Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 03:45:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27341 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 03:19:24 pm »

        
2


        Từ ngày Hảo ra công tác đến giờ, bỗng dưng có một vấn đề đem lại cho cô nhiều phiền toái. Trước đây, trong khi lường những khó khăn, Hảo không tài nào nghĩ được lại có chuyện này. Rất nhiều người chung quanh muốn biết Hảo đã có chồng hoặc có người yêu chưa? Họ không phải chỉ là những chàng trai trẻ. Gần như đi tới đâu, gặp bất cứ ai, cũng là lời thăm hỏi đó: Cô đã lập gia đình chưa? Có những người quan tầm đến chuyện đó như ham muốn phát hiện ra một sự bí mật. Mọi câu trả lời của mình, Hảo đều cảm thấy là không ổn. Nếu nói thực là chưa có người yêu thì cô đã đặt ra cho người vừa hỏi mình một lô những thắc mắc, đẩy họ tới những sự phỏng đoán rất không có căn cứ và thường là không hay ho gì cho mình. Nhiều lúc, Hảo đành phải nói dối cho qua chuyện. Nhưng một câu nói dối này lập tức dẫn Hảo đến hàng loạt cầu nói dối khác. Nếu nói là có người yêu rồi, thì anh ấy ở đâu, công tác gì, tại sao lại chưa tổ chức? Nếu nói là đã có chồng rồi, thì xây dựng từ bao giờ, có cháu chưa, cháu gái hay cháu trai? Hay tại sao lại chưa có cháu? v.v... Mỗi câu nói dối đều dẫn Hảo đến chỗ mất tự do. Hảo đã nhận ra ở vào cái tuổi của mình mà chưa có gia đình hay chưa có người yêu đã trở nên một chuyện không bình thường. Chuyện đó nếu ở vào một cô gái khác có thể đỡ hơn, nhưng ở Hảo, nó đã thu hút sự chú ý của mọi người.

        Cái năm đầu vào trường đại học, Hảo thường gặp ở nhà Thùy các bác, các chú đồng hương tới thăm. Các bác, các chú cũng coi Hảo như Thùy. Nhiều bác, nhiều chú đã nói với cả hai người: "Bọn mi cứ lo học đi, lo thi cho đỗ đã, chớ vội tính đến chuyện chồng con, sau ni đến lúc cần phải lo, bọn mi không lo được thi chúng tao sẽ lo cho". Có lúc Hảo đã tự hỏi mình: Chả lẽ đã đến lúc phải nhờ người khác lo hộ mình rồi hay sao? Hảo biết rõ là mình được nhiều người đàn ông để ý. Điều đó có lúc còn làm cho Hảo bị một số bạn gái ghen ghét. Nhưng từ trước tới nay, Hảo cảm thấy dửng dưng với những người con trai đã đến với ý định tìm hiểu mình. Hảo lo ảnh hưởng đến việc học tập trong khi mình còn ở nhà trường. Cô đã trông thấy tấm gương ở một số người bạn sớm sa vào con đường yêu đương, chồng con. Nhưng còn một điều khác khá quan trọng, như những cô gái đã lớn, Hảo nhiều khi mường tượng đến người chồng tương lai của mình. Người đó cô chưa bao giờ gặp.

        Cũng đã đến lúc mình phải nghĩ đến chuyện ấy rồi.

        Ý nghĩ đó lởn vởn trong đầu cô gái vào cuối mùa đông năm ấy khi đoàn điều tra từ đảo trở về đất liền để nghỉ ăn Tết. Mọi người đều chăm chú mua sắm những hải sản đem về góp vào bữa ăn đầu xuân. Ban đầu Hảo định về Nam Định với gia đình. Cô bị kích thích vì cái không khí chung. Nhưng rồi Hảo ngại thời gian nghỉ ngắn, tàu xe đi lại khó khăn. Có lúc Hảo nghĩ hay là về Hà Nội cho gần hơn, ở tại ký túc xá, ăn Tết một vài bữa với Thùy. Nhưng sau đó, khi cơ quan cần một số người thường trực trong dịp Tết thì Hảo thay đổi ý kiến và nhận ở lại. Cô muốn được hưởng phong vị một cái Tết ở miền biển. Và cô nghĩ mình về những nơi có nhiều người quen thuộc đang tíu tít vào ngày Tết, sẽ càng cảm thấy trong lòng trống trếnh hơn.

        Cái Tết ở cơ quan này thật buồn tẻ. Khách khứa không có ai. Mấy người thường trực biến thành những người trông nhà. Hảo dùng những ngày nghỉ rỗi rãi, ấm áp để đọc sách, ngủ và viết một số lá thư. Lâu nay, Hảo ít viết thư cho những bạn còn ở lại trường. Cuộc sống giữa Hảo và họ tuy mới xa nhau chưa bao lâu, đã có một cái gì rất cách biệt. Hảo gửi thư cho gia đình, cho Thùy, cho mấy cô bạn đã ra trường.

        Từ ngày ra công tác đến giờ, nhiều lúc Hảo nhớ tới Quỳnh. Và mỗi lần như vậy, cô lại cảm thấy bâng khuâng. Cái vẻ lúng túng, dáng điệu rụt rè, hơn tất cả là sự chân thành của anh, ngày càng tách anh ra khỏi những người đàn ông mà Hảo đã biết từ trước đến giờ. Anh Đông đã có ý định mối lái anh ấy cho mình. Mình không nên tự dối mình. Đúng là ở mình đã nảy ra ít nhiều tình cảm với anh ấy. Nhưng cũng thật khó nói rằng đó đã là tình yêu. Trở ngại lớn giữa hai người vẫn là anh ấy khó mà thông cảm được với nghề nghiệp của mình. Chỉ có điều đáng tiếc lẽ ra mình đã có một người bạn trai tốt có thể làm cho mình đỡ trống trải, nhưng mình đã bỏ qua. Hảo đã hỏi Thùy địa chỉ của Quỳnh. Nhưng qua mấy lần nói chuyện với Thùy trước khi đi công tác, Hảo cảm thấy Thùy không muốn nhắc lại chuyện mối lái trước kia. Thái độ ấy đã làm cho Hảo hơi tự ái. Lại thêm cái địa chỉ Thùy ghi cho Hảo không rõ ràng. Vì vậy, có những lúc đã định viết thư thăm Quỳnh rối Hảo lại thôi.

        Sau ngày Tết, đài phát thanh của ta đưa tin máy bay Mỹ đánh Quảng Bình, Vĩnh Linh. Những đám mây đen của chiến tranh vừa tan đi trong đầu óc cô gái giờ lại bắt đầu tụ lại. ít lâu sau, Hảo nhận được thư của cô bạn ở Đồng Hới. Cuối cùng, Hảo quyết định viết thư cho Quỳnh. Cô đã bỏ lá thư tại nhà bưu điện của thị xã Quảng Yên trước khi xuống thuyền đi một đợt công tác mới.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:28:21 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2020, 03:20:16 pm »

        
3


        Trung tuần tháng Tư, đoàn điều tra từ đảo Cô Tô trở về đất liền.

        3 giờ chiều, con thuyền của họ đến bến Bãi Cháy.

        Trưởng đoàn, một cán bộ quân đội chuyển ngành, đứng ở mũi thuyển với cái mũ cứng đã bạc màu và chiếc ba lô ngay ngắn trên vai, nói như ra lệnh:

        - Toàn đoàn chú ý! Bây giờ chia làm hai mũi. Một mũi gồm tất cả dưới sự hướng dẫn của đồng chí phó đoàn tiến thẳng về khách sạn thuê buồng, đặt cơm. Một mũi gồm có một mình tôi, tiến về trạm bưu điện mua mấy tờ báo. Các đồng chí đồng ý không?

        Mọi người nhao nhao đồng ý. Tiếng Hảo nói to nhất. Những ngày ở biển đói nhiều thứ, nhưng đói nhất là tin tức. Ai nấy đều nóng ruột muốn biết từ khi mình ra đi, đất nước đã xảy ra thêm những chuyện gì.

        Các cô phục vụ tại khách sạn hơi ngạc nhiên khi thấy một đoàn người quần áo nhàu nát, mặt đỏ cháy vì nắng và gió biển, khênh theo những chiếc thùng, gặp ai cũng vồn vã cứ y như người nhà đi xa mới trở về. Họ quên những người nửa năm trước đây đã bị tưởng lầm là những cán bộ địa chất.

        Đối với người ở đất liền ra biển thì quay lại đất liền là đã trở về nhà.

        Hảo xếp hành lý vào tủ xong, chưa cùng mọi người đi rửa mặt mũi vội, ra đứng bên cửa sổ trông ra vịnh. Cô muốn ngó lại chặng đường xa sóng gió mà mình đã vượt qua. Trời chưa nóng hẳn và hôm nay không phải ngày nghỉ nên bãi biển vắng người. Một chiếc ca nô du lịch màu sơn trắng còn mới tinh đậu bên cạnh ngôi nhà mái cong làm nhô ra ngoài mép nước. Nhiều ngôi nhà cũ bên thị xã sao mà mái đỏ như son. Lần này Hảo mới chú ý đến những mái ngói đỏ ấy. Có lẽ là một thứ ngói không bắt rêu. Tâm hồn người ta có thể cứ tươi đỏ mãi mãi như thế kia cùng với thời gian? Trước mắt cô gái không phải là biển cả với những sóng gió dập vùi mà là một mặt hồ xanh trong phẳng lặng với những ngọn núi tím lô nhô; tất cả đều im lìm, không chuyển động như ở trong một bức tranh. Cô gái mỉm cười với mình. Cô thấy đây là một phần thưởng của chính mình đã giành cho mình. Bỗng nhiên Hảo nhớ đến một bức thư của một người bạn ở Hà Nội, trong đó, cô bạn hết sức ca ngợi vẻ đẹp của một người con gái đi công tác như Hảo hiện pay. Không biết nhà văn nào đã nhận xét: "Con người là một sinh vật viễn thị". Người ta khi ở xa thường dễ nhìn thấy rõ vẻ đẹp hơn là khi ở gần. Một ngày kia mình đã về già, có con có cháu rồi thì những giờ phút này chắc chắn là những ký niệm tuyệt đẹp...

        - Tất cả đoàn ta đâu, tập hợp?

        Tiếng của anh trưởng đoàn vang lên ở cửa buồng làm Hảo giật mình quay lại. Anh vẫn ba lô trên vai, tay cấm mấy tờ báo, hỏi Hảo:

        - Ta ở đây à? Anh chị em đâu cả cô?

        Những người ở các buồng bên nghe tiếng oang oang lúc nào cũng đầy vẻ quân sự của anh, đã chạy sang.

        - Vào cả đây! Tin rất đặc biệt.

        Vẫn để nguyên chiếc ba lô trên vai, anh bỏ mũ lấy khăn tay lau mồ hôi trán. Anh đã đi hối hả một mạch từ trạm bưu điện về. Bằng một giọng trịnh trọng, anh nói:

        - Tôi rất vui mừng báo cáo để các đồng chí biết: Không quân của Quân đội nhân nhân Việt Nam vừa xuất trận. Máy bay ta đã chiến thắng rất vẻ vang trên bầu trời Thanh Hóa. Không quân ta đã bắn rơi hai máy bay địch...

        Anh chuyển từ cái giọng đọc diễn văn sang giọng nói vui vẻ:

        - Các đồng chí xem... Đúng là có truyền thống đánh đâu thắng đó! Đánh trên bộ, đánh trên biển, thắng. Đánh trên trời, cũng vẫn thắng. Đánh Pháp thắng. Đánh Mỹ cũng thắng.

        - Thủ trưởng cho biết là tin truyền miệng hay là tin trên báo đấy?

        - Cả tin tôi nghe được lẫn tin trên báo. Tôi ra đến nơi thì báo ngày hôm đó đã hết cả rồi, tôi phải hỏi tin ở trạm bưu điện. Cũng là những tin đã đăng báo thôi. Tôi cũng lo không có bằng chứng thì các đồng chí không tin. May lại vớ được mấy tờ Nhân dân có bài thơ này. Mình lạc hậu về tin tức thôi, chứ miền Nam cũng biết cả rồi. Nói có sách, mách có chứng, đầy...

        Anh mở một tờ báo ra và đọc chậm rải:

        - Đánh trận đầu thắng. Kính tặng Không quân nhân dân Việt Nam... Đó là đầu đề bài thơ của nhà thơ Giang Nam. Còn bài thơ thì dài, ta sẽ đọc sau.

        Anh giơ tờ báo quay quanh cho mọi người xem cái đầu bài rồi dừng lại ở chỗ Hảo đứng, nói:

        - Xin tặng người yêu thơ của đoàn ta là cô Hảo tờ bào này. Cô Hảo sẽ chuẩn bị để ngâm trong buổi đọc tin chiến thắng tối nay. Bây giờ các đồng chí chỉ buồng để tôi về đặt ba lô. Lát nữa, sẽ chạy sang ty bưu điện bên thị xã kiếm đủ tài liệu về cho các đồng chí.

        Trưởng đoàn trao tờ báo cho Hảo và đưa một tờ khác cho mấy người kia rồi đi về buồng mình.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:28:34 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2020, 10:14:20 am »


        Trong đoàn, ai nấy đều bỡ ngỡ trước cái tin mới này.

        Mọi người đọc xong bài thơ, xôn xao bàn tán:

        - Cho chết Giôn-xơn! Có thế nó mới chừa?

        - Bộ đội ta giữ bí mật ghê thật! Trước tới giờ có khi nào nghe nói đến không quân của ta...

        - Không biết máy bay của ta là máy bay gì? Phản lực hay cánh quạt nhỉ?

        - Theo tôi thì trăm phần trăm phải là phản lực. Ta không dùng máy bay thì thôi, chứ đã dùng nhất định phải dùng phản lực.

        - Mình nghe nói lái phản lực khó lắm. Phi công phải nằm. Vì nó bay nhanh gấp mấy lần tiếng động kia mà!

        - Nằm thì lái thế nào được? Nằm thì chỉ có thể ngủ thôi ông ơi!

        Một cuộc tranh cãi về lái máy bay phản lực siêu âm thì nằm hay ngồi nổ ra.

        Hảo chỉ nhìn mọi người tủm tỉm cười. Hai mắt cô rực sáng. Đôi gò má cô nở ra. Trong cái vui chung cô còn cảm thấy một sự tự hào riêng. Điều khiến cho mọi người cùng ngạc nhiên đó, Hảo đã biết từ lâu. Cô muốn kêu ầm lên:

        - Các đồng chí ơi, không những tôi biết ta đã có không quân mà còn quen cả những người lái máy bay của ta. Chính các anh ấy đã đánh đấy? Các anh ấy hiền như đất. Nếu bây giờ có ngồi ngay trước mắt thì các đồng chí sẽ không tin là đã làm được những việc ấy đâu... Giá mà bây giờ các anh ấy có mặt ở đây thì mình có thể ôm chầm lấy mừng đến khóc mất... Về đất liền mình đã cảm thấy sẽ có một chuyện gì vui, và ngay sau đó, điều vui ấy đã đến. Thùy lúc này chắc sướng lắm? Con bé hạnh phúc thật...

        Khi ai nấy đã trở về buồng của mình rồi, Hảo mở túi lấy chiếc khăn định đi rửa mặt, thay quần áo, rồi xuống bãi, tung tăng trên bờ biển để tận hưởng niềm vui của mình. Đáng lẽ vào buồng tắm thì cô cầm chiếc khăn chạy xuống cầu thang. Gặp một cô phục vụ trẻ đang đi lên, Hảo nắm lấy hai vai, hỏi:

        - Biết tin không quân ta bắn rơi máy bay Mỹ chưa?

        - Từ tuần trước hay là tin mới hả chị? - Cô ta hỏi lại.

        - Mình cũng không biết... ở Thanh Hóa ấy mà!

        - Nếu vậy thì tin từ tuần trước rồi!

        - Mình vừa ra đảo về nên hôm nay mới biết.

        - Chị này, tối hôm nọ nghe đài báo tin xong, chúng em sướng quá, suốt đêm không ngủ được. Đài nói có một anh quê ở Quảng Nam đã bắn rơi máy bay địch...

        - Mình quen anh ấy đấy! Mình biết cả tên anh ấy nữa...

        Nét mặt cô phục vụ đang tươi tỉnh bổng trở thành lạnh nhạt. Cái chị này, không biết cả không quân ta đánh ngày nào, vừa nghe mình nói thế mà đã nhận ngay là biết cả anh phi công bắn rơi máy bay. Nhưng Hảo không nhận thấy điều đó. Cô chợt nhìn chiếc khăn mặt khoác ở tay:

        - Ơ...! Mình định đi rửa mặt, lại cắm cổ chạy xuống cầu thang làm gì!

        Hảo quay đầu chạy lên. Cô phục vụ trố mắt nhìn theo như tự hỏi: không biết cái chị này làm sao mà bỗng cuồng lên như vậy!

        Tối hôm đó, sau giờ đọc báo, Hảo vế buồng mở chiếc hộp nhỏ lấy ra mấy tờ giấy mỏng màu xanh có viên răng cưa. Cô bật ngọn đèn bàn ngồi đó rất lâu. Bao nhiêu ý nghĩ xao động, nhảy múa trong đầu. Không làm thế nào mà bắt được nó để viết cho ra câu đầu tiên. Hảo chợt nhìn bài thơ trong tờ báo đặt trên bàn. Ơi những cánh thiên thần Hiền lành và dũng cảm...

        Đúng là như thế! Mình cũng đang nghĩ như thế. Một ý nghĩ nảy ra... Cô chép trọn vẹn cả bài thơ. Cuối cùng, Hảo ghi thêm mấy dòng:

        "Anh Quỳnh thân mến,

        Sau những ngày ở đảo và lênh đênh trên mặt biển, hôm nay em đã trở về đất liền Hồng Gai, biết tin Không quân ta vừa đánh thắng trận đầu và được đọc bài thơ của Giang Nam. Em sung sướng và tự hào vô cùng. Anh cho em gửi lời chào mừng của một đứa em nhỏ đến các anh vừa lập chiến công. Em chép vội bài thơ này gửi tặng anh. Ngày mai em về chỗ ở cũ".

« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:28:51 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2020, 10:15:56 am »

         
CHƯƠNG XI

1


        Tú về đơn vị được vài ngày thì thấy đau ở sống lưng. Bác sĩ yêu cầu anh phải đi bệnh viện. Ngoài chỗ đau đó, quân y trung đoàn còn thấy sức khỏe của anh cần được kiểm tra mọi mặt sau lần hạ cánh bắt buộc.

        Mấy ngày sau, không có thêm một trận đánh nào. Rút kinh nghiệm hai cuộc chiến đấu đầu tiên, cách đánh của ta có thay đổi. Địch đã biết không thể coi thường những chiếc Mic bé nhỏ, cũng đề phòng hơn. Trong thời gian này, hình như chúng tìm cách tránh những cuộc giao chiến với máy bay ta. Chúng còn phải tính toán trước khi leo thêm những nấc thang mới.

        Tú cố sơ kết xong trận đánh của biên đội. Hai máy bay cường kích F105 đã bị bắn rơi. Trận đánh của biên đội Tú đã góp phần bẻ gãy một đợt tiến công lớn của địch vào cầu Hàm Rồng. Máy bay địch vì sợ hỏa lực của các đơn vị cao xạ bố trí ở nhưng mỏm núi phía nam cầu, nên đã chuyển hướng tiến công từ phía bắc xuống, không ngờ lại vấp phải máy bay ta ở hướng này. Vì bị đánh bất thần ngày hôm trước, nên hôm đó địch đã huy động tới ba mươi lăm chiếc Thần sấm mang tên lửa đi làm nhiệm vụ yểm hộ cho ba mươi lăm chiếc khác mang bom đánh cầu. Nhưng máy bay của ta đã lọt qua hàng rào cảnh giới, đánh vào những tên mang bom, tung hoành giữa máy bay địch đông như ruồi, làm cho những chiếc tên lửa “hễ bắn là trúng” mất tác dụng. Ngay tối hôm đó, viên trung tướng chỉ huy không quân Mỹ ở Sài Gòn đã buộc phải thú nhận là hai chiếc F105 đã bị máy bay Mic của ta bắn rơi, và không hiểu vì sao những tên lửa đã bay ngang máy bay của ta mà lại không nổ. Đối với ta, thành công của trận đánh này nói lên không quân của ta mặc dầu non trẻ, với những máy bay tốc độ không lớn lắm có thể đương đầu với mọi loài máy bay hiện đại, khổng lồ, siêu âm, trang bị tên lửa của không lực Hoa Kỳ. Cuộc chiến đấu chắc chắn sẽ còn ác liệt hơn nhiều. Nhưng chúng ta đã biết sức mình, biết những gì có thể làm được.

        Một tuần sau trận đánh, Tú về Hà Nội vào bệnh viện. Anh được đưa đi kiểm tra ở các khoa. Sức khỏe của anh vẫn tốt. Riêng cái cột sống đau là vì một số đốt xương hơi bị dồn do máy bay tiếp đất mạnh. Bây giờ phải kéo ra cho nó trở lại bình thường. Việc điều trị không khó khăn nhưng đòi hỏi thời gian.

        Hàng ngày, Tú phải nằm nhiều giờ trên chiếc giường có kê một tấm ván dốc. Hai cánh tay anh móc vào hai vòng dây buộc ở đầu giường. Chính anh phải tự mình kéo cho các đốt xương sống giãn ra. Việc làm tuy giản đơn, không mệt nhọc gì mà cũng gian khổ. Về đây, đôi má anh đầy đặn lại, người trắng ra. Anh lên cần nhanh. Nhưng anh phải bất động trong khi bao nhiêu người bệnh khác đi dạo thoải mái trên những đường cây có những đốm nắng hè nhảy nhót, ran ran tiếng ve kêu. Nằm như thế, muốn xem quyển sách cũng không được vì đôi cánh tay anh bị treo. Và sự gian khổ lại chính là ở chỗ nếu không luôn luôn đấu tranh với mình, anh có thể bất cứ lúc nào bỏ cái giường đấy, ra ngoài vườn cây đi tung tăng một lúc mà không dễ bị bác sĩ phát hiện.

        Ngoài những giờ nằm kéo co với mình, vì phải giữ bí mật, nên Tú ít gần các bệnh nhân khác. Tú chỉ nói chuyện với mấy đồng chí cán bộ hình như biết anh là chiến sĩ lái máy bay, nhưng khi chuyện trò không bao giờ đả động đến công tác của anh. Tú đến thư viện mượn một vài cuốn sách mới. Đôi lúc, anh ngồi trao đổi với chị giữ thư viện về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của một cuốn tiểu thuyết hay một tập thơ. Từ nhiều năm nay, Tú rất chăm đọc sách. Với anh, sách đã trở thành một nhu cầu. Chị giữ thư viện ngạc nhiên vì sự hiểu biết về văn học của anh. Chị đã bỏ hàng giờ ra để tranh luận với anh về chủ để tư tưởng tác phẩm "Thuốc" của Lỗ Tấn, hoặc về tính nhân đạo trong một cuốn tiểu thuyết của Lép Tôn-xtôi.

        Trong những giờ rỗi rãi kéo dài ngược hẳn với những giờ phút rất khẩn trương, quyết liệt ở đơn vị, Tú nằm suy nghĩ liên miên.

        Anh thường kiểm điểm lại mình. Có đồng chí sau khi xem địa hình bãi cát nơi Tú cho máy bay hạ cánh bắt buộc đã nhận xét Tú làm như vậy là mạo hiểm, vì hệ sổ an toàn tại đây rất thấp. Lúc đó, điều chi phối mình chính là tình cảm đối với chiếc máy bay, mình không thể rời bỏ nó như một người mẹ không thể đang tay vứt đi đứa con thơ của mình. Lần sau, nếu lại gặp trường hợp như thế, mình sẽ phải thận trọng hơn, mình sẽ chờ cho tốc độ của máy bay giảm hơn chút nữa rồi hãy tiếp đất. Còn việc bỏ máy bay khi nó còn nguyên vẹn, khi nó vừa đi chiến đấu với mình về là một ý nghĩ mà ngay cả lúc này anh cũng không tài nào chịu nổi.

        Tú nghĩ về cái sống cái chết.

        Trong những giờ phút ấy, từ khi hai chiếc pháo hiệu xanh lơ lửng trên trời báo hiệu cất cánh đến lúc anh tiếp đất an toàn: anh không hề nghĩ đến nó, kể cả lúc những vệt sáng xanh lét của những chiếc tên lửa bắt đầu lóe lên từ máy bay địch. Đúng hơn là mình không có thời gian để nghĩ đến nó, mình chỉ nghĩ phải làm mọi cách để bắn hạ địch, phải tránh được mọi đòn đánh trả của nó. Cả cuộc chiến đấu là một cuộc thi gan với địch. Và trong chuyện này, anh có một sự tự ái rất lớn: Mình có thể thua kém địch về số giờ bay, nhưng không thể thua chúng về lòng dũng cảm. Nếu cái chết đến với mình vào lúc đó, thì nó sẽ đến một cách nhẹ nhàng, vào lúc mình không nghĩ tới nó...

        Thời gian qua, mình đã không kịp nghĩ đến sự lựa chọn giữa cái sống và cái chết. Nó đã đến với mình nhiều lần trong chiến tranh, và mình đã biết cách giải quyết đúng. Nhưng dù thế, so với mười năm trước, những mối dây ràng buộc mình với cuộc sống cũng đã trở nên phức tạp hơn nhiêu. Ngày đó, tất cả những gì là của riêng chỉ nằm trong một cái ba lô. Ngày nay, mình đã có vợ, có con, có cả một gia đình. Cuộc đời càng đẹp, càng nhiều hứa hẹn thì nó lại càng ràng buộc mình thêm... Nhưng mình vẫn tin là sẽ biết cách lựa chọn, biết cách giải quyết đúng. Hôm nào trao đổi về đời anh Nguyễn Văn Trỗi tại diễn đàn của đại đội, nhiều đồng chí đã nói: "Nếu ở vào trường hợp của anh Trỗi, tôi cũng sẽ làm như anh". Cái chết của anh chính là cái chết để mà sống mãi... Nếu mình sẵn sàng hy sinh trong chiến đấu thì mình cũng chỉ lựa chọn cái điều mà hầu hết đồng bào ta đã từ lâu lựa chọn. Nhưng rồi cuối cùng, Tú vẫn bảo mình đừng có bao giờ chủ quan với vấn đề này.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:29:00 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2020, 10:21:54 am »

        
2


        Cả gia đình tới thăm Tú vào một buổi chiều.

        Ông cụ xách theo một cái bị đựng đầy chuối và chanh những thứ hàng ngày ở bệnh viện Tú không sao tiêu thụ hết.

        Tin chiến thắng của không quân ta được đài phát thanh truyền đi đang còn vang dội trong lòng mỗi người, nhất là những ai có người thân ở binh chủng này như chị, thì chị nhận được thư của Tú từ bệnh viện gửi về. Chị đã tự bảo mình phải thật bình tĩnh. Chị không hiểu mấy về công việc của chồng làm. Nhưng chị cũng thừa biết là không có tai nạn bình thường đối với người lái máy bay, nhất là máy bay phản lực chiến đấu. Không... anh ấy vẫn không sao. Nhưng cái tấm ván dốc trên giường kia làm chị lo lắng. Việc đầu tiên chị làm ngay là ẵm con lại trao cho chồng. Liệu anh ấy có bế được con không?

        Tú giơ tay đón con. Bé Kim Anh không theo. Nguyệt cố giúi con vào tay chồng, thử xem anh ấy ẵm nó ra thế nào. Nhưng đứa bé giãy ra. Mặc dầu cả mẹ và bà ra sức chuẩn bị tư tưởng cho nó lên đây để gặp bố, nhưng trước mắt nó lúc này là một người đàn ông lạ mặt, mặc bộ đồ trắng của bệnh viện cũng lạ mắt với nó. Nó chỉ mới được gặp bố có một lần. Bố nó là một chú bộ đội kia mà!

        Dỗ dành con không được, Nguyệt bực vì con, nhưng lại sợ nó khóc to, chị phải ôm lấy con.

        Bà cụ lặng lẽ ngồi xuống bên giường. Cụ nắn vai Tú, rồi vuốt những đốt sống lưng của anh. Dường như không thấy gì khác, cụ hỏi:

        - Có đi lại được không?

        Tú cười, đáp:

        - Con vẫn bình thường, có sao đâu. Các bác sĩ đề phòng thôi. Con vào đầy lại còn khỏe ra nữa.

        Bà cụ vẫn chăm chăm nhìn tấm ván đặt trên giường, ông cụ thì đứng bên cái tủ nhỏ của bệnh viện, nơi cụ vừa đặt các thứ quà đem theo cho con, nhìn Tú bằng cặp mắt tìm hiểu, gan góc của một con người đã chịu đựng nhiều thử thách.

        Tú đứng dậy, ra buồng ngoài, mượn thêm mấy cái ghế. Cả nhà theo dõi chăm chú từng cử động nhỏ của anh như theo dõi một đứa bé đang chập chững tập đi.

        Thấy Tú cắp hai tay hai chiếc ghế khung bằng sắt đi vào nhẹ nhàng, mọi người trong gia đình anh mới thật yên tâm. Bà cụ cười, nói:

        - Anh làm tôi cứ hết cả hồn..

        - Con đã viết rõ trong thư là con không việc gì mà?

        - Tin thế nào được các anh.

        Nguyệt cười mà nước mắt muốn chảy. Đôi gò má chị đỏ hồng nở nang ra. Chị tỏ vẻ đồng tình với lời nói của mẹ chồng.

        - Chứ sao mà lại phải nằm như vầy? - Mẹ anh hỏi.

        - Con tập nhảy cao. Bãi tập ít cát quá. Nhảy xuống đất mạnh nên sống lưng bị đau. Nằm thế này một thời gian cho nó giãn ra.

        Tú vừa trả lời vừa nghĩ bụng mẹ mình đã nói đúng: không tin được vào lời nói của mình trong trường hợp này. Anh không thể nói thật vì đơn vị đã quyết định còn giữ bí mật những người lái đã chiến đấu trong các trận vừa qua.

        Nguyệt đưa bố mẹ chồng ra nghỉ tại nhà tạm trú của bệnh viện, chị quay vào đúng giờ Tú đã hẹn sau bữa cơm chiều.

        Tú dẫn vợ đi thong thả trên con đường nhựa đầy những cánh hoa phượng đỏ, chạy giữa bệnh viện, dưới hai hàng cây cao. ở phòng đón thương binh bệnh binh, mấy cô hộ lý mặc áo "lui" trắng, ngó đầu ra. Thì ra đồng chí phi công này đã có vợ. Cũng xinh đấy chứ! Đến hăm bốn, hăm nhăm chưa? Người thon thả thế chắc chưa có con. Ai lại đi thăm chồng mà chỉ mặc một chiếc sơ mi bằng vải xanh công nhân, hai vai đã bạc trắng... Những tiếng thì thào đuổi theo họ.

        Bệnh nhân đi chơi mát buổi chiều, kín đáo nhìn cặp vợ chồng. Đôi người quen khẽ gật đầu chào Tú và Nguyệt rồi đi. Ai cũng biết không nên xâm phạm vào cái giờ phút gặp gỡ hiếm hoi này.

        Đến nhà hội trường, Tú rẽ về con đường chạy dọc theo bờ sông. Ở đây, vắng người hơn. Dưới hàng cây, có đặt rải rác những chiếc ghế đá. Nguyệt hỏi chồng:

        - Anh nhận được thư của em từ hôm nào?

        - Đầu tháng trước.

        - Tại sao anh viết thư cho em chậm thế?

        - Anh định... xong việc thì sẽ viết thư cho em.

        - Việc gì hả anh?

        - À... Kế hoạch luyện tập của đơn vị ấy mà! Dạo vừa rồi anh bận quá!

        - Anh vừa đi chiến đấu về phải không?

        - Không... Anh cũng có tham gia bảo đảm sơ sơ thôi.

        - “Tham gia bảo đảm” là như thế nào?

        - Em không biết chứ... mỗi một trận đánh của một biên đội bay chỉ mấy người thôi, nhưng phải có bao nhiêu người phục vụ vào đó. Có người chỉ huy, có người dẫn đường, người theo dõi thời tiết, người làm công tác thông tin, người phải chăm lo cho máy bay tốt, không hỏng hóc... Những việc như vậy là công tác bảo đảm... Bây giờ anh muốn em nói chuyện công tác của em ở nhà máy cho anh nghe...

        Nguyệt biết anh muốn lảng chuyện, chị nói:

        - Em đã biết vi sao anh phải giấu em... Đi thế này anh có bị đau không?

        - Anh đã nói với mẹ là những đốt xương sống của anh bị dồn, anh phải nằm nhiều để cho nó dãn ra. Anh tập nhảy cao mà!

        - Anh lại nói thế rồi!

        Giọng nói của chị như có nước mắt. Chị ôm lấy lưng chồng và như dìu anh ra chiếc ghế đá bên đường.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:29:08 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2020, 10:24:09 am »

      
3


        Nghe tiếng chân người bước vào phòng, Tú nhìn ra thì thấy chính ủy trung đoàn. Tú định tháo dây ngồi dậy thì Khang xua tay:

        - Cứ nằm im. Mình vừa hứa với bác sĩ trước khi vào thăm cậu là sẽ hết sức giữ đúng nội quy.

        Chính ủy đặt mũ trên mặt cái tủ con, nhấc một chiếc ghế lại ngồi cạnh giường Tú, giọng thân mật:

        - Khá chưa?

        - Có lẽ sắp khỏi anh ạ.

        - Hỏi thế thôi, chứ mình nắm vững bệnh của cậu rồi. Đã khỏi thế nào? Chữa cho kiên trì cũng phải mất một tháng.

        - Chết? Một tháng cơ anh? - Tú kêu lên.

        - Biết cậu ở một mình buồn, nên mình đưa một người bạn về cho cậu..

        - Ai đấy, anh?

        - Cậu Đông.

        - Đông làm sao?

        - Đông trực ban suốt từ hôm lỡ cơ hội làm bàn đến giờ. Bắt nghỉ cũng không nghe. Cứ đòi đánh được một trận rồi mới nghỉ. Hôm qua báo động nhiều, ngồi cả ngày dưới cánh máy bay thành cậu ta cảm nắng. Quân y đơn vị nói nhân dịp này bắt cậu ấy đi luôn vì cậu Đông có cái a-mi-đan đáng lẽ phải cắt từ lâu.

        - Dạo này ở đơn vị chắc là bấn lắm?

        - Bấn thì cố nhiên là bấn rồi. Nhưng lúc nào có việc lúc ấy. Cậu cứ yên tâm điều trị cho tốt, về nhà là làm ăn được luôn.

        - Đông đâu rồi, anh?

        - Cậu ấy còn đang ở phòng đón tiếp thương bệnh binh. Mình rẽ vào đây trước. Hai anh em kéo bộ từ bến xe đến đây. Một cái xe con phải trực chiến đấu. Một cái nữa thì bị hỏng đang còn chữa. Sáng hôm nay, phải đi ô tô hàng về. Mình sợ cậu ấy mệt, bàn hay là hai thằng cùng cất sao, cất quân hàm, làm một chuyến xích lô cho chóng. Cậu Đông không nghe.

        Có tiếng lanh lảnh của một chị hộ lý ngoài cửa:

        - Anh Tú ra mà đón bạn nào!

        Đồng chí hộ lý ôm một bó chăn màn và quần áo bước vào. Đông theo sau, mặt không giấu được vẻ bất mãn.

        Chính ủy nhanh nhảu:

        - Cảm ơn các đồng chí quân y đã bố trí cho hai anh em cậu ấy nằm một buồng. Bây giờ Đông ở đây với Tú, mình phải đi. Cố điều trị cho tốt rồi cùng đưa nhau về.

        - Tôi không chờ được anh Tú đâu! - Đông cãi.

        - Có thể là cậu về sớm hơn. Nhưng cậu phải cắt cái a- mi-đan, không thì về đến đơn vị là phải quay lại bệnh viện!

        Đồng chí hộ lý vừa trải vải giường vừa nói:

        - Chúng tôi phục vụ ra làm sao mà đồng chí vừa tới nơi đã nghĩ ngay đến chuyện về?

        Chính ủy cười:

        - Đấy, thấy chưa? Đồng chí Tú ở đây bao lâu không sao, cậu vừa vào đã bị phê bình rồi... Nhớ kỹ là về phải có giấy ra viện. Không được phá quấy nhé! Thôi mình đi.

        Tú lại định ngồi dậy, nhưng chính ủy đã nắm lấy bàn tay anh đang treo ở móc, rung rung để chào anh và giữ anh nằm tại chỗ.

        Đồng chí hộ lý chuẩn bị xong, đến nắm tay Đông, kéo lại giường:

        - Đồng chí nằm nghỉ ngơi đã. Bây giờ đồng chí phải phục tùng chúng tôi.

        Tú nhìn chị hộ lý, biết chắc là chị đã không đoán đúng tuổi của Đông. Đông quát to:

        - Phục tùng!

        Rồi anh nhảy lên nằm ngay ngắn trên giường. Chị hộ lý bật cười, vui vẻ đi ra.

        Đông quay sang nói với Tú:

        - Tôi tức ông Phổ lắm. Ông ấy thừa cơ tôi nhức đầu một lúc mà bắt tôi vào viện.

        - Thừa cơ thế nào? Thế là đã nhân nhượng với cậu nhiều. Đáng lẽ cậu còn phải đi trước mình. Thôi hai thằng nằm vui chán.

        - Tôi yêu cầu sáng mai cắt a-mi-đan luôn.

        - Cậu chẳng hiểu gì về phương pháp điều trị. Còn phải kiểm tra sức khỏe, ít nhất cũng phải thử máu đã chứ!

        Đông ngớ mặt ra.

        - Chiều nay mình đấu với cậu mấy séc bóng bàn.

        Tú nói thế cho Đông vui, chứ anh vẫn bị cấm những động tác mạnh.

        - Ờ nhỉ! Nhưng tôi bỏ quên vũ khí ở nhà rồi!

        Đông muốn nói tới chiếc vợt một mặt mút, một mặt gỗ đã được anh khía thêm những hình ô trám bằng dao.

        - Khó gì! Sẽ nhắn lên đơn vị có ai xuống thì đem hộ. Bây giờ thì có vũ khí nào đánh vũ khí ấy... Địch hoạt động dạo này ra sao?

        - Ngày nào R.F cũng quần ngang quần dọc trên trời. Nó dùng nhiều nhiễu, ta chưa trị được. Giá có máy bay mới thì nó chết. Còn bọn oanh tạc và tiêm kích địch vẫn hoạt động xa sân bay. Hễ mình lên là nó lẩn. Bao nhiêu lần xuất kích mà vẫn không được đánh.

        - Phải tính cách gì để đưa chúng nó vào tròng - Tú nói.

        - Tôi có nêu ra một số biện pháp nhưng không thấy trên trả lời.

        Tú biết Đông thường có nhiều ý kiến táo bạo, nhưng anh nói:

        - Hàng chục đề nghị đưa lên, trên cũng phải có thời gian nghiên cứu đã chứ?

        - Anh Tú này, ở nhà anh em đã bình công cả đơn vị xong.  

        -Thế à?

        - Anh em đề nghị tặng anh danh hiệu Anh hùng.

        - Ối chao! Tặng mình danh hiệu Anh hùng! Mình còn xa hai chữ ấy lắm! Mấy hôm nằm đây, mình tự kiểm điểm thấy vô khối khuyết điểm.

        - Nói cho cùng thì bao giờ hết khuyết điểm được. Chỉ có không làm thì mới không có gì sai. Tôi rất tán thành tặng anh danh hiệu Anh hùng.

        - Không... Không thể được đâu! Mình sẽ không dám nhận bởi vì mình chưa xứng đáng.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:29:21 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2020, 07:38:50 pm »

        
4


        Quả nhiên người ra viện trước là Đông. Một mặt, Đông hết sức tuân theo mọi chỉ thị về điều trị của bác sĩ. Một mặt, anh đòi về sôi sùng sục. Sau mười ngày, Đông nhận được giấy ra viện. Còn Tú thì vẫn không thấy ai nhắc nhở gì đến ngày về của mình. Anh biết mình không thể làm sôi lên như Đông vì Đông vừa đi khỏi thì viện cho chuyển Tuân sang nằm cùng buồng với anh. Tuân ở đại đội 2, có triệu chứng rõi loạn tiến đình. Tuân cũng bị bắt về đây và có lẽ sẽ phải điều trị khá lâu. Dẫu sao mình cũng phải làm gương cho anh em, Tú nghĩ.

        Đông đi sáng sớm, thì đến nửa buổi, một cô gái khỏe mạnh, đôi gò má đỏ au, bước vào cửa buồng của Tú.

        - Chào các anh.

        Cô gái nhìn hai người bằng cặp mắt có hàng mi dài và đen nhánh, đuôi mắt cũng rất dài, rồi nhìn lại số buồng và nói:

        - Các anh cho tôi hỏi thảm: ở đây có ai là anh Đông

        không?

        - Anh Đông về rồi cô ạ - Tú nói.

        - Anh ấy về thẳng đơn vị ư? Tôi vừa ở nhà anh Đông tối hôm qua, không thấy anh Đông về.

        - Đông mới đi sáng nay thôi. Hôm nay và ngày mai. Đông còn ở nhà. Ngày kia, anh Đông mới phải trở về đơn vị.

        - Thế ư các anh - Cô gái tỏ vẻ mừng rỡ - Biết thế trước khi vào đầy, tôi tạt qua nhà Thùy.

        Cô gái định quay ra nhưng rói cô đứng lại vẻ lưỡng lự.

        - Chắc anh cũng là người cùng đơn vị với anh Đông? - Cô gái hỏi.

        - Không riêng tôi, mà cả hai chúng tôi.

        Tú vừa đáp vừa chỉ sang Tuân đang ngồi với cặp mắt "cảnh giới" quen thuộc của số 4. Tú nói tiếp:

        - Mời cô ngồi nghỉ chân cái đã.

        Anh nhấc chiếc ghế dựa, đặt gần cửa ra vào. Cô gái nói cảm ơn nho nhỏ, dựng chiếc nón bên tường, rối mỉm cười ngồi xuống ghế, trở nên bạo dạn.

        Cái cười tươi và cởi mở với đôi hàm răng hạt lựu của cô dường như để điều hòa đôi mắt sắc sảo và vầng trán hơi dô bướng bỉnh gợi cho người ta phải có một thái độ dè dặt.

        - Tôi là Tú, còn đồng chí ngồi đây là Tuân, đều là bạn thân của Đông. Cô là người nhà anh Đông hay chị Thùy? - Tú hỏi một cách khéo léo.

        - Tôi là Hảo, bạn thân của Thùy.

        - À cô Hảo? - Tú khẽ reo lên. - Anh Đông và anh Quỳnh có nói chuyện với chúng tôi nhiều về cô.

        Màu đỏ trên đôi gò má của cô gái lan tới tận những chân lông mày. Tú nhận thấy điều đó, anh nói tiếp:

        - Chắc là cô mới ở Quảng Ninh về?

        - Tôi về được hai hôm nay.

        - Cô còn ở Hà Nội lầu không?

        - Tôi chỉ ở vài ngày. Cũng sắp phải đi rồi.

        - Hôm nay cô về nhà Thùy thể nào cũng gặp Đông. Tiếc rằng anh Quỳnh không có mặt tại Hà Nội vào dịp này. Quỳnh mong gặp cô lắm.

        - Em gặp anh Quỳnh cách đây một năm rồi - Cô gái đổi cách xưng hô - Từ đó đến nay, chưa có dịp gặp lại. Anh Quỳnh có được khỏe không anh?

        - Quỳnh khỏe lắm, bền bỉ không ai bằng. Chính vì Quỳnh khỏe nên không về đây để cùng được gặp cô vói chúng tôi.

        Cô gái nói với một vẻ buồn buồn:

        - Em cũng biết dạo này các anh bận lắm. Lần này về, được gặp các anh và anh Đông cũng là may.

        Cô gái vừa nói chuyện vừa chăm chú nhìn hai người như để cố tìm ra những nét thân thuộc. Ngồi một lát, cô nói:

        - Em phải về, đi quanh một lúc, rồi đến chỗ anh Đông, không Thùy mong. Hai anh cho em gửi lời thăm anh Quỳnh và các anh ở trên đó.

        Cô gái cầm chiếc nón và cái túi trong đựng mấy cuốn sách, đứng dậy. Tú nói:

        - Không dám giữ cô lâu. Bao giờ cô có dịp lên thăm anh Quỳnh thì chúng tôi sẽ lại được gặp.

        Cô gái chìa tay bắt tay hai người rất chặt.

        - Chúc các anh lập được nhiều chiến công mới.

        Nói xong, cô gái quay đi rất nhanh, dường như không muốn cho hai người chiến sĩ lái máy bay phải lúng túng về lời chúc mừng vừa rồi của mình.

        - Cậu Quỳnh được vợ chồng Đông giới thiệu cho cô này thật là hay. - Tú nói.

        - Sao Quỳnh nói với tôi chỉ mới là bạn quen thôi?

        - Cũng đúng, chỉ là bạn mới quen. Nhưng cậu không thấy thái độ của cô ấy khi nhắc đến Quỳnh à? Còn thằng Quỳnh thì đã bị cô ấy bỏ vào trong cái túi xách của cô ấy từ lâu rồi.

        Tú phá ra cười vì cái điều anh vừa buột miệng nói ra.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:29:32 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2020, 07:00:23 am »


CHƯƠNG XII

1


        Thoáng thấy khu ký túc xá, đôi chân Hảo bước không vững nữa. Trống ngực đập dồn. Trong người bổi hồi bồi hồi một cách thật khó tả. Hảo phải đứng lại một lát để tự trấn tĩnh. Cô tự hỏi: Có lẽ nào đoạn đường đá nhỏ chạy về cái cổng gác thân thuộc kia lại nhiều sóng gió hơn những chặng đường tính bằng ngày trên mặt biển?

        Ngày nào Hảo bỡ ngỡ cắp sách đến trường đại học. Ôi! Những giây phút đầu tiên ấy Hảo sẽ không bao giờ quên. Quang cảnh lúc đó sao mà trang nghiêm một cách lạ lùng. Cô gái bỡ ngỡ đi qua cái sân lá sấu rụng đầy, rón rén bước lên những bậc thềm vào nhà giảng đường. Cô dừng lại nhìn những viên gạch men trắng bóng, di di bàn chân như để xem thử có đúng là mình đang đứng ở đấy không. Cô mở to mắt ngắm cái bàn nhỏ có ngọn đèn con, nơi các thầy sẽ ngồi giàng bài, và nhìn những dãy bàn hình vòng cung lạ mắt cao dần lên ở phía cuối.

        Cô gái mười tám tuổi đó tự hỏi: Đã có những ai, đã bao nhiêu người đặt chân trên những viên gạch màu trắng này và ngồi học ở những chiếc bàn kia? Mình đến đây hôm nay là người thứ bao nhiêu? Những ai đã đưa mình đến đây nhỉ? Cha anh mình ngày xưa có lẽ không bao giờ nghĩ là mình sẽ có mặt tại ngôi nhà đại học đường tôn nghiêm này. Nhiều trong số những người dẫn dắt mình tới đây hôm nay không còn nữa. Cha ơi, cha có biết giờ này con đang ở đây...? Mình sẽ cố xứng đáng với sự hy sinh của cha, của tẩt cả mọi người đã chiến đấu để mở rộng đôi cánh cửa ngôi trường này cho lứa con em như mình, những người đang còn kia cũng như những người đã khuất... Có lẽ ở một số bạn bè của Hảo đã không có những ý nghĩ như vậy. Không phải là hoàn cảnh dẫn họ đến nhà trường này khác với Hảo, mà chính là vì khi còn ít tuổi, người ta hay hướng về tương lai, người ta chưa có thói quen quay nhìn quá khứ. Sớm có ý thức về những cái gì đã qua, riêng điều đó đã khiến cho Hảo phần nào khác với một số bạn bè. Hảo học tập với một chí hướng hẳn hoi, học tập nghiêm túc, bền bỉ. Cô gái coi trường đại học là cái cửa chót để bước vào cuộc đời. Cô muốn sau này sẽ không bị ai coi rẻ vì công việc mình làm. Cô muốn trở thành một người có ích.

        Hảo đã sống trọn bốn năm tại ký túc xá này. Gia đình ở xa, nên mấy năm qua, ký túc xá trở thành gia đình chính của Hảo. Đó là cái thế giới riêng nhỏ bé của những cô sinh viên chưa bợn chút lo lắng cuộc đời. Tại đây, khi đông người cũng có cái hay, khi vắng người cũng có cái hay. Nhiều ngày nghỉ, các bạn cùng buồng đi vắng hết, buổi tối, ở nhà chỉ có một mình. Hảo sợ. Cô chong đèn đọc sách hết đêm. Nhiều cô gái khác ở vào lứa tuổi Hảo đã con bồng, con mang, trở thành những người mẹ trang nghiêm hay quát tháo, mắng mỏ con cái. Nhưng Hảo và các bạn ngoài giờ học tập thì vẫn như trẻ con. Những trò chơi của họ cũng rất trẻ con. Có khi cả bọn ngồi tìm cách trêu nhau, thi xem ai không cười. Oanh trố là con bé tài "tỉnh" nhất. Mặc ai muốn làm trò vè gì nó cũng không thèm cười. Nhưng nó chỉ cần ngoảnh mặt lại, hơi nhếch mép một cái, là nhiều người đã lăn ra cười. Các cô gái rất dễ cười. Và trong các cuộc thi này, bao giờ Hảo cũng là người thua cuộc đầu tiên... Những ngày ôn tập thi cuối năm, những đêm ròng rã làm việc tới một, hai giờ khuya. Những buổi tối sau khi thi xong một môn, trời tạnh ráo chẳng nói làm gì, nhưng dù cho trời mưa cũng phải đội nón, khoác ni lông đi dạo một hồi dưới hàng cây dạ hương cho bõ những giờ căng thẳng học tập... Tất cả đều đã trở thành những kỷ niệm...

        Bác thường trực ngồi sau cái cửa tò vò ở chiếc nhà gỗ nhỏ, ngó đầu ra cười, nói với Hảo:

        - Chào cô cán bộ. Vẫn còn nhớ đường mà về à?

        - Chào bác. Con chim có quên tổ thì cháu mới quên nhà ký túc này. Chừng nào bác chưa cấm cửa thì cháu còn cứ về đây.

        Hảo đi tới căn buồng mình ở cũ. Vẫn những chiếc quần áo nhỏ của phụ nữ phơi kín đáo ở một chỗ khuất cạnh bức tường ngăn. Một dãy khăn mặt chăng dọc hàng hiên, vẫn mảnh vữa bị lở cạnh cánh cửa ra vào. Tiếng cười đùa trong buồng bay ra. Không biết có ai kêu lên:

        - Ối! Chị Hảo kìa!

        Những người trong buồng ùa cả lại vây quanh Hảo, tíu tít thăm hỏi.

        Một cô người nho nhỏ bỗng nói:

        - Chị Hảo lớn hẳn lên... Cán bộ rồi có khác.

        - Cô thì mới lớn. Còn người lớn rồi thì không lớn lên nữa đâu. Các cô đang trao đổi chuyện gì mà vui vẻ thế? - Hảo nói và nghe thấy giọng mình lạ hẳn đi.

        - Có gì vui đâu chị! Chúng em đang ngao ngán cả người. Chiến tranh rồi, chả lẽ cứ ngồi học mãi như thế này!

        Tất cả nhao nhao.

        - Ra sớm như chị Hảo lại hóa sướng!

        - Chán nhất bây giờ là cứ ngồi mài quần một chỗ!

        - Chị Hảo này, chúng em đang lo kháng chiến lần thứ nhất đã không đóng góp gì, kháng chiến lấn thứ hai này lại không tham gia nữa thì sau này biết ăn nói với con cái ra sao...

        - Thì chúng mày hãy tạm giãn ra một tý, cho chị ấy ngồi thở cái đã nào!
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:29:44 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2020, 07:01:10 am »

 
        Phi, cô bạn thân nhất của Hảo còn ở lại trường, đẩy mọi người sang bên, kéo Hảo về giường mình ngồi. Đây chính là cái giường Hảo vẫn nằm những năm trước. Cái giường có hai tầng. Oanh trố nằm ở tầng trên, thỉnh thoảng lại tuôn ra một câu bất hủ. Có lúc nó thò đầu ra khỏi giường nhìn xuống kể với Hảo một câu chuyện mà nó cần dùng cặp mắt để diễn tả thêm. Cái gương tròn của Đông gửi từ nước ngoài về làm quà, Hảo cho lại Phi, vẫn treo ở cạnh cửa ra vào để mọi người cùng dùng chung. Đầu giường, bên cạnh chiếc va li, cái túi du lịch hoặc một cái ba lô bộ đội cũ... của mỗi người dùng để đựng tư trang, là một vài tập sách mượn của thư viện nhà trường. Dưới gầm giường, cùng với những đôi guốc, đôi dép là những chiếc chậu men hoa. Mọi vật thân thuộc gần như không thay đổi, y như sáu tháng trước khi Hảo ra đi.

        Ở cái cửa sổ phía đầu hồi, một con chim sâu đang nhảy nhót trên cành táo. Có phải vẫn là cái con chim sâu đã về đây những ngày hè năm trước? Còn cây táo thì chẳng cao hơn chút nào. Hảo đã được biết nó từ khi nó là một cái hạt mới nảy mầm. Có lần dọn vệ sinh, một cô bạn định nhổ nó đi. Hảo đã đứng ra che chở cho nó. Hảo đã bao lần ngồi ngắm những lớp lá non của nó và tưởng như có thể ăn những chiếc lá đó một cách rất ngon lành... Sao mà nhớ những ngày đã qua thế! Về đây, Hảo lại thấy ghen với các bạn, ghen với hạnh phúc mà họ còn đang được hưởng. Điều an ủi Hảo là thái độ sôi nổi của mấy cô sinh viên đang đòi hỏi Hảo góp ý kiến cho mình nên làm gì trước tình hình này. Thực ra, đây cũng là một điều mấy ngày nay Hảo lại đang tiếp tục tự hỏi mình. Hảo về Hà Nội đọc một số tài liệu tham khảo để chuẩn bị đề cương cho bản báo cáo sơ kết. Nhưng mấy buổi nay, đôi lúc Hảo thấy đầu óc tản mạn. Những ý nghĩ về chiến tranh đã làm xao động tầm hồn cô gái lần đầu hồi tháng Tám năm ngoái, trở lại với cô. Chỉ có khác là lần này Hảo đón nó với một thái độ bình tĩnh hơn.

        Phi rủ Hảo đi dạo quanh sân. Chắc con bé có điều gì muốn nói riêng với mình. Vừa ra khỏi nhà một quãng, Phi đã thủ thỉ:

        - Chị Hảo này, cái ông ở Bộ... vẫn đến đầy tìm em để hỏi thăm chị.

        - Không phải thế đâu Phi ạ. Thăm mình... đó chỉ là cái cớ thôi. Ông ấy đến chính là để thăm Phi đấy?

        - Không phải... - Phi cãi - Ông ấy biết em có... người rồi. Ông ấy đã gặp anh ấy ở đây. Chúng em đều tự giới thiệu. Ông ấy còn đến cả chỗ chị Thùy để hỏi thăm chị. Ông ấy kể với em là trước kia chị Thùy định làm mối chị với một anh bộ đội, nhưng chị không hợp với bộ đội.

        - Mình không hợp với ông ấy thì đúng hơn.

        - Ông ấy ca ngợi chị ghê lắm nhé! Có một điều mà em không tiện viết trong thư cho chị... Ông ấy bảo việc bố trí công tác cho chị như hiện nay là không hợp lý. Công tác điều tra ngoài biển, ngoài đảo ấy phải dành cho thanh niên.

        - Thế mình là phụ lão à?

        - Ý nói là dành cho nam giới, ông ấy lo cho chị đi như vậy vất vả.

        - Mình tự lo cho mình được, lần sau ông ấy đến, Phi nói thế hộ mình.

        - Chị để yên cho em nói đã. Ồng ấy cứ băn khoăn hỏi em: "Không biết Hảo có muốn về Hà Nội công tác không nhỉ?". Em nói: "Anh tính hưởng gió sông Hồng, tắm nước máy ai lại không thích". Ông ấy bảo em viết thư hỏi chị, nếu chị đồng ý thì sẽ bàn với chị để chị quay về đây. Ông ấy quen nhiều nơi... Ông ấy nói: "Khả năng như của Hảo có thể làm công tác giảng dạy, công tác nghiên cứu lắm chứ! Hảo về làm ngay ở cơ quan của tôi cũng được".

        Hảo tức điên lên, một lần nữa lại ngắt lời cô bạn ít tuổi:

        - Phi nói với ông ta: Công tác của mình là do tổ chức sắp xếp căn cứ vào nguyện vọng của mình. Mình không mơ cái cơ quan của ông ấy đâu. Ai bảo mình về đấy không những mình không thèm về mà mình còn đánh cho nữa!

        Phi phì cười:

        - Em đi báo cơm chị ăn cả ngày với chúng em nhé!

        - Mình ở chơi được đến trưa thôi. Chiều nay phải đến nhà Thùy rồi.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:29:57 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2020, 07:01:54 am »

        
2

        Trên đường đến nhà Thùy, một cầu nói của Phi ban sáng vẫn làm Hảo băn khoăn. Tại sao Thùy lại nói trước kia đã có ý định giới thiệu mình với một anh bộ đội. "Trước kia" là thế nào? Tại sao ông ở Bộ lại nói với Phi là biết mình không hợp với bộ đội? Thùy đã nhận xét gì về mình trước mặt ông ta? Thùy đã nghĩ gì khi mình viết thư cho Quỳnh?... Hôm qua, hai người gặp nhau, Thùy chỉ hỏi "có nhận được thư của anh Quỳnh không” rồi không đả động gì tiếp. Vì sao khi mình nói không nhận được thư của Quỳnh, Thùy vẫn thản nhiên? Mình và anh Quỳnh đã có chuyện gì đâu. Nhưng thái độ dửng dưng của Thùy vẫn cứ làm cho Hảo phật ý, nhất là từ ngày cô học xong đến giờ, do hoàn cảnh mới, tình bạn giữa hai người đã trở lại như xưa.

        Đến con đường rẽ về nhà Thùy, Hảo nhìn thấy một người đàn ông cõng một em nhỏ đi trên vỉa hè. Một chiếc làn nhựa màu xanh ngoắc ở tay anh ta. Hảo chú ý đến nó vì hình như có con cá đang quẫy mạnh trong đó dưới đám rau thơm. Đạp xe đến gần, Hảo ngạc nhiên reo lên:

        - Anh Đông!

        Đông hơi xanh, đứng dừng lại nói:

        - Thùy nói sáng cô không lại thì chiều thế nào cô cũng lại.

        - Sáng nay, em vào bệnh viện thì anh vừa ra khỏi. Em về ký túc xá chơi với chúng nó một lúc cho đỡ nhớ. Thùy đâu?

        - Thùy phải đi họp một lát.

        - Trông thấy anh từ đầu phố nhưng nhìn lôi thôi lếch thếch quá nên không nghĩ là anh. Anh bế cháu ngồi cả lên đèo hàng, em đạp về.

        - Đến nhà kia rồi còn chi! Chung Thủy nó thích bố cõng hơn là ngồi xe đạp. Cô đèo hộ tôi cái làn về trước. Tôi và cháu chỉ về sau cô vài bước.

        - Nhà anh có ai đâu, em về trước làm gì. Chi bằng đi bộ quách với anh cho xong.

        Hảo nhấc chiếc xe lên vỉa hè. Cô đón cái làn ở tay Đông ngoắc vào tay lái, rồi dắt xe cùng đi thủng thỉnh.

        - Anh được ở nhà đến bao giờ?

        - Sớm mai đi rồi.

        - Sao các anh ấy nói ngày kia anh mới phải về đơn vị?

        - Nằm mãi Hà Nội sốt ruột không chịu được!

        - Anh chỉ mới về nhà có một buổi?

        - Nhưng tôi nằm viện đã mười ngày. Cô tuyệt đối không được để lộ bí mật với Thùy chuyện vừa rồi.

        - Chuyện gì?

        - Chuyện ngày kia tôi mới phải lên sân bay. Còn cô, bao giờ cô lại ra ngoài đó?

        - Em còn ở đây vài ngày nữa đọc tài liệu.

        Đông ngẫm nghĩ một lát. Anh muốn rủ Hảo lên đơn vị chơi, nhưng lại ngại làm như vậy không đúng nguyên tắc vì chưa báo cáo với trung đoàn. Anh nói:

        - Thằng Quỳnh nhận được cái thư của cô nó đọc đến thuộc lòng từng chữ rồi.

        - Sao anh ấy không viết thư cho em?

        Đông ngơ ngác:

        - Thế nào? Nó chưa viết thư cho cô à...? Ừ, cũng có thể là nó chưa kịp viết. Thời gian vừa qua, cánh chúng tôi cứ bấn xúc xích.

        Mình đã nói mình biết anh ấy bận, không yêu cầu anh ấy viết dài, nhưng lẽ nào anh ấy không viết được cho mình mấy chữ, Hảo nghĩ.

        Gần đến nhà, Đông lại dặn Hảo:

        - Nhớ câu tôi nói ban nãy! Vợ chồng tôi mà cãi nhau là lỗi tại cô. Tôi mới cắt cổ xong, không nói được nhiều.

        - Anh nói sao? - Hảo hỏi lại.

        - Tôi mới cắt cái a-mi-đan được hơn một tuần nay.

        Đông đặt con xuống hè, móc túi lấy chìa khóa mở cửa.

        - Vừa qua anh đã đánh nhau chưa? - Hảo hỏi.

        - Đánh nhau gì thứ tôi! Đế quốc Mỹ nó cũng chê.

        - Anh lúc nào cũng nói đùa được.

        - Tôi nói thực là tôi chưa đánh đấm gì. Nhưng rồi nhất định tôi sẽ đánh cho cô coi.

        - Anh biết không, hôm nghe tin các anh đánh trận đầu, bắn rơi máy bay Mỹ, em cứ như người phát rổ. Đồng chí bắn rơi máy bay Mỹ người Quảng Nam mà báo đăng là ai, anh?

        - Cái gì còn đang phải giữ bí mật thì cô chưa nên yêu cầu tôi nói. Rồi có ngày cô sẽ biết.

        Một lát, Thùy về. Đông trao Chung Thủy cho vợ, rồi chạy xuống bếp làm cơm.

        Hảo ngồi mặt sầm sì. Đáp lại những câu hỏi của Thùy, Hảo chỉ trả lời gióng một. Nhiều điều đã làm cho lòng tự ái của cô bị tổn thương. Mình viết hai lá thư, anh ấy vẫn chưa trả lời mình. Sáng nay ở viện, các anh ấy nói đến chuyện mình lên sân bay thăm anh Quỳnh. Vừa rồi mình đã nói mình còn ở đây vài ngày, tại sao anh Đông không đả động gì đến chuyện ấy? Lại thêm cái thái độ lửng lơ của Thùy... Mình sẽ không nói với anh Đông và Thùy một điều gì đụng đến anh Quỳnh nữa.

        Tiếng Đông vừa đập cá vừa la trong bếp vọng ra: “Tiêu diệt này! Tiêu diệt... A! Mày ngoan cố à?...” Lúc nãy anh ấy bảo mình mới cắt a-mi-đan không được nói to, mà bây giờ thì hét như vậy, Hảo suýt phì cười. Chắc anh ấy chẳng làm gì có những băn khoăn, khúc mắc như mình. Anh ấy vừa về đến nhà đã tính chuyện đi. Có thể là các anh ấy đang hết sức bận. Hôm đó, anh Đông cũng hét rầm rầm dưới bếp như thế này. Anh ấy thì ngồi đây. Còn mình thì vác cuốn sách ra chỗ kia... Cô gái cảm thấy trong lòng nao nao...
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:30:06 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM