Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:40:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vùng trời  (Đọc 27020 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #280 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2020, 01:11:09 pm »


        Chiều nay, Hảo đạp xe tới nơi Thùy sơ tán. Cô ra Cầu Giấy, đi về phía Sơn Tây.

        Hai hàng cây được trống vào mỗi mùa xuân theo lời kêu gọi của Bác Hồ, đã xanh rợp con đường. Đi một quãng, lại gặp những trận địa pháo và trận địa tên lửa. Những chiếc xe kéo tên lửa dài nghễu nghện, phủ bạt kín mít, nằm kềnh càng ở bên đường, dưới lùm cây. Đây là vành đai phía bắc bảo vệ Thủ đô.

        Vùng chung quanh Hà Nội tấp nập hơn xưa. Người dân Hà Nội khi giãn ra, khi thu nhỏ lại để tránh những đòn của kẻ địch từ trên trời giáng xuống. Một thời kỳ địch đánh ở vùng ven. Vùng ven trống vắng hẳn đi. Người và xe cộ thu vào trong thành phố. Dạo này, địch đánh thành phố. Thành phố lại vắng đi. Mọi người dãn ra vùng ven. Các cơ quan tiếp tục làm việc. Các lớp học tiếp tục mở trong những căn nhà hầm ở vùng nông thôn. Xe cộ náu mình dưới tấm thảm màu xanh của cây cối. Mọi guồng máy vẫn tiếp tục quay không phải một cách bình thường mà còn hối hả hơn.

        Bề ngoài, các xóm làng vẫn vậy. Những rặng tre xanh uốn câu. Những mái chùa cổ kính phủ mầu thời gian. Bao quanh là cánh đồng. Nhưng bên trong đã nhộn nhịp hẳn lên. Vì mỗi mái nhà đều nhận thêm một phần san sẻ của Thủ đô, những cơ quan, trường học, bệnh viện, những gia đình sơ tán.

        Hảo hỏi thăm vào nhà bác hội trưởng phụ nữ xã, nơi Thùy ở nhờ. Nhớ nó quá. Nhớ cái miệng cười và cái má lúm đồng tiền. Nhớ cái tính dễ tin người của cô.

        Tìm được nhà, cô hớn hở bước vào.

        Nhà vắng vẻ. Trên cái giường đôi ở góc nhà Chung Thủy đang ngồi chơi với em. Thủy mặc áo dệt kim, quần đen, giống như con một gia đình nông dân. Nó không lớn mấy nhưng bộ mặt già dặn hẳn lên, ra vẻ một người chị.

        Chung Thủy reo:

        - Cô Hảo!

        - Mẹ đâu rồi?

        - Mẹ cháu ra giếng giặt tã lót cho em

        - Bác chủ nhà đâu?

        - Bác đi làm đồng.

        Hảo mở túi đưa cho Thủy gói kẹo, rối ôm lấy thằng bé. Nó bụ bẫm lạ thường. Cái đầu nhỏ, tóc thưa và dựng đứng. Đôi mắt tròn giống bố. Nó mới bảy tháng vẫn còn bú mẹ. Nó thế này, nó tu mày ngày mấy bữa thì chắc mày chỉ còn bằng con ve.

        Thằng bé nhìn cô nhoẻn miệng cười. Nó thèm bế. Cô đã đến tuổi làm mẹ. Cô hôn hít làn da mềm, thơm mùi sữa của nó. Trẻ con có cái đẹp của thiên thần. Bao giờ mình sẽ có một chú bé như thế này?... Nếu nó là con mình, mình sẽ còn thương yêu nó gấp mười...

        Thùy ôm một chậu tã lót bước vào. Nó gầy và già đi thật. Khi nó cười, cái lúm đồng tiền trên má chỉ còn là một vết nhăn.

        - Lên bao giờ thế?

        - Mới lên.

        Hảo không muốn nói với bạn mình đã có mặt ở Hà Nội ba ngày rồi.

        - Gặp anh Quỳnh chưa?

        - Rồi.

        May mà Thùy không hỏi thêm.

        Hảo đưa gói tép khô cho Thùy:

        - Quà của cô đây.

        Thùy ngửi mùi thơm có vị biển của cái gói, nhoẻn miệng cười.

        - Nhất cô rồi? Tối nay cho cô ăn moi rang với khế. Mẹ cháu vẫn thèm của chua...

        Đôi bạn gái quấn lấy nhau suốt từ đó đến đêm. Thùy làm cơm, Hảo ngồi bên. Thùy chấm bài, Hảo nhận đọc hộ một nửa. Tối đi ngủ, bốn người lớn, nhỏ nằm chung một cái giường đôi.

        Họ rì rầm nói chuyện đến rất khuya.

        Hảo muốn thăm dò một điều ở người bạn gái: Thùy đã nghe gì về chuyện cưới xin của mình. Suốt mấy ngày nay, trong các buổi nói chuyện, Quỳnh chưa hề đả động đến vấn đề đó. Cô tin rằng anh Đông đã bàn chuyện này với Thùy. Hảo vẫn chưa quên trong chuyện tình duyên của mình, anh Đông đã đóng vai trò ông mối. Thùy kể trăm thứ chuyện, từ chuyện khi sinh thằng Sơn đau mất mấy ngày, chuyện chiếc đuôi tên lửa rơi vào cạnh trường, cả học sinh và cô giáo cứ tưởng quả bom mẹ chứa bom bi bên trong, đến chuyện phải mua ba hào một mớ rau muống, bé Chung Thủy theo các bạn đi mò ruộng bắt cua... Cuối cùng, Thùy mới hỏi một câu lửng lơ:

        - Bao giờ thì tổ chức đấy?

        - Chưa định bao giờ.

        Hảo trả lời một cách không rõ ràng để xem Thùy có hỏi gì thêm. Thùy nằm im. Rồi nó lại nói những chuyện đâu đâu khiến Hảo chẳng buồn nghe nữa. Cô nàng không tế nhị chút nào! Nó chẳng biết chút gì về tâm lý con người...

        - Hảo ngủ rồi đấy à? - Thùy hỏi

        - Chưa.

        Bỗng nhiên, cô nghe Thùy thở dài.

        Rồi Thùy nói:

        - Mình lo cho anh Đông lắm!... Từ hồi anh Đông nhảy dù đến giờ, mỗi lần anh ấy về nhà, mình cứ có cảm giác như anh ấy về thăm mình lần cuối cùng, anh ấy sẽ không trở lại nữa. Anh ấy càng săn sóc mình, càng thương yêu thằng Sơn, mình càng sợ... Gần đây, anh Đông không nói gì với mình về chuyện chiến đấu trên sân bay.

        Hảo thấy tim mình thắt lại. Thương hại nó quá! Nó cũng như mình. Nó chỉ vui gượng. Nhưng bây giờ nó không thể giấu mình nó đang rất lo.

        - Cậu biết anh Quý không?

        - Có khi mình gặp rồi mà không nhớ.

        - Cậu biết anh Mẫn không?... Anh Mẫn cùng với anh Bản đã đánh nhau với mấy chục chiếc máy bay địch trên đỉnh sân bay, hôm đó anh Quỳnh chỉ huy...

        - Mình không biết chuyện ấy... Sao cậu hỏi mình hết tên người này đến người khác?

        Thùy im lặng một lát rồi nói:

        - Anh Quý và anh Mẫn hy sinh rồi!

        Cô cảm thấy bàng hoàng. Cô nghĩ ngay hai người này ở trong số những người lái, ai cũng dễ thương, mà cô đã gặp trong đám cưới của Hoa.

        - Còn những anh khác nữa, nhưng cậu không biết đâu...

        Cô bắt đầu hiểu về những bận rộn, khó khăn mà anh đã nói với cô...

        - Mình bảo thực cậu nhé!...

        - Cậu nói đi!

        - Đừng tổ chức vội... Chờ yên yên đã. Chiến tranh mãi rồi cũng phải có ngày hòa bình...

        Thì ra nó thương mình. Hảo chợt nghĩ đến mẹ... Mẹ tha thứ cho con. Con đã ít nghĩ đến mẹ. Con về Hà Nội mà cũng không nghĩ đến chuyện về thăm mẹ... Mẹ cũng lo cho con như người bạn tốt bụng này. Nhưng mẹ đã không ngăn cản con. Vì thế mà con càng thương mẹ, thương cả dượng con. Chắc dượng cũng lo cho con như mẹ. Nhưng dượng vẫn mừng cho hạnh phúc của con...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #281 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2020, 01:33:15 pm »

                 
CHƯƠNG XXII

1

        Phòng điều trị của các chiến sĩ không quân ờ liền với nơi điều trị những cán bộ cấp cao trong quân đội tại Viện quần y 108. Các đồng chí cán bộ lớn tuổi này tỏ ra rất yêu mến những anh lái trẻ. Sau giờ khám bệnh và những bữa ăn, họ thường tới chuyện trò với anh em. Họ từ khắp các chiến trường trên cả nước về đầy. Có những người ở miền Nam mới ra nhận nhiệm vụ, trước khi trở về bị "bắt" vào viện quân y ít ngày. Chính ở đây, những người lái biết thêm nhiều chuyện, những vấn đề thời sự cơ mật và sốt dẻo. Họ nghe nói về một quyết tâm chiến lược mới của Bộ Chính trị. Tại miền Nam, những cuộc hành quân lớn của quân Mỹ trong cả mùa khô 1966-1967 đều không đạt được kết quả "tìm và diệt” Việt Cộng. Vào mùa khô mới này, đến lượt Mỹ và quân đội Sài Gòn bị ta tiến công. Giới cầm quyền Mỹ xao xuyến. Bộ trưởng quốc phòng Mc Namara đã bị Johnson tuyên bố cho nghỉ việc. Người dân Mỹ tỏ ra bất bình với tổng thống. Johnson ba năm trước đây ra ứng cử với một đề án hòa hình ở Việt Nam. Nhưng chính ông ta đã mở rộng chiến tranh tới một quy mô cao nhất. Cuộc chiến tranh ngày càng mất đi mọi hy vọng thắng lợi mà thời gian bầu cử lại tới gần.

        Mấy hôm nay, tại khu nhà Al dành cho cán bộ cấp cao, người ra vào tấp nập. Nhiều người về đây điều trị cũng không được nghỉ ngơi. Từng người ngồi ở góc buồng, ngồi quanh những chiếc bàn kê dọc hành lang (vốn là nơi dùng làm chỗ giải trí cho bệnh nhân đánh cờ, uống nước), rì rầm trao đổi với những cán bộ từ đơn vị tới. Có những đồng chí vội vã trút bỏ quần áo bệnh viện, mặc quân phục xuống chiếc xe đã chờ sẵn ở cửa thềm dưới nhà, đi đâu một lát không ai biết... Sự khẩn trương của chiến tranh đã xâm nhập và làm sôi động cả cái thế giới yên tĩnh của những người đã bị bệnh tật tạm thời cách ly khỏi cuộc sổng bình thường.

        Một đồng chí đại tá có vầng trán rộng, mái tóc đã điểm bạc, hay gặp gỡ nói chuyện với Quỳnh. Bác sẵn sàng giải đáp những câu hỏi của Quỳnh với một sự tin cậy. Bác vừa đi đâu về. Với bộ quân phục mùa đông, trông bác khỏe mạnh, nhanh nhẹn hẳn lên.

        - Hôm nay, anh trẻ lại đến chục tuổi. - Quỳnh nói.

        Bác ngước mắt nhìn Quỳnh:

        - Cậu nói đúng. Mình đang cảm thấy như thuở thanh xuân.

        Rồi bác cười rất to. Bác nói tiếp:

        - Cánh già mình bây giờ phải trẻ lại... Mình sắp ra khỏi đây rồi. Kỳ này cơ quan cán bộ bỏ cái lệ xem sổ sức khỏe của các anh già mỗi khi được cử đi chiến trường. Đau dạ dày, thấp khớp, thần kinh, cột sống..., căn bệnh kinh niên, mãn tính... đều cho đi ráo.

        - Anh đã nghe sẽ nổ ra ở đâu chưa?

        Bác lắc đầu:

        - Cái đó là bí mật chiến lược, Bộ Chính trị quản. Bọn mình người làm việc nào biết việc ấy. Nhưng chỉ nghe nhiệm vụ, nghe quy mô... là thấy kinh hồn rồi. Phải mọc thêm mười tay, mười chân thì mới kịp. Chuyến này thì cả nước lên đường.

        Quỳnh chưa chịu lui, lại gặng hỏi:

        - Xin hỏi ý riêng anh, anh thấy liệu chuyến này có chắc chắn dứt điểm được không?

        - Quyết tâm dứt điểm chứ! Nhưng đánh nhau thì còn thằng địch. Nó đúng hay nó sai? Sai nhiều hay sai ít? Riêng về phía mình, các anh trên rất lo vấn đẽ giữ bí mật. Cán bộ, bộ đội huy động rất đông, nhưng lại không để cho kẻ địch biết. Khi nổ ra phải như một tiếng sét giữa trời quang. Nếu lộ bí mật, địch đề phòng, ta mất thế bất ngờ thì... (anh ngập ngừng). Nhưng nếu không đạt được mục đích dứt điểm thì ta cũng phải đẩy thằng địch sang một thế khác...

        Bác gật gật cái cằm. Cái cằm rộng biểu lộ sự kiên nghị. Quỳnh hiểu bác đang nói với mình: tất cả vấn đề là như vậy đó.

        Trước khi về phòng để trút bỏ bộ quân phục, bác nói:

        - Trông cậu khá lắm rồi! Người yêu hôm nay đã tới thăm chưa?

        Quỳnh mỉm cười lúng túng. Cả bác cũng chú ý đến việc Hảo đến thăm anh hàng ngày.

        - Bọn mình thì phải trẻ ra. Còn người trẻ các cậu thì phải chóng khỏe lên.

        Mấy ngày nay, trên đoàn bay không có ai xuống. Nghe nói trên đó đang học tình hình nhiệm vụ mới. Quỳnh biết những ngày nghỉ ngơi của mình sắp chấm dứt. Câu chuyện của đồng chí đại tá đã làm cho người anh rạo rực lên như vừa tiêm một liều thuốc kích thích. Anh thắc mắc không hiểu tại sao chưa có ai nhắc nhở đến mình.

        Mọi người đổ xô lại khi đồng chí trưởng phòng tác huấn của Quân chủng đi vào. Anh vốn quen thuộc với tất cả những người lái.

        Quỳnh nói:

        - Chúng tôi đang nóng ruột và thấy máy mắt thì đồng chí tới!

        Trưởng phòng tác huấn nheo cái đuôi mắt:

        - Nếu là anh phát biểu thì cũng còn phải xem... không biết anh máy mắt vì tôi hay vì người khác?

        Mọi người cười ổ.

        - Đồng chí đến để gọi anh em chúng tôi về ? - Quỳnh lại nói.

        - Muốn về cả rồi hả?

        - Giờ lịch sử đã điểm, lẽ nào lại cứ nằm ăn vạ ở đây!

        Trưởng phòng tác huấn đưa mắt nhìn mọi người rồi gật gù:

        - Kể cũng có thể thành lập trung đoàn lái ở viện này rồi đấy!... Báo cho các đồng chí một tin mừng: Vừa lắp xong một loạt máy bay mới. Giờ chỉ còn lo thiếu người lái chứ không lo thiếu máy bay.

        Ai nấy đều mừng rỡ. Một người lái nói:

        - Chúng tôi biết khi nào có tin vui là đồng chí đến với anh em.

        - Hùng đâu? - Trưởng phòng tác huấn hỏi:

        Một người đáp:

        - Báo cáo anh, cậu ấy vừa chạy quanh đâu đây.

        Một người khác tiếp tục xoáy vào công việc:

        - Đề nghị anh cho chúng tôi biết về nhiệm vụ sắp tới của đơn vị.

        Trưởng phòng tác huấn vờ kêu lên:

        - Ái chà! Cậu muốn làm mình mất đầu à!

        Sau khi đã làm tình làm tội họ đủ rồi, anh mới cho biết là Quân chủng đang có nhiều cán bộ thuyên chuyển đi công tác khác, các đoàn bay Sao vàng và Sao Mai đều phải tách làm đôi, đưa một bộ phận vào chiến đấu ở phía Nam.

        - Anh đến để cho lệnh chúng tôi về? - Quỳnh hỏi.

        - Sao lại mình? Các cậu cứ yên tâm điều trị chờ lệnh của đơn vị. Ngày mai, học nghị quyết xong, chắc anh Khang sẽ đến.

        Hùng ở ngoài đi vào. Nhìn thấy trưởng phòng tác huấn, anh chào lễ phép:

        - Chú ạ.

        Trưởng phòng tác huấn đã đi lại làm việc với cha anh ở gia đình từ ngày anh còn là một học sinh cấp ba.

        - Chú có việc cần gặp riêng cháu! Cháu khỏe chưa?

        - Từ hôm đi, cháu đã báo cáo với đơn vị là cháu không có bệnh tật gì!

        Hùng nhìn Quỳnh và kín đáo đưa mắt về phía bờ sông, ra hiệu cho anh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #282 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2020, 01:34:27 pm »

        
2

        - Anh biết em phải chờ, anh đang dở nói chuyện với một đồng chí từ trên Quân chủng xuống. Em đi gặp Thùy về chắc nhiều chuyện vui...

        - Rất nhiều. Em sẽ kể lại cho anh nghe hết buổi chiều hôm nay.

        Lòng anh se lại trước cặp mắt sáng ngời hạnh phúc của người yêu. Cô ấy có biết rằng thời gian gặp gỡ giữa hai người lại sắp chấm dứt. Phi đội bay đêm của Quỳnh đã chuẩn bị từ lâu cho nhiệm vụ ở phía nam. Anh sẽ không thể thiếu mặt nếu đơn vị bắt đầu di chuyển.

        - Em có thể ở lại Hà Nội thêm một, hai ngày nữa không?

        - Được lâu hơn thế! Em đã đánh điện cho cơ quan xin phép thêm mấy ngày để về Nam Định thăm mẹ. Vì anh, em phải dối trá. Em sẽ ở lại đây cho tới ngày anh về đơn vị.

        Cô ấy chưa biết rằng chỉ ngày mai thôi, khi chính ủy Khang tới đây, họ sẽ xa nhau... Và lần này, không phải chỉ có nhiệm vụ ngăn cách họ, họ còn bị ngăn cách thêm bởi không gian...

        - Em sắp hỏi anh nhiều chuyện bất ngờ, anh sẵn sàng nghe em chứ?

        Anh gật đầu. Anh biết những chuyện bất ngờ mà cô sắp nói không có nghĩa gì so với sự bất ngờ anh buộc sẽ phải nói với cô.

        - Từ hơn một năm nay, nếu em không muốn nói lâu hơn thế, em đã tự coi mình là một cô gái có chồng. Một người con gái đã quyết định thành lập gia đình không thể bằng lòng kéo dài mãi thời kỳ đính ước. Tại sao từ hôm gặp em đến giờ, anh chưa hề bàn bạc với em chuyện đó?...

        Anh ngồi ngơ ngẩn trước câu hỏi của người yêu.

        Hảo nói tiếp:

        - Thôi, em chẳng muốn làm anh phải nghĩ ngợi nhiều, em thử trả lời hộ anh nhé!...

        - Anh sẽ trả lời em, nhưng anh vẫn cứ muốn nghe câu trả lời của em.

        - Đêm qua, em đã nói chuyện với Thùy... Em thấy tất cả mọi người đều rất thương em nếu em lấy chồng bây giờ thì sẽ không được hưởng hạnh phúc vợ chồng vì các anh luôn luôn ở xa, nếu có con, thì một mình mình phải chịu đựng mọi sự vất vả, lại còn cả trường hợp nếu các anh đi chiến đấu gặp chuyện không may... Có đúng như thế không anh?

        - Em cứ nói tiếp đi.

        - Vì thế cho nên mọi người đều nghĩ: nếu thương cô ấy thì tốt nhất là nên tạm thời để chuyện cưới xin lại, chờ lúc tình hình đã yên, chờ hòa bình... Chỉ có điều đáng tiếc là không ai hiểu em nghĩ thế nào về hạnh phúc?... Hạnh phúc đối với em lại chính là ở chỗ được chia sẻ, được chịu đựng những gì mọi người cho là vất vả, là bất hạnh nên muốn tránh cho em. Em có thể sung sướng hơn rất nhiều nếu em được làm tất cả bổn phận, nghĩa vụ một người vợ có chồng đang đi chiến đấu. Em nghĩ rằng, nếu nay mai đây, hòa bình rồi em mới xây dựng với anh, thì lúc đó chưa chắc em đã có hạnh phúc đầy đủ như bây giờ... Em muốn làm một người lính trong khi đất nước còn đang có chiến tranh...

3

        Chính ủy Khang đến sớm hơn là họ đã chờ đợi. Khi mọi người vừa thức giấc, chính ủy đã có mặt ở cửa buồng. Anh rời sân bay từ 2 giờ đêm để qua cầu trước khi trời sáng.

        Anh nắm tay Quỳnh rung một hồi:

        - Trông lại như con trai mười tám rồi! Cậu không oán bọn mình về chuyện bắt cậu đi viện nữa chứ? Về được chưa?

        - Được. Anh cho biết bao giờ đi để chuẩn bị.

        - Hùng đi vào Quân chủng với mình ngay bây giờ. Trưa, mình quay lại đón cậu.

        - Mấy giờ anh phải có mặt ở Quân chủng?

        - Tám giờ họp.

        - Đề nghị anh đợi cho một lát, tôi làm thủ tục ra viện thật nhanh, tiện xe, anh cho tôi qua chỗ nhà Đông.

        - Thùy về đó rồi à?

        - Không phải Thùy... Cô Hảo về thăm tôi đang ở tạm đằng đó.

        Chính ủy nhìn anh im lặng. Rồi anh giục Quỳnh:

        - Đi làm thủ tục nhanh, mình chờ.

        Ngổi trên xe, chính ủy Khang hỏi Quỳnh:

        - Hảo về đây từ bao giờ?

        - Cũng được ba, bốn hôm rồi.

        Khang biết anh không cần có lời giải thích hoặc an ủi. Nhưng rồi anh buột miệng:

        - Trai thời loạn, gái thời bình!

        - Nhưng hôm qua cô ấy vừa bảo tôi: cô ấy muốn làm người lính trong khi đất nước còn chiến tranh.

        - Muốn vào bộ đội ấy à? - Chính ủy hỏi.

        - Không phải... Cô ấy muốn nói vì có chiến tranh nên cô ấy mới tìm đến với tôi, cô ấy không sợ làm vợ bộ đội trong lúc đất nước đang có chiến tranh... Cô ấy coi đó lại chính là hạnh phúc.

        Chính ủy trầm ngâm. Rối anh hỏi:

        - Hảo có hỏi gì chuyện cưới xin không?

        - Cô ấy bảo nếu tổ chức đồng ý thì ngay lần này, hai người chỉ xin một ngày đi đăng ký kết hôn, không cần làm lễ cưới...

        Chính ủy thở dài:

        - Chúng tôi đã bàn chuyện này nhiều lần suốt thời gian qua... Các đồng chí chỉ xin có một ngày mà chúng tôi cũng không dành cho các đồng chí được! Các đồng chí không oán anh em chúng tôi chứ!

        - Chắc là không, nếu cô ấy cũng như tôi biết rõ tình hình...

        Quỳnh trả lời trong lúc chính anh cũng đang thầm nói với người yêu: "Em chỉ cần có một ngày mà anh cũng không tìm được cho em..."

        Hùng ngồi bên, bỗng quay sang nói với anh:

        - Anh cho tôi gửi lời chào chị Hảo... Nếu ông cụ giữ tôi trưa nay thì tôi sẽ không được gặp lại chị.

        - Cảm ơn cậu.. Mình tới đột ngột, cô ấy sẽ biết ngay là có chuyện gì...

        - Với một người như chị Hảo..., tôi nghĩ anh có thể hoàn toàn yên tâm.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #283 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2020, 01:36:19 pm »


       
4

        Chính ủy Viễn tiếp con trong căn nhà làm việc ở địa điểm mới. Một căn nhà lợp lá gồi, vách thưng bằng liếp nứa, nền đất, nấp dưới lùm một cây mít cổ thụ ở bên sườn đổi.

        Hùng hỏi cha:

        - Bao giờ bố đi?

        - Đi ngay bây giờ cũng đã là muộn. Tối nay, bố về nơi sơ tán gặp mẹ và em Quyên. Còn con, bố gặp ở đây rồi.

        Hôm qua, đồng chí trưởng phòng tác huấn đã cho Hùng biết cha anh sắp đi nhận công tác mới ở đường mòn Hồ Chí Minh.

        Chính ủy mỉm cười, nói với con:

        - Bố lại mới làm một bài thơ... Con có đọc những bài thơ của bố đăng trên báo Phòng không - Không quân không?

        - Có ạ...

        - Con thấy thế nào?

        - Nhiều câu bố viết chưa phải là thơ... Bố là nhà chính trị, bố chỉ nên làm chính trị, còn thơ... bố nên để dành cho nhà thơ...

        Chính ủy Viễn cười to rồi nói:

        - Bố khuyên con cũng nên làm thơ đi... Bố mới đọc một cuốn sách của một nhà quân sự người nước Phổ. Ông ta nói: "Không có những rung động của thơ ca thì cũng không có những rung động của con tim"... Bố vừa làm một bài thơ về Tổ quốc...

        Hùng không tranh luận nữa, anh ngồi im lặng vì biết bố có điều gì muốn nói với mình qua câu chuyện thơ ca này.

        - Bố vừa tìm ra được một ý mới về Tổ quốc... Trong công tác của bố, con đã biết, bố phải làm việc, phải tiếp xúc với bao nhiêu con người. Có những người bố yêu mến, nhưng cũng có những người bố không thích nhưng vẫn phải cộng tác để làm việc. Mỗi con người một cá tính. Có anh lầm lỳ, nhăn nhó suốt ngày nhưng bụng lại rất tốt. Có anh nói năng sởi lởi, vui vẻ với mọi người nhưng lại rất thâm, cái gì cũng để bụng. Có những anh gặp ai cũng châm chọc, xỏ xiên nhưng không phải là người xấu. Trái lại, có những người bề ngoài làm ra rất tốt đối với mình nhưng bên trong lại xúi bẩy người khác hại mình... Chỗ con có những con người như thế không?

        - Con chưa có thời giờ tìm hiểu kỹ những người chung quanh, nhưng con thấy đúng là mỗi người đều có những tính riêng.

        - Cái tính riêng mà con nói đó rất khó sửa. Thường thường người ta chỉ cố gắng che đậy những biểu hiện của nó. Muốn sửa được một tính xấu của con người, cần đến nhiều thời gian và nghị lực... Công tác của bố là phải đoàn kết tất cả mọi người, có đoàn kết được mọi người thì mới có sức mạnh để làm việc cách mạng. Trước kia bố chỉ nghĩ phải lấy đường lối chính sách của Đảng làm cơ sở đoàn kết. Cái đó là cơ bản. Nhưng rồi bố lại thấy thêm: phải có lòng chân thành mong muốn cho mọi người điều tốt, mọi người tiến bộ, cái đó hết sức cần. Điều xấu gọi điều xấu hơn. Cái xấu không thể chiến thắng được cái xấu. Mà chính là cái tốt mới có thể chiến thắng cái xấu.

        - Chắc là bố chỉ nói về mối quan hệ giữa những người đồng chí?... - Hùng hỏi - Khi con chiến đấu với thằng địch, con không thể không căm thù nó, không thể không quyết tâm tiêu diệt nó?

        - Con nói đúng! Nhưng ngay đối với kẻ thù cũng vậy... Con căm thù địch, con quyết tâm tiêu diệt nó khi nó đang cầm vũ khí định hại con và hại đồng bào, nhưng khi những kẻ địch đã buông súng, chúng ta không đánh đập, hành hạ hay nhục mạ họ, đó chính là chính sách của Đảng, và cũng là lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu... Bản thân cuộc chiến đấu của chúng ta chính là một cái gì rất tốt, vô cùng tốt, cũng chính vì vậy nên nó mới có khả năng tập họp mọi con người với những cá tính rất khác nhau, kể cả những người có những cá tính xấu, đoàn kết tất cả lại thành một khối. Nó có thể khơi động những cái tốt tiềm tàng trong mọi con người, hạn chế những tính xấu và phát triển những tính tốt... Và con ạ, đó chính là chủ đề của bài thơ Tổ quốc mà bố vừa nói chuyện với con... Bố vừa phải thi hành kỷ luật một cán bộ hậu cần vì tội tham ô, ăn cắp tiền ăn của bộ đội trong lúc này thật là hết sức độc ác. Nhưng người cán bộ này trước đây ở đơn vị chiến đấu hết sức dũng cảm. Bố cách chức, hạ tầng công tác của anh ta, nhưng bố lại đưa anh ta trở lại đơn vị chiến đấu. Cuộc chiến đấu sẽ làm cho anh ta trở lại con người tốt.

        Hùng mỉm cười:

        - Bố có những ý kiến hay nhưng con không tin bài thơ bố làm cũng hay...

        - Bố cũng nghĩ như vậy. Nhưng bố cứ làm thơ khi thấy đó là một nhu cầu. Thơ làm cho bố tốt hơn, đó là điều trước tiên. Còn sau đó, thơ có thể giúp bố nói chuyện với các đồng chí của mình về những điều tốt bằng một cách đỡ khô khan hơn là một bài giảng chính trị.

        - Con sẽ học tập bố, lúc nào con sẽ làm thơ.

        Chính ủy liếc nhìn chiếc com-măng-ca vừa ghé vào chân đồi.

        - Bố định dành cả buổi sáng để hai bố con tâm sự. Nhưng sáng nay Bộ lại gọi lên... Lần này, con cũng đi. Như vậy, hai bố con cùng lên đường. Trước khi tạm biệt con, bố muốn nói với con một kinh nghiệm lớn trong cuộc đời công tác của bố... Đó là... người cán bộ trong trăm công ngàn việc, luôn luôn phải xác định cho mình một phương hướng chính, một mục tiêu chủ yếu mà mình phải đạt bằng được trong từng thời kỳ... Con không nên trong một lúc lao vào tất cả mọi việc, vì như vậy tất cả đều sẽ dở dang, con sẽ không làm tốt được việc nào. Bố muốn nghe con nói phương hướng chính của con hiện nay là gì? Con đang nhằm mục tiêu nào để phấn đấu... À... còn có một chuyện nữa bố cũng rất muốn hỏi con: chuyện giữa con và Ngân thế nào...? Nhưng lúc này thì muộn mất rồi...

        Hùng ngồi im lặng.

        Đồng chí lái xe từ dưới dốc đang đi lên. Chính ủy Viễn nhìn đồng hồ tay, rồi với chiếc mũ cứng treo bên vách liếp.

        Hùng đứng lên tiễn bố.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #284 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2020, 05:34:07 pm »


       
5

        Hùng ngồi viết thư...

        “Thưa bố,

        Trước khi bố lên đường, con có nhiều điều muốn nói với bố. Vì con không thể nói hết ra bằng lời khi ở trước mặt bố, nên con viết thư này.

        Khi ở nhà, con là một đứa trẻ được nuông chiều. Vì anh Dũng con hy sinh sớm nên bố mẹ đã dồn tình cảm cho con. Quyên được một phần. Con được những hai phần: phần của con và phần của anh Dũng. Bố, mẹ hầu như không đánh mắng con, tuy con đã có những lúc làm phiền lòng bố mẹ.

        Ngày con rời gia đình lên sân bay, trong buổi tối mùa đồng, bố ngồi nói chuyện với con rất khuya ở trên sân khu tập thể, sương xuống làm ướt áo mà bố không biết, bố đã nói với con: "bố ân hận vì bố không dành được nhiều thì giờ chăm sóc dạy bảo con, bố không làm được tròn trách nhiệm của một người cha..." Hôm nay, trước khi bố đi xa, con xin nói lại điều này với bố.

        Trong những năm con sống dưới mái nhà êm ấm của gia đình, con đã luôn luôn nhận được những lời dạy bảo ân cẩn và nghiêm khắc của bố, và nhiều khi vì con còn là một đưa trẻ nên con đã không thu nhận được hết. Bố đã nêu cho con một tấm gương về tình yêu lý tưởng, yêu đất nước, về nghị lực và sự hy sinh. Con biết trong tuổi hoa niên của bố, bố rất quý mẹ, nhưng thời gian bố mẹ, gần nhau chỉ tính được từng ngày. Những năm qua, gia đình ở ngay tại Hà Nội, bố vẫn luôn luôn vắng nhà, giờ bố lại đi xa. Bố đã dạy cho con thế nào là hạnh phúc. Con nhìn tóc bố bạc dần, con không thấy đó chỉ là sự hy sinh, con còn nghĩ chính là một niềm vui đã làm đổi màu từng sợi tóc đen của bố. Bố dạy dỗ chúng con trong từng hành động nhỏ hằng ngày ở gia đình. Bố đau lưng, bác hàng xóm của gia đình ta định nhượng lại một chiếc giường lò xo với giá rẻ. Mẹ rất muốn mua. Bố nói: "Nhà này cán bộ đi lại nhiều, bao anh em còn phải đi xa, còn phải tiếp tục nằm rừng...". Và bố đã ngăn mẹ. Quanh năm, bố chỉ mặc quân phục. Khi làm việc thì đeo thêm quân hàm. Khi ở nhà hay đi chơi thì bỏ quân hàm ra. Bố không hút thuốc lá, không uống chè... Con không thấy đó chỉ là những chuyện nhỏ nhặt. Nhiều người thường không chú ý giữ những cái nhỏ. Vì không giữ cái nhỏ, người ta không giữ được cả cái lớn.

        Con lớn lên vôi những bộ quần áo màu xanh lá cây của bố để lại. Khi thì bác thợ may phải tháo hẳn ra cắt lại con mặc cho vừa. Khi chỉ cấn vén gấu lên một chút. Đến lúc con mặc vừa vặn quần áo bố. Rối bây giờ con đã có những bộ quần áo xanh của con, của bộ đội phát cho con.

        Có lẽ nào con không biết ơn bố, mẹ và gia đình!

        Con dao có mài mới sắc. Nhưng trước tiên phải là thép tốt. Cảm ơn bố mẹ đã cho con một thứ thép tốt. Con sẽ có lỗi lớn với gia đình nếu tự con để cho nó mỗi ngày han gỉ đi.

        Con muốn trả lời câu hỏi của bố về chuyện con và Ngân.

        Tấn bi kịch giữa chúng con chính là ở chỗ chúng con có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Con đi tìm tình yêu không phải chỉ là tìm đến một người con gái, một người vợ. Tình yêu phải đến từ hai phía giữa người con trai và người con gái. Trên vòm trời dông tố, hai đám mây mang dòng điện ập vào nhau bật thành tia chớp. Đó là lúc tình yêu nảy sinh. Tình yêu là ánh sáng. Muốn cho ánh sáng đó được lâu bền, nó phải lấy nhiên liệu từ cả tình cảm và lý trí. Tình cảm không thể thiếu. Nhưng lý trí lại rất cần. Vì nó nâng tình yêu lên khỏi lĩnh vực bản năng. Nếu hai đám mây kia chỉ là một màn hơi nước không chứa đựng những dòng điện bên trong, thì dù cho có va chạm nhau nhiều lần cũng không gây ra được tia chớp. Đám mây này lao tới, đám mây kia lao đi thì chỉ là một cuộc đuổi bắt vò vị, những cuộc gặp gỡ trống rỗng và tẻ ngắt trong không gian, không bao giờ tạo nên kết quả là tình yêu.

        Sự nghiệp của cách mạng và cuộc đời bố mẹ tạo cho con, đã làm con trở thành một người lính. Con đã có một cuộc sống của riêng con. Cuộc sống ấy đã được xác định. Cuộc sống của con ngày nay là chiến đấu. Hơn một năm qua, con đã được thử thách. Con chưa làm gì để mình phải hổ thẹn với mình. Nhưng không ai hiểu con bằng chính con. Con biết là con có một tâm hôn yếu đuối. Con luôn luôn phải đấu tranh với mình từng giờ. Những gì con đã làm được chỉ là đáp số của bài toán khá gay gắt giữa những dữ kiện của bản năng và lý trí. Đất nước trao cho con một nhiệm vụ lớn lao quá! Nhiệm vụ đó bố đã làm gần hết cuộc đời. Ngày nay, bố lại tiếp tục. Con chỉ mới tập sự nó trong một thời gian ngắn. Con đường con đi còn rất dài. Vì biết mình yếu đuối nên con cần xác định phương hướng thật rõ rệt. Con phấn đấu để gạt bỏ tất cả những gì không phù hợp với cuộc chiến đấu hiện nay. Do đó, con đã có thái độ dứt khoát về tình cảm đối với Ngân. Con vẫn coi Ngân là một người bạn tốt, con mong muốn có những đóng góp chân thành trong khả năng của mình để nâng cao bạn lên theo những quan niệm của con (vì đây là một người mình yêu chứ không phải người mình ghét). Con không bao giờ cho phép con có thái độ vô trách nhiệm, cũng như thô bạo trong tình yêu cũng như trong tình bạn. Chỉ tiếc rằng con không có bao nhiêu thì giờ.

        Con rất thích cái câu của một vị tướng Phổ nào mà bố đã nói: "Không có những rung động của thơ ca thì cũng không có những rung động của con tim". Người ta không thể chiến đấu nếu thiếu tình cảm, trong đó có tình yêu... Chắc chắn sẽ có lúc con làm thơ như bố. Những bài thơ không gửi đăng báo, nhưng con sẽ gửi cho bố. Rồi đến lúc nào đó con sẽ yêu. Tình yêu của con chắc là sẽ ghê gớm lắm, không có gì ngăn trở được con đâu. Nhưng tình yêu đó phải mang lại thêm sức mạnh cho con chiến đấu. Mọi thứ tình yêu không như vậy đối với con không phải là tình yêu.

        Con đã báo cáo với bố phương hướng con đã xác định đối với cuộc sống hiện tại của con cũng như đối với tình yêu. Còn bố hỏi mục tiêu cụ thể của con trong thời gian này là gì? Điều này đối với con rất đơn giản: "Con phải đặt thêm nhiều tên cướp trời đến gây tội ác vào giữa vòng bắn và phải phóng những phát tên lửa ở đúng cự ly cần thiết, không bỏ phí một phát, không để lọt một thằng". Một điều nói ra đơn giản như vậy nhưng đã thu hút tất cả trí tuệ, nghị lực, tâm hồn của con, tất cả mọi tình cảm yêu thương và căm thù của con.

        Có đôi tâm sự ấp ủ trong lòng con còn muốn nói với bố thêm nữa nhưng con không còn đủ thời giờ. Trước kia con yêu bố với một tình yêu pha lẫn e sợ của tuổi ấu thơ, tình yêu pha lẫn sự biết ơn, lòng cảm kích vẽ sự rộng lượng. Bây giờ con còn yêu bố hơn vì bố còn nêu cho con một tấm gương sáng trên những chặng đường chiến đấu.

        Kính chúc bố lên đường mạnh khỏe, bình an. Con mong rằng vì lần ra đi nay mai của bố mà khoảng năm tháng cách xa nhau của gia đình ta sẽ rút ngắn lại nhiều.”
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #285 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2020, 05:35:11 pm »


CHƯƠNG XXIII

1

        Cứ vài ngày không tranh thủ được một chuyến bay tập, Tú cảm thấy bứt rứt trong người. Bay đã trở thành một nhu cầu đối với tình cảm cũng như đối với cơ thể. Cất mình lên trên không, không cứ lúc chiến đấu, cuộc sống trở thành mãnh liệt hơn. Người ta thấy được khả năng của mình trong cuộc đấu tranh chế ngự thiên nhiên. Chiếc máy bay giúp ta tung hoành trong không gian như con cá lớn vùng vẫy giữa biển khơi. Ta có thể làm cho trăng, sao, mặt trời nhảy múa bên ngoài ô kính. Một hoạt động nhẹ nhàng của đôi bàn tay, của một ngón tay cũng có thể tạo nên những sức mạnh ghê người.

        Thời tiết hôm nay rất đẹp.

        Mặt trời tạo nên những màu sắc rực rỡ trên xứ sở xanh của mây và gió. Mây dạo chơi từng đàn dưới cánh bay. Có những đám mây nhuốm màu hồng giống những cô gái vừa son phấn để đi dự hội. Mây kết lại thành những trái núi cao vàng rực, cuồn cuộn ở chân trời. Đồng ruộng, xóm làng hiện ra bên dưới như nằm ở dưới đáy đại dương. Cái đường chân trời giả định của con người, trở thành một đường vòng tròn, không còn bị núi sông ngăn cách, phía nào cũng như mời mọc đôi cánh bay.

        Tú đang định làm một cái khoan ngang thì có tiếng gọi từ sở chỉ huy:

        - Anh Tú về gấp, gặp trung đoàn trưởng...

        Có chuyện gì vậy, Tú tự hỏi. Ít khi có một lệnh như vậy đến với người lái trong lúc bay tập.

        Trước khi đi, Tú đã chọn một chiếc máy bay trực chiến có thùng dầu phụ to, định bay một buổi cho thỏa thích. Nhưng bây giờ lại có lệnh về. Nếu không tiêu thụ được gần hết số nhiên liệu mang theo thì máy bay không thể hạ cánh được. Chắc ở nhà đang rất cần đến sự có mặt của anh. Hào hứng đối với chuyến bay sáng nay đã hết. Tú giữ máy bay ở chế độ tăng lực để nhanh chóng tiêu hao nhiên liệu rồi quay về hạ cánh.

        Anh bước vào sở chỉ huy với đôi giày bay. Luân, Khang và Bút đang ngồi chờ.

        Trung đoàn trưởng nói:

        - Tôi phá đám anh nhưng anh đừng oán tôi. Có lệnh rất gấp: Anh phải lên đường đi Vĩnh Linh ngay chiều nay.

        Tin đến hơi bất ngờ. Vài ngày nay, Tú đã biết trung đoàn sẽ đưa một bộ phận vào công tác ở phía nam, người đi với bộ đội là trung đoàn trưởng. Anh rất thèm được làm nhiệm vụ mới này, nhưng Luân đã được chỉ định và Luân đã đi chuẩn bị chiến trường; trong hai người phải có một người ở lại.

        Tú mừng rơn nhưng còn nửa tin nửa ngờ.

        Bút nói:

        - Không phải chỉ có một chuyện đột xuất... Anh tiếp tục chuẩn bị tinh thần đi...

        Tú nhìn Bút rồi lại nhìn trung đoàn trưởng và chính ủy.

        Bút nói tiếp:

        - Anh Luân và anh Khang bắt đầu ghét bỏ chúng ta nên các anh ấy sắp bỏ rơi anh và tôi.

        Tú lại càng cảm thấy khó hiểu, vẻ mặt của trung đoàn trưởng và chính ủy không ra buồn cũng không ra vui.

        Luân nói:

        - Theo quyết định của trên, anh Khang và tôi sẽ lên bộ tư lệnh Quân chủng công tác. Anh và anh Bút ở lại phụ trách đơn vị. Người thắc mắc trong chuyện này là tôi, chứ không phải là anh. Tôi đã đi chuẩn bị sân bãi để anh mang đội bóng vào đá.

        Tú lại sững ra vì bất ngờ. Anh và Bút phải gánh thêm một trọng trách mới.

        Trung đoàn trưởng nói tiếp:

        - Không có thời giờ liên hoan chia tay đâu! Anh báo ngay cho Quỳnh, Đông và Hùng chuẩn bị cùng đi. Chúng tôi điều tiếp các bộ phận của sở chỉ huy đuổi theo. Anh em lái ở nhà sẽ chuyển máy bay vào sân bay Vinh. Cơ hội ngàn năm một thuở! Về nhà chuẩn bị hành lý đi... Bảo anh em, khi lên đường tôi sẽ kiểm tra, anh nào không đem theo mũ sắt thì dứt khoát sẽ mời ở lại. Chuẩn bị xong, anh quay lại đây nhận nhiệm vụ cụ thể của Quân chủng và nghe kinh nghiệm đi đường.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #286 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2020, 11:55:08 am »


       
2

        Trong những người cùng đi với Tú, chỉ có Quỳnh và Hùng đã một lần tới Vinh sau khi chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ đã nổ ra. Hai ngày đầu, họ còn làm được phần nào vai trò của người dẫn đường, Vì thật ra con đường đã thay đổi nhiều sau mùa đông năm trước. Từ lúc qua phà Bến Thủy vượt sông Lam, không ai biết gì về những cung đường phía trước mà mình sẽ phải qua.

        Bán kính hoạt động của những máy bay tiêm kích đánh chặn khá hạn chế. Họ chưa lần nào bay tới bầu trời thành phố Vinh. Lần đầu tiên những người bay hòa mình vào dòng người vĩ đại của cả dân tộc trong cuộc trường chinh về phía nam. Họ cảm thấy mình bỡ ngờ và những hoạt động chiến đấu của mình còn quá bé nhỏ. Mặc dù họ có những chiếc máy bay siêu âm, nhiều năm nay, họ vẫn chưa đi xa hơn những người bạn chiến đấu hành trang trĩu nặng trên lưng đi bằng đôi chân.

        Ở các tỉnh phía bắc, dù bị máy bay địch đánh phá, dọc đường vẫn có phố xá, xóm làng sầm uất. Nhưng ở Khu Tư này, các con đường đều vắng tanh. Những ngôi nhà chưa bị bom đạn địch hủy hoại, hầu hết đóng kín cửa. Khi họ đi sâu vào bên đường chừng một hai trăm mét mới thấy nhà dân. Đồng bào sống trong những căn lều nhỏ ở rải rác để tránh bom đạn. Con đường là mục tiêu chính của những trận oanh kích. Người ta phải tạm thời tránh xa nó như tránh một nhà máy điện, một kho dầu ở ngoài kia.

        Những con đường mình mẩy đầy thương tích, nằm im như ngủ say dưới ánh sáng mặt trời, đã thức giấc khi màn đêm buông xuống. Sức sống của cả dân tộc trào sôi trên mặt đường. Những đoàn xe phủ bạt kín mít, không biết ẩn nấp đâu ban ngày, dồn ra nhiều quãng chật ních không thể tiến lên được. Xe chở hàng, xe kéo pháo, xe tăng... nối đuôi nhau. Những đoàn bộ đội dài dằng dặc, súng đạn, ba-lô, bao gạo, ngụy trang lút người rầm rập đi suốt đêm. Tiếng miền ngược, tiếng Bắc, tiếng Trung. Tiếng con gái, tiếng con trai. Chỉ qua giọng nói của họ cũng có thể thấy cả nước đang kéo ra mặt trận. Dòng người, dòng các phương tiện cần cho cuộc chiến đấu cuồn cuộn đổ về phía nam.

        Máy bay địch vẫn không ngừng đánh phá trong đêm. Tiếng động cơ của các loại cường kích luôn luôn gầm rú trên đầu. Những chùm pháo sáng thỉnh thoảng lại xuất hiện trên không trung. Một thứ ánh sáng xanh lẹt, ma quái soi rõ từng lá cây, ngọn cỏ. Tiếng bom nổ như muốn xé toang màn đêm. Mọi hoạt động trên mặt đường có những lúc tạm dừng. Nhưng sau đó, tất cả lại cuồn cuộn, hối hả hơn, lao về phía trước để cố cướp lại khoảng thời gian đã mất.

        Chiếc com-măng-ca của họ kiên nhẫn lách từng chiếc xe tải chở nặng, đi rì rì để vượt lên. Nhưng chẳng bao lâu nó lại bị những đoàn xe khác ở phía trước chặn đường.

        Những người ngồi trong xe, kể cả Tú, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra mùa khô này? Mọi năm, họ có thể dự đoán được một phần. Nhưng năm nay, không ai nhìn thấy một triệu chứng gì rõ rệt. Những người đi trên đường đều biết mình phải thật nhanh chỏng tiến ra mặt trận. Mùa mưa ở miền Nam sắp hết. Đến lúc đó, trận đánh lịch sử nhất định phải nổ ra. Nhưng nó sẽ nổ ở đâu? Hơn một triệu quân Mỹ, ngụy và chư hầu đang rải khắp miến Nam. Chỗ nào là yếu huyệt của kẻ địch? Đòn quyết định của ta sẽ giáng vào nơi nào?... Giờ này Bác Hồ, Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh đang theo dõi từng bước đi của họ. Có những đơn vị, tướng lĩnh nào đã may mắn biết được ý đồ của Bộ Chính trị trong mùa khô này? Hay nó vẫn náu kín trong đầu của một vài đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, của cuộc chiến tranh...?

        Tú vẫn còn nghĩ nếu không có lệnh điều gấp trung đoàn trưởng và chính ủy của đoàn Sao Vàng lên làm việc trên bộ tư lệnh Quân chủng thì anh sẽ không có mặt trong chuyến dị này... Anh sẽ phải chịu đựng số phận hẩm hiu, những ngày dài tẻ ngắt ở phía sau, khi giờ phút lịch sử của dân tộc đã điểm...

        Bốc nhất là Đông. Vào giờ phút cuối cùng, Đông mới biết mình được chọn đi làm nhiệm vụ mới. Anh ráo riết xin đi từ lúc nghe phong thanh đoàn bay sẽ tách ra một số vào công tác ở phía nam. Nhưng anh rất ít hy vọng đề nghị của mình sẽ được chấp thuận... Anh ta lại bắt đầu châm chọc đùa bỡn mọi người, một cá tính quen thuộc của Đông gần đây ít khi bộc lộ. Thỉnh thoảng anh ta còn hát. Trước đây, không ai thấy anh hát bao giờ. Mỗi bài anh chỉ nhớ được đôi câu...

        Vượt qua thêm một cung đường mới, họ lại nhìn nhau, bất giác nở một nụ cười. Họ đọc được trên nét mặt ý nghĩ của nhau. Họ là những người may mắn có mặt trong ngày hội lớn của dân tộc.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #287 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2020, 11:55:45 am »


       
3

        Mỗi cung đường ở phía trước như một trang sách mở.

        Các tỉnh ở tuyến đầu của miền Bắc: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh đối với họ đều rất thân thuộc. Nhưng họ chỉ mới biết qua đài phát thanh và báo chí. Không có ai quê ở vùng này. Khu Tư đã trở thành vùng đất thiêng liêng đối với mọi người giống như Việt Bắc trước kia trong những năm đầu cách mạng.

        Họ đã biết sông Gianh qua những bài học lịch sử trên ghế nhà trường, con sông đã từng là nỗi đau chia cắt của đất nước trong hai thế kỷ Trịnh Nguyễn phân tranh, Đèo Ngang qua bài thơ nổi tiếng của bà huyện Thanh Quan, Bến Thủy qua cuộc đấu tranh cách mạng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Lẩn này, họ lại biết thêm nhiều địa danh mới: Phà Ghép, Khoa Trường, Đồng Lộc, Kỳ Anh, Phà Ròn... Những bến phà, những đoạn đường, những cánh đồng, những ngã ba đó đã được tô thành chữ đậm trên bản đồ của đất nước trong những năm đánh Mỹ. Phà Ghép là nơi diễn ra trận đánh ác liệt đầu tiên giữa bộ đội cao xạ với máy bay Mỹ ngày 5 tháng 8 năm 1964. Khoa Trường là một đoạn đường nằm trên một cánh đồng trũng giữa hai triền núi đá. Nơi đây, ngày xưa các sĩ tử trong thời phong kiến từ các tỉnh miền Bắc vào kinh đô Huế, chọn làm chỗ dừng chân trên dọc đường. Đồng Lộc chỉ là một khu đất trống có những đồng ruộng thưa thớt nằm xen giữa những quả đồi trụi đất sỏi, thấp lè tè. Hầu như không có gì đặc biệt ở những nơi này. Nhưng tất cả đã đi vào trang sử mới của dân tộc vì đó là những túi bom dạn, những điểm ngăn chặn của máy bay địch mà mọi người nhất thiết phải vượt qua trên đường ra trận.

        Tú và những người cùng đi đều phải tự hỏi: "Tại sao giữa những nơi cái chết đe dọa từng giờ từng phút này, mọi người lại có thể sống bình thản đến như vậy?". Cô gái chỉ huy bến phà cất tiếng lanh lảnh ngăn những anh chàng lái xe láu cá định lao xuống bến trước, thoát nhanh khỏi nơi nguy hiểm. Những cô thanh niên xung phong ở Khoa Trường không biết tìm đâu ra đất, đá để vá lại con đường, và sẽ ẩn náu vào đâu giữa cánh đồng lầy lội này khi máy bay địch tới, vẫn vừa làm việc vừa buông lời bỡn cợt những anh bộ đội đang sốt ruột chỉ muốn qua trọng điểm cho mau...

        Ở đây không còn báo động cấp hai, cấp một. Ngồi trên xe, họ không mấy khi nghe tiếng máy bay. Bất thần, một ánh chớp bom lóe lên phía trước hoặc một ngọn đèn pháo sáng xuất hiện trên đầu. Máy bay địch lượn vòng như con quạ chờ lao xuống bắt mồi. Trong khoảnh khắc, phải quyết định ngay, sẽ cho xe tạt vào bên đường, đứng im giả làm một lùm cây, hay phóng hết tốc độ vượt ra khỏi vùng ánh sáng nguy hiểm, lựa chọn nơi nào để ẩn náu nếu máy bay địch tiếp tục săn đuổi. Trong những trận đánh này rõ ràng ưu thế không thuộc về họ. Họ chỉ có lẩn tránh mà không thể giáng trả địch. Khả năng cơ động của họ cũng chẳng có bao nhiêu. Cần lái không còn trong tay họ. Không gian chỉ còn lại một chiều trên con đường nhỏ hẹp, đầy ổ gà và lầm bụi. Họ phải bằng lòng lao mình nằm ép xuống một cái rãnh bên đường hay tụt xuống một hố bom, những việc trước đây họ chưa bao giờ làm, để lần tránh đòn của địch.

        Nghe nói, có một đoàn cán bộ cấp cao đi công tác đã đem theo một chiếc xe gắn ra-đa. Cuối cùng, đồng chí trưởng đoàn đã ra lệnh tắt máy. Nếu máy cứ tiếp tục làm việc thì hoặc là đoàn xe phải luôn luôn dùng lại, hoặc là người ngồi trên xe lúc nào cũng phải chịu sự cáng thẳng vì liên tiếp có báo động máy bay địch.

        Trước khi đi, Luân đã nói lại với Tú một số kinh nghiệm. Nơi an toàn là những chỗ chỉ cần cách trọng điểm vài trăm mét. Địch dù nhiều bom đạn đến đâu cũng không thể đem giội khắp Khu Tư này, và ngay ở những nơi chung thường xuyên giội bom thì cũng vẫn có những khoảng thời gian an toàn cho người đi đường. Tú đã nghiêm chỉnh ]àm theo lời căn dặn của anh là phải luôn luôn hỏi đồng hào những quy luật đánh phá của máy bay địch. Tú rất thích thú theo dõi những em nhỏ trong lúc máy bay địch ném bom vẫn thản nhiên ngồi trên miệng hầm, chỉ khi nào nhìn thấy trái bom lao đúng về hướng mình mới nhảy xuống chỗ trú ẩn. Rõ ràng các em có đủ thời giờ để đùa bỡn với bom đạn dịch.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #288 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2020, 11:56:07 am »


        Mỗi cung đường làm cho họ khôn ngoan lên.

        Trên đường từ Vinh vào Quảng Bình chiếc xe bị máy bay địch quần suốt đêm. Khi qua Đèo Ngang ai nấy mệt nhừ. Trước mắt họ là Phà Ròn và đèo Lý Hòa, hai trọng điểm ở khá gần nhau. Trời chưa sáng, xe có thể đi tiếp. Nhưng Tú quyết định cho xe tạt vào một làng ven sông nghi lại. Anh thương đồng chí lái xe và thương anh em.

        Trưa hôm sau, máy bay địch ném bom hỏng đường trên đèo Lý Hòa. Họ phải nằm chờ suốt ba ngày không đi được. Tú rút thêm một kinh nghiệm: "Dù mệt đến đâu, nếu trước mắt là một trọng điểm mà thời gian còn cho phép, vẫn phải cố gắng vượt qua". Nhưng điều đáng buồn là sau đó anh biết mọi người đi trên đường này đều thường làm như vậy. Người ta còn nhắc thêm anh phải chú ý cả những con suối nhỏ, đừng có khi nào dếnh dàng bên này bờ suối, chỉ một cơn lũ đổ về, chuyến đi có thể bị chậm lại hàng ngày.

        Đến ngày thứ tư, có tin đường vừa được sửa xong đêm qua. Họ yên trí đêm nay sẽ đến Quảng Bình. Nhưng buổi trưa, con đường trên đèo đã bị máy bay địch đánh hỏng lại. Tú ngồi nhà, đầu như có lửa nung.

        Đông hỏi thăm đồng bào, biết có thể tránh đèo Lý Hòa bằng cách đi theo bãi cát bên bờ sông. Nhưng con đường tránh này đang được công an quản lý. Họ còn muốn giữ bí mật và chỉ dùng tới nó khi thật cần thiết. Đông bàn với Tú, chập tối cứ cho xe qua. Anh nhận trách nhiệm thuyết phục công an. Nếu anh không thành công, xe sẽ quay trở lại. Tú đồng ý vì anh thấy thà như vậy còn hơn là nằm chờ.

        Trời vừa tối, xe qua sông Ròn.

        Chiếc chòi công an nằm lẻ loi bên ngã ba. Một thanh tre chắn ngang con đường rẽ vào bãi cát. Đông bảo mọi người ngồi trên xe, chờ mình đi gặp công an. Nửa giờ sau, Đông từ trong trạm gác đi ra, vẫy tay cho chiếc xe tiến theo. Đồng chí công an ra sau anh, nâng cao cây tre chắn ngang đường. Cuộc vận động của Đông đã thành công.

        Chiếc xe của họ băng qua bãi cát trong đêm tối như đi giữa sa mạc. Xe chạy rì rì gần như không nhích được lên. Chạy được vài trăm mét, xe lại phải dừng chờ nguội máy. Đến lúc mọi người đã tưởng hết đêm nay họ không thoát ra khỏi bãi cát thì con đường số 1 hiện ra trước mắt.

        Nửa đêm, họ tới bờ sông Gianh. Con sông mang nặng mùi vị của biển cả. Gió lạnh từ biển thổi vào lồng lộng. Dòng sông rộng trong đêm nhìn sang bên kia không thấy đâu là bờ. Sóng vỗ ì ẩm bên ghềnh đá.

        Chiếc xe con của họ đứng nối tiếp sau đoàn xe xếp hàng dài dằng dặc trước bến phà.

        Sông Gianh là một mục tiêu địch đặc biệt chú ý.

        Đông lại nhảy xuống xe, đi tìm đống chí công an phụ trách bến. Mọi người không tin lần này anh cũng gặp may. Nhưng chỉ ít phút sau, đã nghe tiếng Đông gọi cho xe lên.

        Đứng trên phà rồi. Tú ghé vào bên Đông hỏi nhỏ:

        - Cậu làm cách nào mà tài vậy? Xe ta có giấy tờ đặc biệt gì đâu!

        Đông hơi ngập ngừng rồi như miễn cưỡng phải nói:

        - Tôi mượn uy tín của các anh.

        - Cậu nói thế nào? - Tú hơi giật giọng hỏi.

        - Anh không sợ tôi lộ bí mật? Tôi chỉ ghé vào tai đồng chí công an nói nhỏ: "Báo cáo đồng chí, tôi có nhiệm vụ đưa hai đồng chí Anh hùng ra ngay sở chỉ huy tiền phương, chẳng nói các đồng chí cũng rõ rồi, xin các đồng chí cho chúng tôi đi trước". Thế là được đi.

        - Nếu họ hỏi tên bọn mình thì cậu nói sao?

        - Dễ thôi..."Báo cáo đồng chí thông cảm cho, chúng tôi phải giữ kỷ luật công tác". Tôi đóng vai một anh vừa thật thà vừa ngốc ngếch! Anh tính cả một đoàn xe dài như thế kia, ai cũng đi chiến trường cả, nhiều người còn đi xa hơn mình, nếu không có danh nghĩa của các anh thì làm sao xuống phà ngay được! Ngồi chờ ở trọng điểm rất căng...

        Quỳnh đứng gần đó bỗng quay lại nói với hai người:

        - Anh Tú và cậu Đông trông kìa !...

        Quỳnh trỏ lên mui chiếc ca-nô đang giắt phà qua sông. Một người, chắc là một anh lái phà dang rộng hai chân, hai tay ngủ trên đó.

        - Ngon lành không! - Quỳnh nói tiếp:

        Trong khi mọi người mong từng phút từng giây rời khỏi trọng điểm thì người nằm đó đang đánh một giấc say sưa.

        - Cậu xem... - Tú nói với Đông - như thế kia thì ai vào đây còn dám nghĩ mình là Anh hùng!...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #289 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2020, 01:24:54 pm »


       
4

        Cả thị xã Đồng Hới chỉ còn là đống gạch vụn. Bom đạn đã cạo nhẵn nhụi tất cả trừ ngôi nhà thờ ở giữa thị xã. Bọn giặc lái muốn chứng tỏ là chúng tôn trọng tín ngưỡng, chúng không đụng đến nhà thờ mà chỉ tiêu diệt những con chiên của chúa vì họ cũng là dân thường. Tuy vậy cả nhà thờ cũng bị những mảnh bom làm sứt sẹo.

        Sân bay ở cách thị xã ba ki-lô-mét.

        Tàu chiến của địch luôn luôn bắn phá sân bay.

        Tú đã kiểm tra mọi người có ai thiếu mũ sắt trước khi đi xem sân hay.

        Những người lái đứng ngơ ngác trước một bãi trống toàn đất đỏ pha nhiều cát, cỏ mọc lởm chởm. Đứng ngay trên sân bay họ cũng không phân biệt được đâu là đường băng, đâu là nền đất ở chung quanh.

        Cuối cùng, họ xác định được đường băng qua một hàng đèn. Đường băng đất này, chạy từ tây sang đông, đầu đông chỉ cách biển một ki-lô-mét. Những tấm ghi lót trên đường băng đã bị bóc hết. Sân bay nằm dốc ra biển.

        Quỳnh vừa đi trên đường hăng vừa nghĩ đến những khó khăn khi anh đưa máy bay vào hạ cánh chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

        Máy bay từ ngoài bay vào không thể đi cao vì kẻ địch ở ngoài biển sẽ phát hiện. Họ không được phép lập vòng lượn trên sân bay vì nếu địch biết, lập tức sân bay sẽ bị pháo kích. Máy bay ta phải hạ cánh trực tiếp trong khi đường băng rất khó nhận.

        Để tránh vòng ra ngoài biển, máy bay sẽ buộc phải tiếp đất từ tây sang đông. Chắc chắn anh sẽ không được phép liên lạc với mặt đất bằng vô tuyến điện khi hạ cánh. Nếu đáp máy bay xuống ban đêm, người lái có thể nhận được địa tiêu qua hàng đèn ở bên trái. "Chắc chắn mình vào đây ban đêm". Quỳnh tự bảo và coi như vấn đề này đã tạm được giải quyết.

        Quỳnh bỗng nhận thấy khó khăn sẽ tập trung vào khi có lệnh xuất kích. Anh không được phép cất cánh từ tây sang đông, làm như vậy có thuận lợi về mặt kỹ thuật, nhưng anh sẽ lao ra biển. Khi cất cánh, anh buộc phải chọn con đường ngược lại, từ đông sang tây. Ban đêm, hàng đèn sẽ nằm về bên phải, ngược với thói quen của người lái hay nhìn về bên trái. Máy bay của anh sẽ phải lên dốc và trước mắt anh không có đường chân trời vì dãy núi Trường Sơn sừng sững chắn trước mặt, ban đêm chỉ còn là một tấm màn tối đen sì.

        Rồi anh lại nhận thấy đường băng hơi quá ngắn. Trước đây nó chỉ được dùng cho những máy bay cánh quạt.

        Nhưng anh sẽ không thể làm nhiệm vụ ở phía nam nếu không chuyển được máy bay vào khu này để nhận dầu liệu rồi tiếp tục bay xa hơn.

        Không ai nói với ai, họ đã nhìn thấy những vấn đề gay cấn về kỹ thuật mà họ cần khắc phục.

        Tú quay lại hỏi Quỳnh và Hùng:

        - Tình hình này liệu có làm ăn được không?

        Quỳnh đang ngập ngừng thì Tú nói tiếp:

        - Chỉ riêng động tác hạ cất cánh cũng đã phải có hệ thần kinh vững như Gagarin.

        - Nếu không có hệ thần kinh như Gagarin thì khi nhiệm vụ đến vẫn cứ phải làm. - Quỳnh nói.

        - Động tác phải hết sức chính xác - Hùng tiếp lời Quỳnh.

        Mặt Tú vẫn đăm chiêu. Những người lái đã nói lên quyết tâm của mình. Nhưng với cương vị của người chỉ huy, anh sẽ có bao nhiêu công việc phải làm. Tổ chức sân bay, tổ chức sở chỉ huy, tổ chức hậu cần, tổ chức chuyển trường ra sao để giữ được bí mật...? Từ ngày về cơ quan chỉ huy, anh mới thật sự hiểu được nỗi khó khăn vất vả của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, được gọi bằng một từ chung là "anh em mặt đất", đã âm thầm chuẩn bị hàng tuần, hàng tháng cho mỗi chiến công của một người bay...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM