Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:49:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27390 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #300 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2020, 08:20:01 pm »


CHƯƠNG XXVI

1

        Đợt thu cá ở các đầm vào cuối năm, đầm Hải Phong thu lần thứ hai, đã giúp cho Hảo đánh giá được kết quả điều tra cô thu thập được từ hồi mùa hè.

        Trước khi bắt tay vào việc, Hảo đã đọc một số báo cáo điều tra về thành phần cá nước lợ. Nói chung, các tác giả đều viết có từ ba tới bốn chục loài cá, nhưng chưa ai nêu lên một danh sách cụ thể. Như vậy là cô đã tìm được trên bốn chục loài cá khác nhau tại vùng này. Ngoài các đầm ở đây, Hảo còn đi sang một số đầm của tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu thêm. Hảo đã thu mẫu được hầu như đủ cá có mặt trong đầm. Cô đã xác định tên loài, phần chia các nhóm cá theo tính ăn và lên một bảng danh sách. Cô lau chùi thật kỹ cái bàn gỗ sơn trắng trong phòng làm việc, đặt lên đó những bình ngâm tiêu bản sạch bóng. Mỗi lần ngồi ngắm kết quả công việc cô lại thấy vui...

        Tôi đã tóm gọn các chú về đây rối. Các chú đã làm cho tôi khá vất vả. Nếu không dầm mưa, đội nắng, lao vào giữa bùn lầy nhanh tay tranh chớp với các bác xã viên thì làm sao lôi được các chú vế. Đối với các bác ấy, các chú chỉ là số cân, lạng trong quang thúng của những người thu mua, các chú đã chui vào nồi và không có còn có mặt trên thế gian này. Về với tôi, các chú sẽ trở thành vĩnh viễn. Các chú sẽ giúp ích cho công tác nghiên cứu khoa học, cho cuộc đời. Kể nếu cứ để các chú tung tăng trong đầm, trong cái thế giới riêng của các chú, các chú còn đẹp hơn nhiều so với nhốt các chú bất động trong những chiếc bình chật hẹp chứa đầy phoóc-môn này. Nhưng có cách nào để kéo dài sự có mặt của các chú trên thế gian hơn cách làm của tôi...? Các chú không còn là những bí mật của đầm nước lợ. Tôi đã chinh phục được các chú và đưa các chú ra trước ánh sáng khoa học. Tuy vậy, còn phải tốn công nhiều vì các chú. Các chú có phải chỉ là cư dân của vùng nước lợ này không, hay còn ở những đâu? Làm thế nào cho các chú sinh sôi phát triển được mau chóng? Làm thế nào đánh đuổi được những chú vốn là thú dữ của đầm lầy hàng ngày tàn phá cư dân ở đây?... Chính điều đó mới là mục đích của công việc tôi đang làm. Nhưng chuyện đó lại khiến tôi phát buồn vì con đường đi tới đích còn xa quá!...

        Kết quả điều tra của Hảo được tổ và trạm khen. Cô phấn khởi nhưng lại càng phân vân thêm vì đã khẳng định kết cấu của đầm nước lợ hiện tại không có lợi cho việc nuôi trống. Biết làm sao để điều chỉnh được nó? Công việc này cần đến một công trình nghiên cứu lâu dài của nhiều người và phải có vốn đấu tư... Hiện nay, họ chỉ có hai bàn tay trắng. Giờ đây mới thấy thấm thìa hai chữ nghèo nàn và lạc hậu. Nhưng ai sẽ giải quyết những vấn đề lớn lao này? Tất nhiên là cả xã hội. Nhưng xã hội là ai nếu không phải là chính mình và mọi người? Nếu mình và mọi người cùng chờ đợi thì sẽ không bao giờ có gì cả!... Bác chiến sĩ thi đua ở đầm Hải Phòng nói công việc mình làm là việc của đời sau. Nhưng muốn cho đời sau làm tốt phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Và những người đi bước đầu như mình không thể tránh khỏi sự hy sinh. Trong số những sách mình đã đọc, có những vấn đề người ta đã làm cách đây gần một thế kỷ, nhưng ngày nay và mai sau vẫn cần có những người làm tiếp. Nghĩ đến con đường nghiên cứu khoa học rộng mênh mông và dài vô cùng tận, lắm lúc phát nản vì thời gian bỏ phí và vốn liếng nhỏ bé của mình... Giá bây giờ được làm một công việc gì có ích ngay cho đời sống mà lại vẫn kết hợp được với nghiên cứu cơ bản lâu dài?... Sẽ không thể làm khác nếu người ta muốn đi xa. Nhưng đó là công việc gì...?

        Ngày hôm nay, Hảo vừa đọc một tài liệu về tác phong và phương pháp nghiên cứu của những người làm công tác khoa học. Tác giả viết: "Trước khi bắt tay vào thí nghiệm, người ta phải dự đoán được kết quả". Điều đó làm cô giật mình. Vậy thì thí nghiệm chính là để kiểm tra những điều người ta đã dự đoán về kết quả. Muốn dự đoán được kết quả phải có suy nghĩ sâu sắc về công việc mình đang làm. Làm sao có được những dự đoán đúng đắn nếu không có tri thức khoa học? Mình vẫn tiếp tục đọc sách, đọc tài liệu và học thêm ngoại ngữ, nhưng kết quả không đạt bao nhiêu! Đầu óc mình còn nhiều lúc phân tán, mình biết mà chẳng tránh được...

        Gần đây, cơ quan bàn chuyện cử người đi học tiếp. Một số cán bộ trẻ, trong đó có Hảo, được nhắc đến tên. Nhiều cô, cậu đang suy tính cân nhắc. Người thích đi cũng nhiều. Đi vài năm, có thêm một số hiểu biết để về làm việc lâu dài là một điều rất chính đáng. Có người lại nghĩ thoát được mấy năm chiến tranh ác liệt, nếu chịu khó dè xẻn thì khi về còn có thêm chút "vốn liếng". Cũng có người không muốn đi, trong đó có mấy cô gái chưa chồng. Những cô gái tốt nghiệp đại học ra trường ai cũng có tâm lý sợ "già". Hảo cũng nghĩ nếu tổ chức đặt vấn đề đó với mình thì trả lời ra sao? Cô không muốn xa đất nước trong những năm chiến tranh này. Nhưng điều chính giữ cô lại là cô muốn phải đợi đến khi "tổ chức" xong, chuyện gia đình êm ấm rồi cô mới có thể yên tâm học hành.

        Chuyện đó rất gần nhưng cũng rất xa. Anh đã đi về phía nam. Đến ngày nào thì kẻ thù dành cho anh một ít thời giờ rảnh rỗi. Làm sao mà biết được với chúng nó?... Cô đã luôn luôn tự bảo đừng có lúc nào để lòng mình yếu đuối nhưng hình như không thể thế được.

        Gió lạnh lùa qua khe liếp. Tiếng sóng biển gầm ngoài xa. Biển đã đi vào đời sống của mình. Biển thử thách mình bằng những đợt sóng dồi. Biển mang tới cho mình những ước mơ. Biển đùa giỡn với mình những buổi chiều ngồi trên ghềnh đá. Biển ru mình trong giấc ngủ đêm đêm. Biển đã hòa vào với cuộc đời mình, tối nay biển cũng như mình trằn trọc...

        Nhưng tiếng mưa rơi tí tách đều đều trên những tàu lá chuối ở đầu hồi nhà vừa nổi lên giữa những đợt sóng gầm của biển. Đó là những lời tâm sự rì rầm, nho nhỏ của một người ngồi bên đang nói vào tai giữa lúc dàn nhạc hòa tấu đang rầm rộ biểu diễn trên sân khấu của rạp hát. Hảo chợt nhớ đến những câu thơ mà một anh cán bộ lớn tuổi trong cơ quan hay ngâm những đêm mưa:

        Tai nghiêng nghe giọt mái nhà
        Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn
        Nghe đi dìu dặt trong hồn
        Bước chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
        Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
        Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...
1

        Giờ này anh đang ở đâu tại Khu Tư? Trên đường anh đi đêm nay trời có mưa như thế này không? Em muốn nói thực lòng em lúc này, anh đừng có mắng em anh nhé, em đang cảm thấy rất buồn và rất cô đơn...

---------------
        1. Thơ của Huy Cận.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #301 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2020, 08:20:43 pm »


2

        Hảo đi ngang nhà Tuyến thì nghe thấy bác trưởng trạm gọi. Gần đầy, cô ít vào chơi chỗ Tuyến vì nhận thấy Tuyến khó chịu ra mặt đối với mình. Cô đoán là vì cơ quan đang lựa chọn một số người đi học nước ngoài. Tuyến và Hảo đều được nhắc tới. Hảo về cơ quan không lâu, đã được mọi người chú ý. Tuyến công tác bình thường nhưng lại là cán bộ kỳ cựu của trạm, cô giữ nhiều chân trong các tổ chức của cơ quan.

        Hảo bước vào nhà thấy bác trưởng trạm đang ngồi với Tuyến và Lý.

        - Chuyên gia tới rồi, khỏi phải tranh cãi. Cô nói cho chúng tôi nghe Mic 17 có ném bom được không? - Trưởng trạm hỏi.

        Hảo suýt bật cười. Cô chỉ lên đoàn bay có vài lần, và chưa khi nào ra tới sân bay, nhưng tại đây hễ có chuyện gì tranh cãi về máy bay ta là mọi người lại gọi cô đến làm trọng tài.

        - Em nghe các anh ấy nói Mic 17 là máy bay đánh chặn nhưng khi cần cũng có thể dùng để ném bom.

        - Cái buồng lái bé tí, nó mang bom vào đâu? - Lý cãi.

        - Nó lắp bom ở hai cánh.

        - Thấy chưa! - Bác trưởng trạm vui vẻ hẳn lên, nói tiếp - Khi về gần sân bay Kiến An, tôi đã ngồi nhìn rất kỹ. Bốn chiếc Mic 17 của ta bay về. Hai chiếc bay không. Còn hai chiếc kia mỗi chiếc đeo một quả bom rất to. Đúng là máy bay ta vừa ra biển định ném bom vào tàu chiến nhưng chưa đánh được lại mang về. Còn hai chiếc đi không chắc là máy bay hộ vệ.

        Lý chưng hửng. Bác trạm trưởng hài lòng vì sự quan sát và phán đoán của mình đã được “chuyên gia” xác nhận. Hảo biết bác lầm. Ngày Hảo lên sân bay, Đông đã chỉ cho Hảo biết đó chỉ là những chiếc thùng dầu phụ. Nhưng thấy bác đang vui nên Hảo chưa nói ngay vì sợ bác cụt hứng.

        - Bác đi Hà Nội họp về có chuyện gì lạ không ạ?

        - Có chứ!... Anh Quỳnh đi công tác hồi nào nhỉ?

        - Thưa bác hồi cuối tháng mười một. Em cũng đoán thế chứ không biết rõ ngày anh đi.

        Nghe nhắc tới Quỳnh, cô bỗng thấy hồi hộp.

        - Nay mai chắc nhiều tin phấn khởi... Tôi lên Viện được nghe các anh ấy phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị. Nghị quyết này bộ đội mới học kỹ còn cánh ta chỉ được nghe những điểm chính. Bộ Chính trị nhận định là đế quốc Mỹ đang tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Đây chính là cơ hội rất tốt cho ta. Bộ Chính trị đã quyết định động viên cả nước dốc sức giành thắng lợi lớn. Tôi nghe các ông ấy bàn ngoài lề hội nghị: phen này là xong đấy vì đánh Mỹ từng ấy năm kể cũng lâu rồi, bản thân Mỹ cũng không thể chịu đựng dược một cuộc chiến tranh kéo dài.

        - Giôn-xơn còn ngoan cố lắm. - Lý nói. - Mãi nó đã chịu ngừng ném bom để đi đến hội nghị đâu! Nó lại càng đánh ác hơn!

        - Trước khi ngừng nó còn đánh ác nữa... Chuyến này trạm ta phải cử người vào công tác Khu Tư đây... - Bác ngập ngừng rối lại tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở - Trên cũng nói: nếu có ngồi họp với nhau, chúng ta chỉ có thể giành được ở bàn hội nghị những gì chúng ta giành được trên chiến trường.

        Hảo hiểu thêm về những sự việc thay đổi đột ngột của anh trong những ngày cô ở Hà Nội. Anh đi làm một nhiệm vụ rất to lớn mà hôm đó mình chẳng biết gì. Suốt buổi sáng đi với anh trên dọc đê sông Hồng, mình lúc thì im lặng như thóc, lúc thì nói lung tung như một con điên. Anh không chê trách gì mình mà còn động viên mình lúc chia tay. Anh cười với mình vì lo mình khóc. Mình đã không dám nhìn anh khi anh bước lên xe vì sợ nước mắt ứa ra trước mặt mọi người. Giá mình biết trước công việc anh sắp làm thì bữa ấy mình sẽ có những lời lẽ khác, có một thái độ khác đối với anh...

        - Hòm thư lưu!

        Tiếng gọi của đồng chí trưởng ban hành chính làm cô giật mình. Hảo là người nhận được thư đều đặn và nhiều nhất cơ quan. Cô rảo bước vào phòng hành chính.

        - Đồng chí xin trạm biên chế thêm một người để nhận thư riêng.

        Thư của Hoàn:

        "Năm nay, em đi, Thắng cũng đi, mẹ ở nhà chỉ có một mình, để mẹ một mình ngày Tết, tội nghiệp chị ạ. Thể nào chị và em cũng phải về nhà. Chị viết thư rủ anh Quỳnh về luôn một thể để nhận mẹ và nhận các em... Em sắp có chuyện cần đến chị góp ý kiến đấy! Gặp chị em sẽ nói chuyện dài..."
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #302 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2020, 08:21:12 pm »


       
3

        Suốt buổi làm việc, hình ảnh mẹ chốc chốc lại hiện ra.

        Đêm đêm mẹ nằm trong căn nhà trống vắng không ngủ được nhớ tới mình, nhớ các em, nhớ dượng. Cái gì có thể đem lại cho mẹ sự an ủi trong những giờ khắc dài đằng đẵng đó... Lâu nay, mình đã không nhớ đến chuyện viết cho mẹ một lá thư.

        Cái đêm mình về tiễn dượng thì dượng đã đi. Mẹ nằm ôm lấy mình, lùa những ngón tay mềm mại tìm trứng chấy trên mái tóc rít của mình. Mẹ lo cho con gái quanh năm sống dưới thuyền “khôn ba năm dại một giờ”!...

        Ngày nào mẹ hớt hải chạy đi tìm mình hôm máy bay địch ném bom ở Cầu Hai. Lớp học đã tan từ lâu, mình mê mải theo các bạn đi hái sim không vế. Thấy mình lễ mễ nách cắp sách, tay bưng nón sim, mẹ ôm chầm lấy, kêu lên: "Con làm mẹ hết cả hồn!". Rồi mẹ lại buông mình, hớt hải chạy về vì em Thắng ở nhà đang khát sữa...

        Bao lần mình đã làm đau lòng mẹ vì thái độ hỗn hào, ương bướng của mình đối với dượng! Mình chẳng giống mẹ một chút nào? Ai cũng khen mẹ nhu mì, ngọt ngào. Trong nhà ít khi thấy mẹ to tiếng với chồng con và cả với dượng sau này. Khi cậu nói to thì mẹ im, chờ lúc cậu hết nóng, mẹ mới nói lại. Với dượng cũng vậy. Mẹ không được học hành như mình và Hoàn, nhưng mẹ rất hiểu biết. Mẹ lo công tác, lo việc gia đình, không để ai phải chê bai. Một năm, không nhớ bực dượng chuyện gì, một phần thích ở lại với các bạn để xem một cái Tết ở Hà Nội, mình đã không vế nhà. Sau đó, em Hoàn kể lại, suốt mấy ngày Tết mắt mẹ sưng lên, mẹ phải đeo kính râm và nói dối mọi người là đau mắt...

        Mẹ tha lỗi cho con, chắc mẹ vẫn nhớ con hằng ngày, hằng đêm, nhưng con đã có nhiều lúc quên nghĩ đến mẹ.

        Lúc này anh ấy đã đi xa, lòng con trống vắng quá chừng, con đang không biết tìm đâu nơi an ủi, lại là lúc con về với mẹ. Mẹ lúc nào cũng nghĩ tới con, cũng thương con như những ngày con còn thơ bé. Nếu mẹ biết tháng trước con ở Hà Nội mấy ngày mà không về thăm mẹ, chắc mẹ không giận con, nhưng mẹ sẽ rất buồn. Tình yêu đã làm cho con mụ mẫm đi...

        Chiều hôm đó, Hảo đề nghị đồng chí trường trạm cho mình Tết này được đi phép về thăm mẹ. Cô nhấn mạnh vào lý do nhà có hai người đi chiến đấu ở miền Nam, các con gái đều ở xa, ngày Tết mẹ chỉ có một mình ở nhà.

        Chưa lần nào đối với chuyện riêng tư, cô gái lại đặt vấn đề với cơ quan một cách kiên quyết như vậy. Cô sợ đồng chí trưởng trạm không đồng ý vì mới tháng trước cô cũng vừa đi phép.

        Đồng chí trưởng trạm nhìn Hảo, cân nhắc một chút rồi nói:

        - Với người khác thì không được, nhưng với cô, vì cô đã hoàn thành tốt kế hoạch công tác trước thời gian nên tôi đồng ý.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #303 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2020, 08:21:52 pm »

        
CHƯƠNG XXVII

1

        Trên đường về nhà, Hảo phân vân khi nghĩ đến điều Hoàn viết trong thư: "Em sắp có chuyện cần đến chị góp ý kiến" và "chị viết thư rủ anh Quỳnh về để nhận các em". Rõ ràng là cô em mới năm thứ nhất đại học đã bắt vào chuyện yêu đương. "Các em" là những ai trong khi Thắng đã đi bộ đội? Chắc là Tết này Hoàn đưa người yêu về giới thiệu với gia đình.

        Hảo nhớ đến chuyện yêu đương giữa Thùy và Đông ngày trước. Một tình yêu đến sớm với các cô sinh viên thường không lợi gì cho việc học tập. Nhất định mình phải khuyên nhủ Hoàn. Mình sẽ bảo nó lui chuyện đó lại đến lúc ra trường, hoặc ít nhất là vào năm thứ ba thứ tư. Niềm mong mỏi được gặp lại mẹ, được sống một cái Tết êm ấm trong gia đình, đã kèm thêm nỗi băn khoăn vì chuyện của cô em. Hoàn vốn giống tính mẹ kín đáo, nói năng nhẹ nhàng, nhưng khi đã có ý kiến rối thì không dễ thay đổi. Hoàn học rất khá về các môn tự nhiên. Khi thi đại học bạn bè đều khuyên nên ghi nguyện vọng vào Tổng hợp, Bách khoa, hoặc sư phạm để được học ở Hà Nội. Bách khoa, Tổng hợp là những trường đầu đàn, còn học sư phạm thì sau này khi ra trường có thể xin vẽ ở gần nhà. Nhưng Hoàn cứ quyết định thi vào Xây dựng, một trường đại học có điểm chuẩn thấp và ở mãi tận Hương Canh, Vĩnh Phú. Hảo khuyên em, Hoàn cũng không nghe và chỉ nói: "Em thích Xây dựng". Với vấn đề này càng không dễ...

        Tàu ngày Tết đông kinh người. Chiến tranh vẫn không làm cho mọi người quên cái Tết cổ truyền, ngày mà những người con cần tụ tập dưới mái gia đình. Bộ đội đi tàu cũng rất đông. Có những toa tàu dành riêng cho bộ đội. Đây là những người đi thẳng ra tiền tuyến. Có người được về nhà trong dịp Tết trước khi đi xa. Hảo phải ngồi trên một toa đen chở hàng không có mái. Suốt đêm, cô không chợp mắt.

        Thành phố Nam Định như già yếu đi vì chiến tranh. Dân phố đã sơ tán nhiều. Những ngôi nhà mái ngói bọc rêu, cửa đóng im ỉm. Những cánh cửa lùa cũ kỹ. Những bức tường lâu ngày chưa dược quét vôi lại. Hai bên hè phố, gạch lát vỡ thêm nhiều, lại có thêm những hố tránh bom làm mất cả lối đi. Thương Nam Định quá! Thành phố dệt êm đềm này là đối tượng của bom đạn địch suốt mấy năm qua. Đã không kiến thiết được gì thêm, lại bị tàn phá. Hảo đi qua thành phố lúc nào không hay. Mỗi lần trở về Nam Định, cô lại thấy thành phố quê hương của mình như bé nhỏ đi.

        Hoàn đang ngồi rửa lá gói bánh chưng ngửng đầu thấy chị, mắt sáng lên.

        - Em đang lo chị không về.

        - Mợ đâu?

        - Mợ còn phải đi làm sáng hôm nay. Cụ lúc nào cũng bận.

        Hảo nhìn quanh thấy nhà trống vắng, mọi vật chẳng khác gì lần trước cô về. Cô mừng khi nghe em nói mẹ bận bịu nhiều. Có công việc mẹ sẽ khuây khỏa di...

        - Chị về có một mình thôi à?

        - Còn mấy mình nữa!

        - Anh Quỳnh đâu?

        - Anh ấy đi mặt trận hơn một tháng nay rồi!

        - Anh Quỳnh cũng đi?

        - Chuyến này, ai mà không đi!

        Mặt Hoàn đang tươi tỉnh bỗng trở thành trầm ngâm.

        - Nhà gói bánh chưng à?

        - Mợ định đem đi luộc nhờ. Nhưng em bảo cụ luộc ở nhà. Ngôi canh nồi bánh chưng cho vui để đón giao thừa nghe Bác Hồ chúc Tết.

        Hảo bầy mấy gói mứt, kẹo lên bàn thờ.

        - Nhà chưa có cành đào à?

        - Trưa nay, ở nhà máy về mợ sẽ mua.

        Hảo đưa cho em mấy gói tôm, mực mua của cửa hàng hợp tác trước khi về và gói bóng, hàng của cơ quan phân phối cho cán bộ. Việc nhà, Hoàn thạo hơn Hảo nhiều. Những năm trước, mỗi dịp Tết về gia đình, mọi việc chuẩn bị, nấu nướng vẫn do mẹ và cô em gái chỉ huy.

        - Mợ có khỏe không?

        - Mợ gầy...

        Hai chị em nhìn nhau. Cả hai đều cảm thấy như mình có lỗi.

        - Biết vậy, ngày đó em nghe chúng nó thi quách vào Sư phạm. Mấy chị em đi hết, chẳng còn ai ở nhà với mẹ. - Cô em gái nói.

        Nó nghĩ đến mẹ nhiều hơn mình... Nhìn cô em hết chạy xuống bếp, lại lên nhà, hai tay thoăn thoắt, Hảo thấy rõ Hoàn lớn hẳn lên. Nó đã có bóng dáng một người chủ gia đình. Nó giống như mẹ, một cô gái thành Nam tán tảo, ngọt ngào. Nếu nó lấy chồng trước mình thì cũng không phải là chuyện lạ...

        - Nơi em học ngày nào cũng nhìn thấy máy bay của anh Quỳnh... - Hoàn nói.

        - Em làm như chỉ có một mình anh Quỳnh lái máy bay?

        - Sao chị cứ ngăn không cho em lại chỗ anh Quỳnh!

        - Vì anh ấy bảo chị đừng đến sân bay... Anh ấy đi vắng luôn. Vừa rồi địch lại hay đánh sân bay.

        - Đúng đấy chị ạ. - Hoàn xác nhận - Em mà như chị, nếu nó đánh sân bay, anh ấy có cấm, em cũng cứ đến...

        Nếu mình chỉ ở cách anh ấy một đoạn đường như nó, chắc chắn mình sẽ làm như vậy.

        - Em cứ đinh ninh lần này chị về thể nào anh Quỳnh cũng về, ai ngờ chuyến này cả anh Quỳnh cũng đi...

        Anh đang ở nơi nào, anh có thấy máy mắt không...? Nếu bây giờ có một phép lạ, anh bỗng về đây, tối nay em sẽ bắt cả nhà đi ngủ hết, ở nhà này em có quyền to như vậy, chỉ mình anh cùng với em ngồi canh nồi bánh chưng đợi giao thừa... Chỉ một ý nghĩ đó đã khiến cho lòng em rộn ràng, ánh sáng tràn vào nhà, hoa đào nở tung, em thấy cả một mùa xuân...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #304 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2020, 06:02:28 am »


       
2

        Hảo không hiểu là mẹ mình yếu hay khỏe. Đúng như lời Hoàn nói, mẹ gầy đi, tóc có bạc thêm chút ít, nhưng người mẹ như rắn chắc lại và mẹ nhanh nhẹn, hoạt động hơn trước rất nhiều. Khách đến làm việc với mẹ tới tấp: công đoàn nhà máy, hội liên hiệp phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ, các bác dân phòng người nào cũng vội vã; họ bàn bạc những công việc tưởng chừng như thiếu mẹ là không xong, về nhà, thấy cô con gái lớn, mẹ nắm lấy hai tay, nhìn Hảo suốt từ đầu đến chân một lúc, rồi nói: "Tết này, mợ rất mong con về!". Nhưng sau đó, mẹ quay ra tiếp khách, và chạy ngược chạy xuôi chẳng biết đến những đâu, trao hết việc nhà cho Hoàn và Hảo.

        Hoàn đã trình bày câu chuyện riêng của mình với chị. Thì ra không phải cô em gái muốn đi lấy chồng... Hoàn có một cậu bạn trai từ hồi bắt đầu học cấp ba. Cậu này quê ở nông thôn. Năm vừa rồi, Tuấn - tên cậu ta - thi vào Đại học Quân sự không được. Theo Hoàn nói, Tuấn học khá nhưng thi không đỗ vì trường Đại học Quản sự lấy điểm cao. Đợt này Tuấn được gọi đi bộ đội. Trúng tuyển xong, Tuấn lên Vĩnh Yên tìm Hoàn, và nói là yêu Hoàn. Đáng lẽ cậu ta chưa định nói chuyện này nhưng biết mình sắp đi xa, có thể lâu ngày mới gặp lại, nên đem tâm sự giãi bày. Cậu ta muốn Tết này sẽ đến thăm nhà và chào gia đình Hoàn trước khi đi...

        Thoạt nghe, Hảo tưởng chuyện không có gì. Ngày Hảo còn ở tuổi Hoàn cũng đã có những trường hợp như vậy. Một đôi cậu học sinh tới bày tỏ tình cảm với cô khi hết năm học cuối cùng. Hảo lựa lời từ chối, rỗi mọi chuyện cũng qua.

        - Vậy em định thế nào?

        - Em chưa biết quyết định ra sao... Em hỏi ý kiến của chị.

        - Chị hỏi thật... Em đã yêu cậu ấy chưa?

        Hoàn ngập ngừng rồi nói:

        - Trước kia em chỉ coi Tuấn là bạn, em có cảm tình với cậu ấy, nhưng em chưa bao giờ nghĩ Tuấn sẽ đặt vấn đề với mình. Nhưng từ lúc Tuấn lên gặp em lấn ấy, thái độ của Tuấn rất chân thành, em mới biết Tuấn chú ý đến em từ lâu, và em thấy thương Tuấn.

        - Em nên suy nghĩ kỹ... Tình yêu không thể chỉ là tình thương?

        - Em cũng biết như vậy. Bây giờ Tuấn sắp đi xa...

        - Em vẫn có thể giữ tình bạn với Tuấn. Chớ nên lầm lẫn tình yêu với tình thương.

        Hoàn ngồi im. Hảo tưởng như vậy là giải quyết xong. Nhưng rối Hoàn lại nói:

        - Em vẫn phân vân chị ạ...

        Hảo nhận thấy Hoàn có vẻ trầm lặng, suy nghĩ, khác với thói quen ít nói nhưng vô lo mọi khi. Cô biết vấn đề phức tạp hơn. Nhưng Hảo vẫn chỉ đánh giá đây là ý nghĩ bổng bột của người mới lớn, cô sẽ lựa lời khuyên Hoàn quên đi để tập trung vào việc học tập, chỉ cần nói ít lời khuyến khích cho bạn vui trước khi lên đường.

        Buổi chiều, Hảo đang vợi nước đổ thêm vào nổi bánh chưng thì mẹ về. Bà giục Hoàn ra chợ mua thêm rau.

        Hoàn đi rồi, mẹ ngồi ghé vào bên Hảo, hỏi ngay:

        - Em Hoàn đã nói chuyện gì với con chưa?

        - Rồi ạ.

        - Con góp ý kiến với em thế nào?

        - Con chưa nói gì nhiều, nhưng con định bảo nó chỉ nên giữ tình bạn, nó mới vào đại học năm đầu chưa nên nghĩ tới chuyện đó.

        Bà ngồi im một lát rồi nói:

        - Mợ thấy khó lắm đấy!

        Hảo nhìn vẻ lo lắng của mẹ, hỏi lại:

        - Nhưng em Hoàn nói trước khi Tuấn lên Vĩnh Yên thì nó có nghĩ gì đến cậu ta đâu?

        - Đúng là như thế... Nhưng sau khi thằng Tuấn đặt vấn đề thì nó lại suy nghĩ nhiều, thoạt đầu thì nó thương, nhưng bây giờ mợ cho rằng nó đã yêu.

        Hảo biết mẹ không mấy khi lầm trong chuyện này.

        - Mợ đã gặp Tuấn bao giờ chưa?

        - Hổi chúng nó còn cùng học cấp ba, nó đến mãi nhà này. Thằng bé xinh xắn, ngoan... Mợ đã nghĩ hai đứa có thể sẽ yêu nhau. Nếu bình thường, thì không có chuyện gì! Nó yêu nhau, sau này cho nó xây dựng với nhau. Nhưng bây giờ thằng Tuấn lại đi xa.. Điều mợ suy nghĩ nhiều, là hai đứa cùng một tuổi! Nhìn nét mặt hai đứa, chỉ ít năm nữa là con Hoàn sẽ già hơn nó. Em con, mẹ biết tính nó... Nó đã hứa hẹn với ai thì bao năm nó cũng chờ. Lỡ thằng Tuấn di một mạch mười năm như bố con thì sao? Em con chờ, nhưng khi nó trở về, hình thức chênh lệch, nó lại thay đổi ý kiến... "Trai ba mươi tuổi đang xoan...". Nó chẳng sao nhưng còn con mình...

        Cô bỗng thấy mẹ già hẳn đi... Mẹ đã vắt kiệt cuộc đời cho các con. Những ngày qua; nỗi cô đơn vì chiến tranh đã nhiều lúc day dứt cô. Cô định về tìm nơi ẩn náu dưới mái nhà êm ấm, trong tình yêu thương của mẹ, của em. Nhưng ở đây cũng không yên. Lấn sau mình về, chắc mẹ còn gầy hơn, tóc mẹ sẽ bạc nhiều hơn vì có thêm chuyện này...

        Tối ba mươi, hai chị em ngồi bên nồi bánh chưng. Hoàn ngập ngừng nói với chị:

        - Em quyết định rồi chị ạ... Em sẽ bảo Tuấn cứ yên tâm đi chiến đấu, em nhất định chờ. Em còn phải học những bốn năm, Tuấn ở nhà hay đi thì cũng vậy, chúng em vẫn phải chờ nhau... Em sẽ chờ...

        Hảo buột miệng:

        - Lỡ hơn bốn năm thì sao?

        Hoàn ngơ ngác nhìn chị:

        - Đã chờ thì hơn bốn năm em vẫn chờ... Chị bảo sao?

        Hảo im lặng, trách mình đáng lẽ không nên nói với em một điều như vậy, và cô lại nghĩ đến mẹ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #305 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2020, 06:03:00 am »


       
3

        Sáng mồng hai, Hảo đang ngồi một mình thì một anh bộ đội trẻ măng bước vào.

        Anh chiến sĩ mặc bộ quần áo màu lá cây xanh bóng, đeo một chiếc ba-lô chậc căng, bộ mặt tươi đỏ, nhanh nhảu chào Hảo :

        - Chị ạ... Chắc chị chưa biết em?

        Hảo đoán chính là cậu ta.

        - Chú Tuấn phải không?

        - Vâng ạ. Em đã được coi ảnh của chị nhiều lần... Anh Quỳnh có về không ạ?

        - Anh Quỳnh không về được.

        - Em cũng nghĩ thế, mặc dù Hoàn nói với em nhất định Tết này anh Quỳnh về. Em quên chưa chúc Tết chị...

        Hảo mỉm cười. Tuấn lúng túng một lát rồi nói:

        - Em chúc anh chị sang năm mới mạnh khỏe, chị công tác tốt và anh Quỳnh thì... bắn rơi thêm nhiều máy bay Mỹ.

        - Tôi chúc chú lên đường bình an.

        - Chi ạ... - Tuấn ngập ngừng - Các anh ấy nói kiêng chúc người đi chiến đấu bình an.

        Hảo nhìn Tuấn, không hiểu vì sao lại có sự kiêng cữ này. Tuấn nói tiếp:

        - Chị chúc như vậy thì cấp trên đưa em về coi kho!

        - Vậy thì chúc chú sớm lập nhiêu chiến công vậy.

        Chú bộ đội trẻ đã làm cho ngày đầu xuân vui hẳn lên. Tuấn ngó quanh:

        - Bác và Hoàn đi đâu ạ?

        - Mợ tôi đi chúc Tết. Hoàn sang hàng xóm, hẹn sẽ về ngay.

        Hảo rót nước và mở một hộp mứt mời khách. Cô chưa biết nên nói chuyện với Tuấn ra sao. Từ sau khi trao đổi với mẹ đến giờ, Hảo cũng có những ý nghĩ như mẹ về chuyện giữa Tuấn và Hoàn.

        - Chú đi bộ đội được bao lâu rồi?

        - Thưa chị, đúng năm tuần.

        - Bao giờ phải trở về đơn vị?

        - Chiều hôm nay ạ.., không phải là về đơn vị, em lên Thường Tín nhập trạm, rồi đi thẳng vào chiến trường.

        - Tôi tưởng phải học tập một thời gian rồi mới đi?

        - Trên nói... không kịp. Chúng em vừa đi đường vừa học cũng còn phải hàng tháng mới tới nơi. Bọn chúng em vào bộ đội chỉ muốn đi thẳng luôn. Chờ đợi sốt ruột lắm chị ạ...

        - Chú đi xa mà gia đình không có ai đưa tiễn à?

        Tuấn cười:

        - Em phải nói dối là đơn vị em đang tập hành quân, được phép tạt vội về nhà mấy buổi... Em ngại nhất là cảnh tiễn đưa. Nếu biết em sẽ đi xa, thế nào mẹ em cũng khóc. Em chỉ sợ mẹ khóc thôi, còn trên đời này em không sợ cái gì?

        - Có sợ bạn gái khóc không? - Hảo vừa hỏi vừa chăm chăm nhìn Tuấn.

        - Em nghĩ là... khi chúng em lên đường đi chiến đấu, trừ các bà mẹ, sẽ không có ai khóc.

        - Chú cũng phải báo cho gia đình biết là chú đi xa chứ?

        - Dọc đường em sẽ viết thư về. Em không muốn để mẹ buồn trong những ngày đầu năm.

        Hảo ngập ngừng rồi nói:

        - Em Hoàn đã nói chuyện với tôi... Tôi chỉ muốn hỏi chú, chú đã cân nhắc kỹ lưỡng về chuyện giữa chú với Hoàn chưa?.

        - Em đã có hơn một năm để cần nhắc từ lúc em xin thi vào trường Đại học Quân sự. Hoàn đã bảo em phải chờ chị về để hỏi ý kiến...

        - Ý kiến của chị à... - Hảo nhìn ra ngoài thấy Hoàn đang vội vã đi vào, cô nói tiếp - vấn đề này hai em tự quyết định với nhau.

        Hảo lấy xe đi chúc Tết bên quê nội, để cô em ở nhà nói chuyện với anh bộ đội trẻ.

        Trời mưa lâm thâm. Những hạt mưa phùn vào xuân đã ấm hẳn lại. Cô đạp xe thong thả trên đường và chợt nhận ra chỉ riêng cô đi chơi xuân một mình... Từ đêm qua đến giờ mình đã suy nghĩ, tính toán đủ mọi điều ngược xuôi cho cô em. Mình đã coi thường tất cả những ai có lối tính toán như vậy đối với tình yêu. Nhưng mình đã làm không khác gì họ đối với chính em mình... Nếu ngày hôm nay có anh đi bên em thì không ngày xuân nào đẹp bằng. Nhưng hôm nay, em chỉ có một mình, em vừa đi vừa tưởng như có anh ở bên, trong nỗi cô đơn mà em đang phải chịu đựng này em cũng thấy có một cái gì rất đẹp...

        Cô chợt nhận thấy mọi người đang tụ tập trước loa truyền thanh ở ngã tư. Hảo vội đạp xe tới và dừng lại. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin đêm qua quân ta đã tiến công ở hầu khắp các thành phố, thị xã, thị trấn ở miền Nam. Bộ đội ta đã tiến vào Huế và thành phố Sài Gòn...

        Cô như không còn tin ở đôi tai của mình.

        Suốt ngày Đài tiếng nói Việt Nam liên tiếp nhắc lại và đưa thêm những tin mới vế cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt tại miền Nam. Trên những mái nhà cũ kỹ rêu phong, những bức tường gạch đổ nát vì bom đạn, vừa xuất hiện những đóa hoa muôn màu nhảy múa dưới mưa xuân đầm ấm.

        Buổi tối hôm đó, Hảo cùng Hoàn tiễn Tuấn ra ga. Cô nhìn thấy những đoàn tàu đi vào chở đầy bộ đội.

        Mùa xuân này mọi người đều xuôi về phía nam. Cả Tuấn cũng đi về phía đó.

        Lúc hai chị em quay về nhà. Hảo có cảm giác như thành phố trống vắng hẳn. Tất cả thanh niên đều ra mặt trận. Ở thành phố nhỏ này chỉ còn có hai chị em cô.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #306 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2020, 06:03:38 am »


       
4

        Hảo về tới cơ quan. Tin chiến thắng lan tràn tại đây. Hệ thống loa phát thanh mở suốt ngày. Quân ta đánh vào tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Cờ của Mặt trận Giải phóng tung bay trên cột cờ tại cố đô Huế. Hàng chục vạn quân đội Sài Gòn tan rã. Có những anh cán bộ mở đài bán dẫn nghe suốt đêm. Mấy bác quê ở miến Nam quây quần quanh ấm trà bàn chuyện trở về quê hương.

        Mấy ngày qua, Hảo đã động viên mẹ: "Tình hình này, Tuấn có đi bộ đội cũng chỉ vài năm rồi về, trong khi đó ở nhà Hoàn vẫn đi học, đây mới chỉ là hai bên hẹn ước với nhau chứ có phải cưới xin gì đâu!". Mồng ba Tết, lại có thư của dượng từ chiến trường gửi ra. Dượng cũng nói: "ngày sum họp của gia đình chắc không còn lâu nữa!". Khi hai chị em ra đi, mẹ đã vui một phần. Nhưng mẹ vẫn nói: "Chưa biết thế nào!". Mẹ hy vọng nhưng chưa hoàn toàn tin cuộc chiến tranh này ngày một ngày hai sẽ kết thúc. Hảo biết đây là tâm lý của một người phụ nữ đã sống nhiều năm chịu đựng sự chờ đợi. Thà giảm bớt đi một phần vui hy vọng còn hơn hy vọng quá nhiều rồi lỡ chẳng may lại thất vọng. Phải cổ dè sẻn niềm vui và làm quen với nỗi buồn. Những chuyện không may lớn nhất vẫn có thể xảy ra vào trước giờ phút kết thúc chiến tranh. Và cô đã chẳng góp phần làm cho mẹ mừng vui một cách quá đáng.

        Hảo đang lau chùi lại đồ đạc ẩm mốc sau những ngày cô vắng nhà thì Lý bước vào.

        - Quà tôi đâu? Bà giới thiệu với tôi mãi kẹo sìu và bánh đậu xanh Nam Định, chuyến này về nhà ăn Tết ắt hẳn phải có!

        - Thành phố sơ tán hết, tìm đâu ra! Có đói thì mình bóc bánh chưng cho mà ăn. Trước khi đi, mẹ mình nhất định bắt phải mang theo mấy chiếc.

        - Người đẹp cho ăn gì mà chẳng thấy ngon!

        - Năm mới chẳng cần phải tán mới được ăn đâu.

        Hảo bóc bánh chưng mời Lý.

        Lý ăn một miếng khen chiếu lệ rồi buông đũa. Dường như cậu ta muốn gặp Hảo để nói chuyện gì. Quả nhiên, chỉ ít phút sau Lý bắt đầu dốc bầu tâm sự:

        - Bà xem, cả trạm này có việc gì là không đến cái thân tôi. Cần đi công tác Cẩm Phả, Móng Cái, là tôi. Đi tìm địa điểm ở những nơi khó khăn Cái Bầu, Cái Tráp, cũng tôi. Lao động, tự vệ, cũng tôi... Thấy mình dễ bảo nên cái gì thủ trưởng cũng gọi tên mình.

        - Mỗi người mỗi việc... ông nhận việc này thì người khác nhận việc khác chứ có ai được chơi!

        - Nhưng bà đã biết chuyện Viện giao nhiệm vụ cho trạm mình cử một đoàn đi điều tra ở Khu Tư chưa?

        - Điều tra gì?

        - Điều tra rau câu.

        - Bao giờ đi?

        - Viện nói nên đi sớm. Johnson đang dồn bom đạn xuống Khu Tư. Nghe nói lại có tôi đấy!

        Mắt Hào bỗng sáng lên:

        - Đi Khu Tư hay chứ! Mình chưa bao giờ được đặt chân lên tuyến đường phía nam. Tết vừa rồi người đi vào như nước, trông mà thèm!

        Lý bĩu môi:

        - Bà nói như vậy vì bà biết chắc là mình không đi! Trong lúc chúng tôi đi Khu Tư thì bà cũng đi... nhưng bà đi Tây...

        - Ai bảo ông như vậy?

        - Còn phải ai bảo, nữ ở trạm thì lần này chọn ai đi học nước ngoài?

        - Tổ chức chưa nói với mình chuyện ấy... Nhưng lỡ mình chưa muốn đi học thì sao?

        Lý liếc mắt nhìn Hảo với vẻ không tin:

        - Trong thời buổi này, tôi chưa thấy ai từ chối đi học nước ngoài bao giờ? Cũng có mấy anh, mấy chị khi chưa được đi còn ỏe họe nhưng khi đã gọi đến tên là có nhường ai đâu!

        - Mình không ỏe họe, mình chưa muốn đi cũng có lý do riêng của mình...

        - Như vậy thì mời bà đi điều tra... Chỉ cần bà xin đi điều tra là bà Tuyến sẽ tôn bà làm chị.

        - Mình không cần ai tôn mình làm chị.

        - Nếu bà đi, tôi xin theo bà ngay. Không ai cãi là bà đã có kinh nghiệm về công tác điều tra.

        - Tôi chẳng cần ông cho tôi đi tàu bay giấy, ngã đau lắm... - Hảo vừa nói vừa mỉm cười.

        - Vì đã có người cho bà đi tàu bay thật.

        Khi Lý đi rồi Hảo ngồi nhớ lại nhưng ngày đi điều tra. Mình chỉ mới biết một vùng bờ biển nhỏ hẹp của đất nước. Đất nước mình có hơn hai ngàn ki-lô-mét bờ biển... Nếu cần, em sẽ ở mãi với vùng nước lợ. Cả cuộc đời làm công tác khoa học của em nếu dành cho nó không phải là nhiều. Nhưng bây giờ em muốn đi tiếp. Em sẽ theo anh tới miền đất mà anh đang đi. Khó khăn, bom đạn chẳng làm em ngần ngại. Cứ nghĩ tới nơi đó đang có anh thì không gì làm em sợ hãi. Em muốn nhìn thấy cặp mắt anh vui mừng và kinh ngạc khi thấy em cũng có mặt ở vùng đất lửa. Em muốn được gặp anh tại đó trong ngày thanh bình đầu tiên của đất nước. Em cũng sẽ đi nếu không có anh, vì lần đầu đi điều tra, em chưa có anh. Nhưng bây giờ ở đó đã có anh, chắc biển sẽ đẹp hơn nhiều. Lần này, anh chẳng thể cấm em tới tìm anh. Ở giữa chiến trường, bom đạn làm cho mọi người đều trở nên bình đẳng. Em không muốn làm cô gái ngày xưa náu mình trong phòng khuê ra cửa đón người yêu trong giờ khải hoàn, chinh phu ngồi trên mình ngựa trở về...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #307 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2020, 06:04:24 am »


CHƯƠNG XXVIII

1

        Quỳnh và Hùng trở về Nội Bài sau khi bộ đội ta đã rút khỏi thành phố Huế. Tú và Đông sẽ về sau vì còn đi thăm một số sân bay đang được sửa gấp trên dọc đường.

        Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1968 khởi đầu vô cùng hào hùng và quyết liệt. Có những ngày họ tưởng như cả miền Nam sắp giải phóng.

        Tình hình tại chỗ chưa cho phép các chiến sĩ không quân triển khai cuộc chiến đấu với bọn B.52. Họ thấy có thể tổ chức một sở chỉ huy cho không quân nếu dựa vào một đơn vị ra-đa (chứ không phải là một đơn vị tên lửa như dự kiến lúc đầu). Nhưng vẫn còn khó khăn lớn là ra-đa ta chưa nắm được địch. Địch đã biết ta có một số đơn vị tên lửa tại Vĩnh Linh, nên rất chú ý đề phòng. Trên màn huỳnh quang, máy bay B.52 được che phủ bằng một màn nhiễu ngày càng dày đặc. Các chiến sĩ ra-đa cần phải có thêm thời gian. Và những sân bay của ta từ Vinh trở vào cũng chưa hoàn toàn sửa xong. Cuối cùng, Quân chủng đã biến bộ phận Tú thành một sở chỉ huy bổ trợ để điều khiển những máy bay vận tải ban đêm tới thả dù tiếp tế đạn dược và lương thực cho bộ đội ta đang chiến đấu trong thành phố Huế. Những người lái được lệnh nghiên cứu kỹ quy luật của các loại máy bay địch hoạt động tại hành lang, chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu mới trong thời gian tới.

        Đêm đêm, Quỳnh và Hùng ngồi tại sở chỉ huy theo dõi đường bay của các máy bay địch trên bảng tiêu đồ. Họ chỉ thích thú được ít buổi đầu rồi sau đó đâm chán. Riêng Đông có vẻ say sưa hơn. Anh đã bắt chước trung đoàn trưởng Luân, làm một tập sơ đồ ghi lại tỉ mỉ những đường bay của máy bay địch. Riêng hoạt động B.52 thì những tình báo không rõ ràng. Nhưng Đông vẫn có một tập ghi lại những đường bay của B.52 do anh phán đoán. Anh rất sính công việc này làm cho Tú nảy ra ý nghĩ có thể đưa Đông lên làm công tác tham mưu ở trung đoàn.

        Đông còn để ra một sáng kiến được Tú chấp thuận, là đưa tổ lái lên một mỏm núi để theo dõi bằng mắt những hoạt động của máy bay địch. Đối với Quỳnh và Hùng thì đây chỉ là những cuộc đi bộ và leo núi cho đỡ chốn chân vì nằm ngồi gò bó mãi trong hầm. Họ thích quang cảnh bên bờ nam sông Bến Hải hơn là những chiếc máy bay địch tới ném bom, trừ những lúc chúng phải đối phó với tên lửa và súng cao xạ của ta. Nhưng Đông thì lần nào cũng say sưa quan sát, ghi chép. Quỳnh ngồi nhìn Đông vẽ những đường lượn rắc rối và hình thù những chiếc máy bay địch với ý nghĩ: không hiểu hắn mất công vào những trò này làm gì!

        Nhân sáng kiến của Đông, Quỳnh đã đề nghị cho anh và Hùng đi sâu sang bên kia sông Bến Hải để quan sát máy bay địch hoạt động. Anh rất thèm được đặt chân lên miền đất quê hương. Thực ra, bên kia sông Bến Hải vẫn là đất Quảng Trị. Từ đó tới Quảng Nam quê hương anh còn khá xa. Và phần lớn đất đai bờ bên kia Bến Hải đã nằm trong vùng kiểm soát của ta. Nhưng cái ranh giới chia cắt tạm thời hai miền đã tạo nên một miền Nam và một miền Bắc khiến cho anh có cảm giác bờ bên này là đất Tổ còn bờ bên kia mới chính là quê hương mình. Những ngày Tết Mậu Thân, tiếng súng sục sôi bên kia bờ Bến Hải, tin thắng lợi liên tiếp bay về làm cho lòng Quỳnh nhiếu lúc như sôi lên. Anh nhìn những đoàn bộ đội, dân công, những đoàn xe vận tải, xe đạp thổ nườm nượp đi về phía bên kia, cảm thấy như mình là một người đứng ngoài cuộc, một người bị bỏ rơi. Có lúc anh đã nảy ra ý nghĩ hay là mình cứ liều đi theo họ. Anh cảm thấy cái giây phút sung sướng tuyệt vời khi được đặt chân trên dải cát mịn màng pha cả nước ngọt của Trường Sơn và nước mặn của Biển Đông, đó là huyện Thăng Bình, quê hương anh... Nhưng đề nghị này không được Tú chấp thuận. Việc đưa người qua bên kia Bến Hải vượt khỏi thẩm quyến của Tú.

        Bộ đội từ ngoài đi vào nghe giọng nói của Quỳnh và Đông lại lầm tưởng hai người ở trong mới ra. Họ mang cả bánh chưng ngày tết, thuốc lá và lương khô tặng các anh. Sự hiểu lầm này càng khiến cho Quỳnh ngao ngán.

        Khi trận đánh tại thành phố Huế đã kết thúc, không còn cần tới những chuyến bay tiếp tế ban đêm nguy hiểm, Quỳnh thấy mình không còn việc gì để làm. Và anh cảm thấy đây chưa phải là trận đánh cuối cùng để kết thúc chiến tranh.

        Cũng lúc đó có lệnh của Quân chủng cho họ quay trở ra.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #308 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2020, 09:58:04 pm »


       
2

        Quỳnh về được vài ngày thì Luân từ trên Quân chủng xuống. Anh đã trở thành tham mưu trưởng Quân chủng. Luân xuống đơn vị nắm tình hình và duy trì chế độ bay. Từ ngày lên Quân chủng, hễ rảnh rỗi một đôi ngày, anh lại phóng xe xuống trung đoàn để bay. Phạm vi công tác của anh ngày nay rộng hơn trước. Nhưng anh đã nói thẳng với nhiều người nếu cấp trên cho anh được lựa chọn, anh sẽ xin trở lại trung đoàn bay cho tới hết chiến tranh.

        Luân xuống ngay đại đội bay gặp Quỳnh.

        - Thế nào, nhà thơ, vào Vĩnh Linh dự giao thừa Tổng tiến công, thích chứ? Bọn mình ở nhà ghen với các cậu. Đáng lẽ chuyến đi vừa rồi là của mình.

        - Báo cáo anh vừa thích vừa buồn!

        - Chuyện gì mà lạ vậy! Nhớ người yêu?

        - Nhớ người yêu thì chỉ nhớ chứ không buồn...

        - Tại sao buồn?

        - Tất cả mọi người đều có công việc, bộ đội và dân đều vào Nam tham gia tiến công đồng loạt, riêng tôi và Hùng thì đêm ngồi tham quan ở sở chỉ huy, ngày lại leo lên núi tiếp tục ngồi tham quan.

        - Cậu hiểu sai nhiệm vụ rồi! Quân chủng cho các cậu đi nắm thực tế ở chiến trường để nay mai đánh địch chứ không phải đi xem hội!

        Luân tiếp tục giải thích một hồi về sự cần thiết phải nắm quy luật hoạt động của địch vì một ngày gần đây đơn vị Quỳnh sẽ chuyển vào đánh địch ở hành lang. Rồi Luân hỏi dồn Quỳnh về những quy luật hoạt động của máy bay địch. Nghe Quỳnh trả lời xong, Luân nói:

        - Chỉ đáng điểm 2. Cậu thu hoạch rất xoàng!

        - Anh Tú sẽ báo cáo với anh rõ hơn... Anh cũng nên hỏi cậu Đông. Cậu ấy đã có cả một tập dầy những sơ đồ bay của các loại máy bay địch.

        - Đông làm như vậy à?

        - Vâng.

        - Đáng lẽ tất cả các cậu đều phải làm như vậy. Khi Đông về, bảo cậu ấy mang tất cả tài liệu lên Quân chủng gặp mình ngay... Tại sao cậu lại không làm như Đông?

        - Tôi nghĩ là tôi làm nhiệm vụ đánh B. Thấy những tình báo về B. không rõ ràng, tôi đầm chán.

        - Các cậu phải đánh cả B, cả F, cả A.C.130 nữa! Ở hành lang có loại máy bay gì, các cậu sẽ phải đánh hết! Cậu vẫn còn giữ cách nhìn của một chiến đấu viên chứ chưa có cách nhìn bao quát của người chỉ huy...

        Quỳnh ngồi lặng im. Đồng chí chỉ huy đã nhận xét đúng về mình.

        - Nhưng riêng cậu vẫn phải đặc trách loại B. Cố gắng bay cho thật tốt để sớm diệt lấy một vài thằng B. Đây là chuyện đau đầu của Quân chủng. Ai dám bảo một ngày kia chúng nó không đưa B. ra Hà Nội? Quần chủng đã chỉ thị cho ra-đa, tên lửa phải nghiên cứu thật khẩn trương cách đánh B... Đã bay phục hồi chưa?

        - Quân y bắt tôi nghỉ nốt ngày hôm nay, mai mới được bay. Tôi đã ôn tập ở buồng lái xong.

        - Đi hai tháng có nhớ bay không?

        - Dạ... - Quỳnh tủm tỉm cười - Cũng bằng nhớ người yêu.

        Luân cũng cười:

        - Thế cũng tạm được, nhưng đáng lẽ phải nhớ hơn. Ngày mai, mình kiểm tra cho cậu... À này, anh Khang dặn mình bảo Bút cho cậu về Hải Phòng ít ngày thu xếp chuyện riêng. Nay mai... nếu địch tụt vài nấc thang, ngoài này sẽ rỗi một chút, nhưng khi các cậu vào trong kia thì lại bận hơn...

        Quỳnh nín lặng. Anh đã nghĩ đến chuyện gặp lại Hảo và đang phân vân không biết có nên viết thư cho cô lên đây không. Nếu mình về đó, cô ấy sẽ hết sức bất ngờ. Phải đem lại cho cô ấy những cái vui bất chợt chứ không thể để cô ấy chỉ có chờ đợi... Mình cũng muốn thăm lại cái cơ quan rất mến khách, rất nhiệt tình. Lần này nếu anh Bút nói chuyện ấy, mình sẽ không chối từ...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #309 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2020, 09:58:39 pm »


       
3

        Chuyến bay phục hồi chiều nay của Quỳnh sắp kết thúc tốt đẹp. Sự thèm muốn bay nhiều ngày đã làm cho đáu óc anh phấn chấn khi được ngồi lại trong buồng lái, bàn tay điều khiển cần lái của anh như linh ra. Quỳnh đã giải quyết mọi tình huống trong khi bay rất chính xác. Giống như một cầu thủ lâu ngày không được chạm tới trái bóng, giờ trở lại sân cỏ, bỗng thấy mình đá hay hẳn lên.

        Từ sáng đến trưa, địch hoạt động mạnh. Buổi chiều, không gian êm ả. Các mạng lưới ra-đa đều báo cáo về không có địch. Như lời hẹn sáng hôm qua, Luân đã lên chiếc máy bay tập hai chỗ ngồi cùng với Quỳnh. Để phòng xa, họ vẫn mang theo hai quả tên lửa. Theo dõi chuyến bay, Luân tỏ vẻ hài lòng.

        Quỳnh bắt đầu hạ độ cao, giảm bớt tốc độ, lượn vòng quanh sân bay chuẩn bị hạ cảnh. Anh định tâm sẽ đáp nhẹ xuống đường băng như một chiếc lá để kết thúc mỹ mãn chuyến bay trước cặp mắt của người chỉ huy. Máy bay đã ở độ cao một ngàn mét. Tốc độ chỉ còn năm sáu trăm ki-lô- mét giờ. Vòng bay ở trên sân đã sắp kín. Bỗng từ đài chỉ huy sân bay có tiếng hô rất gấp:

        - F.4 bám phía sau!

        Liền ngay đó, có tiếng hô tiếp:

        - Ngoặt trái!

        Quỳnh vội cho máy bay vòng gấp. Nhìn lại qua vòm kính, anh thấy hai đụn khói đang to dần. Mình vừa tránh được hai phát tên lửa!

        Quỳnh biết mình và trung đoàn trưởng đã rơi vào một tình thế rất hiểm nghèo. Nhiên liệu của anh không còn nhiều. Anh chuẩn bị hạ cánh nên độ cao và tốc độ máy bay đều thấp không thể sử dụng tên lửa để đối phó với quân địch. Anh chỉ còn hy vọng đài chỉ huy sân bay sẽ thông báo kịp thời mỗi lần máy bay địch phóng tên lửa, và sẽ chọn được thời cơ hạ cánh như Bản - Mẫn đã làm trước đây.

        Quỳnh mở cửa dầu, cho máy bay bổ xuống lấy thêm tốc độ và cơ động. Anh định lợi dụng dãy núi Tam Đảo để lẩn tránh địch và hy vọng các đơn vị cao xạ quanh sân bay sẽ bắn lên ngăn cản địch giúp mình kịp thời. Quỳnh chưa biết gần đây địch không đánh vào khu vực sân bay nên phần lớn các đơn vị cao xạ đã được điều đi nơi khác, chỉ còn lại hai trận địa trung liên ở hai đầu sân bay.

        - Tám F.4! - Luân ngôi phía sau anh nói - Chú ý cơ động trên sân.

        Tám chiếc máy bay địch thay phiên nhau công kích họ.

        Máy bay của Quỳnh đã xuống thấp dưới một trăm mét. Nhưng bọn tiêm kích vẫn không chịu rời anh. Hết chiếc này đến chiếc khác từ những góc độ khác nhau lao xuống bắn tên lửa liên tiếp.

        Theo lời thông báo từ mặt đất, Quỳnh luôn luôn phải kéo gấp cần lái. Những đụn khói mới nối nhau hiện qua vòm kính.

        Quỳnh đã bay nhiều vòng trên sân lúc vọt lên, lúc bổ xuống. Nhưng vì luôn luôn phải cơ động để tránh tên lửa nên tốc độ máy bay anh không tăng. Một chiếc F.4 đã nằm gọn trước máy ngắm chỉ cần anh dấn thêm một chút là có thể hạ nó gọn gàng bằng một phát tên lửa, nhưng vì tốc độ chưa đủ, anh đành phải bỏ miếng mồi ngon.

        Luân nhắc:

        - Kéo cao lên một chút! Tăng lực, thoát ra!

        Quỳnh chợt nhớ là với độ cao này khi cần thiết họ sẽ không có điều kiện để nhảy dù. Anh tăng lực, kéo cần lái cho máy bay lên độ cao năm trăm mét. Nhìn đồng hồ, Quỳnh bỗng thấy lạnh người. Kim sắp chỉ số không. Động cơ làm việc của máy bay vẫn ở chế độ tăng lực.

        Tiếng thông báo của đài chỉ huy:

        - Địch đi hết rồi!

        Quỳnh cảm thấy nhẹ hẳn người.

        - Tắt tăng lực!

        Luân nhắc anh tiết kiệm chút dầu thừa còn lại trong máy bay.

        Không còn thời giờ vòng sang phải, Quỳnh khéo léo đưa máy bay vòng sang trái để hạ cánh từ đầu tây sang đầu đông. Với cách này anh rút ngắn được một đoạn bay.

        Bỗng Quỳnh lại nghe có tiếng hô của đài dẫn đường:

        - Còn một thằng! Ngoặt gấp!

        Anh mở lại tăng lực đồng thời kéo gấp cần lái cho máy bay vòng sang phải. Một quả tên lửa còn nguyên vẹn bay vụt ngay trước mũi máy bay. Nó nổ rất xa. Lần này, máy bay không bị chấn động vì trái nổ.

        Máy bay Quỳnh lượn được một vòng thì tiếng máy bỗng im bặt. Động cơ đã tắt. Tốc độ xuống rất nhanh. Người anh lao về phía trước.

        Quỳnh báo cáo đài chỉ huy sân bay:

        - Hết dầu!

        Nhưng chiếc tiêm kích vẫn chưa chịu rời anh. Lại có tiếng hô của đài chỉ huy:

        - Cơ động gấp!

        Hết tốc độ rồi. Độ cao lại chỉ còn một trăm mét.

        Luân ra lệnh:

        - Nhảy dù!

        Quỳnh nghiêng máy bay sang phải, cải bằng, và lợi dụng tốc độ thừa kéo gấp máy bay lên độ cao năm trăm mét. Bên tai anh vẫn có tiếng thét "cơ động gấp!".

        Quỳnh vừa kéo máy bay lên vừa bóp dù.

        Anh nhìn thấy chiếc máy bay của anh tiếp tục lao về phía trước và một quả tên lửa đang đuổi theo nó. Phía dưới anh là chiếc dù đỏ của Luân. Đạn súng máy từ sân bay đang tiếp tục bắn lên. Anh kéo nghiêng chiếc dù cho nó lao xuống nhanh.

        Quỳnh nhận ra mình rơi xuống ngay gần doanh trại. Luân tiếp đất sau anh, chỉ cách Quỳnh hai chục mét.

        - Tại sao cậu ra sau lại xuống trước?

        Quỳnh đáp lại bằng một nụ cười. Luân cũng cười.

        Từ bếp anh nuôi có tiếng quát:

        - Giơ tay lên!

        Đồng chí trưởng bếp lao ra với khẩu súng trường. Chưa bao giờ người chiến sĩ già này lại nhìn thấy hai chiếc dù xanh, đỏ cùng rơi xuống một lúc. Những lần trước, người lái của ta khi nhảy dù thường dùng dù trắng.

         
- Ra đón tham mưu trưởng Quân chủng vào đi! -  Quỳnh nói.

        Đồng chí bác sĩ cầm một chai rượu và hai chiếc cốc chạy tới. Anh rót rượu đẩy đưa cho Luân và Quỳnh:

        - Xin chúc mừng thành công của hai anh.

        Luân vừa đón cốc rượu vừa hỏi:

        - Cậu là thầy thuốc mà lại đưa rượu cho người lái?

        - Trong trường hợp này rượu rất tốt cho sức khỏe của các anh.

        Luân vừa chạm cốc với Quỳnh vừa nói:

        - Qua kiểm tra vừa rồi, cậu bay rất tiến bộ. Hôm nay cho cậu điểm 5.

        Anh giơ cao cốc rượu quay quanh nhìn mọi người rồi cạn chén. Luân kéo Quỳnh lại bàn, ngồi xuống ghế.

        - Phải xem lại mấy cậu ra-đa làm ăn thế nào...? Nhưng cậu thấy có vấn đề gì qua chuyện vừa rồi?...

        Quỳnh ngồi im chưa hiểu tham mưu trưởng đang nghĩ gì.

        - Giá có cậu Đông ở đây nhỉ?... Tại sao lúc đó cậu không cho thằng F.4 một phát tên lửa?

        - Khi đó máy bay không có tốc độ...

        - Vấn đề là ở chỗ ấy... Mình đã đinh ninh cậu và mình sẽ bị chúng nó bắn rơi. Loại máy bay này không có khả năng cơ động mặt bằng như Mic 17. Bản và Mẫn bữa trước thoát khỏi bọn địch vì dùng Mic 17. Nhưng với loại này, khả năng ấy không có, càng quay vòng với địch càng mất tốc độ... Trường hợp vừa rồi mà cậu đã giải quyết được thì đúng là phải cho cậu điểm 5... Nhưng nếu cộng vào điểm 2 sáng qua thì điểm trung bình của cậu chưa phải là cao. Phải cố gắng đạt toàn điểm 5...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM