Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:06:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27021 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #170 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2020, 07:01:17 am »


        Một giọng trầm hơi rè vang lén từ sở chỉ huy. Quỳnh nhận ra tiếng nói của Hồng, trợ lý dẫn đường trên màn hình. Anh đoán chung quanh mình vẫn còn địch và nghe lệnh:

        - Hướng bay 230 độ! Tiếp tục công kích địch!

        Quỳnh hiểu là trận đánh chưa kết thúc. Cái tiếng trầm trầm quen thuộc ngay cả lúc này cũng vẫn giữ điệu dề dà của đồng chí dẫn đường, đã làm anh phấn chấn lên. Quỳnh nhớ lại câu anh đã nói với mình lúc ban chiều: "Khi Hồng này lên tiếng thì anh cứ yên trí!" Bộ mặt vuông vức, lanh lợi đầy tự tin của Hồng hiện ra trước mắt. Và Quỳnh nghĩ là mình còn tiếp tục dứt điểm.

        - Sửa phải 15 độ! - vẫn giọng nói khê khói thuốc lá.

        - Rõ, sửa phải 15 độ.

        Quỳnh lại nhìn thấy một con sông. Anh không nhận ra đây là sông Đà hay sông Mã.

        - Cá sấu phía trước, bên dưới, mười cầy.

        Quỳnh dồn tinh lực nhìn ra phía trước.

        Bầu trời xanh mênh mông, có những đám mây bay rải rác. Bây giờ anh mới thấy là trăng vẫn sáng. Những phút vừa qua anh tưởng như nó đã lặn đâu rồi.

        - Tám cây!

        Vẫn chưa thấy một vật gì lạ trên màn huỳnh quang.

        - Bảy cây!

        Tiếng nói của Hồng từ sở chỉ huy tiếp tục vang lên một cách đếu đặn và tự tin:

        - Sáu cây...

        - Năm cây...

        - Bổn cây...

        Hay là ra-đa của máy bay đã bị hỏng? Anh liếc nhìn cả bầu trời bàng bạc ánh trăng. Không thấy một chấm sáng. Địch đã biết một tên đồng bọn bị tiêu diệt nên chúng tắt đèn, anh nghĩ.

        - Phát hiện chưa? - Sở chỉ huy hỏi.

        Đẩu óc anh căng lên. Bỗng phía bên trái anh, khoảng bốn mươi độ, hiện ra một ngôi sao rất to. Có phải là một ngọn đèn không? Nhưng đó không phải là màu sắc của những ngọn đèn ban nãy anh đã nhìn thấy. Một ngọn đèn hay một ngôi sao? Đốm sáng vàng trôi ngang trước mắt anh. Đúng nó rồi! Chiếc máy bay này không thắp đèn ở hai đầu cánh mà chỉ có một ngọn đèn trên lưng. Anh lập tức báo cáo:

        - Phát hiện!

        - Bình tĩnh công kích địch! - Lệnh của trung đoàn trưởng.

        Thằng địch này không dùng đèn ở đầu cánh, chắc là nó đã thấy động. Quỳnh tắt ra-đa. Anh mở hết cửa dầu cho máy bay đuổi theo mục tiêu. Lần này, anh hết sức bình thản. Cái khờ khạo lớn của bọn ăn sương là chúng vẫn đinh ninh màn đêm sẽ che chở cho chúng khỏi bị trừng trị từ trên không. Tên địch này vẫn còn giữ ngọn đèn trên lưng vì nó cho rằng đồng bọn vừa rồi bị bắn đã trúng hỏa lực từ mặt đất.

        Ngọn đèn vàng to lên trong máy ngắm. Quỳnh lại nghiến chặt răng bóp cò súng. Máy bay anh thôi rung. Anh hiểu rằng mình đã bắn hết đạn. Một đám cháy thứ hai đã bùng lên giữa trời...

        Sở chỉ huy vui rộ lên.

        Chiếc máy bay chiến thắng của ta đang trên đường về.

        Trung đoàn trưởng vẫn dán chặt cặp mắt trên bàn tiêu đổ bảo sĩ quan dẫn đường:

        - Đo lại cự ly giữa ta và địch!

        Một máy bay địch, có lẽ là một chiếc F.4 vẫn ở phía sau Quỳnh. Đồng chí sĩ quan dẫn đường đặt cái thước xuống bản đổ rồi nói:.

        - Báo cáo anh, yên trí. Địch vẫn cách ta ba phút. Tôi đã cho đồng chí Quỳnh xuống thấp hơn nó hai ngàn.

        Những hàng đèn trên đường băng lại bắt đầu rực sáng. Lần đầu, giữa ban đêm, một đám rất đông người tụ tập trên sân đậu hân hoan chờ đón một chiếc máy bay đi chiến đấu trở về.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #171 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2020, 07:02:23 am »

   
CHƯƠNG XXXIV

1

        Hảo vừa đi qua cổng bệnh viện được mấy bước thì nghe tiếng người gọi:

        - Này cô kia? Đi đâu đấy?

        Trạm thường trực đặt khuất sau chiếc cổng sắt nên Hảo không nhận ra. Hảo vội quay lại, nói lễ phép:

        - Bác cho cháu vào thăm chị bạn làm cùng cơ quan bị thương nằm ở B.2.

        Giọng bác thường trực lạnh nhạt:

        - Không phải ngày thăm. Thứ năm, chủ nhật đến đây.

        - Bác giúp cháu, cháu ở xa về - Hảo khẩn khoản.

        - Không được. Cô xem nội quy.

        Bác hất cằm chỉ vào cái bảng sơn trắng kẻ đầy chữ nhỏ li ti màu đỏ.

        Cô gái xịu mặt. Chán quá, từ sáng đến giờ đi việc nào hỏng việc ấy. Xuống tàu, Hảo đến nhà Thùy thì cửa lớn cửa nhỏ đều đóng nghim nghỉm. Hỏi thăm hàng xóm, mới biết mẹ con Thùy đã đi sơ tán với trường về đâu tận Quốc Oai. Hảo đạp xe đến bệnh viện để thăm Loan thì lại không đúng ngày quy định thăm bệnh nhân. Nhìn vẻ mặt khó đăm đăm của bác thường trực có tuổi, biết rằng có nói nữa cũng vô ích, nhưng Hảo vẫn cố hỏi thử một lần cuối cùng:

        - Bác thông cảm giúp cháu. Cô bạn cùng cơ quan với cháu bị mảnh bom vào đầu và chần phải đưa từ Quảng Ninh vế đây. Cháu cũng vừa ở Quảng Ninh lên sớm nay, cháu mang tiền lương và quần áo ấm đến cho chị ấy.

        - Giấy tờ đâu?

        Hảo vội mở chiếc túi xách đi đường, lấy tờ công lệnh đưa bác. Bác đeo chiếc kính lên xem xong rồi lầm bẩm: "Lắm anh cứ nghĩ là đi thẳng, không thèm nhìn ai thì sẽ không có ai dám hỏi gì mình".

        Nhưng Hảo thấy bác đã bắt đầu điền tên mình vào cuốn sổ.

        - Để giấy đây, lát nữa ra lấy lại. Bệnh nhân B.2 ở trên gác mới chuyển cả xuống dưới nhà rồi... để dễ chạy báo động. Đừng lên gác mà mất công.

        Hảo mỉm cười trước những lời nói trống không của bác, đáp lại một cách vui vẻ:

        - Rõ ạ!

        Rồi cô đi vội vào phía trong như sợ bị bác gọi lại lần nữa.

        Gần hai tháng nay, Hảo trở thành người giữ trạm trung chuyển những thư từ cho Loan và người chồng chưa cưới của cô. Loan không cho người yêu biết mình bị thương phải nằm ở bệnh viện tại Hà Nội. Nó làm như mình vẫn công tác bình thường tại cơ quan. Qua thư từ Loan viết về, các bác sĩ ở đây nói rằng có thể giữ được cái chân, còn vết thương ở đầu thì đã lành. Hảo vừa nhớ vừa thương Loan. Mình về bất chợt thế này, chắc nó sẽ rất mừng. Hảo dự định mang lại cho Loan một niềm vui khác nữa. Loan đã được trạm phân công cùng với Hảo chuẩn bị báo cáo về đề tài hải sâm. Loan mới bắt tay vào chuẩn bị thì đã bị thương. Hảo sẽ đến bệnh viện trao đổi với Loan coi như công việc vẫn tiếp tục. Cô sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch. Tất nhiên, phần công việc chính sẽ do Hảo làm. Hảo còn dự định nếu Loan kịp khỏi chân trước ngày hội nghị, Hảo sẽ dành một phần cho cho Loan báo cáo.

        Căn buồng khá rộng với mọi vật toàn là màu trắng làm Hảo thoạt nhìn hơi hoa mắt. Đây là phòng của bệnh nhân nữ. Những người bị bó bột ở chân nằm bất động với cẳng chân to xụ, cứng đơ. Một người nằm ngay cạnh cửa ra vào với một bên chân đã bị cưa. chị ngoảnh mặt đi khi nghe tiếng chân người bước vào, mớ tóc đen xõa rối bời trên mặt gối. Nhìn những chiếc bô men trắng đặt dưới gậm giường, có thể biết nhiều bệnh nhản không đi lại được. Những đôi nạng gỗ dựng ở đầu giường. Chắc hầu hết là những người mới bị nạn về chiến tranh. Thoạt nhìn quang cảnh, Hảo đã thấy lòng mình se lại.

        Cô dõi tìm Loan trong số những người bó bột ở chân nằm trong căn phòng này. Thấy cô đứng ngơ ngác hồi lâu một chị bó bột ở cánh tay hỏi:

        - Cô tìm ai?

        - Em tìm cô Loan.

        - Loan Thanh Hóa hay Loan Hồng Quảng?

        Hảo vui vẻ đáp:

        - Loan Hồng Quảng ạ.

        - Cô đứng ngay cạnh giường cô ấy chứ đâu!

        Hảo quay lại. Đúng là cái người bị cưa chân cô đã nhìn thấy từ khi mới bước vào. Cô bàng hoàng. Loan ơi, mày đấy ư?

        - Cô ấy mới cắt được hai ngày - Chị bó bột ở tay nói.

        Hảo ghé xuống lên Loan. Hai mắt Loan vẫn nhắm nghiền. Hảo toan gọi thì thấy vai Loan rung lên, những đường gân trên cổ Loan chuyển động. Loan hất vội chiếc chăn trên ngực ra, lấy hai tay bưng mặt nức nở.

        - Loan ơi!

        Hảo muốn nói nữa nhưng cô nấc lên, đôi mắt nhòa đi vì nước mắt.

        Nhiều tiếng nấc khác nối nhau.

        Nỗi đau lây lan khắp can phòng.

        Chị bó bột ở tay nói chuyện với Hảo ban nãy đã ngồi dậy. Mặt chị xám ngắt. Chị vịn thành giường, bước đến gần hai cô gái:

        - Loan ơi! Chị hơn em là cánh tay của chị rồi có thể lành. Nhưng em còn may mắn hơn chị. chính chị mới là người mất sạch không còn gì? Chị mất cả con, mất cả chồng. Anh ấy bị bom chém cụt cả hai chân. Nhưng nếu anh ấy vẫn sống để cho chị hầu hạ anh ấy suốt đời, thì chị sướng biết bao. Đừng khóc nữa em ạ. Rồi em cũng vẫn đi lại được bình thường như mọi người. Em sẽ có hạnh phúc như các chị em khác. Em sẽ không phải đau khổ như chị đâu...

        Hảo ngồi với Loan suốt buổi sáng. Cô không dám an ủi bạn. Hoàn cảnh của hai người bây giờ đã trở nên khác xa nhau. Những lời an ủi của mình nếu không gợi thêm cho bạn những điều chua xót, thì cũng chẳng có giá trị bao nhiêu. Ở đây, chung quanh Loan, có những người làm công việc đó tốt hơn cô nhiều. Vì họ cũng chung cảnh ngộ với Loan. Hảo kể chuyện cơ quan cho Loan nghe. Rồi Hảo bàn với Loan việc cùng chuẩn bị báo cáo.

        Loan nhìn Hảo bằng cặp mắt rất lạ rồi nói:

        - Cậu đủ sức làm một mình. Mình không muốn ai thương xót mình lúc này.

        - Không phải thế, mình nghĩ là có công việc cậu sẽ vui hơn.

        - Mình không cần vui. Mình sẽ sống đúng như hoàn cảnh hiện nay của mình.

        Hảo không gắng nài Loan chuyện đó nữa. Trước khi Hảo về, Loan bỗng nói:

        - Cậu chuẩn bị khi nào mình cần, sẽ rút ngay tất cả số tiền gửi tiết kiệm cho mình bữa trước.

        Loan nhắc đến số tiền chuẩn bị đám cưới trong vali Hảo đã cẩn thận đem đi gửi tiết kiệm. Cô nói:

        - Có thể rút bất cứ lúc nào. Nhưng để làm gì?

        - Mình gửi trả lại cho anh ấy. Mình sẽ cắt mọi quan hệ với anh ấy. Tự mình, mình sẽ cắt... Cậu đừng góp ý kiến vào chuyện riêng của mình. Mình sẽ không nghe bất cứ ý kiến của ai...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #172 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2020, 07:03:16 am »

        
2

        Chuyến về công tác tại Hà Nội lần này đã đến với Hảo một cách bất chợt. Tuần trước, trạm họp để kiểm tra việc chuẩn bị báo cáo. Đồng chí trưởng trạm nhận thấy các bản báo cáo chứa đựng những tài liệu phong phú nhưng đều mang một nhược điểm chung là chưa nêu lên được những vấn đề có tính cách lý luận. Anh lo cho sự thành công của trạm trong cuộc hội nghị khoa học quan trọng sắp tới. Chất lượng của các báo cáo còn thấp do may nguyên nhân. Thứ nhất là trình độ của những người làm báo cáo còn non. Thứ hai là trạm đã không hướng dẫn hoặc đề ra cho họ những gợi ý hay và họ rất thiếu tài liệu để tra cứu. Anh cho rằng cán bộ của mình sẽ giải quyết những vấn đề này ở Hà Nội, nơi họ có thể gặp lại các thầy cũ, tìm được những cuốn sách chuyên môn ở các thư viện khoa học. Anh quyết định họ phải đi ngay. Tình hình chiến tranh mỗi ngày một khẩn trương. Hà Nội không còn yên ổn lâu nữa, nếu về chậm sẽ chẳng tìm ra thầy và cũng khó tìm ra sách.

        Hảo là một trong số những người được chỉ định đi công tác lần này. Hà Nội đã có những thay đổi. Thêm nhiều hầm trú ẩn xuất hiện ở những nơi công cộng. Nhiều cơ quan đã sơ tán về vùng nông thôn. Cũng may, năm thứ tư khoa sinh vật trường Đại học Tổng hợp vẫn còn ở Hà Nội. Nhóm cán bộ dễ dàng tìm được chỗ ở tạm tại khu trú xá của trường.

        Hảo dành ngày đầu đi thăm bạn bè. Từ sáng đến giờ chỉ gặp được Loan. Cuộc gặp làm cho cô choáng váng. Cô biết rằng đây là một đám mây đen sẽ ám ảnh cô trong suốt đợt công tác lần này.

        Sớm nay, Hảo đã bỏ ở hòm thư của nhà bưu điện tại ga một lá thư cho Quỳnh báo tin mình đã về Hà Nội. Hảo chưa có ý định lên thăm anh vì lần này cùng đi công tác chung với nhiêu người. Không gặp được Thùy, cô cũng không biết thêm tin tức gì trên sân bay. Hảo định tới thăm Trọng. Không phải cô gặp anh chỉ để hỏi tin. Gần đây, Hảo đã coi anh như một người bạn lớn tuổi, một người bạn mà cô đủ tin cậy để thổ lộ những điêu tâm sự. Đi ngang nhà mậu dịch bách hóa Tràng Tiền, thấy chưa đến mười một giờ, Hảo dừng xe. Cô vào phòng điện thoại công cộng gọi về tòa soạn báo Quân đội.

        Đầu dầy, tiếng một cô gái nói rất điệu:

        - Tôi nghe đây.

        - Chị cho tôi nói chuyện với anh Vũ Trọng.

        - Chị ở đâu đấy?

        Có cảm giác như mình đang bị dò hỏi, cô đáp:

        - Tôi ở trường Đại học Tổng hợp.

        - Chị chờ nhé!

        Một lát, tiếng cô con gái lại vang lên trong ống nghe:

        - Anh Vũ Trọng hôm nay không tới tòa soạn. Chị gặp có việc cần không?

        Hảo chưa biết nên đáp thế nào thì cô gái nói tiếp:

        - Nếu cần mời chị đến nhà riêng. Hôm nay anh Trọng viết bài ở nhà.

        - Chị có thể cho tôi biết nhà riêng của anh ấy được không?

        Cô gái vui vẻ nói cho Hảo biết chỗ ở của Trọng, và còn dặn thêm anh ở buồng trên gác ngay chỗ cầu thang lên. Hảo cảm ơn rồi treo ống nói vào máy.

        Cô tự trách: Mình dạo này quá nhiều bản năng tự vệ, lúc nào cũng sợ bị người khác hiểu lầm.

        Buổi tối, Hảo đến nhà Trọng. Anh mở cửa nhìn cô, cặp mắt sầu sầu lộ vẻ vừa vui mừng vừa ngạc nhiên:

        - Chị về Hà Nội khi nào?

        - Em mới tới sáng nay.

        - Sao chị biết tôi ở đây?

        - Em gọi điện tới tòa soạn. Ở đó cho biết anh làm việc tại nhà riêng.

        Trọng mời Hảo ngôi rồi hỏi:

        - Chị có dùng được cà-phê không? Hôm nay trời lạnh.

        - Em không uống bao giờ - Hảo mỉm cười - Nhưng tối nay xin uống với anh một tách cho vui.

        Trong lúc Trọng chuẩn bị pha cà-phê, Hảo ngồi tò mò ngắm nghía nơi ăn ở của anh. Căn buồng rất hẹp chiều ngang. Đúng là chỗ ở của một người chưa vợ. Nó ngăn nắp và trống trải. Một cái bàn làm việc, một cái giá sách, một chiếc đi-văng. Hảo ngồi trên một trong hai chiếc ghế đẩu đặt ở hai đầu cái bàn vuông uống nước rất nhỏ, kê sát tường. Hầu hết đồ dùng của anh đều là một chiếc. Một chiếc gối, một chiếc chăn, một chiếc va-li, một đôi dép, một chiếc khăn mặt... May mà anh ấy vẫn có đủ cả bộ chén uống trà. Chắc là anh ấy chưa có ý định lập gia đình hay là không có ý định đó cũng nên...

        Trọng đổ nước vào phin cà-phê, rồi thu vội những giấy tờ anh đang viết dở còn để trên bàn.

        - Chị về Hà Nội chuyến này có được lâu không? -  Trọng hỏi.

        - Cho đến lúc xong công việc, em đoán chừng cũng phải trên một tháng.

        - Chị có định lên thăm anh Quỳnh?

        - Chưa ạ. Vì chuyến này em đi công tác, mà lại có cán bộ phụ trách đi kèm.

        - Chị đã báo anh Quỳnh biết tin chưa?

        - Rồi đấy ạ.

        - Tôi mới ở trên đó về được hơn một tuần...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #173 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2020, 11:14:59 am »


        Trọng bắt đầu kể những chuyện trên sân bay, anh biết cô đến thăm mình còn mục đích đó. Mọi người đang ngày đêm lao vào luyện tập để làm chủ các khí tài mới. Anh kể chuyện Quỳnh nuôi chim sẻ, chuyện Đông vừa bắn được một con nhông. Anh không quên chuyện Hoa và Diệu Lan, chuyện đồng chí chính ủy quân chủng mới đưa về đoàn bay một người con... Chuyện gì cũng làm cho cô gái thích thú. Hảo luôn luôn mỉm cười với những chuyện kể ra chẳng có gì đáng cười.

        Những giọt cà phê đặc sánh như mật đã nhỏ xuống một phấn ba chiếc chén sứ, tỏa ra một mùi thơm ấm áp, quyến rũ.

        Trọng đặt chén cà phê trước mặt cô gái, nói:

        - Nếu đêm nay chị có mất ngủ, xin chị chớ trách tôi.

        - Lâu ngày mới về Hà Nội, em muốn thức một đêm để nghe tiếng chổi quét đường buổi sáng.

        - Tiếng chổi quét đường trong bài thơ của Tố Hữu.

        - Vâng.

        Hảo đã nhận thấy từ nãy đến giờ mình không có ý lắm, mình luôn luôn cười to để bắt anh ấy phải kể tiếp mãi những chuyện ở sân bay, mình quên mất là mình còn đến thăm anh. Cô uống một ngụm cà-phê rồi hỏi Trọng bằng giọng thân mật:

        - Anh định sống một mình mãi ư? Hôm trước anh nói chuyện với em đã có nơi đính ước, nhưng đến thăm anh tối nay em không tin... Anh dường như có một thế giới riêng khó hiểu.

        - Hôm trước tôi không nói sai... Nhưng hôm nay thì ý kiến của chị có thể lại là đúng, ở cơ quan nhiều đồng chí đã có gia đình bảo tôi là một người sống ích kỷ. Có đồng chí còn nói tôi cố giữ mức thu nhập cao nhất miến Bắc - tính theo bình quân đầu người. Nhưng thực ra tôi chẳng giữ được gì riêng cho mình?

        Hảo nhìn Trọng bằng cặp mắt chăm chú.

        - Em chưa hiểu ý anh... Tại sao anh vừa nói ý kiến của em lại có thể là đúng.

        - Vì tình hình đã có thay đổi chị ạ... Ngày hôm qua, đồng chí thủ trưởng cơ quan vừa hỏi ý kiến tôi về một chuyến đi công tác xa...

        - Anh đã nhận lời...

        - Tôi đã cảm ơn đồng chí ấy. Tôi đề nghị chuyện này từ lâu rồi. Bây giờ coi như được tổ chức chấp thuận. Tôi nghĩ là ít nhất cũng phải nhìn thấy “Đất thánh” một lần. Mấy năm nay, tôi đã cố giữ cho mình nhẹ nhàng để khi có dịp thì đi được ngay. Tôi có một số bạn bè, các cậu ấy bụng to ra rồi, không leo núi được nữa chị ạ...

        Trọng nở một nụ cười hồn nhiên tỏ ra rất thích thú vì mình đã khôn hơn người khác.

        - Nhưng việc anh đi chiến trường một chuyến có đâu lại ảnh hưởng đến chuyện đính ước?

        Nụ cười của Trọng vẫn còn nằm trong ánh mắt. Anh nói giọng nhỏ đi:

        - Tôi biết rằng khi tôi đặt vấn đề nên thôi đi, chắc là cô ẩy sẽ phản đối. Nhưng nếu tôi kiên quyết giữ ý kiến, cô ấy sẽ buồn một thời gian, nhưng rồi sẽ nhận thấy như thế là đúng hơn. Chị ạ, tôi vừa chợt nghĩ là nếu cô ấy lại là một người như... chị Diệu Lan chẳng hạn, tôi có thể giải quyết cách khác.

        Hảo đỏ mặt lên, nói:

        - Anh không bình đẳng? Anh coi thường người phụ nữ mà anh yêu. Xin lỗi anh nếu em nói quá lời. Em chưa hiểu rõ ý anh, nhưng nếu anh hoài nghi sự chung thủy của người yêu mình thì đó là điều không nên. Và nếu anh giành lấy phần hy sinh cho riêng mình để bảo vệ hạnh phúc của người mình yêu, thì điều đó lại còn dở hơn... Không phải em tự ái vì giới tính. Một người con gái mà có ý nghĩ như anh, em cũng sẽ phản đối.

        Trọng vẫn nói một cách nhẹ nhàng:

        - Chị ạ, đây là một trường hợp rất riêng mà... Cái này có liên quan đến cá tính hay là một tính xấu của tôi. Nhiều người nhận xét tôi là "ích kỷ". Tôi lại kể tiếp với chị một chuyện ở sân bay: ít lầu nay, tôi trở thành một chiến sĩ giao liên. Chuyến vừa rồi, ngoài việc đưa thư cho anh Hoa, tôi còn phải đưa thư hộ một người lái mới cho một cô sinh viên. Tôi không dám giáp mặt cô ấy vì hai lá thư nhằm hai mục đích trái ngược hẳn nhau. Tôi sợ phải chứng kiến những giờ phút căng thẳng của người khác. Tôi không muốn kể cụ thể với chị chuyện riêng của hai người. Tôi chỉ định nhắc lại một câu anh lái trẻ đã nói chuyện với tôi khi nhờ tôi làm việc này. Anh ta nói: "Chiếc máy bay tiêm kích khi gặp địch phải ném đi cả thùng dầu phụ kéo dài đời sống của nó ở trên tầng không, để cho nó nhẹ nhàng trước khi lao vào trận đánh...” Chính là vì cái tính ích kỷ của tôi.

        - Em không đồng ý anh tự coi là ích kỷ... - Hảo nói bằng một giọng nghiêm nghị.

        Trọng biết rằng càng nói, lập luận của mình càng thiếu chặt chẽ.

        - Bao giờ anh lên đường? - Hảo hỏi.

        - Tôi sẽ đi sớm, nhưng vẫn còn một thời gian để chuẩn bị.

        Cô gái cảm thấy buồn vì sắp phải xa một người bạn mà cô nghĩ rằng sẽ ngày càng trở thành thân thiết đối với mình.

        - Em sẽ có việc phải nhờ anh nếu anh đi qua đó... Ba em hiện ở trong ấy. Em vừa nhận được thư của ba em. Nếu anh biết rằng em cũng rất ước ao có một dịp nào được cùng đi với các anh...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #174 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2020, 11:16:20 am »


       
3

        - Chào thầy ạ.

        Thầy giáo của Hảo đang hí húi nấu bếp, quay lại. Ông nhìn cô học trò cũ qua cặp mắt kính long lanh, tươi cười

        - Em đã về đấy à?

        - Vâng. Em thấy cửa khép mà trong nhà không có người, thấy cái mâm để giữa bàn, em tưởng cô đang nấu ăn dưới bếp.

        - Cô và các em đi sơ tán rồi, bây giờ tôi trở thành người độc thân.

        - Mời thầy lên nhà. Em làm chỉ hai mươi phút là xong. Em muốn nấu cho thầy một bát canh. Em mang về biếu thầy cô một ít sá sùng.

        Thầy giáo xua tay. Hảo nhớ lại dáng điệu này của thầy mỗi lấn thầy không đồng ý.

        - Em lên nhà. Giờ em là khách rồi. Nếu em coi là người nhà thì pha nước uống giúp tôi. Đã có nước sôi trong phích. Lọ chè để ngay trên bàn. Nếu em chưa ăn thì sẽ cùng ăn với tôi. Em lên nhà đi? Không ai tiếp khách dưới bếp đâu.

        Biết thầy sẽ không đổi ý kiến, Hảo nói là mình đã ăn cơm chiều và xin phép thầy lên nhà. Từ ngày ra trường đến giờ, Hảo có đến thăm thầy một đôi lần. Nhưng lần này đến đây, Hảo không thật tự nhiên. Hảo có việc cần đến sự giúp đỡ của thầy. Cô biết rằng thầy sẽ không từ chối. Nhưng cô vẫn băn khoăn vì từ sau khi nhận công tác, mình không năng đi lại thăm thầy, và nhất là không có được một lá thư.

        Trên đường tới đây, Hảo nhớ lại cầu chuyện cô đã nghe trong một dịp về họp ở Tổng cục, do một bác cán bộ trước kia vốn là một nhà giáo kể lại. Trước cách mạng, bác làm nghề dạy học ở Quảng Nam. Bác dạy lớp nhất. Cuộc kháng chiến nổ ra, bác rời thành phó ra vùng tự do, mở một quán cơm nhỏ làm kế sinh nhai. Một hôm, có một người khách nom đã đứng tuổi, râu tóc để dài, bước vào quán. Bác vừa chào khách, định rót chén nước để mời khách, thì người đó chắp tay, cúi đầu một cách cung kính, nói:

        - Lạy thầy ạ.

        Bác chưa nhận ra người có tuổi này là ai.

        - Chắc thầy chưa nhớ ra con. Con là Nam, đã học thầy hồi ở Quảng.

        Bấy giờ bác mới nhận ra người học trò cũ của mình. Học trò hồi đó nhiều người xấp xỉ tuổi thầy. Chỉ sau có dăm sáu năm xa cách, anh ta đã thay đổi như vậy. Người học trò nói:

        - Con không ngờ hôm nay được gặp thầy để tạ lỗi với thầy. Cuốn sách thầy cho mượn con vẫn đem theo khắp mọi nơi trên dọc đường kháng chiến. Con rất mong có dịp được gặp để trả lại cho thầy. Con đã tưởng rằng nó sẽ đi theo con suốt cuộc đời và con sẽ hết sức ân hận. Rất may bữa nay con lại gặp thầy.

        - Cuốn sách nào nhỉ - Bác ngơ ngác hỏi lại.

        - Dạ, thưa tập truyện ngắn của Guy de Maupassant mà thầy đã cho con mượn.

        Thực tình bác không còn nhớ cuốn sách này. Nếu anh có trả bác hồi đó, thì bác cũng bỏ lại thành phố khi gia đình đi tản cư. Để làm cho người học trò yên lòng, bác tuyên bố mình tặng anh quyển sách đó. Người học trò xin được gặp cô giáo để chào. Bác đưa anh vào nhà trong. Người vợ của bác còn trẻ, hết sức bối rối khi có một người hơn mình nhiều tuổi, mỗi câu nói đều chắp tay "thưa cô..." và tự xưng là con. Bác bảo với anh học trò chỉ nên coi mình là một người anh lớn tuổi hơn và đừng có câu nệ trong việc xưng hô, nhất là đối với vợ mình. Người học trò lại chắp tay nói:

        - Thưa thầy, đã là tình thầy trò, xin thầy cho con cứ giữ lễ.

        Sau đó, người học trò nhất định mời bác về nhà, bắt vợ con ra chào, và tổ chức một bữa rượu linh đình để cảm tạ thầy đã cho sách. Mặc dầu anh đã khẩn khoản mời cả thầy, cô cùng tới nhưng bác nói thế nào vợ bác cũng không chịu đi...

        Câu chuyện về tình nghĩa thầy trò đó đã làm Hảo nghĩ đến sự sơ khoáng của mình đối với người thầy cũ trước đây đã giúp cô nhiều. Quan hệ giữa thầy trò ngày nay cũng như quan hệ trong gia đình phải khác hơn, nhưng không thể bỏ qua tất cả được, nhất là về mặt tình cảm. Không phải cô không nghĩ đến những tình cảm thiêng liêng đó. Chỉ có điều là cô chưa biết giải quyết các mối quan hệ ấy như thế nào cho thỏa đáng trong khi công việc lúc nào cũng như một dòng thác hàng ngày lôi cuốn cô đi.

        Hảo pha một ấm trà uống, ngồi đợi thầy. Nửa giờ sau, thầy giáo lên, nói là đã ăn xong cơm. Hảo biết vì có mình đến, thầy đã phải ăn cơm ở dưới nhà, và ăn vội.

        Hảo đưa gói hải sản nhỏ ra biếu thầy.

        - Em vẫn công tác ở Quảng Ninh?

        - Vâng ạ. Sau một thời gian ở đoàn điều tra bây giờ em đã trở thành người của trạm nghiên cứu hải sản.

        - Biển đối với em có thích hợp không?

        - Em rất yêu biển..

        - Tôi vừa nhớ ra là hồi làm luận văn tốt nghiệp em đã chọn đề tài "Động vật phù du ở đồng ruộng miền núi". Như vậy là em đã bỏ rừng mà đi xuống biển.

        - Dạ...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #175 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2020, 11:16:45 am »


        Hảo cảm động khi thấy thầy vẫn nhớ rất kỹ về những người học trò của mình ra trường cách đây mấy năm.

        Thầy giáo kể cho Hảo nghe những đề tài nhà trường đang tiếp tục nghiên cứu và một vài kết quả mới đạt được gần đây. Thầy than phiền ta còn chưa chú ý đầu tư vào khâu cơ bản. Thầy hỏi Hảo:

        - Em có mắc mớ gì trong công tác hiện nay không?

        - Em cũng đang định thưa với thầy là em có việc cẩn đến sự giúp đỡ của thầy... - Hảo ngập ngừng.

        - Em nói đi - Thầy tỏ vẻ sốt sắng - Cần hỏi gì em cứ nêu ra cụ thể.

        Hảo trình bày với thầy đề tài cô đã được phân công và những khó khăn cô đang gặp.

        - Tôi mừng cho em. Em ra trường chưa được bao lâu mà đã được cơ quan giao cho công tác nghiên cứu độc lập như vậy chắc là em đã làm việc rất tốt. Em đã tìm được mảnh đất để "dụng võ". Không phải mọi sinh viên ra trường đều may mắn như em... Em định làm việc ở đây trong bao nhiêu lâu?

 
        - Cho đến khi xong công việc. Em có khoảng hơn một tháng.

        - Hơn một tháng thì quá gấp.

        - Nếu cần em sẽ để nghị trạm cho ở thêm, nhưng hội nghị sẽ mở vào khoảng tháng Tư.

        - Đấy! Mọi người cứ nhìn vấn đề đơn giản như thế. Một tháng làm việc thì kết quả đạt được cũng chỉ là kết quả của một tháng... Nó không thể là kết quả của nửa năm!

        Thấy Hảo ngồi có vẻ lo lắng, thầy nói tiếp:

        - Nhưng thôi, vấn để thời gian không phải do em hay do tôi quyết định. Chỉ có điều là em phải cố gắng làm việc hơn. Em có nhiều việc riêng tư ở Hà Nội không?

        Hảo mỉm cười rồi nói:

        - Em sẽ hết sức tập trung vào công việc.

        - Trong công tác khoa học có những sự tình cờ. Nhưng em đang làm công tác điều tra, thì em không nên trông đợi ở sự tình cờ. Em cần phải có những số liệu thật chính xác. Em lại phải nói được ý nghĩa của các con số đó. Đối với một hội nghị khoa học thì điều quan trọng nhất là em phải nêu lên được một số vấn đề...

        - Đó chính là chỗ yếu trong báo cáo của em.

        - Nếu em chưa rút ra được những vấn đề cho báo cáo thì nguyên nhân là kiến thức của em về đề tài này còn cạn. Em phải đọc một sổ sách có liên quan để mở rộng nó ra. Em còn phải đọc cả một số sách không trực tiếp liên quan đến các đề tài này nhưng nó có thể giúp em một vài gợi ý hay.

        - Em sẽ cố gắng nếu được sự giúp đỡ của thầy.

        - Tôi sẽ giúp em. Nhưng em sẽ tự mình giải quyết là chính, vì em chứ không phải tôi là người sẽ báo cáo, ở hội nghị người ta sẽ hỏi về những vấn đề em báo cáo mà em là người phải trả lời.

        Hảo thấy thầy giáo nhìn mình, cặp mắt của thầy đang cười sau lần kính.

        - Em có nhớ khi em bảo vệ luận văn tốt nghiệp về đề tài  "Động vật phù du ở đồng ruộng miền núi", giáo viên đã hỏi lại: "Nuôi cá ở bậc thang nào thì có lợi?" Hôm đó em không trả lời được phải không?

        Hảo đỏ mặt. Thầy đã không quên một điều gì về mình. Thầy giáo đứng dậy lấy ở giá sách ra một cuốn đưa cho Hảo nói.

        - Em đọc cuốn này đi. Em sẽ tìm ở đây được một vài gợi ý. Nếu em bằng lòng thì tôi sẽ kiểm tra xem em đọc cuốn sách mà tôi giới thiệu như thế nào?

        - Em rất mong được thày kiểm tra công việc của em như những ngày em còn ở nhà trường...

        Hảo đạp xe trở về trú xá. Tiết trời sang xuân đêm nay bớt lạnh nhiều. Các búp non dường như đang tí tách nảy mầm trên những bộ xương cây gãy guộc vì mùa đông. Mình sẽ cố gắng làm cho thầy vui. Mình sẽ chứng minh là những người sinh viên do các thầy mất công sức đào tạo khi ra cuộc đời, đã vận dụng được những kiến thức mà họ thu thập được dưới mái trường. Mình lại có thêm một thời gian nữa trở lại làm người học trò của thầy và mình sẽ vẫn là một người học trò tốt... Công việc bề bộn trước mắt cô... Anh ơi, giờ này anh đã ngủ rồi hay là tối nay anh lại trực đêm? Anh đừng giận em nhé vì em đã về Hà Nội mà không lên thăm anh. Anh cũng đừng ghen nhé, nếu nay mai đây sẽ có những giờ phút nào đó mà em không nghĩ đến anh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #176 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2020, 11:17:38 am »


CHƯƠNGXXXV

1

        Hùng nhận được thư của em gái.

        Quyên viết:

        "... Anh đi ba tháng mới có một lá thư. Mẹ dặn thế nào trước khi anh đi? Nếu tuần vừa qua mẹ không chuyển vào nơi trường sơ tán thư anh viết về, thì em cũng không buồn viết thư cho anh đâu mặc dù hôm nay là chủ nhật, em không có việc làm, cũng không có chỗ đi chơi như ở Hà Nội. Em đã viết cho anh ba lá thư rồi, nên em không mong nữa, mà em chán. Lý do anh đã nêu ra, bố lên trên ấy, anh gặp chị Tuyết đã nhắn lời về nhà... đều không bào chữa cho anh được. Em cần nhắc lại em không còn là trẻ con nữa, anh hãy nhớ nhé! Thầy giáo em đã nói: "Nếu mình đến thăm ai mà bẩy ngày sau người đó vẫn chưa tới thăm lại, thì có nghĩa là người đó không muốn tiếp mình ở nhà nữa". Đó là nói về xã giao. Còn về tình cảm gia đình, em nghĩ phải yêu cầu cao hơn nữa.

        Em thấy anh thay đổi nhiều quá, anh Hùng ạ. Em không giận anh vô cớ và cũng không muốn nói mà không có dẫn chứng đâu! Em buộc phải trích ra đây một vài đoạn trong thư chị X mới viết cho em:

        "... Hôm nay chị đã có thể trả lời câu hỏi em vẫn thường đặt ra về quan hệ giữa chị với anh Hùng. Người con gái đôi khi có những điều nên giữ lại riêng cho mình. Lúc này, chị có một nhu cầu được tự thổ lộ với người khác, người đó chỉ có thể là em.

        Lâu nay, chị vẫn chờ đợi một ngày chị sẽ nói với em: Từ nay chúng ta đã trở thành những người chị em, theo nghĩa những người con trong một gia đình. Em vẫn thường nói với chị, em rất mong đợi ngày ấy.

        Em đã biết, nếu năm học cuối cùng này chị thi tốt nghiệp tốt, chị có thể sẽ được ra nước ngoài học thêm, chị không muốn để trò ú tim này kéo dài, và chị phải chủ động đặt vấn đề với anh Hùng.

        Anh Hùng đã có một sự đổi thay đến lạ lùng. Anh đã nói với chị rằng trước đây anh rất yêu chị, anh cũng chờ đợi cái ngày mà chị chờ đợi, nhưng bây giờ thì tình yêu đó không còn nữa vì nhiệm vụ chiến đấu đã choán tất cả mọi chỗ trong tâm hồn anh. Ngọn lửa chiến đấu đã bùng cháy trong tim anh và nó đã thiêu cháy mọi tình cảm riêng tư (?). Anh nói bây giờ anh không còn những tình cảm riêng nữa. Chị đã hỏi anh: Vậy thì anh còn yêu Quyên không? Anh đã trả lời chị: "Anh rất ít nghĩ đến Quyên, có lẽ anh cũng không còn yêu Quyên nữa" Chị không còn hiểu nổi anh. Và chị cũng không muốn nghĩ gì khác hơn ngoài những gì anh đã nói với chị. Vì như vậy chỉ càng làm cho chị khổ thêm. Trước kia, chị là cô bé một sớm mai, đứng nhìn chiếc cầu vồng bảy sắc bắc ngang trời tưởng chiếc cầu tuyệt đẹp này sẽ dẫn mình đến một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ. Nhưng bài vật lý hôm nay đã dạy cho cô biết chẳng có vườn hoa lạ nào, cũng chẳng có cả cây cầu mà cô đã được nhìn tận mắt, đó chẳng qua chỉ là những hạt nước nhỏ li ti làm tán sắc tia sáng mặt trời..."

        Thư của chị X. làm em nhớ lại những điều anh đã nói với em buổi chiều anh đưa em đi chơi trước khi anh lên sân bay. Hôm ấy, em đã phản đối anh. Những suy nghĩ của anh mỗi ngày càng lạ lùng. Em rất lo lắng mỗi khi nhớ tới anh...".
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #177 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2020, 07:56:04 pm »

        
2

        Từ sáng sớm, đã mấy lần báo động. Các chuyến bay huấn luyện bị tạm hoãn.

        Đồng chí tham mưu trưởng xuất hiện trước cửa nhà chờ của những người bay huấn luyện:

        - Mời anh Tú và đồng chí Hùng lên đường. Các anh chuẩn bị có thể gặp địch.

        Tú và Hùng đang ngồi chờ lập tức đứng dậy.

        Họ rảo bước đi ngang đường băng trắng lóa ánh nắng mặt trời tiến về phía sân đậu. Hôm nay, hai người tập bay biên đội.

        Những buổi bay tập đã được ấn định từng giờ, từng phút, vừa xen kẽ, vừa tranh thủ, không có thời gian chết, nhưng kế hoạch hàng ngày vẫn luôn luôn bị vỡ. Khi vì thời tiết xấu. Có khi chỉ vì người phụ trách khí tượng muốn an toàn đã dự báo quá đi một chút, khiến cho khí tượng đang còn ở giản đơn chuyển sang phức tạp. Và nhất là vì bầu trời luôn luôn bị máy bay địch quấy rối.

        Tú quay sang bảo Hùng;

        - Cậu sẽ cố bám. Mình không có thói quen "chiếu cố" số 2?

        -Rõ.

        Được bay với trung đoàn phó, Hùng rất phấn khởi. Những ngày ở trường, nghe đến những tên Tú, Đông, Quỳnh, Bản..., học viên có cảm giác đó là những nhân vật xuất chúng, xa mình vời vợi... Hôm nay, mình đã cùng bay đôi với anh ấy. Mình nhất định sẽ không để lạc đội, trở về một mình. Mỗi lần anh ấy quay lại sẽ thấy mình gắn liền với anh như hình với bóng. Dù sao anh cũng còn kém mình khá nhiều giờ bay với loại máy bay mới này.

        - Nếu thấy địch thì đánh hay là rút? - Tú hỏi.

        - Đánh ạ.

        - Nhưng mình chưa thực tập bắn tên lửa.

        - Tôi cũng vậy.

        - Hay lúc đó cậu sẽ lên làm số 1, mình trở về số 2? - Tú vừa nói vừa tủm tỉm.

        - Không ạ. Tôi sẽ bảo vệ đuôi thật chắc cho anh.

        Họ tới sân đậu. Hai chiếc máy bay sau khi nạp lại đủ dầu đã được xe tải kéo đến.

        Đông và Hoa đang ngôi chờ dưới cánh hai chiếc Mic cũ ở gần đó, Đông nói to:

        - Anh Tú ơi! Anh lại chạy trước tôi và thằng Hoa mấy bài nữa à?

        Tú quay lại:

        - Cậu giành trực, giờ thấy mình bay lại tiếc rẻ? Muốn đổi thì ra báo cáo tham mưu trưởng thay người, mình sẽ trực hộ cho.

        - Không đời nào! - Đông xua tay - Anh bay đi. Nếu gặp Giôn-xơn, gọi tôi lên xua cho.

        - Mình cũng còn thừa khối tên lửa đây...

        Hai chiếc máy bay lao lên nền trời xanh ngắt, rải rác những đám mây trắng.

        Hùng đã bay phục hồi rất nhanh. Các bài bay của anh đều được phê chuẩn là tốt. Cuộc bay đôi với trung đoàn phó làm cho anh có cảm giác trung đoàn đang thử thách lần cuối trước khi đưa vào chiến đấu.

        Từ khi bay, Hùng giữ rất đúng cự ly với biên đội trưởng. Anh luôn luôn cho máy bay cơ động nhẹ sang hai bên để làm động tác cảnh giới. Khả năng kẻ địch bất thần xuất hiện rất có thể xảy ra. Gần đây, chúng dùng nhiều thủ đoạn. Khi chúng vào tốp nhỏ, khi chúng vào tốp lớn. Khi chúng bay thấp, khi chúng bay cao. Chúng thay đổi giờ đánh phá. Chúng lợi dụng những khi trời nhập nhoạng và thời tiết xấu. Bây giờ chúng có thể bất thần từ một mỏm núi phía dưới nhô lên. Chúng cũng có thể từ đám mây trên đầu anh bổ xuống. Mình sẽ luôn luôn sẵn sàng.

        Chốc chốc, Tú lại ngoái đầu nhìn anh. Bay với đồng chí biên đội trưởng đã từng đánh thắng nhiều trận, Hùng rất yên tầm. Hùng nảy ra ước muốn có một tên địch xuất hiện. Anh mong nhìn thấy một thằng ở phía sau đang định bám vào đuôi biên đội. Khi đó, anh sẽ vừa báo cáo với biên đội trưởng vừa quay lại phản kích. Mình sẽ tránh cái sai lầm của Xuân trước đây, vì thi hành lệnh máy móc, cứ bám theo đuôi biên đội trưởng nên đã hy sinh... Anh ấy sẽ thấy mình không phải là một đứa khờ khạo, và sẽ đánh giá mình là làm ăn được...

        Hùng bỗng nhận thấy máy bay của biên đội trưởng đang ngoặt về phía mình. Chiếc máy bay phía trước như muốn chắn đường bay của anh. Sao anh ấy lại có một động tác như thế? Hùng chợt hiểu là biên đội trưởng đang thử thách sự ứng phó của mình. Nếu tránh máy bay anh bằng cách kéo lên cao, mình sẽ không nhìn thấy anh ấy nữa. Hùng lập tức ấn nhẹ cần lái cho máy bay mình chìm xuống. Máy bay của Tú vọt qua đầu anh. Hùng nhìn rõ cả bụng máy bay, cờ sao và những quả tên lửa. Anh ép độ nghiêng, vòng theo biên đội trưởng. Bây giờ thì anh ấy muốn bay về phía nào mình cũng vẫn cứ bám chắc.

        Đường bay của Tú ổn định trở lại. Hình như anh đang nói với mình: "Được?" và đây mới là sự thử thách thứ nhất, những thử thách khác.sẽ còn tiếp tục.

        Lúc này không còn gì làm phân tán tư tưởng anh ngoài cái ý nghĩ phải nắm cho chắc mỗi thay đổi nhỏ của biên đội trưởng. Máy bay của Hùng bỗng dưng chậm hẳn lại. Biên đội trưởng vừa tăng tốc đột ngột. Anh mở hết cửa dầu để đuổi theo. Nhưng khoảng cách vẫn chưa rút ngắn được. Chiếc máy bay ở phía trước đã đạt được số vòng quay lớn nhất trong khi máy bay anh còn chưa đạt được. Mình đã phản ứng hơi chậm? Không thể để anh ấy quay lại thấy mất hút mình. Anh đẩy nhẹ cần lái cho máy bay chìm xuống rồi lại kéo lên. Với động tác làn sóng đó, anh có thêm tốc độ và trở về cự ly cũ phía sau biên đội trưởng. Bây giờ anh chỉ còn phải cẩn thận không để vọt lên trước Tú.

        Anh ấy đã nói trước là sẽ không "chiếu cố mình...” Mình cũng không muốn được chiếu cố. Nay mai vào trận, thằng địch sẽ không chiếu cố mình là một anh lái mới. Mình mong anh ấy cứ thử thách mình như đã thử thách tất cả mọi người.

        Chiếc máy bay của Tú bỗng ngoặt sang trái. Mình sẽ không rời anh ấy. Hùng đẩy nhẹ cần lái qua trái bám theo. Mắt anh bỗng lòa đi vì ánh sáng. Biên đội trưởng đang bay thẳng về phía mặt trời. Chiếc máy bay chỉ còn là những vệt sáng lấp lóa. Không nhanh chóng xoay xỏa, mình sẽ mất đội? Anh ép cần lái lượn sang phải để mở rộng gián cách. Chiếc máy bay của biên đội trưởng đã tách khỏi luồng ánh sáng dữ dội. Anh lại nhìn thấy nó dễ dàng ở phía bên trái. Hùng cảm thấy nhẹ nhõm...

        Họ đã ở trên đường về. Anh ấy còn bắt mình đối phó gì nữa? Phía dưới là một vùng rừng núi rậm rì. Từ lúc đi, Tú luôn luôn cơ động nên Hùng không nhận ra đây là vùng nào. Chợt anh nhìn thấy máy bay Tú vừa nghiêng cánh. Anh ấy định báo hiệu gì cho mình vậy? - Hùng hết nhìn máy bay của Tú rối lại ngó chung quanh. Bầu trời vẫn trong trẻo, yên tĩnh. Màng tai của anh căng ra đợi lệnh của biên đội trưởng. Nhưng không thấy Tú nói gì. Chiếc máy bay trước mặt anh tiếp tục bay về với một đường bay ổn định. Cho đến lúc máy bay hạ cánh, Hùng vẫn thắc mắc không hiểu ban nãy biên đội trưởng muốn nói gì với mình. Anh tin chắc mình đã không nhìn lầm. Hùng xuống máy bay thấy Tú đang đứng chờ.

        - Cậu bám tốt! - Tú nói.

        Hùng đứng im lặng nhận lời khen của biên đội trưởng.

        - Anh em mình sẽ tiếp tục gặp nhau trong bài không chiến.

        Nếu được bay không chiến với anh ấy thỉ sẽ rất thích, Hùng nghĩ. Đến bài ấy mới thật là ác liệt.

        - Lúc bay về, hình như tôi nhìn thấy có lúc anh lắc cánh?

        - À... - Tú mỉm cười - khi qua Đông Triều... Cậu rất tinh. Không cái gì lọt qua mắt cậu.

        - Tôi nghĩ mãi không hiểu anh định bảo gì?

        Tú cười vang. Trông anh hồn nhiên như một chú bé.

        - Không có gì đâu? Một chuyện riêng của mình.

        Thấy Hùng vẫn còn vẻ thắc mắc, Tú nói tiếp:

        - Cậu có nhìn thấy cái thung lũng có những dãy nhà khi chúng mình bay qua Yên Tử không?

        Hùng lắc đầu. Khi đó anh mải bám theo biên đội trưởng nên không chú ý đến mặt đất.

        - Đó là mỏ Vàng Danh. Bố mình trước kia làm việc ở đó. Mình đã sống ở mỏ ngày còn nhỏ.

        Hùng nhìn anh. Nghe nói trước kia bố anh là thợ lò, còn anh là một chú bé bán kẹo. Mình chỉ kém các anh trên dưới một chục tuổi, nhưng có cái gì đã làm cho các anh khác hẳn với mình bây giờ. Mình còn hiểu biết quá ít về cuộc đời của các anh ấy trước kia. Bố mình vẫn thường nói với mình như vậy...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #178 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2020, 07:57:27 pm »


       
3

        Từ phía đài chỉ huy, một chiếc xe con đang chạy ra để đón họ trở về.

        Tú vừa xuống xe thì có tiếng gọi phía nhà trực. Anh nhận ra tiếng trung đoàn trưởng.

        Luân đang ngồi với mấy người lái. Họ ngồi ở hai tấm phản đối diện nhau.

        - Cậu Hùng bay thế nào? - Luân hỏi.

        - Bay được. Tôi có thử vài cái, cậu ấy xử trí tốt.

        - Ngồi xuống đây. Uống cà-phê đi. Trao đổi một lúc cho vui...

        Tú nhìn Đông cầm cái bút chì và một cuốn sách trong tay, như đang chờ để nói. Tú cười:

        - Lại anh chàng Đông!

        Trung đoàn trưởng bảo Đông:

        - Cậu tiếp tục đi! Có thêm đối thủ rồi!

        Đông lật cuốn sách lại, toan vạch mũi chì xanh lên tờ bìa trắng. Hoa vội giơ tay ngăn:

        - Ấy chớ! Sách mình mượn của ông,Thạch. Toàn người thông minh cả, cứ nói là chúng tôi sẽ hiểu.

        Đông nói rất hăng, bằng cái giọng khi anh đã lao vào tranh cãi:

        - Tôi phản đối những ai sùng bái tốc độ. Ý kiến cậu Hoa hôm nay cũng không khác ý kiến cậu Quỳnh. Mình dùng máy bay để đánh nhau chứ không phải dùng để chạy thi với địch...

        - Nếu thế thì ta cứ đem máy bay cánh quạt ra quần với F.4. - Hoa nói chêm.

        Đông trừng mắt:

        - Cậu lúc nào cũng có cái kiểu cù nhẩy. Tranh luận là phải có lý lẽ...

        - Đồng chí Đông nói tiếp đi? - Trung đoàn trưởng khuyến khích.

        - Tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề các anh đặt ra: "Nếu ta dùng máy bay có tốc độ nhỏ hơn máy bay địch thì địch sẽ không đánh, nó cứ trườn qua ta mà bay tới mục tiêu?".

        - Hay! - Tú nói - Vấn để thời sự nóng hổi.

        Đông cầm cây chì lại định vạch xuống cái bìa, như nhớ lại lời Hoa, anh ném cả cuốn sách và cái bút xuống phản.

        - Tôi bảo rằng nó không thể trườn qua ta được. Tôi không cho nó tha hồ mở cửa dầu để thi tốc độ với mình. Tôi có cách buộc nó phải đánh, buộc nó phải quẩn với ta

        - Chúng tôi hết sức lắng nghe - Hoa lại nói.

        Quả thật là mọi cặp mắt lúc này đều đổ dồn về phía Đông.

        - Vừa rồi, đồng chí Hoa trách dẫn dường cứ hay đưa ta vào thế gần đối đầu với địch, người lái phải kéo cần rất nặng, tối mắt tối mũi mới tìm được thế đánh. Cậu Hoa đòi phải dẫn vào phía sau, vừa giành được bất ngờ, vừa ở thế có lợi để công kích địch. Chính vì do tư tưởng tác chiến như vậy nên cậu Hoa mới sợ tốc độ lớn của địch. Với cách đánh của cậu Hoa thì ta khỏi phải bàn về tốc độ. Ta chậm, đuổi theo nó, nó phát hiện ta, chỉ cần đẩy nhẹ cái cửa dầu là nó bay tới mục tiêu, mà ta thì chỉ còn cách quay về nhà...? Theo ý tôi, dẫn đường chỉ cần tạo bí mật, bất ngờ lúc ban đầu, còn khi đã tới khu chiến, thì cứ đưa thẳng ta vào thế gần đối đầu với kẻ địch. Ý kiến tôi hoàn toàn ngược 180 độ với ý kiến đồng chí Hoa. Tôi cho là dẫn vào bán cầu phía sau thì coi như vứt đi. Muốn đánh địch, phải dẫn vào bán cầu phía trước. Vì việc trước tiên, là phải giữ thằng địch tại đó. Hai bên đã trồ nhau, thằng địch không thể cắm đầu chạy, nếu chạy là giơ lưng cho mình làm thịt, nó buộc phải xoay ra quần với mình. Lúc đó là thời cơ để ta tiêu diệt địch.

        Ý kiến của Đông rõ ràng làm mọi người phải suy nghĩ. Đông tiếp tục nói:

        - Còn vấn đê cậu Hoa nói ta nhìn thấy địch thì địch cũng nhìn thấy ta và cần lái nặng! Đó là những chuyện đã giải quyết rồi. Khi hai địch thủ nhìn mặt nhau, kẻ nào có tinh thần hơn sẽ thắng. Tuy là hai bên gần đối đầu nhau. Ta chủ động đi tìm địch. Địch bất ngờ trổ phải ta. Nếu người lái của ta tỉnh táo, bình tĩnh, nhất định ta sẽ phát hiện địch trước. Ta ở thế đánh, địch ở thế đỡ. Thế ta hoàn toàn lợi hơn thế của địch... Còn tay lái nặng? Chịu nặng trong giây lát để mà tiêu diệt địch thì chắc chúng ta chẳng ai ngại mệt, ngại tốn sức... Tôi xin báo cáo với các đồng chí: hôm qua tôi đã hợp đồng với dẫn đường, bữa nay gặp địch, cứ đưa tôi vào bán cầu phía trước, nếu đánh không được, tôi xin chịu trách nhiệm.

        Đông đã nói xong. Anh ngồi im lặng, sẵn sàng chờ tranh cãi tiếp.

        Trung đoàn trưởng hỏi:

        - Đồng chí Hoa thấy thế nào?

        Hoa cười nhe đôi hàm răng trắng nõn:

        - Chịu thầy!

        Nhưng ngay sau đó, Hoa nói tiếp:

        -Tôi công nhận ý kiến đồng chí Đông đúng với phương án tác chiến hôm nay, vì tôi và đồng chí Đông trực với loại Mic cũ.

        Trung đoàn trưởng cũng nói:

        - Ý kiến của đồng chí Đông rất hay khi ta phải chiến đấu với những máy bay địch có tốc độ lớn hơn.

        Đông lập tức lại lên tiếng:

        - Đó là tôi cần có ý kiến dứt khoát với những ai nói rằng máy bay Mic cũ rối đây có thể bị xếp lại.

        - Nhưng còn với máy bay mới của ta, nhà lý luận thử phát biểu xem nào! - Tú nói.

        - Tôi chưa nghĩ kỹ... nhưng tôi cho là cũng thế thôi. Cứ bán cầu phía trước, chặn địch lại mà đánh.

        - Tôi rất đồng ý với đồng chí Đông... - Hoa ngừng lời chờ mọi người quay cả lại nhìn mình rồi cất cao giọng nói tiếp - là vấn đề này đồng chí Đông chưa nghĩ kỹ...

        Tiếng cười ran lên trong căn phòng.

        - Các đồng chí cẩn phải có một tinh thần ngày đêm suy nghĩ tìm cách đánh địch như đồng chí Đông. Nếu chúng ta đều động não thì trước sau chúng ta cũng sẽ tìm ra cách đánh thích hợp cho máy bay mới. - Trung đoàn trưởng kết thúc cuộc trao đổi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #179 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2020, 07:58:10 pm »

        
4

        Hùng ngồi trước ngọn đèn bàn viết thư cho em gái.

        Có tiếng gõ cửa. Ai đến quấy rầy mình lúc này? Anh nhìn ra đôi cánh cửa đã được khép kín. Cậu Quý hay cậu Huân? Cứ im lặng, các cậu ấy tưởng mình không có trong buồng, sẽ bỏ đi.

        Tiếng gõ cửa lại nổi lên một cách rụt rè. Không phải mấy thằng ấy. Ai vậy? Hùng miễn cưỡng đứng lên, ra mở cửa.

        - Chào anh Hùng.

        - Chào các đồng chí.

        Trước mặt anh là hai cô tiếp phẩm của bếp ăn. Một cô béo và lùn. Một cô cao, mảnh khảnh.

        - Thủ trưởng Nhự có nhà không anh?

        - Anh Nhự đi họp giao ban chưa về. Các cô có chuyện gì cần hỏi anh Nhự đấy?

        - Chúng em lên lấy tiền của thủ trưởng để chữa xe đạp.

        Hôm mới lên, Hùng thấy Nhự có một chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Nhưng vài ngày sau, anh không thấy chiếc xe đạp đâu nữa. Có bữa Quý sang hỏi mượn Nhự để ra huyện, Nhự nói xuống nhà bếp hỏi mấy cô tiếp phẩm.

        - Nếu các cô muốn chờ anh Nhự thì mời các cô vào chơi.

        Cô cao cao nhìn những tờ giấy đặt trên bàn, nói:

        - Thôi... để lúc khác, anh đang làm việc.

        Cô thâm thấp giật áo bạn:

        - Lên ban tham mưu đợi anh ấy đi!

        - Hay là về thôi, bảo đồng chí quản lý chi vậy.

        - Không... Anh ấy đã dặn kỹ rồi, xe hỏng cứ lên bảo anh ấy đưa tiền cho mà chữa. Mình với cậu lên nhà ban tham mưu.- Anh Hùng làm việc nhé!

        Hai người chào Hùng rồi nắm tay nhau chạy đi.

        Gần đây, Hùng đã bắt đầu thấy mến đồng chí đại đội phó của mình. Anh không phải là người khô khan. Cái bề ngoài ít nói của anh chỉ là do anh muốn tránh hết những lề lối về mặt giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, hoặc do anh không biết đến nó. Tâm hồn anh chứa đựng những tình cảm rất mãnh liệt. Anh dường như không vướng vít với bất cứ một mối dây dợ nào. Toàn bộ sức mạnh trong con người anh từ vật chất đến tinh thần đều được huy động cho nhiệm vụ trước mắt. Điều đáng lạ nhất là cho đến nay anh vẫn chưa làm được gì.

        Hùng trở lại bàn, viết tiếp lá thư:

       ".. Có lẽ nào em lại trách anh khi anh đang dồn tất cả tình thương cho những người đồng chí cùng bay đi chiến đấu, cho những người bạn mới ngã xuống hôm qua, cho năm mươi bảy em học sinh ở Hương Khê, Hà Tỉnh vừa bị bom giặc giết chết ngay dưới mái trường... ?

        Anh có còn nghĩ đến hạnh phúc không - Có chứ! Nếu không nghĩ đến hạnh phúc thì người ta chiến đấu làm gì và lấy gì để chiến đấu. Tập thể các anh ở đây đang phải lo giải quyết những việc rất khó khăn mà trước kia chưa có tiền lệ. Những thử thách sẽ ngày càng nhiều hơn, vì em đã biết, còn xa mới đến lúc kẻ thù chịu dừng lại. Hồi còn ở dưới mái trường, kể cả lúc học bay, chưa bao giờ anh nghĩ rồi ra mình sẽ được trao một nhiệm vụ lớn lao như thế này! Anh sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Anh hiểu rằng cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng, nhưng trong từng trận đánh, có thể thắng, có thể hòa và cùng có thể thua. Trong cuộc đọ sức đầu tiên với kẻ thù anh sẽ đón tiếp bọn chúng một cách thật đàng hoàng với mọi "nghi thức" cần thiết. Dù kết quả ra sao, anh vẫn tin mình xứng đáng, mình sẽ làm được một cái gì. Đó là ước mơ và khát vọng, là nguồn hạnh phúc của anh.

        Những điều này, anh đều đã nói với chị X... Trước hôm anh lên đây, bố nhắc anh, gia đình ta sống đến ngày nay là nhờ có cách mạng, bố đến với cách mạng lúc đầu không phải bằng sự giác ngộ về mặt lý luận mà nhờ những cuộc vận động phá kho thóc của Việt Minh trong những năm đói, nhưng bố tin rằng bố hiểu cách mạng sâu sắc. Anh phải nói lại với em chuyện này vì anh cảm thấy hình như chị X. không thật hiểu những điều anh đã viết cho chị. Có lẽ vì hoàn cảnh của hai người hiện nay rất khác nhau. Anh biết rất rõ xã hội cần có sự phân công, phải có người xông ngay ra mặt trận để chiến đấu, cũng như phải có người đi học tập để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước lâu dài. Nhưng anh muốn nói nếu chị X là một chiến sĩ như anh, một cô thông tin, một cô khí tượng hay một chị nuôi ở đây, chị sẽ dễ thông cảm với anh hơn. Anh không muốn em kể lại điều này với chị.

        Mẹ và em trách anh ít viết thư. Anh nhận đó là một khuyết điểm. Nhưng anh muốn mẹ và em đừng chờ thư vì lo lắng cho sức khỏe, cho sự bình yên của anh. Anh muốn là với sự cố gắng hiện nay của anh, anh sẽ đem lại niềm vui, niềm tự hào chứ không phải là một mối lo cho gia đình. Vì mối lo đó sẽ gợi cho anh ý nghĩ anh còn bé bỏng quá hoặc anh có điều gì không xứng đáng...".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM