Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:07:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27047 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #310 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2020, 09:59:14 pm »


       
4

        Sau khi nhảy dù, Quỳnh thấy trong người bình thường. Anh đã từ chối được khỏi phải đi kiểm tra ở viện. Nhưng hai vệt máu đỏ tụ trong mắt vì gió vẫn giam chân anh một số ngày. Đồng chí bác sĩ trẻ thay bác sĩ Phổ đã chuyển về bệnh viện chuyên khoa của không quân, vẫn giữ nguyên nền nếp của người đi trước, hàng ngày ngoài việc nhỏ thuốc hai lần, còn bắt Quỳnh uống bao nhiêu loại thuốc khác và ăn theo chế độ bổi dưỡng.

        Qua chuyến đi tuyến lửa, Quỳnh đã sống với những người dân Khu Tư, được chứng kiến những bữa ăn kham khổ của đồng bào và gặp những chiến sĩ từ chiến trường ra, họ xanh xao vì thiếu ăn và sốt rét rừng, anh thấy tất cả những gì mình được hưởng trong sinh hoạt hàng ngày những năm qua đều là quá đáng. Có những bữa anh ăn không ngon và cảm thấy xót xa trước những món ăn còn để lại. Không phải chỉ có người lớn mà các cụ già, các em nhỏ đã phải nhường phần thịt, phấn sữa, phần đường này cho mình. Mà công việc của mọi người đâu có kém nặng nhọc, khó khăn, nguy hiểm so với công việc của mình!... anh thấy khó chịu mỗi lần nghe các bạn đồng đội chê những món ăn không ngon, chê sữa có nhiều đường khó uống.

        Sự chăm sóc đôi lúc làm cho anh bứt rứt.

        Trong thời gian Quỳnh đi vắng, trung đoàn bay đã mạnh hẳn lên. Đơn vị được bổ sung thêm nhiều máy bay mới. Lớp trẻ đánh lên chân. Anh em đều đã cọ xát với địch. Người ít nhất cũng đã bắn rơi từ một đến hai máy bay địch. Cách đánh mới tỏ ra có hiệu quả khá bền vững. Nhưng ta chưa thể tổ chức được những trận không chiến lớn với địch và càng chưa thể ngăn chặn chúng không xâm phạm đến vùng trời của ta. Đoàn Sao Vàng vẫn bị kêu là chưa phối hợp tốt với đoàn Sao Mai. Luân đã có nhận xét: "Không phải chỉ vì tính năng của hai loại máy bay khác nhau mà còn có nguyên nhân thuộc về tư tưởng. Những chiến sĩ lái Mic 21 dựa vào ưu thế tốc độ không muốn kéo dài trận đánh, ngại khó khăn nên thường bỏ bạn vì tốc độ nhỏ không thể rút khi bị địch vây đánh".

        Tại đại đội bay cũng có chuyện khiến cho Quỳnh không vui. Chính trị viên nói trong những ngày địch đánh gắt, một người lái trẻ đã mấy lần kêu bị mất ngủ, không đi trực chiến. Đông chí này hồi mới về đơn vị tỏ ra khá hăng hái.

        Anh đã bắn rơi một máy bay địch. Anh bắt đầu giở chứng sau khi một người bạn thân đánh nhau với F.4 phải nhảy dù, và dù không mở. Từ đó, người bạn cùng buồng đã nhiều lần thấy anh ta trằn trọc và hút thuốc lá cả ban đêm. Đồng chí bác sĩ trẻ mới về đơn vị nhận xét đó là triệu chứng suy nhược thần kinh. Nhưng bác sĩ Phổ một lần xuống thăm đơn vị đã nói, theo sự nghiên cứu về y học của anh, không có "bệnh suy nhược thần kinh". Anh khuyên đồng chí bác sĩ trẻ phải tìm hiện tượng mất ngủ này ở những nguyên nhân khác.

        Ở đoàn bay, cách giáo dục với người lái trong trường hợp này, vì cũng ít xảy ra, chưa có nhiều kinh nghiệm. Người ta thường rất gượng nhẹ. Anh em có thể tranh cãi, phê bình nhau rất nặng khi một người lái vi phạm kỷ luật bay hay kỷ luật chiến đấu. Nhưng người ta chưa biết nên làm thế nào với một người cáo mệt không đi trực chiến. Chính trị viên và các bạn đồng đội thường chỉ nói chuyện xa xôi với anh.

        Từ hôm Quỳnh và tham mưu trưởng quân chủng gặp địch phải nhảy dù, anh lái trẻ lại mất ngủ.

        Tối qua, Quỳnh đến gặp anh khi anh ngồi đọc sách một mình trong buồng. Quỳnh hỏi luôn:

        - Tại sao đồng chí vẫn không đi trực?

        Người lái có vẻ ngơ ngác vì biết đại đội trưởng đã được bác sĩ báo cáo rõ lý do vì sao anh phải nghỉ ngơi.

        - Báo cáo đồng chí, tôi bị đau đầu suốt đêm qua.

        Quỳnh nhìn thẳng vào mắt anh. Anh ta không chịu đựng được cái nhìn đó, cúi xuống. Quỳnh nói:

        - Tôi biết người lái phải có sức khỏe tốt trước khi bay, nhưng tôi cũng biết nhiều chiến sĩ trẻ ở Trường Sơn chỉ ăn cháo loãng và rau rừng, nằm trên giường bệnh, có lệnh ra trận vẫn tung chăn trở dậy đi cùng đồng đội. Khi các anh ấy luồn rừng, lội sông trong người vẫn lên cơn rét, nhưng bò đến hàng rào của địch là cơn sốt hết luôn.

        Người lái trẻ ấp úng:

        - Tôi đau đầu... không ngủ được... Quân y bảo tôi nghỉ để bảo đảm an toàn chế độ bay.

        - Tối nay, nếu khó ngủ, đông chí dùng thuốc an thần. Ngày mai, đồng chí đi trực. Nếu xảy ra chuyện mất an toàn, tôi chịu trách nhiệm.

        Người lái ngồi im.

        - Đồng chí cố gắng đi trực ít buổi, bệnh đau đầu sẽ hết.

        Quỳnh quay ra. Trong trường hợp này, anh đã không tránh khỏi giận dữ.

        Sáng sớm, đồng chí bác sĩ chạy vào hỏi anh:

        - Có phải đại đội trưởng lệnh cho đồng chí Vấn hôm nay đi trực?

        - Phải... Cần tiếp sức cho đồng chí ấy.

        Lát sau, Quỳnh nhìn thấy anh lái trẻ lên xe ra sân bay.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #311 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2020, 10:00:14 pm »


CHƯƠNG XXIX

1

        Đồng chí văn thư từ ngoài đi vào chuyển cho Quỳnh một phong thư. có dấu của Ban Thống Nhất. Thư từ miền Nam gửi ra. Quỳnh nghĩ chắc là thư của chị mình. Nhưng khi nhìn trên phong bì, anh thấy ghi tên đứa em út. Chị anh không nhắc gì đến nó trong lá thư lần trước. Quỳnh nghĩ hay em mình đã hy sinh, trong lá thư đầu tiên gửi ra Bắc chị không muốn nói đến chuyện buồn này. Bữa trước, viết thư vào, Quỳnh đã hỏi tin em.

        Bây giờ nếu gặp nó thì mình sẽ khó nhận ra. Ngày mình đi nó mới lên bảy. Thế là từng ấy năm rồi, nó vẫn sống! Bom đạn của chúng vẫn không thể tiêu diệt được tất cả. Có cuộc chiến tranh nào tiêu hủy được hết con người! Nhưng phải xem nó đã sống ra sao...

        Tay anh run run khi bóc lá thư. Anh đang gặp lại một người thân mà anh đã có ý nghĩ là không còn nữa.

        Chú em viết:

        "Anh có biết tại sao trong thư trước chị Trà không nhắc đến thằng Trường không?... Vì bữa đó chị tưởng là em không còn nữa! Em đi với bộ đội giải phóng vào Quảng Ngãi, rồi em không về. Chị Trà tưởng em nếu không chết thì cũng bị bắt. Chị và các cháu khóc em hết cả nước mắt. Khi biên thư cho anh là lúc chị rất đau buồn nên chị đã giục anh chóng trở về. Đêm đó, em bị thương khi đánh vào thành Quảng Ngãi. Chúng em đã mở được chín lớp rào và dùng quả bộc phá cuối cùng phá tung cổng thành đồn bảo an tỉnh. Em bị hất văng vào thành và ngất lịm. Tỉnh dậy, em thấy mình nằm trong nhà một đồng bào. Khi đi em chỉ mặc độc một chiếc quần đùi trên người. Bà con ôm em bị thương từ trận địa về, che giấu, chữa bệnh, nuôi nấng em. Đến lúc em lành lặn, bà con lại may quần áo mới, sắm sửa cho em nhiều thứ và đưa em trở vế với đồng đội.

        Em học hết lớp bảy ở thị xã thì theo anh chị ra vùng tự do, rồi em vào bộ đội Giải phóng. Em đã chiến đấu từ khi trên mảnh đất này bà con cô bác và các đồng đội của em chỉ có hai bàn tay trắng, hai bàn chân không, đến ngày nay đã có cả một cơ đồ. Những đêm đen, chúng em bắc đoạn tre dài làm thang leo vào hàng rào ấp chiến lược "ba núi hai sông". Anh có hiểu như vậy là chi không? Đó là tên gọi mỹ miều của Mỹ Diệm để chỉ ba lớp rào cao và hai chiến hào rộng. Những ngày mùa khô chói chang ánh nắng trên vùng giải phóng, cuối bể đầu nguồn, em đã cầm khẩu súng cùng với đồng đội xông vào những trận sống mái, cuối cùng chôn vùi cái thây ma chiến tranh đặc biệt vào những ngày tháng Năm, tháng Sáu năm 1965. Và cứ thế cho đến bây giờ. Một cuộc chiến đấu không có đêm đi ngày nghỉ, cũng không có đêm nghỉ ngày đi, người ta nói mỗi năm chỉ có một mùa khô nhưng chúng em có cả bốn mùa tiến công liên tục.

        Rồi tới những năm quân Mỹ vô. Anh có biết chúng tung những gì vào tỉnh Quảng Ngãi bé nhỏ này không? Một chiến đoàn cơ động O-ra-gơn, lữ đoàn Rồng Xanh, lữ đoàn Bồ câu trắng Nam Triều Tiên, hơn ba trung đoàn lính ngụy... vẫn chưa hết! Còn hàng trăm đại đội bảo an, biệt chính, dân vệ, nghĩa quân và trên ba ngàn tên cán bộ bình định đầu trâu mặt ngựa... Chúng kéo tất cả về các làng xã của chúng ta. Chúng dồn sức với quy mô gần ba sư đoàn để mở cuộc tiến công hai gọng kìm "tìm diệt và bình định". Chúng hủy diệt bằng những trận mưa bom, pháo, các xóm làng. Chúng tưới những trận mưa chất độc hóa học trên các cánh đồng Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Hà dọc hai bờ sông Khe, sông Vệ, sông Trà. Chúng mở những trận càn đẫm máu tàn sát hàng ngàn bà con của anh em chúng ta, hàng ngàn, hàng vạn ngôi nhà đã trở thành đống tro tàn... Vậy mà bà con và chúng em đã đứng vững suốt hai mùa khô và giờ đây cuộc đọ sức Đông Xuân thứ ba lại sắp bắt đầu. Chúng em lại chuẩn bị súng đạn, vòng lá ngụy trang để ra đi...

        Anil ơi! Em muốn nói với anh nhiều lắm! Em muốn nói với anh về nỗi xúc động của em mỗi lần đặt chân trên bờ ruộng đất pha cát làng ta ở đất Quảng Nam. Cái bờ ruộng đất mềm mềm, mỗi bước chân em đi cứ nhún nhảy đung đưa, làm em nhớ đến tiếng ru "à ơi..." của mẹ ngày nào. Những lúc đó, em đã nhớ đến anh, nhớ ngày anh mặc bộ quần áo xi-ta về làng, mang cho em những cục đường phổi, những miếng kẹo gương, anh dạy em những bài hát mà em chưa kịp thuộc thì anh đã ra đi. Cũng vì nhớ đến anh mà em đã trở thành người chiến sĩ Giải phóng. Em mong có dịp gặp lại anh trên mỗi chặng đường chiến đấu... Chắc anh còn chưa biết rằng em cũng đã ra miền Bắc. Nhưng em chỉ mới đến tỉnh Quảng Bình. Em đã học ở trường quân chính tại đó sáu tháng rồi lại quay về chiến đấu... Đi đâu em củng hỏi tên anh. Em đã gặp không biết bao nhiêu người mà sao không có người nào biết anh. Em cứ nghĩ hay là anh đã hy sinh rồi! Vì phải đâu chỉ có miền Nam chiến đấu?... Em không ngờ đến ngày nay lại được tin anh. Anh hắng ngày vẫn cưỡi chiếc máy bay phản lực chiến đấu với giặc Mỹ trên bầu trời... Nghĩ đến có một người anh như vậy là em thấy sung sướng, vinh dự và tự hào. Em đã nhiều lần nghe các anh ở Bắc vào kể chuyện chiến đấu của máy bay ta. Bao giờ anh bay vào đây anh nhé! Anh hãy làm nổ tan xác một thằng B.52 ngay trên tỉnh nhà!... Anh hãy bay tới yểm hộ cho chúng em trong mùa Đông Xuân này... Bà con cô bác và chúng em rất mong anh...".

Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #312 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2020, 11:21:23 pm »


       
2

        - Thư Đồ Sơn đấy à?

        Quỳnh ngẩng đầu lên thấy Bút đang đứng nhìn mình.

        - Thư của cậu em từ Quảng Ngãi gửi ra.

        - Hôm nọ nhận được thư chị, hôm nay lại được thêm cả thư em... Đọc cho xong đi! Mình đợi.

        - Tôi đọc xong rồi.

        Quỳnh gấp lá thư đặt trên bàn.

        Bút kéo ghế ngồi, rồi hỏi:

        - Anh làm thế nào mà chữa bệnh cho người khác tài vậy? Cậu Vấn sáng nay đi trực, trước khi về lại nhảy lên máy bay bay như sấm!

        - Tôi ra lệnh cho cậu ấy hôm nay có đau đầu cũng phải đi trực.

        - Chỉ có vậy mà lành bệnh?

        - Chưa chắc đã khỏi hẳn.

        - Nhưng lần này dứt cơn rối, chúng mình sẽ bồi thêm.

        - Các anh giúp cho... Tôi không chịu được cái trò này.

        Bút ngồi im ngắm Quỳnh một lát, rồi nói:

        - Mắt hôm nay bớt đỏ rồi.

        - Mắt tôi có làm sao! Cậu bác sĩ cứ bắt phải nghỉ... Anh nên nói với các nhà chuyên môn bơn bớt cái trò săn sóc quá đáng này đi!

        - Không được đâu! Mình đã bị phê bình mấy lần là không tôn trọng chuyên môn...

        Quỳnh phân vân không hiểu đồng chí chính ủy định nói với mình chuyện gì.

        Bút lại mỉm cười:

        - Hôm nay tôi xuống phổ biến với anh một ý kiến của cấp trên...

        - Thì anh là cấp trên.

        - Không... cấp trên của chúng tôi: Anh phải đi nghỉ "tự do" ít ngày. Muốn đi đầu, tùy...

        Quỳnh đã biết chuyện này qua lời tham mưu trưởng hôm trước. Anh ngồi im lặng nghe chính ủy nói tiếp.

        - Bọn tôi trao đổi với nhau cũng tự nhận thấy là chưa quan tâm đầy đủ đến cán bộ... Thời gian qua, tuy có bận thật, nhưng nếu chú ý thì vẫn thu xếp được để anh đi giải quyết cho xong chuyện gia đình... Lần này anh có thể đi Đồ Sơn, đi luôn cả Nam Định, gia đình có ý kiến thế nào, trung đoàn sẽ xin theo, ý kiến của chúng tôi là tranh thủ ngay dịp này... Thời gian này địch đánh không căng lắm, nhiều cơ quan đã trở về Hà Nội.

        Vấn đề chính ủy nêu lên đi xa hơn điều mong đợi của Quỳnh. Anh ngập ngừng:

        - Thực ra, bọn chúng tôi cũng chưa có yêu cầu phải tổ chức ngay.

        - Chúng tôi biết.. Anh và cô ấy đều ngại đơn vị đang bận tác chiến. Còn chuyện tìm hiểu nhau, như vậy là đủ quá. Ở đoàn bay này toàn là "đánh nhanh giải quyết nhanh". Dứt khoát đi! Lần này tổ chức ở Hà Nội. Các phòng cưới lại mở đàng hoàng rồi. Nhờ Thùy giúp đỡ thêm một tay.

        Quỳnh còn nấn ná để chờ tới lúc cuộc chiến tranh phá hoại này tạm yên. Anh không muốn chồng thêm một trách nhiệm nữa lên vai người yêu, mặc dù trong lần gặp trước, Hảo đã đấu tranh nhiều với anh về ý nghĩ đó.

        - Anh cho tôi suy nghĩ thêm một chút.

        - Còn điều gì phải suy nghĩ nữa? Cả anh Khang và anh Luân đều nhắc chúng tôi. Đối với tổ chức không có gì phiền...

        - Anh cho hỏi: bao giờ Đông về?

        - Một vài ngày nữa thôi! Anh chuẩn bị xong, Đông về là vừa.

        - Anh cho đợi đến khi Đông về. Tôi muốn trao đổi với vợ chồng Đông trước khi tổ chức...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #313 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2020, 11:22:10 pm »


       
3

        Từ ngày trường học chuyển về nơi sơ tán, lớp của cô giáo Thùy phải phân nhỏ vì không có địa điểm rộng. Lúc đầu, lớp học ở đình làng, đến thời kỳ địch đánh gắt, cả thầy và trò phải chui vào một căn nhà hầm nửa chìm nửa nổi, tối um um. Vì lớp học chia nhỏ, sổ giờ dạy của Thùy tăng gần gấp đôi. Về tới nhà, ngoài việc chăm con nhỏ, giặt giũ nấu nướng, cô lại còn phải chấm bài, quan hệ với nhà chủ, với địa phương, giúp đỡ những học sinh không có người lớn trong gia đình đi theo. Chung Thủy chưa đủ tuổi tới trường, đã phải làm nhiều việc trong nhà. Nó vẫn còn là một đứa bé, lại rất ham học. Thùy phải dành thời giờ dạy con tập đọc và tập viết. Cô làm việc gần như từ lúc thức giấc cho tới khi chợp mắt. Nhưng rồi cô lại nghĩ, cũng may mà bận bịu, công việc đã giúp cho mình quên bớt đi cái lo lúc nào cũng canh cánh bên lòng.

        Mấy ngày nay, lúc nào Thùy cũng mong chồng. Đông viết thư báo tin anh từ Vĩnh Linh ra, đã có mặt tại sân bay, sẽ sớm về thăm nhà. Hễ nghe tiếng còi xe, Thùy lại giục Chung Thủy chạy ra cổng ngó xem có phải bố về. Đang giờ dạy học, một anh bộ đội đi ngang Thùy cũng đưa mắt nhìn xem có phải đó là Đông.

        Nhận được thư anh rồi, cô vẫn không hết lo. Anh đã thoát được những chặng đường lửa Khu Tư, nhưng về tới sân bay, anh lại tiếp tục đi trực. Có cái gì bảo đảm chắc chắn anh sẽ trở về.

        Tính cả tin của cô đã thay đổi từ sau lần Đông chết hụt. Cô không còn tin vào lời nói kể cả thái độ của chồng, vì biết anh lúc nào cũng cố tránh làm cô lo lắng.

        Trước kia, Đông vế tới nhà là cô nói cười vui vẻ cho tới lúc anh ra đi. Nhưng bây giờ, cô bắt đầu thấy sợ mỗi lần anh làm cho mình vui nhiều. Anh lại cố che giấu một cái gì đang đe dọa hạnh phúc của cô mà chỉ riêng anh biết!... Khi chia tay anh, tim cô thắt lại, tưởng như anh sẽ đi mãi mãi. Một câu hỏi lại hiện ra: nếu thiếu anh, cuộc đời của mình sẽ ra sao...?

        Thùy tranh thủ dạy Chung Thủy viết tập; con bé bận làm việc nhà nhiều, học chả được bao nhiêu. Có tiếng ai đẩy cánh cổng. Hai mẹ con ngẩng đầu nhìn ra, Đông đang đi vào. Một tay anh xách hai chiếc hũ sành, một tay sách chiếc túi du lịch.

        - Bố về kia rồi!

        Chung Thủy reo lên. Nó tung bút, chạy vụt ra ôm chầm lấy bố. Thủy cũng bước vội theo đỡ cái túi cho Đông. Chiếc túi nặng trĩu, ở đơn vị bay, Đông có tiếng là người thu vén. Đường, sữa ai bỏ là Đông mua. Đông tích những cái kẹo ăn tráng miệng sau từng bữa cơm. Đông còn giấu giếm cả những thứ thuốc bổ mà đơn vị phát cho người lái dùng để bồi dưỡng sức khỏe. Gần đây, mỗi lần anh mang về nhiều thứ, cô rất lo. Phải chăng anh ấy đang nghĩ, mình mang mọi thứ chơ vợ con lần cuối cùng?

        - Sao hôm nay anh mới về?

        - Còn phải chờ mấy ông thu xếp, ông Quỳnh, ông Tú...

        - Anh về đến Hà Nội, có báo động là em lại lo.

        - Từ hôm nay khỏi lo. Đêm qua Giôn-xơn đã tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến hai mươi trở ra. Chuẩn bị quay về Hà Nội.

        - Thực không?

        - Ai nói đùa chuyện đó!

        Đông bước vào nhà, đặt hai cái hũ xuống, nhìn thằng con trai nằm trên giường. Chung Thủy ôm chặt lấy chân bố, không cho anh bước đi. Đông nhìn vợ, nhìn con gái.

        - Hai mẹ con đều gày nhom... Chỉ có thằng cu là khá.

        - Nó tu em suốt đêm, lại lo... không ngủ được.

        Thùy chạy lại bế bổng thằng bé đang ngủ ngon trên giường. Ban nãy, phải khó khăn lắm mới lừa được nó nằm yên để dạy Chung Thủy học. Bây giờ thì nó có thức giấc cũng không sao. Cô hôn chùn chụt vào hai má bụ bẫm của thằng bé, rồi ghì nó vào lòng, làm như chính cô mới là người lâu ngày được gặp lại nó.

        Đông đã vạch một kế hoạch chu đáo cho chuyến đi. Tiện xe đưa Tú về Quân chủng họp, Đông về nhà trước bàn bạc với Thùy. Buổi chiều, Tú quay về trung đoàn, sáng mai, xe lại đưa Quỳnh xuống. Ngày kia, hai người cùng đi Hải Phòng. Đằng nào cũng phải có người của đơn vị xuống nói chuyện với trạm nuôi cá, Đông nhận làm việc đó. Anh muốn mình có mặt vì cảm thấy Quỳnh không hiểu tại sao còn chưa thật quyết tâm. chỉ cần một buổi, anh sẽ giải quyết xong với cả hai người và cơ quan của Hảo.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #314 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2020, 11:22:35 pm »


        Bút muốn tổ chức lễ cưới tại Hà Nội, là điểm trung tâm cho hai cơ quan và gia đình Hảo. Sáng nay, ngồi trên xe, Đông nảy ra ý kiến mới. Anh thấy nên tổ chức tại sân bay hoặc gia đình Hảo. Nếu hai người muốn tổ chức tại trung đoàn, đơn vị chỉ cần sửa soạn một buổi sẽ xong phòng cưới và nơi cho họ hưởng tuần trăng mật. Đoàn bay đã quen với loại công việc này. Quỳnh và Hảo sẽ không bận bịu gì. Bạn bè của Quỳnh tập trung cả ở đây... Nhưng Đông lại thấy nên tổ chức tại Nam Định. Đông biết Quỳnh xa quê hương đã lâu nên rất thèm không khí gia đình. Cậu ấy chưa được về Nam Định bao giờ. Đây là một dịp để Quỳnh gắn bó với gia đình nhà vợ. Còn gì sướng bằng, sau khi cưới, có thêm sự chăm sóc của bà mẹ và cô em gái... Mẹ Hảo là người làm công tác xã hội ở địa phương, chắc sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức lễ thành hôn cho con. Bà cụ còn vui sướng nữa là khác... Chỉ con chuyện những người thay mặt đơn vị và cơ quan của Hảo phải đi xa hơn một chút?... Cũng không sao vì không còn máy bay địch quẫy nhiễu dọc đường... Đông nghĩ đến lúc sau ngày cưới, cặp vợ chồng dẫn nhau đi nhận họ hàng. Chúng nó sẽ có một số ngày hạnh phúc trọn vẹn...

        Tú tán thành ý kiến đó. Đông chắc khi đem bàn với Hảo và Quỳnh, cả hai người đều phải chịu là hay.

        Đông đang định nói chuyện đó với vợ thì Thùy hỏi:

        - Anh mang về cái hũ gì?

        - Lương khô chiến lược. Một hủ nước mắm ngon Nghệ An, một hũ mắm cá Quảng Bình. Khi thiếu thức ăn, em chỉ cần cho chút mỡ chưng lên, ăn với rau sống, ngon quên chết!

        - Anh đi chiến trường, đem những thứ này về, không sợ các anh ấy nói!

        - Mình phải lo cho cả vợ con, phải đâu như mấy anh không vợ! Anh nào nói, mặc! Mình mua chớ có ăn cướp của ai đấu!

        Chung Thủy lại sán đến bên bố:

        - Bố ơi!... Bố có thích ăn rau muối không?

        - Rất thích!

        - Con đi kiếm rau về nấu cho bố ăn nhé?

        Đông nhìn con, mặt nó đen nhẻm như một đứa bé ở nông thôn. Thùy mỉm cười:

        - Anh ạ, Chung Thủy kiếm rau láo nháo rất tài.

        - Nhưng bữa nay, bố về, con phải ở nhà chơi với bố.

        - Không... Con đi kiếm rau về nấu canh cho bố ăn.

        - Để đến ngày mai, hai bố con cùng đi. Bố sẽ thi với con vì bố kiếm rau cũng rất tài.

        - Không... con đi bây giờ...

        Con bé chạy vụt đi.

        - Tại ban nãy anh nói là canh rau muối rất ngon! - Thùy nói.

        Đông cảm thấy thương con vô cùng. Anh nghĩ đến bát canh nấu bằng những thứ rau do bàn tay bé nhỏ của đứa con gái kiếm về...

        - Thôi, bữa chiều ăn cơm vỏi canh rau của Chung Thủy, còn bữa sớm mai, em phải chuẩn bị một con gà... Có khách!

        - Ai đấy?

        - Thằng Quỳnh.

        - Anh Quỳnh chắc tha hồ mà nóng ruột... Anh ấy có những ba lá thư của Hảo gửi ở đây.

        - Chiều mai anh phải đi với hắn.

        - Đi đâu?

        - Xuống Đồ Sơn... Lần này vế tổ chức cho bọn hắn luôn. Thằng ấy lại ăn may! Lớ ngớ mò về đúng lúc địch ngừng ném bom ở mấy tỉnh ngoài này... Em sẽ phải ôm con về Nam Định mấy ngày với hai đứa chúng nó.

        Đông bỗng nhận thấy nét mặt vợ đổi khác. Cô ngước mắt nhìn chồng rồi lại nhìn xuống.

        - Tội nghiệp cho hai người!... - Thùy nói.

        - Em nói chi? - Đông trợn mắt hỏi.

        - Hảo đi công tác rồi! Nó lại đi điều tra...

        - Ở tận đấu? - Đông hỏi dồn.

        - Khu Tư... Có ai bắt nó đi! Chắc nó thấy anh Quỳnh đi nên nó cũng đòi đi.

        Đông ngôi thần mặt, rồi nói:

        - Đánh điện cho cô ấy về!

        - Chuyện đâu dễ thế!... Anh Quỳnh còn ở Hà Nội bao lâu?

        - Một hai tuần... Quỳnh cũng sắp phải đi vào trong.

        - Làm sao biết được chỗ ở của cô ấy! Hảo đang công tác lưu động. Có nhận được điện nó cũng không về. Nó đi với đoàn. Thư vừa gửi về nó nói đang ở Diễn Châu...

        Đông hết cả hào hứng. Kế hoạch anh chuẩn bị suốt mấy ngày nay đã thành mây khói. Lần này hoãn thì chưa biết tới lúc nào mới tổ chức được. Chiến tranh phá hoại tạm ngừng ở những tỉnh phía ngoài thì nó sẽ tăng thêm cường độ ở các tỉnh phía trong. Bom đạn sẽ dồn vào trong đó. Quỳnh và anh rồi sẽ còn rối bận hơn...

        - Anh nói bao giờ thì được trở về Hà Nội? - Thùy hỏi

        - Chắc cũng phải chờ thêm ít ngày nữa cho thật yên - Đông lơ đãng trả lời.

        - Nếu anh Quỳnh đi thì anh cũng đi chứ!

        Đông ngập ngừng:

        - Chưa biết anh có đi hay là cứ ở ngoài này.

        Cô biết một lần nữa anh lại nói dối mình.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #315 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2020, 11:23:19 pm »


       
4

        Quỳnh ngồi trên bờ ao sau nhà đọc những lá thư Thùy vừa chuyển. Anh đã hiểu vì sao khi anh trở về đơn vị không có thư nào của Hảo. Một lá thư cô viết khi lên đường vào Khu Tư, đoàn công tác dừng lại vài ngày ở Hà Nội để chuẩn bị thêm những thứ cần thiết. Một lá thư gửi từ huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Một lá thư từ huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An.

        Cô lại say sưa lao vào một đợt công tác điều tra mới. Cô nói nếu chiến tranh cứ tiếp diễn như bây giờ thì những người làm công tác nghiên cứu chưa thể làm được gì hơn, họ sẽ phải làm tiếp nhiều công việc khi hòa bình. Cô đang đi tìm hiểu về rau câu, một loài thực vật cấp thấp chưa phân hóa thành thần cây và lá rễ, có diệp lục, màu hồng, mọc ở các cánh đồng nước mặn ven biển. Cô nói đó là thứ mà nhân dân vẫn dùng làm nộm ăn, nhưng mọi người chưa thấy hết những giá trị khoa học và kinh tế lớn của nó. Như vậy là cô vẫn loanh quanh ở vùng ven bờ mà chưa trở lại được với biển cả. Đợt công tác nếu tiến hành thuận lợi sẽ kéo dài khoảng nửa năm. Cô nói cô không thể ngồi yên trong lúc mọi người đều đi. Cô sẽ gặp anh tại tuyến lửa vào đúng ngày đất nước im tiếng súng. Cô đã được nhìn những đoàn người, phần lớn là trai trẻ, đông nườm nượp, như nước chảy về phía nam trên dọc đường. Nhiều lúc cô muốn đi theo chân họ. Và ngày toàn thắng đã hiện lên như vừng đông ở chân trời... Cô hy vọng gặp lại anh trước khi những lá thư này tới tay anh.

        Những lá thư được viết trong những ngày tổng tiến công sôi nổi. Trận đánh mùa xuân chưa kết thúc. Sẽ còn những trận đánh nối tiếp trong năm nay... Nhưng có điều em chưa biết là chiến tranh vẫn chưa đi đến giai đoạn chót. Cuộc chiến đấu sẽ còn lâu dài... Bây giờ anh sẽ đuổi theo em tới chiến trường. Và biết đâu lại chả đúng như điều em mong đợi, chúng ta sẽ gặp nhau ở đó. Nhưng không phải vào một ngày im tiếng súng mà giữa những trận mưa bom đạn ác liệt.

        Tối qua, Tú ở Quân chủng trở về nói anh được nghỉ mười ngày. Đông sẽ cùng với Tú trở lại Khu Tư trước. Theo đề nghị của trung đoàn bay, Đông sắp được để bạt làm tham mưu trưởng trung đoàn. Đông phải đi sớm chuẩn bị triển khai chiến đấu. Mười ngày... Quỳnh nhận thấy tổ chức đã quá ưu đãi đối với mình. Hoa, Đễ... tổ chức lễ cưới tối hôm trước thì sáng hôm sau đã mặc quẩn áo bay đi trực chiến. Nhưng ngay khi đó anh có một linh cảm, chuyện cưới xin chưa diễn ra trong dịp này, nó vẫn chưa đúng lúc, vì anh lại sắp đi. Nhận những lá thư từ tay Thùy, anh rất lo, vì lần gặp trước cô đã trách anh để kéo dài chuyện này. Nhưng khi đọc những lá thư đầy hào hứng của cô trong chuyến đi công tác đầu tiên tại tuyến lửa, anh lại cảm thấy cô đang đồng tình với mình. Anh càng thấy yêu thương cô và tự bảo sẽ không ngần ngại đi tìm cô ngay khi đến tuyến lửa. Không ai nỡ hẹp hòi với mình trong khi chính cô ấy cũng có mặt ở chiến trường...

        Chung Thủy chạy tới:

        - Bố mẹ cháu bảo mời chú vào ăn cơm.

        Thùy đã nhận thấy vẻ không vui của chồng từ khi biết chuyện Hảo đã đi công tác Khu Tư. Không khí này càng nặng thêm từ khi Quỳnh về. Đáng lẽ bữa cơm hôm nay phải là bữa cơm rất vui khi chồng cô và Quỳnh đều mới từ tuyến lửa về. Đông hình như cũng không tìm ra cách phá vỡ không khí này.

        Thùy đợt ngột hỏi Quỳnh:

        - Anh Quỳnh đã mất cắp bao giờ chưa?

        - Mình tha lấy của người khác thì thôi chứ ai lấy cắp được của mình!

        Thùy bỗng cười ngặt nghẽo trong khi Đông nét mặt lầm lỳ. Quỳnh nhìn Thùy không hiểu tại sao.

        Hết trận cười, Thùy nói:

        - Mỗi lần em nhắc đế phòng kẻ cắp, anh Đông đều nói đúng như anh. Tối qua móc túi định lấy tiến lương đưa em thì túi sạch trơn...

        Thùy lại cười rồi nói tiếp:

        - May mà không mất giấy tờ, chứ không thì khi về đơn vị còn được ngồi kiểm điểm.

        - Chúng rất tài cậu ạ... - Đông nói - Mình chỉ tạt vào cửa hàng bách hóa chừng năm phút, mua cho cô Thùy một cái bút, không thấy ai đụng vào người mình, đến tối tìm đến tiên mới biết là bị mất cắp.

        Quỳnh ngơ ngác:

        - Sao lại sinh ra ăn cắp nhỉ?

        - Không chỉ ăn cắp mà còn nhiều chuyện khác...

        Thùy vừa sắp cơm vừa nói tiếp:

        - Các anh cố đánh giặc cho xong sớm đi, hòa bình rồi còn vô khối việc phải làm. Các anh là người ở trên mây không biết mấy việc đời!...

        Quỳnh nói:

        - Hòa bình rồi, chuyển cậu Đông sang ngành công an để nó trị hết lưu manh.

        Thùy nhận thấy đã tới lúc mời mọi người ngồi vào mâm.

        Cô múc đầy một bát nước dùng gà đưa Quỳnh:

        - Anh ăn bát canh đặc biệt này trước đi!

        Có lẽ cô ấy sợ mình nghẹn không nuốt được cơm, Quỳnh nghĩ.

        - Tôi sẽ ăn không kém bát nào! Chờ đến khi Hảo về Hà Nội, vợ chồng tôi sẽ tổ chức lễ cưới ngay tại nhà cô.

        - Vợ chồng rồi thì còn việc gì phải tổ chức lễ cưới nữa!

        Thùy tủm tỉm nhìn anh, rồi hỏi:

        - Anh thấy nước canh có ngon không?

        - Ngọt quá! Có vị tôm he.

        - Anh tinh đấy! - Thùy cười - Tôm biển của Hảo đem về, em nấu cho anh ăn để coi như anh gặp nó tại nhà em.

        Bát cơm nào Quỳnh cũng chan canh. Anh cảm thấy như bát canh này do chính tay cô nấu ra, và cô đang ngồi trước mặt nhìn mình như bữa ăn của hai người năm trước ở đất Quảng Yên.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #316 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2020, 11:23:58 pm »


CHƯƠNG XXX

1

        Trung tuần tháng Ba năm 1968, Johnson quyết định tăng quân số Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên tới mức cao nhất: 549.500 người, và động viên lực lượng dự bị.

        Nhưng đến ngày 30 tháng Ba, Westmoreland sau khi về Mỹ trở lại Sài Gòn, đã tuyên bố thay đổi chiến lược "Tìm và Diệt" của quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam bằng chiến lược "Quét và Giữ". Như vậy, những cuộc hành quân quy mô lớn sẽ giảm, quân đội Mỹ chuyển sang một cuộc chiến tranh "nặng về chống du kích". Y còn tuyên bố: quân đội ngụy sẽ thay quân Mỹ trên toàn chiến trường và giữ vai trò chính.

        Chỉ sau hai mùa khô trực tiếp đọ sức với ta trên chiến trường Việt Nam, Mỹ đã cảm thấy không thể tiếp tục cuộc chiến tranh này và tính đường rút lui.

        Ngay ngày hôm sau 31 tháng Ba, Johnson tuyên bố ném bom hạn chế từ nam vĩ tuyến 20 trở vào để "nhằm tiến tới một giải pháp thương lượng". Ông ta đồng thời loan tin sẽ thôi không ra tranh cử tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ mới. Sau này, Johnson nói: "tôi thực sự không tin mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa".

        Nhiều hãng thông tấn phương tây bình luận: "lệnh hạn chế ném bom 31 tháng Ba của Johnson chỉ là thay đổi tiêu điểm chứ không thay đổi cường độ ném bom". Riêng trên những tuyến đường giao thông vận tải của ta tại Khu Tư, cường độ đánh phá của địch đã tăng lên nhiều lần từ sau khi Johnson tuyên bố ném bom hạn chế. Có ngày địch dùng từ 300 đến 350 lần chiếc máy bay, gần bằng tổng số lần chiếc trong những ngày cao điểm khi chúng còn đánh phá khắp miến Bắc. Chúng huy động thêm cả những hạm tàu có cỡ pháo 406 ly đến vùng biển của ta, bắn vào các đường giao thông.

        Những chiến sĩ không quân tiến về phía nam, đuổi theo máy bay địch:

        Do địch đã hạ nấc thang đánh phá trên miền Bắc, cuộc hành quân của Tú lần này đàng hoàng hơn.

        Đồng chí tham mưu phó trung đoàn đưa hẳn một đoàn ba xe chỉ huy, hai xe vận tải chở người và đồ đạc, một xe cấp dưỡng, một xe xăng dầu, và một xe con nữa đi chuẩn bị cơ sở.

        Vài ngày sau, Tú lên đường cùng với cơ quan chỉ huy gồm các cán bộ tác chiến, dẫn đường, quân báo, một số đồng chí liên lạc và làm công việc phục vụ.

        Xe chạy ban ngày. Thỉnh thoảng họ dừng lại nghỉ trên những thị trấn ở dọc đường 1. Những cửa hàng ăn, giải khát đã mọc lên rất nhanh. Ban đêm, ngủ nhờ nhà đồng bào. Số giường phản hiếm hoi của nhà chủ nhường bao giờ cũng dành cho các đồng chí lái máy bay và lái xe. Lái xe là người vất vả nhất trong cuộc hành quân. Nhưng các anh lái xe thường từ chối, họ thích ngủ trong xe hơn. Các cán bộ, chiến sĩ khác mắc võng ngủ ngoài hiên. Có anh nằm gọn trong một chiếc nong.

        Đông tổ chức săn bắn để cải thiện cho những bữa ăn. Hoạt động này bị Tú hạn chế một phần. Tú không cho bắn chim. Mũi súng săn của họ chỉ có thể nhằm vào những chú cầy, cáo, những con nhông xuất hiện trên dọc đường.

        Đoàn xe nghễu nghện đi giữa ban ngày trên con đường đầy rẫy những hố bom, trò chơi săn bắn trên dọc đường mang lại cho họ một ý niệm rõ ràng về thắng lợi đã đạt được. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng một vùng trời đã thuộc về ta.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #317 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2020, 08:05:09 am »


       
2

        Những sân bay mới làm hoặc mới sửa chữa ở phía nam đều là sân bay dã chiến nền đất. Ta lại phải che mắt bọn địch, không được để đường băng hiện hình lên giữa cảnh vật chung quanh. Đúng hơn, chúng ta chỉ sửa sang những dải đất hoang có độ nén tốt, tạm đủ chiều dài tối thiểu cho máy bay phản lực hạ và cất cánh. Đài chỉ huy sân bay là một túp lều nhỏ. Chữ T, dấu hiệu đầu đường hạ cánh, là hai cuộn vải trắng dải vội trên mặt đất trước khi máy bay xuống sân, ngay sau đó lại được cuốn cất đi.

        Có sân bay nằm dọc một thung lũng hẹp, ba bề núi cao, một đầu là vực sâu, không có bảo hiểm. Người lái yêu cầu có gió ngược khi hạ và cất cánh, nếu không được như vậy thì gió phải thổi ngang. Nhưng tại đây chỉ có gió một chiều và không bao giờ có gió ngang.

        Trừ sân bay Đồng Hới có một hàng đèn, còn tại các sân bay khác, máy bay sẽ phải hạ hoặc cất cánh ban đêm bằng những bó đuốc tẩm dầu do người cầm trên dọc đường băng. Họ phải giụi tắt lửa ngay khi nghe tiếng máy bay địch.

        Một trở ngại lớn nữa là do chiều ngang quá hẹp của dải đất Khu Tư và địa hình phía tây nhiều núi non nên các sân bay này đều nằm gần bờ biển. Chúng ta sẽ rất khó giữ bí mật khi di chuyển máy bay, và khi cất cánh cũng dễ bị kẻ địch từ các tàu sân bay ngoài biển lao vào đè đầu.

        Trước khi chuyển vào phía nam, những người lái đã phải đánh dấu vôi trên sân bay Nội Bài, tập cất cánh và hạ cánh ở sân bay ngắn và hẹp.

        Hôm nay, Quỳnh và Nhự, hai người chỉ huy của hai đại đội, bay tới một sân bay mới để rút kinh nghiệm.

        Tới khu vực sân bay, hai chiếc máy bay theo nhau lượn vòng. Quỳnh căng mắt nhìn vẫn không nhận ra đường băng. Anh được biết đường băng chỉ rộng ba mươi mét. Dưới cánh bay là một bãi đất đỏ, lởm chởm cỏ xanh, có vẻ không bằng bặn chút nào.

        Qua vòng lượn thứ hai, Quỳnh mới nhìn thấy chứ T màu trắng trên bãi đất.

        Cũng lúc đó, Nhự nói:

        - Chữ T đấy! Anh bay qua sân bay đi, tôi quan sát cho. Nếu thấy đúng đường băng thì anh xuống trước.

        - Quan sát nhé!

        Quỳnh giảm tốc độ bay dọc trên đường băng mà anh phán đoán qua dấu hiệu chữ T.

        - Đúng rồi đấy! Anh đáp xuống đi. - Nhự lại nói.

        Quỳnh thả càng và xin phép hạ cánh.

        Anh từ từ kéo cần lái vẽ phía mình và giảm vòng quay đến tốc độ nhỏ nhất cho hai bánh sau của máy bay tiếp đất. Đáng lẽ như mọi sân, chiếc máy bay anh sẽ chạm đường băng êm ru, nhưng lần này, nó nhảy lên rất mạnh làm anh có cảm giác bánh xe sắp gãy. Anh cố giữ vững hướng đường băng và từ từ hạ nốt bánh trước. Máy bay anh vẫn tiếp tục nhảy lên chồm chồm, như chiếc xe chạy trên một bãi đất toàn ổ gà, khiến Quỳnh phát hoảng. Khi đã nhìn rõ trước mặt là những tấm ghi máy bay nằm lẫn với cỏ và đất đỏ anh mới yên tâm bóp chặt phanh, thu cánh tà và thả dù giảm tốc.

        Chiếc máy bay dừng lại ở đầu mút đường băng.

        Quỳnh xuống máy bay. Mấy đồng chí thợ máy chạy tới vui mừng reo lên:

        - Đẹp quá?

        Quỳnh nhìn lại, cả đường băng đã biến đi trong một đám bụi màu đỏ. Chiếc máy bay của Nhự phải tiếp tục lượn vòng chờ cho bụi tan đi.

        Quỳnh nói:

        - Bụi thế này thì làm thế nào khi cả biên đội cùng phải xuất kích.

        Anh thợ máy vẫn vui vẻ:

        - Không anh ạ... Tại bữa nay không có gió nên bụi tan chậm. Nếu có gió thì bụi hết ngay, các anh sẽ thoải mái bám đuôi nhau cùng lên...

        Như vậy là mỗi lần cất cánh biên đội chiến đấu, cần phải có gió cạnh, Quỳnh nghĩ.

        Khi Quỳnh thử cho máy bay cất cánh, khó khăn còn nhiều hơn. Đường ghi trơn, độ ma sát ít, khiến anh chỉ lo trượt và lệch hướng, chạy đã được một lúc, vẫn chưa đủ tốc độ cất cánh. Anh luôn luôn có cảm giác sắp vọt ra ngoài đường băng. Khi máy bay rời mặt đất, anh mới tin là mình đã cất cánh an toàn.

        Xuống máy bay lần này, Quỳnh gặp Tú.

        - Tốt lắm! - Tú nói.

        Cả anh ấy cũng nói như vậy! Anh ấy còn không nỡ phê bình minh đã rời đất quá muộn suýt nữa thì xảy ra tai nạn...

        Tú nói tiếp:

        - Ở sân bay này còn dễ, cách biển những bốn chục ki- lô-mét, có đường chân trời hẳn hoi... Vào trong kia, các đồng chí sẽ phải xuống những sân bay cách biển một, hai ki-lô-mét, phải hạ cánh trực tiếp không được phép lượn vòng, và khi máy bay cất cánh sẽ không có đường chân trời... Cậu có thấy làm được một sân bay như thế này giữa thời chiến, ngay trước mắt bọn F.4 mà chúng không hề biết..., đúng là một kỳ công !
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #318 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2020, 08:05:39 am »


        Quỳnh đã hiểu lời khen của Tú là dành cho bao nhiêu con người đã âm thầm chuẩn bị những bệ phóng mới dưới nắng lửa, gió Lào, những trận bão, những đợt rét cắt da, trước bọn cường kích và những họng pháo 406 ly của chiến hạm địch trên biển. Anh biết mình sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn với những sân bay nằm sâu ở phía trong, nhưng anh cũng đã hiểu giá trị của mỗi mét đường băng tại vùng tuyến lửa này.

        Trong đợt chiến đấu đầu tiên tại Khu Tư. Luân đã quyết định cho đoàn Sao Vàng dùng một sân bay mới nằm bên trên vĩ tuyến 20. Anh muốn tạo cho người lái một số thuận lợi trong thời kỳ làm quen với sân bay dã chiến và cuộc chiến đấu tại một vùng trời mới. Do lệnh ném bom hạn chế của Johnson, những người lái từ đây đánh với vào phía trong, sẽ có một không phận tạm thời không bị kẻ địch quấy nhiễu. Họ có chỗ luyện tập, nghỉ ngơi thoải mái và cả một hậu phương an toàn đã rút lui sau mỗi trận đánh trên không.

        Trên đường vào, gần tới sân bay, một em bé xin đi xe nhờ. Đông cho em ngôi cùng ghế và hỏi chuyện. Em bé tả làng mình. Đông chợt nảy ra ý kiến đến thăm làng em, trước sau anh cũng phải tìm một chỗ đặt cơ quan. Tới nơi, Đông thấy mình sẽ không tìm được đâu tốt hơn. Làng không ở quá xa sân bay, không xa đường cái, lại gần đường dây tải ba thuận tiện để tổ chức mạng thông tin. Quanh làng có nhiều đầm nước và đồng ruộng cũng ngập nước. Đường vào làng cách một con ngòi nhỏ, xe có thể lội qua. Rất tốt về mặt giữ bí mật. Chẳng ai nghĩ một sở chỉ huy không quân lại ở giữa cánh đồng ngập nước thế này! Làng trống nhiều dừa và cọ. Nhìn ngoài xanh um, chỉ thấy màu lá. Nhưng vào trong, lai quang đãng. Chỉ có điều nhà ở hơi ít, nhưng họ có thể dựng thêm những lều bạt. Một thuận lợi nữa là đồng bào rất sốt sắng. Ở đây, đã lâu không có bộ đội về.

        Tú đến nơi, đồng ý ngay địa điểm mới. Các anh em lái đều trầm trồ khi đứng ngắm những rặng dừa. Đông vui vẻ nhưng vẫn không quên nói: "Đã đi đến đâu! Muốn hiểu thế nào là rừng dừa thì phải về Tam Quan quê mình!".

        Sở chỉ huy ở trong một vườn dừa, dưới những chiếc lều bạt. Bảng tiêu đồ đặt trên một tấm phản vốn là chiếc giường cá nhân của bộ đội đem theo.

        Đông vừa tranh thủ bay tập về, đi ngang sở chỉ huy. Tú ngồi trong, gọi vọng ra:

        - Mời tham mưu trưởng vào đây, trao đổi một tí.

        Đông lịch bịch đôi ủng đỏ bước vào, ngồi xuống chiếc ghế dài chính anh đã mượn của trường học cấp hai trong làng đem về.

        - Chiều nay, anh Viễn vừa gọi điện.

        - Chính ủy quân chủng?

        - Bây giờ anh ấy là chính ủy của Đường dây 559. Anh Viễn đến tỉnh đội Thanh Hóa, biết bọn mình đang ở đây, tối nay anh Viễn sẽ vào thăm và bàn công việc với bọn mình. Tiếc rằng cậu Hùng lại vừa bay ra Nội Bài.

        - Đồng chí ấy sẽ gặp Hùng ở Hà Nội?

        - Không, đồng chí ấy có việc chỉ tới Thanh Hóa rồi lại vào đường dây.

        - Hay tôi điện cho Hùng bay vào ngay?

        - Không cần. Ngày mai anh ấy đã đi rồi.

        - Vậy anh Viễn định bàn với mình chuyện chi?

        - Chính ủy muốn chúng mình bắn hạ một vài thằng trinh sát OV.10 trên đường 12. Anh ấy nói bọn này rất "ác ôn". Anh em ta giấu xe kỹ mà nó vẫn phát hiện được cho bọn F.4 và B.52. Chúng né tránh những trận địa cao xạ của ta cũng rất tài...

        - Dùng máy bay thì nó không chạy đâu được!

        - Cậu tính chuyện đó đi! Coi như đây là chỉ thị của chính ủy. Anh ấy không còn trực tiếp lãnh đạo bọn mình nhưng hiện nay lại là người lãnh đạo ở chiến trường... Mình muốn giao nhiệm vụ cho Hùng.

        Mắt Đông sáng lên.

        - Không nên... Hùng bay tốt, nhưng chưa quen đánh với loại tốc độ nhỏ. Thằng OV.10 này chỉ bay vài trăm ki- lô-mét giờ...

        - Hai trăm thôi...

        - Càng nhỏ lại càng khó đánh. Phải trao cho người quen đánh với tốc độ nhỏ.

        - Cậu bảo trao cho ai...?

        - Cho tôi. - Đông đột ngột nói bằng một giọng quả quyết.

        - Nhưng dạo này cậu ít bay?

        - Có đâu anh, từ hôm ở Vĩnh Linh ra, tôi bay gần bằng thằng Quỳnh.

        Tú ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

        - Đồng ý. Tối nay, nếu chính ủy vào, cho cậu hứa trước với chính ủy...

        - Anh hứa hộ tôi. Tôi chỉ quen khi làm xong rồi mới báo cáo.

        Tú nhìn Đông. Gần đây, anh đã tin tưởng ở Đông. Luân vừa qua cũng khen ngợi khi nghe Đông báo cáo những quy luật hoạt động của máy bay địch ở hành lang.

        - Tùy cậu... Nhưng cố gắng làm sớm. Đi một người hay hai?

        - Một thôi!... Thằng nhép!

        - Cậu vừa mới nói với mình là khó mà đã chủ quan ngay.

        - Khó chỉ ở chỗ nó có tốc độ nhỏ...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #319 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2020, 08:05:59 am »

        
4

        Bổn giờ chiều. Đông được lệnh cất cánh.

        Sở chỉ huy cho bay ở độ cao bốn ngàn mét với tốc độ một ngàn ki-lô-mét giờ.

        Máy bay của Đông qua Đô Lương. Một vùng rừng núi hiện ra trước mắt. Mặt trời còn tương đối cao nhưng phía xa rừng cây đã ngả màu tối sẫm.

        Có lẽ đã tới Tân ấp. Tại đây có đặt trạm liên lạc.

        Đông bóp mi-crô làm tín hiệu. Hai tiếng loạch xoạch vang lên trong tai nghe. Trạm liên lạc đã trả lời. Để giữ bí mật, nên không dùng vô tuyến điện trên đường bay.

        Dưới cánh, qua những lớp mây mỏng, chỉ còn toàn rừng núi màu tím biếc có những đám mù trắng đang bốc lên.

        Sở chỉ huy bắt đầu thông báo:

        - Một chiếc tốc độ chậm đang hoạt động khu vực đường 12. Độ cao bốn ngàn.

        Con đường đỏ đã lượn khúc quanh co phía dưới. Đông nhiều lần đưa mắt nhìn quanh vẫn không thấy bóng dáng của địch. Chắc máy bay địch màu xám, lại bay với tốc độ nhỏ nên dễ lẫn vào nền núi buổi chiều.

        Sở chỉ huy vẫn thông báo địch ở hướng cũ.

        Đông cho máy bay hạ độ cao xuống ba ngàn rưỡi. Anh hy vọng nhìn thấy bóng thằng địch trên nền trời. Anh giảm thêm tốc độ và bay tiếp theo hướng 360° về phía bắc.

        Quả nhiên, nó đây rồi. Thằng địch đã hiện hình trên nền một đám mây. Chiếc máy bay hai thân, hình thù khẳng khiu, nom kềnh càng, giống như một cái bừa. Anh lấy làm lạ tại sao nó như thế kia mà lại bay được.

        Đông đã nhận thấy khó khăn của công việc anh sắp phải làm. Tốc độ địch rất nhỏ. Có khi còn dưới hai trăm ki-lô-mét giờ. Địch dùng động cơ cánh quạt, nên rất ít nhiệt. Máy bay anh đang ở tốc độ thấp nhưng vẫn là tám trăm ki-lô-mét giờ. Anh chỉ mang loại tên lửa theo nhiệt.

        Đông tiếp tục thu bớt ga, mở cánh cản. Tốc độ anh còn lại sáu trăm. Đây là tốc độ tối thiểu để bắn tên lửa. Với tốc độ nhỏ này khi quả tên lửa thả ra, độ rơi sẽ nhiều.

        Đông vòng theo địch. Nhưng địch cũng bắt đầu bay vòng.

        Nếu địch nhìn thấy mình mà cơ động thì sẽ rất khó bắn rơi nó, Đông nghĩ. Phải hành động thật nhanh. Anh kéo cần lái vọt lên, lao theo địch, cải bằng máy bay, bắn luôn một phát tên lửa.

        Trái tên lửa chui sát dưới bụng máy bay địch, lóe lên một ánh lửa màu da cam.

        Chiếc máy bay hai thân lộn nhào mấy vòng rồi rơi xuống.

        - Địch lộn rồi! - Đông reo lên.

        Sở chỉ huy lên tiếng ngay:

        - Đi về!

        Nhưng anh chợt lại nhận thấy chiếc máy bay ở phía dưới đã cải bằng và bay tiếp. Cái bừa xấu xí vẫn chưa rơi.

        - Nó vẫn còn bay được. Bắn nốt quả nữa. - Đông báo cáo lại với sở chỉ huy.

        Lần này thằng địch đã nhìn thấy anh. Mỗi lần anh lao tới, nó đổi hướng rất nhanh. Muốn bắt được địch, phải có tốc độ hơi lớn. Nhưng với tốc độ lớn mỗi lần vồ trượt, máy bay anh lại vọt cách nó một quãng xa.

        Đông đã kéo theo khá mệt mà vẫn chưa đặt lại được mục tiêu vào vòng ngắm. Chiếc máy bay địch gần như dừng lại trên không và chỉ chờ anh lao tới là quay ngoắt tránh đòn. Chắc nó cũng biết mình chỉ còn một phát tên lửa và tránh được phát tên lửa này là nó sẽ ung dung bay trở về.

        Núi rừng bắt đầu tối sẫm. Nếu nó hạ ngay bớt độ cao, lẫn vào núi thì nó sẽ thoát. Làm cách nào đây? Mình chỉ còn rất ít thời giờ.

        Đông đã nhận thấy thằng địch này hay cơ dộng sang trái, anh quyết định kéo vào một lần cuối cùng vì trận đánh đã quá lâu, sở chỉ huy mấy lần giục về.

        Đông lại lao lên. Đúng là nó ngoặt sang trái. Anh cũng ngoặt theo, cải bằng, bắn nốt quả tên lửa còn lại.

        Trái tên lửa nổ cách máy bay địch khoảng dăm, bảy mét. Ánh lửa lóe lên giữa một đám khói trắng.

        Chiếc máy bay địch lộn một vòng và đâm thẳng xuống đất. Bây giờ Đông mới lại nhìn thấy con đường 12 màu đỏ lượn khúc giữa núi rừng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM