Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:48:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27430 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #290 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 01:25:36 pm »

         
CHƯƠNG XXIV

1

        Hành lý đã chất hết trên xe.

        Nhưng vẫn còn phải chờ mặt trời xuống núi để tiếp tục hành trình.

        Quỳnh ngồi trên thềm nhà ngắm hoàng hôn với những ý nghĩ vẩn vơ... Liệu những người viết sử sau có nhớ tới một điều quan trọng là con đường ra mặt trận đã được bóng tối che chở. Có ai đánh giá công lao của bóng đêm suốt những năm đánh Mỹ? Trong một cuộc chiến đấu không cân sức, ánh sáng mặt trời đứng về phía kẻ mạnh. Bóng tối lại là đồng minh của chúng ta. Bóng tối bịt mắt kẻ thù để giúp người chiến sĩ tiến ra mặt trận.

        Đêm nay, họ sẽ qua phà Quán Hầu, bến sông cuối cùng phải vượt qua trên đường vào giới tuyến.

        Những người đi vào đi ra ai cũng nhắc đến tên Quán Hầu. Ban ngày, bến phà không thể qua được vì máy bay địch kiểm soát thường xuyên. Ban đêm, chúng ngăn chặn bằng những loạt bom tọa độ. Địch liên tiếp thả thủy lôi trên sông. Một nhiệm vụ quan trọng của người dân Quảng Bình là làm sao giữ cho bến phà không bị tắc. Dưới đáy sông đã chứa đầy xác xe vận tải, xe bọc thép, ca-nô, phà bị bom đạn đánh chìm. Người ta nói có ngày khúc sông pha nước biển này đã trở thành ngọt vì máy bay đánh chìm một xe vận tải chở toàn mì chính cho bộ đội ngoài mặt trận.

        Ngày hôm nay, những người lái đã nghỉ ở nhà một anh cán bộ làm việc tại Ty Văn hóa tỉnh Quảng Bình. Anh cán bộ địa phương nhanh nhẹn, hoạt bát, lại kể tiếp cho họ nghe một câu chuyện mới về cái bến phà mà họ sẽ phải vượt qua tối nay.

        - Năm ngoái, có một bà nhà văn Ba Lan vào Quảng Bình. Bà yêu cầu chúng tôi đưa bà ra thăm bến phà Quán Hầu. Chúng tôi nói: "Khách nước ngoài không được tới đó vì không an toàn, địch luôn luôn thả bom tọa độ xuống bến". Bà nhà văn nói: "Chính vì vậy, tôi mới xin đi. Tôi muốn hiểu thế nào là bom tọa độ, mọi người sống và làm việc ở đó ra sao?". Cố ngăn mãi không được, chúng tôi phải đưa bà ra bến phà. Vừa tới bến, máy bay địch ào tới. Chúng tôi phải kéo vội bà vào nấp trong chiếc lô-cốt gần bờ sông. Hơi bom quạt vào tức ngực. Dứt loạt bom, chúng tôi đưa bà ra ngoài, trỏ xuống bến sông nói: "Quán Hầu đây rồi! Bom tọa độ là như vừa rồi đó! Bây giờ xin mời đồng chí quay về, chỉ lát nữa máy bay địch sẽ trở lại" - "Làm sao tôi có thể về được. Tôi đã được xuống phà đâu!”. Chúng tôi buộc phải đưa bà xuống bến. Hôm đó, ca-nô bị máy bay đánh hỏng. Công nhân phải kéo phà bằng tay. Chờ bà đứng xem xong một chuyến phà qua sông, chúng tôi nhắc bà rời bến. Bà lại nói: "Tôi chưa hiểu gì cả! Các đồng chí hãy cho tôi xuống kéo phà một chuyến với những đồng chí công nhân kia". Chúng tôi buộc lòng phải ép bà quay về, vì không được phép đem tính mệnh của khách ra đùa với bom đạn. Sao lại có một người phụ nữ từ nơi xa tới mà gan góc như vậy! Vế tới nhà, bà mới nói với chúng tôi: "Thực tình khi đứng trên bến tôi rất sợ. Nhưng tôi nghĩ: mình nằm trong hầm khi bom nổ mình còn sợ thì những người đứng trên phà giữa dòng sông kia như thế nào? Họ không phải chỉ đến đây một lúc như tôi, họ sống suốt đêm này qua đêm khác giữa bom đạn... Quả thật đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu !"

        "Cả chính mình cũng chưa hiểu", Quỳnh tự bảo khi anh cán bộ kết thúc câu chuyện. Đêm đêm, trên dọc những con đường dài ra mặt trận có bao nhiêu trọng điểm như thế, và đó lại chính là nơi mà mọi người dồn đến, trong đó có cả những người từ những phương trời xa xôi tới đây.

        Nhưng có một điều anh đã nhìn thấy rõ hơn, là mọi cố gắng của kẻ thù đều nhằm cắt đứt những con đường này, những mạch máu nối liền hai miền của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu của các anh để bảo vệ vùng trời miến Bắc thật ra cũng là để bảo vệ cho sự thông suốt của con đường, con đường để chiến thắng, con đường để thống nhất Tổ quốc.

        Chàng hiệp sĩ mặc áo choàng nhung, người bạn đồng hành đêm nay đã xuất hiện ở dãy Trường Sơn với tấm lưng đồ sộ che kín mặt trời.

        Bình minh đen bắt đầu.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #291 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 01:27:12 pm »


       
2

        Những cơn lốc đỏ cuốn lên mặt đường khi trời nhập nhoạng đã hòa vào với màu xám của sương đêm mùa đông. Cuộc thi đua đang diễn ra giữa những đoàn xe trên đường ra bến phà.

        Một con suối rộng nằm chắn ngang đường. Lòng suối nhiều nước. Chắc chắn có ngầm (một con đường xếp bằng đá dưới lòng suối) cho xe qua. Nhưng nếu đi trệch ngầm, xe có thể lao xuống suối.

        Quỳnh mở cửa, nhảy xuống:

        - Để mình dẫn đường cho!

        Anh quấn chiếc khăn mặt trắng lên cổ, xắn cao ống quần, lội xuống suối, vừa dò đường vừa vẫy cho chiếc xe đi theo. Anh nhìn thấy hai bên sườn núi trong bóng tối lờ mờ, những tảng đá vụn nát và những cây rừng đổ trụi vì bom đạn. Dòng suối có nhiều tảng đá lổn nhổn, chỗ nông, chỗ sâu. Sợ xe lỡ đà lao vào mình, Quỳnh ra hiệu cho người lái xe dừng lại. Anh đi nhanh sang bờ bên kia, rồi đứng vào bên đường ra hiệu cho xe qua. Chiếc xe lao xuống, vượt qua suối và phóng lên dốc.

        Xong việc, Quỳnh bỏ ống quần xuống cho đỡ lạnh, ung dung đi lên. Chắc xe đang chờ mình trên đầu dốc. Quỳnh định bụng sẽ bảo người lái xe nhanh chóng rời khỏi quãng này vì đây là một trọng điểm địch hay đánh phá.

        Chợt nghe tiếng người bên sườn núi. Anh vội bước tới, thấy chiếc xe đã nằm dưới một hố bom. Chỉ thiếu chút nữa, nó đã lộn vòng lăn xuống vực sâu.

        - Có ai việc gì không?

        Không ai đáp lại. vẫn thấy lục đục trong xe. Hình như mỗi người đang tìm cách thoát ra ngoài.

        Nhìn cái xe nằm nghiêng rất chênh vênh. Quỳnh vội nhắc:

        - Từng người ra nhẹ nhàng kẻo xe bị lật.

        Đông chui ra trước. Rối đến Tú và Hùng. Sau cùng mới tới đồng chí lái xe.

        Đường dốc hơi vòng sang trái. Đồng chí lái xe không nhìn rõ đường, phóng thẳng nên đã lao xuống hố bom. Cũng may xe không bị lật và không ai việc gì. Khó khăn bây giờ là làm cách nào để tiếp tục hành trình.

        Nghe tiếng ầm ì ở phía xa, họ biết sắp có những đoàn xe đi tới. Đồng chí lái xe vội lấy cuộn dây cáp buộc sẵn vào đầu xe. Nếu không được một xe khác kéo lên thì không làm sao thoát khỏi cái hố bom quái ác.

        Một chiếc xe tải vừa qua suối, đang lao lên dốc.

        Đồng chí lái xe nói to:

        - Chúng tôi có chiếc xe con bị sa xuống hố bom, nhờ các đồng chí kéo giùm lên với!

        Chiếc xe vẫn không dừng lại, người ngồi bên trong hét to:

        - Đứng sang bên đi! Sao lại chặn xe giữa dốc? Xe chở nặng quá rồi, lên dốc không kéo được đâu!

        Họ đứng chờ những chiếc xe sau. Những người lái đều từ chối với lý do gần giống như chiếc xe đầu tiên. Chắc là họ đều chở nặng. Và không may cho mình lại tụt xuống hố bom bên sườn dốc, lúc đầu mọi người nghĩ thế. Nhưng lát sau họ biết thêm, các anh lái xe đều vội tới sớm bến phà và họ không muốn dềnh dàng trên bờ suối này... Họ đang ở Đá Mài, một nơi luôn luôn bị máy bay địch đánh phá.

        Tiếng ì ầm tiếp tục từ xa vọng lại. Trời tối chưa lâu. Những đoàn xe đều mới xuất phát. Nhưng có cách nào để một anh lái xe vui lòng dừng lại làm công việc giúp đỡ mất thời giờ giữa nơi nguy hiểm này?...

        Đông bỗng giật chiếc mũ giải phóng của đồng chí lái xe, chụp lên đầu mình, nói:

        - Các anh cứ đứng yên bên đường, để mặc tôi!

        Lại một chiếc xe ầm ầm lội qua suối, rồi phóng lên dốc.
     
        Mọi người đã nhận thấy đây là một xe bọc thép cỡ lớn, ngụy trang um tùm, trên chở đẩy bộ đội. Mấy người lính trẻ ngồi quanh một khẩu trọng liên nòng chĩa lên trời, đang sẵng giọng với nhau vì một chuyện gì. Hình như họ bị mất liên lạc với đơn vị.

        Quỳnh toan bảo Đông hãy chờ chiếc xe sau thì thấy Đông đã chạy ra đứng giữa đường, cho hai ngón tay vào trong miệng. Cậu ta định làm gì vậy? Những lúc chơi đùa với các em, Đông hay cho hai ngón tay vào mồm thổi thành tiếng còi. Chẳng lẽ cậu ta lại chơi cái trò trẻ con đó ở đây...?

        Một tiếng còi dõng dạc vang lên, giống như hồi còi của đồng chí công an giao cảnh.

        Chiếc xe bọc thép dừng lại giữa dốc. Một hồi còi nữa lại vang lên. Tiếng máy tắt. Cửa ca-bin mở ra. Một người nhảy xuống hỏi:

        - Có chuyện gì thế đồng chí?

        - Bày tui đi chiến trường gấp. Chẳng may xe sa xuống hố bom. Các eng kéo giùm bày tui một chút. - Đông đã chuyển sang giọng nói đặc sệt Khu Năm.

        - Xe nằm đâu?

        Được việc rồi chăng, Quỳnh nghĩ.

        - Chỗ ni. Mời eng đi theo tui.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #292 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2020, 08:45:34 pm »


        Người cán bộ, nghe giọng nói có thể biết anh là một cán bộ, đi theo Đông ra chỗ xe đổ.

        Quỳnh ngập ngừng:

        - Xe chúng tôi đi xa nên chở cũng hơi nặng...

        Anh chưa hết lời đã bị Đông bấm vào cánh tay đau nhói.

        Người cán bộ nhìn chiếc xe nằm nghiêng trong lòng hố bom rồi nói:

        - Đến bốn xe của các đồng chí, chúng tôi cũng kéo lên như bỡn!

        Và anh quay trở về xe, nói to:

        - Chuẩn bị dây cáp, xuống xe! Kéo giúp xe của các đồng chí Quân giải phóng đi chiến trường bị tụt xuống hố bom!

        Hai chiến sĩ từ trên xe nhảy xuống. Họ dòng một sợi dây cáp dài buộc vào mũi xe của các anh.

        Khối thép đồ sộ nổ máy chuyển mình đi lên dốc. Chiếc com-măng-ca từ hố bom nghiêng mình ngoan ngoãn bò lên theo, đặt bốn chân ngay ngắn trên mặt đường. Nó giống như một đứa bé được bà mẹ dùng đôi tay nhẹ nhàng nhấc bổng khỏi chậu nước.

        Người hiệp sĩ còn hào phóng kéo chiếc xe con của họ lên tận đỉnh dốc rồi mới dừng lại.

        Khi họ tới phà Quán Hầu thì biết nửa giờ trước đó, một loạt bom tọa độ đã phá hỏng hai xe vận tải, làm chết và bị thương một số người.

        Tất cả những người đi phà, kể cả bọn Tú, đều xúm lại giúp các bác công nhân kéo dây cáp đưa nhanh chiếc phà qua sông.

        Nước sông đen nhánh như mực. Gió lạnh từ biển thổi về vỗ sóng vào mạn phà. Sợi dây cáp cứng và trơn chỉ muốn tuột khỏi tay Quỳnh. Anh nghĩ đến câu chuyện đồng chí cán bộ đã kể trước khi họ lên đường. Bây giờ nếu có máy bay đến thả bom, chỉ còn cách ngồi thấp xuống, nép vào giữa thành phà và những đám xe cộ. Nhưng nếu mọi người chỉ tính đến chuyện tránh bom đạn thì chiếc phà sẽ nhùng nhằng giữa sông không sang được bờ bên kia... Chắc là các bác công nhân chở phà sẽ không làm thế, vì họ có nhiệm vụ trong trường hợp nào cũng phải đưa khách qua sông. Cũng như anh, anh đã nhận nhiệm vụ phải đi tới chiến trường, phải làm những công việc thật đặc biệt thì dù khó khăn đến mấy anh cũng phải làm.

        Khi họ đã qua sông an toàn, ngồi trên xe, một ý nghĩ cứ ám ảnh Quỳnh... Không hiểu việc chiếc xe tụt xuống hố bom có phải là một điều may cho cả bọn mình và những đồng chí đi trên chiếc xe bọc thép đã giúp đỡ các anh? Hai chiếc xe bị trúng bom có nằm trong số những chiếc xe họ đã gặp ở Đá Mài không...?

        Đường xóc một cách kinh khủng. Những chiếc ba-lô mặc dù đã được cột chặt trước khi đi vẫn nhảy lộn sau lưng họ. Tay đã níu chặt lấy đệm xe mà người vẫn muốn bật tung ra ngoài. Nhưng đi trên con đường này, chừng nào xe còn lăn bánh, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc...

        Chiếc xe bỗng dừng lại. Một cô gái đứng chặn trước mũi xe.

        - Các anh đi đoàn hay đi lẻ? - Cô gái hỏi.

        Tú đáp:

        - Chúng tôi đi lẻ.

        - Mời vô đây nghỉ lại. Bom cắt đường rồi!

        Họ chỉ mới rời bến phà vài ki-lô-mét. Tú băn khoăn:

        - Liệu mai có đi được không đồng chí?

        - Mai không đi thì mốt đi! Còn đánh giặc suốt đời lo chi!

        Giọng cô gái có vẻ đùa bỡn.

        - Các anh lấy đồ đoàn xuống xe ra khu an toàn.

        Đồng chí lái xe ở lại chờ người dẫn tới chỗ giấu xe. Họ biết mình chỉ còn việc chấp hành mệnh lệnh.

        Một cô dân quân dẫn bọn Tú đi vào làng. Nhiều ngôi nhà đã bị phá trụi, như bị bóc đi trên nến đất trơ trọi. Trái với cái yên tĩnh bên ngoài, không khí trong làng rất khẩn trương. Bộ đội, dân quân phần lớn là những cô gái, đi lại tấp nập. Từ một túp lều nhỏ vọng ra tiếng chuông điện thoại đổ hồi. Những người ở đây đang yêu cầu ngoài bến phà không cho xe từ bờ bắc sang tiếp vì đường đã bị tắc.

        Họ được dẫn đi xuyên qua làng rồi leo lên những cồn cát. Gió lạnh từ xa thổi vào mang theo tiếng ì ầm của sóng biển. Cát khô tơi, lún thụt xuống dưới mỗi bước chân. Ban đêm, cát thật đáng yêu. Cát sạch sẽ, mịn màng, không lạnh mà mát rượi.

        Cô dân quân dẫn họ vào một ngôi nhà nhỏ nằm trên một cồn cát.

        - Các anh nghỉ ở tê. Cạnh nhà có hầm kèo. Đồng bào không ai còn giường phản chi! Bao nhiêu đồ gỗ của làng ni đều đổ vô hầm và ra mặt đường rồi.

        Không có ai trong nhà. Mọi người đã ra cả chỗ bom địch vừa ném xuống. Tiếng máy bay địch lại ầm ầm trên bầu trời. Họ mò mẫm rải tấm bạt trên cát, chuẩn bị chỗ ngủ.

        Một ngọn đèn dù vừa xuất hiện bên ngoài. Ánh sáng xanh chiếu vào căn lều. Căn nhà nhỏ hầu như trống trơn. Một chiếc rương gỗ. Một ít đồ dùng nấu ăn. Và một khẩu AK treo trên vách liếp.

        Nơi địch thả pháo sáng chắc là bến phà. Một loạt bom nổ. Tiếng bom từ những thung lũng rền rền vọng lại làm cho không gian như sôi lên. Họ cảm thấy mình đã được dành một nơi quá êm ấm trong đêm nay.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #293 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2020, 08:46:23 pm »


       
3

        Đông đang chuẩn bị cơm nước thì một cô gái ở ngoài đi vào.

        - Bác Tư có nhà không anh

        Đoán là cô hỏi bác chủ nhà, Đông đáp:

        - Bác đi kiếm rau cho bọn tôi.

        Cô gái nhìn quanh rối hỏi:

        - Các anh đi mô cả rồi?

        - O nói ai?

        - Các đồng chí đi với anh đó! Đêm qua tôi thấy những bốn người.

        Đông nhận ra cô gái là người đã chặn xe anh tối qua.

        - Các ông đi tìm xã đội hỏi thăm tình hình đường xá ra sao.

        Cô gái hơi mỉm cười.

        - Ở chơi ít ngày cho đỡ mệt rồi đi, vội chi...? Tối qua máy bay nhiều, các anh có ngủ được không?

        - Ngủ được. Nhưng nghĩ đến đường tắc là lại tỉnh giấc.

        - Vậy thì ăn cơm xong, các anh ngủ một giấc cho ngon. Đoạn đường ni do xã tôi phụ trách. Bọn tôi không có lệ để đường tắc quá một đêm.

        Cô gái mân mê một gói nhỏ bọc giấy bóng cầm trong tay.

        Bác chủ nhà xách con cá và bó rau cải ở ngoài đi vào.

        - Mấy chú đang đi kiếm o...

        - Các anh muốn hỏi thăm đường, sao không hỏi ngay bác... Cháu định đến xin ý kiến bác, hay ta hót nốt mấy nhà ở xóm Chùa?

        - Cứ mần, cần chi phải hỏi! Những nhà ở xóm tôi đều đăng ký cả rồi.

        - Trưa nay, bác huy động bà con trong xóm. Cháu sẽ đi vận động các anh bộ đội giúp đỡ một tay.

        - Được rồi.

        - Nhưng bác cần báo ngay cho gia đình thím Bốn và gia đình anh Năm. Hai nhà ấy ở gần đường, ta mần trước.

        - Cậu Năm đã nói với tôi chỉ để lại cái bể nước, còn cần chi cứ bốc.

        Bác chủ nhà quay lại nói với Đông:

        - Thêm hai cái nữa..., rứa là riêng xóm của chúng tôi đã đưa gần ba chục nóc nhà ra mặt trận rồi!

        Đông không hiểu, hỏi lại:

        - Bác nói mặt trận nào?

        - Mặt trận của chúng tôi là mặt đường... Xã chỉ có toàn đồi cát và sình lầy, không kiếm ra đất đá nên phải đập nhà dân để rải đường cho xe các đồng chí đi.

        Đông ngồi ngẩn người.

        - Hắn cứ tiếp tục đánh như đêm qua thì còn phải đập thêm nhiều nhà nữa...

        Bác chủ nhà nói tiếp:

        - O ni là xã đội trưởng kiêm trưởng ban phá hoại, o đã đập nhà o đầu tiên.

        - Cháu không nhận cháu là trưởng ban phá hoại... Bà con phải gọi cháu là trưởng ban kiến thiết!

        Đông đã biết mình đang ngồi với đồng chí xã đội trưởng và bác trưởng xóm.

        Cô gái quay về phía anh:

        - Rứa là yên. Anh nói với mấy anh nớ tối ni đường sẽ thông.

        - Còn mấy trái bom TN tính răng? Phải tháo ngòi nổ ư? - Bác trưởng xóm hỏi cô gái.

        - Cháu kiếm được mấy phong "bánh dẻo" đây rồi. Trưa ni cho anh em phá một loáng là xong.

        Cô gái vừa đứng lên thì Tú và các bạn đi vào. Tú và Quỳnh cùng reo lên:

        - O Ròn!

        Cô gái tròn mắt nhìn họ.

        - Anh Tú!... Lại cả anh Quỳnh nữa?... Tưởng ai, rứa là các anh. Các anh vô đây mần chi?

        - Chúng tôi đi công tác, - Tú đáp

        - Máy bay mô không đi, lại đi đường bộ cho khổ!

        Tú và Quỳnh đã gặp cô xã đội trưởng này trong Đại hội Chiến sĩ thi đua ở Hà Nội hồi đầu năm. Riêng Quỳnh đã ở thêm với o Ròn hai tuần khi họ được bố trí trong một đoàn đi các nơi báo cáo.

        Cô gái mừng rối rít. Bác Tư đã đi gặp bà con trong xóm huy động người làm nhiệm vụ trưa nay. O Ròn tới giựt con cá trong tay Đông, chạy ra ang nước ở trước cửa. o kéo áo Hùng đang ngồi mân mê rửa từng lá rau, bắt Hùng phải đứng lên:

        - Các anh để việc này cho em. Đây là nhà em. Nếu không cho em mần, em sẽ phá, rứa là các anh nhịn đói. Các anh có vừa nghe bác trưởng xóm gọi em là trưởng ban phá hoại không...?

        Hùng ngơ ngác nhìn cô gái. Cái vẻ chững chạc, uy quyển của cô đêm qua vói những câu mệnh lệnh ngắn gọn buộc các đồng chí chỉ huy của anh phải tuân theo không một lời bàn cãi, hoàn toàn biến mất. O Ròn đã hiện nguyên hình một cô em gái.

        Chuẩn bị xong bữa cơm, o Ròn vội vã đứng lên, cầm gói thuốc nổ đặt trên mặt rương nói với mọi người:

        - Bây chừ em phải đi gặp mấy đồng chí phá bom rồi ra trận địa ngoài bờ biển một lát. Xế trưa, em lại quay về với các anh...

        Cô gái đi khỏi. Quỳnh nói với Hùng:

        - Nếu cậu chưa có người yêu phương xa thì nhất định mình phải giới thiệu o Ròn với cậu... Cũng tốt nghiệp lớp mười, văn hóa không thua gì cậu...

        Ngoài Quỳnh, chưa ai biết chuyện giữa Hùng và Ngân.

        - Tôi đã có gì đâu anh! - Hùng nhìn Quỳnh như muốn giãi bày.

        Tú cười phá lên:

        - Thế là cậu Hùng bằng lòng rồi!

        Đông thét to:

        - Phát hiện mục tiêu! Công kích!...Tất cả, yểm hộ...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #294 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2020, 08:46:54 pm »


       
4

        Mãi xế chiều, o Ròn mới trở lại. Người cô gái bê bết bùn, mặt đỏ rừ vì nắng. Cô gái tươi cười:

        - Đường thông rồi! Các anh qua đoạn lấy ni, rẽ vào vùng đồi là yên. Đêm ni các anh có thể tới Vinh Linh.

        Tú tủm tỉm:

        - Đồng chí Hùng của chúng tôi lại đang muốn ở lại đây thêm một vài ngày nữa...

        - Nếu chỉ có mình xe các anh, em sẽ mặc cho đường tắc, bắt các anh ở thêm vài bữa, em đưa các anh về nhà em chơi...

        Hùng ngồi im lặng, mặt đỏ lên.

        - Đáng lẽ em về từ buổi trưa, nhưng ngoài trận địa có một đồng chí bị thương... Con bé dại quá, đi bắn ngay mấy thằng trinh sát, lại không chịu di chuyển ngay, nó truy lại, may mà không chết!

        Cô gái quay lại nhìn Quỳnh mỉm cười:

        - Anh vô đây sao không đưa chị Hảo vô theo...? Em nhường chị Hảo một trận địa trung liên ngoài bờ biển cho chị ấy vừa điều tra hải sản vừa bắn máy bay.

        Tú cười vang:

        - O Ròn hiểu tâm tư đồng chí Quỳnh hơn cả chúng tôi.

        Đông làm vẻ mặt ngơ ngác:

        - Hảo nào thế anh nhỉ?...

        - Hồi còn đi học, em cũng rất thích môn sinh vật - Cô gái nói tiếp.

        Quỳnh lảng:

        - O Ròn..., trưa nay anh em chúng tôi vừa ngồi bàn với nhau... dù o có yêu mến bộ đội bao nhiêu thì o cũng không nên ra lệnh đập nhà dân để thông đường cho chúng tôi.

        - Biết mần răng, anh!... Mình em mần chi được việc đó! Đó là ý kiến của cả làng, cả xã. Em không muốn cũng không được. Bà con trong làng, nhà ai cũng có người ở tiền tuyến. Một ngày xe không thông đường, là một ngày chính con em của bà con ở trong kia thiếu đạn, thiếu gạo! Có việc nước mà có cả việc nhà! Còn nước, còn người thì mai sau sẽ mần nhà to hơn, đẹp hơn...

        Từ chân trời xa bỗng vọng lại một loạt tiếng nổ. Cô gái ngừng nói, mặt cau lại.

        - Tiếng sấm ư? Chả lẽ trời này lại mưa! - Quỳnh lên tiếng.

        - Pháo kích! - Đông nói.

        - B.52 đó!... Chúng em cứ nghe tiếng nó là đau cả ruột.

        Cô gái mở to cặp mắt lo lắng nhìn về phía nam. Lại một loạt tiếng nổ vọng lại. Tiếng nổ ở rất xa, nhưng lần này mọi người đã nhận rõ đó là một loạt mưa bom.

        Nơi đó mới đúng là mặt trận. Những tín hiệu đầu tiên của miền Nam đang chiến đấu với kẻ thù trên đường đi của họ.

        Lòng Quỳnh se lại. Nơi ấy chính là quê hương anh. Con quái vật với hàm răng nhọn hoắt và đen ngòm đang nghiến ngấu nhai nát những người thản của anh.

        - Thằng em của em cũng mới vô trong đó... F.105, F.4H, F.4C... pháo hạm, biệt kích... chúng em nhận hết, nhưng còn những thằng B ni, chúng em phải nhường các anh...

        Lời nói của cô gái chỉ còn như văng vẳng bên tai Quỳnh qua tiếng mưa bom rền rền.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #295 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2020, 08:47:50 pm »


CHƯƠNG XXV

1

        ... Anh đang đi trên con đường mà em đã nói tới trong lá thư em viết cho anh ngày nào... Con đường đó mỗi ngày, mỗi đêm lại mở ra trước mắt anh những chiều sâu của đất nước, của lịch sử... Văng vẳng đâu đây câu hát thời xưa: "Hai châu ô, Lý vuông ngàn dặm: Một gái Huyền Trân khổ mấy mươi...!". Cô gái Việt Nam thời xưa đó có gì giống với cô gái Việt Nam bây giờ...? Phải có một bài hát mới cho tỉnh Quảng Bình. Quảng Bình đã thay đổi quá nhiều so với cái bài hát có tiếng hò bay bổng trên ruộng đống, sông nước, tiếng mái chèo dìu dặt mà anh rất ưa thích... Quảng Bình hôm nay từng tấc đất đều cháy bỏng. Mỗi xóm làng, mỗi khúc sông, mỗi cồn cát đều sôi sục như sóng đại dương. Tất cả đều phải gồng lên mà chịu đựng bom đạn của kẻ thù. Vì đây là đầu mút của con đường dài ra mặt trận.

        Em đã nói rất đúng là tất cả những con đường trên miền Bắc trong những năm đánh Mỹ này đều đổ về một hướng. Đến đây, thân hình của đất nước thu nhỏ lại. Bọn chúng gọi một cách không quá đáng, đây là vùng cán xoong. Cái cán xoong đó còn chật chội hơn vì một bên là dải Trường Sơn dựng đứng, một bên là biển cả, ở giữa là những đồi đất sỏi, những đồi cát và sình lầy. Bom đạn của chúng không làm sôi được cái xoong to thì chúng cố nung đỏ cái cán.

        Đến ngày đất nước thanh bình, con đường ven biển này chắc sẽ là một con đường rất đẹp. Người ta sẽ phóng xe một trăm ki-lô-mét giờ trên đường nhựa êm ru, ngắm Trường Sơn hùng vĩ, ngắm những cồn cát trắng, những rừng dương xanh, qua những con sông nước trong vắt từ đầu nguồn đổ xuống đã hòa ngay cùng nước biển. Ở đâu đâu trên chặng đường này, người ta cũng có thể cắm lều dựng trại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước, đón gió mặn từ đại dương thổi vào đất liền, và nhìn những đám mây từ đỉnh Trường Sơn trôi ra đại dương.

        Nhưng đường của anh đi hôm nay chỉ toàn màu đỏ. Người ta đã cố mở ra những con đường tránh ở vùng đất đồi. Ở đây nó có sức chịu đựng dẻo dai hơn. Máy bay địch không thể nào tiêu diệt được nó. Địch đánh đồi này, xe vòng qua đồi khác. Địch đánh đường mới, xe lại vòng về đường củ, nơi những hố bom đã được anh chị em thanh niên xung phong san bằng. Con đường suốt đêm bốc lên một dải bụi hồng. Càng gần tuyến lửa, sắc đỏ của con đường và dải bụi hồng đó lại càng tăng lên.

        Tuy vậy, có những đoạn vẫn không tránh khỏi sình lầy. Đêm nay, bà con ở xã Võ Ninh đã phải phá nhà, lấy tường gạch, lấy cột kèo để rải trên mặt đường cho xe các anh qua. Em có biết khi đi trên đoạn đường đó, anh nghĩ gì? Có những lúc anh cảm thấy không phải xe đang chạy trên mặt đường, mà chính là bà con, các cụ già, các chị, các anh, các em nhỏ đang ghé đôi vai gầy, trệu trạo bước chân trên bùn lầy để nâng chiếc xe của các anh qua.

        Con đường lửa này dẫn anh tới một miền đất cháy đỏ, ở đó có quê hương anh, ở đó, những người thân từ lâu đã mỏi mắt mong anh. Chị gái anh đang trách anh sao trở về quá muộn! Mỗi chặng đường lại làm cho lòng nhớ quê hương thêm da diết. Anh đã bắt đầu nghe thấy tiếng B.52 rải thảm và tiếng súng bên bờ nam. Dòng sông Trường bữa nay còn xanh không? Hòn cù lao Chàm có bị bom đạn của địch nhấn chìm ngoài biển? Những con ngựa trắng thời thơ ấu của anh trên biển cả lớn chừng nào rồi...? Biết đến bao giờ anh mới được đặt chân trên bờ tre đất cát mịn màng của quê hương? Má Năm ở Khánh Hòa còn sống không? Người làng anh có những ai đã kéo vào thị xã Quảng Ngãi trong đợt đấu tranh vừa rồi...? Khi nào thì em cùng anh ngồi giữa rừng dừa Tam Quan, uống ly nước mát ngọt ngào của những trái dừa quê anh?

        Con đường đỏ ngột ngạt mùi bom đạn này còn đẹp hơn cả con dường xanh của anh trong những chuyến bay. Anh được hòa trong dòng người của cả nước. Anh biết thêm những vì sao mới trong hàng triệu vì sao của đất nước. Bom đạn kẻ thù đã khơi gợi lên thêm bao nhiêu giá trị tinh thần. Sự tàn phá của chúng đã làm tàn lụi đi bao nhiêu thị trấn, xóm làng. Chúng nói không ngoa, chúng đã biến dải đất này thành mặt trăng! Nhưng mỗi vết thương chúng gây ra cho cơ thể lại tái tạo thêm những sức đề kháng mới. Bom đạn chúng đổ xuống càng nhiều thì lại thêm nhiều người dân như người dân Quảng Bình.

        Con đường đỏ này mỗi ngày tiếp thêm cho anh sức mạnh. Những ai chưa qua đây sẽ không bao giờ hiểu được đầu là giới hạn sức mạnh của chúng ta. Từ ngày lên đường, các anh đã bỏ ăn uống theo chê độ bay. Có ngày Đông tuyên bố: "Hôm nay, bắn rơi một trăm chiếc tàu bay!". Em đã bao giờ ăn rau tàu bay chưa? Rau mang nhiều vị hoang dã. Nhưng ăn sao lại thấy ngon lạ! Cũng như tất cả các bữa cơm trên dọc đường này ăn đều thấy ngon. Bữa trước, đồng chí cục phó Cục Quân y đến kiểm tra có vẻ không hài lòng vì thấy các anh ăn không hết thức ăn. Tiêu chuẩn của cái ngon là gì? Dường như không phải chỉ do thịt cá nhiều và cách nấu nướng. Mọi người ăn khỏe gấp rưỡi khi ở nhà. Các anh cảm thấy khỏe lên. Tinh thần sảng khoái. Có lẽ con đường này đem lại cho các anh một niềm vui lớn. Người đi ra trận nườm nượp như trẩy hội. Tranh nhau từng chuyến phà, từng bánh xe. Ai cũng muốn lao nhanh ra phía trước. Có ai không hiểu rằng ở đây nguy hiểm đã nhiều nhưng càng ra phía trước nguy hiểm còn nhiều hơn! Vậy mà chẳng một ai muốn chậm trễ! Ai hiểu được cái mê say của những người ra trận...?

        Hằng ngày, anh chẳng còn công việc gì làm ngoài việc ngôi trên xe để đồng chí lái xe đưa nhanh ra phía trước. Em không còn phải ghen với chiếc máy bay đã lấy đi của anh hầu hết thời giờ. Trên đường đi, lúc nào em cũng ở bên anh. Nụ cười của em lúc chia tay như vừng trăng treo phía trước đêm đêm. Bao giờ anh củng nhìn thấy đôi mắt thương yêu của em vì anh biết em đang dõi theo anh trên mỗi bước đường...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #296 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2020, 05:35:55 pm »

        
2

        Đêm nay, từ lúc đi, chiếc xe lúc nào cũng như nằm trong vòng lượn của máy bay. Chốc chốc, một chiếc pháo sáng lại hiện lên như mắt một con thú lóe sáng muốn chọc thủng màn sương mù giá lạnh của mùa đông. Nhiều lần pháo sáng ở ngay trên đầu. Người lái lao vội xe sang bên đường và dừng lại. Mọi người lập tức rời xe, nhanh chóng tìm một nơi ẩn náu, để phòng kẻ địch đã nhận ra mục tiêu. Bom nổ rải trên dọc đường. Không hiểu chúng ném vu vơ hay đã nhìn thấy lùm cây di động giữa cơn lốc bụi dỏ. Có lúc họ thấy mình đang phải lẩn tránh một loài hồ dữ. Có lúc họ lại cảm thấy như mình đang chơi một trò đi trốn đi tìm với kẻ địch.

        Tiếng súng bên bờ nam nghe đã rất rõ. Họ tưởng như dòng sông Bến Hải ở ngay đâu đó phía trước. Nhưng rồi chiếc xe cứ loanh quanh mãi ở vùng đồi trọc. Con đường số 1 vẫn tịt mù. Theo lời chỉ dẫn của trạm gác ở đầu đường tránh, khi gặp lại đường 1, xe chỉ chạy một quãng ngắn sẽ tới Hồ Xá. Càng đi ra phía trước máy bay địch càng kiểm soát chặt chẽ, xe cứ phải dừng luôn. Suốt dọc đường, không nhìn thấy bóng dáng một ngôi nhà. Họ chưa đuổi bắt được một chiếc xe nào chạy trước. Và cũng chưa có chiếc xe nào ở phía sau theo kịp họ. Họ nghĩ hay mình đi lạc đường...

        Đến quãng này, pháo sáng của địch thả liên tiếp. Mấy lấn mọi người đã lên xe lại phải nhảy xuống đi tìm chỗ ẩn náu. Gần một giờ sau, mới tiếp tục được hành trình. Xe chạy thêm một đoạn, trước mặt họ hiện ra một dòng suối rộng. Mọi người đoán máy bay địch đặc biệt chú ý con suối này. Xe sang tới bờ bên kia thì con đường mất hút. Tú và những người cùng đi đều xuống xe. cỏ dại ướt đẫm sương đêm. Họ lần mò mãi vẫn không tìm ra một vệt bánh xe.

        Quỳnh và Đông đang đi chợt nghe tiếng gà gáy.

        - Có nhà ở gần đây rồi! - Đông nói.

        - Lỡ gà rừng thì sao?

        - Cậu không phân biệt được gà rừng với gà nhà à?... Đi mau theo mình.

        Đông rẽ cỏ vượt qua một quả đồi. Quỳnh lẳng lặng bước theo. Bây giờ anh đang mong một chiếc pháo sáng. Chỉ thấy đêm đen và màn sương mùa đông lù mù phía trước.

        Chợt nghe văng vẳng tiếng người nói chuyện. Họ đứng dừng lại, dỏng tai. Đúng là có tiếng mấy cô gái đang cười đùa rúc rích đâu đây. Tiếng nói của con người sao lúc này quý giá đến như vậy! Trước mặt họ vẫn tối đen. Đông kéo Quỳnh đi về phía đó. Họ trèo qua một bờ mương, và thấy chân mình đang đặt trên một đám ruộng chỉ còn những gốc rạ. Nhưng không gian trở lại im lặng. Đông vẫn kéo Quỳnh đi tiếp. Họ đầm sầm vào một vũng nước. Chợt nghe thấy tiếng một cô gái:

        - Cái chi ngoài tê?

        - Ai đó? - Tiếng một cô gái khác hỏi.

        Họ đã nhìn thấy một chiếc lều nhỏ.

        - Chúng tôi đây - Đông vừa nói vừa bước lại.

        Căn lều bịt liếp tranh kín mít, không có cửa ra vào.

        - Các o cho chúng tôi hỏi thăm đường 1 ở phía nào?

        - Đi ra hay đi vô đó?

        - Đi vô.

        - Tân binh ở Bắc vô phải không?

        - Lính cũ nhưng mới vô lần đầu.

        - Bao nhiêu tuổi? - Cái cô vừa hỏi chắc đang mỉm cười.

        - Bốn mươi... - Đông đáp gọn lỏn.

        - Mời "cụ" đi đi cho được việc...

        Tiếng cười ré lên trong căn lều. Cánh cửa liếp được mở ra. Hai người nhìn thấy mấy cô gái ngồi quây quanh một ngọn đèn nhỏ.

        - Mời các cụ bốn mươi vô nhà nhanh kẻo Giôn-xơn ngó thấy ánh đèn.

        Hai người vội chui vào căn lều.

        - Rứa mà cũng đòi nhận bằng chú? - Một cô nói.

        Đông ngồi bệt xuống bên các cô gái, hỏi:

        - Đây là đâu các o?

        - Đây là tuyến đầu của miền Bắc.

        - Đất Vĩnh Linh rồi à?

        - Biết rồi còn hỏi làm chi?

        - Các o trỏ đường 1 đi ra Hồ Xá cho chúng tôi.

        - Vội chi! Uổng bát nước chè xanh với bọn em đã.

        - Các o trỏ giùm cho, đồng chí lái xe đang chờ.

        - Quỳnh bấy giờ mới lên tiếng. Thực ra anh cũng muốn ngồi lại đây một lát với mấy cô gái vui tươi này.

        - Các eng đang ở chỗ suối đầu con đường mới phải không?

        - Đúng đó. Chúng tôi sang bên này suối thì thấy mất đường.

        - Đường ở ngay cạnh xe của các eng đó chứ mô?

        - Chẳng thấy đường xá nào! Chúng tôi đã mò khắp.

        - Các eng cho xe rẽ sang trái, đi độ ba chục mét là thấy đường 1. Có cành lá đánh dấu để đó, không trông mà đi, đâm thẳng vào đây làm chi cho khổ... Vừa rồi các eng không trả lời nhanh là bọn tui nổ súng rồi đó...

        Hai người quay lại xe, thấy Tú và đồng chí lái xe đang ngồi chờ.

        - Các cậu lạc vào rừng à? - Tú hỏi.

        - Lạc vào động tiên anh ạ. - Quỳnh đáp.

        Trong khi hai người đi thì Tú và đồng chí lái xe đã tìm thấy đường. Quỳnh vui vẻ thuật lại chuyện hai người gặp những o dân quân Vĩnh Linh đang trực chiến ban đêm.

        Tú nói:

        - Các cậu láu cá thật, chọn ngay hướng đó mà đi!

        Đường 1 ở quãng này rất tốt. Con đường phẳng phiu nằm giữa hai hàng dương thẳng tắp. Giữa đường lại có một vạch chỉ trắng. Chỉ mươi phút sau, xe họ đã dừng lại trước một trạm kiểm soát của công an. Mấy đồng chí bộ đội xô lại quanh xe, xem có phải là người của đơn vị mình không.

        Tú vào trạm gác trình giấy tờ. Mặc dù anh và những người cùng đi đã bị trễ nhiều ngày trên dọc đường, nhưng họ vẫn là những người tới Vĩnh Linh đầu tiên. Bộ phận cơ quan tiền phương của đoàn Sao Vàng đi sau Tú một ngày, chưa có tên trong sổ đăng ký của các đồng chí công an.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #297 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2020, 05:37:05 pm »


       
3

        Thị trấn Hồ Xá chỉ còn là những đường phố trụi nổi lên ở giữa một tháp nước cao lênh khênh cũng đã bị bom đạn làm cho không còn sử dụng được nữa. Dải đất ba dan tươi đỏ, màu mỡ từ biển chạy lên rừng dọc theo sông Bến Hải đã trở thành một túi đựng bom đạn đủ loại từ trên trời giội xuống, từ ngoài biển bắn vào, từ bờ nam bắn sang.

        Thoạt nhìn tưởng như Vĩnh Linh chỉ còn là một vùng đất hoang dại. Con người không thể sống chung với bom đạn. Những vườn chanh, cam, muỗm, bưởi, hồ tiêu của đồng bào tốn công chăm sóc đã trở thành rừng như ngày con người còn chưa tới đây khai phá. Nhưng đi sâu vào bên trong mới thấy mỗi mái nhà bom đạn còn bỏ sót, mỗi khu rừng, mỗi vườn cây đều đầy ắp bộ đội. Một phần của cuộc sống tại đây đã chui xuống lòng đất. Cây cối không chịu thua bom đạn. Những hố bom càng sâu, đất xới lên càng đỏ thì cây cối ở chung quanh càng xanh. Cây mọc cả trong lòng các hố bom. Suốt dải đất tuy không có bóng một chiếc lô cốt, một ụ súng, thậm chí một cọc rào sắt, một sợi dây thép gai nhưng đã thực sự trở thành một lũy thép. Đây là vị trí tập kết cuối cùng của những đoàn quân trước khi vào chiến trường. Đợt sóng người này trào đi thì đợt sóng khác lại xô tới. Bộ binh, bộ đội xe tăng, cao xạ, tên lửa, hóa học, công binh, hậu cần... đều có mặt. Ai nấy lẳng lặng làm nhiệm vụ của mình, không ai biết công việc của ai. Nhưng mọi người đã hiểu họ đều nhắm một mục tiêu thống nhất trong mùa xuân tới.

        Mấy anh cán bộ không quân lọt thỏm giữa khu rừng bạt ngàn bộ đội. Hầu như dưới lùm cây nào cũng có xe, pháo, súng, đạn. Họ bắt đầu hiểu được tầm vóc to lớn của nhiệm vụ lịch sử mà dân tộc sẽ làm nay mai.

        Tú nhận chỉ thị tổ chức tại Vĩnh Linh một sở chi huy tiền phương nhẹ để chi viện cho chiến trường khi cần thiết. Tú chưa rõ nhiệm vụ cụ thể mà trên sẽ trao cho không quân trong thời gian tới. Điều này chính Luân cũng chưa biết. Cuộc chiến đấu để giải phóng đất nước vẫn còn đặt ra một số điều ràng buộc binh chủng không quân. Ta chưa thể triển khai lực lượng lớn về phía nam. Trong khi cuộc chiến tranh trên bộ còn diễn ra tại bên kia bờ sông Bến Hải, trên chưa muốn cho những máy bay ta vượt qua giới tuyến tạm thời. Nhưng trung đoàn trưởng đã bảo Tú đưa theo Đông, Quỳnh và Hùng. Anh thấy những người lái cần có mặt trước tại đó để tìm hiểu những quy luật hoạt động của kẻ địch.

        Từ đầu mùa hè tới giờ, Quỳnh bắt đầu bận tâm tới một đối tượng tác chiến mới: những pháo đài bay chiến lược B.52.

        Pháo đài bay B.52 là loại máy bay chiến lược vì nó được chế tạo ra để ném bom nguyên tử. Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ đã nhảy vào giành phần trong cuộc "chiến tranh hạn chế" ở Việt Nam bằng cách thiết kế cho máy bay B.52 những thùng mang bom thường để tiến hành những phi vụ ném bom rải thảm. B.52 với khả năng chuyên chở lớn, có thể mang tới ba mươi tấn chất nổ. Từ độ cao ba mươi ngàn bộ1, mỗi máy bay B.52 giội xuống trong vài giây đồng hồ một trăm năm mươi trái bom, mỗi trái nặng 500 "pao"2, tàn phá cả một vùng. Bốn chục máy bay B.52 của Mỹ từ những căn cứ tại Guam và Thái Lan hàng ngày bay tới nước ta. Trong khối lượng bom đạn giội xuống miền Nam, máy bay B.52 đã chiếm tới quá nửa. Vào cuối năm, số phi vụ ném bom B.52 hàng tháng đã lên tới con số 300. Chúng đã ném bom rải thảm xuống cả Vĩnh Linh và miền tây Quảng Bình. Bọn giặc lái B.52 tới nay chưa hề bị trừng trị. B.52 là loại chủ bài của không quân Mỹ, rất đắt tiền, nên được bảo vệ cẩn mật. Ngoài màn nhiễu dầy, chúng còn được những máy bay tiêm kích che chở. Những người lái của ta nhận thấy thời gian thuận lợi để diệt B.52 là đánh bất ngờ vào ban đêm. Ban đêm, người lái dễ dàng lọt qua mạng lưới bảo vệ của máy bay tiêm kích địch hơn ban ngày. Nhưng họ lại phải khắc phục những khó khăn về kỹ thuật bay đêm và đánh đêm.

        Nhiệm vụ nghiên cứu đánh máy bay B.52 đã được trao cho đại đội Quỳnh.

        Anh tính có thể cất cánh bất ngờ từ một sân bay đầu cầu ban đêm, khi tới khu vực có địch sẽ dùng tốc độ lớn lướt qua bọn tiêm kích, bám lấy một chiếc pháo đài bay B.52 và bắn hạ nó bằng hai phát tên lửa. Nhưng anh vẫn còn một số điều phân vân: không hiểu quy luật hoạt động của máy bay B.52 và tiêm kích đi bảo vệ như thế nào? Và khi tiến công nên dùng tốc độ nào? Nếu dùng tốc độ lớn, sau khi bắn tên lửa, chiếc B.52 với ba mươi tấn thuốc nổ của nó sẽ biến thành một trái núi lửa ngay trước mũi máy bay, người lái khó có điều kiện thoát khỏi phạm vi nguy hiểm. Nếu dùng tốc độ nhỏ, người lái thoát ly dễ dàng hơn nhưng máy bay ta lại khó vượt qua lưới tiêm kích đi hộ tống, và chính bọn lái B.52 cũng sẽ nhận ra ta và tìm cách đối phó.

        Hôm nay, họ đã nghe thấy những tiếng bom B.52 nổ rền bên bờ nam, và họ đang ở tại một vùng B.52 đã tới ném bom rải thảm. Đối thủ đã ở trước mắt, tuy họ vẫn chưa nhìn thấy hình dáng chúng ra sao.

        Quỳnh nóng ruột mong được nhìn thấy kẻ thù trên màn hiện sóng. Anh hy vọng tìm thấy một con đường đi tới thắng lợi. Sáng nào họ cũng ra trạm công an Hồ Xá, hỏi tin tức bộ phận đi sau. Nhưng đã ba ngày rồi, chưa có thêm một người nào trong đoàn Sao Vàng đặt chân tới Vĩnh Linh.

------------------
        1. Fool (tiếng Anh): Đơn vị đo chiều dài tương đương với 0,3048 m.

        2. Pound (tiếng Anh): Đơn vị để tính trọng lượng tương đương với 0 450 kg.

Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #298 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2020, 05:37:36 pm »


       
4

        Xã đội xếp bốn anh cán bộ ở tại nhà mẹ Sót. Đồng chí xã đội trưởng nói vì sao đã chọn cho họ chỗ ở tạm này: "Nhà mẹ có cái hầm kèo khá bảo đảm".

        Mẹ Sót ở một mình. Hỏi thăm, họ biết hai con trai mẹ đi chiến đấu ở miền Nam, cô con gái út đi dân quân thoát ly, cô con dâu mới đưa hai con nhỏ sơ tán ra Bắc. Hằng ngày, hai bữa mẹ nấu cơm cho họ ăn. Đông, Quỳnh và Hùng chia nhau mỗi bữa một người giúp mẹ. Nhiều bữa, mẹ không để cho khách làm việc gì, nhưng anh lái vẫn cứ ngồi bên bếp nói chuyện với mẹ cho tới khi mẹ nấu nướng xong.

        Mẹ Sót có vẻ thương chú bộ đội người Quảng Nam chưa vợ, ít nói. Nhìn Quỳnh ngồi nhặt sạn và thóc trong rá gạo bên bếp, mẹ hỏi:

        - Chú xa nhà bao năm rồi?

        Quỳnh nhẩm tính rồi nói:

        - Mười tám năm mẹ ạ. Nhưng xa hẳn thì mười ba năm, kể từ ngày cháu đi tập kết?

        - Rứa thì chú bao nhiêu tuổi? Mặt chú còn non hơn thằng lớn nhà tôi!

        - Cháu đi bộ đội từ năm mười ba tuổi.

        - Vậy chú bằng tuổi thằng lớn nhà này. Nó hai con rồi. Nếu không vô Nam thì còn hơn, nữa.

        - Con dâu mẹ đi đâu mà chúng con chẳng gặp?

        - Đi dân công cùng làm nhiệm vụ với các chú chuyến ni đó!... Lần ni liệu chú có được về thăm nhà không?

        Lòng anh hơi se lại. Chắc mẹ tưởng Quỳnh cũng sẽ qua bờ bên kia Bến Hải như mọi người ở quanh đây...

        - Có lẽ chưa mẹ ạ...

        - Tội nghiệp! Người trong nớ sao các ông trên không cho về quê hương chiến đấu để gần gụi gia đình có hơn không? Ở mô mà không đánh giặc!

        Đêm đầu, hầu như không ngủ được. Cứ chợp mắt được một lúc, lại một loạt bom xé màng tai. Mẹ Sót mấy lần lên bảo họ xuống hầm nhưng ai cũng thấy không tiện, vì mẹ đã ngủ dưới hầm và cô con út của mẹ có thể về bất chợt ban đêm.

        Ngày hôm sau, mẹ Sót ôm tất cả đồ đạc của bốn người xuống hầm, rồi nói:

        - Nếu bọn bay không xuống nghỉ dưới đó thì tau cũng lên nhà! Lỡ chuyện chi xảy ra tau không biết nói năng ra răng với Đảng, với chính quyền! Ở Vĩnh Linh ni, đi đánh giặc thì đi, nhưng về tới nhà là phải vô hầm hay vô địa đạo. Nếu bọn mi không chịu xuống hầm thì tau gọi xã đội vô tau trả đó?

        Ngày hôm ấy, mọi người buộc phải chuyển xuống hầm. Buổi tối, mẹ Sót che cửa hầm cẩn thận rồi đốt đèn, bỏ ra một cỗ bài tu-lơ-khơ:

        - Các chú chơi bài đi, tui ngồi coi cho vui.

        Đông và Hùng về một phe đánh thắng Tú và Quỳnh liên tiếp.

        Mẹ Sót ngồi bó gối nhai trầu, lặng lẽ nhìn họ.

        Tú thu gọn cỗ bài, mỉm cười nói:

        - Xin chịu. Càng đánh càng nợ to không biết lấy gì mà trả!

        Anh đã chán người bạn đồng đội của mình và muốn kết thúc cuộc chơi.

        Mẹ Sót ngừng nhai trầu, bảo họ:

        - Ngủ răng được bây chừ? Tráo người đi. Chú Quỳnh sang với chú be bé ni (mẹ trỏ Đông). Đánh nữa đi, tui coi cho vui.

        Mấy người lại chơi tiếp. Lần này, cuộc đấu có găng hơn. Đông mấy lần bị cảnh cáo vì đã gọi bài cho Quỳnh đánh ra. Cuối cùng, đến lượt Đông nản. Cuộc chơi kết thúc.

        Mọi người đi nằm. Mẹ Sót ngồi phì phèo hút điếu thuốc lá sừng bò. Họ nghĩ rằng mẹ đã cao tuổi nên khó ngủ. Nằm dưới hầm ấm cúng, nhưng họ vẫn lo nếu bây giờ cô con gái út của mẹ trở về.

        - Các chú có chuyện chi thì nói chuyện với nhau cho vui, tui nghe nhờ.

        Đã mấy lần mẹ Sót nhắc tới tiếng "cho vui". Chắc mẹ đã có quá nhiều đêm sống một mình trong căn hầm trống trải này khi con cái đều đi làm việc nước. Mỗi người đều muốn kiếm một câu chuyện để làm bằng lòng mẹ, nhưng không hiểu tại sao chẳng ai nghĩ ra chuyện gì.

        - Mẹ à! - Tú nói - Sao không thấy cô út về?

        - Hắn không về mô!

        Câu trả lời của mẹ làm cho họ yên tâm. Đêm nay, có thể đánh một giấc yên lành cho tới sáng.

        - Con tưởng công tác ở địa phương thì cũng có lúc tạt qua nhà thăm mẹ chứ? - Tú lại hỏi.

        - Hắn không về nữa!

        Không khí trong căn hầm lặng đi. Mọi người biết cô gái có chuyện gì đó mà lúc này họ không nên hỏi tiếp mẹ nữa. Tiếng súng từ xa xa bên bờ Nam vọng về. Nhưng so với đêm qua thì đêm nay rất yên tĩnh, từ chập tối, chưa có máy bay địch hoạt động.

        - Các chú có thấy cái hố bom B.52 ở bờ sông, cạnh vườn sắn của nhà đó không?

        - Có ạ...

        - Con út nhà ni bị vào bữa đó. Hắn đang chở đò cho bộ đội thì B.52 tới... Xã đội và ủy ban giấu tui mấy bữa mới nói. Hắn theo các anh, đi mãi với các anh bộ đội trên con đò đêm đó rồi... Các chú ngủ đi! Trời yên lặng kiểu ni là nửa đêm chúng lại đến đó. Ở hầm kèo, không lo chi mô!...

        Ai có thể ngủ được sau những lời mẹ vừa nói. Mẹ đã mất một người con. Mẹ đã sống bao đêm với cái im ắng không lành này?

        Mình có được một nghị lực như mẹ Sót không, Quỳnh tự hỏi. Mình còn nắm trong tay những phương tiện để giáng trả hoặc tránh né những đòn của kẻ thù. Nhưng mẹ Sót thì chỉ có ngồi im lặng để chịu đựng những bom đạn sẽ đổ nhiều hơn nữa trên dải đất này. Mẹ đã phải chịu đựng nỗi đau ghê gớm đổ xuống đấu một người mẹ và biết đâu sẽ còn tiếp tục đổ xuống? Mẹ vẫn còn hai người con đang đi chiến đấu.

        Đốm lửa từ đầu điếu thuốc lá sâu kèn của mẹ Sót thỉnh thoảng lại đỏ lên trong căn hầm. Mẹ đang chờ đợi bọn chúng tới với tư thế, với lời ăn tiếng nói, với tấm hồn của một bà mẹ Vĩnh Linh. Chắc mẹ hoàn toàn tin vào hàng vạn người con trên dải đất Vĩnh Linh này. Tất cả những khẩu súng đạn đã lên nòng. Chúng con sẽ trả thù cho mẹ...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #299 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2020, 05:38:08 pm »


       
5

        Đúng một tuần lễ, Tú mới tập hợp được số cán hộ, nhân viên trong sở chỉ huy tiền phương. Họ chỉ đi sau Tú một ngày, nhưng những khó khăn họ gặp trên dọc đường đã tăng gấp đôi. Máy bay địch thả thủy lôi xuống nhiều bến phà, đánh hỏng thêm nhiều đoạn đường. Một chiếc xe trúng bom, đồng chí lái xe bị thương. Tất cả đã phải dồn lên ba chiếc xe còn lại, đi tiếp ra mặt trận.

        Luân viết thư dặn Tú đặc biệt chú ý tìm hiểu quy luật hoạt động của "B". Anh cho biết đơn vị tên lửa ở Vĩnh Linh đã nắm được khá nhiều triệu chứng của loại đối tượng mới mà họ đang cần tìm hiểu.

        Chiều hôm sau, Tú và những người cùng đi có mặt ở trung đoàn tên lửa. Quần chủng đã chỉ thị cho những người bay sẽ dùng chung sở chỉ huy với đơn vị tên lửa.

        Đoàn bộ của trung đoàn tên lửa đóng quân giữa một khu rừng hồ tiêu. Họ gặp han chỉ huy trong một căn lán nhỏ, sạch sẽ, nằm dưới lùm cây. Đồng chí trung đoàn trưởng đã biết những người lái nổi tiếng này qua các kỳ đại hội Quyết thắng ở Quân chủng, vui vẻ bắt tay và thân mật gọi tên từng người.

        - Lần này, Quản chủng xuất đến "át hoàng bài", chắc xong miền Nam. Chiến trường chỉ còn thiếu các đồng chí là đủ mặt anh tài trong mùa xuân tới.

        Tú khiêm tốn:

        - Anh em chúng tôi mới tới tuyến lửa lần đầu, tất cả đều còn bỡ ngỡ, mong được các anh hết sức giúp đỡ cho.

        - Chúng tôi đến trước các đồng chí đến sau, đồng ý như vậy. Nhưng có nhiều vùng các đồng chí đã tới mà chúng tôi không bao giờ tới được. Khả năng giúp đỡ của chúng tôi với các đồng chí rất có hạn. Để thi hành chỉ thị của Quân chủng, phương tiện chỉ huy của chúng tôi cũng sẽ là của các đồng chí. Khi các đồng chí dùng thì chúng tôi tạm nghỉ. Khi các đồng chí không dùng thì chúng tôi lại dùng. Còn hầm hố, chúng tôi mới di chuyển tới địa điểm này nên chưa đào bới được bao nhiêu, xin dành những hầm tốt nhất cho các đồng chí lái, vì các đồng chí "giá đáng ngàn vàng" (anh nhoẻn miệng cười), các đồng chí khác, xin tự túc.

        Chiếc máy điện thoại đặt trên cái bàn tre réo chuông. Trung đoàn trưởng cầm ống nghe xong, rồi lại đặt xuống.

        - Phiền quá! Sắp có B.52. Chúng ta chuyển xuống hầm để nói chuyện tiếp. Nhưng phải phân tán bớt người vì hầm nhỏ. Anh Tú và ba đồng chí đi theo chúng tôi. Còn các đồng chí khác đi với tham mưu trưởng.

        Những người lái cùng Tú đi theo trung đoàn trưởng và chính ủy.

        Từ ngày tới Vinh Linh, tai họ lúc nào cũng như nghe thấy hai tiếng B.52. Phương tiện chiến tranh mới này của Mỹ át hẳn những thứ khác. Người ta càng phải nghĩ tới nó nhiều hơn vì chưa có dịp nào giáng trả lại chúng một đòn gọi là có.

        Vừa đi trung đoàn trưởng đơn vị tên lửa vừa quay sang hỏi Tú:

        - Anh có thể cho chúng tôi biết không quân ta định làm gì chuyến này không?

        - Quân chủng chưa nói rõ nhiệm vụ cụ thể. Nhưng chúng tôi sẽ làm một sở chỉ huy bổ trợ khi máy bay ta vào sâu hoạt động. Còn nếu anh hỏi nguyện vọng riêng thì xin nói: chúng tôi muốn dựa vào các đồng chí để quật ngã một vài thằng B.52

        - Nhưng đó chính là vấn đề chúng tôi đang bí.

        - Vừa rồi chúng tôi thấy các anh nắm B.52 rất chắc.

        - Không phải chúng tôi, đó là cấp trên. Cấp trên phát hiện những triệu chứng nhưng không nói rõ khu vực hoạt động của B.

        Quỳnh chợt nảy ra một ý kiến:

        - B.52 sắp hoạt động, các anh có thể cho chúng tôi vào sở chỉ huy để theo dõi được không?

        - Được quá! Nhưng phải đứng vì xe chỉ huy không rộng.

        Trung đoàn trưởng dẫn họ qua một hướng khác.

        Đi một quãng, bọn Tú nhìn thấy chiếc xe ra-đa nằm ẩn trong một bụi cây.

        - Sao không có dây trời? - Tú hỏi.

        - Thế này cũng đủ ê ẩm với chúng rồi. Chúng tôi cứ phải di chuyển luôn vì ra-đa làm lộ. Có tháng sở chi huy bị chúng đánh hai lần.

        Chiếc xe chỉ huy nằm dưới một giàn ngụy trang kín mít.

        Trung đoàn trưởng đẩy cửa bước vào cùng với những người khách. Trong xe đèn sáng trưng. Đây là sở chỉ huy của một tiểu đoàn. Đồng chí tiểu đoàn trưởng, nét mặt căng thẳng, đứng trước màn vi-cô chỉ gật đầu chào họ. Các trắc thủ úp đầu vào những tấm màn hiện sóng hình chữ nhật nhỏ xíu.

        Tú và các bạn lặng lẽ đứng nép sau lưng đồng chí tiểu đoàn trưởng và người sĩ quan chỉ huy, theo dõi kẻ địch xuất hiện trên màn ra-đa hình tròn.

        Trên cả hai tấm màn huỳnh quang, màu xanh lá mạ đã chuyển thành màu trắng đục. Nhiễu! Nhiễu như một màn sương dày.

        Những chiếc kim trên các màn hiện sóng kiên nhẫn quét đi quét lại nhiều vòng. Các trắc thủ chưa tìm ra được một dấu hiệu của mục tiêu

        Tú đi về cuối xe, nhìn bảng tiêu đồ. Trên tấm bảng tiêu đồ nhỏ chưa có một nét chì xanh.

        Trung đoàn trưởng tên lửa ghé vào bên tai Tú:

        - B.52 vào lần nào cũng vậy. Chúng tôi cố mò chưa ra...

        Tú đã nhận ra những khó khăn trong việc lập một sở chỉ huy tiền phương tại đây. Các đơn vị tên lửa có những yêu cầu khác với không quân về mặt bảo đảm chiến đấu. Họ chỉ cần nhìn thấy địch ở một cự ly tương đối gần. Do đó, ra-đa của họ chỉ bắt được địch trong một phạm vi khá hạn chế. Trái lại, yêu cầu của những người bay là phải nhìn thẩy địch từ xa, càng xa càng tốt, vì họ cần có đủ thời giờ để hạ quyết định và cho máy bay cất cánh. Những người bạn mới này sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu của họ.

        Tiếng bom nổ rền từ bờ Nam vọng lại.

        Trên đã thông báo rất đúng triệu chứng của B.52. Nhưng ở ngay gần khu vực bị B.52 đánh phá, họ đã không nhìn thấy kẻ địch.

        Màu trắng đục trên màn huỳnh quang vẫn chưa tan khi những người lái rời xe chỉ huy.

        - Năm nay, các anh ăn Tết Vĩnh Linh với chúng tôi. - Trung đoàn trưởng tên lửa nói - Đảng ủy trung đoàn quyết đinh cho đơn vị ăn Tết sớm một chút, chưa có lệnh trên nhưng chúng tôi đoán Tết Mậu Thân này là Tết Quang Trung...

        Mùa mưa ở Trị Thiên đã dứt. Những trận mưa chuyển về bên kia Trường Sơn giống như những tảng băng tan ở xứ lạnh, báo hiệu mùa xuân sắp bắt đầu.

        Đàn chim trời lại tự do sải cánh trên từng không quang đãng.

        Những người bay ngước mắt nhìn bầu trời cao rộng vẫn chưa có chỗ cho đôi cánh bay của mình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM