Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:59:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định  (Đọc 8572 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #80 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 08:51:34 am »

LỰC LƯỢNG ĐẶC CÔNG, BIỆT ĐỘNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG QUÂN KHU 5
TRONG TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968



Đại tá NGUYỄN THỊ THU HIỀN
Trưởng ban Tổng kết Lịch sử Công tác Đảng, Công tác Chính trị Quân khu 5



Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân Khu 5 đã phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng quân sự và chính trị, đồng loạt tiến công và nổi dậy, từ đồng bằng ven biển đến Tây Nguyên. Là lực lượng mũi nhọn tiến công sâu vào hậu phương đô thị của địch, lực lượng đặc công, biệt động góp phần tích cực cùng quân dân Quân khu 5 nói riêng và miền Nam nói chung tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Bám sát và phân tích tình hình chiến trường, nước Mỹ cũng như tình hình thế giới, Bộ Chính trị nhận định: "Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược" . Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: "... động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định". Đây là "nhiệm vụ trọng đại và cấp bách", nhằm giáng cho địch một đòn thật mạnh, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng và từ tình hình thực tiễn của địa phương, Khu ủy và Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định tập trung lực lượng của ba thứ quân tiến công đồng loạt, liên tục, mạnh mẽ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, từ đồng bằng lên miền núi, tiêu diệt lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ - chính quyền Sài Gòn, kết hợp với những cuộc khởi nghĩa quy mô và quyết liệt của quần chúng giành thắng lợi. Mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương đều dồn sức tập trung chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, với quyết tâm cao "sẵn sàng hy sinh cho thắng lợi quyết định".

Trên cơ sở quyết tâm tác chiến chiến dịch, Khu ủy, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ tiến công quân sự trên các hướng cho các đơn vị trên toàn chiến trường 1.

Lực lượng đặc công, biệt động tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có nhiệm vụ đánh sâu vào thành phố, thị xã, căn cứ quân sự và kho vật tư chiến lược của địch. Từ giữa năm 1965, lực lượng đặc công đã xây dựng được: Đặc công cơ động, Đặc công chuyên trách và Đặc công biệt động. Lực lượng biệt động phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã: Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Buôn Ma Thuột. Trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, lực lượng đặc công, biệt động đã đánh nhiều trận xuất sắc, góp phần tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng đặc công có nhiệm vụ đánh vào đô thị được bố trí như sau: Căn cứ Đà Nẵng: 2 tiểu đoàn 487, 489 và Biệt động Lê Độ. Thị xã Hội An: Tiểu đoàn 2 bộ binh đã được huấn luyện đặc công. Thị xã Tam Kỳ: 1 liên đội. Thị xã Quảng Ngãi: Trung đoàn 401 và tiểu đoàn đặc công của tỉnh. Thị xã Quy Nhơn: 1 tiểu đoàn (4 đại đội). Thị xã Tuy Hòa và Vũng Rô: Tiểu đoàn 430 và các đại đội 201, 202, 25. Nha Trang và Cam Ranh: 3 đại đội K88, K90, K91 và 2 đại đội đặc công nước K92, K93. Thị xã Kon Tum: Tiểu đoàn 406. Thị xã Pleiku và An Khê: 3 tiểu đoàn 407, 408, 450 và 2 đại đội. Thị xã Buôn Ma Thuột: Tiểu đoàn 401.

Trong lúc các lực lượng sẵn sàng xuất kích thì Quân khu nhận được lệnh lui thời gian nổ súng lại một ngày để thống nhất phối hợp với toàn Miền. Quân khu cấp tốc lệnh cho các đơn vị, nhưng một số đơn vị không kịp nhận được lệnh, vẫn nổ súng theo thời gian cũ.
Lúc 23 giờ ngày 29-1-1968, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa nổ súng tiến công vào sân bay Nha Trang, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên chiến trường miền Nam.

Trước đó, tự vệ nội thị Nha Trang đã "xâu chuỗi" các cơ sở cách mạng theo từng nhóm; tuyên truyền phát huy ý chí cách mạng cho những người thân, đưa họ vào hoạt động trong tổ chức, động viên đóng góp tiền cho chiến khu, phát hiện và lập danh sách chỉ điểm, cô lập chúng, giúp đỡ thanh niên trốn lính, đấu tranh chống bắt lính, mua hàng "quốc cấm" cho chiến khu... Tài liệu tuyên truyền được đánh máy ngay tại nhà cơ sở ở nội thị. Tự vệ nội thị Nha Trang tích cực may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam loại lớn, loại nhỏ; khẩn trương đón lực lượng từ ngoài vào thị xã, chuẩn bị nhân sự thành lập chính quyền cách mạng.

Ở thị xã Nha Trang, đúng 23 giờ ngày 29-1, các chiến sĩ đặc công của 2 đại đội K90 và K91 bất ngờ nổ súng và làm chủ tỉnh đường, tiểu khu, Sở tiếp vận 5, sau đó phát triển đánh sang Sở chỉ huy Việt - Mỹ - Hàn và một số cơ quan của địch ở đường Yersin và đường Duy Tân (nay là đường Trần Phú); cùng lúc đó Đại đội K88 đánh vào khu vực Đài Phát thanh. Trên hướng Cam Ranh, các đại đội K92, K93 đánh vào sân bay và cảng quân sự, phá hủy 12 máy bay và đánh chìm một tàu vận tải 8.000 tấn.

Ở Phú Yên, đúng 0 giờ 30 phút ngày 30-1-1968, cán bộ, chiến sĩ đặc công với khẩu hiệu "nhằm thẳng mục tiêu mà tiến, nhằm thẳng quân thù mà bắn" đã đồng loạt đánh vào khu cố vấn Mỹ, Sở chỉ huy Trung đoàn 47 quân Sài Gòn, Ty Cảnh sát, sân bay Đông Tác, sân bay lên thẳng Thọ Lâm, Sở chỉ huy Trung đoàn 28 Bạch Mã, trận địa pháo Hảo Sơn..., diệt hàng trăm quân Mỹ, quân Sài Gòn và Nam Triều Tiên, phá hủy 29 máy bay các loại, 8 đại bác, nhiều xe quân sự, phương tiện chiến tranh.

Ở Quy Nhơn, lực lượng vòng ngoài của ta kiên cường đánh chặn, thu hút, kiềm giữ địch, tạo điều kiện cho các đơn vị đánh bên trong luồn vào. Lúc 1 giờ 15 phút ngày 30-1-1968, Đội Biệt động Quy Nhơn phối hợp với Tiểu đoàn 50, Tiểu đoàn đặc công Liên ấp 3 và lực lượng tự vệ tiến công đánh chiếm Đài Phát thanh và khu quân trấn, diệt và bắt sống toàn bộ quân địch chiếm đóng ở hai khu vực này, giải thoát 22 cán bộ và cơ sở, trong đó có đồng chí bí thư thị ủy. Đây là chiến công lớn trong Tết Mậu Thân trên chiến trường Bình Định. Đại đội đặc công Đ20 đánh kho đạn Đèo Son. Đại đội đặc công nước 598 bắn chìm 2 bo bo của địch.

Ở Đà Nẵng, trước ngày Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng giao liên tăng cường đưa vũ khí, trang bị lót vào các căn cứ lõm; một số cán bộ lãnh đạo cải trang, bí mật vào nội thành. Tại căn cứ lõm Hồng Phước, các cơ sở cách mạng đào hầm bí mật kiên cố trong lòng cát. Các khu vực đều có "bí danh": B1 (Hồng Phước), B2 (Đa Phước), B3 (Đà Sơn), B4 (Khánh Sơn), B5 (Hòa Mỹ), B6 (Hòa Phú), B7 (Phước Lý), B8 (Trung Nghĩa), B9 (Hòa An), B10 (Phước Tường), B11 (Đông Phước), B12 (Nghi An) để giữ bí mật. Chuẩn bị cho Tết Mậu Thân, các căn cứ đã đón gần 100 cán bộ, chiến sĩ từ các quận nội thành về nhận kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy. Tại Hồng Phước, các cơ sở cách mạng, giao liên có sáng kiến đục lỗ các khúc gỗ lớn, nhét lựu đạn, thuốc nổ vào trong, đập toe đầu gỗ để xóa dấu vết, dùng xe lam, xe đò đưa vào nội thành trang bị cho lực lượng biệt động.

Đúng 2 giờ 30 phút ngày 30-1, cùng lúc với tiếng súng của các đơn vị, hỏa tiễn bắn vào sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, các đơn vị đặc công nhanh chóng đánh chiếm khu rađa ở điểm cao Phước Tường, Sở chỉ huy Trung đoàn 51 quân đội Sài Gòn ở Miếu Bông. Lực lượng biệt động đánh vào Đài Phát thanh, Quân vụ thị trấn, Tòa thị chính...

Chấp hành lệnh lùi thời gian nổ súng lại 24 giờ, đúng 1 giờ 30 phút ngày 31-1, Liên đội đặc công tỉnh Quảng Nam đánh vào thị xã Tam Kỳ. Mặc dù lúc này quân địch đã đề phòng cẩn mật, nhưng lực lượng đặc công đã nhanh chóng đánh chiếm khu vực nhà ga, diệt một số lô cốt, phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ phía tây, sau đó phát triển vào đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 2 quân Sài Gòn, trận địa pháo, đốt và phá các kho xăng, kho đạn, phối hợp với bộ binh đánh vào tỉnh đường, trại bảo an, bãi xe cơ giới. Cùng đêm, Tiểu đoàn đặc công 409 tiến công sân bay và Sở chỉ huy Sư đoàn Amêricơn của Mỹ ở Chu Lai, Tiểu đoàn 10 đặc công Sư đoàn 2 đánh chiếm quận lỵ Duy Xuyên.

Tại Hội An, phối hợp với đòn tiến công quân sự, chính trị, Đội Biệt động Hội An tiến đánh một số nơi, trừng trị nhiều tên ác ôn. Lực lượng biệt động là anh em làm thợ mộc ở trại mộc Ông Một hóa trang thành "cảnh sát dã chiến" đuổi bắn lính địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn.

Ở Quảng Ngãi, Trung đoàn đặc công 401 phối hợp với các đại đội 506A, 506B, 21 đánh chiếm Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 2 quân đội Sài Gòn, Ngã năm, Đài Phát thanh, Tỉnh đoàn bảo an, một phần Đặc khu, phá nhà lao, giải thoát cho hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang bị giam giữ.

Tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trước Tết Mậu Thân diễn ra trận đánh vào kho của cơ sở nội tuyến Nguyễn Luyện. Kho Mai Hắc Đế chứa phương tiện chiến tranh, là "dạ dày thép" của đối phương ở Tây Nguyên, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Nguyễn Luyện hoạt động trong hàng ngũ địch, lấy thuốc nổ trong kho (đặt tại mỗi hầm 8 - 10kg C4 gắn kíp hẹn giờ), sau đó nhanh chóng rút ra an toàn trước sự canh gác nghiêm ngặt của lính địch. Đúng 5 giờ 20 phút ngày 19-1, tiếng nổ lớn làm rung chuyển thị xã Buôn Ma Thuột, khói lửa trùm kín bầu trời phía tây thị xã, 3 ngày sau, cháy nổ mới tạm lắng; 3 đại đội lính bảo vệ và quản lý kho bị loại khỏi vòng chiến đấu, 12/16 khu kho với khoảng 4.200 tấn vũ khí trang bị bị phá hủy; nhiều phương tiện, trang bị khác của các đơn vị địch đóng quân lân cận cũng bị phá hủy.

Ở Tây Nguyên, 00 giờ 45 phút ngày 30-1, phối hợp với cuộc tiến công của bộ binh và pháo binh, Đại đội đặc công 310 đánh chiếm một phần khu thiết giáp ở trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Ở thị xã Pleiku, Tiểu đoàn đặc công 408 và đặc công tỉnh Gia Lai đánh vào sân bay Aria, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy, khu biệt động quân, tiểu khu, phá hủy 45 máy bay, 70 xe quân sự, phá nổ nhiều kho tàng, diệt gần 500 địch. Trước giờ nổ súng, cơ sở trong nội thị Kon Tum bí mật đưa một xe vũ khí giấu dưới những lớp lá chuối vào trong thị xã. Chiều 30 Tết, một bộ phận đặc công cải trang thành người đi sắm tết, vào chờ sẵn ở một số quán trong khu vực chợ. Đúng giờ nổ súng, Tiểu đoàn đặc công 406 nhanh chóng đánh chiếm tiểu khu, Tòa hành chính, Ty cảnh sát, phá sập cầu Đắk bla.

Ngay trong đêm đầu tiên, các đơn vị đặc công đã đánh chiếm được hầu hết các mục tiêu và bám trụ, sẵn sàng đánh địch phản kích đúng như mệnh lệnh. Đòn tiến công bất ngờ và đồng loạt của ta đã làm cho Mỹ và quân đội Sài Gòn hoang mang, sửng sốt. Các chiến sĩ đặc công đã giữ vững vị trí chiến đấu, kiên quyết đánh trả địch. Đến cuối ngày mồng 6 Tết Âm lịch, tiếng súng chiến đấu của các chiến sĩ đặc công vẫn còn vang trong các thị xã Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Nha Trang... Tuân thủ triệt để những nguyên tắc chỉ đạo của cách đánh đặc công: chuẩn bị chu đáo, lấy ít đánh nhiều, mưu trí sáng tạo, bí mật bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, lực lượng đặc công Quân khu đã đánh vào 10 thành phố, thị xã và gần 20 quận lỵ, chi khu, thị trấn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên chiến trường Khu 5 đã gây cho địch một đòn choáng váng. Ngay từ đầu, các lực lượng pháo, cối và bộ đội đặc công đã đánh mạnh làm tê liệt hầu hết các sân bay, các trận địa pháo, căn cứ hậu cần của Mỹ - quân đội Sài Gòn, phá hủy nặng binh khí kỹ thuật và phương tiện chiến tranh của chúng, "ta đã tiêu diệt trên 30.000 quân địch, phá hủy hơn 600 máy bay, hàng trăm đại bác và xe cơ giới, làm nổ tung 49 kho đạn, cắt đứt và làm tê liệt hầu hết các đường giao thông chiến lược. Ta đã phát triển được thế tiến công chiến lược áp đảo kẻ thù trên toàn Khu, làm sụp đổ phần lớn bộ máy kìm kẹp của địch ở nông thôn, đưa chiến tranh vào tận dinh lũy cuối cùng của địch".

Tuy nhiên, do không thống nhất được ngày "N", các chiến trường nổ súng chênh lệch nhau. Khánh Hòa là điểm khởi đầu cho "Tết Mậu Thân" trên toàn chiến trường miền Nam, nhưng Quảng Nam và Quảng Ngãi lại nổ súng sau một ngày. Với lực lượng đông, trang bị vũ khí nhiều, Mỹ và quân đội Sài Gòn dần dần giành lại thế chủ động và tổ chức phản kích. Tính bí mật, bất ngờ của cách đánh đặc công, biệt động không được bảo đảm ở một số nơi. Các trận đánh trở nên ác liệt, nhiều tình huống phát sinh ngoài dự kiến, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, một số tổ chức biệt động bị đánh phá, nhiều đồng chí bị giam giữ.

 Từ tháng 3-1968, địch phản kích quyết liệt trên khắp chiến trường thành thị Quân khu 5. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương dùng một bộ phận nhỏ đặc công, pháo cối tiếp tục đánh địch ở thành thị, còn đại bộ phận lui về nông thôn đồng bằng diệt địch và giữ vững thế trận. Chủ trương kịp thời này của Quân khu 5 được Bộ Chính trị biểu dương.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với tính táo bạo, bất ngờ về thời gian, mục tiêu và quy mô, đã làm cho địch không phán đoán nổi. Toàn bộ hậu phương an toàn của địch bị tiến công đồng loạt. Ta đã đánh vào "huyết mạch", vào "tim óc" và "yết hầu" của chúng. Nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt, nội bộ chính quyền Mỹ càng thêm mâu thuẫn sâu sắc. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn buộc phải tuyên bố đồng ý đàm phán với Chính phủ ta, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình đi xuống về chiến lược của Mỹ. Chiến thắng Tết Mậu Thân 1968 là một mắt xích cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với quân dân cả nước, Quân khu 5, trong đó có lực lượng đặc công, biệt động đã góp phần "đánh cho Mỹ cút", mở ra thời cơ "đánh cho ngụy nhào", giành lại độc lập, thống nhất đất nước.





---------------------------------------------------------------
1. Bộ Tư lệnh Quân khu chia chiến trường thành 4 hướng tiến công và nổi dậy như sau:
1. Quảng Đà - Quảng Nam (gồm Bắc Quảng Ngãi): Đây là hướng quan trọng nhất. Quân khu xác định tỉnh Quảng Đà là chiến trường chính và thành phố Đà Nẵng là trọng điểm; 2. Bình Định (gồm An Khê (Gia Lai)); 3. Phú Yên - Khánh Hòa; 4. Tây Nguyên.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #81 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 08:59:09 am »

BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN - TƯỢNG ĐÀI BẤT TỬ
TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968



Đại tá, PGS.TS. HỒ SƠN ĐÀI
Nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7


Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ 1954-1975 là đại bản doanh của quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam và Đông Dương, là "thủ đô", trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của chế độ Sài Gòn; nơi đứng chân các đơn vị quân đội cơ động chiến lược, cảnh sát tình báo mật vụ các loại và hệ thống kho tàng dự trữ vật chất kỹ thuật nuôi sống guồng máy chiến tranh xâm lược. Sài Gòn - Gia Định là nơi phát ra và chỉ đạo điều hành các chủ trương chiến lược, các kế hoạch, biện pháp và thủ đoạn chiến thuật với chế độ bảo vệ đặc biệt chặt chẽ. Tiến hành đấu tranh vũ trang ở Sài Gòn - Gia Định, vì thế, không thể sử dụng một lực lượng vũ trang thông thường như ở các chiến trường khác, mà đòi hỏi một lực lượng được tổ chức đặc biệt tinh gọn, có chất lượng chiến đấu cao, có nghệ thuật chỉ huy và thực hành tác chiến tài trí, dũng cảm, có hệ thống tổ chức ém giấu lực lượng và cung cấp hậu cần kỹ thuật công phu. Đó là lực lượng Biệt động Sài Gòn!

Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động đã chiến đấu tại các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất giữa trung tâm thành phố Sài Gòn. Trong điều kiện tương quan lực lượng không cân sức, họ đã chiến đấu như những người anh hùng, và cuối cùng, phần lớn trong số họ hoặc bị địch bắt hoặc anh dũng hy sinh. Cuộc chiến đấu của Biệt động Sài Gòn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một tượng đài bất tử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.

1. Vài nét về Biệt động Sài Gòn những năm trước Mậu Thân 1968

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, cùng với các địa phương phía nam vĩ tuyến 17, lực lượng vũ trang cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn tập kết ra miền Bắc. Một số cán bộ, chiến sĩ Công tác Thành, Tự vệ Thành, Công an xung phong Thành được phân công ở lại chuyển sang mặt trận đấu tranh chính trị; một thời gian sau, một số bị bắt, tù đày, bị hy sinh, số còn lại chuyển vùng ẩn giấu tung tích hoặc ra bưng biền lập căn cứ gây dựng lại các nhóm vũ trang. Từ năm 1961, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định và các đơn vị vũ trang cách mạng được tái lập trên cơ sở tiếp nhận số cán bộ tập kết trở về cùng số cán bộ ở lại và lực lượng mới ra đời trước và trong phong trào Đồng khởi. Trong nội đô Sài Gòn, các ngành, các cánh công tác phong trào chính trị (Thanh niên, Học sinh, Hoa vận, Phụ vận, Binh vận, Tuyên huấn...) tổ chức các tổ, liên tổ tự vệ mật, đồng thời rút một số thanh niên ra căn cứ bàn đạp huấn luyện thành chiến đấu viên, cán bộ quân sự nội thành.

Đến cuối năm 1963, lực lượng vũ trang thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định hình thành. Ở ngoại thành, có tiểu đoàn tập trung và lực lượng binh chủng của Quân khu, các đại đội địa phương huyện, du kích tập trung xã, liên xã, du kích và tự vệ mật ấp, liên ấp. Trong nội thành có tự vệ mật, nội tuyến binh vận, du kích chiến đấu, trinh sát chiến đấu, công tác vũ trang, cán bộ quân sự phụ trách của từng địa phương, ban ngành, lực lượng. Bên cạnh đó, còn có các tổ, đội biệt động cánh, ngành, quận và các đơn vị biệt động của Quân khu. Như thế, biệt động Sài Gòn không phải là toàn bộ lực lượng vũ trang nội thành mà chỉ là một bộ phận lực lượng cơ động đặc biệt của một số ngành, cánh và của Quân khu Sài Gòn - Gia Định hoạt động trong thành phố. Lần lượt 6 đội biệt động Thành (159, 65, 66, 67, 68, 69) ra đời, tổ chức thành 2 lực lượng: lực lượng trực tiếp chiến đấu; lực lượng làm công tác bảo đảm.

Cuối năm 1964, sau hàng loạt thắng lợi chính trị, quân sự của lực lượng kháng chiến trên các chiến trường, sự khủng hoảng triền miên của chế độ Sài Gòn (khởi từ biến cố Diệm bị đảo chính và sát hại tháng 11-1963), Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền đã vạch định một kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, mang mật danh X. Thực hiện kế hoạch X, Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập Đoàn biệt động F100 1. Đây là đơn vị biệt động tập trung cơ động của Quân khu Sài Gòn - Gia Định, gồm 14 đội: 9 đội biệt động nội đô mang số hiệu từ 3 đến 11 (mỗi đội từ 15 đến 20 cán bộ, chiến sĩ); 3 đội đặc công - biệt động ven đô (hoạt động ở các khu vực Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè); 2 đội công tác bảo đảm chuyên trách xây dựng cơ sở, làm hầm bí mật để trú ém người và cất giấu vũ khí, tổ chức đường dây liên lạc và vận chuyển vũ khí từ chiến khu vào nội thành mang phiên hiệu A20 và A30 2. Cùng với lực lượng biệt động của Quân khu, lực lượng biệt động các cánh, ngành cũng được củng cố, như Đội 65 Bình Tân, Đội 66 Dĩ An, Đội 67 Gò Môn, Đội 68 Thủ Đức, Đội 69 Nhà Bè - Quận 4 và biệt động của Hoa vận, Thành Đoàn,...

Năm 1967, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam về tổng công kích - tổng khởi nghĩa, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Quân khu 7 được giải thể và tổ chức lại thành 6 phân khu, mang phiên hiệu từ 1 đến 6, trong đó 6 là phân khu nội đô Sài Gòn 3 . Bộ Chỉ huy Phân khu 6 4 giải thể Đoàn F100 biệt động, thành lập các đội biệt động độc lập đảm nhiệm nhiệm vụ tiến công từng mục tiêu trong thành phố. Ngoài lực lượng bảo đảm, hơn 100 chiến đấu viên của F100 được tổ chức thành chín đội mang số hiệu từ 1 đến 9 biên chế trong ba cụm: Cụm 128 (các đội 1, 2, 8 ); Cụm 345 (các đội 3, 4, 5); Cụm 679 (các đội 6, 7, 9); và 1 đội độc lập phiên hiệu 90C.

Như vậy, Biệt động Sài Gòn bao gồm các đơn vị vũ trang đặc biệt do Quân khu hoặc của các địa phương, tổ chức ban ngành kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thành lập, làm nhiệm vụ tiến công các mục tiêu quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị này sống hợp pháp trong thành phố, được biên chế, huấn luyện và trang bị vũ khí đặc biệt tinh nhuệ, chặt chẽ và hết sức bí mật. Đến trước cuộc tổng tiến công năm 1968, họ là các cụm biệt động của Phân khu nội đô, các đội biệt động cánh và ban ngành của Sài Gòn - Gia Định vừa được tổ chức lại. Hầu hết đều đã trải qua chiến đấu trong các trận tiến công nổi tiếng tại Sài Gòn và vùng ven vào những năm 1963-1967 5.





----------------------------------------------------------------
1. Ban chỉ huy Đoàn biệt động F100 gồm: Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - Chỉ huy trưởng, Nguyễn Nhinh (Bảy Dũng) - Chính trị viên, Nguyễn Hát (Năm Hát) và Võ Tâm Thành (Sáu Thành) - Chỉ huy phó, Trần Minh Sơn (Bảy Sơn) - Tham mưu trưởng.

2. A20 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào nội thành, tổ chức đường dây giao liên ra vào thành phố, do Đỗ Tấn Phong (Ba Phong) và Dương Long Sang (Hai Sang) chỉ huy. A30 làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, hầm bí mật chứa vũ khí và ém quân, do Ngô Thành Vân (Ba Đen) và Lê Viết Đỉnh chỉ huy.

3. Phân khu 1 (hướng tây bắc) gồm các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp (Gia Định), Bến Cát, Dầu Tiếng (Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh). Phân khu 2 (hướng tây nam) gồm Bình Tân, bắc Bình Chánh, các quận 3, 5, 6 và các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Thủ (Long An). Phân khu 3 (hướng nam) gồm các quận 2, 4, 7, 8, Nhà Bè, nam Bình Chánh và các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An). Phân khu 4 (hướng đông bắc) gồm Thủ Đức, Long Thành, Nhơn Trạch (Biên Hòa), Thạnh Mỹ Tây (Gia Định). Phân khu 5 (hướng bắc) gồm Phú Nhuận, Bình Hòa (Gia Định); Tân Uyên, Phú Giáo, Lái Thiêu, Dĩ An (Bình Dương). Phân khu 6 (khu vực nội thành Sài Gòn), cơ cấu gồm lực lượng vũ trang nội thành, bao gồm cả lực lượng biệt động và các cơ sở Đảng ở các lõm chính trị nội đô.

4. Bộ Chỉ huy Phân khu 6 gồm: Trần Hải Phụng - Chỉ huy trưởng, Võ Văn Thạnh - Chính trị viên, Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng đặc trách lực lượng biệt động Thành.

5. Một số trận tiêu biểu: kho xăng sân bay Tân Sơn Nhất (1-1963), cư xá sĩ quan Mỹ đường Cao Thắng (2-1963), rạp chiếu bóng Kinh Đô dành riêng cho cố vấn Mỹ ở đường Lê Văn Duyệt (7-1963, 2-1964), tàu Card trọng tải 16.500 tấn tại cảng Sài Gòn (5-1964), cầu Công Lý nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara đi qua (5-1964), khách sạn Caravell đường Catinat (8-1964), kho xăng Nhà Bè (10-1964, 3-1965), câu lạc bộ hàng không Tân Sơn Nhất (11-1964), khách sạn Brink dành riêng cho sĩ quan Mỹ (12-1964), trụ sở phái đoàn MACV (1-1965), Tòa Đại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi (3-1965), phòng tiếp tân dành riêng cho Bộ Chỉ huy Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất (5-1965), Tổng nha công an cảnh sát Sài Gòn (8-1965), khách sạn Metropol dành cho sĩ quan Mỹ (12-1965), căn cứ khu vực hậu cần sư đoàn 25 Mỹ ở ngã tư Bảy Hiền (12-1965), Sở chỉ huy hành quân Bộ Tổng Tham mưu (2-1966), khách sạn Victoria sáu tầng, nhà ở của trên 200 sĩ quan và nhân viên sĩ quan kỹ thuật hàng không Mỹ (4-1966), khu để máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (4-1966), đồn cảnh sát Phú Lâm (5-1966), tàu 12.000 tấn hậu cần Mỹ tại sông Lòng Tàu (7-1966), lễ đài diễu binh ngày quốc khánh chế độ Sài Gòn sau nhà thờ Đức Bà (7-1966)...

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #82 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 09:07:35 am »

2. Cuộc chiến đấu không cân sức tại nội đô Sài Gòn

Tháng 10-1967, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức hội nghị hạ quyết tâm động viên mọi lực lượng với nỗ lực cao nhất, thực hiện bằng được hai nhiệm vụ:

1- Đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn;

2- Phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền, làm chủ các quận và đưa lực lượng quần chúng có tổ chức vào làm chủ các mục tiêu mà biệt động đã chiếm lĩnh; phối hợp với lực lượng chủ lực của Phân khu và Miền từ ngoài vào, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền Sài Gòn các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ tại địa bàn Sài Gòn - Gia Định.

Do đã được chuẩn bị từ trước (theo kế hoạch X), công tác chuẩn bị tiến công diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Trong kế hoạch tổ chức các phân khu, lực lượng vũ trang trên từng địa bàn (kể cả các tiểu đoàn mũi nhọn và biệt động trực thuộc) của Quân khu Sài Gòn - Gia Định được tách ra để ghép vào địa bàn các tỉnh xung quanh thành phố, trong đội hình các phân khu 1, 2, 3, 4, 5 trên năm hướng tiến vào thành phố Sài Gòn. Du kích tập trung ở các xã được tổ chức thành từng đội; riêng ở Gò Môn, Tân Bình, Nhà Bè, Thủ Đức có 26 đội. Về chuẩn bị địa bàn, các địa phương đã xây dựng hoàn chỉnh các lõm căn cứ ở vùng ven và cơ sở ở nội thành làm nơi ém quân, cất giấu vũ khí và xuất phát triển khai chiến đấu. Tính đến thời điểm cuối năm 1967, đã xây dựng được 19 cơ sở chính trị ở gần các mục tiêu trọng yếu với 325 gia đình cơ sở, tạo được 400 điểm ém quân ở các lõm chính trị cầu Bông, khu Bàn Cờ, xóm Chùa Tân Định... Vũ khí, phương tiện cơ động đã tập kết đầy đủ. Đến trước giao thừa Xuân Mậu Thân, về cơ bản, công tác chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy của Sài Gòn - Gia Định đã hoàn tất.

Lực lượng Biệt động Thành (trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự Phân khu 6 1) tổ chức thành 2 khối: khối các đội trong nội đô và khối bố trí các cánh. Theo phương án tổng công kích - tổng khởi nghĩa, Biệt động Thành được giao đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, khám Chí Hòa, Bộ Tư lệnh hải quân; đồng thời phối hợp với Phân khu 1 đánh chiếm Bộ Tư lệnh thiết giáp, Bộ Tư lệnh pháo binh, sân bay Tân Sơn Nhất; phối hợp với Phân khu 2 và Phân khu 3 đánh chiếm khu xăng dầu Nhà Bè; phối hợp với Phân khu 4 đánh chiếm cầu Sài Gòn và Tân Cảng. Riêng mục tiêu Sứ quán Mỹ, trong quá trình xây dựng kế hoạch, dự kiến không tiến công vì lý do chính trị, đến cận Tết mới giao cho Biệt động Thành đánh chiếm.
Đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết Mậu Thân, các đơn vị Biệt động rời khỏi vị trí ém quân trong nội đô, di chuyển. Các chỉ huy đội lần lượt đến Sở chỉ huy Biệt động đặt tại quán phở Bình (7 Yên Đổ) nghe lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận giờ G nổ súng. Và cuộc tập kích vào các mục tiêu được phân công được khởi đầu đồng loạt vào 2 giờ sáng mùng 2 Tết sau 8 quả đạn cối 82 mm nã vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Cụm biệt động 679 (27 chiến đấu viên, do Đỗ Tấn Phong chỉ huy) chia thành 2 mũi tiến công vào cổng số 1. Do quân địch quá đông, dựa vào công sự kiên cố để bắn trả, cả hai mũi không vào được bên trong căn cứ, đành phải trụ lại dọc bờ rào và các ngôi nhà kế cận tiếp tục chiến đấu. Bị địch chia cắt đội hình và phản kích quyết liệt, một bộ phận buộc phải rời khỏi trận địa, một số khác trụ lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới sa vào tay địch lúc 9 giờ ngày mùng 3 Tết. Kết quả, địch chết và bị thương gần 100 tên, 2 xe bọc thép và 1 đại liên bị phá hủy. Cụm biệt động 679 giữ được trận địa gần 2 ngày đêm, hy sinh 10, bị bắt 4, mất tích 3 cán bộ, chiến sĩ.

Ở mục tiêu Đài Phát thanh Sài Gòn, Đội biệt động 4 (có 11 chiến đấu viên, do Đội trưởng Năm Lộc chỉ huy) chia thành 2 mũi; mũi thứ nhất dùng thủ pháo phá cửa sắt tiến vào cổng chính (số 3 Phan Đình Phùng) chiếm khu vực phát sóng và một số vị trí; mũi thứ hai kiềm chế cho bộ phận xung kích bị địch chặn đánh không vào được bên trong. Địch huy động quân bao vây, dùng máy bay thả pháo sáng và xe thiết giáp tiến công. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài đến 6 giờ sáng, khi các chiến sĩ bắn hết đạn, dùng khối thuốc nổ 20kg phá hủy đài và anh dũng hy sinh. Kết quả, địch chết và bị thương 38 tên, 1 xe bọc thép và 1 xe GMC bị phá hủy. Đội biệt động 4 đánh chiếm và giữ được mục tiêu trong 4 giờ 31 phút, hy sinh 10 cán bộ, chiến sĩ.

Đối với mục tiêu Dinh Độc Lập, Đội biệt động 5 (có 15 chiến đấu viên, do Trương Hoàng Thanh chỉ huy), sau khi không đánh sập được cổng để phát triển vào bên trong, buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du (Đội biệt động 5 vốn là đơn vị tập kích Tòa Đại sứ Mỹ, khách sạn Caravell, cư xá Brink, Metropol, Tổng nha Cảnh sát... nay chiến đấu như bộ binh trên đường phố nên rất bất lợi). Đội đã bắn cháy nhiều xe chở lính Mỹ và lính quân đội Sài Gòn, sau đó rút vào cố thủ và tiếp tục chiến đấu trong tòa nhà 56 Thủ Khoa Huân, rồi tòa nhà 108 Gia Long cho đến khi bị bắt vào lúc 3 giờ sáng ngày 1-2. Kết quả, địch chết và bị thương gần 100 tên (có một số lính Mỹ), 3 xe jeep bị phá hủy. Đội biệt động 5 hy sinh 8, bị bắt 7 cán bộ, chiến sĩ.

Tại mục tiêu Bộ Tư lệnh hải quân, Đội biệt động 3 (có 16 chiến đấu viên do Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lớp chỉ huy) tổ chức thành 2 mũi, đánh sập lô cốt đầu cầu, vượt qua cổng chính phát triển vào bên trong, phá sập nhà canh phòng của đại đội công vụ hải quân. Quân địch trong căn cứ, cả từ tàu đậu dưới sông bắn trả quyết liệt và tổ chức bao vây. Các chiến sĩ biệt động chiến đấu cực kỳ dũng cảm, đến 6 giờ sáng thì toàn đội hy sinh gần hết, chỉ có 2 chiến sĩ vượt sông Sài Gòn thoát về căn cứ Thủ Đức. Kết quả, địch chết 12 tên (có 2 quân cảnh Mỹ), 1 lô cốt và 1 dãy nhà bị phá hủy. Đội biệt động 3 hy sinh 14 cán bộ, chiến sĩ 2.

Đánh mục tiêu Đại sứ quán Mỹ là Đội biệt động 11 (có 17 chiến đấu viên, do Ngô Thành Vân tức Ba Đen chỉ huy) chia làm 4 tổ, tiến công cổng chính trên đường Thống Nhất và dùng bộc phá đánh thủng một mảng tường trên đường Mạc Đĩnh Chi để đột nhập vào bên trong. Các chiến sĩ nhanh chóng tiêu diệt lực lượng chống đối, đánh chiếm tầng trệt, lầu 1, rồi lầu 2 tòa nhà. Ngoài lực lượng quân cảnh chống trả tại chỗ, Mỹ điều thêm một đơn vị thuộc Sư đoàn dù đổ xuống sân thượng tòa nhà, dùng hỏa lực và vũ khí hóa học đánh xuống. Đến 9 giờ sáng, quân địch tràn ngập Đại sứ quán Mỹ. Toàn đội biệt động chỉ còn một mình Chỉ huy trưởng Ba Đen bị thương và bị bắt. Đội 11 là đơn vị được giao nhiệm vụ sau cùng, tổ chức huấn luyện chỉ trong mấy ngày, đêm 30-1-1968 mới được biết kế hoạch tiến công, nhưng đã chiến đấu cực kỳ anh dũng. Kết quả, địch chết 27 tên, bị thương 124 tên. Đội biệt động 11 chiếm giữ sứ quán Mỹ được 7 giờ, bị bắt 1 và hy sinh 16 cán bộ, chiến sĩ.

Trên cơ sở nhận định: đòn quân sự của ta chưa đủ liều lượng để tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy, tháng 3-1968, Trung ương Cục miền Nam chủ trương tiếp tục Tổng tiến công và nổi dậy nhằm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng và làm chủ toàn bộ nông thôn đồng bằng và miền núi. Theo đó, lực lượng biệt động được giao nhiệm vụ cùng với các đơn vị chủ lực, tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng tại chỗ trên năm hướng tiếp tục đánh vào nội thành, phát động quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng xung quanh thành phố.

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, lực lượng biệt động được củng cố lại. Số cán bộ, chiến sĩ còn lại từ các đội thuộc ba cụm 128, 345, 679 trước đây dồn lại thành một cụm. Bộ Chỉ huy Phân khu 6 huy động thêm lực lượng của các địa phương Đức Hòa, Tân Mỹ thành lập một tiểu đoàn do Võ Tâm Thành chỉ huy. Bên cạnh đó, còn có các đơn vị biệt động và vũ trang tuyên truyền của Thành đoàn, Ban Hoa vận, Ban Công vận, Ban Phụ vận (Tiểu đoàn Lê Thị Riêng) hoặc chưa chiến đấu trong đợt 1 hoặc vừa được củng cố xây dựng.

Trong điều kiện lực lượng vừa bị tổn thất lớn, yếu tố bí mật không còn, quân địch đã tăng cường các đơn vị chiến đấu phòng thủ xung quanh Sài Gòn theo chiến thuật "bê tông" lên tới 60 tiểu đoàn với 200.000 quân không kể hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép và các trận địa pháo, sân bay dã chiến, Biệt động Sài Gòn đã bước vào đợt 2 của cuộc tiến công Mậu Thân với quyết tâm rất cao. Đợt 2 của cuộc tổng tiến công từ đêm 4 rạng ngày 5-5-1968. Theo kế hoạch, trong đêm 4 rạng 5-5, các đơn vị trên các hướng đã dũng mãnh thọc sâu vào thành phố tiến công các mục tiêu quy định.

Có sự phối hợp tác chiến ngay từ đầu của pháo binh và bộ binh Miền, của các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng tại chỗ, lực lượng biệt động triển khai hoạt động tác chiến tại các vị trí được phân công. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt tại Phú Lâm, Trường đua Phú Thọ, đường Hậu Giang, Chợ Bình Tây, sân vận động Cộng Hòa, ngã tư Bảy Hiền (hướng tây, tây nam); Lò Heo, Chánh Hưng, nam cầu Chữ Y, Nhị Thiên Đường, Tân Thuận, đường Âu Dương Lân, Phạm Thế Hiển, khu vực Tây Quy (hướng nam); Xóm Mới, Cây Gõ, An Nhơn, Gò Vấp (hướng bắc và đông bắc); cầu Rạch Chiếc, cầu Bình Triệu, cầu Bình Lợi, ngã ba Hàng Xanh, cầu Phan Thanh Giản, cầu Thị Nghè, đường Tự Đức (hướng đông); các bót cảnh sát, toà hành chính quận, khu vực Phú Lâm, Minh Phụng, Chợ Lớn (trong nội đô).

Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Lê Thị Riêng tập kết ở khu vực chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà thờ Nguyễn Cư Trinh, đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, hẻm 83 Đề Thám, hẻm 4 Trần Hưng Đạo, cư xá Kiến Thiết chiếm lĩnh các khu vực, bắt gom nhiều cảnh sát và nhân viên chính quyền Sài Gòn, dùng loa phóng thanh vận động nhân dân làm công sự chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch cho đến khi hết đạn, bị thương và bị bắt vào 11 giờ ngày hôm sau.

Lực lượng vũ trang tuyên truyền và biệt động cánh Hoa vận đánh chiếm tòa Hành chánh Quận 5, cắm cờ Mặt trận Giải phóng và tổ chức đánh địch tới giải tỏa, đến 15 giờ mới rút khỏi mục tiêu sau khi dùng thuốc nổ đánh sập một phần tòa nhà. Những ngày sau đó, tiếp tục tiến công một số vị trí của địch như Ty cảnh sát, Ty thuế vụ quận 5, bót Bà Hòa..., cùng nhân dân nổi dậy làm chủ khu vực Lò Gạch, Lò Gốm, Lò Siêu khóm 1 phường Trang Tử, khóm 6 phường Phú Lâm, diệt một số tên phản động, ác ôn.

Tính chung cả hai đợt trên toàn mặt trận Sài Gòn - Gia Định, lực lượng biệt động đã góp phần loại khỏi vòng chiến đấu 47.000 tên (có một phần lớn quân đội Sài Gòn rã ngũ, đào ngũ); tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 21 tiểu đoàn, 97 đại đội quân Mỹ, quân đội Sàì Gòn và quân đồng minh; bắn rơi và phá hủy, hỏng 500 máy bay các loại, 1.480 xe quân sự (có 630 xe tăng và thiết giáp); thiêu hủy 45 kho bom đạn, xăng dầu, đánh chìm và bị thương 14 tàu chiến và tàu vận tải; đánh sập 19 cầu cống; tiêu diệt, bức hàng, bức rút 150 đồn bót.

Đợt 2 cuộc tiến công Mậu Thân kết thúc ngày 18-6-1968, cũng cơ bản kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định. Và Biệt động Sài Gòn bước vào giai đoạn mới: giai đoạn củng cố, phát triển lên quy mô lớn để tham gia trận đánh cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

3. Một tượng đài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Ra đời từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Biệt động Sài Gòn xây dựng và phát triển hoàn thiện về mặt tổ chức, thành một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đứng chân và hoạt động ngay tại thủ đô của chế độ Sài Gòn. Dựa vào sự hậu thuẫn tuyệt đối của đồng bào đô thị, với phương châm lợi dụng sơ hở của địch, lấy ít đánh nhiều, tập kích nhanh rút gọn, với lối đánh độc đáo biến hóa, bí mật bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, với hành động mưu trí quả cảm, xuất quỷ nhập thần, lực lượng biệt động đã chiến đấu có hiệu quả ngay giữa trung tâm đầu não sài Gòn, trở thành nỗi kinh hoàng của Mỹ và quân đội Sài Gòn trong suốt cuộc chiến tranh. Hoạt động của họ đã góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực cao cấp của địch, phá hoại nhiều cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của chúng; phá vỡ âm mưu, hạ uy thế và gây hoang mang cho quân địch ngay ở cơ quan chóp bu; kích thích tinh thần của quần chúng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị ở nội đô và tạo điều kiện cho quần chúng ven đô bung ra đấu tranh với địch; phối hợp nhịp nhàng với các chiến trường trên toàn miền Nam.

Vào thời điểm trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, lực lượng địch ở miền Nam có gần 50 vạn quân Mỹ, hơn 70 vạn quân đội Sài Gòn và hàng vạn quân đội các nước đồng minh của Mỹ, chúng ưu tiên bố trí lực lượng bảo vệ Sài Gòn ở tất cả các tầng trong và ngoài với 4 sư đoàn Mỹ, 4 sư đoàn quân đội Sài Gòn, 8 tiểu đoàn dù và thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn an ninh thủ đô, 20 vạn biệt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát dã chiến, hàng ngàn khóa sinh quân sự, hàng ngàn thanh niên chiến đấu và nhiều đơn vị cơ giới, binh chủng, quân chủng. Ở vòng ngoài, có các lữ đoàn 1 và 2 thuộc Sư đoàn bộ binh 25 Mỹ (tại căn cứ Đồng Dù), Sư đoàn bộ binh 25 quân đội Sài Gòn và nhiều tiểu đoàn biệt động quân, đại đội bảo an ở phía tây bắc; Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ (tại căn cứ Lai Khê), Trung đoàn thiết giáp 11 Mỹ, Sư đoàn bộ binh 5 quân đội Sài Gòn, hàng chục tiểu đoàn biệt động quân, đại đội bảo an, lực lượng dân vệ ở phía bắc; Các đơn vị đánh thuê Nam Triều Tiên, Úc, quân dù Mỹ, Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn ở phía đông và đông bắc; Các đơn vị thuộc lực lượng tổng trù bị bao gồm hải quân, dù, thủy quân lục chiến và 1 lữ đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh số 9 Mỹ ở phía nam. Ở vòng trong, ngoài lực lượng bảo vệ trị an lãnh thổ của Biệt khu Thủ đô và cảnh sát dã chiến, địch có 2 tiểu đoàn Mỹ, 1 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị quân đội Sài Gòn ở các trại Đống Đa, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Tô Hiến Thành, lực lượng bảo vệ căn cứ, hậu cứ các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, chưa kể hệ thống tình báo quân đội, cảnh sát ngầm, mật vụ, chỉ điểm... Địch từng tự hào "Sài Gòn được bảo vệ đến từng mắt lưới của một chiếc vó cất cá".

Kịch bản cuộc Tổng tiến công được xác định: Lực lượng biệt động bất ngờ áp sát, tiến công đánh chiếm các mục tiêu được phân công như đã nêu ở trên. Liền đó, lực lượng của Thành đoàn, các ban, ngành, giới đến tiếp ứng tại các mục tiêu đánh chiếm (Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh hải quân mỗi nơi có 200 người, Bộ Tổng Tham mưu có 5.000 người, Tổng nha Cảnh sát có 1.000 người, khám Chí Hòa có 1.000 người...). Đồng thời, các tiểu đoàn mũi nhọn thọc sâu vào thành phố chiếm giữ các mục tiêu vừa được biệt động đánh chiếm và lực lượng thanh niên, sinh viên bao vây áp chế. Cùng lúc, các đơn vị bộ đội chủ lực Miền tiến công các căn cứ và tiêu diệt địch ở vòng ngoài, sẵn sàng làm nhiệm vụ thọc sâu; quần chúng nhân dân nổi dậy bức rút đồn bót, giành chính quyền, thành lập ban tự quản cách mạng. Nhưng thực tế diễn biến của cuộc tổng tiến công trong đợt 1 đã không diễn ra theo kịch bản định sẵn. Biệt động chỉ tiến công được 5 mục tiêu theo kế hoạch (các mục tiêu khác vì nhiều lý do, đơn vị tiến công không tiến sát vị trí đúng thời gian) 3 . Trong 5 mục tiêu ấy, các đơn vị biệt động đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: đột nhập, đánh chiếm vị trí được phân công. Tuy nhiên, các tiểu đoàn mũi nhọn, lực lượng quần chúng đã không đến hỗ trợ tiến công và làm chủ mục tiêu như kế hoạch hiệp đồng. Hầu hết trong số họ đã anh dũng ngã xuống hoặc bị địch bắt trong cuộc chiến đấu đơn độc và không ngang sức giữa thành phố Sài Gòn.

Lịch sử Biệt động Sài Gòn gắn liền với những chiến công mà ý nghĩa của nó vượt qua kết quả những trận đánh thông thường, hướng tới tầm chiến dịch, chiến lược và hơn thế. Trong cuốn sách "Tết", nhà báo Mỹ Don Oberdoifer, người được trực tiếp chứng kiến những ngày giao tranh khốc liệt của Biệt động Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân 1968 viết: Tầm quan trọng đầy đủ về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đang nằm ngoài tầm nhận thức của những người Mỹ; và dù đối với ai, cách suy nghĩ thế nào, cuộc Tổng tiến công này vẫn là một sự kiện có tính chất bước ngoặt, một trong những bước ngoặt lớn của thời đại chúng ta. Do đặc điểm hoạt động đơn tuyến ở địa bàn sào huyệt của kẻ thù, không ít chiến sĩ biệt động ngày nào chưa được minh định công trạng và tưởng thưởng xứng đáng. Dù vậy, những chiến công của họ đã âm thầm lát một viên gạch nhỏ đẫm mồ hôi và máu trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, và lịch sử nhân loại có thêm một cụm danh từ trong bộ Từ điển bách khoa quân sự: Biệt động Sài Gòn!





------------------------------------------------------------------
1. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân sự Phân khu 6 còn quản lý, chỉ huy lực lượng tự vệ của các ngành, đoàn thể của Sài Gòn - Gia Định như Thành đoàn, Hoa vận, Binh vận, Công vận, Phụ vận, Tuyên huấn....

2. Trong đó có Đội trưởng Bảy Lớp bị chuẩn tướng giám đốc cảnh sát quốc gia Nguyễn Ngọc Loan dùng súng ngắn bắn vào thái dương trên đường phố. Sau này có ý kiến cho rằng, người bị Loan bắn là Bảy Nè - cán bộ Ban Cán sự Đảng Quận 5.

3. Cụm biệt động 128 trang bị 30 khẩu súng có nhiệm vụ tiến công Biệt khu thủ đô và Tổng nha Cảnh sát, xuất phát từ chiều 30-1 tại An Tịnh - Trảng Bàng, nhưng do hiệp đồng không chặt với đơn vị của Phân khu 2 và Phân khu 3, khi toàn thành phố nổ súng, còn ở ấp 2 Tân Nhựt - Bình Chánh, cách Sài Gòn 15 kilômét nên không kịp áp sát mục tiêu tiến công. Đội biệt động 90C có nhiệm vụ tiến công Khám Chí Hòa, đêm 30-1 xuất phát từ ấp Sa Nhỏ - Củ Chi, trên đường hành quân gặp địch, buộc phải nổ súng và rút lui.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #83 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 09:18:07 am »

QUÂN VÀ DÂN TÂY NGUYÊN
TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968



Đại tá, ThS. ĐỖ NHUẬN
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


Sau thất bại của hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, cùng với những hạn chế bộc lộ rõ trong kế hoạch "tìm diệt và bình định" trên chiến trường miền Nam, quân viễn chinh Mỹ và đồng minh buộc phải lui về phòng ngự chiến lược. Trong bối cảnh đó, nhằm giáng đòn quyết định vào chiến lược "chiến tranh cục bộ" và đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tháng 12-1967, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của ta sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định bằng "phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa". Về phương châm chiến lược, Bộ Chính trị xác định: cần phải "sử dụng tốt nhất lực lượng vũ trang của ta, căng địch ra khắp chiến trường, phải biết điều động lực lượng quân sự của địch ra các chiến trường quan trọng và sử dụng những quả đấm mạnh đánh quỵ các binh đoàn chủ lực của địch; đồng thời biết kịp thời phản công tiêu diệt địch, bẻ gãy các cuộc phản kích của chúng...".

Tại Tây Nguyên, sau thất bại ở Đắk Tô (11-1967), quân Mỹ phải thực hiện chiến lược "quét và giữ". Để giữ được Tây Nguyên, "một địa bàn chiến lược quan trọng có tác dụng làm bình phong ngăn chặn phát triển tấn công của Quân giải phóng về đồng bằng Khu 5 và uy hiếp ở hướng Nam Bộ", địch đã tổ chức xây dựng các tuyến ngăn chặn tiến công kết hợp với phản kích nhằm chốt giữ các vị trí quan trọng và những vùng xung yếu. Quân đội Sài Gòn được điều động ra tuyến trước thay thế quân Mỹ và đồng minh.

Về phía ta, thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, ngày 28-12-1967, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho chiến trường Tây Nguyên, nhấn mạnh: "Thu hút kiềm chế địch, phối hợp với chiến trường toàn miền Nam; tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ, quân đội Sài Gòn; đánh vào thị xã, diệt ngụy quyền, đẩy phong trào quần chúng vùng lên".

Cụ thể hóa nhiệm vụ của Bộ Tổng Tư lệnh, Khu ủy và Đảng ủy Quân khu 5 xác định Tây Nguyên là "hướng rất quan trọng, chiến trường tiêu diệt lớn sinh lực địch; cắt phá giao thông, bao vây cô lập các căn cứ địch ở Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy tại chỗ; thu hút kiềm chế và đánh tiêu diệt lớn quân Mỹ trên chiến trường rừng núi, tạo thuận lợi cho chiến trường đồng bằng". Theo kế hoạch của Khu ủy và Đảng ủy Quân khu, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở các thành phố trên địa bàn Quân khu tùy thuộc vào điều kiện và khả năng từng nơi mà áp dụng phương thức cho phù hợp. Đối với các thị xã Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột ở Tây Nguyên chủ yếu dùng đòn tiến công quân sự để giải phóng.

Thực hiện quyết sách chiến lược của Khu ủy và Đảng ủy Quân khu 5, quân và dân Tây Nguyên khẩn trương làm công tác chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy. Chỉ trong một thời gian ngắn, 27.800 bộ đội chủ lực, hơn 6.000 bộ đội địa phương và gần 16.000 du kích được triển khai trên các hướng. Trong đó, Sư đoàn bộ binh 1 và các đơn vị binh chủng tập trung trên hướng Đường 18 - Plei Kần (nơi dự kiến quân Mỹ sẽ phản kích khi ta tiến công thị xã Kon Tum và thực hiện đòn tiến công tiêu diệt lớn). Các trung đoàn 24, 95, 33 được Bộ Tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên tăng cường cho mặt trận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Ngoài ra, lực lượng tham gia tiến công vào thị xã được bổ sung thêm 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội hỏa tiễn hỗn hợp (ĐKB, ĐKZ, 12,7mm). Cùng với công tác chuẩn bị lực lượng, công tác vận động quần chúng, tổ chức lực lượng đấu tranh chính trị và nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền được các tỉnh, huyện chú trọng. Hàng chục nghìn quần chúng sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh và phục vụ chiến đấu.

Về công tác bảo đảm, cùng với nguồn chi viện của Đoàn 559, Đoàn 17, Đoàn 86 và của ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, toàn chiến trường đã chuẩn bị được 9.721 tấn gạo, 519 tấn muối, 1.251 tấn thực phẩm, 49 tấn hàng quân y, 56 tấn xăng dầu, 1.182,724 tấn đạn, 41.062 tấn vũ khí và 4,1 tấn quân cụ.

Đến đầu năm 1968, lực lượng quân Mỹ ở Đắk Lắk có khoảng 450 cố vấn và nhân viên kỹ thuật, quân đội Sài Gòn có Trung đoàn 45 bộ binh, Trung đoàn 8 thiết giáp và một số tiểu đoàn bảo an. Tại Gia Lai, quân Mỹ có Sư đoàn 1 không vận đóng ở An Khê, Sư đoàn 4 bộ binh và Lữ đoàn 173 dù đóng ở Pleiku; quân đội Sài Gòn có Tiểu đoàn 11 và 22 biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp và 1 tiểu đoàn bảo an dân phòng. Ở Kon Tum, quân Mỹ có 1 lữ đoàn thuộc Sư đoàn 4 bộ binh đóng trên khu vực Đường 18; quân đội Sài Gòn có Trung đoàn 42, một tiểu đoàn biệt động quân và các tiểu đoàn bảo an trong thị xã.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, từ ngày 15 đến ngày 25-1-1968, Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên mở đợt tiến công cao điểm trên toàn chiến trường, nhằm: "Tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giam chân thu hút lực lượng Mỹ lên hướng Plei Kần, kéo chủ lực địch ra ngoài thị xã tạo điều kiện cho các lực lượng của ta áp sát mục tiêu, chuẩn bị bàn đạp, tập dượt và rèn luyện bộ đội, đồng thời bảo đảm yếu tố bí mật cho Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968".

Kết thúc đợt tiến công cao điểm trước Tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang Tây Nguyên đánh 36 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 2.366 tên (trong đó có 1.608 tên Mỹ), bắt 88 tên, phá hủy 361 xe quân sự các loại, 17 khẩu pháo lớn, trên 3.000 tấn bom, đạn, xăng dầu; bắn rơi và phá hỏng 198 máy bay, thu 205 khẩu súng các loại và 9 máy vô tuyến điện. Đợt tiến công của quân và dân Tây Nguyên là đòn kết hợp chặt chẽ giữa tiến công địch rộng khắp với đòn đánh thọc sâu vào các mục tiêu nằm trong hậu cứ của địch mà trước đó ta chưa có điều kiện thực hiện, buộc địch phải căng kéo lực lượng đối phó trên các hướng.

Sau đợt hoạt động cao điểm, theo kế hoạch tác chiến, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ các tỉnh, chiều ngày 29-1-1968, hàng trăm cán bộ, đảng viên ở ba tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk) bí mật tổ chức quần chúng sẵn sàng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công trên các hướng. Tiểu thương ở chợ Kon Tum cung cấp hàng trăm bộ quần áo cho bộ đội cải trang để mang vũ khí vào nội thị an toàn; hàng nghìn quần chúng tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk dưới hình thức đi sắm hàng Tết di chuyển vào thị xã sẵn sàng chờ lệnh hành động.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên, 0 giờ 30 phút ngày 30-1-1968 1, Sư đoàn bộ binh 1 sử dụng Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 174) phối hợp cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương nổ súng tiến công thị trấn Tân Cảnh (Kon Tum) - mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó, các hướng đồng loạt nổ súng như thị xã Buôn Ma Thuột là 0 giờ 45 phút; Pleiku là 0 giờ 55 phút, Kon Tum là 1 giờ 15 phút.

Trên hướng tiến công chủ yếu vào thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), với sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, các đơn vị chủ lực của ta nhanh chóng triển khai lực lượng đánh chiếm Đài Phát thanh, Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 bộ binh, Tòa án binh, Ty Cảnh sát, bắn phá Sở chỉ huy Trung đoàn 45 và sân bay Buôn Ma Thuột, khu cư xá Mỹ, Bănggalô, khu cơ giới và khu pháo binh. Phối hợp với đòn tiến công quân sự, hàng vạn đồng bào Đắk Lắk xuống đường đấu tranh. Học sinh Trường Kỹ thuật Đắk Lắk treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, dẫn đường cho bộ đội; hơn 18.000 đồng bào người Kinh, Thượng ở các huyện 6, 8 và Buôn Hồ chia thành nhiều đoàn tiến vào thị xã đấu tranh...

Sau hơn một tuần chiến đấu, quân và dân Đắk Lắk đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 sinh lực địch (diệt 1 đại đội Mỹ, 3 đại đội bảo an, 1 đại đội biệt kích, tiêu hao nặng nề Tiểu đoàn 31 FULRO, tiểu đoàn 2 và 3 Trung đoàn 45, Tiểu đoàn 23 biệt động, Sư đoàn bộ 23, đại đội thám báo...); bắt 90 tên, thu 140 súng các loại, 9 máy vô tuyến điện; đốt cháy 12 kho xăng dầu; phá hủy 5 khẩu pháo 105mm, 180 xe quân sự các loại và trên 5.000 quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền làm chủ.

Tại tỉnh Gia Lai, theo kế hoạch tác chiến, các đơn vị vũ trang chia thành nhiều hướng nhanh chóng tiến công các mục tiêu chủ yếu của địch tại trung tâm thị xã Pleiku như: khu biệt động quân, khu hành chính, khu cảnh sát Vùng 2, Tỉnh đoàn bảo an. Đáng chú ý là trận đánh của Tiểu đoàn 408 đặc công đã phá hỏng 45 máy bay lên thẳng của địch ở các sân bay Cù Hanh, Aréa; Trung đoàn bộ binh 95 tiêu diệt 1 đoàn xe địch với 26 chiếc trên Đường 19; bắn phá Sở chỉ huy Quân đoàn 2 và khu rađa. Phối hợp với đòn tiến công quân sự, hơn 11.000 quần chúng các huyện trong tỉnh xuống đường đấu tranh chính trị; hơn 14.000 nhân dân nổi dậy phá trại tập trung về làng cũ và 11 làng ven thị xã được giải phóng. Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Gia Lai đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.500 tên (trong đó có 1.300 quân Mỹ), phá hủy 580 xe quân sự, 35 khẩu pháo và đốt cháy hàng triệu lít xăng dầu. Lực lượng của ta còn phá nhà lao giải thoát gần 2.000 người yêu nước bị địch giam giữ.

Ở Kon Tum, ngay trong đợt nổ súng đầu tiên, ta làm chủ hoàn toàn thị trấn Tân Cảnh và hai phần ba thị xã Kon Tum, trong đó có các khu vực quan trọng như: Tòa hành chính, Ty Cảnh sát, tiểu khu Kon Tum và sân bay Kon Tum. Cùng với đó, quần chúng nhiều vùng nông thôn, ven thị cũng vùng lên khởi nghĩa phá ấp, phá đồn, giành quyền làm chủ. Quân và dân mặt trận Kon Tum đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.500 tên (có 650 tên Mỹ), phá hủy 253 xe quân sự, bắn rơi và phá hủy 37 máy bay, đốt cháy 5 kho xăng, phá hủy 3 kho đạn.

 Đến ngày 9-2-1968, bằng các hoạt động phối hợp trong Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân Tây Nguyên ngay từ phút đầu đã "thực hiện được đồng loạt việc tiến công đánh trúng vào tất cả những mục tiêu chủ yếu, khiến quân địch bất ngờ, không kịp trở tay, đối phó yếu ớt". Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 5.630 tên địch (có 1.600 quân Mỹ); bắt sống 90 tên; bắn rơi 171 máy bay; phá hủy 520 xe quân sự, 27 khẩu pháo lớn; thu 180 súng các loại và 12 vô tuyến điện; giải phóng 39 ấp, làng với khoảng 25.000 dân. Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên tiếp tục chỉ đạo quân và dân mở bốn đợt tiến công cao điểm từ ngày 17-2 đến ngày 25-5-1968 trên toàn chiến trường.

Như vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Tây Nguyên đã góp phần giáng cho Mỹ một đòn trí mạng, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược, phá vỡ kế hoạch tác chiến của Mỹ; "làm rung chuyển nước Mỹ, đưa cuộc chiến tranh vào trong lòng nước Mỹ, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh, chống can thiệp Mỹ rộng khắp trên thế giới". Thắng lợi này cũng góp phần làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ; đồng thời mở ra khả năng cho ta thực hiện chiến lược "đánh cho Mỹ cút" để tiến tới "đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.





---------------------------------------------------------------
1. Trước Tết, miền Bắc công bố lịch mới, theo đó, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm Mậu Thân 1968 sớm hơn một ngày so với lịch cũ. Do đó, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cuộc tổng tiến công lùi lại một ngày đúng với giao thừa ở miền Nam để thống nhất hành động theo "giờ G" trên toàn chiến trường. Đêm ngày 29-1-1968, Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên nhận được chỉ thị của Bộ, nhưng lực lượng vũ trang và quần chúng đã ém sẵn vào các mục tiêu không thể rút ra hoặc giấu quân tại chỗ an toàn được, nên đã đề nghị trên cho nổ súng vào đêm 30-1-1968 (tức đêm 29 tháng Chạp năm Đinh Mùi 1967), trước đêm giao thừa một ngày.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #84 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 09:22:44 am »

"LỘ VÒNG CUNG" - NÉT RIÊNG
TRONG TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968 Ở CẦN THƠ



Đại tá TRẦN HÒA HIỆP
Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra trên khắp chiến trường miền Nam; trong đó, Cần Thơ nói chung và Lộ Vòng Cung nói riêng là một trong những trọng điểm của chiến trường Tây Nam Bộ, đã góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cần Thơ luôn là địa bàn chiến lược chi phối mọi hoạt động của miền Tây Nam Bộ. Để vơ vét nhân lực, vật lực phục vụ cho cuộc chiến tranh, đế quốc Mỹ - chính quyền Sài Gòn quyết tâm giữ vững địa bàn có ý nghĩa trọng yếu này. Các cơ quan đầu não của chúng gồm: Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4; Bộ Tư lệnh cảnh sát miền Tây; Sở An ninh quân đội; Tòa lãnh sự Mỹ được tập trung tại Cần Thơ cùng hệ thống căn cứ quân sự, sân bay, quân cảng, kho tàng, hậu cần, kỹ thuật.

Lộ Vòng Cung là vành đai án ngữ bảo vệ nội ô thành phố Cần Thơ, bắt đầu từ chợ Cái Răng đến lộ Ba Se, ôm gọn các xã: An Bình, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Giai Xuân, hai ấp của Nhơn Ái và thị trấn Phong Điền (Châu Thành A), Tân Thới, Thới An Đông và một phần của Phước Thới (Ô Môn). Từ Cái Răng nhìn vào bên phải là lộ, bên trái là sông Cái Răng, Cần Thơ, Phong Điền. Nơi đây, quân Mỹ - quân đội Sài Gòn đã tập trung triển khai xây dựng tuyến phòng thủ với những đơn vị chủ lực được trang bị hiện đại, hệ thống đồn bốt và bộ máy kìm kẹp của chúng. Riêng ở Lộ Vòng Cung, thành phố Cần Thơ, địch đã đóng trên 100 đồn bốt và sử dụng không quân, pháo binh ngày đêm đánh phá ác liệt. Địch còn rải chất độc hóa học làm trụi lá cây, để tạo ra những "vành đai trắng". Đây cũng chính là vành đai phòng thủ mà quân Mỹ - quân đội Sài Gòn quyết tâm giữ cho bằng được để bảo vệ thành phố Cần Thơ, cơ quan đầu não Vùng 4 chiến thuật của chúng.

Về phía ta, Khu ủy Khu 9 và tỉnh Cần Thơ cũng chọn Lộ Vòng Cung làm nơi tập kết lực lượng, làm bàn đạp tấn công vào thành phố Cần Thơ và các khu vực quân sự của quân Mỹ - quân đội Sài Gòn.

Do vậy, Lộ Vòng Cung là con đường tranh chấp ác liệt nhất giữa ta và địch, không những của tỉnh Cần Thơ mà của cả Khu Tây Nam Bộ. Đặc biệt, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang Cần Thơ cùng với bộ đội chủ lực của Quân khu đã anh dũng chiến đấu, kiên cường bám trụ, mở rộng cửa ngõ Lộ Vòng Cung, tấn công vào thành phố Cần Thơ; lực lượng biệt động luôn nắm chắc tình hình địch, kịp thời dẫn đường và phối hợp với chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch.

Đầu năm 1967, trên chiến trường Cần Thơ, địch tiếp tục thực hiện kế hoạch bình định có trọng điểm, nhất là bình định 7 xã, trong đó có khu vực Lộ Vòng Cung, tuyến Xà No, một số địa bàn chung quanh thị xã Cần Thơ.

Địch ra sức phòng thủ và mở rộng thị xã, thị trấn, khu quân sự Bà Đồ, sân bay Bình Thủy; đưa Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 bố trí xung quanh thị xã Cần Thơ, Lộ Vòng Cung và đưa một chi đội xe M113 bố trí ở lộ Ô Môn, bố trí hỏa lực hướng vào các khu lao động và ở những nơi mà chúng cho là ta có thể đột nhập vào nội ô. Chúng chiếm nhà, cướp đất để lập căn cứ quân sự khu vực từ Cái Răng ra Cần Thơ; đồng thời củng cố mở rộng một số thị trấn ở Phụng Hiệp, Ô Môn và có ý đồ dời chi khu Phong Điền ra Vàm Xáng, dời chi khu Một Ngàn về Rạch Gòi, chi khu Cái Răng về Cái Tắc, tạo thành thế chia cắt một số xã của Châu Thành A để giữ tuyến giao thông thủy bộ (lộ 4, lộ 40 và kênh xáng Xà No).

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Cục hạ quyết tâm động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn chiến trường B2 đúng với thời gian quy định. Thực hiện chủ trương của trên, Khu ủy Khu Tây Nam Bộ chọn thành phố Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ) 1 làm trọng điểm 1.

Cuối năm 1967, các tiểu đoàn Tây Đô 1 và 2, lực lượng biệt động của thành phố được bổ sung cán bộ, trang bị mới, tổ chức huấn luyện, nắm địa hình, địa vật, tình hình địch trong nội ô thành phố Cần Thơ. Cuối năm 1967, Trung ương Cục đã triển khai công tác chuẩn bị đến các quân khu, các tỉnh và các chiến trường trọng điểm trên toàn Miền. Nhận được chỉ thị, Khu ủy Khu Tây Nam Bộ và Quân khu 9 tích cực làm công tác chuẩn bị, nhất là công tác bảo đảm hậu cần. Nhằm tạo yếu tố bất ngờ, công việc chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu dài ngày, quy mô được tổ chức hết sức bí mật. Trung ương Cục chỉ biết giờ nổ súng trước 10 ngày, Khu ủy biết trước 5 ngày, tỉnh biết trước 3 ngày và các đơn vị chiến đấu biết trước từ 1 đến 2 ngày.

Quán triệt nhiệm vụ, kế hoạch được giao, các lực lượng vũ trang của tỉnh, thành phố đã áp sát vành đai thành phố Cần Thơ. Chiều ngày 29-1-1968, các cánh quân triển khai vượt Lộ Vòng Cung trên nhiều hướng: Rạch Sung, Xà No và Trường Tiền, tiến vào chiếm lĩnh các vị trí xuất phát xung phong. Trên sông Cần Thơ, xuồng ghe qua lại được huy động để đưa đón Quân giải phóng từ bên kia sông Cần Thơ qua Lộ Vòng Cung.

Theo kế hoạch, Đội biệt động thành phố Cần Thơ kết hợp với Đại đội 20 của Tiểu đoàn Tây Đô có nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Nhứt, Đại đội trưởng và đồng chí Lê Hoàng Sương, Chính trị viên Đại đội phối hợp cùng lực lượng Biệt động Thành xuất phát tiến công. Ba giờ sáng ngày 31-1-1968, các lực lượng đã tập kết trên quốc lộ 4, từ ngã ba Đầu Sấu đến ngã ba đường Tự Đức (nay là đường Lý Tự Trọng), triển khai làm hai mũi:

Mũi thứ nhất tiến vào Rạch Ngỗng (nay là chợ An Nghiệp) qua chợ Mít Nài lên bến xe mới, đánh vào các mục tiêu: Tòa lãnh sự Mỹ, cơ quan tình báo Mỹ, tiểu khu Phong Dinh... Sau đòn tiến công bất ngờ của ta, một bộ phận địch thoát chết tìm đường tháo chạy vào thành phố, dựa vào hệ thống công sự và tập trung vũ khí, trang bị, số còn lại phản kích quyết liệt. Ta với địch giành nhau từng tấc đất, từng căn nhà, góc phố. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tại mũi tấn công này, các chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô từng bước làm chủ trận địa.

Sáng ngày 1-2-1968 (mùng 2 Tết), mũi thứ hai mở hướng tiến chiếm khu Văn hóa (khu III Đại học Cần Thơ, đường Tự Đức - nay là đường Lý Tự Trọng), sau đó phát triển lực lượng đánh chiếm khu chợ Cả Đài, Hồ Xáng Thổi, trại Phan Bội Châu - hậu cứ của Liên đoàn 67 truyền tin Vùng 4 chiến thuật. Trên tuyến này ta chiến đấu giằng co ác liệt với địch. Một bộ phận tiến chiếm khu vực cầu Rạch Bần, đường Tạ Thu Thâu (nay là đường Mậu Thân). Trên từng căn phố, các ngõ hẻm, ta với địch giành nhau quyết liệt. Đối phó với hành động phản kích của địch, tiểu đoàn tách thành các bộ phận nhỏ phối hợp với Đội biệt động thành phố Cần Thơ, mở hướng tiến công ra Đại lộ Hòa Bình đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật. Tiểu đoàn Tây Đô đặt Chỉ huy sở ở Trường Trung học Phan Thanh Giản (nay là Trường Phổ thông trung học Châu Văn Liêm).

Ở thành phố Cần Thơ, dưới sự phối hợp của chủ lực, địa phương quân và biệt động nội thành, ta chia thành nhiều mũi thọc sâu vào các cứ điểm yết hầu của địch ở Vùng 4 chiến thuật. Từ Lộ Vòng Cung, biệt động nội thành đánh thẳng vào các căn cứ của Mỹ (Nhà nghỉ Nam Phương, Dinh Tỉnh trưởng và Khám lớn). Tuy chưa chiếm được Đài Phát thanh để kêu gọi địch ở 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long buông súng đầu hàng, nhưng các lực lượng ta đã dũng cảm bám trụ dài ngày trong thành phố.

Các chiến sĩ Tây Đô băng qua lửa đạn, vượt từng dãy phố tiếp cận mục tiêu. Địch điều xe thiết giáp M113 đến ngăn chặn. Các chiến sĩ của ta vẫn không chùn bước, quyết tiến công địch, bắn cháy 2 xe thiết giáp M113 và diệt nhiều sinh lực địch.

Trên các hướng thứ hai, ba, tư, lực lượng vũ trang của khu, của tỉnh, thành phố Cần Thơ và đội tuyên truyền vũ trang liên tục tiến công vào các mục tiêu. Nhưng vì lực lượng ít, vũ khí trang bị hao hụt nên chỉ tiêu hao một bộ phận sinh lực địch. Ở hướng Phi trường 31 (còn gọi là sân bay Lộ Tẻ), Tiểu đoàn 303 (Khu 9) cũng liên tục triển khai tiến công uy hiếp địch.

Máy bay, xe tăng, pháo bắn phá bừa bãi, chà đi xát lại các khu dân cư ở các xã trong Lộ Vòng Cung và các vùng phụ cận như: Trường Long, Thạnh Xuân, Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái (Châu Thành), Trường Thành, Định Môn, Trường Lạc, Trường Xuân (Ô Môn). Chúng sử dụng xe tăng, trực thăng bắn phá các khu phố trong nội ô thành phố Cần Thơ.

Sau bốn ngày chiến đấu ác liệt (từ ngày 31-1 đến ngày 3-2-1968), ta tạm thời rút lui và trụ lại ở vùng ven Lộ Vòng Cung để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp theo; đồng thời tiếp tục pháo kích vào các cụm cứ điểm của địch. Trong những ngày chiến đấu ở nội ô thành phố, ta diệt 51 tên địch, làm bị thương 225 tên, bắt sống 8 tên, bắn cháy 1 kho quân cụ ở sân bay Lộ Tẻ, phá 5 máy bay, bắn cháy 2 xe M113. Tiểu đoàn Tây Đô cùng với lực lượng vũ trang Quân khu, thành phố, du kích địa phương vẫn trụ bám địa bàn, chặn đánh địch càn quét ở Rạch Bà Giám, cua Mười Ngàn, Vàm Cái Sơn (xã An Bình), loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Riêng Tiểu đoàn Tây Đô đánh chìm 7 tàu Mỹ, diệt 260 tên địch ở Vàm Rạch Kè.

Trong thời gian này, ta cũng bao vây bức hàng, bức rút hầu hết các đồn bốt trên tuyến Lộ Vòng Cung và Lộ Sóng Lươn tới đồn Rạch Cam, giải phóng một số xã, ấp trong và ngoài Lộ Vòng Cung. Trong Lộ Vòng Cung chỉ còn chi khu Phong Điền. Ngày 17-2, hưởng ứng đợt phối hợp và hỗ trợ cho Mặt trận Huế, Tiểu đoàn Tây Đô được tăng cường đã đánh thiệt hại nặng chi khu Phong Điền.

Để giành lại những địa bàn bị chiếm, ngày 8-2-1968 (tức mùng 10 Tết), Lữ đoàn 2 của Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ đến điều động tăng viện. Như vậy, lúc này ở Cần Thơ có một số bộ binh Mỹ, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn cùng các tiểu đoàn biệt động quân số 42, 43, 44 tập trung phản kích, trong đó Lộ Vòng Cung - cửa ngõ vào thành phố Cần Thơ thực sự là chiến trường trọng điểm. Đây là lần đầu tiên Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm trong và ngoài Lộ Vòng Cung làm cây cối bị đốn trụi, nhân dân phải sơ tán để tránh bom đạn; do vậy, Lộ Vòng Cung trở thành vùng trắng, rất ít dân còn ở lại.

Đêm 26 rạng ngày 27-2-1968, một bộ phận của Sư đoàn 9 Mỹ từ Đồng Tâm (Mỹ Tho) đến tiếp viện ở Lộ Vòng Cung. Kiên quyết đánh địch trước khi chúng gây tội ác, cán bộ, chiến sĩ của phân đội thông tin trinh sát thuộc Tiểu đoàn Tây Đô đã chủ động tấn công vào đoàn tàu chở quân Mỹ khi chúng đến đoạn Rau Răm - Trường Tiền, sông Cần Thơ. Suốt một đêm chiến đấu mưu trí, linh hoạt, dũng cảm, các chiến sĩ trinh sát đã bắn cháy 4 tàu chở đầy lính Mỹ và bắn bị thương 3 chiếc khác.

Trong quá trình Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, lực lượng vũ trang Cần Thơ phối hợp cùng với nhân dân, du kích, lực lượng vũ trang Quân khu loại khỏi vòng chiến đấu 25.000 tên địch, trong đó có hàng trăm tên Mỹ, thu 600 súng các loại; diệt và bức rút 56 đồn bốt, phá hủy 288 máy bay, đánh chìm hàng chục tàu chiến, giải phóng 4 xã với 10.000 dân. Dù ở sát sân bay Trà Nóc nhưng không lực Mỹ vẫn bị vô hiệu hóa trước mặt trận Vòng Cung, chúng phải dùng phương pháp thả dù cổ điển để tiếp tế cho quân đóng giữa địa bàn.

Với sự đùm bọc của nhân dân, lực lượng vũ trang được củng cố và mở thêm nhiều đợt tấn công vào thành phố Cần Thơ. Ở phía sau, các đội dân quân lập làng chiến đấu, ngăn địch phản kích. Nhiều liếp vườn trở thành khu tử địa. Giữ một bờ mương, một con rạch là cả ý chí tiến công, bám đất, là biểu thị lòng thủy chung với cách mạng của nhân dân Lộ Vòng Cung ở những tọa độ chưa đầy một phút bay của trực thăng Mỹ. Bằng sự quyết tâm và lòng quả cảm, quân và dân Cần Thơ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đồng loạt nổ súng tấn công vào các mục tiêu. Lộ Vòng Cung được giữ vững trong nhiều tháng, tạo điều kiện làm công tác chuẩn bị cho các đợt tấn công tiếp theo.
 



---------------------------------------------------------------
1. Tháng 10-1967, Khu Tây Nam Bộ quyết định nâng thị xã Cần Thơ trở thành thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh, điều động cán bộ các nơi bổ sung cho thành phố Cần Thơ. Đồng chí Trần Việt Châu, Khu ủy viên đảm nhiệm Bí thư Thành ủy. Hai huyện Châu Thành A, Châu Thành B ghép lại thành huyện Châu Thành, sau tổng tấn công chia lại thành hai huyện là huyện Châu Thành A và Châu Thành B như trước. Tháng 10-1968, thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu Tây Nam Bộ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #85 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 09:35:07 am »

QUÂN VÀ DÂN QUÂN KHU 4
VỚI CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968



Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC HÓA
Phó Chính ủy Quân khu 4


Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 4 có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là tuyến đầu của hậu phương miền Bắc, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam và Lào, nơi chịu sự đánh phá dai dẳng, ác liệt nhất trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Vượt qua bao hy sinh, gian khổ, quân và dân Quân khu 4 luôn cùng lúc hoàn thành tốt "4 nhiệm vụ, trên 3 chiến trường"1, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Một là, cùng cả nước động viên cao nhất sức người, sức của cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam

Từ năm 1967, thực hiện chủ trương của Trung ương, quân và dân Quân khu 4 vừa ra sức củng cố tác chiến phòng thủ Quân khu, sẵn sàng đánh địch liều lĩnh tiến công ra miền Bắc, vừa tích cực cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần tạo thế và lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Từ tháng 9 đến tháng 12-1967, Quân khu hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến phòng thủ trong tình huống dự kiến địch tiến công ra Nam Quân khu. Lực lượng tại chỗ được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Các địa phương từ sông Gianh trở vào củng cố dân quân tự vệ. 397 xã trọng điểm trên tổng số 844 xã trên địa bàn Quân khu được xây dựng thành làng xã chiến đấu. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích, tự vệ tổ chức diễn tập phòng thủ tình huống địch tập kích bằng đường bộ, đường biển, đường không vào Nam Quân khu. Các địa phương Vĩnh Linh, Quảng Bình sơ tán hơn 10.000 dân, chủ yếu là người già yếu, phụ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi và trẻ em ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa.

Ngày 22-12-1967, Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5) được tách khỏi Quân khu 4 về trực thuộc Bộ 2. Quân khu có nhiệm vụ tác chiến ở Nam Quân khu và Trung - Hạ Lào. Khi có chiến sự thì do B5 chỉ huy tác chiến ở phía nam Quân khu từ Long Đại trở vào. Tuy nhiên, do địa bàn Quân khu có quan hệ mật thiết, trực tiếp với Bắc Quảng Trị (B5), nên Quân khu được Bộ giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cho thương, bệnh binh loại vừa và nặng của B5, chiến trường miền Nam, Đoàn 559 và các đơn vị của Bộ hoạt động trên địa bàn Quân khu. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Quân khu chấn chỉnh lại hệ thống quân y viện trên ba tỉnh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), và 9 đội điều trị, các đội cứu thương, đội phẫu thuật lưu động. Các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân được chấn chỉnh về tổ chức, biên chế, bổ sung vũ khí, trang bị, đẩy mạnh việc huấn luyện, học tập kỹ, chiến thuật, chính trị, sẵn sàng cơ động vượt sông Bến Hải tham gia đánh địch trên chiến trường Trị - Thiên. Đồng thời, Quân khu nhanh chóng tiếp nhận 18.882 khẩu súng các loại do Bộ bổ sung, kịp thời trang bị đủ cho các đơn vị, các lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến phòng thủ Quân khu, tác chiến phòng không và chi viện cho chiến trường Trị - Thiên.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở cả hai miền Nam, Bắc, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, năm 1967, Quân khu hoàn thành tốt 4 đợt tuyển quân với số lượng 11.130 người, vượt chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu được giao là 10.939 người); chấn chỉnh lực lượng bàn giao cho B dài (chiến trường Nam Bộ) gồm 9 đơn vị với tổng quân số 8.358 đồng chí; điều động 7.232 quân của các đơn vị trong Quân khu bổ sung cho B5; đồng thời tăng cường cho B5 các đơn vị chuyên môn kỹ thuật, lực lượng bảo đảm gồm: Tiểu đoàn công binh 28, 1 trung đội hữu tuyến điện, 1 trung đội trinh sát, 1 đội điều trị (51 người), 1 trung đội chỉ huy pháo mặt đất và 2 tiểu đoàn dân công (1.000 người). Đầu năm 1968, Quân khu nhanh chóng thực hiện tuyển quân đợt 1 với tổng số 5.335 người, xây dựng thành 9 tiểu đoàn tăng cường, sẵn sàng bổ sung cho B vào tháng 3 và tháng 5 -1968. Năm 1968, đáp ứng yêu cầu lực lượng chi viện cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy, toàn Quân khu có hơn 60.000 thanh niên nhập ngũ, bổ sung cho tiền tuyến, đạt mức cao nhất trong những năm chiến tranh. Lực lượng vũ trang Quân khu bổ sung cho các chiến trường gồm 1 sư đoàn, 5 trung đoàn, 21 tiểu đoàn, 30 đại đội.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, khối lượng bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật từ Bắc vào Nam rất lớn, hầu hết đều được vận chuyển qua địa bàn Quân khu. Vì vậy, suốt những năm chiến tranh chống Mỹ nói chung, những năm chiến tranh phá hoại nói riêng, Quân khu 4 trở thành nơi bị đánh phá tàn bạo nhất của không quân, hải quân Mỹ. Mật độ đánh phá ngày càng lớn, chỉ riêng trong tháng 9-1967, không quân Mỹ đã sử dụng 266 lần chiếc B52 ném một khối lượng bom gấp 13 lần cả năm 1966 xuống các tuyến đường giao thông, bến vượt, chân hàng, kho tàng, bến bãi trên địa bàn Quân khu. Quân và dân trên địa bàn vừa chiến đấu, vừa huy động cao nhất các lực lượng, phương tiện hiện có, hoàn thành các tuyến đường, bảo đảm thông xe liên tục trong mọi tình huống. Đến cuối năm 1967, toàn Quân khu đã vận chuyển cho chiến trường miền Nam số lượng hàng hóa đạt 117% kế hoạch năm, riêng cho chiến trường Trị - Thiên là 28.592 tấn.

Việc cung cấp cao nhất lực lượng, cơ sở vật chất cho các chiến trường và bảo đảm mạch máu giao thông vận tải của quân và dân Quân khu 4 trong năm 1967 đã góp phần cùng cả nước tạo thế, tạo lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 giành thắng lợi.

Hai là, cùng các đơn vị của Mặt trận B5 trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, nhất là Trị - Thiên - Huế

Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, các đơn vị của Quân khu (Trung đoàn 270, 84, 164, 204, 218, 282), cùng hàng nghìn dân quân, du kích Quảng Bình, Vĩnh Linh "ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam", vừa trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Đường 9, hướng phối hợp nghi binh chiến lược, nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ, thu hút và kìm chân địch, hỗ trợ cho hướng tiến công chủ yếu 3.

Trung đoàn 270 Vĩnh Linh được giao nhiệm vụ cắt đứt tuyến tiếp tế đường sông từ Cửa Việt lên Đông Hà - Tà Cơn của Mỹ - quân đội Sài Gòn; tiêu diệt tàu địch trên sông Cửa Việt, diệt địch ra ngoài giải tỏa, giữ vững trận địa Bắc Cửa Việt; cùng các đơn vị của Mặt trận B5 kéo địch về phía đơn vị mình càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện cho quân dân Trị - Thiên đánh vào các đầu não của địch. Đêm 19-1, Tiểu đoàn 47 (Tiểu đoàn Lê Hồng Phong) của Trung đoàn vượt sông Bến Hải vào tiến công địch, ngăn chặn địch hoạt động trên sông Thạch Hãn 4. Sau gần 4 tháng liên tục chiến đấu (từ 19-1 đến 6-5-1968), mặc dù gặp nhiều thương vong, tổn thất, Trung đoàn vẫn hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm và chốt giữ vững khu vực Xuân Lâm, Bạch Cầu, Hoàng Hà; tiến công tiêu diệt địch ở Gio Hà, Gio Mai (làng Mai Xá Thị), căn cứ Bạch Cầu, Nhĩ Trung (Gio Thành), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đêm 21-1, pháo binh Quân khu từ bờ Bắc sông Bến Hải dội bão lửa vào căn cứ Ái Tử và xóm Búng, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, phá hỏng 1 đài rađa, 1 xe M113, 1 kho đạn. Trong đợt 1 của chiến dịch (từ ngày 30-1 đến ngày 28-3), các đơn vị chủ lực của Quân khu tham gia chiến đấu trong đội hình B5 (cánh quân hướng đông), cùng bộ đội địa phương Gio Linh phối hợp với các hướng, đã liên tục tiến công tiêu diệt Ty Cảnh sát, Dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị, Tiểu đoàn dù quân đội Sài Gòn ở Hành Hoa, Tiểu đoàn 8 dù quân đội Sài Gòn ở Tri Biểu và các căn cứ địch ở Lâm Xuân, Hoàng Hà, Phúc Sa, Cầu Nhùng, Sa Nghi, Bến Đa, Ngô Xá.

Sáu đại đội dân quân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Thái, Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) vượt sông Bến Hải vào cảng Cửa Việt cùng bộ đội phục kích, săn tàu, bắn chìm 12 xuồng, bắn cháy 4 tàu vận tải, 2 xe tăng. Các tổ dân quân bắn tỉa Vĩnh Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Trung loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch. Nữ du kích Trần Thị Bưởi (Vĩnh Tú), trong 3 ngày phục kích chỉ với 26 viên đạn, diệt 19 tên địch. Tại chốt Phò Cam (Gio Mỹ), ngày 25-3, 14 dân quân Vĩnh Trung cùng một tổ bộ đội chủ lực bẻ gãy 9 đợt tiến công của 4 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn, diệt 150 tên, giữ vững trận địa.

Ba đại đội súng cối 82, 4 đại đội bộ binh của các tiểu đoàn 45, 46, 49 và Đại đội trinh sát đặc công tỉnh Quảng Bình cùng Đại đội cối 82 Hà Tĩnh được tăng cường cho Quảng Trị từ cuối năm 1967, phối hợp cùng các lực lượng chủ lực của B5, địa phương Quảng Trị anh dũng chiến đấu liên tục trên Mặt trận Đường 9, tiêu diệt 5.000 tên địch, phá hủy 47 xe cơ giới, trong đó có 41 xe tăng, bắn rơi 3 máy bay.

Những đòn tiến công liên tục cả trước và trong Mậu Thân 1968 của lực lượng vũ trang Quân khu, cùng với B5 và quân dân Trị - Thiên trên Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút, giam giữ một lực lượng lớn quân Mỹ - quân đội Sài Gòn, tạo thuận lợi cho các hướng thực hiện kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy, nhất là ở Trị - Thiên - Huế.

Ba là, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của địch, giữ vững mạch máu giao thông vận tải, bảo đảm sự chi viện liên tục của miền Bắc cho miền Nam trong suốt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968

 Ngay từ đầu năm 1968, lực lượng phòng không ba thứ quân trên toàn địa bàn Quân khu được tăng cường. Ngày 28-1-1968, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn phòng không 375 ở Nam sông Gianh thuộc Quân khu 4 (gồm các trung đoàn pháo cao xạ 214, 218, 282, Trung đoàn tên lửa 283 và Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân), bố trí đánh địch, bảo vệ các mục tiêu phà Xuân Sơn, Long Đại và bảo vệ pháo binh mặt đất triển khai ở Vĩnh Linh để đánh địch ở bờ Nam sông Bến Hải, bảo vệ các khu tập kết của bộ binh. Thế trận chiến tranh nhân dân đánh trả không quân và hải quân Mỹ được củng cố vừa bảo đảm rộng khắp, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Tất cả các mục tiêu quan trọng trong tuyến giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu được triển khai lực lượng phòng không, lực lượng ứng cứu giao thông.

 Lực lượng phòng không các tỉnh, huyện và những đơn vị còn lại của Quân khu được sắp xếp theo yêu cầu nhiệm vụ mới, vừa bảo đảm tác chiến bảo vệ địa bàn, vừa làm nòng cốt thành lập thêm 6 trung đoàn, 11 tiểu đoàn, 9 đại đội phòng không. Những đơn vị mới thành lập là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ đánh địch trên các tuyến giao thông phía bắc Quân khu, trọng điểm là Nam Đàn, Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc. Các tỉnh xây dựng 528 đội trực chiến của dân quân, trong đó có 245 đội thoát ly sản xuất, trang bị súng 12 ly 7, 14 ly 5 và pháo cao xạ 37 ly, cơ động phục kích đánh địch dọc các trục giao thông chính, hạn chế máy bay địch săn tìm phương tiện vận tải của ta và bảo vệ các mục tiêu ở địa phương.

Các địa phương tuyến trước (Vĩnh Linh) vững vàng chiến đấu với B52 và pháo địch từ bờ Nam sông Bến Hải bắn sang, bám trụ sản xuất, anh dũng, mưu trí chèo thuyền đưa bộ đội, hàng hóa, vũ khí trang bị vào Đường 9; đưa thương, bệnh binh từ mặt trận về tuyến sau. Xã Vĩnh Thủy tổ chức cho 40 đoàn viên thanh niên cõng đạn sang bờ Nam trong chiến dịch đánh địch giải tỏa căn cứ Khe Sanh. Dân quân xã Vịnh Mốc, Vĩnh Kim tổ chức các đội tình nguyện giỏi bơi lặn làm nhiệm vụ chi viện cho đảo Cồn Cỏ, giữ trọn lời thề: "Vĩnh Linh còn, Cồn Cỏ còn".

Sau bất ngờ với đòn tiến công ban đầu của ta, những ngày sau, địch phản kích quyết liệt. Trên miền Bắc, không quân, hải quân Mỹ tăng cường đánh phá các tuyến giao thông thuộc địa bàn Quân khu 4, trọng điểm là các khu vực: Cầu Cấm, Phương Tích, Rú Nguộc, Truông Bồn, Bến phà Nam Đàn, Bến Thủy (Nghệ An); Bến Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, Thượng Gia, Hạ Vàng, Khe Út, Bến Ràng, Còi Sâu (Hà Tĩnh); phà sông Gianh, Bến Ròn, Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hàu, Phong Nha (Quảng Bình), với cường độ ác liệt chưa từng có, nhằm cắt đứt hoàn toàn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, làm cho ta không đủ sức thực hiện kế hoạch tổng tiến công tiếp theo. Trung bình mỗi ngày địch xuất kích 300 lần chiếc máy bay, đánh phá 24/24 giờ các đầu mối giao thông. Từ tháng 1 đến tháng 7-1968, mật độ bom đạn địch dội xuống địa bàn Quân khu 4 tăng 20 lần, số trận máy bay Mỹ ném bom tăng 2,6 lần so với năm 1967. Riêng ngã ba Đồng Lộc và Thượng Gia (Hà Tĩnh), không quân địch tập kích 5.300 lần chiếc máy bay, ném 37.500 quả bom phá, thả 5.000 quả bom từ trường. Với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi", quân và dân Quân khu 4 kiên cường đánh trả không quân, hải quân Mỹ, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, nhất là chiến trường Trị - Thiên - Huế.

Tháng 5-1968, Trung đoàn tên lửa 283 bắn rơi 7 chiếc máy bay. Ngày 31-5, tại Cồn Cỏ, ta bắn rơi 4 chiếc máy bay, được Bác Hồ gửi thư khen: "Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ" . Ngày 25-6, Đại đội 367 bộ đội địa phương tỉnh và dân quân Minh Hóa - Quảng Bình, phối hợp với Trung đoàn 280 bắn rơi tại chỗ một chiếc F4H (chiếc thứ 3.000 trên miền Bắc). Trong tháng 8, khi quân dân Trị - Thiên - Huế bước vào đợt 3 tổng tiến công, các đơn vị phòng không Quân khu cùng quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hà Tĩnh thi đua đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Các đơn vị phòng không chủ lực bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 500 trên vùng trời của tỉnh. Ngày 5-8, quân dân Vĩnh Linh bắn rơi cả tốp 2 chiếc máy bay F4H, chiếc thứ 200 ở địa phương, được Bác Hồ gửi thư khen: "Đánh cho giặc Mỹ tan tành/ Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng". Ngày 28-8, tự vệ lâm trường huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bắn rơi chiếc máy bay F111A của Mỹ đầu tiên trên miền Bắc. Tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương, Kỳ Anh trong hai ngày cuối tháng 8 bắn rơi 3 máy bay.

Giai đoạn cuối của Tổng tiến công, yêu cầu chi viện cho chiến trường càng cao, địch đánh phá giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu càng ác liệt. Để tập trung sự chỉ đạo thống nhất các lực lượng vận tải có mặt trên địa bàn Quân khu, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4. Đồng chí Phan Trọng Tuệ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng được cử làm Tư lệnh. Đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Chính ủy Quân khu 4 làm Chính ủy. Một số cán bộ các ngành của Trung ương (giao thông vận tải, y tế, bưu điện, thương nghiệp, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) và Tổng cục Hậu cần được huy động vào Quân khu để trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác bảo đảm giao thông vận tải. Các tỉnh có bộ chỉ huy giao thông vận tải tỉnh, do chủ tịch tỉnh làm chỉ huy trưởng. Mỗi tỉnh tổ chức thêm 1 đại đội công binh. Các huyện, xã có 500 đội công binh - dân quân thoát ly sản xuất. Các lực lượng được tổ chức thành hai bộ phận: Một bộ phận chuyên rà phá bom, mìn, san lấp hố bom, giải phóng đường, mở đường vòng tránh; một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ vận tải. Thành lập các ban công an giao thông từ tỉnh đến xã, phường để phối hợp điều phối phương tiện vận tải, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn hàng hóa ở các bến vượt.

Với quyết tâm bảo đảm mạch máu giao thông vận tải, bảo đảm kịp thời đầy đủ cho chiến trường miền Nam, chiến trường Trị - Thiên - Huế Tổng tiến công và nổi dậy, các địa phương Quân khu vận dụng nhiều hình thức vừa đánh địch, vừa khắc phục bom đạn, bảo đảm thông đường trong thời gian ngắn nhất. Những trọng điểm Nam Đàn, Bến Thủy, Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, trên Đường 15 vượt sông Lam, sông La; Long Đại, Xuân Sơn, Gianh, Quán Hàu trở thành nơi thử thách ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm hy sinh và trí tuệ của các đơn vị phòng không, đơn vị vận tải, công binh và hàng chục vạn dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, dân công của các địa phương. Nhân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình với quyết tâm "thông xe trong mọi tình huống" đã dời nhà làm đường vòng tránh, dỡ nhà lấy vật liệu chống lầy cho xe.

Trong 100 ngày đêm chốt ở Bến phà Long Đại, Tiểu đoàn 1 (e249) luôn bảo đảm kỹ thuật vận hành phà an toàn. Có ngày Đội tự vệ phà Quán Hàu dùng khung dây rà quét phá nổ 122 quả bom từ trường; Đội phá bom dân quân xã Đức Ninh dùng bộc phá, phá 250 quả bom nổ chậm dọc sông Nhật Lệ. Tại chốt ngã ba Đồng Lộc, 5 đại đội thanh niên xung phong, 3 đại đội công binh giao thông, Đại đội công binh phá bom thuộc Tiểu đoàn 30, suốt 200 ngày đêm đọ sức với địch, đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh 5. Lực lượng vũ trang Nghệ An sử dụng máy phóng từ kết hợp với những dụng cụ thô sơ như viên nam châm, lưỡi cày, lưỡi cuốc, vỏ phuy xăng đã phá hàng nghìn bom từ trường. 10 cô gái Đô Lương phá gần 2.000 quả bom từ trường ở Truông Bồn. Chiến sĩ dân quân Nguyễn Trọng Dược (Hưng Vĩnh, Hưng Nguyên) trong 7 tháng phá 33 bom nổ chậm, 400 bom từ trường. Chiếc ca nô bất khuất của Tiểu đoàn 27 do Nguyễn Xuân Toán điều khiển gây nổ hàng trăm bom từ trường dọc sông Lam.

Trên hướng biển, tháng 3-1968, đoàn vận tải biển xã Cảnh Dương, được ngụy trang bằng thuyền đánh cá, dũng cảm kiên cường vượt lưới lửa địch, chuyển vũ khí đạn vào Hải Lăng, Triệu Phong cho Mặt trận B5. Những chuyến hàng thắm máu đỏ của quân dân Quân khu 4 như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Lực lượng pháo binh ba thứ quân kết hợp với bộ đội đặc công, hải quân, liên tiếp đánh bại các đợt xâm nhập của hải quân Mỹ, ngụy, bảo vệ vững chắc vùng biển và hỗ trợ cho các đơn vị bám trụ vững chắc trên các đảo. Nhân dân tích cực xây dựng trận địa pháo và phục vụ chiến đấu. Các đội thuyền đánh cá, thuyền vận tải được trang bị vũ khí sẵn sàng đánh đuổi tàu biệt kích, tàu chiến địch, bảo vệ ngư dân sản xuất. Đêm 14-5, công an vũ trang đồn Cửa Tùng phối hợp với dân quân xã Vĩnh Quang, nổ súng bắn chìm 1 tàu biệt kích địch khi chúng tập kích thuyền đánh cá của ngư dân. Ngày 7-8, dân quân Quỳnh Lưu bắn chìm 2 tàu biệt kích địch. Ngày 26-7, Đại đội 13 pháo binh Vĩnh Linh đánh bại cuộc tiến công của 17 tàu chiến địch, bắn cháy 2 chiếc. Từ ngày 7-2 đến ngày 16-5, Đại đội nữ pháo binh dân quân Ngư Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình, do Đại đội trưởng Ngô Thị The chỉ huy, ba lần nổ súng, ba lần bắn cháy tàu chiến Mỹ - quân đội Sài Gòn.

Suốt 8 tháng (từ ngày 31-1 đến ngày 30-9), qua ba đợt Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, khi trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta dũng cảm đánh vào sào huyệt địch, cũng là từng ấy thời gian, quân và dân Quân khu 4 gồng mình trong bom đạn, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu ở Đường 9 - Bắc Quảng Trị; vừa đánh địch, mở đường, thông xe, đưa hàng ra tiền tuyến, vận chuyển thương, bệnh binh nặng của các đơn vị về tuyến sau.

Mặc dù hầu hết nhân lực trẻ được huy động ra tiền tuyến, lại bị không quân, hải quân Mỹ - ngụy đánh phá ác liệt, song không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, mà trên mặt trận sản xuất, các địa phương vẫn "vững tay cày, chắc tay súng". Vụ Xuân - Hè năm 1968, nhiều hợp tác xã đạt năng suất cao. Ở Vĩnh Linh, nơi tuyến đầu hậu phương Quân khu và cả miền Bắc, diện tích gieo trồng đạt 101% kế hoạch. Hợp tác xã Vĩnh Kim, Nam Hồ đạt năng suất cao. Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy vẫn duy trì được đàn lợn tập thể. Cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất được vận hành thường xuyên, bảo đảm "thóc không thiếu một cân" chi viện cho chiến trường.

Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, các hoạt động ở địa phương Quân khu 4 vẫn được duy trì. Hệ thống bệnh viện, bệnh xá được sơ tán đến những nơi an toàn, đảm bảo thu dung, cấp cứu cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Quân khu và thương, bệnh binh các đơn vị của Bộ, của Quân khu Trị - Thiên từ bờ Nam chuyển ra. Trẻ em vẫn đội mũ rơm đến trường. Các nhà máy, công trường thi đua vừa đánh giặc, vừa sản xuất, tất cả cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi.

Những đóng góp kịp thời của quân và dân Quân khu 4 trong huy động lực lượng, cơ sở vật chất cung cấp cho chiến trường miền Nam; trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu tạo thế, thu hút, giam chân địch trên chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị; bảo đảm mạch máu giao thông vận tải thông suốt, đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.





----------------------------------------------------------------
1. Bốn nhiệm vụ: Cùng cả nước chi viện cho chiến trường miền Nam; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Quân khu; chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên; làm nhiệm vụ quốc tế với bạn Lào. Ba chiến trường: Chiến trường Quân khu; chiến trường Trị - Thiên; chiến trường Lào.

2. B5 tức là Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, được thành lập tháng 4-1966, công tác tổ chức và lực lượng do Quân khu 4 đảm bảo. Lực lượng ban đầu gồm Sư đoàn 324 và Trung đoàn 31, Sư đoàn 341B. Nhiệm vụ tác chiến, thu hút một bộ phận lực lượng Mỹ - quân đội Sài Gòn ra chiến trường Đường 9, tạo thuận lợi cho các chiến trường khác.

3. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu là các thành phố, trung tâm đầu não của Mỹ - chính quyền Sài Gòn, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng.

4. Kết quả trong đêm 19, ngày 20-1, Trung đoàn diệt 4 tàu địch trên sông, 10 xe bọc thép, 2 máy bay AD6 và 7 máy bay trực thăng, phá hủy 5 kho chứa đầy hàng, 30 xe quân sự, tiêu diệt hơn 200 lính Mỹ, Sài Gòn.

5. Tiêu biểu là: Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ, bằng dụng cụ thô sơ đã phá 189 quả bom các loại. Uông Xuân Lý với chiếc máy húc C100 đã san gạt hàng nghìn m3 đất đá, trong đó chứa lẫn bom mìn. La Thị Tám, Đại đội 2 giao thông, cùng tổ đánh dấu chính xác 703 quả bom, 23 lần bị bom vùi khi làm nhiệm vụ quan sát cắm tiêu đánh dấu bom rơi. 10 cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ san lấp hố bom, đã anh dũng hy sinh ngày 24-7-1968 ở tuổi 20, tuổi đẹp nhất đời người.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #86 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 09:45:30 am »

VAI TRÒ CỦA DU KÍCH
TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968 Ở VĨNH LONG



Thượng tá, ThS. NGUYỄN VĂN ĐIỀN
Phó Phòng Quản lý khoa học,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường miền Tây Nam Bộ nói chung, tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong thắng lợi chung đó, lực lượng du kích Vĩnh Long có vai trò to lớn, góp phần làm thất bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, tạo đà cho việc tiến lên đánh bại các chiến lược chiến tranh tiếp theo của địch, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Là chiến trường trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long là một trong số 22 trọng điểm bình định, vùng "ưu tiên quốc gia", nơi vơ vét sức người, sức của để phục vụ chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đây cũng là nơi địch thí điểm các thủ đoạn chiến thuật và các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh. Khắc phục mọi khó khăn, đặc biệt là sự chia cắt của địch, quân và dân Vĩnh Long luôn chủ động phát huy tinh thần cách mạng, tự lực, tự cường, kiên cường, bền bỉ đấu tranh. Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, lực lượng du kích đã phát huy vai trò của mình trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

1. Chuẩn bị mọi mặt, củng cố lực lượng chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Chủ trương của Khu ủy Tây Nam Bộ trong mùa khô 1967-1968 là tập trung sức đẩy mạnh tiến công, tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; phá bình định, giải phóng nông thôn, giành thắng lợi quyết định, tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp kháng chiến. Thực hiện chủ trương đó, tháng 11-1967, tại xã An Khánh (huyện Châu Thành B), Tỉnh ủy Vĩnh Long đã quán triệt chỉ thị của Khu ủy, đồng thời rà soát lại tình hình để vận dụng chủ trương của Khu ủy vào điều kiện thực tế. Quần chúng nhân dân ở các vùng yếu, vùng bị kìm kẹp, thị xã, thị trấn được tuyên truyền sâu rộng, vùng lên đấu tranh. Tiềm lực của toàn dân cũng được động viên cho kháng chiến, lực lượng vũ trang ba thứ quân được củng cố, bổ sung, kiện toàn.

Thực hiện chỉ thị của Khu ủy, cán bộ, đảng viên nghiêm chỉnh chấp hành và luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì. Bộ đội địa phương đăng ký quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng chuyển lên bộ đội chủ lực. Du kích đẩy mạnh hoạt động bao vây, tiêu diệt đồn, bốt địch, sẵn sàng gia nhập bộ đội tập trung. Nhiều gia đình đăng ký hiến tặng 1/3 đến 1/2 số lúa cho cách mạng. Bông tai, vòng vàng, trang sức cũng được các bà, các má và chị em hiến tặng để mua sắm vũ khí chiến đấu. Đồng bào vùng kìm kẹp cũng gửi tiền, hiện vật, thuốc men ủng hộ bộ đội và du kích mua súng đánh giặc... Nhiều bà mẹ động viên người con trai cuối cùng của mình vào lực lượng vũ trang.

Để bảo đảm vật chất, đặc biệt là đạn và thuốc nổ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, bên cạnh việc sản xuất, cải tiến, tỉnh chủ trương tổ chức lực lượng vận chuyển từ miền Tây và biên giới Campuchia về phục vụ các đơn vị đứng chân trên địa bàn. Bằng nhiều giải pháp mưu trí, sáng tạo, đến ngày 29-1-1968, các lực lượng đã đưa 2 tấn súng, đạn và chất nổ vào ém sẵn tại các vị trí trong nội đô, sẵn sàng thực hiện tổng tiến công và nổi dậy.

Về xây dựng lực lượng, tính đến năm 1967, ở Vĩnh Long có 2.875 du kích với 1.310 khẩu súng (trong đó có 754 du kích xã, 1.978 du kích ấp, 43 du kích mật). Về tổ chức, ở mỗi xã có từ 1 đến 2 tổ du kích được trang bị súng và một vài tổ được trang bị vũ khí thô sơ; ngoài ra, mỗi xã có từ 5 đến 7 du kích hoạt động bí mật. Để giải quyết vấn đề về lực lượng, tỉnh đã quyết định rút hết lực lượng bộ đội địa phương lên tăng cường, phối thuộc cho hai tiểu đoàn của tỉnh (Tiểu đoàn 857 và Tiểu đoàn 2) và hai tiểu đoàn chủ lực của Khu (Tiểu đoàn 306 và 308); đôn hết lực lượng du kích của xã lên thành các đại đội địa phương cấp huyện, đôn du kích thôn, ấp lên thành các đội du kích xã... "Đôn quân" bao gồm cả cán bộ, chiến sĩ và vũ khí đảm bảo tổ chức và chiến đấu được ngay (nếu thiếu cán bộ thì điều cán bộ huyện đội, xã đội và cán bộ các phòng, ban của Tỉnh đội ra chiến đấu) . Bên cạnh củng cố lực lượng, việc huấn luyện chiến thuật, đặc biệt là kỹ thuật công binh và bắn máy bay cho du kích cũng được chú trọng từ ấp, xã, thị trấn, thị xã. Cùng với đó, phong trào binh vận cũng được triển khai tích cực nhằm vận động, giác ngộ nhiều gia đình binh sĩ, nhiều cơ sở mật trong hàng ngũ địch, tích cực kêu gọi binh lính địch đầu hàng, rã ngũ.

Như vậy, trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang của Vĩnh Long đã được xây dựng, củng cố tương đối hoàn chỉnh. Với ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu lập công, lực lượng du kích đã trở thành lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ trên các hướng mũi tiến công, các mục tiêu chủ yếu, quan trọng.

 2. Phát huy vai trò của du kích trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Ngày 27-1-1968, lệnh tổng tiến công và nổi dậy được truyền đạt xuống phân ban Khu ủy Mặt trận Cửu Long cùng hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại trọng điểm Vĩnh Long, quân Mỹ, quân Sài Gòn và quân đồng minh có 17.732 tên (trong đó có 1.200 quân Mỹ gồm chuyên viên kỹ thuật, phi công, cố vấn); với số lượng 4.769 quân chủ lực, gồm các tiểu đoàn bộ binh của hai trung đoàn 15 và 16, Sư đoàn bộ Sư đoàn 9, một số đơn vị binh chủng, số còn lại là lực lượng địa phương quân. Toàn bộ lực lượng trên được bố trí như sau: Tại sân bay Vĩnh Long có 2 đại đội trực thăng 157, 144 với 66 trực thăng vũ trang vận tải và trinh sát (có lúc lên đến 80 chiếc); hải quân có 2 giang đoàn 23 và 517 với khoảng 40 tàu xuồng, thường xuyên co cụm tại sông Cổ Chiên; 1 đại đội công binh Mỹ đang làm đường tại cầu Công Xi Heo và bến phà Cổ Chiên; Trung đoàn 16 thuộc Sư đoàn 9 đóng ở Long Hồ; hai tiểu đoàn của Trung đoàn 15 đóng ở Sa Đéc...

 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tại Vĩnh Long diễn ra vào lúc 2 giờ 30 phút sáng 30-1-1968 (tức ngày mồng 1 Tết Mậu Thân). Mở đầu là đợt tập kích hỏa lực vào sân bay Vĩnh Long. Trong những ngày đầu tiến công, tại thị xã, ta đã giành được một số thắng lợi. Tuy nhiên, trước sự phản kích quyết liệt của địch, cuộc Tổng tiến công có dấu hiệu chững lại. Trước tình hình đó, để bảo đảm quân số chiến đấu, nhiều đảng viên, đoàn viên, đặc biệt là du kích kịp thời được bổ sung, tăng cường cho các đơn vị bộ đội tập trung. Do được huấn luyện chu đáo nên phần lớn lực lượng vừa được tăng cường đều có thể chiến đấu được ngay và duy trì tốt hoạt động tác chiến.

Phối hợp nhịp nhàng với tiến công và nổi dậy ở thị xã, quân và dân vùng ven ba xã Đồng Phú, An Bình, Bình Hòa nổi dậy kết hợp ba mũi giáp công, tiêu diệt và bức hàng, bức rút các đồn bốt của địch, giải phóng vùng ven. Trước sức mạnh của Quân giải phóng, 76 lính bảo an ra hàng, giao nộp toàn bộ vũ khí. Số vũ khí này được trang bị cho du kích, góp phần tăng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang tại chỗ trong hoạt động truy kích, tiêu diệt địch. Đến tối 3-2-1968 (mồng 5 Tết), toàn bộ binh lính địch ở các đồn, bốt co cụm về Đồng Phú cũng ra hàng và giao nộp vũ khí. Xã Đồng Phú được giải phóng hoàn toàn, các xã An Bình và Bình Hòa Phước cơ bản được giải phóng.

Sáng 1-2-1968, 1 tiểu đội du kích xã bí mật tiếp cận bốt Cái Mít, tiêu diệt bốt trưởng và tổ chức bao vây bức hàng bốt, thu 14 súng (1 súng trung liên). Sau 3 ngày bị bao vây, lực lượng địch đồn trú trong bốt Vĩnh Bình cũng tìm đường tháo chạy. Số còn lại kéo ra hàng, ta thu 24 súng, giải phóng hoàn toàn xã.

 Dọc quốc lộ 4, đầu tháng 2-1968, được nhân dân các xã Phong Phú A, Phong Phú B, Phú Quới giúp đỡ, du kích kết hợp với lực lượng công binh của tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Văn Sa (Tư Sa), Tỉnh ủy viên đã cắt đứt quốc lộ 4, bức hàng, bức rút 8 đồn bốt, thu gần 100 súng các loại, làm chủ hoàn toàn đoạn Ba Càng - Phú Quới suốt 22 ngày đêm liên tục.

 Hòa chung khí thế tiến công của toàn tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Cái Nhum, du kích huyện, xã, ấp phối hợp với các lực lượng chớp thời cơ đẩy mạnh phong trào quần chúng nổi dậy, kết hợp ba mũi giáp công phá và bức hàng nhiều đồn bốt địch, giải phóng nông thôn, bao vây kìm chặt chi khu Minh Đức, làm chủ tỉnh lộ 32, giải phóng cơ bản 5 xã: Nhơn Phú, Hòa Thịnh, Mỹ An, Bình Phước, Chánh Hội. Ngoài ra, huyện còn phối thuộc, bảo đảm hậu cần cho Tiểu đoàn 308 tiến công vào thị xã.

 Tại huyện Vũng Liêm, du kích phối hợp với 2 đại đội địa phương và các đơn vị binh chủng chia thành nhiều mũi tiến công các chi khu trên địa bàn, diệt 18 đồn (điển hình là các đồn Sân Banh, ngã ba An Nhơn, Giồng Ké), bức rút 10 đồn khác, đốt cháy kho xăng, đánh chiếm khu nhà thương, khu truyền tin..., phá hủy 12 xe quân sự, bắn rơi 1 trực thăng, giải phóng hoàn toàn hai xã Trung Hiệp, Hiếu Thành; giải tỏa tuyến sông Măng Thít (từ Tân An Luông tới Quới An), giải phóng cơ bản 7 xã còn lại (Tân An Luông, Quới An, Trung Ngãi, Trung Thành, Hiếu Phụng, Quới Hiệp, Trung Hiếu).

 Ở huyện Lấp Vò, sáng mồng 1 Tết, du kích cùng nhân dân kéo lên lộ 80 đắp chướng ngại vật, chiếm lĩnh lộ và vây ép chi khu, bao vây, bức hàng, bức rút hàng chục đồn bốt địch. Cùng ngày, tại huyện Bình Minh, du kích và nhân dân tạo chướng ngại vật làm chủ lộ 4, tiếp đó bao vây bức hàng một số đồn bốt trong vùng sâu...

 Tại huyện Châu Thành A, là huyện vùng ven bao bọc thị xã, kết hợp với tiến công và nổi dậy, ta đã diệt và bức hàng được các đồn Đìa Chuối, Bún Đình, Miễu Trắng, Kỳ Hà, Long Hiệp, giải phóng hoàn toàn xã Phước Hậu, nối liền hành lang từ thị xã đến vùng căn cứ; giải phóng cơ bản các xã Long Hồng, Long Đức, An Đức, Lộc Hòa.

 Tại huyện Châu Thành B, ta đánh chiếm, làm chủ bến phà Mỹ Thuận, thực hiện ba mũi giáp công, diệt đồn bốt, giải phóng hoàn toàn xã Hòa Tân, An Khánh, Tân Hòa, làm chủ hoàn toàn vùng chữ V, giải phóng cơ bản 3 xã An Phú Thuận, Phú Hựu, Tân Hợi Đông, bao vây và phá rã hoàn toàn chi khu Đức Tôn.

 Tại huyện Tam Bình, ta đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, kết hợp chặt chẽ với mặt trận giao thông lộ 4, bao vây bức hàng và tiêu diệt đồn bốt, giải phóng nông thôn, "lột bọc"1 yếu khu Ba Càng và khu trù mật Cái Sơn, cắt đứt lộ 16, cô lập Tam Bình cả đường thủy và đường bộ, giải phóng cơ bản 6 xã: Mỹ Lộc, Hậu Lộc, Hòa Hiệp, Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ.

 Như vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 (từ tháng 2 đến tháng 4), quân và dân Vĩnh Long đã cơ bản đạt được mục đích đặt ra: đánh 395 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, thu 440 súng các loại, bắn rơi 25 máy bay, phá hủy tại sân bay 82 chiếc, phá hủy 63 xe quân sự (trong đó có 32 xe M113), bắn cháy 9 tàu; tấn công tiêu diệt, bức rút, bức hàng 80 đồn (trong đó, diệt 6 đồn, bức hàng 10 đồn, bức rút 60 đồn), phá giao thông trên các lộ, quốc lộ 4 các liên tỉnh lộ 7, 8, 23, 32, 37, Hàng Me, Ba Kè với 220 lần phá, phá hỏng 8.571 mét lộ, đánh sập 11 cầu sắt...

Trong chiến công chung đó, du kích tỉnh Vĩnh Long đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, làm chỗ dựa cho quần chúng nhân dân nổi dậy phá kìm, diệt đồn bốt; phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tiến công trên các hướng, mũi chủ yếu. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long mãi là niềm tự hào của lực lượng du kích nói riêng, của quân, dân toàn tỉnh nói chung. Việc tổng kết vai trò, kinh nghiệm của lực lượng vũ trang ba thứ quân, đặc biệt là lực lượng du kích là cần thiết để tiếp tục vận dụng vào xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.




----------------------------------------------------------------
1. Lột bọc: Dùng để chỉ các đồn bốt chung quanh bị bức diệt chỉ còn chi khu đơn độc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #87 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 09:51:44 am »

CHÍNH TRƯỜNG MỸ SAU SỰ KIỆN XUÂN MẬU THÂN 1968



Đại tá, TS. LÊ ĐỨC HẠNH
Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự thế giới,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam không chỉ là cuộc chiến dài ngày nhất, tốn kém nhất, mà còn là cuộc chiến để lại nhiều bất đồng, mâu thuẫn nhất trong chính trường nước Mỹ. Ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Ngoại giao; giữa Đảng Dân chủ với Đảng Cộng hòa; giữa phái "Diều hâu" với phái "Bồ câu"; giữa người dân với chính quyền, thậm chí giữa các cơ quan chiến lược quân sự Mỹ, v.v. đã tồn tại hàng loạt bất đồng, kể cả việc tìm tiếng nói chung về mục đích của cuộc chiến tranh hoặc bằng cách nào để giành thắng lợi trong cuộc chiến, v.v.. Mặc dù tồn tại vô số bất đồng, nhưng ba đời tổng thống Mỹ là Aixenhao (Dwight David Eisenhower) (1953-1961), Kennơđi (John Fitzgerald Kennedy) (1961-1963), Giônxơn (Lyndon Baines Johnson) (1963-1969) đã tìm mọi cách vượt qua để rồi thực hiện "trót lọt" ba chiến lược chiến tranh, đưa hàng triệu lượt binh lính cùng hàng vạn tấn vũ khí, khí tài hiện đại sang Việt Nam, biến Việt Nam thành chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến hàng triệu dân thường vô tội Việt Nam trở thành nạn nhân chiến tranh.

Đến năm 1968, mọi sự thật về cuộc chiến tranh đã bị phơi bày qua sự kiện Mậu Thân 1968. Sau sự kiện đó, nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội sâu sắc; chính trường Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy phân hóa chính trị khó có thể dung hòa.

Quả vậy, trước sự kiện Mậu Thân 1968, mặc dù không ít người dân và chính giới Mỹ đã phần nào đoán định được tương lai của cuộc chiến; hiểu rõ những tổn thất mà nước Mỹ đang phải gánh chịu, thậm chí cả những lời tán dương theo chủ nghĩa chiến thắng (Triumphalism) mà các đời tổng thống thường lấy đó để bưng bít sự thật nhằm tranh thủ lòng dân. Nhưng sau sự kiện Mậu Thân 1968, khi được chứng kiến cảnh "Việt cộng" đồng loạt tiến công vào hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam; cảnh binh lính Mỹ và quân đội Sài Gòn náo loạn để giải cứu cho tòa Đại sứ Mỹ, cố đô Huế và nhiều trung tâm điều hành chiến tranh khác thì nhận thức của họ trở nên rõ ràng hơn. Họ không tin vào tương lai chiến thắng; họ khẳng định những lời tuyên bố trước đây của các đời tổng thống là lừa dối. Hàng triệu gia đình người Mỹ còn đặt câu hỏi: việc chồng, cha, con của họ đã hy sinh và tàn phế tại Việt Nam có phải vì lợi ích chính đáng của nước Mỹ?; Phải chăng mọi nỗ lực của Mỹ trong thời gian qua đã trở nên vô ích?. Hậu quả của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ làm suy sụp lòng tin của người dân Mỹ về cuộc chiến, mà còn làm suy giảm uy tín của Tổng thống Giônxơn. Số liệu các cuộc điều tra tại Mỹ vào cuối tháng 2-1968 cho thấy, uy tín của Tổng thống Giônxơn về điều hành chiến tranh giảm từ 51% vào tháng 11-1967 xuống còn 26%; về điều hành đất nước nói chung cũng giảm từ 48% xuống còn 36%. Số liệu điều tra của Viện Gallup còn chỉ ra rằng, sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, có thêm hơn 30% người Mỹ trước đây không phản chiến nay chuyển sang phản chiến; số chính khách từ phái "Diều hâu" chuyển sang phái "Bồ câu" cũng không nhỏ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ tác động và làm thay đổi căn bản nhận thức của nhân dân Mỹ, mà đó còn là cú sốc đối với chính trường Mỹ. Chỉ ít ngày sau khi đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy kết thúc, cựu Tổng thống Mỹ Aixenhao đã phải thừa nhận: "Chưa bao giờ nước Mỹ gặp phải tình trạng đáng buồn và bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến tranh như hiện nay". Tại Quốc hội, nhiều thượng nghị sĩ, trong đó có Rôbớt Kennơđi (Robert Kennedy) thì quả quyết: "Tết đã lột bỏ mặt nạ của một ảo tưởng chính trị mà chúng ta che giấu hàng chục năm qua". Thượng nghị sĩ Mác Cathi (Eugene McCarthy) (bang Minnesota) thì cho rằng: "Cuộc tổng tiến công đã chứng minh các báo cáo trước đây của chính quyền là sản phẩm của sự tự lừa dối". Không chỉ dừng lại ở những lời cáo buộc đơn lẻ, sau đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Thượng nghị sĩ Phunbrai (J. William Fulbright) thuộc Đảng Dân chủ (bang Arkansas) còn tổ chức phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Tại cuộc điều trần này, 113 thượng nghị sĩ đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống cung cấp đầy đủ các thông tin về quá trình điều hành chiến tranh. Mặc dù không mang lại kết quả như mong muốn, nhưng cuộc điều trần cùng sự phản ứng của các thượng nghị sĩ Mỹ một lần nữa cho thấy, bất đồng giữa Tổng thống với nhiều chính khách; giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã đến lúc khó có thể dung hòa. Để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị sau sự kiện Mậu Thân, cuối tháng 3-1968, Tổng thống Giônxơn đã phải triệu tập gấp cuộc họp cố vấn cấp cao không chính thức mà ông gọi là các nhà thông thái (Wise Men). Trong cuộc họp này, ngoại trừ một số người vắng mặt, Tổng thống đã tham vấn tới 10/14 thành viên, trong đó có cả Din Achixơn (Dean Acheson) - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Henri Cabốt Lốt (Henry Cabot Lodge) - nguyên Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, Mác Giócgiơ Bănđi (McGeorge Bundy) - nguyên Cố vấn an ninh quốc gia, và các vị tướng về hưu như Ôma Brétli (Omar Bradley), Mátthiu Rítoây (Matthew Ridgway) và M. Taylo (Maxwell Taylor), v.v.. Tuy nhiên, khác với những gì Tổng thống mong đợi, nếu như trong cuộc họp hồi tháng 11-1967, phần lớn các thành viên đều ủng hộ chính sách leo thang của Tổng thống, thì trong cuộc họp lần này, đa số họ đều khẳng định: đã đến lúc nước Mỹ nên chấm dứt leo thang chiến tranh và rút quân về nước; và rằng, nếu tiếp tục tăng quân tới Việt Nam thì nước Mỹ cũng phải mất 10 hay 15 năm nữa mới đánh bại được cộng sản. Kết thúc cuộc họp, mặc dù Tổng thống Giônxơn bị sốc bởi ý kiến đảo ngược của các nhà thông thái, nhưng ông cũng nhận ra rằng, phản ứng của họ là khách quan, là xu hướng không thể đảo ngược của cuộc chiến; và rằng, lời khuyên của họ đã nói lên tất cả những gì người dân muốn nói.

Mâu thuẫn trong chính trường Mỹ sau sự kiện Mậu Thân 1968 không chỉ dừng lại ở những "lời qua tiếng lại" hoặc sự bất tín của người dân Mỹ, mà còn ở các quyết sách liên quan đến cuộc chiến sau đó. Ngay sau khi Mậu Thân nổ ra, tướng Uylơ (Wheeler) - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng Oétmolen (Westmoreland) - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) và Đô đốc Sáp (Sharp) - Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân Mỹ trên chiến trường Thái Bình Dương đã tìm cách thuyết phục Tổng thống mở rộng Chiến dịch Sấm Rền đánh phá miền Bắc, tăng thêm 206.000 quân tới miền Nam Việt Nam nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, củng cố tinh thần binh lính và làm chỗ dựa cho chính quyền và quân đội Sài Gòn. Mặc dù chịu sức ép từ giới quân sự, nhưng do lo ngại sự phản đối của Quốc hội và nhân dân Mỹ cũng như ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống sắp tới nên Tổng thống Giônxơn phản ứng một cách hết sức dè dặt. Ngày 9-2-1968, sau khi nhận được đề nghị tăng quân từ Oétmolen, Tổng thống triệu tập gấp cuộc họp với sự tham gia của Uylơ, Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara, Cờlác Cờlípphớt và một số quan chức cao cấp khác. Ngay khi bước vào cuộc họp, Tổng thống đã đưa ra câu hỏi: Vì sao Oétmolen yêu cầu tăng quân?. Các đại biểu đã đưa ra nhiều lập luận khác nhau nhưng hầu hết các lập luận đó chưa thuyết phục được Tổng thống. Trong bối cảnh đó, ngày 28-2, Tổng thống tiếp tục chỉ định Nhóm đặc biệt do Cờlác Cờlípphớt - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong tương lai đứng đầu thành lập Ủy ban xem xét đề nghị tăng quân của MACV. Thực hiện chỉ đạo của Tổng thống, ngày 4-3, Ủy ban trình Tổng thống bản báo cáo, trong đó khẳng định: dù Mỹ có tăng thêm quân thì Bắc Việt Nam cũng dễ dàng vô hiệu hóa. Không những vậy, nếu Mỹ tiếp tục tăng quân vào Việt Nam thì tổn thất và cái giá phải trả cho chiến tranh càng lớn. Việc tăng quân cũng sẽ khiến chia rẽ chính trị trong nước càng thêm sâu sắc.

Ngay sau khi nhận được báo cáo, bản thân Tổng thống cũng cảm thấy bất ngờ vì trước đó Cờlác Cờlípphớt đã có lần tuyên bố: nếu thay Mắc Namara làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, ông sẽ ủng hộ cho việc mở rộng chiến tranh cả ở miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam, đặc biệt là vấn đề tăng quân. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, ông đã có quan điểm trái ngược và nghiêng về xu hướng xuống thang chiến tranh. Nhiều nhà bình luận quân sự lúc đó cho rằng, sở dĩ Cờlípphớt thay đổi quan điểm là vì ông đã bị ảnh hưởng bởi các quan chức dân sự trong Bộ Quốc phòng, trong đó có cựu Bộ trưởng Mắc Namara; Thứ trưởng Pôn Nít (Paul Nitze) và trợ lý Bộ trưởng phụ trách vấn đề quốc tế Pôn Uânki (Paul Warnke)...

Mâu thuẫn trong chính trường Mỹ sau sự kiện Mậu Thân 1968 được bộc lộ rõ nét nhất trong các kỳ họp Quốc hội Mỹ. Sau sự kiện đó, Đảng Cộng hòa liên tiếp lên tiếng buộc tội Tổng thống Giônxơn và các đảng viên Đảng Dân chủ "non tay với cộng sản", thực hiện chính sách "nửa vời" và không theo đuổi đến cùng các mục tiêu quân sự đã đề ra khiến Nam Việt Nam rơi vào tình trạng như hiện nay. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa trong cả hai viện của Quốc hội còn lớn tiếng yêu cầu Tổng thống phải lập tức gỡ bỏ tất cả hạn chế của Chiến dịch Sấm Rền, mở rộng leo thang đánh phá miền Bắc bằng tất cả các phương tiện có thể nhằm làm suy sụp ý chí của Hà Nội, đồng thời tăng quân vào miền Nam để chặn đứng thế "thượng phong" của cộng sản. Trái ngược với Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ coi sự kiện Mậu Thân là hệ quả tất yếu của những suy tính chiến lược vô căn cứ. Theo họ, trong suốt hơn một thập kỷ qua, do thái độ "diều hâu" của Đảng Cộng hòa cùng với sự nhu nhược của các đời tổng thống nên nước Mỹ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội dàn xếp cuộc chiến tranh tại Việt Nam bằng giải pháp hòa bình. Trong các phiên họp thường kỳ và bất thường của Quốc hội, nhiều đảng viên Đảng Dân chủ vẫn công khai tuyên bố chống chiến tranh; thúc giục Tổng thống Giônxơn chấm dứt ném bom miền Bắc và tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Nhiều thượng nghị sĩ còn buộc tội cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã làm đảo lộn toàn bộ thành quả mà nước Mỹ đã đạt được từ hàng trăm năm trước đó, thậm chí còn đi ngược với lợi ích và đạo lý nước Mỹ. Một số thống đốc bang thuộc Đảng Dân chủ còn yêu cầu Tổng thống phải sớm xin lỗi nhân dân Việt Nam... Trước những phản ứng trái chiều của hai đảng trong Quốc hội sau sự kiện Mậu Thân 1968, Tổng thống Giônxơn đã gán cho họ cái tên "những người theo chủ nghĩa bè phái"; hoặc hành động của họ là sự phản bội; là ý đồ làm cho chiếc ghế Tổng thống của ông bị lung lay, v.v..

Bất đồng trong chính trường Mỹ sau sự kiện Mậu Thân 1968 được phản ánh rõ nét nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968. Trong cuộc bầu cử này, do hậu quả của cuộc chiến tranh cùng sự phản đối của công chúng và nhiều chính khách Mỹ, Tổng thống Giônxơn đã buộc phải tuyên bố không tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Sau khi Tổng thống Giônxơn tuyên bố ý định từ chức, Phó Tổng thống Hămphri (Humphrey) trở thành ứng cử viên số một của nước Mỹ. Mặc dù trong thâm tâm ông vẫn muốn theo đuổi chính sách của Tổng thống Kennơđi, nhưng ông cũng không muốn làm rạn nứt mối quan hệ với Tổng thống Giônxơn. Vì vậy, sự lựa chọn giữa theo đuổi và phản đối chiến tranh luôn là vấn đề khiến Hămphờrây gặp rất nhiều khó khăn trên con đường tranh cử. Tại đại hội Đảng Dân chủ diễn ra tại Chicago vào tháng 8-1968, sự rạn nứt trong nội bộ đảng về vấn đề chiến tranh Việt Nam cũng diễn ra hết sức gay gắt. Trong khi Hămphờrây đề nghị ngừng ném bom và chấm dứt việc tăng quân tới Việt Nam thì nhiều thành viên khác, trong đó có cả Tổng thống Giônxơn lại phản đối quyết liệt đề nghị đó. Một tuần trước khi diễn ra bầu cử, Hămphờrây chính thức kêu gọi chấm dứt ném bom và dần rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, đồng thời tiến hành đàm phán với Bắc Việt Nam. Sự phản ứng quyết liệt của Hămphờrây đã khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử với số phiếu chỉ kém Risác Milơhaus Níchxơn (Richard Milhous Nixon) chưa đầy 1%. Nhiều nhà sử học sau đó cho rằng, vì Hămphờrây quyết tâm vứt bỏ ám ảnh của sự kiện Mậu Thân và vượt ra khỏi vòng cương tỏa của Giônxơn về cuộc chiến tranh Việt Nam nên ông đã hoàn toàn thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Đánh giá về sự kiện Mậu Thân nói chung, tác động của nó tới chính trường Mỹ nói riêng, nhiều nhà quan sát, kể cả giới nghiên cứu và các nhà sử học cho rằng, "Tết" là một thất bại trong chiến lược quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Cho đến thời điểm trước khi xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân, nước Mỹ đã đổ không ít tiền của và sinh mạng vào cuộc chiến. Tính đến giữa năm 1967, bình quân hằng năm Mỹ đã chi phí cho cuộc chiến tại Việt Nam hơn 20 tỉ USD. Đến giữa năm 1968, số binh lính Mỹ có mặt tại Việt Nam đã lên tới 540.000 quân. Chi phí và tổn thất của quân đội Mỹ đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội của Mỹ. Và cho đến khi sự kiện Tết Mậu Thân kết thúc, nhân dân Mỹ mới thực sự thấy rằng, mọi chi phí cho chiến tranh đã trở nên vô nghĩa, nó không thể đảm bảo cho một chiến thắng tại Việt Nam. Và cũng chính điều đó đã khiến không ít người Mỹ cả trong và ngoài Chính phủ đều đặt câu hỏi: nên chăng nước Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược đã đề ra tại Việt Nam.

Lý giải cho những thất bại của Mỹ trong sự kiện Mậu Thân năm 1968, nhiều chiến lược gia quân sự Mỹ còn chỉ ra rằng, trong suốt thời gian trước năm 1968, phần lớn các báo cáo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đều khẳng định, cuộc chiến tại Việt Nam đã đi đúng hướng và đang gần tới đích. Vì các báo cáo đó mà các đời tổng thống đã không tiếc tiền của để đổ vào cuộc chiến Việt Nam. Đến cuối năm 1967, tướng Oétmolen đã có trong tay gần 485.000 quân, và ông từng tuyên bố, cuộc chiến tại Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Lực lượng cộng sản về cơ bản đã bị đánh bại, mọi chi viện của Bắc Việt Nam cho Nam Việt Nam chỉ như muối đổ biển. Và khi Tết Mậu Thân nổ ra, với ưu thế về lực lượng và hỏa lực, lẽ ra đây chính là cơ hội để Oétmolen đưa cuộc chiến tranh đi đến đích. Thế nhưng, mọi việc đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại. "Mậu Thân" đã không trở thành hy vọng, trái lại nó đã trở thành cú sốc làm cho lòng tin của nhân dân Mỹ đối với cuộc chiến giảm sút đến mức thấp nhất. Trong cuốn Quân đội và Việt Nam, tác giả Anđriu F Crepinevích (Andrew F. Krepinevich) viết: thất bại của quân Mỹ trong Tết Mậu Thân cùng với những đề nghị tăng quân tới Việt Nam của Oétmolen là bằng chứng về sự thất bại về chiến lược của Mỹ tại Việt Nam . Đồng điệu với quan điểm của Anđơriu F Cờrepinevích, nhà sử học Hơbớt Y. Skenlơ (Herbert Y. Schandler) cho rằng: Tết Mậu Thân là bước ngoặt buộc Tổng thống Giônxơn phải nhìn lại chiến lược của mình. Thất bại trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân buộc Tổng thống phải khước từ tranh cử, từ bỏ quan điểm "diều hâu" để rồi quay lại với chiến lược "chống nổi dậy" thay vì theo đuổi chiến lược chiến tranh leo thang. Mặc dù Tết Mậu Thân không làm thay đổi bản chất chiến tranh, nhưng nó đã buộc các nhà hoạch định chiến lược cả ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải đánh giá lại chính sách, chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam, ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tại Việt Nam.

Như vậy, có thể khẳng định, Tết Mậu Thân 1968 đã tác động toàn diện đến chính trường nước Mỹ. Sau sự kiện đó, Nội các Nhà Trắng thì lúng túng về chiến lược tiến hành chiến tranh; phong trào phản chiến lan rộng trong cả nước; chính giới Mỹ bị phân hóa, chia rẽ sâu sắc. Phái chủ hòa trong Quốc hội và chính quyền mạnh lên; phái chủ chiến dần yếu thế. Đó là thất bại, là bước ngoặt trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Đó cũng là điều kiện để quân và dân ta tiến lên thực hiện trọn vẹn ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #88 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 10:01:52 am »

TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968 -
ẢNH HƯỞNG QUỐC TẾ VÀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO



TS. LÊ ĐỨC HOÀNG
Ban Tuyên giáo Trung ương


Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thách thức lớn nhất, ác liệt nhất nhưng cũng là điểm nhấn bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng miền Nam, làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ảnh hưởng sâu rộng, "gây chấn động dữ dội dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới". Đặc biệt, nó tác động trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của giới quan chức, quân sự Mỹ, đưa nước Mỹ vào tình trạng "khủng hoảng niềm tin" sau Tết Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải điều chỉnh một số chính sách trong quan hệ quốc tế.

Nhà bình luận Mỹ B. Ríchuây ví cuộc tấn công Tết Mậu Thân với trận Oatéclô năm 1815; có người lại so sánh với sự bất ngờ của trận Trân Châu Cảng năm 1941. Nhà báo Mỹ D. Obơđophơ (người chứng kiến những ngày Tết Mậu Thân) viết trong tác phẩm Tết: "Tầm quan trọng đầy đủ về Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đang nằm ngoài tầm nhận thức của chúng ta" và "đây là một sự kiện có tính chất bước ngoặt lớn của thời đại chúng ta". Nhà sử học Mỹ G. Côncô nêu trong tác phẩm Giải phẫu một cuộc chiến tranh (xuất bản năm 1985): "Với Mậu Thân 1968, Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh ngoài nước đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882, gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một cuộc phân hóa về chính trị". Còn cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là M. Taylo thì cho biết: sự kiện ngày 31-1-1968 và những trận tiến công của Quân giải phóng Việt Nam được báo chí Mỹ tường thuật dưới dạng những hàng tít lớn chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình làm cho phần lớn dân chúng Mỹ và một số quan chức Mỹ kinh hoàng, phải rất lâu họ mới "hoàn hồn" và trong một số trường hợp, sự "hoàn hồn" đó không bao giờ được khôi phục trở lại. Nhưng bất ngờ thực sự của cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 không phải là việc đối phương mở cuộc tiến công lớn mà là mở một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt. Ngay cả những người từng ủng hộ chính sách chiến tranh của Tổng thống B. Giônxơn cũng thừa nhận: "Cuộc tiến công Tết 1968 cho thấy số 50 vạn quân Mỹ là vô cùng thiếu, không thể nào đánh đuổi và khuất phục nổi Việt cộng". Ngày 26-3-1968, nhóm cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ đưa ra lời cảnh báo: "Mỹ buộc phải bắt đầu có biện pháp rút lui". Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara từ chức ngày 29-2-1968, người thay thế là Clípphớt cũng cho rằng, cuộc chiến ở Việt Nam "như một cái thùng không đáy" và "dù Mỹ có gửi bao nhiêu quân sang thì đối phương vẫn có thể đáp trả".

Báo chí, truyền thông ở Mỹ, kể cả giới quân sự, chính trị và một số học giả Mỹ mất nhiều công sức để lý giải về ảnh hưởng, sự bí mật, bất ngờ của sự kiện Tết Mậu Thân. Báo chí tô đậm sự kiện này và sự phản ứng không đúng lúc của giới quân sự Mỹ cùng phong trào phản đối chiến tranh bùng lên dữ dội trong lòng nước Mỹ. Bởi vậy, từ năm 1968, "Tết" là một phong tục cổ truyền ở Việt Nam (và một số nước châu Á) đã trở thành danh từ riêng mang những ý nghĩa khác nhau trong ký ức người Mỹ, nhất là đối với những người trực tiếp tham chiến. Tại thời điểm bị tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân 1968 và sau đó, "Tết" trở thành nỗi bàng hoàng đối với nhiều lãnh đạo cấp cao của Mỹ. Sự kiện Tết Mậu Thân đã cho Mỹ một cú "choáng đột ngột", làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến; đưa cảnh tượng chiến tranh vào mỗi gia đình Mỹ, vào Quốc hội Mỹ; làm cho người dân nhận thức được câu chuyện "chiến thắng" ở Việt Nam mà Lầu Năm Góc tung tin đều là giả dối.
 
Trong "cơn ác mộng" sau Mậu Thân, tình hình nước Mỹ trở nên hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử. Nhân dân Mỹ ở khắp nơi dấy lên phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, biểu tình đòi chính quyền Mỹ rút quân đội về nước. Ngọn lửa phản chiến bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết, trở thành một cuộc đối đầu giữa chính quyền và nhân dân Mỹ ở ngay trong lòng nước Mỹ. Những cuộc biểu tình của người dân Mỹ tại Xan Phranxixcô bang Caliphoócnia, của sinh viên Trường Đại học Kent State tại bang Ôhaiô cho thấy sự căng thẳng tột độ. Lực lượng vệ binh quốc gia xả súng vào sinh viên trong khuôn viên trường đại học khiến bốn sinh viên thiệt mạng và chín người khác bị thương. Một cựu phóng viên tờ Tin tức Washington kể rằng: Cuộc tấn công Mậu Thân cho người dân Mỹ thấy một sự thật là cuộc chiến này không có chiều hướng dịu đi, người ta bắt đầu chú ý nhiều đến nó. Những người Mỹ tình nguyện đi lính bắt đầu phản đối chiến tranh, kể cả với người đang ở Việt Nam. Họ viết thư về nhà, công khai phản đối chiến tranh. Vậy là sự dịch chuyển, thay đổi thái độ sang phản đối chiến tranh cứ lớn dần, lớn dần lên. Sau Tết Mậu Thân 1968, Đích Huchơx (Dick Hughes), diễn viên Mỹ, là một trong số 16 triệu thanh niên Mỹ đã đốt thẻ và chống lệnh quân dịch (phải đối mặt với án tù 5 năm) kể về ám ảnh của Mậu Thân 1968: Cuộc chiến tranh này luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Trên tivi, chúng tôi luôn nhìn thấy những trận đánh, những xác người chết và những gì đang diễn ra thật khủng khiếp tại Việt Nam. Tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó cho Việt Nam. Và tôi đã đến Việt Nam làm công tác xã hội. Trong bối cảnh đó, Hạ viện Mỹ ra quyết định đòi rút hết quân đội Mỹ về nước trong thời gian sớm nhất, còn Tổng thống R. Níchxơn phải đưa ra lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 6 tháng và sẽ có những thay đổi trong chính sách đối nội, đội ngoại.

Trên phạm vi toàn cầu, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã tác động, làm phá sản chiến lược quân sự "phản ứng linh hoạt" của Mỹ, làm cho những người cầm quyền, kể cả giới quân sự Mỹ phải thừa nhận Mỹ có thể bị thua trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1969, R. Níchxơn lên làm Tổng thống trong hoàn cảnh khó khăn, đen tối chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Sự thất bại nặng nề liên tiếp ở Việt Nam và nhiều nơi khác làm cho lực lượng và địa vị của Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng. Trước tình thế đó, R. Níchxơn phải đưa ra học thuyết mới nhằm điều chỉnh lại "chiến lược" để tiếp tục mưu đồ bá chủ thế giới, giữ vững vị trí, quyền lợi của mình. Trong đó, chủ trương "sẵn sàng thương lượng" nếu thấy có lợi cho Mỹ và nhằm chia rẽ, khiêu khích các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng thế giới. Có thể nói, "học thuyết Níchxơn" ra đời là một bước lùi và biểu hiện của thế bị động so với "chủ nghĩa Truman" và "chiến lược Kennơđi". R. Níchxơn đề ra chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", muốn thương lượng với Việt Nam nhưng trên thế mạnh và với điều kiện có lợi cho Mỹ . "Học thuyết Níchxơn" đưa ra sau Tết Mậu Thân không còn trong thế "trả đũa ồ ạt" như hơn 10 năm về trước mà thiên về "thuyết phục", "thương lượng hòa bình", "chia sẻ trách nhiệm cho đồng minh" trong các vấn đề quốc tế. Hệ thống báo chí nhiều nước vào cuộc sôi động khiến những thông tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 lan tỏa nhanh chóng khắp thế giới. Nhân loại tiến bộ càng chăm chú theo dõi diễn biến cuộc chiến, bày tỏ khâm phục ý chí giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của Mỹ phát triển mạnh mẽ.

Tờ Tin tức Washington, ngày 31-1-1968, viết: Các cuộc tiến công ồ ạt, táo bạo của cộng sản ngày 31-1 vào Sài Gòn, 8 tỉnh lỵ và 30 thị trấn nhỏ là một điều đáng kinh ngạc. Cảnh sát quân sự Mỹ đã phải đáp máy bay lên thẳng xuống nóc Tòa Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong khói đạn để giành lại tòa nhà được coi là "chống du kích" nhưng lại bị cộng sản chiếm trong 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để buộc chính quyền Giônxơn phải dẹp bỏ những nhận định lạc quan được coi là không có giá trị của mình". Thời báo New York, số ra ngày 1-2-1968, bình luận: Cuộc tiến công của đối phương vào cả Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mỹ ở châu Á. Đây rõ ràng không phải là hành động của một đối thủ đang yếu dần như các nhà quân sự Mỹ đã khẳng định hồi tháng 11-1967. Hãng thông tấn Reuters của Anh, ngày 3-2-1968, khẳng định: Quy mô và tính chất ác liệt của các trận tấn công phối hợp ở Sài Gòn và ở các trung tâm chủ chốt khác tại miền Nam Việt Nam làm cho Mỹ và các nước đồng minh hết sức bất ngờ. Ngày 5-2-1968, Hãng này đưa ra thống kê: Mỹ có đến nửa triệu quân ở Nam Việt Nam, mất 13 năm và tiêu mỗi ngày 60 triệu đôla mà vẫn không bảo vệ được một tấc đất vuông nào ở miền Nam Việt Nam. Tờ Le Monde (Thế giới) của Pháp, ngày 1-2-1968, mỉa mai: Người Mỹ từng khẳng định dân chúng miền Nam Việt Nam phải chịu đựng hơn là ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, giờ đây liệu họ còn có thể nêu lên những lý lẽ như thế nữa không sau khi xảy ra cuộc biểu dương đáng khâm phục về sức mạnh và lòng dũng cảm của Việt cộng như vậy. Còn tờ Le Figaro của Pháp, ngày 2-2-1968, đã ca ngợi: Cuộc tiến công lừng danh của Việt cộng cho ta thấy sự tài tình của những người chỉ huy trong điều hành cuộc chiến tranh vừa mang tính quân sự vừa mang tính chính trị này. Về mặt đối nội, họ đã có một chiến thắng lớn; họ chứng tỏ cho nhân dân Việt Nam thấy rằng họ có thể đánh bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào.

Nhiều báo của các đảng cộng sản và công nhân ở các nước tư bản đều bày tỏ thái độ khâm phục đối với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta qua sự kiện Tết. Báo Nhân đạo (cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp), ngày 1-2-1968, ca ngợi: Đây là cuộc tiến công lớn nhất của các lực lượng vũ trang giải phóng. Những người yêu nước miền Nam Việt Nam đã chứng tỏ rằng ở khắp nơi, quyền chủ động đang thuộc về họ, họ có thể quyết định địa điểm, thời gian của các cuộc tiến công làm cho Bộ Chỉ huy Mỹ luôn luôn mệt mỏi. Các nước trong khối xã hội chủ nghĩa khi đó đã bày tỏ niềm hân hoan trước chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Hầu hết báo chí các nước xã hội chủ nghĩa trong hai ngày 31-1-1968 và ngày 1-2-1968 đều có bài ca ngợi thắng lợi của Việt Nam. Trong đó, tờ Diễn đàn nhân dân Ba Lan có đoạn viết: "Các trận đánh táo bạo được chuẩn bị tốt của những người yêu nước miền Nam Việt Nam là sự phát triển của các cuộc tiến công trên quy mô rộng lớn mà Quân giải phóng đã mở đầu trong tháng 1 năm nay vào những lúc, ở những nơi và với hình thức mà họ lựa chọn. Quân giải phóng trên thực tế đã trói chân, khóa tay tất cả các lực lượng chiến đấu của quân thù trong khắp các tỉnh".

Rõ ràng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ tác động đến chính sách của Mỹ mà còn ảnh hưởng lớn đến dư luận quốc tế, đến tình cảm của những người ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Khi nhận định về tác động của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán Pari, dẫn đến ký kết hiệp định đình chiến vào năm 1973 và đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào Xuân 1975. Thực ra, từ rất sớm, chúng ta đã xác định vị trí, vai trò của mặt trận ngoại giao và nhấn mạnh cần phải có phương pháp, hình thức đấu tranh thích hợp, "phải mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta", "làm cho nó tan rã thực sự, buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta", mở ra giai đoạn "vừa đánh vừa đàm", phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta tích cực, chủ động đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh ngoại giao song song với đấu tranh quân sự và chính trị. Chúng ta xác định rõ: Nếu chính quyền Mỹ chịu sức ép ngày càng tăng ở trong nước và trên thế giới, đã nhiều lần toan mở đường đi vào thương lượng thì Việt Nam cũng đang trong hoàn cảnh phức tạp, phải tính toán sao cho vừa giữ được độc lập, chủ quyền, vừa tranh thủ được tối đa sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Trong khi đó, do đánh giá cao sức mạnh của Mỹ, Liên Xô đã tìm cách hướng Việt Nam đi vào thương lượng với Mỹ khi điều kiện chưa chín muồi. Tính từ năm 1965-1968, Liên Xô đã 24 lần truyền đạt ý kiến của Mỹ cho phía Việt Nam về đàm phán. Trong khi Trung Quốc lại muốn thuyết phục Việt Nam kiên trì đường lối trường kỳ đánh Mỹ.

Vì thế, một mặt, chúng ta vẫn ra sức tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc; mặt khác, vẫn kiên quyết giữ vững đường lối độc lập, tự chủ. Từ cuối năm 1966 đầu 1967, Ðảng ta đã chủ trương tạo điều kiện mở ra cục diện "vừa đánh vừa đàm", nghĩa là không ngả theo gợi ý cụ thể của Liên Xô cũng như Trung Quốc. Đường lối của Đảng chỉ rõ: "Ðể đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải giữ vững quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược, đồng thời phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn khéo, giành thắng lợi từng bước". Ðiều đó giải thích vì sao nếu như từ năm 1966 trở về trước, lập trường của phía Việt Nam là yêu cầu Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt mọi hành động chống phá miền Bắc trước khi có bất cứ cuộc nói chuyện nào giữa hai bên, thì từ Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Ðảng ta mềm dẻo hơn trong sách lược, bắt đầu chủ trương hé mở khả năng phía Việt Nam sẽ đi vào đàm phán nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, chứ chưa bao gồm điều kiện Mỹ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam như trước đây yêu cầu.

Thế nhưng, phía Mỹ vẫn kiên quyết đòi "có đi có lại", đưa ra điều kiện buộc ta phải công khai cam kết không lợi dụng việc Mỹ ngừng ném bom để chi viện cho miền Nam. Trong thư của Tổng thống Mỹ Giônxơn gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1967 đã thể hiện rõ sự ngoan cố của Mỹ. Nội dung thư đại ý là người Mỹ nhiều lần chuyển đến Chính phủ Hồ Chí Minh mong muốn hòa bình bằng những kênh khác nhau nhưng không đạt kết quả nào và đề nghị chấm dứt cuộc xung đột tại Việt Nam để không tiếp tục gây đau khổ cho nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Mỹ. Tổng thống Mỹ cam kết sẽ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và ngừng tăng thêm quân tại miền Nam Việt Nam ngay khi miền Bắc chấm dứt đưa quân vào miền Nam. Hai bên cùng kiềm chế leo thang chiến tranh để đối thoại song phương một cách nghiêm túc hướng đến hòa bình. Việc tiếp xúc có thể diễn ra ở Mátxcơva, Miến Điện hay bất cứ nơi nào mà Bắc Việt Nam muốn.

Chúng ta muốn hòa bình, muốn đàm phán nhưng chỉ có thể đàm phán ở thế mạnh, áp đảo về quân sự mới có thể giành được những mục tiêu chiến lược. Vì vậy, sự kiện Mậu Thân 1968 được xem là đòn chiến lược, tạo sức ép lớn đối với Mỹ trên mặt trận ngoại giao. Sự kiện này đã phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường cả về quân sự và chính trị; làm lộ rõ những sai lầm về chiến lược cũng như cách thức điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo, tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường; ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến lược toàn cầu mà Mỹ theo đuổi từ lâu. Hơn thế nữa, cho dù Mỹ là một nước lớn, chưa từng bại trận trong lịch sử của mình, nhưng sự kiện Tết Mậu Thân 1968 đã gây nên chấn động dữ dội giữa lòng nước Mỹ, khiến đông đảo các tầng lớp xã hội Mỹ, kể cả quan chức cấp cao, các nghị sĩ, nhiều tập đoàn tài phiệt đầy thế lực phải thay đổi quan điểm, không còn hậu thuẫn cho chính sách chiến tranh của chính quyền Giônxơn nữa. Tất cả điều đó buộc Tổng thống Giônxơn phải công khai tuyên bố đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; quyết định rút dần quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Thất bại liên tiếp về quân sự cộng thêm ảnh hưởng của dư luận quốc tế sau sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, cũng như sức ép của phong trào đấu tranh đòi hòa bình, phản đối chiến tranh cùng với các yếu tố khác đã tác động lớn đến thái độ của Mỹ và diễn biến hoạt động ngoại giao của các bên. Một mặt, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh, mặt khác, phải chấp nhận đàm phán với ta. Bởi lẽ, đấu tranh ngoại giao là một trong ba mặt trận đấu tranh của ta nhưng Đảng ta xác định "chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường" , "đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao, phối hợp với hai mặt đấu tranh đó để giành thắng lợi to lớn hơn nữa", "đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao".

Ngày 13-5-1968, cuộc thương lượng chính thức hai bên - đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ, họp phiên đầu tiên tại Thủ đô Pari của nước Pháp.

Trong gần 5 năm (từ ngày 13-5-1968 đến ngày 27-1-1973), với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, cuộc đàm phán Pari đã mở ra cục diện "vừa đánh vừa đàm", phản ánh một giai đoạn đấu tranh cực kỳ gay go, quyết liệt giữa Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; giữa cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế.

Ngày 8-6-1969, Tổng thống R. Níchxơn tuyên bố rút quân đợt đầu tiên gồm 25 nghìn quân ra khỏi miền Nam Việt Nam thì ngày 10-6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari trở thành đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn. Ngày 4-8-1969, tiến sĩ Kítxinhgiơ, cố vấn An ninh Quốc gia, đã bí mật gặp Bộ trưởng Xuân Thủy lần đầu ở Pari. Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư của Tổng thống Mỹ Níchxơn, trong đó nêu rõ: "Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự" . Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức ký kết.

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có ảnh hưởng to lớn đến quốc tế và hoạt động ngoại giao, tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pari, chấm dứt ném bom không điều kiện, chủ trương "phi Mỹ hóa" chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #89 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2020, 10:12:04 am »

NHỮNG TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH NĂM 1967 -
BƯỚC TẠO ĐÀ QUAN TRỌNG CHO MẬU THÂN 1968



Thượng tá, ThS. PHÙNG THỊ HOAN
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


1. Vào thời điểm cuối năm 1966, sau những thất bại liên tiếp từ mùa khô 1965-1966 đến mùa mưa năm 1966 trên chiến trường miền Nam và trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, giới cầm quyền Mỹ ngày càng tỏ ra lúng túng. Tình hình miền Nam lúc đó, như Mắc Namara - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - đánh giá, là "một bức tranh ảm đạm, đau đớn đến tột cùng". CIA cho rằng, đánh giá của Mắc Namara là sâu sắc và giống với đánh giá của họ, nhưng Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân thì "phản ứng mạnh mẽ". Tổng thống Mỹ L.B Giôn xơn đã nghiêng về quan điểm của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và quyết định tiếp tục tăng quân, cố giành thắng lợi có tính chất quyết định trong năm 1967, đồng thời tăng cường các hoạt động ngoại giao để đánh lạc hướng dư luận thế giới.

Ý đồ của Mỹ trong năm 1967 là mở các trận đánh lớn để giành thắng lợi về quân sự trên chiến trường, tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến, tiến tới giành những thắng lợi quyết định, nhanh chóng kết thúc "vấn đề chiến tranh Việt Nam". Về chiến lược, địch không phân tán lực lượng đánh trên nhiều hướng mà tập trung đánh vào miền Đông Nam Bộ, đồng thời chú trọng đẩy mạnh kế hoạch bình định, mở rộng vành đai an ninh quanh Sài Gòn - Gia Định, kiềm chế ta ở hướng Tây Nguyên, Trị - Thiên. Cụ thể là, ưu tiên tập trung lực lượng tiến công vào hệ thống căn cứ của ta ở Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Hậu Nghĩa, Phước Tuy; trọng điểm là chiến khu Dương Minh Châu, tiêu diệt cơ quan đầu não và một bộ phận chủ lực của ta kết hợp với việc mở rộng vành đai an ninh quanh Sài Gòn.

Để thực hiện kế hoạch chiến lược trên, những tháng cuối năm 1966 và đầu năm 1967, Mỹ đưa thêm vào chiến trường miền Nam hai sư đoàn bộ binh (số 4 và số 9), nâng tổng số quân Mỹ có mặt ở Nam Việt Nam lên 389.000 người vào cuối tháng12-1966.

Bước vào mùa khô năm 1966-1967, cùng với 54.000 quân đội các nước đồng minh Mỹ và hơn nửa triệu quân đội Sài Gòn, Mỹ đã có trong tay 20 sư đoàn và 10 lữ đoàn, trung đoàn bộ binh và binh chủng. Ngoài ra, Mỹ còn huy động thêm lực lượng yểm trợ tác chiến gồm hai tập đoàn không quân và lực lượng hải quân của nước Mỹ. Đi đôi với tăng quân, ngân sách quân sự của Mỹ năm tài khóa 1966-1967 cũng tăng lên ở mức cao nhất từ trước cho tới lúc này, trong đó cho chiến tranh Việt Nam khoảng 38 tỉ USD. Phương tiện chiến tranh cũng được bổ sung gấp 1,5 lần so với mùa khô 1965-1966, đến tháng 5-1967 là 4.300 máy bay; 2.500 chiếc xe tăng, thiết giáp, 2.540 khẩu pháo...

Về tổ chức và bố trí lực lượng, các đơn vị quân Mỹ được tổ chức thành lực lượng cơ động chiến lược binh chủng hợp thành mạnh, tập trung hoạt động tiến công tìm diệt chủ lực ta. Quân chủ lực Sài Gòn cùng với một bộ phận quân Mỹ và quân đồng minh Mỹ càn quét vòng trong phối hợp với các "đội bình định" dồn dân, lập ấp chiến lược.

Để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự lớn trong năm 1967, đế quốc Mỹ tăng cường đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, tập trung đánh phá hệ thống kho nhiên liệu, cầu cống, căn cứ quân sự, hòng làm kiệt quệ tiềm lực kháng chiến của ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam và làm lung lay ý chí chiến đấu, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của Đảng và nhân dân ta; qua đó cứu vãn những thất bại về quân sự từ khi quân Mỹ và quân đồng minh đổ bộ vào chiến trường miền Nam Việt Nam, giải quyết nhanh chóng "vấn đề chiến tranh Việt Nam" đang bắt đầu gây nhức nhối trong lòng nước Mỹ.

Từ cuối năm 1966, Mỹ đã mở các cuộc hành quân lớn như cuộc hành quân Attleboro trên địa bàn Tây Ninh (Đông Nam Bộ) 1 và cuộc hành quân Pon Rivers ở khu vực Sa Thầy (Tây Nguyên) 2, nhưng cả hai cuộc hành quân đều thất bại, không đạt mục tiêu đề ra.

Nhằm cứu vãn thất bại, bước sang năm 1967, quân Mỹ, quân đồng minh của Mỹ và quân đội Sài Gòn liên tiếp mở hàng loạt các cuộc hành quân "tìm diệt" các căn cứ kháng chiến và chủ lực ta. Tại khu vực Tây Nguyên, địch mở cuộc hành quân Sam Houston và Francis Marion (tháng 1 đến 4-1967), cuộc hành quân Mc Acthur (11-1967); cuộc hành quân Liên kết 81 (từ 17-2 đến 23-3-1967) ở Khu 5; cuộc hành quân Phi Long, cuộc càn Sóng Thần 5 (1-1967) ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Riêng khu vực Đông Nam Bộ là nơi quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn tập trung lực lượng lớn nhất để tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và các đơn vị chủ lực ta, mở hai cuộc hành quân lớn là Xiđaphôn và Gianxơnxiti vào đầu năm 1967 đánh vào căn cứ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Chiến khu Dương Minh Châu của Trung ương Cục.

2. Về phía ta, trước những động thái của địch, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1-1967) đã phân tích, đánh giá tình hình, dự báo khả năng địch sẽ đánh lớn trong năm 1967. Hội nghị xác định năm 1967 là năm hết sức quan trọng đối với ta; phải tập trung mọi nỗ lực đánh bại các hoạt động quân sự của địch, giữ vững thế chủ động tiến công, tạo điều kiện quan trọng tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa và tiến công địch về ngoại giao. Đồng thời chỉ rõ: "đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao...".

Thực hiện chủ trương của Đảng, từ những ngày đầu tiên của năm 1967, quân và dân trên toàn miền Nam đã hừng hực khí thế chủ động tiến công, quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ. Tại miền Đông Nam Bộ, trong tháng 1-1967, quân và dân Bến Súc, Củ Chi, Bến Cát đã chặn đánh, đẩy lùi cuộc hành quân Xiđaphôn. Với chiến thắng oanh liệt này, ta không những đã tiêu diệt được một bộ phận quan trọng sinh lực của quân Mỹ mà còn làm thất bại ý đồ của địch dùng quân đông và vũ khí hiện đại để tìm diệt chủ lực ta, triệt phá vùng căn cứ cách mạng, đầu não Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Việc đánh bại cuộc hành quân Xiđaphôn một lần nữa khẳng định khả năng to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ.

Mặc dù bị thất bại liên tiếp trong các cuộc hành quân tìm diệt lớn trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và các nơi khác, nhưng đế quốc Mỹ vẫn không chịu từ bỏ ý đồ đã xác định. Vì vậy, từ ngày 22-2 đến 15-4-1967, địch mở cuộc hành quân quy mô lớn mang tên Gianxơnxiti, tập trung lực lượng lên tới 45.000 quân và trên 1.000 xe tăng, xe bọc thép, hàng trăm khẩu pháo các loại cùng nhiều máy bay, đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Mục tiêu của cuộc hành quân là phá hủy căn cứ; tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến; tìm diệt một bộ phận chủ lực ta; tạo lá chắn yểm trợ cho quân đội Sài Gòn tiến hành bình định; giành một thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định, tạo ra bước ngoặt làm chuyển biến cục diện chung có lợi cho chúng.

Trong khi đó, lực lượng ta ở đây chỉ có Sư đoàn 9, được tăng cường Trung đoàn 16 với các lực lượng khác, tổng số chưa đến 10.000 người. Đây quả là một thử thách lớn đối với quân và dân Tây Ninh cũng như cả miền Đông Nam Bộ. Trên cơ sở đánh giá đúng mạnh, yếu của ta, địch, đặc biệt từ kinh nghiệm đánh bại cuộc hành quân Attơnborơ, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã quyết định mở chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gianxơnxiti; buộc Mỹ ngày 15-4-1967 phải tuyên bố chấm dứt cuộc hành quân này. Đây là thất bại lớn nhất của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam tính đến thời điểm đó. Thất bại của quân Mỹ trong cuộc hành quân Gianxơnxiti không chỉ ở chỗ chúng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra và sự thiệt hại lớn về lực lượng quân Mỹ, về binh khí, kỹ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại bị phá hủy, mà điều quan trọng hơn, đó là sự bế tắc về chiến thuật, chiến lược của Mỹ ở Việt Nam. Với thất bại này, về cơ bản, "gọng kìm tìm diệt" của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai đã bị bẻ gãy.

Cùng với thắng lợi của quân dân ta ở Tây Ninh, trong sáu tháng đầu năm 1967, trên khắp các chiến trường miền Nam, lực lượng vũ trang ta tiến công địch liên tục và đều khắp, đặc biệt ở các khu vực địa bàn chiến lược, các căn cứ quân Mỹ. Ở miền Đông Nam Bộ, lực lượng vũ trang Quân khu Sài Gòn - Gia Định mở cuộc tiến công sân bay Tân Sơn Nhất, cụm quân dã chiến Mỹ ở Củ Chi, căn cứ hậu cần quân Mỹ ở Long Bình (Đồng Nai), sân bay Phú Lợi (Thủ Dầu Một)... Trên khắp chiến trường từ Quảng Trị - Thừa Thiên đến Khu 5 - Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta liên tục tiến công và nổi dậy, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Các cuộc tiến công địch với quy mô vừa và nhỏ trên khắp ba vùng chiến lược đã dồn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn vào thế bị động lúng túng hơn.

Nhằm chống lại âm mưu mới của địch tiếp tục mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba 3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương chớp lấy thời cơ Mỹ đang lúng túng, mở đợt hoạt động quân sự Thu - Đông 1967, đánh bồi vào quân Mỹ, quân đồng minh của Mỹ, phá sự chuẩn bị cho mùa khô của địch, đẩy chúng bị động hơn nữa, tạo thế, tạo lực và tạo thời cơ để tiến lên mở cuộc tiến công và nổi dậy quy mô lớn, nhằm giành thắng lợi quyết định.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, từ ngày 27-10 đến ngày 5-12-1967, Bộ Tư lệnh Miền mở chiến dịch tiến công địch ở địa bàn hai tỉnh Bình Long và Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, thu hút giam chân Sư đoàn 1 Mỹ, tạo điều kiện cho lực lượng ta triển khai áp sát phía Tây Bắc Sài Gòn, hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh giành quyền làm chủ, mở rộng vùng căn cứ của ta. Thắng lợi trong chiến dịch Bình Long - Phước Long chứng tỏ ta có khả năng mở chiến dịch dài ngày, thu hút giam chân một bộ phận lớn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng chiến lược khác.

Trong khi Chiến dịch Bình Long - Phước Long đang diễn ra thì lực lượng vũ trang Tây Nguyên mở Chiến dịch Đắk Tô 1 nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ, bức địch phải điều lực lượng cơ động lên Tây Nguyên để sơ hở các chiến trường khác; tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn; đẩy mạnh chiến tranh du kích...

Chiến thắng Đắk Tô mùa khô 1967 cùng với chiến thắng Bình Long - Phước Long và các chiến trường khác, đã buộc quân Mỹ và quân chủ lực Sài Gòn phải co dần vào thế phòng ngự chiến lược, giữ các thành phố, căn cứ lớn quan trọng.

3. Với những hoạt động quân sự như trên cho thấy, năm 1967 được cả Mỹ và ta chọn là năm thực hiện các nỗ lực quân sự cao nhất nhằm đánh bại đối phương. Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược của hai bên là khác nhau. Về phía Mỹ, mục tiêu khi vạch kế hoạch "Kỷ nguyên các trận đánh lớn năm 1967" là nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Với lực lượng quân đông (lên tới 480.000 quân Mỹ vào tháng 12-1967), phương tiện, vũ khí hiện đại, chính quyền Giônxơn hy vọng sẽ nhanh chóng giành thắng lợi, "chấm dứt chiến tranh Việt Nam" trong năm 1967.

Về phía ta, việc mở các trận đánh lớn vừa với sức ta năm 1967 là nhằm đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của địch, giữ vững thế chủ động, bảo tồn và phát triển lực lượng, tạo điều kiện và thời cơ cho các đợt hoạt động lớn, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Đồng thời, qua đó kiểm nghiệm khả năng của bộ đội chủ lực đánh lớn, đánh dài ngày và đánh vào sào huyệt kẻ địch.
 
Sau các cuộc đọ sức quyết liệt giữa các lực lượng cách mạng miền Nam với quân viễn chinh Mỹ trong năm 1967, địch đã "thất bại một bước cơ bản" trong chiến lược "chiến tranh cục bộ", kế hoạch "Kỷ nguyên các trận đánh lớn năm 1967" đã bị phá sản hoàn toàn. 50 năm sau, các học giả Mỹ đã phải thừa nhận: "dù được thực hiện trên quy mô và cường độ lớn, kế hoạch "kỷ nguyên các trận đánh lớn" đã không thể thay đổi được cục diện của cuộc chiến. Nhờ tuân thủ nguyên tắc không bao giờ để cho các đơn vị lớn giao tranh với các đơn vị lớn của Mỹ, Việt cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bảo toàn được các đơn vị của mình về mặt tổ chức để chuẩn bị cho các trận chiến tiếp theo. "Kỷ nguyên các trận đánh lớn" đã từng được kỳ vọng là sẽ giúp Mỹ giành được thế tấn công, nhưng 70% các cuộc giao tranh lại do phía Việt cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở đầu. Những người cộng sản đã chiến đấu theo cách riêng của mình, lựa chọn đánh khi nào, ở đâu, trong bao lâu, nhờ đó mà giành được chiến thắng cuối cùng".

Rõ ràng là, những thất bại về quân sự trên chiến trường miền Nam trong năm 1967 đã đẩy tất cả lực lượng Mỹ và quân chủ lực Sài Gòn từ chuẩn bị phản công để giành quyền chủ động chiến trường, phải quay về phòng ngự bị động chống đỡ trên cả hai hướng chính: xung quanh Sài Gòn - Gia Định và Trị - Thiên. Đế quốc Mỹ lại bị động về chiến lược và chiến dịch, phải đảo lộn kế hoạch quân sự và thế bố trí lực lượng trên toàn chiến trường. Điều này càng tạo ra những sơ hở trong thế phòng ngự bị động và làm cho mâu thuẫn giữa phân tán với tập trung trong chiến lược phòng giữ và tiến công của địch phát triển. Quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đã bộc lộ thế suy yếu của mình. Thất bại của quân Mỹ và thắng lợi của ta trong năm 1967 chính là bước tạo đà quan trọng để quân và dân ta tiến lên Tổng tiến công và nổi dậy thắng lợi trong Xuân Mậu Thân 1968.




---------------------------------------------------------------
1. Đây là cuộc hành binh mở đầu cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh Chiến khu Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh), nhằm triệt phá căn cứ, tìm diệt cơ quan đầu não kháng chiến và một bộ phận chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

2. Cuộc hành binh phản kích của Sư đoàn bộ binh 4 Mỹ nhằm ngăn chặn hoạt động tiến công của lực lượng chủ lực ta ở khu vực Sa Thầy (Kon Tum).

3. Thất bại thảm hại trong cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, địch dự định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba từ tháng 12-1967 đến tháng 4-1968, tiếp tục tiến công vào Chiến khu C, D. Địch gọi đó là "cuộc tiến công ngăn ngừa ở tỉnh Phước Long".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM