Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:16:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng lĩnh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ  (Đọc 3473 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:15:42 am »

LÊ TRỌNG TẤN
TƯ LỆNH ĐẠI ĐOÀN BỘ BINH 312



Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 -5/12/1986), nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng (2007), Huân chương Quân công hạng Nhất hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất Nhì Ba, Huy chương Quân kỳ quyết thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét về ông là “Người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết”.

“Đây có phải là tướng đánh trận giỏi nhất ở Việt Nam không” (Chủ tịch Phidel, khi gặp Tướng Lê Trọng Tấn trong lần Chủ tịch ra thăm chiến trường Quảng Trị) “Trí - Dũng - Nhân - Chính - Liêm - Trung”, “Rộng lượng và Hào hiệp”, “Tài năng, Cương trực”, “Đức độ, Tài ba”, “Quyết đoán, Nhân nghĩa”, “Người chỉ huy ưu tú, kiên cường, người thủ trưởng có tình thương chân thành, chăm sóc anh em với tình cảm của người anh, người mẹ” (Đây là tất cả những lời tốt đẹp nhất mà các sĩ quan cao cấp dành cho ông).

Đại tướng Lê Trọng Tấn, tên thận là Lê Trọng Tố, bí danh Ba Long, sinh tại làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây trong một gia đình trí thức có 7 người con (5 trai, 2 gái). Cha ông là một thầy đồ nghèo mất khi ông mới lên 7 tuổi, ông trưởng thành nhờ sự tần tảo của người mẹ. Xã Yên Nghĩa là một xã có truyền thống yêu nước cũng như có truyền thống cách mạng, thời kì trước cách mạng, nhân dân xã đã nuôi giấu nhiều nhà cách mạng, mà sau này họ trở thành những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn...Đây chính là An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ thời tiền khởi nghĩa.

Ham mê bóng đá và võ nghệ từ nhỏ, khi là học sinh của trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An ở Hà Nội) ông đã được tuyển vào Câu lạc bộ bóng đá Không quân của Pháp. Sau đó, có một thời gian ông là lính khố đỏ.

Lê Trọng Tấn tham gia Việt Minh từ năm 1944. Lúc đầu ông được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai, Hà Nội. Tháng 3/1945, ông là thành viên trong Ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) được cử về tuyên truyền, tổ chức và xây dựng Lực lượng vũ trang tại Ứng Hòa, La Khê, La Cả (Hà Đông).

Quê ông có 4.593 nhân khẩu, nạn đói năm 1945 làm chết đói gần một nửa. Ông đã tổ chức phá kho thóc, chia gạo cho nhân dân Do Lộ vượt qua nạn đói khủng khiếp.

Tháng 8/1945, ông tham gia vào Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông phụ trách Quân sự - bởi những hiểu biết về quân sự có được trong thời gian ông làm lính khố đỏ, ông nhập ngũ từ thời điểm này. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong những ngày toàn quốc kháng chiến mùa Đông năm 1946, ông chỉ huy một tiểu đoàn chiến đấu tại mặt trận Hà Đông - một cửa ngõ quan trọng phía Tây Thủ đô. Ông tổ chức diệt bốt Đồng Quan và giành thắng lợi trận đầu tiên. Tháng 12-1945, ông được kết nạp vào Đảng. Những trận đánh hay, thắng lợi giòn giã của Hà Đông đều có ông, tổ chức cho từng trận đánh vừa củng cố, vừa xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh.

Sau Tết Đinh Hợi 1947, Bộ Tổng Tham mưu điều một số đơn vị Vệ quốc đoàn ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Nam Định, Hải Phòng... cùng một lực lượng khác thuộc Chiến khu 2 gấp rút lên miền Tây, tăng cường cho khu vực biên giới Việt - Lào để giữ vững hướng chiến lược này. Ngày 27-2-1947, Trung đoàn Tây Tiến (E52) được thành lập gồm 4 tiểu đoàn và ông là một trong những chỉ huy tiểu đoàn cùng với các ông Phùng Thế Tài, Nam Hải, Hoàng Mười... Tiếp theo đó ông lần lượt giữ chức vụ Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng các Trung đoàn Sơn La (E148) rồi Trung đoàn Sơn Tây (E37).

Ngày 23/8/1947, ông được bổ nhiệm giữ chức Khu trưởng Khu XIII khi đang giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn Tây. Ngày 25/1/1948, ông được bổ nhiệm giữ chức Khu phó Khu X.

Ngày 16/4/1949, ông tham gia dự buổi lễ thành lập Đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Liên khu X cùng với ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản (Sau này là Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào). Đâv cũng là ngày truyền thống của Bộ đội Pathét Lào. Ông là Chỉ huy trưởng Liên quân Việt - Lào tổ chức đánh các trận ở Thượng Lào, Hạ Lào, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, cánh đồng Chum, giải phóng và xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân Lào.

Năm 1949, theo quyết định của Bộ Tổng chỉ huy, trung đoàn 209, chủ lực của Liên khu 10 chuyển thành trung đoàn mạnh, trực thuộc Bộ, mang danh hiệu trung đoàn Sông Lô. Lê Trọng Tấn khi đó là Phó tư lệnh Liên khu 10 được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy.
Từ ngày 19/5 đến ngày 18/7 năm 1949, ông tham gia chi huy Chiến dịch Sông Thao. Chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vào phòng tuyến sông Thao của Pháp ở khu vực Yên Bái, Lào Cai, nhằm diệt sinh lực địch, phát động chiến tranh du kích, mở rộng khu căn cứ Tây Bắc. Chiến dịch Sông Thao gồm ba đợt kết thúc thắng lợi đã làm tiêu diệt và bức rút 25 cứ điểm, loại khỏi chiến đấu gần 500 địch, thu hơn 300 súng, phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến Sông Thao từ Ba Khe đến Bảo Hà (khoảng 70km), tạo thế liên hoàn nối liền vùng tự do của ba tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.

Tháng 11/1949, để mở thông đường liên lạc, vận chuyển từ Việt Bắc xuống Liên khu 3, 4 đồng thời thu hút lực lượng địch đang tập trung càn quét vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở chiến dịch Lê Lợi trên chiến trường tỉnh Hòa Bình. Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch đảm nhiệm từ chợ Bờ lên Suối Rút (ông Hoàng Sâm là Tư lệnh chỉ huy từ Hồi Xuân lên Mai Hạ và ông Lê Quang Hòa là Chính ủy). Kết quả Bức tường quân Pháp ngăn chặn giữa Việt Bắc và Liên khu 3, 4 bị đập tan, toàn huyện Mai Châu được giải phóng. Âm mưu lập xứ Mường tự trị bị phá sản.

Năm 1950, Đại đoàn 312 được thành lập, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên khi mới 36 tuổi.

Tháng 9/1950, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định mở Chiến dịch Biên Giới nhằm khai thông đường liên lạc giữa Việt Nam với hệ thống xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Lê Trọng Tấn được cử làm Phó tư lệnh chiến dịch đồng thời ông là chỉ huy của trận đánh tiêu diệt Binh đoàn cơ động Sác-tông của Pháp.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy là Đại đoàn đánh trận mở đầu thắng lợi vào cứ điểm Him Lam (Béatrice) (ngày 13/3/1954) khiến cho thiếu tá Pégrot bị tử thương cùng với toàn bộ sĩ quan trong hầm. Ngày 7/5/1954, trong đợt tiến công cuối cùng, một đơn vị của Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn của ông cùng với một đơn vị thuộc Trung đoàn 174 đã bắt sống tướng Đờ Cát và ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

Từ tháng 12/1954 đến năm 1960 ông là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân. Đầy là thời kì hết sức quan trọng nhằm đào tạo nguồn cán bộ quân sự chi viện cho miền Nam chuẩn bị cho Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ tháng 3/1961 đến năm 1962 ông giữ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 9/1964, để chuẩn bị đánh Mỹ, cùng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông được cử vào Nam nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh, ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam cho đến năm 1969. Ông là một trong các vị tướng tham gia tổ chức Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
Từ năm 1970 đến năm 1971, ông là Đặc phái viên Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạch Bộ chỉ huy Quân Giải phóng nhân dân Lào, tham gia chỉ đạo cánh đồng Chum.

Ngày 30/1/1971, Quân đội Mỹ kết hợp với Quân đội Việt Nam Cộng hòa mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tiến ra đường số 9 và Nam Lào, nhằm đánh chiếm Sê Pôn và chặn phá đường mòn Hồ Chí Minh. Đối phương huy động tới hơn 3 vạn quân chủ lực, 450 xe tăng, 250 khẩu pháo, 700 máy bay, chia làm 3 hướng: cánh quân chủ yếu vượt qua Lao Bảo đến Bản Đông: hai cánh còn lại dùng trực thăng đổ bộ xuống các điểm cao bên đường 9, đồng thời tuyên bố: “Sẽ đón các nhà báo quốc tế tại Sê Pôn”... Quân ủy Trung ương đã chủ động mở Chiến dịch Đường 9, Nam Lào (Mật danh 720) để dối phó, khiến cho quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa từ thế chủ động sang thế bị động phải rút lui. Ngày 7/3/1971, khi nghe báo cáo “Việt Nam Thông tấn xã báo cho Cục Tuyên huấn là ngụy Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa phóng viên báo chí phương Tây đến Sê Pôn...”. ông đã nói ngay: “Địch sắp rút”... Và ngay hôm sau, lời kêu gọi của Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận đã được truyền xuống các đơn vị: “Thời cơ chuyển sang tiến công trên toàn mặt trận đã đến! Diệt và bắt sống thật nhiều địch! Phá hủy thật nhiều phương tiện chiến tranh của chúng! Đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719! Bảo vệ vững chắc con đường mang tên Bác, giành toàn thắng cho chiến dịch”...Mười ngày tiếp đó, từ các mũi, hướng, bộ đội dồn dập tấn công. 18-3-1971, đối phương phải bỏ Bản Đông tháo chạy, và cuộc hành quân Lam Sơn 719 dã bị đập tan!

Năm 1972, ông được cử làm Tư lệnh chiến dịch Quảng Trị với mật danh anh Trọng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị 1/5/1972.

Năm 1973, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1, là Quân đoàn bảo vệ miền Bắc.

Tháng 3/1975, ông làm Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Đánh tan Quân đoàn I, Quân khu I Việt Nam Cộng hòa khi mà tại căn cứ Liên hợp Quân sự Đà Nẵng họ còn tới gần 10 vạn quân cộng với vũ khí hiện đại.

Tháng 4/1975, ông được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông (gồm quân đoàn 2, quân đoàn 4, sư đoàn 3) tấn công vào Sài Gòn. Chính trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng óc phán đoán và đầu óc phân tích chiến lược, ông đã đề nghị Quân ủy cho cánh quân của mình nổ súng trước giờ G để cho đối phương không kịp co cụm hay phá hủy cầu. Chính Lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2 thuộc cánh quân của ông đã tiến vào dinh Độc Lập đầu tiên.

Từ năm 1976 đến tháng 2/1977, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Học viện quân sự cao cấp.

Từ tháng 6/1978 đến năm 1986 ông là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ tháng 12/1978 đến tháng 2/1979 ông chỉ huy các lực lượng vũ trang trong chiến tranh biên giới Tây Nam và đánh quân Khmer Đỏ của Pol Pot ở Campuchia.

Ngày 1/7/1983, 70 tuổi, ông vẫn chỉ huy trận đánh bảo vệ Biên giới phía Bắc.

Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 4 và 5 (từ 1976 đến 1986), đại biểu Quốc hội khóa VII.

Ông được mệnh danh là tướng trận, tướng tấn công và thường ví ông như nguyên soái Giucov của quân đội Liên Xô. Các nhà khoa học quân sự và quân đội anh em kính nể, học tập ông về tài năng, đức độ và tầm chiến lược, chiến thuật, kiệt xuất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông đánh giá đúng tình hình, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng thể hiện tài năng của người chỉ huy trận mạc. Ông là hình mẫu của quân lệnh như sơn, thẳng thắn, nghiêm túc, bao dung, biết đánh, nhưng cũng biết dừng để bảo toàn lực lượng.

Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, mũi tiến công vào đâu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các quân đoàn do ông chỉ huy đều đoàn kết một lòng một dạ tin tưởng, vững tâm vào tài năng, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán cho từng trận đánh. Kẻ thù nghe tin tướng Ba Long chỉ huy chiến dịch nào đều sợ hãi, hoảng loạn, co cụm, bạc nhược và tê liệt sức chiến đấu, đó là uy quyền của một dũng tướng. Thắng lợi trong những trận đánh, tất yếu có sự hy sinh đổ máu. Ông không bao giờ chấp nhận câu nói: “Trận này ta thiệt hại không đáng kể”. Vì đây là sự hy sinh xương máu của các chiến sĩ.

Cuộc đời ông đã có mặt hầu hết ở các chiến trường nóng bỏng và đã chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cả 2 miền Nam - Bắc. Dấu ấn 2 mốc son lịch sử của ông năm 1954, ông là Đại đoàn trưởng F312 đã chỉ huy tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử, đánh phía Đông vào Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát. Năm 1975, ông là Tư lệnh trưởng, chỉ huy các binh đoàn đánh phía Đông vào Dinh độc lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, bắt sống tướng Dương Văn Minh, phải đầu hàng vô điều kiện.

Hai trận đánh, hai mốc son lịch sử đã kết thúc hai cuộc chiến tranh với quân đội viễn chinh Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Mở ra kỷ nguyên mới, hòa bình, thống nhất độc lập và tự do của dân tộc. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Hai trận đánh xứng đáng hai lần anh hùng.

Lê Trọng Tấn, một vị tướng tài năng có kinh nghiệm và kiến thức khoa học quân sự. Chiến dịch giải phóng miền Nam, ông đã chỉ huy vài vạn quân với hàng nghìn xe các loại, hợp đồng ba thứ quân và các binh chủng, vượt qua hàng nghìn cây số, vượt 500 con sông, đến đúng giờ quy định của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quyết định thắng lợi ngày 30/4/1975. Với chiến thuật đánh chắc thắng chắc, bao vây giỏi, chiếm từng phần, đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, trong đánh ra ngoài đánh vào, khống chế điểm mạnh, đánh điểm yếu của địch, diệt từng phần, chớp thời cơ, tiêu diệt toàn bộ sinh lực của địch. Đã đúc kết được 6 nội dung là: Vây lấn, tấn, phá, triệt, diệt có giá trị cho lịch sử khoa học quân sự Việt Nam.

Không thể kể hết công trạng quá dài của ông, người ta chỉ có thể ghi nhận điều cốt yếu: ông luôn được tin cậy để giao nhiệm vụ gây dựng nền móng ban đầu cho những công việc hệ trọng và mới mẻ. Không chiến trường nào không lưu dấu chân ông từ Bắc-Nam-Trung, không cuộc chiến tranh nào dù chống Pháp, chống Mỹ, chống bọn diệt chủng Pôn Pốt hay bảo vệ biên giới phía Bắc, lại không cần đến tài năng quân sự của ông. Từ vai trò Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân cho đến Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, Giám đốc Học viện chính trị cao cấp Bộ Quốc phòng, ông là người thầy xứng đáng cho những sĩ quan thế hệ sau. Nhưng đáng nói hơn, ông là tướng tư lệnh của tất cả những chiến dịch lớn nhất, quan trọng nhất trên các chiến trường quyết định: Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng-Dầu Tiếng...; chiến dịch Đường 9 Nam Lào, mặt trận Trị Thiên mùa hè 1972; tư lệnh cánh quân duyên hải, khai sinh sau khi Đà Nẵng giải phóng, đến Sài Gòn sớm nhất vào mùa xuân 1975... 70 tuổi Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn khoác áo lính ra trận.

Mưu trí nhưng thận trọng, ông luôn tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất cho binh sĩ. Với sĩ quan thuộc cấp, ông chân thành thương yêu nhưng không cho phép sai sót. Ông là vị tướng “biết dùng quân, luyện quân, nuôi quân, chỉ huy quân”. Là một vị tướng chiến trường nổi tiếng nhưng ông cũng là một người có đầu óc chiến lược. Một vị tướng chiến lược mà vóc người thanh mảnh, nói năng nhỏ nhẹ như thầy giáo làng quê mà ta thường gặp, rất dễ gần gũi.

Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1961, Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1980 và Đại tướng năm 1984. Ông mất ngày 5/12/1986 tại Hà Nội.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:16:59 am »

TRẦN ĐỘ
CHÍNH ỦY ĐẠI ĐOÀN BỘ BINH 312



Ông Trần Độ tên khai sinh là Tạ Ngọc Phách sinh ngày 23/9/1923, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chính ủy kiêm Phó Bí thư Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính ủy Quân khu Tả Ngạn, Chính ủy Mặt trận Hà Nội (1946).

Thiếu tướng (1958), Trung tướng (1974).

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất...

Ông quê ở huyện Tiền Hải, tính Thái Bình trong một gia đình công chức thời Pháp. Năm 1939, ông tham gia làm báo Người Mới ở Hà Nội. Cùng năm này ông bị thực dân Pháp bắt nhưng không có đủ chứng cứ nên ông được thả. Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1941, ông lại bị bắt và bị kết án 15 năm tù giam lần lượt tại Hỏa Lò (Hà Nội) rồi Sơn La. Năm 1943, ông trốn thoát thành công trên đường giải ra Côn Đảo và tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong Cách mạng tháng Tám, ông lãnh đạo giành chính quyền ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), ông là Chính ủy Mặt trận Hà Nội. Năm 1950, ông làm chính ủy Trung đoàn Sông Lô, rồi Chính ủy Đại đoàn 312. Năm 1954, tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chính uỷ Đại đoàn 312. Năm 1955, ông là Chính ủy Quân khu Tả ngạn. Năm 1958 ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Bước vào thời kì kháng chiến chống Mỹ, cuối năm 1964, với bí danh Chín Vinh ông vào Nam chiến đấu và giữ chức Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1974, ông được phong hàm Trung tướng.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, từ năm 1974 đến năm 1976, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Sau đó chuyển ngành giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Khi Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương được thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng Ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

Ông còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Chủ nhiệm ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992). Ông cũng là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 3 (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), 4, 5, 6 (1960-1991)..
Ông mất ngày 09/8/2002 tại Hà Nội.

Tháng 10/2007, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành cuốn Chuyện tướng Độ của nhà văn Võ Bá Cường.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:18:18 am »

HOÀNG KIỆN
THAM MƯU TRƯỞNG ĐẠI ĐOÀN BỘ BINH 312



Tên đúng của ông là Hoàng Văn Kiện, người xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ngày sinh của ông không được xác định rõ, vào khoảng tháng 3/1921. Theo gia phả họ Hoàng ở Đô Lương thì thủy tổ của ông vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Mạc. Khi vua nhà Mạc bị nhà Lê đuổi lên Cao Bằng, gia tộc ông đổi sang họ Hoàng, sau dời đến khai khẩn lập ấp ở Đô Lương.

Thời thanh niên, nhà nghèo, để sinh kế, ông tham gia lực lượng lính khố đỏ của chính quyền thực dân Pháp. Khi Nhật đảo chính Pháp, ông bỏ ngũ về quê, tham gia huấn luyện quân sự trong phong trào Việt Minh. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông tham gia cướp chính quyền và phong trào Nam tiến, trở thành Tiểu đội trưởng Giải phóng quân ở Huế. Sau đó, tháng 11/1945, ông trở lại Nghệ An, làm Trung đội trưởng Giải phóng quân ở Vinh, sau đó được cử tham gia hoạt động cách mạng ở Mường Xén (Lào). Tháng 4/1946, ông là Đại đội trưởng rồi Tiểu đoàn phó Tiếp phòng quân. Ông được kết nạp vào Đảng tháng 7/1946 (chính thức tháng 11/1946).

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tháng 12/1946, khi đó ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Tiểu đoàn Đống Đa) trực thuộc Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thăng Long). Tháng 5/1947, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 48 trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 316. Từ tháng 10/1948, ông lần lượt giữ các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Trung đoàn 64 rồi Trung đoàn 66. Năm 1953, ông là Tham mưu trưởng Đại đoàn 312 (Đại đoàn Chiến Thắng), tham gia trận Điện Biên Phủ, công kích đồi Him Lam.

Tháng 9/1954, ông được cử giữ chức vụ Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn pháo cao xạ 367 trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh. Sau khi cùng đơn vị tiếp quản miền Bắc, năm 1955 ông được cử đi học pháo binh ở Trung Quốc, trở về nước ông tiếp tục giữ chức vụ Đại đoàn trưởng Đại đoàn pháo cao xạ 367. Tháng 5/1958, ông là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không. Từ tháng 11/1958, ông lần lượt giữ quyền Tư lệnh rồi Tư lệnh (tháng 11 năm 1960) Bộ Tư lệnh Phòng không với cấp bậc Đại tá.

Năm 1962, ông được biệt phái về Cục Phòng không Nhân dân trực thuộc Phủ thủ tướng.

Tháng 8/1965, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 304 vào chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên (B3) cho đến năm 1966 là Tham mưu trưởng mặt trận. Tháng 1/1967, ông ra Bắc giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Tư lệnh Phòng không Quân khu. Tháng 5/1970, ông vào làm Phó Tư lệnh Mặt trận 968. Tháng 10/1970, ông trở lại chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 4, đến năm 1972, chuyển sang làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559. Tháng 8/1974, ông giữ chức vụ Viện trưởng Học viện Hậu cần.

Đầu năm 1975, ông được cử đi học bổ túc tại Học viện Hậu cần Lê-nin-grát của Liên Xô cho đến tháng 8 năm 1975. Sau khi về nước, ông tiếp tục giữ chức Viện trưởng Học viện Hậu cần. Năm 1977, ông được nhà nước Việt Nam phong hàm Thiếu tướng.

Tháng 2/1981, ông là Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao, Ủy viên Hội đồng khoa học của Viện cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 3/1986.

Tướng Hoàng Kiện nổi tiếng về tính liêm khiết, được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương trước toàn quân bằng câu nói “Tướng Thanh, tá Kiện”.
Thiếu tướng Hoàng Kiện là một con hổ đã vẫy vùng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã nhiều lần làm cho quân thù khiếp vía, run sợ. Nhưng giữa đời thường, ông luôn thực hiện nếp sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Với bạn bè, ông sẵn sàng thành tâm giúp đỡ. Một nhà báo từng viết: “Ông không thích bàn chuyện dựng vợ gả chồng, nhưng khi cậu cần vụ của ông cưới vợ, ông rút tiền ở sổ tiết kiệm ra cho để sắm sửa. Mẹ đồng chí trợ lí bị ốm, ông cho hẳn một nửa tháng lương để lo thuốc thang”. Chiến tranh đã lùi xa, ông dốc lòng vì sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ cho quân đội, về già ông vẫn sống một mình, không vợ, không con.

Trở về quê hương, Thiếu tướng Hoàng Kiện không nhận tiền trợ cấp của Nhà nước. Hai người cần vụ được ông cho về đơn vị. Ông tự trồng rau, nuôi gà và nấu ăn. Ông không thích làm phiền người khác. Lúc khỏe mạnh, lúc nào rau cũng đầy vườn, gà cũng đầy sân. Ông làm việc rất nguyên tắc và khoa học. Ông thường đọc báo vào sáng sớm, lúc đó có ai đến chơi ông đưa báo cho họ đọc luôn. Buổi chiều, ông làm vườn, có người đến ông vẫn cứ tưới nước, vun gốc cho cây, vừa làm vừa nói chuyện mà không nghỉ tay. Ông dành khoảng thời gian riêng cho bạn bè, làng xóm, lúc đó ông nói chuyện rất vui vẻ, thoải mái, ai có việc khó khăn ông sẵn sàng giúp đỡ.

Hơn 10 năm nghỉ hưu, sống ở quê, ông không vắng mặt một buổi sinh hoạt Đảng hay họp Hội CCB. Ông thẳng thắn chỉ ra những sai trái của cán bộ, đảng viên từ xã đến huyện, giáo dục truyền thống cách mạng, về CNXH để họ thấm nhuần lý tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Nhiều xã trong huyện đã mời ông đến nói chuyện thời sự chính trị cho các cán bộ xã, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ông được Nhà nước tặng thưởng:

Huân chương Quân công hạng Nhất
Huân chương Chiến công hạng Nhì
Huân chương Chiến thắng chống Pháp hạng Nhất
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba)
Huy chương Quân kỳ quyết thắng
Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng Hoàng Kiện là niềm tự hào của bao thế hệ người con Đô Lương. Ông mất ngày 21/4/2000. Ngôi mộ ông nằm bên cạnh con sông Đào. Từng con nước trên sông ngày ngày vẫn mang nặng phù sa bồi đắp nên những cánh đồng trù phú. Con nước ấy, cứ mãi chảy về xuôi, cũng như công lao ông dành cho quê hương, đời sau còn mãi khắc ghi!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:22:44 am »

LÊ QUẢNG BA
TƯ LỆNH ĐẠI ĐOÀN BỘ BINH 316



Lê Quảng Ba sinh năm 1914, tên thật là Đàm Văn Mông; dân tộc Tày; quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia cách mạng năm 1935, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936. Lê Quảng Ba cùng với đồng chí Hoàng Sâm (sau này là Thiếu tướng Hoàng Sâm) và Lê Thiết Hùng (Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam) có nhiệm vụ đi tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng.

Năm 1941, ông cùng Lê Thiết Hùng tổ chức lớp học quân sự đầu tiên ở Cao Bằng để thành lập đội du kích tập trung đầu tiên và phụ trách đội, trong đội có Nông Thị Trưng.

Năm 1941, Lê Quảng Ba cũng là người đã bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó. Ngày 28/1/1941, Tết Tân Tỵ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt cột mốc 108 biên giới Trung Quốc - Việt Nam địa phận thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người bảo vệ và dẫn đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ cách mạng gồm các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp về nước ngày ấy là đồng chí Lê Quảng Ba. Ngoài nhiệm vụ được đoàn thể cách mạng giao cho là đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước đầu năm 1941, Lê Quảng Ba còn là người chịu trách nhiệm nơi ăn, chốn ở, nơi họp và bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Khuổi Nặm (Pác Bó - Cao Bằng).
Từ cuối năm 1944 đến năm 1945, ông làm ủy viên quân sự và Phái viên kỳ bộ Việt Minh ở Cao-Bắc-Lạng.

Từ tháng 11/1945 đến năm 1947, ông làm Khu phó Khu 1, Khu trưởng Khu Hà Nội rồi Khu trưởng Khu 12.

Từ năm 1948 đến năm 1949, ông làm Chỉ huy phó Mặt trận 2 (Đông Bắc) rồi Chỉ huy trưởng Mặt trận Duyên hải Đông Bắc và Thập Vạn Đại Sơn.

Tháng 12/1949, ông làm Tư lệnh Liên khu Việt Bắc.

Tháng 5/1951, ông làm Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 316.

Từ năm 1957 đến năm 1959, ông làm Tư lệnh Quân khu Việt Bắc.

Năm 1958, ông được thụ phong quân hàm Thiếu tướng.

Lê Quảng Ba là một tướng lĩnh người Tày đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh đầu tiên Quân khu Việt Bắc.

Năm 1960, ông chuyển ngành, làm Trưởng ban Ban Dân tộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương.

Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng:

Huân chương Hồ Chí Minh.
Huân chương Chiến thắng hạng Nhất
Huân chương Quân công hạng Nhất.
Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Huy chương Quân kỳ quyết thắng.
Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:24:40 am »

CHU HUY MÂN
CHÍNH ỦY ĐẠI ĐOÀN BỘ BINH 316



Chu Huy Mân (tên khai sinh là Chu Văn Điều) sinh ngày 17/3/1913, trong một gia đình nông dân nghèo có 8 người con tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước; lớn lên trên mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa đã góp phần hun đúc nên tinh thần, nghị lực và bản lĩnh kiên cường của người chiến sỹ cách mạng - Đại tướng Chu Huy Mân.

Ông tham gia cách mạng năm 1929, vào Đảng năm 1930. Trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, ông tham gia đội Tự vệ đỏ và là đội phó đội tự vệ xã, sau đó làm Bí thư chi bộ xã (năm 1933), Bí thư phân Huyện ủy huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (năm 1936).

Tháng 5/1935, ông đổi tên là Chu Huy Mân.

Từ 1937 - 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở Nhà lao Vinh. Năm 1940, ông bị đưa đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum. Trong nhà lao, bọn địch dùng đủ mọi thủ đoạn vừa dụ dỗ vừa đánh đập dã man nhưng không thể nào khuất phục được ý chí sắt thép của người chiến sĩ cộng sản.

Năm 1943, ông vượt ngục thành công, sau một thời gian bắt liên lạc được với tổ chức Đảng tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian ở Quảng Nam, đ/c Chu Huy Mân tham gia tích cực trong Ban Mặt trận Việt Minh tỉnh và được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam. Tháng 8/1945, đồng chí Chu Huy Mân cùng với các đồng chí nòng cốt trong Mặt trận Việt Minh tỉnh và Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Quảng Nam lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Sau khi giành được chính quyền năm 1945, ông vào quân đội và lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ, Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc.

Từ năm 1947 đến năm 1949, ông là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao -Bắc - Lạng. Đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Chính uỷ, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân, trung đoàn 174 đã tổ chức ra quân đánh phục kích lớn trên đường số 4 làm tê liệt, cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của địch từ xuôi lên Việt Bắc, tiêu diệt gần 500 tên địch, bắt sống 60 tên, làm bị thương 300 tên, phá huỷ 53 xe tăng. Ngày 30/1/1950, đồng chí Chu Huy Mân lại chỉ huy Trung đoàn 174 tổ chức đánh trận lớn tiêu diệt gần 5.000 tàn quân Tưởng, bắt đầu hàng khoảng 4.000 tên.

Tháng 8/1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch Biên giới. Các lực lượng tham gia chiến dịch bao gồm Trung đoàn 174 của đồng chí Chu Huy Mân, đại đoàn 308, các tiểu đoàn 209, 426, 428, 888 và một số bộ đội địa phương tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn cùng 10 vạn dân công. Sau chiến dịch Biên giới thắng lợi, trung đoàn 174 về đóng quân gần thị xã Lạng Sơn. Đồng chí Chính uỷ Chu Huy Mân nhận được lệnh lên cơ quan Bộ để nhận nhiệm vụ mới. Khi đến cơ quan Bộ đóng ở Hòa An, Cao Bằng, đồng chí Chu Huy Mân đã đến làm việc và báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi nắm rõ tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo với đồng chí Chu Huy Mân cùng sang gặp Bác. Đó là lần đầu tiên Đại tướng Chu Huy Mân được gặp trực tiếp Bác Hồ...

Tháng 5/1951, đại đoàn 316 được thành lập. Đồng chí Chu Huy Mân được cử làm phó chính uỷ, sau đó là Chính uỷ, Bí thư đảng ủy đại đoàn 316. Đại đoàn 316 do đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy, với niềm kiêu hãnh chiến công của Trung đoàn 174 làm trụ cột trong chiến dịch Biên giới đã tự tin, hùng dũng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và được giao nhiệm vụ đánh những vị trí then chốt như đồi Cl, C2 và đồi A1, góp phần quyết định đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.

Tháng 7/1954 Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao đồng chí làm Tổng cố vấn quân sự sang giúp nước bạn Lào cùng với 100 cán bộ quân sự Việt Nam.

Trước khi đồng chí Mân sang Lào, Bác Hồ gọi đến gặp và căn dặn: “Chú Mân và anh em Đoàn 100 có quyết tâm rất cao. Chú đã chịu khó học tập, rèn luyện, biết cả chính trị, quân sự và công tác tổ chức, có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu thế là rất tốt. Tình hình bạn Lào là rất khó khăn, mục tiêu giúp bạn: xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trưởng thành cả phẩm chất chính trị, năng lực, đảm đương được nhiệm vụ, làm chủ lấy công việc, phải kết hợp chặt chẽ giữa giúp công việc với giúp bồi dưỡng con người; Ba điều cần nhớ cốt yếu của cách mạng Lào là: lâu dài, gian khổ, tự lực cánh sinh là chính và nhất định thắng lợi”; Cuối cùng Bác căn dặn “Giúp bạn là tự giúp mình”.

Lời dạy của Bác đã trở thành phương châm hành động của đồng chí Chu Huy Mân trong suốt thời gian làm tổng cố vấn - chuyên gia ở Lào, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm cao cả cùng Đảng uỷ, cán bộ Đoàn 100 nghiên cứu, xác định là phương châm, nguyên tắc, phương pháp giúp bạn có hiệu quả cao.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tổng cố vấn, trước khi chia tay lãnh đạo, nhân dân Lào về nước, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Tổng chỉ huy quân đội Pathét Lào Cayxỏn Phôm Vi Hẳn phát biểu: Chưa đầy 3 năm, được sự giúp đỡ của Tổng cố vấn, Chuyên gia và cán bộ Đoàn 100 đã xây dựng thành công các đơn vị bộ đội chủ lực trung trực thuộc Bộ Quốc phòng, xây dựng, bảo vệ trọn vẹn Hài Lỉnh Hủa Phăn và Phông Xà Lỳ, tạo dựng lực lượng khá vững chắc để phát triển cách mạng Lào... giúp bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng trong lực lượng vũ trang cả số lượng, chất lượng tăng lên gấp bội là lực lượng nòng cốt, vững chắc cho Đảng và cách mạng Lào; chân thành cảm ơn Bác Hồ, Bộ Chính trị Trung ương và Quân ủy Trung ương Việt Nam đã cử đồng chí Chu Huy Mân và 100 cán bộ sang giúp Lào một cách vô tư, tận tình, chân thành có hiệu quả và tin cậy.

Năm 1957, ông giữ chức Chính ủy Quân khu IV; năm 1958, là Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc.

Tháng 5/1961, đồng chí giữ chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu IV.

Năm 1964, đồng chí Chu Huy Mân vào chiến trường khu V, lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Khu uỷ, Bí thư khu uỷ Quân khu V. Đó là những năm tháng rất ác liệt, bằng tài năng và trí tuệ của mình, với quyết tâm cao, đồng chí Chu Huy Mân cùng tập thể lãnh đạo Khu uỷ chỉ huy quân và dân làm nên nhiều chiến công giòn giã như trận Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường.

Tháng 7/1976, đồng chí Chu Huy Mân làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ - Bí thư Đảng uỷ Mặt trận Tây Nguyên. Chiến thắng Plâyme do Tướng Chu Huy Mân chỉ huy đã đi vào lịch sử như một mốc son của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng 8/1965, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên.

Trong hơn 10 năm chỉ huy bộ đội Quân khu 5 từ năm 1964 cho đến Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân là chỗ dựa tin cậy của quân và dân khu 5 trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất. Trong thời gian công tác ở Quân khu 5, đồng chí Chu Huy Mân được mọi người gọi với cái tên thân thương là anh “Hai Mạnh”.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1977-1986), phụ trách công tác giúp Cách mạng Lào, Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc (năm 1980).

Ông là Đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986), là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, IV, V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V.

Với những thành tích đã đạt được qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng chí Chu Huy Mân được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, vượt cấp lên Thượng tướng năm 1974, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng phong hàm Đại tướng năm 1980.

Hơn 75 năm đứng trong hàng ngũ của đảng, hơn 50 năm hoạt động trong Nhà nước và trong quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ và cương vị quan trọng trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự. Nhiệm vụ nào, cương vị nào Đại tướng cũng hoàn thành xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và quân dân tin yêu, cảm phục. Với công lao to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đại tướng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Đặc biệt ông là một trong số ít những vị Đại tướng được tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Đại tướng nghỉ hưu tháng 12/1986. Ông mất ngày 1/7/2006 tại Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và quê hương cùng nhân dân cả nước...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:25:45 am »

VŨ LẬP
THAM MƯU TRƯỞNG ĐẠI ĐOÀN BỘ BINH 316



Thượng tướng Vũ Lập sinh năm 1924, tên thật là Nông Văn Phách người dân tộc Tày quê tại xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia cách mạng năm 1941, được kết nạp Đảng năm 1945. Tháng 12/1944, ông là chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tháng 8/1945, ông là Ủy viên Quân sự tỉnh Thái Nguyên.

Thượng tướng Vũ Lập từng giữ các chức vụ: Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Tư lệnh - Chính ủy Quân khu 2. Ông là một trong 34 chiến sĩ thuộc Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngoài ra ông còn từng là: Trưởng Ban dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm ủy ban dân tộc Chính phủ. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa IV đến khóa VI, đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa VI đến khóa VIII.

Từ năm 1946 đến năm 1954, ông làm Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đại đoàn 316. Từ năm 1955 đến năm 1964, ông làm Khu phó Khu Tây Bắc, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Tháng 4/1970, ông làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Từ năm 1970 đến năm 1974, ông làm Tư lệnh các mặt trận: 316 và 31 (Thượng Lào).

Năm 1974, ông được phong Thiếu tướng. Từ tháng 6/1974 đến năm 1976, ông làm Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Năm 1977, ông làm Trưởng ban Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ. Từ năm 1978 đến năm 1987, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 2 (thôi kiêm nhiệm năm 1978). Thượng tướng Vũ Lập liên tục là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt từ khoá IV đến khoá VI, đại biểu Quốc hội từ khoá VI đến khoá VIII.

Năm 1980, ông được phong quân hàm Trung tướng và đến năm 1984 được phong Thượng tướng.

Ông đã được Nhà nước trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Ông qua đời năm 1987.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:26:53 am »

ĐÀO VĂN TRƯỜNG
QUYỀN TƯ LỆNH ĐẠI ĐOÀN CÔNG PHÁO 351



Ông Đào Văn Trường sinh năm 1918, tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ và được kết nạp Đảng từ năm 1938. Quá trình công tác, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bí thư Liên tỉnh B, Bí thư Chi bộ nhà tù Hỏa Lò, Tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam, Quyền Tư lệnh đại đoàn công pháo 351 tại mặt trận Điện Biên Phủ...

Xuất thân từ một gia đình quan lại gốc Hà Nội, năm 1936, người thanh niên Đào Văn Trường tham gia cách mạng vô tư như một trách nhiệm của người công dân làm việc có ích cho đất nước. Thế hệ của ông với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng từ bỏ phú quý sang giàu, dấn thân vào cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc chỉ là sự tự nhiên...

Với ông, ký ức về Điện Biên chính là sự kiện hào hùng nhất. Ngày đó, ông đã trực tiếp chỉ huy pháo binh 105 li và pháo binh 75 li ở tiền tuyến bằng vốn kiến thức tự học.

Nhằm chuẩn bị cho trận đánh lớn, “bảo bối” giúp ông chỉ huy cả trận địa là tấm bản đồ tỷ lệ 1/25.000 và một số ảnh chụp cứ điểm Điện Biên Phủ từ trên cao mà tổ trinh sát của trung đoàn 148 lấy được tại trung tâm Mường Thanh. Chính nhờ tấm bản đồ này pháo binh Điện Biên đã triển khai nhuần nhuyễn trận địa pháo “đẩy ra kéo vào” từ các đường hầm trong sườn núi, giúp độ biến ảo của thế trận tăng lên mà thương vong lại giảm đáng kể. Ông kể: “Những ngày đầu, khi đưa pháo lên Điện Biên Phủ, pháo binh chúng tôi chỉ có trong tay tấm bản đồ 1:100.000m thiếu rất nhiều chi tiết. Chúng tôi đành phải quan sát địa hình bằng chiếc ống nhòm, ước tính độ dốc, bổ sung những ngọn núi, con suối không có tên trong bản đồ”.

Cách làm mang tính thủ công ấy khiến cho tầm nhìn của pháo binh bị hạn chế nhiều. Đúng lúc chiến dịch sắp mở màn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn pháo binh nhận được tấm bản đồ Điện Biên Phủ của thực dân Pháp vẽ. Cùng với những tấm ảnh chụp trên máy bay 49 cứ điểm của địch, chiến trường Điện Biên Phủ trở nên rõ ràng như lòng bàn tay.

Nhờ nó, ông và các cộng sự đã vẽ được các vị trí của địch và chọn địa điểm đặt pháo của ta, hiệu chỉnh đường bắn pháo. Tấm bản đồ khiến cho những quả đạn pháo 105 ly như có mắt, bắn rất chính xác vào các cứ điểm của Pháp.

Hỏa lực của Đại đoàn Công pháo 351 đã trút những quả đạn xuống lô cốt của Pháp, gây ra sức nóng trên 1.000 độ. Mức tản xạ của hỏa tiễn và pháo 105 ly rất lớn trong khi khoảng cách giữa ta và địch lại gần nhưng bộ đội vẫn không bị ảnh hưởng nhờ đôi mắt mà tấm bản đồ đã gắn cho các nòng pháo.

Tấm bản đồ đã theo ông đi khắp các trận địa pháo trong những ngày ác liệt nhất. Đó là con mắt để những người lính pháo binh hiệu chỉnh nòng pháo và chọn vị trí đặt pháo. Pháo binh và cao xạ di chuyển theo bước tiến của bộ binh, tạo thành gọng kìm bóp chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau này, từ một gợi ý của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tấm bản đồ đã được ông Đào Văn Trường trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Sau này, khi viết về chiến dịch Điện Biên Phủ, Bernard B.Fall - nhà báo, nhà sử học, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Điện Biên Phủ - Một góc địa ngục” - nhắc đến tấm bản đồ 1:25.000: “Nhờ có tấm bản đồ này, Việt Minh có điều kiện hiệu chỉnh đường bắn của pháo binh với độ chính xác cao nhất”.

Tháng 3/2013, ông đã được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:28:36 am »

PHẠM NGỌC MẬU
CHÍNH ỦY ĐẠI ĐOÀN CÔNG PHÁO 351



Phạm Ngọc Mậu tên thật là Phạm Ngọc Quyết, sinh năm 1919, quê ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Đầu năm 1938, ông tham gia tổ “Tương tế” nông dân và Đoàn thanh niên Dân chủ, từ đó chịu ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tháng 11/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được chỉ định vào Ban Chấp hành Thanh niên Phản đế huyện Kiến Xương, phụ trách Trung đội trưởng tự vệ huyện Kiến Xương, Thái Bình. Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt kết án 10 năm tù khổ sai và 10 năm quản thúc, giam tại các nhà lao: Thái Bình, Hỏa Lò, Sơn La, Hoà Bình, Chợ Chu. Sau đó, thực dân Pháp lại đưa ông về nhà tù Sơn La. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng thời cơ ông và một số đồng chí trốn thoát về Sơn Tây thì bắt liên lạc với Tính ủy Sơn Tây và được Xứ ủy Bắc kỳ quyết định bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn Tây, phụ trách công tác ở thị xã Sơn Tây, huyện Tùng Thiện, Bất Bạt, Quảng Oai. Tháng 12/1946, ông là chính uỷ Khu I. Tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chính uỷ Đại đoàn công pháo 351.

Sau này trong hồi ký Kéo pháo vào, kéo pháo ra, ông đã hồi tưởng lại: “Chúng tôi cũng không bao giờ quên được những gương dũng cảm quên mình của các đồng chí bộ binh trong nhiều trường hợp gian nguy kéo pháo.

Có lần giữa lúc bom rơi, đạn rú, một khẩu pháo bị đứt dây lao xuống, nhưng có đồng chí bộ binh đã buộc dây pháo vào mình rồi ôm chặt lấy gốc cây, miệng hát vang bài “Quốc tế ca” như át cả tiếng bom đạn. Một lần mấy khẩu cao xạ pháo trú quân ở giữa rừng tranh bị bom na-pan. Các chiến sĩ xung kích của tiểu đoàn 130 đã anh dũng lao vào cứu pháo như lúc lao vào đồn giặc. Khói lửa trùm lên người nhưng họ vẫn cứu được toàn vẹn tất cả các khẩu cao xạ ở khu vực đó.

Nhưng hầu hết những chiến sĩ kéo pháo chúng tôi luôn luôn khắc sâu vào trí óc gương hy sinh quên mình cứu pháo của đồng chí Tô Vĩnh Diện, pháo thủ đại đội cao xạ 827 thuộc đại đoàn chúng tôi. Đồng chí đã lấy thân mình chèn pháo ở Dốc Chuối trong một trường hợp pháo sắp lao xuống vực thẳm. Đồng chí đã được truy tặng liệt sĩ và tuyên dương Anh hùng quân đội. Ngày nay, sử sách và nhiều nhà văn vẫn ca ngợi sự hy sinh cao cả của đồng chí.

Lần kéo pháo ra, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về tổ chức và chỉ huy. Ngoài việc phân công nhau thường xuyên đi kiểm tra trên đường kéo pháo, chúng tô đã có sở chỉ huy, có điện thoại tới các đại đội để nắm tình hình từng giờ, từng phút. Các cán bộ tham mưu, chính trị của pháo binh, bộ binh kéo pháo thường xuyên thay nhau có mặt trên các đoạn đường khó. Thời kỳ này, sáng nào chúng tôi cũng phải đi kiểm tra hết sức nghiêm ngặt công việc ngụy trang đường kéo pháo...”.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 7/1954, ông là chính uỷ, bí thư Đảng uỷ Đại đoàn 305. Năm 1955 chủ nhiệm chính trị, phó chính ủy Bộ tư lệnh pháo binh. Sau đó còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1961-1988), Tổng cục trưởng Tổng cục cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội các khoá III và V. Cấp bậc cao nhất là Thượng tướng.

Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1961, Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1986.

Ông qua đời ngày 23/11/1993 tại Hà Nội.

Ông được Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Ba); Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:29:43 am »

PHẠM HỒNG SƠN
CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 36



Phạm Hồng Sơn tên thật là Phạm Thành Chính, sinh 1923, ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Phạm Hồng Sơn tham gia hoạt động cách mạng khi đang là sinh viên trường Luật. Ông là cháu ruột của liệt sĩ Phạm Hồng Thái - người chiến sĩ nổi tiếng trong vụ ám sát hụt tên Toàn quyền Méc Lanh ở Quảng Châu (Trung Quốc). Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ khi còn là sinh viên của trường Đại học Luật, Phạm Hồng Sơn đã bắt đầu tham gia cách mạng.
Trung tướng Phạm Hồng Sơn vốn là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3); Phó viện trưởng Viện Khoa học Quân sự; Phó giám đốc Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng); Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng).

Trong Kháng chiến chống Pháp, ông nắm giữ những vị trí quan trọng, là chỉ huy Trung đoàn 36 - Trung đoàn Quyết chiến Quyết thắng, thuộc Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay từ thời ấy, Phạm Hồng Sơn đã là một người chỉ huy trẻ nổi tiếng. Đến mức mà sau này, khi biết Phạm Hồng Sơn chính là vị hôn phu của em gái vợ mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Hồng Sơn chỉ huy dũng cảm lắm, cậu ấy đánh trận khôn lắm” - Đó là cái khôn và sự dày dạn kinh nghiệm của một người chỉ huy trưởng thành từ một người lính, từng có nhiều phen giáp lá cà sống chết với địch.

Ông cũng chính là người chỉ huy áp dụng cách đánh “nở hoa trong lòng địch” tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đó là cho chiến sĩ “độn thổ” dùng phương pháp “xuyên sơn giáp” qua hàng rào thép gai, lọt vào tung thâm địch mà bung lên, quả cảm. Cách đánh lấn này, nhanh chóng được phổ biến khắp mặt trận Điện Biên Phủ, khi đào đường hầm đặt bộc phá, ta lấy đốm sáng ở đầu que hương phía sau làm chuẩn, moi đất đào vào giữa mục tiêu, bảo vệ được bộ đội, mặc cho đạn địch bên trên cày xốp mặt đất. Quân địch kinh hãi, ngày đêm nghe xung quanh có tiếng cào đất như đào mồ chôn chúng... Những chiến binh Trung đoàn Bắc - Bắc (E-36, thuộc Đại đoàn 308) lừng danh, từ lòng đất bật ra, đánh đâu thắng đó...

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất,... và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Ông cũng là tác giả của một số tác phẩm về nghệ thuật quân sự như Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam (2 tập), Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh...

Trung tướng Phạm Hồng Sơn mất hồi 15 giờ 40 phút, ngày 27/8/2013 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2020, 10:31:30 am »

NAM HÀ
CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 88



Tên đầy đủ của ông là Bùi Nam Hà, quê ở phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng từ tháng 12/1944. Từ tháng 12/1944 đến tháng 3/1945, ông là liên đội trưởng hoạt động Việt Minh bí mật trong Đoàn Thanh niên Tuyên truyền xung phong thuộc Đoàn thanh niên Cứu Quốc Hà Nội. Tháng 3/1945, ông gia nhập quân đội.

Từ ngày 19/8/1945 đến tháng 12/1949, ông lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng giải phóng quân Chi đội Vĩnh Phúc năm 1946; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 55 Bắc Ninh, Tiểu đoàn 56 Bắc Giang, Trung đoàn Bắc Bắc, năm 1946; Tiểu đoàn 517 Độc lập Khu 12 Vệ quốc đoàn năm 1948; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Phó bí thư Liên chi năm 1949. Từ tháng 1/950 đến tháng 9/1955, ông lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Phó bí thư Đảng uỷ Trung đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, Bùi Nam Hà đã chỉ huy trung đoàn 88 phối hợp với Trung đoàn 165 của Lê Thùy tiến công đồi Độc lập. Cụ thể, Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 đánh vào hướng Đông Bắc là hướng thứ yếu. 6 giờ 30 phút sáng ngày 15/3/1954, Trung đoàn 88 và Trung đoàn 165 đã xóa sổ tiểu đoàn Bắc Phi, diệt 483 lính, bắt 200 tù binh.

Từ tháng 10/1955 đến tháng 10/1964, ông là Phó Tham mưu trưởng Quân khu Tả Ngạn, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, năm 1958. Từ tháng 11/1964 đến tháng 11/1972, ông vào chiến trường B1, B3 Quân khu 5, giữ các chức vụ: Tham mưu phó Quân khu 5, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Tây Nguyên, Thường vụ Đảng uỷ B3, Phó Tư lệnh Đoàn 959 Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Thường vụ Đảng uỷ Đoàn 959.

Từ tháng 12/1972 đến tháng 9/1982, ông là Cục trưởng Cục Nhà trường Bộ Tổng Tham mưu, ủy viên Ban chấp hành Đảng uỷ Bộ Tổng Tham mưu, Khoa trưởng Khoa Nghệ thuật Quân sự Viện Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng, Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, Viện trưởng Học viện Hậu cần, Đảng uỷ viên Ban chấp hành Đảng uỷ Tổng cục Hậu cần. Từ tháng 10/1982 đến năm 1981, ông là Phó Tổng Thanh tra Quân đội, Ủy viên thường trực Hội đồng thi đua Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ni-ca-ra-goa. Năm 1992 ông được Nhà nước cho nghỉ hưu.

Ông đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến Chông Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Hai, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba).
Logged
Trang: « 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM