Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:08:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14494 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2020, 05:42:20 am »


        Khi nghe được cuộc phỏng vấn trên đài, ông hoàn toàn sửng sốt trước tuyên bố xem ra là hết sức phi lý của Ventris. Chadwick, cùng với phần lớn các học giả nghe đài phát thanh hôm đó, đều bác bỏ tuyên bố này, coi đó là công trình của một tay nghiệp dư - mà thực sự thì cũng đúng là như vậy. Tuy nhiên, là một giảng viên tiếng Hy Lạp, Chadwick nhận ra rằng ông có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến tuyên bố của Ventris và để chuẩn bị tấn công, ông quyết định nghiên cứu kỹ lưỡng những lập luận của Ventris. Ông nhận được các Work Notes của Ventris và xem xét chúng với hy vọng sẽ tìm thấy ở đó đầy rẫy những lỗ hổng. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, nhà học giả vốn hoài nghi giờ trở thành một trong những người đầu tiên ủng hộ cho thuyết Hy Lạp về Linear B của Yentris. Chadwick nhanh chóng trở nên ngưỡng mộ nhà kiến trúc sư trẻ tuổi này:

        Bộ não của ông (tức Ventris) làm việc với một tốc độ đáng kinh ngạc, nhờ vậy mà ông có thể nghĩ ra tất cả những hàm ý của một đề nghị gần như trước khi bạn nói ra lời. Ồng có một sự đánh giá sắc bén về những thực tại của tình thế; những người Mycenae đối với ông không phải là những con người trừu tượng mơ hồ mà là những con người sống động, mà ông có thể nhìn thấu ý nghĩ của họ. Bản thân ông chủ yếu dựa trên sự tiếp cận thị giác đối với vấn đề; ông làm cho mình quen thuộc với khía cạnh thị giác của các văn bản đến nỗi những đoạn dài in sâu trong tâm trí ông một cách đơn giản như là những hình mẫu thị giác từ rất lâu trước khi giải mã ra ý nghĩa của chúng. Song chỉ một trí nhớ như chụp ảnh là chưa đủ, mà ở đây sự đào tạo về kiến trúc đã hỗ trợ ông rất nhiều. Con mắt của nhà kiến trúc sư không chỉ nhìn thấy vẻ ngoài của tòa nhà mà còn cả mớ bòng bong những đặc điểm về trang trí và cấu trúc: nó nhìn vào bên dưới vẻ bề ngoài và phân biệt những bộ phận quan trọng của hình mẫu, các yếu tố cấu trúc và khung sườn của tòa nhà. Vì vậy mà Ventris cũng có thể phân biệt được những hình mẫu và sự cân đối làm lộ ra cấu trúc bên dưới giữa sự đa dạng phức tạp dễ gây bối rối của những ký hiệu bí ẩn. Chính phẩm chất đó, tức năng lực nhìn thấu trật tự bên trong sự hỗn độn bề ngoài, là dấu hiệu nổi bật của tất cả những con người vĩ đại.

        Tuy nhiên, Ventris lại thiếu một kỹ năng đặc biệt, đó là kiến thức thấu đáo về tiếng Hy Lạp cổ. Ventris chỉ được học chính quy về tiếng Hy Lạp khi còn là học sinh của trường Stowe, vì vậy ông không thể tận dụng triệt để thành quả của mình. Chẳng hạn, ông không thể giải thích được một số từ đã được giải mã vì chúng không có trong vốn từ vựng tiếng Hy Lạp của ông. Chuyên môn của Chadwick là triết học Hy Lạp, là nghiên cứu sự tiến hóa của ngôn ngữ Hy Lạp trong lịch sử và vì vậy mà ông được trang bị tốt để chứng minh được những từ còn có vấn đề đó thực ra là hoàn toàn phù hợp với các thuyết về những hình thái cổ nhất của ngôn ngữ Hy Lạp. Chadwick và Ventris cùng với nhau tạo nên một cặp đối tác thật hoàn hảo.

        Tiếng Hy Lạp của Homer đã tồn tại cách đây 3000 năm song tiếng Hy Lạp của Linear B còn cổ xưa hơn đến 500 năm. Để dịch được nó, Chadwick cần phải xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đã được xác lập để ngoại suy ra các từ của Linear B, khi tính đến ba cách phát triển của ngôn ngữ. Thứ nhất, phát âm cũng tiến triển theo thời gian. Yí dụ, từ “vòi tắm” trong tiếng Hy Lạp thay đổi từ lewotrokhowoi trong Linear B thành loutrokhooi vào thời của Homer. Thứ hai, có sự thay đổi trong ngữ pháp. Ví dụ, trong Linear B sở hữu cách có đuôi là -oio, song trong tiếng Hy Lạp cổ thì lại được thay bằng - ou. Và cuối cùng, từ vựng cũng có thể thay đổi một cách ghê gớm. Một số từ mới sinh ra, một số mất đi, số khác thì thay đổi nghĩa của chúng. Trong Linear B, harmo có nghĩa là “bánh xe” (wheel), song trong tiếng Hy Lạp sau này cũng từ đó lại có nghĩa là “xe ngựa”. Chadwick đã chỉ ra điều tương tự đối với việc sử dụng từ “wheels” trong tiếng Anh hiện đại có nghĩa là xe hơi.

        Với kỹ năng giải mã của Ventris và chuyên môn tiếng Hy Lạp của Chadwick, cả hai đã thuyết phục được cả thế giới rằng Linear B thực sự là tiếng Hy Lạp. Tốc độ dịch tăng lên mỗi ngày. Trong báo cáo của Chadwick về công việc của họ, Giải mã Linear B, ông viết:

        Khoa học mật mã là một môn khoa học của suy luận và thử nghiệm; giả thuyết được đưa ra, kiểm chứng và thường bị loại bỏ. Song phần còn lại vượt qua được sự kiểm chứng sẽ phát triển cho đến khi, cuối cùng, người thử nghiệm cảm thấy nền đất cứng dưới chân mình: giả thuyết của anh ta là chặt chẽ, và những mảnh vụn ý nghĩa ẩn dưới lớp ngụy trang giờ đột ngột lộ diện. Mật mã “đã bị phá vỡ”. Có lẽ điều này được định nghĩa đạt nhất như là thời điểm khi mà sự dẫn dắt đáng tin cậy dường như còn nhanh hơn cả khả năng theo kịp của họ. Nó cũng giống như sự khởi phát một phản ứng dây chuyền trong vật lý hạt nhân; một khi vượt qua ngưỡng tới hạn thì phản ứng sẽ tự nó lan truyền.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2020, 05:43:54 am »

       
        Không lâu sau, họ đã chứng minh sự thành thạo của mình về thứ chữ viết này bằng cách viết cho nhau những đoạn thư ngắn bằng chữ viết trong Linear B.

        Một cách kiểm tra không chính thức về độ chính xác của một bản giải mã đó là số lượng các vị thần trong văn bản. Ngày trước, những người đi sai hướng, không có gì đáng ngạc nhiên, đã tạo ra những từ vô nghĩa, và chúng thường được giải thích là tên của những vị thần chưa bao giờ được biết tới từ trước đến nay. Tuy nhiên, Chadwick và Ventris có được tên của bốn vị thần, tất cả đều là các vị thần đã biết.

        Vào năm 1953, tự tin vào sự giải mã của mình, họ đã công bố thành quả nghiên cứu của mình trong một bài báo có nhan đề khiêm tốn là “Bằng chứng về phương ngữ Hy Lạp trong các lưu trữ của người Mycenae”, được đăng trên tạp chí The Journal of Hellenic Studies (Tạp chí nghiên cứu tiền văn minh Hy Lạp). Sau đó, các nhà khảo cổ học trên khắp thế giới bắt đầu nhận ra rằng họ đang chứng kiến một cuộc cách mạng. Trong một bức thư gửi Ventris, học giả người Đức, Ernst Sittig đã tóm tắt lại cảm xúc của giới khoa học như sau: “Tôi xin nhắc lại: những chứng minh của ngài là điều hay nhất về khoa học mật mã mà tôi đã từng được nghe; và nó thực sự là rất hấp dẫn. Nếu các ngài đúng thì các phương pháp khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử và triết học của 50 năm gần đây sẽ chỉ còn là những thứ ngớ ngẩn”.

        Các bản khắc Linear B đã phủ nhận tất cả những tuyên bố của Ngài Arthur Evans và các thế hệ tiếp nối ông. Trước hết, một thực tế đơn giản là Linear B là tiếng Hy Lạp. Thứ hai, nếu người Minoa trên đảo Crete viết tiếng Hy Lạp và có lẽ là nói tiếng Hy Lạp, thì điều này sẽ buộc các nhà khảo cổ học phải xem xét lại quan điểm của họ về lịch sử Minoa. Giờ đây, dường như thế lực thống trị trên khu vực này lại là Mycenae, và Crete của người Minoa, những người phải nói thứ tiếng của những người láng giềng mạnh hơn họ, lại là quốc gia yếu thế hơn. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy trước năm 1450 trước Công nguyên, Minoa thực sự là một lãnh thổ độc lập với ngôn ngữ riêng của họ. Vào khoảng năm 1450 trước Công nguyên, Linear B đã thay thế Linear A, mặc dù hai dạng chữ viết này trông rất giống nhau, song vẫn chưa có ai giải mã được Linear A. Vì vậy, Linear A có thể đại diện cho một ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt với Linear B. Có vẻ như vào khoảng năm 1450 trước Công nguyên, người Mycenae đã chinh phục được Minoa, áp đặt ngôn ngữ của họ và biến đổi Linear A thành Linear B, để nó thực hiện chức năng như một dạng chữ viết của tiếng Hy Lạp.

Bảng 23 Các ký hiệu Linear B với các số tương ứng và giá trị âm của chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2020, 05:45:22 am »


        Cùng với việc làm rõ thêm bức tranh lịch sử rộng lớn, việc giải mã Linear B còn bổ sung thêm một số chi tiết. Ví dụ như các cuộc khai quật ở Pylos đã không khám phá ra bất kỳ đồ vật quý giá nào trong cung điện xa hoa, cuối cùng đã bị lửa thiêu hủy. Điều này khiến người ta ngờ rằng cung điện này đã bị cố ý đốt cháy bởi những kẻ tấn công sau khi đã lấy sạch đi những thứ có giá trị. Mặc dù các tấm Linear B ở Pylos không mô tả một cách cụ thể cuộc tấn công nào như vậy, song họ có bóng gió nói đến sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Một tấm mô tả việc thành lập một đội quân đặc biệt để bảo vệ bờ biển, một tấm khác mô tả việc trưng dụng các đồ trang sức bàng đồng để chế tạo đầu giáo mác. Tấm thứ ba, nguệch ngoạc hơn so với hai tấm kia, mô tả việc sửa soạn cụ thể cho nghi lễ đền thờ, có thể có liên quan đến cả việc hiến tế con người. Hầu hết các tấm Linear B đều được xếp đặt ngăn nắp, cho thấy người viết bắt đầu với một bản nháp thô rồi sau đó sẽ hủy đi. Tấm viết nguệch ngoạc có những khoảng trống lớn, những dòng bỏ trống một nửa và chữ viết tràn cả sang mặt bên kia. Một sự giải thích hợp lý đó là tấm này ghi lại lời cầu khẩn thánh thần ngăn chặn cuộc xâm lược, song trước khi tấm này được chép lại thì cung điện đã bị tàn phá.

        Phần lớn các tấm Linear B đều là các bảng kiểm kê, và mô tả những giao dịch hằng ngày. Chúng cho thấy sự tồn tại của một bộ máy hành chính chẳng thua kém bộ máy hành chính nào trong lịch sử, với những bản khắc ghi chép chi tiết các hàng hóa sản xuất ra và các sản phẩm nông nghiệp. Chadwick đã ví kho lưu trữ các bản khắc này như cuốn Domesday Book (sổ điền thổ lập theo lệnh của William the Conqueror năm 1806, nước Anh - ND), và giáo sư Denys Page đã mô tả ở mức độ chi tiết hơn như sau: “Cừu được đếm đến tổng số ngất ngưởng là hai mươi lăm ngàn con, song người ta cũng không quên ghi lại một thực tế là có ông Komawens nào đó đóng góp chỉ một con... Người ta cho rằng không có hạt nào được gieo, không một gam đồng nào được chế tác, không một bộ áo quần nào được may, không một con dê nào được nuôi hay con lợn nào được vỗ béo mà không được điền vào một biểu mẫu trong Cung điện Hoàng gia.” Các ghi chép ở cung điện này có thể dường như là rất trần tục song chúng vốn cũng rất lãng mạn vì có liên quan một cách mật thiết đến các tác phẩm Odyssey và Iliad. Trong lúc những viên thư lại ở Knossos và Pylos ghi lại những giao dịch hằng ngày của họ thì Cuộc chiến thành Troy khởi tranh. Ngôn ngữ của Linear B chính là ngôn ngữ của Odysseus.

        Ngày 24 tháng Sáu năm 1953, Ventris đã có một bài phát biểu trước công chúng tóm tắt việc giải mã Linear B. Ngày sau đó nó đã được đăng lại trên tờ The Times, ngay cạnh một bài bình luận về cuộc chinh phục mới nhất đỉnh Everest. Điều này đã khiến cho thành công của Ventris và Chadwick được biết đến như là một “đỉnh Everest trong Khảo cổ học Hy Lạp”. Năm sau, hai người quyết định viết một báo cáo gồm ba tập mô tả về công việc của họ, trong đó trình bày việc giải mã, một phân tích chi tiết về ba trăm bản khắc, một từ điển gồm 630 từ Mycenae và một danh sách các giá trị âm của hầu như tất cả các ký hiệu trong Linear B, như trình bày ở Bảng 23. Cuốn Các tài liệu về tiếng Hy Lạp của người Mycenae được hoàn tất vào mùa hè năm 1955 và đã sẵn sàng cho việc xuất bản vào mùa thu năm 1956. Tuy nhiên, vài tuần trước khi in, vào ngày 6 tháng Chín năm 1956, Michael Yentris đã bị chết trong một tai nạn giao thông. Trong khi lái xe về nhà lúc đêm khuya trên đường Great North gần Hatfield, ôtô của ông đã đâm vào một chiếc xe tải. John Chadwick đã bày tỏ lòng kính trọng đối với người bạn đồng nghiệp của mình, một bậc kỳ tài sánh ngang Champollion, và cũng là người đã chết bi thảm ở tuổi còn quá trẻ: “Công trình mà ông đã làm sẽ còn sống mãi và tên tuổi của ông sẽ còn được nhớ mãi chừng nào mà ngôn ngữ và nền văn minh Hy Lạp cổ còn được nghiên cứu”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2020, 05:48:51 am »


6. ALICE VÀ BOB RA CÔNG KHAI

        Trong suốt Thế chiến Thứ hai, các nhà giải mã Anh đã có vị thế cao hơn người Đức, chủ yếu là do những người ở Bletchley Park, theo sự dẫn dắt của người Ba Lan, đã phát triển được một số công nghệ giải mã mới nhất. Ngoài các máy bom của Turing, được sử dụng để giải mật mã Enigma, người Anh cũng đã phát minh ra một thiết bị giải mã khác là Colossus để chống lại một dạng mã hóa thậm chí còn mạnh hơn, đó là mật mã Lorenz của Đức. Trong hai loại máy giải mã thì chính Colossus mới quyết định đến sự phát triển của khoa mật mã trong suốt nửa cuối của thế kỷ 20.

        Mật mã Lorenz được sử dụng để mã hóa các thông tin liên lạc giữa Hitle và các tướng lĩnh của ông ta. Việc mã hóa được thực hiện bởi máy Lorenz SZ40, vận hành tương tự như máy Enigma song phức tạp hơn nhiều và nó đã đặt ra một thách thức lớn hơn cho các nhà giải mã ở Bletchley. Tuy nhiên, hai nhà giải mã của Bletchley là John Tiltman và Bill Tutte đã tìm ra điểm yếu trong cách sử dụng mật mã Lorenz, một sơ hở mà Bletchley có thể tận dụng và nhờ đó mà họ đọc được các thư tín của Hitle.

        Hóa giải mật mã Lorenz đòi hỏi sự kết hợp của tìm kiếm, so sánh đối chiếu, phân tích thống kê và phán đoán thận trọng, tất cả đều vượt quá khả năng kỹ thuật của bom. Bom chỉ có thể thực hiện một nhiệm vụ cụ thể với tốc độ cao, song chúng không đủ linh hoạt để xử lý những tinh tế của mật mã Lorenz. Các thông tin được mã hóa bằng Lorenz phải được giải mã bằng tay, với hàng tuần nỗ lực vật vã, mà đến lúc xong thì hầu hết các thông tin đã lỗi thời. Cuối cùng, Max Newman, một nhà toán học ở Bletchley, đã nảy ra cách cơ giới hóa việc giải mã Lorenz. Chủ yếu dựa trên khái niệm của Alan Turing về máy vạn năng, Newman đã thiết kế một máy có khả năng tự thích ứng với các vấn đề khác nhau, cái mà ngày nay chúng ta gọi là máy tính lập trình.

        Thực hiện thiết kế của Newman được cho là bất khả thi về mặt kỹ thuật nên các quan chức cấp cao ở Bletchley đã xếp xó dự án này. May mắn thay, Tommy Flowers, một kỹ sư đã từng tham dự các cuộc thảo luận về thiết kế của Newman, đã quyết định bất chấp thái độ hoài nghi của Bletchley, cứ tiếp tục chế tạo chiếc máy này. Tại trung tâm nghiên cứu của Bưu điện ở Dollis Hill, Bắc London, Flowers đã sử dụng bản thiết kế chi tiết của Newman và mất mười tháng để biến nó thành máy Colossus, rồi gửi nó tới Bletchley Park vào ngày 8 tháng Mười hai năm 1943. Máy sử dụng chưa tới 1.500 đèn điện tử, nhưng nhanh hơn một cách đáng kể so với những chuyển mạch dùng rơle điện cơ chậm chạp trong các máy bom. Song điều quan trọng hơn tốc độ của Colossus, đó là nó có thể lập trình. Chính điều này đã làm cho Colossus trở thành tiền thân của máy tính kỹ thuật số hiện đại.

        Colossus, cũng như mọi thứ khác ở Bletchley Park, đều bị phá hủy sau chiến tranh, và những người làm việc với nó bị cấm không được nói đến. Khi Tommy Flowers được yêu cầu hủy bỏ bản thiết kế Colossus, ông đã nghiêm chỉnh chấp hành mang xuống bếp và đốt chúng đi. Thế là những thiết kế máy tính đầu tiên của thế giới đã bị mất đi vĩnh viễn. Việc giữ bí mật này có nghĩa là các nhà khoa học khác được hưởng lợi từ việc phát minh ra máy tính. Năm 1945, J. Presper Eckert và John W.Mauchly ở Đại học Pennsylvania đã hoàn thành chiếc máy ENIAC (Electronic Numerical Integrator and Calculator - Máy tính và tích phân số điện tử), chứa tới 18.000   đèn điện tử, có thể thực hiện 5.000 phép tính trong một giây. Trong nhiều thập kỷ, ENIAC, chứ không phải là Colossus, được coi là mẹ đẻ của tất cả các máy tính.

        Sau khi đóng góp cho sự ra đời của máy tính hiện đại, các nhà giải mã sau chiến tranh vẫn tiếp tục phát triển và sử dụng công nghệ máy tính để giải mã tất cả các loại mật mã. Giờ họ có thể tận dụng được tốc độ và sự linh hoạt của các máy tính lập trình để nghiên cứu tất cả các khóa mã khả dĩ cho đến khi tìm thấy khóa mã đúng. Đáp lại, các nhà tạo mã bắt đầu phản công, khai thác sức mạnh của máy tính để tạo nên những mật mã ngày càng phức tạp hơn. Tóm lại, máy tính đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến giữa các nhà tạo mã và giải mã sau chiến tranh.

        Sử dụng máy tính để mã hóa, xét trong phạm vi lớn, cũng rất giống với các dạng mã hóa truyền thống. Thực tế thì chỉ có ba khác biệt đáng kể giữa mã hóa bằng máy tính và mã hóa cơ học vốn là cơ sở của những loại mật mã như Enigma. Sự khác biệt thứ nhất là máy mã hóa cơ học bị hạn chế bởi khả năng chế tạo trên thực tế, trong khi máy tính có thể bắt chước một máy mã trên lý thuyết với độ phức tạp cực lớn. Chẳng hạn, máy tính có thể lập trình bắt chước hoạt động của hàng trăm đĩa mã hóa, một số đĩa quay theo chiều kim đồng hồ, một số quay ngược lại, số đĩa khác lại biến mất cứ sau mỗi 10 chữ cái, và số đĩa khác nữa lại quay ngày càng nhanh trong quá trình mã hóa. Một máy cơ học kiểu như vậy là không thể chế tạo được trong thực tế, song máy tính tương đương với nó có thể tạo được mật mã có độ an toàn cao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2020, 07:47:25 am »


        Sự khác biệt thứ hai đơn giản là vấn đề tốc độ. Điện tử học có thể tạo nên những đĩa mã hóa nhanh hơn nhiều so với các đĩa mã hóa cơ học: một máy tính lập trình để bắt chước mật mã Enigma có thể mã hóa một đoạn thông tin dài trong nháy mắt. Nói cách khác, một máy tính được lập trình để thực hiện một dạng mã hóa phức tạp hơn nhiều vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ trong một khoảng thời gian chấp nhận được.

        Thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, đó là máy tính biến đổi các con số thay vì các chữ cái trong bảng chữ cái. Các máy tính chỉ xử lý các số nhị phân - là những dãy các số 1 và số 0 được gọi là các chữ sổ nhị phân, hay viết tắt là bit cho ngắn gọn. Trước khi mã hóa, thông tin bất kỳ phải được chuyển thành các số nhị phân. Sự chuyển đổi này có thể được thực hiện theo các quy tắc khác nhau, chẳng hạn Mã Tiêu chuẩn của Mỹ cho Trao đổi Thông tin, quen được gọi tắt là ASCII, đọc là “asskey”. ASCII gán một số nhị phân gồm bảy chữ số cho mỗi chữ cái trong bảng chữ cái. Ở đây chỉ cần hiểu rằng số nhị phân đơn giản là một dãy các số 1 và số 0 xác định một cách duy nhất mỗi chữ cái (Bảng 24), cũng như mã Morse xác định mỗi chữ cái bằng một chuỗi duy nhất các dấu chấm và dấu gạch. Có 128 (27) cách sắp xếp bảy chữ số nhị phân, vì vậy ASCII có thể xác định tới 128 ký tự khác nhau. Điều này cho phép đủ chỗ để xác định tất cả các chữ cái viết thường (ví dụ, a = 1100001), tất cả các dấu câu cần thiết (ví dụ,! = 0100001), cũng như các ký hiệu khác (như & = 0100110). Một khi thông tin đã được chuyển đổi thành các số nhị phân thì sự mã hóa bắt đầu.

        Tuy chúng ta đang làm việc với các máy tính và các con số, chứ không phải các máy mã và các chữ cái, song việc mã hóa vẫn được tiến hành theo các nguyên tắc thay thế và chuyển vị như cũ, trong đó các phần tử của thông tin được thay thế bằng các phần tử khác, hoặc vị trí của chúng được hoán đổi, hoặc cả hai. Mỗi sự mã hóa, dù phức tạp đến đâu, cũng có thể phân tích thành những tổ hợp của các thao tác đơn giản này. Hai ví dụ dưới đây sẽ minh họa cho sự đơn giản rất căn bản của sự mã hóa nhờ máy tính bằng cách cho thấy máy tính có thể thực hiện một mật mã thay thế và một mật mã chuyển vị sơ cấp như thế nào.

        Trước hết, hãy tưởng tượng chúng ta muốn mã hóa từ HELLO bằng cách dùng một phiên bản máy tính đơn giản của mã chuyển vị. Trước khi mã hóa, chúng ta phải dịch thông tin sang ASCII theo Bảng 24:

        Văn bản thường

        HELLO = 1001000 1000101 1001100 1001100 1001111

        Một trong những dạng đơn giản nhất của mã chuyển vị đó là đổi chỗ của số thứ nhất và thứ hai, số thứ ba và thứ tư và cứ tiếp tục như vậy. Trong trường hợp này, số cuối cùng vẫn không thay đổi vì số lượng các số là lẻ. Để thấy rõ hơn quy trình này, tôi sẽ bỏ đi khoảng cách giữa các khối ASCII trong văn bản thường để tạo thành một dãy số liên tục và xếp thẳng hàng với văn bản mật mã để so sánh:

        Văn bản thường = 10010001000101100110010011001001111
        Văn bản mật mã = 01100010001010011001100011000110111

        Một đặc điểm thú vị của sự chuyển vị ở cấp độ số nhị phân là việc chuyển vị này có thể xảy ra ngay trong mỗi chữ cái. Hơn nữa, các bit của một chữ cái có thể hoán đổi với các bit của chữ cái kề bên. Ví dụ, bằng cách chuyển vị số thứ 7 và thứ 8, thì số 0 cuối cùng của chữ H đã đổi vị trí với số 1 đầu tiên của chữ E. Thông tin được mã hóa là một xâu duy nhất gồm 35 bit được chuyển đến cho người nhận, người này sau đó sẽ đảo ngược lại quá trình chuyển vị để tái tạo dãy số nhị phân ban đầu. Cuối cùng, người nhận dịch các chữ số nhị phân này nhờ ASCII để có được thông tin HELLO.

Bảng 24 Các số nhị phân biểu diễn chữ cái in hoa của ASCII.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2020, 07:47:57 am »


        Tiếp theo, hãy tưởng tượng chúng ta muốn mã hóa cùng một thông tin HELLO, nhưng lần này ta sử dụng phiên bản máy tính đơn giản của mật mã thay thế. Một lần nữa, chúng ta cũng bắt đầu bằng việc chuyển đổi thông tin thành ASCII trước khi mã hóa. Sau đó, như thường lệ, việc thay thế dựa trên một chìa khóa mã được thống nhất từ trước giữa người gửi và người nhận. Trong trường hợp này, chìa khóa mã là DAVID được dịch ra ASCII, và được sử dụng như sau. Mỗi yếu tố trong văn bản thường được “cộng” với yếu tố tương ứng của chìa khóa mã. Việc cộng các số nhị phân cần được tuân theo hai quy tắc đơn giản. Nếu các yếu tố trong văn bản thường và chìa khóa mã giống nhau thì yếu tố trong văn bản thường sẽ được thay thế bằng số 0 trong văn bản mật mã. Song nếu các yếu tố trong văn bản thường và chìa khóa mã khác nhau thì yếu tố trong văn bản thường được thay thế bằng số 1 trong văn bản mật mã:

        Thông tin HELLO

        Thông tin trong ASCII 10010001000101100110010011001001111
        Chìa khóa mã = DAVID 10001001000001101011010010011000100
        Văn bản mật mã 00011000000100001101000001010001011

        Thông tin được mã hóa là một dãy duy nhất gồm 35 chữ số nhị phân được chuyển đến cho người nhận, người này sẽ sử dụng cùng một chìa khóa mã để đảo ngược sự thay thế, tái tạo lại dãy các chữ số nhị phân ban đầu. Cuối cùng, người nhận dịch lại các chữ số nhị phân này qua ASCII để có được thông tin HELLO.

        Việc mã hóa bằng máy tính bị giới hạn trong số những người có máy tính thôi, mà trong thời kỳ đầu tiên thì có nghĩa là chỉ chính phủ và quân đội mới có. Tuy nhiên, một loạt các đột phá về khoa học, công nghệ và kỹ thuật đã khiến máy tính, và cả việc mã hóa bằng máy tính nữa đã trở nên khả dụng một cách rộng rãi hơn. Năm 1947, Phòng thí nghiệm AT&T Bell đã phát minh ra tranzito (đèn bán dẫn), một linh kiện rẻ hơn thay thế cho đèn điện tử. Máy tính thương mại đã trở thành hiện thực vào năm 1951 khi các công ty như Ferranti bắt đầu sản xuất máy tính theo đơn đặt hàng. Năm 1953, IBM chào bán máy tính đầu tiên của hãng và bốn năm sau, hãng giới thiệu Fortran, một ngôn ngữ lập trình cho phép người “bình thường” cũng viết được chương trình máy tính. Sau đó, vào năm 1959, việc phát minh ra mạch tích hợp đã mở ra một kỷ nguyên mới của máy tính.

        Trong suốt những năm 1960, máy tính trở nên mạnh hơn và đồng thời cũng rẻ hơn. Các hãng kinh doanh ngày càng có khả năng chi phí cho máy tính và sử dụng chúng để mã hóa các thông tin quan trọng của mình như chuyển tiền hay những cuộc thương thảo bí mật. Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều hãng mua máy tính và khi việc mã hóa trong giới kinh doanh lan rộng thì các nhà tạo mã lại phải đối mặt với những vấn đề mới, những khó khăn không tồn tại khi khoa học mật mã chỉ dành riêng cho chính phủ và quân đội. Một trong những lo ngại cơ bản đó là vấn đề về tiêu chuẩn hóa. Một công ty có thể sử dụng hệ thống mã hóa riêng để bảo đảm an toàn cho thông tin nội bộ của mình song không thể gửi một thông tin bí mật đến cho một tổ chức bên ngoài trừ phi người nhận cũng sử dụng cùng hệ thống mã hóa đó. Cuối cùng, vào ngày 15 tháng Năm năm 1973, Cục Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ đã lên kế hoạch giải quyết vấn đề này, và chính thức yêu cầu đề xuất một hệ thống mã hóa chuẩn cho phép giới kinh doanh có thể trao đổi bí mật với nhau.

        Một trong các thuật toán mật mã uy tín hơn cả và là một ứng viên cho tiêu chuẩn, đó là sản phẩm của IBM có tên là Lucifer. Nó được phát minh bởi Horst Feistel, một người Đức di cư đến Mỹ năm 1934. Ông đã sắp trở thành công dân Hoa Kỳ thì đúng lúc Mỹ tham gia cuộc chiến, mà điều này có nghĩa là ông bị quản thúc tại gia cho đến năm 1944. Trong vài năm sau đó, ông đã phải từ bỏ sở thích về mật mã của mình để tránh gây sự nghi ngờ của các nhà chức trách Mỹ. Khi cuối cùng ông bắt đầu nghiên cứu trở lại về mật mã, tại Trung tâm Nghiên cứu Không lực ở Cambridge, ông nhanh chóng nhận ra rằng mình đã gặp rắc rối với Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), một tổ chức chịu trách nhiệm chung về việc duy trì an ninh thông tin liên lạc của chính phủ và quân đội, và cũng là tổ chức tìm mọi cách để chặn bắt và giải mã các thông tin liên lạc của nước ngoài. NSA tuyển dụng nhiều nhà toán học, mua nhiều phần cứng máy tính và chặn được nhiều thông tin hơn bất kỳ tổ chức nào khác trên thế giới. Nó là tổ chức hàng đầu thế giới trong việc rình mò.

        NSA không chú ý đến quá khứ của Feistel mà chỉ muốn độc quyền nghiên cứu về mật mã và dường như là họ đã can thiệp để các dự án nghiên cứu của Feistel bị hủy bỏ. Trong những năm 1960, Feistel đã chuyển đến Tập đoàn Mitre, song NSA vẫn tiếp tục gây áp lực và buộc ông phải từ bỏ công việc của mình một lần nữa. Và cuối cùng, Feistel đã trụ lại tại Phòng Thí nghiệm Thomas J.Watson của IBM ở gần New York, nơi mà trong vài năm, ông đã có thể tiến hành những nghiên cứu của mình mà không bị quấy rầy. Cũng chính ở đó, vào đầu những năm 1970, ông đã phát minh ra hệ thống Lucifer.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2020, 07:48:15 am »


        Lucifer mã hóa các thông tin theo quy trình như sau. Trước tiên, thông tin được dịch thành một xâu dài các chữ số nhị phân. Thứ hai, dãy này được tách thành các khối gồm 64 chữ số và việc mã hóa được thực hiện riêng biệt ở từng khối một. Thứ ba, ở mỗi khối, 64 chữ số được xáo trộn và sau đó lại được chia thành hai nửa khối gồm 32 chữ số được ký hiệu là Trái0 và Phải0. Các chữ số trong Phải0 sau đó được cho qua “hàm xáo trộn”, hàm này biến đổi các chữ số theo một cơ chế thay thế phức tạp. Phần Phải0 sau khi được xáo trộn lại được ghép vào Trái0 để tạo nên một nửa khối mới gồm 32 chữ số được gọi là Phảil. Trái0 ban đầu giờ lại được đặt lại là Tráil. Toàn bộ quá trình này được gọi là một “vòng”. Nó được lặp lại ở vòng 2, song bắt đầu với các khối mới là Phảil và Trail và kết thúc với Trái2 và Phải2 và cứ được lặp lại như thế cho đến khi đạt tổng số 16 vòng. Quá trình mã hóa cũng gần giống như nhào một tảng bột. Hãy tưởng tượng một tảng bột dài với thông tin được viết trên nó. Đầu tiên, tảng bột được chia thành các đoạn dài 64 cm. Sau đó, một nửa của một đoạn được lấy ra, nhào, cuộn lại rồi nhập vào với nửa kia và kéo dài ra thành một đoạn mới. Quá trình này tiếp tục cho đến khi thông tin đã hoàn toàn bị xáo trộn. Sau 16 lần nhào trộn, mật mã được gửi đi và giải mã bằng cách đảo ngược lại quá trình.

        Chi tiết chính xác của hàm xáo trộn có thể thay đổi và được quyết định bởi một chìa khóa mã đã được thống nhất giữa người gửi và người nhận. Nói cách khác, cùng một thông tin có thể được mã hóa theo vô số cách khác nhau phụ thuộc vào chìa khóa mã nào được lựa chọn. Các chìa khóa mã được sử dụng trong mật mã máy tính chỉ đơn giản là các con số. Vì vậy, người gửi và người nhận chỉ cần thống nhất con số nào được quyết định làm chìa khóa mã. Sau đó, việc mã hóa đòi hỏi người gửi phải nạp số chìa khóa mã và thông tin vào Lucifer, và nó sẽ cho ra văn bản mật mã. Việc giải mã đòi hỏi người nhận phải nạp vào Lucifer cùng số chìa khóa mã và văn bản mật mã để có được thông tin ban đầu.

        Lucifer nói chung được xem là một trong những sản phẩm mã hóa thương mại khả dụng mạnh nhất, và kết quả là nó được rất nhiều tổ chức sử dụng. Ai cũng tưởng rằng tất yếu hệ thống mã hóa này sẽ được chấp nhận là tiêu chuẩn của Mỹ song một lần nữa NSA lại can thiệp vào công việc của Feistel. Lucifer mạnh đến nỗi nó có thể làm cho tiêu chuẩn mã hóa nằm ngoài khả năng giải mã của NSA; vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi NSA không muốn thấy một tiêu chuẩn mã hóa mà họ không thể phá vỡ được. Vì vậy, có tin đồn là NSA đã vận động hành lang để làm yếu đi một khía cạnh của Lucifer, đó là số chìa khóa mã khả dĩ, trước khi cho phép nó được công nhận là tiêu chuẩn.

        Số chìa khóa mã khả dĩ là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến sức mạnh của một mật mã. Một nhà giải mã định phá một thông tin được mã hóa phải kiểm tra tất cả các chìa khóa mã khả dĩ, và số lượng chìa khóa mã tiềm năng càng lớn thì thời gian tìm ra chìa khóa đúng càng dài. Nếu chỉ có 1.000.000 chìa khóa mã tiềm năng thì một nhà giải mã có thể sử dụng một máy tính mạnh để tìm thấy chìa khóa đúng chỉ trong vài phút, và nhờ đó giải được thông tin mã hóa. Tuy nhiên, nếu số chìa khóa mã khả dĩ đủ lớn, thì việc tìm được chìa khóa mã đúng là chuyện phi thực tế. Nếu Lucifer trở thành tiêu chuẩn mã hóa thì NSA muốn bảo đảm rằng nó vận hành chỉ với một số lượng chìa khóa mã hạn chế.

        NSA ủng hộ việc giới hạn số chìa khóa mã vào khoảng 100.000.000.000.000.000 (về kỹ thuật tương đương với 56 bit, vì nó bao gồm 56 chữ số khi được viết ở dạng nhị phân). Dường như NSA tin rằng một chìa khóa mã như vậy sẽ mang lại an toàn cho cộng đồng, vì không tổ chức dân sự nào có máy tính đủ mạnh để kiểm tra mỗi chìa khóa mã tiềm năng trong một khoảng thời gian hợp lý. Tuy nhiên, bản thân NSA, nhờ tiếp cận được với nguồn máy tính mạnh nhất thế giới, sẽ có thể giải mã được chúng. Hệ mật mã 56 bit Lucifer của Feistel đã chính thức được thông qua vào ngày 23 tháng Mười một năm 1976, và được gọi là Tiêu chuẩn Mã hóa Dữ liệu (DES). Một phần tư thế kỷ sau, DES vẫn còn là tiêu chuẩn mã hóa chính thức của Hoa Kỳ.

        Việc thông qua DES đã giải quyết được vấn đề chuẩn hóa, khuyến khích các hãng kinh doanh sử dụng mật mã để đảm bảo an toàn. Hơn nữa, DES lại đủ mạnh để chống lại sự tấn công của các đối thủ kinh doanh. Một công ty với máy tính bình thường không thể đột nhập được vào các thông tin mã hóa bằng DES vì số chìa khóa khả dĩ là đủ lớn. Tiếc thay, mặc dù được tiêu chuẩn hóa và mặc dù DES có mạnh đi nữa thì các hãng vẫn phải đối mặt với một vấn đề quan trọng hơn, đó là vấn đề phân phối chìa khóa mã.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2020, 07:49:19 am »


        Bạn hãy hình dung một ngân hàng muốn gửi một số dữ liệu mật cho một khách hàng qua đường dây điện thoại song lại lo ngại rằng có thể có ai đó đặt máy ghi âm trộm. Ngân hàng lựa chọn một chìa khóa mã và sử dụng DES để mã hóa thông tin dữ liệu. Để giải mã thông tin, khách hàng không chỉ cần một phần mềm DES trong máy tính của mình mà còn phải biết chìa khóa mã nào đã được sử dụng để mã hóa thông tin. Ngân hàng làm thế nào để thông báo chìa khóa mã cho khách hàng? Nó không thể gửi chìa khóa mã qua đường dây điện thoại vì nghi ngờ có máy nghe trộm. Chỉ có một cách thực sự an toàn đó là đưa tận tay khách hàng, một nhiệm vụ rõ ràng là tốn nhiều thời gian. Một giải pháp ít an toàn hơn nhưng thực tế hơn là gửi chìa khóa mã qua người đưa thư. Trong những năm 1970, các ngân hàng đã thử phân phối chìa khóa mã bằng cách tuyển dụng những người đưa thư đặc biệt, được lựa chọn chặt chẽ trong số những nhân viên đáng tin cậy nhất của công ty. Họ rong ruổi khắp thế giới với những chiếc vali có khóa móc, đưa chìa khóa mã tận tay từng khách hàng, những người sẽ nhận được thông tin từ ngân hàng vào tuần sau đó. Khi quy mô hệ thống kinh doanh lớn mạnh lên, ngày càng nhiều thông tin được gửi đi và ngày càng nhiều chìa khóa mã phải phân phối, các ngân hàng nhận thấy quá trình phân phối này trở thành một cơn ác mộng khủng khiếp và tổng chi phí quá cao khó có thể trang trải được.

        Vấn đề phân phối chìa khóa mã cũng đã từng gây khó khăn cho các nhà mật mã trong lịch sử. Chẳng hạn, trong suốt Thế chiến Thứ hai, Tổng hành dinh cấp cao của Đức đã phải phân phối sổ khóa mã ngày hàng tháng cho tất cả những người điều khiển Enigma, một vấn đề cực lớn về mặt hậu cần. Tương tự như vậy, các tàu ngầm Đức, thường xuyên xa bờ trong một khoảng thời gian dài, cũng cần được cung cấp chìa khóa mã định kỳ bằng một cách nào đó. Trước kia, những người sử dụng mật mã Vigenère cũng phải tìm cách chuyển từ chìa khóa từ người gửi đến người nhận. Bất kể mật mã có độ an toàn như thế nào đi nữa về mặt lý thuyết nhưng trong thực tế vấn đề phân phối chìa khóa mã có thể lại là một điểm yếu của nó.

        Trong phạm vi nào đó, chính phủ và quân đội có thể giải quyết được vấn đề này nhờ đổ tiền của và nguồn lực vào đó. Thông tin của họ quan trọng đến mức họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo đảm cho việc phân phối chìa khóa mã được an toàn. Chìa khóa mã của Chính phủ Hoa Kỳ được quản lý và phân phối bởi COMSEC, viết tắt của Cơ quan An ninh Thông tin liên lạc. Trong những năm 1970, COMSEC chịu trách nhiệm chuyển hàng tấn chìa khóa mã mỗi ngày. Khi các con tàu mang tài liệu của COMSEC đến bến cảng, những người coi giữ mật mã sẽ lên tàu, thu nhận các chồng thẻ, các băng giấy, các đĩa mềm, hay bất kỳ chìa khóa mã trung gian nào khác có thể dự trữ và sau đó chuyển chúng đến những người nhận đã được định trước.

        Phân phối chìa khóa mã có vẻ như là một công việc tầm thường song nó đã trở thành một vấn đề nan giải đối với các nhà mật mã sau chiến tranh. Nếu hai tổ chức muốn liên lạc một cách bí mật, họ phải dựa vào một tổ chức thứ ba để chuyển chìa khóa mã và điều này có thể trở thành một mắt xích yếu nhất trong chuỗi an toàn. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan này của các hãng kinh doanh là rất dễ hiểu - nếu chính phủ với tất cả tiền bạc của họ mà còn phải vật lộn để bảo đảm an toàn cho việc phân phối chìa khóa mã, thì làm thế nào các công ty của thường dân lại có thể hy vọng đạt được một sự phân phối chìa khóa mã đáng tin cậy mà chính họ không bị phá sản?

        Mặc dù có những tuyên bố rằng vấn đề phân phối chìa khóa mã là không thể giải quyết được, song một nhóm những người không chịu khuất phục đã chiến thắng mọi nghịch cảnh và đã tìm ra một giải pháp tuyệt vời vào giữa những năm 1970. Họ đã phát minh ra một hệ thống dường như phá vỡ mọi quy tắc logic. Mặc dù máy tính đã làm biến đổi việc thực hiện các mật mã, song cuộc cách mạng vĩ đại nhất của khoa mật mã thế kỷ 20 lại chính là việc phát triển các kỹ thuật để giải quyết vấn đề phân phối chìa khóa mã. Thực tế, phát minh này được coi như là một thành tựu về mật mã vĩ đại nhất kể từ phát minh ra mật mã dùng một bảng chữ cái từ hơn 2000 năm trước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2020, 08:54:44 am »

   
       THÁNH NHÂN ĐÃI KẺ KHÙ KHỜ

        Whitfield Diffie là một trong những nhà tạo mã hăm hở nhất ở thế hệ ông. Nhìn bề ngoài ông tạo ra một hình ảnh thật ấn tượng và phần nào hơi mâu thuẫn. Trang phục không chê vào đâu được của ông cho thấy hầu như suốt những năm 1990, ông làm việc cho một trong những công ty lớn nhất nước Mỹ - công việc chính thức hiện thời của ông là kỹ sư cao cấp của hãng Sun Microsystems. Tuy nhiên, mái tóc dài ngang vai và bộ râu trắng dài lại cho thấy trái tim ông vẫn thuộc về những năm 1960. Ồng dành nhiều thời gian cho phòng máy tính song trông ông rất thư thái như thể ở trong một ashram ở Bombay (ashram là nơi các thầy tu ở và truyền đạo ở Ấn Độ, có thể là một hang nhỏ trong núi hoặc lều tre). Diffie ý thức rõ rằng trang phục và cá tính của ông thực sự rất ấn tượng đối với người khác và nhận xét rằng, “Người ta luôn nghĩ tôi cao hơn chiều cao thực của tôi, và họ nói đấy là hiệu ứng con Hổ - “Bất kể cân nặng của nó là bao nhiêu, trông nó vẫn luôn to lớn hơn bởi bước đi nhún nhảy của nó”.

        Diffie sinh năm 1944, và dành hầu hết những năm đầu của mình ở Queens, New York. Khi còn là một đứa trẻ, ông đã rất say mê toán học, đọc từ cuốn Sách tra cứu các bảng Toán học của Công ty Hóa chất Cao su đến cuốn Con đường của Toán học thuần túy của G. H. Hardy. Rồi ông tiếp tục học toán ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), và tốt nghiệp năm 1965. Sau đó ông đã làm nhiều công việc có liên quan đến an ninh máy tính và đến đầu những năm 1970, ông đã trưởng thành và trở thành một trong số ít những chuyên gia an ninh độc lập thực sự, một nhà tạo mã mang tư tưởng tự do, không làm việc cho chính phủ cũng như bất kỳ một tập đoàn lớn nào. Theo cách gọi sau này, ông là một cypherpunk đầu tiên (thuật ngữ này do Jude Milhon đưa ra từ trò chơi chữ của từ cyberpunk, có nghĩa là những người sử dụng mật mã, họ tạo thành nhóm và các cá nhân trao đổi với nhau bằng mật mã - ND).

        Diffie đặc biệt quan tâm đến vấn đề phân phối chìa khóa mã, và ông biết rằng ai tìm ra được một giải pháp sẽ đi vào lịch sử như một trong những nhà tạo mã vĩ đại của mọi thời đại. Diffie bị vấn đề này lôi cuốn đến mức nó là một trong những mục quan trọng nhất trong cuốn sổ tay đặc biệt của ông có tựa đề Những Bài toán của một Lý thuyết đầy Tham vọng của Khoa học mật mã. Một phần động cơ của Diffie đến từ sự quan sát của ông về một thế giới được kết nối với nhau. Trở lại những năm 1960, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu tài trợ cho một tổ chức nghiên cứu được gọi là Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (ARPA), và một trong các dự án hàng đầu của ARPA là tìm ra cách nối mạng các máy tính quân sự trên những khoảng cách lớn. Nó cho phép một máy tính khi bị hỏng có thể chuyển nhiệm vụ của nó sang một máy tính khác trong hệ thống. Mục đích chính là làm cho cơ sở hạ tầng máy tính của Lầu Năm Góc mạnh hơn trước sự tấn công hạt nhân, song hệ thống cũng cho phép các nhà khoa học gửi thông tin cho nhau, và thực hiện các tính toán nhờ khai thác công suất còn dư thừa của các máy tính ở xa. ARPANet được lập ra vào năm 1969 và đến cuối năm đó, đã có bốn vị trí được nối mạng. ARPANet lớn mạnh đều đặn về quy mô và tới năm 1982, nó đã sinh ra Internet. Vào cuối những năm 1980, không chỉ ở trong các cơ quan chính phủ và khoa học, mà ai cũng có thể truy cập Internet, và vì vậy số lượng người sử dụng bùng nổ. Ngày nay, hơn một trăm triệu người sử dụng Internet để trao đổi thông tin và gửi thư điện tử.

Hình 62 Whitfield Diffie.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2020, 08:55:28 am »


        Trong khi ARPANet vẫn còn trong trứng nước, Diffie đã nhìn xa khi tiên đoán rằng xa lộ thông tin và cuộc cách mạng kỹ thuật số sớm muộn gì rồi cũng sẽ tới. Một ngày nào đó, người bình thường cũng sẽ có máy tính riêng và các máy tính này sẽ được nối với nhau qua đường dây điện thoại. Diffie tin rằng nếu con người sau này được sử dụng máy tính để trao đổi thư điện tử thì họ sẽ có quyền được mã hóa các thông tin để bảo vệ bí mật của mình. Tuy nhiên, việc mã hóa đòi hỏi phải có sự trao đổi chìa khóa mã thật an toàn. Nếu chính phủ và các tập đoàn lớn còn gặp rắc rối trong việc phân phối chìa khóa mã thì công chúng lại càng không thể làm được và sẽ thực sự bị tước đi cái quyền được riêng tư của mình.

        Diffie đã hình dung ra hai người xa lạ gặp nhau trên Internet và tự hỏi làm thế nào để họ có thể gửi cho nhau một thông tin được mã hóa. Ông cũng nghĩ đến chuyện một người muốn mua hàng trên Internet. Làm thế nào để người đó gửi một thư điện tử có các thông tin chi tiết về thẻ tín dụng mà chỉ người bán hàng trên Internet mới có thể giải mã được chúng? Trong cả hai trường hợp, hai bên đều cần phải chia sẻ một chìa khóa mã, song làm thế nào họ có thể trao đổi chìa khóa mã một cách bí mật? số các hợp đồng bình thường và lượng thư điện tử tự phát sẽ là rất lớn và điều đó có nghĩa là việc phân phối chìa khóa mã sẽ là phi thực tế. Diffie lo sợ rằng khó khăn trong phân phối chìa khóa mã sẽ hạn chế việc sử dụng bí mật riêng tư kỹ thuật số của công chúng, và ông trở nên bị ám ảnh với ý nghĩ phải tìm ra một cách giải quyết vấn đề đó.

        Năm 1974, Diffie, khi đó vẫn còn là một nhà tạo mã lưu động, đã đến thăm Phòng thí nghiệm Thomas J. Watson của IBM, nơi ông được mời đến để nói chuyện. Ông đã nói về rất nhiều chiến lược tấn công khác nhau vào vấn đề phân phối chìa khóa mã, song tất cả các ý tưởng đó của ông mới chỉ là dự định, và các thính giả vẫn hoài nghi về viễn cảnh có được một giải pháp. Chỉ có một phản ứng tích cực duy nhất đối với bài trình bày của Diffie là của Alan Konheim, một trong các chuyên gia cao cấp về khoa học mật mã của IBM, người đã nhắc đến một người khác cũng vừa đến thăm phòng thí nghiệm và trong bài nói chuyện cũng đã đề cập đến vấn đề phân phối chìa khóa mã. Người đó là Martin Heilman, một giáo sư đến từ trường Đại học Stanford ở California. Tối hôm đó, Diffie đã lái xe đi một chặng đường 5.000km đến Bờ Tây để gặp người duy nhất dường như có cùng nỗi ám ảnh với ông. Sự liên minh giữa Diffie và Heilman đã trở thành một trong những mối quan hệ hợp tác năng động nhất trong khoa học mật mã.

        Martin Heilman sinh năm 1945 tại khu phố người Do Thái, ở Bronx, song khi lên bốn, gia đình ông lại chuyển đến khu phố chủ yếu gồm những người dân gốc Ireland theo đạo Thiên chúa. Theo Heilman, sự kiện này đã làm thay đổi một cách căn bản thái độ của ông đối với cuộc đời: “Những đứa trẻ khác đi đến nhà thờ và chúng được dạy rằng người Do Thái đã giết chết Chúa, vì vậy tôi bị gọi là ‘kẻ giết Chúa’. Tôi cố sức chống lại. Để bắt đầu, tôi muốn giống như mọi đứa trẻ khác, tôi muốn có một cây thông Giáng sinh và quà Giáng sinh. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng mình không thể giống với tất cả những đứa trẻ khác, và để tự vệ tôi giữ thái độ “Ai thèm giống như tất cả các người chứ?”. Heilman theo đuổi niềm say mê của mình đối với mật mã cũng là với mong ước giữ được sự khác biệt này. Đồng nghiệp của ông đã bảo ông là điên khi nghiên cứu về khoa học mật mã vì ông sẽ phải cạnh tranh với NSA và ngân sách hàng tỉ đôla của họ. Làm sao ông có thể hy vọng khám phá ra điều gì đó mà họ chưa biết? Và nếu ông có thực sự khám phá ra điều gì đó, thì NSA cũng sẽ tuyên bố là tài liệu mật và xếp vào két sắt.

        Ngay khi Heilman mới bắt đầu nghiên cứu, ông tình cờ đọc được cuốn Các nhà giải mã của nhà sử học David Kahn. Đây là cuốn phân tích chi tiết đầu tiên về sự phát triển của mật mã và nó như là một cuốn sách vỡ lòng tuyệt vời cho những nhà tạo mã tài năng bắt đầu nảy nở. Các nhà giải mã là người bạn đồng hành nghiên cứu duy nhất của Heilman cho mãi đến tháng Chín năm 1974, khi ông nhận được cú điện thoại bất ngờ của Whitfield Diffie, người vừa mới lái xe xuyên lục địa để đến gặp ông. Heilman chưa bao giờ nghe nói đến Diffie song cũng miễn cưỡng đồng ý sắp xếp một cuộc hẹn trong nửa giờ vào chiều muộn ngày hôm đó. Cuối cuộc gặp, Heilman nhận ra rằng Diffie là người hiểu biết nhất mà ông từng gặp. Hai bên lập tức có cảm tình với nhau. Heilman nhớ lại: “Tôi đã hứa với vợ là sẽ về nhà trông bọn trẻ, vì vậy ông ấy đã về nhà cùng với tôi và chúng tôi ăn tối cùng nhau. Ông ấy ra đi vào lúc nửa đêm. Cá tính của tôi và ông ấy rất khác nhau - ông ấy phản văn hóa hơn tôi nhiều - song cuối cùng thì sự va chạm về cá tính lại có tính cộng sinh. Đối với tôi điều đó giống như hít một luồng không khí trong lành. Làm việc trong môi trường chân không quả là hết sức khó khăn.”
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM