càng tiến bộ.

Chúc Hội nghị thành công.

Chào thân ái và quyết thắng.

HỒ CHÍ MINH
Tháng ba năm 1948


Căn cứ vào chỉ thị của Hồ Chủ tịch và của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hội nghị đã kiểm điểm mọi mặt công tác và đề ra các nhiệm vụ công tác mới.

Đi đôi với việc sáp nhập các khu thành các liên khu, các quân y vụ các khu cũng sáp nhập thành các quân y vụ liên khu  1.  Việc sáp nhập này đã tạo điều kiện tốt cho việc tập trung phương tiện trước kia còn phân tán : Các viện bào chế có khả năng tăng cường sản xuất và tiếp tế thuốc ; các quân y viện được củng cố và tăng cường, có khả năng giải quyết cao hơn. Các ban quân y trung đoàn cũng được củng cố, có nhiều khả năng hơn về đào tạo cán bộ sơ cấp, pha chế thuốc và cứu chữa thương binh. Từ cuối năm 1947, các ban quân y trung đoàn đều do bác sĩ hoặc sinh viên y khoa phụ trách, đã được phân quyền đào tạo y tá hoặc cứu thương. Tại các trung đoàn đều lần lượt xây dựng các tổ bào chế để tự lực pha chế thuốc. Theo quy định của Hội nghị quân y lần VI, mỗi trung đoàn còn có một ban phẫu thuật lưu động, nhưng thực tế chỉ có một số trung đoàn ở Liên khu III thực hiện được. Sang năm 1949 và đầu năm 1950, các trung đoàn mạnh đã được xây dựng, bắt đầu thành lập các đại đoàn, phạm vi hoạt động của các đơn vị chủ lực ngày càng mở rộng, quân y vụ liên khu giải tán theo tổ chức chung, bắt đầu xây dựng các ban quân y trung đoàn mạnh, các phòng quân y đại đoàn, các phòng quân y mặt trận  2.

Đồng thời từ Bắc Trung Bộ trở ra cũng thành lập các Bộ Tư lệnh bộ đội địa phương. Việc bảo đảm sức khỏe cho bộ đội địa phương trước đây do y tế địa phương phụ trách thì nay được thay thế bằng các phòng quân y bộ đội địa phương. Các tổ chức quân y bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trên đây hình thành một hệ gọi là Hệ quân y lưu động chịu sự chỉ đạo của Cục quân y. Một hệ khác gồm các cơ quan, cơ sở trước kia thuộc một số quân y vụ, nay đã giải tán và trực thuộc Cục quân y về mọi mặt, hệ này được gọi là Hệ quân y tĩnh tại.

Riêng Liên khu V và Nam Bộ, do tình hình phát triển của bộ đội chủ lực, và bộ đội địa phương không giống như ở ngoài Bắc, nên về việc tổ chức căn bản cũng chưa có gì thay đổi nhiều; ở Liên khu V, đến tháng bảy năm 1950, Quân y vụ Liên khu V đổi thành Phòng quân y Liên khu V với hai hệ, hệ tĩnh tại gồm 4 quân y viện ở 4 tỉnh và hệ quân y lưu động gồm ban quân y liên khu bộ, ban quân y các trung đoàn chủ lực và các trung đoàn địa phương. Ở Nam Bộ, năm 1948 các ban y tế chi đội đổi thành các ban quân y trung đoàn và sang năm 1949 sáp nhập các ban quân y trung đoàn thành lập các ban quân y liên trung đoàn, còn các quân y vụ vẫn tiếp tục hoạt động đến năm 1952 mới giải thể.





-----------------------------------------------------------------
1. Tháng tư năm 1948, sáp nhập xong các quân y vụ liên khu I, liên khu X, liên khu III. Đối với miền Nam Trung Bộ đền đầu năm 1949, ba khu quân sự V, VI và Tây Nguyên sáp nhập thành liên khu V và đến giữa năm 1949 các quân y vụ khu mới sáp nhập thành quân y vụ liên khu V. Riêng khu quân sự IV và ba khu quân sự ở Nam Bộ không gì thay đổi nên các quân y vụ vẫn giữ nguyên tổ chức cũ cho đến khi giải tán.

2. Từ khu IV trở ra Bắc, kế hoạch tổ chức này hoàn thành tháng năm năm 1950; các phòng quân y Đại đoàn 308, phòng quân y mặt trận Tây Bắc, các ban quân y trung đoàn Sông Lô, trung đoàn 174 thành lập vào cuối năm 1949. Phòng quân y Đại đoàn 304 thành lập vào tháng tư năm 1950, và phòng quân y mặt trận Bình Trị Thiên vào tháng năm năm 1950.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2020, 04:14:27 pm »

Cũng trong thời kỳ này, một số đơn vị tình nguyện Việt Nam hoạt động vũ trang, đã cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang Miên và Lào đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp, phát triển chiến tranh ở Miên và Lào. Do đó, các ban quân y Đông Miên, ban quân y Tây Miên, ban quân y Thượng Lào, ban quân y Trung Lào, ban quân y Hạ Lào cũng lần lượt được thành lập.

Sau hơn hai năm chiến tranh và xây dựng, tổ chức quân y từ Khu IV trở ra đã có :

- Một hệ thống quân y lưu động gồm các tổ chức quân y nằm trong tổ chức của các đơn vị bộ đội. Hệ này đến tháng bảy năm 1950 có 3320 nhân viên trong đó có 2290 nhân viên y vụ.

- Một hệ quân y tĩnh tại gồm các bệnh viện với lượng thu dung điều trị hơn 1300 giường bệnh.

Để phù hợp với tổ chức này, cơ quan Cục quân y cũng thành lập vào cuối năm 1949 hai phòng nghiệp vụ : Phòng quân y lưu động 1  và Phòng quân y tĩnh tại 2  để giúp việc chỉ đạo nghiệp vụ.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm phục vụ và xây dựng của ngành lúc này đã chỉ rõ : Muốn làm tròn nhiệm vụ phục vụ bộ đội và thương binh, bệnh binh trong giai đoạn mới thì không phải chỉ là tiến hành một số chấn chỉnh và tăng cường tổ chức mà chủ yếu còn phải bằng các biện pháp tổ chức khắc phục triệt để tính chất ngành dọc, độc lập, tức là phải làm cho ngành quân y thực sự là kết cấu hữu cơ của quân đội.
Để thực hiện yêu cầu này, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy hội, ngay từ đầu năm 1949, Cục quân y đã đề ra cuộc vận động “Quân đội hóa” ngành quân y và tiến hành trong 2 năm 1949 và 1950 thì hoàn thành.

Cuộc vận động “Quân đội hóa” ngành quân y đã được tiến hành trên hai bước.

Bước thứ nhất: Củng cố hệ quân y lưu động làm cho nó thật nhẹ nhàng, cơ động, đặc biệt chú ý tăng cường xây dựng cho các ban quân y đại đội.

Từ yêu cầu trước mắt phải phục vụ cho các đại đội độc lập, các tiểu đoàn tập trung tác chiến, việc tăng cường xây dựng các ban quân y đại đội, ban quân y tiểu đoàn đã trở thành cấp bách. Công tác quân y đại đội và tiểu đoàn được tăng cường về mọi mặt, thuốc, trang bi, đặc biệt là tăng cường về chất lượng và xây dựng nền nếp làm việc.

Tháng sáu, tháng bảy năm 1949, Cục quân y triệu tập Hội nghị y tá đại đội. Hội nghị này có ý nghĩa quan trong trong việc củng cố và tăng cường các ban quân y đại đội. Sau 20 ngày làm việc, hội nghị đã giúp cho các đại biểu nhận thức được rõ hơn về tổ chức quân y, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức hành chính và tổ chức vui sống 3  của một ban quân y đại đội. Hội nghị cũng đã trao đổi kinh nghiệm phục vụ, kinh nghiệm vận động quần chúng, những sáng kiến cải tiến và nhất trí thông qua được một bản kỷ luật chuyên môn  4.

Điều đặc biệt là hội nghị đã học tập và thảo luận văn kiện “Tư cách và đạo đức người quân y cách mạng”. Đây là lần đầu trong lịch sử ngành quân y, vấn đề tư tưởng, lập trường phục vụ được tổ chức học tập, quán triệt trong hội nghị chuyên môn. Trong khi học tập, hội nghị đã đề cập đến một số vấn đề cơ bản như “Người quân y không thể trung lập mà phải đứng hẳn về phía nhân dân chống lại kẻ thù chung là đế quốc Pháp”. “Người quân y phải nêu cao tinh thần quân y vì bộ đội, vì người binh nhì, vì nhân dân”. “Người quân y phải có tư cách đạo đức cách mạng tức là tư cách đạo đức giai cấp cần lao”, “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, và nhờ có giai cấp công nhân lãnh đạo, cách mạng mới đi đến thắng lợi...”.

Tuy mới là bước đầu, song hội nghị học tập này đã một lần nữa xác định lập trường kháng chiến chống Pháp, xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, nêu lên yêu cầu cơ bản về tư cách đạo đức của người cách mạng làm công tác quân y, phê phán tư tưởng chuyên môn đơn thuần.

Hội nghị này đã góp phần tích cực trong lịch sử xây dựng ngành, đặc biệt là đã đẩy mạnh được việc thực hiện chủ trương “Quân đội hóa ngành quân y”.

Tiếp sau đó, các quân y vụ cũng rút kinh nghiệm, lần lượt tổ chức các cuộc hội nghị y tá đại đội tại các khu và cũng đạt được kết quả tốt.

Bước thứ hai là cuộc vận động quân nhân hóa nhân viên và chuyển việc quản trị quân y sang quản trị quân đội.

Từ khi thành lập ngành quân y, cán bộ quân y ở bệnh viện cũng như ở đơn vị đều thuộc quyền quản trị của quân y. Sau đó lại được quy định thành chế độ trong Hội nghị quân y lần thứ V và lần thứ VI. Tình hình này tạo điều kiện cho tư tưởng ngành dọc hay nói đúng hơn là tư tưởng chuvên môn thoát ly chính trị của một số anh em quân y có dịp phát triển, gây trở ngại không nhỏ cho việc thực hiện chủ trương vận động quân nhân hóa nhân viên và chuyển quản trị quân y sang quản trị quân đội, đề ra đầu năm 1949. Việc thực hiện chủ trương này đối với đa số anh chị em quân y sơ cấp về cơ bản là không gặp khó khăn, nhưng đối với các y sĩ, bác sĩ, dược sĩ thì không phải dễ dàng như vậy.

Việc thực hiện chủ trương này khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tư tưởng chưa được giải quyết. Sau 4-5 năm kháng chiến, đại đa số nhân viên quân y đã đồng cam cộng khổ, hòa mình với đời sống của nhân dân, của quân đội nhưng cũng còn một số anh em chưa rèn luyện cho mình được một lập trường phục vụ chính xác và vững vàng. Họ ngại quân nhân hóa và chuyển quản trị quân y sang quản trị quân đội thì quyền lợi hưởng thụ sẽ bị ảnh hưởng và tự do cá nhân sẽ bị hạn chế, họ chưa nhận thức được rằng việc thống nhất tổ chức quân y vào quân đội là một tất yếu khách quan tuy trước mắt có thể ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi vật chất, song sẽ tạo điều kiện cho ngành quân y phát huy mọi khả năng để phục vụ được nhiều hơn, giúp cho từng người có điều kiện rèn luyện và cải tạo tích cực hơn, là điều kiện không thể thiếu được cho mọi sự trưởng thành và tiến bộ của toàn ngành cũng như cho mỗi người.

Về mặt lãnh đạo tổ chức, khuyết điểm chủ yếu là chưa chú trọng đúng mức công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, việc giáo dục, vận động chưa có kế hoạch chu đáo và tỷ mỷ.

Tại Liên khu V, sau khi thành lập Phân cục quân y Trung Bộ cũng có quy định chế độ đài thọ cho y sĩ, dược sĩ, bác sĩ như ngoài Bắc, nhưng chưa kịp áp dụng thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, liên lạc giữa Liên khu V với Cục quân y bị gián đoạn, do đó trừ một số ít cán bộ nhân viên quân y trưng tập tiếp tục hưởng chế độ lương bổng như cán bộ dân y cho đến năm 1949, còn hầu hết nhân viên quân y đều hưởng chế độ sinh hoạt phí như bộ đội. Tuy nhiên, tư tưởng chuyên môn đơn thuần, tư tưởng ngành dọc không phải vì thế mà không xuất hiện. Đáng chú ý là tình hình làm tư từ Khu IV vào đến Khu V có thời gian được coi như hợp pháp, trở nên khá thịnh hành. Việc này đã có ảnh hưởng nhất đinh đến tinh thần và kết quả phục vụ bộ đội, phục vụ thương binh, bệnh binh của nhân viên quân y. Việc làm tư không được ngăn chặn kịp thời phải đến cuộc chỉnh huấn năm 1952 mới thật sự chấm dứt.

Ở Nam Bộ, do hoàn cảnh chiến trường xen kẽ và chia cắt, bộ đội phân tán ở chiến khu và vùng sau lưng địch, kinh tế tự túc, bộ đội dựa vào sự tiếp tế của nhân dân về mọi mặt để xây dựng và chiến đấu, tổ chức quân y gắn chặt với bộ đội nên cũng tạo điều kiện tốt cho nhân viên quân y gắn bó với nhân dân, đồng cam cộng khổ với quần chúng và cũng tránh cho quân y được nhiều vấp váp lệch lạc, giữ gìn cho đội ngũ cán bộ quân y ở Nam Bộ được trong sáng và lành mạnh.





------------------------------------------------------------------
1. Phòng quân y lưu động do Bắc sĩ Nguyễn Thúc Mậu làm trưởng phòng.

2. Phòng quân y tĩnh tại do Bác sĩ Lê Văn Ốc làm trưởng phòng.

3.  Tổ chức vận động, tuyên truyền công tác vệ sinh cho quần chúng ở các đơn vị, cơ sở.

4. Bản kỷ luật chuyên môn gồm 10 điểm :

1. Hỏi bệnh tỷ mỉ, khám bệnh kỹ lưỡng.
2. Cho thuốc đúng bệnh, đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách.
3. Sát trùng khi tiêm.
4. Khi tiêm ven phải đặt bệnh nhân nằm.
5. Sát trùng băng bó.
6. Cấp cứu kịp thời mau lẹ và hợp lý.
7. Tải thương nhanh chóng, săn sóc bệnh nhân dọc đường.
8. Mỗi bệnh nhân đều có y bạ theo dõi vết thương, cách chữa và kết quả.
9. Giữ gìn dụng cụ, tiết kiệm thuổc men.
10. Nhã nhặn không gắt với bệnh nhân.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2020, 04:20:39 pm »

2. Vấn đề nóng bỏng: nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ quân y trung cấp. Thành lập Trường quân y sĩ. Trường y khoa đại học động viên tòng quân. Thành lập Nha quân dược, Viện bào chế tiếp tế và Viện khảo cứu chế tạo dược phẩm. Tổ chức, tự túc, tự cấp thuốc theo quy mô nhỏ và phân tán. Quân y Nam Bộ bắt đầu mở rộng dùng thuốc dân tộc. Thành lập Trường quân dược sĩ.

Trước tình hình tổ chức quân đội và quân y ngày càng mở rộng việc đào tạo cán bộ quân y lại càng trở nên cấp bách.

Từ năm 1947, việc huấn luyện y tá, dược tá đã được giao cho các quân y vụ đảm nhiệm, năm 1948 lại phân công cho các trung đoàn làm việc này: các trung đoàn có cơ sở điều trị riêng đều có nhiệm vụ đào tạo y tá và cứu thương.

Ngày 25 tháng ba năm 1948, Bộ quốc phòng định ra chức vụ y tá trưởng 1 trong ngành quân y và các lớp y tá trưởng cũng được khai giảng tại Việt Bắc và tại Liên khu 3 cho đến hết năm 1948, từ Khu IV trở ra đã đào tạo được 1.150 cứu thương, 3.232 y tá, 412 y tá trường, và 333 dược tá. Đó là một cố gắng lớn về nhiều mặt của toàn ngành.

Tuy nhiên, việc đào tạo cán bộ đó vẫn chưa đáp ứng được tình trạng thiếu cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách quân y tiểu đoàn, quân y trung đoàn. Số y tá trưởng được đào tạo với một chương trình tuy có cao hơn chương trình y tá, nhưng lại chưa được học về phẫu thuật thực hành nên về cơ bản cũng không đáp ứng được đòi hỏi cứu chữa ngoại khoa thời chiến ở tuyến tiểu đoàn. Yêu cầu cấp bách lúc này đặt ra là phải có nhiều cán bộ quân y trẻ, khỏe, vững vàng trong chiến đấu, đi sát bộ đội, nắm được kỹ thuật ngoại khoa ở tuyến tiểu đoàn để phục vụ cho nhiệm vụ đánh vận động của bộ đội.

Trong Hội nghị quân y lần thứ VI, Cục quân y đã nêu lên vấn đề đào tạo quân y sĩ, sửa đổi lại chương trình đại học y khoa sao cho sau năm thứ 3 anh em đã có thể đi phục vụ được, chương trình còn lại sẽ được học tiếp theo và học tại chức, đồng thời đề nghị mở lớp đào tạo y tá phẫu thuật. Những đề nghị này đều xuất phát từ yêu cầu khách quan phục vụ bộ đội, nhưng đã không được sự đồng tình của một số anh em. Những ý kiến không đồng tình đều nhấn mạnh đến bằng cấp, học vị, cho là đào tạo ra một lớp cán bộ “nửa vời” không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Cuộc đấu tranh mở trường quân y sĩ cũng đánh dấu một hình ảnh nổi bật về cuộc đấu tranh tư tưởng trong ngành phản đối nhận thức và tư tưởng đẳng cấp, học vị, thiếu tin tưởng ở lực lượng quần chúng có thể nắm được khoa học kỹ thuật y học.

Ngày 28 tháng tám, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh mở hai trường y sĩ 2 : Một trường ở Liên khu III và IV giành cho dân y, một trường ở Liên khu I và X dành cho quân y. Việc mở các trường y sĩ là một quyết định sáng suốt, thực tiễn lịch sử của những năm kháng chiến chống Pháp và của cả một thời kỳ lịch sử dài sau này đã chứng minh vai trò chiến lược rất quan trọng của đội ngũ cán bộ y tế và cán bộ quân y trung cấp. Thực tiễn đó đã bác bỏ hoàn toàn những nhận thức không đúng đối với chủ trương và đường lối đào tạo cán bộ trung cấp của Đảng.

Ngày 10 tháng ba năm 1949, Trường quân y sĩ khai mạc khóa đầu tiên tại thôn Tuần Lũng, huyện Tam Dương, tĩnh Vĩnh Phúc. Học viên có 55 người trong đó có 11 đồng chí là y tá đã phục vụ trong quân đội. Học viên là thanh niên, học sinh có bằng thành chung (tương đương lớp 7 phổ thông) có tinh thần hăng hái phục vụ quân đội. Nhà trường có ban giám đốc, có chính trị viên, giảng viên và sinh viên hướng dẫn 3 . Tuy nhiên, chương trình và phương pháp giảng dạy vẫn căn cứ vào chương trình và phương pháp của trường y sĩ Đông Dương thời thuộc Pháp. Chương trình dàn đều đủ các môn nội, ngoại, ngũ quan khoa... thời gian học kéo dài 4 năm nên tốc độ đào tạo không nhanh, không đáp ứng được yêu cầu cấp bách trước mắt. Việc tuyển sinh phải có bằng trung học phổ thông, nếu là y tá trưởng thì phải có trình độ tương đương. Vì vậy, phần lớn phải tuyển học sinh hay công chức ở ngoài vào học, hầu hết anh chị em y tá, cứu thương là người đã được rèn luyện trong chiến đấu, có kinh nghiệm phục vụ thì lại không có điều kiện theo học.

Ngoài việc đào tạo cán bộ sơ học và trung học nói trên, Trường đại học y khoa khai giảng từ năm 1947 vẫn tiếp tục đào tạo cán bộ có trình độ đại học. Song chương trình và phương pháp đào tạo cũng không khác gì thời thuộc Pháp. Lúc đầu mới có các sinh viên dược khoa và một nửa số sinh viên y khoa tòng quân, nhưng đến năm 1950 trong không khí sôi nổi của thời kỳ tích cực chuẩn bị tổng phản công, toàn thể sinh viên đã tòng quân. Những người đã học năm thứ tư trở lên đều được cử đi phụ trách công tác, còn những người từ năm thứ ba trở xuống thì được cử đi thực tập. Cho đến cuối năm 1950, tổng số cán bộ y dược có trình độ đại học và trung học đã đào tạo được là 564 đồng chí 4. Đó là nguồn cán bộ chủ yếu cung cấp cán bộ phụ trách cho các ban quân y trung đoàn, y sĩ điều trị tại các bệnh viện, dược sĩ tại các xưởng, các ban bào chế và sản xuất nói chung, các anh em đều cố gắng học tập và phục vụ, gần gũi, cùng chịu đựng gian khổ với bộ đội, nhưng vì thiếu sót trong công tác giáo dục chính trị, trong đào tạo chuyên môn khoa học kỹ thuật, nên còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa giải quyết được đầy đủ hai mâu thuẫn cơ bản : mâu thuẫn giữa yêu cầu số lượng đủ, chất lượng tốt với thời gian đào tạo kéo dài, mâu thuẫn giữa yêu cầu đào tạo từ dưới lên với đòi hỏi phải có văn bằng, học vị. Các mâu thuẫn này chỉ được giải quyết dần từ sau thắng lợi của chiến dịch biên giới năm 1950.





-----------------------------------------------------------------
1. Nghị định số 29/NĐCB ngày 25 tháng ba năm 1948 của Bộ Quốc phòng.

2. Sắc lệnh số 234/SL và nghị định số 187/NĐ.

3. Giám đốc: bác sĩ Đinh Văn Thắng, phó giám đốc: bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ, chính trị viên : đồng chí Phạm Thế, giảng viên: bác sĩ Đặng Đình Huấn, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, sinh viên hướng dẫn: Vũ Tá Cúc, Trần Văn Bảo, Nguyễn Xuân Bích.

4. Trong số này có : 213 quân y sĩ từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, 167 quân y đại học từ năm thứ nhất đến năm thứ sáu, 94 quân dược sĩ trung học và 90 quân dược sĩ đại học.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2020, 04:27:02 pm »

Công tác quân dược trong thời kỳ này đã được củng cố và đẩy mạnh hoạt động về mọi mặt.

Sau Hội nghị quân y lần thứ VII họp tháng tám năm 1948, Cục quân y chủ trương thành lập Nha quân dược, để chỉ đạo thống nhất ngành dược trong quân đội.

Lúc đầu Nha quân dược nằm trong Cục quân y, đến tháng sáu năm 1949, với quan niệm tổ chức các Nha (có chức năng chủ yếu lo việc sản xuất) không nằm trong hệ thống cơ quan giúp việc chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh như các Cục, nên đã tách Nha quân dược ra khỏi Cục quân y thành một hệ thống độc lập với quân y từ trên xuống dưới. Nhưng thực tế lại cho thấy lúc đó việc tách ra như vậy đã gây khó khăn cho việc phối hợp giữa y và dược, làm cho Nha quân dược không đạt được kế hoạch sản xuất và tiếp tế do không nắm được nhu cầu của quân đội, nên đến tháng bảy năm 1950 lại có chủ trương thống nhất quân y với quân dược.

Trực thuộc Nha quân dược gồm hai viện :

- Viện bào chế, tiếp tế 1  có chức năng chỉ đạo công tác mậu dịch và tiếp tế nguyên liệu cho các khu.

- Viện khảo cứu chế tạo dược phẩm 2 có chức năng chỉ đạo và trực tiếp nghiên cứu và sản xuất thuốc, dụng cụ y dược.

Sau khi bộ máy tổ chức được thành lập, Cục quân y đã chủ trương : Mở rộng mậu dịch tại các vùng địch tạm chiếm và vùng biên giới. Thực hiện chủ trương này đã bố trí các cơ sở mậu dịch vào những nơi thuận tiện cho việc mua sắm.

Tại các Liên khu I, II, III, IV và miền Nam Trung Bộ đã thành lập ra 5 chi nhánh mậu dịch A, B, C, D, E.

Các chi nhánh này có nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan ngoại thương, đảm bảo các luồng thu mua với các vùng tạm chiếm. Hàng thu mua được sẽ phân phối cho các cơ sở sản xuất tiếp tế tại các liên khu, đồng thời điều hòa giữa các chi nhánh với nhau.

Nhờ việc mậu dịch có tổ chức và kế hoạch hơn, nên mặc dù thiếu nhân viên, có khó khăn về tài chính bị địch phong tỏa... các chi nhánh đã thu mua được phần lớn thuốc cho bộ đội, nhất là các loại nguyên liẹu, dược liệu và thuốc sốt rét.

Đi đôi với việc phát triển mậu địch, nhằm tăng cường việc chấp hành phương châm tự cấp, tự túc của Đảng, Cục quân y đã chủ trương đẩy mạnh việc sản xuất thuốc bằng cách xây dựng thêm cơ sở sản xuất theo quy mô sản xuất nhỏ và phân tán, đồng thời bố trí các cơ sở đó tại những vùng tương đối an toàn, tương đối sẵn nguyên liệu. Chủ trương này tỏ ra phù hợp với tình hình năm 1948, nên đã đảm bảo cho việc sản xuất được thuận lợi và liên tục, giải quyết được tình trạng gián đoạn của năm 1947.

Đầu năm 1949, chấp hành nhiệm vụ “Tích cưc cầm cự chuẩn bị tổng phản công” của Trung ương, Cục quân y đã chủ trương tập trung các công trường lẻ tẻ, phân tán trong năm 1948, tổ chức các xưởng sản xuất tương đối quy mô hơn.

Ở Việt Bắc tổ chức lại thành 6 xưởng và 4 phòng quân dược 3 .

Ở Liên khu III và Liên khu IV, do khó khăn về giao thông liên lạc, nên tháng bảy năm 1949 đã thành lập Sở quân dược để thay mặt Cục quân y chỉ đạo công tác quân dược tại mỗi liên khu. Tháng năm năm 1950, do chiến sự phát triển tại Liên khu III, nên đã sáp nhập được Liên khu 3, 4. Các cơ sở trực thuộc của hai liên khu cũng được hợp nhất thành 2 xưởng và 6 phòng bào chế 4  dưới sự chỉ đạo của một Sở quân dược L.K. 3-4.

Ở Liên khu V và Nam Bộ, công tác quân dược phát triển chậm hơn so với ngoài Bắc, về tổ chức cũng có nhiều thay đổi, nhưng nói chung mới tổ chức ra các phòng hay các ban quân dược làm công tác bào chế các thành phẩm, còn việc chế tạo dược phẩm và sản xuất dụng cụ như ở ngoài Bắc đã làm thì hầu như chưa có hoặc có rất ít. Đáng chú ý ở Nam Bộ, Sở quân dân y do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng phụ trách đã tổ chức việc nghiên cứu thuốc dân tộc. Năm 1949, Sở quân dân y Nam Bộ đã mời thầy thuốc đông y có tiếng về Sở đề tổ chức học tập. Năm 1950, Sở quân dân y Nam Bộ đã biên soạn cuốn “Dược tính đông y” và năm 1951 thì xuất bản và phát hành rộng rãi tới các địa phương. Việc làm có tính chất khởi phát này của Sở quân dân y Nam Bộ đã đưa đến nhiều nỗ lực liên tục trong các năm về sau, hình thành ngày càng vững chắc những tiền đề cho chủ trương kết hợp y học dân tộc với y học hiện đại của những năm sau này. Việc học tập đông y sử dụng rộng rãi đông dược, thuốc dân tộc cua Sở quân dân y Nam Bộ ngày càng thu được kết quả tích cực, chẳng những đã giải quyết được nhiều khó khăn do thiếu thuốc Tây, mà còn nêu bật một hình ảnh trong sáng về việc kế thừa và phát huy y học dân tộc trong điều kiện kháng chiến gian khổ.

Sau kinh nghiệm mở trường quân y sĩ, tháng bảy năm 1950 tại Việt Bắc, chúng ta bắt đầu đầu mở Trường quân dược sĩ 5  khóa đầu với 36 học sinh. Việc mở Trường quân dược sĩ cũng đánh dấu một nỗ lực to lớn của toàn ngành, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn đào tạo đội ngũ cán bộ quân dược sĩ đầu tiên cho quân đội.

Trong quá trình chấn chỉnh và xây dựng các cơ sở sản xuất trên, cán bộ, nhân viên và công nhân quân dược đã nghiên cứu và sản xuất với một tinh thần tích cực và sáng tạo. Thấm nhuần phương châm “Tự lực cánh sinh” của Đảng, hưởng ứng phong trào thi đua “Gây cơ sở phá kỷ lục” của Bộ quốc phòng, anh chị em đã tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nước chế tạo và sản xuất nhiều thuốc và dụng cụ y dược cần thiết phục vụ cho yêu cầu tác chiến của quân đội : dùng lá tre chiết xuất lục diệp tố để đắp vết thương; dùng sắn mía thay gạo nấu cồn cao độ, dùng nhựa trám thay cồn triết xuất caféin, dùng sắt đường tầu, chế thành dụng cụ phẫu thuật và hộ lý, dùng cặp tóc hằng thép không gỉ chế thành kim tiêm, dùng gọng ô làm kim khâu ngoại khoa. Việc bào chế các thứ thuốc tiêm, viên, bột, nước... cũng gặp khó khăn do thiếu phương tiện, thiếu máy dập viên thì làm khuôn dập bằng tôn, dùng vỏ đạn làm cối đóng viên, không có máy đóng ống tiêm thì thay bằng “bock” hay bơm tiêm, dùng lọ sành hoặc bình thủy tinh pyrex để sản xuất ether-mê, làm dụng cụ cất cồn cao độ bằng tôn, làm ra lò cất dầu long não tinh khiết, tự sản xuất được bơm tiêm...

Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đã phấn đấu chiết xuất được một số hoạt chất ở các dược thảo như: roturidin, morphin, atropin, chénopod... mà trước kia trong thời thuộc Pháp chưa làm được.

Trong một thời gian dài, việc nghiên cứu sản xuất được thuốc chữa sốt rét luôn luôn là một mối quan tâm săn sóc của ngành, anh em quân dược đã dùng lá thường sơn, vỏ cây sữa, giây ký ninh (ở Việt Bắc), cây dền (ở Liên khu 5).., chế ra các loại thuốc viên thay thế cho quinacrin trong một thời gian khá lâu.

Đáng chú ý, chúng ta đã tự túc được một số thuốc chiến thương chủ yếu như bông, băng, bột bó, ête mê... đạt chất lượng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có những thiếu sót trong công tác sản xuất, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu và khả năng thực tế, còn tư tưởng quy mô, hình thức, tốn công sức mà ít tác dụng thiết thực (việc chiết xuất các loại hoạt chất); việc sản xuất còn thiếu trọng tâm và kế hoạch, chưa thật sát với đòi hỏi của chiến tranh và chưa cân đối, việc bảo quản, đóng gói, tiếp tế, theo dõi, sử dụng còn kém, đã xảy ra lãng phí, hư hỏng...




------------------------------------------------------------------
1. Viện trưởng: Dược sĩ Huỳnh Quang Đại, viện phó: dược sĩ Hoàng Xuân Hà.

2. Viện trưởng: Dược sĩ Đỗ Tất Lợi, viện phó: dược sĩ Nguyễn Trọng Bính.

3. Sáu xưởng là xưởng dược phẩm XF 21, xưởng dược phẩm XF 14, xưởng bông băng XF 22, xưởng dụng cụ XZ 16 và hai xưởng thủy tinh XZ 15, và XZ 17, bốn phòng quân dược là I, II, III, IV.

4. Hai xưởng là xưởng dược phẩm XF 341 và xưởng sản xuất thủy tinh, dụng cụ phẫu thuật XF 342. Sáu phòng bào chế là : XB 343, XB 344, XB 345, XB 346, XB 347; XB 348.

5. Hiệu trưởng: dược sĩ Trương Công Quyền. Hiệu phó : dược sĩ Nguyễn Trọng Bính.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM