Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:37:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (Đọc 8462 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 08:36:52 pm »

Người chỉ ra rằng: “Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức là dân tộc cách mệnh đến trình độ tối cao”(1). Trong lúc này, tư tưởng và hành động của mỗi đảng viên có quan hệ đến toàn quốc. “Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thế hỏng việc to; sai một ly đi một dặm”(2). “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi một đồng chí và toàn cả Đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích: đánh đuổi thực dân Pháp và làm cho nước thống nhất và độc lập”(3).

Người biểu dương những ưu điểm của. cán bộ, đảng viên như nhẫn nại, chịu khó, tháo vát, nhiều sáng kiến... Người giáo dục cán bộ, đảng viên phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm: quan liêu chủ quan, mệnh lệnh, địa phương chủ nghĩa, bè phái, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa, bao biện, lạm quyền... Người nghiêm khắc phê bình: “Trong những vùng chiến tranh lan đến, một số đồng chí đã tự tiện bỏ địa phương mình chạy sang vùng khác làm việc mà không hề có sự quyết định của Đoàn thể, của cấp trên”(4).

Sự chỉ đạo kịp thời, sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến gồm những nội dung lớn: bảo toàn chủ lực; phá hoại và tản cư, tiến công chính trị vào hàng ngũ địch; cán bộ, bộ đội giữ vững phẩm chất đạo dức cách mạng, đứng lại ở địa phương bám dân bám địch mà đánh, sự chỉ đạo ấy thể hiện tư tưởng giữ gìn lực lượng, đẩy mạnh kháng chiến trong khi địch tiến công.

Cuối tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Thanh Hóa, một tỉnh hậu phương rộng lớn, xa các vùng chiến sự. Trong lịch sử, miền Thanh - Nghệ đã nhiều lần là căn cứ địa của các cuộc khởi nghĩa vũ trang và kháng chiến chống ngoại xâm.

Tại Thanh Hóa, Người đã vạch phương hướng xây dựng một tỉnh hậu phương kiểu mẫu. Đó là kế hoạch: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn.
Người đủ ăn thì khá giàu.
Người khá giàu thì giàu thêm.
Người nào cùng biết chữ.
Người nào củng biết đoàn kết, yêu nước. Cách làm: đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân.
Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm.
Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động”(5).

Người gặp đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, chỉ rõ hậu phương kháng chiến là: về chính trị, thực hiện toàn dân đoàn kết; về quân sự, triệt để phá hoại đường sá và nhà cửa có cấu trúc kiên cố, tổ chức du kích để địch đến là đánh; về hành chính, thực hiện dân là chủ, chính phủ là đầy tớ của dân; về văn hóa, xóa nạn mù chữ, giáo dục đạo đức công dân và chính trị phổ thông, phát triển trung học, đào tạo nguồn cán bộ dự trữ; về kinh tế, thực hiện tự cấp tự túc, dù địch phong tỏa 10 năm hay 15 năm cũng đứng vững.

Tháng 4 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc. Khu giải phóng cũ trở thành trung tâm lãnh đạo cả nước kháng chiến. Đánh giá vị trí quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc, Người viết: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công. Thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”(6),

Mùa hè năm 1947, đảng bộ và chính quyền các cấp được kiện toàn một bước. Chính sách giảm tô giảm tức bắt đầu được thực hiện. Việc tăng gia sản xuất được đẩy mạnh. Các chiến khu, các tỉnh ra sức sản xuất vũ khí. Chợ búa mở mang. Hàng loạt thị trấn kháng chiến mọc lên. Đồng bào tản cư ổn định nơi ở và đời sống. Các trường học khai giảng. Tiền tài chính lưu hành rộng rãi, tạo điều kiện khơi luồng hàng hóa, vật tư, thực phẩm cung cấp cho bộ đội, cơ quan, xí nghiệp và nhân dân. Hơn ba vạn thanh niên xung phong tòng quân. Hơn một triệu ngươi tham gia tự vệ và du kích. Hàng nghìn làng kháng chiến được xây dựng. Hàng trăm đội du kích được thành lập ở các tỉnh, huyện.


(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb Sự thật, H. 1984, tr. 317, 291, 294.
(5), (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb Sự thật, H. 1984, tr. 284, 420.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 08:39:14 pm »

Trong không khí cả nước sôi nổi xây dựng hậu phương và căn cứ địa, phát triển lực lượng quân sự, chính trị, chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công mới của địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành hai tác phẩm quan trọng: “Đời sống mới” ký tên Tân Sinh, và “Sửa đổi lối làm việc” ký tên X.Y.Z.

Tác phẩm “Đời sống mới” chỉ ra rằng: chính trong kháng chiến người thì lo đánh giặc, người thì lo phá hoại, người thì lo tản cư, toàn dân ai cũng khó khăn vất vả lại càng phải thực hiện đời sống mới, là cần, kiệm, liêm, chính. Tác phẩm hướng dẫn bộ đội và nhân dân ta sửa đổi những cái cũ không còn phù hợp, thực hiện những cái mới mà hay trong đời sống, trong cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc, làm cho trong kháng chiến dân ta “vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”(1).

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện tư tưởng, tác phong lãnh đạo và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực của Đang và Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tác phẩm giáo dục cán bộ, đảng viên khắc phục bệnh chủ quan, hẹp hòi trong quan hệ giữa Đảng với quẩn chúng, ba hoa trong cách nói, cách viết và những chứng tật xấu xa của chủ nghĩa cá nhân. Tác phẩm đề ra chính sách cán bộ nhằm đẩy mạnh huấn luyện, đào tạo cán bộ, nâng cao hơn nữa lòng thương yêu cán bộ, hiểu rõ và cất nhắc, sử dụng cán bộ đúng, khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc.

Hai tác phẩm “Đời sống mới”“Sửa đổi lối làm việc” giải quyết những vấn đề cơ bản về xây dựng con người mới; cuộc sống mới, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, động viên tiềm lực của đất nước, phát huy tính ưu việt của chế độ xã hội mới để giành thắng lợi trong chiến tranh.

Vượt, lên những tàn phá, tổn thất đo chiến tranh gảy ra, một đời sống mới và một lối làm việc mới nảy sinh trên đất nước ta, tạo nên sức mạnh mới của toàn dân kháng chiến.

Tháng 5 năm 1947, giặc Pháp ngừng tiến công. Chiến lược “chớp nhoáng” nhằm tiêu diệt chế độ dân chủ cộng hòa, tái chiếm nhanh toàn bộ nước Việt Nam bước đầu thất bại.

Tống kết 6 tháng đầu toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: thực dân Pháp động viên hải, lục, không quân hàng chục vạn người. Chúng chi tiêu vào quân phí mỗi ngày hàng chục triệu bạc. Chúng mong dùng lực lượng ào ạt, chiến lược chớp nhoáng trong vài ba tháng cướp lấy nước ta. Chúng lại thuê một lũ bù nhìn mong phá hoại kháng chiến, chia rẽ đồng bào ta. Song âm mưu quân sự và chính trị của chúng đều hoàn toàn thất bại. “Kháng chiến ở Nam Bộ đến ngày nay đã gần hai năm. Kháng chiến toàn quốc đến hôm nay vừa đúng sáu tháng. Mà sức kháng chiến của ta càng mạnh. Sự thắng lợi của ta càng rõ ràng”(2). Người phân tích những nguyên nhân thắng lợi: vì kháng chiến của ta là chính nghĩa, vì đồng bào ta đại đoàn kết, vì tướng sĩ ta dũng cảm, vì chiến lược ta đúng, vì ta nhiều bầu bạn. Người khái quát: “Thế địch như lửa, thế tạ như nước. Nước nhất định thắng lửa”(3).

Suốt mùa hè 1947, giặc Pháp co về các thành phố củng cố lực lượng, chuẩn bị cho một cuộc tiến công lớn khi mùa mưa chấm dứt.

Tuy chưa phán đoán chính xác và đầy đủ hướng tiến công của địch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thấy trước rằng thực dân Pháp sẽ mở cuộc tiến công lớn trong thu - đông và chiến trường chính là Bắc Bộ. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các cấp ủy địa phương gấp rút chuẩn bị đối phó. Bộ Tổng chỉ huy họp Hội nghị quân sự nhận định âm mưu và hướng tiến công sắp tối của địch, đề ra chủ trương tác chiến trong thu - đông.

Sáng ngày 7 tháng 10 năm 1947, quân Pháp bất ngờ nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn. Với nguồn tin tình báo khá chính xác, vừa xuống đến đất, quân Pháp lập tức bủa vây lùng sục, truy tìm Hồ Chí Minh và các bộ trưởng trong Chính phủ kháng chiến.

Đồng thời với cuộc đổ bộ đường không xuống thị xã Bắc Cạn, quân Pháp mở những gọng kìm và mũi dùi lớn đánh lên Việt Bắc.


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb Sự thật, H. 1984, tr. 323
(2), (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb Sự thật, H. 1984, tr. 377, 378.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 08:42:11 pm »

Sau khi được tin địch tiến công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân du kích và đồng bào cả nước ra sức tiêu diệt địch. Người vạch âm mưu của chúng là đánh ào ạt, chớp nhoáng, bất thình lình, dùng cách “sét đánh ngang tai” làm cho ta hoang mang hoảng hốt, làm cho ta trở tay không kịp, ý định của chúng là hội quân ở Bắc Cạn tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi chúng cụp ô lại, khép chặt vòng vây, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, nhảy dù xuống những nơi nghi có cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ ta để lùng bắt, phá cho được đầu não của cuộc kháng chiến. Sau đó chúng sẽ bình định tiếp các khu vực khác và lập chính phủ bù nhìn. Người phân tích: địch mạnh về các gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách.

Ngay sau khi quân địch nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn, yếu tố bất ngờ của chúng không còn nữa. Đến đâu quân Pháp cũng chỉ thấy vườn không nhà trống. Ở đâu cũng có tiếng súng của du kích từ rừng nui bắn ra. Càng đi sâu vào căn cứ địa Việt Bắc, các binh đoàn tiến công của thực dân Pháp càng bị rừng núi trùng điệp chia cắt làm nhiều mảnh, mỗi mảnh thành một mục tiêu tiến công của bộ đội và du kích ta.

Trong khi địch mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc thì ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ chiến tranh du kích phát triển mạnh. Nhiều tên Việt gian lăm le đứng ra lập chính phủ bù nhìn bị bắn chết ngay giữa Hà Nội và Sài Gòn. Thực dân Pháp lâm vào tình thế bế tắc: Việt Bắc đánh không xong, đồng bằng Bắc Bộ chưa chiếm được, chiến thuật du kích ờ Nam Bộ ngày càng mạnh.

Ngày 19 tháng 11 năm 1947, sau 40 ngày tiến công, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Việt Bắc. Cuộc tiến công của chúng thất bại. Chiến lược “chớp nhoáng” của thực dân Pháp hoàn toàn phá sản.

Sau khi quân Pháp rút khỏi Việt Bắc, với bút danh quen thuộc Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Việt Bắc anh dũng”. Bằng những tư liệu lấy từ các bức thư, điện, công văn, mệnh lệnh của quân Pháp do ta thu được, Người miêu tả những khó khăn của quân Pháp trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm lên Việt Bắc.

Nêu lên câu hỏi: chắc có người lấy làm lạ, vì sao Pháp có súng ống tốt như thế, mà số chết và bị thương lại to gấp 10 lần bên ta? Người giải đáp: “Thì có gì lạ đâu: ta đánh du kích, đánh địa lôi, ta thấy địch mà địch không thấy ta. Thành thử nhiều khi ta giết, hàng chục hàng trăm tên địch, mà bộ đội ta không có một người nào bị thương”(1).

Bàn đến nguyên nhân sâu xa nhất đã dẫn tới thắng lợi của ta tại Việt Bắc thu - đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lòng yêu nước của đồng bào, nhập với hình thế hiếm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch, nó đã đánh tan cuộc tấn công của thực dân”(2). Người khái quát bốn nhân tố quyết định thắng lợi của quân và dân ta trong thu - đông 1947, đó là: sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ, sự điều khiển khôn khéo của Bộ Tổng chỉ huy, sự dũng cảm của tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích, sự hăng hái của toàn thể đồng bào.

Trong tác phẩm này, Hồ Chủ tịch phân tích sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt của ta. Người viết: ngay từ đầu, ta chủ trương trường kỳ kháng chiến, để đánh tan mưu mô “đánh mau thắng mau” của thực dân. Cũng ngay từ đầu ta đã thấy trước rằng địch sẽ cố chiếm một số thành thị và một số đoạn đường giao thông, nhưng lực lượng của chúng càng rải ra thì càng mỏng manh, ta càng dễ tiêu diệt chúng, do đó Bộ Tổng chỉ huy chủ trương dùng chiến thuật du kích để tiêu diệt địch. “Càng ngày chúng ta càng thấy những ý định trên là sáng suốt, nhất là trong cuộc địch tấn công vào Việt Bắc, chúng ta càng thấy rõ như thế”(3).

Cuối tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực dân Pháp chưa bị đánh qụy. Chúng sẽ tấn công Việt Bắc lần nữa. Chúng sẽ tấn công nơi này rồi đến nơi khác. Rồi đây, chúng sẽ lập chính phủ bù nhìn. Chúng sẽ dùng mưu độc ác đem người Việt đánh người Việt. Cuộc kháng chiến sẽ gay go hơn nữa”(4). Người nhắc nhở: “Chúng ta chớ tự kiêu tự đại, chớ chủ quan, chớ khinh địch. Chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị, cấn thận đề phòng... Phải sửa chữa những khuyết điểm và cố gắng phát triển các ưu điểm”(5). Đó là cái chìa khóa để đi tối thắng lợi mới.

Ngày 19 tháng 12 năm 1947, tại núi rừng Việt Bắc còn âm vang tiếng súng truy kích địch, Chu tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, tổng kết một năm toàn quốc kháng chiến.

Thực tế đã diễn ra trái với ý đồ xâm lược của thực dân Pháp. Chúng định chiếm Việt Nam trong một thời gian ngắn. Nhưng đến lúc này, “Chúng chiếm mấy thành thị đã hóa ra đống tro tàn”(6) còn “thôn quê khắp cả nước đều vẫn ở trong tay ta”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “kháng chiến ắt phải gay go, phải trường kỳ, nhưng chắc chắn sẽ thắng lợi”(8), “lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mới nhen, chỉ có tiến, không có thoái”(9). Còn lực lượng của địch “cũng như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm, nhưng đã gần tắt nghỉ”(10).


(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 26, 35.
(3), (4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 5, 37, 38.
(6), (7), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb Sự thật, H. 1984, tr. 537-539.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2020, 10:08:59 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 10:10:25 pm »

III. PHÁT ĐỘNG THI ĐUA ÁI QUỐC,
“DIỆT GIẶC ĐÓI - DIỆT GIẶC DỐT - DIỆT GIẶC NGOẠI XÂM”

Chiến thắng Việt Bắc làm nức lòng quân và dân cả nước, nâng cao lòng tin tưởng ở tiền đồ kháng chiến. Thắng lợi ấy chứng tỏ Việt Nam tuy nước nhỏ, không có căn cứ địa chắc chắn, biên giới bị bao vây, vũ khí kém, nhưng với sự đoàn kết cố gắng của toàn dân, với chế độ dân chủ cộng hòa, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn có thể đẩy mạnh kháng chiến giữa vòng vây đế quốc.

Trong không khí phấn khởi ngày 28, Tết Mậu Tý (1948), Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Quốc hội, Tổng bộ Việt Minh, Đoàn chủ tịch Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chính phủ và Bộ Tổng chỉ huy đến chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói chuyện thân mật nhân buổi đầu xuân, Người phân tích: trường kỳ kháng chiến thì phải trường kỳ động viên. Động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người, sức của để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, làm cho thế và lực của ta mau chuyển biến.

Ngày 15 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng. Từ Hội nghị toàn quốc ở Tân Trào tháng 8 năm 1945, đến lúc này Trung ương Đảng mới có điều kiện họp hội nghị toàn thể.

Hội nghị nhận định: giặc Pháp không thể tự do tung lực lượng ra chiếm đất một cách dễ dàng như trong thời kỳ kháng chiến mới bùng nổ, nhưng chúng vẫn còn có thế vơ vét lực lượng trong nước và ở các thuộc địa, cầu cứu phản động thế giới để kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược. Chiến tranh sẽ thực sự lan rộng ra khắp cả nước.

Hội nghị đề ra những nhiệm vụ chính trị, quân sự, kinh tế nhằm đẩy mạnh kháng chiến, về chính trị: củng cố đoàn kết toàn dân, phá chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, phá chính quyền bù nhìn của địch, về kinh tế: phá kinh tế tài chính địch, thực hiện tăng gia sản xuất tự cấp tự túc, cải thiện dân sinh, thực hiện giảm tô giảm tức và tịch thu tài sản, ruộng đất của Việt gian phản quốc chia cho dân cày nghèo và gia đình bộ đội. Về quân sự: phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, nhất là ở các vùng bị chiếm đóng, đồng thời tập trung bộ đội chủ lực đánh vận động tiêu diệt địch, quét những đồn lẻ của địch, bắt địch thu hẹp địa bàn, đột kích các thành phố nhỏ. Tăng cường công tác chính trị trong quân đội, ra sức lôi kéo quân ngụy chạy sang hàng ngũ ta, xúc tiến luyện quân lập công, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội và dân quân du kích, chỉnh đốn quân nhu, quân y, quân giới, chế tạo nhiều đạn và vĩ khí thô sơ để vũ trang toàn dân. Về xây dựng Đảng: củng cố chi bộ tự động công tác, chủ động lãnh đạo mọi mặt hoạt động, phát triển cơ sở đảng và củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong các vùng bị chiếm đóng, phát động một cao trào chiến tranh du kích và bất hợp tác với địch.

Đây là những chủ trương lớn nhằm phát động chiến tranh du kích ở các vùng sau lưng địch và tiến lên đánh vận động ở trước mặt địch, phá những cuộc tiến công mới của địch.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng bế mạc vào giữa tháng giêng âm lịch. Thời kỳ “thế địch như lửa”, quân địch ào ạt tiến công đã qua. Trên thuyền xuôi sông Đáy từ địa điểm họp hội nghị về nơi ở, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ xuân nhan đề “Nguyên tiêu” (Rằm tháng Giêng). Lời thơ sảng khoái, phong thái chủ động của Người báo hiệu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới.

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên,
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
(1)

*
*   *

Ngay từ mùa xuân 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ triển khai những công tác động viên và tổ chức nhằm tạo thế, tạo lực mới cho cuộc kháng chiến.

Tháng 3 năm 1948,  Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Thi đua ái quốc”. Mục đích thi đua là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Nội dung thi đua là hướng mọi cố gắng, mọi năng lực của nhân dân và quân đội ở tiền phương cũng như ở hậu phương đẩy mạnh kháng chiến. Công nhân, nông dân thi đưa tăng gia sản xuất. Bộ đội, dân quân thi đua giết giặc, lập công. Quân và dân vùng tạm bị chiếm thi đua phá tề trừ gian. Cơ quan thi đua công tác. Nhà trường thi đua học tập. Gia đình và cá nhân thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện đời sống mới. Hướng thi đua chủ yếu là luyện quân lập công và tăng gia sản xuất. Trong “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì. đều cần phải thi đua”(2).

“Diệt giặc đói khổ,
Diệt giặc dốt nát,
Diệt giặc ngoại xâm”(3).
“Làm cho mau - Làm cho tốt - Làm cho nhiều”
(4).

Thi đua ái quốc “sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”(5).


(1) Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sóng xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

(Thơ Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, H. 1967, tr. 60).
(2), (3), (4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 103-104.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 10:15:42 pm »

*
*   *

Tháng 4 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Hội nghị cán bộ bàn về công tác ở các vùng địch chiếm đóng.

Hội nghị xác định đây là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác của Đảng. Mục đích là giữ vững và nâng cao trình độ giác ngộ, tinh thần kháng chiến của nhân dân, khôi phục các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng, phối hợp đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị với các hình thức đấu tranh quân sự từ thấp đến cao, làm tan rã hàng ngũ địch, phá chính quyền ngụy, lập lại chính quyền ta. Khẩu hiệu đấu tranh trong các vùng bị chiếm đóng là: chống khủng bố, chống bắt phu, bắt lính, chống thu thuế, chống lập hội tề... Hội nghị chủ trương đưa các đội trang tuyên truyền tiến sâu vào các vùng sau lưng địch, gây cơ sở ở ngay hậu phương địch, dọn đường cho đại đội độc lập phát triển chiến tranh du kích. Các đại đội độc lập có nhiệm vụ giúp du kích trở thành những bộ đội địa phương, lập làng chiến đấu ở đồng bằng và khu chiến đấu ở miền núi, gây căn cứ du kích trong các vùng địch chiếm đóng.

Ngay trong tháng 4 năm 1948, Hội nghị dân quân toàn quốc do Bộ Tổng chỉ huy triệu tập đã thống nhất tổ chức và nội dung hoat động của dân quân du kích trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi mấy ngày đường để đến thăm và nói chuyện với Hội nghị.

Người đúc kết kinh nghiệm phong trào dân quân du kích từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đề ra nguyên tắc tổ chức và hoạt động của dân quân du kích trong chiến tranh cách mạng ở Việt Nam.

Người biểu dương phong trào du kích: nhiều nơi đã phối hợp chặt chẽ với Vệ quốc quân, hoặc tự mình đánh giặc; công việc trừ gian, đánh thổ phỉ, diệt hội tề, phá giao thông của địch, học chữ quốc ngữ, tăng gia sản xuất, dân quân du kích đều cố gắng, hăng hái và đã thu được những kết quả khá. Người khen ngợi những làng kháng chiến kiểu mẫu, những chiến sĩ dân quân xuất sắc, những đội lão du kích và nữ du kích dũng cảm.

Người nêu lên những khuyết điểm trong phong trào du kích cần được sửa chữa ngay. “Nhiều nơi chưa hiểu rõ ràng, chưa hiểu triệt để ý nghĩa du kích, vì vậy mà có khuynh hướng sai lầm, là ham đánh trận to, ham đánh những cứ điểm kiên cố của địch. Chưa thiết thực thi hành sự tự cấp tự túc, xem thường việc tăng gia sản xuất.

Chưa phối hợp thật chặt chẽ với Vệ quốc quân. Chưa biết tụ động tìm địch mà đánh.

Về mặt tổ chức và huấn luyện, thì ham hình thức, ít thiết thực”(1). Người phê bình: có nơi có lúc thường thì đội ngũ chỉnh tề, lúc có địch thì chẳng “du” mà cũng chẳng “kích”, thậm chí thấy địch đến lại “chuồn”.

Từ những ưu điểm, khuyết điểm trong phong trào du kích sau một năm toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành 7 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của dân quân du kích trong chiến tranh cách mạng:

“1. Thiết thực tổ chức và thiết thực huấn luyện dân quân du kích từng làng. Lấy dân quân du kích làng làm nền tảng đồng thời phải kiện toàn các đội du kích thoát ly.

2. Làm cho mỗi đội viên hiểu rõ và tin tưởng vào lực lượng của ta, tin tưởng vào vũ khí thô sơ của ta.

3. Phối hợp thật chặt chẽ với Vệ quốc quân.

4. Làm cho mỗi đội viên hiểu rõ cái nhiệm vụ vẻ vang của họ.

5. Làm cho họ hiểu rõ chiến thuật du kích là: phải luôn luôn giữ quyền chủ động, phải tìm địch mà đánh, phải luôn luôn khuấy rối phá hoại địch, phải cộng những thắng lợi nhỏ thành thắng lợi to.

6. Phải thực hành tự cấp tự túc bằng cách, thiết thực, bằng cách tăng gia sản xuất.

7. Phải thực hành những điều đó bằng cách thi đua. Làng này thi đua với làng khác, huyện, tỉnh, khu này thi đua với huyện, tỉnh, khu khác”(2).


(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 81, 82
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 10:17:03 pm »

Tháng 8 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương bàn về phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với dân quân du kích.

Mục đích tác chiến của bộ đội chủ lực trong giai đoạn mới là tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch. Hội nghị quyết định xây dựng những tiểu đoàn chủ lực mạnh để tiến lên đánh vận động ngày càng lớn; bộ đội chủ lực phải học đánh từng bước, diệt cứ điểm nhỏ và riêng lẻ của địch trước rồi mới đánh những cứ điểm trung binh và cứ điểm lớn học đánh vận động từ tiểu đoàn đến trung đoàn.

Cũng trong tháng 8 năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy triệu tập Hội nghị quân sự bàn kế hoạch xây dựng bộ đội chủ lực. Đến thăm Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đội ngũ cán bô quân sự phải trau dồi tài năng và đạo đức.

Người dạy: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là:

Phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.

Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng.

Tín là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn nghĩa là tự tin ở sức mình nữa nhưng không phải là tự mãn tự cao.

Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.

Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.

Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế; chớ tham danh vọng, tham sống.

Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”(1).

Người xác định: công tác của người tướng là:

“1. Đối với kỷ luật. Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng. Báo cáo từ dưới lên phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực.

Về kỷ luật, phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ.

2. Đối với binh sĩ, thì từ lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đầu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh.

... Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu.

3. Đối với dân... Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi.

4. Đối với địch, thì tuyệt đối chớ khinh địch. Tục ngữ có câu: “Sư tử muốn bắt con chuột cũng phải dùng hết sức mới bắt được”. “Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại”.

Ta biết rõ địch thì thắng. Nếu để địch biết rõ ta thì sẽ thất bại. Cho nên phải hết sức giữ bí mật.

Địch vận là tìm cách làm sao phá được địch mà không phải đánh. Cái đó là việc chính trị”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: với đội ngũ cán bộ quân sự có tài, có đức như thế, với phương châm chiến lược, chiến thuật mới, kháng chiến nhất định thắng lợi.


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 125-126.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 126-127.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 10:20:07 pm »

Mùa hè 1948, Đoàn đại biểu quân, dân, chính Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu quân sự Bình - Trị - Thiên do đồng chí Trần Văn Quang làm Trưởng đoàn ra đến Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu của hai chiến trường xa giữa lòng căn cứ địa.

Đoàn đại biểu Nam Bộ bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối của đồng bào Nam Bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn đại biểu Bình - Trị - Thiên bày tỏ với Người quyết tâm đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở địa phương.

Người thăm hỏi Đoàn đại biểu Nam Bộ về tình hình đoàn kết nội bộ và đoàn kết toàn dân, tình hình tổ chức dân quân, việc giúp đỡ kháng chiến của nhân dân nước bạn Campuchia. Với Đoàn đại biểu Bình - Trị - Thiên, Người phân tích: địch càng khủng bố càn quét thì máu căm hờn của đồng bào ta càng sôi sục nhiều hơn. Đó là một điều để ta chuyển được tình thế. Người nêu rõ: kháng chiến của ta là toàn dân, toàn diện, cả nước kháng chiến. Từ Nam Quan đến Cà Mau chỉ có một mặt trận. Nhưng từng nơi có hoàn rảnh riêng. Có bại rồi mới có thắng. Có nhỏ rồi mới có to, có tổ du kích ngày trước thì mới có lực lượng hùng hậu ngày nay.

Sau thất bại ở Việt Bắc thu - đông 1947, thực dân Pháp thấy không thể giải quyết chiến tranh bằng vài cuộc hành quân lớn và chỉ với lực lượng của bản thân chúng. Từ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, chúng buộc phải chuyển sang chiến lược đánh kéo dài, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, đồng thời ra sức xin viện trợ của đế quốc Mỹ. Thực hiện chính sách “siết chặt và vết dầu loang, thực dân Pháp thay thế những cuộc hành quân lớn bằng những cuộc hành quân nhỏ đánh vào từng thôn xã nhằm triệt phá cơ sở kinh tế và chính trị của ta, bình định vùng chúng chiếm đóng lấn chiếm vùng tự do, bao vây phong tỏa biên giới, ra sức lập ngụy quân ngụy quyền, giành giật sức người, sức của với ta.

Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra hết sức quyết liệt. Vùng địch chiếm đóng mở rộng ra nhanh chóng, hội tề mọc lên, hàng vạn thanh niên bị bắt đi lính ngụy. Quân địch rải ra lập cứ điểm và tháp canh ở đồng bằng Nam Bộ và đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 2 năm 1948, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra khuyết điểm lớn của các địa phương là đặt kế hoạch chủ quan, không căn cứ vào thực tế, cho nên khi địch tiến công thì tán loạn hết; “... ngoài một ít nơi, còn thì bộ đội chạy, du kích chạy, cơ quan chạy, cán bộ chạy. Để dân hoang mang, vất vả, cực khổ, thiệt hại oán giận... Đó là một tình trạng rất đáng tiếc, đáng đau lòng!”(1).

Nêu lên câu hỏi: Trách nhiệm ấy ai phải chịu? Người giải đáp: cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi. Thế mà vì hẹp hòi, bao biện, không biết phân công. Vì nhân dân chưa biết lựa chọn đề cử ra những người có năng lực. Vì cấp trên không biết cất nhắc, giúp đỡ, đốc thúc, kiểm tra, huấn luyện. Thành thử phần nhiều cấp xã là uể oải, thiếu năng lực, kém tinh thần”(2). Người phân tích cả những yếu kém về các mặt kinh tế, văn hóa, y tế đã xuất hiện ở nhiều làng xã như “Tín dụng sản xuất thì thi hành sai mục đích. Cho vay để tiêu pha nhiều hơn là cho vay để sản xuất... Hợp tác xã không biết chọn người có năng lực, có công tâm làm quản lý, để đến nỗi có sự nhũng lạm, phá sản, thiệt thòi cho dân, mất cả tín nhiệm”(3).

Người chỉ thị cho các địa phương phải lập ngay một chương trinh thiết thực, “bệnh nào thuốc ấy”, sửa chữa những khuyết điểm. Người kêu gọi cán bộ, đảng viên phải “đi sát với dân chúng. Phải đem cả lòng vì nước vì dân, chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính”(4) mà làm cho địa phương mình mau tiến bộ. Một lần nữa, trước những đòn đánh phá ác liệt của địch, Người yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao đạo đức cách mạng, bám dân bám đất, dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 44-45.
(2), (3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 44-45, 46.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 10:22:02 pm »

Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, ngay từ mùa xuân 1948, các đảng bộ địa phương đẩy mạnh cuộc đấu tranh trong các vùng bị địch chiếm đóng. Vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy, các đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, cán bộ và đảng viên các địa phương tiến sâu vào vùng bị chiếm đóng, ngày đêm lăn lộn với quần chúng, bắt mối với cơ sở cũ, xây dựng cơ sở mới, khôi phục phong trào, tổ chức nhân dân đấu tranh với địch từ hình thức thấp đến hình thức cao. Nhiều khu du kích và căn cứ du kích hình thành. Nhiều đội du kích địa phương ra đời. Trong cuộc đấu tranh sống mái với quân thù, nhiều cán bộ, đảng viên và chiến sĩ đã lẫm liệt hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hoạt động trong vùng địch là “những chiến sĩ kiểu mẫu của dân tộc, những người con xứng đáng của Đảng”, “rất dĩng cảm, tận tụy, bất kỳ gian nan nguy hiểm thế nào, vẫn cứ đi sát với dân, vẫn cứ bám lấy công việc, không nhút nhát, không phiền, hy sinh cả tính mệnh cũng không tiếc(1).

Cùng thời gian này, các tiểu đoàn chủ lực thuộc Bộ Tổng chỉ huy, thuộc các chiến khu, các tỉnh diệt được cứ điểm nhỏ và những đội quân hàng trăm tên địch. Các chiến công La Ngà, Tầm Vu, Mộc Hóa, La Bang, Lũng Mười, Mường Him, Lũng Vài, Bố Củng, Bản Trại, Đèo Khách, Phủ Thông, An Châu, Đồng Dương... đánh dấu bước trưởng thành mới của bộ đội chủ lực. Cả nước phấn khởi, càng quyết tâm đẩy mạnh kháng chiến.

Cuối năm 1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị tổng phá tề. Có lực lượng vũ trang hỗ trợ, nhân dân các vùng bị chiếm đóng nổi dậy quét ngụy quyền trên nhiều khu vực rộng lớn, lập lại chính quyền kháng chiến. Khí thế quần chúng nổi dậy mãnh liệt. Từ đồng bằng Bắc Bộ đến Bình - Trị - Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng bằng Nam Bộ, nhiều xã ấp được giải phóng.

“Biến hậu phương địch thành tiền phương ta” là thành công lớn nhất của quân và dân ta trong thu - đông 1948. Cơ sở chính trị và quân sự của cả một chiến lược của địch đã bị lung lay. Thắng lợi đó tạo điều kiện cho ta xây dựng bộ đội chủ lực, đẩy vận động chiến tiến tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương (1-1949) giữa lúc tình hình quốc tế biến chuyển dồn dập. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đang tiến xuống Hoa Nam.

Hội nghị nhận định: ngọn trào dân chủ mới của Trung Hoa sẽ tràn đến biên giới Đông Dương. Chúng ta phải nỗ lực chuẩn bị, sẵn sàng đón lấy thời cơ chiến lược.

Về nhiệm vụ quân sự, Hội nghị xác định: xây dựng bộ đội chủ lực là trung tâm công tác lúc này. Phải tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc cho những đơn vị có nhiệm vụ đánh vận động. Mọi việc biên chế, trang bị, huấn luyện đều nhằm mục đích thực hiện vận động chiến mà tiến hành. Phải từ chủ động chiến thuật và chiến dịch đi đến chủ động chiến lược bộ phận một cách mạnh bạo hơn. Du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phù trợ. Nhưng cần đẩy mạnh vận động chiến đi tới và khi có đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng.

Kết thúc Hội nghi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh một trong những việc phải làm trong năm 1949 là: “Đẩy tới quân sự, kháng chiến trên hết, quân sự trước hết”(2). “Những vấn đề thảo luận thì nhiều, nhưng đều hướng vào một đường đi: kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới để tiến tới chủ nghĩa xã hội”(3).

Tháng 4 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương. Đó là lực lượng vũ trang tập trung cơ động trên địa bàn địa phương, cùng dân quân du kích và tự vệ làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân ở địa phương, đồng thời là lực lượng hậu bị trực tiếp của bộ đội chủ lực.

Cũng trong tháng 4 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam thành Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Các đại đội độc lập đang hoạt động ở sau lưng địch được tập trung lại thành những tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực thuộc Bộ Tong tư lệnh hoặc thuộc Bộ tư lệnh các chiến khu. Tháng 8 năm 1949, Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập, có nhiệm vụ đi tiên phong trên con đường vận động chiến. Tiếp đó, các đại đoàn khác lần lượt được xây dựng. Hàng nghìn cán bộ đảng được điều động vào quân đội. Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp và Bộ Tổng Tham mưu được kiện toàn. Lực lượng vũ trang trong cả nước hình thành ba thứ quân: dân quân tự vệ, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Ta đã có điều kiện kết hợp mặt trận sau lưng địch với mặt trận trước mặt địch; vừa có lực lượng tại chỗ để tiêu hao, tiêu diệt, phân tán, giam chân địch, vừa có lực lượng cơ động để đánh những trận tiêu diệt ngày càng lớn.

Cùng với việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, phong trào thi đua ái quốc sôi nổi khắp nơi. Thế và lực kháng chiến ngày càng lớn mạnh.


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Nxb Sự thật, H. 1986, tr. 27.
(2), (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 183.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 10:25:01 pm »

Năm 1949, trước sự phát triển của cuộc kháng chiến ở Việt Nam và thắng lợi to lớn của cách mạng Trung Hoa, thực dân Pháp đề ra một kế hoạch chiến lược mới với sự đồng tình của đế quốc Mỹ. Nội dung chủ yếu của kế hoạch này là tăng thêm quân, lấy Bắc Bộ làm chiến trường chính, mở rộng vùng chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tăng cường phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, tăng cường phong tỏa vùng biên giới Việt Trung, triệt để bao vây căn cứ địa Việt Bắc. Với việc viện trơ quân sự cho thực dân Pháp để thực hiện kế hoạch chiến lược này, đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp công khai vào cuộc chiến tranh Đông Dương nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng lan rộng ở Đông Nam châu Á.

Được tăng thêm lực lượng, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta càng trở nên quyết liệt. Quân địch khủng bố dữ dội. Hội tề lập lại ở nhiều nơi. Cơ sở kháng chiến ở nhiều làng xã lại bị mất trắng.

Trước khó khăn mới của nhân dân các vùng bị chiếm đóng Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận trách nhiệm: “... một phần cũng vì tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức xua đuổi được loài thú dữ và cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân”(1). Người kêu gọi: “Bất kỳ già trẻ gái trai, mỗi người Việt Nam ở trong vùng tạm bị địch chiếm phải là người đào mồ chôn quân địch. Sự giải phóng của đồng bào, một phần do Chính phủ ta phụ trách, mà một phần cũng ở trong tay đồng bào”(2).

Với kinh nghiệm phát động chiến tranh du kích và tổng phá tề năm 1948, các cấp ủy đảng địa phương đã bám dân, bám đất, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị bảo vệ cơ sở, một lần nữa khôi phục phong trào kháng chiến ở các vùng sau lưng địch. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt ấy, quần chúng cách mạng có thêm kinh nghiệm, cơ sở cách mạng được rèn luyện vững chắc, phong trào chiến tranh du kích dần dần được khôi phục và phát triển.

Vừa xây dựng vừa chiến đấu, trong năm 1949 và đầu năm 1950, bộ đội chủ lực mở hàng chục đợt hoạt động đánh vận động trên khắp các chiếụ trường từ Bắc chí Nam. Mỗi đợt hoạt động sử dụng từ vài tiểu đoàn đến vài trung đoàn, giải phóng được một số vùng với vài vạn dân. Bộ đội chủ lực đã tiến bộ về tác chiến và xây dựng lực lượng, nhưng vẫn còn thiếu những binh khí kỹ thuật để đánh cứ điểm kiên cố và còn thiếu kinh nghiệm tác chiến tập trung để tiến lên đánh vận động thực sự.

Tháng 4 năm 1949, trong khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến xuống Hoa Nam, ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tỉnh Quảng Tây đề nghị Việt Nam cùng phối hợp chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định dùng bộ đội chủ lực của Quân khu Việt Bắc và bộ đội địa phương hai tỉnh Lạng Sơn, Hải Ninh mở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giúp bạn mở rộng vùng căn cứ Ung - Long - Khâm. Người chỉ dẫn phương châm tác chiến nhằm đánh bại quân Tưởng, tiễu trừ thổ phỉ, giải phóng và bảo vệ nhân dân nước bạn trong khu vực tác chiến. Người căn dặn cán bộ chỉ huy: “Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi”. Trong chiến dịch này, bộ đội ta cùng bộ đội bạn giải phóng một khu vực từ Thủy Khẩu (Long Châu) đến Ninh Minh, Bằng Tường, Phòng Thành (Khâm Châu). Tuy còn nhiều khó khăn, cách mạng Việt Nam vẫn ghé vai với cách mạng Trung Quốc, thể hiện một tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.

Cách mạng Trung Quốc thành công. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến Chủ tịch Mao Trạch Đông chúc mừng thắng lợi vĩ đại của cách mạng Trung Quốc và công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Mùa xuân năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên Xô và Trung Quốc. Sau 10 năm về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ quốc tế Nguyễn Ái Quốc trở lại Mát-xcơ-va. Cùng đi với Người có đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng.

Trong thời gian ở Liên Xô, Người đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Xô - viết, thông báo tình hình đấu tranh cách mạng và sự phát triển cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, trao đổi ý kiến về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam và địa vị của phong trào cách mạng Việt Nam trong trào lưu cách mạng thế giới. Tại Liên Xô, Người cũng gặp đại diện của Đảng Cộng sản Pháp và nhiều tổ chức quốc tế, tranh thủ sự ủng hô của cách mạng thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trong thời gian ở Trung Quốc, Người đã hội đàm với các nhà lãnh đạo của nước Trung Hoa mới và thống nhất với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc cách mạng Trung Quổc viện trợ quân sự cho cách mạng Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, với bút danh Đin, Người đã viết bài báo nhan đề “Nước Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình” đăng trên tạp chí Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân. Sau khi giới thiệu cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam giữa vòng vây đế quốc, bài báo nêu rõ: “... trái với tất cả những sự tính toán của lực lượng phản động quốc tế, đứng đầu là lực lượng phản động Pháp - Mỹ đang muốn biến Việt Nam thành một cái hàng rào chống cộng sản ở Đông Nam Á, nước Việt Nam dũng cảm đang trở thành một tiền đồn vững chắc của mặt trận quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc ở khu vực này của thế giới”(3). Người xác định việc Liên Xô, nước Trung Hoa mới và các nước dân chủ nhân dân công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là một thắng lợi lớn đối với Việt Nam. Cảm tình của nhân dân lao động toàn thế giới và sự đoàn kết của nhân dân Pháp đã dấy lên một phong trào rộng lớn chống “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” ở Việt Nam lại là một thắng lợi to lớn nữa. Người khẳng định: nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi tất cả bọn xâm lược và giải phóng Tổ quốc. “Quyết tâm bền bỉ đó, niềm tin tưởng không gì lay chuyển đó của một dân tộc là sự bảo đảm vững chắc của thắng lợi cuối cùng”(4).

Tháng 3 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về căn cứ Việt Bắc.

Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân lần lượt công nhận Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vòng vây của chủ nghĩa đế quốc bị phá vỡ. Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh của cách mạng thế giới, chuyển sang phản công và tiến công.


(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 191.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 361.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 361.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2020, 10:29:12 pm »

IV. CHUYỂN MẠNH SANG GIAI ĐOẠN PHẢN CÔNG VÀ TIẾN CÔNG,
THỰC HIỆN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC

Tháng 1 năm 1950, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường tới Liên Xô, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng đã họp tại căn cứ địa Việt Bắc.

Trong thư gửi Hội nghị, Người vạch rõ: “Xét tình hình trong nước và ngoài nước, thế lực của ta và của địch, năm nay là năm cuộc kháng chiến của ta chuyển biến lớn”. “Nhiệm vụ của năm mới là: hoàn thành việc chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công(1).

Theo tinh thần ấy, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng đã đề ra những chủ trương cụ thể nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, động viên mọi lực lượng, khẩn trương xây dựng quân đội nhân dân ngày càng tinh nhuệ, đánh mạnh thắng to, đưa cuộc kháng chiến phát triển sang giai đoạn mới.

*
*   *

Năm 1950, theo sự thỏa thuận giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại đoàn 308 và một số trung đoàn chủ lực trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh được điều lên vùng biên giới Việt - Trung để huấn luyện và nhận trang bị mới.

Với sự giúp đỡ của các cố vấn Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, bộ đội ta đã đúc kết kinh nghiệm chiến đấu của mình, học tập kinh nghiệm của bạn. Sức chiến đấu của bộ đội được nâng lên rõ rệt.

Tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới giải phóng một phần biên giới từ Cao Bằng đến Đông Khê, Thất Khê, mở rộng vùng căn cứ địa Việt Bắc, phá hàng rào phong tỏa của thực dân Pháp, “mở đường giao thông quan trọng với Trung Quốc và thế giới dân chủ”(2).

Liên khu ủy và Bộ tư lệnh liên khu Việt Bắc động viên sức người sức của, huy động hàng vạn đồng bào các dân tộc đi dân công phục vụ chiến dịch. Đoàn thanh niên cứu quốc tổ chức những đội thanh niên xung phong làm đường ra tiền tuyến. Các chiến khu khác được lệnh đánh mạnh, kiềm chế địch, không cho địch tiếp viện lên Cao - Bắc - Lạng.

Mùa hè năm 1950, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đến căn cứ địa Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Trần Canh, Trưởng Đoàn cố vấn quân sự, trước khi Đoàn lên biên giới cùng Bộ chỉ huy chiến dịch chuẩn bị phương án tác chiến.

Đầu tháng 9 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi chiến dịch. Người kêu gọi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích: “Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này”(3). Người cổ vũ thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”(4).

Ngày 10 tháng 9 năm 1950, tại sở chỉ huy chiến dịch ở làng Tả Phầy Tử (Quảng Uyên, Cao Bằng), Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch gồm bốn bước: đánh Đông Khê; đánh quân viện của địch lên Đông Khê; đánh Thất Khê; đánh Cao Bằng. Ngày hôm sau, Người chỉ thị về mục đích và quyết tâm chiến dịch cho cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn và đại đoàn. Tiếp đó, Người ra trực tiếp quan sát cụm cứ điểm Đông Khê.

Bác Hồ kính yêu ra trận là biểu hiện ý chí quyết thắng cao nhất của Đảng và của toàn dân, toàn quân ta. Toàn mặt trận phấn khởi tin tưởng, nô nức lập công.

Ngày 16 tháng 9 năm 1950, đạn pháo ta giáng xuống Đông Khê. Chiến dịch Biên Giới bắt đầu.

Sau hơn hai ngày đêm chiến đấu ác liệt, bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Đông Khê. Ngay sau chiến thắng Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: có thể địch sẽ giành lại Đông Khê để giữ vững Cao Bằng, hoặc đánh lên Đông Khê để đón quân Cao Bằng rút lui. Người vạch ý đồ tác chiến của ta là: “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng.

Mất Đông Khê, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương quyết định rút quân khỏi Cao Bằng theo kế hoạch: một mặt vét lực lượng dự bị chiến lược còn lại ở Bắc Bộ mở cuộc hành quân từ Hà Nội lên chiếm thị xã Thái Nguyên, hy vọng kéo chủ lực ta vể để đỡ đòn cho biên giới; một mặt dùng lực lượng cơ động ở Lạng Sơn do Lơ Pa-giơ chỉ huy đánh chiếm lại Đông Khê đón quân ở Cao Bằng về. Ngày 3 tháng 10, quân địch ở Cao Bằng do Sác-tông chỉ huy rút khỏi thị xã Cao Bằng, theo đường số 4 xuống Đông Khê. Thú dữ đã vào tròng.

Cuộc chiến đấu vây đánh binh đoàn Lơ Pa-giơ đã diễn ra quyết hệt 7 ngày đêm ở tây - nam Đông Khê. Ngày 6 tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho các chiến sĩ: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng”(5). Sáng ngày 7 tháng 10, binh đoàn này hoảng loạn tháo chạy. Chiều ngày 8 tháng 10, Lơ Pa-giơ cùng bộ tham mưu hành quân bị bắt sống.

Được tin quân cứu viện lâm vào cảnh khốn quẫn, Sác-tông cho đốt hết xe, pháo, bỏ đường số 4, rẽ tắt vào rừng, hy vọng hợp quân với Lơ Pa-giơ ở tây - nam Đông Khê. Bộ đội ta nhanh chóng vận động đến khép chặt vòng vây. Người gửi thư động viên, khen ngợi cán bộ và chiến sĩ: “Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp luôn mấy ngày. Đó là một cuộc thử thách lớn. Các chú không mệt nhọc, đói rét, chỉ ra sức thi đua giết địch... Các chú đã hoàn thành bảy phần mười cuộc thử thách một cách dũng cảm. Các chú cố gắng mà tiêu diệt nốt binh đoàn Sác-tông nhé. Bác và Tổng tư lệnh đã ra lệnh khao các chú một bữa thịt bò”(6). Chiều ngày 7 tháng 10, binh đoàn Sác-tông bị tiêu diệt. Sác-tông và bộ tham mưu binh đoàn cùng tên tỉnh trưởng Cao Bằng bị bắt sống.

Tại Thái Nguyên, quân địch tháo chạy về Hà Nội.

Ở Đông Bắc, quân Pháp bỏ Thất Khê, Đồng Đăng, Lạng Sơn Đình Lập, An Châu chạy về Tiên Yên. Đồng thời ở Tây Bắc quân Pháp cũng bỏ Hoàng Su Phì, Bắc Hà, Bảo Thắng, Lào Cai, Sa Pa chạy về Than Uyên, Nghĩa Lộ. Hệ thống vành đai khép chặt biên giới bị phá vỡ. Một dải chiến lược vùng biên giới được giải phóng. Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố. Hậu phương kháng chiến của ta nối liền với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.

Chiến dịch Biên Giới là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta, một chiến dịch đánh vận động, đánh tiêu diệt xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Trong “Lời kêu gọi và khuyên nhủ chiến sĩ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “... trong trận này, ta đã thắng hai trận: thắng lợi thứ nhất, chúng ta đã tiêu diệt địch và đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Thắng lợi thứ hai là ta đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta”. “Chúng ta chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch; chúng ta phải nhớ trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này chỉ mới là một bước đầu. Chúng ta còn phải đánh và phải thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”(7).


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 340.
(2) Ban nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, t.1, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1974, tr. 396.
(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 416, 425.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 433.
(6), (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 434, 437-438.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM