Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:58:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quảng Trị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)  (Đọc 5515 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 02:06:29 pm »

Chương IV

PHỐI HỢP VỚI CHIẾN TRƯỜNG CHÍNH
GÓP PHẦN CÙNG CẢ NƯỚC KẾT THÚC VẺ VANG CUỘC KHÁNG CHIẾN
(1953-1954)

Năm 1953 cuộc kháng chiến toàn quốc đã bước sang năm thứ 8. Cùng với cả nước, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị đã trải qua một thời kỳ thử thách vô cùng quyết liệt, đưa phong trào kháng chiến tiến lên bước phát triển mới. Chúng ta đã thắng cả địch họa và thiên tai, đánh thắng cả giặc ngoại xâm và giặc lũ lụt, tiếp tục xây dựng cả lực lượng và thế trận ngày càng vững mạnh. Cùng với sự trưởng thành của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trong thời kỳ này cũng lớn mạnh vượt bậc, đáp ứng được yêu cầu phát triển của chiến tranh, vừa bảo vệ địa phương vừa phối hợp có hiệu quả với hoạt động của bộ đội chủ lực, đảm đương được nhiệm vụ nòng cốt cho cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn dân đẩy mạnh cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Sau chiến thắng Tây Bắc và Thượng Lào, tình hình thuận lợi cho ta và bất lợi cho thực dân Pháp. Quân và dân ta càng chiến đấu càng trưởng thành và ngày càng nắm quyền chủ động trên chiến trường toàn quốc, thực dân Pháp bị thua đau, nguy cơ thất bại càng đến gân làm cho chúng càng thêm bị động, lúng túng.

I- XÂY DỰNG, CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN LỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐỊA PHƯƠNG
LIÊN TỤC TIẾN CÔNG TIÊU DIỆT ĐỊCH GIỮ VỮNG VÀ MỞ RỘNG VÙNG GIẢI PHÓNG

Trong Đông - Xuân 1953-1954 hệ thống chiếm đóng của địch trên chiến, trường Bình-Trị-Thiên gồm 185 vị trí, 232 lô cốt tháp canh với lực lượng 4 tiểu đoàn ứng chiến, 15 tiểu đoàn chiếm đóng, 6 đại đội binh chủng và 18 đại đội phục kích.

Về phía ta, sau khi phần lớn bộ đội chủ lực ra Nghệ -Tĩnh để củng cố, xây dựng; lực lượng ở lại chiến trường đã ít, lương thực vũ khí lại rất thiếu thốn, thời tiết cũng không thuận tiện cho sản xuất. Trước tình hình đó, hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết chỉ rõ phương châm chiến lược: “tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do... Quân đội phải đánh địch ở những nơi địch sơ hở, đồng thời phải hoạt động mạnh sau lưng địch...”(1).

Quán triệt phương châm chiến lược đó, từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 3 năm 1953, Liên khu ủy họp bàn về vấn đề tác chiến và xây dựng ở chiến trường Bình-Trị-Thiên. Hội nghị chủ trương: “Chủ động chống càn quét, phá mọi âm mưu của địch, đấu tranh vũ trang làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị của toàn dân, chấn chỉnh các ban dân quân huyện, ban xã đội, phân tán bộ đội địa phương vào từng thôn xã, nếu cần phân tán cả Trung đoàn 95, thực hiện 3 bám: bám địch, bám đồng bằng, bám dân...”(2), Hội nghị đề ra phương châm hoạt động lúc này là: “Du kích chiến là chính, chống càn quét là chủ yếu. Trong điều kiện thuận lợi đánh công kiên vận động và đánh nhỏ nhằm phát triển du kích chiến tranh, luồn sâu vào địch hậu xây dựng cơ sở”(3)

Với tinh thần tiến công tiêu, diệt địch, trong 3 tháng đầu năm 1953, ta đã anh dũng chống trả và làm thất bại hàng chục cuộc càn quét của địch, tiêu diệt, bao vây, bức rút nhiều vị trí địch chiếm đóng, phá sập một số cầu cống trên các trục đường giao thông quan trọng, phá hoại hàng chục mét đường ray và đánh lật nhào một số đoàn tàu chở lương thực, đạn dược của địch.

Đại đội 340 bộ đội địa phương Cam Lộ phối hợp với dân quân du kích xã Cam Giang, Cam Thanh anh dũng chống trả cuộc càn quét của địch gây cho chúng nhiều thiệt hại.


(1) Nghị quyết hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 1953
(2) Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. NXB Quân đội nhân dân, Tr.287.
(3) Sách đã dẫn
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 02:08:05 pm »

Cùng thời gian trên trung đội bao lộ đường 9 phối hợp với lực lượng địa phương bao vây lô cốt An Lạc và phục kích tại cây số 7 trên đường 9, chặn đánh quân cứu viện từ Cam Lộ về làm cho chúng không ứng cứu nhau được.

Ở Vĩnh Linh đại đội 354 cùng dân quân du kích bao vây quấy phá đồn Đập Huyện, đại đội 348 Gio Linh phục kích giao thông trên đoạn đường Ba Dốc, Quán Ngang, bộ đội địa phương và dân quân Hải Lăng phá đường ray đánh một số đoàn tàu trên đoạn đường Diên Sanh - Mỹ Chánh. Quân và dân Triệu Phong phá lô cốt Bích La, tập kích vị trí Bồ Bản, tự vệ Đông Hà và một tổ biệt động đột kích phá kho vũ khí Đông Hà.

Tiểu đoàn chủ lực tỉnh tiến công vị trí Linh Châu tiêu diệt 15 tên địch. Phát huy thắng lợi, tiểu đoàn tiếp tục vận động đánh địch ở Bích Khê, truy kích bọn này đến gần cầu Chợ Sãi làm cho quân địch ở thị xã Quảng Trị phải báo động.

Chỉ tính riêng từ 20 tháng 1 đến 20/2/1953, bộ đội địa phương và du kích trong tỉnh đã đánh địch 29 trận, tiêu diệt 91 tên, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.

Trong những ngày cuối tháng 2 và 3 năm 1953, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh, tiếp tục phát huy thắng lợi đưa phong trào chiến tranh du kích lên cao với phương châm đánh nhỏ, đánh liên tục và chiến thắng. Tiêu biểu là quân và dân Gio Linh đánh tan một tiểu đoàn quân địch đi lùng ở Tân Lịch, Tân Hạ, diệt 17 tên. bắt sống 1 tên lính Ma-rốc. Quân và dân Vĩnh Linh chặn đánh, diệt gọn 1 đại đội địch đi càn quét cách Hồ Xá 1 km.

Những hoạt động liên tiếp và đều khắp của lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị đã làm cho địch luôn luôn bị động, lúng túng mất ăn mất ngủ, một bộ phận sinh lực địch bị tiêu hao, tiêu diệt, hạn chế được rất nhiều cuộc đi lùng sục lẻ tẻ của chúng.

Trong khi lực lượng vũ trang bao vây quấy rối, phục kích, tập kích, tiêu hao, tiêu diệt địch thì phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú. Các cuộc mít tinh, biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, chống đôn quân bắt lính, đòi trả chồng con, anh em bị bắt đi làm bia đỡ đạn, chống bầu cử quốc hội bù nhìn... ngày càng nhiều, hình thức và quy mô lớn hơn. Từ chỗ bước đầu chỉ nổi dậy ở thôn xã dần dần lên đến phủ huyện từ chỗ lẻ tẻ vài ba thôn xã dần dần liên kết với nhiều xã, nhiều huyện nhân dân vừa kết hợp đấu tranh vừa tuyên truyền vận động, dần dần có cả binh lính địch tham gia. Đồng bào hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đã đấu tranh trực diện với địch bằng nhiều lý lẽ thuyết phục buộc chúng phải thả 177 thanh niên bị bắt lính. Nhân dân Hải Lăng vừa đấu tranh vừa tuyên truyền vận động 12 binh sĩ ở đồn Diên Khánh mang theo súng trở về với cách mạng. Hàng ngàn người ở làng Gia Độ (Triệu Phong) kéo lên huyện đường đấu tranh buộc địch phải trả tự do cho 300 thanh niên bị bắt lính.

Cùng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, chính quyền cách mạng cũng mở lượng khoan hồng, phóng thích một số tù binh Âu Phí để họ được trở về đoàn tụ với gia đình. Việc làm nhân đạo đó đã thức tỉnh một số binh sĩ địch. Vì vậy phong trào đấu tranh chống càn quét, đòi hồi hương trong hàng ngũ địch công được phát triển hơn.

Đi đôi với việc lãnh đạo nhân dân chống địch trên mặt trận quân sự, chính trị, binh vận, cấp ủy và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm tô giảm tức, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần văn minh và lành mạnh. Phong trào chống giặc đói, diệt giặc dốt tiếp tục phát triển đều khắp đem lại hiệu quả thiết thực.

Chính vì vậy mặc dù bị địch họa, thiên tai tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân được cải thiện từng bước. Nhân dân phấn khởi tin tưởng càng hăng hái tham gia kháng chiến.

Sau trận lụt tháng 10 năm trước bị thiệt hại nặng, nhân dân các huyện tập trung sức chăm bón vụ mùa để tăng nhanh lương thực. Nhờ được chăm sóc tốt, các cánh đồng của những huyện trọng điểm lúa đều hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Quân Pháp rất cay cú liền tập trung lực lượng chuẩn bị càn quét phá lúa và bắn giết trâu bò của nhân dân. Thâm độc hơn, Bộ chỉ huy Pháp ở Trung phần còn đề ra chỉ tiêu và giao cho bọn ngụy binh đi cướp phá thóc gạo, phá hoại mùa màng. Nếu tên nào cướp thóc đạt chỉ tiêu thì được miễn điều đi chiến đấu ở chiến trường Bắc bộ. Mưu kế này đã kích thích lính ngụy lao vào cướp phá mùa màng một cách điên cuồng, liều lĩnh. Chỉ trong vòng một tháng từ 20-1 đến 20-2 địch đã nhổ 17 mẫu lúa non ở Dốc Miếu và Phương Ngân. Cũng trong thời điểm ấy máy bay quân Pháp đã bắn chết 580 trâu bò (riêng Cam Lộ 416 con)(1). Sự tàn bạo và dã man đó làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân Quảng Trị thêm khó khăn gay gắt.


(1) Giặc Pháp xác định giết 1 trâu, bò bằng 3 Việt Minh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 02:09:30 pm »

Sau đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn Liên khu lần thứ nhất (14-7-1953), Bộ Tư lệnh Liên khu phát động chiến dịch Hè - Thu nhằm tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ mùa và phối hợp với chiến dịch Thượng Lào.

Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng cơ sở đã kịp thời chỉ đạo các địa phương: “Chủ động chống càn để bảo vệ mùa, lấy đấu tranh quân sự làm trung tâm, kiên quyết bẻ gảy các trận càn của địch không để một hạt thóc lọt vào tay kẻ thù”.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh các hoạt động phục kích, tập kích, đánh phá giao thông, bao vây quấy phá đồn bốt, mai phục, bắn tỉa kìm chân địch tại chỗ để nhân dân thu hoạch mùa. Lực lượng vũ trang ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh (nơi mùa màng ít hơn) tập trung đánh mạnh nhằm lôi kéo lực lượng địch ở Triệu Phong (vùng trọng điểm lúa của tỉnh) ra để cho nhân dân thu hoạch và cất dấu.

Ngày 19 tháng 4 năm 1953, một đơn vị của trung đoàn 95 cùng bộ đội địa phương Triệu Phong tập kích tiêu diệt vị trí Bích La. Một đại đội khác cùng dân quân Hải Lăng giật mìn phá đường ray đánh lật nhào một đoàn tàu chở lương thực và vũ khí của địch ở Bến Đá, diệt một đại đội Âu Phi. Đại đội 340 Cam Lộ cùng tự vệ thị xã Đông Hà phá hoại giao thông, đánh sập cầu Đông Hà. Bộ đội và dân quân Hướng Hóa đánh sập cầu Rào Quán làm tê liệt giao thông địch hàng tháng. Sau những thất bại liên tiếp ở khắp nơi trên chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp càng lâm vào thế bị động lúng túng và sa lầy.

Để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp một mặt cầu cứu Mỹ viện trợ, mặt khác triệu hồi Xa-Lăng (Salan) về nước và cử tướng Na-va (Henri Navarre) sang thay làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Với thái độ kiêu căng, chủ quan, hiếu thắng của kẻ đi xâm lược và tầm nhìn thiển cận, Na-va đề ra kế hoạch: “Bình định Việt Nam trong vòng 18 tháng!”. Y huênh hoang khoác loác: “Không chấp nhận một sự rút lui nào hết. Điều kiện quân sự cho một giải pháp chính trị vinh dự là giữ vững các trận địa và cải thiện các trận địa ấy”(1).

Đây là một kế hoạch chiến lược lớn, một âm mưu chính trị rất thâm độc và xảo quyệt, một ảo vọng điên cuồng nhằm chống lại phong trào cách mạng ba nước Đông Dương. Đây cũng là sự nỗ lực cao nhất và là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa này.

Đối với chiến trường Bình-Trị-Thiên, Na-va coi là hậu phương an toàn của chúng. Vì vậy, chúng chủ trương củng cố các vị trí chiếm đóng, tăng cường đôn quân bắt lính xây dựng ngụy quân để thay thế các tiểu đoàn Âu Phi dự kiến sẽ điều ra chiến trường phía Bắc.

Thực hiện kế hoạch Na-va, địch tập trung phần lớn lực lượng dự bị về chiến trường Bình-Trị-Thiên, tăng cường càn quét, cướp phá, bình định các vùng tạm bị chiếm, vùng du kích non yếu và vùng đông dân, nhiều của nhằm làm suy yếu lực lượng kháng chiến và vơ vét sức người, sức của của ta. Cùng với các cuộc hành binh càn quét vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, giặc Pháp còn tập trung máy bay, đại bác đánh phá ác liệt vùng chiến khu và cơ sở của ta.

Kế hoạch Na-va ở Bình-Trị-Thiên được mở đầu bằng trận càn quy mô lớn mang tên: “Cuộc hành binh Các-mác-gơ” (Operation Caemarge) vào địa bàn 4 huyện Triệu Phong, Hải Lăng của Quảng Trị và Phong Điền, Quảng Điền của Thừa Thiên. Mục tiêu của trận càn này nhằm tiêu diệt Trung đoàn 95 đang hoạt động ở vùng này, tiêu diệt lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích để giải tỏa đoạn đường sắt Diên Sanh - Phò Trạch luôn bị cắt đứt, đồng thời thu hẹp căn cứ du kích của ta, vơ vét sức người sức của tiến tới bình định vùng nông thôn, đồng bằng đông dân, nhiều của. Địch đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm 13 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 400 xe cơ giới. 160 xe lội nước, 4 tàu thủy, 14 ca nô, 48 máy bay, 2 trung đoàn pháo binh do tướng Lơ-Blăng - Tư lệnh quân Pháp ở Trung bộ chỉ huy và vài ngày sau đích thân tướng Na-va đến trực tiếp đốc chiến.


(1) Hăngri Nava: “Đông Dương hấp hối”. Bản tiếng Pháp - NXB Plông - Paris 1958. Tr73.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 02:10:25 pm »

Ngày 28-7 địch hình thành thế bao vây và tiến quân theo bốn hướng:

Hướng Đông-Bắc, một cánh quân thủy theo đường biển đổ bộ lên Mỹ Thủy, Tân An.

Hướng Đông-Nam, một cánh quân khác đổ bộ lên Lai Hà (Quảng Điền - Thừa Thiên)

Hướng Tây Nam, một cánh quân đổ bộ từ Mỹ Chánh tràn xuống.

Hướng Tây Bắc, một cánh quân khác theo sườn đông đường quốc lộ 1A thọc vào:

Mục tiêu của chúng là khép chặt vòng vây và tiêu diệt lực lượng ta tại làng Đôn Quế - Đồng Dương.

Yểm trợ cho cuộc hành binh và ngăn chặn lực lượng ta ở các nơi khác đến chi viện, địch tăng cường máy bay, pháo binh oanh kích dữ dội các vùng lân cận như Cùa, Trấm, Hòn Linh, Hòa Mỹ, Phong Thái... và cho bộ binh chốt chặn các ngã đường.

Nắm được âm mưu và thủ đoạn của địch, các cấp ủy địa phương một mặt cử cán bộ và dân quân tổ chức hướng dẫn nhân dân khẩn trương cất dấu tài sản và tản cư lên chiến khu mặt khác cùng với Trung đoàn 95, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích lập kế hoạch phối hợp đánh địch.

Theo kế hoạch đã hiệp đồng, Trung đoàn 95 để Tiểu đoàn 310 ở lại phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích bám đánh địch ở từng thôn xã làm chậm bước tiến của chúng. Các đơn vị còn lại của trung đoàn vừa chặn đánh địch vừa lợi dụng địa hình địa vật và đêm tối vượt ra ngoài vòng vây rồi bí mật quay lại tập kích sau lưng địch để tiêu hao, tiêu diệt chúng.

Với phương châm chỉ đạo tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch; lực lượng dân quân các thôn, xã chuẩn bị sẵn sàng mỗi người một ruột tượng 5kg gạo để cơ động bám đánh địch.

Sau khi cho máy bay, đại bác ném bom, bắn phá dọn đường, cơ giới và bộ binh địch bắt đầu tấn công, ở hướng biển quân giặc vừa đặt chân lên đất liền đã bị dân quân các xã Hải An, Hải Dương, Triệu An, Triệu Lăng... chặn đánh. Dựa vào cồn cát và bụi rậm, bờ tre và hầm hào công sự, lại quen thuộc đường ngang ngõ tắt, dân quân du kích các xã trên đã mưu trí, linh hoạt, khi ẩn, khi hiện lúc đầu xóm, lúc cuối làng, bám sát và chống cự quyết liệt với địch bằng tất cả mọi thứ vũ khí có trong tay như bom mìn, cạm bẫy, hầm chông, dáo mác... và đặc biệt là phát huy chiến thuật phục kích bắn tỉa, gây cho địch nhiều tổn thất.

Trên hướng đường số I, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích các xã phối hợp với Tiểu đoàn 310 bám sát và chặn đánh địch ở những nơi chúng đặt chân tới.

Ở hướng Tây Nam, bộ đội địa phương và dân quân du kích Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Tân... phối hợp với tiểu đoàn 227 và lực lượng vũ trang Thừa Thiên phục kích chặn đánh địch không cho chúng đến sông Vân Trình để hợp vây.

Cánh quân phía Đông Nam của địch gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ của quân và dân Quảng Điền, Phong Điền nên tốc độ tiến quân của chúng cũng chậm chạp.

Kế hoạch của địch đánh nhanh thắng nhanh nhằm hốt gọn Trung đoàn 95 không thực hiện được. Sau gần một ngày tiến công nhưng không khép kín được vòng vây, tướng Lơ-Blăng chỉ huy cuộc càn quét điên cuồng, lồng lộn hối thúc cánh quân thủy tiến lên theo bờ sông Vân Trình và điều thêm quân dù đổ xuống để hợp vây. Cố gắng này của địch cũng không đem lại kết quả. Các hướng tiến công của chúng đều bị chặn đứng. Trời cũng vừa tối địch buộc tạm ngừng cuộc tiến công. Còn Trung đoàn 95 cùng các cơ quan dân, chính, đảng, sau khi bố trí bom mìn, cạm bẫy và nghi trang cẩn thận đã bí mật thoát khỏi vòng vây trở ra căn cứ.

Sáng hôm sau, Bộ chỉ huy Pháp dốc toàn bộ lực lượng tiến công mạnh mẽ, hòng vây chặt Trung đoàn 95 và lực lượng vũ trang địa phương để tiêu diệt. Bom đạn của địch lại tới tấp trút xuống những nơi chúng nghi có lực lượng ta bố trí. Thấy không còn vấp phải sức kháng cự nào lớn, giặc Pháp hí hửng tưởng rằng lực lượng ta đã bị tê liệt, vội vàng thúc quân khép chặt vòng vây tiến công các làng Đơn Quế - Đồng Dương. Nhưng khi các cánh quân của chung giáp mặt nhau thì mới biết được lực lượng kháng chiến đã rút ra hết khỏi vòng vây tự lúc nào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 02:11:53 pm »

Cay cú trước thất bại vì không tiêu diệt được Trung đoàn 95 và lực lượng vũ trang địa phương, bọn chỉ huy Pháp điên cuồng tiếp tục thúc quân đi càn quét, chà đi xát lại nhiều lần tàn sát cơ sở kháng chiến, lập lại hội tề để khống chế ta.

Ngày 5-8-1953, sau khi đã bình định được một số nơi Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh lui binh, kết thúc cuộc càn quét.

Đây là trận càn quét quy mô, lớn nhất, thời gian dài nhất từ trước đến nay ở chiến trường Bình Trị Thiên(1).

Với một lực lượng hùng hậu, quân đông, tướng mạnh, đầy đủ các binh chủng được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, giặc Pháp hy vọng rằng có thể tiêu diệt Trung đoàn 95 và đè bẹp được ý chí kháng chiến của quân và dân ta. Nhưng những mưu toan của chúng đã sai lầm. Kế hoạch Na-va bước đầu ở Bình-Trị-Thiên đã bị phá sản. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt hơn 450 tên địch, bắt 27 tên và bắn bị thương nhiều tên khác, phá 2 xe vận tải và nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Tuy vậy trong trận chiến đấu này ta cũng bị tổn thất lớn về người và của. Cơ sở kháng chiến nhiều nơi bị đánh bật ra ngoài, một số cán bộ và dân quân hoảng sợ, hoang mang chạy trốn làm cho phong trào kháng chiến ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Âm mưu bình định của địch, ta chưa phá được.

Cũng qua trận chống càn này, một lần nữa khẳng định chủ trương: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” với chiến thuật du kích vận động chiến, đánh quần lộn với địch là đúng đắn, và thích hợp ở địa hình đồng bằng xen kẽ cồn cát.

Với tinh thần liên tục tiến công, tiêu hao, tiêu diệt địch, bảo vệ cơ sở kháng chiến và bảo vệ mùa màng; trong 8 tháng đầu năm 1953, quân và dân Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với công an, bộ đội chủ lực Phân khu, và lực lượng vũ trang tỉnh bạn, đã liên tục chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, bao vây, quấy rối và bức rút hàng chục đồn bốt, tháp canh, đòi trả tự do cho hàng trăm thanh niên bị bắt lính và vận động được hàng chục binh sĩ địch mang súng trở về với nhân dân, phá và giải tán hàng chục hội tề, trừng trị một số tên Việt gian bán nước có nhiều nợ máu với nhân dân. Đồng thời với tinh thần lá rách ít đùm lá rách nhiều, mặc dầu ở một địa bàn luôn bị nạn đói đe dọa do bão lụt triền miên nhưng khi nghe tin đồng bào và bộ đội Thừa Thiên gặp khó khăn về lương thực do hậu quả của trận lụt năm trước, Quảng Trị đã kịp thời gửi vào giúp Thừa Thiên khắc phục hậu quả lũ lụt: 63.440 kg gạo, 903kg giống ngô, đậu, thóc, bầu, bí... và 1,8 triệu đồng tài chính Việt Nam.

Từ tháng 9 năm 1953 trở đi, sau khi Trung đoàn 95 rút khỏi chiến trường Bình Trị Thiên trở về trong đội hình Đại đoàn 325 thì lực lượng vũ trang Quảng Trị chủ động, độc lập tác chiến trên địa bàn của tỉnh.

Lợi dụng tình hình đó giặc Pháp liên tiếp mở các cuộc càn quét nhỏ vào hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, mở rộng vùng chiếm đóng của chúng và lập vành đai trắng dọc đường sắt, đường số 1 từ Hồ Xá vào đến Mỹ Chánh, khôi phục lại hệ thống ngụy quyền những nơi chúng mới chiếm được.

Mặc dù bị địch họa và thiên tai liên tiếp, nhưng quân và dân Quảng Trị với tinh thần “Kháng chiến còn thì nhân dân còn” đã phát huy truyền thống đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau tự lực, tự cường, anh dũng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững và phát triển vùng giải phóng phát triển phong trào chiến tranh du kích giành nhiều thắng lợi trên tất cả mọi mặt quân sự, chính trị, binh vận, kinh tế, văn hóa xã hội...

Những thắng lợi quan trọng đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Quảng Trị phát huy kết quả đã đạt được để vững bước đi lên cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thành công.


(1) Béc-na-phôn ký giả người Pháp, tác giả sách “Con đường không vui”: viết “Là một trong những cuộc hành binh lớn nhất Đông Dương và cũng tương đương với lực lượng dùng trong các cuộc đổ bộ trên các chiến trường Thái Bình Dương và Địa Trung Hải trong chiến tranh thế giới thứ II, rõ ràng E95 và DQDK ít có hy vọng thoát khỏi cuộc bao vây này”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 02:18:23 pm »

II - ĐẨY MẠNH TÁC CHIẾN TÍCH CỰC PHỐI HỢP
VỚI CHIẾN TRƯỜNG CHÍNH, GÓP PHẦN CÙNG QUÂN VÀ DÂN CẢ NƯỚC
GIÀNH THẮNG LỢI QUYẾT ĐỊNH

Bước vào Đông - Xuân năm 1953-1954, cục diện chiến trường ở Bình-Trị-Thiên có nhiều thay đổi. Thực dân Pháp được Mỹ hà hơi tiếp sức, ráo riết thực hiện kế hoạch Na-va để cứu vãn tình thế đang ngày càng khốn đốn và có nguy cơ thất bại.

Ở vùng tạm bị chiếm Quảng Trị, giặc Pháp tăng cường càn quét ác liệt và ra sức bắt lính ở các vùng đồng bằng đông dân nhiều của. Mặt khác chúng ra sức bắt dân tập trung, lập vành đai trắng dọc đường sắt và số I, đồng thời dùng máy bay trọng pháo ném bom, bắn phá vùng giáp ranh và các chiến khu, cấm nhân dân vùng tạm chiếm ra vùng kháng chiến mua bán, trao đổi hàng hóa. Cho bọn chiến tranh tâm Ịý mở đợt tuyên truyền xuyên tạc: “Tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô” cho máy bay rải truyền đơn đề cao sự viện trợ của Mỹ đối với Pháp.

Bằng mọi hình thức cưỡng ép dụ dỗ, mua chuộc... đến cuối năm 1953, ở Bình Trị Thiên địch đã xây dựng thêm được 6 tiểu đoàn ngụy, đưa tổng số quân lên trên 30.000 tên và tổ chức thành 5 tiểu đoàn cơ động, 16 tiểu đoàn chiếm đóng 3 tiểu đoàn pháo. Ở Quảng Trị chúng bố trí đến 5 tiểu đoàn chiếm đóng.

Với lực lượng đó địch đã củng cố được các tuyến phòng ngự ven đường số 1, số 9 và vùng Cửa Việt.

Cuối năm 1953, sau khi Trung đoàn 95 chuyển ra Hà Tĩnh, lực lượng tác chiến của ta chỉ còn bộ đội địa phương và dân quân du kích. Một số cơ sở Đảng, cơ sở kháng chiến và dân quân du kích được phục hồi trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ. Địch họa và thiên tai liên tiếp xảy ra làm cho đời sống nhân dân và các lực lượng vũ trang rất thiếu thốn.

Tuy khó khăn chồng chất nhưng lòng tin của nhân dân đối với kháng chiến vẫn không hề lay chuyển, tinh thần quật khởi của cán bộ, bộ đội và nhân dân ngày một nâng cao, khối đoàn kết toàn dân “tất cả cho chiến thắng” vẫn được giữ vững.

Trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh lực lượng địch, ta, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, quyết tâm làm phá sản kế hoạch Na-va, tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn về chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954.
 
Nội dung quan trọng trong kế hoạch này là: “khắc phục mọi khó khăn, sử dụng mọi biện pháp giữ vững quyền chủ động kiên quyết buộc địch phải phân tán, phá vỡ khối cơ động tập trung của chúng, đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng, phối hợp trên phạm vi cả nước và trên toàn chiến trường Đông Dương”.

Quán triệt sâu sắc chủ trương lớn của Bộ Chính trị, hội nghị cán bộ địch hậu Bình - Trị - Thiên ra Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ, phương hướng công tác vùng tạm bị chiếm: “Đẩy mạnh đấu tranh mọi mặt, nhất là đấu tranh vũ trang ở vùng sau lưng địch, phối hợp với chiến trường toàn quốc phá âm mưu mới của địch ở Bình-Trị-Thiên. Trước mắt là đẩy mạnh đấu tranh, chống càn quét, tăng cường lực lượng, đoàn kết đông đảo nhân dân chống giặc, phát triển và bảo vệ sản xuất, tích cực củng cố và phát triển công tác vùng tạm chiếm, đẩy mạnh công tác địch, ngụy vận”(1).

Cũng trong thời gian này dưới sự chỉ đạo của Liên khu, và Tỉnh ủy cơ quan Tỉnh đội được kiện toàn, củng cố thêm một bước. Đồng chí Hồ Sĩ Thản được giao trọng trách làm Tỉnh đội trưởng Quảng Trị.

Về phía giặc Pháp, lúc này tổ chức nhiều đợt càn quét, ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh nhằm đẩy mạnh kế hoạch bình định mà chúng đang thực thi.

Tháng 10 năm 1953, địch huy động 2 đại đội càn vào Linh Quang (Gio Linh), dân quân du kích các thôn Tân Lộc, Xuân Bách đã phối hợp chặt chẽ với một tổ bộ đội địa phương dựa vào địa hình làng xóm đánh quần lộn với địch suốt một ngày liền, đẩy lùi 7 đợt tấn công, làm cho chúng không vào được thôn.


(1) Nghị quyết hội nghị cán bộ địch hậu BTT. Hồ sơ lưu trữ tại phòng lịch sử quân sự Quân khu 4.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 02:19:35 pm »

Ở các nơi khác như Cam Giang, Cam Thanh, Phú Thạnh, An Tiêm, Phú Thượng, Hải Lê... khi giặc Pháp càn vào đều bị dân quân du kích chống trả quyết liệt, đánh bật ra ngoài, giữ vững được cơ sở bảo vệ được cán bộ và nhân dân, ngăn chặn sự phát triển, mở rộng vùng chiếm đóng của địch.

Bị thất bại liên tiếp và bị thiệt hại nghiêm trọng ở các chiến trường Bắc bộ, Trung Lào, quân Pháp bắt buộc phải rút tiểu đoàn ứng chiến 27/BTA ở Quảng Trị ra Bắc và một tiểu đoàn ứng chiến khác sang Hạ Lào. Vì vậy ở Quảng Trị ít nhiều địch có những sơ hở. Số quân còn lại của chúng chủ yếu là tổ chức những trận càn nhỏ, lẻ tẻ, đơn điệu, yểm trợ cho việc bình định ở đồng bằng. Trước tình hình đó, ta chủ trương đẩy mạnh các hoạt động chống càn, quấy rối, bao vây đồn bốt, tiêu hao, tiêu diệt địch. Đồng thời phát động phong trào đấu tranh của quần chúng chống địch bắt lính, thu thuế, chống lập hội tề và tuyên truyền vận động ngụy binh bỏ hàng ngũ địch trở về với cách mạng.

Ngày 22 tháng 12 năm 1953, chiến dịch Trung Lào bắt đầu. Phối hợp nhịp nhàng với tiếng súng tấn công ở mặt trận trung Lào, tại Quảng Trị bộ đội địa phương và dân quân du kích hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 18 đồng loạt nổ súng tiến công địch ở Vĩnh Linh, Gio Linh. Chỉ sau vài giờ chiến đấu, với tinh thần kiên quyết tấn công mưu trí, dũng cảm, lực lượng ta đã tiêu diệt 5 vị trí địch ở Sen Hạ, Chợ Do, Hà Tây, Đằng Đằng, và Dốc Miếu.

Ngày 28 tháng 12 du kích Vĩnh Liêm (Vĩnh Linh) phục kích bắn chìm 4 ca nô địch. Bộ đội địa phương và dân quân du kích Vĩnh An (Vĩnh Linh) đã anh dũng chống cự đánh tan trận càn quét của địch vào Liêm Hóa, Quang Hóa trong các ngày 28 đến 30-12, thu thắng lợi lớn, diệt trên 150 tên, phá hủy 4 ca nô thu nhiều súng đạn.

Bộ đội và dân quân du kích Cam Lộ, Hướng Hóa liên tục phục kích, tập kích địch trên đường số 9, đánh sập nhiều cầu cống làm cho giao thông bị ùn tắc nhiều ngày, khiến cho địch không chi viện kịp chiến trường Trung Lào.

Sự phối hợp tác chiến kịp thời của lực lượng vũ trang Quảng Trị với mặt trận Trung Lào đã phá tan âm mưu của địch nối giao thông đường số với chiến trường nước bạn, cô lập quân địch ở mặt trận Trung Lào, tạo điều kiện cho Liên quân Việt - Lào giành thắng lợi to lớn trong đợt mở đầu chiến dịch.

Trong khi liên quân Việt - Lào tiến công địch và giải phóng miền Đông Savẳnàkhệt thì lực lượng vũ trang tỉnh đã phối hợp với Trung đoàn 18 hoạt động mạnh trên mặt trận đường số 9 và vùng sau lưng địch. Chỉ tính trong 20 ngày đầu tháng 1-1954, ta đã phá sập 17 cầu từ Đông Hà đến Rào Quán, đánh lật nhào nhiều xe quân sự, làm tắc nghẽn giao thông địch hàng tháng.

Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Pháp vội vàng điều 4 tiểu đoàn cơ động ứng chiến, lập nhiều vị trí mới, cố bám lấy đường số 1, số 9 và đường xe lửa. Có thêm lực lượng; vào trung tuần tháng 1 năm 1954, giặc Pháp dùng 1 tiểu đoàn ứng chiến cơ động càn quét vào vùng Cùa, Mai Lĩnh ngăn chặn lực lượng ta hoạt động ở đường 9, uy hiếp chiến khu của ta. Một lần nữa bộ đội địa phương và dân quân du kích Cam Lộ, Hướng Hóa. Phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 18 lập công xuất sắc, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn này, diệt hàng trăm tên địch, bẻ gãy trận càn của chúng. Thừa thắng xốc tới, quân và dân ta tiếp tục tấn công uy hiếp toàn bộ các vị trí thuộc hệ thống phòng thủ của địch ở miền tây Quảng Trị.

Không chịu nổi sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta bọn địch ở các vị trí Đầu Mầu, Tân Lâm. Mai Lĩnh, Vụng Kho, Rào Quán, Khe Sanh, Tà Cơn đều tháo chạy về co cụm ở Lao Bảo. Không để cho quân địch kịp hoàn hồn, Trung đoàn 18 và lực lượng vũ trang địa phương lập tức bao vây tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Số sống sót tìm đường thoát thân sang đất Lào.

Ngày 20-2-1954, ta giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa và một phần huyện Cam Lộ. Hệ thống cứ điểm của địch trên đường số 9 hoàn toàn bị tan rã. Trên 80 ngàn dân được giải phóng. Ta hoàn toàn làm chủ đường số 9 dài hơn 50 km từ tây Cam Lộ đến Lao Bảo.

Chiến thắng đường số 9 đánh dấu sự trưởng thành của bộ đội địa phương và dân quân du kích Quảng Trị, đồng thời thể hiện sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Sau khi giải phóng huyện Hướng Hóa và một phần huyện Cam Lộ, Trung đoàn 18 được lệnh chuyển sang Trung Lào chiến đấu trong đội hình Đại đoàn 325.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 02:20:29 pm »

Trong lúc địch đang lo tập trung lực lượng để đối phó với ta trên mặt trận đường 9 thì ở vùng nông thôn, đồng bằng, bộ đội và dân quân du kích cũng đẩy mạnh hoạt động chống càn, bao vây, quấy phá đồn bốt địch, tiêu hao, tiêu diệt chúng.

Ngày 28 tháng 1 năm 1954, ở đồng bằng Triệu Phong, địch huy động 2 tiểu đoàn có xe tăng yểm trợ càn vào căn cứ Chợ Cạn, đại đội 245 cùng với dân quân du kích trong vùng đã dũng cảm, mưu trí, phục kích, tập kích, quần lộn đánh trả địch, bẻ gãy các mũi tiến quân của chúng tiêu diệt hàng trăm tên địch. Tại Gia Đẳng, 3 du kích cùng lực lượng quần chúng anh dũng chống lại một đại đội địch đi càn quét, gây cho chúng nhiều thiệt hại, thu được súng.

Quân và dân các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cửa Việt, Cửa Tùng đã anh dũng chống trả địch bằng nhiều hình thức phục kích, tập kích, quần lộn, công đồn, đả viện, diệt ác trừ gian... phá tan âm mưu bình định có trọng điểm của chung. Bộ đội địa phương và dân quân du kích các xã Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh phục kích giao thông, dùng mìn đánh lật nhào đoàn tàu quân sự của địch trên đoạn đường sắt Mỹ Chánh - Phò Trạch diệt 200 tên, thu 2 đại bác và nhiều súng đạn. Cùng thời gian trên, xã đội trưởng cùng 2 du kích xã Hải Phong phối hợp với 1 tiểu đội của Đại đội 327 đánh tan một trung đội địch đi càn quét và hai lần đánh thắng quân tiếp viện của chúng.

Ở Gio Linh bộ đội địa phương và dân quân du kích Linh Quang, Linh Hoa hiệp đồng chặt chẽ chiến đấu đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch đi càn quét có cơ giới yểm hộ, bắn chìm 3 ca nô, địch không vào được làng nên buộc phải rút lui.

Chỉ tính sơ bộ trong 15 ngày đầu tháng 1 năm 1954 quân và dân toàn tỉnh đã đánh địch hàng chục trận lớn nhỏ, trong đó có 17 trận giành thắng lợi lớn, diệt 417 tên, bắn bị thương 146 tên khác, bắt sống 142 tên (trong đó có 100 lính Âu Phi và 4 quan tư) thu 87 súng, trên 2 vạn viên đạn, phá 15 xe cam-nhông và 10 cầu, cống.

Cùng với việc đẩy mạnh tiến công địch về quân sự, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân cũng phát triển rầm rộ. Bằng nhiều hình thức mít tinh, biểu tình, hội họp đưa yêu sách kiến nghị, bãi công, bãi khóa, bãi thị, rải truyền đơn... nhân dân chủ động đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức bóc lột, chống bắt lính, vận động quân sĩ bỏ ngũ... Tháng 12 năm 1953 nhân dân Vĩnh Linh đấu tranh buộc địch phải thả 458 trong số 559 người bị chúng bắt đi lính. Đội trinh sát công an Vĩnh Linh phối hợp với du kích diệt 13 tên tề điệp gian ác ở các xã và quản chế một số tên khác. Phong trào đấu tranh của quần chúng đã tác động mạnh mẽ đến hàng ngũ binh sĩ địch, khiến cho nhiều binh lính ngụy chống lệnh điều động đi các chiến trường Lào, Bắc bộ, Tây Nguyên.

Trong những tháng cuối năm 1953, đầu năm 1954 đã có 230 ngụy binh đào ngũ bỏ trốn về nhà và 118 binh sĩ khác mang súng trở về với nhân dân. Nhiều tên tề ngụy tự giác ra đầu thú được hưởng lượng khoan hồng.

Trong Đông - Xuân 1953-1954, phong trào đấu tranh chính trị đã giành được một số thắng lợi. Nhưng một mặt do địch khủng bố đàn áp gắt gao, mặt khác các cấp bộ Đảng chưa chú trọng đặt vấn đề chỉ đạo, lãnh đạo đúng mức, nên phong trào còn mang tính chất tự phát, cục bộ, chưa phát triển rộng rãi và đồng đều, chưa huy động được đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân.

Hòa nhịp với hoạt động quân sự trên chiến trường và phong trào đấu tranh chính trị trong vùng địch tạm chiếm, hoạt động phục vụ tiền tuyến về phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm: “Tất cả cho chiến thắng” của nhân dân cũng phát triển mạnh mẽ. Để phục vụ chiến dịch Trung Lào, chính quyền các cấp trong tỉnh đã huy động hàng ngàn lượt người đi dân công phục vụ tiền tuyến. Đặc biệt khi Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101 được Bộ tăng cường quân số và hỏa lực làm nhiệm vụ thọc sâu của chiến dịch xuống vùng Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia đi qua địa phận Quảng Trị; đơn vị đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đồng chí Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa gặp gỡ, thăm hỏi động viên, đồng thời trực tiếp giải quyết các khó khăn về lương thực, thực phẩm và giao liên. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các cấp đã huy động hàng ngàn người đi dân công tiếp lương tải đạn, làm liên lạc dẫn đường giúp Tiểu đoàn 436 vượt qua địa hình hiểm trở tiến nhanh tới đích. Nhiều chàng trai, cô gái Vân Kiều, Tà Ôi xung phong tình nguyện đi dân công hỏa tuyến dài ngày phục vụ bộ đội đánh thắng. Bộ đội địa phương và dân quân du kích phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh và các huyện đã tổ chức một lực lượng cơ động bảo vệ các đoàn dân công vận tải dọc đường hành lang chiến lược, căn cứ lõm xuyên tỉnh, tiền chiến khu và các chiến khu. ở những nơi trọng điểm như Làng Hạ, Đá Nổi, Trấm... công an còn lập thêm các trạm bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho các đoàn dân công vận chuyển và bộ đội hành quân.

Trên mặt trận sản xuất, mặc dù gặp nhiều khó khăn gian khổ do địch họa, thiên tai, nhưng nhân dân ta vẫn đoàn kết một lòng tương thân tương ái, khắc phục khó khăn giúp đỡ nhau đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm. Vụ Đông Xuân 1953-1954 toàn tỉnh đã gieo trồng được 23.000 mẫu lúa, 9596 mẫu ngô, khoai, sắn, đã thu hoạch được 2.393 tấn lúa, 3.000 tấn màu. Nhờ vậy đã vượt qua được nạn đói do trận lụt tháng 10-1953 gây ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2020, 03:24:32 pm »

*
*   *

Thực hiện chủ trương căng địch ra mà đánh, nhằm phân tán lực lượng, buộc chúng phải bị động đối phó, từ cuối tháng 2 năm 1954 trở đi, ta đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các chiến trường từ Bắc bộ đến Tây Nguyên, từ Hạ Lào đến Đông Bắc Campuchia.

Bị bất ngờ trước những đòn tiến công chiến lược của ta, Na-va vội rút ở Bình - Trị - Thiên 3 tiểu đoàn ứng chiến, 3 tiểu đoàn địa phương, 800 nghĩa dũng đoàn và nhân viên ngụy quyền vào nam Trung bộ để đối phó với ta. Để bù vào số quân bị hao hụt nhằm giữ thế cân bằng, địch tăng cường càn quét, đôn quân, bắt lính, tích cực xây dựng ngụy quân, chủ yếu là xây dựng các tiểu đoàn khinh quân, chuyển quân chiếm đóng lên cơ động.

Đi đôi với những hoạt động càn quét, đánh phá, địch tăng cường hoạt động chính trị, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, dụ dỗ, mua chuộc bằng kinh tế để xoa dịu làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân.

Về phía ta, sau thời gian hoạt động phối hợp với chiến dịch Trung Lào, bộ đội địa phương và dân quân du kích trong tỉnh trưởng thành lên một bước. Lực lượng vũ trang càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành, từ chỗ tiêu hao, tiêu diệt địch từng tốp, từng bộ phận nhỏ lẻ, nay đã đánh thắng từng trung đội, đại đội tập trung của địch. Trình độ kỹ thuật, chiến thuật ngày càng được nâng lên. Các hình thức tác chiến ngày càng phong phú, mưu trí, linh hoạt và có hiệu quả hơn. Mặt khác được sự chi viện hết lòng “Tất cả cho tiền tuyến” của hậu phương Thanh-Nghệ-Tĩnh về lương thực, thực phẩm, vũ khí, súng đạn, thuốc men... nên sức chiến đấu của lực lượng vũ trang ta được tăng thêm. Do đó mặc dù từ cuối tháng 2-1954 trở đi, khi Trung đoàn 18 chuyển sang làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào, bộ đội và dân quân du kích tỉnh vẫn đảm nhận được nhiệm vụ tác chiến trên quê hương của mình.

Ngày 22 tháng 2 năm 1954, địch huy động 5 tiểu đoàn càn quét 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng, bộ đội địa phương và dân quân du kích bằng nhiều hình thức tác chiến linh hoạt, đã anh dũng chặn đánh quyết liệt, quần lộn, giành giật với địch từng bờ cây góc xóm, từng ruộng lúa, nương khoai làm cho chúng bị thiệt hại nặng.

Kết quả trong trận chống càn này, bộ đội và dân quân du kích hai huyện Triệu - Hải đã loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên địch, thu nhiều vũ khí, giải thoát cho 50 cán bộ và hơn 200 thanh niên bị địch bắt.

Trong phong trào du kích chiến tranh, các hình thức tác chiến như hầm chông, cạm bẫy, bom mìn, địa lôi... ngày càng phát triển.. Nhiều sáng kiến đánh giặc mới đã được áp dụng có hiệu quả. Tiêu biểu như trận chống càn ngày 28-2-1954 của du kích Vĩnh Liêm. Nắm được âm mưu của giặc đi càn quét bằng cả hai đường thủy, bộ; dân quân du kích một mặt tổ chức lực lượng chặn đánh địch trên bộ không cho chúng vào làng, mặt khác bố trí một bộ phận đóng cọc giăng ngang sông gài mìn, đánh chìm 4 ca nô chặn đứng cuộc càn quét.

Lúc này ở chiến trường chính Bắc Bộ, hòng cứu vãn tình thế ngày càng lún sâu vào thất bại, ngày 20-11-1953, giặc Pháp vội vã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương được chúng đặt nhiều hy vọng.

Trước thử thách mới này, sau khi phân tích một cách khoa học tình hình địch, ta, Trung ương Đảng, Chính phủ, và Hồ Chủ tịch hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này. Ngày 13-3-1954, tiếng súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu.

Ngày 15-3-1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 chỉ thị cho Bình - Trị - Thiên đẩy mạnh hoạt động phối hợp chiến dịch Điện Biên Phủ, tập trung đánh mạnh vào các tuyến đường giao thông, tích cực củng cố và phát triển cơ sở, mở rộng khu du kích và khôi phục căn cứ 4 huyện Triệu - Hải - Phong - Quảng.

Càng bị thua đau trên các chiến trường Điện Biên Phủ, đồng bằng Bắc bộ, Trung Hạ Lào và Bình - Trị - Thiên, thực dân Pháp càng bị động trong việc điều binh khiển tướng. Mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung diễn ra gay gắt, bởi vì quân số thiếu hụt, nếu đóng rải ra để giữ chốt thì lực lượng bị dàn mỏng dễ bị tiêu diệt; nếu tập trung trọng điểm sẽ hở sườn dễ bị bao vây và thu hẹp khu vực chiếm đóng, điều kiện tiếp tế gặp nhiều khó khăn. Khắc phục sự thiếu hụt về quân số, thực dân Pháp và ngụy quyền tay sai bày trò tổng động viên nhằm vơ vét sức người sức của phục vụ cho chiến tranh. Bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa và đạo Phật mưu đồ vũ trang hóa giáo dân để cố thủ bảo vệ các nhà thờ, chùa chiền và biến những nơi tôn nghiêm ấy thành vị trí của địch. Tuy phải rút 6 tiểu đoàn (cả quân ứng chiến và chiếm đóng) ở Bình - Trị - Thiên để tiếp viện cho chiến trường khác, nhưng do chúng tích cực bắt lính, xây dựng thêm được 2 tiểu đoàn quân ngụy, 3 đại đội pháo, và bổ sung thêm 1 tiểu đoàn Tabo nên vẫn giữ được lực lượng 20 tiểu đoàn để tạo thế bình định đồng bằng và đối phó với ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2020, 03:25:27 pm »

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tác chiến phối hợp đợt 2 chiến dịch Điện Biên Phủ của Liên khu và Tỉnh ủy, quân và dân Quảng Trị phát huy thắng lợi đã giành được, liên tục tấn công, liên tục chống phá các cuộc càn quét và bao vây, bức rút một số đồn bốt và vị trí của chúng, bảo vệ và phát triển cơ sở, khu du kích, thu hẹp vùng chiếm đóng của địch.

Bằng chiến thuật tập kích, bộ đội địa phương của tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ đội huyện và dân quân du kích các xã bí mật luồn sâu vào các tuyến chiếm đóng của địch tiêu diệt. 7 vị trí và một số lô cốt trên trục đường số 1 Nam Đông, La Vang, Vĩnh Chấp, Cai Ngạc... Bộ đội huyện Hải Lăng và dân quân xã Hải Dương bao vây cô lập đồn Kim Giao hàng tuần lễ liền làm cho bọn địch ở đây không còn nguồn tiếp tế phải rút bỏ. Một số lô cốt tháp canh ở Triệu Phong cũng bị lực lượng vũ trang ta tập kích tiêu diệt và bức rút. Khu căn cứ Hải Lăng và Triệu Phong dần dần được mở rộng.

Được sự giúp đỡ của bộ đội địa phương tỉnh và huyện, dân quân du kích các xã đã tiến bộ vượt bậc, độc lập chống càn thu nhiều thắng lợi và phát triển phong phú các hình thức tác chiến tiêu diệt địch: Từ chỗ sử dụng các cách đánh thông thường như bom mìn, địa lôi, cạm bẫy, quần lộn... đã tiến lên tập kích, công kích, liên tục bao vây tiêu diệt lô cốt, tháp canh của địch, buộc chúng phải dùng máy bay rút chạy như ở Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh), Diên Khánh (Hải Lăng).

Trên mặt trận giao thông lực lượng vũ trang Quảng Trị phối hợp với quân dân Thừa Thiên liên tục phục kích đánh tàu xe trên tuyến đường sắt, đường số 1 làm lật nhào 3 đoàn tàu, phá hủy 76 xe quân sự, phá sập 10 cầu cống, trong đó có cầu Đông Hà, tiêu diệt trên 3 đại đội địch.

Song song với các hoạt động quân sự, công tác đấu tranh chính trị, vận động chống địch bắt lính cũng ngày càng phát triển rộng rãi. Không có cuộc bắt lính nào của địch lại không vấp phải sức đấu tranh của nhân dân. Đặc biệt các cuộc đấu tranh này dần dần đã lôi kéo được đông đảo gia đình ngụy binh tham gia. Điển hình là cuộc đấu tranh kiên trì và anh dũng của hàng nghìn quần chúng ở Đông Hà ngày 8-5-1954 buộc địch phải thả hết 80 thanh niên bị bắt đi lính.

Tiểu đoàn 230 chủ lực của tỉnh trưởng thành rõ rệt đã cùng với bộ đội địa phương các huyện và dân quân du kích các xã bẻ gãy nhiều cuộc càn quét, bao vây tập kích bức rút nhiều đồn bốt, lô cốt, tháp canh, tiêu diệt nhiều vị trí, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch; khôi phục, giữ vững và mở rộng được nhiều vùng du kích ở đồng bằng, phát triển được cơ sở, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trong vùng địch tạm chiếm, động viên được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến.

Với những thắng lợi đã giành được, quân và dân Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với quân và dân Thừa Thiên phá tan âm mưu của địch phong tỏa giao thông, bình định có trọng điểm 4 huyện Triệu - Hải - Phong - Quảng, mở rộng vùng căn cứ du kích. Từ chỗ chỉ tập trung tác chiến ở vùng nông thôn, đồng bằng, đã tiến lên đưa lực lượng áp sát thị xã, thị trấn đánh địch, uy hiếp và thu hẹp vùng chiếm đóng của chúng.

Ngày 7-5-1954, ta giành toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng vĩ đại này đã làm cho hình thái chiến trường thay đổi hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy địch vào thế bất lợi và đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Sự kiện trọng đợi đó tác động sâu sắc đến hình thái chiến trường Bình Trị - Thiên

Bị thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ nhưng thực dân Pháp vẫn chưa từ bỏ âm mưu kéo dài chiến tranh. Để cứu vãn tình thế đang ngày càng nguy ngập, Chính phủ Pháp tiếp tục đưa quân bổ sung sang Việt Nam, tăng cường bắt lính, xây dựng ngụy quân, tập trung quân cơ động và cầu cứu thêm viện trợ Mỹ.

Ngày 25-5, chúng đưa đến Bình - Trị - Thiên 2 binh đoàn cơ động số 10 và số 21. Trong 2 ngày 28 và 30-5 chúng lại đưa thêm 400 xe, 2000 lính Âu Phi, 2 đại đội cơ giới và 10 khẩu pháo 105 milimét từ Đà Nẵng ra Huế, sau đó phần lớn hành quân ra Đông Hà gồm 250 xe, 2 đại đội cơ giới, đồng thời đưa thêm 1000 quân từ thị xã Quảng Trị ra nâng tổng số quân ở Đông Hà lên hơn 3000 tên. Như vậy địch đã tập trung 17 tiểu đoàn cơ động để chuẩn bị cho các cuộc càn quét lớn ở Quảng Trị và 2 huyện bắc Thừa Thiên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM