Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:59:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27391 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2020, 07:24:12 am »


       
3

        Tối nay, Thùy mang sách ra định soạn bài giảng ngày mai, chợt nhớ câu chuyện Đông kể ban chiều về cô hộ lý, một trong những chuyện bịa của anh, cô lại cười rũ. Chung Thủy không hiểu gì cũng cười theo như nắc nẻ. Giữa lúc ấy, Hảo bước vào. Cô nhìn hai mẹ con Thùy, hỏi:

        - Mình cứ tưởng là có anh Đông ở nhà.

        - Cậu đã về đó ư! Anh Đông cũng ở Hà Nội nhưng đang nằm viện.

        - Sao mà phải nằm viện?

        - Đau lưng.

        - Trên ấy có chuyện gì không?

        - Có chuyện anh Đông đó?

        Hảo đã bớt lo.

        - Chuyện như thế nào mà hai mẹ con nhà mày lại vui vẻ thế?

        - Cậu về cách đây hơn một tuần lễ thì không như thế này đâu!

        - Sao? Tại sao anh Quỳnh viết thư cho mình không nói gì cả? - Hảo hỏi khéo để biết tin Quỳnh.

        - Anh Quỳnh gửi thư cho cậu hôm nào?

        - Ngày 20 tháng trước.

        - Hôm đó thì chưa có chuyện anh Đông.

        Hảo nhẹ nhõm cả người. Cô đặt chiếc túi du lịch xuống ghế hỏi tiếp:

        - Thế anh Đông làm sao?

        Thùy kể lại chuyện Đông đi chiến đấu, mất tích ba ngày, rồi nói:

        - Cậu không thể tưởng tượng được những ngày qua của mình đâu!

        Hảo nắm tay bạn:

        - Mình chúc mừng cậu. - Cô cố tìm lời an ủi: “Mình cứ có ý nghĩ: những người như anh Đông không bao giờ chết được đâu!”

        Thùy ngôi im lặng nhìn Hảo hồi lâu rồi nói:

        - Mình đã nhiều lúc định trao đổi hoặc viết thư cho cậu về chuyện anh Quỳnh.

        Hảo chăm chú lắng nghe.

        - Trước kia, anh Đông và mình đã có ý định... Hảo biết rồi. Mình biết có nhiều người muốn đặt vấn đề với Hảo. Tất nhiên là bao giờ mình cũng đứng về phía anh Quỳnh. Nhưng tình hình đã khác, chiến tranh đã nổ ra. Vì đây là vấn để hạnh phúc lâu dài của Hảo nên mình càng phải suy nghĩ...

        - Thế như cậu với anh Đông hiện nay thì sao?

        - Mình không ao ước bất kỳ một số phận nào khác. Nhưng đó là hoàn cảnh của riêng mình.

        - Cậu muốn chỉ mình cậu làm anh hùng thôi ư!

        Thùy ngước mắt nhìn Hảo, hơi sững sờ. Rồi chị lại mỉm cười dịu dàng:

        - Cậu hay nói đau người khác.

        - Đáng lẽ mình nói một câu đau hơn, nhưng mình còn thương cái lòng tốt của cậu. Điều mình muốn cậu giúp bây giờ là cậu hãy thử nhận xét xem anh Quỳnh đối với mình như thế nào?

        - Thế nào...? Mình cũng không thật rõ đâu. Lần vừa rồi lên sân bay, mình định hỏi anh Quỳnh cho rõ thì xảy chuyện anh Đông. Nhưng theo nhận xét của mình thì anh Quỳnh đã là "tù binh" của cậu từ lâu rồi. Không nói đùa đâu!

        - Cũng đã đến lúc mình phải nói thực với cậu... Cậu đã cân nhắc hộ mình vì thấy cuộc kháng chiến mới bắt đầu. Nhưng mình thì lại thấy hình như chính chiến tranh đã làm cho mình và anh ấy gần nhau hơn.

        Thùy ngước mắt lắng nghe bạn rồi mỉm cười, cặp mắt long lanh:

        - Người rất vui sẽ là anh Quỳnh và anh Đông... Tại sao cậu lại về bất chợt? Cậu hẹn Tết mới về kia mà?

        - Dượng mình sắp đi chiến trường. Mình về Nam Định để tiễn chân. Mình ghé qua Hà Nội thôi.

        - Bây giờ thì mình phải giao hẹn: Cậu muốn làm gì thì làm, tắm táp, đọc sách hay nghỉ ngơi trong hai tiếng để mình soạn bài giảng ngày mai, sau đó hai đứa sẽ tiếp tục nói chuyện đến nửa đêm, hay hết đêm tùy cậu...

        - Cậu sẽ thức với mình đến mười một giờ thôi. Mai cậu còn phải lên lớp mà.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2020, 07:24:52 am »


       
4

        Hảo ngồi đọc một cuốn sách, nhưng giở bảy tám trang rồi mà không biết trong viết những gì. Cô vừa nảy ra ý nghĩ là sẽ lên sân thăm Quỳnh. Nên đi ngay bây giờ hay sau khi về Nam Định lên? Lên như vậy có gì phiền phức không, nhất đối với đơn vị, có vi phạm vào những quy định bí mật quân sự không? Nên bàn chuyện này vói Thùy không? Hay là chỉ nên hỏi ý kiến Đông trong buổi vào thăm sáng mai? Tú, đại đội trưởng của Quỳnh và Đông, đã có lần gợi ý mình lên thăm sân bay. Nếu mình bỏ qua dịp này thì sẽ phải chờ chưa biết đến bao giờ. Trong chiến tranh, có những chuyện không thể lường trước được.

        - Chào chị Hảo.

        Ngẩng đầu lên, Hảo nhìn thấy một anh bộ đội đứng ở cửa. Anh trạc ngoài ba mươi tuổi, mang quân hiệu có cành tùng màu đỏ của bộ binh, chiếc áo sơ mi mùa hè giắt lòa xòa che gần kín cả thắt lưng. Trên khuôn mặt nhẹ nhõm, núp dưới đôi hàng lông mày khá rậm là một cặp mắt vừa sắc sảo, vừa trầm lặng.

        - Chào anh - Hảo đáp lại hơi lúng túng vì không hiểu đã gặp anh ở đâu.

        Thùy ngồi ở bàn làm việc, quay ra, khẽ reo lên:

        - Anh Trọng!

        Trọng nói:

        - Ngày mai tôi lên sân bay, xin hỏi chị... À, xin hỏi cả hai chị có điều gì cần "sai phái" không?...

        Từ một tháng nay, Trọng say mê trong cái môi trường mới lạ. Những người chiến sĩ lái máy bay này đối với anh có phần nào rất là thân thuộc. Đó là những con người của cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Những năm xưa, họ đã cùng anh đội mũ nan, đeo bao gạo leo đèo, đã từng chia với anh mẩu cơm vắt, ngụm nước ống giang bên bờ chiến hào. Anh dễ dàng tim thấy ở họ những nét quen thuộc trong lời ăn tiếng nói, trong dáng dấp, trong công việc hàng ngày. Nhưng không phải chỉ có như vậy. Ở họ còn có thêm khá nhiều những sự đổi mới mà anh phải mất công tìm hiểu. Cuộc chiến đấu của họ đã chuyển từ mặt đất lên tầng không. Những cán bộ, chiến sĩ này hàng ngày phải hết sức cố gắng trau dồi mình. Những hiểu biết mới không chỉ giúp cho người chiến sĩ điều khiển được chiếc máy bay chiến đấu phản lực tung hoành trên tầng cao mà còn mở rộng tâm hồn, mở rộng những suy nghĩ, những ước mơ. Những con người sinh ra trong sự bần cùng đó ngày nay không chỉ nói chuyện với Trọng về mọi nỗi khổ đau mình đã từng chịu đựng trong xã hội cũ, họ còn trao đổi với anh về khoa học, về sinh ngữ, vế các cuốn tiểu thuyết hay dở. Trọng nhìn thấy họ chơi đàn, soạn nhạc, làm thơ, viết nhật ký, viết những bức thư rất hay...

        Trọng đã thu thập được nhiều chuyện về đời sống tình cảm của họ. Bản, tổ trưởng đảng ở đại đội 2, người có bộ tóc thưa và dài, cái lưng gù gù, đã lấy vợ trước ngày anh đi tập kết một tuần. Hồi đó, anh còn là chiến sĩ liên lạc tại một đại đội bộ binh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Anh thường được đại đội trưởng đưa về nhà chơi. Đại đội trưởng có một cô em gái. Bản và cô gái tỏ ra quấn quít nhau. Trước ngày đơn vị ra Bắc, đại đội trưởng rủ Bản về nhà. Ông già sinh ra đại đội trưởng hỏi Bản: "Mày ưng con nhỏ phải không?" Bản đáp: "Thưa phải", ông già nói: "Giờ tao bằng lòng gả hắn cho mày, mày ưng không?" Bản đáp: "Con ưng lắm chớ?". Ông cụ tổ chức một bữa rượu mời bà con trong họ tới. Hai người thành vợ chồng. Họ ăn ở với nhau được ba ngày. Sau đó, Bản và đồng chí đại đội trưởng ra Bắc. Từ bấy đến nay, hàng năm, cứ đến ngày thành hôn, Bản lại viết cho vợ một lá thư, thư đó Bản gửi cho người anh vợ, nhờ anh có đường liên lạc nào chuyển vô Nam. Suốt chín năm ròng, chỉ có thư đi, không có thư về. Nhưng Bản vẫn giữ trọn vẹn mối tình chung thủy với người con gái mà anh chưa đủ thời giờ để quen hơi bén tiếng. Bản mới ba mươi tuổi nhưng anh sống như một cụ già khắc khổ. Thấy các cô gái, anh không hề nghiêng ngó. Anh rất ít tham gia vào những cuộc bàn tán, đùa cợt có dính dáng đến phụ nữ. Gần đây, Bản vừa nhận được một phần thưởng xứng đáng với công chờ đợi của mình. Anh tiếp được thư vợ. Một tấm ảnh khuôn hình trái tim kèm với lá thư. Vợ anh đứng trong đó trước cây dừa. Chị cho biết là đã viết cho anh nhiều thư và mới nhận được một lá thư đầu tiên của anh (lá thư này Bàn viết cách đó hai năm, và lá thư chị viết cho anh thì đã được gửi đi từ trước đó một năm). Vợ Bản đã trở thành một cán bộ huyện của Mặt trận Giải phóng. Trả lời điều Bản viết trong thư là nên tìm cách ra với anh, chị viết: "Nước có bao giờ lại chảy ngược hả anh! Em để lại bà con cô bác mà đi sao cho đặng! Em chờ ngày anh trở về với em". Anh ngắm ảnh vợ rối nói: "Cô ấy như thế này nhỉ?". Khi Trọng ngỏ ý muốn được xem chiếc ảnh, Bản rút trong túi ngực ra một cái bao bằng mi ca. Anh đưa Trọng một chiếc ảnh nhỏ bằng hai ngón tay, miệng nở một nụ cười rất tươi, nói: Cô ấy già rồi! ...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2020, 07:25:14 am »


        Trọng đã chú ý nhiều đến điều thường được gọi là: cái hậu phương của người lính. Anh biết những gì đang thúc đẩy người lính chiến đấu không phải chỉ là những cái anh đã thấy tại đây. Trọng đã được xem rất nhiều lá thư của những người vợ gửi cho chồng. Tất cả đều đầy tình thương và nỗi nhớ. Tất cả đều thúc giục chồng gắng lập chiến công. Tất cả đều nói trái tim mình sẽ mãi mãi thuộc về chồng mình. Những bức thư đó không giống nhau về hình thức, về cách viết, về lời lẽ nhưng gần như cùng có một nội dung.

        Trọng cũng được nghe chuyện về một số cô gái giữa những ngày cuộc chiến đấu trên cao đang diễn ra quyết liệt này đã dành cho các chiến sĩ lái máy bay những tình cảm nồng cháy. Một trong những cô gái đó đang ngồi trước mặt anh...

        Hảo vẫn chịu chưa nhớ ra là đã gặp anh bộ đội này ở đâu, vì sao anh biết cả chuyện của mình.

        Thùy đứng dậy, ra ngồi ở bàn nước tiếp khách. Chị nói:

        - Cảm ơn anh. Anh Đông về bệnh viện ở dưới này rồi!

        - Ồ... Thế mà tôi không biết. Như vậy thì hôm về tôi lại mới vào thăm anh Đông được, vì ngày mai tiện một chuyến xe của cơ quan, phải đi sớm.

        - Nhưng... có lẽ cô Hảo sẽ có việc phải phiền anh.

        Hảo, mặt còn đang ngây ra, vẫn đứng nhìn anh bộ đội. Trọng tự giới thiệu:

        - Tôi là Trọng, bạn thân của cả anh Đông và anh Quỳnh.

        - Em đã gặp anh ở đâu? - Hảo hỏi.

        - Nếu tôi không nhớ lầm thì tôi đã gặp chị năm ngoái trên một chuyến tàu tại Hải Phòng.

        - Em nhớ rồi, hôm mông 5 tháng 8.

        - Chắc chị còn chưa hiểu vi sao tối biết tên chị... Vì anh Quỳnh có nói nhiều với tôi về chị. Khi thấy chị ở đây, tôi nghĩ ngay chị chính là người anh Quỳnh vẫn thường nói. May mà tôi không lầm.

        Thùy quay sang Hảo:

        - Anh Trọng còn biết nhiều chuyện của anh Quỳnh hơn cả mình.

        Rồi Thùy nói với cả hai người:

        - Tôi đề nghị anh Trọng và cô Hảo nói chuyện với nhau. Tôi xin phép làm việc, soạn bài xong, sẽ xin cùng tham gia.

        Trọng nhìn quanh, rối bàn với Hảo:

        - Hay là ta ra hàng hiên ngồi để chị Thùy làm việc yên tĩnh.

        Trọng xách hai chiếc ghế tre cùng Hảo đi ra.

        Hai người ngồi dưới hàng hiên của khu nhà tập thể vắng vẻ.

        Trọng kín đáo quan sát cô gái mà anh đã chú ý từ khi gặp lần đầu.

        Quỳnh đã đưa Trọng xem những lá thư Hảo gửi cho anh. Cô gái chưa hề nói rằng cô yêu anh. Nhưng tình cảm của cô đối với Quỳnh không còn là một điều phải ngờ vực. Tại sao cô ấy chưa nói ra? Chỉ vì cô còn đợi Quỳnh đi một bước trước. Trọng hiểu là Quỳnh đang cố nén mọi tình cảm của mình, vì anh muốn đi vào cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt một cách thanh thản. Và Trọng biết anh làm việc đó không dễ dàng. Kể ra thì theo Trọng nghĩ, ý định của Quỳnh có thể đổi khác nếu họ được gặp nhau. Việc ấy đối với hai người đều đang rất khó. Quỳnh không thể rời nhà trực chiến và Hảo thì đang bận công tác ở một nơi khá xa...

        Một vệt ánh sáng vàng xuất hiện trên bầu trời bắt đầu bàng bạc ánh trăng. Vệt sáng vàng đó giống như một cây gậy vừa gạt ngang trên tấm bản đồ màu xanh có những chấm sao. Chiếc gậy biến về phía chân trời rồi nó lại hiện ra và quay ngược trở lại. Từ những phía khác, có những chiếc gậy mới xuất hiện. Những vệt sáng dài thẳng tắp đan nhau trên bầu trời.

        Trọng nói:

        - Nay mai chúng nó sẽ đánh đêm nhiều hơn. Các đồng chí pháo cao xạ đang chuẩn bị bảo vệ vùng trời của thủ đô.

        - Rồi đây em lại càng hiếm có dịp về Hà Nội. Chiến tranh sẽ mỗi ngày một ác liệt phải không anh?

        - Chắc chắn là sẽ như thế... Tôi thấy đây là một điều mà chị và anh Quỳnh cũng cần suy nghĩ.

        - Em và Thùy cũng vừa trao đổi với nhau. Tuy mới gặp anh lần đầu, nhưng em biết anh đã hiểu nhiều về chuyện của anh Quỳnh và em... Anh hãy khuyên em nên như thế nào?

        - Tôi cũng có thể góp ý kiến riêng của mình... - Trọng lưỡng lự rồi nói tiếp - Nhưng chị có thực cần ở tôi một lời khuyên không?

        Hảo im lặng. Trong thâm tâm cô đúng là: không.

        - Tôi tin rằng chị có thể tự mình quyết định lấy - Trọng nói.

        Cô gái mân mê cái đuôi tóc rất dày buông lơi trước ngực. Rồi như chợt nghĩ ra mình làm như vậy để làm gì, cô hất nhẹ nó về phía sau:

        - Em muốn hỏi anh... em có nên lên thăm anh Quỳnh không? Lên trên ấy có điều gì trở ngại không?

        - Tôi thấy rất nên. Chị có thể gặp anh Quỳnh được vì đơn vị đã tổ chức nơi tiếp đón những người trong gia đình lên thăm.

        - Nhưng... em chưa được coi là một người trong gia đình.

        - Các đồng chí trong đơn vị không nghĩ thế. Có thể là chị chưa biết rõ điều này: Anh em lái không có gì giấu nhau. Khó khăn, nguy hiểm, vui buồn đều chia sẻ với nhau. Tôi tin chắc là anh Quỳnh và các anh ở đơn vị đều mong chị lên. Ngày mai tôi đi trước, sẽ báo cho anh Quỳnh chuẩn bị đón chị.

        - Anh đừng nên nói vội. Biết đâu em lại thay đổi ý kiến.

        - Tôi tin là một người như chị không dễ mỗi lúc thay đổi ý kiến.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2020, 05:47:35 am »

   
CHƯƠNG XIX

1

        Tại sao mình lại yêu anh ấy? Dọc đường Hảo vừa đạp xe vừa hỏi mình. Người ta bảo tình yêu có những lúc đến rất nhanh, nó đến như một tiếng sét làm cho con người choáng váng. Nhưng ở mình thì không phải như vậy. Nó đến một cách dần dà. Nó chín dần như trái cây phải có ánh nắng mặt trời, phải đợi ngày đợi tháng. Lần đầu gặp anh ấy mình đùa bỡn, mình gây sự. Đúng là vào lần đó chưa có chuyện gì. Mình chỉ chú ý đến cái vẻ chân thật, thấy đó là một con người mình có thể tin, khi gần mình không phải e ngại. Thế thôi. Đến lần tình cờ gặp lại anh ấy ở nhà anh Đông, sau khi ra ga tiễn chân các anh ấy đi học thì mình bỗng cảm thấy như vừa đánh mất đi một vật gì... Nhưng mình đã không định tìm lại. Mình dần dần quên anh ấy. Nhưng rồi chiến tranh đến với những báo hiệu đầu tiên trên miền Bắc, mình lại nhớ đến anh ấy, mình mong được gặp lại anh ấy xem sao. Mình chưa gặp lại thì tình yêu đã bắt đầu. Kể cũng khó hiểu. Nhiều người theo đuổi, chân thành bộc lộ tình cảm với mình. Nhưng mình đã không hòa hợp được với ai. Có những người càng tìm cách gần mình thì mình lại càng thấy xa cách hơn. Và mình đi yêu một người mà bây giờ mình không thực nhớ rõ cả khuôn mặt. Anh ấy cao cao, dáng đi nhẹ nhàng. Anh ấy có một nụ cười rạng rỡ. Cái bóng tối của sự buồn phiền trên khuôn mặt anh ấy lúc chia tay. Tất cả còn lại chỉ là sự vụng về, bẽn lẽn khi anh ấy đứng trước một người con gái mới quen. Mình chỉ nhớ lại như vậy? Vì ngay từ lần đầu tiên đó mình đã nhìn thấy một cái gì đặc biệt hơn nhiều so với cái bề ngoài bình dị của anh ấy ư...? Hay là một thứ tình cảm nào đó nảy nở giữa mình với anh ấy mà khi đó mình cũng không biết, đã làm cho mình không thể nào tỉnh táo nhận xét như khi gặp những người khác?... Không biết lần này gặp mình, anh ấy có còn bẽn lẽn nữa không? Trước kia đôi lúc mình đã nghĩ tại sao lại không cứ sống một mình để được tự do, để được làm việc thoải mái, tội gì mà ràng buộc vào chuyện chồng con! Nhưng mình đã hiểu một kiểu sống như vậy không phải là tự do, mà chính là tự ràng buộc, tự hạn chế mình. Chính là bầy giờ đầy mình đang dần dần hoàn chỉnh cuộc sống của mình. Mình sẽ yêu anh ấy với tất cả tình yêu mà một cô gái có thể dành cho người mình yêu, một người vợ có thể dành cho người chồng. Hôm qua anh Trọng có kể với mình câu chuyện vợ anh Bản nào trên đó. Mình tin là ở vào trường hợp đó, anh Quỳnh cũng có thể như anh Bản. Và mình cũng có thể làm một người vợ chỉ mới được sống với chồng ba ngày, mà ngoài mười năm vẫn thủy chung chờ đợi. Mình thấy đây chỉ là một trường hợp mà nhiều người đã làm và có thể làm được. Lúc nào mình cũng sẽ nói cho anh ấy biết điều đó. Em chỉ là một cô gái bình thường như tất cả mọi cô gái. Em bướng bỉnh, hay trêu chọc, biết cho một anh chàng vớ vẩn những vố điếng người, nhưng hơn tất cả những cái đó, em biết yêu thương. Nếu kháng chiến kéo dài thì em không phải là người chỉ ngồi chờ đợi, em sẽ làm như chị vợ anh Bản, cùng chiến đấu với anh để rút ngắn quãng đường đang còn ngăn cách chúng ta.

        Hảo tươi cười nhìn những chiến sĩ đội mũ sắt sùm sụp, khuôn mặt cháy đen vì nắng đang ngồi thường trực trên mâm pháo ở các trận địa dọc đường. Tôi là một người trong gia đình của các anh đang đến thăm các anh đây. Các anh hãy mỉm cười và vẫy tay với tôi đi.

        Một anh bộ đội người bé nhỏ, chiếc ba lô nặng trĩu trên vai đang gò lưng đi bộ phía trước. Hảo phóng xe nhanh tới gần anh. Cô dừng xe, tươi tỉnh hỏi:

        - Anh còn đi thẳng đường này không:

        Đồng chí thượng sĩ công binh nhìn Hảo ngơ ngác, hỏi lại:

        - Cô hỏi thăm đi đâu?

        - Không. Nếu anh còn đi thẳng đường này thì ngồi lên đèo hàng, tôi đèo giúp anh một quãng.

        Đồng chí thượng sĩ nhoẻn miệng cười:

        - Cảm ơn cô. Tôi chỉ đi trăm mét nửa là rẽ vào làng.

        Sông Đuống đây, dòng sông của những cô nàng yếm thắm gánh gạo nuôi quân, chờ chồng trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Có phải đây là dòng sông trong câu ca dao: "ước gì sông rộng một gang, Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi". Lúa xanh mơn mởn bên đường. Không biết ai là người đầu tiên đã nói ra câu: "Lúa đang thì con gái". Đã lâu Hảo mới đi về phía bắc này của Hà Nội. Đi một quãng lại gặp một nhà máy. Nhà máy xe lửa, nhà máy diêm, nhà máy gỗ, kho chứa dầu, trạm biến thế điện, hàng hóa chất đống trên ga Yên Viên... Chủ nghĩa xã hội những ngày đầu xây dựng, bể bộn, ngổn ngang. Gió kéo đàn trên những đường dây cao thế chạy dài tít tắp đến tận chân trời. Núi Đôi kia, trái núi gắn liền với một bài thơ về tình yêu mà Hảo rất thích. Dãy nhà doanh trại quét vôi màu xám mà anh Đông đã nói với mình kia rồi. Đồng chí bộ đội có tuổi ngồi ở bàn thường trực tại nhà chiêu đãi vừa nhìn tên Hảo trên tờ giấy đi đường, đã nói ngay:

        - Anh Quỳnh hôm nay trực, dặn tôi nói với cô, mời cô cứ yên trí nghỉ ngơi ăn uống tại đây, buổi chiều anh Quỳnh về sẽ ra ngay.

        Hảo biết Trọng lên trước đã chuẩn bị cho mình chu đáo.

        Sau bữa cơm trưa, Trọng cùng Tú và một người lạ có khuôn mặt tròn tròn, cặp mắt nâu và một nụ cười hiền hậu ra thăm. Tú giới thiệu với Hảo đó là Bút, chính trị viên đại đội. Lần đầu, Hảo cảm thấy bẽn lẽn, e thẹn khi đứng trước những người đàn ông. Trọng nói:

        - Hôm qua chị Hảo ngại lên đây đơn vị sẽ coi là người lạ không tiếp nhận, nên hôm nay cả ban chỉ huy đại đội ra để tiếp nhận chị.

        - Không phải bây giờ mới tiếp nhận mà chúng tôi đã nhận họ với chị từ hồi mùa hè rồi - Giọng Tú thân mật.

        Chính trị viên Bút tiếp lời:

        - Cũng không phải là chỉ chúng tôi tiếp nhận chị Hảo mà chúng tôi đang mong chị sẽ tiếp nhận gia đình anh em lái chúng tôi.

        Đúng như lời anh Trọng nói tối hôm qua, các anh ấy đều đã biết rõ chuyện của mình với anh Quỳnh, Hảo nghĩ vậy và cảm thấy đỡ ngượng ngập.

        Tú nói:

        - Bây giờ chị sẽ phải chịu đựng sự thử thách đầu tiên là chờ anh Quỳnh từ giờ đến hết buổi chiều. Anh Bút và chúng tôi đã bàn với nhau ngày mai đề nghị đoàn cho anh Quỳnh nghỉ trực một ngày. Xin giới thiệu với chị mấy hình thức giải trí: Ở mặt đất, mời chị đi tham quan khu vực nhà chiêu đãi của đoàn, chỉ tiếc rằng mấy chị người nhà của các đồng chí lái đều về cả rồi. Ở trên trời, mời chị xem máy bay của ta bay. Buổi chiều, khoảng 5 giờ, nếu có bốn chiếc máy bay bay qua đây thì trong đó có máy bay của anh Quỳnh. Còn về mặt tinh thần, anh Bút đã mượn sách ở thư viện về cho chị, sợ chỉ là toàn những sách chị đã xem rồi.

        - Các anh lo cho em chu đáo quá!

        Bút trao cho Hảo mấy cuốn truyện, rồi nói:

        - Từ ngày không quân đánh thắng trận đầu đến giờ, đơn vị chúng tôi luôn luôn nhận được sự động viên của Đảng, của chính quyền, và của nhân dân. Trong những phái đoàn nhân dân đến thăm đơn vị thì những "phái đoàn một người" như chị Hảo hôm nay cũng có tầm quan trọng đặc biệt của nó.

        Tú phá lên cười.

        Hảo không những thấy bớt ngỡ ngàng xa lạ mà còn cảm thấy sự đầm ấm, hạnh phúc trong cái gia đình mà mình mới đặt chân tới lần đầu.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2020, 05:49:06 am »


       
2

        Một buổi chiều vàng đầy âm thanh chậm chạp trôi qua.

        Không bao giờ Hảo cảm thấy cảnh vật ở chung quanh cách biệt với mình đến thế. Tất cả đều lung linh, mờ ảo như những hình ảnh hiện ra dưới đáy hồ luôn luôn bị xao động vì những tăm cá. Trống ngực Hảo thỉnh thoảng lại đập dồn. Tại sao mình bỗng như trở lại thời kỳ trẻ con, hôi hộp hơn cả những ngày còn là một thiếu nữ đi dự kỳ thi chuyển cấp. Sợ là đến giây phút đó, mình sẽ không chịu đựng nổi. Giá mình được gặp anh ấy ngay từ trưa nay thì không đến nỗi như thế này. Tại mình phải chờ đợi lâu quá đây mà...

        Trời đã nhá nhem. Nhiều phòng ở cùng dãy đèn bật sáng, vang lên tiếng cười nói ríu rít. Sao anh ấy chậm chạp thế nhỉ? Hảo bước ra hiên, nhìn về phía ngôi nhà gác mà Trọng ban trưa đã chỉ nói là nơi Quỳnh ở. Những bức tường quét vôi xám và mái ngói đỏ đã nhuốm màu ban đêm. ánh đèn sáng lọt qua khung cửa, thấp thoáng bóng người ra vào. Hảo nhớ ra ban trưa, hình như anh Bút có dặn thêm là buổi chiều anh em lái đi trực chiến về, ăn cơm hơi muộn. Chị ở buồng bên ôm con ra cửa, nhìn thấy Hảo hỏi:

        - Anh ấy chưa ra à chị?

        Chị tưởng Hảo là một người lên thăm chồng như mình. Cũng vì ngại những câu hỏi như vậy nên từ trưa đến giờ, trừ hai bữa ăn, Hảo toàn ngồi hoặc nằm trong buồng.

        - Vâng - Hảo trả lời gọn cho qua.

        - Không hiểu sao bố cháu chiều nay ra muộn thế? Hẹn cho cháu ra phố huyện chơi mà đến giờ vẫn chưa thấy người đâu.

        Thỉnh thoảng lại có một bóng người quần sẫm, áo trắng hiện ra ở đầu hàng hiên. Những cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị đến với gia đình mình.

        Một bóng người mặc quân phục cao cao đi lại, đứng dừng trước mặt Hảo. Khuôn mặt anh tôi tối dưới vành mũ mềm. Hảo tưởng mình và chị có con đang chắn lối anh, toan đứng nép vào giáp tường, thì nghe tiếng nói âm ấm, quen quen:

        - Hảo!

        Hảo ngỡ ngàng vì không ngờ là mình lại không nhận ra anh. Cô vẫn chờ anh với bộ thường phục và cái đầu để trần lần gặp trước.

        - Anh ấy đây à? - Chị bế con nhanh nhảu hỏi.

        - Chào chị - Quỳnh nói và xoa má đứa bé.

        - Chị ấy chờ anh suốt từ chiều đến giờ! Sao bố con bé này mãi vẫn không ra!

        Quỳnh quay lại mỉm cười với Hảo. vẫn nụ cười sáng rực. Đúng là anh ấy. Anh ấy có đổi khác gì đầu. Bấy giờ cô mới reo lên khe khẽ:

        - Anh!

        Họ bước vào căn phòng nhỏ của nhà chiêu đãi. Sao anh ấy đứng dừng lại thế nhỉ? Anh ấy ngó quanh tìm kiếm cái gì trên tường? Anh ấy đang tìm chỗ bật đèn. Có thế mà mình không nghĩ ra. Công tác đèn ở ngay sau lưng Hảo. Hảo ngoái tay ấn cái nút nhựa.

        Gian buồng bừng sáng. Quỳnh quay lại nhìn Hảo. Nụ cười đã thay bằng cặp mắt ngạc nhiên. Sáng nay, mặc dù Trọng đã nói cô sẽ lên thăm, anh vẫn không tin hẳn. Anh lo nửa chừng cô sẽ thay đổi ý kiến... Vì cô cần đi Nam Định ngay... Vì cô còn ngại... Vì có người gàn... Vì nhiều thứ mà anh không biết. Buổi trưa, anh nuôi mang cơm trưa ra, ghé tai Quỳnh nói: "Anh Bút nhắn anh là người nhà đã hạ cánh xuống chiêu đãi sở an toàn". Không còn lý do nào để không tin vào cuộc gặp gỡ chiều nay. Nhưng anh lại nghĩ: Sắp có lệnh xuất kích và mình sẽ gặp trường hợp như Đông... Và biết đâu cô ấy chỉ đến với mình như đến với một người bạn. Mình cũng sẽ nói rõ vói cô ấy là có những thử thách rất lớn nếu em gắn cuộc đời em với cuộc đời anh. Chúng ta sẽ không ràng buộc với nhau nhưng chúng ta vẫn có thể chờ đợi. Em có biết chăng, chỉ chừng ấy cũng đủ mang lại cho anh rất nhiều hạnh phúc. Nhưng biết đâu sẽ không được như thế. Em sẽ không chịu đựng được sự chờ đợi, em sẽ phải dứt khoát trong việc lựa chọn của mình. Điều đó cũng bình thường. Nhưng sau đó, em sẽ để lại cái gì cho anh...?

        Anh đã nhận thấy trong ánh mắt của cô một cái gì rất khác so với những lần gặp trước. Đôi mắt dường như muốn nói cô đã thuộc về anh. Điều đó giúp anh mạnh dạn nắm lấy tay cô, một việc trước đây anh chưa hề nghĩ tới..

        Sức nóng từ bàn tay anh truyền sang người cô như một luồng điện. Hảo đã nhiều lần bắt tay những người đàn ông, nhưng chưa bao giờ cô có cảm giác như vậy. Cô nhận thấy rõ ràng một sự thay đổi lớn lao vừa đến với cuộc đời mình.

        Anh buột miệng:

        - Mới đó mà đã hơn một năm rồi? Tưởng như chỉ mới chia tay với Hảo ở sân ga tuần trước.

        Quỳnh nghe một tiếng thở dài nhè nhẹ. Rồi cô nói:

        - Hơn một năm qua với em là một thời gian rất dài.

        Phải chăng nó đã đủ để mang lại cho em những đổi thay và đã dẫn em tới với anh, anh tự bảo mình, và người anh trào lên một niềm hạnh phúc.

        Cô đã đọc được những ý nghĩ đó trong cặp mắt của anh. Cô buông tay anh, và bất thần gục đầu vào vai anh. Những giọt nước mắt của cô trào ra ướt cả áo anh.

        Hảo bỗng nhận thấy từ ngực mình cũng đang dềnh lên những đợt sóng. Mình không thể cứ đứng mãi như thế này. Cô liếc mắt nhìn ra cửa. Một ánh trăng dịu mát trải trên cánh đồng.

        - Ta ra ngoài đi anh... Ở trong này em thấy ngột ngạt quá.

        Giọng cô gái lạc hẳn đi và cô nhận ra đúng là mình đang khó thở.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2020, 05:49:34 am »

        
3

        Họ đi với nhau hồi lâu trên con đường có những cây dương chạy vòng quanh quả đồi đầy ánh trăng.

        Cô ấy khác trước rất nhiều. Hồi đó, cô ấy như là cô gái ngồi bên hoa trong một bức tranh, im lìm, xa xôi, mình chẳng làm thế nào mà hiểu được. Bây giờ cô ấy bỗng từ trong tranh bước ra trở thành một con người thực. Và con người ấy đang đi bên mình, thân thiết biết bao. Cô ấy hiện ra đúng như người mình đã tưởng tượng sau mỗi lần đọc thư của cô ấy.

        Ở hàng dương bên đường dường như có rất nhiều cặp mắt mở to đang nhìn họ. ánh trăng dệt những bông hoa gấm cánh nhỏ li ti trên mặt đường. Những bông hoa đó đùa giỡn dưới chân họ như một đàn nhện nước. Mỗi khi bàn chân của họ bước qua thì chúng né đi như tránh bàn tay chộp bắt của một đứa trẻ. Chúng nhảy lên bám lầy quần áo họ. Khi họ qua rồi, chúng lại quay về chỗ cũ nhởn nhơ.

        Họ đã đi khỏi quả đồi của khu nhà chiêu đãi ra tới cánh đồng. Con đường trục chạy về sân bay ban ngày đỏ bụi, nham nhở vệt bánh xe, đêm nay, biến thành một dải sông đào mềm mại. Dòng sông đang mời mọc họ hãy thả xuống đó một con thuyền để xuôi dòng đi tới miền đất lạ. Có phải cô Hằng Nga đang nằm một mình bâng khuâng trên chiếc võng trăng thượng tuần treo lơ lửng giữa trời.

        Mọi vật chung quanh họ đều đổi khác, nhẹ nhàng như mây, như khói, mang âm thanh của gió, của nước và màu sắc của những chiếc cầu vồng. Chúng đang nói lên hộ những tình cảm của họ bằng những tiếng nói riêng tuyệt vời. Họ đều thấy rõ mình đã vượt qua ranh giới những quan hệ bình thường, đang cùng nhau bước vào địa hạt của tình yêu.

        Anh bỗng dừng lại quay sang cô:

        - Buổi sáng, khi nghe anh Trọng báo tin, anh vẫn chưa tin rằng hôm nay sẽ gặp lại em...

        Cô nhìn anh như thầm nói một lời xin lỗi. Cô lại ngả đầu vào vai anh và lần này là trong vòng tay ấm áp của anh.

        Trời mùa thu quang mây về đêm vẫn xanh và xa vời vợi. Trên cánh đồng ngậm sương, lúa sớm đã bốc lên mùi hương cốm.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2020, 05:50:35 am »

         
CHƯƠNG XX

1

        Ra khỏi ga Thường Tín, ngọn đèn điện trong toa tàu bổng nhiên vàng úa rồi phụt tắt. Hảo chưa hiểu tại sao thì nghe một người ngồi ở dãy ghế bên kia lầm bẩm:

        "Vào khu chiến rồi!".

        Con tàu lao mình chạy ầm ầm trong đêm trăng.

        Sương phủ dài trên cánh đồng phẳng lặng lờ mờ những xóm làng chỉ còn là những bờ tre tùm hum. Rải rác vẫn leo lét đôi ánh lửa đèn dầu. Từ toa bên, một toa chở toàn bộ đội, những tiếng hát bỗng vang lên hòa nhịp với tiếng bánh xe lăn trên đường sắt. Các chiến sĩ đang say sưa hát bài ca Giải Phóng miền Nam. Đến giờ phút đó, Hảo mới như sực tỉnh nhớ đến lý do chính của chuyến đi phép lần này.

        Cha Hảo là một đồng chí đại đội trưởng thuộc đại đoàn chủ lực 308. Ông đã hy sinh hồi chiến dịch Trung du năm 1950 trong trận đánh đồn Thằn Lằn. Hai năm sau đó, vào mùa thu, mẹ Hảo tái giá. Hồi ấy Hảo là một cô bé mới mười tuổi. Nhưng trước ngày quyết định lấy chồng, mẹ Hảo đã nhiều lần nói chuyện với Hảo như với một người lớn. Mẹ nói kháng chiến còn lâu dài, nhà toàn đàn bà, con gái, mẹ ở vậy một mình không tiện. Ngày đó, Hảo chưa hiểu được hết những khó khăn của mẹ. Mẹ nói dượng là bạn của bố ngày trước và là người rất tốt. Có dượng gia đình thêm một người đàn ông. Mẹ sẽ đỡ lo lắng hơn. Sau khi xây dựng với mẹ, dượng lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Một năm sau, hòa bình lập lại. Trước ngày gia đình hồi cư về Nam Định, mẹ khóc nói với hai chị em Hảo: "Nếu mẹ biết sớm hòa bình thế này thì mẹ chẳng đi bước nữa, mẹ ở vậy với các con". Dượng rất chiều chuộng hai chị em Hảo. Cái Hoàn, em Hảo rất quý dượng. Riêng Hảo, Hảo không có gì chê trách dượng, nhưng Hảo không tài nào yêu dượng. Hảo cứ có cảm giác dượng là người đến chia rẽ tình cảm của ba mẹ con mình. Ngày Hảo bắt đầu lớn, dượng càng chăm chút hơn, săn sóc Hảo hơn cả đứa nhỏ mẹ sinh với dượng về sau. Dượng nói cần chăm lo cho đứa lớn vì đứa lớn nhiều nhu cầu hơn đứa nhỏ. Nhưng Hảo vẫn thấy mình chỉ là một đứa bé mồ côi cha. Nhiều người nói Hảo gan góc. Hình như những đứa trẻ mồ côi đều gan góc. Khi còn ở Nam Định, những ngày nghỉ, Hảo thích lên bà ngoại. Từ ngày vào đại học, xa Nam Định, Hảo luôn luôn có ý nghĩ mình phải sớm tự lập, tránh sự giúp đỡ của gia đình sớm ngày nào hay ngày ấy. Tình cảm ít ỏi của Hảo đối với dượng, có lẽ cả dượng và mẹ đều biết. Nhưng dượng vẫn cứ chăm chút Hảo. Sự chăm chút đó không thể nào lâu dài nếu như dượng thiếu một tình thương đối với Hảo. Hảo cũng nhận ra điều đó. Nhưng Hảo vẫn không làm sao quý được dượng khi nghĩ là dượng đang hưởng những tình cảm mà mẹ trước kia chỉ dành cho bố mình...

        Trên đường số 1, những chiếc xe tải lớn, khoang hàng bạt chùm kín nối theo nhau vội vã phóng trên mặt đường nhựa ướt đẫm sương. Tiếng hát của các chiến sĩ trên đường đi về phía Nam chốc lại vang lên như bốc lửa. Đêm nay, mọi con đường của đất nước đều trở thành một chiều. Tất cả đều đi về phía Nam. Dượng cũng sắp đi về phía đó. Không mấy giờ nữa, mình sẽ dừng lại. Nhưng những đoàn xe kia, những anh bộ đội đang hát, cả con tàu này sẽ còn tiếp tục đi, đi sâu mãi về phía Nam...

        Những con người mà mình phải chịu ơn đều đang đi về phía đó. Vào những giờ phút dượng sắp đi xa này mình mới nhận thấy rõ những nét tốt đẹp trong con người của dượng. Dượng chỉ hơn mẹ một, hai tuổi. Đáng lẽ ra dượng có thể lấy một người vợ trẻ hơn mẹ nhiều. Nhưng dượng đã gánh lấy trách nhiệm đối với cả gia đình mình. Những tình cảm của dượng đối với mọi người trong gia đình từ hồi đó đến giờ vẫn không có chút nào suy suyển. Trên mười năm nay, dượng đã chăm chút cho chị em mình. Bây giờ dượng lại đi... cũng vì hạnh phúc của mọi người trong đó có chị em mình. Không thể dễ tìm một người tốt hơn dượng... Cô gái thấy hiện ra bao nhiêu điều thiếu sót đối với một người mà trước đầy mỗi khi nhớ tới cô đã vội vã tìm cách quên đi... Mình sẽ nói lại với dượng và xin dượng tha thứ cho mình. Chắc chắn là dượng sẽ tha thứ. Mà dượng có bao giờ giận mình đâu! Nếu dượng giận không khi nào dượng lại điện gọi mình trước khi đi xa.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2020, 05:21:19 pm »


        Con tàu ầm ầm chạy sâu mãi vào trong đêm. Nhiều người chung quanh Hảo đã gà gật ngủ. Kể chợp mắt đi được một lúc cũng hay. Đêm hôm qua sau khi Quỳnh về doanh trại, Hảo còn nằm thao thức mãi... Tối nay mắt mình cứ chong chong. Dượng đi như thế này chắc là mẹ buồn. Nhưng Hảo biết rõ, mẹ là một người can đảm. Hơn nữa, mẹ rất hiểu biết. Với mẹ, sẽ không sao đâu. Lần này về mình sẽ nói để mẹ và dượng biết chuyện của mình với anh Quỳnh. Từ ngày Hảo ra trường đến giờ, thư nào Hoàn gửi cho Hảo cũng viết "mợ bảo em hỏi chị có tin mừng gì rồi thì báo để cậu mợ biết". Nhiều lúc Hảo ngại viết thư về nhà cũng vì không muốn trả lời câu hỏi ấy. Mình đã có một tin mừng đem về cho gia đình... Dượng sẽ rít một hơi thuốc lào, ngửa mặt đỏ bừng thở khói lên trần nhà, đôi mát lim dim, miệng mỉm cười nói : "Cậu mừng cho con. Phương hướng lựa chọn của con rất là chính xác". Còn mẹ... Chắc mẹ sẽ che đậy sự mừng rỡ, sung sướng bằng một câu nói mát mẻ: "Tôi tưởng cô cứ gan vàng dạ sắt ở mãi một mình suốt đời!". Gia đình anh ấy ở xa và cũng không còn ai. Mẹ lại có thêm một đứa con nữa. Anh ấy sẽ coi gia đình mình như chính gia đình của anh ấy trong kia. Dượng lấy mẹ mình cũng chẳng về sống bên quê ngoại đấy ư... Anh ơi, anh có biết anh còn đem lại rất nhiều niềm vui cho tất cả những người thân của em nữa không. Một tiếng ngáy của ai đó vừa rộ lên nghe rất buồn cười. Toa tàu tối đen trở lại im lặng với tiếng bánh xe lăn đều đều và những tiếng lịch kịch cũng đều đều ở những nơi hai đoạn đường ray nối nhau. Mọi người cứ ngủ ngon đi, mặc tôi thức một mình với tiếng reo vui của con tàu và với niềm hạnh phúc to lớn của tôi...

        Một hồi còi rúc lên trong đêm khuya. Nhịp bánh xe lăn chậm dần lại. Cô gái nghe tiếng ván gỗ rung rầm rầm dưới chân mình. Hảo ló đầu ra cửa sổ thấy mình đang ngồi trên một con sông lấp lánh ánh trăng. Đúng là tàu đang chạy ngay trên mặt sông. Không hề nhìn thấy bóng dáng của một cây cầu. Chắc là nó đã bị bom Mỹ phá sập. Bây giờ chỉ còn những thanh đường ray đặt chơi vơi trên những trụ cầu.

        - Phủ Lý rồi phải không cô?

        Hảo chưa kịp trả lời câu hỏi của người ngôi bên vừa chợt tỉnh giấc thì có tiếng một người chắc là nhân viên của ngành đường sắt nói rất to:

        - Xin mời hành khách ai xuống Phủ Lý thì chuẩn bị hành lý.

        Nếu không có câu nói đó thì Hảo không thể nhận ra đây lại chính là thị xã Phủ Lý. Tàu đã qua sông. Nó đang từ từ chạy về ga. Trước mắt Hảo là những hố bom lớn, nước mạch đùn lên trong lòng hỗ. Những vườn chuối xác xơ. Những thân cây chuối bị bom phạt ngang. Rồi cô nhìn thấy những đống gạch ngói lớn và những mảnh tường sót lại của các ngôi nhà đã bị bom đạn làm biến dạng. Tiếng bánh xe của con tàu cậm cạch như nó đang lăn trên chính những đống đổ nát đó. Trong mỗi ngôi nhà kia, khi trái bom rơi xuống, là những cái gì? Đó là những cuộc đời. Những người đàn bà như bà ngoại mình, như mẹ mình những em nhỏ như bé Lụa, như các em mình. Chắc chắn là có cả những cô gái như mình đang sống lâng lâng trong hạnh phúc...

        Hảo căng đôi mắt nhìn qua màn sương về khuya càng dày, hình ảnh khốc liệt đầu tiên của chiến tranh mà cô được thấy tận mắt trong cuộc đời. Từ toa tàu bên, một lần nữa những tiếng hát lại vượt lên những đám gạch ngói đổ vỡ, những bức tường vôi trắng lạnh, bay về dãy núi xa trải dài trong đêm tới tận mảng trời xanh có mảnh trăng sắp lặn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2020, 05:21:55 pm »


       
2

        Chuyến tàu đêm đổ khách xuống Nam Định cách ga chính gần mười ki-lô-mét. Hảo lấy xe xong đạp về nhà. Trăng đã lặn, mặt đường nhựa tối đen. Thành phố Nam Định ở trước mặt vẫn rực rỡ ánh đèn. Ánh đèn như nói với cô gái thành phố quê hương của mình vẫn đứng vững.

        Đạp một quãng, Hảo đuổi kịp một người đi chiếc xe Phượng Hoàng có đèn. Ngọn đèn của người không quen đã dẫn Hảo đi dễ dàng. Một đốm lửa lóe lên trên cánh đồng tối ở gần đường. Hảo chú ý nhìn nhận ra đó là một trận địa pháo cao xạ. Một chiến sĩ có lẽ vừa châm lửa hút thuốc. Con tàu chạy vượt qua Hảo, tiếp tục hành trình về phía Nam, mang theo những tiếng hát vẫn như bốc lửa. Trong khi đất nước ngủ yên thì các anh ấy vẫn thức, vẫn ra đi. Đã bao nhiêu đêm trôi qua, mình không nghĩ rằng trong giấc ngủ ngon có bao nhiêu người vẫn thức. Cũng đáng buồn là nhân một chuyến về thăm nhà thế này mình mới hiểu được những ý nghĩa to lớn những khoảng thời gian đất nước khi không có ánh sáng mặt trời.

        Đã đến rặng găng đầu thành phố. Hảo quyết định đạp xe theo con đường ngày xưa mình vẫn đi học để về nhà bà ngoại ở đầu Mom, nơi mẹ và các em Hảo đang sơ tán.

        Đường phố đêm khuya vắng và yên tĩnh. Cô gái hít mạnh những hơi dài, thở lại bầu không khí mát mẻ trong lành của ngày tuổi nhỏ. Ngôi nhà tập thể nhiều tầng của công nhân nhà máy sợi vẫn đứng vững với những cánh cửa sổ mở rộng hóng gió. Nhà máy sợi có ánh đèn. Chắc còn những bộ phận làm việc tại đấy. Nước vẫn đổ rào rào trên cái két gỗ sơn đen gần cửa ra vào. Có thể là bom đã rơi ở bên trong nhà máy mà mình qua ngoài này không nhìn thấy. Đây là vườn hoa mà Hảo và các bạn thường đi thơ thẩn trong những ngày nghỉ. Hảo đạp xe qua Cửa Đông, qua phố Hàng Sắt, phố Hàng Nâu... Nhà bác Tư còn ánh đèn dầu.

        Nhà chị Mừng có khóa ngoài thế kia, chắc là chị đã đi sơ tán... Ngày mai Hảo sẽ phải chạy đi thăm nhiều nơi. Hầu như tại phố nào ở đầy, gia đình Hảo cũng có họ hàng. Hôm nghe tin Nam Định bị ném bom, cô tưởng cả thành phố đã tan tành. Những ngôi nhà cũ kỹ nhô ra thụt vào. Những hè phố nhỏ hẹp, mấp mô. Không biết những nơi khác thế nào còn tại các phố mình đi qua thì rất may, mọi vật hầu như còn nguyên vẹn. Rồi đây, liệu tất cả có còn được như thế này nữa không...

        Gần hai giờ đêm, Hảo tới nhà. Hảo dựa xe vào vách, rồi nhìn qua khe cửa. Cô thấy đốm lửa vàng như hạt đỗ của ngọn đèn dầu vặn nhỏ. Hảo vừa cất tiếng gọi thì đã nghe mẹ ở trong nhà hỏi ra.

        - Hảo về đấy à con?

        Mẹ vẫn thức chờ mình. Hảo vội đáp:

        - Con đây, Hảo đây.

        Gian nhà sáng lên. Những tiếng dép lẹt sẹt quen thuộc của mẹ bước vội ra cửa.

        - Mợ vẫn còn thức ư?

        - Mợ nghe tiếng còi tàu. Mợ cũng đoán đêm nay con về.

        - Tối nay cậu có về nhà không?

        - Cậu đi sớm nay rồi. Cậu cũng tưởng là vài hôm nữa mới đi nên đánh điện cho con. Không ngờ trên lại gọi đi gấp.

        Hảo buông thõng hai tay, đứng sững sờ ở cửa. Mẹ Hảo quay về phía chiếc màn nâu căng ở góc nhà, gọi:

        - Cái Hoàn, thằng Thắng đâu? Dậy đi, chị Hảo về rồi?

        Thấy Hảo vẫn đứng ở cửa, bà nói:

        - Vào đi! Sao Tết vừa rồi lại không về? Cả nhà mong hết nước hết cái.

        Không nghe Hảo đáp, bà nhìn kỹ thì thấy hai dòng nước mắt chảy dài trên má con. Đến lượt người mẹ sững sờ. Bà tự hỏi: Nó cũng thương anh ấy ư? Nó cũng thấy là anh ấy đã hết lòng thương yêu hai chị em nó ư? Nó đã biết anh ấy là người tốt. Nếu anh ấy còn ở nhà tối nay. Hai mắt bà mờ đi.

        - Vào đi con!

        Hảo nghe tiếng nói của mẹ đã nhòa trong nước mắt. Cô bước vội vào nhà, ném cái túi lên mặt chiếc hòm sơn cũ kỹ, rồi kéo ghế ngồi gục đầu xuống bàn. Đáng lẽ ra thì mình gặp được dượng. Mình không gặp dượng chỉ vì mình ít nghĩ tới dượng quá trong khi dượng đã tự tay viết điện gọi mình về. Mình đúng là một đứa vô ơn. Có phải là dượng đi du lịch ở nước ngoài một thời gian đâu. Dượng đã nói rõ là dượng đi "công tác xa". Dượng nghĩ gì sáng nay khi ra đi vắng mặt mình...?

        - Hoàn ơi! Dậy đi!

        Nghe tiếng mẹ gọi em, Hảo ngẩng đầu lên nói:

        - Mợ đừng đánh thức các em nữa. Gần hai đêm con thức suốt rối. Con phải đi ngủ đây.

        - Con đi xích lô về nhà à?

        - Con đi xe đạp...

        Bấy giờ Hảo mới nhớ ra chiếc xe đạp vẫn dựng ở bên ngoài. Hảo chạy ra mở cửa nhấc chiếc xe vào nhà. Bà mẹ nhìn con gái thở dài. Lần này, Hảo không bị mẹ mắng về tội lơ đễnh. Cô gái hỏi mẹ:

        - Cậu đi có để lại số hòm thư không?

        - Chưa có số hòm thư. Cậu hẹn khi rõ chỗ ở mới sẽ biên thư về.

        Bây giờ ngay cả muốn nói những điều đó với dượng qua một lá thư cũng còn phải chờ đợi. Con người ta vẫn có những lúc như vậy, khi còn điều kiện để sửa chữa thiếu sót của mình thì cứ mặc sức buông thả, đến lúc không có điều kiện nữa thì lại hối tiếc.

        Thấy nước mắt lại muốn ứa ra, Hảo giật vội chiếc khăn mặt treo trên dây, chạy ra bể nước sau nhà.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2020, 05:22:32 pm »


       
3

        Đã lâu lắm, Hảo mới lại nằm một giường cùng với mẹ. Ngày ấy mình còn là một cô bé ham chơi, đanh đá, hay hờn rỗi, nằm gọn trong vòng tay của mẹ... Bây giờ mình đã trở thành một cô gái lớn sắp có chồng rồi, với biết bao ý nghĩ gần xa trong đầu. Mình càng to lớn lên thì mẹ càng gầy yếu đi.

        Hai mẹ con cùng nằm yên lặng. Những giọt nước mắt bất chợt vừa rồi đã nói hộ cho cả hai mẹ con rất nhiều. Bà mẹ đặt tay lên mái tóc dày của con. Tóc nó rít quá. Đi quanh năm mà. Ngày mai phải đặt một nồi lá thơm cho mấy chị em nó cùng gội đầu. Năm xưa, những đêm dượng nó vắng nhà, nó cũng nằm với mình như thế này. Mình vẫn lẫy tay sờ lần chân tóc của nó, tuốt cho nó những cái trứng chấy. Cái chuyện giữa nó với anh ấy đã kéo dài suốt những năm qua. Nó đã lớn, đã biết rồi. Nó đã biết thương anh ấy... Lo nó về, nó lạnh nhạt trước khi anh ấy đi. Con ơi, có nhiều chuyện khi lớn lên rồi con mới hiểu được. Tội nghiệp cho nó! Mợ cũng biết rằng dượng con dầu tốt đến đâu cũng không thể nào thay cho bố con được. Nhưng nó đã biết đến công lao, đến lòng tốt của anh ấy... Những giọt nước mắt của cô con gái lớn lúc này làm cho lòng bà nhẹ nhõm đi rất nhiều... Nó đang muốn viết thư cho cậu nó. Mình đã biết nó sẽ viết gì rồi. Anh ấy sẽ càng thương nó hơn. Nhưng thôi, mình không nên nhắc đến cậu nó bây giờ làm gì...

        - Con làm cái công việc cứ lênh đênh trên biển tháng này qua tháng khác, mợ lo lắm.

        - Còn những người vào công tác ở ngay chiến trường thì sao hả mợ?

        - Ở chiến trường thì nó lại đi một đàng... Ở thuyền... mà con lại là con gái lớn rồi!

        Bà bỗng thở dài. Hảo đã hiểu nỗi lo của mẹ. Lại cái chuyện "khôn ba năm dại một giờ".

        - Chuyện gì chứ chuyện ấy thì mợ hãy tin ở con.

        Có phải là mình không tin nó đâu. Nó đã xa nhà bốn năm nay rồi. Nhưng cái chuyện ấy, ai mà nói mạnh được...

        - Sao những thư viết vé nhà con không chịu nói cho cậu mợ biết gì về chuyện riêng của con? Chồng con là chuyện cả cuộc đời, phải cẩn thận. Nhưng cũng đừng có đứng núi này trông núi nọ.

        Mình đã biết trước thế nào mẹ cũng nhắc đến vấn đề ấy, Hảo nói:

        - Con định nhân chuyến này về thì thưa chuyện với mợ và cậu.

        - Người ở đâu thế con?

        - Gia đình anh ấy ở Quảng Nam.

        - Người miền Nam à? Công tác gì?

        - Anh ấy là chiến sĩ lái máy bay.

        - Phi công à?

        Hảo nghe mẹ giật giọng hỏi lại mình. Ờ... lại còn cả chuyện đó nữa mà mình đã không nghĩ tới trước khi nói với mẹ. Ngay cả mẹ nữa, mẹ cũng vẫn nghĩ đến chuyện đó. Dù sao mẹ cũng vẫn là một người mẹ. Hảo đáp lại bằng một tiếng "vâng" rất gọn. Cô muốn tỏ cho mẹ biết điều ấy mình đã cân nhắc kỹ. Mình sẽ nói rõ với mẹ những suy nghĩ về chuyện chồng con. Nếu cần, mình sẽ tranh luận với mẹ. Hảo thấy mẹ im lặng hồi lầu. Rồi cô nghe mẹ thở dài nhè nhẹ.

        Lát sau, bà nói:

        - Con lớn khôn rồi, tùy con quyết định lấy. Bố con và dượng con chả là bộ đội cả đấy ư!

        Ở giường Hoàn nằm có tiếng cười rúc rích. Các em Hảo đã tỉnh giấc từ lúc nào. Thằng Thắng hỏi sang, giọng tỉnh như sáo:

        - Anh ấy lái máy bay chiến đấu hay máy bay vận tải hả chị Hảo?

        Dượng đi rồi, nhưng ở nhà mình vẫn còn khối người ủng hộ. Hảo mỉm cười trả lời em:

        - Lái máy bay chiến đấu phản lực.

        - Hay quá! - Thằng bé reo lên.

        - Trưa hôm nay, anh ấy vừa bay qua đầy đấy chị Hảo ạ. - Tiếng Hoàn láu táu.

        - Chị em mày dậy từ lúc nào? - Bà mẹ nói - Nho nhỏ chứ để cho bà và hàng xóm còn ngủ.

        - Thùy nó gửi con mang thư về thăm cậu mợ.

        - Nó vẫn mới được có con bé thôi à?

        - Vâng.

        - Chổng nó có khỏe không?

        - Anh ấy... khỏe ạ.

        Không cần để mẹ biết chuyện anh Đông làm gì, Hảo nghĩ.

        - Lại vợ chồng nó dắt díu mày phải không?

        - Không ạ... Tự con quyết định lấy thôi.

        - Em tán thành quyết định của chị Hảo - Hoàn ở giường bên kia lại lên tiếng.

        - Tán thành! - Thắng nói theo như hô hưởng ứng một khẩu hiệu.

        - Ơ... - Bà mẹ kêu lên một tiếng nho nhỏ - Chị em nhà mày làm gì mà hét rám lên giữa đêm khuya ấy!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM