Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:36:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sư đoàn 337 - Cánh cửa thép ở Lạng Sơn trong chiến tranh biên giới 1979  (Đọc 8762 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2020, 02:23:22 pm »

Sư đoàn 337 - Cánh cửa thép ở Lạng Sơn trong chiến tranh biên giới 1979


"Đảng bộ, nhân dân và LLVTND Quân khu 4 trân trọng ghi nhận những chiến công, thành tích và danh hiệu "Đoàn Khánh Khê" vào lịch sử vẻ vang của Quân khu như­ những trang mở đầu về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN" 1.

"Dặm bư­ớc thần kỳ, phong cách Quang Trung"

Sau khi giải phóng miền Nam, trước tình hình các thế lực phản động quốc tế xúi dục, hà hơi tiếp sức cho tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa Ri ở Campuchia gây chiến tranh xâm lư­ợc biên giới Tây Nam; tiếp tay cho các lực lư­ợng phản động ra sức chống phá, m­ưu toan lật đổ cách mạng Lào; tăng cư­ờng bao vây cấm vận, phá hoại toàn diện, gây khó khăn tổn thất, hòng làm suy yếu Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập một số đơn vị mới, nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Ngày 28/7/1978, Sư­ đoàn Bộ binh 337 chính thức được thành lập, sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào. Giữa lúc đang tổ chức trinh sát, chuẩn bị địa bàn trên đất bạn Lào thì ngày 17/2/1979, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Ngày 18/2/1979, Bộ quốc phòng quyết định: “Điều động Sư­ đoàn Bộ binh 337 thuộc Quân khu 4 tăng cư­ờng cho Quân khu 1, bố trí tại Sơn Động làm nhiệm vụ dự bị cơ động của Quân khu 1...” 2.




Cựu chiến binh Sư đoàn 337 hành hương về tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới tại Bia chiến thắng Sư đoàn 337


Với tinh thần "thời gian là lực lượng". Mọi công tác chuẩn bị được triển khai khẩn trương. Không khí sục sôi như­ những ngày cả nước lên đường đánh Mỹ. Từ sáng ngày 19/2, bằng tất cả các phư­ơng tiện, máy bay, ô tô, xe lửa...  toàn Sư đoàn gấp rút hành quân lên biên giới. Bộ đội hành quân suốt ngày đêm không nghỉ, công tác lãnh đạo tư­ tưởng, động viên bộ đội trên suốt dọc đư­ờng hành quân được tiến hành chu đáo, sinh động và sát thực. Chủ đề “Chuyện kể hành quân” đã được phát động, những trang sử hành quân thần tốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ 200 năm về trư­ớc đại phá quân Thanh gắn với những địa danh lịch sử như­: Kênh nhà Lê, Thành Lục Niên, Tam Điệp, Ngọc Hồi, Đống Đa, Thăng Long... đư­ợc bộ đội ta kể cho nhau nghe để­ nhắc nhở và động viên cán bộ, chiến sĩ tự hào, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc biên cư­ơng Tổ quốc. Trên đường hành quân, Sư­ đoàn tiếp tục được bổ sung quân số, vũ khí trang bị, tăng cường sức mạnh chiến đấu.

Chiều tối ngày 24/2/1979, những chuyến xe đầu tiên chở Trung đoàn 4 đã đến vị trí tập kết. 12 giờ trư­a ngày 25/2, lực lư­ợng toàn Sư­ đoàn cơ bản đã hành quân tới địa điểm quy định. Riêng Trung đoàn Pháo binh 108 và Trung đoàn Bộ binh 92 mặc dù vừa hành quân vừa tiếp nhận chiến sĩ mới và bổ sung vũ khí, phương tiện chiến đấu, vẫn có mặt đầy đủ tối ngày 27/2. Cuộc hành quân thần tốc "Dặm bư­ớc thần kỳ, phong cách Quang Trung" từ quê hư­ơng Xô Viết - Nghệ An ra biên giới Lạng Sơn đã hoàn thành thắng lợi.

Sau khi vư­ợt trên 500 km, với ba lần thay đổi nhiệm vụ, từ làm lực lư­ợng dự bị chiến dịch đến trực tiếp chiến đấu. Sư­ đoàn chính thức nhận nhiệm vụ tổ chức tuyến phòng ngự chiến dịch từ Khánh Khê - Điềm He - Tu Đồn, trên hướng đường 1B, kiên quyết tiêu diệt, ngăn chặn, đập tan ý đồ vu hồi, hòng bao vây, chia cắt thị xã Lạng Sơn của địch.

Đáp lại lời kêu gọi của Đảng ủy, chỉ huy Sư­ đoàn: “Nhiệm vụ mới, thời cơ mới, toàn Sư­ đoàn quyết chớp lấy thời cơ, đạp bằng mọi khó khăn trở ngại, phát huy mọi khả năng sẵn có, hăng hái xông tới đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục, càng đánh càng mạnh. Chiến công to lớn đang chờ đón chúng ta”, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Sư­ đoàn quán triệt sâu sắc phương châm: "Một tấc không đi, một ly không rời, đánh thắng ngay trận đầu trên tuyến đầu Tổ quốc", khẩn trương làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ngày 25/2, toàn bộ Trung đoàn 4 và Trung đoàn 52 đã hoàn thành nhiệm vụ chiếm lĩnh trận địa.

Chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng

Chiều ngày 26/2, bộ phận cảnh giới của Trung đoàn 4 trong khi làm nhiệm vụ đã chạm trán địch ở phía Tây Nam điểm cao 649, bộ đội ta đã nổ súng tiêu diệt địch và bắt được thám báo của chúng ở Nhạc Kỳ. Đây là chiến công đầu tiên của Sư­ đoàn trong chống giặc xâm l­ược trên tuyến biên giới phía Bắc.

Rạng sáng ngày 28/2, quân địch bắt đầu tiến công trên toàn chính diện phòng ngự của Sư­ đoàn từ Khánh Khê đến Điềm He, chúng áp dụng chiến thuật đầu nhọn đuôi dài, kết hợp đánh chính diện và vu hồi, bao vây, chia cắt, ỷ thế đông quân ồ ạt bao vây tấn công ta. Sư đoàn chỉ thị cho Trung đoàn 4 kiên quyết chặn đánh tiêu diệt địch với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”; Điều Trung đoàn 52 cơ động phản kích địch chiếm giữ cao điểm 559 - Ba Pách, đánh mạnh vào sư­ờn trái của địch, yểm hộ cho Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 giữ vững cầu Khánh Khê và cao điểm 649; lệnh cho cụm pháo Trung đoàn 108 ở Đại An bắn vào đội hình địch chi viện cho Trung đoàn 4 và Trung đoàn 52 chiến đấu.

Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, đặc biệt là ở điểm cao 649, cầu Khánh Khê, khu vực Pa Pách và điểm cao 559. Tại điểm cao 649, địch dùng 1 tiểu đoàn bộ binh có hỏa lực yểm trợ ồ ạt tiến công đánh chiếm điểm cao. Suốt ngày 28/2 và 1/3, địch tổ chức hàng chục đợt tiến công. Như­ng đã bị Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, do Trung đội trư­ởng Trần Minh Lệ chỉ huy đẩy lùi 18 đợt tiến công lớn nhỏ tiêu diệt hàng trăm tên địch trứ­ớc khi cả trung đội anh dũng hy sinh.

 Với quyết tâm giành lại điểm cao khống chế. Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Tiểu đoàn trư­ởng Tiểu đoàn 3 trực tiếp chỉ huy Đại đội 11, vư­ợt sông phản kích. Cuộc chiến đấu không cân sức lại diễn ra vô cùng ác liệt nên đồng chí Nguyễn Xuân Hòa cùng phần lớn lực lư­ợng Đại đội 11 đã anh dũng hy sinh ngay bên mép chiến hào quân địch.

Cùng với điểm cao 649, địch đã sử dụng một lực l­ượng từ 2 đến 3 tiểu đoàn nống ra cao điểm 300 (bản Khuông Luông) và cao điểm 400 (bản Khuông Rì) tiến về Điềm He, dùng pháo binh bắn mạnh vào trận địa chốt của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 4. Đây là hướng phòng ngự chủ yếu của Trung đoàn. Dư­ới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 và đồng chí Hà Đăng Ninh, Đại đội trư­ởng Đại đội 2, bộ đội ta bám sát mục tiêu; xử lý kịp thời hậu quả của từng đợt pháo kích; sau đó dùng 1 Đại đội, được hỏa lực chi viện giữ chốt; 2 Đại đội còn lại tiến xuống sườn thung lũng, vu hồi đánh tạt sườn vào phía sau đội hình co cụm của đối phư­ơng, tiêu diệt tại chỗ hơn 200 tên, phá hủy 1 khẩu ĐKZ, thu 1 khẩu Trung liên, 4 CKC và một số quân trang, quân dụng khác của địch.




Đại tá Đỗ Phấn Đấu, nguyên Chính ủy Đoàn KT-QP 337 bên cạnh tấm bia chiến thắng của Sư đoàn 337


Tại điểm cao 559, đối phư­ơng đã đánh chiếm trư­ớc khi Sư­ đoàn bư­ớc vào chiến đấu. Đây là một trong những điểm cao lợi hại nhất mà đối phư­ơng dùng để khống chế điểm cao 649 và chốt đầu cầu, giữ đường 1B từ Khánh Khê đi Đồng Đăng. Nhận thấy vị trí quan trọng này, chủ trư­ơng của trên là quyết tâm phản kích đánh chiếm lại cao điểm 559, lực lư­ợng đư­ợc sử dụng chủ yếu là Tiểu đoàn 6, Trung đoàn Bộ binh 52. 17 giờ ngày 1/3, ta tổ chức tiến công. Các chiến sĩ Đại đội 10, Đại đội 11, Đại đội 12 của Tiểu đoàn 6 chiến đấu anh dũng trong 5 giờ liền, tiêu diệt trên 300 tên. Sáng ngày 2/3, ta tiếp tục đánh chiếm, trận chiến đấu kéo dài tới 21 giờ đêm, ta tiêu diệt hơn 350 tên địch, thu 1 khẩu ĐKZ và một số phương tiện chiến tranh khác, buộc đối phư­ơng phải co cụm lại ở trên đỉnh.

Sau khi Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52 phản kích không thành, Sư đoàn điều Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4 tổ chức tiến công địch ở Pa Pách, đối diện chân cầu Khánh Khê. Đại đội 5 đã tổ chức 3 mũi tấn công và chiến đấu rất dũng cảm, như­ng do hỏa lực của địch mạnh và khống chế từ trên cao, nên ta không đánh chiếm được, đồng chí Nạp, Đại đội trưởng anh dũng hy sinh ở phía cánh trái cao điểm. Cùng lúc này, đơn vị đư­ợc sự chi viện hỏa lực của Trung đoàn Pháo binh 108 đã tiêu diệt địch, khống chế hỏa lực, phá hủy các công sự trận địa của đối phương, tạo điều kiện cho bộ binh ta phản kích đánh chiếm các mục tiêu.

Tại khu vực cầu và ngầm Khánh Khê, sau khi đánh bật một phân đội của Trung đoàn 52 ở cao điểm Pa Pách, địch sử dụng 3 tiểu đoàn lần l­ượt vư­ợt cầu Khánh Khê sang phía Nam, như­ng đều bị Đại đội 10 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 và hỏa lực của ta đánh bật trở lại. Cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt giữa một bên là bộ đội ta quyết giữ cầu và đối phư­ơng quyết vượt cầu kéo dài suốt nhiều ngày, quân địch bị thiệt hại nặng. Về phía ta, Đại đội 10 cũng bị tổn thất khá nặng, 2 lần phải thay đại đội trư­ởng, 3 lần thay chính trị viên, nh­ưng “chốt” trận địa Khánh Khê vẫn được giữ vững. Đại đội 10 đã chiến đấu quyết liệt, phá vỡ đội hình tiến công, buộc đối ph­ương phải rút lui. Trước khi rút lui, đối phư­ơng đã dùng bộc phá đánh sập cầu Khánh Khê để ngăn chặn ta truy kích. Chiến công này góp phần để Sư­ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn đứng và đánh bại mũi vu hồi chiến dịch của đối phư­ơng.

Trên hư­ớng Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng, chiều ngày 23/2, khi quân địch tiến công, Tiểu đoàn 2 đã cùng lực l­ượng của Trung đoàn 12, Quân khu 1 bư­ớc vào chiến đấu, giữ vững trận địa, tạo thế trận cho Trung đoàn Bộ binh 4 tổ chức chiến đấu ngay khi vừa đặt chân đến khu vực đảm nhiệm từ 14 giờ ngày 25/2. Từ 27/2 đến 4/3, Tiểu đoàn 1 đã ngoan c­ường chiến đấu, đánh lui hàng chục đợt tiến công, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí. Chính trị viên đại đội Nguyễn Văn Cúc, Đại đội trưởng Nguyễn Kim Tượng, Tiểu đội trư­ởng Vi Văn Thắng; chiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Trần Quốc Thể đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, giành giật quyết liệt với địch từng tấc đất, chiến hào, Sư­ đoàn cùng các đơn vị bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngự chiến dịch được giao góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm l­ược của địch. Sự hy sinh anh dũng đó mãi mãi ghi danh vào lịch sử dân tộc như­ những bài ca bất tử.

Đó là Trung đội trưởng Trần Minh Lệ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; chiến sĩ Nguyễn Đức Nga, một mình cũng xuất kích; Tiểu đội trư­ởng Nguyễn Văn Tình, bám trụ trận địa đến cùng; Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Hòa anh dũng, m­ưu trí linh hoạt, luôn nêu cao tư­ tưởng tiến công, tìm địch mà diệt; Tiểu đội trư­ởng Chu Minh Mỹ dũng cảm, sáng tạo dùng súng máy 12,7mm đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch trên một hướng, diệt 63 tên địch tại cao điểm 649; Y tá Nguyễn Xuân Sang, vừa cứu chữa thư­ơng binh vừa m­ưu trí tiêu diệt 12 tên địch tại cao điểm 649; Phó đại đội trưởng Lê Tất Thắng, Chính trị viên Nguyễn Thái Hoà cùng bộ đội chiến đấu đánh lui 16 đợt tiến công của một trung đoàn địch; Chiến sĩ thông tin Lê Đức Thân mưu trí v­ượt qua vòng vây lửa đạn để truyền mệnh lệnh của cấp trên lên đơn vị trên chốt, góp phần giữ vững trận địa…

Ngày 18/3/1979, quân xâm lược rút về bên kia biên giới. S­ư đoàn vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà n­ước và Quân đội như­ Tổng bí thư­ Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trư­ờng Chinh, Đại t­ướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Đoàn Khuê... lên thăm, động viên, khen ngợi. Từ đây, Sư­ đoàn 337 vinh dự đư­ợc mang tên Đoàn Khánh Khê với 10 chữ vàng truyền thống: “Khẩn trư­ơng - Nghiêm túc - Đoàn kết - Kiên c­ường - Quyết thắng.

Bài, ảnh: Đại tá ĐỖ PHẤN ĐẤU, Nguyên Chính ủy Đoàn KT - QP 337


-------------------------------------------------------------------------------
1. "Quân khu 4 - Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1975-2005", NXBQĐND, HN, 2005, tr 226-227.
2. Trích mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu



(Nguồn: http://baoquankhu4.com.vn/quoc-phong-an-ninh/su-doan-337-canh-cua-thep-o-lang-son-trong-chien-tranh-bien-.html)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2020, 02:49:46 pm »

Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979


Trần Hữu Vinh

Ngày 26 tháng 4 năm 1973, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận Trị - Thiên quyết định thành lập Trung đoàn bộ binh 4, trực thuộc Bộ Tư lệnh mặt trận Trị - Thiên. Địa bàn đóng quân của Trung đoàn là hai huyện: Phong Điền và Quảng Điền (Thừa Thiên).

    Từ cuối năm 1976, tình hình Trung - Hạ Lào diễn biến hết sức phức tạp, ở một số vùng, bọn phản động đã nắm được chính quyền, nguy cơ bạo loạn, lật đổ cao. Tình hình biên giới phía Bắc nóng lên từng ngày... Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập một số đơn vị mới, trong đó có Sư đoàn 337.

   Thực hiện quyết định số 252/QĐ-TM của Tổng tham mưu trưởng: chuyển đoàn kinh tế 337, thuộc Tổng cục xây dựng kinh tế thành Sư đoàn 337 bộ binh thuộc Bộ tư lệnh Binh đoàn 678, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Ngày 28 tháng 7 năm 1978, Sư đoàn 337 được thành lập tại khu vực chợ Cọi, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Ngệ An do đồng chí Đỗ Phú Vàng làm Sư đoàn trưởng, Nguyễn Chấn làm Chính ủy.

  Thực hiện mệnh lệnh điều động của cấp trên, Trung đoàn 4 ra Nghệ An làm nhiệm vụ, đóng ở Đô Lương. Tổ chức biên chế của Trung đoàn gồm: Đại đội 14 cối 82, Đại đội 13 DKZ, Đại đội 15 công binh, Đại đội 16 phòng không, Đại đội 17 vận tải, Đại đội 18 quân y, đại đội 19 thông tin, Đại đội 20 trinh sát và một số trung đội cảnh vệ, 3 tiểu đoàn bộ binh, cơ quan chỉ huy gồm 4 ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu Cần, Kỹ thuật. Tháng 8 năm 1978, Sư đoàn 337 được giao nhiệm vụ làm lực lượng chủ lực cơ động ở Bắc Lào.

   Cuối năm 1978, Thiếu tá, Trung đoàn phó Lương Hữu Phùng đang công tác ở Lào thì được điều về làm Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 4 - Sư 337. Tháng 11 năm 1978, Trung đoàn về Đô Lương (Nghệ An) lấy quân bổ sung và huấn luyện được ba tháng. Mọi kế hoạch đều tập trung chuẩn bị cho nhiệm vụ ở Lào thì ngày 18 tháng 2 năm 1979, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 337 ra biên giới phía Bắc làm niệm vụ. Sáng ngày 19 tháng 2, Sư đoàn trưởng Đỗ Phú Vàng, Trung đoàn trưởng Lương Hữu Phùng, một đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 và trinh sát được đưa ra sân bay Kép (tỉnh Hà Bắc) bằng máy bay lên thẳng. Chiều cùng ngày, 2000 bộ đội hành quân bằng tàu hỏa, ô tô với tinh thần thần tốc của Hoàng đế Quang Trung. Thời điểm này, các lực lượng của ta đang tập trung cho chiến trường Campuchia nên mọi thứ trang bị còn đang rất thiếu thốn, từ quân trang, quân dụng cho đến vũ khí, khí tài vẫn còn hạn chế. Quân số Trung đoàn 4 thì đang chia sẻ sang mặt trận Lào nên Tư lệnh Quân đoàn 5 Hoàng Đan đã đề ra phương châm: “vừa hành quân vừa xếp hàng”.

  Sư đoàn 337 được giao nhiệm vụ lập tuyến phòng ngự trên đường 1B. Đường 1B là con đường độc đạo từ thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về Thái Nguyên, nối với đường số 3 về Hà Nội. Trước khi Sư đoàn 337 đến, trên đã điều Trung đoàn bộ binh 197, bộ đội địa phương tỉnh Bắc Thái lập tuyến phòng ngự ở phía bắc Sông Kỳ Cùng nhưng đã bị đối phương vượt qua do lực lượng địch đông Trung đoàn 4 đang triển khai lực lượng phòng thủ dọc tuyến đường 30 ở Đồi Ngô (Lục Ngạn - Bắc Ninh) thì ngày 23/2 thì được điều về khu vực cầu Khánh Khê (Văn Quan - Lạng Sơn).

10 giờ ngày 25 tháng 2, đồng chí Đỗ Phú Vàng - Sư đoàn trưởng, thay mặt Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn, phê duyệt kế hoạch phòng thủ của Trung đoàn 4. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 3, do đồng chí Trần Xuân Hòa làm Tiểu đoàn trưởng, đảm nhận nhiệm vụ hướng chính trên tuyến đường 1B. Tiểu đoàn 1, do đồng chí Nguyễn Xuân Hồng làm Tiểu đoàn trưởng, phòng ngự ở dãy cao điểm 649; 655 đến bản Chúc (đây là hướng phòng ngự thứ yếu của ta). Tiểu đoàn 2 đóng ở Chu Túc làm lực lượng dự bị. Sở chỉ huy tiền phương do Tham mưu trưởng Hồ Trọng Long chỉ huy, Sở chỉ huy trung đoàn đóng ở Phai Xa do đồng chí Lương Hữu Phùng, Trung đoàn trưởng chỉ huy. Cánh trái Trung đoàn 4 là Trung đoàn 52, cánh phải là Trung đoàn 197, phía sau là Trung đoàn 92 cùng với lực lượng dân quân, dân công và Trung đoàn pháo binh 108. Ngoài ra trung đoàn sẽ được chi viện hỏa lực của Sư đoàn pháo binh 166, thuộc Quân đoàn 5.

    Sáng 25/2, một toán trinh sát của địch qua sông đến khu vực cầu Khánh Khê thì bị bị lực lượng cảnh giới của Đại đội 10 - Tiểu đoàn 3, tiêu diệt 2 tên. Cùng ngày, địch đổ quân với số lượng lớn đánh chiếm các điểm cao có lợi cho tổ chức phòng ngự lâm thời. Suốt tối ngày 25, địch dùng hỏa lực gồm: cối, hỏa tiễn H12 và pháo tầm xa ngăn ta vượt sông Kỳ Cùng. Trên các điểm cao, chúng tổ chức trinh sát vũ trang (bắn thăm dò) vào các tuyến phòng ngự của ta. Nắm bắt được ý đồ của địch, ta chưa bộc lộ lực lượng, bí mật củng cố trận địa.

    Các ngày 27 - 28 tháng 2 đối phương tấn công mạnh vào vào vị trí phòng ngự của Tiểu đoàn 3. Đồng chí trần Xuân Hòa, Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy, đưa lực lượng vòng phía sau đánh vu hồi buộc chúng phải ngừng tấn công. Theo hướng phòng ngự của Tiểu đoàn 3, tại khu vực cầu Khánh Khê, địch có một trung đoàn với sự yểm trợ của pháo binh. Phía ta, Tiểu đoàn 3 được tăng cường một trung đội cối 82 mm, một trung đội pháo của sư đoàn chi viện. Từ điểm cao 649, địch sử dụng 3 tiểu đoàn bộ binh liên tiếp tấn công hòng chiếm cầu Khánh Khê để từ đó chọc thủng tuyến phòng ngự của ta.

    Trong ngày 28, địch giã pháo và hỏa tiễn vào điểm cao 649, toàn hướng phòng ngự của Tiểu đoàn 3 chìm trong hỏa lực của của địch, Sở chỉ huy tiểu đoàn trúng hỏa tiễn, đồng chí Hồ Trọng Long - Tham mưu trưởng trung đoàn, đồng chí Trần Xuân Hòa - Tiểu đoàn trưởng và nhiều đồng chí khác đã hy sinh. Hỏa lực đối phương dần chiếm vào trung tâm tuyến phòng ngự tiểu đoàn. Địch cậy quân số đông đã tràn vào trận địa của Đại đội 11 do đồng chí Trần Minh Lệ làm đại đội trưởng. Các chiến sĩ ta đã kiên cường chiến đấu đẩy lùi 14 đợt tấn công của địch. Sau mỗi tổn thất thì lực lượng địch được bổ sung ngay, trong khi lực lượng ta mỏng, thương vong dần, thiếu súng đạn và hỏa lực yếu. Đồng chí Trần Minh Lệ nhiều lần bị thương nhưng vẫn bám trận địa chỉ huy anh em chiến đấu. Khi  biết không còn khả năng bám trụ, đồng chí tổ chức cho anh em đưa thương binh, liệt sĩ về phía sau, một mình ở lại chiến đấu cho tới khi hết đạn. Bị địch bao vây, đồng chí Trần Minh Lệ đã giật quả lựu đạn cuối cùng tiêu diệt 3 tên và anh dũng hy sinh.

     Từ ngày 3 tháng 3 về sau, đối phương giảm dần sức tấn công, ngày 5 tháng 3 đối phương cắm các tấm biển dọc đường, thông báo sẽ rút quân trên toàn tuyến biên giới, đề nghị quân đội Việt Nam không “quấy rối”. Nhưng trên thực tế quân Trung Quốc vẫn chưa rút. Chính vì vậy, đêm mùng 8 tháng 3, Đại đội 5 do Thiếu tá - Tiểu đoàn phó Nguyễn Hùng Tấn chỉ huy đã tấn công Pa Pách. Sau khi pháo bắn dọn đường thì bộ đội xung phong. Do chủ quan, nghĩ là địch đã rút nên không tổ chức trinh sát nên ta không chiếm được mục tiêu, thương vong khá nhiều. Nhưng cũng trong đêm đó địch đã bỏ Pa Pách và điểm cao 559. Không thể chiếm được cầu Khánh Khê, địch dùng mìn phá hủy rồi lui về lập tuyến phòng ngự lâm thời.

    Theo hướng phòng ngự của Tiểu đoàn 1 (khu vực bản Chúc, cánh trái của trung đoàn): Chiều 24/2, tiểu đoàn triển khai lực lượng chiến đấu. Khu vực phòng thủ của tiểu đoàn bao gồm bản Chúc, bờ bắc, bờ Nam sông Kỳ Cùng, Phai Cam và Na Pha (sở chỉ huy và hỏa lực đặt ở điểm cao Na Pha). Sau khi bị ta chặn đánh ở hướng chính là cầu Khánh Khê và điểm cao 649, đối phương đã chuyển hướng sang Nhạc Kỳ hòng thọc sâu đánh tạt sườn ta. 9 giờ sáng ngày 1/3, một tiểu đoàn địch tấn công vào trận địa ta. Sau khoảng 15 phút khai hỏa, bộ binh địch tấn công vào hướng của Đại đội 2, chiến sĩ ta đã chặn đánh 9 đợt tấn công của địch, buộc chúng phải lui về Khâu Xá để củng cố trận địa. Nhận thấy tình hình có lợi, chỉ huy trung đoàn lên kế hoạch đưa Tiểu đoàn 2 đánh vào Khâu Xá; nhưng khi sương tan, trinh sát phát hiện có lều bạt nên biết đó là sở chỉ huy cấp trung đoàn, nếu đưa một tiểu đoàn tập kích sẽ không chắc thắng, kế hoạch bị hủy bỏ. Ngày 3/3 Hỏa lực đối phương bắn xối xả vào hướng phòng ngự của Đại đội 2, sau đó bộ binh địch tấn công theo chiến thuật cũ, đi hàng dọc, hình mũi tên, đầu nhọn đuôi dài, tấn công dai dẳng, nhiều đợt nhưng đều bị ta đánh bật ra. Đối phương lợi dụng địa hình mấp mô với nhiều cây thấp, bờ đốc để áp sát tiền duyên phòng ngự của ta nhưng ta đã cảnh giác và đẩy lùi quân địch. Đại đội trưởng Hà Đăng Ninh nhận thấy địch sơ hở bên sườn đã đề nghị tiểu đoàn tăng cường lực lượng đánh vu hồi. Đại đội 2 và một trung đội tăng cường đánh vào điểm yếu bên sườn của địch sau đó bộ binh ta xung phong, hai mũi tấn công khép vòng vây, địch không kịp trở tay, đội hình hỗn loạn và bị tiêu diệt rất nhiều. Ta bắt sống được một sỹ quan, thu một bản đồ tác chiến. Nghiên cứu bản đồ và khai thác tù binh, ta nhận thấy ý đồ của địch là vượt cầu Khánh Khê, theo đường 279 tiến về Đồng Mô hòng bao vây hốt gọn Sư đoàn 3 – bộ binh, của ta. Đến ngày 4/3, địch ngừng tấn công và rút quân. Các mũi tấn công của ta truy kích địch đến đồng Đăng.

    Trưa ngày 11 tháng 3, Trung đoàn 4 đã triển khai chiếm lĩnh các điểm cao xung quanh thị trấn, chiếm pháo đài, nhà ga và các tuyến đường chính, trung đoàn được tăng cường hỏa lực mạnh để phòng ngự lâu dài dọc biên giới tỉnh Lạng Sơn.

   Đại tá Lương Hữu Phùng, nguyên Tham mưu trưởng, Sư đoàn phó Sư đoàn 377, xúc động nói: “Đó là những năm tháng tôi cùng anh em, đồng đội nếm mật nằm gai bảo vệ biên cương tổ quốc. Chúng ta đã lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh vì chính nghĩa thuộc về chúng ta. Không thể để một tấc đất quê hương rơi vào tay giặc”.


(Nguồn: http://khxhnvnghean.gov.vn/m/?x=1177/dat-va-nguoi-xu-nghe/trung-doan-4-su-doan-337-trong-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-thang-2-nam-1979 )
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2020, 02:58:23 pm »

Cầu ngầm Khánh Khê - Địa danh lịch sử không thể nào quên


Đại tá Lương Hữu Phùng     
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4


Chiến tranh chống quân bành trướng Bắc Kinh xâm lược biên giới ngày 17/2/1979 đã qua 40 năm.  Non nửa thế kỷ, những người lính hồi ấy tuổi đời mười chín, đôi mươi thì nay đã thành ông cụ 60, nếu là cán bộ như chúng tôi thì cũng đã là 70 - 90 tuổi đời.

Ngày 24/2/2019, chúng tôi trở lại thành phố Lạng Sơn dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đoàn 14 do Hội CCB Quân đoàn tổ chức. Về dự buổi lễ có gần 1.000 cán bộ chiến sĩ và tướng tá, trong đó có Thượng tướng Bế Xuân Trường - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu: “Chiến tranh biên giới đã khép lại quá khứ, ngày nay biên giới là biên giới hòa bình, hữu nghị”. Thế nhưng trong chúng tôi chẳng ai quên được, bởi hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, nằm lại vĩnh viễn ở Lạng Sơn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã đổ máu, mất đi một phần cơ thể còn đó, từng vắt kiệt mồ hôi khi khuân hàng trăm ngàn vạn tấn bê tông, nước, sỏi lên các cao điểm hàng trăm mét để xây dựng trận địa phòng thủ, bảo vệ từng tấc đất biên giới yêu quý thiêng liêng của Tổ quốc. Cơm không đủ no, áo quần rách tả tơi bởi các tấm bê tông nặng hàng trăm kg đã nghiền nát vai người lính. Với những bước chân trụ bám chắc nịch, trơn trượt, thử hỏi có gì còn? Đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng có lần lên thăm chốt đã viết bài thơ “Bát canh toàn quốc”, đã nói lên bữa ăn đạm bạc của chiến sĩ. Gian khổ là vậy nhưng nghe lời Đảng gọi, nghe bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên:

“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới

Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới

Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất tiền phương

Lửa đã cháy, máu đã đổ trên khắp dải biên cương...”


Nào có ai ngại ngùng gì.

Cầu ngầm Khánh Khê được bắc qua sông Kỳ Cùng, trên đường 1B trước khi chảy vào thành phố Lạng Sơn, cách thị trấn Đồng Đăng 3km đường bộ, nếu nói đường thẳng chỉ hơn 1km và cũng là ranh giới giữa hai huyện Văn Quan và Cao Lộc.

Đường 1B có giá trị cực kỳ chiến lược, bởi từ Đồng Đăng đi qua Văn Quan, Văn Mịch, Tu Đồn, Thái Nguyên nối Quốc lộ 3 về Hà Nội. Nếu địch chiếm được thì nguy hiểm chừng nào.

Ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc bắt đầu tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc, trong đó Đồng Đăng Lạng Sơn là hướng chủ yếu trên đường 1A từ Hữu Nghị Quan về thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố). Mặc dù Sư đoàn 2 của Quân khu 1 chặn đánh kiên cường nhưng vô cùng khó khăn, phải chịu nhiều tổn thất.

Ngày 18/2/1979, Sư đoàn 337 của Quân khu 4 vừa bàn giao cho Binh đoàn 678 sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế đang đứng chân tại Chợ Cọi - Nghi Lộc - Nghệ An và vùng phụ cận. Riêng Trung đoàn 4 do tôi làm Trung đoàn trưởng từ Đông Hà mới chuyển ra đứng chân ở  xã Minh Sơn - Đô Lương - Nghệ An. Cán bộ trong Sư đoàn đang dự hội nghị tổng kết tại Bộ Quốc phòng được lệnh về gấp đơn vị.

23h đêm ngày 18 về tới Minh Sơn - Đô Lương, nhận được lệnh khẩn trương tổ chức cho bộ đội cơ động ra biên giới chiến đấu. Từ trạng thái bình chuyển sang chiến, một khối lượng công việc khổng lồ, nào cơm gạo, súng đạn, xe pháo, trang thiết bị cho đến việc thu quân, hậu phương, v.v... chỉ diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ làm xong phương án cơ động, giao nhiệm vụ cho đơn vị và bàn giao cho đồng chí Tham mưu trưởng chỉ huy hành quân với phong cách Quang Trung bằng cả 3 phương tiện đường bộ, đường sắt, đường không.

Vừa mệt, vừa lo, lại vừa phấn chấn một lần nữa được ra chiến trường, thực tình chẳng ai có thời gian để suy nghĩ tới gia đình vợ con, chỉ lo làm sao hoàn thành được nhiệm vụ.

Hớp vội bát cháo mà nào đâu có nuốt nổi, để 5h sáng ngày 19/2 tôi phải có mặt tại Sân bay Vinh cùng cán bộ Sư đoàn bay ra trước chuẩn bị chiến trường và đón bộ đội. Ngay trong ngày 19, bộ đội cũng hành quân bộ từ Minh Sơn về ga Si lên tàu hỏa và ô tô tốc hành ra biên giới.

Đi hết địa phận tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang), bước sang đất tỉnh Lạng Sơn chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn người dân lũ lượt từ biên giới đổ về với sắc thái bơ phờ, nhếch nhác, gồng gánh, bê bưng, mang vác. Một cảnh loạn lạc bất thường. Nghe họ nói đủ chuyện, khen có, chê có, thậm chí có người còn văng tục chửi bới giận dữ vì sự tàn phá của địch, sự đánh trả của bộ đội chỗ được chỗ mất. Cũng có khi gặp cả một vài cậu lính trẻ từ phía trước về, họ mô tả sự khủng khiếp của quân Trung Quốc gây nên.

Ngược lại những hình ảnh ấy thì bà con ở Nông trường Hữu Lũng, Chi Lăng ùa ra đứng hai bên đường. Một tâm trạng tự tin chiến thắng, hò reo chào đón chúng tôi. Nào kẹo, bánh, dứa, mía quăng... tung bừa lên xe cho bộ đội, làm tràn ngập không khí đoàn quân ra trận, nức lòng người lính, dù biết sắp tới sẽ là gian khổ, hy sinh, ác liệt nhưng ai cũng muốn đốt cháy cự ly để sớm giáp mặt kẻ địch.

23h đêm ngày 23/2, trời tối như bưng, bộ đội đã đói và mệt, đành phải tạm nghỉ vài tiếng để sáng mai vượt đèo Đồng Mỏ sang đường 1B huyện Văn Quan.

5h sáng ngày 24/2, ô tô của tỉnh Hà Bắc chở chúng tôi vượt đèo sang đường 1B, tiến thẳng lên biên giới theo hướng súng nổ.

Chúng tôi hầu hết người Khu 4, nào có biết địa hình Lạng Sơn. Có lẽ quân đội Trung Quốc còn thông thạo hơn.

Đoàn xe dân sự làm nhiệm vụ quân sự chở gần 2.000 bộ đội chạy băng băng trên đường 1B, đến 10h chiếc xe đi đầu vừa chạm cầu Khánh Khê được 2 dân quân chặn lại và cho biết bên kia đã có địch. Như vậy chắc chắn trận đánh sắp tới sẽ diễn ra tại đây. Lập tức bộ đội xuống xe, cho xe quay đầu đề phòng thương vong. Ai cũng háo hức chờ lệnh nổ súng.

Chúng tôi triển khai phòng ngự tại đây, phía nam cầu Khánh Khê dọc sông Kỳ Cùng theo phương án chiến đấu chờ địch đến tiêu diệt.

Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi chịu một trận pháo binh của Trung Quốc bắn vào đội hình, nhưng chúng tôi chỉ bị hy sinh 1 đồng chí, càng nung nấu lòng căm thù, chờ thời cơ diệt địch lập công.

Việc đánh trả pháo binh địch lúc bấy giờ là chưa thể vì pháo Sư đoàn chưa lên kịp, chúng tôi là đơn vị tiên phong, sức cơ động cao, Trung đoàn còn giữ bí mật xây dựng trận địa chờ thời cơ đánh trận quyết định.

Chúng tôi chỉ có một đêm chuẩn bị, sáng ngày 25/2 trên đường 1A do Sư 3 phòng ngự địch đã chiếm được 1 phần thị xã Lạng Sơn nhưng không thể phát triển được, chúng chuyển hướng tấn công sang đường 1B hòng tiến sâu về Đồng Mỏ đánh vào phía sau Sư đoàn 3, bao vây cô lập thị xã Lạng Sơn.

9h ngày 25/2, được pháo binh chi viện, bộ binh ồ ạt tấn công vào trận địa của Trung đoàn đầu cầu Khánh Khê để vượt sông Kỳ Cùng nhưng đều bị ta đánh bại, bị thiệt hại lớn, chúng lùi lại rồi lại tấn công, quy mô ngày càng lớn,  diện càng rộng và càng ác liệt. Tiến công liên tục suốt 10 ngày đêm từ 25/2 đến 5/3, nhưng chúng không thể vượt sông Kỳ Cùng và buộc phải rút quân.

Quá trình chiến đấu ác liệt đã nổi lên những tấm gương tiêu biểu như Trung đội trưởng Trần Minh Lệ, quê Quỳnh Lưu, khi chốt giữ điểm cao 649 đã giành giật với địch trên trận địa khi đồng đội đã bị hy sinh, địch ào lên đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và khi địch xông vào đồng chí đã rút chốt lưu đạn trút hơi thở cuối cùng cùng mấy tên địch.

Trong thời gian ấy cũng xuất hiện hình ảnh mẹ Suốt ở Lạng Sơn là bà Lý Thị Lời, người bản Nhạc Kỳ, liên tục chèo đò cho bộ đội qua sông chi viện cho phía trước dưới làn đạn pháo địch. Nay đã 84 tuổi còn khỏe mạnh.

Dù cuộc chiến không cân sức nhưng chúng tôi đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bắt sống tù binh, thu vũ khí, giữ vững trận địa.

Trung Quốc rút quân, chúng tôi đuổi theo chiếm lại thị trấn Đồng Đăng đến km số không Hữu Nghị Quan, khôi phục biên giới và bước vào trận chiến  mới, đó là tiếp tục xây dựng trận địa phòng ngự bê tông cốt thép, xuyên núi làm địa đạo, sẵn sàng đón chúng sang với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”.

Trận đánh vừa qua chỉ mới trận đầu đánh thắng và tiếp tục sẽ thắng.

Cũng từ đó danh tiếng người lính xứ Nghệ được tôn vinh. Đảng, chính quyền, nhân dân Lạng Sơn đã ban tặng cho Sư đoàn 337 cái tên trìu mến là Sư đoàn “Khánh Khê”, và cũng địa danh này CCB Sư đoàn và Sư đoàn phối hợp với Đảng, chính quyền, nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng đài kỷ niệm chiến thắng ngay đầu cầu Khánh Khê, nay đã được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh. Toàn Sư đoàn chúng tôi đã hy sinh 473 cán bộ chiến sĩ, trong đó Trung đoàn 4 tổn thất nặng nề hơn, ngoài hàng trăm cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có 1 Tham mưu trưởng Trung đoàn, 1 Tiểu đoàn trưởng, 1 Đại đội trưởng.

Bởi vậy, ngày nay năm nào cũng vậy, anh em lại tổ chức gặp mặt quy  mô khác nhau, có cuộc lên đến 1.600 người, hễ có tin là đi, tay bắt mặt mừng, ôm nhau mà khóc, ôn lại kỷ niệm năm xưa.




Bằng Xếp hạng Di tích cầu ngầm Khánh Khê




Đài tưởng niệm
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2020, 03:11:39 pm »

“Mẹ Suốt” trên sông Kỳ Cùng




Bà Lý Thị Lởi kể chuyện chèo đò đưa bộ đội qua sông Kỳ Cùng tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Sư đoàn 337, ngày 28-7-2018


Đơn vị tôi là Sư đoàn 337, vốn sinh ra trên “đất lửa” miền trung, nơi có dòng sông huyền thoại in bóng Mẹ Suốt - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chiến công của Mẹ Suốt gắn liền với dòng sông Nhật Lệ đã trở thành huyền thoại của những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và mới đây, tôi gặp lại bà Lý Thị Lởi - “Mẹ Suốt” trên sông Kỳ Cùng trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm (tháng 2-1979).

Được thành lập cuối năm 1978, chưa đầy bảy tháng sau, ngày 17-2-1979, khi quân và dân ta bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, Sư đoàn 337 chúng tôi nhận lệnh của cấp trên hành quân thần tốc bằng ô-tô, tàu hỏa từ Nghệ An quê Bác lên biên giới Lạng Sơn nhận nhiệm vụ.

Tin cơ động đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc nhanh chóng đến với cán bộ, chiến sĩ trong toàn Sư đoàn. Không khí chuẩn bị lên đường ra trận hết sức khẩn trương, tinh thần của bộ đội rất cao, cho nên chỉ sau vài chục tiếng đồng hồ, toàn đơn vị đã làm xong công tác chuẩn bị để sẵn sàng cơ động. Ngay trong đêm 19-2-1979, đơn vị tôi có một bộ phận hành quân bằng ô-tô lên biên giới. Không khí náo nức sục sôi giống như ngày nào lên đường đánh đế quốc Mỹ. Trên suốt dọc đường hành quân, bộ đội ta kể cho nhau nghe về những trang sử hào hùng của cha ông, là cuộc hành quân thần tốc gần 200 năm trước (1789) của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Chiều tối 24-2-1979, những chuyến xe đầu tiên chở cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 chúng tôi đã có mặt ở vị trí tập kết tại xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) chuẩn bị vượt sông Kỳ Cùng để chiếm lĩnh điểm cao 649 triển khai đội hình chiến đấu đánh chặn quân đối phương từ hướng Đồng Đăng, theo đường 1B, qua cầu Khánh Khê...

Vượt sông bằng cách nào bây giờ? Trong lúc mưa phùn, giá rét như cắt da, cắt thịt, pháo từ bên kia biên giới lại đang bắn như mưa vào khu vực bến đò Bó Chét trên sông Kỳ Cùng. Ngay trong lúc lửa đạn ác liệt ấy, xuất hiện một bà mẹ người Tày, tay cầm cây sào đến chỗ chúng tôi và nói: “Bộ đội qua sông để mẹ chèo đò”. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, bà bảo: “Ở bến sông này, mẹ đã chèo đò từ năm 13 tuổi, bộ đội cứ yên tâm”...

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Sư đoàn 337 (28-7-2018) tổ chức tại TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), chúng tôi có mời mẹ Lý Thị Lởi, nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, tham dự. Tuy đã ở tuổi ngoài 80, nhưng bàn tay mẹ Lởi vẫn thật khỏe, thật chắc. Nắm tay mẹ, biết ngay là người chèo đò năm xưa. Tôi động viên, mẹ cười, bảo: “Thực ra, mẹ chở bộ đội qua sông cũng chỉ làm theo suy nghĩ như ngày trước, làm sao đánh được thằng Tây ra khỏi bản mình, đất nước mình thôi…!”.

Mẹ Lởi sinh ra ở thôn Bản Chúc, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng. Gia đình mẹ có 11 người, nhưng do giặc dã, bệnh tật, đã mất đi hơn một nửa. Năm 1946, sức khỏe của cụ Lý Viết Quế (thân phụ của mẹ Lởi), ngày càng giảm sút. Tuy thế, cụ vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động cách mạng, là người chở cán bộ, bộ đội ta qua sông. Cách nhà không xa là bến đò Bó Chét, nơi đây là hạ lưu của dòng Kỳ Cùng, nước chảy xiết, đôi bờ cách nhau chừng 100 m.

Nhớ lại kỷ niệm xưa, mẹ Lởi rơm rớm nước mắt kể: Vào một đêm tối trời, cuối hạ, năm 1946, cụ Quế gọi Lởi khi ấy mới 13 tuổi vào buồng, nói nhỏ: “Cha già yếu rồi, không thể chèo đò mãi. Con hãy thay cha, đưa bộ đội qua sông”. Nói rồi, cụ dặn dò con gái mật hiệu khi nhận ra “đồng chí”. Dân bản trong vùng, mỗi khi nhắc đến hai chữ “đồng chí”, thấy thật thiêng liêng, cao cả.

Ngày ấy, quân Pháp đóng ở đồn trên đỉnh đồi cao Khau Hai. Các xã Bình Trung (huyện Cao Lộc), Nhạc Kỳ (huyện Văn Lãng) và một số xã lân cận, nằm trong sự kiểm soát gắt gao của giặc. Tuổi thơ cơ cực, Lởi chứng kiến nhiều lần giặc Pháp đến cướp bóc, tàn phá nhà cửa, hoa màu. Vậy nên, khi được giao nhiệm vụ giúp bộ đội, Lởi thức trắng nhiều đêm, tự ra sông, luyện tập tay chèo. Theo lời dặn của cha, hằng ngày, Lởi dắt con trâu đi ra bờ sông Kỳ Cùng ăn cỏ. Đó vừa là tín hiệu, vừa ngụy trang che mắt quân giặc.

Chập tối ngày 15-9-1946, từ bên bờ kia sông có ba ánh đèn pin nhấp nháy. Đúng là ám hiệu bộ đội về rồi! Lởi reo khẽ rồi nhanh nhẹn đưa con đò áp mạn bờ Song Giang (thuộc huyện Văn Quan bây giờ) thì nghe có tiếng hỏi khẽ: “Đi chăn trâu hả?”. Lởi đáp: “Vâng”. Một người cao lớn đi ra từ lùm cây rậm rạp, theo sau là năm anh bộ đội, quân tư trang rất gọn gàng. Mọi người lên thuyền, im lặng. Con đò lướt nhẹ, có tiếng sóng vỗ khe khẽ. Hình như có cả tiếng đập con tim của Lởi. Đêm đó, Lởi đưa hơn chục chuyến đò với gần 60 người. Trước lúc chia tay, một anh bộ đội nắm tay Lởi động viên: “Em giỏi quá. Cố gắng mai đây đi làm cách mạng”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mẹ Lý Thị Lởi chở đò đưa cán bộ từ phía bờ Song Giang sang Nhạc Kỳ đánh Pháp. Đến tháng 2-1979, mẹ lại chèo đò ngược lại. Suốt đêm 24, rạng ngày 25-2-1979, bất chấp nguy hiểm, trong vòng vây lửa đạn của đối phương, mẹ Lởi vẫn vững tay chèo chở bộ đội Trung đoàn 4 chúng tôi qua sông Kỳ Cùng để triển khai đội hình chiến đấu. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã lên chiếm lĩnh cao điểm 649. Đại đội trưởng Quách Thanh Dương phân công cho Trung đội trưởng Trần Minh Lệ cắm chốt ở cao điểm có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng này. Trung đội trưởng Trần Minh Lệ, cùng cả đại đội đã chiến đấu cho mãi tới 17 giờ 30 phút cùng ngày thì quân đối phương phải bỏ chạy trước ý chí chiến đấu kiên cường của quân ta...

Chiến công của Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 cùng các đơn vị trong đội hình của Sư đoàn 337 đã góp phần chặn đứng và bẻ gãy mũi vu hồi chiến dịch bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch tại cầu Khánh Khê, trên đường 1B. Sư đoàn 337 vinh dự được mang tên “Đoàn Khánh Khê” - nơi in dấu hình ảnh bà mẹ người Tày Lý Thị Lởi suốt ngày đêm chèo đò đưa bộ đội qua sông Kỳ Cùng đánh giặc, được cán bộ, chiến sĩ suy tôn là “Mẹ Suốt” trên sông Kỳ Cùng. Xúc động trước tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhà thơ Tuấn Long đã viết tặng mẹ Lý Thị Lởi bốn câu thơ: Nhớ hôm nào Mẹ Suốt chở ngang sông/Trai xứ Lạng vào miền nam đánh Mỹ/Và hôm nay những chàng trai xứ Nghệ/Lại có mẹ người Tày dẫn dắt qua sông...

Bài và ảnh: NGÔ VĂN HỌC
Nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Sư đoàn 337


(Nguồn: https://nhandan.org.vn/phong-su-ky-su/me-suot-tren-song-ky-cung-349935/ )
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2020, 03:34:13 pm »

Nhớ Lạng Sơn tháng Hai năm ấy


Kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc (17/2/2019), chúng tôi đến thăm Đại tá Phạm Đới, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, hiện ở phường Hòa Thuận Tây (Hải Châu, Đà Nẵng). Những ngày tháng 2 của 40 năm trước vẫn sống động trong ký ức của người lính kỳ cựu.




Đại tá Phạm Đới với các ký ức chiến tranh


Có một thị xã hoang tàn

Cậu bé Phạm Đới theo gia đình tập kết ra Bắc khi còn nhỏ, trưởng thành rồi quay trở lại miền Nam chiến đấu, sau đó được cử đi học trường quân sự ở Nga. Ra trường đang giảng dạy ở Học viện Quốc phòng, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, vậy là ông lên đường.

Nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 5 hồi tưởng: “Để thành lập Quân đoàn 14 (Quân đoàn 5) vào ngày 24/2/1979, các cơ quan của Bộ Quốc phòng được điều động ra phía trước. Tướng Hoàng Đan làm Tư lệnh đầu tiên. Tôi làm trợ lý tác chiến. Quân đoàn đứng chân các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Trước đó các sư đoàn bộ binh đang chiến đấu bảo vệ Lạng Sơn (3, 327, 337, 338)  cùng các trung đoàn binh chủng của Quân khu 1, các đơn vị kinh tế được đặt dưới quyền chỉ huy chung của Bộ tư lệnh Quân đoàn.

Tôi nhớ mãi cảm giác đau xót quặn lòng khi nhìn cảnh đổ nát của thị xã Lạng Sơn. Đặc biệt lúc đi qua Trường Văn hóa Lạng Sơn, nơi ngày xưa đào tạo học sinh miền Nam trong đó có tôi theo học năm 1974. Mái trường bề thế thân thương với bao kỷ niệm của chúng tôi chỉ còn là một đống gạch vụn bởi bọn xâm lược. Nỗi ánh ảnh ấy theo tôi mãi về sau với sự tiếc nuối vô hạn”. Theo Đại tá Phạm Đới, ngày 2/3, quân Trung Quốc chiếm được Kỳ Lừa, Tam Thanh, Nhị Thanh và vào được khu vực phía bắc của thị xã Lạng Sơn. Các đơn vị của ta rút về phía nam sông Kỳ Cùng. Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định điều Sư đoàn 3 về làm lực lượng dự bị, riêng Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 tiếp tục bám trụ trên đường 1B đánh vào sau lưng địch, phối hợp với Sư đoàn 337 kiên quyết chốt chặn tuyến giao thông này, không cho địch vượt qua cầu Khánh Khê tiến sang thị xã và huyện Văn Quan.

Ngày 4/3, đối phương tiếp tục tung thêm lực lượng vào tiến công, chiếm được khu vực nam sông Kỳ Cùng, sân bay Mai Pha, các khu phố còn lại của thị xã Lạng Sơn và làm chủ các điểm cao phía nam thị xã. Tối 4/3, Bộ tư lệnh Quân đoàn 5 thông qua và bắt đầu triển khai phương án mở chiến dịch phản công. Ngày 5/3, giữa lúc các sư đoàn trên mặt trận đang ráo riết chuẩn bị thì trưa hôm đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam và ngày hôm sau quân Trung Quốc rút về phía bắc sông Kỳ Cùng. Bộ Quốc phòng quyết định cho dừng chiến dịch phản công.

Trên hướng chính, quân Trung Quốc rút khỏi thị xã Lạng Sơn và huyện Cao Lộc ngày 9/3 và rút khỏi Đồng Đăng, Tân Thanh tuần sau đó nhưng một số nơi phải đến ngày 20/3 mới rút về bên kia biên giới. Tuy nhiên, các đơn vị trực thuộc của Quân đoàn vẫn còn phải trấn giữ ở Lạng Sơn, Cao Bằng đến năm 1984.

Những chuyên gia Nga thủy chung

Ấn tượng của Đại tá Phạm Đới những ngày ở biên giới phía Bắc là sự sát cánh cả chục chuyên gia quân sự Xô Viết. Trong điều kiện chiến trường gian khổ và ác liệt, những người bạn Nga đã đồng hành cùng các đơn vị, cố vấn bày binh bố trận, có mặt kiểm tra trên từng cây số trận địa. Nhớ những ngày ở trận chiến, đang cùng chỉ huy Quân đoàn đi bộ dọc đường sắt ga Lạng Sơn, Đại tá Phạm Đới vội đẩy Tư lệnh Phạm Minh Tâm ngã xuống phía trước và ông ngã theo. Quay lại thấy đằng sau có mấy cán bộ ta thương vong. Đó là khi nghe tiếng đề-pa của pháo 122 mm đến hai tai cùng lúc, tức là pháo đang ở cự ly 11 km và đạn sẽ rơi cách mình 15-20 mét. Bài học của các chuyên gia Nga đã trở nên hữu ích với ông. Ông Phạm Minh Tâm (sau này là Trung tướng, Phó tổng Thanh tra Quân đội, hiện đang trọng bệnh) là người Điện Bàn, Quảng Nam, nổi tiếng là vị tướng dày dặn trận mạc và có nhiều công lao trong chiến tranh phía Bắc. Thiếu tướng Gon Đin, cố vấn, càng thêm yêu quý Tư lệnh Quân đoàn 14. Tình nghĩa thủy chung ấy còn lưu lại mãi về sau. Bà vợ ông Gon Đin làm bác sĩ chỉ qua mấy lần gặp cũng đã dành nhiều thiện cảm cho người chỉ huy Quân đoàn. Bà lặn lội từ Hà Nội vào Đà Nẵng thăm vợ con tướng Tâm khi vị chỉ huy đang ở biên giới. Ngày đó, nhà cửa sơ sài lại ẩm thấp nhưng bà vẫn ngủ cùng gia đình đến mấy ngày. Hơn 30 năm về nước và mất liên lạc, nhưng vợ chồng chuyên gia vẫn không quên người bạn Việt Nam. Cách đây không lâu, vợ chồng ông Gon Đin đã đăng tải trên mạng tấm hình chụp chung với Tư lệnh Phạm Minh Tâm với mong muốn được gặp lại người mà họ từng gắn bó.

 Ông Phạm Đới làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, rồi làm bí thư kiêm phiên dịch cho Tư lệnh Quân đoàn suốt những năm trên biên giới. Chính Thiếu tướng Gon Đin là người giới thiệu Phạm Đới đi học ở Học viện Voroshilov - Nga. Khi chấm luận án tốt nghiệp “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” có phương án tổ chức trinh sát pháo binh luồn sâu ở mặt trận phía Lạng Sơn năm nào, các giáo viên Nga không hiểu ý đồ của Phạm Đới bởi họ chưa từng đánh địch như thế. Đang loay hoay giải thích thì may quá, Đại tướng Androbov, Giám đốc Học viện đi ngang qua. Ông từng là cố vấn quân sự cho Bộ Quốc phòng và ở nước ta một thời gian nên biết rõ nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chứng kiến buổi tranh luận, ông đã giảng giải đến 15 phút cho giáo viên Nga hiểu và giúp cho anh học viên Phạm Đới được trọn 5 điểm (tối đa)…

40 năm đã trôi qua, đời binh nghiệp trải qua nhiều chiến trường, nhưng gần 5 năm ở biên giới phía Bắc là chặng đường không thể nào quên trong tâm trí Đại tá Phạm Đới. Ông cho rằng, với truyền thống yêu nước nồng nàn, bất cứ kẻ thù nào xâm lược đất nước ta đều sẽ bị thất bại thảm hại mà thôi.

HỒNG VÂN


(http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5339:nh-lng-sn-thang-hai-nm-y&catid=77:ky-niem-ve-chien-tran&Itemid=187)
Logged
longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2020, 04:47:36 am »

Nhớ quá sư đoàn 337,tôi luôn tự hào mình từng là chiến sỹ E 108 F337. Cuộc đời tôi từng trải qua biết bao khúc thăng trầm nhưng những ngày tháng sống, chiến đấu bảo vệ Đồng đăng thì luôn  trong trái tim tôi. Năm trước tôi có dịp ghé thăm lại Đồng đăng với mấy anh CCB phía nam và mấy anh Việt kiều Mỹ. Tâm nguyện của các anh là được chụp ảnh tại cửa khẩu Hữu nghị. Cách cửa khẩu khoảng 500m, một vọng gác của đồn 193 được thiết lập, mọi xe cộ đều bị dừng lại để xét giấy tờ. Chúng tôi ngoài hộ chiếu thì chẳng có 1 loại giấy tờ gì cho phép vào sát cửa khẩu bằng xe. Tôi thận trọng bước xuống trình bày với cậu lính trẻ. Sau khi biết tôi từng chiến đấu tại Đồng đăng, cậu lính trẻ kính trọng mời chúng tôi đi xe vào và qua bộ đàm cậu ta thông báo bào bên trong. Hihi, các anh tôi được thỏa mãn mong ước, chụp ảnh với nhau tại cửa khẩu Hữu nghị.
Logged
doduonghien1980
Thành viên
*
Bài viết: 30


« Trả lời #6 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2020, 02:53:16 pm »

Lâu lắm mới quay trở lại VHM.
Rất mong được hóng chặng đường chiến đấu chống bánh trướng BK của các bác các chú các anh sư đoàn 337 ở cửa ngõ Cao bằng - Lạng Sơn
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 11:31:41 am »

45 năm vang mãi bản hùng ca “Cánh cửa thép Lạng Sơn”


Sáng 23-7, tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 337 tại Lạng Sơn đã tổ chức gặp mặt-giao lưu nhân kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Sư đoàn 337 (28-7-1978 / 28-7-2023) và 35 năm Sư đoàn rời tuyến I về đóng quân tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Tham dự buổi gặp mặt có Trung tướng Vi Văn Mạn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân khu 1; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Như Hoạt, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Sư đoàn 337, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, Trưởng ban liên lạc Mặt trận Lạng Sơn Quân đoàn 14; Trung tướng Dương Công Sửu, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 1; Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y); đại diện cơ quan, ban, ngành tỉnh Lạng Sơn, Quân khu 1, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 cùng hơn 1.700 hội viên Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 337 ở 29 tỉnh, thành phố trong cả nước.



Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Như Hoạt phát biểu tại buổi gặp mặt.


Ngày 28-7-1978, Sư­ đoàn Bộ binh 337 chính thức được thành lập tại chợ Cọi, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An), sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào. Giữa lúc đang tổ chức trinh sát, chuẩn bị địa bàn trên đất bạn Lào thì ngày 17-2-1979, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Ngày 18-2-1979, Bộ Quốc phòng quyết định: “Điều động Sư­ đoàn Bộ binh 337 thuộc Quân khu 4 tăng cư­ờng cho Quân khu 1…”.

Sau nhiều ngày chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, với tư tưởng “khẩn trương, kiên cường, quyết thắng”, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 và các lực lượng khác của ta đã đánh bại nhiều đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa phòng ngự.




Các đại biểu tham dự mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Sư đoàn 337.


"Ngày 10-3-1979, sau hàng chục đợt tấn công bất thành, địch buộc rút quân về bên kia biên giới. Sư đoàn 337 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm nên một “cách cửa thép Lạng Sơn”, Đại tá Chu Lâm Hành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 337, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 337, nhấn mạnh.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 24-5-1999, theo Quyết định số 739/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trên cơ sở chuyển đổi nhiệm vụ Sư đoàn 337 đổi tên thành Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4.

Tại buổi gặp mặt, các cán bộ, hội viên Ban liên lạc CCB Sư đoàn 337 đã ôn lại quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của sư đoàn, tiếp lửa cho các thế hệ trẻ. Buổi gặp mặt cũng là dịp tri ân, tôn vinh gần 1.000 liệt sĩ của sư đoàn đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979.




Đại tá Chu Lâm Hành, Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 337 trao quà tặng các gia đình chính sách trên địa bàn xã Khánh Khê (huyện Văn Quan), xã Bình Trung, Thanh Lòa thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.


Nhân dịp này, Ban liên lạc CCB Sư đoàn 337 đã trao 45 suất quà tặng các gia đình chính sách trên địa bàn các xã Khánh Khê (huyện Văn Quan), Bình Trung, Thanh Lòa thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

* Trước đó, ngày 22-7, cán bộ, hội viên của Ban liên lạc CCB Sư đoàn 337 cùng các đại biểu đã tới dâng hương tại Đền Liệt sĩ ở bản Nà Làng, xã Thanh Lòa và Nhà bia Chiến thắng Sư đoàn 337 ở xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. 




Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 337 TP Hà Nội dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ của Sư đoàn 337.




Đoàn cựu giảng viên, đội thanh niên xung kích của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, đơn vị kết nghĩa với Sư đoàn 337 tri ân các liệt sĩ tại Nhà bia Chiến thắng Sư đoàn 337.


Tin, ảnh: THÁI KIÊN (Báo Quân đội nhân dân)
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM