Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:51:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14708 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2020, 07:38:55 am »


        Một chiến lược khác nhằm phá vỡ Enigma Hải quân dựa trên việc đánh cắp khóa mã. Một trong những kế hoạch táo bạo nhất để làm việc này do Ian Fleming, người đã sáng tạo ra nhân vật James Bond và là một thành viên của Tình báo Hải quân trong chiến tranh, nghĩ ra. Ồng đề nghị cho rơi một chiếc máy bay ném bom của Đức bị bắt xuống eo biển Măngsơ, gần tàu của quân Đức. Các thủy thủ Đức sẽ tiến lại gần máy bay để cứu đồng đội của mình, nhưng phi hành đoàn ở đó là những phi công Anh giả làm người Đức, sẽ nhảy lên tàu và chiếm lấy sổ mã. Những sổ mã này của Đức có chứa các thông tin cần thiết cho việc thiết lập khóa mã và vì các tàu thường ở rất xa bờ trong một thời gian dài nên các sổ mã cũng thường có giá trị ít nhất là một tháng. Bằng cách lấy các sổ mã như vậy, Bletchley có thể giải được mã Enigma của Hải quân trong một tháng.

        Sau khi thông qua kế hoạch của Fleming, được gọi tên là Chiến dịch Tàn nhẫn, Tình báo Anh bắt đầu chuẩn bị một máy bay ném bom Heinkel cho cú hạ cánh khẩn cấp, và tập hợp một phi hành đoàn người Anh nói được tiếng Đức. Kế hoạch dự định tiến hành vào đầu tháng để có thể bắt được sổ mã mới. Fleming đã đi đến Dover để chứng kiến chiến dịch, song không may là không có tàu Đức nào ở khu vực này nên kế hoạch đã bị trì hoãn vô thời hạn. Bốn ngày sau, Frank Birch, người đứng đầu bộ phận Hải quân ở Bletchley, đã kể lại phản ứng của Turing và đồng nghiệp của ông là Peter Twinn như sau: “Turing và Twinn đã đến chỗ tôi như những người chuyên lo việc mai táng bị lừa mất một thi thể hai ngày trước đây, cả hai đều tức giận về chuyện hủy bỏ Chiến dịch Tàn nhẫn”.

        Mặc dù Chiến dịch Tàn nhẫn bị hủy bỏ song sổ mã Hải quân Đức cuối cùng cũng vẫn lấy được nhờ một loạt những cuộc đột kích táo bạo vào các tàu dự báo thời tiết và tàu ngầm của Đức. Cái được gọi là “sự đánh cắp” đã mang về cho Bletchley những tài liệu cần thiết để chấm dứt sự thiếu hụt tin tức tình báo. Với việc Enigma Hải quân đã trở nên “trong suốt”, Bletchley đã có thể xác định được vị trí của các tàu ngầm và Trận chiến Đại Tây dương đã bắt đầu nghiêng ưu thế về phía quân Đồng minh. Các đội tàu đã có thể tránh xa các tàu ngầm Đức và thậm chí các tàu tiêu diệt của Anh đã bắt đầu phản công, săn lùng và đánh đắm tàu ngầm Đức.

        Vấn đề sống còn là làm sao để Tổng hành dinh cấp cao Đức không bao giờ được nghi ngờ rằng quân Đồng minh đã đánh cắp được sổ mã. Nếu người Đức phát hiện sự an toàn của họ đã bị phá vỡ thì họ sẽ nâng cấp các máy Enigma, và Bletchley sẽ lại trở về điểm số không. Như với câu chuyện về bức điện tín Zimmermann, người Anh đã rất thận trọng để tránh gây nghi ngờ, chẳng hạn như đánh đắm tàu Đức sau khi đã đánh cắp sổ mã. Điều này sẽ thuyết phục được Đô đốc Dônitz rằng các tư liệu về mật mã đã chìm xuống đáy biển và không rơi vào tay quân Anh.

        Một khi sổ mã đã được chiếm một cách bí mật thì việc sử dụng các tin tức tình báo thu được cũng phải được thực hiện thận trọng hơn. Chẳng hạn, việc giải mã Enigma cho biết rất nhiều vị trí của tàu ngầm, song sẽ thật không thông minh nếu tấn công tất cả các tàu ngầm đó, vì một sự thành công tăng lên bất ngờ không lý giải nổi của quân Anh sẽ báo động cho quân Đức rằng các thông tin của họ đã bị giải mã. Chính vì vậy, quân Đồng minh đã cho phép một số tàu ngầm chạy thoát và tấn công những tàu ngầm khác, chỉ khi một máy bay thám thính đã được lệnh bay tới đó trước, nhờ đó mà biện minh được cho sự tiến đến của các tàu tiêu diệt sau đó vài giờ. Hoặc một lựa chọn khác, quân Đồng minh gửi các bức thư giả mô tả việc nhìn thấy các tàu ngầm Đức nhằm hợp lý hóa cho các cuộc tấn công sau đó.

        Mặc dù đã có chính sách giảm thiểu tối đa những dấu hiệu để lộ ra rằng Enigma đã bị phá vỡ, song hành động của quân Anh đôi khi cũng gây sự lo ngại giữa các chuyên gia an ninh của Đức. Một lần, Bletchley giải mã được một bức thư Enigma cho biết vị trí chính xác của một nhóm tàu chở dầu và tàu quân nhu của Đức, tổng cộng tất cả là chín chiếc. Bộ Hải quân quyết định sẽ không đánh đắm tất cả các tàu vì sự quét sạch mục tiêu sẽ khiến quân Đức nghi ngờ. Thay vì vậy, họ đã thông báo cho các tàu tiêu diệt vị trí chính xác của bảy tàu, điều này cho phép tàu Gedania và Gonzenheim chạy thoát mà không hề hấn gì. Bảy tàu mục tiêu đã bị đánh đắm, nhưng Hải quân Hoàng gia đã vô tình bắt gặp hai tàu kia, mà lẽ ra phải được chạy thoát, và cũng đánh đắm chúng luôn. Các tàu tiêu diệt hoàn toàn không biết gì về Enigma cũng như chủ trương không gây nghi ngờ - họ chỉ tin rằng mình đã làm đúng phận sự của mình. Trở về Berlin, Đô đốc Kurt Fricke đã mở cuộc điều tra về việc này và các cuộc tấn công tương tự, kiểm tra khả năng có thể quân Anh đã hóa giải được Enigma. Báo cáo kết luận rằng nhiều tổn thất to lớn này hoặc là do sự không may tự nhiên, hoặc do điệp viên Anh đã xâm nhập vào Kriegsmarine. Sự giải mã Enigma được coi là không thể và không tưởng tượng được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2020, 05:31:19 am »


        CÁC NHÀ GIẢI MÃ VÔ DANH

        Cùng với việc hóa giải mật mã Enigma của Đức, Bletchley Park cũng thành công trong việc giải mã các thông tin của Nhật Bản và Italia. Các thông tin tình báo thu nhận được từ ba nguồn này được đặt mật danh là Ultra, và các hồ sơ Tình báo Ultra có trách nhiệm giúp cho quân Đồng minh có được một lợi thế rõ ràng trên tất cả các vũ đài trọng yếu của cuộc chiến. Ở Bắc Phi, Ultra đã hỗ trợ cho việc tiêu diệt các đường tiếp tế của Đức và thông báo cho quân Đồng minh về tình trạng lực lượng của Tướng Rommel, giúp cho Quân đoàn 8 đánh bại đội quân tiên phong của Đức. Ultra cũng đã cảnh báo về sự xâm lược của Đức vào Hy Lạp, giúp cho đội quân Anh ứng phó kịp, nên không bị thiệt hại nặng nề. Trong thực tế, Ultra đã cung cấp những báo cáo chính xác về tình hình của kẻ thù trên toàn vùng Địa Trung hải. Những thông tin này lại càng đặc biệt có giá trị khi mà quân Đồng minh đổ bộ vào Italia và Sicily năm 1943.

        Năm 1944, Ultra đã đóng một vai trò chủ yếu trong cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào châu Âu. Chẳng hạn, trong vài tháng trước ngày D (ngày quân Anh-Mỹ đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp), việc giải mã của Bletchley đã cung cấp một bức tranh chi tiết về sự tập trung quân của Đức dọc bờ biển nước Pháp. Ngài Harry Hinsley, nhà lịch sử quân sự của Tình báo Anh trong thời kỳ chiến tranh, đã viết:

        Khi (thông tin tình báo) Ultra được gia tăng, nó đã gây ra một vài cú sốc không mấy dễ chịu. Đặc biệt là nó đã tiết lộ vào nửa cuối tháng Năm - tiếp sau những dấu hiệu đáng lo ngại ban đầu cho thấy người Đức đã quyết định rằng vùng lãnh thổ nằm giữa Le Havre và Cherbourg chắc chắn sẽ là vùng tấn công, và thậm chí có thể là vùng tấn công chủ yếu - rằng họ (quân Đức) đang gửi thêm quân tiếp viện tới Normandy và vùng bán đảo Cherbourg. Song chứng cứ này đã đến đúng lúc, giúp quân Đồng minh có thể điều chỉnh kế hoạch đổ bộ vào bãi biển Utah; và có một thực tế đặc biệt là trước khi cuộc viễn chinh khởi hành, ước tính của quân Đồng minh về số lượng, nhận dạng và vị trí các sư đoàn địch ở miền tây, tổng cộng gồm năm mươi tám, là chính xác về tổng số, nhưng có hai điều là quan trọng về phương diện tác chiến.

        Trong suốt cuộc chiến tranh, các nhà giải mã Bletchley đã biết rằng việc giải mã của họ có tầm quan trọng sống còn, và cuộc tới thăm của Churchill càng khẳng định thêm quan điểm này. Song các nhà giải mã không bao giờ được cho biết các chi tiết của chiến dịch hay được biết những thông tin giải mã của họ đã được sử dụng như thế nào. Chẳng hạn, các nhà giải mã không hề được cho biết thông tin nào về ngày D và họ đã lập kế hoạch tổ chức một buổi khiêu vũ vào ngay buổi tối hôm trước cuộc đổ bộ. Điều này khiến viên chỉ huy Travis, Giám đốc Bletchley và là người duy nhất ở đó biết được tin cơ mật về ngày D, lo lắng. Ông ta không thể yêu cầu Ban Khiêu vũ của Nhà số 6 hủy bỏ sự kiện này vì điều đó sẽ chẳng khác gì một gợi ý rõ ràng rằng một cuộc tấn công lớn đang tới gần và như vậy là vi phạm quy tắc an ninh. Buổi khiêu vũ vẫn được phép tiến hành. Tình cờ, do thời tiết xấu, nên cuộc đổ bộ đã bị hoãn lại 24 giờ, nhờ đó mà các nhà giải mã đã có đủ thời gian để lại sức sau cuộc vui thâu đêm. Vào ngày đổ bộ, quân kháng chiến Pháp đã phá hủy phương tiện viễn thông trên đất liền, buộc quân Đức phải liên lạc bằng vô tuyến, điều này đã giúp cho Bletchley có cơ hội để chặn bắt và giải mã thêm nhiều thông tin hơn. Vào thời điểm có tính bước ngoặt này của cuộc chiến, Bletchley đã có thể cung cấp một bức tranh còn chi tiết hơn nữa về các chiến dịch quân sự của Đức.

        Stuart Milner-Barry, một trong số các nhà giải mã của Nhà số 6 đã viết: “Tôi không thể tưởng tượng được là có cuộc chiến tranh nào từ thời xưa lại diễn ra mà trong đó một phía đọc được đều đặn các tin tình báo hải quân và lục quân của phía bên kia”. Một báo cáo của Mỹ cũng có kết luận tương tự: “Ultra đã tạo ra trong các bộ tham mưu cao cấp và tại thời điểm cao trào về chính trị, một trạng thái tinh thần có thể làm thay đổi việc ra quyết định. Cảm giác đi guốc vào bụng kẻ thù thật là một cảm giác vô cùng thoải mái. Nó tăng dần theo thời gian một cách khó có thể cảm nhận được khi bạn quan sát một cách đều đặn và đầy đủ những suy nghĩ, cách thức, thói quen và hành động của đối phương. Biết như vậy sẽ khiến kế hoạch của bạn ít do dự hơn và chắc chắn hơn, ít đau khổ hơn và vui vẻ hơn.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2020, 05:31:57 am »

   
        Mặc dù còn gây tranh cãi, nhưng người ta vẫn nhất trí cho rằng, những thành tựu của Bletchley là nhân tố quyết định trong chiến thắng của quân Đồng minh. Chí ít thì các nhà giải mã ở Bletchley đã làm rút ngắn đáng kể cuộc chiến tranh. Điều này sẽ trở nên rõ ràng nếu ta quay trở lại Trận chiến Đại Tây dương và thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu không có những tin tức tình báo Ultra. Bắt đầu là việc nhiều tàu và quân nhu bị mất bởi sự thống trị của những hạm đội tàu ngầm Đức, điều này sẽ làm tổn hại đến mối liên kết sống còn với Mỹ và buộc quân Đồng minh phải huy động nhân lực và nguồn lực vào việc đóng mới tàu. Các nhà lịch sử đã ước tính rằng điều này sẽ trì hoãn các kế hoạch của quân Đồng minh tới vài tháng, và điều này cũng đồng nghĩa với việc lui lại cuộc tấn công vào ngày D ít nhất là cho đến năm sau. Theo Ngài Harry Hinsley, “chiến tranh, thay vì kết thúc vào năm 1945, sẽ phải kết thúc vào năm 1948 nếu Trường Mật mã của Chính phủ không thể đọc được mật mã Enigma và cung cấp các tin tức tình báo Ultra.”

        Trong thời gian trì hoãn này, không thể tránh khỏi sẽ có thêm nhiều người bị thiệt mạng ở châu Âu và Hitler sẽ có thể sẽ sử dụng mạnh hơn vũ khí V, gây thêm thiệt hại trên khắp miền nam nước Anh. Nhà sử học David Kahn đã tóm tắt lại ảnh hưởng của việc giải mã Enigma như sau: “Nó đã cứu nhiều mạng sống. Không chỉ là người Nga và quân Đồng minh mà, nhờ rút ngắn cuộc chiến tranh, cả mạng sống của những người Đức, Italia và Nhật Bản. Một số người sống sót sau Thế chiến Thứ hai này có thể không phải trực tiếp nhưng cũng là nhờ có những giải mã đó. Đây là một món nợ mà cả thế giới phải mang ơn các nhà giải mã; đó là giá trị nhân bản tột bực của chiến thắng của họ”.

        Sau chiến tranh, thành công của Bletchley vẫn còn là một điều bí mật được bảo vệ chặt chẽ. Nhờ có những bức thư được giải mã thành công trong chiến tranh, nước Anh vẫn muốn tiếp tục các chiến dịch tình báo và do dự không muốn tiết lộ những khả năng của mình. Trong thực tế, Anh đã bắt được hàng ngàn máy Enigma và phân phối chúng cho các thuộc địa trước đây của mình, nơi vẫn tin rằng chúng là mật mã an toàn như người Đức vẫn tưởng. Người Anh không làm gì để ngừng lợi dụng lòng tin của họ và vẫn đều đặn giải mã những thông tin liên lạc mật của họ trong nhiều năm sau đó.

        Trong khi đó, Trường Mật mã của Chính phủ ở Bletchley Park đã đóng cửa và hàng ngàn đàn ông và phụ nữ, những người đã góp phần tạo nên Ultra, đã bị giải tán. Các máy bom bị tháo dỡ và mọi giấy tờ có liên quan đến việc giải mã trong thời kỳ chiến tranh hoặc là được cất giấu hoặc bị đốt hết. Các hoạt động giải mã của Anh chính thức được chuyển sang cho Tổng hành dinh Thông tin Liên lạc của Chính phủ (GCHQ) mới được thành lập ở London và chuyển trụ sở đến Cheltenham vào năm 1952. Mặc dù một số nhà giải mã cũng chuyển sang GCHQ song hầu hết đều trở về cuộc sống dân sự. Họ phải thề giữ bí mật, không được tiết lộ về vai trò then chốt của họ trong những nỗ lực của quân Đồng minh thời chiến. Trong khi những người chiến đấu trên mặt trận bình thường khác đều có thể nói về những chiến công của mình thì những người chiến đấu trên mặt trận trí óc không hề ít quan trọng hơn lại phải chịu đựng sự lúng túng khi phải thoái thác những câu hỏi về hoạt động của họ trong chiến tranh. Gordon Welchman kể lại chuyện một trong những nhà giải mã trẻ cùng làm việc với ông ở Nhà số 6 đã nhận được một bức thư mỉa mai cay độc từ ông hiệu trưởng cũ, buộc tội ông là nỗi nhục nhã của nhà trường vì đã không dám ra mặt trận. Derek Taunt, người cũng làm việc ở Nhà số 6, đã tóm tắt lại những đóng góp thật sự của ông với đồng nghiệp: “Nhóm làm việc hạnh phúc của chúng tôi có thể đã không cùng với King Harry có mặt vào Ngày Thánh Crispin, nhưng chúng tôi chắc chắn đã không rúc trong chăn và không có lý do gì để phải tự nguyền rủa những gì đã diễn ra nơi mà chúng tôi đã ở”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2020, 05:33:22 am »


        Sau ba thập kỷ im lặng, bí mật về Bletchley Park cũng dần đi đến hồi kết vào đầu những năm 1970. Đại úy F.w. Winterbotham, người chịu trách nhiệm phân phối các tin tức tình báo Ultra, bắt đầu kiến nghị với Chính phủ Anh, với lý lẽ rằng hiện các quốc gia trong Khối Thịnh vượng chung đã ngừng sử dụng mật mã Enigma và rằng lúc này cũng sẽ chẳng thiệt hại gì nếu thừa nhận thực tế rằng người Anh đã từng hóa giải được nó. Các cơ quan tình báo chấp thuận một cách e ngại, nhưng vẫn cho phép ông viết một cuốn sách về những công việc đã làm tại Bletchley Park. Được xuất bản vào mùa hè năm 1974, cuốn sách của Winterbotham có tên Bí mật Ultra chính là tín hiệu để các cá nhân của Bletchley cuối cùng đã được tự do lên tiếng về những hoạt động của họ trong chiến tranh. Gordon Welchman cảm thấy cực kỳ nhẹ nhõm: “Sau chiến tranh, tôi vẫn tránh nói đến những sự kiện trong chiến tranh vì sợ rằng tôi có thể tiết lộ những thông tin có được từ Ultra chứ không phải là từ sự tường thuật nào đó đã được công bố... Tôi cảm thấy bước ngoặt này đã giải phóng tôi khỏi những cam kết giữ bí mật của mình thời chiến tranh”.

        Những người đã đóng góp quá nhiều cho những nỗ lực trong chiến tranh giờ đã có thể nhận được sự chú ý mà họ đáng được hưởng. Có lẽ kết quả đáng kể nhất của các tiết lộ của Winterbotham đó là Rejewski đã biết được những kết quả đáng ngạc nhiên của những thành tựu chống lại Enigma trước chiến tranh của mình. Sau khi Ba Lan bị xâm chiếm, Rejewski trốn sang Pháp và khi Pháp bị chiếm đóng thì ông lại bay sang Anh. Theo lẽ tự nhiên thì lẽ ra ông phải được góp phần vào nỗ lực giải mã Enigma của Anh, nhưng thay vì thế, ông lại bị giáng xuống làm công việc giải mã tầm thường ở một đơn vị tình báo nhỏ ở Boxmoor, gần Hemel Hempstead. Không rõ tại sao một trí tuệ sáng chói như vậy lại bị loại ra khỏi Bletchley Park, nhưng cũng chính vì vậy mà ông hoàn toàn không hay biết gì về các hoạt động của Trường Mật mã của Chính phủ. Trước khi cuốn sách của Winterbotham được xuất bản, Rejewski vẫn không biết rằng những ý tưởng của ông đã mang lại cơ sở cho việc giải mã Enigma thường xuyên trong suốt cuộc chiến tranh.

        Đối với một số người thì việc xuất bản cuốn sách của Winterbotham là quá muộn. Nhiều năm sau cái chết của Alastair Denniston, giám đốc đầu tiên của Bletchley, con gái ông mới nhận được một bức thư từ một đồng nghiệp của cha mình: “Cha của cháu là một người đàn ông vĩ đại mà tất cả những người nói tiếng Anh sẽ còn phải mang ơn trong một thời gian rất dài, nếu không muốn nói là mãi mãi. Vì vậy việc rất ít người biết chính xác những gì cha cháu đã làm quả là một chuyện đáng buồn”.

        Alan Turing là một nhà giải mã khác đã sống không đủ lâu để nhận được bất kỳ sự thừa nhận nào của công chúng. Thay vì được tuyên dương là một anh hùng, ông lại bị phiền toái vì bệnh đồng tính của mình. Năm 1952, trong khi khai báo với cảnh sát về một vụ trộm, ông đã thật thà khai mình có quan hệ đồng tính. Cảnh sát đã thấy không còn lựa chọn nào khác là phải bắt và phạt ông với tội danh “có hành vi thô tục, rất không đứng đắn vi phạm Điều 11 của Đạo luật sửa đổi năm 1885 của Luật tội phạm”. Các báo đã đưa tin về phiên xét xử và kết án sau đó, và Turing đã bị làm nhục một cách công khai.

        Bí mật của Turing bị phơi bày và giới tính của ông giờ đây đã được biết đến rộng rãi. Chính phủ Anh đã rút giấy phép không cho ông được tiếp cận với các tài liệu mật và tham gia các dự án bí mật có liên quan tới sự phát triển máy tính. Ồng bị buộc phải chịu tư vấn về tâm thần và điều trị hormon, việc này đã khiến ông bị bệnh bất lực và béo phì. Suốt hai năm sau đó, ông trở nên chán nản trầm trọng và ngày 7 tháng Sáu năm 1954, ông đã lên giường với một chai dung dịch xianua và một quả táo. Hai mươi năm trước, ông đã bị ám ảnh bởi giai điệu bài hát của mụ Phù thủy Độc ác: “Nhúng quả táo vào rượu, Để cho cái chết lịm dần thấm qua”. Giờ đây ông đã sẵn sàng làm theo bùa chú của mụ ta. Ồng nhúng quả táo vào xianua và cắn một vài miếng. Mới chỉ ở tuổi 42, một trong những thiên tài thực sự của khoa học giải mã đã bị buộc phải tự tử.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2020, 05:34:27 am »


5. RÀO CẢN NGÔN NGỮ

        Trong khi những nhà giải mã người Anh hóa giải được mật mã Enigma của người Đức và làm thay đổi diễn tiến của cuộc chiến tranh ở châu Âu, thì các nhà giải mã Mỹ cũng đã có sự ảnh hưởng quan trọng không kém đối với các sự kiện trên vũ đài Thái Bình dương bằng việc phá vỡ mật mã máy của người Nhật với tên gọi là Purple (Màu tím). Chẳng hạn, vào tháng Sáu năm 1942, người Mỹ đã giải mã được một bức thư trong đó tóm tắt một kế hoạch của người Nhật nhằm kéo lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đến quần đảo Aleutian bằng một trận đánh giả, trong khi mục tiêu chính của họ là đảo Midway. Mặc dù, các tàu Mỹ giả vờ trúng kế và rời Midway, song họ đã không đi quá xa. Khi các nhà giải mã Mỹ chặn bắt được và giải mã mật lệnh tấn công Midway của Nhật, các tàu lập tức quay trở lại bảo vệ hòn đảo - đây là một trong những trận đánh quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc chiến ở Thái Bình dương. Theo Đô đốc Chester Nimitz, chiến thắng của người Mỹ ở Midway “thực chất là một chiến thắng trong lĩnh vực tình báo. Trong khi cố gắng để tạo bất ngờ thì chính người Nhật lại bị bất ngờ”.

        Gần một năm sau đó, các nhà giải mã Mỹ đã bắt và giải mã được bức thư trong đó chỉ rõ lịch trình cuộc viếng thăm bắc đảo Solomon của Đô đốc Isoruko Yamamoto, Tổng tư lệnh của Hạm đội Nhật Bản. Nimitz quyết định cử máy bay chiến đấu để chặn đánh máy bay của Yamamoto. Yamamoto, vốn nổi tiếng là một người cực kỳ đúng giờ, đã đến điểm hẹn đúng 8 giờ 00 sáng, như đã ghi trong lịch trình mà người Mỹ bắt được. Chờ đón gặp ông ta là mười tám máy bay chiến đấu P-38 của Mỹ. Họ đã thành công trong việc hạ sát một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong Bộ chỉ huy cấp cao của Nhật Bản.

        Mặc dù Purple và Enigma, mật mã của Nhật và Đức, cuối cùng đã bị phá vỡ, song chúng đã mang lại một mức độ an toàn nhất định khi mới được tạo ra và đặt ra những thách thức thực sự cho các nhà giải mã Anh và Mỹ. Trong thực tế, nếu các mật mã này được sử dụng một cách hợp lý - không lặp lại khóa mã thư, không có cilly, không có sự hạn chế trong việc cài đặt bảng ổ nối và sắp xếp các đĩa mã hóa, và không có các bức thư viết theo khuôn mẫu tạo ra các crib - thì hoàn toàn có thể là chúng sẽ chẳng bao giờ bị phá vỡ cả.

        Sức mạnh và tiềm năng thực sự của mật mã máy được minh họa bởi mật mã Typex (hay Type X) của quân đội và không lực Anh, và mật mã SIGABA (hay M-143-C) của quân đội Mỹ. Cả hai loại mật mã này đều phức tạp hơn Enigma và cả hai đều được sử dụng hợp lý, và vì vậy chúng đều không bị phá vỡ trong suốt thời kỳ chiến tranh. Các nhà tạo mã của quân Đồng minh đã tự tin rằng mật mã máy điện-cơ phức tạp có thể bảo vệ an toàn cho thông tin liên lạc của họ. Tuy nhiên, mật mã máy phức tạp không phải là cách thức gửi thư an toàn duy nhất. Thực sự thì một trong những hình thức mã hóa an toàn nhất được sử dụng trong Thế chiến Thứ hai lại là một dạng đơn giản nhất.

        Trong suốt chiến dịch Thái Bình dương, các nhà chỉ huy Mỹ bắt đầu nhận ra rằng các máy mật mã, như SIGABA, có một trở ngại cơ bản. Mặc dù máy mã hóa điện-cơ mang lại mức độ an toàn khá cao, song nó lại chậm một cách khổ sở. Bức thư được đánh vào máy từng chữ cái một, đầu ra cũng phải ghi lại từng chữ cái và văn bản mật mã hoàn thành lại phải do các điện báo viên truyền đi. Sau khi nhận được bức thư mã hóa, các điện báo viên bên nhận lại chuyển cho chuyên gia mật mã, rồi người này lại phải lựa chọn một cách thận trọng một khóa mã đúng, và đánh bản mật mã vào một máy mật mã khác để giải mã từng chữ cái một. Thời gian và không gian dành cho hoạt động tinh vi này thì không thiếu ở chỉ huy sở hay trên tàu, song mã hóa bằng máy lại hoàn toàn không thích hợp trong những điều kiện khốc liệt và cường độ cao, như trên các đảo ở Thái Bình dương. Một phóng viên chiến tranh đã mô tả những khó khăn của thông tin liên lạc trong suốt thời gian sôi động nhất của cuộc chiến: “Khi trận chiến chỉ giới hạn trong một khu vực nhỏ thì mọi thứ đều phải tiến hành dựa trên kế hoạch căn đến từng giây. Đâu có thời gian cho việc mã hóa và giải mã. Vào lúc đó thì tiếng Anh thông thường là phương sách cuối cùng - mà càng thông tục thì càng tốt”. Không may cho người Mỹ là rất nhiều lính Nhật đã học ở các trường Mỹ và thông thạo tiếng Anh, kể cả các từ tục tĩu. Do vậy mà nhiều thông tin giá trị về chiến lược và chiến thuật của Mỹ đã rơi vào tay kẻ thù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2020, 08:34:25 am »


        Một trong những người phản ứng đầu tiên đối với vấn đề này là Philip Johnston, một kỹ sư người Los Angeles, tuy đã quá già không thể tham gia chiến đấu nhưng vẫn muốn đóng góp cho đất nước. Vào đầu năm 1942, ông bắt đầu đề xuất một hệ thống mã hóa bắt nguồn từ những kinh nghiệm thuở nhỏ. Là con trai một nhà truyền giáo đạo Tin lành, Johnston đã lớn lên trong vùng đất tự trị của người Navajo ở Arizona và nhờ đó mà ông hoàn toàn thông thạo văn hóa Navajo. Là một trong số rất ít người bên ngoài bộ lạc có thể nói được ngôn ngữ của họ một cách trôi chảy, do vậy ông thường phải làm phiên dịch cho các cuộc thương thảo giữa người Navajo và các đại diện của Chính phủ. Công việc của ông dựa trên năng lực này đã đạt đến đỉnh điểm trong một lần đến Nhà Trắng, khi đó mới 9 tuổi, Johnston đã dịch cho hai người Navajo muốn kiến nghị Tổng thống Theodore Roosevelt phải đối xử bình đẳng hơn với cộng đồng của họ. Ý thức được đầy đủ thứ ngôn ngữ không thể vượt qua này đối với những người ngoài bộ lạc, Johnston đã bất ngờ nhận ra rằng tiếng Navajo, hay bất kỳ một thổ ngữ nào khác ở Mỹ, đều có thể là một loại mật mã thực sự không thể phá vỡ nổi. Nếu mỗi một tiểu đoàn ở Thái Bình dương sử dụng một cặp gồm hai người thuộc cùng một bộ tộc ở Mỹ làm điện báo viên thì có thể đảm bảo được sự an toàn của thông tin liên lạc.

        Ông trình bày ý tưởng này với Trung tá James E. Jones, người phụ trách về thông tin khu vực ở trại Elliott, ngay phía ngoài San Diego. Chỉ cần thốt ra một tràng tiếng Navajo với viên sĩ quan đang bối rối, Johnston đã thuyết phục được ông ta rằng ý tưởng này rất đáng được quan tâm một cách nghiêm túc. Hai tuần sau, Johnston trở lại với hai người Navajo, sẵn sàng tiến hành một cuộc thử nghiệm chứng minh trước sự chứng kiến của các sĩ quan hải quân cao cấp. Hai người Navajo được tách riêng ra, và một người được đưa cho sáu bức thư điển hình bằng tiếng Anh mà anh ta dịch ra tiếng Navajo và chuyển cho người kia bằng vô tuyến điện. Người nhận dịch bức thư trở lại bằng tiếng Anh, viết chúng ra giấy và đưa cho các sĩ quan để so sánh với các bức thư gốc. Trò chơi tiếng Navajo đã chứng minh là không có kẽ hở nào và các sĩ quan hải quân đã chấp thuận một kế hoạch thí điểm và lệnh cho việc tuyển mộ phải bắt đầu ngay lập tức.

        Tuy nhiên, trước khi tuyển mộ, trung tướng Jones và Philip Johnston phải quyết định liệu có nên thực hiện thử nghiệm với người Navajo hay với một bộ lạc khác. Johnston đã sử dụng người Navajo cho lần chứng minh đầu tiên vì ông có mối quan hệ cá nhân với bộ lạc này, song không nhất thiết lấy họ làm lựa chọn lý tưởng. Tiêu chí lựa chọn quan trọng nhất chỉ là vấn đề số lượng: hải quân cần tìm một bộ lạc có thể cung cấp một số lượng lớn người biết đọc, biết viết và có thể nói thạo tiếng Anh. Sự thiếu đầu tư của chính phủ đã dẫn tới tỷ lệ người biết chữ rất thấp ở hầu hết các vùng tự trị và vì vậy sự chú ý tập trung vào bốn bộ lạc lớn: Navajo, Sioux, Chippewa và Pima-Papago.

        Navajo là bộ lạc lớn nhất nhưng lại ít học nhất, trong khi người Pima- Papago có học nhất thì lại ít hơn nhiều về số lượng. Có rất ít lựa chọn giữa bốn bộ lạc này và cuối cùng thì quyết định lại dựa vào một yếu tố quan trọng khác. Theo báo cáo chính thức về ý tưởng của Johnston:

        Navajo là bộ lạc duy nhất ở Hoa Kỳ không có dính líu với các sinh viên Đức trong suốt 20 năm qua. Những người Đức này, chuyên nghiên cứu thổ âm ở các bộ lạc khác nhau dưới vỏ bọc là các sinh viên nghệ thuật, nhân chủng học,... chắc chắn đã có được những hiểu biết tốt về thổ âm của tất cả các bộ lạc ngoại trừ Navajo. Vì lý do này, Navajo là bộ lạc duy nhất đáp ứng được độ an toàn hoàn hảo cho loại công việc mà chúng ta đang xem xét. Cũng cần lưu ý rằng tất cả các bộ lạc khác cũng như tất cả những người khác đều hoàn toàn không hiểu nổi thổ âm Navajo, ngoại trừ hai mươi tám người Mỹ đã nghiên cứu về thổ âm này. Ngôn ngữ Navajo như là một mật mã đối với kẻ thù và thích hợp tuyệt vời cho thông tin liên lạc nhanh và an toàn.

        Lúc mà nước Mỹ tham gia vào Thế chiến Thứ hai thì người Navajo vẫn đang sống trong những điều kiện khắc nghiệt và bị đối xử như những người hạ đẳng. Song hội đồng bộ lạc của họ đã đóng góp cho chiến tranh và tuyên bố lòng trung thành của mình: “Không tồn tại sự tập trung các bản tính Mỹ nào thuần khiết hơn ở những Người Mỹ Đầu tiên”. Những người Navajo rất hăng hái tham gia chiến đấu, nhiều người trong số họ đã nói dối số tuổi của mình hoặc nhồi nhét hàng nải chuối và uống thật nhiều nước để có đủ số cân tối thiểu yêu cầu là 55kg. Cũng như vậy, không có gì khó khăn trong việc lựa chọn những ứng viên thích hợp làm nhiệm vụ nói mật mã Navajo khi họ đã có hiểu biết. Trong suốt bốn tháng thả bom ở Trân Châu cảng, hai mươi chín người Navajo, một số chỉ 15, 16 tuổi, đã bắt đầu quá trình liên lạc tám tuần liền với Quân đoàn Hải quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2020, 08:41:14 am »

  
        Trước khi khóa huấn luyện bắt đầu, Quân đoàn Hải quân phải khắc phục một vấn đề đã gây phương hại cho một loại mật mã duy nhất khác cũng dựa trên một phương ngữ Mỹ. Ở miền bắc nước Pháp, trong suốt Thế chiến Thứ nhất, Đại úy E. W. Horner thuộc đại đội D, trung đoàn bộ binh 141, đã ra lệnh tuyển mộ tám người thuộc bộ lạc Choctaw làm điện báo viên. Dĩ nhiên là không kẻ thù nào hiểu được ngôn ngữ của họ và vì vậy tiếng Choctaw đã mang lại những thông tin liên lạc an toàn. Tuy nhiên, hệ thống mã hóa này lại có sơ hở cơ bản vì ngôn ngữ Choctaw không có các thuật ngữ quân sự hiện đại tương đương. Vì vậy, một từ kỹ thuật nào đó trong một bức thư có thể được dịch thành một cụm từ Choctaw mơ hồ khiến cho người nhận có thể hiểu sai.

        Vấn đề tương tự cũng sẽ nảy sinh với ngôn ngữ của người Navajo, nhưng Quân đoàn Hải quân đã có kế hoạch thiết lập một danh sách các từ Navajo để thay cho các từ tiếng Anh không thể dịch được, vì vậy mà loại bỏ được bất kỳ sự mơ hồ nào. Những người được huấn luyện đã giúp đỡ cho việc soạn bảng từ này, với xu hướng chọn những từ mô tả thế giới tự nhiên để chỉ những từ ngữ quân sự cụ thể. Chẳng hạn, tên của các loài chim được sử dụng cho máy bay, và cá sử dụng cho tàu (xem Bảng 11). Sĩ quan chỉ huy được gọi là “tù trưởng chiến tranh”, trung đội thì thành “bộ lạc bùn”, công sự thì thành “đào hang” và súng cối thì gọi là “súng ngồi xổm”.

        Mặc dù bảng từ vựng hoàn chỉnh gồm 274 từ, song vẫn còn vấn đề trong việc dịch một số từ ít dự đoán được hơn cũng như tên người hoặc địa danh. Giải pháp là tạo ra một bảng chữ cái ngữ âm được mã hóa để đánh vần những từ khó. Chẳng hạn, từ “Pacific” (Đại Tây dương), sẽ được đánh vần là “pig, ant, cat, ice, fox, ice, cat” (lợn, kiến, mèo, băng, cáo, băng, mèo) và sau đó sẽ được dịch sang tiếng Navajo là bi-sodih, wol-la-chee, moasi, tkin, ma-e, tkin, moasi. Bảng chữ cái Navajo hoàn chỉnh được trình bày ở Bảng 12. Trong vòng tám tuần, các học viên nói mật mã đã học thuộc toàn bộ bảng từ vựng và bảng chữ cái, điều này đã tránh được việc phải cần đến các cuốn sổ mã dễ bị rơi vào tay kẻ thù. Đối với người Navajo, việc ghi vào bộ nhớ tất cả mọi thứ là chuyện bình thường vì ngôn ngữ của họ về truyền thống không có chữ viết. Như William McCabe, một trong những học viên, đã nói: “ở người Navajo, mọi thứ đều ở trong bộ nhớ - các bài hát, lời cầu nguyện, tất cả. Đó là cách mà chúng tôi lớn lên.”

        Bảng 11 Các từ mật mã Navajo biểu thị máy bay và tàu thủy.
        
Máy bay chiến đấu                      Chim ruổi  Da-he-tih-hi
Máy bay do thám                        Cú             Ne-as-jah
Máy bay thả ngư lôi                    Chim én     Tas-chizzie
Máy bay thả bom                        Chim ó       Jay-sho
Máy bay thả bom bổ nhào            Diếu hâu     Gini
Bom                                          Trứng         A-ye-shi
Phương tiện thủy   quân lục chiến    ếch             Chai
Tàu chiến                                   Cá voi        Lo-tso
Tàu khu trục                               Cá mập       Ca-lo
Tàu ngẩm                                   Cá sắt          Besh-lo

        Vào cuối khóa huấn luyện, những người Navajo phải làm một bài thi. Những người gửi thì dịch một loạt thư từ tiếng Anh ra tiếng Navajo, truyền chúng đi và sau đó những người nhận thì dịch trở lại tiếng Anh, sử dụng bảng từ vựng và bảng chữ cái đã được ghi nhớ khi cần thiết. Kết quả thật hoàn hảo. Để kiểm tra sức mạnh của hệ thống, một bản ghi âm các lần truyền đã được gửi đến cho Cục tình báo Hải quân, đơn vị đã hóa giải được Purple, mật mã khó nhất của Nhật Bản. Sau ba tuần giải mã cường độ cao, các nhà giải mã Hải quân vẫn bó tay trước những bản mật mã. Họ gọi ngôn ngữ Navajo là một “tràng kỳ lạ những âm thanh khàn, giọng mũi và vặn vẹo lưỡi... chúng tôi thậm chí không thể ghi lại chứ đừng nói gì đến chuyện giải mã nó”. Mật mã Navajo đã thành công. Hai chiến binh Navajo, John Benally và Johnny Manuelito, đã được giữ lại để huấn luyện những nhóm tuyển mộ tiếp theo, trong khi hai mươi bảy người khác đã được phân về bốn trung đoàn và gửi ra mặt trận Thái Bình dương.

        Bảng 12 Mã bảng chữ cái theo tiếng Navajo.

AKiến             Wol-la-chee    NHạt                         Nesh-chee
BGấu              Shush              OCú                         Ne-ahs-jsh
CMèo             Moasi              PLợn                        Bi-sodih
DHươu            Be                   QBao tên                 Ca-yeilth
ENai               Dzeh                RThỏ                        Gah
FCáo               Ma-e                SCừu                  Dibeh
GDê                Klizzie             TGà tây                   Than-zie
HNgựa       Lin                  UUte                   No-da-ih
IBăng              Tkỉn                 VNgười chiến thắng A-keh-di-glỉni
JCon lừa          Tkele-cho-gi   WChồn                    Gloe-ih
KTrè con          Klizzie-yazzi   XGạch chéo             AI-an-as-dzoh
LCừu non        Dibeh-yazzi     YCây ngọc giá        Tsah-as-zih
MChuột           Na-aS’tso-si     ZKẽm                     Besh-do-qliz

« Sửa lần cuối: 30 Tháng Năm, 2020, 09:03:17 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2020, 09:05:15 am »


        Quân lực Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng Mười hai năm 1941, và không lâu sau khi họ chiếm đirợc phần lớn phía tây Thái Bình dương, các đội quân của Nhật đã tràn tới nơi đồn trú của quân Mỹ ở Guam vào ngày 10 tháng Mười hai, họ chiếm Guadalcanal, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Solomon, vào ngày 13 tháng Mười hai, Hongkong đã đầu hàng vào ngày 25 tháng Mười hai và đội quân của Hoa Kỳ ở Phillipines cũng đầu hàng vào ngày 2 tháng Một năm 1942. Người Nhật định củng cố sự kiểm soát của mình trên vùng biển Thái Bình dương vào mùa hè năm sau bằng việc xây dựng một phi trường ở Guadalcanal dành cho máy bay ném bom, nhờ đó họ có thể chặn đứng đường tiếp tế quân nhu của quân Đồng minh, khiến cho bất kỳ sự phản công nào của quân Đồng minh cũng đều không thể thực hiện được. Đô đốc Ernest King, Chỉ huy Chiến dịch Hải quân Mỹ, đã đốc thúc một cuộc tấn công vào hòn đảo trước khi phi trường được hoàn thành và ngày 7 tháng Tám, Sư đoàn Hải quân Thứ nhất đã dẫn đầu cuộc tấn công vào Guadalcanal. Trong số những người đầu tiên đổ bộ vào đảo có cả nhóm những người nói mật mã đầu tiên để chứng kiến trận đánh.

        Mặc dù những người Navajo tự tin rằng năng lực của họ là một điềm phúc lành cho hải quân, song những nỗ lực ban đầu của họ chỉ gây nên sự lúng túng. Nhiều điện báo viên bình thường đã không biết mật mã mới này, và họ gửi những bức thư đầy hoảng loạn đi khắp hòn đảo, tuyên bố rằng Nhật Bản đã truyền tin trên các tần số của Mỹ. Viên đại tá chịu trách nhiệm việc này đã ngay lập tức cho ngừng liên lạc bằng mật mã Navajo cho đến khi ông thực sự tin rằng nó đáng để theo đuổi. Một trong những người nói mật mã nhớ lại mật mã Navajo cuối cùng cũng được sử dụng trở lại như thế nào:
         
Hình 52 Hai mươi chín người nói mật mã Navajo đầu tiên xếp hàng để chụp bức hình tốt nghiệp truyền thống.

        Viên đại tá đã có một ý tưởng. Ông nói ông sẽ giữ chúng tôi với một điều kiện: nếu tôi có thể thắng được “mật mã trắng” của ông - một thứ máy hình trụ kêu tích tắc. Cả hai chúng tôi đều gửi thư, ông thì bằng cái ống hình trụ màu trắng còn tôi thì bằng giọng nói. Cả hai chúng tôi đều nhận được thư trả lời và đua xem ai là người có thể giải mã sớm nhất. Người ta hỏi tôi: “Anh phải mất bao lâu? Hai giờ đồng hồ?” “Khoảng hơn 2 phút”, tôi trả lời. Ông ta vẫn còn tiếp tục giải mã trong khi tôi đã xong khoảng 4 phút rưỡi rồi. Tôi nói: “Thưa đại tá, khi nào thì ông sẽ vứt bỏ cái thứ hình trụ này đi?”. Ông ta không nói gì cả, chỉ châm tẩu thuốc rồi bỏ đi.

        Những người nói mật mã đã nhanh chóng chứng tỏ giá trị của họ trên chiến trường. Trong suốt thời kỳ đầu trên đảo Saipan, một tiểu đoàn hải quân đã chiếm được các vị trí mà quân Nhật nắm giữ trước đây khiến họ phải rút quân. Bất ngờ một loạt súng vang lên gần đó. Họ bị tấn công bởi chính những đồng đội Mỹ của mình vì những người này không biết họ đã đi trước một bước. Đội hải quân đã truyền qua vô tuyến điện bằng tiếng Anh giải thích về vị trí của mình, song súng vẫn tiếp tục nổ vì các đội quân Mỹ này nghi ngờ rằng đây là thư của quân Nhật giả danh để lừa họ. Chỉ khi một bức thư bằng tiếng Navajo được truyền đi thì những kẻ tấn công mới nhận ra sai lầm của mình và ngừng bắn. Một bức thư Navajo không bao giờ có thể là giả và luôn tin tưởng được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2020, 09:06:32 am »


        Danh tiếng của những người nói mật mã nhanh chóng lan truyền và vào cuối năm 1942, đã có yêu cầu thêm tám mươi ba người nữa. Navajo phải phục vụ cho tất cả sáu sư đoàn thuộc Quân đoàn Hải quân, và đôi khi còn được các lực lượng khác của Mỹ trưng dụng. Cuộc chiến về từ ngữ của họ nhanh chóng biến những người Navajo trở thành anh hùng. Những binh lính khác được lệnh phải mang vác máy vô tuyến điện và súng trường cho họ và họ thậm chí còn có lính bảo vệ riêng, một phần cũng là để bảo vệ đồng đội của họ. Có ít nhất ba trường hợp họ đã bị tưởng nhầm là quân Nhật và bị đồng đội Mỹ bắt giữ. Họ chỉ được thả ra sau khi được những đồng nghiệp của mình ở chính tiểu đoàn đó bảo lãnh.

        Sự bất khả xâm phạm của mật mã Navajo hoàn toàn là nhờ vào thực tế là Navajo thuộc họ ngôn ngữ Na-Dene, không có dây mơ rễ má gì với bất kỳ ngôn ngữ nào ở châu Á cũng như châu Âu. Chẳng hạn, động từ Navajo được chia không chỉ phụ thuộc vào chủ ngữ mà còn phụ thuộc cả vào bổ ngữ. Đuôi của động từ phụ thuộc vào loại của bổ ngữ: dài (ví dụ như ống, bút chì), thon dài và mềm dẻo (như con rắn, dây da), dạng hạt (như đường, muối), dạng bó (như rơm), nhớt (như bùn, phân) và nhiều loại khác nữa. Động từ cũng sẽ cấu thành trạng từ và thể hiện là người nói có chứng kiến sự việc mà anh ta hoặc cô ta đang nói đến, hay chỉ là tin đồn. Vì vậy, một động từ đơn có thể tương đương với cả một câu, khiến cho người nước ngoài thực sự không thể hiểu được nghĩa của nó.

        Mặc dù có sức mạnh như vậy song mật mã Navajo vẫn có hai sơ hở cơ bản. Thứ nhất, các từ không nằm trong từ vựng Navajo cũng như trong danh sách 274 từ mật mã phải được đánh vần bằng cách sử dụng bảng chữ cái đặc biệt. Điều này tốn khá nhiều thời gian, vì vậy người ta quyết định bổ sung thêm 234 từ thông thường nữa vào bảng từ vựng. Chẳng hạn, tên các quốc gia được đặt biệt hiệu Navajo: “Mũ xoay” tức là Australia, “Giới hạn bởi nước” là Anh, “Tóc tết bím” là Trung quốc, “Mũ sắt” là Đức, “Đất nổi” là Philippines,...

        Vấn đề thứ hai liên quan đến những từ mà vẫn phải đánh vần. Nếu người Nhật nghe rõ các từ này được đánh vần như thế nào thì họ sẽ biết họ có thể sử dụng phương pháp phân tích tần suất để xác định các từ Navajo biểu thị cho những chữ cái nào. Sẽ nhanh chóng nhận ra ngay là từ sử dụng thường xuyên nhất là từ dzeh, có nghĩa là elk (nai) và tức là biểu thị chữ cái e, chữ cái thông dụng nhất trong bảng chữ cái tiếng Anh. Chỉ việc đánh vần tên của đảo Guadalcanal và việc lặp lại bốn lần từ wol-lachee (ant - kiến) chính là một đầu mối lớn cho thấy từ này biểu thị chữ cái a. Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng nhiều từ thay thế (từ đồng âm) cho các chữ cái được sử dụng thường xuyên. Người ta thêm hai từ thay thế nữa cho mỗi chữ cái trong 6 chữ cái thông dụng nhất (e, t, a, o, i, n), và một từ nữa cho sáu chữ cái thông dụng nhất tiếp theo (s, h, r, d, 1, u). Chẳng hạn, chữ cái a, còn có thể được thay thế bằng từ be-la-sana (apple - táo) hay tse-nihl (axe - rìu). Sau đó, từ Guadalcanal được đánh vần chỉ bị lặp lại một lần: klỉzzỉe, shỉ-da, wol-la- chee, lha-cha-eh, be-la-sana, dibeh-yazzie, moasi, tse-nihk nesh-chee, tse- nihl, ah-jad (goat, unde, ant, dog, apple, lamb, cat, axe, nut, axe, leg - dê, bác, kiến, chó, táo, cừu non, mèo, rìu, hạt, rìu, chân).

        Vì cuộc chiến ở Thái Bình dương trở nên dữ dội, và vì người Mỹ đã tiến quân đến Okinawa từ quần đảo Solomon, nên những người nói mật mã Navajo ngày càng đóng một vai trò sống còn. Trong những ngày đầu tiên của cuộc tấn công vào Iwo Jima, hơn tám trăm bức thư Navajo đã được gửi đi, tất cả đều không có một sai sót nào. Theo Thiếu tá Howard Conner, “nếu không có những người Navajo, hải quân sẽ không bao giờ chiếm được Iwo Jima”. Sự đóng góp của những người nói mật mã Navajo lại càng đáng kể hơn nếu bạn biết rằng, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, họ thường phải đương đầu và tự vượt qua những nỗi sợ hãi sâu sắc về mặt tinh thần. Người Navajo tin rằng linh hồn của những người chết, chindi, sẽ trả thù những người sống nếu không có những nghi lễ trên xác chết. Mặt trận Thái Bình dương đặc biệt đẫm máu, với những xác chết rải rác khắp nơi trên chiến trường, và vì vậy những người nói mật mã phải tập trung hết mọi can đảm để làm việc bất chấp những chindi săn đuổi họ. Trong cuốn sách Những người nói mật mã Navajo của Doris Paul, một trong những người Navajo nhớ lại một sự việc biểu hiện điển hình cho lòng dũng cảm, sự cống hiến và tinh thần bình tĩnh của họ:

        Nếu bạn nhô cao đầu mình lên 6 inch thì bạn sẽ “đi toi” ngay, vì đạn lửa dày đặc. Và sau đó trong những giờ ít ỏi lại là một sự yên lặng chết chóc, không một chút bình yên cho cả bên ta hay bên địch. Nó đã khiến cho một người Nhật không thể chịu đựng thêm được nữa. Anh ta bật dậy và gào thét đến lạc giọng và lao về phía hào của chúng tôi, hươ lên một thanh kiếm samurai dài. Tôi nghĩ anh ta bị bắn khoảng hai mươi lăm đến bốn mươi lần trước khi ngã xuống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2020, 08:47:28 am »


        Một người bạn thân ở chung hào với tôi. Nhưng người Nhật đã cắt ngang họng anh ấy, xuyên qua dây thanh âm ở phía sau cổ. Anh ấy vẫn còn thở hổn hển ở thanh quản. Và cái âm thanh khi anh ấy cố hít thở thật là khủng khiếp. Tất nhiên là anh ấy chết. Khi bọn chó Nhật tấn công, máu nóng bắn toé lên khắp bàn tay cầm ống nghe của tôi. Tôi đã kêu cứu bằng mật mã. Họ nói rằng bất chấp những gì xảy ra, mọi âm tiết trong thư của tôi đều vẫn rất rành rọt.

        Tất cả đã có bốn trăm hai mươi người nói mật mã Navajo. Mặc dù lòng dũng cảm trong chiến đấu của họ được biết đến song vị trí đặc biệt của họ trong liên lạc bí mật thì không được phổ biến rộng rãi. Chính phủ cấm họ không được nói về nhiệm vụ của mình và sự đóng góp độc nhất vô nhị của họ không được công bố. Cũng như Turing và các nhà giải mã ở Bletchley Park, người Navajo bị lãng quên trong nhiều thập kỷ. Cuối cùng, vào năm 1968, mật mã Navajo đã được công bố và vào năm sau đó, những người nói mật mã đã có cuộc tái ngộ lần đầu tiên. Sau đó, vào năm 1982, họ đã rất vinh dự khi Chính phủ Mỹ lấy ngày 14 tháng Tám là “Ngày Quốc gia những người nói mật mã Navajo”. Tuy nhiên, sự ban thưởng lớn nhất cho công việc của những người Navajo là một thực tế đơn giản: mật mã của họ là một trong số ít những mật mã chưa bao giờ bị phá vỡ trong lịch sử. Trung tướng Seizo Arisue, cục trưởng Cục tình báo Nhật Bản, đã thừa nhận rằng, mặc dù họ đã hóa giải được mật mã của Không lực Hoa Kỳ, song lại thất bại hoàn toàn trước mật mã Navajo.

Hình 53 Hạ sĩ Henry Bake, Jr. (trái) và binh nhất George H. Kirk đang sử dụng mật mã Navajo trong khu rừng rậm ở Bougainville vào năm 1943.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM