Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:44:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quảng Trị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)  (Đọc 5380 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:31:34 am »

Tên sách: Quảng Trị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị
Năm xuất bản: 1994
Số hóa: macbupda

● Chỉ đạo nội dung:

   THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY VÀ BCHQS TỈNH QUẢNG TRỊ

● Chủ biên:

   Trung tá TRẦN BIÊN

● Biên soạn:
   
   Thiếu tá NGUYỄN VĂN HÓA

   Trung tá TRẦN BIÊN

● Với sự tham gia chính ủy của đồng chí THANH SƠN, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:33:48 am »

LỜI NÓI ĐẦU

Quảng Trị vùng đất để lại dấu ấn không phai mờ trong ký ức của nhiều người trên chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc chiến đã kết thúc cách đây vừa tròn 4 thập kỷ nhưng do nhiều khó khăn mãi đến nay cuốn sơ thảo “Quảng Trị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) mới hoàn thành, Đây là một cuốn sử chiến tranh, một công trình khoa học lịch sử cố gắng tái hiện lại cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị trong chín năm trường kỳ chống Pháp vô cùng cam go quyết liệt và anh dũng.

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn trong hai năm 1994-1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22-12-1944 - 22-12-1994), chấp hành chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, BCHQS tỉnh Quảng Trị xuất bản cuốn sử nói trên phổ biến rộng rãi trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhằm góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lập trường tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đẩy mạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng qua lần xuất bản này chúng tôi tập hợp thêm các ý kiến đóng góp, chỉnh lý, sửa chữa của bạn đọc để nâng cao chất lượng công trình.

Trong quá trình biên soạn lịch sử, BCHQS tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TVTU, UBND tỉnh, sự động viên giúp đỡ của phòng lịch sử quân sự QK4, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh, các bậc lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, sĩ quan trung cao cấp đã nghỉ hưu, các nhà khoa học lịch sử trong, ngoài tỉnh và nhiều đồng chí đồng bào khác.

Nhân dịp này BCHQS tỉnh chân thành cám ơn sự giúp đỡ đầy nhiệt tình và quý báu đó.

Tuy nhiên do nhiều khó khăn và trình độ nghiên cứu, biên soạn có hạn nên cuốn sử này không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Chúng tôi kính mong bạn đọc, đồng bào và chiến sĩ sẵn sàng phê bình, đóng góp ý kiến, tư liệu để lần tái bản sau hoàn thiện hơn.


THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY
                                                                                                                                                     
VÀ BCHQS TỈNH QUẢNG TRỊ
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:36:55 am »

Chương mở đầu

QUÊ HƯƠNG VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH BẤT KHUẤT
CỦA NHÂN DÂN QUẢNG TRỊ

I- ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ, XÃ HỘI QUẢNG TRỊ

Quảng Trị từ ngàn xưa là một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam, suốt quá trình thăng trầm của lịch sử từng là nơi đọ sức quyết liệt với nhiều kẻ thù xâm lược. Từ Thuận Châu, Tân Bình, Thuận Hóa tên đất dù có thay đổi theo triều đại nhưng luôn luôn là một bộ phận của đất nước Đại Việt bất khuất.

Đến năm 1801, Gia Long chia Thuận Hóa thành ba doanh trực hệ (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức) thì tên Quảng Trị xuất hiện từ đó. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 12 (1832) mới lập thành tỉnh Quảng Trị như ngày nay.

Năm 1976, sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Quảng Trị cùng với Quảng Bình và Thừa Thiên sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 7 năm l989, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Quảng Trị được thành lập lại.

Quảng Trị ở tọa độ 16o18’ - 17o10’ vĩ độ bắc, 106o28’55” đến 107o23’58” kinh đông, là một tỉnh nhỏ ở miền Trung, bắc giáp tỉnh Quảng Bình, nam giáp Thừa Thiên - Huế, đông giáp biển Đông, tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Diện tích 4.702km2. Biên giới phía Tây giúp Lào dài 208 km, bờ biển phía đông dài 75km, nơi hẹp nhất 52 km.

Quảng trị có 4 vùng địa hình rõ rệt: Núi cao, gò đồi, đồng bằng, cồn và cồn cát. Vùng núi chiếm 30% diện tích có độ cao từ 500-700 mét trở lên, nằm trong dãy Trường Sơn chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Núi Tá Linh có độ cao nhất tỉnh, thuyền di ngoài khơi xa vẫn nhìn thấy. Vùng này địa hình hiểm trở, trước chiến tranh chống Mỹ đây là vùng rừng sum suê, trù phú có đầy đủ các loại lâm thổ sản và thú quý. Trong chiến tranh vùng này bị chất độc hóa học và bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến sinh thái, môi trường đến nay vẫn chưa phục hồi lại được.

Vùng gò đồi chiếm 52% diện tích, có dạng đồi bát úp, đất ít dốc nhưng bị tàn phá gần hết chỉ còn cỏ tranh, cây dại, đồi hoang. Chỉ có các vùng đất bazan như Cùa, Tân Lâm tây Gio Linh, Vĩnh Linh và các thung lũng ven khe suối gần đồng bằng mới có dân cư sinh sống, còn phần lớn chỉ là những đồi đất sỏi cằn cỗi.

Vùng đồng bằng hẹp chỉ chiếm 11% diện tích, do phù sa sông suối bồi thành, gọi là đồng bằng nhưng chẳng mấy nơi bằng phẳng, với trên 50 ngàn ha canh tác, đồng bằng Quảng Trị là nơi sản xuất cây lương thực chủ yếu của tỉnh.

Vùng cồn và bãi cát thường ở ven biển, nhưng có nhiều nơi xen giữa đồng bằng chiếm 7% diện tích. Cát là tai họa cho vùng đồng bằng vì gió xô, nước cuốn làm cát lấp dần đất sản xuất.

Quảng Trị có hệ thống sông ngòi chằng chịt, phần lớn bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Sông Bến Hải dài 59 km bắt nguồn từ Động Vang chảy ra biển Cửa Tùng. Sông Thạch Hãn dài 150 km với các phụ lưu như Rào Quán, Đắkrông, sông Hiếu, Lai Phước, Ái Tử, sông Nhùng, Vĩnh Định... dòng chính đổ ra biển tại Cửa Việt. Hai con sông Bến Hải và Thạch Hãn đã đi vào lịch sử và được, nhiều người biết đến bởi lẽ hai con sông này đã in đậm một thời lịch sử hào hùng của dân tộc.

Quảng Trị còn có hai con sông chảy về phía Tây nước bạn Lào là sông Sê Pôn và Sê Băng Hiêng.

Cũng như cả nước Quảng Trị có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhưng do vị trí và cấu trúc địa hình nên còn có đặc điểm khí hậu riêng. Miền đông Trường Sơn (chiếm phần lớn diện tích) có mùa đông lạnh và mưa. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 và thường tập trung trong tháng 10, tháng 11. Lượng mưa trung bình hàng năm trên dưới 2.000milimét. Còn ở miền tây Trường Sơn (gồm các xã từ Khe Sanh đến Lao Bảo, các xã vùng Lìa...) có mùa đông lạnh và khô. Mùa hè ở vùng này thường mưa, nhưng vùng đông Trường Sơn lại khô và có gió nóng.

Hành lang Lao Bảo - Khe Sanh hút gió rất mạnh, vì vậy Đông Hà là nơi khô nóng nhất trong tỉnh. Trong mùa gió tây nam (từ tháng 4 đến tháng 8) nhiệt độ có ngày lên đến 40°C, độ ẩm giảm 30% nên mùa hè Quảng Trị thường bị thiếu nước. Cuối mùa hạ nhiệt độ thường xuống thấp đột ngột, lượng mưa tăng lên do áp thấp nhiệt đới xuất hiện, giông bão kèm theo. Sự phức tạp của địa hình kết hợp với sự khắc nghiệt của khí hậu đã gây ra cho Quảng Trị hầu hết các loại thiên tai như bão, lụt, úng, hạn, xói mòn, sụt lỡ, cát bay, sóng thần... Vì vậy đấu tranh với thiên nhiên để bảo vệ cuộc sống là yêu cầu đặt ra thường xuyên đối với mỗi người dân Quảng Trị.

Mạng lưới giao thông trong tỉnh tuy chất lượng chưa cao nhưng đa dạng, có giá trị về kinh tế và quốc phòng.

Đường quốc lộ 1A chạy dọc trung tâm tỉnh qua nhiều vùng đông dân với cầu Hiền Lương, Đông Hà, Thạch Hãn, Mỹ Chánh... đã đi vào lịch sử, đường 9 anh hùng đã một thời rạng rỡ chiến công. Đường Hồ Chí Minh, con đường chiến lược thời chống Mỹ. Dọc ngang trong tỉnh có nhiều con đường đã một thời oanh liệt mà mỗi cây số đều ghi đậm chiến công.

Đường sắt Bắc Nam đi qua Quảng Trị với chiều dài 64 km, có 7 ga lớn nhỏ, phần nhiều chạy qua vùng dân cư và song song với đường quốc lộ 1A.

Cùng với hệ thống đường thủy, trên các sông ngòi lớn nhỏ, tàu thuyền cỡ vừa có thể ra vào cảng Cửa Việt theo đường giao thông trên biển để đi tới mọi miền trong nước và thế giới.

Hê thống đường sắt, đường bộ, đường thủy ở Quảng Trị mở rộng đến khắp các vùng thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, đặc biệt là đường số 9, cảng Cửa Việt... còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:38:10 am »

Quảng Trị là tỉnh nghèo về tài nguyên thiên nhiên. Vùng đồi núi có 365 ngàn ha, nhưng rừng chỉ chiếm 42 ngàn ha. Trong số 27 ngàn ha rừng tự nhiên chỉ có 15 ngàn ha đủ tiêu chuẩn khai thác. Khi rừng đã bị thu hẹp thì các nguồn lợi khác cũng ít đi. Do bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên lâm sản quý và muông thú hiếm hầu như cạn kiệt.

Đất đai là tài nguyên có giá trị nhất của Quảng Trị. Toàn tỉnh có khoảng 2,2 vạn ha đất bazan thích hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp như cao su, cà phê, chè, tiêu. Ngoài ra còn có một số tài nguyên khác như đá vôi, đất sét, cát sạn, than bùn, nước khoáng.

Ngoài đất và rừng còn có biển rộng, hàng năm cung cấp một khối lượng lớn hải sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Quảng Trị với 4 vùng địa hình và nhiều sông ngòi, đường sá, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng.

Ngay từ buổi đầu thực dân Pháp xâm lược cho đến những năm đánh Mỹ, những người yêu nước và cách mạng đã dựa vào rừng núi để làm căn cứ kháng chiến. Rừng là lá chắn che chở chúng ta nhưng cũng là mạng lưới khổng lồ bao vây kẻ thù mỗi khi chúng đến. Trong những năm chiến tranh ác liệt, vùng rừng núi là căn cứ hậu phương giữa lòng tiền tuyến. Kẻ thù thâm độc và xảo quyệt đã dùng hàng vạn tấn bom đạn, hàng ngàn tấn chất độc hóa học để hủy hoại núi rừng hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến nhưng chúng đều thất bại.

Vùng gò đồi là vùng giáp ranh giữa rừng núi và nông thôn đồng bằng, thành thị, địa hình tương đối bằng phẳng, ít dốc, nhiều khe suối chia cắt. Đây là vùng căn cứ du kích tiền chiến khu. Trong thời kỳ chiến tranh đây là vùng tranh chấp quyết liệt nên bị bom đạn tàn phá nặng nề. Ngày nay với chủ trương trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc để cải tạo mội sinh, phát triển kinh tế.

Vùng đồng bằng là nơi dân cư đông đúc, đất đai màu mỡ. Các hệ thống thôn quê, làng xã và đô thị được xây dựng từ lâu đời là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa, là nơi tập trung nhân tài vật lực để xây dựng và bảo vệ quê hương qua các thời kỳ. Đồng thời cũng là nơi thế trận chiến tranh nhân dân được hình thành và phát triển mạnh mẽ khi quân thù xâm phạm tới.

Vùng cồn và bãi cát nói chung không thuận lợi về phát triển kinh tế đồng thời cũng rất hạn chế về hoạt động quân sự. Song với kẻ địch từ xa tới thì vùng này cũng là vật chướng ngại đáng kể làm chậm bước tiến của quân thù. Nhân dân ta đang từng bước khắc phục hậu quả cát bay, cát lấn bằng cách đắp đê, trồng cây gây rừng, kết hợp kinh tế với tuyến phòng thủ bảo vệ quê hương.

Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía Đông - Bắc tỉnh, cách bờ khoảng 16 hải lý và là vị trí tiền tiêu có giá trị chiến dịch, chiến thuật quan trọng trong tác chiến chống địch đổ bộ đường biển, đồng thời cùng với hệ thống làng xã ven biển tạo nên tuyến phòng thủ vững chắc ở phía đông.

Do cấu tạo địa hình mang tính đặc thù và phức tạp như trên nên Quảng Trị có vị trí chiến lược rất quan trọng. Mặt khác cũng có rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thế trận phòng thủ đất nước cũng như trong hoạt động quân sự.

Dân số Quảng Trị có trên 50 vạn người chung sống trên mảnh đất này có các dân tộc Kinh, Vân Kiều, Tà Ôi, Pahi và một số ít người Hoa, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Mật độ dân số trung bình 96 người/km2, 87% số dân sống ở nông thôn.

Về địa giới hành chính, Quảng Trị chia làm 6 huyện, 2 thị xã, 6 thị trấn và 125 phường, xã. Có 16 xã biên giới giáp nước bạn Lào và 10 xã ven biển.

Nhân dân Quảng Trị đa số không theo tôn giáo nào, chỉ có một số thờ đạo Phật, một số ít theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành. Dù theo đạo hay không đồng bào trong tỉnh đều có chung truyền thống yêu nước, thương nòi, đồng cam cộng khổ đã góp phần tích cực trong việc dựng nước và giữ nước.

Do ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhân dân Quảng Trị phải chịu nhiều tổn thất đau thương. Cho đến nay hậu quả chiến tranh về nhiều mặt vẫn chưa khắc phục được. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Quảng Trị có 2 thị xã: Đông Hà và Quảng Trị. Thị xã Đông Hà được xây dựng từ năm 1949 nằm hai bên trục đường số 1 và số 9 có dòng sông Hiếu chảy qua. Sau khi tỉnh được thành lập lại, Đông Hà trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh nhà.

Thị xã Quảng Trị ra đời từ 1906 là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị trước đây. Cùng với Thành cổ, thị xã Quảng Trị là nơi bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, nhất là trong 81 ngày đêm lịch sử năm 1972.

Quảng Trị là tỉnh đất không rộng, người không đông nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng, nên từ xưa tới nay mọi kẻ thù xâm lược đều tìm cách chiếm đóng, chia cắt khu vực này. Vì vậy suốt chặng đường dài của lịch sử, nhân dân trong tỉnh không chỉ có đổ mồ hôi để xây dựng quê hương mà còn phải đổ máu để chống ngoại xâm, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình vật lộn với thiên nhiên và đấu tranh với kẻ thù để tồn tại và phát triển, người dân Quảng Trị đã được tôi luyện và trưởng thành. Từ trong khó khăn gian khổ ác liệt, con người ở đây đã vươn lên, vững vàng trong mọi gian nan thử thách, luôn lạc quan yêu đời, cần cù chất phác, giản dị, bộc trực và thẳng thắn, giàu lòng tương thân tương ái, nhưng không bao giờ khuất phục trước kẻ thù hung bạo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:40:10 am »

II - TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH BẤT KHUẤT
CỦA NHÂN DÂN QUẢNG TRỊ

Lịch sử Việt nam nói chung, lịch sử Quảng Trị nói riêng trong quá trình dựng nước và giữ nước hầu như là lịch sử nối tiếp nhau của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm giành độc lập; Từ những cuộc kháng chiến chống bọn phong kiến phương bắc xâm lược trong suốt nghìn năm bắc thuộc đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, nhân dân các dân tộc Quảng Trị đã đóng góp sức người, sức của cùng cả nước giành độc lập tự do.

Năm 1858, thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta. Dân tộc ta từ đây phải đương đầu với một kẻ thù độc ác, tàn bạo hơn. Trước nguy cơ nước mất, nhà tan, đời nô lệ, một lần nữa khát vọng độc lập, tự do và truyền thống yêu nước của nhân dân lại bừng lên mạnh mẽ. Ngay từ những ngày đầu, cùng với nhân dân cả nước, hưởng ứng hịch “bình tây” của các sĩ phu Nghệ An nhân dân các dân tộc Quảng Trị đã đứng lên đấu tranh chống thái độ thỏa hiệp đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn.

Sau khi triều đình nhà nguyễn ký hiệp ước phản bội dâng nước ta cho pháp (6-6-1884), Tôn Thất Thuyết khởi chiến không thành đã phải đưa vua Hàm Nghi lánh ra Quảng Trị và chọn Tân Sở làm căn cứ kháng chiến.

Ngày 10-7-1885, từ Tân Sở, vua Hàm Nghi hạ chiếu “Cần Vương” vạch tội ác thực dân, kêu gọi văn thân yêu nước và nhân dân nổi dậy chống quân xâm lược. Hưởng ứng phong trào “Cần Vương”, các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra khắp nơi trong tỉnh. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của nhân dân do các ông Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như (1885) và Hoàng Văn Phúc (1886) lãnh đạo. Song do nổ ra lẻ tẻ và thiếu sự chỉ huy thống nhất chung trong cả nước nên đều thất bại.

Phong trào “Cần Vương” không thành công, nhưng đã thức tỉnh tinh thần độc lập dân tộc và nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta.

*
*   *

Sau khi hoàn thành công cuộc chinh phục nước ta, thực dân Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa trên quy mô lớn. Đối với Quảng Trị là nơi có vị trí chiến lược quan trọng nên tư bản Pháp càng đặc biệt chú ý.

Để tăng cường vơ vét của cải ở Việt Nam và Lào, thực dân Pháp xây dựng các tuyến đường sắt và đường bộ Quảng Trị - Huế; Quảng Trị - Đông Hà - Đồng Hới và đường số 9. Đồng thời bọn tư bản Pháp cũng mở một số nhà máy, xí nghiệp nhỏ, một số đồn điền trồng trọt và chăn nuôi trên vùng đất bazan để vơ vét sức người sức của dân ta. Cũng từ đây giai cấp công nhân Quảng Trị ra đời và ngày càng phát triển, ở nông thôn, bọn phong kiến, địa chủ, tay sai của thực dân Pháp được thời cơ hoành hành làm cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Thực trạng trên đây đã làm cho mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và bọn phong kiến địa chủ ngày càng gay gắt, quyết liệt. Các phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ liên tiếp nổ ra. “Nét nổi bật của phong trào yêu nước ở Quảng Trị trong những năm cuối thế XIX là khởi nghĩa công khai và đấu tranh vũ trang. Và lúc này nét tiêu biểu của phong trào yêu nước trong những năm đầu thế kỷ XX là lập “Hội kín” hoạt động bí mật và đấu tranh chính trị”(1).

Đặc biệt các. phong trào “Việt Nam Duy Tân Hội” (1906) do ông Trần Cửu Oai người ở Triệu Phong xây dựng và lãnh đạo, phong trào “Việt Nam Quang phục hội” do cụ Phan Bội Châu khởi xướng được các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Hữu Bảo (tức Khóa Bảo) ở Cam Lộ, Lê Thế Vĩ và Lê Mậu Bảo ở Triệu Phong lãnh đạo đã lôi cuốn đông đảo nhân dân và binh lính tham gia. Tiêu biểu cho phong trào là cuộc khởi nghĩa của 35 tù chính trị ở nhà tù Lao Bảo ngày 23-9-1915. Sau khi phá ngục cướp được 29 khẩu súng và 6.000 viên đạn, những người nổi dậy đã kéo vào rừng vận động đồng bào dân tộc cùng tham gia đánh giặc. Sau nhiều ngày chống cự quyết liệt, thực dân Pháp phải điều thêm viện binh mới đàn áp được cuộc khởi nghĩa. Vì anh em mới thoát ngục, thế cô, lực kiệt, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt nhưng tấm gương bất khuất trung kiên vẫn muôn đời tỏa sáng.


(1) Quảng Trị 60 năm những chặng đường - Sở VHTT Quảng Trị xuất bàn năm 1990
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:41:24 am »

Từ năm 1916 trở đi, sau khi vua Duy Tân và các sĩ phu yêu nước bị bắt, phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp và tay sai tạm thời đi vào thoái trào. Nhìn chung các cuộc khởi nghĩa và các phong trào yêu nước ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Trị nói riêng trước những năm 30 của thế kỷ XX đều thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu người lãnh đạo sáng suốt, tài giỏi và thiếu một đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Song tinh thần yêu nước của nhân dân ta vẫn như than hồng được vùi trong tro nóng, chỉ chờ luồng gió mới thổi tới là lại bùng lên thành ngọn lửa thiêu đốt kẻ thù.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi cách mạng Việt Nam đang trong “tình hình đen tối như không có đường ra” thì Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này - vượt qua tầm nhìn thời đại, với lòng nồng nàn yêu nước đã bôn ba khắp bốn biển, năm châu, tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, gia nhập Đảng cộng sản Pháp năm 1920. Cuối năm 1924, Người về Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Một số thanh niên yêu nước được Người giáo dục rèn luyện đã trở thành những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Ở Quảng Trị người đầu tiên được vinh dự vào tổ chức này là Nguyễn Đình Từ.

Cuối năm 1926, sau khi dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu xong, Nguyễn Đình Từ về đến Quảng Trị. Với tư cách là đại diện của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Nguyễn Đình Từ cải tổ nhóm “Việt Nam độc lập Đảng” thành chi bộ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư. Năm 1927 Lê Thế Hiếu lập ra một chi bộ nữa. Cuối năm 1927, hai chi bộ này hợp nhất thành “Tỉnh bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Năm 1928; Lê Thế Tiết thành lập tổ chức “Tân Việt cách mạng đảng”.

Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cách mạng đòi hỏi phải có một chính đảng duy nhất lãnh đạo phong trào. Đáp ứng yêu cầu khách quan đó, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, một bước ngoặt lịch sử của phong trào cách mạng Việt Nam.

Ngày 25-5-1930, đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập.

Tỉnh ủy lâm thời gồm   3 đồng chí: Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Trần Hữu Dực, do đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư. Từ đây phong trào cách mạng của quần chúng bắt đầu có bước phát triển mới. Cao trào cách mạng 1930-1931 ở Quảng Trị được mở đầu bằng các cuộc mít tinh, biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, mà đỉnh cao là tổ chức những hoạt động “Đấu tranh chống khủng bố Nghệ - Tĩnh đỏ”.

Lo sợ trước sức đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, giặc Pháp tăng cường đàn áp, lùng bắt cán bộ. Tháng 10 năm 1930, Tỉnh ủy lâm thời bị vỡ, đồng chí Lê Thế Tiết và Nguyễn Hữu Mão bị bắt.

Tháng 11-1930 dưới sự chỉ đạo của xứ ủy Trung Kỳ, hội nghị đại biểu đảng bộ tỉnh họp tại Tân Tường (Cam Lộ) bầu ra Tỉnh uỷ chính thức gồm 5 đồng chí do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư. Sau hội nghị, các ban Huyện ủy chính thức của các phủ, huyện được thành lập, hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, xây dựng.

Để bảo vệ chính quyền, bảo vệ Đảng, công tác xây dựng và phát triển lực lượng “Tự vệ đỏ” được chú ý. Các tổ chức quần chúng cách mạng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Phụ nữ liên hiệp hội, Thanh niên cộng sản đoàn... không ngừng phát triển và hoạt động có hiệu quả.

Từ tháng 6-1931 trở đi, địch tăng cường đàn áp khủng bố nên phong trào cách mạng tạm lắng xuống. Tháng 8-1931 đảng bộ Quảng Trị mất liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ và Trung ương. Mặc dù vậy, hầu hết các đảng viên cộng sản vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, bất. khuất, trung kiên bám trụ xây dựng phong trào. Từ năm 1936 trở đi các tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở mới dần dần được khôi phục và phong trào cách mạng của quần chúng mới được củng cố và phát triển.

Để củng cố vai trò lãnh đạo của đảng, ngày 26-8-1937 đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất khai mạc. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Tỉnh ủy gồm 7 ủy viên và cử đồng chí Trần Mạnh Quỳ làm Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của công nhân và quần chúng ở một số đồn điền và nông thôn làm cho địch phải lúng túng, bị động đối phó. Địch càng khủng bố gắt gao. Nhiều cán bộ bị bắt. Số còn lại phải rút vào bí mật hoặc lánh đi nơi khác. Một lần nữa đường dây liên lạc giữa Xứ ủy và Trung ương bị gián đoạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:42:16 am »

Đầu tháng 4 năm 1945, Tỉnh ủy lâm thời mở hội nghị lần thứ hai và quyết định đổi tên thành “Ban thống nhất đảng bộ Quảng Trị”. Sau hội nghị tổ chức Việt Minh phát triển mạnh khắp nơi. Tháng 7-1945, khu giải phóng Triệu Phong được thành lập do “Ủy ban dân tộc giải phóng” điều hành. Noi gương Triệu Phong các nơi khác đều lần lượt thành lập “Ủy ban dân tộc giải phóng” của phủ, huyện mình. Phong trào cách mạng đang bước vào thời kỳ khẩn trương sôi nổi.

Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện. Bọn Nhật ở Đông Dương hoang mang dao động cực độ. Thời cơ ngàn năm có một đã đến.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc tổng khởi nghĩa” của Hồ Chủ tịch và quân lệnh số một của Ủy ban tổng khởi nghĩa toàn quốc, ngày 18-8-1945, Ban thống nhất đảng bộ Quảng Trị triệu tập hội nghị đại biểu toàn tỉnh và quyết định: Thành lập Ủy ban khởi nghĩa gồm 5 đồng chí do đồng chí Trần Hữu Dực làm Chủ tịch, ra lời kêu gọi toàn dân trong tỉnh không phân biệt tôn giáo, đảng phái quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải đứng lên khởi nghĩa lật đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim, giành chính quyền về tay nhân dân. Cùng ngày, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Trần Hữu Dực về Dương Xuân giao cho đồng chí Trương Linh làm Tổng chỉ huy khởi nghĩa. Đồng chí Trương Linh đã tuyên thệ nhận nhiệm vụ. Ở các huyện cũng thành lập Ủy ban khởi nghĩa và cử những người tín nhiệm giữ chức chỉ huy.

Để biểu dương lực lượng và thị uy, ngày 22-8-1945, ba đại đội tự vệ vũ trang được nhân dân hưởng ứng đã tiến vào thị xã Quảng Trị tuần hành qua các phố hô vang khẩu hiệu: “Đánh đổ chính quyền bù nhìn”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Thành lập chính quyền cách mạng”.

Ngày 23-8-1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, lực lượng vũ trang và nhân dân toàn tỉnh nổi dậy giành chính quyền. 9 giờ ngày 23-8-1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố: “Xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng”.

Cùng với cả nước, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng 8.

Lịch sử nước nhà đã sang trang! Kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội đã bắt đầu trên đất nước Việt Nam.

Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta từ Bắc chí Nam đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng thực dân Pháp với bản chất xâm lược và hiếu chiến đã trở lại xâm lược nước ta. Một lần nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị cùng cả nước tiếp tục vượt lên viết tiếp trang sử vẻ vang trong thời kỳ mới.

*
*   *

Từ rất xa xưa Quảng Trị đã là mảnh đất của Tổ quốc Việt Nam. Qua những bước thăng trầm của lịch sử, dù có bị kẻ thù nhiều lần chia cắt, nhưng ngày nay giang sơn thu về một mối, Quảng Trị vẫn là một phần máu thịt của đất nước Việt Nam.

Nằm ở phần hẹp nhất của đất nước, Quảng Trị có vị trí quan trọng về nhiều mặt, trong đó nổi bật nhất là vị trí chiến lược quân sự. Mọi kẻ thù xâm lược, mọi thế lực cát cứ luôn chia cắt vùng này để mưu đồ khống chế Đông Dương. Bởi vậy trong lịch sử thường xảy ra ở đây hai loại hình chiến tranh. Chiến tranh chia cắt của địch và chiến tranh chống chia cắt của nhân dân ta. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và “Dân tộc Việt Nam là một”, chiến tranh chia cắt của kẻ thù bao giờ cũng bị đánh bại.

Từ sự hình thành dân tộc buổi đầu đến cả quá trình phát triển, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh tàn khốc... người dân Quảng Trị luôn dựa vào nhau để sống, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Truyền thống đó đã tạo thành tính cộng đồng cư dân vững chắc, đoàn kết mọi dân tộc, mỗi con người trên mảnh đất đau thương mà anh dũng này. Chính vì vậy ở đây tinh thần trung kiên, bất khuất, xả thân vì nghĩa lớn, chiến đấu ngoan cường trong mọi tình huống, tinh thần khắc phục khó khăn, vươn lên trong thiên tai địch họa, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, dựa vào nhau để sống và chiến đấu là những phẩm chất cao quý để người Quảng Trị cùng cả nước chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:45:10 am »

Chương I

VƯỢT QUA THỬ THÁCH BAN ĐẦU
(9-1945 - 9-1947)

Sau hơn 80 năm nô lệ, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám thắng lợi, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và triều đình nhà Nguyễn tay sai, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nước nhà.

Nhưng với bản chất hiếu chiến và phản động, thực dân Pháp vốn chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược mà bằng nhiều thủ đoạn đã trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng lại vùng lên vượt qua những thử thách buổi đầu, tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng, đưa cuộc kháng chiến từng bước phát triển.

I - XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN,
KHẨN TRƯƠNG CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng từ Trung ương đến cơ sở đã được thành lập. Giành chính quyền đã khó, song việc giữ vững chính quyền cách mạng trong thời kỳ non trẻ còn khó hơn nhiều. Vừa mới ra đời, Nhà nước dân chủ nhân dân đã phải đương đầu với những khó khăn thử thách cực kỳ nghiêm trọng.

Ở miền Bắc hơn 20 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa quân đồng minh kéo sang tước khí giới quân Nhật, lợi dụng thời cơ đó, bọn phản động “Việt quốc”, “Việt cách” phối hợp với đạo quân này ráo riết hoạt động điên cuồng chống phá cách mạng, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, thành lập chính quyền phản động.

Ở miền Nam, cũng dưới danh nghĩa quân Đồng Minh, quân Anh kéo vào giải giáp quân Nhật. Núp bóng quân Anh, bọn thực dân Pháp đã trở lại gây chiến Nam bộ.

Ở phía tây biên giới Việt - Lào, tàn quân Pháp đã co cụm lại và chiếm giữ những vị trí quan trọng, cho quân nhảy dù, móc nối cơ sở phản động nội địa chuẩn bị trở lại xâm lược nước ta.

Ở Quảng Trị phát xít Nhật tuy đã đầu hàng đồng minh nhưng lực lượng của chúng chiếm đóng còn khá đông với đầy đủ trang bị vũ khí hiện đại.

Chưa bao giờ trên đất nước ta lại có nhiều kẻ thù hung bạo đến như vậy. Bọn đế quốc thực dân tuy có nhiều mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế nhưng đều có chung bản chất xâm lược, hiếu chiến, tàn bạo, đều nhằm phá hoại cách mạng Việt Nam và tạo điều kiện cho thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương.

Vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Bọn đế quốc thực dân và bè lũ tay sai bán nước lợi dụng cơ hội ráo riết hoạt động chống phá cách mạng. Trong khi đó, nước Cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời. Nền kinh tế, tài chính bị kiệt quệ. Nạn đói khủng khiếp để lại hậu quả rất nặng nề, hơn 2 triệu người chết đói, xóm làng xơ xác, tiêu điều. Tiếp theo đó lại bị lụt bão, hạn hán dồn dập làm cho nhiều nơi ruộng đất bị bỏ hoang, sản xuất bị đình trệ. Hàng triệu người không có công ăn việc làm. Sau bão lụt, các loại bệnh tật, dịch tả, đậu mùa, dịch gia súc hoành hành khắp nơi. Ngân quỹ từ Trung ương đến các tỉnh hầu như trống rỗng. Di sản văn hóa xã hội lạc hậu do chế độ cũ để lại còn khá nặng nề. Hơn 95% nhân dân bị mù chữ. Các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc hút xách, cầu cúng, bói toán, ma chay... vẫn còn phổ biến. Hệ thống tổ chức Đảng ở nhiều nơi chưa được củng cố. Lực lượng vũ trang còn quá non yếu, thiếu cán bộ, thiếu vũ khí.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, riêng Quảng Trị còn có mặt khó khăn phức tạp hơn.

Do địa hình nhỏ hẹp lại có vị trí quan trọng về mặt chiến lược của khu vực Bình Trị - Thiên nên kẻ thù xâm lược đã đưa một lực lượng lớn vào vùng này nhằm “Quyết tâm chiếm giữ chặt cái hành lang Thái Phiên - Thuận Hóa - Đông Hà - Lao Bảo - Savằnnakhệt, bám chặt con đường số 9 với âm mưu chia cắt Việt Nam ra làm đôi, dùng nơi đây làm địa bàn cho bọn bù nhìn toàn quốc dựng lại ngai vàng mục nát đã bị nhân dân ta đạp đổ. Chúng quyết bẻ gãy đoạn nhỏ hẹp, mỏng yếu nhất của chiếc đòn gánh đánh rơi hai thúng thóc Bắc - Nam(1)".


(1) Quảng Trị 60 năm những chặng đường - Sở VHTT Quảng Trị xuất bản năm 1990
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:46:18 am »

Trước tình hình trên, nhiệm vụ xây dựng củng cố chính quyền cách mạng vượt qua thời kỳ trứng nước để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng đi lên là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Ngày 10 tháng 9 năm 1945, hội nghị cán bộ tỉnh Quảng Trị họp bàn việc củng cố xây dựng chính quyền các cấp, xây dựng lực lượng vũ trang và bầu Tỉnh ủy lâm thời. Đồng chí Đặng Thí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.

Sau hội nghị này các cấp bộ Đảng từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, xây dựng và kiện toàn. Các “Ủy ban khởi nghĩa” các cấp được chuyển thành “Ủy ban nhân dân cách mạng” lần lượt ra đời.

Cùng với công tác xây dựng Đảng, củng cố bộ máy chính quyền các cấp, công tác xây dựng, củng cố Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc được coi trọng.

Các hội “Công nhân cứu quốc”, “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ, thanh niên cứu quốc”... phát triển mạnh mẽ đã thu hút rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân vào đội ngũ, động viên được mọi công dân phát huy tinh thần làm chủ đất nước, hãng hái tham gia vào công việc bảo vệ chính quyền cách mạng và xây dựng chế độ mới.

Một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách được đặt lên hàng đầu là khắc phục nạn đói và ổn định đời sống nhân dân. Chính quyền các cấp đã thi hành một loạt biện pháp quan trọng như hủy bỏ và miễn giảm các loại thuế vô lý do thực dân phong kiến trước đây đặt ra, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và bọn Việt gian phản động chia cho dân cầy nghèo; thành lập cơ quan cứu tế xã hội của tỉnh, huyện; áp dụng luật lao động ngày làm 8 giờ và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho công nhân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, noi theo gương sáng của Hồ Chủ tịch “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó để cứu dân nghèo”, cả Quảng Trị đã tổ chức phong trào “nhường cơm sẻ áo”, “hũ gạo tiết kiệm”, “ngày đồng tâm” bữa đồng tâm nhịn ăn... góp hơn 10 tấn gạo giúp đồng bào vùng bị lụt và đói.

Từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945, hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chính phủ chủ trương để xây dựng “Quỹ độc lập”. nhân dân toàn tỉnh đã dấy lên phong trào đóng góp tiền của, vàng bạc... ủng hộ Chính phủ, trong đó có nhiều bà mẹ, nhiều chị em phụ nữ ủng hộ cả những tư trang và vật kỷ niệm của mình. Là một tỉnh nhỏ, nghèo nhưng sau một tuần phát động cũng quyên góp khoảng 4kg vàng mười cho “quỹ độc lập” của Chính phủ.

Thực hiện khẩu hiệu: “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, cuộc vận động cải cách văn hóa xã hội xây dựng, nếp sống mới cũng được coi trọng thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Chương trình giáo dục nô dịch của thực dân phong kiến bị bãi bỏ và thay thế bằng chương trình giáo dục cách mạng. Hệ thống nhà trường từ tỉnh đến huyện, xã được thành lập. Các lớp bình dân học vụ được tổ chức khắp mọi nơi. Già, trẻ, gái, trai đều nô nức thi đua đi học với tinh thần “Thêm một người đi học là thêm một viên đạn bắn vào quân thù”, “thêm một viên gạch xây đài độc lập của nước nhà”.

Cuộc vận động bài trừ giặc dốt ở tỉnh ta đã trở thành phong trào cải cách xã hội, xây dựng nếp sống mới cũng được đẩy mạnh. Những tục lệ mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi... tốn kém giảm dần. Các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, rượu chè bê tha, cầu cúng, bói toán... được bài trừ. Phong trào xây dựng làng xã kiểu mới, phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ... được thanh thiếu niên tham gia tích cực.

Đẩy lùi được giặc đói, giặc dốt là một trong những thắng lợi bước đầu của nhân dân ta dưới chính quyền cách mạng non trẻ. Thắng lợi đó là nguồn động viên, cổ vũ, tạo ra sức mạnh mới cho toàn Đảng, toàn dân ta vững bước tiến lên.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu ra Quốc hội của mình. Trong toàn tỉnh Quảng Trị từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, không phân biệt già, trẻ, gái, trai từ 18 tuổi trở lên tưng bừng, phấn khởi thực hiện nghĩa vụ công dân của một đất nước độc lập, tự do, tham gia tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp theo thắng lợi bầu Quốc hội, đến cuối tháng 2, nhân dân ta lại nô nức đi bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp. Chính quyền cách mạng do nhân dân bầu ra, đã động viên mọi tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, hăng hái tham gia vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 09:48:29 am »

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò đấu tranh võ trang cách mạng, ngay từ năm 1941 trở đi, một số nơi ở Quảng Trị đã hình thành các đội tự vệ đỏ. Đến năm 1945, hầu khắp các xã đều có những đội tự vệ với mọi thứ vũ khí tự tạo lần lượt ra đời. Hàng ngàn nông dân, thợ thủ công, học sinh yêu nước là những người tiền thân cho lực lượng võ trang cách mạng. Nhờ vậy khi cướp chính quyền xong, Tỉnh ủy đã bắt tay ngay vào việc củng cố, tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân. Từ đây ngoài lực lượng tự vệ làm nòng cốt, một số sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính yêu nước trong chính quyền cũ gia nhập vào lực lượng vũ trang có sẵn này tạo thành những đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh.

Cùng với các nhiệm vụ xây dựng chính quyền mới, phục hồi kinh tế, cải cách xã hội v.v... Tỉnh ủy đã ra các nghị quyết, chỉ thị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang.

Thực hiện nghị quyết đó, ngày 19 tháng 9 năm 1945, trên cơ sở các đội tự vệ, chi đội Thiện Thuật - chi đội Giải phóng quân đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh được thành lập tại thị xã Quảng Trị. Quân số ban đầu có khoảng 1.500 đội viên do ông Quản Xuyên làm Chi đội trưởng. Ba ngày sau, Tỉnh ủy điều đồng chí Nguyễn Đăng Trình từ Gio Linh vào thay ông Quản Xuyên làm Chi đội trưởng(1). Hầu hết cán bộ chiến sĩ đều được lựa chọn từ các đơn vị cơ sở. Một số cựu binh sĩ khố xanh của Pháp có tinh thần yêu nước cũng tình nguyện tham gia. Buổi đầu một số quản, cai, đội lính khố xanh đó là một trong số những cán bộ chỉ huy quân sự đầu tiên của Chi đội. Việc nuôi dưỡng và trang bị do tỉnh đài thọ, phần lớn dựa vào sự đóng góp của nhân dân và một phần do đơn vị tự túc. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh. Tất cả mọi hoạt động của đơn vị đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và chỉ đạo của Ủy ban hành chính tỉnh.

Bên cạnh đơn vị chủ lực, tỉnh còn thành lập Ban tự vệ chiến đấu. Đồng chí Hồ Tri Tân (Hồ Tỵ) được cử làm trưởng ban tự vệ tỉnh. Đồng chí Trần Hữu Viện (Lê Kim Quế) được cử làm phó ban, đồng chí Trương Công Huỳnh làm chính trị ủy viên. Ở huyện cũng thành lập Ban tự vệ cấp huyện. Các ban tự vệ này có nhiệm vụ điều hành các hoạt động và chỉ huy chiến đấu các lực lượng dân quân tự vệ của địa phương mình và đây cũng là tiền thân của các Ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội sau này. Các huyện đều tổ chức một trung đội dân quân thường trực do địa phương nuôi dưỡng.

Để tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, Tỉnh ủy đã cử một số cán bộ có khả năng công tác quân sự sang làm cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị ở các đơn vị bộ đội. Từ cấp trung đội trở lên đều có chính trị viên.

Xứ ủy đã cấp tốc mở lớp đào tạo cán bộ đại đội, trung đội trong vòng 2 tháng nhằm nâng cao trình độ năng lực về công tác lãnh đạo và chỉ huy quân sự. Tỉnh cũng mở trường quân sự đặt ở Nhan Biều (Triệu Phong) đào tạo cán bộ tiểu đội trưởng để bổ sung cho các đơn vị. Chương trình học tập ngoài các bài chính trị còn được học về kỹ thuật, chiến thuật phân đội nhỏ, võ thuật... Ngoài trường của tỉnh, ở một số huyện, xã cũng tổ chức trường của địa phương mình như Cam Thanh, Cam Tuyền (Cam Lộ) Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, mời võ sư về dạy cho lực lượng tự vệ. Nhờ vậy chỉ sau một thời gian ngắn từ những người nông dân quen cầm cày cuốc nay đã biết sử dụng một số vũ khí thông thường và tổ chức chỉ huy đánh địch. Các khóa học ngắn hạn này có cả một số cán bộ Đảng, chính quyền cấp tỉnh, huyện tham gia học tập nhằm vận dụng những tri thức quân sự cho lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là nguồn cán bộ đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh mà sau này đã phát huy tác dụng tốt làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến.

Việc huấn luyện quân sự cho bộ đội và dân quân tự vệ trong toàn tỉnh được coi trọng. Phong trào quân sự hóa toàn dân được mọi người tham gia sôi nổi. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, việc trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang cũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn phức tạp. Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh đã phát động cuộc thi đua “cướp súng giặc giết giặc”, thu góp vũ khí và quyên tiền mua súng đạn cung cấp cho lực lượng vũ trang, mở xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh ở Như Lệ, đồng thời duy trì các lò rèn có ở khắp nơi trong tỉnh để sửa chữa rèn đúc các loại vũ khí thô sơ.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Tỉnh ủy Quảng Trị sau một thời gian ngắn, quân và dân Quảng Trị đã vượt qua mọi thử thách buổi đầu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ chính quyền, đưa cách mạng tiến lên. Thắng lợi đó là nguồn động viên cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh vững bước tiến lên, tạo điều kiện đối phó với mọi âm mưu hành động phá hoại, xâm lược của kẻ thù.


(1) Theo biên chế chi đội lúc này tương đương Trung đoàn, đại đội tương đương tiểu đoàn, trung đội tương tương đại đội phân đội tương đương trung đội
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM