Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:15:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thử lửa  (Đọc 7434 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2020, 11:20:05 am »


        7. NHỮNG CHUYẾN DẦU RA BẾN SÔNG.

        Sau khi việc vận chuyển bằng đường biển từ Vĩnh Thái vào Gia Đẳng không thực hiện được nữa, Cụm 4 thuộc Cục Hậu cần mặt trận tổ chức vận chuyển bằng đường sông từ bò Bắc sông Bến Hải vào đến gần sông Thạch Hãn. Đường vận chuyển là con sông Đào nối liền sông Bến Hải với sông Thạch Hãn. Phương tiện vận chuyển vẫn là thuyền máy. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là: đêm đêm áp tải hàng từ kho trung đoàn ra đến bến sông, nơi tập kết các thuyền máy của Cụm 4. Bến sông này nằm khoảng giữa Cửa Tùng và cầu Hiền Lương.

        Phụ trách bến sông là một sĩ quan của Cụm 4. Sau khi chúng tôi giao hàng tại bến sông, thuyền máy của Cụm 4 sẽ vận chuyển vào phía Nam nhưng chúng tôi phải cử người đi áp tải. Trong số các hàng hóa phải vận chuyển thì mặt hàng đáng ngại nhất là xăng dầu. Xăng dầu được đựng trong các thùng phuy 200 lít, sau khi được chúng tôi vận chuyển bằng ô tô sẽ được vần xuống thuyền. Khi vần các thùng phuy dầu xuống thuyền phải thật cẩn thận để các thùng phuy không va đập mạnh vào mạn thuyền. Những cú va đập này có thể làm vỡ thuyền. Ngoài ra khi vận chuyển bằng đường sông phải tăng bo hàng hoá qua một khúc sông bị cạn. Các thùng dầu lại phải lăn từ thuyền lên bờ rồi vần qua khúc sông cạn hơn l km. Hết khúc sông cạn, các thùng dầu lại được vần xuống thuyền máy. Đoạn sông cạn này được gọi là bến Lại An. Đây là đoạn bị địch thường xuyên thả pháo sáng và đánh phá nhằm ngăn chặn đường vận chuyển của ta.

        Từ cuối tháng 6 đến hết tháng 7, đêm đêm cứ 7 giờ tối, tôi lại dẫn 2 chiếc xe Zil-157 chở hàng hoá ra bến sông để giao hàng cho đội vận tải bằng thuyền máy của Cụm 4. Cùng đi áp tải với tôi còn có đồng chí Chỉnh, binh nhất, chiến sĩ bảo quản kho, người đã khởi xướng việc nhặt bom bi ở kho đạn và nhờ đó đã giải quyết được vụ kho đạn bị rải bom bi mấy tháng trước đây. Sau khi giao hàng cho đội vận tải của Cụm 4, đồng chí Chỉnh có trách nhiệm áp tải hàng để giao cho bộ phận hậu cần của trung đoàn ở phía nam sông Bến Hải. Thường xuyên lái xe chở hàng ra bến sông là đồng chí Mạnh, lái xe của đại đội vận tải. Đại đội vận tải lúc đó do đồng chí Tĩnh, Trung úy chỉ huy đóng ở Rú Lĩnh. Những chuyến chở hàng ra bến sông là những chuyến đi nguy hiểm. Giờ chúng tôi xuất phát cũng là lúc địch bắt đầu thả pháo sáng trên các con đường và dọc sông Bến Hải để quan sát các hoạt động của ta. Máy bay trinh sát của địch hoạt động suốt đêm. Pháo sáng lơ lửng trên bầu trời từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Khi phát hiện thấy ô tô chạy trên đường hoặc thuyền máy chạy trên sông, máy bay trinh sát sẽ bắn pháo khói chỉ điểm và lập tức có máy bay cường kích đến bắn phá để tiêu diệt mục tiêu.

        Chuyến đi đầu tiên do chưa có kinh nghiệm, chúng tôi đã gặp phải một sự cố. Sự thể là trên con đường từ kho trung đoàn ra bến sông, chúng tôi phải đi qua một cái dốc. Dốc không cao lắm, chỉ khoảng 10 độ. Xe chúng tôi vẫn bật đèn gầm và đi trong đêm với tốc độ chậm. Khi xe leo lên dốc, mới được một đoạn ngắn thì bỗng nhiên pháo khói của địch đã nổ trước đầu xe. Máy bay cường kích xuất hiện và ném hai quả bom. Bom không trúng đích. Đồng chí Mạnh tắt đèn gầm, tăng ga, nhanh chóng vượt qua dốc. Chạy trong đêm với tốc độ cao lại không có đèn, vừa xuống khỏi dốc, xe chúng tôi lao thắng xuống hố bom cạnh đường và dừng lại. Đầu xe chúi xuống đáy hố bom. Đuôi xe chổng lên miệng hố bom. Xe nằm trên miệng phễu hố bom, nghiêng so với phương thẳng đứng một góc gần 40 độ. Ngồi trên ca bin tôi có cảm giác xe sắp lật đến nơi. Trên xe toàn thùng dầu diezel, nếu xe lật lúc này, thì việc khắc phục sẽ rất khó khăn, chưa nói tới khả năng có thể cháy nổ. Tôi thận trọng mở cửa ca bin và bước xuống miệng hố bom, có cảm giác là nêu mình hành động mạnh, chiếc xe có thê bị mất cân bằng và bị lật ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2020, 08:01:40 pm »

       
        Khi đã bước lên miệng hố bom rồi, nhìn chiếc xe đang đứng nghiêng phía dưới, tôi cũng lấy làm lạ tại sao như thế mà chiếc xe vẫn không bị lật. Bây giờ là lúc phải nghĩ cách kéo chiếc xe lên khỏi hố bom. Vừa lúc chiếc xe thứ hai đến nơi, chúng tôi quyết định cho xe quay đầu, móc cáp để kéo xe đồng chí Mạnh lên. Điều chúng tôi lo nhất lúc này là khi xe đồng chí Mạnh chuyển động, bánh xe có thể bị lún và xe có thể bị lật. Nhưng trong hoàn cảnh này, không có nhiều thời gian suy nghĩ và cũng không có phương án nào tốt hơn. Chúng tôi quyết định cứ thế mà làm, đồng chí Mạnh lại leo lên ca bin, cài số lùi, hai xe cùng nổ máy. Chúng tôi nín thở theo dõi. Xe đồng chí Mạnh từ từ chuyển động trong tư thế nằm nghiêng một góc 40 độ và cuối cùng nó cũng bò lên khỏi hố bom. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Thoát khỏi hố bom, đêm hôm đó hai chiếc xe của chúng tôi chở dầu ra bên sông an toàn và giao cho đội vận tải thuyền máy của Cụm 4. Sau khi nhận hàng, đồng chí chỉ huy bến sông đề nghị chúng tôi nán lại đến 12 giờ đêm hãy trở về vì thời điểm đó sẽ có thuyền máy chở thương binh từ phía nam ra và chúng tôi sẽ giúp Cụm 4 chở thương binh về các đội điều trị phía sau. Để thắt chặt mối quan hệ giữa hai đơn vị, tôi đã đồng ý. Tuy nhiên đêm hôm đó, sau khi thuyền máy từ phía nam ra lại không có thương binh. Mặc dù vậy, việc chúng tôi nhận lời nán lại bến sông đến 12 giờ đêm, một địa điểm có thế bị địch phát hiện và oanh tạc bất cứ lúc nào đã làm cho đồng chí chỉ huy đội vận tải rất có cảm tình với chúng tôi.

        Sau chuyến đi này, về nhà suy nghĩ: Tại sao khi xe vừa lên dốc lại bị máy bay địch phát hiện được ngay? Và chúng tôi cũng nhanh chóng có câu trả lời, đó là: Khi lên dốc, mặc dù xe chỉ bật đèn gầm, nhưng ánh sáng sẽ chiếu từ dưới mặt đất lên không với một góc bằng độ dốc của con đường và trong đêm, máy bay sẽ dễ dàng phát hiện được. Rút kinh nghiệm, những lần sau khi chở hàng ra bến sông, đến gần dốc là chúng tôi tắt đèn gầm, vì thế chúng tôi đã đi trót lọt được một số chuyến. Nhưng trên con đường này, không chỉ có xe của chúng tôi mà còn có xe của nhiều đơn vị khác. Những chiếc xe đến đây khi lên dốc còn để đèn gầm đều bị máy bay địch phát hiện và bị đánh. Lâu dần cái dốc trở thành một trọng điểm để máy bay địch đánh phá. Tuy nhiên bom đánh trúng xe thì ít mà bom lạc vào một cái làng gần đó thì nhiều. Có lẽ vì thế mà dân làng đã đào một cái hào cắt ngang qua đường trước dốc nhằm ngăn không cho xe lên dốc đê địch phát hiện ném bom và rồi bom lại lạc vào làng gây thương vong cho họ. Cái hào đó đã để lại cho tôi thêm một kỷ niệm trong một chuyên chở dầu ra bến sông. Lần này, cũng như mọi lần, chúng tôi lên xe chở dầu ra bến, tôi và đồng chí Mạnh đi xe trước, xe sau có đồng chí Chỉnh. Khi đến gần dốc, tôi cho xe tắt đèn gầm, tôi leo lên thùng xe để quan sát máy bay. Trong quá trình vận chuyến, những thùng dầu cứ dịch chuyên từ phía sau ra phía trước. Vì thế trên thùng xe phía gần ca bin, các thùng dầu đã lèn chặt, không còn chỗ đứng. Tôi phải đứng ở phía sau thùng xe. Vì không bật đèn gầm, con đường chỉ hiện ra mờ mờ trước mắt. Xe bắt đầu lên dốc với tốc độ trung bình. Trên thùng xe, tôi căng mắt nhìn lên bầu trời và cố gắng lắng nghe tiếng động cơ máy bay. Bỗng nhiên: Ầm! Tôi nghe thấy một tiếng động mạnh. Xe như đâm phải một vật cản và đứng khựng lại. Đầu xe chúi xuống phía trước, tất cả các thùng dầu trên thùng xe, theo quán tính dồn về phía ca bin. Tôi đang đứng phía sau thùng xe bay người nằm gọn trên các thùng dầu, người đau điếng. Một phút bàng hoàng đã qua, tôi nhận ra là hai bánh trước của chiếc xe Zil-57, đã nằm gọn dưới hào. May mà tôi đứng phía sau xe, chứ đứng phía dầu thùng xe thì hoặc là bay ra phía trước xe, nếu không cũng bị các thùng dầu phía sau ép lên chết bẹp. Đêm hôm đó, trên đường ra bến chúng tôi lại có thêm việc để làm. Bốn anh em hì hục, đào đào, bới bới đến hơn 1 giờ chúng tôi mới cho được hai xe dầu vượt qua cái hào đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2020, 08:01:58 pm »


        Khoảng giữa tháng 7, tôi nhận được lệnh vận chuyển 30 tấn dầu diezel giao cho đội vận tải bằng thuyền máy của Cụm 4, Cục Hậu cần Mặt trận B5 để chuyển vào phía nam. Đợt vận chuyển dầu này nhằm phục vụ cho kế hoạch đánh địch phản kích chiếm lại thị xã Quảng Trị. Tuy nhiên, trước đó vài ngày, vào một buổi tối tại Sở chỉ huy hậu phương thông qua buổi làm việc của đồng chí Quỳnh với Sở chỉ huy cơ bản của trung đoàn ở phía nam, tôi được biết số lượng xe còn hoạt động được của Tiểu đoàn 66 ở phía nam không đầy 10 chiếc. Điều đó không có gì lạ. Ở cánh đông mặt trận Quảng Trị, xe tăng và xe thiết giáp của ta sau khi vượt qua sông Bến Hải, phần lớn được giấu trong các làng mạc thuộc hai huyện Gio Linh và Triệu Hải. Đó là các huyện đồng bằng ven biển. Dân chúng trong các làng mạc ở hai huyện này hầu hết đã đi tản cư. Một phần chạy ra Bắc, vượt sông Bến Hải sang Vĩnh Linh. Phần còn lại chạy về phía nam vào Huế. Gio Linh và Triệu Hải trở thành bãi chiến trường. Bom đạn địch giội xuống suốt ngày đêm. B-52 ném bom rải thảm, chà đi xát lại. Nơi nào còn một bụi cây thì B-52 còn tiếp tục rải thảm.

        Dưới những trận bom hủy diệt đó, xe tăng và xe thiết giáp của ta, mỗi ngày lại có một vài chiếc trúng mảnh bom, không hỏng chỗ này cũng hỏng chỗ khác. Có thể việc báo cáo tổn thất, hư hỏng của xe tăng lên cấp trên chưa kịp thời vì thế mới có kế hoạch vận chuyển 30 tấn dầu cho kế hoạch đánh địch chiếm lại thị xã Quảng Trị. Kế hoạch bổ sung dầu này không phải do yêu cầu từ sở chỉ huy ở phía nam của trung đoàn, mà từ sở chỉ huy mặt trận đưa xuống. Có thể các phái viên của Bộ Tư lệnh Thiết giáp tại mặt trận một phần chưa có báo cáo hư hỏng, tổn thất, một phần do còn tính đến các kẽ hoạch tiếp theo.

        Vận chuyển 30 tấn dầu bổ sung, trong khi tiểu đoàn chỉ còn chưa đầy 10 chiếc xe hoạt động thì là quá nhiều. Bởi vì trước đó chúng tôi đã vận chuyển rất nhiều chuyến dầu vào phía nam. Sau khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi vẫn thực hiện vận chuyển 30 tấn dầu ra bến sông. Khi giao hàng tại bến, tôi nói với đồng chí sĩ quan chỉ huy đội vận tải thuyền máy của Cụm 4 là: tôi giao cho anh 30 tấn dầu diezel. Nhưng anh chỉ vận chuyển vào phía nam 2 tấn thôi. Số còn lại, anh cứ giữ tại đây cho tôi, khi nào cần tôi sẽ cho xe đến lấy.

        Đang nhận kế hoạch phải vận chuyển 30 tấn dầu, bây giờ nghe tôi nói chỉ phải vận chuyển 2 tấn còn lại 28 tấn để tại bến, đồng chí chỉ huy đội vận tải rất phấn khởi vì họ rất ngại phải vần các thùng dầu xuống thuyền máy. Tuy nhiên do trách nhiệm, đồng chí cũng hỏi tôi là vì sao kế hoạch là 30 tấn mà anh chỉ cho vận chuyển có 2 tấn. Tôi trả lời là: anh cứ yên trí, nếu thiếu dầu các đơn vị sẽ điện ngay ra cho tôi và chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện. Thực ra lúc đó tôi nghĩ rằng với hành trình từ sông Bến Hải vào sông Thạch Hãn và mức độ hoạt động như thời gian qua, Tiểu đoàn 66 chưa thể tiêu thụ hết số dầu mà chúng tôi đã đưa vào. Giờ đây chỉ còn 10 xe hoạt động thì bổ sung cho mỗi xe 200 lít là đủ.

        Đúng như dự tính của tôi, sau khi kết thúc kế hoạch vận chuyến, mặc dù chỉ đưa vào phía nam có 2 tấn dầu diezel, đồng chí Quỳnh điện vào sở chỉ huy phía nam hỏi đã nhận đủ dầu chưa thì Sở chỉ huy phía nam trả lòi: Đã nhận đủ dầu và như vậy là chúng tôi còn 28 tấn dầu dự trữ tại bến sông của Cụm 4. Sau này khi kho xăng Khe Lương của mặt trận bị đánh cháy, số dầu này đã trở thành một phần dự trữ rất quan trọng của trung đoàn.

        Những chuyên chở dầu từ bờ Bắc sông Bến Hải rồi áp tải vào phía nam là một hành trình rất gian khổ và nguy hiểm, đặc biệt là đoạn phải vần các thùng dầu trên khúc sông cạn tại bến Lại An, dài hơn l km dưới pháo sáng và đạn bom của địch. Tuy nhiên đối với phần công việc này tôi lại không phải lo lắng lắm. Có một người bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng xung phong đi làm công việc đó. Đó là đồng chí Chỉnh. Ngoài cái lý do là nhiệm vụ, là trách nhiệm còn có một lý do nữa mà mãi sau này tôi mới biết, có một cô thanh niên xung phong, lúc nào cũng chờ đợi chàng binh nhất của Trung đoàn 202 và nơi hẹn hò của họ là bến Lại An.

        Thế mới biết là không phải chỉ có rạp chiếu phim, không phải chỉ có công viên, mà điểm hẹn của tình yêu còn có thể ở những nơi đầy hiểm nguy trong chiến tranh. Phải chăng tình yêu đã vượt trên cái chết?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2020, 09:02:11 am »


        8. NHỮNG NGƯỜI BIẾT LO XA.

        Từ cuối tháng 6 những cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ vào phía tây Vĩnh Linh ngày càng ác liệt. Nơi đây không những chỉ là nơi đóng quân, là hậu cứ của nhiều đơn vị, nó còn có con đường 15 chạy qua và nhiều kho tàng cấp chiến dịch và chiến lược của ta. Kho đạn, kho xăng dầu, kho gạo, kho quân trang, quân lương của mặt trận và của Bộ đều ở phía tây Vĩnh Linh.

        Một ngày, khoảng đầu tháng 7, máy bay địch dánh phá dữ dội ở miền tây Vĩnh Linh. Từ Vĩnh Thạch, tại Sở chỉ huy hậu phương của trung đoàn, chúng tôi nhìn thấy những cột khói bốc cao ở miền tây Vĩnh Linh. Những cột khói đen hình nấm giống như những cột khói tôi đã nhìn thấy khi địch đánh kho xăng Đức Giang ở Hà Nội vào năm 1966. Sau đó vài ngày tôi được biết địch đã đánh vào kho xăng Khe Lương của mặt trận. Nơi dự trữ phần lớn xăng dầu cho chiến dịch Quảng Trị. Như vậy, từ đây việc cung cấp xăng dầu cho các đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn. Đối với xe tăng và xe thiết giáp, nếu không có xăng dầu thì không còn có khả năng cơ động và không có khả năng cơ động thì không thể tác chiến được.

        Tình hình trên chiến trường đang diễn ra ngày càng ác liệt. Địch đang tập trung mọi lực lượng, chiếm lại thị xã Quảng Trị. Để ngăn chặn sự tiếp tế của ta từ hậu phương ra tiền tuyến, hàng ngày, máy bay B-52, máy bay phản lực cường kích, pháo 175mm trên các hạm tàu không những chỉ ném bom, bắn phá trên dọc tuyến đường Trường Sơn. Chúng còn tăng cường đánh phá vào hậu phương nhằm phá hoại các kho tàng cấp chiến lược và chiến dịch của ta. Ngoài kho xăng dầu, nhiều kho đạn, kho gạo, kho quân lương, quân trang, quân y của ta nằm ở phía Tây Vĩnh Linh cũng thường xuyên bị địch đánh phá. Công tác bảo đảm hậu cần kỹ thuật từ mặt trận xuống các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, để bảo đảm cho trung đoàn có đủ dự trữ đạn dược, xăng dầu và các mặt bảo đảm khác chuẩn bị cho cuộc chiến đấu có thể còn kéo dài và đề phòng tình huống địch mạo hiếm tấn công ra phía bắc sông Bến Hải, đồng chí Quỳnh, Chủ nhiệm Hậu cần trung đoàn, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy hậu phương chủ trương phải quản lý chặt lượng dự trữ hậu cần, kỹ thuật hiện có tại kho trung đoàn. Đặc biệt là đạn dược và xăng dầu.

        Là người trực tiếp thực hiện các kế hoạch vận chuyển xăng dầu, đạn dược và các mặt hàng bảo đảm khác cho trung đoàn, trực tiếp làm việc với Cụm 4 và các đơn vị của Cụm 4, hàng ngày, hàng đêm tôi đi qua rất nhiều địa điểm ở Vĩnh Linh, và vì vậy, tôi biết được một điều rất quan trọng là có thể thu gom một lượng xăng dầu và đạn dược hiện vẫn đang còn nằm rải rác ở các bến bãi và nhiều vị trí tạm dừng của các đơn vị trên đường hành quân. Đã có lần, trên đường đi công tác, tôi đã đi qua một đoạn đường, đoạn đường này dài khoảng 200m, chiều rộng của nó đủ để hai chiếc xe vận tải cỡ lớn tránh nhau được. Hai bên đường trồng toàn tre. Những bụi tre vươn cao, che khuất hoàn toàn con đường bên dưới. Đây đúng là một vị trí giấu xe lý tưởng. Và đã có một đơn vị cơ giới nào đã từng chọn nơi đây làm vị trí tạm dừng trên đường hành quân. Hai bên con đường còn nhiều thùng dầu diezel. Nhưng không hề thấy bóng một anh bộ đội nào. Tôi đi vào làng hỏi những người dân ở gần đó xem họ có biết số dầu diezel này là của đơn vị nào và có ai trông coi không? Thì tất cả mọi người đều nói số dầu này là của một đơn vị bộ đội, nhưng đã hành quân đi rồi, không để lại một người nào trông.

        Sau khi kho xăng Khe Lương bị địch đánh cháy, chúng tôi đi tìm lại tất cả các vị trí có dầu do các đơn vị để lại trên đường hành quân mà không có người nào trông coi và cho xe chở về kho trung đoàn. Chúng tôi đã thu gom được gần 10 tấn.

        Nhưng một địa điểm mà chúng tôi không thể bỏ qua được đó là kho trung chuyển Vĩnh Thái. Vĩnh Thái từng là nơi tập kết hàng của tất cả các đơn vị cánh Đông mặt trận Quảng Trị, trong đó có Trung đoàn 202. Chúng tôi đã từng chở ra đây đạn dược, xăng dầu và tất cả các mặt hàng quân lương, quân trang, quân y... Sau khi con đường vận chuyển bằng thuyền máy trên biển từ Vĩnh Thái vào Gia Đẳng ngừng hoạt động, một lượng lớn hàng hoá của nhiều đơn vị vẫn còn ứ đọng ở Vĩnh Thái, trong đó có cả hàng hoá của Trung đoàn 202.

        Trung tuần tháng 7, tôi và đồng chí Hoạt Tiểu đội trưởng bảo quản của kho đạn lại ra Vĩnh Thái. Địa điểm đóng quân của chúng tôi vẫn là nhà o Khuê. Nếu không có những chiếc máy bay F-4 ngày nào cũng bay lượn trên đầu, nghiêng nghiêng, ngó ngó, nếu không có tiếng gầm rú của máy bay phản lực và tiếng bom vẫn nổ vang rền từ mọi nơi vọng về, và hàng đêm không có ánh chớp liên hồi của những loạt bom B-52 thì những ngày ở Vĩnh Thái cũng không khác mấy so với những ngày nghỉ hè trên bờ biển.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2020, 09:02:36 am »


        Nhưng mục đích của chúng tôi lần này ra Vĩnh Thái là kiểm kê lại số lượng xăng dầu còn tồn đọng tại kho chứ không phải là đi nghỉ mát. Phần lớn số thùng dầu tồn đọng còn được vùi dưới các cồn cát.

        Đồng chí Hoạt trước đây là người tổ chức thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng từ kho trung đoàn ra Vĩnh Thái rồi từ Vĩnh Thái vào Gia Đẳng nên nhớ rất rõ những vị trí cất giấu xăng dầu. Có nhiều thùng dầu đã vần ra đến bãi biển nhưng chưa kịp đưa lên thuyền vẫn còn nằm lăn lóc dưới các rặng phi lao. Tuy nhiên biết đây là xăng dầu của bộ đội nên không một ai đụng đến. Sau khi kiêm kê xong số xăng dầu còn tồn đọng, tôi và đồng chí Hoạt đến gặp đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái, tôi thông báo cho đồng chí Chủ nhiệm kho là chúng tôi sẽ tổ chức thu gom số xăng dầu còn tồn đọng tại Vĩnh Thái. Đồng chí Chủ nhiệm kho nói: "Từ khi con đường vận chuyến trên biển từ Vĩnh Thái vào Gia Đẳng không hoạt động nữa, kho Vĩnh Thái trở thành kho chỉ chứa hàng quân lương, quân trang của mặt trận nhưng trong kho còn một lượng lớn xăng dầu và đạn dược mà các đơn vị trước đây vận chuyên đến vẫn còn tồn đọng, chúng tôi vẫn phải quản lý. Hôm nay được biết các anh đến thu gom xăng dầu, chúng tôi rất mừng, thế còn số đạn dược thì sao?". Tôi trả lời: "Tất cả số đạn dược còn tồn đọng ỏ đây cũng là của chúng tôi và chúng tôi cũng sẽ tổ chức thu hồi".

        Nghe đến đây, đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái rất phấn khỏi vì nếu chúng tôi thu hồi hết số đạn dược và xăng dầu ở đây thì kho Vĩnh Thái sẽ an toàn hơn nhiều, đặc biệt là trong trường hợp kho bị địch đánh phá sẽ không xảy ra cháy nổ dữ dội. Tôi đề nghị đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái cung cấp số lượng đạn dược còn tồn đọng ở kho, đồng chí đưa cho tôi một bản danh sách, trong đó có đạn pháo trên tăng và tất cả các loại đạn có trong biên chế của sư đoàn bộ binh. Tổng số đạn dược còn tại kho Vĩnh Thái khoảng 200 tấn. Như vậy số đạn này không chỉ riêng của Trung đoàn 202 mà còn của nhiều đơn vị. Giờ đây nó là của Trung đoàn 202 và chúng tôi sẽ có trách nhiệm thu hồi. Tôi giới thiệu với đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái là: đồng chí Hoạt, Binh nhất Tiểu đội trưởng sẽ trực tiếp chỉ huy công tác thu gom xăng dầu và đạn dược của trung đoàn tại kho Vĩnh Thái. Đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái vui vẻ nói: "Các anh chỉ cần đưa xe ra đây, việc bốc vác hàng lên xe chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, mong các anh hoàn thành càng sớm càng tốt".

        Như vậy là chúng tôi đã có trong tay gần 20 tấn dầu và 200 tấn đạn bổ sung cho lượng dự trữ của trung đoàn. Tôi và đồng chí Hoạt phấn khởi ra về sau mấy ngày đi kiểm kê xăng dầu và đạn dược ở Vĩnh Thái.

        Vừa về tới Sở chỉ huy hậu phương, đồng chí Quỳnh thông báo với tôi: "Ở nhà có một việc rất quan trọng: đồng chí Nên, Trợ lý đạn đi nhận 200 viên đạn pháo 100mm trên tăng từ kho mặt trận chở về tập kết ở hậu cứ của trung đoàn tại nông trường Quyết Thắng bị máy bay Mỹ đuổi theo đánh. Đồng chí Nên bị thương nhẹ, nhưng vẫn đưa được số đạn đó về xếp vào vị trí đã chuẩn bị sẵn để cấp cho số xe tăng của Bộ mới đưa vào chiến trường. Nhưng đêm hôm qua, toàn bộ số đạn pháo trên tăng nói trên đã trúng bom B-52. Bây giờ không còn viên đạn nào để cấp cho xe tăng nữa. Tôi đã lệnh cho đồng chí Nên liên hệ với Cục Hậu cần mặt trận xin cấp tiếp 200 viên đạn pháo trên tăng. Nhưng nếu làm xong thủ tục và xuất xe đi lấy được đạn về đến đây cũng phải mất hàng tuần. Thời gian thì không cho phép. Xe tăng đã được lệnh phải gấp rút hành quân vào chiến trường. Nếu không bảo đảm được đạn cho xe tăng, trách nhiệm sẽ thuộc về chúng ta. Đồng chí có cách gì giải quyết không?".

        Vì vừa mới ở Vĩnh Thái vể và trong tay đã có danh sách số lượng đạn dược ở kho Vĩnh Thái và đã hợp đồng với đồng chí Chủ nhiệm kho, tôi trả lời với đồng chí Quỳnh: "Báo cáo thủ trưởng, việc này hoàn toàn có thể giải quyết được".

        Đối với đồng chí Quỳnh, đây là một mối lo, một vấn đề gay cấn đã làm cho đồng chí không tài nào ngủ được suốt đêm hôm qua. Vì đồng chí đã theo dõi và đã biết hết sự gian nan của đồng chí Nên trong quá trình đi nhận đạn từ kho mặt trận về hậu cứ của trung đoàn. Thấy tôi trả lời một cách quá dễ dàng và chắc chắn như đinh đóng cột, đồng chí rất ngạc nhiên nhưng cũng không giấu nổi vui mừng, đồng chí hỏi lại: "Đồng chí hoàn toàn có thể giải quyết được là giải quyết như thế nào?".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2020, 06:02:40 pm »


        Tôi trình bày tóm tắt kết quả của việc đi khảo sát số xăng dầu và đạn dược còn tồn đọng ỏ kho Vĩnh Thái, trình bày việc hợp đồng với đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái về việc thu hồi đạn dược và xăng dầu về trung đoàn. Sau đó tôi đưa cho đồng chí Quỳnh bản thống kê số lượng đạn dược còn tại kho Vĩnh Thái, trong đó có một số lượng lớn đạn pháo 100mm trên tăng. Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Quỳnh rất phấn khởi, đồng chí nói: "Thế thì tốt quá rồi, đồng chí đã cứu cho tôi một bàn thua trông thấy!".

        Sau đó theo ý kiến của tôi, đồng chí cho gọi đồng chí Nên và đồng chí Hoạt lên nhận nhiệm vụ.

        Vài phút sau, đồng chí Nên lên hầm chỉ huy gặp đồng chí Quỳnh vẻ mặt bơ phờ, mệt mỏi với tâm trạng đang chuẩn bị phải đón nhận một nhiệm vụ rất khó khăn. Sau đó đồng chí Hoạt cũng có mặt. Đồng chí Quỳnh mời các đồng chí ngồi vào vị trí và nói: "Như các đồng chí đã biết, đồng chí Nên đã rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ đưa được 200 viên đạn pháo 100mm trên tăng về hậu cứ, nhưng không may số đạn này đã trúng bom B-52 của địch. Xe tăng đã có lệnh hành quân, tôi rất lo sẽ không bảo đảm được đạn cho xe tăng trước khi hành quân. Nhưng bây giờ đã có giải pháp. Đồng chí Chúng sẽ phổ biến cho đồng chí Nên công việc đi nhận đạn pháo 100mm trên tăng tại kho Vĩnh Thái".

        Sau khi đồng chí Quỳnh nói xong, tôi nói:

        - Báo cáo thủ trưởng, tôi và đồng chí Hoạt đã hợp đồng với đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái về việc thu hồi số đạn dược còn tồn đọng ỏ kho Vĩnh Thái. Ngay tôi nay đồng chí Hoạt sẽ đưa đồng chí Nên ra kho Vĩnh Thái để lấy đạn 100mm trên tăng.

        Sau đó tôi đưa cho đồng chí Nên một bức thư viết tay. Nội dung như sau:

        "Kính gửi đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái. Thực hiện hợp đồng với đồng chí, tối nay đồng chí Nên, Trung úy, Trợ lý đạn của Trung đoàn 202 và đồng chí Hoạt sẽ đến nhận 200 viên đạn pháo 100mm trên tăng. Đề nghị đồng chí tạo điều kiện giúp đỡ.

Ký tên                       
Chuẩn úy NGHIÊM SỸ CHÚNG".       

        Đọc xong bức thư, đồng chí Nên nửa tin, nửa ngờ, đồng chí hỏi tôi: "Chỉ có vài dòng thế này, chả có dấu má gì cả thì làm sao lấy được đạn. Lần vừa rồi để lấy được 200 viên đạn pháo trên tăng tôi phải có lệnh của Bộ Tham mưu và Phiếu xuất kho của Cục Hậu cần mặt trận đấy!".

        Tôi nói với đồng chí Nên: "Tôi và đồng chí Hoạt đã hợp đồng với đồng chí Chủ nhiệm kho Vĩnh Thái. Đồng chí Hoạt đã nắm được công việc rồi. Tối nay đồng chí Hoạt sẽ đưa anh ra Vĩnh Thái lấy đạn. Ta không những chỉ có đạn pháo 100mm trên tăng mà còn có nhiều loại đạn khác nữa. Ở ngoài đó người ta đang mong ta ra lấy đạn cho họ đấy".

        Đến đây đồng chí Quỳnh kết luận:

        "Thôi nhé, các đồng chí cứ thế về triển khai thực hiện".

        Ngay tối hôm đó, đồng chí Hoạt cùng đồng chí Nên đưa 2 xe Zil-157 từ kho trung đoàn ra Vĩnh Thái lấy đạn.

        Sáng hôm sau, tôi gặp đồng chí Nên tại hầm chỉ huy của sở chỉ huy hậu phương. Tôi hỏi:

        - Tối qua đồng chí Hoạt đưa anh ra Vĩnh Thái công việc thế nào rồi?

        Đồng chí Nên tươi tỉnh trả lời: "Xong rồi, chúng tôi đã đưa đạn về kho trung đoàn, mà tại sao chỉ có cái giấy viết tay của ông mà người ta cũng xuất đạn cho mình nhỉ, lại còn cho cả người bốc vác đạn lên xe nữa chứ!".

        Tôi trả lời: "Việc đó rất đơn giản, ở đó còn khoảng 200 tấn đạn và người ta đang cần ta đến lấy. Thôi, anh đi báo cáo tình hình cho thủ trưởng Quỳnh biết để thủ trưởng yên tâm".

        Việc giải quyết đạn cho xe tăng như vậy là đã xong. Đồng chí Hoạt tiếp tục thực hiện việc thu gom xăng dầu và đạn dược tại kho Vĩnh Thái. Tôi sẽ đến Cụm 4 để nắm lại tình hình về số lượng 28 tấn dầu còn gửi tại bến sông.

        Bây giờ chỉ huy Cụm 4 không phải là chú Lệ nữa. Chú Lệ đã chuyển công tác khác, tôi không biết chú chuyển về đâu, vì trước khi đi chú cũng không kịp cho tôi biết. Trên chiến trường việc đó là bình thường. Người thay thế chú Lệ là đồng chí Tâm, Thiếu tá, người cao dong dỏng, chưa đầy 40 tuổi. Tuy nhiên, do đã có thời gian dài làm việc với Cụm 4, mối quan hệ giữa Cụm 4 đối với tôi là rất thân tình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2020, 06:03:13 pm »


        Đồng chí Tâm nhiều hơn tôi khoảng 10 tuổi, lại là Thiếu tá, Cụm trưởng một cụm hậu cần của mặt trận, tôi chỉ là một sĩ quan mới ra trường, cấp bậc chỉ có chuẩn úy. Nhưng trong quan hệ công tác, đồng chí Tâm và các sĩ quan ở Cụm 4 đều gọi tôi là anh Chúng và xưng tôi, chứ không cậu cậu, tớ tớ. Mặc dù họ đều lớn tuổi hơn tôi và cấp bậc cao hơn tôi. Trong mắt họ, tôi là người đại diện chính thức của Ban Hậu cần Trung đoàn 202. Trong quan hệ với Cụm 4 là cơ quan cấp trên, khi có những vấn đề liên quan đến trung đoàn, tôi là người thay mặt cho Chủ nhiệm Hậu cần trung đoàn phát biểu ý kiến chính thức của trung đoàn với Cụm 4. Thời gian đầu, khi xuất hiện ở Cụm 4, tôi chỉ mới là một sĩ quan liên lạc. Nhưng với sự giúp đỡ của chú Lệ, với ý thức trách nhiệm của một sĩ quan mới ra trường, tôi ngày càng được đồng chí Quỳnh tin tưởng. Ban đầu, mỗi lần trước khi tôi lên Cụm 4 làm việc, đồng chí Quỳnh đều nhắc nhở và kiểm tra xem tôi có ghi chép đầy đủ ý kiến của đồng chí để truyền đạt cho Cụm 4 hay không, về sau thấy mọi việc đều trôi chảy, đồng chí thôi không kiểm tra nữa.

        Nhiều cuộc họp quan trọng ở Cụm 4, triệu tập Chủ nhiệm Hậu cần các đơn vị đến họp, đồng chí Quỳnh cũng cử tôi đi. Tôi thắc mắc: "Tôi là một sĩ quan mới ra trường, cấp bậc thấp, không thể thay mặt thủ trưởng trong những cuộc họp như thế được". Đồng chí Quỳnh nói với tôi rằng: "Tôi đã công bố đồng chí là trợ lý kế hoạch của Ban Hậu cần trung đoàn. Với chức danh đó, đồng chí hoàn toàn có thể thay mặt tôi dự các cuộc họp và khi cần thiết đồng chí phải thay tôi ra quyết định và xử lý các tình huống. Đồng chí nên nhớ rằng đây là chiến trường và trên chiến trường thì người chỉ huy cũng có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Còn đồng chí, đồng chí đã có mặt trên chiến trường bốn tháng rồi, đồng chí không còn là sĩ quan mới ra trường nữa!". Để cho tôi nhận thức được vai trò và trách nhiệm của trợ lý kế hoạch, đồng chí Quỳnh thông báo cho Đại đội vận tải, ngoài đồng chí Quỳnh ra, tôi là người có quyền trực tiếp ra lệnh cho đại đội vận tải. Mặc dù chỉ huy đại đội vận tải là đồng chí Tĩnh cấp bậc trung úy, còn tôi mới chỉ là chuẩn úy. Tuy vậy từ đó về sau, mỗi khi tôi ra lệnh cho đại đội vận tải dù là trực tiếp hay trên điện thoại đồng chí Tĩnh đều chấp hành nhanh chóng và chính xác. Trở lại với công việc ở Cụm 4, lần này khi thấy tôi xuất hiện, đồng chí Tâm, Cụm trưởng bắt tay tôi niềm nở:

        - Chào anh Chúng, chúng tôi đang rất mong anh thì anh xuất hiện, thiêng thật!

        Tôi nói:

        - Làm sao mà các anh lại mong tôi được. Tôi đến thì chỉ có việc đề nghị và xin xỏ các anh chứ có việc gì khác đâu.

        - Lần này thì khác đấy, bây giờ có việc mà chúng tôi phải xin anh đây.

        Thấy anh Tâm nói vậy, tôi hỏi lại:

        - Làm sao lại có việc ngược đời là cấp trên lại đi xin cấp dưới.

        - Có đấy! - Anh Tâm đáp và nói tiếp: "Sự thể là thế này, như anh đã biết, anh hiện vẫn gửi ở bến sông của chúng tôi 28 tấn dầu diezel. Số dầu đó chúng tôi vẫn giữ gìn cẩn thận và còn nguyên vẹn. Tôi biết đối với đơn vị xe tăng dầu là rất quan trọng. Không có dầu thì không thể chiến đấu được. Nhưng hiện nay chúng tôi cũng rất cần dầu để vận chuyển hàng hóa cho các đơn vị bằng thuyền máy. Nếu một ngày ngừng vận chuyển, các đơn vị ở phía nam sông Bến Hải sẽ không có đạn dược và tất cả mọi thứ để đánh trả quân địch đang phản kích. Từ sau khi kho xăng Khe Lương bị địch đánh cháy, việc cung cấp dầu cho vận tải rất khó khăn. Vì vậy, tôi đề nghị anh báo cáo với chỉ huy trung đoàn để lại cho chúng tôi một vài tấn dầu, phục vụ cho công tác vận chuyển".

        Lời đề nghị của đồng chí Tâm đối với tôi là lời đề nghị không thể từ chối được. Cụm 4 vừa là cấp trên, vừa là đơn vị bảo đảm trực tiếp cho trung đoàn suốt trong chiến dịch. Sau khi đồng chí Tâm dứt lời tôi nói luôn:

        "Nhiệm vụ của Cụm 4 là rất quan trọng, liên quan tới sự sống còn của tất cả các đơn vị cánh Đông mặt trận Quảng Trị. Vì vậy theo ý kiến của anh, tôi đồng ý để lại cho Cụm 4 mười tấn dầu diezel, số còn lại đề nghị anh tiếp tục cất giữ cho chúng tôi. Khi nào cần, tôi sẽ báo cáo các anh".

        Thấy tôi trả lời nhanh quá. Anh Tâm hỏi lại:

        - Thế anh có phải báo cáo về trung đoàn không?

        Tôi trả lòi: Không sao anh ạ. Chúng ta cứ thỏa thuận như thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2020, 11:19:22 am »


        Tôi không muốn tiết lộ với anh Tâm là số dầu đó thực tế đã không còn trong sổ sách nữa. Đồng chí Tâm hứa sẽ cất giữ số dầu còn lại của trung đoàn là 18 tấn. Khi nào trung đoàn yêu cầu, xe của Cụm 4 sẽ chở về tận nơi. Như vậy, đã có chuyện ngược đời là cấp trên xin cấp dưới và cấp dưới giải quyết.

        Làm việc xong với Cụm 4, tôi trở về Sở chỉ huy hậu phương của trung đoàn. Trong hầm, đồng chí Quỳnh đang ngồi tiếp một người khách lạ. cả hai người đều im lặng, đồng chí Quỳnh ngồi hút thuốc vẻ mặt đăm chiêu, hình như đang có một việc gì đó. Thấy tôi bước vào hầm đồng chí Quỳnh nói:

        "Đồng chí Chúng về đây rồi, may quá. Có việc thế này: Đồng chí này là Đại úy hải quân, Thuyền trưởng tàu chở hàng tuyến Bắc - Nam. Mọi lần vẫn cập bến gần đây nhận dầu. Bây giờ kho xăng Khe Lương bị đánh cháy. Không có dầu cấp, mặt trận viết giấy giới thiệu và đề nghị trung đoàn nghiên cứu nếu còn dự trữ thì cấp cho tàu hải quân 9 tấn diezel. Đồng chí xem ta có thể giải quyết được không?

        Tôi báo cáo sơ bộ với đồng chí Quỳnh về số lượng dầu thu gom ở các bến bãi, ở Vĩnh Thái và số lượng còn tại Cụm 4. Nghe xong đồng chí Quỳnh kết luận:

        "Các đồng chí hải quân đã có giấy giới thiệu của mặt trận. Công việc của các đồng chí chúng tôi không được biết, nhưng chúng ta đều đang thực hiện những nhiệm vụ quan trọng vì sự nghiệp chung. Bây giờ đồng chí Chúng cho gọi đồng chí Tý thủ kho xăng dầu lên viết phiếu cấp cho hải quân 9 tấn dầu diezel. Tôi sẽ ký".

        Cầm được tờ phiếu xuất 9 tấn dầu diezel, đồng chí Đại úy hải quân rất phấn khởi. Đồng chí cảm ơn Trung đoàn 202 đã tạo điều kiện cho đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không có dầu, đồng chí Đại úy hải quân và con tàu sẽ có lý do để dừng cuộc hành trình đầy nguy hiểm của mình. Nhưng các đồng chí đã không dừng lại, các đồng chí phải tìm mọi cách để có dầu, để tiếp tục cuộc hành trình gian khổ và nguy hiểm vì đó là nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả mà đất nước đã đặt lên vai các đồng chí.

        Còn chúng tôi, những người đã có công thu gom xăng dầu để hôm nay có thể yên tâm giải quyết cho đồng chí Đại úy Hải quân 9 tấn dầu diezel mà không phải lo đến lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Nhưng chúng tôi rất cảm phục các đồng chí. Những người trong khó khăn, gian khổ không từ bỏ nhiệm vụ của mình, một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm.

        Trước khi bước ra khỏi hầm chỉ huy, đồng chí bắt tay và cảm ơn đồng chí Quỳnh. Sau đó đồng chí đến bắt tay và cảm ơn tôi. Đồng chí nhìn vào mắt tôi và nói: "Rất cảm ơn thủ trưởng!".

        Đồng chí Đại úy hải quân không biết rằng người đồng chí gọi là thủ trưởng chỉ là chuẩn úy và là một học viên của Trường Đại học Kỹ thuật quân sự mới ra trường!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2020, 11:19:57 am »


       
TRỞ LẠI NHÀ TRƯỜNG

        Tháng 8 năm 1972, các đơn vị của Trung đoàn 202 được lệnh rút khỏi bờ Nam sông Bến Hải và ra phía bắc. Tôi gặp lại các đồng chí của Học viện Kỹ thuật quân sự đã đi vào phía nam. Không thể biết họ đã trải qua những gì, nhưng tôi nghĩ rằng họ cũng phải trải qua những thử thách gian lao còn hơn cả tôi. Người tôi gặp và rất có cảm tình là anh Phạm Văn Trợ. Anh Phạm Văn Trợ bấy giờ là Trung úy, kỹ sư động cơ ô tô. Tôi rủ anh Trợ đi với tôi ra Vĩnh Thái, để kiểm tra tình hình thu hồi xăng dầu và đạn dược mà người phụ trách là đồng chí Hoạt, Tiểu đội trưởng bảo quản kho. Tôi đưa đồng chí Trợ ra Vĩnh Thái và vào nhà o Khuê chơi, đi tắm biển và hàng ngày ăn cơm với canh cá do o Khuê nấu.

        Từ nơi bom đạn ác liệt, tự nhiên lại đến được một bãi biển, được sông trong một khung cảnh như giữa thời bình, đồng chí Trợ nói với tôi: Tôi không thể hình dung được rằng, trong cuộc chiến tranh ác liệt thế này mà ông vẫn tìm ra một vùng bình yên như thế.

        Sau khi đi kiểm tra việc thu hồi xăng dầu và đạn dược ở kho Vĩnh Thái, tôi lại trên đường trở về trung đoàn. Tôi vào đến đại đội vận tải ở Rú Lĩnh và gặp đồng chí Tỉnh, Đại đội trưởng Đại đội vận tải. Đồng chí Tỉnh nói với tôi: Trong tuần qua chúng tôi phải nhận lệnh lên miền Tây Vĩnh Linh để nhận gạo, số lượng là 80 tấn. Nhưng kho đang bị B-52 đánh phá. Không một chiếc xe nào có thể vào được kho. Đêm nay đại đội phải tiếp tục cho 2 xe lên đường. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không vào được vị trí quy định. Anh em trong Đại đội vận tải nghĩ rằng có lẽ anh là người tổ chức kế hoạch này. Tôi không hề biết kế hoạch đi lấy 80 tấn gạo ở miền Tây Vĩnh Linh. Tôi nói với đồng chí Tỉnh: "Đêm nay đồng chí không cho xe đi lấy gạo nữa, tôi sẽ gọi điện về Sở chỉ huy hậu phương trung đoàn". Tôi cầm máy gọi về sở chỉ huy hậu phương trung đoàn, đầu dây bên kia là đồng chí Quỳnh. Tôi đề nghị với đồng chí Quỳnh không thực hiện kế hoạch đi lấy 80 tấn gạo ở miền Tây Vĩnh Linh nữa. Đồng chí Quỳnh hỏi tôi: "Anh có cách giải quyết gì không?". Tôi trả lời: "Ngày mai tôi sẽ tới Cụm 4 và sẽ giải quyết vấn đề này". Sau khi nghe tôi nói, đồng chí Quỳnh lệnh cho Đại đội vận tải không xuất xe đi nữa. Đồng chí Tỉnh lúc đó mới biết rằng tôi không phải là người vạch ra kế hoạch đó. Đêm hôm đó, tôi về tới sở chỉ huy hậu phương của trung đoàn. Và ngay sáng hôm sau, tôi cùng đồng chí Hậu, Phó Chủ nhiệm Hậu cần đi tới Cụm 4. Khi đến Cụm 4, đơn vị đang tổ chức ăn tươi. Ăn tươi, tức là một bữa ăn trên mức bình thường vào thời bấy giờ. Khi thấy tôi bước vào, anh Tâm, Chỉ huy trưởng Cụm 4 và mọi người đều dừng bữa ăn và hỏi tôi: "Hôm nay anh Chúng đến có việc gì đấy? Nhưng ta sẽ nói sau, bây giờ mời anh vào bàn và chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện". Tôi và đồng chí Hậu, Phó Chủ nhiệm Hậu cần ngồi vào bàn ăn. Sau đó tôi nói: "Vừa rồi chúng tôi nhận được phiếu xuất 80 tấn gạo lấy ở miền Tây Vĩnh Linh. Nhưng đã 1 tuần xe đi không thể nào tiếp cận được kho. Nay đến để đề nghị các anh có biện pháp gì giải quyết cho trung đoàn". Sau khi nghe tôi nói, anh Tâm, Chỉ huy trưởng Cụm 4 nói rằng: "Theo quy định của cấp trên, tất cả các đơn vị đóng quân ở phía bắc sông Bến Hải đều phải lấy gạo ở các kho miền Tây Vĩnh Linh, dù kho đang bị đánh phá. Vừa rồi một đồng chí trợ lý quân nhu, đem giấy giới thiệu của Đoàn 202 đến nhận gạo. Chúng tôi nghĩ rằng đây là đoàn An dưỡng 202 ở Quảng Bình vì vậy chúng tôi vẫn viết phiếu xuất lên lấy gạo ở miền Tây Vĩnh Linh. Hôm nay anh đến chúng tôi mới biết. Đối với Trung đoàn 202 các anh là đơn vị chiến đấu ở bờ Nam sông Bến Hải vì vậy chúng tôi sẽ ưu tiên giải quyết cho trung đoàn. Anh đưa lại phiếu xuất kho và chúng tôi sẽ làm lại cho anh". Tôi trả lại phiếu xuất kho và sau khi ăn cơm xong chúng tôi có một phiếu xuất kho khác. Trung đoàn sẽ đi lấy gạo ở dốc 6 độ, chỉ cách trung đoàn chưa đầy 10km. Cụm 4 giao cả số lượng gạo và nhà kho cho chúng tôi. Kết thúc bữa ăn ra về, cầm trong tay phiếu xuất kho 80 tấn gạo và toàn bộ nhà kho, đồng chí Hậu nói với tôi rằng: Ông là một "nhà ngoại giao". Tôi biết đồng chí Hậu nói động viên, nhưng với tất cả những việc tôi đã làm với Cụm 4 suốt từ đầu chiến dịch, tôi đã trở thành một người mà Cụm 4 đặt lòng tin và tôi nghĩ rằng lòng tin là thứ quyết định chứ không phải là ngoại giao.

        Tháng 9 năm 1972 chúng tôi nhận được quyết định trở về nhà trường. Đồng chí Hải, Chính ủy Trung đoàn và đồng chí Quỳnh Chủ nhiệm Hậu cần gọi tôi lên phổ biến quyết định của cấp trên. Tuy nhiên theo ý kiến của trung đoàn, trung đoàn muốn giữ tôi lại vì tôi đã biết rất nhiều việc của trung đoàn, bây giờ bàn giao lại sẽ mất rất nhiều thời gian. Đồng chí Hải gợi ý: Trung đoàn đang rất cần cán bộ, nếu tôi đồng ý ở lại với trung đoàn, tôi sẽ được bố trí làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 44 vì cả ban chỉ huy tiểu đoàn đã hy sinh trong một trận bom B-52. Tôi không hề được đào tạo để chỉ huy tiểu đoàn xe tăng trong chiến đấu. Vì vậy tôi trả lòi, tôi làm sao có thể đảm nhiệm được chức vụ này. Đồng chí Quỳnh nói: "Anh không học nhưng anh sẽ làm được". Tôi nói quân hàm tôi chỉ có chuẩn úy, làm sao tôi làm được Tiểu đoàn trưởng xe tăng. Đồng chí Quỳnh nói: "Anh cứ nhận đi rồi anh sẽ có quân hàm". Tôi đồng ý ở lại với trung đoàn nhận bất cứ nhiệm vụ gì vì tôi đã gắn bó với trung đoàn trong những ngày rất gian khổ. Chỉ có một điều tôi vẫn muốn trở về trường để tiếp tục sự nghiệp khoa học của mình. Nhưng đến tháng 9 quyết định từ Bộ Quốc phòng vẫn đưa xuống, chúng tôi phải rời khỏi trung đoàn và trở về trường. Không một ai được ở lại. Tôi được đồng chí Hải và đồng chí Quỳnh gọi lên sở chỉ huy và thông báo quyết định phải trở về trường. Tôi sẽ phải chia tay trung đoàn, nơi tôi đã gắn bó trong những ngày rất khó khăn. Đồng chí Quỳnh nói với tôi: "Thôi cuộc đời là như thế... Tôi muốn đồng chí ở lại trung đoàn, nhưng cấp trên đã quyết định đồng chí phải trở lại trường. Chúng ta phải chia tay nhau. Nhưng chúng ta sẽ còn giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp về nhau". Ra khỏi hầm chỉ huy tôi gặp đồng chí Hoạt, đồng chí Hoạt nói với tôi rằng: "Thôi anh hãy về trường đi, chúng em rất cần có anh. Mỗi khi có việc gì anh đều suy nghĩ, đều ra các mệnh lệnh để chúng em hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng cho đến bây giờ em vẫn không hiểu được vì sao anh vẫn còn sống". Sau khi biết rằng không thể giữ tôi ở lại trung đoàn, đồng chí Quỳnh đề nghị tôi làm những việc mà tôi phải giải quyết. Trước mắt là việc đưa 18 tấn dầu về trung đoàn. Tôi gọi điện cho đồng chí Tâm, Cụm trưởng Cụm 4 đề nghị đưa 18 tấn dầu về trung đoàn. Vị trí là kho xăng dầu của trung đoàn. Đồng chí Tâm đồng ý ngay. Để bảo đảm an toàn, đồng chí Quỳnh điều Đại đội công binh lên đào hào để cất chứa 18 tấn dầu. Ngay tối hôm đó, Cụm 4 cho xe chở về cho trung đoàn 18 tấn dầu. Đồng chí Quỳnh còn muốn tôi đưa về trung đoàn một vài téc xăng 2.500 lít. Nhưng tôi nói điều đó là không thể thực hiện được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2020, 05:09:54 pm »


        Chúng tôi chia tay trung đoàn và lên đường trở về Học viện Kỹ thuật quân sự. Tôi được thông báo tôi có quyết định được nhận Bằng khen của Trung đoàn 202. Chúng tôi rời khỏi trung đoàn và hành quân ra Bắc. Chúng tôi hành quân bộ và đi qua các trạm giao liên. Chúng tôi đến Cự Nẫm, Lệ Thủy và Đồng Hới. Đồng Hới lúc đó đã bị bom Mỹ san bằng, chỉ còn một cái nhà thờ. Những người dân vẫn ra đồng làm ruộng. Chúng tôi đến một nơi gọi là Phú Lộc. Làng Phú Lộc nằm cách Ba Dốc khoảng 2km. Ba Dốc là trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ. Ba Dốc chỉ đơn thuần là ba cái dốc trên đường quốc lộ số 1. Nhưng để ngăn xe vận tải của ta, đêm nào Mỹ cũng ném bom vào Ba Dốc. Bom Mỹ ném vào Ba Dốc lại lạc vào làng Phú Lộc. Gần 2 phần 3 làng Phú Lộc đã bị hủy diệt. Dân làng không dám ở trên nhà. Họ dỡ nhà làm hầm. Những ngôi nhà cột gỗ lim đều bị dỡ bỏ để làm hầm. Những căn hầm thật kiên cố. Khi đến gần Phú Lộc, tôi nói với đồng chí Đình, trưởng đoàn của Học viện Kỹ thuật quân sự rằng ta không nên vào Phú Lộc, máy bay Mỹ thường xuyên ném bom và 2 phần 3 làng đã bị hủy diệt. Ta phải đi vào một nơi cách xa đường số 1 và trú quân. Đồng chí Đình nói với tôi: Dân sống được thì ta cũng sống được. Tôi không nói gì nữa. Chúng tôi đến làng Phú Lộc. Dân làng tiếp đón chúng tôi rất trọng thể. Vì vào thòi buổi chiến tranh ác liệt như thế lại có một đơn vị bộ đội vào làng và họ có cảm giác được chia sẻ những gian khổ nguy hiểm trong những ngày chiến tranh. Sau khi ăn chiều xong, các gia đình xuống các hầm để ngủ. Tôi và đồng chí Trợ, được bố trí ngủ trên một cái bệ thờ cao khoảng l,5m. Nửa đêm khi đang ngủ, đồng chí Trợ đánh thức tôi dậy và nói rằng: "Máy bay B-52 đang bay ra phía Bắc". Tôi nghe tiếng máy bay B-52 đang bay trên đầu. Nhưng bỗng dưng tôi nghe tiếng nổ ngay sau ánh chớp. Như vậy bom đã ở rất gần. Từ trên bệ thờ, tôi lăn xuống đất. Khi tôi lăn xuống đất, tôi cũng thấy đồng chí Trợ lăn xuống cạnh tôi. Từ trên cao gần l,5m mà lăn xuống đất là một việc khá nguy hiểm. Nhưng đó là phản xạ bình thường trong hoàn cảnh đó. Sau 3 loạt bom B-52, từ trong hầm, cả gia đình thức dậy và gọi chúng tôi: Các anh bộ đội ơi, các anh có còn sống không? Tôi trả lòi: Chúng tôi vẫn còn sống!

        Cả gia đình đưa chúng tôi xuống hầm ngủ. Trong nhà có cả bà già, con gái và trẻ thơ, nhưng có lẽ không có gì hơn sự sống, họ đưa chúng tôi xuống hầm cho đến ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

        Đến Hà Tĩnh, đó là quê hương tôi, nhưng tôi lại không thuộc địa hình, vì tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, tập kết ra miền Bắc, tôi lại học ở trường học sinh miền Nam, không mấy khi được sông ở quê. Tôi đi trên con đường đê, tôi mường tượng hầu như có lần về thăm quê, tôi đã đi qua nơi này nhưng tôi không thể nhớ. Cuối cùng chúng tôi đến trạm giao liên xã Đức Trường, huyện Đức Thọ. Chúng tôi đã ở khá xa chiến trường, nhưng nơi đây cũng không hề bình yên. Trên trời vẫn một chiếc máy bay F-4 bay lượn, nhòm ngó. Hai chiếc máy bay cường kích đang ném bom vào một mục tiêu nào đó rất gần trạm giao liên. Có lần đang bay, nó làm động tác bổ nhào làm chúng tôi có cảm giác là nó sắp ném bom vào trạm giao liên. Đây là hậu phương nhưng trong cuộc chiến tranh này, hậu phương và chiến trường đều ác liệt cả. Qua một đêm ngủ, tôi nhận ra rằng đây là một trọng điểm mà bất cứ lúc nào máy bay Mỹ cũng có thể tập kích. Bên trong Đức Trường là một trạm giao liên, dưới sông là bến đò giao liên, cạnh đó là một cây cầu đang làm dở, tôi nói với đồng chí Đình. Sau khi ăn sáng xong chúng ta phải rời khỏi đây.

        Anh Đình nói với tôi: Hôm nay ông làm sao thế?

        Tôi nói không làm sao cả, hôm nay ăn sớm xong các anh phải ròi khỏi nơi đây. Bằng thái độ rất gay gắt, tôi đã làm cho các anh phải rời Đức Trường. Ra khỏi làng khoảng 200m. Máy bay Mỹ đến và bất ngờ ném bom. Đó là 2 chiếc máy bay rất lớn. Mỗi lần chúng có thể ném 12 quả bom. Máy bay bổ nhào xuống làng.

        Toàn bộ đoàn cán bộ kỹ thuật, nằm sát xuống mặt ruộng. Chỉ sau 4 lượt bổ nhào, mỗi chiếc ném 24 quả bom: Khói bụi trong làng bôc lên nghi ngút. Chúng tôi còn nhìn thấy những cột nước từ dưới sông bốc lên. Kết thúc đợt ném bom, chúng tôi tiếp tục hành quân. Đến Nam Đàn chúng tôi nhận được tin cuộc ném bom vừa rồi của máy bay Mỹ vào Đức Trường đã làm 110 người chết. Đồng chí Đình nói với tôi tại sao ông lại biết việc này, có lẽ ông phải là gián điệp Mỹ. Tôi không là gián điệp, nhưng không hiểu vì sao tôi có cảm giác rằng Đức Trường sẽ bị đánh. Chúng tôi đã thoát khỏi trận bom nhò một thứ gì đó người ta gọi là linh cảm.

        Chặng hành trình của chúng tôi ra Bắc không có gì khó khăn, chúng tôi đi qua Thanh Hóa rồi đến ga Nam Định. Chúng tôi lên tàu và lại gặp một trận ném bom nữa của địch nhưng chúng tôi vẫn bình an. Về đến ga Hà Nội, địa chỉ đầu tiên mà tôi đến là nhà dì Minh. Dì Minh là em ruột mẹ tôi, nhà dì ở số 77A đường Trần Hưng Đạo. Đến nhà dì Minh, tôi đeo một khẩu súng AR15 và một khẩu súng ngắn. Khẩu AR15 là tặng phẩm của Trung đoàn 202 gửi cho nhà trường làm kỷ niệm. Tôi được dì và các em tiếp đón rất nồng nhiệt vì là một người lính mới từ chiến trường Quảng Trị trở về. Tôi đã ở giữa lòng Hà Nội, lại được đi trên những đường phố thân thuộc của Thủ đô, nhưng Hà Nội cũng đã không còn bình yên nữa. Tháng 12 năm 1972, trời đã bắt đầu lạnh, những đường phố thưa vắng bóng người vì rất nhiều người đã được lệnh sơ tán. Mỹ đã quay lại đánh phá miền Bắc rất ác liệt, cảng Hải Phòng đã bị phong tỏa. Nhiều thành phố lớn, nhiều nhà ga, bến cảng, cầu đường sắt, đường bộ và cả những khu dân cư trên khắp miền Bắc bị đánh phá. Hà Nội vẫn đang sẵn sàng chuẩn bị cho những trận chiến đấu một mất một còn với không quân Mỹ. Tôi được ở Hà Nội một tuần và sau đó sẽ lên đường trở lại trường. Tròn một năm đã trôi qua, một cuộc hành trình khá dài, gian khổ đã kết thúc. Đó là thử thách đầu tiên của một sĩ quan mới ra trường.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM