Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:35:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật Mã - Từ cổ điển đến lượng tử  (Đọc 14458 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2020, 07:19:01 am »


        Ciliy không phải là điểm yếu của Enigma, mà chỉ là điểm yếu trong cách thức sử dụng máy. Sai lầm của con người ở trình độ cao hơn cũng gây tổn hại đến sự an toàn của mật mã Enigma. Nhưng trách nhiệm này nằm ở việc soạn thảo sổ mã, trong đó quyết định đến đĩa mã hóa nào được sử dụng mỗi ngày và vị trí của chúng. Họ cố gắng bảo đảm để sự sắp đặt đĩa mã hóa là không thể dự đoán trước được bằng cách không cho phép bất kỳ đĩa mã hóa nào được ở cùng một vị trí trong hai ngày liền. Vì vậy, nếu chúng ta đánh số các đĩa mã hóa là 1, 2, 3, 4 và 5, thì trong ngày đầu tiên, cách sắp xếp có thể là 134, ngày thứ hai có thể là 215, chứ không thể là 214, vì đĩa mã hóa số 4 không được phép ở cùng một vị trí trong hai ngày liền. Đây có vẻ như là một chiến lược khôn ngoan vì các đĩa mã hóa thay đổi vị trí một cách đều đặn, song việc bắt buộc tuân thủ một quy tắc như vậy thực sự làm cho cuộc sống của các nhà giải mã dễ chịu hơn. Việc loại trừ những sắp xếp nhất định để tránh việc một đĩa mã hóa vẫn ở vị trí cũ có nghĩa là những người soạn sổ mã giảm đi một nửa số cách sắp xếp có thể của các đĩa mã hóa. Các nhà giải mã ở Bletchley đã nhận ra điều này và tận dụng nó. Một khi họ xác định được sự sắp xếp các đĩa mã hóa ngày hôm đó thì họ có thể ngay lập tức tìm ra nửa số cách sắp xếp còn lại của ngày tiếp theo. Do vậy, lượng công việc của họ giảm đi một nửa.
       
        Tương tự, có một quy tắc nữa đó là sự cài đặt bảng ổ nối cũng không thể bao gồm việc hoán đổi giữa hai chữ cái nằm cạnh nhau, tức là S có thể được nối với bất kỳ chữ cái nào khác ngoại trừ RT. Quy tắc này buộc người ta phải chủ tâm tránh dùng một số hoán đổi, song lại một lần nữa, việc thực hiện triệt để một nguyên tắc lại làm giảm số các chìa khóa mã tiềm năng.

        Việc tìm kiếm những con đường tắt mới để giải mã này là cần thiết vì máy Enigma liên tục được cải tiến trong suốt tiến trình của cuộc chiến. Các nhà giải mã vẫn tiếp tục bị buộc phải cải tiến, thiết kế lại và nâng cấp máy bom và lập ra những chiến lược hoàn toàn mới. Một phần lý do dẫn tới thành công của họ chính là sự kết hợp lạ lùng giữa các nhà toán học, khoa học, ngôn ngữ học, các kiện tướng cờ vua và những người nghiền chơi ô chữ trong các ngôi nhà tạm. Một vấn đề nan giải có thể được chuyển quanh cho đến khi ai đó có khả năng giải quyết nó hoặc đến một ai đó có thể ít nhất giải quyết được một phần trước khi chuyển tiếp cho những người khác. Gordon Welchman, người phụ trách Nhà số 6, đã mô tả nhóm của mình như là “một bầy chó săn tìm mọi cách đánh hơi”. Có rất nhiều nhà giải mã vĩ đại và nhiều thành tựu to lớn, và sẽ phải cần đến nhiều chương mới mô tả được hết đóng góp của từng người. Tuy nhiên, nếu có một nhân vật đáng được nói riêng đến thì đó chính là Alan Turing, người đã xác định được điểm yếu lớn nhất của máy Enigma và đã tận dụng nó một cách triệt để. Nhờ có Turing mà người ta đã có thể giải được mật mã Enigma ngay cả dưới những điều kiện khó khăn nhất.

        Mẹ của Alan Turing mang thai ông vào mùa thu năm 1911 ở Chatrapur, một thị trấn gần Madras miền nam Ấn Độ, nơi cha ông, Julius Turing, là một công chức hành chính dân sự. Julius và vợ là Ethel đã quyết định sinh cậu con trai ở Anh và quay trở về London, và Alan đã ra đời vào ngày 23 tháng Bảy năm 1912. Cha ông quay lại Ấn Độ ngay sau đó và 15 tháng sau mẹ ông cũng đi theo, để Alan lại cho những người vú em và bạn bè chăm sóc cho đến khi cậu đủ lớn để có thể đi học ở trường nội trú.

        Năm 1926, ở tuổi 14, Turing vào học tại trường Sherborne ở Dorset. Học kỳ của cậu bắt đầu đồng thời với cuộc Tổng bãi công xảy ra, song Turing vẫn quyết định tới dự buổi học đầu tiên, và cậu đã một mình đạp xe trên 100km từ Southampton đến Sherborne. Chiến công này đã được đưa tin trên báo địa phương. Đến cuối năm học đầu tiên ở trường, cậu đã nổi tiếng là một học sinh nhút nhát, vụng về nhưng lại rất có năng lực trong lĩnh vực khoa học. Mục tiêu của trường Sherborne là biến học sinh của họ thành những người đàn ông có hiểu biết rộng, thích hợp để lãnh đạo Đế chế, song Turing không muốn chia sẻ tham vọng này và nói chung là cậu đã có một thời đi học không mấy vui vẻ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2020, 07:21:53 am »


        Người bạn duy nhất của cậu ở Sherborne là Christopher Morcom, người cũng giống như Turing, chỉ quan tâm đến khoa học. Họ đã cùng nhau thảo luận về những thông tin khoa học mới nhất và tự tiến hành các thí nghiệm. Mối quan hệ này đã khơi lên trong Turing sự tò mò trí tuệ, nhưng, quan trọng hơn, nó đã có một ảnh hưởng tình cảm sâu sắc đối với ông. Andrew Hodges, người viết tiểu sử của Turing, đã viết rằng “Đây là mối tình đầu... Nó mang cái cảm giác buông xuôi cho cám dỗ ấy, cùng một tri giác thăng hoa, dường như sắc màu rực rỡ đã nổ bùng ra trong một thế giới hai màu đen trắng”. Mối quan hệ của họ kéo dài trong bốn năm, nhưng Morcom dường như không nhận ra chiều sâu tình cảm mà Turing dành cho mình. Sau đó, vào năm cuối cùng của họ ở Sherborne, Turing đã vĩnh viễn mất cơ hội để nói với Morcom về tình cảm của mình. Vào thứ Năm, ngày 13 tháng Hai năm 1930, Christopher Morcom đã mất đột ngột vì bệnh lao phổi.

        Turing đã rất đau khổ vì mất đi một người duy nhất mà cậu đã thực sự yêu mến. Cách duy nhất để nguôi ngoai về cái chết của Morcom đó là tập trung vào học những môn khoa học với mong muốn thực hiện tâm nguyện của bạn mình. Morcom, dường như có năng khiếu hơn trong hai người, đã giành được một học bổng của trường Đại học Cambridge. Turing tin rằng trách nhiệm của cậu là phải giành được một vị trí ở Cambridge, và sau đó là phải tiến hành những khám phá mà lẽ ra bạn của cậu sẽ làm. Cậu xin mẹ của Christopher một bức ảnh và khi nhận được, cậu đã viết thư cảm ơn bà: “Giờ anh ấy đang ở trên bàn của cháu, động viên cháu làm việc thật chăm chỉ”.

        Năm 1931, Turing đã được nhận vào học tại trường King’s College, Cambridge. Ông đến đúng vào thời kỳ đang diễn ra những tranh cãi gay gắt về bản chất của toán học và logic, với những tiếng nói đầy uy tín của Bertrand Russell, Alfred North Whitehead và Ludwig Wittgenstein. Trung tâm của cuộc tranh cãi là vấn đề về tính không thể quyết định, một khái niệm gây tranh cãi do nhà logic học Kurt Gôdel đề xướng. Người ta luôn luôn cho rằng, ít nhất là về mặt lý thuyết, tất cả các vấn đề toán học đều có thể giải đáp được. Tuy nhiên, Gôdel đã chứng minh rằng có tồn tại một số ít các vấn đề vượt ra ngoài tầm của chứng minh logic, chúng được gọi là những vấn đề không thể quyết định được. Các nhà toán học đã bị sốc trước thông tin nói rằng toán học không phải là một môn học toàn năng như họ vẫn hằng tin như vậy. Họ toan tính bảo vệ môn học của mình bằng cách cố tìm ra một phương cách để xác định những vấn đề kỳ quặc không thể quyết định được, từ đó họ có thể an tâm gạt chúng qua một bên. Chủ đề này cuối cùng đã gợi cảm hứng cho Turing viết một bài báo có ảnh hưởng lớn nhất của ông về toán học, về những con số tính toán được, được công bố năm 1937. Trong Giải mã, một vở kịch của Hugh Whitemore nói về cuộc đời của Turing, một nhân vật đã hỏi Turing về ý nghĩa của bài báo đó. Ông trả lời, “Nó viết về đúng và sai. Nói một cách tổng quát, đây là một bài báo chuyên môn về logic toán, song nó cũng nói về sự khó khăn trong việc phân biệt đúng và sai. Mọi người -  hay đúng hơn là hầu hết mọi người - nghĩ rằng trong toán học chúng ta luôn biết rõ cái gì là đúng và cái gì là sai. Nhưng không phải như vậy. Và không còn như vậy nữa.”


Hình 47 Alan Turing.

        Trong nỗ lực nhằm xác định những vấn đề không thể quyết định được, bài báo của Turing đã mô tả một cỗ máy tưởng tượng được thiết kế để thực hiện một phép tính toán học cụ thể, hay một thuật toán. Nói cách khác, cỗ máy này có thể chạy qua một chuỗi những bước đã định sẵn để, chẳng hạn, nhân hai số với nhau. Turing đã mường tượng rằng các số sẽ được nhân với nhau có thể được nạp vào máy qua một băng giấy, giống như băng giấy đục lỗ được sử dụng để nạp âm vào một chiếc máy chơi nhạc tự động. Đáp số của phép nhân sẽ đi ra qua một băng giấy khác. Turing đã tưởng tượng ra một loạt các máy được gọi là Máy Turing, mỗi cái được thiết kế đặc biệt để thực hiện một nhiệm vụ riêng biệt, chẳng hạn như phép chia, phép khai căn hoặc lấy giai thừa. Sau đó Turing đã thực hiện một bước cơ bản hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2020, 07:23:12 am »


        Ông tưởng tượng ra một cỗ máy mà sự vận hành bên trong nó có thể thay đổi, nhờ đó, nó có thể thực hiện được tất cả các chức năng của tất cả các máy Turing. Những thay đổi sẽ được thực hiện bằng cách đưa vào những băng giấy được lựa chọn một cách thận trọng, nhờ đó có thể chuyển đổi được một cỗ máy linh hoạt duy nhất thành máy chia, máy nhân hay bất kỳ loại máy nào khác. Turing gọi thiết bị giả tưởng này là máy Turing vạn năng vì nó có khả năng giải đáp mọi câu hỏi mà về mặt logic có thể trả lời được. Thật không may, người ta đã chỉ ra rằng không phải bao giờ về mặt logic cũng có thể trả lời được câu hỏi về tính không thể quyết định được của một câu hỏi khác, và vì vậy ngay cả máy vạn năng của Turing cũng không thể xác định được tất cả các câu hỏi không thể quyết định được.

        Sau khi đọc bài báo của Turing, các nhà toán học đã thất vọng rằng con quái vật của Gôdel đã không bị thuần phục nhưng, như là một niềm an ủi, Turing lại mang đến cho họ một bản thiết kế chi tiết của chiếc máy tính hiện đại có thể lập trình được. Turing đã biết đến công trình của Babbage và máy Turing vạn năng có thể xem như một sự hồi sinh của Máy Sai phân số 2. Trong thực tế, Turing đã tiến xa hơn nhiều, ông đã mang lại cho sự tính toán một cơ sở lý thuyết chắc chắn, làm cho máy tính đó có một tiềm năng không thể tưởng tượng được cho đến nay. Đó mới chỉ là vào những năm 1930 và công nghệ vẫn chưa tồn tại để biến máy Turing vạn năng trở thành hiện thực. Song, Turing không hề thất vọng vì lý thuyết của mình đã đi trước cả những gì khả thi về mặt công nghệ. Ông chỉ muốn có được sự thừa nhận từ bên trong cộng đồng toán học, những người đã thực sự tán thưởng bài báo của ông như là một trong những đột phá quan trọng nhất của thế kỷ. Lúc đó ông mới chỉ có 26 tuổi.

        Đó là một thời kỳ hạnh phúc và thành công đặc biệt đối với Turing. Trong suốt những năm 1930, ông đã liên tục được thăng tiến qua các cương vị để trở thành một thành viên của trường King’s College, ngôi nhà chung của những bộ não ưu tú nhất thế giới. Ồng đã sống cuộc đời điển hình của một giáo sư trường Cambridge, một cuộc sống kết hợp toán học thuần túy với những hoạt động bình thường hơn. Năm 1938, ông đã đi xem phim Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, trong đó có một cảnh đáng nhớ là Mụ phù thủy Độc ác nhúng quả táo vào thuốc độc. Sau đó, đồng nghiệp của ông đã nghe thấy Turing hát đi hát lại câu “Nhúng quả táo vào rượu, Để cho cái chết lịm dần thấm qua”.

        Turing đã rất yêu quý những năm ở Cambridge. Ngoài những thành công trong khoa học, ông còn được sống trong một môi trường đầy sự động viên và độ lượng. Đồng tính được chấp nhận rộng rãi trong trường đại học này và điều đó có nghĩa là ông được thoải mái trong các mối quan hệ mà không phải lo sợ có người biết và người khác nói gì. Tuy ông không có một mối quan hệ kéo dài và nghiêm túc nào, song ông dường như hài lòng với cuộc sống của mình. Sau đó, vào năm 1939, sự nghiệp khoa học của Turing đã dừng lại một cách đột ngột. Trường Mật mã của Chính phủ đã mời ông đến làm một nhà giải mã tại Bletchley và ngày 4 tháng Chín năm 1939, một ngày sau khi Neville Chamberlain tuyên bố chiến tranh với Đức, Turing đã chuyển từ khuôn viên sang trọng của trường Cambridge đến Quán trọ Crown ở Shenley Brook End.

        Mỗi ngày, ông đạp xe 5 km từ Shenley Brook End đến Bletchley Park, nơi ông dành một phần thời gian của mình góp phần vào nỗ lực giải mã thường lệ trong các nhà tạm, và một phần thời gian vào bộ phận chuyên gia, ở chỗ trước đây là hầm chứa táo, lê và mận của Ngài Herbert Leon. Bộ phận chuyên gia là nơi các nhà giải mã có những sáng kiến bất chợt về cái cách mà họ vượt qua những vấn đề mới, hay dự kiến trước cách giải quyết những vấn đề có thể sẽ nảy sinh trong tương lai. Turing tập trung vào những gì sẽ xảy ra nếu quân đội Đức thay đổi hệ thống trao đổi chìa khóa mã thư của họ. Những thành công bước đầu của Bletchley dựa trên thành quả của Rejewski, tận dụng thực tế là những người điều khiển máy Enigma đã mã hóa mỗi khóa mã thư hai lần (ví dụ, nếu khóa mã thư là YGB, thì người điều khiển sẽ mã hóa YGBYGB). Sự lặp lại này là nhằm bảo đảm để người nhận không bị nhầm lẫn, nhưng nó lại tạo ra một kẽ hở trong sự an toàn của Enigma. Các nhà giải mã Anh đoán rằng nó sẽ không kéo dài trước khi người Đức nhận ra rằng khóa mã lặp lại đã làm tổn hại đến mật mã Enigma, lúc đó những người điều khiển Enigma sẽ được chỉ thị không được lặp lại và do đó sẽ vô hiệu hóa kỹ thuật giải mã hiện tại của Bletchley. Nhiệm vụ của Turing chính là tìm ra một cách khác để tấn công Enigma, một cách mà nó không phụ thuộc vào khóa mã thư lặp lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2020, 06:44:32 am »


        Vài tuần trôi qua, Turing nhận thấy Bletchley đã tích tụ được một thư viện với khối lượng cực lớn các bức thư được giải mã, và ông thấy rằng rất nhiều trong số đó đều tuân theo một cấu trúc chặt chẽ. Bằng cách nghiên cứu những bức thư đã được giải mã cũ, ông tin ràng đôi khi có thể dự đoán được một phần nội dung của một bức thư chưa được giải mã, dựa trên dữ liệu khi nào nó được gửi đến và gửi đến từ đâu. Chẳng hạn, kinh nghiệm cho thấy người Đức gửi một báo cáo thời tiết được mã hóa đều đặn ngay sau 6 giờ sáng mỗi ngày. Vì vậy, một bức thư mã hóa chặn bắt được vào lúc 6h05 sáng sẽ gần như chắc chắn có từ wetter, tiếng Đức có nghĩa là “thời tiết”. Thủ tục nghiêm ngặt được sử dụng bởi bất kỳ một tổ chức quân đội nào có nghĩa là những bức thư kiểu này bao giờ cũng được viết theo một khuôn mẫu nhất định, do vậy Turing có thể tự tin chỉ ra vị trí của từ wetter trong các bức thư được mã hóa. Chẳng hạn, kinh nghiệm cho ông biết rằng sáu chữ cái đầu tiên của một đoạn mật mã cụ thể nào đó sẽ tương ứng với từ wetter trong văn bản thường. Khi một đoạn văn bản thường có thể gắn với một đoạn văn bản mật mã, thì sự kết hợp này được gọi là một crib (nghĩa đen là bản dịch sát từng chữ).

        Turing chắc chắn rằng ông có thể tận dụng các crib này để hóa giải Enigma. Nếu ông đã có một văn bản mật mã và ông biết chắc một đoạn của nó, chẳng hạn ETJWPX, là mã hóa của wetter, thì vấn đề đặt ra là xác định cách cài đặt máy Enigma sao cho nó chuyển đổi wetter thành ETJWPX. Cách đơn giản, nhưng phi thực tế, để thực hiện việc này, đó là các nhà giải mã sử dụng một máy Enigma, đánh vào wetter và xem văn bản mật mã hiện ra có đúng không. Nếu không, nhà giải mã lại thay đổi cách cài đặt của máy, bằng cách hoán đổi các dây nối trong bảng ổ nối, và hoán đổi hoặc đổi định hướng của các đĩa mã hóa, và sau đó đánh lại wetter lần nữa. Nếu kết quả đúng vẫn chưa hiện ra, nhà giải mã sẽ lại thay đổi cách cài đặt một lần nữa, và lần nữa và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi anh ta nhận được một kết quả đúng. Vấn đề duy nhất gặp phải ở đây với cách tiếp cận thử và sai nói trên, đó là thực tế có tới 159.000.000.000.000.000.000 cách cài đặt tiềm năng cần kiểm tra, do vậy việc tìm ra cách cài đặt chuyển đổi wetter thành ETJWPX dường như là một nhiệm vụ bất khả thi.

        Để đơn giản hóa vấn đề này, Turing đã thử làm theo chiến lược gỡ riêng các cách cài đặt ra của Rejewski. Ông muốn tách riêng việc tìm các cách sắp đặt các đĩa mã hóa (tức là tìm ra đĩa mã hóa nào nằm ở khe nào, và các định hướng tương ứng của chúng) và việc tìm các dây nối trong bảng ổ nối. Chẳng hạn, nếu ông có thể tìm thấy điều gì đó ở crib mà không liên quan gì đến các dây trong bảng ổ nối thì ông có thể kiểm tra được tất cả 1.054.560 khả năng kết hợp giữa các đĩa mã hóa (60 cách sắp xếp * 17.576 hướng). Khi tìm thấy cách sắp đặt đúng, ông có thể xác định được cách nối dây trong ổ nối.

        Cuối cùng, ông tập trung vào một dạng crib cụ thể, trong đó có chứa các vòng, tương tự như các vòng của Rejewski. Các vòng của Rejewski liên kết các chữ cái trong khóa mã thư lặp lại. Tuy nhiên, các vòng của Turing lại không liên quan gì đến khóa mã thư, vì ông đang làm việc dựa trên giả định rằng sớm muộn người Đức cũng sẽ dừng việc gửi các khóa mã thư lặp lại. Thay vào đó, các vòng của Turing nối các chữ cái trong văn bản thường và văn bản mật mã của một crib. Chẳng hạn, crib trong Hình 48 có chứa 1 vòng.

Hình 48 Một trong các crib của Turing, có chứa một vòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2020, 06:55:24 am »

        
        Hãy nhớ rằng các crib chỉ là dự đoán, nhưng nếu chúng ta giả sử rằng crib này là đúng thì chúng ta có thể liên kết các chữ cái W -> E, e -> T, t -> w như là các bộ phận của một vòng. Tuy chúng ta không biết sự cài đặt nào của Enigma, nhưng chúng ta có thể gọi cài đặt đầu tiên, bất kể nó là thế nào, là S. Trong cài đặt đầu tiên này, chúng ra biết rằng W được mã hóa thành E. Sau khi mã hóa xong, đĩa mã hóa thứ nhất dịch đi một vị trí, chuyển sang cài đặt S+l, và chữ cái e được mã hóa thành T. Đĩa mã hóa này lại dịch đi một vị trí nữa và mã hóa một chữ cái không phải là một bộ phận của vòng, vì vậy chúng ta bỏ qua sự mã hóa này. Đĩa mã hóa dịch đi một vị trí nữa và, một lần nữa, chúng ta đến chữ cái t là một bộ phận của vòng. Ở cài đặt S+3, chúng ta biết rằng chữ cái t được mã hóa thành W. Tóm tắt lại, chúng ta biết rằng:

        Ở cài đặt S,      Enigma mã hóa W thành E

        Ở cài đặt S+1, Enigma mã hóa e thành T

        Ở cài đặt S+3, Enigma mã hóa t thành W

        Đến lúc này thì vòng dường như chẳng gì khác hơn là một khuôn mẫu gợi sự tò mò, song Turing đã theo dõi sát sao những ngụ ý của các mối quan hệ bên trong của vòng, và thấy rằng chúng mang lại cho ông một con đường tắt rất quan trọng mà ông cần để hóa giải Enigma. Thay vì làm việc với chỉ một máy Enigma để kiểm tra mỗi cách cài đặt, Turing bắt đầu hình dung ra ba máy riêng biệt, mỗi máy thực hiện việc mã hóa một phần tử của vòng. Máy thứ nhất thử mã hóa W thành E, máy thứ hai thử mã hóa e thành T, và máy thứ ba mã hóa t thành W. Cả ba máy đều có cách cài đặt như nhau, ngoại trừ máy thứ hai có định hướng của các đĩa mã hóa dịch đi một vị trí so với máy đầu tiên, mà ở trên chúng ta đã gọi là S+l, và máy thứ ba có định hướng của các đĩa mã hóa dịch đi ba vị trí so với máy thứ nhất, mà chứng ta gọi là S+3. Sau đó, Turing đã hình dung một nhà giải mã điên cuồng, liên tục thay đổi các dây trong bảng ổ nối, hoán đổi các cách sắp đặt của các đĩa mã hóa và thay đổi định hướng của chúng để có được sự mã hóa đúng. Bất cứ các dây nối được thay đổi như thế nào ở máy thứ nhất thì cũng thay đổi như thế trong hai máy còn lại. Bất cứ sự sắp xếp các đĩa mã hóa thay đổi như thế nào ở máy thứ nhất thì cũng thay đổi như thế ở hai máy còn lại. Và, điều quan trọng là, bất cứ sự định hướng của các đĩa mã hóa được cài đặt như thế nào ở máy thứ nhất thì máy thứ hai cũng như thế nhưng dịch đi một vị trí, và máy thứ ba dịch đi ba vị trí.

        Dường như Turing không thu được gì nhiều. Nhà giải mã vẫn phải kiểm tra tất cả 159.000.000.000.000.000.000 cách cài đặt tiềm năng, và, vấn đề còn tồi tệ hơn nữa là, giờ ông phải làm việc đồng thời với ba máy thay vì chỉ một. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo trong ý tưởng của Turing đã biến đổi hoàn toàn thách thức, làm cho nó đơn giản đi rất nhiều. Ông đã nghĩ đến việc nối ba máy với nhau bằng việc chạy các dây điện giữa đầu vào và đầu ra của mỗi máy, như trên Hình 49. Kết quả là vòng trong crib mắc song song với vòng của dòng điện. Turing đã hình dung các máy thay đổi cài đặt bảng ổ nối và các đĩa mã hóa, như mô tả ở trên, nhưng chỉ khi tất cả các cài đặt là đúng ở tất cả ba máy thì dòng điện mới xuất hiện, cho phép dòng điện chạy qua tất cả ba máy. Nếu Turing lắp thêm vào mạch một bóng đèn thì dòng điện sẽ làm bóng đèn sáng, báo hiệu các cài đặt đúng đã được tìm thấy. Lúc này, cả ba máy vẫn phải kiểm tra 159.000.000.000.000.000.000 khả năng cài đặt để làm sáng bóng đèn. Tuy nhiên, tất cả những gì đã làm cho tới đây chỉ là một bước chuẩn bị cho sự nhảy vọt logic cuối cùng của Turing, và điều này sẽ làm cho nhiệm vụ đơn giản đi hàng trăm triệu triệu lần trong một cuộc đột kích quyết liệt.

        Turing đã tạo mạch điện theo cách làm vô hiệu hóa ảnh hưởng của bảng ổ nối, nhờ đó cho phép ông bỏ qua hàng tỉ cách cài đặt trong bảng ổ nối. Hình 49 cho thấy máy Enigma đầu tiên có dòng điện đi vào qua các đĩa mã hóa và đi ra ở các chữ cái chưa biết, mà chúng ta gọi là L1. Dòng điện sau đó chạy qua bảng ổ nối, và bảng này sẽ làm biến đổi L1 thành E. Chữ cái E này được nối với chữ cái e trong máy Enigma thứ hai bằng một dây dẫn, và khi dòng điện chạy qua bảng ổ nối thứ hai thì nó được chuyển đổi trở lại thành L1. Nói cách khác, hai bảng ổ nối tự triệt tiêu lẫn nhau. Tương tự như vậy, dòng điện chạy ra từ các đĩa mã hóa ở máy Enigma thứ hai sẽ đi vào bảng ổ nối qua L2 trước khi bị chuyển đổi thành T. Chữ cái T này được nối qua một dây dẫn với chữ cái t trong máy Enigma thứ ba, và khi dòng điện chạy qua bảng ổ nối thứ ba thì nó sẽ được chuyển đổi trở lại thành L2. Tóm lại, các bảng ổ nối triệt tiêu lẫn nhau trong cả mạch điện, nhờ đó Turing có thể hoàn toàn bỏ qua chúng.

Hình 49 Vòng trong crib có thể được mắc song song với một vòng dòng điện. Ba máy Enigma được cài đặt giống nhau, ngoại trừ việc máy thứ hai có đĩa mã hóa thứ nhất dịch đi một vị trí (cài đặt S+1), và máy thứ ba có đĩa mã hóa dịch đi hai vị trí nữa (cài đặt S+3). Đầu ra của mỗi máy Enigma được nối với đầu vào của chiếc máy cạnh nó. Ba tập hợp các đĩa mã hóa phối hợp thống nhất với nhau cho đến khi mạch điện khép kín và đèn sáng. Lúc đó, cài đặt đúng đã được tìm thấy. Trong hình vẽ trên, mạch điện đã khép kín, tương ứng với cài đặt đúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2020, 07:01:11 am »


        Turing chỉ cần nối đầu ra của tập hợp các đĩa mã hóa thứ nhất, L1, trực tiếp với đầu vào của tập hợp các đĩa mã hóa thứ hai, cũng là L1 và cứ tiếp tục như vậy. Thật không may là ông không biết giá trị của L1? nên ông phải nối tất cả 26 đầu ra của tập hợp các đĩa mã hóa thứ nhất với 26 đầu vào tương ứng của tập hợp các đĩa mã hóa thứ hai và cứ như vậy. Kết quả là, có 26 mạch điện kín và mỗi mạch đều có một bóng điện để báo hiệu một vòng khép kín của dòng điện. Ba tập hợp các đĩa mã hóa khi đó có thể kiểm tra được 17.576 định hướng, với tập hợp thứ hai các đĩa mã hóa luôn dịch đi một bước về phía trước so với tập hợp thứ nhất và tập hợp thứ ba các đĩa mã hóa dịch đi hai bước về phía trước so với tập hợp thứ hai. Cuối cùng, khi tìm được định hướng đúng của đĩa mã hóa, một trong các mạch điện sẽ được khép kín và bóng đèn sẽ sáng. Nếu các đĩa mã hóa thay đổi định hướng trong mỗi giây thì sẽ phải mất khoảng 6 giờ để kiểm tra tất cả các định hướng.

        Chỉ còn lại hai vấn đề. Thứ nhất, có thể ba máy đều chạy với sự sắp xếp các đĩa mã hóa không đúng, vì máy Enigma vận hành với chỉ ba trong số năm đĩa mã hóa sẵn có, được đặt theo bất kỳ trật tự nào, với 60 khả năng sắp xếp khác nhau. Do đó, nếu tất cả 15.576 định hướng đã được kiểm tra, và đèn không sáng thì cần thiết phải thử một cách sắp xếp khác trong số 60 cách khả dĩ, và tiếp tục thử cho đến khi mạch điện được khép kín. Nói cách khác, các nhà giải mã cần 60 bộ ba máy Enigma chạy cùng một lúc.

        Vấn đề thứ hai liên quan đến các dây nối trong bảng ổ nối, một khi sự sắp xếp các đĩa mã hóa và các định hướng đã được xác lập. Việc này thì khá đơn giản. Sử dụng một máy Enigma với sự sắp xếp các đĩa mã hóa và định hướng đĩa đúng, các nhà giải mã đánh vào văn bản mật mã và xem văn bản thường hiện ra. Nếu kết quả là tewwer thay vì wetter, thì rõ ràng là các dây trong bảng ổ nối đã nối w và t với nhau. Đánh vào các đoạn khác của văn bản mật mã sẽ phát hiện ra các hoán đổi còn lại.

        Sự kết hợp giữa crib, các vòng và các máy nối với nhau bằng dòng điện đã mang lại kết quả đáng kể trong việc giải mã, và chỉ Turing, với vốn hiểu biết độc nhất vô nhị của mình về các máy toán học, mới có thể đạt được điều đó. Những suy ngẫm của ông về máy Turing tưởng tượng với ý định dùng để giải đáp những vấn đề gay cấn về tính không quyết định được trong toán học, song chính nghiên cứu hoàn toàn có tính chất lý thuyết này lại khiến ông nảy ra ý tưởng thiết kế một cỗ máy thực dụng có thể giải được những bài toán rất hiện thực.

        Bletchley có thể kiếm được 100.000 bảng Anh để biến ý tưởng của Turing thành công cụ làm việc, cũng được mệnh danh là bom, vì về phương diện cơ khí nó cũng hao hao như máy bom của Rejewski. Mỗi máy bom của Turing đều gồm có 12 tập hợp các đĩa mã hóa Enigma được nối điện với nhau, và chính vì vậy nó có thể xử lý được những vòng chữ cái dài hơn nhiều. Một máy hoàn chỉnh có thể cao đến 2 mét, dài 2 mét và rộng 1 mét. Turing hoàn tất thiết kế vào đầu năm 1940, và việc xây dựng được giao cho nhà máy British Tabulating Machinery ở Letchworth.

        Trong khi chờ máy bom được gửi tới, Turing tiếp tục công việc hằng ngày của mình ở Bletchley. Những tin tức về đột phá của ông đã nhanh chóng lan truyền giữa những nhà giải mã cao cấp khác, và họ đều phải công nhận ông là một nhà giải mã tài năng phi thường. Theo Peter Hilton, một nhà giải mã ở Bletchley thì “Alan Turing rõ ràng là một thiên tài, song ông là một thiên tài thân thiện, dễ gần. Ồng luôn luôn sẵn sàng dành thời gian và bỏ công sức để giải thích các ý tưởng của mình; song ông không phải là một chuyên gia trong một lĩnh vực hẹp, các ý tưởng phong phú của ông bao trùm một phạm vi rộng lớn của các khoa học chính xác”.

Hình 50 Một máy bom đang hoạt động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2020, 07:06:56 am »


        Tuy nhiên, tất cả mọi thứ ở Trường Mật mã của Chính phủ đều là tối mật, nên không ai ở bên ngoài Bletchley Park biết được thành tựu to lớn của Turing. Chẳng hạn, bố mẹ ông thậm chí hoàn toàn không biết Alan là một nhà giải mã chứ đừng nói gì đến chuyện ông là một nhà giải mã hàng đầu của nước Anh. Ông đã từng nói với mẹ mình rằng ông có tham gia vào một số nghiên cứu về quân sự, nhưng ông không giải thích cụ thể. Bà chỉ thấy thất vọng là điều đó đã không làm cho cậu con trai lôi thôi của mình có một mái tóc trông tươm tất hơn. Mặc dù Bletchley được điều hành bởi quân đội, song họ cũng phải nhún nhường mà chấp nhận sự lôi thôi và lập dị của các “type giáo sư” đó. Turing hiếm khi để tâm đến việc cạo râu, móng tay của ông thì lúc nào cũng cáu bẩn và quần áo thì luộm thuộm nhăn nhúm. Không biết quân đội có chấp nhận cả bệnh đồng tính của ông hay không thì hiện thời vẫn còn chưa được biết. Jack Good, một cựu quân nhân ở Bletchley, nhận xét “Rất may là những người có thẩm quyền đã không biết rằng Turing là một người đồng tính. Nếu không có thể chúng ta đã thua trong cuộc chiến tranh”.

        Máy bom mẫu đầu tiên, có tên Victory, đã đến Bletchley vào ngày 14 tháng Ba năm 1940. Máy đã được vận hành ngay lập tức, song kết quả đầu tiên không được thỏa mãn cho lắm. Máy cho kết quả chậm hơn nhiều so với dự kiến, phải mất cả tuần mới tìm ra một chìa khóa mã. Một sự nỗ lực phối hợp đã được thực thi để làm tăng hiệu quả của bom, và mẫu thiết kế sửa đổi đã được hoàn thành vài tuần sau đó. Phải mất thêm khoảng bốn tháng nữa để chế tạo máy bom đã được nâng cấp. Cùng lúc đó, các nhà giải mã lại phải đối mặt với một tai họa mà họ đã dự đoán trước. Ngày 1 tháng Năm năm 1940, người Đức đã thay đổi phương thức trao đổi khóa mã của họ. Họ không còn lặp lại khóa mã thư nữa và vì vậy mà số lượng những bức thư được giải mã thành công đã giảm xuống nhanh chóng. Sự thiếu hụt thông tin kéo dài cho đến tận ngày 8 tháng Tám, khi máy bom mới được gửi đến. Máy được được đặt tên là Agnus Dei, hay thường gọi tắt là Agnes, đã hoàn toàn thỏa mãn mọi mong muốn của Turing.

        Trong vòng 18 tháng, đã có 15 máy bom được đưa vào vận hành, khai thác các crib, kiểm tra các cách sắp đặt các đĩa mã hóa và tìm ra các khóa mã, mỗi máy đều kêu lách cách như hàng triệu que đan. Nếu tất cả đều suôn sẻ, thì một máy bom có thể tìm ra khóa mã Enigma chỉ trong vòng một giờ. Một khi cách nối dây trong bảng ổ nối và cách sắp đặt các đĩa mã hóa (chìa khóa mã thư) đã được xác định cho một bức thư nhất định thì thật dễ dàng để tìm ra khóa mã của ngày hôm đó. Tất cả các bức thư gửi đến trong ngày đều có thể được giải mã.

        Mặc dù bom chính là một đột phá có tính chất sống còn trong giải mã, song việc giải mã vẫn chưa trở thành một thủ tục. Vẫn còn nhiều chướng ngại phải vượt qua trước khi bom có thể bắt đầu tìm kiếm khóa mã. Chẳng hạn, để vận hành bom, trước tiên phải cần có một crib. Các nhà giải mã cao cấp có thể đưa crib cho các nhà điều khiển bom, song không có gì bảo đảm rằng nhà giải mã này đã đoán đúng ý nghĩa của đoạn mật mã. Và ngay cả nếu họ đã có crib đúng thì cũng có thể nó được đặt không đúng chỗ - nhà giải mã có thể đoán rằng bức thư được mã hóa có chứa một đoạn nhất định, song lại gắn nó với đoạn mật mã không đúng. Tuy nhiên, có một mẹo đơn giản để kiểm tra liệu một crib có được đặt đúng chỗ hay không.

        Trong crib dưới đây, nhà giải mã chắc chắn rằng đoạn văn bản thường là đúng, nhưng ông ta còn chưa chắc chắn mình đã khớp nó với các chữ cái đúng trong văn bản mật mã hay không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2020, 07:35:25 am »


        Một trong những đặc điểm của máy Enigma, đó là nó không thể mã hóa một chữ cái thành chính nó, đây là một kết quả của đĩa phản xạ. Chữ cái a không bao giờ được mã hóa thành A, chữ cái b không bao giờ mã hóa thành B, v.v... Chính vì vậy crib cụ thể ở trên đã được ghép không đúng, vì chữ cái e đầu tiên của từ wetter lại ứng với chữ cái E trong đoạn mật mã. Để tìm ra sự tương ứng đúng, chúng ta chỉ cần đơn giản cho trượt đoạn văn bản thường và đoạn mật mã đối với nhau cho đến khi không còn chữ cái nào cặp với chính nó nữa. Nếu chúng ta dịch đoạn văn bản thường đi một vị trí sang bên trái thì sự khớp vẫn sai vì lúc này, chữ cái s đầu tiên trong từ sechs lại cặp với chữ cái S trong đoạn mật mã. Tuy nhiên, nếu chúng ta dịch đi một vị trí sang bên phải thì không có sự vi phạm nào. Vì vậy, crib đã chắc chắn là ở đúng vị trí, và đã có thể được sử dụng làm cơ sở để giải mã bằng bom.

        Tin tức tình báo thu thập được ở Bletchley chỉ được chuyển cho những nhân vật quân sự cấp cao nhất và những thành viên được lựa chọn từ nội các chiến tranh. Winston Churchill đã ý thức được một cách đầy đủ về tầm quan trọng của việc giải mã ở Bletchley và vào ngày 6 tháng Chín năm 1941, ông đã đến thăm các nhà giải mã. Trong cuộc gặp với một số nhà giải mã, ông đã rất ngạc nhiên trước một tập hợp kỳ quặc những người đã cung cấp cho ông những thông tin có giá trị đến như vậy; ngoài các nhà toán học và ngôn ngữ học, còn có một chuyên gia về gốm, một người phụ trách về bảo tàng đến từ Bảo tàng Praha, một kiện tướng cờ vua người Anh và rất nhiều các chuyên gia về bài bridge. Churchill đã thì thầm với Ngài Stewart Menzies, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh: “Tôi đã yêu cầu ông phải dùng mọi phương cách, nhưng tôi thật không ngờ là ông lại tuân lệnh tôi một cách giáo điều như vậy”. Tuy nhận xét như thế, song ông vẫn rất thích thú với nhóm người này và gọi họ là “những con ngỗng đẻ trứng vàng và không bao giờ kêu quạc quạc”.

        Chuyến viếng thăm này là nhằm khích lệ tinh thần của các nhà giải mã bằng việc chứng tỏ cho họ thấy công việc của họ được coi trọng ở cấp cao nhất. Điều này cũng đã mang lại cho Turing và các đồng nghiệp của ông sự tự tin để có thể tiếp xúc trực tiếp với Churchill khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Để tận dụng các máy bom, Turing cần thêm nhiều nhân viên, song yêu cầu của ông đã bị viên chỉ huy Edward Travis, người mới được bổ nhiệm làm Giám đốc của Bletchley, chặn lại vì y cảm thấy không có lý do gì phải tuyển thêm người nữa. Vào ngày 21 tháng Mười năm 1941, các nhà giải mã không chịu phục tùng đã lờ Travis đi và viết thư thẳng cho Churchill.

        Thưa ngài Thủ tướng,

        Vài tuần trước Ngài đã cho chúng tôi hân hạnh được đón Ngài tới thăm và chúng tôi tin rằng Ngài coi trọng công việc của chúng tôi. Như Ngài đã biết, phần lớn nhờ vào năng lực và tầm nhìn xa của ngài chỉ huy Travis mà chúng tôi đã được cung cấp đầy đủ các máy bom để giải mật mã Enigma của người Đức. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Ngài cũng nên biết là công việc này cần phải được ủng hộ và trong một số trường hợp đã không được hoàn thành, cơ bản là vì chúng tôi không có đủ số lượng nhân viên cần thiết để làm việc. Lý do chúng tôi viết thư trực tiếp cho Ngài là vì trong nhiều tháng, chúng tôi đã làm đủ mọi thủ tục theo các kênh thông thường, nhưng chúng tôi đã hết hy vọng sớm có bất kỳ sự cải thiện nào nếu không có sự can thiệp của Ngài...


Những kẻ tôi tớ tận tụy của Ngài,       

A.M. Turing W.G. Welchman C.H.O’D. Alexander p.s. Milner-Barry       

        Churchill đã không do dự đáp lại họ. Ông ngay lập tức đã cho viết một bản ghi nhớ cho viên chánh văn phòng của mình:

        THỰC HIỆN NGAY TRONG HÔM NAY

        Hãy đảm bảo rằng họ sẽ có tất cả những gì họ muốn với sự ưu tiên tối đa và báo cáo lại tôi khi việc này hoàn thành.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2020, 07:37:17 am »


        Nhờ vậy mà không còn rào cản nào nữa đối với việc tuyển thêm người hay mua thêm vật tư. Cho đến cuối năm 1942, đã có 49 máy bom và một trạm bom mới đã được khai trương ở Gayhurst Manor, ngay phía bắc của Bletchley. Như là một phần của công việc tuyển mộ, Trường Mật mã của Chính phủ đã cho đăng một bức thư trên tờ Daily Telegraph. Họ đã đưa ra một thử thách nặc danh cho người đọc, yêu cầu bất kỳ ai có thể giải được ô chữ của tờ báo (Hình 51) trong vòng 12 phút. Người ta cho rằng những chuyên gia về ô chữ cũng có thể là một nhà giải mã tốt, bổ sung vào những bộ não khoa học hiện có tại Bletchley, song tất nhiên điều này không được đề cập trên báo. Hai mươi lăm người đọc có lời giải đã được mời đến phố Fleet để thực hiện một bài kiểm tra về ô chữ. Năm người trong số họ đã hoàn thành ô chữ trong thời gian quy định và một người chỉ còn lại một từ khi 12 phút đã trôi qua. Một tuần sau, cả sáu người đã được cơ quan tình báo quân sự phỏng vấn và được tuyển mộ làm nhà giải mã tại Bletchley Park.

Hình 51 Ô chữ trên tờ Daily Telegraph được sử dụng làm bài kiểm tra để tuyển thêm các nhà giải mã mới. (phần giải đáp ở Phụ Lục H).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2020, 07:38:11 am »

   
        ĐÁNH CẮP SỔ MÃ

        Đến lúc này, xa lộ Enigma được coi như là một hệ thống thông tin liên lạc khổng lồ, song trong thực tế cũng còn có một vài mạng lưới khác. Chẳng hạn, Quân đội Đức ở Bắc Phi đã có một hệ thống riêng của họ, và những người điều khiển Enigma đã có những cuốn sổ mã khác với sổ mã được sử dụng ở châu Âu. Vì vậy, nếu Bletchley đã thành công trong việc xác định khóa mã ngày của Bắc Phi thì nó có thể được sử dụng để giải mã tất cả các thư từ của người Đức gửi từ Bắc Phi ngày hôm đó, song khóa mã ngày của Bắc Phi lại không sử dụng được để giải mã những thư từ gửi đi từ châu Âu. Tương tự, Luftwaffe (Không quân) cũng có hệ thống liên lạc riêng, và vì vậy để giải mã được tất cả tin tức của Luftwaffe, Bletchley sẽ phải tìm ra khóa mã ngày của Luftwaffe.

        Một số hệ thống khó giải mã hơn hệ thống khác. Hệ thống Kriegsmarine là khó nhất trong tất cả, vì Hải quân Đức có được hệ máy Enigma phức tạp hơn. Chẳng hạn, người điều khiển Enigma Hải quân được lựa chọn trong tám đĩa mã hóa chứ không phải năm, điều đó có nghĩa là số cách sắp xếp các đĩa mã hóa nhiều hơn gấp sáu lần và do vậy số khóa mã mà Bletchley phải kiểm tra cũng nhiều hơn sáu lần. Sự khác biệt nữa ở Enigma Hải quân có liên quan đến đĩa phản xạ, nó có tác dụng chuyển trở lại tín hiệu điện qua các đĩa mã hóa. Ở các máy Enigma tiêu chuẩn thì đĩa phản xạ luôn cố định ở một định hướng cụ thể, nhưng trong Enigma Hải quân thì đĩa phản xạ được đặt ở một trong 26 định hướng. Như vậy, số khóa mã tiềm năng sẽ còn tăng lên 26 lần.

        Việc giải mã Enigma Hải quân còn bị làm cho khó khăn hơn bởi những người điều khiển máy Hải quân, những người này rất thận trọng để không gửi các bức thư được viết theo khuôn mẫu, do vậy không còn các crib cho những người ở Bletchley. Hơn thế nữa, Kriegsmarine còn sử dụng một hệ thống an toàn hơn để lựa chọn và truyền đi các khóa mã thư. Bổ sung thêm đĩa mã hóa, đĩa phản xạ thay đổi, các bức thư không viết theo khuôn mẫu và một hệ thống trao đổi khóa mã thư mới, tất cả đã góp phần làm cho thông tin liên lạc của Hải quân Đức là không thể thâm nhập nổi.

        Sự thất bại của Bletchley trong việc phá vỡ Enigma Hải quân đồng nghĩa với việc Kriegsmarine dần giành lại được ưu thế trong Trận chiến Đại Tây dương. Đô đốc Karl Dônitz đã phát triển một chiến lược hai bước có hiệu quả cao cho cuộc chiến trên biển, bắt đầu bằng việc cho các tàu ngầm Đức (U-boat) rải ở mọi nơi và lùng sục khắp các vùng biển Đại Tây dương để săn tìm các đội tàu của quân Đồng minh. Ngay sau khi một tàu ngầm dò được mục tiêu, nó sẽ bắt đầu bước tiếp theo của chiến lược là gọi các tàu ngầm khác đến hiện trường. Cuộc tấn công chỉ bắt đầu khi một số lượng lớn tàu ngầm đã được tập hợp. Để cho chiến lược tấn công tổng lực này được thành công, điều quan trọng là Kriegsmarine phải có được một hệ thống liên lạc an toàn. Enigma Hải quân đã cung cấp một hệ thống như vậy và cuộc tấn công tàu ngầm đã có một ảnh hưởng khủng khiếp đến việc vận chuyển bằng đường thủy của quân Đồng minh bởi nó cung cấp một lượng lớn nhu yếu phẩm và vũ khí cho nước Anh.

        Chừng nào mà liên lạc giữa các tàu ngầm Đức còn an toàn, thì quân Đồng minh sẽ không biết được vị trí của các tàu ngầm Đức và không thể tìm ra con đường an toàn cho các đội tàu. Dường như chiến lược duy nhất của Bộ Hải quân để tìm ra vị trí của các tàu ngầm Đức, đó là nhìn vào những nơi có các tàu Anh bị đánh đắm. Trong vòng từ tháng Sáu năm 1940 đến tháng Sáu năm 1941, quân Đồng minh đã bị mất trung bình khoảng 50 tàu mỗi tháng và họ lâm vào tình trạng nguy kịch vì không thể đóng tàu mới kịp để thay thế. Bên cạnh việc số lượng tàu giảm đi quá nhanh, còn có một sự mất mát khủng khiếp về con người - 50.000 thủy thủ quân Đồng minh đã chết trong chiến tranh. Nếu những mất mát này không giảm đi nhanh chóng thì người Anh sẽ có nguy cơ thất bại trong Trận chiến Đại Tây dương, và như thế có nghĩa là thất bại trong cả cuộc chiến tranh. Churchill sau này đã viết, “Giữa dòng chảy của những sự kiện dữ dội, một sự lo ngại bao trùm đến tột cùng. Những cuộc chiến có thể thắng hoặc thua, các kế hoạch có thể thành công hoặc thất bại, lãnh thổ có thể chiếm lại hoặc bị mất, song vượt lên trên tất cả sức mạnh mà chúng tôi mang theo trong cuộc chiến tranh, hay thậm chí giữ lại mạng sống của mình, đó là phải kiểm soát đường biển và tự do ra vào các bến cảng”.

        Kinh nghiệm của người Ba Lan và trường hợp Hans-Thilo Schmidt đã dạy cho Bletchley Park một bài học là nếu những nỗ lực về trí tuệ thất bại trong việc giải mã thì cần thiết phải dựa vào hoạt động gián điệp, xâm nhập và đánh cắp để có được khóa mã của kẻ thù. Một cách ngẫu nhiên, Bletchley đã có được một thành công trước Enigma Hải quân nhờ một thủ đoạn rất thông minh của RAF (Không quân Hoàng gia - ND). Máy bay của Anh sẽ rải mìn ở một số vị trí nhất định, lừa cho các tàu thủy Đức gửi tin cảnh báo cho các đội tàu khác. Những tin cảnh báo được mã hóa bằng Enigma này chắc chắn có ghi chú bản đồ, song điều quan trọng là những ghi chú bản đồ này phía Anh đã biết nên nó có thể được sử dụng như là một crib. Nói cách khác, Bletchley biết rằng trong văn bản mật mã nhất định sẽ phải có một đoạn cụ thể nào đó chỉ tọa độ. Việc rải mìn để có crib được gọi lóng là “làm vườn”, đòi hỏi RAF phải bay những chuyến bay đặc biệt, nên điều này không thể làm một cách đều đặn được. Bletchley phải tìm một cách khác để hóa giải Enigma Hải quân.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM