Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:29:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27381 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2020, 05:03:17 am »


       
2

        Ngày đầu tiên đoàn công tác từ tỉnh kéo về huyện, họ đã nhận thấy: ở biển có cái gian khổ của biển, nhưng ở đất liền cũng có cái gian khổ của đất liền. Kéo bộ đi được mười lăm ki-lô-mét với một số hành lý không lấy gì làm nặng trên lưng, cự ly của đoàn gồm có bảy người đã kéo dài hàng trăm mét. Đi một quãng, người nọ lại phải dừng chờ người kia. Đoàn trưởng động viên: "Các đồng chí cố lên, mỗi người chúng ta chỉ có trên mười ki-lô, tiêu chuẩn đi chiến đấu mỗi người phải đeo trên vai mấy chục ki-lô kia mà?".

        Từ nửa tháng nay, đoàn điều tra đã chia ra mỗi người một nơi để công tác. Hảo làm việc ở một huyện nửa là vùng biển, nửa là vùng núi. Hàng ngày, Hảo phải đi các hợp tác xã để lấy số liệu. Miệng hỏi là chân phải đi. Trời đang giữa mùa hè. Hảo đi một mình trên những con đường đồi núi hoang vắng hay trên những bãi cát lún thụt cháy bỏng, chói lòa ánh sáng mặt trời. Đi suốt ngày và không bao giờ tính được số ki-lô-mét. Là một "nhà sinh vật" như Hảo thường gọi mình với một vẻ chế giễu, Hảo cũng biết tự lo cho mình. Cô biết cơ thể thiếu những gì mà thức ăn hàng ngày không bù đắp được. Hảo mang theo một số viên vi-ta-min. Nhưng vẫn có những cái Hảo không biết cách nào để hạn chế nó. Ví dụ như nắng. Cái nắng không thở được của đường đồi và bãi cát. Rồi lại mưa. Những trận mưa bất chợt của miền biển, không tơi nón nào ngăn được nước. Ví dụ như đường vắng. Hảo không có tiền bạc gì trong người. Tài sản quý giá nhất cô mang theo chỉ là một cuốn sổ ghi đầy những con số. Nhưng Hảo là một cô gái. Nhiều lúc Hảo rất thèm có một khẩu súng nhỏ. Có lúc Hảo lại thèm biết mấy miếng võ để tự vệ. Mặc dầu công tác trị an tại vùng này không có vấn đề gì lớn như các đồng chí ở huyện đã nói, nhưng mỗi lần ra đi, Hảo vẫn ngài ngại. Cô phải tính trước đến lúc đó mình cần phải làm gì. Mình sẽ vứt mọi thứ vướng víu trên người để mà chạy cho nhanh. Mình sẽ la hét lên. Nếu cần mình phải đấm, phải đạp. Còn một khó khăn khác không nhỏ: đó là công việc Hảo hiện đang làm không một ai kiểm tra. Hảo có thể bỏ qua nhiều con số mà không ai biết, cũng như nếu Hảo dành rất nhiều công sức để kiếm thêm một con số thì cũng không ai biết. Chỉ có Hảo tự chịu trách nhiệm với mình. Cuộc đấu tranh đó luôn luôn diễn ra. Vì khó khăn Hảo gặp rất nhiều: Nắng, mưa, đường sá heo hút, những ông chủ nhiệm hợp tác xã thái độ lờ phờ, trả lời Hảo một cách rất đại cương, cốt cho qua chuyện...

        "Một mình giữa chiến trường vẫn là chiến sĩ...", Hảo đã nghĩ đến điều đó trưa hôm nay trên con đường từ Đồi sỏi ra bãi hình Con Rùa (người ta trỏ cho Hảo phương hướng và hình dáng bãi cát này vì nó không có tên) để tìm một anh thống kê. Đấy là tên một cuốn sách bằng tiếng Nga mà Hảo đã đọc. Hảo đã lấy câu đó để tiếp sức cho mình trên chặng đường đi. Nếu không nhờ nó thì có lẽ cô đã quay trở lại từ lúc nào. Vì cô đoán trước người mình đang tìm một cách vất vả như thế này sẽ không cung cấp được gì nhiều hơn những cái mình đã thu lượm được. Không may thay, dự đoán đó lại hoàn toàn đúng khi Hảo gặp anh thống kê đang ngồi vá lưới trong chiếc thuyền nằm giạt trên bãi cát. Hảo đã phải trở về huyện bằng một con đường xa gấp đôi, vừa nhiều dốc, vừa bị ánh nắng mặt trời chiếu xiên khoai. Cái điệp khúc đó lại vang lên trên dọc đường về cho đến tận tối mịt khi Hảo bước vào căn nhà huyện đã bố trí cho cô ở tạm từ mấy ngày nay.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2020, 10:55:45 pm »


       
3

        Chương trình đi xuống các hợp tác xã tại đây đã xong. Hảo còn phải dành mấy hôm để tổng hợp số liệu và thông qua các đồng chí ở huyện trước khi trở về đoàn.

        Hảo ở nhà chị phó chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng. Hàng ngày, không mấy khi thấy chị. Buổi tối, thường là gia đình cơm nước xong, mới thấy chị về. Chị cắp nón quần áo chạy ù ra giếng, tắm giặt một lúc, ăn vội mấy lưng cơm, lại đi. Ngoài công việc phó chủ nhiệm, đi sản xuất, chị làm thêm nhiều công tác khác của đoàn thể.

        Chồng chị là một cán bộ quân đội đang chiến đấu tại Khu Tư. Trong những tấm ảnh đặt cùng chung một cái khung treo trên cửa sổ, chiếc ảnh tô màu của anh được xếp ở chính giữa. Một người mặt vuông chữ điền, gò má cao, mặc quân phục mùa đông, đeo quân hàm thiếu úy. Chị không nhắc đến chồng bao giờ. Sáng nay ngồi nói chuyện với chị, Hảo hỏi:

        - Anh ấy có hay gửi thư về cho chị không?

        - Thỉnh thoảng.

        - Xa nhau thế này, về mặt tình cảm chắc là gay go lắm chị nhỉ?

        - Lắm người còn xa hơn mình nhiều.

        Vẻ mặt chị tươi cười đon đả, nhưng với mỗi câu hỏi tâm tình của Hảo, chị chỉ trả lời bằng một vài tiếng. Thái độ chị kích thích sự tò mò muốn tìm hiểu của cô. Hảo lại hỏi:

        - Thời chiến mỗi lần nghe tin đánh nhau ở trong ấy, chị có lo không?

        - Biết thế nào mà lo.

        Chị chuẩn bị đi làm, bỗng chị quay lại nói với Hảo:

        - Cô giữ trẻ hôm nay nghỉ đẻ, chưa tìm được người thay, em gửi cháu ở nhà chị trông giúp em được không?
         
- Được chị ạ. Cháu nó ngoan, có quấy phá gì đâu. Sáng nay tôi cũng định chỉ giặt giũ một lúc rồi nghỉ.

        - Bà em về, chị bảo bà em thổi cơm, nhà cứ ăn trước chị nhé!

        Chợt nhớ một điều gì chị đứng ngẩn ra rồi nói:

        - Chán quá! Em đã mua cho chị tờ báo mà lại để quên ngoài trụ sở, không biết sáng nay có còn không?

        Rồi chị cắp nón đi.

        Đứa con nhỏ của chị không giống mẹ mà cũng không giống bố. Nó có cặp mắt xếch và cái mồm bé teo với những đường nét rõ như vẽ. Hảo thường ngắm nó rồi lại nhìn bức tranh cô hằng nga cầm chiếc đèn lồng treo ở đầu giường của chị. Hảo nghĩ có lẽ khi chị có mang nó, chị hay nhìn bức tranh này. Tên nó là Lụa mà đôi lúc Hảo cứ gọi nhầm là Hằng vì cái tranh cô hằng nga.

        Những lúc Hảo ở nhà nó cứ quấn lấy. Nó cũng gọi Hảo là mẹ. Bà cụ mẹ chồng chị chủ nhà bảo đứa cháu gọi Hảo như vậy sau khi hỏi thăm chị về chuyện chồng con. Hảo nói dối là chồng mình đi chiến đấu ở chiến trường xa và mình chưa có con.

        Hảo đi gánh nước về vừa giặt giũ vừa chơi với nó. Con bé đòi đi theo chị.

        Hảo một tay giữ chiếc đòn gánh trên vai, một tay dắt đứa bé đi ra giếng.

        Hảo nhìn đôi bàn chân nhỏ xíu bước lẫm chẫm trên đường

        cát trắng. Những bàn chân kia khi bước vào đời, chắc chắn là sẽ đi trên những con đường xanh mát, thênh thang hơn những con đường mình đã đi... Hảo bỗng ước ao có một đứa con như thế này. Ôi... sung sướng biết bao khi một phần cơ thể của mình đã tách ra, bước đi lẫm chẫm như thế kia. Mỗi khi mình đi công tác về, nó sẽ chạy ra, sà vào cánh tay mình, áp má của nó vào má của mình, những tiếng nói của nó sẽ thánh thót bên tai mình. Mình sẽ chăm chút nó, làm cho nó lúc nào cũng thơm phưng phức như một bông hoa. Mình chỉ ước ao một điều rất bình thường. Điều đó sẽ đến và phải đến với mỗi người phụ nữ. Nhưng sao đối với mình bây giờ nó vẫn còn xa xôi.

        Một tiếng rít như như tiếng đại bác xé không khí. Con bé kêu thét lên. Hảo vứt vội đôi thùng, ngồi thụp xuống ôm chầm lấy nó. Hảo chưa nhận ra tiếng rít đó từ phía nào tới. Có lẽ từ phía biển. Lại một tiếng rít to hơn. Không gian như sôi réo lên ngay trên đầu. Hảo ngước mắt nhìn lên. Một bóng đen lừng lững bay vụt qua. Cái màu xám của nó phút chốc như trùm kín cả bầu trời. "Máy bay!" Cô ôm chặt đứa bé đang rúc vào ngực mình và bảo nó:

        - Đừng sợ! Có cô. Lụa đừng sợ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2020, 10:56:31 pm »


       
4

        Cơm tối xong, chị chủ nhà vẫn chưa về. Có trăng non, gió từ biển đi vào cùng với nước thủy triều làm tiêu tan hết không khí oi ả ban ngày. Bà mẹ chồng rải hai chiếc chiếu nhỏ ngoài sân, rồi đưa ra tích nước chè. Đây là một món đãi khách. Thường ngày gia đình vẫn uống bằng nước cháo. Hôm mới tới, nhìn thân hình còm cõi của bà, Hảo đoán phải ngoài sáu mươi tuổi. Nhưng sau thấy bà vẫn còn đi làm, Hảo hỏi mới biết bà mới có năm mươi lăm tuổi.

        Bà lại trở vào nhà rồi mang tiếp ra một cây đèn dầu nhỏ. Cô con gái út của bà, học lớp chín ở trường huyện, buổi chiều đã nhờ Hảo tối nay giải giúp mình một bài toán đại số. Hảo đã nhận lời, tuy Hảo có nói thêm là sợ mình bỏ toán từ lâu có thể quên. Từ khi nghe con gái nói tối nay Hảo sẽ làm bài giúp, bà bỗng có một thái độ kính trọng đặc biệt đối với Hảo. Từ hôm Hảo mới về, nhìn Hảo đeo cái túi vải và đôi dép lốp đi suốt ngày xuống các hợp tác xã ghi chép các con số đem về tính toán, bà đoán Hảo là một cô thống kê, chắc cũng chỉ trình độ lớp sáu, lớp bảy như anh thống kê của xã.

        Hảo ngồi loay hoay một lúc. Nhiều điều học ở cấp ba khi vào đại học đã không được dùng tới. Và rất nhiều điều học ở nhà trường đã bị bỏ quên từ ngày Hảo ra công tác đến giờ. Hảo phải giở những định lý xem lại. Gần một giờ sau, Hảo đã giúp cô gái có bộ mặt giống anh giải xong bài toán khá rắc rối. Hảo như ngạc nhiên vì chợt nhớ ra mình còn có khả năng này.

        Bà mẹ rót một bát nước chè đen đặc, mời Hảo và nói:

        - Không có cô đến nhà thì hôm nay cháu còn chong đèn đến hết đêm. Hồi xưa các anh nó còn ở nhà, có điều gì không hiểu thì các anh nó bảo. Bây giờ một anh đi bộ đội, một anh đi đại học, chẳng còn biết hỏi ai. Mẹ thì không nói làm gì, nhưng giá như bố có còn thì trông vào quyển sách này cũng như nhìn vào bức vách. Cũng vẫn có người kêu ca đời sống khó khăn. Nhưng những người có tuổi như chúng tôi thì mới biết. Người hay kêu bây giờ trước kia là những người khá giả cả. Còn gia đình chúng tôi thì từ ngày Cách mạng chỉ toàn thấy sướng thôi. Cô tính chứ... không phải lo ruộng, không phải lo ăn, con trai đi sĩ quan, đi đại học, con dâu cũng cán bộ, con gái có xe đạp đi học thế này thì ông ấy và tôi ngày xưa có mà nằm mơ cũng chẳng thấy.

        Rồi bà hỏi Hảo:.

        - Cô giáo này (bà đã gán cho Hảo là cô giáo), Mỹ nó cứ ném bom mãi, ta không có cách nào ngăn nó ư...? Ta có máy bay như nó không?

        - Có chứ! Bác không nghe đài đưa tin máy bay ta bắn rơi máy bay Mỹ đấy thôi?

        - Có nghe. Đúng là người ta à? Tôi cứ ngỡ là...

        - Bác ạ chỉ khó ở chỗ là có tinh thần dũng cảm chiến đấu chứ còn lái chiếc máy bay thì cứ được học là lái được thôi.

        Tối nay, bà hỏi Hảo hết câu này đến câu khác: Miền Nam bao giờ thì giải phóng? Giôn-xơn nó làm bậy như vậy, đưa quân sang cướp nước ta, sao nhân dân Mỹ cứ phải theo... Bà tưởng như Hảo đã giải được bài toán của con gái thì có thể giải được mọi điếu bà thắc mắc...

        Chị chủ nhà không hiểu sao mãi không thấy về. Đứa con nhỏ của chị đòi ngủ với mẹ Hảo.

        Đã lâu mới uống trà, đêm đó, Hảo nằm thao thức mãi. Những chiếc máy bay Mỹ xuất hiện sáng hôm nay, báo hiệu chiến tranh đã lan tới vùng biển yên tĩnh này. Tiếng rú bất thần của nó làm cho Hảo lúc đầu giật mình, luống cuống. Khi chúng bay xa rồi, Hảo cảm thấy xấu hồ về sự nhát gan của mình. Hảo nhớ ngay đến Yến. Ngày con bé ở với mình, nó hiền lành, không bao giờ tỏ ra táo tợn như mình. Nhưng đứng trước máy bay Mỹ rõ ràng là nó đã hơn mình. Mình đã nhiều lần có ý muốn xin chuyển công tác ra mặt trận, thậm chí đã nói hẳn ý nghĩ đó với chung quanh, nhưng vừa nghe tiếng máy bay mình đã thất thần. Đối với mình, mọi chuyện đều không dễ dàng. Tại sao mấy tháng trời sống trên biển, sống ở đây, mình phải tự đấu tranh một cách gay go thế, luôn luôn kêu gọi đến nghị lực, đến tinh thần dũng cảm của mình? Trong khi ấy, thì đó chính là cuộc sống bình thường của bao nhiêu người chung quanh. Với một số vốn hiểu biết nho nhỏ, từ lâu mình đã đinh ninh là đã vượt lên trên những người trung bình. Nhưng bây giờ mình đã thấy rõ về nhiều mặt còn thua kém cả những người bình thường và thua kém nhiều mặt rất cơ bản...

        Con thuyền trăng nhỏ đã biến đi sau màn đêm tối đen từ lâu. Tiếng sóng biển ngoài xa theo gió chốc chổc lại ì ầm dội về. Biển đêm nay cũng thao thức như mình, trăn trở hoài, vẫn không ngủ được.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2020, 10:57:08 pm »


       
5

        Sáng sớm hôm sau, chị chủ nhà mới về. Bà cụ mẹ chồng hỏi:

        - Cái con mẹ này, đi đâu mà đi cả đêm thế hả?

        - Con đi công tác cho huyện đội, con đã bảo chị Cảnh về nói với mẹ nhưng chị ấy quên.

        Chị đưa Hảo một tờ báo Nhân dân. Hảo cảm ơn chị rồi mở tờ báo, ngồi đọc ngốn ngấu như một người đói ăn lâu ngày. Báo in đã cách đó gần một tuần, nhưng với vùng này thì đó vẫn còn là mới. Trong báo có đăng lời tố cáo giặc Mỹ ném bom vào nhiều khu phố đông dân cư ở Nam Định, gây những thiệt hại về người và nhà cửa. Hảo không lo cho mẹ và các em vì ngay từ tháng Năm, Hảo đã nhận được tin báo gia đình đi sơ tán. Nhưng mỗi tên phố, tên nhà nêu lên trong tờ báo đều gợi lên cho cô những kỷ niệm ngày thơ ấu. Nay mai mình trở về, nếu tất cả những thứ đó, chỉ còn là những đống gạch nát và vôi vữa... Đọc đi đọc lại mấy lần tin đó, Hảo buông tờ báo xuống tấm phản gỗ, ngôi thừ người.

        - Chị làm sao thế? - Chị chủ nhà hỏi Hảo. Mặc dầu chị lớn tuổi hơn, đã có chồng có con, nhưng vẫn gọi Hảo như vậy và xưng bằng em - Chị khó ở à? Mọi ngày em thấy chị thích xem báo lắm cơ mà!

        - Tôi đang xem đấy chị ạ. Có tin ném bom Nam Định. Nam Định là quê ngoại tôi.

        Chị chủ nhà nhìn bà mẹ chồng đang cầm cái rá đi xuống bếp, rồi thì thầm với Hảo:

        - Chiều và đêm hôm qua, huyện đội huy động chúng em đi vào rú tìm người lái máy bay của ta nhảy dù.

        - Người lái máy bay của ta à? - Hảo hốt hoảng hỏi lại.

        - Các anh ở huyện đội nói là trên thông báo sáng hôm qua máy bay ta đánh nhau với máy bay Mỹ. Có một anh lái máy bay của ta đã nhảy dù. Các địa phương phải chú ý tìm nếu thấy thì đưa ngay về tỉnh. Sáng hôm qua, có máy bay bay qua. Huyện đội đoán có thể là máy bay của ta và máy bay của địch đuổi nhau nên huy động chúng em vào rú tìm xem sao.

        - Các chị có thấy gì không?

        - Đi cả đêm, đốt lửa rồi bắn súng báo hiệu, chả thấy gì. Em cứ nghĩ, nếu đã xuống đây thì không thấy người cũng phải thấy cái máy bay chứ chị nhỉ!

        Hảo không trả lời được chị điều đó. Cổ họng cô nghẹn tắc. Chuyện đó nếu không xảy ra ở đây thì phải xảy ra nơi khác, như thế có nghĩa là có một người lái đi chiến đấu không trở về. Anh Đông? Hảo nhớ lại lời Đông chào Thùy khi chia tay. Nhưng không hiểu sao Hảo cứ tin anh Đông không thể chết được. Hay là anh ấy? Nếu như lại chính là anh ấy? Các anh ấy bay ở trên trời, có thể nhào lộn giỏi hơn cả những con chim, nhưng các anh ấy không phải là chim. Con chim có những lúc không cần trở về tổ của nó, nhưng một chiến máy bay chiến đấu phản lực thì phải trở về nơi nó đã ra đi. Một người lái không trở về đúng giờ, có nghĩa là một điều không may lớn đã đến với anh. Anh phải rời máy bay bằng cách nhảy dù. Và có thể còn không may hơn thế nữa, anh đã không kịp rời máy bay.

        Cô tự hỏi vì sao mình lại cứ nghĩ người đó chính là Quỳnh? Nét mặt buồn rầu của Quỳnh trong cả hai lần chia tay lại hiện lên trong óc cô... Có thể là anh ấy đã yêu mình ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Mình đã từ chối những tình cảm anh ấy dành cho mình. Có phải sáng hôm qua chính anh ấy đã bay qua đầu mình? Anh ấy đi để đánh nhau với chúng nó, với những chiếc máy bay gớm ghiếc đã làm mình khiếp sợ. Anh ấy hiền như đất. Mình đã viết cho anh ấy mấy lá thư nhưng toàn những lời tẻ lạnh. Mình đã cố kìm hãm tình cảm của mình lại. Mình còn lo có thể bị hiểu lầm, có thể bị coi thường. Mình vẫn cân nhắc, đắn đo. Trong khi anh ấy sẵn sàng hy sinh tất cả vì mọi người, vì mình anh ấy có đòi hỏi gì đâu? Đáng lẽ ra mình phải đem hết tình cảm để bù đắp một phần những hy sinh lớn lao của anh ấy... Đã lỡ rồi chăng...?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2020, 10:58:06 pm »


CHƯƠNG XVII

1

        Sau khi bắn rơi chiếc máy bay địch bằng một loạt đạn gần như kề miệng pháo vào sát buồng lái của nó, Đông lầm bầm:

        - Một thằng!

        Anh ngoái lại sau lưng không thấy Hoa đâu. Động tác của anh em mình hiền lành quá, vừa mới thế mà đã mất liên lạc rối. Mình phải tự đi kiếm lấy một thằng thứ hai.

        Đông kéo thật mạnh cần lái, cho máy bay anh vọt lên chiếm độ cao. Khu vực mà họ đang chiến đấu giống như một cái giếng khổng lồ nằm giữa bầu trời. Mây dày vây tròn bốn phía. Trên đấu anh trời quang, xanh ngắt. Đông nhận ra chung quanh có khá nhiều địch và các bạn anh đã phải phân tán để lao vào một cuộc hỗn chiến. Tốt thôi. Mình đã rơi vào đúng một ổ tiêm kích địch. Phải dè sẻn đạn mới được!

        Đông đang tính toán chọn mục tiêu, thì thấy một con nhặng xanh đang bay ngược chiều với mình, đầu chúi xuống như muốn rúc vào tầng mù phía dưới. Lễ tế thần đây rồi? Mày đừng hòng thoát. Anh ngoặt gấp, cắt một đường bán kính thật ngắn, đuổi theo tên địch.

        Thằng địch đã chui vào lớp mù. Chắc lớp mù này không dày lắm. Đông cho máy bay lao thẳng theo hướng của nó. Nếu tao có một chiếc tên lửa thì mày tan xác rồi.

        Ra khỏi đám mù, Đông lại nhìn thấy thằng địch. Anh đặt nó vào vòng ngắm, nhưng cự ly còn xa. Phải bám được gần nó như thằng trước mới bắn. Anh tăng hết cửa dầu cố thu khoảng cách.

        Máy bay địch bắt đầu cơ động. Tên địch đã nhận ra nó đang bị đuổi theo. Máy bay của Đông và máy bay của địch đều lượn theo những đường gấp khúc. Như thế mày càng chóng chết. Mình sẽ cắt một đường bán kính thật gọn, tiêu diệt nó bằng một loạt đạn.

        Bất thần máy bay địch chui tọt vào một đám mây. Đông phán đoán rất nhanh. Nó đang sợ vì bị mình bám đuôi nên sẽ không dám bay thẳng. Nó sẽ lợi dụng đám mây nhỏ này để chuyển hướng bay vòng lại sau lưng mình. Đông quyết định không chui theo địch vào mây mà vòng sang phải để đón đầu địch. Nếu nó cứ bay thẳng hoặc vòng sang trái thì mình sẽ tiếp tục đuổi theo. Nếu nó vòng sang phải thì nó sẽ chết với mình. Bay được một đoạn, quả nhiên anh thấy thằng địch đang lò dò quay lại. Đông lập tức bóp cò.

        Những vệt đạn lửa bay vút vào khoảng không. Trượt mất rối!

        Chiếc máy bay địch vội đầm xuống, lẩn vào một đám mây phía dưới. Đang say mồi, Đông ngoặt lại, cho máy bay lao theo. Nước réo mạnh hai bên khoang ngồi. Ánh sáng ùa vào mắt. Đông chợt nhìn thấy màu xanh trùng trùng điệp điệp của núi. Anh vội bấm mạnh ngón tay mở hết các mảnh giảm tốc để hãm cho máy bay chậm lại và cải bằng. Anh lại thấy thằng địch ở phía trước.

        Mày không thoát được rồi! Đông đã nhìn thấy bốn chiếc tên lửa dưới cánh của nó. Chiếc máy bay địch đã nằm gọn trong vòng tám chấm sáng trắng. Nó to lên khá nhanh. Được rồi! Đông tiếp tục bóp một loạt đạn thật dài. Lửa đạn vừa lóe lên anh đã nhận thấy khói phụt ra ở thân máy bay địch. Khói phụt ra mỗi lúc một to.

        Chiếc máy địch rùng mình, nghiêng đi, rồi nó lại cải bằng. Sao mà nó ngắn thế? Chết cha! Hay mình bắn nhẩm máy bay ta rồi? Người Đông lạnh toát. Nhưng anh lại nhớ ngay là mình vừa nhìn rõ những chiếc tên lửa dưới cánh nó. Mình không lầm. Nhưng nó là loại máy bay gì? Nó giống như một con chuồn chuồn ngô. Đông nhận ra-mình đang đánh nhau với F.4. Trước mắt anh đúng là một "Con ma". Anh lập tức lao theo bồi thêm cho nó một loạt đạn cuối cùng. Một đám lửa bùng lên ngay trước mặt. Chiếc máy bay địch nổ tung như trái mìn. Những mảnh vỡ của nó bay khắp phía.

        Thế là đủ tiêu chuẩn rồi! Đông biết mình sắp hết đạn và đã bay xa khu vực các bạn đang chiến đấu. Giờ phải tìm cách liên lạc với đồng đội và quay về. Đột nhiên, anh thấy máy bay bị chấn động rất lớn. Thoạt đầu, anh tưởng đó là do luồng khí lưu của máy bay địch. Nhưng máy bay của anh tiếp tục rung mạnh khi anh bay xa nơi thằng địch đã nổ tan xác. Hay là mình vừa bị một thằng nào bắn lén? Đông quay đầu nhìn chung quanh. Từ độ cao anh đang bay trở lên, trời rất trong sáng. Chỉ có ít gợn mây mỏng. Không thấy bóng một tên địch nào. Đông giảm cửa dầu, hãm bớt tốc độ của máy bay. Nhưng những chấn động không giảm mà có chiều tiếp tục tăng. Anh nghe thấy những tiếng động khác thường phát ra từ vòng quay của tuyếc bin. Có thể là một mảnh máy bay địch đã văng vào ống thu khí vì anh đã lao tới bắn quá gần. Không thể tiếp tục bay về trong hoàn cảnh máy móc thế này. Đông lập tức bóp công tác vô tuyến điện gọi khẩn cấp:

        - 316 gọi Chi Lăng! 316 gọi Chi Lăng!

        Không có ai đáp lại.

        - 316 gọi Chi Lăng! 316 gọi Chi Lăng!

        Vẫn không có gì ngoài những tiếng tạp âm lạo xạo. Có thể là mình đã bay quá xa. Cũng có thể vô tuyến điện bị hỏng. Bây giờ mọi việc là do mình tự quyết định ...

        Đông cho máy bay hạ độ cao, chui xuống những tầng mây để tìm nơi hạ cánh. Dưới những kẽ mây vẫn là núi rừng trùng điệp. Những mỏm núi xanh nhọn hoắt, mây cuốn chung quanh. Những ngôi nhà bé teo teo bám bên sườn núi. Không biết vùng này thuộc về đâu? Làm thế nào để tìm ra một con sông bây giờ? Chả có lẽ cả vùng rừng núi mênh mông thế này lại không có lấy một cái thung lũng?

        Chỉ cần một cánh đồng nhỏ. Mình sẽ không thả chân mà sẽ tiếp đất bằng thân máy bay ít nhất cũng phải cứu lấy máy móc và những đồ thiết bị bên trong.

        Máy bay của Đông mỗi lúc một rung mạnh. Tình hình cấp bách lắm rồi. Nó không thể cứ tiếp tục bay như thế này được lâu nữa.

        Dưới cánh máy bay bên trái hiện ra một triền núi quang mây. Đông lập tức chuyển hướng bay về phía đó. Anh nhìn thấy một vệt trắng óng ánh như một sợi chỉ bạc nằm quanh co giữa hai triển núi. Có thế chứ, Đông tự bảo mình. Đúng là một con suối. Hai bên sợi chỉ bạc có những mảng nho nhỏ màu xanh non lá mạ. Nếu không phải là những bãi cỏ thì đó là những đám ruộng.

        Đông tiếp tục hạ độ cao thật nhanh, bây giờ thì máy bay của anh bay giữa hai triền núi. Anh giảm cửa dầu tới mức thấp nhất và chuẩn bị sẽ tắt máy. Anh tự bảo mình: Phải quyết đoán thật kịp thời và hết sức chính xác. Nhất định phải có một mảnh đất chứa được mình và chiếc máy bay bé nhỏ này.

        Trước mắt anh là một cái thung lũng nhỏ. Những hàng cây lớn của các khu rừng chạy vun vút hai bên cánh.

        Tốc độ của máy bay vẫn còn lớn quá. Những mảnh ruộng lá mạ hiện lên rất rõ, từng miếng không đều. Nhưng tất cả đều hẹp và không đủ chiều dài cho máy bay. Không thể xuống thung lũng này được.

        Đông kéo mạnh cần lái cho máy bay vượt sang cái thung lũng thứ hai đã hiện ra trước mắt. Anh đã cho tắt máy. Chiếc máy bay vẫn còn đủ sức rướn qua cái thung lũng anh đã nhìn thấy.

        Thung lũng này còn hẹp hơn cả thung lũng thứ nhất. Nhưng chiều dài của nó có phần khá hơn.

        Nhất định phải đáp xuống đây thôi. Đông thả hết cánh tà cho máy bay chỉ còn tốc độ nhỏ nhất. Chiếc máy bay bay dọc theo lạch nước. Cây rừng vẫn chạy ào ào dưới hai bên cánh.

        Đông bay bằng một đoạn và quyết định cho máy bay tiếp đất.

        Đuôi máy bay vừa chạm đất thì Đông nhìn ngay thấy một mương nước nhỏ nằm ngang trước mũi máy bay. Anh vội giật mạnh cần lái. Đầu chiếc máy bay ngóc lên. Chiếc máy bay vọt qua cái lạch vừa định lật ngửa nó. Và nó trườn thia lia trên đám ruộng phía bên kia lạch.

        Nhưng Đông lại thấy một cồn đất nhỏ chắn ngang trước mặt mình. Chỉ trong nháy mắt nữa là cả chiếc máy bay của anh sẽ cắm vào nó như một viên đạn. Đông vội đạp thật mạnh vào bàn lái bên phải. Chiếc máy bay xoay ngang lại.

        Toàn thân máy bay tiếp đất đánh sầm.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2020, 05:30:13 am »


       
2

        Đông không biết minh đã ngất đi trong bao nhiêu lâu. Khi tỉnh dậy, anh vẫn thấy tỉnh táo. Đông giơ cánh tay trái lên. Anh từ từ duỗi một chân. Rồi anh duỗi thẳng nốt chân kia. Ồ... không sao cả. Đó mình đã biết mà! Trán anh hơi rát. Đông sờ tay lên và nhận ra trán mình rớm máu. Tại cái máy ngắm đây. Không làm gì chuyện vặt này.

        Mọi vật trong khoang ngồi không suy suyển. Buồng kính không hề rạn vỡ. Anh nhìn ra bên ngoài. Đầu máy bay của anh chúi xuống bùn. Đuôi máy bay hơi nghếch lên chiếc cồn đất nhỏ. Một mảng cồn đất bị máy bay quệt vào ban nãy đỏ và nhẵn thín. Hai bên cánh máy bay, nước bùn vẫn tiếp tục nhỏ giọt. Nước bùn còn phủ trên những bờ ruộng và nhuốm trắng cả những thân cây ở chung quanh.

        Đông mở khoang ngồi trèo ra ngoài. Chiếc máy bay nằm dọc trên một thửa ruộng nhỏ bé mỗi chiều từ mười lăm đến hai mươi mét, giống như một con cá nằm trên chiếc đĩa. Nhờ ruộng nước có bùn nên nó đã trở thành một cái đệm khá êm và làm cho máy bay của anh ban nãy giảm tốc độ rất nhanh. Lúc này, chính Đông cũng ngạc nhiên. Thì ra máy bay phản lực cũng có thể hạ cánh ở một mảnh đất nhỏ giữa vùng rừng núi như thế này. Nếu mình gặp tai nạn, mọi người chắc chắn đều tưởng là mình đã bị chúng bắn rơi. Khi mình không nghĩ đến cái chết thì mình đã tìm được sự sống cho mình và cho cả chiếc máy bay.

        Đông đi vòng quanh ngắm lại chiếc máy bay một lần nữa. Buồng đốt vẫn tốt. Riêng chiếc cánh nằm ở bên trái bị bửa và thân máy bay phía dưới sây sát nhiều. Nó vào xưởng sửa chữa lại ít ngày rồi lại trở về với mình để đi một trận đánh mới. Nếu nó không phủ một lớp bùn thì anh muốn ôm lấy nó mà hôn.

        Đông cảm thấy mệt và trong bụng đã đói. Bây giờ phải đi tìm một làng bản nào gần đây, xin dân làng cử người ngụy trang, canh gác máy bay và để nghị họ dùng cách nào nhanh nhất báo cáo với đơn vị mình đã hạ cánh bắt buộc ngoài sân bay an toàn.

        Đông nhìn chung quanh. Anh trông thấy một bản nhỏ có những ngôi nhà sàn ở cách đó không xa, bên sườn núi. Đông bèn theo lạch suối đi về phía bản.

        Vùng này rất vắng vẻ. Đông đi khá lâu theo dọc suối không gặp một ai. Anh trèo ngược con đường mòn lên bản. Anh bỗng nghĩ mình cần phải đề phòng, biết đâu mình đã bay lạc ra ngoài biên giới? Trước mắt anh có khoảng một chục ngôi nhà sàn. Đây là kiểu nhà sàn quen thuộc của đồng bào dân tộc ở miền Bắc. Nhưng anh không nhìn thấy một bóng người và không nghe một tiếng động nào trong bản. Đông mở sẵn nắp bao súng, vừa lại gần bản vừa nghe ngóng, quan sát. Chợt anh nhìn thấy một khẩu hiệu "Đẩy mạnh sản xuất" kẻ trên chiếc bảng quét vôi trắng treo ở hàng rào chống thú rừng bao quanh bản. Yên trí rồi. Mình chiến đấu ngay trên đất mẹ, đến đâu chả là nhà. Bây giờ là giữa buổi sáng, chắc phần lớn đồng bào kéo nhau đi sản xuất.

        Đông đi thẳng vào bản. Gà lợn vẫn rủng rỉnh khắp nơi. Thấy một ngôi nhà sàn để ngỏ cửa, Đông trèo lên, hy vọng gặp được một cụ già hay em nhỏ.

        Trên bếp, than lửa còn đỏ hồng. Nhưng nhà thì vắng tanh. Anh đánh tiếng không thấy ai trả lời, đành quay xuống định đi sang một nhà khác. Anh nghĩ hay là dân bản thấy máy bay mình hạ xuống tưởng là máy bay địch nên đã lánh cả vào rừng. Đông ngước mắt nhìn quanh xem nên đi về hướng nào. Anh chợt nhận thấy nhiều mũi súng và những cây đao lố nhố đang chĩa về phía mình. Từ rìa làng, nhiều bóng người đang lom khom tiến vào. Biết đồng bào hiểu lầm, Đông vội nói to:

        - Chúng tôi là người và máy bay của ta đến tìm gặp các đồng chí dân quân, du kích địa phương.

        Chỉ một loáng, mọi người từ bốn phía ùa lại vây kín chung quanh anh. Từ nãy đến giờ, Đông đã bị theo dõi từng bước. Những mũi súng và mũi dao vẫn hướng cả vào anh. Trên ngực các chiến sĩ dân quân trẻ tuổi lấp lánh huy hiệu đoàn viên thanh niên lao động. Đông đã vững lòng. Anh nói:

        - Tôi là chiến sĩ lái máy bay của ta, đi chiến đấu về hết dầu phải cho máy bay hạ cánh xuống đây. Đề nghị các đồng chí cho gặp chính quyền, đảng ủy hay đồng chí phụ trách dân quân của địa phương.

        Những người đứng chung quanh không trả lời Đông và bắt đầu trao đổi với nhau. Đông không hiểu họ nói gì vì mọi người đều dùng tiếng địa phường. Nhưng anh nhận thấy họ không bỏ qua một cử chỉ nhỏ của mình. Có đôi cặp mắt nhìn anh rất dữ dội. Anh biết là đồng bào vẫn nghi ngại. Hay là vì cái giọng Quảng Nam của mình? Trong người Đông lúc này ngoài bản đồ, vũ khí, không có giấy tờ gì. Anh đang nghĩ nói cách nào cho đông bào tin thì một người đứng tuổi, có bộ ria đen, tay cầm khẩu tiểu liên nói bằng tiếng Kinh, giọng rành rọt:

        - Chúng tôi không nghe trên phổ biến là có máy bay ta về đây hoạt động. Anh phải đứng im để chúng tôi tước vũ khí, thu các tài liệu anh đem theo trong người và trói lại. Không được kháng cự!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2020, 05:31:50 am »


       
3

        Dọc đường, thỉnh thoảng lại có một nhóm đồng bào từ trong rừng nhô ra. Các thanh niên đều mang súng, gậy hoặc dao rừng. Người cầm tiểu liên trao đổi với họ bằng tiếng địa phương. Đồng bào dừng lại bên đường, đứng ngó theo. Một hai thanh niên gia nhập vào đoàn áp giải. Đông nghĩ tốt nhất là cứ cúi mặt lặng thinh mà đi.

        Xã ở cách đó đến khoảng sáu, bảy ki-lô-mét đường rừng.

        Người ta đưa Đông vào một ngôi nhà đất ở rìa làng. Một trường học. Trên vách nứa có treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai dãy bàn học và những hàng ghế ghép bằng những ống bương bổ đôi chạy dài. Đây là một trường cấp một. Mực tím đổ loang trên mặt bàn. Trên bảng đen còn những hàng chữ phấn ghi một con toán về quy tắc tam suất.

        Những anh dân quân cầm súng đứng gác hai cửa ra vào. Người lớn, trẻ con kéo đến rất đông. Họ đều bị chặn lại ở ngoài. Đông nhìn ra cửa sổ thấy người cầm súng tiểu liên đang nói chuyện với một người đàn ông đứng tuổi mặc sơ mi màu trứng sáo, khoác chéo người một chiếc xà cột. Anh đoán đây là một cán bộ của xã.

        Bác mặc áo trứng sáo bước vào, nhìn Đông chòng chọc rồi hỏi bằng tiếng Kinh rất sõi:

        - Anh có mang theo giấy tờ gì trong người không?

        - Tôi có chiếc bản đồ bay thì các... anh dân quân đã lấy rồi.

        - Anh bảo anh là người của ta thì có giấy chứng minh thư của Quân đội nhân dân Việt Nam không?

        - Tôi không mang theo chứng minh thư, nhưng trên máy bay có hình phù hiệu của ta.

        Bác ta quay lại hỏi gì người mang tiểu liên bằng tiếng địa phương, rồi lại hỏi Đông:

        - Anh có muốn đề nghị gì không?

        - Tôi muốn được gặp huyện đội hoặc đơn vị bộ đội ở gần đây để yêu cầu dùng cách gì nhanh nhất báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh là tôi đã cho máy bay hạ cánh xuống xã nhà.

        - Tôi sẽ báo cáo. Nhưng tôi phải xem máy bay đã. Huyện đội không ở gần đâu. Chúng tôi phải cảnh giác vì tháng trước chúng tôi vừa bắt được một toán biệt kích.

        - Tôi rất tin tưởng ở tinh thần cảnh giác của... - Đông lúng túng không biết gọi người đó bằng gì - Nếu... đi kiểm tra máy bay thì tôi thấy nên cho rút nước ở ruộng ra. Nước có thể ngấm vào làm hỏng những thiết bị bên trong.

        Bác ta nhìn vết thương trên trán Đông rồi trao đổi với người mang tiểu liên vẫn bằng tiếng địa phương. Sau đó, bác lại cởi trói cho Đông và bảo:

        - Bây giờ anh về nhà tôi nằm nghỉ. Nếu anh là người của ta thì đừng lo ngại gì. Nhưng nếu anh không phải là người của ta thì không trốn được đâu. Chung quanh anh lúc nào chúng tôi cũng có người canh gác.

        Đông được dẫn về một ngôi nhà sàn ở gần đó. Nhìn xuống sân, anh thấy một hàng rào dân quân mang súng đứng quanh nhà. Lát sau, một chị mặc sơ mi trắng và quần đen như người miền xuôi, đeo chiếc túi có hình chữ thập đỏ đến gặp anh. Chị xem vết thương của Đông rồi bôi thuốc và băng lại bằng một miếng băng dính. Chị không đụng gì đến vết sưng bươu trên trán anh. Sắp làm xong công việc, chị bỗng chăm chăm nhìn vào cổ áo Đông và hỏi:

        - Cổ áo anh làm sao rách?

        Đông cũng không hiểu sao cổ áo mình lại rách. Anh giơ tay lên lần xem, nhận thấy mình đã mặc một chiếc áo cũ cổ bị rách chưa có dịp vá lại. Mình tưởng là chỉ ở sân bay hoặc ngồi trong máy bay, ai ngờ lại gặp đồng bào với chiếc áo rách cổ này. Đông nói:

        - Không can chi đâu. Áo này của tôi bị rách từ trước.

        Chị y tá ngồi im ngẫm nghĩ một lát rồi lại chỉ vào vết tím trên trán anh, hỏi tiếp:

        - Còn chỗ này, tại sao?

        - À... tôi va phải một cành cây...

        - Không phải. Tôi biết rồi. Anh nằm xuống!

        Chị lấy bông thấm cồn rồi bảo Đông nhắm mắt lại. Chị ngồi bên Đông, dùng tay day miếng gạc hồi lâu chỗ sưng trên trán anh. Khi Đông mở mắt, anh chợt nhìn thấy hai mắt chị đỏ hoe. Chị nói với Đông ngọt ngào:

        - Anh nằm nghỉ đi. Lát nữa tôi sẽ mang cháo đến.

        Buổi chiều, bác mặc áo sơ mi trứng sáo mới quay về. Đông nằm trên nhà nhìn xuống dưới sân thấy chị y tá giữ bác ở hàng rào nói chuyện gì một hồi lâu. Rồi bác áo xanh hấp tấp lên cầu thang, bước vào nhà. Anh vừa kịp nhỏm dậy thì bác đã đến ngồi ở bên cạnh. Bác mỉm cười với anh và nói:

        - Giới thiệu với đồng chí (tiếng "đồng chí" đầu tiên Đông được nghe từ khi tới đây đến giờ), tôi là chủ tịch xã. Tôi vừa đi xem máy bay về. Qua nghiên cứu máy bay và trang bị của đồng chí, chúng tôi nhận thấy tất cả đều là những thứ do ta hoặc các nước bạn sản xuất. Đặc biệt là chúng tôi có theo dõi thái độ của đồng chí từ khi gặp sự hiểu lầm của đồng bào đến giờ. Tôi cũng ở trong quân đội. Tôi thấy đồng chí là người có đầy đủ bản chất một chiến sĩ Quân đội nhân dân. Đồng chí sẽ ở lại với chúng tôi một vài hôm. Từ đây lên huyện phải đi một ngày cật sức. Sáng mai, chúng tôi cử người lên báo cáo thì ngày kia mới có người trên huyện về. Lại còn khó khăn nữa là mấy hôm trước trời mưa, nước lũ mới đổ về, đường đi qua sông, suối khó khăn. Nhân dân xã chúng tôi sẽ đón tiếp đồng chí như đón người đi tiền tuyến trở về.

        Từ lúc đó, Đông được coi là một khách quý.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2020, 05:32:36 am »


        Chị y tá bắc cái nồi lớn đun nước ngay giữa nhà. Gia đình lấy mấy chiếc nong quây một góc nhà lại, bắt Đông vào đó tắm. Đồng chí chủ tịch xã tự mình chuyển nước cho Đông. Anh bí thư thanh niên mang tới một cái quần "phăng" và một chiếc sơ mi trắng còn mới để Đông mặc thay bộ quân phục mà chị y tá đã vội vã đem đi giặt. Đôi ủng bê bết bùn đất của anh được lau sạch bóng.

        Buổi tối, đồng bào tấp nập mang quà tới, những quả trứng, nải chuối, tấm mía, trái chanh, trái bưởi, lại có cả một hộp sữa nước.

        Những người đã đến không ai chịu về, dần dần đông đầy nhà. Một buổi liên hoan không hẹn trước bắt đầu. Thanh niên hát bài Vì nhân dân quên mình và bài ca Giải phòng miền Nam. Tiếng hát khỏe và đều. Chị y tá xung phong hát một bài. Đó là Bài ca may áo. Đông rất lúng túng. Anh hát rất xoàng và cũng không biết ngâm thơ. Tài tán và bịa chuyện của anh không thể đem ra dùng ở đây. Đang lúc anh chẳng biết làm gì thì một chị bế đứa nhỏ của mình đặt vào tay Đông. Thằng bé đầu không có tóc, thân hình vuông vức như chiếc bánh chưng, cổ tay đeo đến gần chục chiếc vòng bạc. Chị là người đã mang tới đây hộp sữa.

        - Cho khăm trời thằng con trai mang nó đi cho nó lái máy bay

        Đông đón láy đứa nhỏ, nói:

        - Chị cho thật, ngày mai tôi đem cháu đi luôn nhé!

        Người mẹ trẻ giương đôi lông mày nhỏ và cong:

        - Cho thật.

        Mọi người cười ồ. Đứa bé nhìn mặt anh thấy lạ, giãy ra, oài người về phía mẹ nó. Đông cảm thấy lưng mình hơi đau. Khéo không lại giống anh Tú thì phiền đây, anh nghĩ. Mẹ đứa bé phải đón lại nó, nói với Đông:

        - Cho thật rồi. Bao giờ nó lớn khăm trời về đón nó đi học.

        Đông không hiểu hai tiếng "khăm trời " là gì.

        Một cụ già vừa bước lên. Cụ có bộ râu dài, nước da đen vậ khỏe, những nếp nhăn rất rõ chạy vòng hai bên đuôi mắt như đôi cánh chim. Cụ chìa tay ra trước mặt Đông, chém chém vào khoảng không. Đồng chí chủ tịch bảo anh:

        - Ông cụ chào đồng chí đó!

        Đông vội chắp tay và nói:

        - Chào cụ.

        Cụ già đi lách giữa những người ngôi đó, đến trước mặt Đông:

        - Nhân dân kẻ bản rất sung sướng vì có khăm trời đưa máy bay của Đảng và chính phủ về. Đồng bào đã nhìn thấy máy bay Mỹ rơi xuống đất là tan tành. Khăm trời và máy bay xuống kẻ bản đều lành lặn, đồng bào rất vui mừng. Tôi thay mặt các cụ lão đến chúc sức khỏe khảm trời...

        Đông quay sang phía đồng chí chủ tịch xã, hỏi nhỏ:

        - Khăm trời là gì?

        - Là "người trời" - Đồng chí chủ tịch nói - Từ chiều đến giờ nhiều đồng bào đều gọi đồng chí là “người trời”.

        Chết chưa! Vậy mà mình cứ điềm nhiên ngồi nghe. Đông vội nói:

        - Thưa cụ, cự chớ gọi cháu là “khăm trời”. Anh em chúng cháu trước đây đều là người nghèo khổ. Bố cháu ngày xưa cũng đi ở đợ. Nhờ có Đảng và có Bác Hô cứu cho, nhờ nhân dân nuôi ăn, nuôi học nên ngày nay lái được chiếc máy bay. Chúng cháu không phải là người trời. Chúng cháu chính là con của nhân dân, con của Cụ Hồ.

        Buổi liên hoàn kéo dài đến lúc chị y tá nhắc đồng chí chủ tịch lần thứ hai phải để cho Đông đi nghỉ.

        Chủ tịch xã vui vẻ nói:

        - Bây giờ xin mời đồng bào tạm về nhà, mai lại tới. Đồng chí phi công đánh nhau với mấy chục máy bay Mỹ sáng hôm nay không mệt bằng từ lúc về nghỉ ở bản ta đến giờ.

        Chỗ ngủ của Đông đã được chuẩn bị chu đáo. Vén cửa màn nhuộm màu chàm lên, Đông thấy một chiếc khăn trải giường bằng thổ cầm đặt trên tấm nệm dày. Đầu giường là một chiếc gối xếp bằng vải mà từ lâu Đông mới lại trông thấy. Lại có cả một cái chăn bông đề phòng đồng chí lái máy bay không quen với khí hậu mát mẻ của miền núi ban đêm.

        Khi về kể lại chắc là khối cậu phát ghen với mình. Nhưng bây giờ thì hẳn là cả đơn vị đang rất phiền vì chuyện mình chưa trở về. Thế nào cũng có những đồng chí tin là mình đã chết. Bao nhiêu người đang khổ vì mình. Thằng Quỳnh có lẽ đã khóc mình rồi cũng nên. Không biết đến lúc nào mới báo được tin cho đơn vị biết cả mình và máy bay đều an toàn...

        Giờ này chắc cô ấy và con đã ngủ ngon. Gần đây, cô ấy hay nhắc đến sự liều lĩnh của mình. Cũng có nhiều người đã hiểu lầm mình như cô ấy. Thực ra mình không liều lĩnh. Trong lúc mọi người tưởng là mình liều lĩnh thì mình lại rất tính toán, rất suy nghĩ. Sáng nay chỉ cần mình không tỉnh táo, không suy nghĩ một giây thôi là mình đã không còn. Cuộc sống từ trước đến giờ lúc nào cùng chỉ đặt ra cho mình hai con đường. Một là lùi lại trước khó khăn để trở thành một kẻ ươn hèn. Hai là lao thẳng vào khó khăn. Mình đã suy nghĩ chán. Không có việc gì khó... Đúng như vậy.

        Hai ngày sau đó, vào giữa buổi trưa, một anh bộ đội cao lớn, cằm bổ đôi, đeo khẩu súng ngắn, phóng ngựa vào sân. Anh quàng vội dây cương vào chiếc cột nhà sàn rồi nhảy lên cầu thang chạy vào làm rung chuyển cả ngôi nhà. Đó là đồng chí huyện đội trưởng. Anh hỏi chuyện Đông xong, rồi nói:

        - Nghe báo cáo tôi vẫn không tin. Tôi bảo: Máy bay phản lực mà hạ cánh xuống xã các đồng chí thì thịt nát xương tan chứ nguyên lành thế nào được... Bây giờ, đồng chí phải về ngay với tôi để tôi còn báo cáo lên tỉnh đội. Đồng chí không biết là anh em chúng tôi mất ăn mất ngủ vì đồng chí suốt mấy ngày hôm nay rồi.

        Một lát sau, nửa tiểu đội dân quân đã tập họp trên sân cùng với một cáng võng. Huyện đội trưởng bảo Đông:

        - Đây là chỉ thị của cấp trên, đồng chí nhất thiết phải theo. Mời đồng chí lên cáng. Chúng tôi có nhiệm vụ phải bảo vệ sức khỏe để đồng chí chiến đấu lâu dài. Khi đồng chí về đến huyện sẽ có xe con hay trực thăng tới đón.

        Mười hai giờ liền nằm trên võng cáng, đó là thử thách gian khổ mà Đông phải chịu đựng trên đường về.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2020, 05:33:47 am »


CHƯƠNG XVIII

1

        Hết đợt công tác điều tra dưới xã, Hảo trở về trạm.

        Mấy cô bạn đang ngồi họp phân đoàn thanh niên, thấy Hảo xách túi bước vào, ríu rít cả lên:

        - Núi đá rời biển vào đất liền.

        - Chị Hảo cầm tinh con ngựa, càng đi nhiều càng đẹp.

        - Lần này thì trạm nhất định nhốt ngựa bất kham vào chuồng!

        Phân đoàn trưởng chạy ra, chìa tay bắt tay Hảo:

        - Chào đội trưởng dân quân đầu tóc. Đồng chí về lại mở các cuộc đấu tranh thì bọn con trai chúng tôi phải liệu đường mà bán xới!

        Hảo nắm chặt bàn tay gầy gò của anh ta, rồi nói:

        - Anh chị em trong nhà cả mà! Mình mới về đến cửa đã tập trung bao nhiêu mũi nhọn vào mình. Các anh chả tiến bộ chút nào! Tôi về sẽ tiếp tục đấu tranh với các anh.

        - Chưa tiếp tục được đâu! Đồng chí phụ trách trạm nói hễ thấy cô lò dò đi vào cửa là phải mời cô đến gặp ngay.

        - Có chuyện gì mà ghê thế? Thì cũng phải cho tôi thở, cho tôi giũ bụi đường xa một lát chứ!

        - Hảo có thư đấy nhé! Lát nữa gặp mình - Loan vừa nói với Hảo vừa tủm tỉm cười.

        Phân đoàn trưởng chuyển sang vẻ mặt nghiêm trọng:

        - Mình không nói đùa đâu. Cô có một bức điện vừa gửi tới trạm sáng sớm nay. Anh ấy đang giữ.

        Hảo biến sắc mặt. Hảo chưa bao giờ nhận được một bức điện. Cuộc đời của cô gái trong những năm qua đều đặn, phẳng lặng, bình yên quá, không có trường hợp nào phải cần đến phương tiện thông tin khẩn cấp này. Tin lành hay tin dữ? Mình chẳng làm gì có tin lành đến nỗi phải báo bằng một bức điện. Chỉ có thể là tin không lành thôi. Tin về Quỳnh? Vô lý! Quan hệ giữa mình và anh Quỳnh chưa đến mức có gì cần đơn vị phải báo tin cho mình. Chỉ có thế là tin gia đình thôi. Nam Định vừa rồi mới bị ném bom...

        Hảo vứt vội chiếc túi ở đầu giường rồi chạy ra trạm gặp đồng chí phụ trách. Vừa nhìn thấy Hảo, anh tươi cười nói ngay:

        - May quá! Tôi định chờ đến chiều không thấy cô về thì phải đánh điện cho cô.

        Anh chuyển cho Hảo một tờ giấy màu xanh. Hảo bóc bức điện, trống ngực đập dồn. Một dòng chữ vắn tắt: "Cậu sắp đi công tác xa. Con xin phép về thăm nhà ngay trước khi cậu đi'. Đọc xong bức điện Hảo mới hoàn hồn. Như vậy là bố dượng của Hảo sắp đi, chắc là đi chiến trường. Vì nếu chỉ đi công tác bình thường, không khi nào ông lại điện cho Hảo về.

        Hảo chuyển bức điện cho đồng chí phụ trách trạm đang ngồi im lặng theo đổi từng thay đổi nhỏ trên khuôn mặt cô. Xem xong, anh vui vẻ nói:

        - Thời chiến, mỗi lần nhận được bức điện cứ chết khiếp. Chắc là đi làm nhiệm vụ vinh quang, như vậy ông nhà hẳn là còn trẻ.

        - Cậu tôi mới ngoài bốn mươi...

        Hảo không muốn nói thêm đó chỉ là bố dượng của mình.

        - Về Nam Định à? Đi một tuần có đủ không?

        - Xin đồng chí thế thôi.

        - Cô có thể đi ngay. Đi về rồi bàn công việc sau. Tôi cũng đã nghe đồng chí trưởng đoàn báo cáo một phần về công tác của cô rồi.

        Hảo thấy mình cần có mặt ở nhà trong dịp bố dượng sắp đi xa, vì bố đã điện gọi mình về, hơn nữa, còn vì mẹ và các em. Vì người đi xa, mà còn vì cả những người ở lại. Hảo cũng đang muốn có dịp qua Hà Nội để hỏi thăm tin tức của Quỳnh và Đông. Câu chuyện người lái của ta nhảy dù từ hôm nọ đến giờ vẫn làm cô lo lắng.

        Hảo quay về nhà. Cuộc họp phân đoàn thanh niên vẫn chưa xong. Một cô ở trạm đang bị anh chị em "cạo" về quan điểm luyến ái. Hảo lấy vội quần áo đi tắm giặt, thấp thỏm không hiểu lá thư Loan vừa nói là của ai. Của mấy cô bạn ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Nội, của Thùy, hay của Quỳnh?

        Khi Hảo ôm thau quần áo ướt về sân thì thấy mọi người đã giải tán. Mình cũng đừng nên tỏ cho Loan biết là mình đang nóng ruột. Hảo dềnh dàng vừa giũ, vừa phơi, vừa vuốt từng chiếc quần áo cho thẳng, ở đây chẳng kiếm đâu ra bàn là. Nắng này chỉ tối là khô. Sáng mai sẽ có bộ quần áo sạch mặc đi đường. Loan ở trong nhà gọi ra:

        - Hảo vào mà lấy thư của "đơn vị" này!

        Cô biết chắc là thư của Quỳnh, vì Quỳnh gửi thư cho Hảo tương đối đều, còn Đông thì giục và trách Hảo không gửi thư cho mình chứ anh chưa lần nào viết thư cho Hảo. May ra, lá thư này sẽ làm cho mình bớt lo.

        Phong thư màu trắng in hình một cái Tháp Rùa. Từ ngày đó, Quỳnh vẫn gửi cho Hảo một loại phong bì này. Khi xem ngày đề ở cuối thư, Hảo hơi thất vọng vì thư này Quỳnh gửi từ trước cái ngày đã bắt đầu gây cho cô sự lo lắng. Quỳnh kể lại một buổi trực chiến ở sân bay theo yêu cầu của Hảo trong lá thư trước. Anh viết chỉ vài chục dòng, nhưng Hảo đã hình dung được cả khung cảnh và những con người ở chung quanh anh. Cô thấy đường băng buổi trưa bốc hơi phản chiếu ánh mặt trời hiện lên ở xa giống hệt như một con sông, thấy những đám cỏ may màu tím biếc cạnh đường băng rung rinh trước mỗi làn gió. Thư này, Quỳnh đã viết cho Hảo giữa một buổi trực chiến. Những trận chiến đấu sẽ xảy ra vào lúc nào không phải tùy ở mình. "Cuộc sống sẽ giảm đi rất nhiều y nghĩa nếu con người không còn khát vọng, say sưa, không còn những khó khăn để mỗi lần vượt qua được mình lại thấy mình lớn hơn một chút. Đáng sợ nhất là một cuộc sống nghèo nàn về mặt tinh thần".

        Anh viết là đọc những lá thư của Hảo mình như theo dõi được từng bước chân của cô, và nhận xét Hảo còn có nhiều năng khiếu về văn học.

        Lời khen đó nên dành cho anh ấy thì đúng hơn, cô gái nghĩ. Chính anh ấy mới là người biết diễn đạt một cách hay và súc tích mọi ý nghĩ của mình.

        Quỳnh nói cuộc chiến đấu rồi mai đây chắc sẽ quyết liệt hơn nhiêu. Và "Người ra đi bao giờ củng nhẹ nhàng hơn người ở lại..!'. Hảo bỗng nghĩ đến mẹ. Mình cần phải có mặt ở nhà không thì mẹ sẽ rất buồn. Anh ấy nói đúng. Những bức thư ngắn ngủi của Quỳnh lần nào cũng như dừng lại ở nửa chừng. Còn có cái gì anh ấy chưa nói ra được với mình. Cái đó mình và anh ấy đều đã biết. Nhưng tại sao anh ấy lại không nói? Chẳng lẽ anh ấy cũng như mình, không vượt qua được ngưỡng cửa của một sự thường tình? Mình chưa hiểu được đâu... Lần này mình sẽ tìm hiểu xem sao. Mình cần phải dẹp sự tự ái ra một bên. Mình sẽ tự quyết định lấy hạnh phúc của mình...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2020, 07:23:41 am »


       
2

        Thùy ở sân bay về được hai hôm thì đến trường. Chị phải dạy bù lại số giờ các bạn đã dạy giúp trong khoảng thời gian đi vắng. Chưa một ai biết gì về cái chuyện lớn lao đã xảy ra với chị. Chỉ có một người bạn nhìn cặp mắt thiếu ngủ và vẻ mệt mỏi của Thùy, hỏi: "Cậu lại nghén phải không? Lông mày dựng ngược lên rồi!".

        Sáng hôm ấy, giữa giờ giảng bài, chị chợt nhìn thấy một chiếc xe com-măng-ca dừng lại trước cổng. Học sinh thấy cô giáo đang nói bỗng im bặt, đánh rơi viên phấn trong tay. Thùy rời chiếc bảng đen, bước vội ra cửa. Bút đã hứa trước khi Thùy về, nếu có tin gì sẽ lập tức báo ngay, dù là tin dữ. Các anh ấy về tìm mình... Thùy không dám nghĩ nữa. Chị đứng dừng ở cửa ngó ra. Anh Bút kia rồi! Mình đoán không sai. Bút vừa mở cửa xe bước xuống đã nhìn thấy chị, giơ tay chào. Anh ấy đang cười với mình. Sao anh ấy lại cười? Bút không đi về phía chị mà lùi lại một bước, rồi trỏ tay vào trong xe. Một người nhỏ bé bước ra. Có thể thế được chăng? Chị không tin ở mắt mình. Có thể là anh ấy? Nhưng đúng rồi! Đúng là anh ấy. Đông mặc một bộ quân phục mới, chân dận đôi ủng đỏ trông lạ hẳn, xăm xăm bước về phía chị. Mặt anh thản nhiên như không. Nhưng chị nhận thấy nước da của anh xanh tái. Chính cái sắc mặt xanh xao đó của anh đã bứt Thùy ra khỏi sự bâng khuâng như giữa một cơn mê. Chị biết là chồng mình vừa trải qua một thử thách rất quyết liệt. Và anh đã trở về. Chị quay lại nói với học sinh:

        - Cô xin lỗi các em. Cô có chút việc bận, các em tạm nghỉ tại chỗ mười phút, đừng ồn ào làm ảnh hưởng đến các lớp khác.

        Rồi Thùy bước vội ra đón chồng. Đông nói giọng trang nghiêm:

        - Anh đi công tác đã về. Bây giờ anh phải về ngay đơn vị báo cáo. Các anh ấy bảo qua đây gặp em để em yên tâm.

        Thùy đứng lặng nhìn anh không nói được nên lời. Đông ghé lại sát gần chị thì thào:

        - Anh cấm khóc. Buồn hay vui cũng không được khóc. Học sinh của em đang ngó đầu cả ra nhìn em và anh kia kìa?

        - Anh nhảy dù à? - Thùy gắng gượng nói.

        - Sao lại nhảy dù? Em muốn anh vứt máy bay đi ư...! Lúc khác sẽ kể chuyện này. Em và con có khỏe không?

        - Con khỏe. Còn em, anh trông em thì rõ. Trán anh làm sao thế này? - Chị lo lắng trỏ vào cái vết tím trên trán của chồng.

        - Anh đụng đầu phải cái cột nhà. Đồng bào ở nhà sàn tối quá!

        Từ hôm qua đến giờ, kể cả Bút hỏi, Đông đều trả lời như vậy.

        - Em đừng lên sân bay nữa nhé! Chờ ở nhà, anh lên đó một vài hôm sẽ quay về.

        Đông nói rồi hấp tấp ra xe. Lẩn này, anh đúng hẹn với chị. Ba ngày sau, Đông quay về Hà Nội với gia đình một ngày, rồi vào viện 108 kiểm tra sức khoẻ và điều trị sau lần hạ cánh bắt buộc.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM