Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:29:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14457 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2020, 08:48:12 am »


        GIẢI MÃ NHỮNG NGÔN NGỮ ĐÃ BIẾN MẤT VÀ VĂN TỰ CỔ

        Thành công của mật mã Navajo phần lớn dựa trên thực tế đơn giản là tiếng mẹ đẻ của người này là hoàn toàn vô nghĩa với bất kỳ ai không quen thuộc với nó. Trên nhiều phương diện thì nhiệm vụ mà những nhà giải mã Nhật Bản phải đương đầu cũng tương tự như với các nhà khảo cổ học tìm cách giải mã một ngôn ngữ đã bị quên lãng từ lâu, có thể được viết trong một văn tự đã quá cổ xưa. Nếu có gì khác chăng thì đó là thử thách của các nhà khảo cổ học khắc nghiệt hơn rất nhiều. Chẳng hạn, nếu người Nhật Bản còn có được một dòng chảy liên tục các từ Navajo mà họ phải tìm cách giải mã thì thông tin sẵn có cho các nhà khảo cổ học đôi khi chỉ là một vài tấm đất sét. Hơn nữa, các nhà giải mã khảo cổ thường không có ý niệm gì về bối cảnh cũng như nội dung của một văn bản cổ, vốn là những đầu mối mà các nhà giải mã quân sự thường dựa vào để giúp họ phá vỡ một mật mã.

        Giải mã các văn bản cổ dường như là một sự theo đuổi gần như vô vọng, song có rất nhiều người, cả nam lẫn nữ, đã cống hiến bản thân mình cho nhiệm vụ khó khăn này. Sự ám ảnh của họ đã được dẫn dắt bởi khát vọng muốn hiểu được những văn bản viết tay của tổ tiên chúng ta, cho phép chúng ta nói được ngôn ngữ của họ và nắm bắt được một chút ít về tư tưởng và cuộc sống của họ. Có lẽ sự khao khát muốn giải mã những văn tự cổ đã được Maurice Pope tóm tắt hay nhất trong cuốn Cầu chuyện về giải mã của ông: “Giải mã cho đến nay là những thành tựu hấp dẫn nhất của học thuật. Có một cái gì đó thần diệu ở những văn bản viết tay bí ẩn, đặc biệt là khi nó đến từ quá khứ xa xôi, và một vinh quang tương xứng sẽ dành cho người đầu tiên mở ra sự bí ẩn của nó.”

        Việc giải mã các văn tự cổ không nằm trong cuộc chiến diễn ra liên tục giữa các nhà tạo mã và giải mã, vì mặc dù cũng có những nhà giải mã với tư cách là các nhà khảo cổ học song không có các nhà tạo mã. Nói rõ hơn là, trong đa số trường hợp giải mã về ngôn ngữ, người viết không hề có chủ tâm che giấu ý nghĩa của văn tự. Vì vậy, phần còn lại của chương này, trình bày về vấn đề giải mã khảo cổ, sẽ hơi lạc ra khỏi chủ đề chính của cuốn sách một chút. Tuy nhiên, các nguyên tắc của giải mã khảo cổ về cơ bản cũng tương tự như trong giải mã quân sự truyền thống. Thực sự thì, rất nhiều nhà giải mã quân sự đã bị cuốn hút trước thách thức của một văn tự cổ chưa được vén màn bí mật. Điều này có thể là vì việc giải mã khảo cổ tạo nên một sự thay đổi dễ chịu so với việc giải mã quân sự, nó đem lại một câu đố thuần túy về trí tuệ hơn là một thách thức quân sự. Nói cách khác, động cơ là vì tò mò, ham hiểu biết hơn là vì thù địch.

        Nổi tiếng nhất, và có lẽ cũng lãng mạn nhất trong số tất cả các bản giải mã đó là hóa giải chữ viết tượng hình cổ Ai Cập. Trong nhiều thế kỷ, chữ viết tượng hình vẫn còn là một điều bí ẩn, và các nhà khảo cổ học không thể làm gì hơn là phỏng đoán về ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, nhờ một cách giải mã cổ điển, chữ viết tượng hình cuối cùng cũng đã được giải mã và kể từ đó các nhà khảo cổ học đã đọc được những bản tường thuật trực tiếp về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại. Việc giải mã chữ viết tượng hình đã nối liền thiên niên kỷ chúng ta với nền văn minh của các pharaon.

        Chữ viết tượng hình cổ nhất xuất hiện vào năm 3000 trước công nguyên, và dạng chữ viết hoa mỹ này tồn tại trong suốt ba ngàn năm rưỡi sau đó. Mặc dù các ký hiệu phức tạp trong chữ viết tượng hình là lý tưởng cho các bức tường của những đền thờ trang nghiêm (tiếng Hy Lạp từ hieroglyphica có nghĩa là “những hình chạm khắc linh thiêng”), song chúng lại quá phức tạp để bám sát những giao dịch thường ngày. Vì vậy, phát triển song song với các chữ viết tượng hình là chữ hieratic, một dạng chữ viết sử dụng hằng ngày trong đó mỗi biểu tượng trong chữ viết tượng hình được thay thế bằng một biểu thị ước lệ, nhanh và dễ viết hơn. Vào khoảng năm 600 trước công nguyên, chữ hieratic được thay thế bằng thứ chữ viết thậm chí còn đơn giản hơn nữa được gọi là demotic (chữ viết bình dân), cái tên này có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp demotika có nghĩa là “dân dã”, để biểu thị tính năng thông dụng của nó. Chữ viết tượng hình, chữ hieratic và chữ viết bình dân về cơ bản là giống nhau - người ta hầu như coi chúng đơn giản chỉ là những phông chữ khác nhau mà thôi.

        Tất cả ba dạng chữ viết này đều theo ngữ âm, tức là các ký tự phần lớn đều biểu thị những âm khác nhau, cũng giống như trong bảng chữ cái tiếng Anh. Trong hơn ba ngàn năm, những người Ai Cập cổ đại đã sử dụng các loại chữ viết này trong mọi phương diện của cuộc sống, như chúng ta sử dụng chữ viết ngày nay. Sau đó, đến cuối thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, trong vòng một thế hệ, các văn tự Ai Cập đã biến mất. Những tư liệu cuối cùng về chữ viết Ai Cập cổ được tìm thấy ở đảo Philae. Một dạng chữ viết tượng hình ở đền thờ được khắc vào năm 394 sau Công nguyên, và một mẩu đá khắc chữ bình dân được cho là vào năm 450. Sự lan rộng của Nhà thờ Thiên chúa chính là nguyên nhân gây ra sự biến mất của chữ viết Ai Cập, vì họ cấm sử dụng chúng để tiêu diệt tận gốc rễ bất kỳ mối liên hệ nào với quá khứ vô thần của người Ai Cập. Những chữ viết cổ được thay thế bằng chữ Coptic, một dạng chữ viết gồm hai mươi tư chữ cái lấy từ bảng chữ cái Hy Lạp bổ sung thêm sáu ký tự bình dân được sử dụng cho các âm Ai Cập không biểu thị được bằng tiếng Hy Lạp. Sự thống trị của chữ Coptic đã hoàn toàn đến nỗi khả năng đọc được chữ tượng hình, chữ hieratic và chữ bình dân đã biến mất. Ngôn ngữ Ai Cập cổ tiếp tục được nói và tiến hóa thành cái gọi là ngôn ngữ Coptic, song trong quá trình đó, cả ngôn ngữ và chữ viết Coptic đều bị thay thế bởi sự lan tràn của chữ viết Ả Rập vào thế kỷ thứ 11. Mối liên hệ cuối cùng về ngôn ngữ với các vương quốc Ai Cập cổ đại đã bị cắt đứt và sự hiểu biết cần thiết để đọc được những truyền thuyết về các pharaon cũng biến mất theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2020, 08:50:50 am »


        Mối quan tâm đến chữ viết tượng hình được đánh thức trở lại vào thế kỷ thứ 17 khi Giáo hoàng Sixtus V quy hoạch lại thành phố Rome, theo một hệ thống đại lộ mới, đang dựng các tháp bia mang về từ Ai Cập tại mỗi ngã tư. Các học giả đã cố gắng thử giải mã nghĩa của các chữ viết tượng hình trên các tháp bia song lại gặp khó khăn do một quan niệm sai lầm: không ai được chuẩn bị để chấp nhận rằng các chữ viết tượng hình này biểu thị cho một ký tự ngữ âm, hay ký âm. Ý tưởng về việc viết theo từng âm được cho là quá tiến bộ so với một nền văn minh cổ đại như vậy. Thay vào đó, các học giả thế kỷ 17 lại cho rằng các chữ viết tượng hình là những ký hiệu biểu ý - tức là các ký tự phức tạp này biểu thị cho toàn bộ một ý tưởng và chẳng qua chỉ là loại chữ viết bằng tranh nguyên thủy. Việc tin rằng chữ viết tượng hình đơn giản chỉ là chữ viết bằng tranh thậm chí còn phổ biến ở cả những người nước ngoài đến thăm Ai Cập vào thời mà chữ viết tượng hình vẫn còn là chữ viết thịnh hành. Diodorus Siculus, nhà sử học Hy Lạp thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên đã viết:

        Giờ hóa ra là dạng các chữ cái của người Ai Cập mang hình dáng của tất cả các loài sinh vật, của chân tay trên cơ thể con người và của vật dụng hằng ngày... Chữ viết của họ không diễn đạt những ý tưởng định sẵn bằng cách kết hợp các âm tiết với nhau, mà bằng vẻ ngoài của những cái đã được sao chụp và bằng ý nghĩa ẩn dụ đã in dấu vào trí nhớ qua hoạt động thực tiễn... Vì vậy mà biểu tượng con diều hâu đối với họ là tất cả những gì xảy ra nhanh vì sinh vật này là loài nhanh nhất trong số các động vật có cánh. Và ý tưởng này được chuyển giao, thông qua những ẩn dụ thích hợp, cho tất cả những gì mau lẹ và những thứ phù hợp với tốc độ.

        Dưới ánh sáng của những giải thích như vậy, thì có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi mà các học giả thế kỷ 17 đã cố gắng giải mã các chữ viết tượng hình bằng cách diễn dịch mỗi biểu tượng thành một ý tưởng trọn vẹn. Chẳng hạn, vào năm 1652, tu sĩ dòng Tên người Đức Athanasius Kircher đã xuất bản một cuốn tự điển về những giải thích có tính phúng dụ nhan đề CEdipus agyptiacus và sử dụng nó để tạo ra một loạt những bản dịch lý thú và kỳ quặc. Một nhóm chữ viết tượng hình mà ngày nay chúng ta đã biết nó chỉ tên của pharaon Apries, đã được Kircher dịch thành: “Những lợi ích của Osiris thần thánh tìm được là nhờ các nghi lễ linh thiêng và chuỗi Genii, để có thể nhận được các lợi ích của sông Nile.” Ngày nay các bản dịch của Kircher nghe thật nực cười, song ảnh hưởng của chúng đối với những người làm ra vẻ là nhà giải mã khác là rất to lớn. Kircher còn hơn cả một nhà Ai Cập học: ông đã viết một cuốn sách về khoa học mật mã, xây dựng một đài phun nước có âm nhạc, phát minh ra chiếc đèn kỳ lạ (tiền thân của điện ảnh), tự mình đi sâu vào miệng núi lửa Vesuvius và được mệnh danh là “cha đẻ của ngành núi lửa học”. Vị tu sĩ dòng Tên được biết đến rộng rãi với tư cách là học giả được kính trọng nhất ở thời ông, và vì thế những tư tưởng của ông tất nhiên đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ các nhà Ai Cập học tương lai.

        Một thế kỷ rưỡi sau Kircher, vào mùa hè năm 1798, những di tích cổ của người Ai Cập cổ đại lại được nghiên cứu trở lại khi Napoleon Bonaparte phái một đoàn gồm các nhà sử học, khoa học và những chuyên gia họa hình theo sau đoàn quân xâm lược của mình. Những chuyên gia này, hay “những con chó Bắc Kinh” như đám binh lính vẫn gọi họ như vậy, đã thực hiện một công việc to lớn, đó là lập bản đồ, vẽ, sao chép, đo đạc và ghi lại tất cả những gì họ chứng kiến. Vào năm 1799, các học giả Pháp đã bắt gặp mặt một phiến đá nổi tiếng nhất trong lịch sử ngôn ngữ học, do một đội quân Pháp đồn trú tại đồn Julien ở thị trấn Rosetta vùng delta sông Nile, tìm thấy. Tốp lính này nhận được lệnh phải phá đổ một bức tường cổ để dọn đường mở rộng địa phận của đồn. Gắn bên trong bức tường là một tấm đá trên đó có rất nhiều chữ viết; cùng một đoạn văn bản được viết trên tấm đá ba lần: bằng chữ Hy Lạp, chữ viết bình dân và chữ viết tượng hình. Phiến đá Rosetta, như người ta gọi ngày nay, dường như tương đương với một crib trong khoa mật mã, chính là các crib đã từng giúp các nhà giải mã ở Bletchley Park hóa giải mật mã Enigma. Đoạn viết bằng chữ Hy Lạp, có thể đọc được dễ dàng, chính là một đoạn văn bản thường dùng để so sánh với bản mật mã bằng chữ viết bình dân và chữ viết tượng hình. Phiến đá Rosetta tiềm tàng là một phương tiện để khám phá ý nghĩa của các biểu tượng Ai Cập cổ đại.

Hình 54 Phiến đá Rosetta, được khắc vào năm 196 trước Công nguyên và được phát hiện vào năm 1799, có chứa những đoạn ký tự được viết bằng ba loại chữ viết khác nhau: chữ viết tượng hình ở trên cùng, ở giữa là chữ viết bình dân và dưới cùng là chữ Hy Lạp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2020, 08:53:35 am »


        Các học giả ngay lập tức nhận ra giá trị của phiến đá và gửi nó về Viện Quốc gia ở Cairo để nghiên cứu chi tiết hơn. Tuy nhiên, trước khi Viện có thể bắt tay vào nghiên cứu một cách nghiêm túc, thì quân đội Pháp lại thực sự đang ở bên bờ vực của sự thất bại trước lực lượng của Anh đang tiến đến gần. Người Pháp đã chuyển Phiến đá Rosetta từ Cairo đến Alexandria là nơi tương đối an toàn. Trớ trêu thay, khi quân Pháp cuối cùng đã đầu hàng, Điều XVI trong Hiệp ước Đầu hàng buộc chuyển giao tất cả những di sản cổ ở Alexandria cho quân Anh, trong khi những thứ ở Cairo lại được trả về cho Pháp. Năm 1802, phiến đá bazan màu đen vô giá (với kích thước cao 118 cm, rộng 77 cm và dày 30 cm, nặng 3/4 tấn) đã được gửi đến Portsmouth trên con tàu HMS L ’Egytienne và cùng năm đó nó được trưng bày ở Bảo tàng Anh, nơi nó vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.
         
Bản dịch tiếng Hy Lạp nhanh chóng tiết lộ rằng Phiến đá Rosetta là văn bản ghi lại một quyết định của đại hội đồng các giáo sĩ Ai Cập vào năm 196 trước Công nguyên. Văn bản này ghi lại các lợi ích mà pharaon Ptolemy ban cho thần dân Ai Cập và nêu chi tiết những tôn vinh mà các giáo sĩ, để đáp lại, dành cho pharaon. Chẳng hạn, họ tuyên bố rằng “một lễ hội hàng năm sẽ được dành cho Đức Vua Ptolemy vạn tuế, người được thần Ptah yêu quý, trong các đền thờ trên khắp mọi miền từ ngày thứ nhất của tháng ăn Thề (Troth) kéo dài năm ngày, họ sẽ đeo vòng hoa, dâng vật tế cúng và dâng rượu cùng những nghi thức thông thường khác”. Nếu hai bản chữ viết còn lại cũng mang ý nghĩa tương tự thì việc giải mã chữ viết tượng hình và chữ viết bình dân là rất dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn còn ba trở ngại đáng kể. Thứ nhất, Phiến đá Rosetta đã bị hư hỏng nghiêm trọng, như có thể thấy ở Hình 54. Bản chữ viết Hy Lạp gồm 54 dòng, trong đó 26 dòng cuối cùng bị hư hỏng. Phần chữ viết bình dân có 32 dòng, trong đó 14 dòng đầu bị hư (cần lưu ý là chữ viết bình dân và chữ viết tượng hình được viết từ phải sang trái). Bản chữ viết tượng hình ở trong tình trạng tồi tệ nhất với nửa số dòng đã bị mất hoàn toàn và 14 dòng còn lại (tương đương với 28 dòng cuối cùng trong bản chữ viết Hy Lạp) cũng bị mất một phần. Trở ngại thứ hai đối với việc giải mã là hai văn tự Ai Cập chuyển tải ngôn ngữ Ai Cập cổ mà không còn ai sử dụng ít nhất là tám thế kỷ. Dù cho có thể tìm ra một tập hợp các biểu tượng Ai Cập tương ứng với một tập hợp các từ Hy Lạp, nhờ đó giúp cho các nhà ngôn ngữ học có thể hiểu được ý nghĩa của các biểu tượng Ai Cập, song không thể thiết lập được âm của các từ Ai Cập. Trừ phi các nhà khảo cổ học biết được các từ Ai Cập được nói như thế nào, nếu không họ không thể xác định được ngữ âm của các biểu tượng. Cuối cùng, tài sản trí tuệ của Kircher vẫn khuyến khích các nhà khảo cổ coi chữ viết của người Ai Cập là một loại ký hiệu biểu ý, chứ không phải biểu âm, và vì vậy thậm chí rất ít người lưu tâm tới việc thử giải mã ngữ âm của chữ viết tượng hình.

        Một trong những học giả đầu tiên đặt nghi vấn đối với định kiến cho rằng chữ viết tượng hình là chữ viết bằng tranh, đó là nhà thông thái và thần đồng nước Anh, Thomas Young. Sinh năm 1773 tại Milverton, Somerset, Young biết đọc trôi chảy khi mới lên hai tuổi. Mười bốn tuổi, ông đã học tiếng Hy Lạp, Latin, Pháp, Ý, Do thái, Chai de, Syri, Samarita, Ả Rập, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Ethiopia, và khi là sinh viên của trường Emmanuel College, Cambridge, sự xuất sắc đã mang lại cho ông biệt hiệu là “Hiện tượng Young”. Ở Cambridge, ông nghiên cứu y học song người ta nói rằng mối quan tâm của ông chỉ là những chứng bệnh chứ không phải là các bệnh nhân mà ông cứu chữa. Dần dần, ông bắt đầu tập trung hơn vào việc nghiên cứu và ít quan tâm hơn tới bệnh tật.

        Young đã tiến hành hàng loạt những thí nghiệm y học khác thường, rất nhiều thí nghiệm trong số đó nhằm mục đích giải thích mắt người hoạt động như thế nào. Ồng đã xác lập được rằng sự tri giác màu sắc là kết quả cảm nhận của ba loại cơ quan riêng biệt, mỗi loại nhạy cảm với một trong ba màu cơ bản. Sau đó, bằng cách đặt những vòng kim loại xung quanh một nhãn cầu sống, ông đã chứng minh được rằng việc điều chỉnh tiêu cự không đòi hỏi phải làm biến dạng cả con mắt mà chỉ do sự phồng xẹp của thủy tinh thể đóng vai trò là một thấu kính. Mối quan tâm của Young đến quang học đã dẫn ông đến với vật lý học, và một loạt những khám phá khác. Ồng đã công bố bài báo Lý thuyết sóng ánh sáng, một bài báo kinh điển về bản chất của ánh sáng; ông cũng đã đưa ra một sự giải thích mới và tốt hơn về thủy triều; ông cũng là người đưa ra định nghĩa chính thức về năng lượng và đã công bố những bài báo xây dựng nền móng cho môn đàn hồi.

Hình 55 Thomas Young.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2020, 06:46:08 am »

     
        Young dường như có thể giải quyết các vấn đề trong hầu hết các lĩnh vực, song điều này lại hoàn toàn không phải là lợi thế của ông. Trí não của ông quá dễ dàng bị lôi cuốn nên ông cứ nhảy từ đề tài này sang đề tài khác, bắt tay ngay vào một vấn đề mới trước khi làm xong cái cũ.

        Khi Young nghe nói về Phiến đá Rosetta, nó đã trở nên một thách thức không thể cưỡng lại được. Vào mùa hè năm 1814, trong kỳ nghỉ hàng năm ở khu nghỉ mát bên bờ biển Worthing, ông có mang theo một bản sao của ba văn tự. Đột phá của Young nảy sinh khi ông tập trung nghiên cứu những chữ tượng hình được bao quanh bởi một vòng kín, được gọi là cartouche. Linh cảm của ông mách bảo rằng những chữ tượng hình này được bao quanh như vậy là vì chúng biểu thị một điều gì đó rất quan trọng, có thể là tên của pharaon Ptolemy, chẳng hạn, bởi vì tên viết theo chữ Hy Lạp của ông, Ptolemaios, có được nhắc đến trong đoạn văn bản viết bằng tiếng Hy Lạp. Nếu đúng là như vậy thì Young có thể khám phá ra ngữ âm của các chữ tượng hình tương ứng, vì tên của một pharaon được phát âm gần như nhau bất kể là theo ngôn ngữ nào. Cartouche Ptolemy được lặp lại sáu lần trên Phiến đá Rosetta, đôi khi theo cái gọi là phiên bản chuẩn, đôi khi lại dài hơn và dụng công hơn. Young giả định rằng kiểu dài hơn là tên của Ptolemy kèm theo tước hiệu, vì vậy ông tập trung vào các biểu tượng xuất hiện trong phiên bản chữ chuẩn, để dự đoán giá trị âm tiết của mỗi chữ tượng hình (Bảng 13a).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2020, 06:46:48 am »


        Mặc dù vào lúc đó ông vẫn chưa biết, song Young đã cố gắng liên hệ hầu hết các chữ tượng hình với những giá trị âm tiết đúng của nó. May mắn là ông đã đặt hai chữ tượng hình đầu tiên (,), chữ nọ ở trên chữ kia, theo đúng trật tự ngữ âm của chúng. Các viên thư lại đã đặt các chữ tượng hình theo kiểu này là vì những lý do thẩm mỹ, với cái giá phải trả là mất đi sự rõ ràng về ngữ âm. Họ thiên về cách viết này cốt là để tránh những khoảng trống và giữ được sự hài hòa đối với thị giác; đôi khi họ thậm chí còn hoán đổi vòng quanh các chữ cái theo hướng ngược hẳn với bất kỳ cách viết theo từng âm hợp lý nào, cũng chỉ cốt để tăng thêm vẻ đẹp của chữ viết. Sau khi giải mã được các chữ này, Young đã khám phá thêm một vòng kín cartouche nữa trong một văn tự được chép lại từ đền Karnak ở Thebes mà ông ngờ rằng đó là tên một hoàng hậu của Ptolemy, Berenika (hay Berenice gì đó). Ông lặp lại phương pháp trước đó của mình và kết quả được trình bày ở Bảng 14a.

        Trong số 13 chữ tượng hình trong cả hai cartouche, Young đã xác định chính xác một nửa, và một phần tư là đúng một phần. Ông cũng xác định chính xác ký hiệu vĩ tố (ký hiệu cuối cùng) chỉ giống cái, đặt sau tên của các nữ hoàng và nữ thần. Mặc dù ông không thể biết được mức độ thành công của mình, song sự xuất hiện của () ở cả hai cartouche, cùng biểu thị chữ cái i trong cả hai trường hợp, cũng đã cho Young thấy rằng ông đã đi đúng hướng, và cho ông đầu mối cần thiết để tiếp tục giải mã. Tuy nhiên, công việc của ông đã đột ngột dừng lại. Dường như ông đã quá sùng bái lý luận của Kircher, cho rằng các chữ tượng hình chỉ là những ký hiệu biểu ý, và ông vẫn chưa sẵn sàng để phá vỡ hình mẫu tư duy này. Ồng đã tự bào chữa cho chính những khám phá của mình bằng nhận xét rằng triều đại Ptolemy được truyền lại từ Lagus, một vị tướng của Alexander Đại đế. Nói cách khác, dòng họ Ptolemy là những người nước ngoài và Young đưa ra giả thuyết rằng tên của họ có lẽ đã được viết theo từng âm vì không có một ký hiệu biểu ý tự nhiên nào trong các chữ tượng hình ở phiên bản chuẩn. Ông đã tóm tắt lại những ý tưởng của mình bằng việc so sánh chữ tượng hình với các ký tự Trung Hoa, mà những người châu Âu chỉ mới bắt đầu hiểu được: Bảng 14a
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2020, 06:48:22 am »

       
        Thật cực kỳ thú vị nếu ta theo dõi các bước xuất hiện của chữ viết theo bảng chữ cái từ cách viết tượng hình; một quá trình có thể được minh họa bằng cách thức mà tiếng Trung Hoa hiện đại biểu thị một tổ hợp các âm tiếng nước ngoài, các ký tự này được hoàn lại tính “ngữ âm” đơn giản bằng một ký hiệu thích hợp, mà không giữ lại ý nghĩa tự nhiên của chúng; và ký hiệu này, trong một số cuốn sách in hiện đại, đã rất gần với vòng kín bao quanh các tên viết bằng chữ tượng hình.

        Young gọi thành quả của mình là “trò tiêu khiển trong một vài giờ rảnh rỗi”. Ông đã mất hứng thú với chữ tượng hình cổ và kết thúc công việc của mình bằng một bài báo tóm tắt in trong Phụ lục của cuốn bách khoa thư the Encyclopedia Britannica năm 1819.

        Trong khi đó ở Pháp, một nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi đầy hứa hẹn, Jean- Franois Champollion, đã sẵn sàng để đưa các ý tưởng của Young đến kết luận tự nhiên của chúng. Mặc dù chưa tới ba mươi tuổi, song Champollion đã bị những chữ tượng hình cuốn hút gần như suốt hai thập kỷ. Sự lôi cuốn này bắt đầu vào năm 1800 khi nhà toán học người Pháp Jean-Baptiste Fourier, một trong những “con chó Bắc Kinh” đầu tiên của Napoleon giới thiệu cho cậu bé Champollion 10 tuổi về bộ sưu tập đồ cổ Ai Cập của mình, rất nhiều trong số đó được trang trí bởi những chữ viết kỳ lạ. Fourier đã giải thích rằng không ai có thể dịch được thứ chữ viết bí ẩn này, lúc đó, cậu bé đã hứa là một ngày nào đó cậu sẽ giải mã được điều bí ẩn đó. Chỉ bảy năm sau, ở tuổi 17, cậu đã cho công bố bài báo với nhan đề Ai Cập dưới thời các pharaon. Ngay lập tức cậu được bầu vào Viện Hàn lâm ở Grenoble. Khi nghe tin mình trở thành một giáo sư tuổi chưa đầy hai mươi, Champollion đã choáng váng đến mức ngất xỉu.

        Champollion tiếp tục khiến cho những người cùng thời của ông phải kinh ngạc trước sự tinh thông các ngôn ngữ như Latin, Hy Lạp, Hebrew, Ethiopi, Sanskrit (chữ Phạn), Zend, Pahlevi, Ả rập, Syri, Chaldean, Ba Tư và Trung Hoa của ông, tất cả đều nhằm trang bị cho cuộc tấn công vào chữ tượng hình. Minh chứng cho sự ám ảnh này của ông là câu chuyện xảy ra vào năm 1808 khi ông tình cờ gặp một người bạn cũ trên đường phố. Người bạn này ngẫu nhiên có nhắc đến Alexandre Lenoir, một nhà Ai Cập học nổi tiếng, mới công bố một bản giải mã hoàn chỉnh các chữ tượng hình. Champollion sốc đến mức sụp ngã ngay tại chỗ (dường như ông này cũng rất có tài ngất xỉu). Cứ như là toàn bộ lý do để ông sống trên cõi đời này là phải trở thành người đầu tiên đọc được chữ viết của người Ai Cập cổ đại không bằng. May mắn cho Champollion, bản giải mã của Lenoir cũng kỳ quặc như những nỗ lực của Kircher ở thế kỷ 17, và thách thức vẫn còn đó.

Hình 56 Jean-Franẹois Champollion.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2020, 06:51:01 am »


        Năm 1822, Champollion áp dụng phương pháp của Young cho các cartouche khác. Nhà tự nhiên học người Anh w. J. Bankes đã mang một tháp bia trên đó có khắc chữ tượng hình và chữ Hy Lạp đến Dorset, và sau đó đã cho in thạch bản các chữ viết song ngữ này, trong đó có các vòng kín bao quanh tên của Ptolemy và Cleopatra. Champollion đã có bản in này và cố gắng thiết lập các giá trị có nghĩa cho từng chữ riêng biệt (Bảng 15). Các chữ cái p, t, o,l và e thường xuất hiện trong cả hai cái tên này; trong bốn trường hợp, chúng đều được biểu thị bởi cùng một chữ tượng hình trong tên của Ptolemy và Cleopatra, chỉ có mỗi trường hợp t là có sự không nhất quán. Champollion giả định rằng âm t có thể được biểu thị bởi hai chữ tượng hình, giống như âm c trong tiếng Anh có thể được biểu thị bằng chữ c hoặc chữ k, như trong các từ cat và kid. Hứng khởi trước thành công của mình, Champollion bắt đầu tiếp cận các cartouche không có bản dịch song ngữ, bằng cách thay thế những giá trị âm mà ông thu được từ các cartouche Ptolemy và Cleopatra. Cartouche bí ẩn đầu tiên của ông (Bảng 16) có chứa một trong những cái tên vĩ đại nhất thời cổ đại. Theo Champollion thì rõ ràng cartouche này, đọc là a-l-?-s-e-?-t-r-?, biểu thị một cái tên - alksentrs - tức Alexandros theo tiếng Hy Lạp, hay Alexander theo tiếng Anh. Cũng rõ ràng đối với Champollion là người viết bản thảo này không thích sử dụng nguyên âm, và thường bỏ qua chúng; có lẽ người viết cho rằng người đọc sẽ chẳng khó khăn gì trong việc thêm vào những nguyên âm bị mất. Với hai bản chữ tượng hình mới trong tay, nhà học giả trẻ tuổi đã nghiên cứu các đoạn chữ viết mới và giải mã được một loạt cartouche khác. Tuy nhiên, tất cả những tiến triển này mới đơn giản chỉ là mở rộng thêm các thành quả của Young. Những cái tên như Alexander và Cleopatra vẫn là những cái tên nước ngoài, vì vậy điều này chỉ hỗ trợ thêm cho thuyết xem rằng ngữ âm chỉ được viện đến để dùng cho những từ nằm ngoài từ vụng truyền thống của người Ai cập. (Xem bảng 15)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2020, 06:59:48 am »

(tiếp từ bảng 15) Ai Cập cổ đại, đã không còn là một sinh ngữ vào thế kỷ 11 sau Công nguyên, nhưng nó vẫn tồn tại dưới dạng “hóa thạch” trong các nghi lễ của Nhà thờ Coptic Thiên chúa. Champollion đã học ngôn ngữ Coptic khi còn là thiếu niên và thuần thục đến mức sử dụng chúng để ghi nhật ký. Tuy nhiên, mãi cho đến lúc này, ông mới nhận ra rằng Coptic cũng có thể là ngôn ngữ của các chữ tượng hình.

        Champollion tự hỏi liệu ký hiệu đầu tiên trong cartouche đó, (), có phải là một ký hiệu biểu ý chỉ mặt trời, tức là, một bức vẽ mặt trời chính là ký hiệu cho từ “mặt trời”. Sau đó, với trực giác thiên tài, ông cho rằng giá trị âm của ký hiệu biểu ý này chính là âm của một từ trong tiếng Coptic chỉ mặt trời, đó là từ ra. Nó cho ông kết quả là (ra-?-s-s). Chỉ có tên của một pharaon là dường như thích hợp. Chấp nhận sự bỏ qua nguyên âm rất khó chịu này và giả định chữ cái còn lại là m, thì chắc chắn đây phải là cái tên Rameses, một trong những pharaon vĩ đại nhất và cũng là một trong những cái tên cổ xưa nhất. Như vậy ngay cả những cái tên truyền thống cổ đại cũng được viết theo từng âm. Champollion đã lao vào văn phòng của người anh và kêu lên “Je tiens raffaire!” (Em đã thành công rồi), và một lần nữa, ông lại không chế ngự nổi niềm đam mê mãnh liệt của mình đối với chữ tượng hình. Ông ngay lập tức ngất xỉu và phải nằm bẹp trên giường suốt năm ngày sau đó.

Bảng 16 Giải mã của Champollion đối với cartouche Alksentrs (Alexander).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2020, 07:00:16 am »


        Champollion cũng đã chứng minh được rằng người chép bản thảo đôi khi cũng khai thác nguyên tắc đánh đố bằng tranh vẽ, mà ta vẫn còn thấy trong các câu đố dành cho trẻ em. Cụ thể, các từ dài bị tách ra thành các thành phần ngữ âm, rồi sau đó được biểu thị bằng các ký hiệu biểu ý. Ví dụ, từ belief có thể được tách thành hai âm tiết, be-lief sau đó được viết lại thành bee-leaf. Thay vì viết các từ này bằng các chữ cái, chúng lại được biểu thị bằng hình ảnh một con ong (bee) tiếp theo đó là một chiếc lá (leaf). Trong ví dụ được Champollion khám phá, chỉ có âm tiết đầu tiên (ra) là được biểu thị bằng một câu đố bằng tranh (một hình vẽ mặt trời), trong khi phần còn lại của từ lại được viết từng âm theo cách thông thường.

        Tầm quan trọng của ký hiệu biểu ý mặt trời trong cartouche Rameses là vô cùng to lớn, vì rõ ràng là nó đã hạn chế phạm vi các thứ ngôn ngữ mà người chép bản thảo có thể nói. Chẳng hạn, người này không thể nói tiếng Hy Lạp, vì nếu không, cartouche này sẽ phải được phát âm là “helios- meses”. Cartouche này chỉ có nghĩa khi người chép nói thứ ngôn ngữ Coptic, vì khi đó nó mới được phát âm thành “ra-meses”.

        Mặc dù đây chỉ là một cartouche nữa song bản giải mã này đã chứng minh một cách rõ ràng bốn nguyên lý cơ bản của chữ tượng hình. Thứ nhất, ngôn ngữ của bản thảo ít nhất có liên quan đến tiếng Coptic, và thực sự thì việc khảo sát các văn bản chữ tượng hình khác cũng cho thấy đó là ngôn ngữ Coptic thuần khiết và đơn giản. Thứ hai, các ký hiệu biểu ý được sử dụng để biểu thị một số từ, ví dụ, từ “mặt trời” được biểu thị bởi một hình vẽ đơn giản về mặt trời. Thứ ba, toàn bộ hoặc một phần một số từ dài được tạo thành bằng cách dùng nguyên tắc đố tranh. Cuối cùng, trong hầu hết các bản thảo, những người viết đều dựa trên một bảng chữ cái ngữ âm tương đối quen thuộc. Điểm cuối cùng này là điều quan trọng nhất và Champollion đã gọi ngữ âm là “linh hồn” của chữ viết tượng hình.

        Sử dụng những kiến thức sâu rộng của mình về ngôn ngữ Coptic, Champollion đã bắt đầu giải mã suôn sẻ những chữ tượng hình phong phú ngoài các cartouche. Trong vòng hai năm, ông đã xác định giá trị ngữ âm của phần lớn các chữ tượng hình, và khám phá ra rằng một số chữ biểu thị sự kết hợp của hai hay thậm chí tới ba phụ âm. Điều này đôi khi cho phép người viết lựa chọn cách viết một từ bằng cách sử dụng một số chữ tượng hình đơn giản hoặc chỉ vài chữ tượng hình đa phụ âm.

        Champollion thông báo kết quả ban đầu của mình trong một bức thư gửi Ngài Dacier, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Văn khắc (Académie des Inscriptions). Sau đó, vào năm 1824, ở tuổi 34, Champollion đã cho xuất bản tất cả những thành tựu của ông trong cuốn sách có nhan đề Giản yếu về hệ thống chữ tượng hình (Precis du système hiẻoglyphique). Lần đầu tiên trong mười bốn thế kỷ, chúng ta đã có thể đọc được lịch sử của các pharaon, đúng như được viết bởi những viên thư lại của họ. Đối với các nhà ngôn ngữ học, đây là một cơ hội để nghiên cứu sự tiến triển của một ngôn ngữ và một thứ chữ viết qua một khoảng thời gian kéo dài hơn 3000 năm. Chúng ta đã có thể hiểu được chữ tượng hình và lần theo dấu tích của nó từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên đến thế kỷ thứ tư sau Công nguyên. Hơn nữa, sự phát triển của chữ tượng hình có thể được so sánh với thứ chữ viết hieratic và chữ viết bình dân mà lúc đó cũng đã được giải mã.

        Trong vài năm, chính trị và sự ghen tỵ đã khiến cho những thành quả tuyệt vời của Champollion không được chấp nhận rộng rãi. Thomas Young là người chỉ trích thậm tệ nhất. Trong một số lần, Young đã không thừa nhận chữ tượng hình chủ yếu là ngữ âm; nhưng lúc khác thì ông lại chấp nhận, song phàn nàn rằng chính ông đã đi đến kết luận này trước cả Champollion, và rằng người Pháp này chỉ lấp đầy những khoảng còn trống mà thôi. Phần lớn sự thù địch này của Young là do Champollion đã không chia sẻ cho ông một chút vinh dự nào mặc dù rõ ràng là những đột phá ban đầu của Young đã gợi ý cho sự giải mã hoàn chỉnh.

        Tháng Bảy năm 1828, Champollion đã thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên tới Ai Cập kéo dài 18 tháng. Đó là một cơ hội lớn để ông thấy tận mắt những bản thảo mà ông mới chỉ nhìn thấy trên các bản vẽ hoặc bản in thạch bản. Ba mươi năm trước, đoàn quân viễn chinh của Napoleon đã ước đoán một cách tùy tiện rằng ý nghĩa của những chữ tượng hình này chỉ là để trang hoàng cho các đền thờ, song giờ đây Champollion đã có thể đơn giản đọc chúng lên từng chữ một và dịch lại một cách chính xác. Chuyến viếng thăm của ông quả là rất đúng lúc. Ba năm sau, trong khi ghi chép lại những ghi chú, các bức vẽ và bản dịch từ chuyến đi Ai Cập, ông đã bị đột qụy. Những cơn ngất mà ông phải chịu trong suốt cuộc đời có lẽ là triệu chứng của một căn bệnh nghiêm trọng hơn, lại càng nặng thêm bởi sự nghiên cứu đầy ám ảnh và căng thẳng của ông. Ông đã mất vào ngày 4 tháng Ba năm 1832 ở tuổi 41.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2020, 07:00:59 am »


        BÍ MẬT CỦA LINEAR B

        Trong vòng hai thế kỷ sau đột phá của Champollion, các nhà Ai Cập học tiếp tục hoàn thiện những hiểu biết của họ về những phức tạp của chữ tượng hình. Trình độ hiểu biết của họ giờ đây cao đến mức mà các học giả có thể giải mã được thậm chí cả những chữ tượng hình đã được mã hóa của một trong những văn bản mật mã cổ xua nhất thế giới. Một số văn tự tìm thấy trên những tấm bia mộ của các pharaon được mã hóa với các kỹ thuật rất đa dạng, bao gồm cả mật mã thay thế. Đôi khi người ta dùng cả các ký hiệu giả để thay thế cho chữ gốc, và trong một số trường hợp khác thì một chữ khác âm nhưng nhìn thì tương tự nhau được dùng thay cho chữ đúng. Chẳng hạn, chữ hình con rắn có mào, thường biểu thị chữ f, lại được sử dụng để thay thế cho chữ hình rắn, biểu thị chữ z. Thường thì các văn bia được mã hóa này cũng không có chủ định để không cho ai giải mã được mà chúng chỉ có vai trò như là những câu đố mật mã nhằm khơi gợi sự tò mò của những khách qua đường, khiến họ nán lại bên ngôi mộ thay vì dửng dưng đi qua.

        Sau khi chinh phục được các chữ tượng hình, các nhà khảo cổ tiếp tục giải mã rất nhiều các văn tự cổ khác, trong đó bao gồm cả chữ hình nêm của Babylon, cổ tự Kôk-Turki của Thổ Nhĩ Kỳ và bảng chữ cái Brahmi của Ấn Độ. Tuy nhiên, tin tốt lành cho những tài năng bắt đầu nảy nở như Champollion, đó là vẫn còn một số văn tự đang chờ khám phá, như các văn tự viết bằng ngôn ngữ Etruria (xưa thuộc Italia) và Indus (xem Phụ Lục I). Khó khăn lớn trong việc giải mã các văn tự còn lại này là chúng không có các crib, không có gì giúp cho các nhà giải mã khai phá ý nghĩa của các văn bản cổ này. Với chữ tượng hình cổ Ai Cập thì các cartouche đóng vai trò như các crib, đã mang lại cho Young và Champollion cái hương vị đầu tiên về nền móng ngữ âm ẩn giấu phía sau. Không có các crib, việc giải mã một văn tự cổ dường như là vô vọng. Tuy nhiên, cũng có một ví dụ đáng phải kể đến về một thứ chữ viết đã được giải mã mà không cần có sự hỗ trợ của crib. Linear B, chữ viết của người Cret thuộc Thời kỳ Đồ đồng, đã được giải mã mà không có bất kỳ một manh mối trợ giúp nào do người viết cổ xưa để lại. Nó được giải quyết là nhờ sự kết hợp của logic và cảm hứng, một ví dụ có sức thuyết phục mạnh mẽ về sự giải mã thuần túy. Thực tế, việc giải mã Linear B đã được đông đảo mọi người coi là vĩ đại nhất trong tất cả những giải mã khảo cổ học.

        Câu chuyện về Linear B bắt đầu từ những khai quật của Ngài Arthur Evans, một trong những nhà khảo cổ học kiệt xuất nhất vào lúc chuyển giao thế kỷ. Evans rất quan tâm đến thời kỳ lịch sử Hy Lạp được Homer mô tả trong hai bộ sử thi Iliad và Odyssey.

        Homer đã thuật lại cuộc Chiến tranh thành Troy, chiến thắng lẫy lừng của quân Hy Lạp ở Troy và những kỳ công tiếp theo của người anh hùng Odysseus, những sự kiện được cho là diễn ra vào thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên. Một số học giả thế kỷ 19 đã bác bỏ giả thuyết đó và coi các sử thi của Homer chẳng qua chỉ là huyền thoại, song vào năm 1872 nhà khảo cổ người Đức, Heinrich Schliemann đã khám phá ra vị trí của thành Troy, ở gần bờ biển phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, và đột nhiên những câu chuyện thần thoại của Homer trở thành lịch sử. Vào giữa những năm 1872 và 1900, các nhà khảo cổ đã khám phá thêm nhiều bằng chứng về một thời kỳ thịnh vượng tiền Văn minh Hy Lạp, trước thời đại Hy Lạp cổ điển của Pythagoras, Plato và Aristotle khoảng 600 năm. Thời kỳ tiền Văn minh Hy Lạp kéo dài từ năm 2800 đến 1100 trước Công nguyên, và nó đã đạt tới đỉnh cao trong suốt bốn thế kỷ cuối cùng. Trên lục địa Hy Lạp mà trung tâm là Mycenae, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy cả một mảng rộng lớn những đồ tạo tác và kho báu. Tuy nhiên, Ngài Arthur Evans đã rất băn khoăn khi thấy các nhà khảo cổ không tìm được bất kỳ dạng chữ viết nào. Ông không thể chấp nhận việc một xã hội phát triển cao đến như thế mà lại có thể hoàn toàn mù chữ, và quyết định chứng minh rằng nền văn minh Mycenae phải có một dạng chữ viết nào đó.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM