Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:29:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27022 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2020, 07:03:21 am »


3

        Hảo đột nhiên đứng lên bảo Thùy:

        - Mình phải đi đây.

        - Sao? Mình tưởng cậu ở chơi cả chiều nay với vợ chồng mình?

        - Không. Chiều nay mình còn chút việc.

        Biết mình khó giữ được bạn, Thùy quay vào nhà trong gọi chồng:

        - Anh Đông ơi! Hảo nó đang đòi về đây này...

        Đông hấp tấp chạy ra, hai bàn tay còn dính những vẩy cá.

        - Mai tôi đi rồi mà cô không ở chơi được hết chiều nay à?

        - Mai em sẽ đến tiễn anh ra ga... Em phải mang sách trả thư viện nhà trường cho kịp giờ để còn mượn sách mới đọc tối nay.

        Hảo vừa đi khỏi, Thùy hỏi chồng:

        - Hảo nó có vẻ không vui nhỉ? Hay là anh đã nói gì phật ý nó?

        - Đâu có! Tại thằng Quỳnh chưa viết thư cho nó. Cái thằng Quỳnh ấy đại thôn!

        - Anh thì bao giờ cũng chủ quan. Anh tưởng Hảo nó tha thiết với anh Quỳnh đến thế kia!

        Riêng về loại chuyện này, Thùy không bao giờ cho chồng là người tinh tường. Thùy vẫn nghĩ Hảo đã có một phương hướng khác. Thùy biết tính bạn. Khi nó đã có chủ định rồi thì không ai nên góp ý kiến với nó làm gì.

        Sau bữa cơm chiều, Thùy đang bưng chồng bát đĩa mới rửa từ trong nhà bếp ra thì nghe Đông nói:

        - Thùy ơi! Chúng mình cho con đi chơi đi!

        - Đến nhà ai hả anh? - Thùy đứng dừng hỏi lại chồng.

        - Không đến nhà ai. Đi chơi mát.

        Thùy ngước mắt nhìn chồng, vẻ ngạc nhiên. "Đi chơi mát", mấy tiếng đó chị nghe lạ tai. Chị không nhớ buổi chiều đi chơi mát lần trước của hai người cách đây bao lâu rồi. Sao anh ấy lại có một ý định "hoang phí" thời giờ như vậy.

        - Chung Thủy ơi! Bố cho mẹ con mình đi chơi mát đó con ạ! - Chị quay lại nói với con cũng là để trả lời chồng và giấu một nụ cười.

        Ban nãy Hảo đã tết tóc Chung Thủy thành hai cái đuôi sam bé tí teo như hai cái đuôi chuột. Không phải chải đầu lại cho nó nữa, chỉ cần mặc cho nó chiếc váy hoa. Giờ mình cũng phải sang sửa lại con người một chút để đi chơi với anh ấy chứ! Anh ấy nói sáng mai đã phải đi.

        Đông chạy sang nhà bên về, đứng sững nhìn vợ và con. Thùy đã mặc chiếc áo sơ mi lụa mỡ gà óng nuột và buộc lên mái tóc một dải lụa màu tím. Chung Thủy đứng bên mẹ sạch sẽ như một con búp bê bày trong tủ kính. Thùy chỉ cho Đông chiếc áo sơ mi màu ghi khoác ở tay ghế.

        - Anh thay áo.

        Thấy Đông có vẻ chần chừ, chị nói tiếp:

        - Anh mặc đi không có lãng phí. Chờ anh xỏ tay lần nữa, khéo mà áo mục mất rồi.

        Chiếc áo sơ mi này Thùy may cho chồng hồi mới cưới. Cái áo từ lâu không được dùng đến hằn những nếp gấp.

        Gió nóng hầm hập. Nhưng Thùy không cảm thấy không khí oi ả của buổi chiều hè. Lòng chị đang tràn trề hạnh phúc vì buổi đi dạo hiếm hoi đến bất chợt. Chị nhìn dọc đường phố thấy đâu cũng là hoa. Những chùm hoa phượng màu cờ. Lại còn cả những chùm hoa tím kia. Mọi ngày mình không chú ý đến nó. Sao nó đẹp, y như là những bông hoa giấy được làm nên bởi những bàn tay tuyệt khéo. Những bông hoa không biết sợ nắng mặt trời mùa hạ, đơm cả lên đầu cành để tắm nắng và che mát cho cây. Trông anh ấy xúng xính trong cái áo vẫn còn mới, nom thật buồn cười. Anh ấy cũng là một bông hoa mùa hè không biết sợ nắng lửa đâu, anh ấy sẽ che nắng, che lửa cho mình và cho con.

        Chung Thủy đòi vào một cửa hàng giải khát ăn kem. Thùy âu yếm nói với chồng:

        - Chúng mình chiều con nhé?

        Cửa hàng giải khát đông nghịt người. Khi họ ở đây quay ra thì trời bắt đầu tối. Thùy dắt Chung Thủy đứng nhìn dãy đèn dọc phổ đã bật sáng, hỏi chồng:

        - Đi đâu bây giờ?

        - Đi theo anh.

        Đông hỏi Chung Thủy:

        - Bố cõng, bằng lòng không?

        Con bé gật đầu. Đông ngồi xuống bế xốc nó lên vai. Đông đi rất nhanh. Anh ấy có quen đi dạo thế này bao giờ đâu. Thùy phải bước dấn lên, nói nhỏ vào tai chồng:

        - Em không theo kịp anh đâu.

        Nhìn thấy vẻ đăm chiêu của chồng, chị lại buồn cười. Anh ấy rủ con và mình đi chơi mát mà lại có bộ mặt thế kia.

        Đến chỗ có cửa hàng bán hoa ở ngã tư, Đông rẽ sang con đường đôi. Mình biết anh ấy định đi đâu rồi. Mới hơn ba năm qua mà tưởng như đã lâu lắm. Mùa xuân năm ấy, cưới nhau được một tuần, anh ấy chuẩn bị tiếp tục ra ngoài học. Tối đó, trời lạnh và mưa lâm thâm. Anh ấy đã dẫn mình đi chơi trên con đường đôi này nói chuyện vợ chồng sắp phải sống xa nhau và những chuyện tương lai.

        - Thùy có nhớ lần trước đi chơi trên đường này không? - Đông hỏi.

        - Có.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2020, 06:44:32 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2020, 07:24:25 am »


        Thùy nghe giọng nói của chồng trở nên dịu dàng:

        - Ngày ra tập kết, anh mới mười chín tuổi. Anh nghĩ là kháng chiến đã kết thúc Anh tự hỏi rồi đây mình làm nghề gì. Có lúc anh ao ước trở thành một cầu thủ nổi tiếng. Có lúc anh mơ ước trở thành một nghệ sĩ, một nhà văn hay một nhà thơ... Em đừng cười những ý nghĩ đó của anh. Hồi đó anh còn rất giản đơn. Anh tin rằng chỉ cần có quyết tâm thì muốn làm gì anh cũng sẽ làm được. Đến lúc được lựa chọn đi học văn hóa chuẩn bị ra nước ngoài, anh mong sẽ trở thành một chiến sĩ lái xe tăng... Bây giờ thì anh đã biết rõ anh sẽ trở thành một người như thế nào rồi. Anh sẽ mãi mãi là một chiến sĩ lái máy bay. Cuộc thi đấu của các anh đã chuyển lên bầu trời: Phải kéo cao ngọn cờ Tổ quốc mình ở trên đó. Các anh sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của những người chiến sĩ Việt Nam đầu tiên lái máy bay. Riêng anh sẽ phải cố gắng rất nhiều em ạ...

        Anh đang cân nhắc xem có nên tiếp tục nói hết những điều mình định nói để cho cô ấy biết lo dần đi, hay là cứ để cho cô ấy vui trọn tối nay.

        Thùy không để ý tới vẻ ngập ngừng của chồng. Lễ đài Ba Đình đã ở phía trái họ. Những đường nét thanh thanh chạy dài trên nền trời tro nhạt ban đêm. Mấy cây cọ ở khu vườn Phủ Chủ tịch lặng lẽ in hình sau khán đài.

        - Lần đầu em được nhìn thấy Bác là ở đây, trong ngày lễ Quốc khánh năm em mới ra tập kết - Thùy bỗng nói.

        - Anh cũng vậy.

        - Nhưng có điều này anh chưa biết... Ngày đó em là một trong những cháu gái miền Nam được mang hoa lên dâng Bác.

        Đông quay sang nhìn vợ. Sao chuyện đó mãi hôm nay cô ấy mới kể với mình? Thùy không nhìn anh, vẫn bước đi chậm rãi, nói tiếp:

        - Có một điều rất lạ là từ sau lấn được gặp Bác đó, mỗi khi dự mít tinh hay hội họp ở đầu có Bác tới, em đều cảm thấy như Bác biết có em, Bác đang nhìn em và đang nói chuyện với em.

        Anh bất chợt cảm thấy như Thuỳ vừa đọc được những ý nghĩ của mình.

        Mùa thu năm ngoái, Bác đã tới trung đoàn bay. Bữa đó trời nắng gắt. Cả đơn vị tập họp trên sân bay đón Bác. Riêng biên đội của Đông được phân công trực chiến phải chờ Bác ở nhà trực. Bác giơ mũ vẫy chào mọi người. Đông nhìn thấy mái tóc Bác bạc trắng. Bao giờ thì Bác vô trong kia để đồng bào miền Nam được gặp? Anh bỗng có một ý nghĩ dại dột: Liệu có kịp nữa không...? Bác già lắm rồi! Và Đông muốn khóc. Bác tiếp tục đi về phía biên đội trực chiến. Bác đội chiếc mũ cát rộng vành lên đầu như muốn khỏi làm phiền những đồng chí đang lo che nắng cho Bác. Bác vẫn mặc bộ quần áo ka ki bạc màu và đi đôi dép cao su đen quai rất rộng. Bác tiến lại mỗi lúc một gần. Đông đã nhìn rõ cả những chấm mồi đen trên da mặt Bác. Những chấm mồi của tuổi già nhói vào tim anh. Nhưng rồi tất cả đều như mờ đi. Đông đứng nghiêm như một pho tượng để chào Bác. Anh thoáng thấy Bác gật đầu. Bác dừng lại trước mặt anh. Và hình như Bác đang tươi cười chăm chú nhìn anh. Bỗng anh nghe một giọng ấm áp rất quen thuộc:

        - Chú mặc thế này có nóng không?

        - Thưa Bác không ạ.

        - Chú là người Khu Năm?

        -Dạ.

        - Nếu gặp địch thì phải bám lấy thắt lưng chúng mà đánh như các anh em ở trong kia.

        -Dạ.

        Bác gật đầu với Đông lần nữa rồi đi. Khi đó Đông mới như chợt tỉnh ra. Anh ân hận đã không có lấy một lời chúc mừng sức khỏe Bác và nhất là một lời hứa hẹn khi Bác trao nhiệm vụ.

        Cũng trong lần đến thăm này, Bác đã chỉ thị cho đơn vị phải báo cáo mỗi khi bắn rơi máy bay địch và Bác sẽ tặng cho người lái mỗi lần bắn rơi máy bay địch một huy hiệu của Bác.

        Trong trung đoàn đã có những người được tặng huy hiệu của Bác, có người được trực tiếp gặp Bác. Nhưng riêng anh thì chưa. Anh lại còn có thêm một nỗi khổ tâm. Cứ mỗi lẫn đơn vị báo cáo lên một chiến sĩ lái bắn rơi máy bay địch, anh lại cảm thấy như Bác đang tự hỏi: Có phải chú này là cái chú be bé người Khu Năm mặc bộ đồ bay màu lá cây bữa đó không...?

        Đông hỏi Thùy:

        - Em có biết tại sao không?

        - Đó là do em tưởng tượng ra thôi.

        - Bác giống như ông mặt trời. Khi mặt trời đã hiện ra thì ta đứng ở đâu cũng thấy mặt trời quay về phía mình...

        Chung Thủy đã ngủ trên vai Đông. Họ đi ngang hết quảng trường sang đến bờ rào cây xén của Phủ Chủ tịch.

        - Đến nhà Bác rối anh ạ? - Thùy nói rất sẽ vào tai Đông như sợ một người thứ ba nghe thấy.

        Bên kia hàng rào, những vòm cây đen sẫm lồng vào nhau trong bóng đêm. Dọc hàng rào từng quãng lại có một ngọn đèn điện nhỏ. Ngôi nhà Phủ Chủ tịch nổi lên trang nghiêm giữa khu vườn. Màu vàng của những bức tường trong đêm đã chuyển thành màu trắng nhạt.

        Họ đi chầm chậm trên con đường nhỏ lát gạch chạy giáp hàng rào cây xanh. Mỗi người mang một suy nghĩ riêng. Nhưng họ đều có cảm giác từ trong khu vườn tĩnh mịch, trang nghiêm kia, Người đang đứng nhìn ra và Người đã trông thấy họ.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:30:40 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2020, 07:25:11 am »


        
4

        Nhà ga tràn ngập người. Rất đông bộ đội. Những chiến sĩ trẻ, hành lý, súng đạn đầy người, lên đường đi về phía Nam. Những cán bộ quân đội cũng ba lô trên vai, bộ mặt mang nếp nhăn dày dạn của chiến trường, trầm tĩnh, đẩy tự tin. Nhưng tạo nên cái không khí khẩn trương khác thường của sân ga vào buổi sáng hôm đó, chính là những người ra đưa tiễn đông đảo và nghiêm trang.

        Những cuộc tiễn đưa đã mang một ý nghĩa khác.

        Hảo lặng lẽ quan sát cái quang cảnh mới đang hiện ra trước mắt mình. Một cô gái tóc thề đứng nắm tay một anh chiến sĩ trẻ ở ngay giữa nhà ga. Họ đã đứng như vậy nói chuyện với nhau từ rất lâu như quên hết những người ở chung quanh. Và ai nấy đều tỏ ra tôn trọng những giờ phút này của họ. Một đồng chí thiếu úy to lớn bồng đứa con nhỏ trên tay nhẹ nhàng như ôm một con búp bê, đang dặn dò gì một chị, chắc là vợ anh, đứng bên một bà cụ già. Một chú thiếu niên đeo chiếc ba lô cóc rất nặng của ông bố đi trước, bước vào nhà ga nhìn mọi người như muốn nói: "Ngày hôm nay bố tôi lại lên đường ra trận...". Hảo bỗng cảm thấy mình là một người ngoài cuộc. Ai nấy đều không chú ý đến một cái gì khác ngoài người nhà của họ sắp ra đi. Chỉ có riêng mình là đang đứng để nhìn ngắm tất cả.

        Hảo đã nhất định bắt vợ chồng Đông phải đứng chơi với con ở ngoài để mình sắp hàng lấy vé tàu và vé ra sân ga. Hảo ngó lại phía sau, thấy Thùy đang ôm con, quay mặt về phía quầy hàng bách hóa trong nhà ga như để tìm mua một thứ gì. Đông đứng bên cạnh, bóc một quả cam đưa dần từng múi cho con. Cuộc chia tay không gây cho Thùy nhiều xúc động lắm, có lẽ vì như Hảo đã nghe nói ban nãy: vài tuần nữa Thùy sẽ đưa con lên sân bay thăm Đông. Họ chỉ xa nhau có ít ngày. Nhưng mình với anh Đông thì có thể sẽ xa nhau lâu. Anh ấy lên trên đó và mình thì ra ngoài kia. Chỉ nhìn sân ga hôm nay cũng đủ biết tình hình đang chuyển biến nhanh.

        Khi Hảo lấy được xong các loại vé, bốn người kéo ra sân ga thì tàu đi Lao Cai đã sắp bắt đầu chạy. Thùy bảo chồng:

        - Anh lên tàu thôi không họ ngồi hết chỗ.

        - Anh không cần ngồi. Anh sẽ đứng cho đến khi tàu tới nơi. Nhường chỗ cho những người đi xa.

        Hảo cũng giục Đông:

        - Anh cũng phải lên đi, tàu sắp chạy.

        Đông ghé vào tai Hảo nói nhỏ:

        - Cô cứ yên trí, khi nào tôi đánh nhau rồi tôi sẽ gửi thư cho cô, một lá thư thật dài.

        - Em sẽ chờ. Nhưng chưa đánh thì anh cũng phải viết thư cho em.

        - Không thể nào lại chưa đánh được!

        Đông quay lại đón Chung Thủy ở tay Thùy, áp má nó vào má mình một lát, mắt đỏ lên. Con bé rất giống bố, giống cả cái vẻ gan góc của bố.

        Còi tàu đã rúc.

        - Lên đi anh, không lại lỡ bây giờ! - Thùy giục.

        Đông trao Chung Thủy lại cho Thùy. Bất thần, anh chìa tay bắt tay vợ và nói:

        - Vĩnh biệt!

        Đông nhảy vội lên tàu. Cũng lúc đó, những chiếc bánh sắt nặng nề bắt đầu chuyển động.

        Hảo lặng đi từ khi nghe lời chào của Đông.

        Thùy vẫn tươi cười ôm con, nhìn theo chồng vẫy tay. Vết lúm đồng tiền trên má làm cho khuôn mặt chị thêm hồn hậu. Khi con tàu khuất trên đoạn đường vòng, chị quay lại mỉm cười với Hảo đang đứng ngơ ngác:

        - Đó, cậu xem anh Đông, luôn luôn đùa kiểu đó... Rất là ba trợn - Thùy dùng một tiếng nói của quê hương.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:30:55 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2020, 07:26:12 am »

   
CHƯƠNG XIII

1

        Hòn đảo cấm bắt đầu hé cửa cho thế giới bên ngoài.

        Những trận đánh đã nổ ra. Việc giới thiệu, cổ động cho một mặt trận trên cao vừa mở ra, đã trở thành cần thiết. Ngoài những cán bộ thuộc các ngành có liên quan tới binh chủng khá đông đảo, còn có đội ngũ của những người làm công tác nghệ thuật, những nhà văn, nhà báo.

        Trọng tới sân bay vào cuối tháng Năm, sau khi đã dự hội nghị mừng công của Quân chủng Phòng không và Không quân để tìm hiểu tình hình chung. Anh được phân công tới đấy làm phóng viên thường trú. Tòa soạn đang cần một số bài tường thuật kịp thời về các trận đánh của không quân.

        Sau khi xem các giấy tờ của anh, đồng chí chủ nhiệm chính trị trung đoàn, người trắng trẻo, có vẻ "thư sinh" tiếp Trọng với vẻ cởi mở, nói rằng đơn vị rất hoan nghênh sự có mặt lâu dài của anh. Nhưng khi Trọng hỏi về phạm vi tìm hiểu của mình thi chủ nhiệm trở nên dè dặt. Anh nói:

        - Theo quy định của trên thì các anh sẽ không hỏi về số lượng, tính năng, trang bị của máy bay, về trình độ kỹ thuật, chiến thuật của người lái. Phạm vi có thể đi sâu của các anh là về mặt tình cảm. Việc "thâm nhập" của các anh ở đây chắc là không thể thuận lợi như khi các anh tới những đơn bị bộ binh. Ở đó, ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu với các chiến sĩ là một điều có thể được và còn cần thiết. Nhưng ở đây điều đó lại... rất khó. Anh em lái có những sinh hoạt riêng, ăn theo định lượng, ngủ phải tính giờ và luôn luôn phải bàn bạc cách đánh địch. Công tác của anh sẽ gặp khó khăn, nhưng mong anh hết sức thông cảm với chúng tôi...

        Chủ nhiệm chính trị nói với Trọng là anh hiện có một người bạn đồng nghiệp cũng đang ở đây. Đó là đồng chí phóng viên tờ báo của quân chủng. Anh giới thiệu thêm, ngoài anh phóng viên này, còn có mấy cán bộ sáng tác của đoàn văn công. Một người làm biên đạo múa, một người sáng tác nhạc. Trọng nói muốn được ở cùng một chỗ với đồng chí phóng viên để theo anh đi đây đi đó cho khỏi bỡ ngỡ. Đề nghị của Trọng được chấp nhận. Chủ nhiệm chính trị bảo một trợ lý đưa Trọng sang giới thiệu với trung đoàn căn cứ. Đó là đơn vị chăm lo mọi mặt sinh hoạt vật chất cho trung đoàn bay và ăn ở với đơn vị căn cứ. Chủ nhiệm chính trị nói:

        - Hai trung đoàn chúng tôi là những đứa con sinh đôi. Tổ chức của các đơn vị bay đều như vậy.

        - Tôi không ngại gì về mặt sinh hoạt - Trọng nói - Về đây với các anh, thấy rất đàng hoàng so với những nơi tôi vừa đi trong thời gian qua... Ngày mai tôi muốn ra luôn sân bay, có được không?

        - Lát nữa, tôi sẽ cho làm giấy tờ đưa anh. Anh cứ đi cùng đồng chí Ra Đa hoặc các đồng chí văn công. Anh chị em ngày nào cũng kéo nhau ra "phục" ở ngoài đó. Tất cả đều đang chờ một trận đánh. Anh đến với chúng tôi dịp này có thể gặp. Mấy ngày nay địch đang lấn thêm ra.

        Khi Trọng chào chủ nhiệm chính trị để cùng đi với đồng chí trợ lý tuyên huấn thì chủ nhiệm giữ bàn tay Trọng lại trong tay mình nói:

        - Tôi rất thông cảm với yêu cầu của anh. Anh em bay đều ham đọc sách, đọc báo. Đó cũng là một thuận lợi đối với anh. Thực ra thì... chúng tôi rất muốn cởi mở tất cả. Như vậy chỉ có lợi cho chúng tôi thôi. Bây giờ thì tốt nhất là anh cứ ở đây với chúng tôi một thời gian, rồi anh sẽ hiểu, anh sẽ hiểu cả những điều chúng tôi không nói, cả những điều chúng tôi cũng không biết. Khi đó thì chính chúng tôi lại phải yêu cầu anh nói cho nghe để biết thêm tình hình mà làm công tác của mình.

        Họ tạm chia tay nhau. Trọng thấy là sẽ không cần phải nói gì thêm về những yêu cầu công tác của anh.

        Doanh trại ở chân một quả đồi. Nhiều dãy nhà một tầng và hai tầng nằm dựa lưng vào đồi, quay mặt ra con đường trực từ sân bay chạy ra quốc lộ. Những ngôi nhà đều mới xây.

        Khắp nơi là màu đỏ. Màu đỏ sậm của những con đường, những bãi đất, những bờ hào giao thông để phòng máy bay địch oanh tạc. Màu đỏ tươi của mái ngói. Phi lao, bạch đàn, sấu, nhãn mới trống đều còn nhỏ. Chắc cũng vì nhận thấy như vậy nên những người xây dựng đã quét cho các ngôi nhà một lớp vôi màu xám nhạt và sơn cho các cánh cửa những màu xanh lá cây đậm, nhạt khác nhau.

        Trọng được bố trí ở gian nhà khách nằm về cuối doanh trại trên sườn đồi. Hàng xóm bên trái của anh là đồng chí hạ sĩ giữ thư viện của trung đoàn. Hàng xóm bên phải là mấy chiến sĩ phụ trách chiếc máy làm kem. Lần đầu, anh gặp trong bộ đội những người bạn chiến đấu làm nghề này. Họ yên trí ngay anh chỉ là một phái viên, như rất nhiều phái viên khác đã đến đây, không quan tâm đến chuyện anh làm công việc gì. Thật là dễ chịu.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:31:10 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2020, 07:26:52 am »

 
2

        Anh bạn mới Ra Đa, khác với cái tên ngộ nghĩnh của anh, là một người trẻ tuổi ít nói, lành hiền. Tên thật của anh là Đa. Ra Đa là tên anh ký khi viết các tin và những bài tường thuật trên báo. Người làm công tác biên đạo múa là một nữ đồng chí mang quân hàm chuẩn úy, nụ cười rất có duyên, đã hơi quá tuổi con gái. Bạn của cô, đồng chí sáng tác nhạc, cũng là một chuẩn úy, người bé nhỏ, vui chuyện, hay cười, mặt đã có nhiều vết nhăn. Họ đều là cán bộ của đoàn văn công quân chủng.

        Đồng chí nhạc sĩ đang muốn làm một bài hát cho trung đoàn, một khúc tráng ca có tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng vòng quay của tuyếc bin, tiếng nói của các đồng chí lái trong không gian, tiếng gió, tiếng mưa... mà lại mang màu sắc dân tộc.

        Đồng chí biên đạo trình bày rất say sưa với Trọng về dự định sáng tác của mình. Điệu múa "Đại bàng tung cánh" nói về chiến thắng đầu tiên của không quân nhân dân sẽ bắt đầu bằng một màn diễn tả mây trời Việt Nam. Những cô gái mặc áo voan múa ca nhịp nhàng, uyển chuyển, ánh sáng trên người họ luôn luôn đổi màu. Khi các người lái máy bay của ta hiện ra thì các nàng mây sẽ đến nâng đôi cánh bay. Khi các chiến sĩ gặp khó khăn trong trận đánh thì những nàng mây sẽ che chở. Máy bay Mỹ sẽ xuất hiện dưới hình những tên giặc lái mặc bộ quần áo cánh dơi màu đen có những sọc trắng. Khi bay vào, nó bị mây trời ta cản đường, khi chạy trốn, nó bị mây ngăn lại. Cuối cùng, các máy bay địch sẽ nối nhau đâm đầu xuống Biển Đông xanh biếc... Cô hỏi ý kiến Trọng là nên cho những đồng chí lái của chúng ta đội mũ bay, mặc áo da nâu bóng vừa thân thuộc, khỏe mạnh, đẹp như những thiên thần, hay nên để xuất hiện dưới hình ảnh những con én trắng khi bình thường thì xinh xắn, mềm mại, khi chiến đấu thì nhanh nhẹn, dũng mãnh...

        Đồng chí nhạc sĩ ngồi cùng nghe với Trọng, nói chêm:

        - Thiên thần hay én trắng cũng vậy, đồng chí Diệu Lan lần này đã đến đây thì nhất định là sẽ ở lại đây luôn không đi đâu nữa. Đó là một điều dứt khoát.

        Diệu Lan nhoẻn miệng cười:

        - Đồng chí hiểu lầm rối! Tôi rất yêu mến, rất kính trọng các đồng chí lái, nhưng như vậy không có nghĩa là... - Cô ngập ngừng một chút rồi nói - Không có nghĩa là tôi thấy các đồng chí ấy hợp với tôi... Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác các đồng chí ấy giống như những chiếc bánh quy xếp trong hộp còn cả giấy bóng.

        Nhận xét đó và đôi mắt mở to vẫn còn mang vẻ ngây thơ của một cô gái làm cho Trọng bật cười.

        Buổi chiều, Trọng ngồi chơi với Đa trước hàng hiên. Những người lái từ các căn nhà gác đi trên con đường mòn chạy ngang phía trước, tới nhà ăn ở phía bên kia chân đồi. Đa nói nho nhỏ giới thiệu với Trọng một số đồng chí mà anh đã biết. Đó là những cán bộ từ ngoài hai mươi tới ba mươi tuổi, giản dị trong bộ quân phục mùa hè, giống như những cán bộ khác cùng lứa tuổi đó mà Trọng thường gặp ở khắp mọi nơi. Trừ một vài người hình dáng cao lớn hơi đặc biệt, hầu hết có tầm vóc bình thường. Lác đác cũng có những người gầy gò, bé nhỏ mà nếu không được giới thiệu, anh không thể nào tin đó là những chiến sĩ lái máy bay chiến đấu phản lực.

        Nếu có một chút gì khác thì đó là vẻ trầm lặng trên những bộ mặt tươi sáng, và cái dáng đi nhẹ nhàng, khoan thai hơi giống nhau của họ, Trọng nghĩ vậy. Nhưng anh không hoàn toàn tin vào những nhận xét vội vã đầu tiên của mình.

        Sáng sớm hôm sau, Trọng và Đa đạp xe ra sân bay.

        Những chiếc máy bay phản lực xoải đôi cánh trắng đậu chênh chếch trên dọc đường băng.

        Hôm qua, máy bay địch đánh cầu Gián Khuất ở Ninh Bình. Tình hình lại bắt đầu căng. Trọng và Đa nghe nói trước khi các anh ra đây, trung đoàn trưởng đã tới để động viên chiến đấu.

        Nhiều biên đội máy bay đã dàn đội hình, sẵn sàng để cất cánh.

        Đa giới thiệu với Trọng một người to lớn mặc quần áo bay, cằm vuông, râu mép lẫm tấm, có nụ cười cởi mở. Đó là trung đoàn phó Xước. Trọng hỏi thăm, biết Xước đã chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Anh cũng đã có mặt tại đó. Chỉ sau vài lời trao đổi, câu chuyện đã trở nên thân mật. Trọng hỏi với vẻ thán phục:

        - Anh cũng lái được máy bay?

        - Cũng là con nhà lái cả. Nhưng tôi lái còn kém. Hàng ngày, như hôm nay, vẫn phải nhờ anh em kèm thêm. Anh tính ngày đi học lái, văn hóa mới có lớp ba. Giáo viên ra con toán lớp năm để kiểm tra, không biết mần thế nào, tôi vẽ vào bài một con trâu và một cái cày... Nhưng thực ra là tại mình tiếp thu chậm. Nhiều anh em, hồi mới đi học trình độ cũng như tôi, nhưng bây giờ đã bay rất khá... Học chậm thì phải cố thôi. Nay mai rồi cũng làm ăn được. Phải tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ chứ anh nhỉ! -  Xước vừa nói vừa cười.

        - Liệu hôm nay có chiến đấu không, anh?

        - Quyết đánh đấy anh ạ. Lực lượng ra quân hùng hậu thế kia cơ mà!

        Xước trỏ những chiếc máy bay san sát trên sân.

        Trời còn mát. Mỗi người lái ngồi với một nhóm thợ máy dưới cánh máy bay của mình, trông như những tổ chim.

        Xước quay về phía biên đội trực chiến gần đó, giơ cao một vật nhỏ anh bọc trong mảnh giấy báo:

        - Hôm nay, ai bắn rơi máy bay Mỹ mình tặng cái này.

        Một đồng chí đội mũ bay mặt rất trẻ, ngồi xếp bằng tròn, ngoái lại cười hỏi:

        - Cái chi đó, anh Xước?

        Trung đoàn phó trịnh trọng mở tờ giấy bọc ngoài trước cặp mắt chăm chú của mọi người. Đó là một bông sen.

        Một anh quần áo xanh, chắc là thợ máy, nói:

        - Cho tôi về ướp ấm chè.

        - Bậy nào! Vừa rồi tôi đi qua chỗ các cô làm công trường. Một cô gửi tôi bông sen này yêu cầu nếu ai bắn rơi máy bay Mỹ thì tôi tặng hộ.

        Xước quay sang bảo Đa:

        - Đồng chí đưa đồng chí Trọng lại ngồi chơi với anh em trực chiến. Tôi phải lại sở chỉ huy một lát, chuẩn bị để bay tập.

        - Vẫn tiếp tục tập à anh? - Trọng hỏi lại.

        - Lại càng phải tập mạnh. Mang sẵn đạn, đang tập mà gặp địch là choảng luôn. Tối nay, mời các anh qua tôi chơi, ta làm ấm trà.

        Đa đưa Trọng lại gặp đồng chí mặc quần áo bay vừa hỏi trung đoàn phó. Anh giới thiệu với Trọng:

        - Đây là đồng chí Quỳnh đã bắn rơi chiếc "chim ưng nhà trời" trong trận đầu tiên.

        Nhìn gần, Quỳnh không trẻ lắm. Khuôn mặt trái xoan nhẹ nhõm. Nước da ngăm ngăm có những mụn trứng cá. Quái, sao ban nãy mình thấy đồng chí này rất đẹp? Trọng hỏi:

        - Ta nói chuyện chơi một lát có được không anh?

        Quỳnh cười. Khuôn mặt anh sáng rực lên. Trọng gặp lại ở anh nét mặt khi nãy anh đã nhìn thấy.

        Quỳnh nói:

        - Phương án tác chiến bàn xong rồi thì thoải mái, làm chi cũng được, miễn là hễ pháo hiệu bắn thì phải có mặt ngay ở máy bay.

        Trọng hỏi thăm Quỳnh về quê hương của anh, về thời kỳ trước khi anh đi học bay. Cách đó mươi bước chân, hai chiến sĩ lái máy bay khác, một người to đậm, một người nhỏ con con đứng khoanh tay trước ngực, nhìn về nền trời phía nam. Ở đó, những mảng trời xanh trong hiện ra giữa những kẽ mây màu xám. Quỳnh ngồi nói chuyện với vẻ thư thái như đang ngồi chơi dưới những hàng dương trên bờ biển của cái làng chài đất Quảng Nam mà anh đang nhắc đến. Trọng vừa nghe anh nói chuyện vừa quan sát vẻ thanh thản của Quỳnh và những bạn anh đứng quanh đó. Phía tây, căn cứ không quân Mỹ ở Thái Lan, cách họ năm trăm ki-lô-mét. Phía đông, những tàu chở máy bay Mỹ đã đậu gần sát bờ biển. Phía nam, máy bay địch hàng giờ lồng lộn ngay trên bầu trời của ta. Khoảng cách của kẻ thù với họ chỉ tính bằng phút. Trung đoàn phó Xước quay lại, vẫn cầm bông sen trong tay, bảo mọi người:

        - Nó tạm chuồn rồi! Về ngủ đi một lát chứ ngồi ăn vạ ở đây à?

        Quỳnh bảo Trọng:

        - Lát nữa, khoảng chín giờ, mời anh lại nhà trực chiến chơi với chúng tôi.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2020, 06:45:52 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2020, 10:37:58 am »

        
3

        Đài chỉ huy là một căn nhà làm bằng gỗ, có gác, trông xinh xinh như một quán bán sách báo ở Bờ Hồ.

        Căn nhà dưới là nơi trực ban của trung đoàn căn cứ. Đồng chí trung uý đeo băng đỏ gật đầu với Đa và Trọng khi hai người bước vào.

        Mấy cái bàn trên có máy điện thoại đặt ở chung quanh nhà. Một chiến sĩ mặt non choẹt ngồi gác máy đang nói với đồng chí thiếu úy đeo chiếc túi da có dấu chữ thập đỏ, chắc là quân y sĩ:

        - Tôi sợ nhất các cô gái công trường.

        - Sao mà sợ? - Đồng chí thiếu úy hỏi.

        - Hôm qua tôi mua được mấy quả dưa cầm ở tay sắp đi ngang chỗ làm đất thì nghe một cô nói: "Chúng mày ơi, vừa cơm nước xong chưa có gì tráng miệng lại có người mang dưa đến đây rồi". Tôi phải "ngoặt gấp" ngay, quành một vòng thật xa.

        - Cậu sợ mất dưa à?

        - Mất hẳn đi chứ? Cứ đi ngang qua đấy thì có mà còn!

        - Mình trông tướng cậu, cậu tha lấy dưa của các cô thì thôi, các cô ấy nói thế, cậu lại không lăn ngay vào.

        - Thật mà! Tôi rất sợ các cô ấy, có tham mưu trưởng chứng nhận.

        Anh chiến sĩ này chắc là người trực điện thoại cho tham mưu trưởng.

        Cách đài chỉ huy chừng mươi mét là cột cờ báo động. Một lá cờ đuôi nheo màu xanh đang tung bay trong gió. ở chân cột cờ, anh chiến sĩ thông tin đứng bên cạnh chiếc bàn trên đặt nhiều lá cờ các màu và một khẩu súng bắn pháo hiệu nom rất thô. Lúc này, người chiến sĩ đang cầm ống nhòm nhìn về phía dãy núi Tam Đảo. Những ngày đẹp trời như hôm nay, dãy núi trở nên xanh trong, nhưng lúc này trên đỉnh núi vẫn có một màn sương dày. Màn sương che mắt ta. Máy bay địch có thể bất ngờ xuyên qua đó để lao xuống đánh các mục tiêu.

        Đa nói với Trọng:

        - Anh chờ tôi một chút nhé?

        Trái với thói quen xông xáo của nhiều bạn cùng nghề, ở những nơi mới tới, Trọng thường tỏ ra dè dặt, nhất là ở đây khi anh đã được nghe dặn dò quá nhiều điều phải kiêng cữ. Đa chạy lên gác một lát, rồi ghé mặt ra đầu cầu thang, bảo Trọng:

        - Đồng chí Luân, trung đoàn trưởng, mời anh lên.

        Không khí tại đầy có vẻ trang nghiêm hơn. Một tấm bản đố lớn trải rộng trên mấy chiếc bàn kê ghép nhau. Một chiến sĩ báo vụ đang ngồi kẻ những nét chì xanh ngoằn ngoèo lên miếng mi ca đặt trên tấm bản đồ. Mấy người cán bộ ngồi quanh đó. Trung đoàn trưởng Luân, một người có nước da bánh mật, mắt sáng, gò má cao, nói với Trọng:

        - Mời nhà báo vào tham quan. Chỗ "làm ăn" của chúng tôi chỉ có như thế này.

        Trọng lại bắt tay anh. Luân giới thiệu Trọng với mấy đống chí cán bộ tham mưu rồi quay về phía một cán bộ mặc quần áo màu lá cầy, mang quân hàm đại úy pháo binh, cổ ngắn, người tròn xoe như một lực sĩ môn đấu vật, mỉm cười nói:

        - Còn đây là người ngày đêm che chở cho chúng tôi.

        Đó là đồng chí trực ban của đơn vị cao xạ bảo vệ sân bay.

        Trọng bắt tay làm quen với anh. Bàn tay của anh dày và chắc nịch. Trung đoàn trưởng lấy bao thuốc lá ra mời Trọng.

        - Chúng tôi sắp bắt đầu bay huấn luyện - Anh trỏ vào tấm bản đồ, nói tiếp: - Mời đồng chí xem các hoạt động của địch từ sáng đến giờ.

        Trọng nhìn vào tấm bản đồ, thấy những đường chì xanh nhằng nhịt. Anh nhận ra kẻ thù không phải chỉ ở các căn cứ trên đất liền, trên biển của chúng mà chúng ở gần hơn rất nhiều.

        Trung đoàn trưởng chỉ một khoảng trống trên bản đồ:

        - Còn khu vực này chúng nó chưa vào. Một đường bán kính không rộng lắm. Các máy bay huấn luyện của chúng ta sẽ bay tại đây.

        Trọng nhìn con đường ranh giới không chắc gì là sẽ cố định đó, hỏi:

        - Nếu chúng nó bay vào khu vực của máy bay ta đang huấn luyện...

        - Thì đánh nhau - Trung đoàn trưởng tiếp lời anh -  Như thế buổi tập lại càng "thực sự, thực tế". Không thể đợi khi không có máy bay địch thì mới tiến hành huấn luyện. Việc nó, nó làm, việc ta, ta làm. Bay huấn luyện trong điều kiện như thế này anh em chúng ta đã tiến bộ rất nhanh.

        Trung đoàn trưởng bảo Trọng có thể đứng ở hành lang trên gác để xem các máy bay bay tập.

        Buổi tập bắt đầu.

        Từ căn nhà chờ giáp đường băng có đặt đồ nước và mấy hàng ghế dài, những người lái mặc quần áo bay bó chẽn lấy người đi ra nhận máy bay. Chiếc máy bay phản lực bỗng gầm lên. Không khí sau đuôi máy bay rung lên phấn phật như một dải lụa trước gió mạnh. Hai bánh chân trước của máy bay lún xuống. Chiếc máy bay từ từ lăn khỏi sân đậu ra đường băng cất cánh, nó dừng lại đó trong giây lát rồi gầm lên thật dữ dội, lao vút trên đường băng. Nó rời khỏi mặt đất, tuôn ra phía sau một vệt lửa đỏ lừ, lao rất thẳng lên không như đang chạy trên một cái dốc vô hình thẳng tắp và mất hút vào trời mầy. Ít phút sau, nó quay trở về. Có lúc mặt trời chiếu vào làm nó sáng rực lên như một vì sao băng. Chiếc máy bay trắng toát trên nền trời xanh biếc bỗng phút chốc biến thành màu đen khi nó bay dưới những đám mây sáng như bạc. Nó bay lao vút dọc sân bay để lại một luồng sấm ran trên đầu mọi người.

        Đồng chí trực ban của đơn vị pháo cao xạ đến báo cáo trung đoàn trưởng Luân một đơn vị pháo ba mươi bảy vừa chuyển tới khu vực X.5, yêu cầu máy bay ta bay qua trận địa cho các chiến sĩ nhận dạng.

        - Sẵn sàng. Nhưng phải dặn anh em kỹ đừng có "nổ pháo hoa" để chào! - Trung đoàn trưởng nói.

        - Xin đảm bảo không có chuyện ấy.

        Trung đoàn trưởng mở vô tuyến điện:

        - 42 đâu?

        - 42 nghe rõ - Cái loa treo trước mặt anh vang lên một giọng ngạt mũi.

        - "Lương thực" anh thế nào?

        - Lương thực còn khá.

        - Anh bay qua X.5 vòng ba vòng nhỏ cho anh em ở mặt đất nhận dạng!

        - Bay qua X.5 vòng ba vòng, nghe rõ.

        Trọng đứng ở hành lang của đài chỉ huy say mê theo dõi mọi hoạt động, mọi hình ảnh, âm thanh mà anh chỉ mới được nhìn và nghe thấy lần đầu. Sáng nay, khi nghe nói chuyện tập bay, anh chỉ nghĩ đó là một công việc bình thường. Nhưng lúc này, anh đã thấy những người lái mà mình vừa gặp đi vào buổi tập của họ giữa một vòng vây máy bay phản lực siêu âm của kẻ thù. Những người ra đi đều vui vẻ. Những người chỉ huy của họ đứng ngồi trước mắt anh kia đều tỏ ra bình thản, ung dung.

        Một hồi chuông réo lên.

        Trung đoàn trưởng từ trong nhà bước vội ra hành lang chỗ Trọng đứng, gọi người chiến sĩ thông tin đang ngồi ở cái bàn bên cạnh cột cờ. Giọng anh rành rọt:

        - Báo động! Hai pháo hiệu đỏ.

        Cả sân bay chuyển động hẳn lên. Đa quay sang kéo tay Trọng, cuống quít:

        - Xuống đi anh! Ta chạy ra xem anh em xuất kích.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:31:31 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2020, 10:40:23 am »

        
4

        Cờ đỏ ở đài chỉ huy bắt đầu hạ.

        Những người lái từ trên máy bay chậm rãi bước xuống.

        Biên đội trưởng biên đội 1 hôm nay là Phúc, chủ nhiệm xạ kích của trung đoàn. Phúc người đậm, hơi phục phịch. Anh có bộ mặt tròn căng, một cái nốt ruổi lớn bên trái cằm với sợi lông dài, trông giống như mặt một pho tượng Phật trong chùa. Phúc nói:

        - Về nhà ta bàn kế hoạch hiệp đồng bay tập chiều, nếu hôm nay không được xuất kích.

        - Thôi ngồi đây mần luôn. Báo động nữa đỡ phải chạy - Đông đáp.

        Bốn người ngồi ghé vào dưới cánh máy bay. Phúc trình bày trước. Kế hoạch bay có xuyên mây, chiếm độ cao và hạ cánh. Đây là buổi tập tranh thủ mỗi chiều trước khi hết giờ trực chiến về. Nghe anh nói xong, mọi người im lặng. Một buổi tập đơn giản. Không ai thấy có vấn đề gì. Chợt Đông nêu ra một ý kiến vế kỹ thuật hạ cánh vì hôm nay có gió cạnh. Mới đầu chỉ là những câu trao đổi. Sau đó trở thành một cuộc tranh cãi giữa Đông và Quỳnh. Huấn ủng hộ ý kiến của Quỳnh nhưng chỉ thỉnh thoảng mới chêm vào một cầu. Phúc ngồi im lặng, lắng nghe mọi người, vẻ mặt hiển hậu.

        Trọng và Đa đang nói chuyện với bác sĩ Phổ, thấy có cuộc tranh luận hăng, cùng kéo lại nghe.

        Quỳnh có vẻ đã hơi tức, nói:

        - Chúng ta ai cũng thông minh cả!

        Đông, một mình một ý kiến, mắt đỏ lên, vẫn cãi:

        - Về mặt thực tế, có thể là không có gì ảnh hưởng lớn. Nhưng về mặt lý luận thì cần phải cho rõ ràng...

        Anh rút ngay chiếc bút máy cặp trên túi ngực đồng chí bác sĩ, nhìn quanh, thấy không thể tìm ra một mảnh giẫy, anh xếp bằng một chân, lấy bút vạch ngay trên cổ chiếc ủng màu đỏ tươi: sân bay, đường bay, mũi tên chỉ hướng gió... rồi tiếp tục lập luận.

        - Điều đó thì ai cũng biết cả rồi? - Huấn lại nói thêm.

        - Biết... nhưng vấn đề là ở chỗ các anh có chịu dùng nó trong thực tế hay không...

        Phúc dàn hòa:

        - Ý kiến của đồng chí Đông có chỗ đúng, nhưng cứ làm như đồng chí Quỳnh đã nói có sai lệch đôi chút cũng không ảnh hưởng gì.

        - Ừ thì phải nói cho rõ là như vậy - Đông vui vẻ nói rồi nhổ một chút nước miếng lên mặt ủng, lấy tay chùi những nét mực anh vừa vẽ xong.

        Đồng chí bác sĩ kêu lên:

        - Cậu Đông! Vệ sinh gớm nhỉ!

        Đông hậm hực ho mấy tiếng. Mọi người biết anh lại chuẩn bị một câu chuyện.

        - Tôi phải báo cáo cho đồng chí bác sĩ biết vì sao tôi đi chuyến này lại về chậm... - Đông vào đầu.

        - Đồng chí về thế là nhanh chứ chậm à? - Bác sĩ ngắt lời anh.

        Đông mặt vẫn tỉnh bơ:

        - Mình chỉ vì cái tính hay buồn cười mà phải nằm lại viện thêm mất ba ngày... Hôm mình vừa cắt cái a-mi-đan xong, cô hộ lý bắt nằm, đặt một miếng nước đá lên cổ, không cho nói câu nào. Mình đang buồn thì thấy cô ấy đưa một cậu vào, mặt cứ ngơ ngơ thế này... - Đông ngước cao cằm làm ra bộ bắt chước người mình đang kể chuyện - Cậu này chắc chưa vào bệnh viện lần nào. Cô hộ lý chỉ vào giường, nói với cậu ta: "Đây là đầu giường. Gối đầy. Đồng chí thay quần áo đi, rồi nằm nghỉ". Cô hộ lý đi ra. Cậu ta gấp bộ quần áo vừa thay, để lên đầu giường, kéo cái gối đặt xuống giữa giường vì thấy chỗ đó trũng. Rồi cậu ta nằm đè luôn lên trên cái gối. Mình trông thấy như vậy đã buồn cười. Cô hộ lý vào hỏi: "Tại sao đồng chí lại nằm như thế này?". Cô ấy xếp quần áo vào tủ, đặt gối lên đầu giường và trỏ mình, rồi bảo: "Đồng chí hãy trông đồng chí kia mà nằm". Cô ấy đưa cậu ta một cái lọ con, bảo: "Đồng chí đi tiểu lấy nước giải cho vào cái lọ này". Rồi lại đưa một hộp diêm, nói: "Đồng chí đi ngoài lấy phân cho vào cái bao này". Sáng hôm sau, cậu ấy đánh rơi đâu mất cái hộp diêm. Cậu ấy hỏi mình: "Làm thế nào bây giờ?". Mình đau cổ không nói được, chỉ cho cậu ấy mảnh giấy dầu hôm trước cô Thùy bọc cam mang vào còn để trên mặt tủ. Cậu ấy lấy đem đi. Khi về, mình thấy cậu ta một tay cầm lọ nước giải đầy tràn. Tay kia bê một gói giấy dầu. Mình nghĩ: Bỏ cha rồi!... Buổn cười quá mà phải nhịn, nước mắt chảy cả ra. Cậu ấy nhìn mình rôi hỏi: "Tại sao đồng chí lại khóc?".

        Những người nghe cười ổ. Riêng đồng chí bác sĩ vẫn nhìn Đông bằng cặp mắt cảnh giác.

        Đông kể tiếp:

        - Một lát sau, cô hộ lý vào. Trông thấy lọ nước giải đầy tràn, cô ấy nhận ra. Nhưng nhìn cái gói để ở ghế, cô ấy tưởng là gói quà, lầm bẩm: "Sao không cho vào tủ mà lại đặt ngay ở đây?". Cô ấy mở ra xem và hét ầm lên. Đến lúc đó không nhịn được nữa: mình phì cười ra... Thế là phải nằm thêm ba ngày.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:31:45 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2020, 10:40:47 am »

   
        Tất cả mọi người cười lăn ra một hồi. Đồng chí bác sĩ vừa lau nước mắt vừa nói:

        - Toàn chuyện bố láo!

        Hoa quay sang Phổ:

        - Cậu Đông trả đũa việc anh bắt cậu ấy phải đi bệnh viện.

        Đông vẫn ngồi hậm hực. Không hiểu cổ họng anh bị ngứa hay anh đang chuẩn bị thêm một câu chuyện nữa.

        - Mai tôi sẽ đề nghị cắt không cho cậu trực ban. - Phổ nói.

        - Cắt thế nào được! Mình sẽ trực ban liên tục đúng một trăm ngày. Nếu máy bay Mỹ chưa dám đánh, sẽ trực thêm trăm ngày nữa, không được đánh thì mình sẽ nghỉ.

        - Trực cái gì! Cậu vẫn ho khù khụ.

        - Đấy là cái tính của tôi thích ho. Anh không thấy hồi thi nhảy cao đó à! Xà để một mét năm mươi, mình ho một cái, qua. Xà để một mét sáu mơi, mình ho hai cái, lại qua.

        - Thế xà đặt một mét bảy mươi, cậu ho mấy cái? – Hoa hỏi.

        - Mét sáu mươi là nhất trung đoàn rồi. Không cần nhảy hơn, nên mình không ho nữa.

        Đồng chí bác sĩ thấy cần cho Đông một đòn thật đau:

        - Sức khỏe của cậu Đông, nay mai có máy bay loại mới về, anh em chuyển loại thì cậu là cứ bị gạt ra đầu nước!

        Đông vẫn thản nhiên:

        - Nói buồn cười nhỉ! Tôi mà không chuyển loại được thì cả trung đoàn này không ai chuyển được.

        - Cậu Đông này mà loại ra thì có cho đi lái máy bay vận tải cánh quạt họ cũng trả về. Tất cả các đồng chí đều đã biết hồi đi học, hôm chuyển trường phải đi máy bay vận tải, cậu ấy nôn ra mật xanh mật vàng. Không có tôi cho mấy viên thuốc chống nôn thì khéo mà thế nào rồi! Các anh bảo tôi có nói sai không?

        Phổ không nói ngoa. Ngày mới đi học, Đông là một trong những người ít thích ứng nhất với nghề bay. Lần nào đi học bay, anh cũng nôn. Và ngay khi đã trở thành người lái phản lực thành thạo rồi, lên những máy bay tốc độ nhỏ, không ổn định, anh vẫn bị nôn.

        Bị công kích dồn, Đông vẫn tươi tỉnh:

        - Mình ở bệnh viện mười ngày, lên ba cân, khi đi nhìn xuống ngực thấy những bắp thịt nó cứ núng nính. Ông Định, trưởng khoa tai mũi họng, khám cho mình xong, bảo: “Sức khỏe của đồng chí có thể xếp vào loại nhà du hành vũ trụ được”.

        Phổ phì cười. Đông nói tiếp:

        - Đấy, các đồng chí xem, tôi mà đi vắng thì nó vào luôn, anh em cứ bay lên là gặp địch, từ ngày tôi về, có thằng nào bén mảng đâu. Cứ thấy tôi lên là nó chạy ngay. Nó sợ tôi chủ yếu là sợ cái sức khỏe... Nó chạy thì tôi chịu, vì máy bay của nó nhanh. Nhưng nếu nó đánh với tôi thì tôi không thèm hạ một chiếc, tôi sẽ hạ hẳn hai chiếc, ba chiếc cho các đồng chí coi.

        Không ai cười. Mọi người đều tin vào lòng dũng cảm và sự táo bạo, mưu trí của anh.

        Đông bỗng thủng thỉnh nêu một câu hỏi:

        - Các đồng chí có biết từ nãy đến giờ tất cả chúng mình đều dại không nào?

        Chưa ai nghĩ ra Đông định nói điều gì.

        - Chúng mình quên là chúng mình đang ngồi cùng những nhà báo. Nay mai, chúng mình sẽ thành những điển hình tiêu cực hết.

        Mọi người quay về phía Trọng và Đa.

        - Cái thằng Đông này nó không tha ai! Nó chuyển mục tiêu khắp - Quỳnh nói.

        Trọng cảm thấy mình đã nhanh chóng trở thành bạn của những người mới hôm qua còn chưa hề quen biết.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:32:05 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2020, 10:41:26 am »

        
5

        Chỉ vài ngày sau, Trọng đã có thể gặp bất cứ ai và đi đến bất cứ nơi nào anh muốn. Anh kể với mọi người những chuyện ở chiến trường Khu Bốn mà anh đã đi qua; anh nói với họ về tình hình sinh hoạt ở thành phố, ở nông thôn mà do phải tập trung ở sân bay họ đã không được biết. Anh chú ý tránh những điều đã được dặn trước là không nên hỏi. Quan hệ giữa anh và những người chung quanh trở nên khá thoải mái. Ngay cả đối với những phi công, anh cũng cảm thấy ngoài những điều cấp trên căn dặn họ phải giữ bí mật, họ không có hoặc chỉ có rất ít những gì cấn giữ riêng cho mình.

        Chiều hôm nay, sau bữa cơm, Trọng đến chỗ ở của Huấn. Những tiếng cười từ trong buồng bay ra. Huấn đang ngồi với Hoa và Thạch, trợ lý tuyên huấn. Thấy Trọng vào, Hoa cất chiếc áo vá dở, lấy bao thuốc lá trong ngăn kéo ra mời. Câu chuyện chắc là đang vui giữa họ dừng lại. Trọng tỏ vẻ băn khoăn:

        - Tôi tới thế này có cản trở gì không? Hay các anh cứ trao đổi với nhau, lúc khác tôi đến chơi.

        Hoa nhoẻn miệng cười:

        - Không. Không có vấn đề gì bí mật.

        - Không có gì phải bí mật, đúng không? - Thạch hỏi lại Hoa - Anh Trọng nghe chuyện ấy cũng được chứ?

        - Có sao!

        Thạch quay lại phía Trọng:

        - Anh khách quan, anh thử phát biểu xem trong các anh em lái nhà chúng tôi thì đồng chí Diệu Lan dễ có cảm tình với ai nhất?

        Trọng nhìn ba người, rồi đáp:

        - Phải là đồng chí Hoa thôi... Bay giỏi, trẻ tuổi, đẹp trai, lại kéo đàn giỏi.

        - Đấy! - Thạch cười khà khà - Anh cũng lầm như chúng tôi. Sáng nay ở nhà trực chiến cậu Hoa vừa thất bại một vố thảm hại.

        - Cường điệu! Không hề thất bại.

        - Có cậu Huấn làm chứng.

        Huấn mới quệt xà phòng quanh mồm, chuẩn bị cạo râu, gật đầu ra hiệu xác nhận. Thạch tiếp:

        - Chúng tôi coi anh là người nhà nên mói nói, anh đừng lộ bí mật của lính lái nhé! Trong số anh em lái chưa vợ ở đây thì cậu Hoa này mê cô ấy hơn điếu đổ.

        - Rõ! - Hoa lại nhoẻn miệng cười.

        - Sáng nay, ở nhà trực chiến, trong lúc mọi người đứng đông, cậu Hoa hỏi: "Đồng chi Diệu Lan năm nay bao nhiêu tuổi?". Tôi biết cậu Hoa phạm sai lầm, đẩy cô ấy vào thế bí, nói chữa hộ: "Người ta không bao giờ hỏi tuổi một cô gái, cũng như không bao giờ hỏi tuổi một bông hoa". Nhưng cô ấy điềm nhiên đáp: "Báo cáo đồng chí: Tuổi tôi theo điều tra dân số là hai mươi tám, còn tính cả tuổi mụ tất nhiên là phải hơn. Riêng về mặt tuổi, chắc chắn là đồng chí thua tôi". Có khác gì cô ấy nói cậu Hoa chỉ đáng làm em cô ấy?...

        Huấn đã cạo hết xà phòng, bấy giờ mới góp chuyện:

        - Khi đó tôi cũng có nói đỡ hộ một câu: "Các đồng chí làm công tác nghệ thuật trẻ lâu thật! Đồng chí Diệu Lan mà không nói thì tôi chịu chết không đoán được đồng chí bao nhiêu tuổi. Cô ấy bèn đỏ mặt.

        Huấn nhắc lại câu anh nói bằng giọng Quảng Bình thật thà và đôi lông mày giương cao như để giới thiệu cả "diễn xuất". Nếu mình ở vào địa vị của đồng chí biên đạo múa, mình củng sẽ mắc lỡm với cậu ta, Trọng nghĩ. Anh chàng rậm râu này cũng hóm và tán giỏi ra trò. Huấn lại tiếp tục cạo râu lần thứ hai.

        Trọng hỏi Huấn:

        - Anh đi chơi đâu mà tối rồi còn cạo râu kỹ thế?

        Huấn tháo lưỡi dao bào liếc vào lòng bàn tay, tủm tỉm:

        - Tối nay có đi nhởn thật. Tôi đi thăm bà lão mới ở Quảng Bình ra.

        - Cụ mới ra à?

        Thạch và Hoa phì cười.

        - Dạ - Huấn đáp - Bà lão đẻ ra thằng con trai của tôi.

        Trọng bỗng nhớ đã có lần anh nghe anh em đùa Huấn về chị vợ hơn anh mấy tuổi. Giá mình được gặp vợ Huấn cũng hay, Trọng nghĩ.

        - Anh cho tôi cùng ra thăm chị ấy một lát.

        - Hơi xa đó anh ạ.

        - Nhà chiêu đãi cách đây mấy bước chân!

        - Bà nhà tôi không chịu ở chiêu đãi sở của đơn vị. Không hợp "phom" với mấy cô tân thời. Mới có một hôm đã đòi về. Tôi thuyết phục mãi không được, phải đưa ra ở nhờ nhà hạnh phúc của huyện. Ra ngoài đó với mấy chị vợ các ông cán bộ huyện, bà ấy tỏ vẻ thoải mái lắm. Giờ thì nói với tôi là muốn giữ lại mấy ngày cũng được.

        Huấn lấy chiếc sơ mi lụa đã khoác sẵn trên mắc áo, mặc vào người. Anh hỏi Hoa:

        - Ra dáng giáo sư đại học không, ông cột nhà cháy?

        - Thôi, đi cho sớm sủa? - Hoa nói.

        Dọc đường ra huyện, Huấn say sưa kể cho Trọng nghe câu chuyện tình duyên của anh. Huấn và vợ anh ngày đó cùng là du kích ở làng Cảnh Dương. Tình yêu giữa Huấn và vợ anh đã nảy nở trong trận càn năm 1953. Lần đó, quân Pháp càn vào làng rất quyết liệt. Huấn phải bò trên từng mái nhà để đánh địch. Một cô du kích bám sát ngay dưới chân anh, khi chuyển lựu đạn, khi chuyển súng lên. Sau trận càn, Huấn được tuyển vào bộ đội. Cô du kích là người chuẩn bị khăn tay, bút máy, đồng hồ cho anh và tiễn anh lên huyện. Họ lấy nhau vào ngày hòa bình mới lập lại. Rồi Huấn đi học bay. Vợ anh hiện thời là phó bí thư đảng ủy xã.

        Trọng vừa nghe chuyện vừa ngắm Huấn. Với hàm râu mới cạo xanh xanh, cặp mắt sáng núp dưới hàng lông mày rậm, Huấn có một vẻ đẹp rất đàn ông. Cách nói chuyện của anh lại rất vui. Ngay bây giờ, cũng không ít cô gái dễ có cảm tình với anh ta đâu... Một người con trai vẫn có thể yêu một cô gái hơn tuổi mình. Vì một cô gái hơn tuổi vẫn có thể là một cô gái đẹp.

        Hai người ra tới khu nhà hạnh phúc của huyện. Một dãy nhà lá chạy dài, được ngăn thành những buồng nhỏ, vách đất quét vôi trắng, cửa sơn màu xanh da trời vui mắt. Huấn đi về căn buồng phía cuối, có một cửa sổ trông ra cánh đồng.

        - Nửa đêm trăng lên, ở trong nhà nhìn ra rất nên thơ.

        Huấn vừa nói vừa đẩy cánh cửa buồng, ngó đầu vào, rồi lầm bẩm:

        - Không biết cô ấy chạy đi đâu rồi!

        Đứng ở đầu nhà, Trọng nhìn thấy một người đàn bà đứng tuổi, mặt có nhiều vết tàn nhang, mặc chiếc áo lót dệt kim đã cũ, bê một rá than củi từ trong nhà bếp đi ra. Trọng toan hỏi thăm bác ta có biết vợ anh phi công nghỉ tại đây chạy đi đâu. Vừa lúc đó, Huấn quay lại, xìa hai tay chỉ về phía người đàn bà, vui vẻ nói:

        - Thưa đây là bà lão thân sinh ra thằng cu nhà tôi.

        Vợ Huấn lúng túng trước khách lạ, rẩy chồng:

        - Eng là khi mô cũng rứa! Ba trợn, ba trạo...

        Chị quay lại chào Trọng, rồi lại bảo chồng:

        - Răng không mời eng nớ vô nhà mà cứ để đứng cửa!

        - Khi nào ra đây cũng cứ bị phê bình, anh Trọng ạ!

        Huấn nói nhỏ với Trọng rồi hỏi vợ:

        - Lấy than củi làm chi đó?

        - Nướng mấy con mực để khách mời, eng mời chứ còn cái chi! Eng cứ như là người ở mô tới!

        Huấn quay sang Trọng:

        - Bà ấy mang cả cho tôi một chai rượu mật ong. - Huấn ghé vào tai Trọng - Anh phải làm một tí không bà ấy tủi thân rồi giận lây sang cả tôi đó.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:32:16 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:12:14 am »


CHƯƠNG XIV

1

        Chuyến xe lửa buổi sáng chạy đường Hà Nội - Thái Nguyên vắng vẻ.

        Toa Thùy ngồi chỉ có một số đồng bào người dân tộc, mặc quần áo chàm, nét mặt hồn nhiên nhưng lặng lẽ. Tuy có đem Chung Thủy đi theo nhưng Thùy không sang toa con mọn, cùng ngồi một chỗ với Trọng.

        Mấy ngày trước, Trọng mang đến nhà Thùy một hộp kẹo và cân đường của Đông gửi về cho con. Biết Trọng đầu tuấn sau sẽ trở lại sân bay, Thùy đã nói với anh cho mình cùng đi. Từ ngày trung đoàn mở nhà chiêu đãi đón người gia đình tới thăm đến giờ, Thùy chưa lên lần nào. Dạo này máy bay ta luôn luôn bay qua bầu trời Hà Nội. Nhiều người đã chú ý đến việc đếm số máy bay khi bay đi và khi bay trở về. Có những cô bạn của Thùy đã cuống quít lên khi những chiếc máy bay đổi đường bay không trở về qua Hà Nội. Họ nói với nhau: "Con Thuỳ này trông củ mỉ cù mì mà gan cóc tía. Mình ở vào trường hợp nó thì không làm ăn gì được. Thế mà nó cứ tỉnh như không!" Nhận xét đó đã đến tai Thùy. Thùy không rõ là khen hay chê.

        Trọng nhắc lại với Thùy những câu chuyện anh đã nghe Đông kể hoặc mọi người kể về Đông trong những ngày ở sân bay. Nhiều chuyện làm cho Thùy cứ cười mãi.

        Chị nói:

        - Chuyện chi với anh ấy đều có thể trở thành đề tài của một câu chuyện vui. Nhiều lúc đang buồn bực, chỉ nghe anh ấy kể một câu chuyện là quên ngay. Cũng không phải là người vô tâm! Thương vợ, thương con lắm. Các anh khác còn sắm sửa quần nọ áo kia, nhưng anh Đông suốt đời bộ đội phát thứ chi mặc thứ đó. Không sắm sửa một cái chi riêng cho mình. Có bao nhiêu là dành cho vợ, cho con... Em nghe nói ở đơn vị, anh Đông hay tranh cãi, dân Quảng Nam mà! Nhưng về nhà với vợ con thì lại rất nhường nhịn. Anh ấy chỉ cáu với em có một lần...

        Thùy cười. Cái lúm đồng tiến rất to hiện lên má chị. Hình như chị thấy hơi khó nói. Nhưng rồi chị kể tiếp:

        - Lần ấy, em đánh cháu Chung Thủy. Anh ấy bảo em: "Chế độ ta, đi dạy học mà vẫn đánh trẻ à?" Em bảo: "Em đánh con, không phải em đánh học sinh. Anh phê bình em thì cứ phê bình nhưng chớ nói đến công tác của em". Anh ấy nói: "Nếu cô còn đánh con thì tôi còn nói nặng hơn... Lúc nhỏ tôi bị đánh đập nhiều rồi, nên bây giờ tôi căm thù những người đánh trẻ con...". Cưng con ghê lắm. Cháu Thủy mà cứ gần bố là hay làm nũng, hay đòi quà, đòi đi chơi. Anh ấy hễ về đến nhà là tha con đi khắp nơi như mèo mẹ tha mèo con.

        Chị im lặng một lát rồi lại nói:

        - Tính hay cáu của anh Đông em chưa biết, nhưng cái tính liều lĩnh của anh Đông thì em biết. Khi cần, nhảy ngay vào lửa cũng cứ nhảy, không sợ.

        Chị thở dài. Nhìn cặp mắt như thông cảm, như an ủi của Trọng, chị hơi lúng túng. Chị cảm thấy anh ấy đang đọc hết suy nghĩ của mình. Chị quay sang nói với con:

        - Lên chuyến này không được đòi bố đưa đi các nơi nhé!

        - Cứ bắt bố cõng! - Con bé phụng phịu.

        - Má nói trước: Hễ Chung Thủy quấy bố nhiều là má đưa về Hà Nội ngay không được xem máy bay nữa.

        Chung Thủy ngồi im. Thùy thương hại con, siết chặt nó vào người, rồi ngẩng đầu lên hỏi Trọng:

        - Anh công tác chi ở Tổng cục? Không biết hỏi thế có phạm bí mật quân sự không?

        - Tôi viết báo chị ạ.

        - Thảo nào...! Em cũng đoán anh là một người làm công tác văn hóa, một nhà báo hoặc một nhà văn.

        Cả toa tàu bỗng xôn xao. Nhiều người chạy đổ xô về phía cửa sổ bên trái nơi Trọng và Thùy đang ngồi, ngước mắt nhìn ra ngoài. Trọng và Thùy cũng nhìn theo. Bốn chiếc máy bay phản lực cánh én đang bay lại. Máy bay của ta!

        Thùy vội đặt con lên cái bàn nhỏ cạnh cửa sổ, cuống quít chỉ cho nó những chiếc máy bay và bảo:

        - Máy bay của bố Đông đó! Hoan hô đi con!

        Những chiếc máy bay bay thấp dưới trần mây, lao lại phía họ rất nhanh. Nhìn rõ cả quân hiệu nền đỏ sao vàng sơn ở thân và những thùng dầu phụ treo dưới cánh.

        Những chiếc máy bay lướt trên đầu con tàu rít gió ào ào át cả tiếng bánh xe lăn ầm ầm trên đường sắt.

        Mẹ con Thùy rất phấn khởi. Chị đã nhìn thấy ngôi nhà hăng ga lớn và két nước của sân bay ở chân dãy núi trước mặt. Sắp đến nơi rồi. Đây là vùng trời của các anh ấy, nơi suốt ngày mình có thể nhìn thấy những chiếc máy bay ở ngay trên đầu. Chưa bao giờ Thùy được nhìn những chiếc máy bay to và rõ như thế.

        - Máy bay của ta sơn màu xám à anh? - Thùy hỏi Trọng.

        - Không. Máy bay ta không sơn, vẫn để nguyên màu của hợp kim trắng. Tại chị nhìn trên nền mây thành tưởng nó là màu xám.

        Con tàu rúc còi chuẩn bị vào sân ga. Trọng đã nhận thấy một điều mà anh không nên nói với Thùy: máy bay của ta đang xuất kích. Những ngày vừa qua ở sân bay đã giúp anh hiểu thế nào là những đội hình chiến đấu. Và hướng bay của nó là về phía nam. Nếu Đông cũng đi chiến đấu sớm nay, anh có linh cảm thấy vợ và cơn anh đang ngồi trong đoàn tàu mà anh vừa lướt cánh bay qua không? Trọng đứng dậy nhấc chiếc ba lô đặt trên giá hàng xuống và sờ tay vào túi áo tìm lại chiếc thẻ nhận xe đạp. Anh bảo Thùy:

        - Đến nơi rồi, chị ạ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM