Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:06:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27023 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2020, 07:14:47 am »

     
CHƯƠNG IV

1

        Đoàn Sao Vàng nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân.

        Các sĩ quan ngành hậu cần của đơn vị căn cứ suốt tuần đeo xà cột chạy nháo lên khắp nơi, ra huyện, lên tỉnh, về Hà Nội để chuẩn bị vật chất cho cái Tết đầu tiên tại sân bay mới. Chính ủy đơn vị căn cứ đã chỉ thị cho họ: "Phải có bánh chưng, dưa hành, giò, nem, ninh, mọc thì mới ra Tết Việt Nam. Phải cố làm cho tốt, đón xuân là cũng đón chiến thắng đấy!".

        Doanh trại được sửa sang, trang hoàng. Các đại đội bay, dốc mấy buổi chiều vào việc biến những khoảnh đồi đầy sỏi khô cằn trước nhà ngủ thành những khu vườn hoa nho nhỏ. Họ xới những luống đất hình vuông, hình tròn và hình ô chám. Một số đồng chí đi kiếm gạch thừa sau những ngôi nhà mới xây, mang về xếp nghiêng, quét vôi trắng làm thành những chiếc riềm răng cưa. Có đại đội xin được cả một cây đào ăn quả đang ra hoa đem về trông. Cuộc thi đua tìm kiếm hoa giữa các đại đội còn đang tiếp tục.

        Hùng "trắng" được phân công chuẩn bị chương trình vui chơi ngày Tết cho toàn đoàn. Mọi người đã tín nhiệm anh về mặt tổ chức các cuộc vui từ khi còn ở trường. Ngoài chương trình rất phong phú gồm các cuộc thi văn nghệ, thể thao, bích báo, trang trí nhà cửa. Hùng còn phải đặc trách thêm tờ bích báo Sao Đỏ của đại đội mình.

        Trưa nay, Hùng phải bỏ ra một buổi để trình bày tờ báo.

        Hùng chọn trụ sở tòa báo tại câu lạc bộ của đoàn vì ở đây có chiếc bàn bóng đủ rộng để đặt tờ báo. Anh là chủ nhiệm kiêm thư ký tòa soạn, kiêm cả trình bày, ấn loát và họa sĩ. Sau khi dán hai tờ giấy khổ rộng lại với nhau, Hùng vẽ những đám mây, những con chim én và những chiếc máy bay phản lực bằng màu nhạt làm nền. Riêng các máy bay thì anh đều vẽ từng đôi một để làm nổi ý hiệp đồng của không quân trong chiến đấu. Tên tờ báo được trình bày gắn liền với một biểu tượng gồm ba người: một cán bộ đội mũ bình thiên, một chiến sĩ lái máy bay đội mũ da và một chiến sĩ thợ máy mặc quần áo xanh đứng dưới lá quân kỳ nền đỏ sao vàng rực rỡ.

        Chính trị viên Bút hẹn đưa bài xã luận vào sáng nay vừa tới xin khất đến buổi chiều. Anh đã đánh vật với nó suốt tối qua mà không xong.

        Hùng đề ra một yêu cầu cưỡng bức là ai cũng phải có bài. Quân số một đại đội bay không có bao nhiêu người. Nếu không đủ bài thì không biết lấy gì điền vào các chỗ trống.

        Người nộp bài đầu tiên là Lê Trung Phương, đồng chí lái có bộ mặt rỗ hoa dễ thương chuyên làm nhiệm vụ bay số 4. Phương dừng lại ở cửa nhìn Hùng trắng, vẻ dè dặt. Mang bài báo đến đây mà anh cũng cảm thấy như đến để chịu sát hạch buồng lái. Hùng trắng quay đầu ra, miệng đang ngậm một cái bút chì, chìa tay về phía Phương. Hùng đón mảnh giấy nhỏ xong, bỏ bút vẽ, thước trong tay và cái bút chì ở miệng xuống, nói:

        - Rất hoan nghênh!

        Và Hùng chìa tay lần nữa, như một ông chủ bút rất lịch sự, mời Phương ngồi xuống ghế. Nhưng Phương vẫn cứ đứng nhìn Hùng đang mở tờ giấy gấp tư của anh ra xem với một vẻ hôi hộp hiện rõ trên mặt. Đó là một bài thơ gồm hai đoạn:

                                                   Nhớ ngày còn nhỏ
                                                   Chiều ba mươi Tết
                                                   Thúc vội trầu về
                                                   Chạy vào vòi mẹ
                                                   Cho tiền mua pháo
                                                   Mừng đón xuân sang
                                                   Mẹ lặng nhìn con
                                                   Nghẹn ngào chẳng nói.
                                                   Tết đến năm nay
                                                   Cùng chim én bạc
                                                   Vun vút trời mây
                                                   Mắt nhìn bốn phía
                                                   Súng chắc trong tay
                                                   Loạt đạn đầu chờ giặc
                                                   Thay pháo đón xuân này
                                                   Vội vàng ghi mấy chữ
                                                   Báo tin mừng mẹ hay.


        Hùng trắng đọc xong, vỗ đùi, kêu:

        - Hay! Được cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Rất sát trọng tâm Mừng xuân lập chiến công.

        Phương vui vẻ quay ra.

        Hùng trắng đang vạch chì, chừa một khoảng trên tờ bị báo cho bài thơ thì Quỳnh bước vào. Hùng ngẩng đầu lên, ngước nhìn Quỳnh bằng đôi mắt thông minh to và trong như mắt mèo, hỏi:

        - Bài đâu?

        - Mình chuẩn bị xong từ mấy hôm nay một chùm thơ về bốn năm qua, mỗi năm một bài, nhưng chưa xong.

        - A? Gay go ác liệt... Cứ đưa cho mình xem.

        Quỳnh móc túi áo da, lấy một tờ giấy đưa Hùng.

        Hùng đọc xong, gật gù, mắt nhìn ra cửa sổ:

        - Hay! Nói được cả quá trình. Nhưng... giá mà có thêm ít câu về sẵn sàng chiến đấu.

        - Mình cũng nghĩ thế. Cậu đưa lại bài thơ cho mình.

        - Thôi. Để thế này cũng được. Phải chờ cậu bay vài chuyến nữa mới làm xong thì báo đến sau Tết mới ra.

        - Không. Mình sẽ ngồi kia viết thêm luôn cho cậu.

        Hùng trao lại bài thơ. Quỳnh cầm tờ giấy ra ngồi bên cửa sổ.

        Hùng tiếp tục chép bài thơ của Phương lên báo. Thỉnh thoảng anh liếc nhìn về phía Quỳnh, nghĩ bụng: Thằng này tài hoa ra phết, mà vẫn côi cút. Phải cái tội nhát gái quá! Cứ đến gần phụ nữ là mất hết nhuệ khí!
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:21:09 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2020, 07:15:37 am »

 
        Một lát, Quỳnh mang lại cho Hùng cả bài thơ có thêm mấy câu cuối:

                                                   Nhìn về nửa phương trời đất nước
                                                   Ngày ngày thêm da diết nhớ thương
                                                   Chờ Tổ quốc phát ra hiệu lệnh
                                                   Từ nơi đây, cánh én lên đường!


        - Tốt rồi! - Hùng vừa nói vừa giơ tay bắt tay Quỳnh - Giờ đến lượt mình cũng phải có bài mới chết đây!...

        Chỉ còn hai ngày nữa là đến Tết thì chính ủy trung đoàn gọi Tú và Đông lên, tuyên bố hai người được nghỉ phép về thăm nhà. Tú và Đông đều nói không muốn đi. Cả hai đang mong gặp gia đình nhưng không đành lòng rời đơn vị giữa lúc này. Chính ủy nói:

        - Đảng ủy đã quyết định. Các trai tơ đã xung phong trực ban thay các đống chí. Cơ quan tham mưu bố trí xong kế hoạch rồi. Hai cậu cứ yên tâm đi đi. Ra giêng sợ không còn điều kiện nữa đâu.

        Sáng hai mươi tám Tết, Tú và Đông đạp xe về Hà Nội.

        Đã lâu lắm, họ mới tạm bứt ra khỏi những công việc khẩn trương của một đơn vị đã được đặt trong tình trạng thời chiến. Những băn khoăn vì phải xa anh em trong những ngày Tết đầu tiên tại nước nhà đã lắng dần trong lúc họ phóng xe xuôi gió trên con đường nhựa trở về gia đình.

        Trời lạnh, thỉnh thoảng lại có những hạt mưa lâm thâm. Những hạt mưa đã mang hơi ấm của mùa xuân. Trên những cánh đồng lung linh ánh nước, các bà và các chị đang tranh thủ cấy chiêm trước Tết. Từ ngày về nước, Tú và Đông đều đã có dịp về họp tại Hà Nội. Nhưng đó là những chuyến đi vội vã, không tạt ngang, tạt ngửa. Họ không chú ý được mấy đến khung cảnh chung quanh khi đầu óc còn đang bận rộn vì công việc. Lúc này, họ ngắm đất ngắm trời, say mê nhìn người, nhìn cảnh trên dọc đường như chỉ mới nhìn thấy lần đầu.

        Có một người lái máy bay đã viết, nhờ có cái máy bay của mình mà anh hiểu trái đất chúng ta đang sống hơn những người khác, vì anh có những con đường khác với những con đường của những người đi bộ hoặc đi xe. Nhưng cả Tú và Đông thì đều đang bỡ ngỡ khi đi trên con đường mà hàng ngày máy bay của họ đã bay qua không phải chỉ một lần. Họ nhìn con mương thẳng tắp nước đục lờ, viền đôi hàng xoan non mà lần đầu bay qua đây họ đã tưởng lầm là một con đường. Họ nhìn con tàu chở nặng thở phì phì, chạy hộc tốc đưa những người ở xa về ăn Tết vui vẻ ngồi trên cả những toa xe hàng ngày dùng để chở đá. Những chiếc xe vận tải chất đầy lá gói bánh chưng ầm ầm lao về phía Hà Nội. Những quán nước bên đường với một bà đứng tuổi hay một cụ già ngồi sau chiếc chõng trên bày những lọ kẹo, những nải chuối tiêu. Từ trên cao với tốc độ lớn nhìn xuống, họ chỉ thấy được một toàn cảnh tuyệt diệu trên một mặt phẳng như khi xem một bức tranh. Bây giờ, họ đang đi vào bức tranh đó, đang cùng sống với người và cảnh vật trong tranh.

        Tú đã xa gia đình một năm rưỡi. Anh nghĩ đến giờ phút vui mừng khi chiếc xe đạp đỗ trước cửa nhà. Lúc đó, vợ anh đi làm đã về chưa? Ai ở trong nhà nhìn thấy anh đầu tiên và sẽ reo lên. Nguyệt lấy anh năm chị mới mười tám tuổi. Thời nay, đó là tuổi non dại của một cô gái vừa mới lớn. Thầy mẹ Tú được ba người con. Anh trai của Tú đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cô em gái của Tú đi học rồi lấy chồng xa. Nguyệt trở thành người con lớn nhất cáng đáng mọi việc trong gia đình. Nguyệt cố gắng làm quen với những công việc khó khăn và phức tạp của một người con dâu khi chồng quanh năm vắng nhà. Chỉ vài năm sau khi lấy chồng, Nguyệt đã vượt lên những người bạn sinh cùng năm với mình đến vài tuổi. Chị lo hết mọi việc trong gia đình chu đáo. Từ một người thợ bậc ba, chị đã phấn đấu trở thành nhân viên kỹ thuật của nhà máy. Gần một năm nay, chị lại làm thêm nhiệm vụ của người mẹ. Tình yêu của Tú đối vói vợ còn kèm theo tình thương và sự biết ơn. Tất cả cộng lại đã trở thành một thứ tình cảm da diết. Những tình cảm đó thường chỉ được bộc lộ trong những lá thư mà mỗi lần viết, Tú vẫn còn chút e ngại vợ anh hiểu lầm anh đang động viên chị để chị chăm lo công việc gia đình khi anh đi xa.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:21:22 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2020, 06:21:25 am »

 
        Mỗi lần gửi thư cho chồng, Nguyệt đều dành ít ra là một nửa lá thư để nói về con. Chị nói lên niềm hạnh phúc khi biết chắc chắn mình có mang. Chị kể lại cho anh biết những cảm giác khi đôi chân bé nhỏ của đứa bé đạp thánh thót trong bụng mình. Rồi thì những công việc bận rộn để chăm lo cho nó ra đời. Rồi tới khi sinh nó ra. Đó là một đứa con gái mà chị nói nó có đôi mắt xếch giống cha, cái miệng cười giống mẹ; chị tin chắc là sau này thế nào nó cũng sẽ có một chiếc răng nanh mọc lẫy như hàm răng của mẹ nó. Chị tả khi nó hờn, lúc nó bắt đầu lẫy, khi chiếc lợi đỏ hồng của nó nứt ra chiếc răng sữa đầu tiên. Mặc dầu Nguyệt viết thư khá tỉ mỉ và chụp ảnh gửi cho chồng, nhưng Tú vẫn chưa hình dung được khi gặp nó, anh sẽ thấy đứa bé ra sao. Vì một ý nghĩ đơn giản, Tú cho rằng một đứa trẻ không giống như người lớn, nó thay đổi từng tháng, từng ngày...

        - Anh Tú à... - Đông quay sang gọi Tú, bứt anh ra khỏi dòng suy nghĩ - Cánh ta mua mỗi người một cành đào, mang về nhà.

        - Đúng! Một sáng kiến hay. Chỉ Hà Nội mới sẵn đào, chứ Hải Dương nhà mình thì bói không ra.

        - Nhưng mà... tàu Tết đông, sợ anh không mang nổi!

        - Ông cụ mình rất thích đào.

        -Tôi mà đi thì tàu đông đến đâu tôi cũng lên được hết. Có một lần, leo qua cửa sổ hành khách ngồi không được, tôi nhảy luôn qua cửa sổ phòng cô phát thanh viên, ngồi đọc báo đàng hoàng...

        - Làm thế người ta phê bình chết? - Anh tính... lính tráng về phép, thời giờ ít, cuối cùng mọi người cũng thông cảm thôi. Anh cứ mua cành đào đi. Tôi sẽ ra ga với anh. Anh đem xe đạp đi gửi, tôi lên trước kiếm chỗ cho anh.

        Phố Gia Lâm rất đông người. Đường nhựa nhớp nháp bùn đất. Các cửa hàng mậu dịch đông nghịt đồng bào sắm Tết. Những chiếc xe đạp dựng đầy trên vỉa hè.

        Đang dắt xe đi ngược cái dốc nhỏ lên cầu Long Biên, Đông bỗng đứng dừng. Anh giơ tay chỉ cho Tú một khẩu đội súng cao xạ bố trí ngay trên nóc cầu. Đến lượt Tú dừng lại. Cả hai người đứng ngắm một lúc những chiếc mũ sắt nhấp nhô trên nền trời rét mướt đầy mây xám. Các đồng chí đó cũng đang ngồi trên một chiếc máy bay bằng thép, ở trên một độ cao. Nhưng khác với mình ngồi trên một chiếc máy bay thật, các đồng chí bắn súng máy cao xạ này ngồi trên một chiếc máy bay không thể cơ động và cũng không thể cung cấp cho họ những phương tiện để nhảy dù khi cần thiết. Nếu chiến tranh xảy ra, cầu này nhất định sẽ trở thành một trọng điểm đánh phá của kẻ địch. Các đồng chí pháo cao xạ đã tuyên bố sẽ quyết tử với chúng rồi... Tú và Đông như đọc được trong mắt nhau những ý nghĩ ấy.

        Mùa nước đã qua. Sông Hồng thu mình dưới chân cầu. Đi trên cầu, ngó xuống mặt sông thăm thẳm. Tuy vậy, họ vẫn nhìn thấy rất rõ dòng nước đặc quánh phù sa màu mỡ đang vội vã chảy về xuôi. Chiếc cầu dài dằng dặc và chênh vênh. Cuộc chiến đấu của mình nay mai chắc sẽ diễn ra trên chiếc cầu này. Những khẩu đội súng cao xạ bố trí ở hai đầu cầu và dưới bãi sông kia đã gợi cho Tú và Đông nghĩ đến điều đó.

        Hà Nội đây rồi. Những vòm cây xanh đậm, những mái nhà nâu đen và những con đường nhựa màu xám ẩm ướt vì mưa phùn. Ngôi chợ phía đầu cầu đông nghịt người. Đông hỏi một anh mặc chiếc áo bông xanh mới, tay cầm một cành đào nhỏ, vẻ măt hớn hở:

        - Mua ở đâu thế anh?

        - Ở chợ hoa.

        - Chợ hoa ở đâu?

        Anh ta nhìn hai anh bộ đội vẻ mặt đều thông minh như có vẻ hơi ngạc nhiên, rồi nói:

        - Các anh đạp xe về bên kia, đi thẳng khi nào thấy đường tàu điện và một cái két nước là đến chợ hoa. Hoa bạt ngàn. Vào mậu dịch mua cho rẻ. Mua ngoài, ngày Tết thấy các anh lạ, họ "chém" đấy!

        Những cây bàng dọc phố bờ sông chỉ còn lác đác vài chiếc lá đỏ úa đứng lạnh lẽo với những cành khô gầy guộc trong mưa bay. Một cụ già đang vần mấy con voi sứ và những dò lan bày trước mái hiên một căn gác nhỏ. Tiếng máy nổ rộ lên từ một cửa hàng chữa mô tô có mấy ông khách đứng chờ vẻ mặt căng thẳng. Một tấm vải đỏ viền những bóng đèn màu có dòng chữ "Chúc mừng năm mới" đã được treo trước cửa một ngôi nhà vừa quét vôi lại, chắc là một cơ quan. Thoang thoảng khắp nơi mùi thuốc pháo. Đạp xe ra khỏi con đường vòng dưới gầm cầu, hai người nhìn thấy chiếc két nước mà anh thanh niên đã nói ở cuối một phố trụi lủi không một bóng cây.

        Chợ hoa nằm ngay trên một đường phố cũ giáp chiếc cầu đá nổi. Những hàng rào gỗ sơn xanh đặt ngang mặt đường nhựa ngăn xe cộ qua lại, chỉ để chừa một lối nhỏ cho những người vào mua hoa.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:21:41 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2020, 06:21:46 am »


2
   

        Mưa bụi bắt đầu mau hạt, dăng mờ cả đường phố. Hai người cảm thấy như đang đi giữa một tấm màn sa. Chung quanh họ là một rừng hoa. Màu sắc và hương vị của Tết, của mùa xuân tập trung cả ở đây. Những cành đào, cành mai chi chít nụ như chỉ chờ một làn gió ấm của mùa xuân là nở tung. Một bà cầm hai cành đào đứng ở vỉa hè đon đả mời Tú mua. Đông khẽ đẩy Tú đi vì anh đã nhận thấy khu này là của những người trồng hoa ở ngoại thành mang vào bán. Đi mãi vẫn là hoa. Những bông cúc vàng trang trọng. Những bông thược dược nhí nhảnh. Những cành dơn các màu như những cô gái e lệ đứng nép vào nhau. Hồng nhung. Mặt trời. Móng nước. Chân chim... Mùi thuốc pháo thơm lừng khắp nơi. Đôi lúc họ thoáng ngửi thấy mùi hương trầm. Mùi hương như nhắc nhở ở nhà đang có những người thân mong họ mau chóng trở về. Nhưng cả Tú và Đông đều không tài nào len được vào sát cái hàng rào bằng cầy nứa ngăn những gian hàng bán hoa của mậu dịch. Họ đành đi ngoài nhìn những mái lều lợp ni lông xanh lõng bông nước mưa. Tú và Đông bị dòng người đi sắm Tết cuốn về cuối chợ.

        Một cô gái tóc dài đen mượt, mặc chiếc áo kép màu cánh chả đang chọn mua bó hoa dơn bên vỉa hè, thấy hai anh bộ đội đều có vẻ hiền lành, bỡ ngỡ, nói:

        - Hai anh mua hoa đi! Không biết, em chọn hộ.

        - Cảm ơn cô. Hoa màu tím đep quá nhỉ! - Tú nói.

        - Tết này em mua toàn hoa tím. Mua hoa tím để nhớ đến người đi xa - Cô gái mỉm cười, nhưng đôi mắt thoáng hiện một nét buồn.

        Chắc là cô ấy có người yêu đi chiến đấu ở miền Nam, Tú nghĩ.

        - Các anh có mua hoa không?

        - Chúng tôi muốn mua một cành đào.

        - Mua đào thì các anh phải về đàng kia - Cô gái trỏ phía đầu phố, nơi Tú và Đông đã đi vào.

        Hai người quay trở lại. Họ chợt nhận ra chỉ có mình là bộ đội đi lọt vào giữa những người mặc quần áo mùa đông nhiều màu sắc, vừa đi vừa giơ cao trên đầu bó hoa họ vừa mua được. Không thể nào đi nhanh hơn. Bây giờ họ không ngắm hoa nữa mà nhìn mưa dàng trắng trên những mái nhà thấp nhỏ rêu phong, trên chiếc cổng cổ kính của một ngôi chùa cũ, chờ thoát ra khỏi dòng người đông đặc này.

        Đúng như lời cô gái đã nói, những người bán đào đều tập trung ở đầu phố này. Đông hỏi chú bé mặc chiếc áo dạ cũ rộng thùng thình, cầm một cành đào nho nhỏ đứng bên hè:

        - Cành đào này bao nhiêu?

        Chú bé nhìn Đông, ngắm đôi cánh bạc lẫp lánh trên nền xanh da trời của cặp quần hàm trung úy gắn ở cổ áo rồi nói:

        - Hai đồng. Nhưng anh mua thì em bán rẻ cho...

        - Anh không mua rẻ của chú.

        Đông đưa cho em bé cả hai đồng. Anh quay lại thấy Tú cũng vừa mua một cành đào của cụ già đứng gần đó.

        Họ vui vẻ quay về chỗ gửi xe đạp.

        - Anh về nhà tôi ăn uống qua loa rồi tôi cùng anh ra ga - Đông nói.

        - Mình không đi tàu nữa. Đi tàu về nhà muộn, phải chờ đợi lâu còn mệt hơn đi bộ. Mình đạp xe chỉ ba tiếng đồng hồ là tới nhà. Cho mình hỏi thăm cô Thùy. Bảo cô ấy để phần bánh chưng cho mình. Hôm trở về đơn vị mình sẽ qua nhà cậu rồi cùng đi.

        Tú nhìn cành đào rồi nói tiếp:

        - Chịu khó đi xe để bảo vệ cành đào này. Cả năm nó mới có một mùa hoa, để nó nát mất tội nghiệp.

        Thực ra, anh vừa cảm thấy không thể chịu nổi những giây phút chờ đợi từ bây giờ cho đến khi tàu chạy.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2020, 06:34:24 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2020, 06:22:30 am »

        
3

        Nó như thế này ư? Đó là ý nghĩ đầu tiên của Tú khi nhìn đứa con mình trong vòng tay của mẹ anh. Đúng là mình không thể hình dung ra nó trước khi gặp nó. Nếu mình thấy nó ở nhà bên cạnh, chắc mình không nghĩ nó là con mình. Nó không giống anh, cũng không giống Nguyệt. Con bé quay đầu đi khi thấy một người lạ mặt chìa tay định bế nó.

        - Con cái nhà! Bố mày chứ ai mà mày không theo! - Bà cụ nói.

        Nó ngoái đầu lại nhìn Tú. Đôi mắt của nó bị hút vào miếng dạ màu xanh da tròi có đường chỉ và những ngôi sao bạc lấp lánh. Nhưng khi Tú giơ tay đón, nó lại quay đi, giấu mặt vào nách áo bông của bà. Bà cụ cố ấn nó vào tay anh thì nó bắt đầu khóc.

        - Bà bế cháu đã. Cháu chưa quen con.

        Tú xoa tay lên mái tóc mềm vừa đen vừa dày của con. Đầu nó tròn không dẹt ở phía sau như con của Đông và nhiều đứa trẻ khác mà Tú đã biết. Nó luôn luôn được bà và mẹ bế. Qua những bức thư của Nguyệt gửi, Tú đã tưởng tượng ra con mình là một đứa bé hoàn toàn khác với những đứa bé khác. Bây giờ, anh thấy nó cũng giống như nhiều đứa nhỏ cùng tháng mà anh đã gặp. Cái đầu nó to, cái trán gồ. Những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu so với đầu và mặt. Chỉ có đôi mắt nó là hay. Nó lung linh, chứa đựng tất cả những gì ở ngoài cái thân hình nhỏ nhoi của nó. Vợ anh đã không tả được thật đúng hình ảnh đứa con của mình vì chị đã nhìn nó với tất cả tấm lòng thương yêu của một người mẹ.

        Căn nhà sạch sẽ và trống trải bỗng đầm ấm hẳn lên từ khi có Tú về.

        Mọi vật trong nhà vẫn như lần trước. Lớp sơn son của chiếc bàn thờ long thêm vài chỗ. Cái sập quang dầu xem chừng ọp ẹp hơn. Bộ bàn ghế mua của mậu dịch trên có cái điếu bát, cái ấm giỏ và mấy cái chén quả đào. Chiếc chõng tre thường đem đặt ở ngoài hè những buổi tối trời nóng bức. Tất cả đều sạch bong.

        Riêng cái bàn làm việc của Nguyệt ở buồng trong là có nhiều thay đổi. Một chiếc đèn cần đặt ở góc bàn. Nó có thể vươn cao, hạ thấp, xoay bất cứ về hướng nào mà nó cần rọi ánh sáng. Tú loay hoay tìm không thấy chỗ bật đèn. Nhưng khi anh vừa ngồi xuống ghế thì ngọn đèn bỗng sáng lên. Anh mỉm cười, biết Nguyệt đã đặt dấu công tắc trong chiếc ghế. Giữa bàn có một cái máy thu thanh cũ, chắc ai nhờ sửa chữa hộ, đã được tháo vỏ ngoài, để lộ những bóng đèn thủy tinh. Cạnh chiếc máy là một cuốn sách ghi công suất các bóng điện tử. Một tờ giấy mỏng đặt bên dưới có vẽ phác hình sơ đổ của chiếc đài. Hình như Nguyệt đang tìm hiểu những mạch điện. Tú nhấc mấy cuốn sách xếp đặt ngăn nắp ở giáp tường lên xem. Toàn là những sách về điện. Anh tìm được một cuốn có cái tên như là một quyển sách văn nghệ: Khi gió bấc thổi. Nhưng mở ra thì đó là cuốn sách hướng dẫn vế phòng bệnh mùa đông cho trẻ em... Tú chăm chú ngắm nhìn từng vật trên bàn, muốn tìm thấy qua đó những sự đổi mới trong tình cảm và suy nghĩ của vợ anh sau thời gian xa cách.

        Tiếng mẹ bé Kim Anh ở nhà dưới vọng lên. Con bé không chịu theo bố, bà cụ phải dỗ cho nó ngủ để chuẩn bị cơm chiều. Đã lâu lắm rồi anh mới lại được nghe tiếng ru đều đều ấm áp của mẹ.

                                                   Râu hùm, hàm én, mày ngài,
                                                   Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
                                                   Đường đường một đấng anh hào,
                                                   Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài...


        Vẫn là những lời ru anh đã nghe từ mấy chục năm trước. Mẹ đã ru em Minh trong khoang buồng tối tăm, giống y như một cái cũi lợn mà bọn chủ dành cho những người "phu lò" có gia đình hồi bố anh còn làm việc ở mỏ. Cũng bằng những câu Kiều đó, mẹ đã ru bé Hương khi gia đình Tú buộc phải rời mỏ để trở về quê. Bọn chủ đuổi "biệt xứ" bố Tú vì nghi ông có liên quan đến cuộc đình công của thợ lò dạo đó. Em Hương còn sống thì năm nay nó phải tốt nghiệp đại học rồi. Em đã không sống được vì như lời người ta thường nói: "Có đẻ mà không có nuôi". Đó là lần sinh nở cuối cùng của mẹ. Bây giờ mẹ lại đang chăm sóc cho một thế hệ mới bằng những câu hát ấy, chắc cũng là những câu hát bà đã ru mẹ ngày xưa.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:22:04 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2020, 06:23:29 am »

     
        Gia đình Tú chuyển ra thành phố mấy năm trước cách mạng. Ông cụ già tốt bụng gác cửa nhà máy rượu đã xin cho bố Tú vào đây làm chân quét vườn. Trường tiểu học mà Tú theo học ở ngay trước cổng nhà máy rượu. Hàng ngày, ngồi dưới mái trường, nhìn qua cái sân mùa hè thì đầy những trái bàng ruồi nhặng bu đặc, mùa đông thì ngập lá bàng úa đỏ, Tú vẫn thấy cái bóng cao gầy của cha mình với chiếc chổi dài. Đó là những giây phút mà chú bé rất khổ tâm. Tú chỉ mong cha mình chóng đi qua hết con đường nhựa, rẽ sang những đường ngang có hàng cây to hoặc bức tường che khuất. Nhưng bố anh không biết điều đó, ông làm công việc của mình một cách rất chậm rãi. Có lúc ông còn chống chiếc cán chổi, đứng nói chuyện rất lâu với ông cụ gác ở ngay cổng ra vào. Mấy đứa con nhà giàu ngồi ở bàn trên quay lại, gọi Tú bảo: "Tú ơi, bố mày đang múa đại đao kia kìa?". Một lần vì chuyện đó, Tú nổi hung lên, đánh nhau với một đứa lớn hơn. Tú bị đau nhưng cứ lăn vào đánh trả. Cuối cùng, thằng bé kia phải hoảng, từ đấy không dám trêu chọc Tú nữa. Hồi đó, nhiều buổi trưa, trống tan học, khi các bạn như đàn chim sổ lồng ùa ra khỏi trường thì Tú lùi lại sau. Cậu bé chờ cho các thầy ký bên sở đi xe nhà, xe đạp ra về hết, rồi xách chiếc cặp lồng mon men đến bên đôi cánh cổng rào sắt đã được khép lại. Ông cụ gác cổng nhìn thấy Tú, khẽ gật đầu. Thế là Tú cứ đứng chờ tại đó. Lát sau, ông cụ đưa ra cho Tú một hoặc một nửa, có khi là hai nắm cơm bọc trong một chiếc khăn tay. Đó là cơm chủ sở phát cho thợ mỗi buổi tầm. Cơm nấu bằng gạo hẩm, đỏ và bao giờ cũng nát. Chú men theo con đường nhỏ cạnh nhà máy, đi ngang một bãi tha ma, rồi qua trước cửa nhà lao của tỉnh - một cái nhà lao khá to so với cái thành phố bé nhỏ này -  để về nhà. Ở nhà, cả gia đình Tú đang chờ nắm cơm của ông cụ gác tốt bụng cho giấu đó. Điều làm Tú phải xấu hổ suốt mấy năm đi học, sau cuộc đổi đời Cách mạng tháng Tám, trở thành niềm tự hào của anh. Tú đã biết những tờ truyền đơn của Mặt trận Việt Minh làm sôi sục cả sở rượu hồi đó đều do chính bàn tay của bố anh đã rải trong nhà máy.

        Sau ngày giải phóng Hải Dương, gia đình Tú hồi cư. Bố Tú đi tìm lại người mình chịu ơn ngày trước, ông cụ gác già đã mất trong kháng chiến ở Thái Nguyên. Chỉ còn gặp được gia đình người con trai của ông cụ cũng mới từ Việt Bắc dọn về. Ông con trai này làm việc tại một xưởng công binh của ta. Người cũ gặp lại nhau ở một thành phố vừa giải phóng, tình thân càng đậm đà. Nguyệt là cô con gái lớn của gia đình này...

        Hai bố con lúi húi đốt gốc cành đào, cắm vào chiếc lọ độc bình men rạn, đặt lên bàn thờ và chằng dây cho khỏi đổ rồi quay ra ngồi tước lá dong và chẻ lạt, chuẩn bị gói bánh chưng. Ông cụ luôn mồm hỏi Tú chuyện thời sự. Cụ liên tiếp nêu cho Tú nhiều câu hỏi: Liệu Johnson có dám đánh ra miền Bắc không? Thái độ các nước trong phe ta đối với Mỹ như thế nào? Nếu Khánh đổ thì ai lên... Tú trả lời bố thận trọng vì biết bố rất chăm nghe đài và đọc báo. Đang dở câu chuyện thì Nguyệt về. Hai mắt sáng, mặt đỏ bừng, chị nhấc vội chiếc xe đạp vào nhà.

        - Em biết anh vê từ lúc 3 giờ chiều - Nguyệt nói.

        - Sao em lại biết?

        - Em nhìn thấy anh đạp xe qua. Khi ấy em đang đấu dây những bóng đèn điện màu trước mái hiên nhà câu lạc bộ.

        Nguyệt tháo vội mấy gói mứt buộc ở đèo hàng, đặt lên bàn thờ rồi chạy vào nhà đón con. Chị ôm Kim Anh ra. Mắt con bé nửa nhắm nửa mở vì ngái ngủ. Ông cụ nhìn con dâu và cháu, quay lại nói với Tú:

        - Diệm gian hùng như thế mà không làm nên cơm cháo gì thì mấy bọn nhãi ranh này không đi đến đâu! Khi Mỹ giết Diệm, bố biết ngay là nó thua rồi. Trước khi chết nó còn phải giãy. Mỹ khỏe hơn Pháp thì nó giãy mạnh hơn. Bố thấy anh về thế này, bố biết rồi.

        Cụ rít một hơi thuốc lào rồi đi vào nhà.

        Nguyệt lấy cằm mình day vào cằm con làm cho nó cười lên sằng sặc rồi áp má con vào má mình hỏi chồng:

        - Anh trông mắt con có giống mắt anh không nào!

        Chị đã dành đôi mát đẹp của con cho chồng.

        - Giống mắt em nhiều hơn mắt anh - Tú nói.

        - Không phải.

        Nguyệt ngoẹo đầu đi, mặt xịu xuống. Tú nhìn vợ, thoáng thấy Nguyệt trẻ lại như những ngày mới về với mình. Những nét trẻ trung của một cô gái mói lớn ấy đã biến đi rất nhanh sau năm dầu anh xa Nguyệt. Anh biết không phải vì thời gian. Nguyên nhân của sự thay đổi chỉ là do cái vai trò mới mà Nguyệt vừa nhận trong gia đình anh. Tú vội cười và nói lại:

        - Đúng là mắt con giống mắt anh.

        Nguyệt cười, hôn vào mắt con và nói:

        - Ai nhìn nó cũng bảo đôi mắt giống hệt mắt bố. Còn tất cả những cái gì xấu xí thì nó giống em.

        Bé Kim Anh đã ngồi im trong lòng mẹ để Tú cầm tay và thoa vuốt má nó. Tú dần dần nhận thấy con có những nét giống mình. Và đúng là nó không xấu chút nào. Tú còn thấy đứa bé đã trở thành một sợi dây giao cảm mới giữa vợ chồng anh. Tất cả những cái hôn, những câu Nguyệt nói về con lúc này đều là để nói lên những tình cảm đối với anh, những tình cảm đã bị dồn ép từ lâu ngày.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:22:18 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2020, 07:03:43 am »

        
4

        Mấy ngày Tết khá bận rộn.

        Sáng mồng bốn, Tú ngồi viết bổ sung bản lý lịch cho Nguyệt, phần về anh mà Nguyệt không biết viết thế nào cho rõ và không lộ bí mật. Chi bộ Đảng tại nhà máy định sẽ kết nạp chị.

        Hai ngày sau khi Tú về, mãi tới hôm đi thăm quê ngoại, trước nhiều ngươi lạ, bé Kim Anh mới chịu để cho bố bế. Và bây giờ thì mỗi khi mẹ đi làm, nó bám lấy anh. Thỉnh thoảng, nó lại chỉ tay vào chiếc xe đạp, đòi bố đèo đi chơi.

        Tết đã qua. Mọi công việc trở lại bình thường. Cái thành phố nhỏ mà mấy hôm trước mỗi con đường, mỗi hàng cây, mỗi mái nhà đều có thể làm cho anh bổi hồi, giờ bỗng trở nên buồn tẻ. Sao nhiều lúc ở xa mình thấy nhớ nó đến thế? Bây giờ mỗi khi bé Kim Anh đòi đi chơi, Tú đạp xe đèo con qua phố xá cảm thấy mình lạc lõng giữa những cảnh vật thân thuộc. Hôm mới về, anh đã nói với gia đình mồng sáu Tết mình mới trở lại đơn vị. Anh biết vợ anh đang đếm từng ngày, từng giờ anh ở nhà. Một đêm, Nguyệt đã nói với Tú là ông bà chưa thật phấn khởi lắm vì đứa cháu nội đầu tiên mới là cháu gái. Tú biết vợ anh cũng muốn có thêm một đứa con trai. Anh lại thương vợ vì những công việc đều đều hàng ngày trong cuộc sống gia đình. Anh thấy thương vợ cả những khi chị đi làm về vội vàng, hớn hở ôm con chạy vào nhà trong hoặc ra vườn sau để tìm chồng...

        Từ đầu xuân, thời tiết bỗng tốt hẳn lên.

        Trời này ở đơn vị anh em tha hồ bay. Thế là mình mất mấy giờ bay rồi. Mỗi giờ bay lúc này quý giá biết chừng nào. Không biết từ hôm mình ra đi, đã xảy ra những chuyện gì? Tình hình địch ra sao rồi? Anh em đã giải quyết được thêm gì về kỹ thuật, đã bàn bạc được những chuyện gì hay về chiến thuật? Có cậu nào nghĩ thêm được ngón mới để trị bọn tiêm kích địch, để tránh tên lửa?... Lần này về, mình sẽ cố gắng giải quyết cho tốt cái động tác tránh tên lửa mà anh em đã bàn. Có trị được nó thì mọi người mới tin nhất định đánh thắng. Cái tư tưởng "Quyết đánh thì có nhưng quyết thắng thì chưa" gần đây không ai nói ra nữa, nhưng chắc chắn vẫn còn vương vấn trong đầu một số anh em. Đôi khi còn nghe có cậu nói "Húc thôi", "Xông thôi"... Không phải chỉ có đánh, mà phải đánh thắng kia... Cần nhất bây giờ là phải quật ngã được một thằng siêu âm mang tên lửa. Ai trong bọn mình sẽ làm được việc này? Biên đội Đông và biên đội mình đã được trung đoàn nhằm để đánh thắng trận đầu. Nhưng lúc này cả hai cùng đi vắng...?

        Tối hôm đó, vợ chồng Tú đang nằm thì có tiếng chuột kêu giữa nhà.

        Nguyệt nói:

        - Không biết con mèo chạy đâu? Chuột tối nay ra làm loạn.

        Lại có tiếng chuột kêu. Nguyệt reo lên:

        - Mèo bắt được chuột rồi anh ạ. Sớm mai phải xem nó để cái đầu hay cái đuôi ở trong gậm giường..

        Mỗi lần nghe thấy tiếng kêu khiếp đảm của con chuột, Nguyệt lại thấy chồng có vẻ bứt rứt. Rồi anh nói:

        - Sao nó không ăn thịt ngay đi nhỉ?

        - Nó còn vờn lâu. Mèo vờn chuột mà?

        - Nghe khó chịu quá! Anh đuổi nó ra ngoài nhé!

        Tú vừa nói vừa nhỏm dậy. Phải một lát anh mới xua được con mèo khoang đưa cái mồi của nó ra khỏi căn buồng. Bấy giờ anh trở lại giường nằm một cách thư thái.

        Nguyệt nhìn chằm chằm vào mặt chồng một lát, rồi phì cười, nói:

        - Em nhìn tướng anh, em vẫn không tin là anh có thể đi đánh nhau được.

        - Tại sao lại như vậy?

        - Em cũng không biết. Các anh bộ đội khác như anh Đông bé người thật, nhưng nói anh ấy đánh nhau thì em tin ngay. Em không thể tưởng tượng ra lúc anh đánh nhau. Anh chỉ làm công tác chính trị thôi.

        Điều Nguyệt nói cũng là băn khoăn của anh khi được cử đi học bay. Anh vốn là chính trị viên đại đội. Học bay xong, chuyển thành cán bộ quân sự. Lần đầu, anh trực tiếp cầm súng. Vậy mà nay mai, anh phải hạ bằng được một thằng giặc trời...?

        Đi thế này về cũng phải bỏ ra một buổi để ôn lại buồng lái đây. Mình đi phép không đúng lúc. Anh em ở lại cả, riêng đại đội trưởng thì lại đi...

        - Anh nghĩ gì thế? Nguyệt hỏi.

        - Anh sốt ruột vì công việc quá?

        - Mới về có vài ngày mà đã muốn đi rồi ư?

        - Hôm anh đi đơn vị đang rất bận.

        Những công việc đó là gì? Sao nó vẫn chiếm cả tâm hồn anh khi anh đã về với mình? Chị xoay mặt chồng về phía mình, lấy tay xoa nhè nhẹ mái tóc mềm của anh và nói:

        - Bây giờ không được nghĩ công việc nữa, mai em đi làm rồi anh lại tha hồ mà suy nghĩ...

        Chợt phía ngoài nhà có tiếng dép đi vào. Tiếng ông cụ đứng ở ngoài cửa hỏi:

        - Tú còn thức đấy không?

        - Chúng con vẫn thức - Tú đáp.

        - Vừa rồi vợ chồng anh không nghe đài à?

        - Có chuyện gì thế, bố? - Tú nhỏm dậy hỏi.

        - Đài vừa đưa tin máy bay Mỹ hôm nay đánh phá ở Đồng Hới.

        - Nếu vậy con phải chuẩn bị sáng mai đi sớm rồi!

        - Tôi vẫn để đài cho anh lát nữa nghe lại bản tin cuối cùng.

        Đèn nhà trong, nhà ngoài bật sáng.

        Tú gấp quần áo xếp vào chiếc ba lô. Nguyệt lấy cái túi lưới, đặt vào đó mấy tấm bánh chưng và ít quả cam. Anh ấy phải mang một ít về làm quà cho các anh ở đơn vị. Mình phải để chuông đồng hồ sáng mai dậy sớm nấu cho anh ấy tý cơm... Tiếng gió thổi ào ào trên mái nhà. Không biết gió gì đây. Ngày mai nếu lại có mưa và phải đạp xe ngược gió thì khổ anh ấy quá? Mình làm gì nữa bây giờ nhỉ, Nguyệt tự hỏi mình.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:22:36 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2020, 07:04:35 am »

     
CHƯƠNG V

1

        Ở sân bay về bước vào phòng, Quỳnh nhìn thấy một phong thư đặt dưới tấm mi ca trên bàn làm việc của mình.

        Sợi dây giao cảm hằng ngày giữa những người ở trên hòn đảo đang khẩn trương chuẩn bị chiến đấu này với thế giới xung quanh còn hòa bình, hầu như chỉ là những lá thư. Từ ngày đoàn Sao Vàng chuyển về, phòng bưu điện huyện đã nhận thêm một số thư từ không nhỏ. Đơn vị này hàng ngày có một số thư vượt hẳn đơn vị pháo cao xạ đóng ở ngay bên cạnh.

        Trong số các anh em lái máy bay, Quỳnh là người ít nhận được thư nhất. Anh không có gia đình trên miền Bắc. Phần lớn bạn bè của anh đều ở ngay tại đây. Và nhất là anh chưa có bạn gái, những người chăm viết thư. Nét chữ đề ngoài phong bì rất lạ. Những chữ vuông vắn mềm mại, đúng là chữ một cô gái. Chỉ có một câu: "Nhờ anh Đông chuyển hộ thư nấy cho anh Quỳnh". Không phải chữ của Thùy. Hay là... Có lý nào cô ấy lại bỗng nhiên gửi thư cho mình?

        Phong thư đã bị cắt một bên mép. Cùng với phong thư có một mảnh giấy nhỏ gấp tư đặt bên dưới. Quỳnh mở mảnh giấy ra xem trước. Chữ của Đông. Anh ghi vắn tắt: "Phong bì này đặt trong thư của Thùy gửi cho mình, mình cắt nhầm.

        Lá thư viết trên giấy đánh máy màu hồng, chữ đều và sít. Quỳnh xem địa chỉ ở cuối thư. Ờ... lại đúng là thư của cô ấy. Lòng anh bồi hồi. Hai thái dương anh nóng bừng.

        "Thân gửi anh Quỳnh,

        "Thư này đến với anh chắc hơi đột ngột. Em tin rằng anh không hề chờ đợi một lá thư của em (Anh cho phép Hảo xưng hô với anh như vậy cho thân nhé!).

        Em định viết thư cho anh từ cách đầy mấy tháng, từ bao giờ, lát nữa em sẽ kể với anh. Khi còn ở Hà Nội, Thùy đã ghi địa chỉ của anh cho em. Nhưng lúc giở địa chỉ ra xem thì em thấy Thùy đề chẳng rõ ràng tí nào. Em không tài nào nhận ra cho chính xác những con số hòm thư, kê cả mấy chữ ký hiệu ghi tắt ở phía sau. Không biết anh có thế không, còn em khi bỏ công viết một lá thư mà mình không tin sẽ không đến tay người nhận, thì chả muốn viết nữa. Em lại cũng không muốn nhờ người khác chuyển hộ, nên hôm nay thư này mới đến với anh. Cuối cùng, em vẫn phải nhờ Thủy bỏ vào thư nó gửi cho anh Đông và anh Đông sẽ chuyển lại cho anh...


        Nếu cô ấy biết phong thư này bị mở ra trước khi đến tay mình chắc cô ấy sẽ không bằng lòng, Quỳnh nghĩ.

       Em đã nhớ đến anh một cách thật đột ngột. Bữa ấy, em từ Quảng Yên về Hà Nội. Khi đi ngang Hải Phòng thì gặp báo động. Đó là tiếng còi báo động lần đầu tiên em được nghe trong cuộc đời. Em nghĩ là cuộc kháng chiến trên cả nước bắt đầu rồi! Và ngay sau đó, em đã nhớ đến anh.

        Từ nhiều năm nay, cái thế giới nhỏ bé của em là nhà trường, là sách vở. Em chỉ biết đến công việc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu mà em làm hàng ngày. Em nghĩ rằng đó là tất cả. Bây giờ em mới thật hiểu hiện nay cuộc đời còn nhiều cái quan trọng hơn, cấp bách hơn nhiều. Em thấy mình đã thừa hưởng một cách khá ích kỷ những ân huệ mà xã hội, mà cha anh đã mang lại cho mình.

        Hôm nay, một người bạn gái cùng ra trường với em về Quảng Bình, gửi thư cho em. Nó kể cho em nghe những chuyện chiến đấu của bộ đội và đồng bào ở trong ấy. Nó nói chuyện chi đoàn đang vận động viết thư cho các chiến sĩ bộ đội cao xạ. Và nó khuyên em nếu có quen ai, một người ở bộ đội, thì nên viết thư đi. Anh đừng phật ý vì em kể lại câu chuyện này. Em đã có lần làm anh phải phật ý rồi. Em kể chuyện ấy vì nó là một cái cớ, rất nhỏ thôi, đã giúp em vượt qua cái điều cuối cùng khiến em chậm viết thư cho anh: lá thư này phải gửi qua tay một người khác. Còn trong thâm tâm của em, thì từ lâu, như em vừa kể, em đã nhớ đến anh và muốn viết thư cho anh.

        Lá thư này hoàn toàn không phải em viết với ý định động viên anh. Em chỉ muốn anh tha thứ cho sự đùa bỡn vô ý thức của một cô em bé nhỏ ngày nào, và anh hãy nhận ở em sự biết ơn đối với các anh, đối với công việc mà các anh đang làm hôm nay vì mọi người, vì chúng em. Em nói tất cả những điều đó với một tình cảm chân thành, mong anh đừng hiểu lầm với những lời sáo rỗng.

        Dạo này chắc các anh bận rộn nhiều lắm. Anh chẳng còn thời giờ để mà đi lang thang...
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:22:46 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 12:11:34 pm »

        
2

        Cô ấy đã biết cả câu chuyện ấy của mình, Quỳnh ngừng đọc thư ngước mắt nhìn lên tường.

        Hai chữ "lang thang" là của vợ chồng Đông đã dùng để gọi Quỳnh vào những dịp anh về nghỉ hè. Hàng năm, học viên đi học lái máy bay ở nước ngoài thường được nghỉ một thời gian để về nước.

        Đối với phần lớn bạn bè của Quỳnh, thời gian này thật là bận rộn. Mỗi người có biết bao nhiêu là chuyện riêng tư đã dồn lại sau một năm xa nhà và sẽ còn tiếp tục dồn lại trong một năm sắp tới. Mọi việc đó đều phải giải quyết trong một vài tuần.

        Riêng Quỳnh thì thấy mình quá rỗi rãi. Bạn bè thân đều tha thiết mong anh đến với gia đình. Nhưng anh thấy không nên đến nhà họ quá nhiều ngoài những buổi vui có tổ chức đó. Quỳnh đã dành những ngày dài nghỉ ở trạm vào việc đi xem viện bảo tàng, các cuộc triển lãm, những thắng cảnh của thủ đô và các vùng chung quanh. Có hôm, anh đã bỏ cả một ngày ngồi trên những chuyến tàu điện chạy khắp các ngả đường.

        Mùa hè năm kia Quỳnh về nước đem theo một số quà và thư của các bạn. Trong số đó, có một gói quà của Đức, ở tiểu đoàn thợ máy, nhờ chuyển cho gia đình ở Thái Bình theo đường bưu điện. Quỳnh nhận lời, và định đem đến tận nơi, vừa để thăm gia đình bạn, vừa để biết thêm một thị xã mà anh chỉ mới có đôi lần đi ngang.

        Tới Hà Nội, một hôm ở trạm, Quỳnh xem báo thấy nói nhiều về phong trào thuỷ lợi của tỉnh Hưng Yên. Quỳnh nảy ra ý định xuống thăm Hưng Yên. Anh sẽ có một số chuyện bổ ích để kể lại cho các bạn khi trở về trường. Quỳnh đi Thái Bình thăm bạn qua đường Hưng Yên.

        Về Hưng Yên, Quỳnh xin ở lại tại cơ quan của tỉnh. Hàng ngày, anh đi tham quan các nơi.

        Buổi sáng hôm đó, Quỳnh đạp xe xuống huyện Ân Thi. Anh thấy đầu nhức, người khó chịu. Quỳnh rẽ vào cửa hàng dược phẩm của huyện, hỏi mua mấy viên thuốc cảm.

        Hai cô bán hàng đều còn trẻ. Một cô mặc áo "lui" trắng đứng ở quầy hàng tân dược nom rất xinh.

        Quỳnh trả tiền và nhận thuốc xong thấy chóng mặt. Anh đứng vịn vào quầy hàng, mặt tái đi. Cô mặc áo "lui" kêu lên:

        - Anh bộ đội bị cảm rồi!

        Cô mặc áo sơ mi xanh đứng ở quầy đông y bảo cô mặc áo lui :

        - Liên ơi! Hay mày đưa anh ấy về buồng, anh ấy uống thuốc xong nằm một lúc cho đỡ rồi hãy đi. Trời đang nắng lắm. Để hàng đấy tao trông cho.

        Cô áo "lui" quay lại bảo Quỳnh:

        - Anh vào cơ quan chúng em nằm nghỉ cho đỡ mệt rồi hãy đi.

        Quỳnh đi theo cô gái vào phía trong cửa hàng. Anh được mời nằm trên một chiếc giường cá nhân có chiếc gối hoa thêu một bông sen rất khéo. Quỳnh hơi chần chừ. Mọi vật trên giường đều sạch sẽ quá mà anh thì vừa mới đi một chặng đường khá xa: quần áo đầy bụi bặm. Và điều làm anh ngại ngùng nhất: đây là buồng của một cô gái, giường của một cô gái.

        Liên biết ý anh, giọng dỗ dành:

        - Anh phải cảm đấy! Anh cứ nằm nghỉ đi, đừng ngại!

        Đẩu anh nóng rực. Chung quanh quay cuồng. Đúng là phải nằm ở đây thôi..

        - Cảm ơn các chị. Xin lỗi chị.

        Anh đánh liều nằm xuống giường, hai mắt nhắm nghiền.

        Cô gái đặt bàn tay lên trán anh. Bàn tay cô mát lạnh. Quỳnh biết mình đang sốt.

        Liên rót một cốc nước nóng, bảo anh uống thuốc, rồi đắp lên người anh chiếc chăn đơn cô vừa lấy ở trong hòm ra. Mùi băng phiến rất dễ chịu. Liên bảo anh:

        - Anh cứ nằm yên một lát cho mồ hôi ra.

        Chừng một giờ sau, cô gái vào đánh thức Quỳnh dậy. Thực ra, anh nằm đó có ngủ đâu. Anh nghe từng bước chân qua lại và biết rõ cả những lúc có người đứng trước cửa buồng mình ngó vào.

        Liên đã bỏ áo "lui" trắng, thay bằng chiếc áo cánh lụa màu sim nền nã. Cô bảo anh:

        - Anh tỉnh dậy ăn một bát cháo đỗ xanh. Theo đông y thì đỗ xanh là một thứ thuốc giải cảm.

        Bát cháo rất nóng. Quỳnh ăn xong, lại đắp chăn nằm một lúc. Mồ hôi anh vã ra. Anh thấy đầu nhẹ đi, người dễ chịu nhiều.

        Chiều hôm đó, Quỳnh đến huyện đội xin nghỉ lại một đêm. Ngày hôm sau, anh đạp xe về thị xã Thái Bình.

        Cả gia đình của Đức tiếp đón Quỳnh mừng rỡ như là chính Đức trở vê’ nhà.

        Đang bữa cơm chiều, một cô gái mặc chiếc áo lụa màu sim đẩy cửa dắt xe vào. Cả nhà reo lên, riêng Quỳnh thì sửng sốt. Chính là cô Liên ở cửa hàng dược phẩm huyện Ân Thi. Liên cũng nhìn anh bằng cặp mắt sáng rực. Đôi mắt đó khi ngạc nhiên trông cực kỳ dễ thương. Cô kêu lên:

        - Lại gặp anh bộ đội ở đây rồi!

        Quỳnh cảm thấy như cái dịp may mình không chờ đợi đã đến.

        Suốt nửa ngày ở gia đình, Liên dành phần lớn thời giờ để chuyện trò với anh. Câu chuyện giữa hai người rất hợp. Liên có biết bao nhiêu là chuyện. Chuyện gì cô nói ra, Quỳnh cũng thấy hay. Biết Quỳnh về Hà Nội, ngoài bức thư viết cho Đức, cô còn nhờ Quỳnh chuyển một lá thư khác cho người anh trai tên là Phú đang công tác tại xí nghiệp dược phẩm.

        Trưa ngày chủ nhật, khi Liên lên xe đạp trở về Ân Thi, Quỳnh cảm thấy bâng khuâng.

        Vợ chồng Đông nghe Quỳnh kể lại chuyện này đều rất vui. Đông nói:

        - Hay lắm! Sang bên đó, mình chỉ bảo thằng Đức một câu là xong.

        Trở lại trường, Quỳnh mang thư của Liên đến đưa cho Đức. Đức vốn lúc đầu cũng là một người được lựa chọn để đi học lái như Quỳnh. Anh đã học xong phần lý thuyết. Đến lúc học bay thì sức khỏe anh không thích ứng với những hoạt động trên không. Anh chuyển qua học thợ máy.

        Đức rối rít cảm ơn Quỳnh đã tận tình với mình, cất công về tận Thái Bình. Nhưng Quỳnh bỗng thấy ngượng nghịu khi gặp Đức. Lần đầu, anh nhìn thấy những nét thanh tú trên khuôn mặt nho nhỏ, đen cháy của Đức. Đức có nhiều nét giống Liên.

        Có anh lái trẻ đã phát ghen vì câu chuyện gặp may của Quỳnh. Mọi người tiếp tục chế diễu Quỳnh một cách vui vẻ cho đến tận sáng chủ nhật Đông xuống tiểu đoàn thợ máy tìm Đức. Đông vào giữa lúc Đức đang ngồi viết thư báo tin cho em đã nhận được thư do Quỳnh đưa sang.

        Đông vào đề ngay:

        - Đức này, thằng Quỳnh nó ưng cái Liên nhà cậu lắm đó, cậu giúp nó đi.

        Đức buông bút, ngẩn mặt ra:

        - Chết mẹ thật! Mình tưởng nó biết rồi! Cái cậu công tác ở xí nghiệp dược phẩm hôm nọ Liên nó nhờ Quỳnh đưa thư là chồng chưa cưới của nó đấy! Thằng Quỳnh mà nói sớm thì tôi nhận nó làm em ngay.

        Câu chuyện tưởng may đã trở thành không may. Nó đã làm Quỳnh bâng khuâng một số ngày...
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:22:58 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2020, 12:13:52 pm »

        
3

        Có lẽ Thùy và Đông đã kể chuyện này với Hảo rồi. Quỳnh thẫn thờ, xấu hổ với mình một lúc rồi lại đọc tiếp lá thư.

        "Thùỵ đă nói với em là quê anh ở vùng biển. Từ mấy tháng nay em đã làm quen với biển. Em đã sống những ngày lang thang trên biển. Trên những hòn đảo có tên và không tên ở Vịnh Bắc Bộ. Thư này, em chưa muốn nói về' công tác của em. Em chỉ muốn kể với anh một vẻ đẹp của biển, của Vịnh Hạ Long thì đúng hơn.

        Lần đầu em nhìn thấy hết vẻ đẹp của vịnh là một đêm trăng em đi ca nô từ Cẩm Phả về Hồng Gai. Hạ Long nổi tiếng là vì có những hòn núi đá mọc lên giữa vịnh. Cảnh này, người ta nói là khắp thế giới không đâu có. Em đã sống với những mỏm núi đá đó nhiều ngày đêm. Nó luôn luôn ở trước mắt em, bao vây bốn chung quanh em. Em đã nhiều lần ngồi trên những hòn đá ráp, đen sẫm mang những màu sắc và đường nét do thời gian tô vẽ, mài gọt. Em đã lấy sào khêu từ đáy biển lên từng chùm san hô còn mềm nhũn. Em đã nhặt rồi ném đi biết bao cái vỏ hến, vỏ hà, và những con ốc nhiều màu Sắc trên những bãi cát vàng ở ven những hòn núi đá đó. Nhưng vào cái đêm trăng ấy, em mới được thưởng thức hết vẻ đẹp huyền ảo của nó. Trăng chênh chếch trên biển. Nước biển xanh lạ lùng. Những mảnh vàng lao xao tan vỡ, va chạm vào nhau dưới đó. Chắc là nó đã tạo nên những âm thanh rất hay nhưng đã bị nước giữ lại. Trời và biển cùng hòa làm một. Trời có trăng, sao, biển cũng có trăng, có sao. Bọt nước biển sủi lên sau chiếc ca nô một màu xanh trắng. Tốc độ ca nô chỉ khoảng vài chục ki-lô-mét giờ. Nhưng em có cảm tưởng mình đang ngồi trên một chiếc tên lửa và được đẩy đi bằng một thứ hơi đốt chứ không phải là chân vịt của con tàu nhỏ... Những quả núi có nhiều hình thù kỳ dị như gần, như xa, như ẩn, như hiện, như thực như hư sau làn sương, hay đó chính là màu sắc của ánh trăng. Vịnh Hạ Long trong đêm trăng đã gợi ra cho em không khí của một thời rất xa xăm, khi trái đất mới thành hình, mọi sinh vật đang còn vào thời kỳ phôi thai...

        Người ta nói là vì biển đẹp nên ngày xưa rồng đã hạ xuống đây. Chắc rồng đã hạ xuống vào một đêm trăng đẹp như thế này anh nhỉ?

        Chúng em đến đây không phải vì vẻ đẹp của biển mà vì những gì chứa chất trong lòng của nó. Chúng em đang làm nhiệm vụ của những người tìm hiểu biển để khai thác nó phục vụ cho đời sống con người. Chúng ta còn phải tìm hiểu cả những gì ở trong lòng đất dưới đáy đại dương nữa. Sau này, Vịnh Hạ Long có thể biến thành một thành phố công nghiệp, những thành phố "vân hà "như người ta gọi, nhưng đó là chuyện của mai sau.

        Thư em viết cho anh dông dài quá! Em có làm phí nhiều thời giờ của anh không?

        Có dịp em sẽ kể tiếp cho anh nghe về công việc của bọn em làm ở biển.

        Và anh Quỳnh ạ, em cũng muốn được nghe anh nói về những chuyến bay. Em chưa hề được đặt chân lên một chiếc máy bay. Những chiếc máy bay đối với em, nhất là loại máy bay của các anh lại càng xa lạ. Điều đó cũng đáng buồn anh nhỉ?

        Em đọc một cuốn sách của một phi công nước ngoài viết về máy bay. Ông ta kể lại một chuyến bay đêm bị lạc đường. Trong trời đất mịt mù bóng đêm, ông ta bỗng thấy hiện lên một ngọn đèn lớn. Ông ta mừng rỡ tin rằng đó là ngọn đèn pha của một sân bay. Ông ta nháy đèn ba lần để báo hiệu. Nhưng ngọn đèn kia không trả lời. Nó không biết nhấp nháy vì nó là một ngôi sao. Rối ông ta lại nhìn thấy những ngọn đèn khác. Những ngọn đèn hay những ngôi sao ? Mảy bay ông ta đi lang thang trong đêm để tìm trong muôn vàn ngôi sao đó, một ngôi sao biết nhấp nhảy ba lần.

        Những lúc ở trên trời một mình như vậy chắc là cô đơn anh nhỉ? Nghề của các anh trước tiên có lẽ là nghề của những con người dũng cảm, những con người có nghị lực phải không anh ?

        Em vừa về đất liền được vài tuấn nay. Hết tuần này em lại đi tiếp. Đi đến những hòn đảo Ngọc Vừng, Quán Lạn, Ba Mùn... mà anh có thể thấy qua những chấm nhỏ li ti trên bản đồ.

        Em biết anh rất bận. Nhưng em vẫn mong rằng lần sau khi em ở biển về đất liền thì em sẽ được đọc một lá thư dù là rất ngắn của anh.

        Chúc anh khỏe và chiến đấu giỏi.

        Từ xa, xiết chặt tay anh ".

« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2020, 07:23:12 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM