Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:33:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quảng Trị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)  (Đọc 5373 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2020, 08:47:09 am »

*
*   *

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, mặc dù thực dân Pháp sau khi chiếm được Quảng Trị đã tăng cường đàn áp, càn quét, khủng bố khắp nơi hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực và các lực lượng kháng chiến của tỉnh, nhưng mọi cố gắng của chúng đều thất bại.

Lực lượng vũ trang của tỉnh, đặc biệt là Trung đoàn Thiện Thuật đã phân tán về các cơ sở bám đất, bám dân, phối hợp cùng dân quân tự vệ xây dựng cơ sở, liên tục quấy rối tiêu hao, tiêu diệt địch gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, chủ trương đưa bộ đội chủ lực về cơ sở bám đất, bám dân, bám trụ chiến đấu là một chủ trương rất đúng đắn và sáng suốt. Nhờ có chủ trương này mà tuy bị giặc Pháp đàn áp, khủng bố khốc liệt, chiếm đóng đến đâu chúng lập hội tề khống chế nhân dân đến đó, nhưng cơ sở của ta vẫn không bị vỡ, bộ đội vẫn bám chắc trong dân, niềm tin của nhân dân vào kháng chiến dần dần được củng cố, phong trào kháng chiến vẫn được duy trì và phát triển. Mặt khác cũng nhờ chủ trương này mà khi 2 tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên có chủ trương “về đồng bằng” và “hạ sơn” thì lực lượng vũ trang Quảng Trị ngay từ khi thế địch còn mạnh ồ ạt tiến quân trong những ngày đầu kháng chiến, vẫn bám trụ được trong dân, được nhân dân che chở, nuôi dưỡng; nay trước tình thế mới đã bước sang thế chủ động tấn công kẻ thù ở khắp mọi nơi trong tỉnh. Đến tháng 5 năm 1948, khi Trung ương Đảng có chủ trương “đại đội độc lập”, “tiểu đoàn tập trung” nhằm phân tán lực lượng đưa các đại đội về hoạt động ở các huyện thì bộ đội chủ lực tỉnh đã có cơ sở hình thành và củng cố thế trận chiến tranh nhân dân đã được thiết lập từ trước. Tiểu đoàn bộ đội tỉnh phân chia các đại đội hoạt động như sau:

Một đại đội hoạt động ở Hướng Hóa - Biên giới Việt-Lào

Một đại đội hoạt động ở Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh

Một đại đội hoạt động ở Triệu Phong, Hải Lăng.

Các đại đội độc lập này ngay từ lúc phân tán đã phối hợp chặt chẽ với dân quân các địa phương hoạt động có hiệu quả. Thực hiện chỉ thị “Luyện quân luyện công” của Liên khu ủy, sau khi nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động của lính công binh Pháp vào buổi sáng thường cho quân đến sửa chữa cầu Độc Mạch trên đường số 9 thuộc địa phận Cam Lộ mà đêm đến bị dân quân phá hoại, một đại đội của Trung đoàn 95 đã phục kích từ 4 giờ sáng chờ địch đến là đánh. Khoảng 7 giờ ngày 23 tháng 6/1948 một chiếc xe chở lính vừa dừng lại ở mố cầu, bộ đội ta bất ngờ nổ súng xung phong lao ra mặt đường. Mười ba lính công binh Pháp không kịp kháng cự, chỉ còn biết giơ tay hàng. Ta thu toàn bộ vũ khí, bắt tên lái xe chở hàng binh về vị trí quy định.

Vừa đẩy mạnh tác chiến, các lực lượng vũ trang vừa tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân lập làng chiến đấu. Khắp các địa phương trong tỉnh đều tổ chức rào làng chiến đấu. Nhiều hàng rào bằng tre, gỗ, hào giao thông, và các loại hầm hố chiến đấu mọc lên để ngăn chặn bước tiến của quân thù. Làng chiến đấu xã Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh) là một trong những điển hình tiêu biểu của phong trào lập làng chiến đấu ở Quảng Trị.

Cũng trong thời gian này, căn cứ du kích Chợ Cạn (Triệu Phong) được thành lập. Đây là một bước phát triển mới của cuộc kháng chiến, là nét độc đáo trong cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp ở Quảng Trị. Căn cứ du kích chợ Cạn được hình thành và tồn tại giữa vùng đồng bằng đông dân, nhiều của ở hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng có ý nghĩa, tác dụng to lớn trong những năm đầu kháng chiến. Căn cứ Chợ Cạn là hành lang đầu tiên chống càn quét. Cơ quan lãnh đạo các cấp có một bộ phận đóng ở đây để tổ chức xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tổ chức chỉ đạo, chỉ huy kháng chiến. Cùng với chiến khu Ba Lòng và các căn cứ lõm khác ở khắp nơi trong tỉnh, căn cứ chợ Cạn đã gây được niềm tin tưởng của nhân dân đối với cuộc kháng chiến. Căn cứ du kích chợ Cạn cũng là nguồn cung cấp tiếp tế một phần đáng kể lương thực, thực phẩm cho chiến khu Ba Lòng trong những ngày gian khổ. Con đường chợ Cạn - Phong An - Trấm - Ba Lòng là con đường huyết mạch của tỉnh ta trong buổi đầu kháng chiến.

Căn cứ địa chợ Cạn đã phản ảnh khá đậm nét việc tổ chức, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong thời kỳ đầu chống Pháp. Đặc biệt về tổ chức và hoạt động chiến đấu, căn cứ kháng chiến chợ Cạn đã để lại những bài học quý về mô hình làng bản chiến đấu ở vùng đồng bằng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2020, 09:02:44 am »

*
*   *

Nhằm thực hiện âm mưu bình định, thực dân Pháp một mặt ra sức đàn áp, khủng bố mở rộng vùng chiếm đóng, mặt khác chúng xúc tiến xây dựng và củng cố ngụy quân ngụy quyền. Gót giày xâm lược của chúng đi đến đâu là hội tề mọc lên đến đó. Bọn Việt gian phản động, bọn đội lốt tôn giáo, bọn địa chủ cường hào... có nợ máu với nhân dân có dịp tâng công với quan thầy, ra sức kềm kẹp, áp bức nhân dân, chỉ điểm lùng bắt cán bộ, đảng viên và cơ sở kháng chiến. Chúng dùng hội tề để gây cơ sở chính trị và thanh thế cho chính quyền bù nhìn, động viên tinh thần ngụy quân, lừa bịp dân chúng, chia rẽ lương giáo, chia rẽ nhân dân với bộ đội, với chính quyền cách mạng; tổ chức các đảng phái phản động, tuyển mộ, ngụy binh; làm tai mắt dò xét cơ sở và các hoạt động của ta; làm công cụ để thu thuế, vơ vét của cải và phá hoại kinh tế kháng chiến.

Trước tình hình đó, hội nghị cán bộ Liên khu 4 ngày 28 tháng 7 năm 1947 chủ trương phát động chiến dịch phá tề, trừ gian trong toàn Liên khu và chỉ rõ: “Chính sách phá tề trừ gian không phải chỉ có xử phạt mà còn phải cảm hóa, lôi kéo họ về với dân tộc(1).

Thực hiện chủ trương đó của Khu ủy và Bộ Chỉ huy Liên khu 4, Tỉnh ủy đã phát động phong trào phá tề trừ gian trong toàn tỉnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, bộ đội và dân quân du kích phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an nhân dân, dựa vào cơ sở quần chúng chống phá âm mưu lập chính quyền bù nhìn của địch. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng các đội “Công an xung phong” của lực lượng công an, một mặt trừng trị những tên việt gian bán nước đầu sỏ, mặt khác tuyên truyền giáo dục, vận động bọn tề ngụy, Việt gian thấy rõ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta là chính nghĩa, đồng thời làm cho chúng hiểu rõ chính sách khoan hồng của Chính phủ và Hồ Chủ tịch với những kẻ lầm đường lạc lối trở về với dân tộc để họ tự nguyện từ bỏ con cường làm tay sai cho giặc trở về với nhân dân.

Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào phá tề trừ gian trong tỉnh đã phát triển khá cao tạo điều kiện cho phong trào xây dựng cơ sở của ta phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Ta chủ trương cùng lúc tất cả các địa phương trong tỉnh đều phá tề làm cho địch phải phân tán lực lượng đối phó, khó có điều kiện tập trung để khủng bố nhân dân.

Tháng 12 năm 1948, Trung ương Đảng lại ra lệnh tổng phá tề trong cả nước, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh.

Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và công an nhân dân, quần chúng cách mạng đã nhất tề nổi dậy phá kìm, diệt ác trừ gian giành quyền làm chủ. Chính quyền nhân dân được thành lập và củng cố, hoạt động ngày càng có uy tín đối với nhân dân. Nếu như cuối năm 1947 trong toàn tỉnh chỉ có 600 hương, lý, tề đầu thú hoặc bỏ trốn thì đến cuối năm 1948 qua việc thực hiện các chỉ thị tổng phá tề nói trên, tỉnh ta đã phá được 183 ban tề. Phối hợp với lực lượng công an, ta đã 6 lần giải tán hội tề huyện, bắt 16 ban hội tề xã, 24 hội tề thôn, tóm gọn 1 tổ gián điệp, bắt 20 tên Việt gian, 39 tên gián điệp... góp phần làm suy yếu hệ thống chính quyền ngụy từ tỉnh đến xã.

Cuộc vận động phá tề diệt gian là cái mốc để chuyển từ tình trạng đau thương của Bình - Trị - Thiên sang bước khôi phục kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên nói chung và Quảng Trị nói riêng. Cuộc vận động phá tề trừ gian và “Đại đội độc lập” là yếu tố thứ nhất để thúc đẩy cuộc chiến tranh ở Bình - Trị - Thiên thành cuộc chiến tranh nhân dân thực sự.

Thực dân Pháp vô cùng bối rối và cay cú trước những thắng lợi ta giành được trong cuộc vận động phá tề trừ gian, chúng điên cuồng, lồng lộn tìm mọi thủ đoạn tăng cường khủng bố, đàn áp, lùng bắt cán bộ, bộ đội để trấn an bọn tay sai. Cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên mặt trận này dai dẳng và hết sức quyết liệt. Chúng cố gắng lập tề, ta quyết tâm phá bỏ. Nhiều thôn xã ta vừa phá xong địch liền quay trở lại đàn áp khủng bố nhân dân, cán bộ phá nát cơ sở, lập lại ngụy quyền tay sai. Có nơi ta phá đi, địch lập lại ba, bốn lần. Xảo quyệt và thâm độc hơn, chúng còn lập hội tề “hai mặt”, “tề bí mật”, “tề cơ động” để đối phó với ta. Nhiều tên tề gian ác chỉ dám hoạt động ban ngày, còn ban đêm lẻn vào ngủ trong đồn địch để bảo toàn tính mạng.

Đi đôi với nhiệm vụ phá kìm, diệt ác, trừ gian, phong trào binh vận cũng ngày càng phát triển. Dựa vào lực lượng quần chúng, ta đã vận động được hàng chục binh lính địch trở về với cách mạng. Hầu hết các đồn bốt địch đều có cơ sở của ta. Nhiều binh sĩ địch do bị bắt buộc phải đi lính cho Pháp nhưng lòng vẫn hướng về kháng chiến. Tình cảm của những người mẹ, người chị luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho những ai lầm đường lạc lối. Ngày 15 tháng 5 năm 1949, các mẹ, các chị và dân quân du kích xã Cam Mỹ (Cam Lộ) đã tuyên truyền vận động 5 ngụy binh mang theo 5 súng trường Mỹ và 25 viên đạn trở về với nhân dân. Cũng trong thời gian trên, một nhân viên địch vận thuộc xã đội bộ dân quân Phong La (Triệu Phong) đã vận động 4 người lính Việt thuộc đội Kommandos ở thị xã Quảng Trị mang theo 1 thomson và 3 súng trường Mỹ trở về với cách mạng. Chị Trần Thị Huyền (Gio Linh) đã vận động 32 lính ngụy phần lớn là ngụy (Lào và Campuchia) trở về với ta.


(1) Hội nghị cán bộ Liên khu 4. Ngày 28/7/1947 - QK4 - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tr.124, 125
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2020, 09:03:38 am »

Phối hợp với việc phá tề, trừ gian, binh địch vận, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng nhân dân cũng được tổ chức nhằm đấu tranh chống lại việc địch bắt lính chống khủng bố đàn áp nhân dân, chống thu thuế, đòi tự do, dân chủ...

Kết hợp với việc tấn công địch bằng quân sự, chính trị, binh vận, ta còn chủ trương bao vây kinh tế địch, đẩy mạnh công tác bảo vệ và thu hoạch mùa và lưu hành bạc tài chính Việt Nam.

Ở các vùng trọng điểm lúa như Triệu Phong, Hải Lăng lực lượng vũ trang chủ động tổ chức một bộ phận canh gác bảo vệ, chống địch đi càn quét, cướp phá lúa gạo, mặt khác tập trung lực lượng tay liềm tay súng cùng thu hoạch mùa với nhân dân. Do đó đã hạn chế nhiều thiệt hại do địch gây ra.

Việc bao vây kinh tế địch được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Khắp nơi ở các ngã đường đi vào thị xã và vùng địch chiếm đóng, đều bố trí các vọng gác của công an, dân quân tự vệ để kiểm soát. Chợ kháng chiến được tổ chức khắp nơi và lưu hành rộng rãi bạc Việt Nam. Các chợ do địch kiểm soát bạc Tài chính Việt Nam phải thu dấu và trao đổi giữa những người thật đáng tin cậy. Nhưng một thực tế rõ ràng là càng ngày đồng bạc Tài chính Việt Nam càng chiếm ưu thế trên thị trường buôn bán của nhân dân so với đông Đông Dương của Pháp.

Chỉ sau vài tuần phát động, việc bao vây kinh tế địch đã đem lại hiệu quả rõ rệt: Trong toàn tỉnh có 10 chợ do địch kiểm soát, thực phẩm trở nên khan hiếm trầm trọng, giá cả tăng vọt, thậm chí có lúc không có để mua, gây cho địch nhiều khó khăn lúng túng.

Về phía ta, nhờ bao vây kinh tế địch mà giải quyết được vấn đề thiếu lương thực, thực phẩm, tránh được nạn đói đầu năm 1949, đồng thời bảo vệ được giá trị đồng bạc Việt Nam. Mặt khác cũng nhờ kết hợp hài hòa giữa đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận và bao vây kinh tế địch mà cuộc chiến đấu của nhân dân ta ngày càng thu được nhiều thắng lợi.

Về phía địch tuy thế đang mạnh nhưng vẫn bộc lộ hai điểm yếu nhất lúc này là tiếp tế lương thực và ngụy binh. Ta khoét sâu vào hai chỗ yếu đó bằng cách nêu lên các khẩu hiệu: “Đứng đi lính cho giặc, ngụy binh trở về với Tổ quốc”, “Bao vây kinh tế địch và địch vận”. Các khẩu hiệu này đưa ra đã được nhân dân khắp nơi hưởng ứng nhiệt liệt, nhất là từ đầu năm 1949 trở đi. Kết quả bước đầu của cuộc vận động bao vây kinh tế địch và địch vận cộng với kế hoạch đại đội độc lập, trừ tề diệt gian trong mấy tháng cuối năm 1948 và đầu năm 1949 thu thắng lợi khá, đánh dấu bước tiến mới của phong trào kháng chiến trong tỉnh, góp phần đưa cuộc kháng chiến ở chiến trường Bình - Trị - Thiên từ giai đoạn phòng ngự lên giai đoạn cầm cự.

Thế và lực của ta ngày càng được xây dựng, củng cố và phát triển. Tháng 3 năm 1949 Hội đồng nhân dân tỉnh họp hội nghị đề ra các chủ trương biện pháp bổ sung kịp thời cho tình hình và nhiệm vụ mới, trong đó nhấn mạnh:

- Kiện toàn bộ máy chính quyền ta, ra sức phá tan bộ máy ngụy quyền của địch.

- Tích cực phát triển dân quân, xây dựng bộ đội địa phương huyện và tỉnh.

- Đặc biệt cải thiện dân sinh và vận động thực hiện đời sống mới trong nhân dân.

- Đối phó với chủ trương của địch đưa Bảo Đại về nước.

- Tiếp tục bao vây kinh tế địch.

Thực hiện những chủ trương quan trọng đó, phong trào chống địch tập trung, chống lập hội tề, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống... ngày càng được đông đảo nhân dân tự nguyện hưởng ứng.

Ngày 14 tháng 7 năm 1949, Chính phủ ta ra sắc lệnh về giảm tô, giảm tức, về tịch thu ruộng đất của Việt gian và tạm giao ruộng đất vắng chủ cho nông dân chưa có ruộng cày. Riêng ở Quảng Trị còn có phong trào vận động người nhiều ruộng hiến ruộng, hiến đất cho chính quyền cách mạng để tạm cấp cho nông dân. Đối với người nông dân làm thuê cuốc mướn, đây là cuộc đổi đời thực sự. Ước mơ ngàn đời của họ chỉ có dưới chính quyền cách mạng mới trở thành hiện thực. Đời sống nông dân được cải thiện. Phong trào tăng gia sản xuất phát triển mạnh mẽ và đều khắp, niềm tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng được củng cố.

Cùng với những bước phát triển về kinh tế, các mặt văn hóa xã hội, giáo dục, y tế... dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt vẫn có những mặt tiến bộ đáng kể. Phong trào “diệt giặc dốt” vẫn được duy trì, các trường phổ thông cấp I, II được xây dựng. Phong trào xây dựng nếp sống mới đã trở thành phổ biến trong nhân dân. Tỉnh và huyện đều có bệnh viện, bệnh xá. Phong trào văn hóa văn nghệ được các tầng lớp thanh thiếu nhi tham gia sôi nổi. Tháng 9 năm 1948, Ban vận động văn hóa văn nghệ Bình - Trị - Thiên được thành lập tại chiến khu Ba Lòng nhằm động viên lực lượng văn hóa văn nghệ kháng chiến và địch hậu tăng cường hoạt động phụng sự công cuộc kháng chiến. Ban vận động văn hóa văn nghệ gồm một số nhà hoạt động văn hóa: Phan Văn Hy, Hoàng Đức Trạch, Lưu Trọng Lư, Vĩnh Mai, Võ Thuần Nho. Từ đây phong trào văn hóa văn nghệ ở Quảng Trị khởi sắc. Ở chiến khu các hoạt động báo chí, thông tin, triển lãm nở rộ. Ở nông thôn nhiều nơi trở thành các tụ điểm lôi kéo những lực lượng văn hóa tiến bộ trong vùng địch tham gia. Nhiều bài thơ hay ca ngợi cuộc chiến đấu của nhân dân ta, biểu dương những chiến sĩ dũng cảm ra đời được bộ đội và nhân dân yêu mến. Phong trào văn hóa văn nghệ đã góp phần động viên quân dân trong tỉnh hăng hái kháng chiến, lạc quan tin tưởng ngày chiến thắng.

Các tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng như Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Công đoàn... được chú trọng xây dựng và củng cố ngày càng vững mạnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2020, 09:04:07 am »

*
*   *

Ngay từ những ngày đầu giặc pháp chiếm đóng Quảng Trị, quân và dân ta vừa kháng chiến chống lại mọi âm mưu bình định của địch, vừa xây dựng củng cố bảo vệ cơ sở. Nhận rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp nhằm càn quét, khủng bố tiêu diệt lực lượng kháng chiến để thiết lập hệ thống chính quyền từ miền ngược đến miền xuôi, ngay từ buổi đầu, Tỉnh ủy đã có chủ trương đúng đắn là phân tán lực lượng vũ trang và cán bộ chủ chốt về các địa phương bám đất, bám dân, bám trụ chiến đấu, củng cố và xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, công an, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Vì vậy mà sớm hình thành được căn cứ du kích Chợ Cạn ngay giữa vùng đồng bằng đông dân nhiều của, đồng thời cũng tạo được thế cài răng lược giữa ta và địch trên nhiều địa bàn khác.

Cơ sở của địch càng bị phá vỡ, cơ sở của ta càng được củng cố và phát triển, đó là điều kiện quan trọng để đảng bộ và quân dân Quảng Trị giành nhiều thắng lợi trên tất cả các mặt công tác. Dù khó khăn ác kiệt đến mấy, do biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, bám dân, tin dân, phát động được tinh thần yêu nước của toàn dân, xây dựng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, làm cho quần chúng nhân dân ý thức được mục đích của cuộc kháng chiến trường kỳ là đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập hoàn toàn cho đất nước, nhất định quân và dân Quảng Trị sẽ vượt qua mọi khó khăn đưa cuộc kháng chiến từng bước tiến lên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2020, 10:20:13 am »

II - RA SỨC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN,
PHÁT TRIỂN CHIẾN TRANH DU KÍCH, ĐẨY MẠNH KHÁNG CHIẾN

Thu - Đông năm 1947, ta thắng lớn ở Việt Bắc buộc địch phải thay đổi chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh kéo dài” thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”.

Ở Bình - Trị - Thiên nói chung và ở Quảng Trị nói riêng địch ra sức tăng cường càn quét vùng đồng bằng, đánh phá chiến khu, xây dựng công sự, củng cố vùng chiếm đóng, bao vây kinh tế của ta, ra sức bắt lính, phát triển ngụy quân, củng cố ngụy quyền.

Đối phó với âm mưu chiến lược mới của địch, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang cả về số lượng lẫn chất lượng, phát triển chiến tranh du kích, đưa phong trào kháng chiến ở địa phương lên một bước. Đồng thời tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia đánh giặc.

Thực hiện chủ trương trên, Trung đoàn 95 được biên chế đủ quân số cho 3 Tiểu đoàn 13, 14, 15 với 1.745 người. Đại đội Lê Hồng Phong được bổ sung thêm quân số từ du kích ở các huyện. Mỗi huyện được biên chế 1 trung đội dân quân thường trực, ở hầu hết các xã có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội dân quân tập trung. Tất cả các lực lượng trên vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, thực hiện nhiệm vụ lúc này là bám đất, bám dân xây dựng cơ sở, xây dựng dân quân du kích, bảo vệ và giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, thu hoạch mùa màng, cất dấu của cải, phối hợp với các lực lượng công an và nhân dân phá tề trừ gian, chống địch càn quét, bình định, tuyên truyền vận động giúp đỡ nhân dân rào làng chiến đấu, quấy rối, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch.

Trong mấy năm đầu cuộc kháng chiến, quân và dân Quảng Trị phải chịu đựng một cuộc sống vô cùng gian khổ: Đói rét, bệnh tật, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thuốc không có uống. Tại bệnh viện K42 không ít lần bác sĩ buộc phải dùng cưa thợ mộc cưa xương thương binh trong các ca phẫu. Nhất là Thu - Đông năm 1947, bộ đội và nhân dân ta phải chịu đựng cái đói và rét cực kỳ ghê gớm. Ở chiến khu Ba Lòng, anh em bộ đội mỗi ngày được ăn một vắt cơm bằng quả trứng, có ngày chỉ vài khúc sắn nhỏ.

Có khi một tuần lễ liền cả đại đội không còn một hạt gạo, bộ đội phải hái rau tàu bay luộc ăn thay cơm. Không ít đơn vị bộ đội hoạt động ở vùng Gio Linh, Hải Lăng, Vĩnh Linh phải ăn thân cây xương rồng luộc chín, ở đại đội Lê Hồng Phong một viên quynin hay quinacrin phải đem hòa ra lọc lấy nước tiêm cho người sốt nặng, còn bã cho người sốt nhẹ uống, một viên thuốc như vậy điều trị cho vài ba người. Nhiều ngày đói đến run tay, nhiều đêm lạnh đến tê người. Mặc dù vậy, cán bộ chiến sĩ vẫn lạc quan tin tưởng vẫn trọn nghĩa vẹn tình với kháng chiến.

Đời sống thì đã vậy, đi hoạt động còn gian khổ gấp bội. Cán bộ, chiến sĩ ta phải lần mò trong đêm trèo đèo, lội suối, băng rừng, giày dép không có phải đi chân đất. Gai góc, đá nhọn, rắn rết, vắt sên và kẻ thù rình rập, luôn luôn là những trở ngại, đáng sợ đối với mỗi người. Từ trong gian khổ, khó khăn, cán bộ chiến sĩ ta luôn luôn mưu trí, sáng tạo tìm mọi cách khắc phục hoàn cảnh để vượt lên. Trước hết là phải bảo vệ đôi chân “trường kỳ kháng chiến”. Vì thế đôi dép cao su đã ra đời. Chiến sĩ Lê Ngộ đã có sáng kiến lấy lốp xe Zeep của giặc bị ta phá hỏng cắt thành dép để đi. Từ đôi dép cao su đầu tiên của Lê Ngô dần dần được cải tiến thành dép cao su Bình - Trị - Thiên có bốn quai. Sáng kiến tuy nhỏ bé và đơn giản nhưng lúc bấy giờ có tác dụng rất lớn bảo vệ đôi chân người chiến sĩ. Chính từ sáng kiến này mà phong trào tìm diệt xe giặc để lấy lốp làm dép được phát triển khắp nơi. Cuối năm 1947, đồng chí Trần Quý Hai, Phân khu trưởng Phân khu Bình - Trị - Thiên có dịp ra Việt Bắc đã mang theo một đôi dép cao su Bình - Trị - Thiên tặng Bác Hồ. Từ đó đôi dép cao su - đôi dép Bác Hồ đã theo chân người chiến sĩ đi suốt chặng đường dài của hai cuộc kháng chiến và kỳ diệu thay trở thành huyền thoại của thế kỷ 20.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2020, 10:21:07 am »

*
*   *

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp, phong trào chiến tranh du kích, phong trào toàn dân đánh giặc ngày càng phát triển. Thực dân Pháp điên cuồng tổ chức nhiều cuộc càn quét quy mô lớn chà đi xát lại nhiều lần vào căn cứ du kích ở đồng bằng Triệu Hải và chiến khu Ba Lòng hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của tỉnh, tiêu diệt bộ đội, cán bộ, đảng viên, dập tắt phong trào kháng chiến, gây ra nhiều vụ thảm sát rùng rợn, đe dọa và uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta. Nhưng chúng đã lầm. Bình - Trị - Thiên nói chung và Quảng Trị nói riêng từ trong khói lửa ngày nào giờ đây đã thành “Bình - Trị - Thiên quật khởi”.

Cùng với sự lớn mạnh của cơ sở, phong trào chiến tranh du kích phát triển ngày càng đều khắp ở Quảng Trị. Các trận đánh nhỏ, lẻ nhiều vụ quấy rối ban đêm diễn ra liên tiếp làm cho giặc Pháp và bọn tay sai mất ăn mất ngủ, hoang mang, lúng túng và bị động đối phó. Sự hợp đồng chiến đấu giữa bộ đội chủ lực và dân quân du kích ngày càng gắn bó chặt chẽ. Cách đánh du kích của bộ đội và dân quân ngày càng linh hoạt, mưu trí, sáng tạo. Trung đoàn 95, bộ đội chủ lực của tỉnh luôn luôn cơ động, liên tục tập kích, phục kích, nghi binh, bao vây quấy rối làm cho quân giặc nơm nớp lo sợ. Giữa vòng vây của quân thù, bị càn đi quét lại liên miên, bọn Việt gian, mật thám, chỉ điểm lùng sục khắp mọi lúc mọi nơi, nhưng được nhân dân tin yêu đùm bọc, che chở cán bộ chiến sĩ ta vẫn vững vàng trên trận tuyến đấu tranh.

Từ tháng 4 năm 1947 trở đi, công tác chuẩn bị kháng chiến lâu dài được tiến hành khẩn trương, tích cực. Kế hoạch bố phòng, xây dựng và tác chiến của bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ được chuẩn bị đầy đủ hơn.

Trên cơ sở nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, quan điểm quần chúng, tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng, quân và dân Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với nhau đưa phong trào toàn dân tham gia đánh giặc lên một bước phát triển mới, đúng như đánh giá của Phân khu ủy Phân khu Bình - Trị - Thiên: “Bộ đội Quảng Trị đã lập được nhiều chiến công đáng kể, thu được nhiều vũ khí và bắt được tù binh. Mùa hè và Thu - Đông năm 1948 chỉ tính trong một tuần 11 phối hợp với Quảng Bình đã phá hủy được trên 30 xe và giết trên 100 tên giặc (trong đó có một đại tá) chủ yếu bằng địa lôi chiến. Trong trận tấn công Quảng Trị của giặc Pháp du kích thường trực và du kích xã đã đánh địch một cách có hiệu quả, du kích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu hao, tiêu diệt địch”.

Thực dân Pháp từ chỗ chủ động tiến công đã phải chuyển sang thế bị động đối phó. Các trận đánh nhỏ, lẻ bằng chiến thuật du kích vận động chiến của các đội biệt động và dân quân du kích diễn ra liên tiếp và ngày càng nâng cao hiệu suất chiến đấu. Giặc Pháp càng điên cuồng, lồng lộn càn quét, cướp phá; quân và dân ta càng chủ động trong việc chống càn. Khắp các làng xá, trên mọi nẻo đường vật chướng ngại được dựng khắp nơi. Hàng rào tre, gỗ, các ụ chướng ngại bằng đất đá, các đường hầm hào xuyên ngang xẻ dọc, tạo thêm điều kiện cho ta chiến đấu và chiến thắng trong phong trào toàn dân đánh giặc.

Lực lượng kháng chiến ngày một trưởng thành, chiến tranh du kích ngày càng phát triển. Thực dân Pháp không những phải đương đầu với sức mạnh của bộ đội chủ lực và dân quân du kích mà còn với sức mạnh tổng hợp của phong trào toàn dân đánh giặc. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ngày càng rõ nét, tạo cho ta lớn dần lên nhiều mặt.

Cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân Quảng Trị trong năm 1947 đã thu được thắng lợi về nhiều mặt: Gây dựng được cơ sở kháng chiến, củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh về cả số lượng và chất lượng, đồng thời vừa xây dựng vừa chiến đấu đã tổ chức đánh địch trên 80 trận lớn nhỏ, trong đó có 18 trận tấn công, 25 trận đột kích, 21 trận phục kích, 1 trận tập kích... Tiêu diệt 2.397 tên địch và làm bị thương 268 tên khác, góp phần giam chân Pháp ở Bình - Trị - Thiên không cho chúng tấn công ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2020, 10:22:35 am »

*
*   *

Đối phó với sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sang năm 1948 giặc Pháp điên cuồng tổ chức nhiều đợt, càn quét, cướp phá qui mô lớn kéo dài hàng tuần lễ. Chúng cho rằng nguồn gốc tai họa đối với chúng chính là những căn cứ Việt Minh trên rừng núi, vì vậy phải quyết tâm triệt hạ các chiến khu của ta. Thực hiện âm mưu thâm độc đó, chúng đã huy động một lực lượng lớn kể cả thủy lục, không quân, thiết giáp và đại bác tổ chức nhiều đợt càn quét, khủng bố dã man vào các vùng căn cứ và chiến khu của ta trên rừng núi như Thủy Ba, Cẩm Phổ, Cùa, Ba Lòng, Hòn Linh, Bợc Lở, Khe Mương...

Ngày 2 tháng 1 năm 1948, địch tấn công vào chiến khu Quảng Trị.

Ngày 7 tháng 3 năm 1948 địch càn vào chiến khu Hòn Linh, Bợc Lở.

Ngày 11 tháng 3, địch nhảy dù xuống chiến khu Quảng Trị. Các trận càn trên có quy mô lớn nhỏ và thời gian dài ngắn khác nhau nhưng kết quả đều thất bại, đậm nhất là trận càn vào chiến khu Hòn Linh, Bợc Lở nằm ở phía tây nam huyện Hải Lăng, là tiền chiến khu của chiến khu Ba Lòng. Thực hiện âm mưu thâm độc hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của tỉnh thời gian này đang đóng ở Hòn Linh, đêm 6-3-1948, địch dùng pháo bắn phá dữ dội lên Hòn Linh rồi sáng hôm sau huy động trên 1.500 quân chia làm ba cánh tấn công lên chiến khu. Kết hợp với bộ binh, địch cho 5 chiếc máy bay Đa-cô-ta thả quân dù xuống xóm Dạ Gỗ, nơi Phân khu ủy và Bộ chỉ huy Phân khu đặt sở chỉ huy.

Ta biết được âm mưu của địch từ khi chúng chuẩn bị hành binh đã lập kế hoạch chủ động đối phó nên lực lượng kháng chiến được bảo toàn. Một mặt cơ quan đầu não khẩn trương sơ tán rút lên chiến khu Ba Lòng, mặt khác chỉ đạo các đơn vị chủ lực ở đồng bằng và dân quân du kích vùng tiền chiến khu chủ động tiến công trước lúc địch càn.

Trong trận chống càn này, đại đội Lê Hồng Phong phối hợp chặt chẽ với tiểu đoàn 302 bộ đội chủ lực của Phân khu và dân quân du kích địa phương đã lập công xuất sắc, gây cho địch nhiều thiệt hại. Với chiến thuật du kích vận động chiến, biết lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, mưu trí linh hoạt trong chiến đấu, quân và dân ta đã làm thất bại âm mưu của địch. Hàng trăm tên địch phải bỏ mạng, hàng chục tên khác bị thương. Trận càn thất bại làm cho quân Pháp phải chua chát thừa nhận: “Các chiến thuật cổ điển áp dụng từ trước đến nay, chiến thuật gọng kìm chớp nhoáng, ồ ạt không có hiệu quả với rừng núi hiểm trở, với chiến thuật du kích vận động, với tinh thần cảm tử của đối phương(1)”.

Bị thua đau ở chiến trường rừng núi, thực dân Pháp đành quay về bình định ở vùng đồng bằng, tàn sát dân thường hòng cứu vớt danh dự và phục thù cho thất bại ở chiến trường rừng núi. Ngày 17 tháng 3 năm 1948, chúng gây tiếp vụ thảm sát rùng rợn ở chợ Cạn (Triệu Phong). Hơn một tiểu đoàn quân Pháp với trang bị vũ khí hiện đại, có máy bay, pháo binh, xe tăng yểm hộ đã dồn dân vào ngôi đình rộng khóa cửa lại rồi xả súng liên thanh giết hại trên 600 người phần lớn là ông bà già, phụ nữ và trẻ em. Chúng còn dốt phá trên 400 nóc nhà, bắn đắm 16 thuyền và giết chết 70 trâu, bò. Đây là vụ thảm sát tàn bạo và rùng rợn nhất của thực dân Pháp đối với nhân dân Quảng Trị nói chung và Triệu Phong nói riêng. Ngày 17 tháng 3 đã trở thành ngày căm thù của nhân dân Quảng Trị đối với giặc Pháp. Tiếp đến đầu tháng 4 năm 1948, trong “Tuần lễ Hải Lăng” giặc Pháp lại gây các vụ thảm sát dã man ở các xã Hải Châu, Hải Trình và nhất là ở Mỹ Thủy. Tính chung cả đợt này địch đã giết và làm bị thương trên 1000 đồng bào, bắt 150 người, 23 phụ nữ bị hãm hiếp, 1734 ngôi nhà bị đốt, 2264 thúng lúa và 465 lợn, bò bị cướp. Cần lưu ý rằng: Đây cũng là hành động hèn hạ nhất của giặc Pháp thường sử dụng trong chiến tranh cướp nước mỗi khi bại trận. Hơn 6 tháng sau, sau khi đồn Nhĩ Hạ (Gio Linh) bị diệt, vào ngày 15 tháng 10 năm 1948 chúng cũng huy động một tiểu đoàn quân Pháp bao vây thôn Tân Minh (cách Nhĩ Hạ 1km) xả súng bắn bừa bãi vào dân thường giết chết 131/171 người phần đông là người già, phụ nữ, trẻ em. 41 gia đình thôn này có người bị giết, trong đó có 3 gia đình bị giết sạch. Gia đình ông Nguyễn Quang Xưởng có 26 người bị giết hết.

Hai ngày sau vụ thảm sát chợ Cạn, thực dân Pháp liền vội vã kết hợp cả thủy, lục, không quân tấn công vào Triệu Phong, Hải Lăng để tìm diệt căn cứ du kích và tiểu đoàn 302 đang hoạt động ở vùng này. Nhưng được sự che chở của nhân dân, lực lượng ta vẫn ngoan cường chống cự, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Các cuộc càn quét của địch dù tàn bạo đến mấy cũng không thể nào đè bẹp được ý chí quyết đánh và quyết thắng của người dân Quảng Trị và ngược lại càng nung nấu thêm lòng căm thù và tinh thần kiên trung bất khuất của nhân dân ta.

Để chi viện cho chiến trường và thực hiện chủ trương đánh mạnh ở Bình - Trị Thiên, Bộ chỉ huy Liên khu 4 đã điều Đại đội 87 Tiểu đoàn 400 thuộc Trung đoàn 9 cùng một số cán bộ tham mưu từ Thanh-Nghệ-Tĩnh vào phối hợp chiến đấu với quân và dân Quảng Trị.

Ngày 7 tháng 4 năm 1948, Đại đội 87 phối hợp với Đại đội 140 của Trung đoàn 95 và dân quân du kích địa phương vận động phục kích đánh địch càn quét ở làng Đồng Dương (Hải Lăng). Làng này ở phía đông nam huyện Hải Lăng có khe Chùa Diên Khánh đi qua, khe bọc như khuỷu tay, địa thế rất lợi hại cho quân ta phục kích. Bên này khe là bãi cát, bên kia khe là ruộng lầy. Giặc Pháp mở trận càn Đồng Dương nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta ở căn cứ chợ Cạn, uy hiếp tinh thần nhân dân đồng thời phá hoại mùa lúa đang thời kỳ trổ bông.

Sáng ngày 7 tháng 4, địch tập trung hơn một đại đội trong đó có một trung đội Pháp và 2 trung đội ngụy tập kết tại đình Đồng Dương để mở cuộc càn quét.

Đại đội 149 được tăng cường một trung đội của đại đội 87 bí mật phục kích dọc đường 8 đồng thời để một bộ phận phối hợp với dân quân du kích địa phương bố trí trong làng Đồng Dương hình thành thế trận bao vây.

Khoảng 7 giờ 30’, bọn địch bắt đầu hành quân càn quét. Đi đâu là 2 trung đội ngụy, đi sau là trung đội Pháp. Chúng vừa đi vừa bắn phá lung tung. Chờ cho địch lọt vào vị trí phục kích 15 đến 20 mét, ta đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ số ngụy quân hoảng hốt vứt cả súng chạy tạt vào làng. Bọn Pháp hoảng loạn liều mạng qua khe tháo chạy nhưng gặp phải ruộng lầy bị thụt chân không leo lên được; ta bắt sống 12 tên, 3 tên khác ngoan cố chống cự bị tiêu diệt chỉ một tên chạy thoát. Số quân ngụy chạy vào làng cũng bị ta diệt gọn hoặc bắt sống. Kết quả trong trận này ta diệt gọn 2 trung đội địch, trong đó có tên đồn trưởng đồn Thế Chí Đông, bắt 12 tù binh Pháp và một số lính ngụy, thu 1 súng cối 60 ly, 1 trung liên, và 20 súng trường.

Cùng với chiến thắng của quân dân Quảng Bình, Thừa Thiên trong thời điểm này, chiến thắng Đồng Dương thể hiện sinh động tình đoàn kết hiệp đồng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù chung của Quảng Trị với lực lượng vũ trang và nhân dân vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh. Nó chứng tỏ khi quân địch có ưu thế về binh lực, nếu nắm vững quy luật hoạt động của chúng và có cách đánh mưu trí thích hợp với từng loại địa hình; bộ đội và dân quân du kích vẫn thực hành những trận chiến đấu hiệu suất cao. Quan trọng hơn, chiến thắng Đồng Dương củng cố thêm niềm tin của nhân dân trong vùng địch tạm chiếm đối với kháng chiến và cách mạng.


(1) QK4 kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. NXB QĐND Tr.137
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2020, 10:23:47 am »

*
*   *

Từ tháng 5 năm 1948 trở đi, để phát huy những thắng lợi đã đạt được đồng thời phối hợp với mặt trận bắc Quảng Bình nhằm phá hoại âm mưu của thực dân Pháp dùng Quảng Bình làm bàn đạp tấn công vào vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh, quân và dân Quảng Trị mở một đợt tác chiến ở khắp các địa phương. Trung đoàn 95, đơn vị chủ lực của Phân khu, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Lê Nam Thắng và Chính ủy Lê Chưởng, phối hợp chặt chẽ với đại đội Lê Hồng Phong và dân quân du kích các địa phương đã liên tục tập kích, phục kích đánh phá, gây rối khắp nơi.

Ngày 6 tháng 6 năm 1948, Bộ trưởng Quốc phòng ra chỉ thị về “cuộc vận động luyện quân lập công mùa hè”. Thực hiện chỉ thị đó, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tích cực quấy rối địch, tiêu diệt các cứ điểm, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu làm cho quân địch phải phân tán lực lượng chống đỡ.

Vào thời gian này tỉnh Quảng Trị nhận được sự chi viện và giúp đỡ chí tình của nhân dân Thanh-Nghệ-Tĩnh về súng đạn, thuốc men, quần áo, lương thực, thực phẩm... quân và dân Quảng Trị càng hăng hái thi đua lập công.

Mở đầu đợt tác chiến mùa hè, quân và dân Hướng Hóa liên tục đánh phá đường số 9, phá hủy và phá hỏng gần chục xe quân sự của địch tiếp tế vũ khí, lương thực, thực phẩm cho mặt trận Trung Lào, góp phần chia lửa với quân và dân Lào anh em.

Ngày 24 tháng 6, một tiểu đội dân quân Hải Lăng đánh đồn Chập Chạ diệt 8 tên Pháp và làm bị thương một số tên khác.

Ngày 7 tháng 7 tại An Đôn (Triệu Phong) tiểu đoàn 302 phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ thị xã Quảng Trị và xã Triệu Thượng vận động phục kích đánh địch đi càn, diệt 4 tiểu đội địch, bắt 20 tù binh, thu hàng chục súng, chặn đứng cuộc càn quét của chúng.

Ngày 14 tháng 7 lực lượng vũ trang ta tổ chức đánh đồn Đập Huyện (Gio Linh). Đây là một trận đánh mưu mẹo kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và dân quân địa phương, kết hợp giữa tập kích và địch vận đạt hiệu quả cao.

Đồn Đập Huyện đóng gần quận lỵ Gio Linh có 6 tên Pháp (1 cai 5 lính) và 50 lính ngụy canh giữ. Nhân ngày Quốc khánh nước Pháp (14-7) bọn địch mải vui chơi, sơ hở, ta tổ chức dùng mẹo diệt đồn. Một đại đội của tiểu đoàn 302 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chính ủy Lê Chưởng và Trung đoàn phó Phùng Thế Bằng phối hợp với dân quân du kích bí mật phục kích quanh đồn. Lực lượng dân quân bố trí 2 có gái đẹp do Nguyễn Thị Gái phụ trách gánh rượu thịt vào chúc mừng quan Tây và quân lính. Được 2 cô gái đẹp ân cần mới mọc, cả quan lẫn lính đều say sưa nhậu nhẹt và chọc ghẹo, tán tỉnh. Khi chúng đã say mèm, 2 cô gái ung dung ra mở cổng đồn cả đại đội ập vào bắt sống toàn bộ quân địch đang trong trạng thái say rượu, thu tất cả vũ khí và đồ dùng quân sự. Trận đánh lấy đồn Đập Huyện diễn ra không mất một viên đạn, hiệu suất lớn.

Mở đầu đợt hoạt động Thu-Đông năm 1948, ngày 9 tháng 8 tại km 16 đường số 9, đại đội Lê Hồng Phong phối hợp với một bộ phận Trung đoàn 95 phục kích đoàn xe của địch chở súng đạn và lương thực, thực phẩm sang Lào. Nắm vững quy luật hoạt động của chúng, ta bí mật mai phục nơi hiểm yếu. Khi đoàn xe địch đã lọt vào trận địa, quân ta đồng loạt nổ súng xung phong. Cùng lúc nhiều tảng đá, gốc cây lớn ở hai bên đường đã chuẩn bị sẵn được lăn xuống chặn đứng lối đi của địch. Bị đánh bất ngờ, bọn Pháp hoảng sợ, một số tên vứt cả xe cộ, súng ống chạy trốn vào rừng. Sau 30 phút chiến đấu, đại đội Lê Hồng Phong hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt 25 tên địch, thu 30 súng các loại. Cùng với nhiều chiến công vang dội trước đây, qua trận này đại đội Lê Hồng Phong lại ghi thêm một chiến tích mới vào trang sử vẻ vang của mình xứng đáng được Hồ Chủ tịch trao tặng danh hiệu cao quý: “Đơn vị kiểu mẫu” của Liên khu 4.

Trước tình thế bị uy hiếp khắp nơi, địch càng đẩy mạnh hoạt động và tăng cường bố phòng. Một mặt chúng điều quân từ Huế, Đông Hà ra Quảng Bình, tăng nhịp độ vận chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực, thực phẩm cho quân lính ở Trung Lào, mặt khác chúng kiểm soát rất chặt chẽ Cửa Việt, Cửa Tùng, các thị xã, thị trấn, đồng thời cho trọng pháo, máy bay oanh tạc bừa bãi vào các chiến khu Ba Lòng, Trấm, Hải Đạo, Chợ Cạn...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2020, 10:25:57 am »

Góp phần chia lửa với chiến trường Trung Lào, Trung đoàn 95 chủ trương đánh mạnh trên đường số 9. Ngày 20 tháng 9 tại đèo Tân Lâm, Trung đoàn phối hợp với dân quân du kích địa phương vận động phục kích đánh một đoàn xe vận tải của địch, tiếp tế cho chiến trường Trung Lào, phá hủy 16 xe, diệt và bắt 30 tên Pháp, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng. Cũng trong trận phục kích quy trung đoàn này, Ban chỉ huy đã cử đại đội phó Hồng Vân chỉ huy một trung đội, phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh, bí mật đưa 2 khẩu trung liên áp sát sân bay Đông Hà bất ngờ bắn rơi tại chỗ 1 máy bay trinh sát khi nó đang chạy trên đường băng chuẩn bị cất cánh yểm trợ cho đoàn xe vận tải, góp phần chi viện và cổ vũ các lực lượng tham gia chiến đấu. Đây là trận vận động phục kích giao thông quy mô trung đoàn, có sự hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân đu kích dưới sự chỉ huy tập trung, thống nhất của Trung đoàn trưởng Lê Nam Thắng và Trung đoàn phó Lê Bá Vận. Sau trận này bọn Pháp buộc phải ngừng hoạt động tiếp tế trên trục đường 9 một thời gian để đối phó với chiến thuật phục kích giao thông của ta.

Các hoạt động liên tục và có hiệu quả của bộ đội chủ lực phân khu, đại đội Lê Hồng Phong, của các lực lượng vũ trang, bán vũ trang và công an trong tỉnh đã góp phần làm suy yếu lực lượng quân Pháp trên địa bàn Bình -   Trị - Thiên và cả Trung Lào, tạo điều kiện để quân và dân Quảng Trị cùng quân dân các tỉnh bạn đẩy mạnh chiến tranh du kích, chặn đứng âm mưu của địch dùng Trung Lào làm bàn đạp tấn công Bình - Trị - Thiên.

Tên thiếu tá Nguyễn Ngọc Lễ, tổng chỉ huy “Bảo vệ quân” ở Trung phần Việt Nam, trong báo cáo gửi Bộ chỉ huy Pháp và Thủ hiến Trung phần đã cay đắng thú nhận: “Hai tháng nay tình hình 4 tỉnh (Bình - Trị -Thiên và Quảng Nam) rất nghiêm trọng. Việt Minh hoạt động ráo riết, lấy hết đồn này đến đồn khác và hoạt động cả ban ngày giữa tỉnh lỵ mà quân ta không đủ quân số và vũ khí để đối phó...”. Y hốt hoảng kêu cứu: “Cho 1.000 súng tay và súng máy, đóng thêm đồn ở tỉnh để giữ đất đai đã chiếm được và để “Bảo vệ quân” khỏi thất bại. Nếu không giải quyết thì an ninh và trật tự không giữ nổi, nhiều làng mạc sẽ rơi vào tay Việt Minh...”(1)

Sau các đợt tiến công quân sự và cuộc tổng phá tề của ta, thực dân Pháp điên cuồng mở nhiều cuộc càn quét quy mô lớn vào căn cứ cửa phân khu và tỉnh, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não cuộc kháng chiến, tiêu diệt chủ lực và các đơn vị vũ trang, khôi phục lại ngụy quyền ở những vùng vừa bị ta xóa sổ, đồng thời trấn an tinh thần hoang mang dao động đang lan rộng trong hàng ngũ địch.

Ngày 17 tháng 3 năm 1948, giặc Pháp huy động 4 tiểu đoàn với hơn 1.200 quân cùng 10 máy bay, 100 xe quân sự, 5 ca-nô, 100 thuyền từ Đà Nẵng, Thừa Thiên, Quảng Bình chia thành nhiều cánh theo đường bộ và đường sông Thạch Hãn tập trung mở cuộc càn quét quy mô lớn vào chiến khu Ba Lòng. Nắm được âm mưu xảo quyệt của giặc, Ủy ban kháng chiến Phân khu và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh một mặt khẩn trương chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan của tỉnh và Phân khu đóng ở Ba Lòng bình tĩnh khẩn trương sơ tán tài liệu, chuyển thương bệnh binh và cơ sở vật chất vào sâu trong rừng, đồng thời tổ chức chiến đấu chặn đánh địch. Mặt khác kịp thời chỉ đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh và toàn Phân khu phối hợp chặt chẽ mở một đợt tác chiến khắp nơi nhằm kìm chân, phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng ở chiến khu tập trung chống phá cuộc càn quét của địch, bảo vệ chiến khu.

Nếu so sánh tương quan lực lượng thì trong trận này giặc Pháp mạnh hơn ta gấp nhiều lần cả về quân số và vũ khí. Lực lượng ta chỉ có đại đội Lê Hồng Phong phối hợp với đại đội 127 trợ chiến của trung đoàn 95 và trung đội bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy dưới sự chỉ huy của trung đoàn phó Phùng Thế Bằng đã dũng cảm cầm cự chống trả địch.

Mặc dù quân đông, tướng mạnh, trang bị vũ khí có thừa, nhưng khi lọt vào vùng “thiên la địa võng” của núi rừng Quảng Trị, đi đến đâu quân giặc cũng vấp phải sức chống trả quyết liệt của quân và dân ta. Hàng trăm tên địch phải bỏ mạng trước tiền chiến khu vì mìn địa lôi, lựu đạn, bẫy đá, hầm chông... Nhờ vậy ta đã kềm chân quân địch, làm giảm cường độ và tốc độ tiến công của chúng, góp phần bẻ gãy cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của kẻ thù, bảo vệ an toàn cơ quan tỉnh và phân khu.


(1) Quân khu 4 - lịch sử kháng chiến chống Pháp trang 163 Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 1990
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2020, 10:27:46 am »

Sau gần 10 ngày hành quân càn quét không có kết quả, ngày 25 tháng 3, địch buộc phải rút lui. Nắm được cơ hội binh lính địch đang mệt mỏi và có phần chủ quan, lực lượng vũ trang ta đã kịp thời truy kích, chặn đánh trên đoạn sông từ Bỏng đến Chủ Cá, Bãi Dài, Khe Trái, bắn chìm 40 đò, 1 ca nô, diệt và làm bị thương hàng trăm tên, xác địch nổi lềnh bềnh trên sông.

Cuộc càn quét quy mô lớn của giặc Pháp vào chiến khu Quảng Trị mặc dầu đã được chuẩn bị rất công phu, kế hoạch tác chiến được vạch ra từ tổng hành dinh Huế, lại được tập dược trước khi hành binh nhưng cuối cùng vẫn chịu thất bại thảm hại. Thắng lợi của trận chống càn một lần nữa chứng tỏ rằng tuy tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch nhưng nếu ta biết dựa vào rừng núi hiểm trở, bám được cơ sở, phát động được thế trận chiến tranh nhân dân đều khắp, biết tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu và có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời thì thắng lợi nhất định thuộc về chúng ta. “Thắng lợi của chúng ta trong việc đánh trả có hiệu quả cuộc càn quét quy mô lớn của địch càng khẳng định vai trò hết sức quan trọng của bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đồng thời cũng chứng tỏ rằng nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Phân khu và trình độ phối hợp tác chiến của các lực lượng vũ trang trên địa bàn ba tỉnh Bình-Trị-Thiên đã có bước tiến mới”.(1)

Phối hợp chia lửa với nhân dân và các lực lượng vũ trang ở chiến khu, bộ đội chủ lực và dân quân du kích khắp các địa phương trong tỉnh ráo riết hoạt động, uy hiếp địch khắp nơi, tiêu diệt nhiều toán địch đi càn quét, phục kích giao thông, phá hủy và phá hỏng nhiều xe vận tải, bao vây, quấy rối và giải tỏa nhiều đồn bốt, vị trí quan trọng, đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân phá tề trừ gian...

Ở Gio Linh nhân dân và dân quân du kích diệt đồn Lạc Sơn.

Ở Vĩnh Linh diệt hội tề có nhiều nợ máu với Vĩnh Sơn. Tại Hải Lăng, một tiểu đội dân quân dùng mìn tự tạo diệt 4 tên Pháp (có 1 quan hai) ở Bến Lội và Chòi Mây...

Kết quả trong năm 1948, quân và dân tỉnh ta đã đánh 64 trận. Trong đó có 37 trận phục kích, 27 trận công đồn và vận động chiến, diệt 668 tên địch, làm bị thương 196 tên khác, bắt sống và đầu hàng 37 tên, thu 2 súng ngắn, 83 súng trường, 17 tiểu liên, 13 trung liên, 2 đại liên, 1 phóng lựu, 18 lựu đạn... phá hủy 30 xe vận tải, 40 thuyền, 1 ca nô, 1 xe bọc thép...

Phong trào du kích chiến tranh phát triển, đã phối hợp với bộ đội đánh địch 12 trận, độc lập tác chiến 77 trận. Ngoài ra còn có 134 trận đánh lẻ, diệt 774 tên, làm bị thương 251 tên khác, bắt sống 4 bảo vệ quân, thu 42 súng cá nhân, phá 15 súng các loại. Lực lượng dân quân tổ chức phá hoại 4 km quốc lộ I và tỉnh lộ, 10 cầu, đắp 4km vật chướng ngại trên quốc lộ I đốt hàng trăm mét rào xung quanh vị trí địch, đốt 4 nhà, 3 kho cắt 31 km dây điện thoại... Phối hợp với lực lượng công an 6 lần giải tán hội tề huyện, bắt 16 ban hội tề xã, 24 hội tề thôn, 1 tổ gián điệp, 39 tên gián điệp và 20 tên Việt gian...”(2)

Trong những năm 1947 - 1948, chủ trương đưa cán bộ, bộ đội về bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở và sau đó là chủ trương “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” cùng các cuộc vận động phá tề, trừ gian, bao vây kinh tế địch... là những chủ trương đúng đắn, sáng suốt đưa phong trào kháng chiến của tỉnh nhà từng bước đi lên(3)

Dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng bộ Liên khu lần thứ nhất (tháng 5-1948) và sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Phân khu và Tỉnh ủy, lại được nhân dân Thanh - Nghệ - Tĩnh tích cực chi viện, quân và dân Quảng Trị đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chú trọng xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh tiến công địch cả về quân sự, chính trị, kinh tế, từng bước đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của địch, đưa phong trào kháng chiến phát triển, tiến bộ không ngừng.

Thắng lợi trong năm, 1948 là nhân tố quan trọng để quân và dân Quảng Trị tiếp tục tiến lên giành nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa trong năm 1949, đồng thời góp phần cùng quân dân hai tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên và quân dân Lào anh em chặn đứng âm mưu của địch dùng Trung Lào làm bàn đạp để tấn công Bình - Trị - Thiên và Liên khu 4


(1) Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Pháp. Tr.172
(2) Quảng Trị 60 năm những chặng đường, tr.77
(3) Trung đoàn 95 dùng các đại đội của d301 và d302 làm đại đội độc lập, d310 hoạt động tập trung
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM