Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:14:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường hầm Ôđetxa  (Đọc 15041 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2020, 11:17:05 am »


        Pêchya nhìn cô bằng đòi mắt đăm đăm buồn.

        — Tên cậu là gì?

        — Pêchya, — chú rên khẽ, chiếc áo vét phủ gần kín mặt.

        — Mẹ ơi, cậu ấy tên là Pêchya ! — cô gái kêu lên..

        — Valentin, — bà mẹ nghiêm nghị nói — con cứ léo nhéo quầy nó mãi. Để cho nó nằm yên, tới rồi đây.

        Và buông dầm ra một lát, bà đưa hai bàn tay mệt mỏi vấn lại tóc.

        — Trời ơi, trời ơi, — bà thở dài lầm bầm — Trời đất sao mà lắm chuyện...

        Valentin xắn váy, bước hai bàn chân đất quá ghế và ngồi xuống bên mẹ :

        — Mẹ đưa con cái dầm ! — cô nói bằng giọng hờn dỗi. Cô sửa lại hai bím tóc cuộn sau gáy và bắt chước mẹ, thở dài nói tiếp — Đau khổ thật!... Ngủ đi em, sắp đến nhà rồi!

        Chắc Pêchya không nhớ là một ngọn sóng dài đã dâng thuyên lên và nhẹ nhàng đặt chú lên bãi cát như thế nào. Sau này, không bao giờ chú có thể hiểu được tại sao mình bỗng nằm dài trên một tấm phản thường thấy ở nông thôn, sau một cái bếp lò, trong một căn lều thuyền chài.

        Khi được nghe kể lại nhưng chuyện ấy đã xảy ra như thế nào, chú không thể tin được rằng chính mình đã vịn vai Valentin bước ra khỏi thuyền và trèo lên một con đường mòn hẹp và một đường bậc thang đất sét. Tất cả những việc ấy, chú đã làm không có chút ý thức nào, như một cái máy. Pêchya được biết là quả bom đã rơi gần tàu nhưng không làm hư hại đến tàu.

        Sức nổ của nó đã hất xuống biển một số hành khách trong đó có chú.

        Hai người, bị choáng, chết ngay. Người thứ ba, bơi giỏi, được người ta ném cho một đầu dây thừng và kéo lên. Pêchya được một trong những thuyền của ngư trang «Pêtren » cử đi cấp cứu — khi ở trên bờ trông thấy con tàu bị bốc cháy — vớt được. Người ta đã dập được đám cháy và con tàu đã tiếp tục cuộc hành trình.

        Và thế là bây giờ Pêchya cứ nằm dài, đầu óc nặng trĩu, mất hết ý thức về thời gian, mê man, chỉ còn nhận thức được một cách khó nhọc là mình có lúc mê lúc tỉnh và có những người, những vật, những mùi vị xa lạ hiện ra rồi lại biến mất. Hiện ra nhiều nhất trước mắt chú là một quả cầu nhỏ ở ngăn trên cùng của một cái giá tre, với cái khung gỗ có khảm xà cừ. Quả cầu và cái giá kia mâu thuẫn kỳ lạ với cái bếp lò nông thôn bằng đất nung, với những lỗ tò vò thông hơi trên mái, cũng như với những nắm cỏ và hoa khô treo trên những bức tường nông thôn quét vôi trắng. Nhà có hai lỗ tò vò nằm chênh chếch ở phía trên chú, ngày đêm phản ảnh lại cái sáng tối kế tiếp nhau đều đặn, chán ngắt. Những buổi chiều tà đỏ rực của đồng cỏ nhường chỗ cho những đêm sao tang tóc. Có lần, một vành trăng thu muộn mằn xuất hiện và trôi qua. Lúc đầu trăng nhìn qua một lỗ tò vò, rồi liếc qua lỗ kia, mãi tận phía dưới. Có một vẻ gì láu cá, ranh ma trong đôi sừng mờ ảo của nó. Theo với trăng là tiếng sủa xa xăm, hay đúng hơn là tiếng rú lo âu của đàn chó thảo nguyên. Chú bé buồn bã mường tượng đến những con chó đang đứng sủa trăng trước cửa những ngôi nhà nông dân xa xa, mõm dài như mõm sói.

        Đôi lúc, chú nghe thấy ngay bên chú, trong một góc, có tiếng có khô sột soạt rờn rợn. Người ta ôm một ôm vào trong căn nhà nhỏ, vứt xuống sàn ngay bên bếp lò, và chỉ một thoảng sau, ảnh một ngọn lửa lớn đã múa nhảy chiếm lấy các mặt tường. Những làn sóng trong suốt của ánh sáng hồng lặng lẽ liếm lên giá sách nhỏ và quả cầu. Dưới ánh lửa, quả cầu lấp lánh như một hành tinh thật. Đó là trái đất đang bơi trong muôn ngàn lớp sóng của ánh sáng mặt trời. Có tiếng chân không bước trên nền đất sét. Bóng một cái đầu quen thuộc tiến ra giũa nhà. Có lúc nó to ra kinh khủng, nuốt chửng tất, có lúc nó bỗng bé lại và in lên bức tường hòng một bóng người rất rõ nét. Trên cái bóng, chú bé thấy nét mặt nhìn nghiêng của một cô gái trẻ măng, hầu như còn trẻ con, trán và mũi rất thẳng, cằm tròn, cổ nhỏ và thanh, trông vừa khỏe vừa dịu dàng. Chú để ý đến cả bóng hàng mi thanh cong. Bóng đôi tay thon thon xếp dọn soong nồi nhảy múa trên tường hoặc hoa lên nhanh như chớp dê vẩy vâey cái nhiệt kế.

        Pêchya biết cô ta tên là Valentin. Cái tên đó cứ được nhắc đi nhắc lại luôn. Đối với chú bé ốm, đó không phải, chỉ đơn thuần một tên người. Nó bao gồm vô số vật và khái niệm.

        Cột thủy ngân lên tới điểm bốn mươi, cái đường thẳng sâm sẫm và de dọa trong chốc lát đã dâng lên đầy ống nhiệt kế, đó là Valentin. Bàn tay ram ráp và mát rợi đặt dưới cái gáy nóng bỏng của chú để nâng đầu chú lên và bón nước cho chú, cái vị nước mằn mặn, cái mép sứt mẻ của bình nước cũ kỹ, đó cũng là Valentin. Ngôi sao rung rinh trên khung kính thô, tiếng sủa lo âu của đàn chó thảo nguyên trong đêm khuya, tiếng gầm lồng lộn của chiến tranh đang mỗi lúc một tiến lại gần, và làm rung rinh những khung khảm xà cừ cùng quả cầu trên giá, tất cả những cái đó cũng đều là Valentin cả.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2020, 11:18:31 am »


        Ngoài Valentin, còn có bà mẹ cô nữa. Bà ít xuất hiện hơn. Trong trí tưởng tượng của chú bé ốm, bà ít nhiều gắn liền với tiếng rì rầm không dứt của biển cả. Đó là cái tiếng thu chậm lại của một lưỡi hái khổng lồ bằng thép đang lia trên hàng bao nhiêu cây số. Với một tiếng rào rào mỗi lúc một mạnh hơn, lưỡi hái ngày đêm lia đi lia lại không lúc nào dứt, dồn lên bờ từng lớp từng lớp sóng. Sóng vừa reo vừa nằm dài trên bãi cát, ở đâu đó, ngay gần đầu giường tối om, sau bức tường mỏng.

        Thỉnh thoảng mẹ Valentin đi chân đất bước vào, mặc áo khoác ngắn đàn ông, tay cầm một giỏ mây tròn đựng đầy tôm con. Pêchya được biết những con tôm đó, người ta gọi là « khuyết ». Chúng nhảy trong cái giỏ ướt, tanh tách như nhưng lò xo thép nhỏ, làm nước và cát bắn tí tách ra tứ phía. Bà mẹ nhấc cái cần câu trên tường, ngồi xuống sàn và bắt đầu móc những con tôm nhỏ vào, gọi là « mồi ». Ngón tay bà thoăn thoắt, chính xác lạ thường, nhanh như mây, như người đan áo kinh nghiệm. Nhưng đầu óc của bà lúc ấy chắc đang ở tận đâu xa. Trên khuôn mặt lặng ngắt hơi nhăn nhó của bà, dưới hai hàng lông mày nhíu lại, long lanh đôi mắt sắc sảo, như luôn luôn cảnh giác.

        Bằng đôi mắt ấy, không phải bà chỉ có vẻ trông thấy một cái gì mênh mông, đáng sợ mà chú bé không trông thấy được, bà còn « lắng nghe » được tiếng nói huyền bí của đau thương. Lưỡi hái soàn soạt kia cứ liên tiếp rải ra những đợt sóng dài ghê gớm, và giữa mỗi đợt sóng, thế gian bỗng lặng ngắt như tờ, đến nỗi tim người ta bị đè xuống tưởng như sắp ngừng đập. Rồi lại bắt đầu mê man bất tỉnh.

        Nhưng một hôm, tất cả những cái đó bỗng hết hẳn. Pêchya thức dậy. Chính ra không phải là chú hồi tỉnh, mà thức dậy. Và chú hiểu rằng mình đã khỏi. Chú cảm thấy thế trong toàn thân. Chú chưa khỏe, nhưng bệnh đã dứt hẳn.

        Với một cảm giác bàng hoàng, mát rợi và yếu đuối, Pêchya còn phải vất vả mới lật được cái chăn bông nặng ra và giơ chân tay lên nhìn. Chân tay chú gày và xanh đi nhiều. Chú nhìn những ngón tay gày tóp, móng trắng bệch mà mủi lòng. Chú co tay lại, cố làm cho bắp thịt nồi lên, nhưng không đi đến kết quả. Bắp thịt nhẽo nhoẹt. Thế là chú nẩy ra ý kiến thử ngồi dậy và, đi lại trong phòng. Lúc ấy có độc mình chú. Cố lắm chú mới thò chân xuống được dưới sàn và đứng lên, tựa lưng vào giường. Bây giờ chú mới để ý thấy mình mặc một chiếc sơ-mi dài không có tay, viền ren ở trước ngực. Chú hiểu đó là áo của Valentin. Chú đỏ mặt xấu hổ, và hơi bực mình nữa. Loạn thật! Diện áo mượn mà đi lượn ! Nhưng cũng đành chứ biết làm thế nào. Chú bước vài bước, thú vị thấy mình cao cao. Chú cảm thấy hình như mình lớn lên, gần thành người lớn rồi. Ngửng lên, chú trông thấy ngay trên đầu chú cái sà trần dán phủ bằng một tờ bảo Công xã Hắc-hải đã vàng. Mọi vật quanh chú, giá sách với quả cầu, cái ghế dài, ghế dựa, chú đều thấy bé quá, thấp quả. Giữa những vật đó, chú cảm như mình là một người khổng lồ. Đầu chú choáng váng dễ chịu. Hai chân chú lỏng lẻo, run run. Pêchya phải vất vả lắm mới trở về được giường và nằm úp sấp mặt xuống gối. Một thoáng sau, chú ngất đi. Nhưng đó là cái ngất thoang thoảng, dìu dịu của người bệnh đang hồi phục. Và Pêchya lại tỉnh lại ngay, trán đẫm mồ hôi. Mồ hôi ấy là mồ hôi lành, cũng dễ chịu lạ thường. Chú lại thấy buồn ngủ và thiếp đi, má áp nhẹ nhàng lên hai bàn tay. Đó là một giấc ngủ say làm chân tay chú đờ ra trong cái bàng hoàng của người bệnh hồi phục.

        Chú thức dậy thì đã chiều. Trong bếp lò, lá ngô nổ lép bép. Hơi lạnh của biển cả thấm vào qua cánh cửa mở hé. Sương mù tràn qua cửa, và chưa lọt vào tới buồng đã bị ngọn lửa bếp lò nóng rực xua tan. Tiếng súng ầm ầm của trận chiến đấu diễn ra gần đó làm rung chuyển ngôi nhà. Bà mẹ Valentin, quay mặt tránh ngọn khói phì phì, cầm cặp sắt kéo cái nồi muội đen ra khỏi bếp lò. Valentin đứng bên giường đăm đăm nhìn Pêchya không chớp.

        — Tôi khỏi rồi, — chú ngước nhìn Valentin, nhắc lại.

        Chú đã trông thấy cô bao nhiêu lần rồi. Nhưng những lần đó chú còn ốm, và cô hiện ra trước mắt chú trong cái màn sương huyền ảo của cơn sốt khiến cô có một vẻ đẹp thần tiên, trong vắt, âu sầu, lặng lẽ. Giờ đây, chú thấy trước mặt mình một cô gái nửa ra người lớn, nửa ra trẻ con, một thiếu nữ hoàn toàn bình thường, dong dỏng cao, mặc áo đàn ông, cái mũi thanh ngắn, cái cằm nhỏ nhưng khỏe, và đôi mắt sáng màu xanh xám, sắc sảo, như một ánh phản chiếu trong gương.

        — Như thế mào mà cậu bảo là khỏi? — cô nhún vai đáp lại — khỏi ở chỗ nào ? Tôi thì tôi chả thấy khỏi gì cả.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2020, 11:18:58 am »

 
        Rõ ràng cô đã quen nhìn chú bệnh nhân với một thái độ có phần kẻ cả, coi chú như một đứa con nít. Thấy thế Pêtchya đâm ra tự ái.

        — Tòi biết chứ, — chú nói, — vì nhiệt độ không lên nữa, vả lại, tôi muốn ăn.

        — Mẹ ơi! Mẹ nghe thấy không? — Valentin vui vẻ reo lên, giọng trong vắt — Cậu ấy đòi ăn !

        — Làm gì mà kêu như con hóa dại ấy! Tao cũng có tai. Có lẽ cậu ấy ăn được món canh bột lọc của ta đấy nhỉ ?

        — Pêchya. — Valentin mím môi lại nói trịnh trọng —  Pêchya có thích ăn món canh bột lọc của chúng tôi không ?

        — Thích lắm. Cảm ơn — Pêchya nói.

        Nghĩ đến ăn mà thèm quá, Pêchya cứ hấp háy mắt mãi. Valentin kéo đến bên giường một chiếc ghế đẩu và lấy một tấm khăn trải lên. Rồi tíu tít bên bếp lò, cô đặt lên ghế một cái đĩa in hình những bông hồng nhỏ, đựng đầy thứ canh bột đặc sắc kia. Món canh bột lọc, không hiểu sao bao giờ cũng hơi bị khê. Nó bốc lên một mùi khói đồng quê nồng nồng ngon tuyệt. Có những mẩu hành phi vàng và mỡ rán lều bều, và những củ khoai tây to, bở, bổ tư, nổi trên bát canh bột lọc vừa chín tới.

        Với nụ cười khiêm tốn nhũn nhặn, Valentin đưa cho chú bé một cái thìa gỗ.

        — Ăn thử xem. Để xem câu ăn có thấy ngon không. Ở Mạc-tư-khoa chỗ cậu, chắc hẳn không ai làm món canh bột lọc này.

        — Tốt quá — Pêchya vừa nói vừa rên, và bắt đầu ăn.

        Tất nhiên là chú đã từng nghe bố nói chuyện về món canh bột lọc Ukren nổi tiếng này. Nhưng thực tình, chú không bao giờ ngờ được rằng món canh bột lọc lại có thể ngon như thế. Pêchya thổi phù phù vào thìa canh, liếm, ngửi. Valentin nhìn chú, khoanh hai tay như bà lão, và gật gật đầu tỏ ý hài lòng.

        Bà mẹ Valentin ngồi xuống mép ghế và buông thõng hai bàn tay lao động thô kệch. Pêchya cảm thấy bà nhìn chòng chọc, mơ màng vào người chú. Chú không hiểu, không thể hiểu hết ý nghĩa của cái nhìn ấy: nó buồn bã, và có một cái gì rực rỡ. Chú không biết rằng chính lúc này tâm hồn bà đang bị cái bàng hoàng kỳ lạ, đôi lúc đột ngột xâm chiếm lấy con người ta, làm cho dòng thời gian ngừng chảy và kẻo lùi nó trở về đằng sau. Trong những lúc như vậy, tâm trí bỗng trở nên tinh lường lạ thường, người ta có cái cảm giác vừa nặng trĩu vừa êm ái rằng tất cả những cảnh kia đã từng xảy ra. Bà mẹ Valentin nhìn chú bé thổi những miếng khoai nóng, và đang có cái cảm giác của một thời xa xưa nào đó. Bà cảm thấy rằng tất cả những cái kia đã từng diễn ra, đã từng xảy ra xưa kia trong đời bà. Nhưng ở đâu, và bao giờ thì bà chịu, không nhớ ra : cũng canh bột lọc, cũng khoai tây hơi oi khói, nóng bỏng, phải thổi mới ăn được; cũng một thằng bé ngăm ngăm, tóc bù xù, đi đôi giày da hoẵng mới tinh và nhìn bà với một vẻ vui vui ngượng ngập, và chính bản thân bà, lúc ấy chỉ là một cô bé tí tị ở xóm Cối xay Gần, tên là Môchya, cứ đứng ngây ra thích thú, và cũng cái giọng nói rất nhỏ nhẻ, líu lo như một con chim bé tí xíu: «Anh có thích món canh bột lọc của nhà em không ?».

        Và bỗng bà nhớ lại rõ mồn một tất cả, dường như không phải là chuyện xảy ra xưa kia, mà vào đúng ngay cái phút này.

        — Ngày xưa chúng tôi có biết một chú bé, — bà ngập ngừng vừa nói vừa cười — Hồi ấy chúng tôi ở xóm Cối xay Gần. Chú bé ấy đến chơi nhà chúng tôi, và cũng thích ăn món canh bột lọc này lắm. Chủ ấy là con một ông giáo ở Ôđetxa, và tên là Pêchya Batsây.

        Pêchya buông thìa xuống và kinh ngạc nhìn bà.

        — Cháu cũng họ Balsây, — chú nói, trong bụng chưa hiểu ra sao cả.

        — Họ cháu là Batsây ư? Valentin, con nghe thấy không? Họ chú này là Batsây đấy. Chả có nhẽ, cháu họ là Batsây thật sao?

        Pêchya thấy hơi chạm tự ái, như thể bị nghi là một đứa ăn cắp vậy.

        — Vâng, Batsây thật mà. Có gì là lạ bác?

        — Có phải ở phố Kanatnaia, góc phố Kulikôvô Pôliê không?

        — Mẹ ơi, mẹ làm con buồn cười quá. Cậu này là đội viên thiếu niên ở Mạc-tư-khoa, mới đến Ôđetxa lần này là lần đầu tiên.

        Bà mẹ Valentin ngẫm nghĩ một lát, rồi hỏi chú bé:

        — Thế bố cháu, có phải là người Ôđetxa không?

        — Bố cháu là người Ôđetxa.

        — Có phải ở phố Kanatnaia, góc phố Kulikôvô Pôliê không?

        — Cháu không biết.

        — Có phải là con một ông giáo không?

        Pêchya bối rối quả, nhìn Valentin. Chú đã có lần nghe bố nói là ông nội dạy học ở các trường Ôđetxa. Nhưng chú thấy khó trả lời ngay câu hỏi kia, khó mà hiểu được ngay rằng người con ông giáo kia chính là bố chú. Nhưng ông chú có đi dạy học, vậy đúng là ông giáo chứ gì nữa.

        — Vâng, đúng, con một ông giáo, — cuối cùng Pêchya nói.

        — Con ông giáo Ôđetxa?

        — Vâng, ông giáo Ôđetxa.

        Bà mẹ Valentin đứng dậy, lấy tạp-dề lau trán và đi đi lại lại trong phòng. Một câu hỏi nữa thôi là sẽ rõ tất. Câu hỏi đó, bà thấy khó nói ra quá. Cuối cùng, bà dứt khoát:

        — Này cháu, thế bố cháu tên là gì nhỉ ?

        — Piôt Vaxiliêvich.

        Bà nhìn quanh, dường như muốn tìm người làm chứng cho câu chuyện có một không hai này. Nhưng cả Valentin lẫn Pêchya đều không hiểu gì cả.

        — Bố cháu tên là Piôt Vaxiliêvich ư? — bà mẹ Valentin dịu dàng nói.

        — Vâng, Piôt Vaxiliêvich. Sao bác biết bố cháu?

        — Sao biết ư? Trời! — và bà mẹ Valentin chắp hai bàn tay lại — Chúng tôi vẫn nô đùa với nhau hồi bé!

        Bà liếc nhìn chú bé, cố tìm xem có nét gì giống với chú bé hồi nhỏ đã từng chơi với bà. Chắc bà đã tìm thấy. Mặt bà nhăn lại trong những nếp tươi vui. Bà đưa ngón tay giữa lên quệt giọt nước mắt trào ra ở khóe mắt, và bất thình lình ôm chầm lấy hai vai Pêchya, ghì chú thật chặt vào lòng. Pêchya xấu hố gỡ ra.

        — Không sao đâu cháu Pêteska, đừng ngại. Bây giờ, cháu như con cái trong nhà, — bà thì thào âu yếm. —  Cháu có thể xem tôi như cô bác vậy. Tội nghiệp cháu tôi !

        Và bà cười qua hàng nước mắt.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2020, 11:20:03 am »


       
22

        Dù không có chuyện ấy, hai mẹ con bà cũng đã đối xử rất tốt với chú bé. Nhưng bây giờ thì chú thành như người trong gia đình rồi. Chú kể cho họ nghe những chuyện đã xảy ra với chú và ngược lại, được biết tình hình bên ngoài. Thành phố đang lâm vào tình thế gay go, gần như tuyệt vọng. Ngoài cảng, người ta bốc xếp hàng lên tàu vận tải. Trên thành phố và nhất là trên cảng, lúc nào cũng chờn vờn những đám mây đen trắng khói bom đạn. Đạn cao xạ, như sao băng, hớt hải lao vun vút trên bầu trời. Ánh những đám cháy và những đợt pháo kích ngời lên trong đêm tối, trên các bờ mây răng cưa. Nó run rẩy quần quại, vươn ra rồi thu tròn lại, vươn ra, rách ra, nhấp nhảy. Tiếng động rít lên ken két và lướt trên mặt biển như những hòn gang lăn trên mặt đá hoa. Âm vang nặng nề chuyền dọc theo vách biển, rào rào tràn ngập cả những hang hốc xa bờ nhất. Trong bóng tối của biển đêm, những tàu vận tải di động, không một ánh đèn. Máy bay oanh tạc của địch bay lượn bên trên. Các tàu đánh trả lại. Những ngọn lửa đó rực phản chiếu vào lần nước đen ngòm.

        Bây giờ thì chú bé đã có thể đi ra ngoài; chú nhận thấy ngôi nhà nằm ngay ở địa đầu thảo nguyên, phía trên vách hiên, chỗ bắt đầu một khe nứt chạy xuống tận ven biển. Quanh đấy còn có vài ngôi nhà nhỏ nữa, đã bỏ không, cửa sổ bị vít lại. Những con gà mái vô chủ đi lang thang trong những đám đất hoang xạm đen. Ban đầu Pêchya ngạc nhiên vì mọi người đều bỏ đi, đều rục rịch, đều chạy trốn, đều hối hả, chỉ trừ có bọn chú là vẫn ở lì. Nhưng chẳng mấy lúc chú hiểu rõ sự tình.

        Bà Matriôna Têrenchiepna, mẹ Valentin, là chủ tịch ngư trang tập thể « Pêtren ». Nói đúng hơn, bà thế chân chồng, cha của Valentin, bác ngư dân lão luyện Pêrêpêlitxki, nguyên kỵ binh sư đoàn Kôtôpxki nổi tiếng, đã ra tiền tuyến cùng hai con trai, ngay từ những ngày đầu chiến tranh.

        Phần đông ngư dân đều nhập ngũ. Chỉ còn lại trẻ con và người già. Nhưng cả những người này cũng từ lâu, mỗi người tản đi một nơi, người thì ra thành phố với bà con, người thì đáp thuyền nhỏ đi theo bờ biển về phía Ôtsakôp, Nikôlaiep, thậm chí đến cả Ôpatôria nữa; lại có những người đến các làng mạc hoặc trang trại quanh vùng, với hy vọng sẽ có những người tốt bụng tiếp đón họ.

        Nhưng bà Matriôna Têrenchiepna với con gái thì vẫn ở lỳ nhà. Bà đảm nhiệm những tài sản quý báu của tập thể, ba tấm lưới, trong số có hai tấm mới tinh, mấy cái thuyền còn tốt nguyên, bao nhiêu là cần câu cặm, một số buồm và dụng cụ đánh cá, rồi sổ sách kế toán của ngư trang, số lượng, giấy tờ ngân hàng, quyển ngân phiếu của ngư trang, một ít tiền mặt, những hợp đồng ký với một số cơ quan hoặc tổ chức mà ngư trang chưa kịp thu được tiền vì lệnh đình chỉ trả nợ ban hành lúc bắt đầu chiến tranh. Người ta không thể bỏ phóng sinh những của cải ấy được. Bà mẹ Valentin không thể nào tưởng tượng được là quân địch có thể đến đây. Bà vẫn hy vọng. Nhiều lần bà vẫy tay đi nhờ xe bộ đội, ra thành phố  xem binh tình ra sao, rồi lại từ thành phố trở về, phờ phạc cả người. Nhiều khi, bà vượt qua thảo nguyên, trên đường đi Nikôlaiep, chờ một đơn vị bộ đội nào đó. Bà ra gần đến tận hỏa tuyến là nơi bất kỳ người thường dân nào hỏi han về cách bố trí của bộ đội, nhất là một người đàn bà lạ mặt, đều có thể bị nghi là gián điệp. Thế mà lạ thay, bà không bị ai nghi kỵ hết; bộ mặt bà với những nét nhăn khắc khổ, phiền não hẳn quanh cái miệng nhỏ mím chặt, thật quả xúc động, quả thật thà, chất phác. Bà nhìn mặt anh em bộ đội với biết bao hy vọng, như chờ đợi từ những nét mặt ấy một lời giải đáp. Và lần nào cũng thế, người ta vẫn chỉ nói với bà cái điều trước sau như một:

        — Chúng tôi không nộp thành phố cho giặc đâu!

        Bà lại trở về nhà với niềm hy vọng dù trong thâm tâm, bà vẫn cảm thấy nặng trĩu lo âu. Bà hiểu rằng một chiến sĩ hoặc một sĩ quan xô-viết không thế nào nói cho bà biết là họ chuẩn bị bỏ thành phố được.

         Có lần, bà ra đường như thường lệ, và ngạc nhiên vì những thay đổi xảy ra quanh mình. Thoạt đầu, bà không hiểu những thay đổi ấy gồm có những gì. Tất cả hình như không có gì khác trước.

        Vậy mà có sự gì chẳng lành, không phải chỉ ở trong những khoảng nhấp nhô của thảo nguyên ngày càng xạm đen lại, không phải chỉ trong những đám mây mọng nước bay nhanh vùn vụt, lớp lớp từ biển trôi vào, chỉ còn thiến mức quệt xuống những bắp ngô khẳng khiu của đảm ruộng ngô bỏ hoang. Cả đến không gian cũng chứa đầy đe dọa, cả đến trong không gian cũng có sự chẳng lành.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2020, 04:03:30 pm »


        Bà Matriôna Têrenchiepna nhìn và hiểu: bốn bề, phóng tầm mắt xa đến đâu, đến tận chân trời, cũng tuyệt nhiên không thấy lấy một bóng người. Một chiếc máy khâu nằm kềnh giữa đường và cạnh bà, một cái bao thủng đựng lúa kiều mạch như tô đậm thêm cảnh hoang vu lạ lùng, cảnh yên tĩnh ngột ngạt này. Một đàn quạ đen, nặng nề, lông óng ánh một màu xanh sắt thép rủng rợn, âm thầm, sà xuống cái bao lúa rồi lại âm thầm bay lên. Bà đi mấy bước ra khỏi lòng đường và bất chọt trông thấy ở giữa ruộng ngô, ngay cạnh chân bà, một cái hố tròn mới đào ; một tốp binh sĩ đội mũ nồi đen đính dải thủy quân ngồi trong đó. Họ đang đặt một tấm bệ giống như một cái đĩa bằng thép cho khẩu súng cối cỡ lớn của trung đoàn. Bà MatriônaTêrenchiepna bật lên một tiếng kêu kinh ngạc. Đám chiến sĩ liền ngoảnh về phía bà, bộ mặt họ trẻ măng và trầm lặng với những cặp mắt và hàm răng trắng lóe lên vẻ hăm hở lạ kỳ sôi sục. Bà đứng thẳng đờ ở trên đầu họ, im lặng, không hiểu gì về những chuyện xảy ra quanh mình.

        — Này bác, đứng làm gì đấy? Đây là tiền tuyến rồi. Đánh nhau ngay bây giờ đấy. Chạy đi!

        Mãi đến lúc ấy, bà Matriôna mới nhận thấy thảo nguyên thoạt đầu có vẻ như hoang vu, lại chứa đầy những hoạt động bí mật. Đây đó, trong ruộng ngô, những anh bộ đội, những anh thủy quân di động kín đáo. Nhìn bộ mặt hừng hực của họ, từ lâu chẳng được cạo rửa, nhìn những tấm áo lót nhem nhuốc đẫm mồ hôi, dưới chiếc áo va-rơ và áo tơi thủy thủ phanh cúc, qua hơi thở hổn hển và khò khè của họ, người ta có thể đoán biết rằng đã nhiều ngày họ chưa rời trận địa, và họ đang ở trong cái trạng thái căng thẳng cao độ vô vọng xâm chiếm tâm hồn người lính trong những lúc cực kỳ nguy khốn và tạo ra những chuyện thần kỳ. Bà Matriôna cảm thấy là trong giờ phút này, ngay nơi đây, sắp xảy ra một cái gì thật khủng khiếp.

        — Chạy đi, chạy đi mẹ ơi ! — một anh lính thủy mặc quân phục bộ binh, băng đạn đeo chéo người, một quả lựu đạn gài thắt lưng, một khẩu súng cầm tay, đầu không mũ nồi, bộ mặt đáng sợ quấn băng chằng chịt hét lên với bà.

        — Nằm xuống mẹ! — bà nghe thấy có tiếng ai từ một chỗ khác kêu lên.

        Bà ngã lăn xuống theo bản năng, áp má vào mặt đất rắn lạnh. Đúng lúc ấy, kèm theo một tiếng gầm rít xé trời ngay cạnh bà hay từ lòng đất không biết nữa, một cột khói đen và hung, mang trong lòng một ánh chớp, nổ lên vang dội, và khắp bốn phía như có những tràng mảnh vụn phóng ra, phạt đứt cả một đám ngô cao. Choáng váng vì tiếng nổ, bà chồm dậy, chạy bổ đi, cảm thấy đất từ tóc, từ áo, từ cổ mình rơi xuống. Bà chạy thục mạng, mắt nhắm nghiền, răng nghiến chặt. Bà chạy, chẳng nghĩ gì khác ngoài việc phía sau lưng bà kia kìa, nơi bà vừa bỏ chạy, trận đánh đang diễn ra ác liệt, những tiếng thét vang lên, những tràng súng máy rên rĩ, những quả thủ pháo nổ tung...

        Đang chạy, bà vấp phải một đống đá sói ở giữa đường; đầu gối bị dập mạnh, bà trượt ngã và lăn ra, xước cả lòng bàn tay. Vất vả lắm bà mới lấy lại được hơi; quên cả đau, bà toan vùng dậy và chạy xa hơn nữa thì chọt lúc ấy bà thấy một chiếc xe vận tải nhỏ chở những người mặc quân phục bộ binh, đội mũ nồi đính dải thủy quân. Chiếc xe chạy qua cạnh bà. Nó chồm lên những ổ gà, chỉ một li nữa là đổ kềnh ở chỗ ngoặt, mở hết tốc lực lao vào khói lửa của trận đánh. Bà Matriôna thay rõ một khẩu đại liên long lên sòng sọc trên nắp xe. Một anh thương binh, người quấn đầy băng đạn, nằm dài bên cạnh, áp mặt vào cái thước ngắm. Bà còn thấy nhiều thủy binh khác cũng quấn chéo những băng đạn súng máy quanh người, đội mũ nồi với những chiếc dải bay lồng lộn trên đầu họ. Một người trong toán cầm lá cờ của hạm đội. Lá cờ bay lượn trên đầu họ, vất vả mới theo kịp đà xe như một con lốc lụa — lúc xanh, lúc trắng, lúc đỏ — phành phạch như một khẩu súng máy, thành thử như không phải có một mà là hai khẩu súng máy đang từ chiếc xe bắn ra.

        Rồi tất cả xóa nhòa đi trong màn khói ngột ngạt của trận đánh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2020, 04:04:17 pm »


       
23

        Trong lúc bà mẹ Valentin chạy về đến nhà, giày rách tung, chân rớm máu, thì một chiến hạm phun ra một màn khói. Hình như nó lơ lửng trong đám mây mù ảm đạm của biển cả lúc hoàng hôn, phía trên cái mái bằng của ngôi nhà đã có cỏ mọc. Bốn lưỡi lửa, bốn ngọn bút lông lóa mắt với những đầu nhọn hoắt, phụt ra khỏi nòng đại bác, tóe ra, bay vút và tan đi trong những cơn lốc khói ảm đạm. Một tiếng nổ rung cả vùng vách biển. Trong thâm tâm, bà Matriôna hiểu đó là điều rất hay, có một chiến hạm đã đến giúp sức anh em thủy binh và đã dọt xuống đầu quân địch bằng những đại bác « cỡ kếch xù ». Đúng nguyên văn bà nghĩ như vậy: những đại bác « cỡ kẽch xù ». Bốn viên đạn gầm rống bay qua đầu bà về phía thảo nguyên, và mấy giây sau, bốn tiếng nổ dậy đất, mạnh đến nỗi làm đất cát đổ ào ào từ trên vách biển xuống phía dưới.

        Bà dừng lại trước cửa, thở một hơi dài và qua quyết bước vào nhà.

        Pêchya và Valentin yên lặng đứng trước bà.

        — Thế là hết — bà nói một cách gay gắt, có phần sống sượng nữa, và lấy tay đập vào không khí một cách quả quyết — Valentin, chuẩn bị cho thằng bé đi, còn mẹ, mẹ đi xuống dưới kia.

        Valentin gật đầu. Không cần thiết phải giải thích gì cho cô bé. Cô đã trở nên rất đứng đắn, âm thầm.

        — Mẹ làm một mình có nổi không?

        — Để mẹ cố xem, — bà mẹ nói qua kẽ răng. Pêchya rụt rè nhìn bà mẹ rồi lại nhìn cô con gái, ngơ ngác. Cái tiếng « cố » mà bà mẹ nói ra bằng một giọng gay gắt đặc biệt lạ lùng làm cho lòng chú bé càng rạo rực lo sợ. Trong lúc bà mẹ lục đục ở lối cửa vào, xô loảng xoảng những bi-đông sắt tây, thì Valentin vội vàng nhưng không hấp tấp, sắp xếp đồ lề và bảo chú bé mặc quần áo.

        Pêchya vừa mặc quân áo, vừa giật nẩy người trước mỗi loạt đại bác hạng nặng và trước mỗi tiếng nổ ngoài thảo nguyên. Bộ quần áo Mạc-tư-khoa của chú, sau thời gian bị ngâm nước mặn đã co dúm lại, nhầu nát, bạc phếch. Nhiều chỗ đã rách, nhưng Pêchya thấy có người đã vá và mạng lại cẩn thận cho chú. Nhiều chiếc khuy áo đứt đã được thay thế. Đôi dép của Pêchya trôi mất khi chú rời khỏi tàu. Valentin đã thay cho chú một đôi giày tuy cữ nhưng còn lành lặn. Đôi giày rộng quá, Pêchya phải độn báo cũ vào. Chẳng có bit-tất. Pêchya cứ cho chân không vào giày. Dù có báo cũ, đôi giày vẫn quá rộng đối với cỡ chân chú. Hai bàn chân chú cứ lúc lắc bơi trong giày.

        — Đôi giày của anh Têrenti mình đấy. Nó gần như còn mới toanh, — Valentin nói ngay như muốn chặn đứng bất cứ lời phàn nàn nào đối với đôi giày bất tiện —  Anh Têrcnti hây giờ đang ở hộ đội. Còn một anh nữa của mình là Vaxili cũng đi bộ đội.

        Nhưng cô mất công vô ích. Pêchya không máy may tỏ ra bất mãn. Chú hiểu không còn đôi giày nào khác nữa, vả lại đào đâu ra? Hơn nữa, cũng không thể đi chân đất được! Thế mà việc là phải đi rồi, chú bé không còn ngờ gì nữa. Sau đó cô bé đưa cho chú một chiếc áo khoác ngắn đã cũ xông lên mùi da cừu chua hoắc. Chú bé mặc vào, chẳng nói chẳng rằng. Cái áo khoác ấy cũng rộng quá, dài quá đầu gối nhiều. Phải xắn tay áo lên vì nó trùm cả bàn tay. Cái mũ cát-két Mạc-tư- khoa mới đã nằm dưới đáy biển. Valentin cho Pêchya một cái khác. Chú đội lên. Kể ra chú cũng lấy làm khó chịu : từ thuở lọt lòng, chú chưa từng mặc quần áo thừa của ai bao giờ. Nhưng chú chẳng hề hé răng.

        Bất giác chú nhớ đến cái ba-lô của chú, trong đó có đủ thứ của cải: xà-phòng, sơ-mi, bàn chải đánh răng, một trăm rúp, giấy bút, bức ảnh mẹ. Chả còn ba-lô nữa ! Ba-lô để lại trên con tàu bốc cháy rồi. Bây giờ Pêchya hoàn toàn tay trắng.

        Trong khi chú bé được Valentin giúp đỡ thay quân áo thì bà Matriôna Têrenchiepna cứ chạy ra chạy vào. Một lần để gói ghém giấy tờ, sổ sách và những tấm bìa cứng đã sắp đặt từ trước vào một tấm khăn trải giường. Bà buộc chặt cái gói lại bằng một chiếc khăn mặt dài và để nó vào một góc nhà, trên một cái ghế đầu, thật dễ nhìn thấy, để bất kỳ lúc nào cũng vơ lấy được dễ dàng. Một lần nữa, bà bước vào, thở hổn hển (bà vừa phải chạy ngược lên bờ biển dốc), mắt trừng trừng và miệng mím lại nghiêm nghị, lục lọi mọi xó xỉnh, tìm được một cái rìu, va cái rìu vào thềm cửa, rối vẫn thở hổn hển, bà chạy ra ngoài. Vài phút sau, từ xa ở phía dưới, tiếng bà kêu vọng lên, át cả tiếng sóng và tiếng súng. Bà gọi Valentin.

        — Mình đã bảo là bà cụ không làm một mình được đâu mà ! — Valentin vừa lẩm bẩm vừa nhìn chú bé bằng đôi mắt dò xét nhưng thực ra không trông thấy gì. — Ở đây nhé. Đừng đi đâu. Chờ đấy, chúng tôi trở lại ngay. Hai chúng tôi làm thật gấp, rồi sẽ trở lại.

        Lúc ấy, từ mặt hiển, loạt đạn tiếp theo của pháo cỡ lớn vừa bắn đi. Một ánh sáng đó rực nhấp nháy ở những cửa thông hơi trên mái. Kính rung lanh canh. Chú bé dúm người lại. Chú run lên bần bật. Chú cố để răng khỏi va vào nhau.

        — Đừng sợ — cô bé nói — Họ còn bắn súng to thì vẫn còn chưa sao. Nhưng nếu họ ngừng bắn súng to thì...

        — Thì sao ?

        — Thì... lại là chuyện khác. Cũng phiền đấy. Ngồi xuống và đợi nhé.

        Valentin, hệt như mẹ, đi lục lọi các xó xỉnh, nhưng không tìm được rìu. Cô vớ lấy con dao phay làm bếp, treo ở cái đinh gần cửa, rồi với dáng quả quyết, cúi xuống, bước qua thềm cửa trong bóng chiều đang xuống nhanh. Chú bé còn lại một mình.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2020, 04:05:15 pm »


       
24

        Chú ngồi trên cái ghế đầu giữa căn phòng; ở đây thấy có vẻ an toàn hơn, chú vừa ngồi vừa run rẩy, ôm chặt lấy ngực bằng hai bàn tay đút vào trong cánh tay áo khoác quá dài. Giờ đây chú bé chăm chú dỏng tai nghe tiếng súng. Trong khoảng cách giữa các loạt đạn, chú nhìn xoáy vào các góc nhà, ở đó bóng tối mỗi lúc một thêm dày đặc với tốc độ đáng sợ. Chú sợ, sợ đến nỗi giá vào trường hợp khác chú đã nhảy bổ ra ngoài và kêu váng lên. Nhưng lúc này, ngoài sợ ra, còn có một tình cảm khác hẳn, hoàn toàn mới mẻ, dần dần xâm chiếm tâm hồn chú, một tinh thần trách nhiệm về hành vi của chú đứng trước sự đe dọa của nỗi nguy hiếm chết người, của cái không thể nào tránh khỏi đang vây học lấy chú tứ phía và đòi hỏi chú phải vững, phải kiên nghị, phải dũng cảm, phải hành động. Nhưng chú lại không biết nên làm gì. Chú phải ngồi yên tại chỗ và đợi. Ngồi khoanh tay thế này càng làm tăng nỗi khủng khiếp của chú. Chú bé tưởng như mình bị những tai họa vô hình tấn công. Mỗi bóng đen, mỗi lần ảnh sáng thay đổi sau cửa sổ đều làm chú cảm thấy nguy hiểm tột độ.

        Bất chợt cái cửa sổ phía ngoài bị một vật gì bịt lại, và ngay lập tức vật to lớn ấy trượt xuống phía dưới: một vật gì đó ở bên ngoài vấp nhẹ vào bức tường đất sét. Pêchya ngồi đờ người ra, nhìn qua cửa sổ một lúc, nhưng chú chỉ thấy những ánh phản chiếu hồng hồng của một đám chảy xa xa trên thảo nguyên. Pêchya nín thở, không dám cựa. Cảnh vật yên tĩnh lạ lùng. Trong mấy phút, chú dò xét cái yên tĩnh nặng trĩu đe dọa ấy, tinh thần căng thẳng đến nỗi mắt chú hoa lên. Thoạt đầu, chú không hiểu tại sao cái yên tĩnh ấy lại làm chú sợ đến thế. Nhưng bất thình lình chú hiểu ra, người ta không bắn súng to nữa.

        Những ánh lửa phản chiếu ngoài cửa sổ mỗi lúc một gay gắt hơn, đáng sợ hơn. Cháy rất gần đâu đây, phía sau nhà, hơi chếch về một hên, hình như ở phía dưới, trên bờ biển. Cháy bùng lên từng đợt. Bất thình lình, một lần nữa, ở bên ngoài, một vật gì lại khẽ đụng vào bức tường và trên tấm kính phía dưới cửa sổ, có bàn tay của một người nào gõ vào, yếu ớt nhưng rõ mồn một. Một bàn tay, không còn ngờ gì nữa, một bàn tay người yếu ớt. Dưới ánh sáng rừng rực, không hề dịu đi của đám cháy, Pêchya nhận thấy bóng những ngón tay co lại, cử động trên tấm kính. Rồi ngay tức thì, bàn tay rơi xuống, biến mất.

        Chú bé lùi về phía giường, hai bàn tay lạnh toát nắm lấy thành giường xù xì. Nhưng ngay lập tức, một sức mạnh, chính cái sức mãnh liệt vẫn thúc đẩy con người xông vào chỗ nguy hiểm mà không gì ngăn cản được, đã xâm chiếm lấy chú, đẩy chú lại phía cửa sổ. Mặt đờ ra, Pêchya bước gần lại và áp người vào tấm kính, nhưng chú không nhận thấy gì, ngoài cái bếp lò đun mùa hè bằng đất sét đặt trước ngôi nhà, bức tường, những đám có rối, đám ngải cứu, đám rau thì là già cỗi và cái thuyền có thùng nuôi cá — một cái xuồng nhỏ xíu có mui với những lỗ tròn — vứt lăn lóc ở đấy.

        Thế rồi bước rón rén với đôi giày to tướng, nặng nề, ngón tay run run giữ lấy cổ áo khoác, Pêchya đi ra phía cửa, mở nhìn ra ngoài. Thoạt tiên chú trông thấy dưới ánh lửa chập chờn một người nằm sóng sượt ngay sát thềm, dưới cửa sổ. Người ấy nằm ngửa, đầu dựa vào tường gượng gạo. Ngón tay hơi co lại, gõ thong thả, đều đều vào lớp cửa sàn sùi ngoài bức tường đất sét như gõ trên phím đàn. Đó là một thủy binh với chiếc dải đen đính vào vầng trán đẫm máu. Dưới áo va-rơi rách bươm, bộ ngực với tấm áo lót kẻ sọc, đen sì mồ hôi và máu, phồng lên, hạ xuống mệt nhọc. Thần chết đã bắt đầu phủ cái bóng đen sâu thẳm, tàn bạo lên bộ mặt xám ngoét, đờ đẫn, y như nặn bằng mát-tit xám.

        Khó mà đoán được tuổi bộ mặt đờ đẫn, căng thẳng với trông mắt lộn ngược, lạnh lùng như mặt nạ ấy. Có thể là của một ông già mà cũng có thể của một người trẻ tuổi. Chỉ riêng đôi môi hãy còn sức sống, đôi môi rộng, giãn ra, màu xanh tro, gần như trắng, nhợt nhạt hơn da mặt nhiều. Đôi môi cử động khó khăn, ở khóe mép, sùi lên những đám bọt hồng.

        Pêchya lạnh cứng cả người, không còn sức quay mặt đi để khỏi nhìn cái cảnh tượng khủng khiếp chấm dứt đời một con người mà chú chưa từng thấy bao giờ.

        Người thủy binh rên rỉ.

        — Chú ơi, chú làm sao thế? — chú bé bất giác kêu lên — Chú đau lắm à?

        Thế là lúc ấy, đôi mắt trợn ngược của người hấp hối từ từ trở về chỗ cũ và nhìn chú bé ; đôi mắt nhìn chú bình thường, tỉnh táo, lộ một vẻ đau đớn đồng thời với một nỗi lo âu ghê gớm át cả cái đau đớn kia. Người lính thủy nhìn Pêchya như muốn tìm hiểu chú bé là người thế nào, từ đâu mà ra, có thể tin cậy được không. Còn tâm trạng của Pêchya thì cũng giống hệt như tâm trạng bà mẹ Valentin mới đây khi bà được chứng kiến đợt tấn công của anh em thủy binh Hạm đội đó. Bất chợt đối với Pêchya, mọi chuyện đều trở nên sáng tỏ lạ thường. Không cần cố gắng động não gì cả, do một tác động thầm kín và huyền bí của trái tim, chú bé hiểu tất cả và có thể giải thích được tất cả. Chú hiểu đôi mắt của anh thủy thủ hấp hối muốn nói gì. Đôi mắt ấy nói với Pêchya : « Cháu có biết rằng chú sắp chết và cháu là người cuối cùng mà chú nhìn thấy trên cõi đời này không ? Chú có thể tin cậy ở cháu được không ? Cháu là ai, bạn hay thù ? ». Để trả lời điều đó, Pêchya chạy vào trong nhà và mang ra một ca nước. Chú bé ngồi xồm xuống cạnh anh thủy binh và đưa ca nước vào cặp môi cứng đờ của anh. « Chú uống nước đi, cháu là bạn đây », đôi mắt Pêchya nói như vậy.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2020, 04:05:32 pm »


        Trán người thủy binh nhăn lại đau đớn như chiếc đàn phong cầm và anh cố sức lắc đầu từ chối; đồng thời đôi mắt anh như sốt ruột nói: « Ồ, không, không cần nước đâu! Muộn quả rồi, thể xác chú không cần thiết một thứ gì nữa. Này cháu ơi, cháu có biết quân thù đang tấn công và cháu cần phải chạy cho mau, phải trốn đi không? Nhưng hãy chờ một chút, chú có chuyện này rất quan trọng cần nói với cháu».

        — Gì? Chú cần gì? — Pêchya cúi xuống thì thào vào bên tai cứng đờ, trắng bệch của anh thủy binh.

        Trong ngực anh thủy binh đó sôi quặn lèn. Với một cố gắng phi thường, anh xoay cả tấm thân đang lạnh dần, rồi bàn tay vụng về của anh bắt đầu lôi một vật gì trong người ra. Đôi mắt anh nói với chú bé như cầu khẩn : « Hãy giúp chú nào! Cháu không hiểu sao ? ». Pêchya hiểu và khắc phục nỗi sợ hãi trước cái chết đang diễn ra, chú cố sức đỡ tấm thân lạnh cứng của anh thủy binh lên và lôi ra một mảnh vải nhầu nát, đẫm máu. Chú bé thấy hình như đó là một tấm khăn trải giường với đường viền lạ lùng màu xanh. Nhưng liền sau đó, chú nhận thấy ngoài cái sọc xanh, còn có một ngôi sao đó, cái liềm và cái búa, và chú hiểu ngay đó là lá cờ của Hạm đội.

        — Cờ à? — chú bé hỏi.

        — Ừ, đó là lá cờ chiến đấu của các chú, lá cờ của chiến hạm — đôi mắt anh lính thủy nói vậy — Cầm lấy cháu. Chú tin cậy ở cháu.

        Pêchỵa hai tay đỡ lấy mảnh vải. Chú hiểu những gì đã xảy ra. Chú hiểu là có một trận đánh cuối cùng, ác liệt, quanh thành phố, các chú thủy quân đã cầm cự đến người cuối cùng, chú thủy quân này bị thương nặng và, để cứu lấy lá cờ chiến hạm, chú đã lết bụng bò trên thảo nguyên cho đến tận ngôi nhà. Thu hết tàn lực, chú đã gõ vào cửa, bây giờ chú sắp chết, và lúc hấp hối, chú trao lá cờ chiến hạm cho Pêchya để Pêchya bảo vệ lấy nó. Cùng lúc ấy, Pêchya bắt gặp một ánh ngờ vực thoáng qua trong đôi mắt anh thủy binh. Máu bốc lên mặt Pèchya, những giọt nước mắt hổ thẹn ướt đẫm hàng mi chú bé.

        — Cháu... — Pêchya cố sức nói, cảm thấy họng mình thắt lại — cháu xin... — giọng chú bé nức nở như giọng con nít, và đột nhiên vỡ ra — cháu xin thề với chú..., lời hứa danh dự của thiếu niên tiền phong, đó là lời thề...

        Pêcliya giơ chếch bàn tay run run của mình lên trên đầu. Một mùi thuốc súng cháy, mùi sò nướng, mùi mồ hôi, và một cái gì ngạt thở, có chất sắt, xông lên từ lá cờ nhầu nát, bị mảnh đạn đại bác xé rách bươm. Nước mắt chú bé trào ra. Chú khóc òa lên, nức nở, nhưng không xấu hổ vì những giọt nước mắt của mình, rồi chú cầm lá cờ lau bộ mặt ướt đẫm khiến đôi môi chú cảm thấy vị mằn mặn, có chất sắt, chú bé hiểu đó là mùi máu đã khô. Qua màn lệ, chú bé thấy anh thủy binh phác một cử chỉ với cả một cố gắng phi thường. Ngay lập tức, Pêchya hiểu anh thủy binh đang rướn mặt về phía lá cờ. Chú bé hai tay nâng lá cờ về phía anh và anh gắn đôi môi lên đó. Ngực anh phòng thật cao và không hạ xuống nữa. Bộ ngực ấy cứ vĩnh viễn như thế, với tấm áo lót bó sát người, dưới chiếc áo va-rơ rách bươm có một túi ngực nhỏ cài khuy. Đôi mắt đăm đăm của anh thủy binh, nửa nhắm nửa mở hình như hơi nhìn nghiêng xuống cái túi nhỏ ấy.

        Pêchya hiểu cái nhìn lờ đờ ấy có ý nghĩa gì. Chú lóng ngóng cởi chiếc khuy đồng có ngôi sao năm cánh, bằng những ngón tay lạnh toát, và rút từ túi ảo ra một quyển sổ nhỏ đóng bìa cứng, đẫm mồ hôi — một tấm thẻ đoàn viên Thanh niên Cộng sản trong đó có một mẩu giấy thò ra. Pêchya rút mẩu giấy và dò đọc dưới ánh sáng phản chiếu của đám cháy kỳ quái, những chữ viết nguệch ngoạc vội vàng bằng bút chì mực: «Tôi chết vì danh dự và quang vinh của Tổ quốc. Tôi tiếc không kịp gia nhập Đảng. Tôi yêu cầu được coi là đảng viên của Đảng Cộng sản vĩ đại. Bọn xâm lược pbát-xít phải chết! Chủ nghĩa cộng sản muôn năm! Đoàn viên thanh niên Cộng sản Layrôp Nikôlai ».

        Pêchya nhìn anh thủy binh đó Nikôlai Layrôp và hiểu rằng anh đã chết. Nhưng chú bé không sợ. Khẩn trương, nhưng không bối rối, với một vẻ bình tĩnh lạ lùng, chú bé  bỏ tấm thẻ đoàn viên và mầu giấy vào túi áo của mình, tháo cái huy hiệu đoàn viên Thanh niên Cộng sản trên áo va-rơ của anh thủy binh đó, rồi giấu cả vào túi, sau đó chú phanh chiếc áo khoác ngắn của mình, cởi cúc áo vét-tông, lùa lá cờ chiến hạm vào trong, quấn lá cờ cẩn thận quanh người. Pêchya cài chặt cúc lại, tự sờ nắn trước sau, rồi với đáng quả quyết, chú lau bộ mặt ướt đẫm bằng tay áo của chiếc áo khoác cũ kỹ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2020, 11:27:38 am »


       
25

        Mãi đến lúc bây giờ Pêchya mới để ý đến cái ánh phản chiếu kỳ quái của đám cháy. Ngọn lửa lúc lụi xuống, lúc bùng lên, phản chiếu ảm đạm lên những đám mây đêm bay thấp. Có cái gì đang bốc cháy ở dọc bờ, dưới chân vách biển. Pêchya đi ra chỗ mỏm cao và nhìn xuống dưới. Chú thấy mấy đống củi xếp liền nhau, đỏ rực, khói nghi ngút, cháy nối tiếp nhau rất nhanh và rất mạnh. Giữa những đống đó, xác những chiếc thuyền bốc lửa đỏ rực. Những đám tàn lửa lách tách, bay vượt lên trên luồng khói đen sì đang vật lộn với cơn lốc mù mịt của ngọn lửa đó như ớt. Có lúc, luồng khói thắng thế, có lúc ngọn lửa một mình vươn lên, có lúc cả hai quấn quít lấy nhau. Pêchya tưởng tượng chúng như hai kẻ thù đang vật lộn, một bên đỏ, một bên đen. Cuối cùng bên đỏ thắng. Lửa nhận chìm khói và bốc lên trời. Lửa chiếu sáng vào cát biển, vào sóng bạc đầu, vào vách đất nhìn nghiêng của biển với tất cả mọi chi tiết, vào những dấu vết đen sì của những đống củi cũ của ngư dân, vào những hang hốc, và những tổ chim biển. Pêchya thấy bóng Valentin và bà mẹ chạy quanh lò than hồng ấy, hai tay giơ lên che khói và lửa. Có một cái gì ảo não thảm thê trong hai bóng dáng nhỏ xíu ấy, giữa đêm tối, đang hoàn thành khẩn trương nhưng không bối rối, một nhiệm vụ mà chú không biết khó khăn đến chừng nào. Rồi bất chợt, chú hiểu công việc họ làm. Họ phá hủy những tài sản của ngư trang « Pêtren ». Họ phá thuyền, chặt cột buồm, bơi chèo, tưới dầu hỏa lên đốt.

        Pêchya chạy xuống với họ. Hai người cũng đã làm xong việc và chạy lên phía chú; họ nhảy trên những bậc long lở, khoét vào bờ đất sét dốc đứng.

        — Thế nào, sẵn sàng chưa? — Valentin hỏi, giọng khàn khàn.

        — Sẵn sàng!

        — Thế việc gì mà cứ phải đến làm quẩn chân người ta thế? Quay trở lại, mang đồ lề đi thôi.

        Cô bé nói với chú như nói với trẻ con, nghĩa là bằng giọng sai khiến. Nhưng Pêchya coi như một điều tất nhiên, chẳng lấy thế làm bực mình. Valentin và bà mẹ thở dốc. Mồ hôi bóng nhẫy trên bộ mặt đầy bồ hóng của họ. Người sặc mùi dầu hỏa, ảo bị xém vì tàn lửa. Những giọt nước mắt hòa lẫn mồ hôi chảy trên bộ mặt đen nhẻm của bà mẹ. Bộ mặt biểu lộ nỗi thất vọng, phiền muộn sâu sắc đến nỗi chú bé thấy cổ họng mình thắt lại.

        — Đau đớn chưa... Đau đớn chưa... — bà vừa lẩm bẩm một mình vừa lấy tay áo lau đôi má nhăn nheo và xì mũi — Lạy Chúa tôi, thế là bao nhiêu của cải của ngư trang đi đời nhà ma! Bà con đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vừa đến lúc có thể nói là có máu mặt một tí thì thế đấy! Sạch sành sanh... Kiếm củi ba năm thiêu một giờ.

        Bà xòe hai bàn tay, nhìn chúng với một vẻ kinh ngạc buồn bã, dường như bà không đủ sức hiểu nổi rằng chính bà với hai bàn tay này đã phá hủy những của cái vô giá của ngư trang, niềm kiêu hãnh của chồng bà, niềm kiêu hãnh của tất cả bà con đánh cá, niềm kiêu hãnh của tất cả vùng này. Hai cánh tay rã rời của bà nặng nề buông phịch xuống bên người. Bà ngồi xuống bậc đất sét trên con đường dốc, gục đầu khóc.

        — Mẹ, con cấm mẹ khóc đấy! —Valentin kêu lên với nỗi tuyệt vọng — mẹ ngẫm xem. Còn bé bỏng lắm hay sao ? Thôi mẹ đừng mua sầu chuốc não làm gì nữa. Giờ không phải lúc.

        — Cô im bặt để lấy hơi, mặt nhợt nhạt, đôi mắt mở to, cảnh mũi nở phòng.

        — Mẹ ơi, mẹ có nghe không, — đột nhiên cô nói dịu dàng và quàng lấy đôi vai còng của mẹ — mẹ có nghe con nói gì không? Đứng dậy mẹ. Ta phải đi thôi.

        Bà Matriôna Têrenchiepna không ngẩng đầu lên. Rõ ràng là bà đang tập trung sức lực. Rồi bà đứng dậy với dáng mỏi mệt, rũ váy, xua tay, và không quay đầu lại, bà rảo bước về phía ngôi nhà; Pêchya và Valentin phải theo khướt mới kịp.

        Anh thủy binh hồng quân Layrôp Nikôlai, ngực phồng cao, vẫn nằm sóng sượt dọc chân tường, giữa khoảng thềm cửa và cửa sổ. Một vũng lớn đen ngòm lênh láng dưới người anh. Bà mẹ hoảng hốt nhìn Pêchya và Valentin.

        Chú bé kể lại tất cả, nhưng không hé răng về chuyện lá cờ hạm. Chú cảm thấy mình bị ràng buộc bởi lời thề thầm lặng, ghê gớm, và phản bội lời thề ấy chẳng khác gì phản bội Tổ Quốc. Đó là một lời thề của thiếu niên tiền phong, thiêng liêng, không thể vi phạm được. Bảo rằng Pêchya không tin cậy Valentin và bà mẹ cô thì cũng không phải và lố bịch. Chú rất tin cậy họ ; đối với chú, trong lúc này họ là những người thân thiết nhất. Thế nhưng cái sức mạnh ghê gớm của lời hứa quân sự dưới nghi thức lời thề trước mặt anh chiến sĩ và đoàn viên Nikolai Layrôp, đã kiên quyết ra lệnh cho chú phải im lặng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2020, 11:28:00 am »


        Bà Matriôna Têrenchiepna quỳ xuống trước người lính và áp tai vào bộ ngực phòng cao của anh. Bà nghe ngóng thật lâu, hy vọng nhận thấy ít ra một tiếng tim đập yếu ớt, bà chạy vào nhà mang ra một tấm gương nhỏ. Bà đặt gương kề sát đôi môi xanh nhợt của người chiến sĩ. Bà nhìn chòng chọc vào mặt gương ; liệu nó có mờ đi không, liệu có hiện ra dấu vết gì, một dấu vết nhỏ nhất của hơi thở không? Nhưng mặt gương vẫn lạnh vẫn sáng. Thế là bà khẽ miết hai ngón tay cái, thận trọng vuốt hàng mi anh thủy binh, rồi hôn lên trán anh. Tính chất định mệnh của động tác hai ngón tay và tấm gương nhỏ, nhẵn bóng, lạnh lùng phản chiếu ảnh lửa vẫn không ngừng in lên tầng mây, đột nhiên tác động đến chú bé với một sức mạnh lạ thường. Chỉ đến bây giờ, và cũng là lần đầu tiên, chú mới hiểu cái đó không phải bằng lý trí, và toàn thân chú mới bị xâu xé tàn nhẫn bởi cảm giác thực sự về cái chết và bởi sự đơn giản kinh hồn của nó.

        Sau đó, chú chỉ nhớ thêm vài chi tiết tiếp diễn. Chú nhớ lại ba người đã chôn cất anh thủy binh ngay tại chỗ, không xa ngôi nhà mấy tí, họ đào huyệt bằng những cái xẻng không hiểu sao lại dắt ở trên mái nhà và cả Pêchya cũng đào, việc này thì chú nhớ như in. Chôn cất anh thủy binh xong, Valentin và chú còn phải đợi bà Matriôna Têrenchiepna đi thu thập một lúc ở trong phòng một số giấy tờ cần thiết của ngư trang. Sau cùng bà bước ra khỏi nhà, cắp một bó giấy má to tướng. Pêchya còn nhận thấy bó giấy cuộn trong những tờ báo « Công xã Hắc-hải» cũ rách. Tất cả ngư trang « Pêtren » chỉ còn lại có thế. Khi họ ra khỏi nhà được vài chục bước, bà mẹ chợt nhớ còn để quên một thứ rất quan trọng. Bà đặt bó giấy xuống cỏ, chạy về nhà rồi quay trở lại ngay, mang theo một tấm ảnh chụp chơi, nhỏ, cũ, lồng trong một khung gỗ cũng khảm xà cừ. Rồi cả ha người đi vào thảo nguyên, trong bóng tối dày đặc mà họ chưa quen mắt.

        Sau lưng, ngôi nhà nhỏ đã bốc cháy thế nào, Pêchya không nhớ. Chú chỉ nhớ nó cháy như một đống củi và, một lần nữa, trong khói lửa lại có hai kẻ vật nhau, một bên đỏ, một bên đen.

        Họ băng qua thảo nguyên. Pêchya không hiểu là sẽ về đâu. Họ đi rất lâu, vội vã; chú bé xước cả chân với đôi giày quá khổ, nhưng chú im lặng và tiếp tục khập khiễng bước. Rồi họ nhìn thấy mấy đám cháy đằng xa. Đó là vùng ngoại vi Ôđetxa đang bốc cháy: những kho dầu hỏa, xưởng sơn Vôrôsilôp, những kho nông sản. Họ đi về phía những đám cháy dọc theo một con lạch nhỏ ; dòng nước lạch phản chiếu ánh sáng các đám cháy và những tàn lửa đang điên cuồng bay lên.

        Một quả bom đã rơi xuống tòa nhà của khu ủy. Hồi nhà bên trái sụp đổ. Nhưng bản thân tòa nhà — một tòa nhà cổ, đẹp, công trình của kiến trúc sư Bôpfô — vẫn đứng vững mặc dù có nhiều chỗ giạn nứt. Phòng làm việc của bí thư khu ủy cũng bị thiệt hại. Nó đã phải dời sang một căn phòng khác, cửa sổ trông ra quảng trường Công xã.

        Không cởi áo ngoài, Secnôivanenkô bước xồng xộc vào căn phòng làm việc mới.

        Trong căn phòng ngổn ngang, ngoài người bí thư mà Secnôivanenkô rất quen biết, còn có một người khác. Người này ngồi lánh sang một bên, cạnh chiếc bàn nhỏ, đang biên chép gì vào sổ tay. Cái cặp để cạnh người, dựa vào chân ghế. Trên bàn, cạnh bình thủy tinh không và cái cốc kim loại đầy đầu mầu thuốc lá và giấy vụn, có chiếc mũ lông cừu kiểu nông thôn, đính băng đỏ du kích.

        Secnôivanenkô nhận ra cái gáy lực lưỡng với bộ tóc cắt ngắn, và trước khi người bí thư giới thiệu, ông biết đó chính là Xêrafim Ivanovich Tulvakôp nổi tiếng, chỉ huy một đội du kích, nguyên chủ tịch ban chấp hành Ôviđiôpôn, chính người cách đây không lâu, với một toán anh em, đã băng qua hỏa tuyến, giải về bộ tham mưu của quân đoàn Duyên hải, một tên đại úy tù binh Đức. Vào hồi này, người ta cho rằng Xerafim Ivanôvich Tulvakôp rất có thể làm phó cho Secnôivanenkô trong việc lãnh đạo quân sự bí mật.

        Tulyakôp đứng dậy, lấy chân chận cái cặp để nó khỏi đổ, bắt tay Secnôivanenkô. Hai người vội nhìn nhau, cùng giấu vẻ tò mò. Secnôivanenkô có con mắt sắc sảo, lão luyện, một chiến sĩ lâu năm của Đảng, quen nhận xét người. Tulyakôp gây cho ông một ấn lượng tốt: đó là một con người bình tĩnh, vững vàng, trung kiên, chắc chắn, tích cực.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM